Chương 9

    
ùa mưa lại đến. Gió và mưa! Mưa và gió! Gió đập ầm ầm vào cây sung tơi tả. Mưa xối ào ào như có ai cầm chĩnh trút nước. Trời Hoà Phước tối lại. Lô-cốt Hoà Phước xoá mất trong mưa. Mưa tầm tã như không bao giờ dứt. Lách tách! Tôm, tôm, tôm! Mưa gõ nhịp đều đều nghe buồn đến chảy nước mắt! Chùa Hoà Phước càng hiu quạnh. Thằng Cù Lao hay nhắc đến cha nó. Tôi cũng trông mẹ hồi cư…
Thấy mưa, ông Bảy Hoá nói:
- Ông cứ mưa! Có bao nhiêu nước cứ trút xuống. Mưa nhiều càng tốt…
Chú Năm Mùi giữa đêm ghé vào chùa, nói với ông Bảy:
- Mưa to mà hay! Mình đi đâu đố thằng địch biết được! Mưa là trời giúp!
Mưa xoá hết vết chân của cán bộ. Mưa che kín hình dáng anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, anh Bảy Hoành về hoạt động ở Hoà Phước. Mưa phủ trên sông, che kín chuyến đò qua lại. Anh Bốn Linh đến thăm những gia đình có người bị giặc giết. Ông Quý nói:
- Thằng em tôi chúng giết! Một mạng người phải đền mười mạng! Anh cho tôi mượn cây súng của tự vệ.
Cho tôi mười viên đạn.
Bà Điểu gạt nước mắt:
- Chú Năm Mùi nói giặc đến nhà đàn bà phải đánh! Anh Bảy bày tôi cách đánh giặc với.
Con đò Hoà Phước hoạt động lại. Đò chỉ đưa trong đêm. Khi mưa to, dù địch đốt pháo sáng cũng không thấy được. Thằng Cù Lao giỏi việc lèo lái, từng theo bà con đi khơi, từng gặp mưa to gió lớn, nay lái một chiếc đò qua lại con sông nhỏ hẹp, thấy chẳng khó gì! Con đò làm bằng một chiếc xuồng nhẹ hai chèo. Ban đêm, có mưa đổ đò lại đưa. Người đi đò phải ngồi bệt giữa lòng xuồng, một tay bíu chặt vào be, một tay ôm chiếc pháo tre có sẵn. Thằng Cù Lao giương buồm. Buồm chỉ nhỏ bằng chiếc chiếu. Chiếc đò trong tay thằng Cù Lao hoá linh hoạt. Nó biết tính hướng gió. Có lúc nó chống thuyền lui xuống thật xa mới cho đâm ngang. Có lúc chống thuyền lên xa mới giương buồm chạy!
Chị Ba cho biết như vậy là thằng Cù Lao đã được lên công tác ở huyện. Tôi tưởng lên công tác ở huyện là phải ngồi trên huyện. Ai ngờ, nó đi chèo đò! Tôi cũng được lên công tác ở xã. Cụ thể là phải qua xóm Cây Thị để… nấu cơm.

°
°   °
Tôi và thằng Cù Lao về xóm Cây Thị. Xóm Cây Thị có nhiều thay đổi. Nhiều người lạ mặt kéo đến. Ban ngày thấy vắng lặng, ban đêm lại đông vui. Một vài chú ở xa đến, giọng nói trọ trẹ rất khó nghe. Có người đeo súng lục. Đeo súng lục là loại cỡ. Một thanh niên có cái ống dòm. Anh đặt ống dòm lên mắt, vừa vặn vặn vừa dòm. Anh nói với bạn bè xung quanh:
- Nó đã về kia, nó đứng trước miếu kia.
Tôi đưa mắt nhìn lên miếu chẳng thấy ai về cả.
Chị Ba chỉ cái ống dòm, nói với thằng Cù Lao:
- Cái ống thiên lí “xa soi nghìn lối” của thầy Lê Hảo kia!
Tôi được anh thanh niên cho nhìn vào ống dòm. Tôi nhìn lên miếu. Bỗng nhiên, ngôi miếu nhích lại gần, nom rõ được cả cái bậu cửa. Tôi thấy rõ một người ngồi trước cửa miếu, mồm đang nhóp nhép. Tôi cứ xin được ngắm ống dòm. Anh thanh niên biết tôi mê ống dòm, khi nhờ việc gì, anh gạ:
- Chạy mau! Về đây anh sẽ cho xem ống dòm!
Ở xóm Cây Thị, một hôm tôi rất ngạc nhiên gặp lại chú Tám. Trông chú diện quá! Áo sơ mi trắng, mũ cối mới tinh. Đầu tóc mới hớt, tóc chải ngược, trán chú hoá cao, trông oai phong hoạt bát, không còn hom hem như lúc ở chùa Hoà Phước. Chú ôm choàng chúng tôi, hỏi chúng tôi về xóm Cây Thị hôm nào, chú ở trên Miếu Đôi nên không biết.
Chú Tám xổ bọc, tìm gương tìm lược để chải tóc, tôi thấy trong xắc chú có cái ống dòm.
Tôi kêu lên:
- Ối! Cái ống dòm!
Thì ra cái ống dòm của anh thanh niên là cái ống dòm của chú Tám cho anh ấy mượn.
Thằng Cù Lao mỉm cười:
- Chú lấy ống dòm, ngồi trên hốc cây sung dòm vào lô-cốt Hoà Phước, phải chưa?
Chú Tám cười:
- Sao Cù Lao biết?
Thằng Cù Lao thú thật nó nói chặn ngọn, thế mà trúng. Chú Tám cho biết ống dòm chỉ dòm được bên ngoài lô-cốt. Muốn biết bên trong địch có súng gì, bố trí ra sao, ta phải vào nhìn tận mắt. Việc đó địch không cho phép. Nhưng ta cũng phải có mẹo.

°
°   °
Thằng Cù Lao thỉnh thoảng biến mất ở xóm Cây Thị. Có khi vài hôm nó mới quay về.
Bữa ăn, chị Ba nói:
- Thằng Cù Lao đi theo các anh trinh sát, chưa về đâu!
Nó lộn về dẫn theo một chú bộ đội đeo súng lục mặc quân phục màu xám. Chú bộ đội làm tôi ngờ ngợ, không biết chú có bà con gì với hoà thượng Kiết Ma không? Chú có má tóp, quai hàm bạnh ra, có tai vểnh giống như tai hoà thượng Kiết Ma. Nhưng đôi mắt lại khác. Mắt chú này luôn luôn mở to, vui vẻ. Không như mắt của hoà thượng lim dim như buồn ngủ. Chú này nhanh nhẹn như con thoi, hoà thượng lờ đờ như người bị đói. Chú đội một chiếc ca-lô vừa to vừa rộng bao kín cả đầu, tôi không thể biết đầu chú có trọc như đầu hoà thượng Kiết Ma hay không.
Tôi cười với thằng Cù Lao:
- Nè Cù Lao, chú bộ đội đi với mày sang quá!
- Ừ, sang quá!
- Chú tên chi?
- Vĩnh Xương.
- Chú có bà con chi với ngài Kiết Ma không?
Thằng Cù Lao mỉm cười:
- Không biết!
Tôi hỏi nhỏ:
- Có thấy được cái trốc chú không?
- Không thấy!
Chú Vĩnh Xương và thằng Cù Lao đi với nhau, cùng tâm sự xem rất ăn ý. Có lúc, chú Vĩnh Xương gọi nó là mày, xưng là tớ, thân mật như quen biết từ lâu. Chị Ba đã nói lập trường của nó kiên định, việc gì nó cũng giỏi. Nó được cấp trên tín nhiệm là phải.

°
°   °
Tôi cũng được gặp chú Vĩnh Xương. Việc đó được anh Bốn Linh tin tôi biết trước. Thằng Cù Lao đưa tôi đến gặp chú.
Chú Vĩnh Xương đón tôi bằng cái bắt tay rất chặt. Chú giở mũ ca-lô. Rõ ràng hoà thượng Kiết Ma vừa hiện ra trước mặt. Đầu tóc chú ngắn không khác đầu một ông sư. Chú cười:
- Có phải hoà thượng Kiết Ma không nào?
Tôi cười. Hai bên đã hiểu nhau. Chú Vĩnh Xương hỏi tôi có muốn học thêm các miếng vật không. Chú hứa sẽ bày cho tôi vài thế vật mới. Đó là việc sau này. Nay chú muốn hỏi tôi vài việc. Chú rút ra một tờ giấy nói rõ từng tiếng một:
- Đây là tên họ một số đồng bào ở Hoà Phước. Tất là là bảy người. Chú sẽ đọc từng tên. Trong bảy người này, người nào Cục biết mặt thì nói biết. Phải biết rất rõ, ở xa vài mươi thước cũng nhận ra được, nghe chưa?
Chú Vĩnh Xương đọc tên từng người. Người nào tôi cũng biết rõ, cũng quen. Chú Vĩnh Xương xếp giấy bỏ vào túi:
- Đây là những người tốt cả. Nhưng họ hay ra vào nhà ông Cửu Cang. Ta tin, nhưng phải đề phòng.
Chú Vĩnh Xương nhìn thẳng vào tôi:
- Công việc phải gấp. Tớ phải gặp ông Cửu Cang, nhờ ông Cửu Cang giúp ta một việc. Chỗ gặp phải an toàn. Nơi đó phải trống, phải nhìn xa được xung quanh. Từ xa, có ai đi đến là ta phải thấy trước. Anh Bốn Linh đã chọn chỗ cây duối gần đám khoai của nhà Cục. Chỗ đó là tốt nhất.
Chú Vĩnh Xương biết nhà tôi có một đám khoai ở giữa đồng. Chú nói càng rành rọt hơn:
- Ngày mai đúng lúc nửa chiều Cục ra đám khoai để làm cỏ khoai. Nhớ mang theo cái cuốc. Đám khoai đó là của Cục. Cục đến làm cỏ, chẳng ai nghi ngờ chi hết. Sẽ có một người đưa ông Cửu Cang đến chỗ cây duối. Cục vừa ngồi nhổ cỏ vừa chú ý xung quanh. Nhớ là phải ngồi. Nhưng nếu thấy có ai đi đến, Cục phaả đứng lên giả vờ hốt cỏ. Nếu có người nào trong số bảy người này đi đến, Cục phải cầm lấy cuốc giả vờ vun trồng khoai. Tóm tắt có ba dấu hiệu: ngồi, đứng và cuốc đất.
Chú Vĩnh Xương thấy tôi có vẻ xúc động, chú ngồi im một lúc mới nói tiếp:
- Đây là việc rất bình thường. Ta phải gặp người làm cho địch, nhờ họ làm cho ta vài việc, có gì lạ đâu!
Chú Vĩnh Xương bảo tôi lặp lại tên bảy người chú vừa đọc, lặp lại đến lần thứ ba những việc chú đã nói. Chú còn dặn thêm: Phải tuyệt đối giữ bí mật, phải luôn luôn bình tĩnh, phải rất đúng hẹn. Vừa rồi, chú có gặp cha tôi ở tiểu đoàn 17. Cha tôi cũng dặn tôi những điều đó. Tôi là đội viên, đây còn là công tác của đội giao cho. Chú Năm Mùi sẽ gặp tôi, dặn tôi một số việc khác.

°
°   °
Tôi theo chú Tám sang đò về ngay Hoà Phước, vào ở trong chùa. Xế hôm sau, tôi vác cuốc ra chỗ đám khoai ngồi làm cỏ đúng như chú Vĩnh Xương đã dặn. Một chốc sau thấy chú Vĩnh Xương đến. Chú mặc quân phục, áo có bốn túi, đeo quân hàm, oai phong như một vị tướng. Tôi rất ngạc nhiên. Các chú bộ đội tôi thấy không ai có quân hàm, nay thấy chú Vĩnh Xương đeo quân hàm, oai quá! Tôi nhìn ra xa, một chú bộ đội nai nịt gọn gàng đi với Cửu Cang cũng vừa đến. Chú bộ đội đến trước mặt chú Vĩnh Xương rút tay chào, như báo cáo với cấp trên đã thi hành mệnh lệnh. Chú Vĩnh Xương làm động tác cho phép rút lui. Chú quặt tay ra sau lưng nhìn thẳng ông Cửu Cang. Ông Cửu Cang đứng yên cúi đầu, hai tay vòng trước bụng. Không biết chú Vĩnh Xương đang nói gì, ông Cửu Cang thả rơi hai tay gật đầu lia lịa. Tôi liếc nhìn rồi lại nhổ cỏ. Chú Vĩnh Cương chỉ tay về phía lô-cốt Hoà Phước, ông Cửu Cang lại vòng tay, lại gật gật. Tôi nhìn khắp chung quanh. Xa xa rải rác vài người làm đồng. Chốc chốc, họ đứng lên rồi lại cúi xuống lặng im làm việc.
Ông Cửu Cang gập người chào chú Vĩnh Xương, đi về ngả xóm dưới. Chú Vĩnh Xương đi về ngả trên, biến mất sau phía chòm sung. Tôi về nhà bà Hiến. Đêm xuống được một lúc, anh Bốn Linh đến gặp tôi. Anh dắt tôi len lỏi qua nhiều xóm làng đến gặp một con đò. Qua đò xong, chúng tôi đi một lúc lâu, lại gặp một con đò khác. Qua đò xong, chúng tôi đi đến khuya về đến xóm Cây Thị.

°
°   °
Các chợ có bán đủ loại gà. Nhưng không ai bán gà trống thiến. Chị Ba phải đến hỏi các nhà giàu mới mua đuợc một cặp gà trống thiến.
Tôi ngứa ngáy, giả vờ hỏi:
- Chà, gà trống thiến! Béo quá! Ngon phải biết! Bao giờ làm thịt hở chị Ba?
Chị Ba quắc mắt:
- Mày bắt mà làm thịt! Của anh bộ đội đó!
- Anh bộ đội mua để làm chi, chị Ba?
- Để đi lễ thầy dạy học đó!
Chị Ba cười. Tôi biết không ai đi lễ thầy dạy học cả một cặp gà trống thiến. Đi lễ thầy học một gà trống choai cũng đã ít ai làm. Tôi nhớ đến chuyện gà trống thiến của hoà thượng Kiết Ma ở chùa Hoà Phước trong đêm khuya nọ: “Cặp gà trống thiến… Dâng bọn chỉ huy lô-cốt… Ta theo vào”. Chuyện gà trống thiến đêm hôm nọ ở chùa cũng chính là chuyện chị Ba sắm gà trống thiến hôm nay. Vì hoà thượng Kiết Ma không phải ai khác mà là chú Vĩnh Xương. Chính chú Vĩnh Xương đã bày ra kế dâng gà trong khuya hôm nọ. Tôi đã hiểu hết kế hoạch của chú Vĩnh Xương để điều tra bên trong cái lô-cốt. Chú Vĩnh Xương thông minh thật! Chú dùng tay sai của giặc giúp ta điều tra tình hình của giặc. Cửu Cang lấy cớ dâng gà, nhập vào bên trong lô-cốt, địch không nghi ngờ gì được.

°
°   °
Chị Ba đi vắng. Tôi chạy lên chỗ Miếu Đôi tìm thằng Cù Lao. Mấy hôm nay thằng Cù Lao hay lại qua trên đó. Quanh miếu vắng người, trong miếu lại thấy đủ cả, có anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, cả chú Tám và chú Vĩnh Xương cũng ngồi trong đó. Anh Bốn Linh bảo nhỏ tôi đi nơi khác. May có chú Vĩnh Xương ra dấu hiệu cho phép tôi ngồi lại.
Chú Năm Mùi mở bọc giấy lấy ra một áo đen đưa cho thằng Cù Lao:
- Mặc thử coi.
Thằng Cù Lao mặc áo vào. Chú Năm giúp thằng Cù Lao xóc cổ, cài khuy. Đó là một áo dài vào loại sang. Áo bằng loại sa đen gọi là sa văn minh có bông rất đẹp.
- Khăn đen đây!
Chú Năm vừa nói vừa đưa cho thằng Cù Lao một khăn đen để nó đội lên đầu. Chú Năm đưa thêm cho nó
một quần trắng có nếp là thẳng tắp.
Anh Bảy Hoành cười:
- Diện quá! Công tử Bạc Liêu không bì kịp!
Tôi cũng không ngờ áo quần làm thay đổi con người đến vậy. Thằng Cù Lao hom hem lúc bắt cá đã biến thành một vị công tử phong lưu. Nếu tôi được mặc một bộ đồ như vậy nhất định tôi phải bỏ thói thích vật, đi rông và trêu chó. Hoà thượng Kiết Ma mặc một bộ đồ như vậy nhất định không bị bọn lính ở lô-cốt đá cho một đá phải đi cà nhắc. Chú Vĩnh Xương bảo thằng Cù Lao ăn mặc như vậy mới đủ lễ nghĩa làm người đệ tử xách lồng gà đi lễ các quan lớn trong lô-cốt. Chú dặn thằng Cù Lao phải nhớ kĩ những điều chú chỉ bảo. Mọi việc đã rõ: Thằng Cù Lao được vinh dự đóng vai người đệ tử đi theo ông Cửu Cang vào điều tra bên trong lô-cốt Hoà Phước.

°
°   °
Thằng Cù Lao gặp chú Vĩnh Xương, hai người giữa khuya sang đò về Hoà Phước, mang theo bu gà thiến. Thằng Cù Lao, chú Vĩnh Xương, chú Tám, anh Bốn Linh đều vắng ở xóm Cây Thị. Xóm Cây Thị không còn như trước, nhà cửa vắng tanh. Bộ đội thường về lúc trời tối. Họ trình giấy tờ, ngủ lại một đêm. Trời chưa sáng họ đã thức dậy, đến một xóm khác ở xa trong núi, tên là Xóm Mới. Phải băng qua nhiều ngọn đồi đầy gai góc mới vào đến Xóm Mới. Ở đó chẳng thấy gì mới, chỉ thấy có một ngôi chùa cũ, trống hoác, chẳng có Phật chẳng có sư. Xung quanh Xóm Mới chẳng thấy xóm làng. Có một trạm gác đặt trước chùa. Tôi phải dừng lại ngoài trạm gác. Bộ đội sau khi trình giấy được vào thẳng trong chùa. Anh Bốn Linh, chú Năm Mùi, du kích Hoà Phước cũng thấy ra vào đó. Có cả chú Tám. Chú thấy tôi liền giơ tay ra hiệu. Thằng Cù Lao vừa thấy tôi chạy vụt ra mừng rỡ:
- Vừa mới đến hả?
- Mày làm chi đây?
- Lo nước nôi cho hội nghị.
- Hội nghị chi?
- Hội nghị… sa bàn…
Chú bộ đội đứng gác ra hiệu cho thằng Cù Lao phải quay vào, và tôi phải quay ra.
Khi có người vào Xóm Mới, chị Ba nói:
- Các anh vào trong đó nhớ mang luôn mấy thứ này.
Đó là những gạo, những mắm, những cá khô. Các chú bộ đội dồn ba lô cho nhau, xung phong khiêng gánh. Có lúc tôi đi dẫn đường. Chị Ba viết vài chữ gửi vào Xóm Mới. Xóm Mới đưa một số bộ đội ra xóm Cây Thị. Họ theo chị Ba lên Miếu Đôi, mở thùng gỗ, lấy những lựu đạn, những bộc phá, to bằng núm tay, bằng cổ chân, có cần, có râu nom dễ sợ, sẵn sàng nổ “đoàng”, biến Miếu Đôi thành mây khói. Các chú bộ đội lấy ra, đặt vào thúng gánh vào Xóm Mới như người bán gạo, bán mắm.

°
°   °
Ông Bảy Hoá và ông Kiểm Lài đột ngột hiện ra ở xóm Cây Thị. Hai ông lên Miếu Đôi nhận những thùng chông sắt. Ông Bảy nhận thêm những võng gai, xẻng nhỏ, đợi đến khuya mang về Hoà Phước. Thầy Lê Hảo, ông Bốn Rị, ông Quý cũng có ở xóm Cây Thị. Người nào cũng nhanh chân nhanh tay làm không kịp thở. Họ gặp anh Bốn Linh trao đổi chuyện riêng. Thầy Lê Hảo cùng anh Bốn Linh đi dọc bến đò dòm dòm ngó ngó. Ông Bốn Rị gặp anh Bốn Linh, vội vàng chạy ra bến đò giúp việc cất giấu những chiếc xuồng nhỏ, ông chạy lên Miếu Đôi lăng xăng giặt rửa giường chiếu, quét dọn xung quanh như sắp có lễ. Đột ngột, chị Tuyết Hạnh cũng về ở Miếu Đôi. Chị cười lém lỉnh:
- Về đây để dự giỗ tổ!
Tôi và chị Ba phải vào ngay Xóm Mới để nhận công tác mới. Đó là việc nấu ăn. Bộ đội đang tập trung, cần kiện toàn nhà bếp. Có đến năm mươi người ăn. Người nào cũng có vẻ quyết liệt, không thấy ai luyện tập ở thao trường, nhưng khi vào ăn người nào cũng toát mồ hôi. Có chú vừa nhai vừa nói nhiều chữ khó hiểu, nào là: địa điểm tập kết, đội hình, triển khai, hoả lực, tình huống, chặn viện… Chú Tám đang dự cuộc họp đến hỏi tôi về những hầm đất ở Hoà Phước. Ở Hoà Phước dọc hồ ao có những dốc đứng và những bậc đất. Dọc những nơi đó bọn chăn trâu khoét hầm chui vào ngồi chơi. Có chỗ đất trụt thành hốc. Chú Tám bảo tôi nhớ lại, và chỉ thật đúng chỗ có hốc. Chú đưa tôi đi nhìn lại mới thấy rõ ra toàn bộ Hoà Phước được thu lại trong mô hình. Nhà cửa, đình chùa, đường ngang, đường dọc của Hoà Phước hiện ra trước mặt. Cái lô-cốt cũng không thiếu! Bộ đội đang họp. Khi tôi vào, tất cả im lặng. Tôi chỉ rõ những chỗ có hầm. Các chú làm dấu ghi lại rất tỉ mỉ. Chỉ xong, tôi được “giải phóng” về lại nhà bếp. Tôi với chị Ba phải xẻ mũi để thở mới làm hết việc. Ngoài bữa ăn còn phải nấu thêm bốn nồi cơm to, làm thêm một khay muối vừng. Phải làm cơm nắm. Cả lớp phải hành quân cấp tốc. Các chú đến nhận cơm nắm lúc vừa xế. Nhưng đến lúc mặt trời lặn họ mới xuất phát. Họ chia ra từng toán, mỗi toán ra đi cách nhau vài mươi phút. Họ lướt dọc chân đồi, im lặng, vai mang súng trường, lựu đạn móc quanh lưng. Hầu hết mang xẻng sau hông. Vài người vác bộc phá. Mỗi toán khi lên khỏi dốc nhìn giống như đàn chim cất cánh bay về phía có ráng đỏ. Chú Tám, chú Vĩnh Xương và thằng Cù Lao đã đi hôm qua. Một số du kích của Hoà Phước đi ghép vào hai toán đầu. Toán cuối xuất phát lúc trời đêm trở lại im lặng.
Toán cuối cùng vừa đi xong, tôi và chị Ba được lệnh phải về ngay xóm Cây Thị. Chị Ba phải về gặp chị Tuyết Hạnh. Tôi phải ra đúng chỗ bến đò để gặp ông Bảy Hoá. Ông đang chờ tôi ở đó. Gặp để làm gì, tôi chưa cần biết, ra đến bến đò sẽ có lệnh mới.
Trăng thượng tuần bị lấp trong mưa lất phất. Dọc đường, những lùm cây lù lù cứ như muốn chụp lấy tôi và chị Ba. Chị Ba biết không có ma nhưng cứ run bần bật. Ra đến chỗ Miếu Đôi, trăng đã lặn. Bóng tối bỗng đặc lại. Tôi vấp ngã có đến mười lần mới gặp được ông Bảy Hoá. Ông Bảy đưa tôi đi dọc mé sông, gặp thầy
Lê Hảo và mấy người đang đào hố. Tôi hỏi:
- Đào hố làm chi, ông Bảy?
Ông Bảy nói như quát:
- Xẻng đây, đào cho mau! Không hỏi chi hết!
Tôi vấp phải một bó sợi bùng nhùng. Đó là những chiếc võng:
- Võng để làm chi ông Bảy?
- Im! Có lệnh phát hoả mới nói được!
Mưa lất phất. Bên kia sông, Hoà Phước vẫn im lìm và bí mật. Pháo sáng ở đồn Giao Thuỷ chỉ loi phoi. Những người đào hầm vẫn làm việc im lặng. Tôi bắt đầu buồn ngủ, mắt cứ trĩu lại, bị ngã nhoài. Có tiếng ông Bảy
Hoá xuỵt xuỵt:
- Ối! Cái thằng! Cái thằng hư quá!
Một tiếng nổ “đoàng” làm tôi bừng tỉnh. Ông Bảy reo lên:
- Lệnh phát hoả rồi!
Cái ngủ của tôi bay đâu mất! Từ chỗ lô-cốt, ánh lửa nhoáng nhoáng! Từng tràng đại liên nổ choang choác!
Lửa loá ngay trước mặt. Sấm chớp quanh lô-cốt lập loè từ bốn bên ập lại. Một ánh chớp làm sáng cả mặt sông. Một tiếng nổ như xé tan mặt đất! Tôi bị giật bắn lên. Ông Bảy bật dậy:
- Bộc phá ta nổ rồi!
Tiếng nổ tiếp theo dồn dập.
Thầy Lê Hảo reo to:
- Quân ta xung phong rồi!
Đạn đại bác từ đồn Giao Thuỷ câu xuống, từ Ái Nghĩa bắn vào. Đạn bay vèo vèo như tiếng rú ma quỷ. Những đường đạn như những rắn lửa sáng rực chồng chéo, thọc xuống bãi dâu, nổ “đoàng” lại biến mất. Moi vật đều dần trở lại im lặng. Tất cả nín thở. Dọc Hoà Phước một vài ánh lửa chạy dồn về phía lô-cốt. Lô-cốt im lìm. Có tiếng reo hò từ bên kia sông. Tiếng reo hò rõ dần. Ông Bảy ra lệnh:
- Qua đò anh em ơi! Qua đò đưa thương binh về trạm!
Ông Bảy nhảy khỏi hầm. Chúng tôi vạch bụi lôi ra một chiếc xuồng, đẩy xuồng xuống nước, chèo gấp qua sông. Trong ánh đèn chập choạng, bến Hoà Phước rộn rịp khác thường. Một toán lính giặc bị áp tải cố trèo lên một chiếc đò đã chờ sẵn. Tôi thoáng thấy anh Bảy Hoành và chú Tám cầm súng nhảy lên theo. Một chiếc cáng thương vừa ra đến bến. Có tiếng ông Kiểm Lài đang khiêng cáng hỏi to:
- Đò thương binh đâu?
- Có đây! Có đây!
Nhiều xuồng đã đến trước, đã chờ sẵn. Có tiếng thằng Cù Lao gọi tôi, nhưng rồi biến mất. Tiếng anh Bốn Linh gọi ông Bảy rất gấp đi chặn viện. Đã có ông Tư Đàm thế chân ông Bảy. Từ chỗ lô-cốt, tiếng reo hò, tiếng kêu gọi vang động khắp xóm làng. Đồng bào đang xông vào đập tan lô-cốt. Có bóng bà Bảy Đá chạy ra chạy vào chuyển vũ khí… Tôi toan nhảy lên bờ, nhưng ông Tư Đàm đã gọi lại, xuồng phải rời bến gấp. Xuồng ra đến giữa sông, trời bắt đầu sáng. Tôi quay nhìn lại Hoà Phước. Bãi sông, bến nước, cây sung hiện ra mỗi lúc càng rõ nét. Bóng dáng cái lô-cốt đã mất. Cái lô-cốt quái dị sống ở Hoà Phước được mười tám tháng. Lễ khai tử của nó như vậy vừa làm xong. Đây cũng chỉ là lễ giáo đầu, một quả đấm đầu tay vào bọn giặc, vì bà con Hoà Phước cùng đồng bào toàn quốc còn phải đánh giặc suốt hai mươi năm sau này nữa.
Tôi nhìn ra xa. Mưa tạnh! Quê nội thương yêu dần dần hiện ra rực rỡ! Sông Thu Bồn vẫn long lanh. Núi Phước Tường, dãy Cu Đê, núi Cà Tang, hòn Đền hiện lên thành một dãy dài như những anh em bá vai nhau đi về một phía. Sông với núi với bãi dâu cồn cát càng thấy rõ nét, như sít gần nhau lại.

Hết

Xem Tiếp: ----