Tập 8
HẬN THỦY ĐÔNG THỆ
HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM
Lừng lẫy oai trời Ung Chính phạt em
Hiểm gian sợ họa Hoằng Thời vu cáo

 
ét mặt Ung Chính đang xanh tái bỗng đỏ bừng, hàm răng nghiến vào nhau, ông đùng đùng bước đến trước mặt bốn vị vương gia, mặt như chàm đổ. Khí giận bốc từ đan điền, nghẹn lại trong một tiếng "hừ!". Rồi Ung Chính xoay mình, sải bước đến bên án ngự, cầm bút vẻ như định viết điều gì đó. Châu sa trong nghiên mài đậm quá, ngọn bút chưa chạm giấy thì hai giọt đỏ tươi đã nhỏ lên tấm giấy chuyên dùng ban bố minh chiếu. Có vẻ như màu châu sa rực đỏ tác động, Ung Chính hạ bút, chắp hai tay ra sau, trầm ngâm đi lại.
Trương Đình Ngọc đoán biết, Ung Chính đang cân nhắc nên xử trí mấy vị vương gia cứng đầu này thế nào đây. Họ Trương cũng rất hận bọn người Mãn kiêu ngạo này, ông muốn mượn tay hoàng đế dẹp bớt sự lộng hành của bọn chúng một phen, ông cúi đầu coi như không nhìn thấy sắc khí bệ rồng kia.
Ngạc Nhĩ Thái càng hiểu sâu sắc sự thể đang nghiêm trọng, người Mãn ở các kỳ đều bất mãn với vị hoàng đế thiên vị người Hán. Đối với sắc chỉ bắt các kỳ tự chỉnh đốn công việc, đã có vô số người Mãn họ Tây-lâm-giác-la bỏ chạy về phủ thự của mình.
Họ đưa ra một lời chất vấn thống nhất
- Hoàng thượng còn cần người Mãn bọn tôi hay không?
Hành vi của ba vị vương gia trên kim điện hôm nay, chỉ cần công văn giao đến các bộ trực thuộc là ít nhất cũng chịu án trảm giam hậu ngay.
Đừng nói là việc các kỳ chưa hề chỉnh đốn, đến cả phủ Phụng Thiên cũng bị chấn động, có khi còn ảnh hưởng tới các vị vương gia Đông Mông Cổ nữa. Mãn Mông là dân tộc bản địa, một khi đã loạn thì nhà Đại Thanh nguy ngập ngay thôi. Ngạc Nhĩ Thái trong lúc cấp thiết, cúi mình tâu:
- Hoàng thượng, nô tài có câu này xin dâng: năm Thiên Mệnh thứ sáu, Thái tổ Vũ Hoàng đế cùng các vương thắp nhang giữa trời chung nguyện rằng: "Thần linh khắp cõi chứng cho, nếu bọn con cháu có kẻ nào làm điều không thiện, xin trời diệt nó. Đừng có gia hình đau thương để báo trước sự tru diệt". Kính xin đức vạn tuế lưu ý!
- Hả?
Ung Chính dừng phắt bước chân đang sải rộng, tinh thần có vẻ ít nhiều hốt hoảng. Ông ngước nhìn lên vách điện phía tây, một bức đại tự ập vào mắt: Giới cấp dụng nhẫn (Răn khi nóng vội, hãy giữ nhẫn nhịn). Đó chính là bài minh mà hoàng đế Khang Hy viết cho Ung Chính. Những nét cau có hằn sâu trên trán.
Lát sau, thần sắc bình ơn trở lại, thở nhè nhẹ, Ung Chính dừng hồi lâu bên bức bình phong phía đông, cất tiếng:
- Các khanh biết tội chưa?
- Chúng thần... biết tội rồi
- Biết tội tồi thì trẫm không phạt tội nữa.
Hoàng đế thừa biết, không thể không tha thứ cho mấy vị vương gia chả biết trời cao đất dày là gì, có điều làm vậy ông không cam lòng, ông đành chầm chậm kín đáo thở ra, coi như trút bỏ nỗi uất giận trong tâm. Ông nói chậm rãi:
- Nói một câu nhận tội thật dễ, các ngươi lúc này chỉ là kẻ sợ phạt chứ đâu có thành thực biết tội. Trẫm trị vì thiên hạ trong lòng chỉ có hai chữ, một là hiếu, hai là thành. Xét về chữ thành, trông trời đất, thờ mẹ cha, khiến bề tôi, thăm trăm họ, ấy đều do bản tính mà ra, chẳng hề có chút nào giả dối kiêu ngạo. Đạo trị nước có phân biệt trong ngoài, trẫm đối với người thiên hạ như gió lành trăng sáng, ân huệ nhất nhất như nhau. Với người Mãn ta, lại coi như con em trong nhà, ruột rà máu mủ. Kỳ vọng càng cao, yêu cầu càng ngặt. Các ngươi hôm nay a dua làm loạn, biến thành công cụ của người ta. Vốn lòng các ngươi đâu có tin chữ thành của trẫm, chính cái ấy là bất kính vậy. Vả nữa, các ngươi coi mình thờ thiên đế đã lâu, mọi việc nhất nhất đều của người Mãn, nên bị người ta mê hoặc, mới đòi chia sẻ quyền vua. Các ngươi nên biết, tình thế thiên hạ ngày nay không giống như thiên hạ thuở khai quốc. Người Hán vốn đã đông hơn ta gấp vạn. Hoàng đế là người Mãn, quan chức các bộ các tỉnh chia ra Mãn Hán cùng nắm còn gây nên tiếng oán ngập đường, nay lại bày ra trò "Kỳ vương nghị chính" nữa sao! Giành được thiên hạ thì nhanh, chứ không thể trị yên thiên hạ ngay được, bởi tình thế đã khác rồi, các ngươi có hiểu không?
- Thần... hiểu rồi!
- Các ngươi không hiểu đâu! - Cơn giận của Ung Chính nén không nổi lại dâng trào, ông gầm lên - Nếu hiểu, các ngươi đã không nghe theo ba tên vương gia nghịch tặc ki đại náo triều đình: Bát vương nghị chính ư, hừ! Các ngươi mất khôn cả rồi!
Ung Chính buông thõng cánh tay, rồi lại nắm chặt:
- A dua ép vua, các ngươi chỉ biết kêu gào ở đây. Hôm nay, trẫm hỏi các ngươi, bát vương, bát vương là cái gì? Nói ra xem nào!
Mấy vị vương gia trên trán đã tím bầm liên tiếp dập đầu, kêu:
- Bọn thần quả thực không biết...
- Đến điều đó cũng không biết thì đòi nghị chính cái gì? Buồn cười thực! - Ung Chính giọng sắt lại - Chế độ Bát kỳ vốn đã mất từ lâu rồi, các ngươi còn mơ hồ chẳng hiểu, thế mà dám trở mặt. Hãy quỳ trước Du Hồng Đồ mà rằng: "Đây là việc đã qua đã chết, thế là tự xử rồi". Hồng Đồ, khanh hãy giảng cho bọn súc sinh này nghe đi!
- Tâu vâng!
Du Hồng Đồ khấu đầu với dáng vẻ vô cùng phóng khoáng, hấp dẫn. Hôm nay, Du là người duy nhất vô can, chỉ e quá hãnh diện khiến người ta ngờ hoặc; Du trầm ngâm một lát, dõng dạc nghiêm trang:
- Theo Bát kỳ thông trí, năm Kỷ Mùi niên hiệu Thiên Mệnh thứ 4, Thái Tổ lệnh cho Tự Hồ Lý, Nha Huy Chiếu, Khố Lý Ly, Ách Cách Tinh Cách, Hy Phúc gồm năm bề tôi giữ bản văn thề, cùng với Ca Nhĩ Ca. Năm vương bàn mưu liên kết chống quân Minh, ban đầu không phải là tám vị vương, mà gọi là Thập cố sơn chấp chính vương.
Đến năm Thiên Mệnh thứ 6, cũng là năm phát thề mà Ngạc Nhĩ Thái mới nói vừa rồi, tình hình có biến, tham dự hội thề không hề có năm Vương, cũng chẳng có các vương Ca Nhĩ Ca; mà gồm bốn vị đại Bối lặc. Đại Thiện, A Mẫn, Mông Cổ Nhĩ Thái, Hoàng Thái Cực và có cả bốn vị vương Đắc Cách Lũy, Tích Nhĩ Kháp Lang, A Cát Cách và Nhạc Thái. Đây chính là Bát vương nghị chính.
Nhưng sau này khi có việc lớn cần họp nghị chính, lại không cứ phải đủ cả tám vị. Thái Tổ có di chúc lại rằng, mỗi vị làm chủ một kỳ, như Đa Nhĩ Cổn, Đa Dịch đều không thuộc Bát vương. Ngoài ra Hòa Thạc Bối lặc cũng chỉ thỉnh thoảng có mặt. Chế độ này dù do chính tay Thái Tổ lập ra, dù có danh nghĩa, nhưng chẳng có được mấy ai chỉ rõ bát vị vương ấy là những vị nào.
Du Hồng Đồ quả là thông thuộc sử nước, đã nhiều phen dự các kỳ họp bàn quan trọng, lần thì mấy vị vương này tham chính, lần thì họ vắng mặt vì sao đó, thực ra chả có lần nào đủ tám vương gia bàn bạc. Rồi họ Du lại kể tỷ mỉ duyên do Thái Tổ giết cha con Tốc-nhĩ-cáp-xích. Thái Tổ giết Túc thân vương Hào Cách, phế bỏ cả nhà Duệ thân vương Đa Nhĩ Cổn. Họ Du suy nghĩ nhanh nhạy, nói năng hấp dẫn, miêu tả cảnh các vương chịu tội sinh động như thật trước mắt các vị thân vương. Hồng Đồ thần thái linh hoạt, phủ phục dưới đất, lời lời vang vang:
- Chính vì Bát vương nghị chính chưa bao giờ thống nhất quyền lực, nên dễ khiến kẻ bề tôi nảy sinh tà ý dòm ngó ngôi cao. Đấng tiên đế Thuận Trị khi còn tại vị đã quy tập quyền lực ba kỳ vào tay thiên tử. Đấng Khang Hy lại thống nhất các kỳ doanh, Hán quân doanh vào bộ Binh, đó là sự thống nhất quốc gia. Trong vòng 70 năm, hoàng quyền càng thống nhất, nước nhà càng thịnh trị, kỳ chủ cũng có phúc hưởng thái bình. Loạn ở ba mặt phên dậu, nhưng nơi nào quyền lực trung ương phát huy, dẫu quan có phản thì quân sẽ không phản. Chỉ duy Ni bố nhĩ vương tử ngang nhiên lấy quân làm loạn, bị thượng tướng quân Đồ Hải Chu Bông trong vòng 12 ngày đánh bại, chính người cầm quân là thuộc Bát kỳ. Nếu như Thánh Tổ tuân theo tiên tổ, các miền Bát kỳ dự vào chính sự, loạn Ngô Tam Quế khắp 11 tỉnh há có thể dễ dàng dẹp được hay sao? Dầu không có loạn ba biên thì loạn bát vương ở Tây Tấn cũng còn rành rành đó; cùng nhà mà cầm giáo đâm nhau, thiêu đốt nhau, chẳng những không được thịnh trị như ngày nay mà các vương gia cũng đâu có thể an nhàn hưởng lộc một phương, làm sao truyền cho con cháu muôn đời được!
Du Hồng Đồ nhấn mạnh từng câu, nghiêm trang sắc mặt, rõ ràng dứt khoát, miệng nói tay chỉ, cuối cùng đột ngột chấm dứt câu. Sau đó, Du cúi đầu trước Ung Chính:
- Thần đã tấu xong rồi!
- Hôm nay, Du Hồng Đồ giảng giải cho các ngươi những điều này, rất là công phu, từ sau theo đó mà ôn luyện. Ôn cũ mà biết mới, cũng là bổn phận của các ngươi!
Ung Chính nhìn sang họ Du đầy tán thưởng, bụng thầm xuýt xoa:
- Người tài như thế này, ở gần Tử Cấm Thành thế mà hôm nay mới nhận ra.
Ông đưa mắt khắp lượt, hướng vào bọn Vĩnh Tín:
- Bát kỳ dự chính sự, tệ nạn nói không thể hết. Các khanh chỉ vì không biết mà thôi. Tạo nghiệp chướng là bọn Bát a-ca Doãn Tự, Cửu a-ca Doãn Đường, Thập tứ a-ca Doãn Đề, còn có một kẻ nữa là Doãn Nga tức Thập a-ca. Các khanh nhờ vào thế của bọn họ, bọn họ sử dụng sức của các khanh, cái tâm khó lường ấy làm sao tỏ rõ cùng bàn dân thiên hạ. Nghĩ tới tổ tiên các khanh dầy công nghiệp, trẫm không nỡ trừng phạt tru diệt các khanh. Nhưng kể từ hôm nay, kẻ nào dám liều mạng lần nữa câu kết với người đương chức mưu đồ gây rối, trẫm nhất định sẽ lấy đầu hắn bá cáo với thiên hạ.
Các khanh hãy lui ra cung Càn Thanh chờ chỉ!
Bốn vị vương gia dập đầu tạ ơn, lồm cồm bò dậy, vuốt vạt áo chầu đã nhăn nhúm lọm cọm đi ra cửa điện. Ung Chính vẫy tay:
- Duệ thân vương quay lại!
Đô La run rẩy dừng bước, vội vã đến trước mặt Hoàng thượng, quỳ sụp:
- Đức vạn tuế có thánh dụ gì ạ?
- Ba vị vương kia về kinh, mỗi vị đều rắp tâm rủa sả thật lực, bọn họ thực lòng muốn đấu cùng trẫm, thực bụng theo gót Doãn Tự đó. Còn khanh thì khác họ - Ung Chính cười ôn tồn - Hoằng Thời dâng cống vật của khanh rồi, đã nói hộ khanh cả rồi. Trẫm thân là thiên tử, bốn bể dồi dào, chút cống vật của khanh, trẫm không mong đâu, quý là ở tấm lòng trung của khanh kia. Lão vương gia Đa Nhĩ Cổn gặp khanh như ngày nay, có thể ngậm cười nơi chín suối được rồi.
Đô La cảm động mềm nhũn toàn thân, nước mắt ròng ròng, nghẹn ngào:
- Sinh ra thần là cha mẹ, hiểu được thần là hoàng thượng. Thần vương ở vị trí này, gặp tình thế ấy, không thể ra mặt phản đối các vương gia, cúi xin hoàng thượng soi xét.
- Đương nhiên, trẫm hiểu cả rồi! Khanh mà ra mặt ủng hộ trẫm, người ngoài sẽ cho rằng người Mãn mất đoàn kết. Khanh cũng tin chắc trẫm đối phó được, đúng không? Cho nên trẫm rất phấn khởi. Có điều khanh là thân vương truyền đời, tước vị tột đỉnh, trẫm không thể không ban thưởng. Hoằng Thời hãy ghi vào, Duệ thân vương được ban thêm một hạt đông châu, cho phép đeo trên mũ. Ngoài thế tử ra, chỉ có khanh và con của khanh được mang hạt đông châu. Trẫm phong khanh làm quận vương.
Hoằng Thời mừng khôn xiết vì gặp may sau tai họa, y sợ nhất việc hoàng thượng truy đến cùng việc y cùng Trang thân vương truyền sai thánh chỉ. Đến lúc này, Hoằng Thời mới hoàn toàn yên tâm, khom lưng cười nịnh:
- Hoàng thượng thực thánh minh! Duệ thân vương quả là một hiền vương trung trinh phò chúa.
Đô La còn đang khiêm tốn, Ung Chính đã cười:
- Không cần nhiều lời. Trẫm thưởng phạt đều có phép tắc phân minh. Nếu khanh sai, nhất định trẫm sẽ phạt. Khanh làm đúng thì được ban thưởng là tất yếu rồi. Tam ca! Khanh hãy tuyên chỉ gọi mọi người ở ngoài cửa Càn Thanh vào cả đi, tiếp tục buổi chầu. Hãy truyền chỉ tới lão Bát, lão Cửu, cả lão Thập tứ nữa. Bảo họ chớ có kinh sợ nhưng phải an phận đi, cứ ở tại phủ chờ triều đình phân xử. Truyền chỉ hãy mang cả Đồ Lý Thâm đi cùng, gọi Bộ quân Thống lãnh Nha môn phụ trách việc bảo vệ mấy vương phủ này. Được rồi đấy!
Du Hồng Đồ đoán là mình chẳng được phân cho việc gì, vội vàng quỳ xin, Ung Chính cười:
- Được, được! Khanh hãy đi theo mới là hợp lý!
Cửa Càn Thanh cách cung Càn Thành không xa, Doãn Chỉ bước ra gióng tiến, trăm quũ lượt nối nhau đi vào theo lối cũ. Lần này không có nhạc tấu. Ung Chính ngồi trên tòa cao Tu Di, mặt lạnh băng, Trương Đình Ngọc, Ngạc Nhĩ Thái, Phương Bao, Đô La, Hoằng Thời ai nấy ngồi tại ghế của mình, dáng vẻ nghiêm túc. Di thân vương Doãn Tường đã chuyển sang ghế đệm An Lạc, Doãn Tường ốm bệnh đã lâu không đỡ, thân mình gày guộc, mệt mỏi không thể chống tay gượng ngồi, vẫn nhìn đăm đăm vào các quan viên nối nhau tiến vào, thỉnh thoảng lại cúi đầu có lẽ không kìm được niềm cảm khái, lại có vẻ như chẳng nghĩ ngợi gì. Đến lúc quần thần lớn tiếng hô vạn tuế, Doãn Tường mới hướng mắt vào Ung Chính.
- Các khanh hãy an tọa đi! - Ung Chính cất lời, phá vỡ sự im ắng nặng nề bao phủ khắp cung điện. Ông hơi xoay người về phía Doãn Tường:
- Thập tam đệ, trẫm e sức khanh không được khỏe, nên ban cho ngồi ghế đệm An Lạc. Nếu ngồi thế vẫn khó quá, cứng không chịu nổi, hãy đem một chiếc gối nữa cho Thập tam đệ làm đệm ngồi. Có muốn ngồi nghiêng thì cứ nghiêng đi, ngồi lâu không vững thì cứ tùy ý xoay chuyển. Buổi chiều hội hôm nay, trẫm sẽ cố gắng thu ngắn một chút. Đừng ngại, chẳng lẽ lại nảy nòi ra một Tào Tháo nữa hay sao?
Triều thần cúi đầu lắng nghe những câu xát buốt xương tủy, tất cả đều run sợ rạp mình xuống.
- Các khanh đều nhìn lên như vậy, trẫm sao có thể muốn gây chuyện trong khi vô sự được! Cây muốn lặng mà gió chẳng đừng, làm sao được.
Im lặng...
Ung Chính vẻ mặt bình thản, nén cười, nói:
- Bọn chúng cũng quá coi thường người đời, coi trẫm cùng loại như Hán Hiến đế, Tấn Huệ đế, định chơi trò ép thiên tử, sai chư hầu đây. Cần biết rằng, hôm nay, ngồi trên cao này, vẫn là Ung thân vương gội mưa tắm gió, cần mẫn suy tư suốt 40 năm. Xét việc đã lâu càng hiểu thấu tệ nạn dân gian, quan trường. Vạch gai góc mà bước chân ra, lẽ nào chẳng hiểu bè đảng ma quỷ hay sao?
Hoàng đế hít một hơi dài, nói tiếp:
- Tuy vậy, buổi triều hôm nay, vua tôi ta vẫn bàn đại sự, vẫn trình bày những vấn đề mới, người nói không bị tội. Các khanh cứ tâu rõ đi!
-...
- Đừng có co đầu rụt cổ, trẫm chỉ phạt kẻ có tội, chỉ trị kẻ phản nghịch, chưa từng dựa vào lời nói để trừng phạt ai, chưa khi nào coi văn tự là cớ để giết người.
Câu nói này thực chẳng đúng chút nào. Chuyện mới đây thôi Từ Càn Học chính vì ngâm câu "Trăng sáng hữu tình nên ngóng tớ, gió thanh vô ý chả theo mình" mà bị chém đầu tại chợ Củi, máu còn tươi đó. Hiện tại có một người là Tiền Danh Thế còn bị bắt, cái họa văn tự, làm sao lường được. Triều thần ai dám làm ngang giữa cơn thịnh nộ long nhan?
Im lặng!
Im lặng rợn người, Dương Danh Thời quỳ phía bên tây bệ rồng, nhích thêm một hàng, nói to:
- Tâu đức vạn tuế, thần Dương Danh Thời có điều này, đã viết thành tấu chương, trình lên hoàng thượng, xin được ngự lã
Một tiểu thái giám chạy lại, nâng bản tấu cung kính đặt lên án ngự.
- Tốt lắm - Ung Chính nhìn đám người chẳng nói chẳng rằng, hiểu rằng màn náo loạn kia đã tới điểm cùng cực. Ông vốn định nhân buổi chầu hôm nay đả kích mấy kẻ bề tôi không rõ thời thế, dám phản đối nền chính trị mới. Sau đó giáng minh chiếu ban bố chính lệnh, dập tắt những lời nghị luận lảm nhảm lén lút của sáu bộ chín khanh và các nha môn kinh thành. Bọn Doãn Tự làm loạn khiến ý định này bị dẹp, tà lại đánh chính, thực là gõ núi làm kinh động hổ. Vả lại, lúc này, Ung Chính đang hận Doãn Tự đầy bụng, chẳng còn tâm trí đâu mà biện luận với quần thần. Ông cố nở nụ cười, cầm bản tấu của Dương Danh Thời, giọng nói âm âm:
- Dù đã vài lần trẫm trưng cầu mà chẳng có ai dị nghị, vậy về đại thể là được rồi. Có người đàn hạc về Điền Văn Kính, đó cũng là việc thường. Trẫm lập tức hạ chỉ, Hoằng Lịch trên đường về kinh, tiện thể tra xét, cho phép xử trí công khai. Bất kể là Điền Văn Kính hay kẻ nào, chỉ cần không có dã tâm, không mưu phản vua hại nước, cứ công bằng mà chấp chính, thì dù nói sai hay đúng, trẫm quyết không bới móc. Trẫm mong có nhiều người nói thực. Dù hôm nay có bị người lôi kéo, có thể không dám nói ra, hoặc không muốn nói ngay tại đây, chớ có e ngại gì, hãy viết thành điều trần, tấu chương, hoặc mật tâu, hoặc công khai bày tỏ. Chỉ cần tới chỗ trẫm, trẫm sẽ đích thân tra xét tận tường. Sau khi chính lệnh ban bố công khai, bên ngoài có gì không tiện, có gì sai sót, hãy theo lệ cũ dâng tấu thẳng lên.
Ung Chính nói xong, định bãi triều, Doãn Tường ngồi trên đệm An Lạc đột nhiên đau đớn nhăn mặt. Doãn Tường chống hai tay, toan gượng ngồi thẳng, nhưng tay chuội đi như cây gậy chống bị rơi. Ông lại ngả đi, miệng trào ra một búng máu tươi. Ung Chính nhổm dậy, tay đưng ghế, ánh mắt kinh hoàng nhìn người em yêu quý. Mười mấy thái giám ùa tới vây đỡ ghế An Lạc. Lúc ấy, Ung Chính mới trấn tĩnh, gọi gấp gáp:
- Mau lên mau lên! Mau truyền thái y!
Bọn thái y trực ở điện phối phía đông đã nghe được vội vàng chạy tới. Có người sơ suất dẫm vào chân người khác, ngã soài ra đất. Cả triều đường náo loạn, Ngạc Nhĩ Thái luôn miệng:
- Quỳ xuống, quỳ xuống! Không được trò chuyện riêng!
- Thần đệ... - Doãn Tường gắng gượng mở mắt, thấy Ung Chính phục xuống giữa đám bề tôi, lo lắng nhìn mình, ông cố cười - Thần đệ hiếu thắng suốt đời đều được nay thì thất thế rồi. Xem ra đại hạn quả đã đến rồi... Thánh tổ... Thánh tổ... thần đệ phải đi theo Thánh tổ đây...
Ung Chính thần sắc bi thương, vỗ vỗ vào trán em trai, mắt dâng đầy nước:
- Em ơi, đừng có nghĩ nhảm thế. Em còn... còn thọ lâu nữa cơ! Ô tiên sinh từng bảo, em thọ tới 92 tuổi mà! Em hãy về phủ, trẫm sẽ cho thái y tốt nhất, thuốc tốt nhất, không nề hà gì cả... - Từng giọt nước mắt nằng nặng rơi rơi, Doãn Tường ảm đạm cười:
- Được phò tá chúa là phúc rồi...
Mấy thái giám không chần chừ nữa, nâng cả Doãn Tường nằm trên ghế An Lạc kiệu đi.
Ung Chính bước về phía bệ rồng, quay lưng lại quần thần, một lúc sau quay phắại. Trương Đình Ngọc hiểu rõ nhất tính khí của hoàng thượng, đoán chắc Doãn Tường bệnh nặng khiến hoàng thượng tức giận, trông thấy đức vua nét mặt tối sầm e rằng chốc lát đây sấm sét nổi lên nên ông nghĩ cách gì để hạ hỏa. Ung Chính nói xiết từng chữ, từng chữ nặng trịch:
- Bộ Hình nghe lệnh: vốn định mùa thu hành quyết tội phạm, trừ diệt những kẻ phạm mười tội ác đại nghịch, ngoài những kẻ trẫm đặc biệt phê chuẩn còn lại đều đình chỉ hành quyết mùa thu một năm để cầu phúc cho Doãn Tường em ta.
Mắt Ung Chính như phát lửa, ông ngẩng đầu trông trước thượng phương, dáng chừng cái nhìn muốn xuyên thấu mái điện, lên thẳng trời xanh. Ông nói:
- Doãn Tường luôn cùng trẫm, cùng với Tiên đế, nay đã suy kiệt rồi. Hai mươi năm trước, ai mà không biết tới hoàng tử thứ mười ba bạt mạng anh vũ hào hiệp. Nay thì suy kiệt rồi! Cả Lý Vệ nữa, cũng mòn mỏi vóc hình rồi. Có kẻ chê Điền Văn Kính này nọ, Điền Văn Kính chỉ được lương có ba tiền, mọi khoản thu khác đều sung công, không tơ hào, một ly một lai cho riêng mình, thế mà bọn hào lại chung quanh vẫn kêu ca. Ông ta gửi tấu cho trẫm, kể rằng, thân gày như củi khô mà chẳng lúc nào nhàn, chỉ lo tuổi chẳng còn bao lâu nữa. Ông ta cũng kiệt sức rồi.
Trẫm mỗi ngày cũng chỉ chợp mắt nhoáng nhoàng được một hai giờ, mệt mỏi lắm rồi. Các ngươi hãy nhìn Trương Đình Ngọc lão thần đây, mới có ba năm mà tóc đã bạc như tuyết. Nếu trên chẳng vì tổ tông tạo dựng gian nan, dưới chẳng vì con cháu muôn đời thịnh vượng, trẫm việc gì phải chong đèn dầu cần mẫn việc chính trị thâu đêm! Những người tinh anh nhất của nước nhà, ai cũng sức cùng lực kiệt vậy rồi sao?
Trương Đình Ngọc nhắm đôi mắt mệt mỏi, dòng nước mắt già lẳng lặng rơi. Chỉ nghe giọng Ung Chính càng lúc càng khó nén:
- Trẫm thuở còn là thân vương, uy thế phúc phận chẳng kém so với ngôi chí tôn ngày nay. Tuy nói là thường đi xử lý sự vụ, nhờ vào uy vũ thần thánh của Thánh tổ, so với ngày nay vẫn còn nhàn nhã hơn gấp bội. Cái ngôi hoàng đế này có gì là hay! Chỉ riêng việc có người chọc rối, dai dẳng không thôi cũng đã khổ rồi. Trẫm một dạ phấn đấu cho chính sự trong sạch, dân sinh an lạc, thế mà lũ người Doãn Tự, Doãn Đường, Doãn Đề lại thọc gậy bánh xe, ắt là muốn trẫm bỏ ngôi mới chịu thôi. Lòng dạ bọn chúng đâu có vì thiên hạ, đâu có vì thần dân, chúng chỉ khát thèm cái hư vinh của ngôi vị này thôi. Bọn chúng đến chó lợn cũng không thèm sánh với! A Kỳ Na, Tái Tư Hắc... A Kỳ Na, Tái Tư Hắc...
Ung Chính lặng đi, nghiến răng rút một tờ giấy, bút son phóng nét:
Bọn Doãn Tự Doãn Đường Doãn Đề kết bè đảng, loạn chính sự, nhòm ngó ngôi báu đến chết không rời, lòng dạ sói lang thần nhân cùng hận. Bắt Doãn Tự đổi tên thành A Kỳ Na, Doãn Đường đổi tên thành Tái Tư Hắc, Doãn Đề thành...
Đột nhiên, Ung Chính nhớ rằng Doãn Đề với mình cùng một mẹ sinh ra, bèn vô cùng phiền muộn gạch bỏ tên Doãn Đề, dữ tợn đề hai chữ Khâm thử, lệnh cho Ngạc Nhĩ Thái:
- Khanh phi ngựa nhanh tuyên chỉ tới Doãn Tự, Doãn Đường, Doãn Tự đổi tên thành A Kỳ Na, Doãn Đường đổi tên thành Tái Tư Hắc.
Suy nghĩ một lúc, thấy rằng vẫn quá nhẹ tay với Doãn Đề, từ Doãn Đề lại nghĩ tới Niên Canh Nghiêu, Tiền Danh Thế, Ung Chính rất muốn ra tay tàn độc. Ông lại rút một tờ giấy lớn, đề bốn chữ cực to Danh giáo tội nhân, rồi quăng bút. Đến lúc ấy mới ngẩng lên.
Quần thần văn võ chưa bao giờ chứng kiến Ung Chính giận dữ đến vậy, tất cả ngẩn người, sợ hãi. Có mấy kẻ thẳng đờ người, quên cả dập đầu. Có một vị tối sầm mặt mũi, lăn ra ngất lịm.
- Việc làm của trẫm, tấm lòng của trẫm như nhật nguyệt giữa trời. Trẫm quang minh lỗi lạc, tổ tông thần minh đều rõ! - Ung Chính nhấn từng tiếng - Các khanh cúi đầu thuần phục bọn Bát da, Cửu da, e rằng những kẻ đối với trẫm miệng khen lòng phản là không ít. Hôm nay, giữa chốn đường đường chính chính này, văn võ bá quan đủ mặt, chỉ cần trong các khanh có một kẻ nói ra câu: Trẫm không bằng bọn A Kỳ Na, Tái Tư Hắc, trẫm quyết không phạt tội, sẽ lập tức nhường ngôi cho.
Ánh mắt khiêu chiến, nụ cười chua cay, Ung Chính nhìn khắp điện. Rất lâu, không một ai dám cất lời. Có một phút, dường như sự giận đã giảm xuống. Nhưng chỉ là một phút thôi. Ông lại nghĩ tới bọn Doãn Tự thâm căn cố đế bao năm hoành hành, những kẻ quỳ dưới kia, có không ít là bè đảng của chúng. Hoàng đế đã từng tự tay thảo ngự chế Bằng đảng luận (Luận về bè đảng), thế mà ngày nay không một kẻ nào đứng ra tố cáo âm mưu của bè lũ kia. Trong chốc lát, Ung Chính lại thấy hận kỳ lạ, cảm giác mình chỉ thắng được Doãn Tự về quyền lực, chứ về đức hạnh, danh vọng thì đều thua tên A Kỳ Na kia. Ung Chính không ngăn nổi tâm trạng vừa đố kị vừa khó hiểu.
- Thật quái lạ, đại nghĩa vua tôi đứng đầu tam cương, các khanh đều xuất thân trí thức, rốt cuộc lại ngu dại, để bọn Doãn Tự làm xằng làm bậy trong triều ngoài nội suất từng ấy năm. Như Tiền Danh Thế kia, xuất thân thám hoa, chẳng sách gì không đọc qua, nhậm chức Hàn lâm cao quý, lại đi theo đảng nghịch Doãn Tự, theo vết Niên Canh Nghiêu. Bức đại tự Danh giáo tội nhân này viết xong rồi, Bộ lễ hãy ban cho Tiền Danh Thế, tống tiễn "theo lễ" cho về Giang Nam, treo lên trước cửa nhà ông ta. Tri phủ Thường Câu, Huyện lệnh Vũ Tiến, mồng một và rằm mỗi tháng đến nhà họ Tiền kiểm tra việc treo chữ này, nếu mà không treo, trình báo để quan trên tấu lên, trẫm ắt sẽ có cách xử lý khác. Giang Nam đó vốn là nơi đất văn nở rộ, bỗng dưng nảy nòi ra loại họ Tiền, cần phải tự xem lại mình, xét rõ sai phạm. Tỉnh Giang Nam đình chỉ thi Hương một năm. Uông Cảnh Kỳ dẫu đã chịu tội, nhưng nguyên quán Triết Giang cũng nên theo đó mà hành xử. Hôm nào họ Tiền dời kinh, trăm quan bộ Lễ họp đủ, từ Đại học sĩ tới quan viên đều phải đề thơ "tống tiễn". Họ Tiền dùng văn từ xu nịnh gian ác, xét danh giáo không thể dung, trẫm cũng lấy văn từ làm quốc pháp để răn dậy bề tôi.
Trương Đình Ngọc chứng kiến Ung Chính càng nói càng đi xa, từ Doãn Đề sang tới cả Uông Cảnh Kỳ, Tiền Danh Thế. Ông rất lo vì giận quá mà lời nói không biết kìm lại, sơ suất làm mất phong thái quân vương. Nhân lúc hoàng đế uống nước, ông bước tới bên án ngự nói nhỏ:
- Thái y viện vừa bẩm sang, Di thân vương bệnh đã không phải lo nữa, đang muốn gặp hoàng thượng.
- Vậy sao? - Ung Chính như xuôi hẳn đi, tỉnh hẳn ra, hiểu rằng mình vừa thất thố. Nhiều câu nói không kịp nghĩ, có vụ việc nên bàn với viện Quân cơ và phòng Thượng thư rồi hãy giải quyết. Nhưng "vua không nói đùa", lời đã phát ra không thể đổi được. Ông gật gật đầu ý bảo Trương Đình Ngọc lui về, và nói:
- Ta vốn định cùng quần thần nghị bàn chính sách mới, rốt cuộc bị mèo hoang quấy rỗi. Điều đáng nói thì đã nói rồi, hãy vứt bỏ những nặng nề cản trở, mở ra những gì có ích, không phải là không đáng mừng lắm sao! Thi hành chính sách mới, thể nào cũng có người phá hoại hoặc chưa thôTrương Đình Ngọc vừa bẩm, bệnh Di thân vương đã có chút lui. Di thân vương là bề tôi lương đống của nước nhà, là một hiền vương xưa nay hiếm có. Nếu vì việc hôm nay mà ngã bệnh, vì trẫm mà kiệt sức, trẫm quyết lấy mạng của A Kỳ Na, Tái Tư Hắc.
Nói rồi phất tay, buông áo đi ra cung Càn Thanh.
Ung Chính chưa trở về điện Dưỡng Tâm, mà bước thẳng lên kiệu loan ra cửa tây, đến chùa Thanh Phạn thăm Doãn Tường, rồi thuận lối quay lại Sướng Xuân viên. Toàn thân rã rời, mỗi đốt xương như mềm nhũn ra, bước đi mà như sợi bông bị gió thổi, chân cao chân thấp, người cứ không thực, đầu óc quay cuồng. Ông thấy đói, nhưng cơm ngự dâng lên, nhìn bổ béo ngập bàn, chẳng nuốt trôi nổi một miếng. Cao Vô Dung đoán là hoàng thượng không chịu nối nhiều chất bổ, sai nhà bếp làm một bát mì sợi, thêm chút gừng cay, rắc một ít tỏi, nhỏ vài giọt dầu thơm dâng lên. Ung Chính ăn đầy vẻ miễn cưỡng. Ngả người trên gối, ông dặn Cao Vô Dung:
- Trẫm muốn yên tĩnh một lát. Trừ Trương Đình Ngọc, Phương Bao và Ngạc Nhĩ Thái, không cho ai vào nhé!
Rồi thuận tay cầm mấy bản tấu, xem vẻ vô cảm. Chùa Thanh Phạn lại hiện ra trước mắt:
- Hoàng thượng - Doãn Tường run run cánh tay gầy guộc buông ngoài chăn, hai ngón tay nắm chặt tay Ung Chính, dường như nếu buông ra Ung Chính sẽ biến đi mất. Giọng nói vừa thiểu não vừa rõ ràng - Đệ ốm mấy năm, đủ để đọc hết mấy cuốn sử. Từ xưa, bậc đế vương chuyên cần trị nước như hoàng huynh, ăn chẳng biết ngon, ngủ chẳng được yên, ngay cả Thánh tổ cũng không bằng được. Có lúc đệ nghĩ, ví dụ, mỗi lần tiếp kiến quan lại nhỏ hàng châu huyện, việc ở mỗi huyện mỗi làng hoàng huynh đều hỏi kỹ, đều phán xét, liệu có quá chất không? Rồi suy xét đại cuộc, hiểu rằng cũng chỉ có cách ấy. Vì...vì hoàng huynh là người coi thiên hạ trên hết mà. Hàng trăm năm nay, tệ nạn nối nhau đầy rẫy, muốn thay đổi gột rửa có dễ dàng gì. Ngoài đại thần tin cẩn, hiểu là hoàng thượng tuân theo ý chỉ của Thánh tổ, vượt hẳn tâm nguyện tiền nhân, thực ra chẳng có được mấy người. Công trình hoàng huynh phải làm là sự nghiệp ngàn đời vĩ đại. Trong những kẻ bề tôi thì phần nhiều là bọn tầm thường, nói là khúc nhạc cao siêu ít kẻ họa được, chính là làm vua đó. Cho nên xin với hoàng huynh hãy trú trọng nhiều tới người tài...
Ung Chính nghe lời em nói, tựa như nhắn lại lúc lâm chung, lòng ông vừa chua xót vừa nóng như lửa, nước mắt muốn rơi mà đành an ủi em.
- Đệ nhìn mình đi, bệnh đến thế này, còn nghĩ ngợi gì nữa. Hãy gắng giữ khí thế tinh thần, đến lúc khỏi bệnh, chúng ta lại trò chuyện...
- Khang Phúc - Doãn Tường mặt vàng nhợt thoáng nét cười - Cả đời đệ trọng nghĩa, ai ai cũng gọi là vương gia nghĩa hiệp. Nhưng đệ gây nghiệp oan cũng chẳng ít. Giết đề đốc Phong Đài là Thành Văn Vận, họ Thành tội chưa đáng chết nhưng tình thế lúc ấy không thể không làm vậy. A Lan, Kiều Thư là hai cô gái yếu đuối, một lòng một dạ vì đệ, thế mà đệ nghi nhầm giết mất...
Đôi hàng nước mắt chậm tuôn, ông nói tiếp:
- Bây giờ, nhắm mắt lại là đệ thấy họ... Trời gây nghiệt còn sống được, tự gây nghiệt thì tránh sao nổi. Chẳng phải Tứ ca thường nói vậy sao? Cho nên... hoàng thượng nổi giận lôi đình, kẻ đáng trị tự nhiên sẽ trị được, nhưng hoàng huynh chớ nên nổi giận nhiều. Bát ca lòng hiểm như vực thẳm, bụng vững như thành cao, rõ ràng là cầm đầu đảng gian, nhưng vẫn là anh em7;c hoàng a-ma sinh ra. Tước bỏ quyền binh của họ, bọn họ không thể gây họa là đủ rồi. Đừng nên... giết!
Ung Chính rút tay về lau mắt, nghẹn ngào:
- Hoàng huynh đã ghi nhớ rồi, đệ đừng nghĩ nhảm nữa. Hoàng huynh sẽ đích thân làm lễ cầu siêu cho A Lan, Kiều Thư ở đây.
Ông đứng dậy, đôi tay chắp lại, niệm chú Vãng sinh:
Cứu hết thảy nghiệp chướng, cho lên cõi tịnh độ đà la ni.
Nam mô A di đà bà gia, đa tha già đa gia, đa địa dạ tha, a di lợi độ. Bà tỳ, A di lợi đô! Tất đam bà tỳ, A di lợi đô! Già lan đê, A di lợi đô! Tỳ già lan đa, già di nhị già già. Già na, chỉ đa già lợi, sa bà ha...
Niệm xong, buông xuôi hai tay, Ung Chính cúi xuống với Doãn Tường:
- A Lan, Kiều Thư trẫm đều quen thuộc, vừa rồi tâm thấu ý thông, họ đã đi về phía đông nam đầu thai vào nhà tử tế, nhất định còn có duyên tái sinh cùng đệ... Bây giờ đừng nghĩ ngợi nữa, được không?
Doãn Tường lẳng lặng gật đầu, tâm thần nhu yên tĩnh lại. Ung chính nhẹ dời đi...
Gió ngoài phòng Chiêm Ninh có vẻ quay cuồng, hàng ngọc lan mé tây điện còn chưa nảy nụ, thân cành va vào nhau trong gió nghe kẽo kẹt; rặng lão trúc mé bên đông thì hợp thành bản nhạc vi vu. Trong mơ màng, Ung Chính thấy Hoằng Thời đi đến bèn nói:
- Trẫmệt quá rồi, con hãy ra ngoài đi! Có việc gì mai hãy bàn!
- Ngoài trời gió to lắm - Hoằng Thời vẫn không ra, khom mình cười nịnh - Có trận gió này, năm nay trời sẽ không lạnh đâu. Con nhớ câu a-ma nói: - "Cây muốn lặng gió chẳng dừng", nên có việc gấp cần tâu.
- Việc gì?
- Con có nghi ngờ, về "Bát vương nghị chính", chú Mười sáu sao có thể truyền sai thánh chỉ được? Chú ấy tính vốn chểnh mảng, hoặc là đọc nhầm, hay là đằng sau có văn người khác?
- Văn gì? - Ung Chính kinh ngạc - Con nghe thấy điều gì vậy?
Hoằng Thời cười cười:
- Con hàng ngày theo bước a-ma, ai có thể theo con nói gì được. Theo ý con, hoặc Thành thân vương Doãn Chỉ hoặc Bảo thân vương thôi. Chú Mười sáu bị người ta giật dây, bất đắc dĩ truyền thánh lệnh giả.
Ung Chính giật thốt mình, hỏi:
- Con có chứng cớ không?
Hoằng Thời cười nhạt:
- Phụ hoàng đừng quên chuyện ném đá giấu tay, Long Khoa Đa tráo trở chẳng phải là toan gây yêu nghiệt hại phụ hoàng ư? Ông ta là lão thần được Tiên đế gửi gắm đó. Bảo thân vương rõ ràng coi mình là người nối ngôi báu, đi khắp nơi mua chuộc lòng người. Có ai được như con, khờ dại theo phụ hoàng chẳng hề toan tính.
- Con ngồi đây! - Ung Chính kéo đệm để Hoằng Thời ngồi gần mình - Hoằng Lịch ở mãi Giang Nam, giả truyền thánh chỉ làm sao được? Doãn Lộc thì lá rơi còn giật mình, dám to gan thế được ư? Nói giả dối, làm giả dối, con làm sao bằng bọn kia được. Hãy đi đến với đảng Bát ca của con mà ném đá giấu tay với trẫm một lần nữa đi!
Mở mắt ra chẳng thấy Hoằng Thời đâu, chỉ có bóng một người con gái đến gần giường ngự. Ung Chính cất lời:
- Đến cả yên tĩnh để chợp mắt, trẫm cũng không có được hay sao? Ngươi... - Ung Chính ngưng câu nói khi nhìn thấy Kiều Dẫn Đệ. Nhìn kỹ lại thấy chả khác gì Tiểu Phúc quá cố. Ung Chính bất giác dụi dụi mắt:
- Là Tiểu Phúc phải không?
- Hoàng thượng ngủ được rồi - Tiểu Phúc dẩu môi cười - đúng là có mới nới cũ. Ngày nay ngài đã có Dẫn Đệ, còn nhớ tới thiếp ư! - Rồi quay đi mất.
Ung Chính vội khoác áo đuổi theo:
- Khanh đi đâu? Đợi ta với!
- Chẳng phải ngài đã đọc chú Vãng sinh cho thiếp hay sao? Thiếp đi tới cõi Tất đam bà tỳ đây! - Tiểu Phúc nói rồi vụt đi
Ung Chính mơ mơ hồ hồ bước thấp bước cao, cưỡi mây đuổi theo sau. Cảnh sắc có vẻ là bến sông Hoàng bát ngát, gió thổi rườm rượp xiêm áo Tiểu Phúc. Bãi sông Hoàng mờ mịt gió. Ung Chính đuổi theo bóng hình mà gọi lớn, cơ hồ đã sắp tới, nhưng nhìn kỹ lại như là Dẫn Đệ. Ung Chính lau mồ hôi lạnh, nói thẫn thờ:
- Đây là mộng hay thực? Khanh là Tiểu Phúc hay là Dẫn Đệ?
- Hoàng thượng là Vô thương Bồ Đề - Dẫn Đệ cười lạnh lẽo - Há chưa nghe câu "sắc là không, không tức sắc" ư? Mộng cũng tốt, không mộng cũng hay, chẳng đều là huyền ảo ư? Thần chết thiêu dưới cây thị già này, hai mươi năm trước hoàng thượng tận mắt thấy rồi, còn nói mộng với không mộng làm gì nữa!
Ung Chính hoảng hốt, người con gái này như là Tiểu Phúc; nghe chữ "chết thiêu" mới hay cô ấy đã lìa cõi trần lâu rồi, cho nên ông không kinh hãi nữa. Đang định hỏi, Tiểu Phúc lại nói:
- Duyên phận đôi ta đã hết, từ nay mỗi kẻ một trời, việc nhân gian rối loạn đổi thay, lòng người ác như gió độc. Xin ngài gắng giữ mình!
Chốc lát, chẳng thấy Tiểu Phúc đâu, chỉ còn bến sông Hoàng thê lương ngút mắt, gió cuồng truy đuổi, bóng cây âm u quay đảo.
Ung Chính thất thần trông lên cao xanh, buồn thảm nghẹn ngào, vô vọng gọi mãi:
- Tiểu Phúc! Tiểu Phúc... nàng hãy về đây... Dẫn Đệ, Dẫn Đệ... nàng đừng đi...
Đột nhiên, phút chốc, ý thức mình đang là hoàng đế ông lớn tiếng:
- Thị vệ thái giám! Chúng bay chết hết rồi hay sao? Đi sửa sang nơi thờ Tiểu Phúc ngay! Phái người đi tìm Dẫn Đệ về cho ta!
- Hoàng thượng!
Cao Vô Dung trực bên ngoài, cách mấy bước chân, vội chạy vào, vừa kéo cái chăn bị hất rơi, vừa nói nhỏ:
- Ngài mê sảng đó! Bọn nô tài đều đang hầu cả ở đây. Ngài uống chút nước này, nô tài sẽ đi gọi Kiều cô nương, cô ấy sẽ tới thôi. Có Phương tiên sinh và Trương Đình Ngọc tới, chúa thượng có cho gặp không ạ?
- Được, gọi vào đây! - Ung Chính bừng tỉnh, mới biết vừa qua chỉ là mộng mị. Nhớ lại, trong lòng xáo động, vừa bảo thái giám soi đèn, vừa dặn dò:
- Dẫn Đệ nếu không vui thì chớ gượng ép nhé!

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI