HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN
Tìm sự thực vào cung tang khóc
Trước quan tài thái hậu đăng ngôi

    
ua một đêm rối bời nghỉ ngơi nghe ngóng ở Lộ Hà, quả nhiên tảng sáng hôm sau có chỉ đến "triệu đại tướng quân vương Doãn Đề lập tức vào cung Càn Thanh trước Thánh tổ tử cung linh kiến giá". Doãn Đề bụng đầy bực tức, không lập hương án, cũng chẳng chịu quỳ, chỉ đứng đó mà tiếp thánh chỉ. Nhận chỉ xong không nói nửa lời hầm hầm bước ra khỏi cửa lên ngựa phi vào thành Bắc Kinh, khiến cho bọn thái giám đi tuyên chỉ và Doãn Thái vừa sợ vừa run, nói không dám nói, khuyên chẳng dám khuyên, đành ngậm tăm đánh ngựa theo vào thành.
Tuyết đã bớt rơi, màn mưa bạc giăng giăng, trong tán mây vàng lộ sắc trắng đủ để thấy trận tuyết lớn chưa từng có trong mấy chục năm qua nay đã cuối chầu, chẳng còn bao nhiêu nữa. Doãn Đề vẫn nguyên nét mặt cưỡi trên lưng ngựa. Nhà nhà hai bên hàng phố đều có người quét tuyết dọn đường, thấy ông ta tiền hô hậu ủng đi qua, ai nấy đều vứt chổi chắp tay thi lễ. Nét mặt mọi người không chút biểu cảm, tuồng như còn chưa tỉnh lại, thoát khỏi u mê sau cái chết của Lão hoàng đế, lại càng không biết chút gì đến quyền cơ chính trường của vị đương kim hoàng thượng, ai nấy đều ôm mối hoài nghi không hiểu vị đại tướng quân vương này đột nhiên hồi kinh làm gì? Nhưng trong lòng Doãn Đề lúc này đang có một dư vị khác. Năm trước, cũng tại Tây Trực môn này, cái ngày sắp qua tiết Đông Chí ấy phố phường mới nhộn nhịp làm sao. Nào là hàng thịt, hàng bột, quần áo, tơ lụa, giấy tờ, hải sản tươi, hiệu thuốc, hàng cơm cháo, giặt hồ... tuy chẳng bì được với Lang miếu phố Bàn Cờ ngoài Chính Dương môn, nhưng cũng nườm nượp người xe qua lại như mắc cửi. Vậy mà nay nhà nhà đóng cửa, hàng quán tắt đèn lạnh lẽo u tịch như chết, thỉnh thoảng mới có tiếng leng keng xe gọi bán nước hay tiếng rao bán than lẻ loi trên phố nó làm tan đi cái tĩnh mịch của thế giới băng tuyết này. Không nén nổi, Doãn Đề cất tiếng than:
- Thân thích nhiều đau buồn lắm, người ta đã nói thế rồi. Chết đi có biết cho chăng? Gửi mình vào cùng sông núi. Ôi bậc đế vương cũng đến thế mà thôi...
- Thập tứ da - Doãn Thái kèm sát ở bên trái cất tiếng hỏi: - Người nói gì thế?
Doãn Đề cúi đầu lát sau mới than rằng:
- Ta nhớ tới hoàng a-ma lừng lẫy một thời mà nay lại đang nằm trong cung Càn Thanh lạnh lẽo. Trần gian con người ta sống rút cục có cái gì lý thú đâu? Ngươi xem đấy, như cái phố này, thường nhật nhà nào nhà nấy vui vẻ mà giờ đây gió thổi, tuyết rơi buồn bã như có tang khắp lượt. Trong khi ta và ông còn đang đau thương thì nhà người ta đã khua dao động thớt để từ giã mùa đông xum họp nghỉ ngơi, mua sữa làm kẹo...
Doãn Thái nghe nói vậy cảm thấy chẳng còn gì để nói nữa, trầm ngâm lúc lâu mới nói:
- Thập tứ da nghĩ ngợi nhiều quá. Hai bên đường này rất nhiều cửa hàng cửa hiệu, bọn cử nhân đều chạy vào kinh nhập trường thi, nhân tiết Đông Chí này mà kiếm mấy gã gàn thì cũng kiếm được đấy. Tuyết lớn rơi đả nhiều ngày như thế, thường thì người ta chẳng muốn ăn uống gì, sao mà bì với năm trước được?
Gò má trái Doãn Đề giật nhẹ, quay sang hỏi:
- Năm nay còn mở khoa thi xuân ư? Chưa đến kỳ đúng không?
Doãn Thái đắn đo: "Thập tứ da, người khó ở nên không nhớ đó thôi, tân hoàng thượng đăng cơ thì lẽ đương nhiên là phải mở khoa thi rồi. Nghe đâu bộ Lễ mới chỉ định tôi đi làm chủ khảo, tôi vội gấp đi báo lại là Tam nhi tử nhà tôi là Doãn Kế năm nay cũng dự thi, theo quy định thì phải tránh. Qua đại tang thế nào cũng có chỉ dụ ban ra đấy!" Doãn Đề còn muốn hỏi nữa, nhưng mấy thị vệ đi trước đã chỉ tay nói:
- Vương gia, đã đến Tây Hoa môn rồi ạ!
Doãn Đề chợt rùng mình, chàng nhận ra rằng đây là đường vào Tử Cấm Thành rồi. Bên trong tòa thiên cung đồ sộ ấy chính là nơi trọng địa đầu não thống lĩnh chính sự thiên hạ. Chàng bỏ qua mọi buồn rầu từ từ xuống ngựa, cởi bỏ bảo kiếm bên mình đưa cho người hầu, thấy nhất đẳng ngự tiền thị vệ cung Càn Thanh - Đức Lăng Thái bước từng bước oai vệ đi xuống thềm đứng đợi ở bên con sư tử đá, ông liền tiến vào. Đức Lăng Thái vốn là dũng sĩ người Mông Cổ được tuyển vào làm thị vệ cho hoàng đế Khang Hy, nhờ hộ giá có công được tấn phong làm Nhị đẳng bá tước. Thân thể cao lớn của anh ta lừng lững như tòa thiết pháp, lộ rõ khí thế dũng mãnh, lạnh lùng, nét mặt đen đỏ không hề lộ chút biểu cảm nào, chỉ thấy đôi mắt khóc đến sưng mọng cả lên. Anh ta đứng lặng trước thềm thấy Doãn Đề đến gần liền cúi đầu nói cụt lủn:
- Có chỉ!
Thấy Doãn Đề không hề có ý định quỳ xuống tiếp chỉ, anh ta nói tiếp:
- Triệu Doãn Đề vào cung Càn Thanh, kiến giá.
Doãn Đề ngoái nhìn Doãn Thái thấy mặt trắng bệch liền lạnh lùng lên tiếng:
- Tứ ca lao tâm quá nhỉ, đã có chỉ ý rồi kia à?
- Thỉnh an Thập tứ da. - Đức Lăng Thái vái dài một cái rồi đứng khom người nói - ý của Vạn tuế da là trước hết gặp người đã rồi sau đó theo Vạn tuế da cùng vào hành lễ tại cung hoàng đế.
Doãn Đề "hừ" một tiếng rồi bước đi ngay, tiếng bước chân xiết trên nền gạch bóng nhoáng phát ra tiếng kêu chít chít, ông ta càng bước càng nhanh. Doãn Thái biết rõ là vị vương gia tính tình cương trực này, hôm nay muốn kiếm chuyện nên sững người đánh mắt qua với Đức Lăng Thái rồi vội xấp ngửa theo sau đi vào. Doãn Đề bước những bước dài tiến đến Tây Hoa môn, nhưng không đi theo thường lệ, từ Long Tông môn qua Hi Hòa môn để đi vào qua Kim Thủy Kiều lên Thái Hòa môn đi thẳng đến điện Thái hòa, rồi từ phía sau điện Bảo Hòa xuống thềm đến Càn Thanh môn, ưỡn ngực ngẩng cao đầu đi thẳng vào khiến đại thần thượng thư Long Khoa Đa vốn đứng sẵn ở Long Tông môn chờ đón ông ta phải vội chạy như bay đến vừa hổn hển đi theo vừa chào. Vậy mà Doãn Đề vẫn cứ bước đi, bụng dạ đâu mà hành với lễ? Ngay cả các thị vệ đứng như đóng đinh ở hai bên cũng chỉ biết há mồm trợn mắt mà nhìn. Từ xa Doãn Đề đã thấy trước cung Càn Thanh một tấm linh phướn trắng rất to, trong lòng rất bối rối, cảm thấy đất trời cung điện mờ ảo lẫn lộn như sắp đổ xuống, có hai người phải xốc nách đứng dậy, ông ta mới chợt tỉnh đôi chút. Định thần nhìn lại thì thấy một người là Bát a-ca Liêm thân vương Doãn Tự, người kia là Thập tam a-ca Doãn Tường. Người thân dìu nhau tình muôn xiết, khó tả, kẻ thù nhìn nhau tia mắt đỏ vằn lên, Doãn Đề bất giác đứng ngây ra như một thằng ngốc, mắt trân trân nhìn lên màn trướng trắng tinh ở dưới bức hoàng phi đại tự "Chính Đại Quang Minh" rồi ngó sang trái nhìn Doãn Tự, nghiêng bên phải nhìn Doãn Tường. Chợt một cơn gió cuộn lên khiến tấm linh phướn bay rào rào. Chiếc chuông dưới tấm rèm trước hiên kêu kính coong một tiếng, tấm thân đờ đẫn của Doãn Đề bỗng rùng mình rồi đột nhiên nhào lăn xuống đất lớn tiếng gào khóc, cuống cuồng bò đến trước linh cữu Khang Hy mà nấc lên:
- Hoàng a-ma ơi Hoàng a-ma.! Người... Người... thế này là thế nào? Sao người lại nằm trong này? Người mau tỉnh lại đi... Thập tứ tử - đứa con bất hiếu của người đã về thăm người đây này hu hu... trước khi con đi chẳng phải là người đã nói là nhất định trước khi lâm chung phải nhìn mặt con đấy ư? Đây là trời không cho hay đất chẳng chiều hỡi Hoàng a-ma của con. Hoàng a-ma của con ơi... thế này thì thật không công bằng, hu hu...
Giờ khắc này trong đại điện phía đông một dãy người đang quỳ, trước nhất là Tam a-ca Doãn Chỉ, Ngũ a-ca Doãn Kỳ, Thất a-ca Doãn Hữu, Cửu a-ca Doãn Đường, Thập a-ca Doãn Ngã, tiếp theo là Thập thất a-ca Doãn Lễ cho đến tận vị a-ca út ít mới hơn mười tuổi, ai nấy mặc áo dài phủ phục khóc thút thít. Phía đằng tây điện là một hàng cung tần của Khang Hy để lại cho Nghi phi Quách Lạc La xếp đều kế đến là Đức phi Ô Nha thị, Huệ phi Nạp Lan thị, Vinh phi Mã Giai thị, rồi đến Ôn Quý phi Nữu Hộ Lộc thị, kính mẫn quý phi Chương Giai thị, Thuận ý Mật phi Vương thị, Thuần Dụ Cần phi Trần thị.... ngoài ra còn có tới năm mươi người gồm Tần, Ngự, mỹ nữ các loại hầu hạ cùng khóc sụt sịt. Tất cả bọn họ suốt nửa tháng qua ngày nào cũng đến quỳ trước linh cữu chịu tang, vừa mệt mỏi vừa bồn chồn, mỗi người có một tâm tư, đã sớm qua đi nỗi đau tang mới, nên dẫu có cố cũng chẳng khóc thành lời được. Đám đàn ông thì cúi đầu, có kẻ liếc trộm xem Doãn Đề đang bám áo quan vật vã, kẻ thì đánh mắt cho nhau, cũng có người cố làm ra vẻ bi ai đau đớn, phủ phục trước linh sàng khóc than, cũng có kẻ vừa "khóc" vừa lần tràng hạt quệt nước mắt lau nước mũi, góp nước mắt tuần chay. Đàn bà vốn trời sinh ra hay khóc, khăn trắng che miệng kêu trời gọi đất, chẳng biết miệng lầm rầm những gì mà như hát hội vậy, tuy nhiên nước mắt thì không sao rơi ra được một giọt.
- Lão Thập tứ làm loạn cả rồi. - Doãn Tự lặng lẽ nhìn Doãn Tường đang trầm mặc, nói nhỏ: - Tường đệ, đệ xem việc này nên xử trí thế nào?
Doãn Tự là người có dáng vẻ nho nhã gương mặt tròn hơi mập ít nhiều lộ vẻ mệt mỏi, nhưng xem ra vẫn rất thanh tú, cặp mắt với đôi đồng tử to đen còn hầu như không có lòng trắng tiếng nói trong trẻo, tấm thân thanh thoát, bộ mặt có nhăn lại thì khóe mắt vẫn hiện lên vẻ ôn hòa nhân hậu dễ gần dường như trái ngược với Thập tam a-ca có con mắt cọp long lanh, kiêu dũng đường bệ. Từ lúc Doãn Đề xộc vào cung, Doãn Tường đã tự nhủ, sự việc hôm nay khó mà có cái kết có hậu. Thập tứ a-ca dám mạo hiểm thử thách thực ra là để thăm dò xem tân quân Ung Chính rút cục nông sâu thế nào cũng là để thử xem cái vị "Bát hiền vương" ấy có còn đủ can đảm để giữ mình không. Cuộc náo loạn này thực ra đã sớm được tính tới rồi, chỉ có điều là kể từ khi xuống ngựa ông ta lại xộc vào nhanh đến vậy. Nghĩ ngợi hồi lâu Doãn Tường thở dài nói:
- Khó mà cản chú ấy... đây là chuyện hiếu thảo, thôi thì cứ theo ý Bát ca vậy. Đêm qua hoàng thượng mất ngủ, đến mãi canh tư mới chợp mắt, vốn đã định là gặp Thập tứ da trước để huynh đệ, quân thần hàn huyên rồi sau đó mới đến khóc tang. Huynh thử trông mỗi người ở đây có phải họ đang khóc hay không? Tất cả họ đang nghển cổ mà gào, có ra thể thống gì đâu. Để đệ gặp hoàng thượng còn Bát ca huynh đi khuyên bảo Thập tứ đệ một câu. Đệ người ngay thẳng chỉ e... ông ta còn nể huynh một tí.
Nói xong liền đi về hướng phòng phía tây.
Doãn Tự bất ngờ không kịp trở tay phải đón nhận cục than hồng nóng bỏng mà không còn cửa nào để ra lời, đành mắt liếc nhìn Doãn Tường lững thững đi về phía xa, trong lòng vừa tức vừa giận không biết làm thế nào đành vào điện, chợt nhìn thấy Đức phi Ô Nha thị đang quỳ ở hàng thứ hai bên phía tây liền nảy ra ý định và nhẹ nhàng đi tới. Lúc đó, Doãn Đề đang lớn tiếng hơn gào khóc thảm thiết đến nỗi mọi người trong điện phát run lên. Ông ta uốn gập người, văng mạng đập đầu vào cỗ quan tài Nam mộc thiếp vàng, hai tay vung đập thật mạnh hai chân điên cuồng giãy đạp, vừa khóc vừa kêu:
- Mở quan tài ra, mau mở quan tài ra. Ta... ta muốn nhìn hoàng a-ma, ta muốn thấy lão nhân gia... ta muốn biết người có phải đã mất thật rồi không... Ô hô hơ... hu hu... Người làm sao mà chết được? Người vì sao mà chết...
- Liệt vị hoàng thái phi... - Doãn Tự ra giọng nghẹn ngào một lát rồi đi đến giữa Quách Lạc La thị và Đức phi Ô Nha thị vái qua vái lại thưa: - Thập tứ đệ khóc như thế không được, vừa hại thân mình lại vừa không phải lễ pháp, các thái phi là bậc trưởng bối xin ra tay duy trì giúp cho, ghi nhận tấm lòng hiếu nghĩa của chú ấy.
Quách Lạc La thị ngó nghiêng một hồi mới chợt tỉnh ra, bản thân mình u trầm chỉ chực khóc, cứ quỳ suốt ở hàng đầu các hậu phi. Mấy vị quý phi đều hiểu rằng Ô Nha thị đang quỳ ở hàng thứ hai bước lên ngôi chính vị hoàng thái hậu chỉ còn là chuyện tính từng ngày, biết điều thì nên quỳ núp hàng sau, dẫu mình có cố thế nào thì cũng chẳng còn cơ may nào nữa. Quách thị bỗng rùng mình một cái, quay mặt về phía Đức phi hạ giọng nói:
- Đức muội à, nay thực đã có phận rồi, ta chẳng phải có ý gì đâu. Việc hôm nay đang đợi em cầm trịch đấy. - Nói đoạn kéo lê đôi chân cứng như gỗ quỳ lui lại phía sau nửa bộ. Đức phi Ô Nha thị đang ngây ra nhìn Doãn Đề lăn lộn gào khóc khẽ gật đầu, thực ra cũng chẳng nghe rõ đầu đuôi lời Quách Lạc La thị. "Mẹ phú quý nhờ con". Con bà sinh dưỡng nay là hoàng đế thì tất là bà phải lên ngồi hoàng thái hậu rồi. Vốn dĩ chuyện cũng thực là nực cười, hai đứa con bà sinh ra lại chia hai "đảng" quậy việc nhà đến long trời lở đất. Dận Chân người đời gọi là "Lãnh diện vương" nổi tiếng là kẻ lạnh lùng khó đoán. Không biết Khang Hy uống phải thuốc gì mà tự nhiên mang cả ngôi báu để truyền cho hắn. Nay đã ở ngôi thiên tử mà đòi hắn nhượng bộ em ruột một chút thì thật không tài nào làm nổi. Tuy nhiên tâm hồn bà sáng suốt, bà thừa biết Doãn Đề là đứa cứng cổ, dẫu đập đầu chết ngay hắn cũng không chịu đi lòng vòng. Hôm nay hắn lại đại náo linh đường là bởi tận trong cốt tủy hắn không chịu thần phục Dận Chân. Mình là phận đàn bà, liệu có cách nào để ngăn chặn được hai con gà trống đang vằn mắt chọi nhau bây giờ? Nghĩ vậy Ô Nha thị nén tiếng thở dài bất giác ứa hai hàng nước mắt, đứng lên một cách hết sức khó nhọc, chầm chậm lê bước đến bên Doãn Đề đang kêu khóc tối trời tối đất, lấy bàn tay lạnh ngắt vuốt nhẹ lên bím tóc đuôi sam của con mà nói:
- Con ơi, con vừa ở mãi ngàn xa trở về chịu bao gió lạnh, con cứ khóc thế này e đau đớn tấm thân... Da thịt là thân thể mà thân thể lại thuộc phụ mẫu.
Doãn Đề không thèm quay lại vừa dập đầu vừa khóc:
- Thân thể ta là do hoàng a-ma cho ta... phụ hoàng mất rồi ta còn cần tấm thân này làm gì? Hoàng a-ma của con ơi...
Ô Nha thị nuốt một hơi thở mà rằng:
- Nó cũng là khúc ruột đứt từ mẹ mà ra... con hãy nghĩ cho hoàng a-ma, nghĩ cho mẹ, con không thể như vậy được, con của mẹ, con... con phải nghĩ nhiều hơn một tí...
Nghe vậy, Doãn Đề đột nhiên dừng khóc quay ngoắt bộ mặt đầm đìa nước mắt làm ra vẻ không hề quen biết nhìn chằm chằm vào Ô Nha thị hồi lâu mới hỏi:
- Bà là ai? Lấy gì mà quản giáo ta!
- Con ơi... khóc đến mụ cả đầu đi rồi... ta là mẹ ruột của con đây mà!
- Bà mặc sắc phục hoàng phi, bà đâu phải là thái hậu, cũng không phải nương nương. Quốc gia có quy định rõ rồi, bà quản sao nổi đại tướng quân vương!
Tất cả mọi người đều ngừng tiếng khóc, trong điện bấy giờ chỉ nghe thấy lời lẽ ấm áp của Đức phi và tiếng gầm gào như điên của Doãn Đề: "Tang lễ của hoàng gia là trọng lễ của quốc gia không như của thường dân! Khi Tổ gia còn tại vị trong cung đã thiết bài quy định "hậu phi không được can dự chính sự!"
Thời khắc ấy cả trăm con người nghe thấy đều ngẩn tò te, ai cũng run sợ biến sắc, chỉ có Cửu a-ca Doãn Đường đang quỳ ở hàng đầu mé đông quay nhìn Doãn Tự vẫn bình tĩnh như thường, rồi đánh mắt qua Thập a-ca Doãn Ngã, cũng vừa lúc gặp ánh mắt Doãn Ngã đưa sang, một chút ý tưởng lóe lên.
Ô Nha thị bỗng thấy tân hoàng đế Ung Chính một tay vịn thị vệ Trương Ngũ Ca một tay bám thái giám Lý Đức Toàn, theo sau là Doãn Tường, Long Khoa Đa và Ngạc Luân Đại cùng lũ thị vệ bước chân loạn xạ xiêm y xúng xính men theo hành lang uốn lượn bước lên bậc thềm đỏ của cung Càn Thanh, lòng thấy chợt lo liền cất tiếng quát:
- Ngươi ăn nói xằng bậy quá! Người đâu, giữ chặt lấy nó!
- Dạ.
Mấy tên thị vệ đứng trước linh cữu chứng kiến sự việc từ đầu đều cảm thấy đầu óc quay cuồng mới vừa được nghe giọng ôn tồn của Ô Nha thị bây giờ đột nhiên vẫn tiếng người ấy nhưng đổi giọng sắc lạnh nên cuống cuồng nhìn quanh ngó quẩn và cất tiếng trả lời lộn xộn. Lại thấy Doãn Đề vẫn còn đỏ mặt trợn mắt, gân cổ nổi lên với điệu bộ ngang ngạnh bất chấp đất trời, chỉ dám tiến lên một bước rồi lại lừng chừng lùi lại, không ai dám động tay. Giây phút ấy trong điện im phăng phắc.
- Thế nào?
Ô Nha thị nheo mắt hỏi:
- Ta là mẹ của thiên tử đây! Lẽ nào gia pháp tổ tông không cần đến nữa?
Bà cao giọng điểm mặt chỉ tên gọi thị vệ đang đứng bên cạnh Ung Chính quát:
- Ngạc Luân Đại, ngươi giữ chặt hắn lại cho ta để hoàng đế hành lễ.
Doãn Đề hung tợn ngó Ngạc Luân Đại đang chầm chậm tiến lại với vẻ mặt do dự pha chút kinh sợ, thầm nghĩ mình trước kia thường sai nó vào cung nghe ngóng, bỗng bặt vô âm tín, rồi lại đột ngột vác mặt đến với mình, liền nổi giận run lên bần bật nhưng không nói một lời, chờ cho Ngạc Luân Đại vừa ghé lưng xốc nách liền đột nhiên lùi lại lấy đà tát đánh "bốp" một cái làm Ngạc Luân Đại loạng choạng lùi mấy bước mới đứng vững được.
- Ngươi là cái thứ gì mà dám động đến ta? - Doãn Đề gân cổ thét lên: - Đây là nơi thánh địa đặt linh cữu của đại hành hoàng đế, ta là thiên hoàng quý tộc là lá ngọc cành vàng, còn ngươi bất quá là đồ trâu ngựa dám ra oai cái gì? Tứ ca... - Bỗng Doãn Đề xoay về phía hoàng đế Ung Chính - giờ thì huynh làm chủ, huynh hãy trị cho đệ cái loại nô tài không hiểu trên biết dưới này đi!
Hoàng đế Ung Chính mặc bộ hoàng bào lụa hoa in hình con cáo màu trắng trên nền vàng không có áo choàng ngoài, lưng thắt đai gai đen, viên châu trên mũ gấm bọc da cáo màu đen đã được tháo gỡ ra, viền quanh mũ là một dải gấm trắng như tuyết. Dù đang trong lúc có tang mà toàn thân phục sức không hề có chút luộm thuộm. Trông dáng vẻ ông ta như đang tiếp kiến quan đại thần ở địa phương về chợt bị sự huyên náo phía bên này làm kinh động nên mới phải đến. Trên gương mặt nhợt nhạt lộ rõ vẻ mệt mỏi, xung quanh hai quầng mắt thâm lại vẫn còn đọng ngấn lệ, hai đồng tử mắt đen sâu không thấy đáy cứ chăm chăm dõi vào Doãn Đề bướng bỉnh bất trị, không hề hé răng nói một lời nào. Ông ta vừa xuất hiện trong tòa chính diện cung Càn Thanh to lớn dường ấy, lập tức ngập tràn bầu không khí nghiêm trang uy vệ. Mọi người ở đó đều lặng lẽ khấu đầu, chỉ riêng có Doãn Đề cứng cổ, ánh mắt đầy khiêu khích chằm chằm nhìn Ung Chính.
- Ngạc Luân Đại, ngươi tránh đi một lúc! - Hồi lâu Ung Chính mới lên tiếng - Thập tứ da của ngươi từ ngàn dặm về chịu tang, gặp đại biến đã quá bi thương đau lòng đó thôi. Ngươi mau đi truyền chỉ sự Lý Phiên Viện Đồ Lý Sâm gọi hắn đến nam thư phòng chờ tiếp kiến.
Đợi cho Ngạc Luân Đại đi khuất, Ung Chính mới từ từ tiến đến, một tay vịn vào linh cữu Khang Hy, một tay nắm lấy tay Doãn Đề than rằng:
- Hỡi người anh em tốt, hoài hơi mà tức giận bọn người ấy làm chi? Có giận, có khổ, có nước mắt thì trước mặt ca ca đây đệ hãy khóc.thương đi nào! Quốc gia gặp cơn đại biến, phàm mọi sự đều phải cậy nhờ đến anh em. Người anh em đường xa mới trở về kinh, chiếu theo lệ thường trẫm nên đi đón mới phải, ngặt một nỗi trên đầu đội tang mà ở dưới thì còn mấy chục quan viên cấp cấp tấu trình công việc. Các tấu biểu tồn đong khi đại hành hoàng đế lâm trọng bệnh trong đó có một số việc cần kíp lại không thể để kéo dài. Phía Thanh Giang Hà Đô không thu được bạc, lũ mùa xuân vừa đổ về Hoàng Hà đê đã vỡ việc vận lương theo đường thủy cũng hỏng hết cả rồi... người anh em ạ, chúng ta là hoàng thất không thể so với bá tánh tầm thường được, nước với nhà là một mà!
Nói đoạn nước mắt tuôn ra như mưa.
Lời của ông vô cùng xúc động, vừa có thiên lý đường đường sáng tỏ, vừa có tình nghĩa tha thiết ân cần của anh em mà còn có ý quở trách Doãn Đề vô lễ và trách mình bất tài. Doãn Đề chuẩn bị hôm nay sẽ khuấy nát cả cung Càn Thanh trước linh cữu cha mình, một tay đảo lộn chính cục Bắc Kinh, ấy thế mà lại bị những lời nói kia chặn lại không cất lên tiếng được nữa. Ông ta đảo mắt nhìn một lượt các huynh đệ thấy người nào người nấy cúi đầu dỏng tai nghe không chút động đậy, lại thấy Dận Chân vỗ nhẹ vào áo quan khóc sầu thảm với cả chân tình, bất giác tự than thở mà giấu đi cái giọng gàn dở lúc trước vừa khóc vừa nói:
- Lời của Tứ... hoàng thượng thần đệ xin lĩnh mệnh... chỉ hận một nỗi đệ sao mà vô phúc thế này, sao lại chẳng được gặp mặt hoàng a-ma lần cuối? A-ma yêu quý của con... a-ma yêu... quý... hận lòng lắm thay... hu hu...
Ông ta vẫn lấy đầu đập thình thình vào cỗ Nam mộc quan tài cứng như sắt ấy, thế nhưng cái kiểu ngông cuồng rồ dại của kẻ điên như lúc trước đã không còn nữa.
Long Khoa Đa đứng sau Doãn Tường là đại thần thống lĩnh nội cung thị vệ, nắm quyền quản lý lính túc vệ bảo vệ Tử Cấm Thành, mới rồi trên đường đi đã lặng lẽ thỉnh thị Thập tam bối lặc Doãn Tường, một khi chư vương mà gây náo loạn thì chỉ cần một cái vẫy tay của Doãn Tường là lập tức nhất loạt hành động tóm gọn. Ông ta căng thẳng đến mức tay toát mồ hôi lạnh, thấy cục diện nhanh chóng trở nên ổn định sau mấy lời nhẹ nhàng của Ung Chính, ông không nén nổi thở phào nhẹ nhõm đưa con mắt nhìn Ung Chính với vẻ khâm phục. Ung Chính lau mặt nhìn Đức phi mẹ ruột của mình khóc đến nỗi như toàn thân đầm đìa nước mắt. Đưa mắt nhìn thấy Quách Lạc La thị vẫn quỳ phía trước Đức phi, một ý nghĩ chợt lóe lên như tia chớp nhưng không hề nói một lời nào, nhẹ nhàng bước đi mấy bước trong điện rồi bỗng đột nhiên đi đến trước cửa Tây Noãn đưa một chiếc ghế lên, khiến cho mấy tên thái giám giật mình cuống cuồng nhào đến đỡ lấy, nhưng bắt gặp ánh mắt sắc lạnh của Ung Chính, tất cả đều lùi lại
Mấy vị hoàng a-ca nãy giờ đang giả bộ khóc thương sầu nhớ bỗng đều ngẩng đầu lên, ai cũng ngỡ không lẽ hoàng đế lại mang ghế cho Thập tứ ca ngồi để mua chuộc lòng người? Ngay cả đến Doãn Đề lúc ấy cũng ngưng tiếng khóc, tròn mắt ra mà nhìn. "Mẫu hậu" - Ung Chính nhẹ nhàng bước nhanh đến trước Đức phi ngay ngắn thận trọng đặt ghế xuống rồi mềm mại quỳ hai gối xuống khóc mà thưa:
- Nhi tử bất hiếu tày trời vạ lây tới cả hoàng khảo. Nhưng từ cổ đến giờ người chết không thể sống lại được nữa mà nương nương khóc đến bại cả thân, khiến tội nhi tử càng thêm nặng, còn mặt mũi nào mà nhìn trăm họ nữa đây?
Doãn Tường, Long Khoa Đa vào bọn thị vệ thái giám thấy Ung Chính quỳ cùng nhất loạt quỳ theo. Ô Nha thị mắt đẫm lệ mơ hồ quay người lại thấy hoàng đế đang quỳ trước mặt mình thì kinh sợ toàn thân run lên, đôi môi cứ mấp máy mãi hồi lâu mới cất lên lời:
- Hoàng thượng, thế này là thế nào? Mẹ sao dám nhận đại lễ này đây?
Ung Chính liên tiếp khấu đầu, khóc rằng:
- Đương nhiên là được ạ. Ngôi phong hoàng thái hậu của người, trước khi đại hành hoàng đế lâm chung, Thượng thư phòng đã bàn định cả rồi, vốn là đợi cho tới ngày đoạn thất của phụ hoàng sẽ ban chiếu dụ rõ ràng gửi đi các tỉnh cùng với lệnh đại xá thiên hạ. Mẫu thân không được khỏe lại có bệnh suyễn nữa. Thấy người thế này trong lòng nhi tử thật lấy làm khó nghĩ. Mẫu hậu không thể quỳ mãi thế này được. Tự cổ, hiếu từ tâm mà ra, lễ nghi có thể ứng phó linh hoạt. Kể từ giờ này, ngày này người sẽ chính thức là hoàng thái hậu. Người hãy vì tấm lòng hiếu thuận của nhi tử mà nhận cho.
- Đây đây là quốc gia đại sự, thế này thì biết làm sao được.
- Nếu người không chịu nhận thì nhi tử sẽ quỳ chết tại nơi này!
Ô Nha thị đầm đìa nước mắt còn đang lúng túng chưa biết làm thế nào thì Doãn Tường đang quỳ trước cửa điện cất tiếng nói lớn:
- Mẹ phú quý nhờ con, điều này từ cổ đã thành thông lệ. Đây là việc mà triều đình đã bàn định cả rồi. Hoàng thượng lấy chữ hiếu để trị thiên hạ, vận dụng trời đất vào vật cụ thể, một tấm lòng thành kính của con xin hoàng thái hậu không nên từ chối, người cứ ngồi để nhận lễ.
Dứt lời quay sang phía đám đông anh em đang ngơ ngác quỳ ở xung quanh cất tiếng hô lớn:
- Bái! Lập tức tham lễ hoàng thái hậu đăng cơ!
- Hoàng thái hậu thiên tuế, thiên thiên tuế!
Ô Nha thị nhìn bên trái thấy Ung Chính, nhìn bên phải thấy Doãn Đề, nhẹ nhàng ngồi xuống cất tiếng khóc:
- Hỡi Tiên đế da ơi!

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI