Tập I
CỬU VƯƠNG ĐOẠT ĐÍCH
HỒI THỨ SÁU
Thư sinh nọ lầm vào nơi hang hổ
Bố vợ hờ đặt kế hoạch hại người thân!

     Tư Đạo đã rất vất vả và không dễ dàng gì; có thể nói, gần như kiệt sức họ Ô mới tới được Bắc Kinh; khi đó đã qua tết Đoan ngọ! Từ trung tuần tháng tư trở lại, Trực Lệ chỉ có một trận mưa to. Trong tháng đó tuy có hai trận mưa, nhưng tiếng là mưa mà cũng không ướt hết được mặt đất; mà trời chốc lại râm, chốc lại quang, ẩm ướt oi ả vô cùng, khiến cho bầu không khí nặng trịch! Thành Bắc Kinh so với thời kỳ khai quốc thì khác hẳn. Từ phố lớn cho tới các hang cùng, ngõ hẻm ở trong chín thành; nhà xây san sát như bát úp, lại thêm dân cư đông đúc. Nếu không có gió to thì ngay cả các cành cây trong thành cũng không hề lay động! Khi đó đường thủy đã thông, rất nhiều thuyền chuyên chở các loại hoa quả như dưa hấu, dưa bở, đào mật, hạnh nước; lại còn có các khách thương ở Hồ Quảng chuyên chở các hàng chống nóng, như quạt nan, chiếu cỏ bồ, gối tre, các loại thuốc mát như trúc phu nhân, hoa kim ngân, lá tre, hoa cúc, đại diệp thanh; những loại hàng cứ vừa cập bến ở cửa Triều Dương là đã bị các con buôn tranh nhau mua hết ngay! Hàng nhiều như vậy, nhưng cung vẫn không đủ cầu, mà thời tiết thì rất nóng nực nên nhiều người không chịu nổi đã chết vì cảm nắng. Hàng ngày từ cửa Đông Trực người ta phải kéo xác người đến lò thiêu ở Tả Gia trang.
Ô Tư Đạo chống đôi nạng xông pha trong gió cát từng bước chậm chạp, Ô tập tễnh đi trên mặt đất nóng như rang; khi đến cổng nhà Kim Ngọc Trạch ở phía đông miếu Phụ tử thì cả người Ô đều đẫm mồ hôi. Ô Tư Đạo dừng chân trước một cái cổng, trên cánh cổng có một cái đầu hổ bằng "sắt lá",  sơn đỏ ngậm vòng (58), tay vịn vào "chòi hóng nát" rồi nhìn ngắm chung quanh. Ô thấy bên cửa có một tấm biển bằng gỗ, trên viết: Nội ngụ Binh bộ vũ tuyển tư chính đường Kim, húy Ngọc Trạch (59). Ô suy nghĩ một chút, rồi bước lên lấy tay gõ vào Hoàn xao môn.
- Anh kia có việc gì thế?
Người gác cổng mặc một chiếc áo dài bằng sa nâu mở cửa ngách, nhìn ngắm Ô từ đầu đến chân rồi hỏi tiếp:
- Giờ này mà anh còn gõ cửa xin cơm à?
Ô Tư Đạo bấy giờ mới ngắm lại mình, chiếc áo sọc vải trúc nguyệt bạch đầy vết dầu và mồ hôi; đầu tóc thì một tháng nay chưa cạo, dài đến mấy tấc lại dính bết vào trán bởi mồ hôi; giầy dưới chân cũng thủng, một lỗ, hở cả bí tất trắng nhưng lại vừa đen, vừa bẩn. Ô Tư Đạo bất giác phì cười, nói:
- Anh vào nói giúp với Kim lão da rằng, tôi là Ô Tư Đạo, mới từ Dương Châu đến
Người gia nhân đó hơi sững người, gật gật đầu, nói:
- Ông đợi một chút! - Nói rồi, y đóng ngay cửa lại.
Ô thở phào một hơi, dựa nạng vào viên đá Thạch cảm đương (60) ở trước cổng rồi ngồi trên miếng đá dưới bóng cây chỉnh lý lại quần áo cho khỏi quá luộm thuộm rồi cầm mũ phe phẩy thay quạt cho mát. Trước mặt không xa là một cửa hàng mì nước, dưới chòi hóng mát bầy từng bát, từng bát mấy loại mì nước, mì khô và cả bánh bột lọc nữa. Ở đấy có nhiều người mình trần ngồi chung quanh một cái bàn nhỏ vừa ăn mì nguội, vừa bầy Long môn trận.
Mùi thơm ngào ngạt của hành, thịt áp chảo đưa đến nhức mũi, Ô Tư Đạo nuốt nước bọt, lúc bấy giờ Ô mới nhận ra là mình rất đói bèn sờ vào cái hầu bao rách trong đó đựng tiền. Ô có 50 lạng bạc vụn, ngoài ra còn có một tờ "long đầu ngân phiếu" một nghìn lạng. Chỉ vì trên đường nhiều giặc cướp nên Ô không dám để lộ ra là mình có nhiều tiền, nhưng nếu lúc này đi ăn, người trong nhà ra gọi thì không tiện nên đành ngồi đó đợi. Nào ngờ, Ô ngồi đợi đến nửa canh giờ vẫn không thấy động tĩnh gì. Ô Tư Đạo vừa khát, vừa mệt, trong bụng lại đói nên bụng cứ sôi lên sùng sục. Ô vừa bực, vừa hận. Không kìm được, Ô vùng đứng lên gõ cửa, ra sức gõ ầm ĩ vào chiếc vòng sắt, khiến cho những người trong cửa hàng mì đều phải nhìn sang.
- Ông thật là người ít thấy đấy, điên à?
Cửa "két" một tiếng mở ra. Vẫn là anh chàng ban nãy, y cau mặt lại, cau có nói:
- Vừa rồi tôi đã nói là ông hãy đợi một chút; nhà chủ họ đang ngủ trưa mà!
Không chờ cho y nói hết, Ô đã bốp chát ngay:
- Hừ! Anh là thằng chết tiệt, có mắt như không! Ta đã nói rồi, ta là Ô Tư Đạo! Anh chỉ vào bẩm một tiếng, thế mà anh què hay sao, để ta từ mấy nghìn dặm đến đây thăm người nhà mà bỏ mặc ta ngoài này đến gần một canh giờ, như vậy là thói gì thế?
- Thăm người nhà? - Tên gia nhân nhìn trừng trừngÔ Tư Đạo, thốt nhiên y phì cười, nói: - Tôi đến nhà lão da đây đã nhiều năm rồi, sao không thấy nghe nói về ông? Ông là họ hàng như thế nào? Chắc ông là một đạo sĩ cầu bơ, cầu bất; đói mà chưa chết ở cái miếu nào đấy đến đây lòe bịp để kiếm cơm chứ gì? Vậy ông là bên nội, là anh họ, là bố vợ hay là ông cậu?
Ô Tư Đạo tức quá người run lên, nhìn mặt tên gia nhân đang cười khẩy, Ô muốn lấy ngay cái nạng đánh cho y một trận. Ô chợt nghĩ tới một điều, phải chăng là ông chú đương cố ý cho tên này ra "chặn đường"? Lại thấy những kẻ rỗi việc đang túm lại xem cãi vã cho vui, nên Ô cười nhạt rồi to tiếng nói:
- Anh vểnh tai lên nghe đây: Kim Ngọc Trạch là chú dượng, còn ta là con rể; họ hàng như vậy đấy! Anh có vào bẩm hay không?
Câu nói đó làm cho mọi người cười phá lên, có người nói:
- Con rể của chú dượng đến rồi, sao không mau vào thưa lại?
Có người lại bỡn cợt:
- Nhà anh có chàng rể có cái nạng sắt, phúc phận không mỏng đâu!
Không đếm xỉa đến những lời nói đó Ô Tư Đạo nhìn chằm chặp vào tên gia nhân nói:
- Anh là cái thá gì! Anh không vào thông báo, ta sẽ đi ngay! Đừng có trách, đừng có trách!
Nói rồi, Ô quay người định đi thì những người trong đám đông rỗi việc đó lại ầm
- Con rể không vào gặp chú dượng, muốn thoái hôn sao?
- Đừng đi, đừng đi, đi thì còn ra làm sao nữa!
- Chà, ghét nghèo, tham giầu!
- Ngược đời! Con rể của Kim lão da chẳng phải là Đảng du kích (61) ở Nhuệ Kiến doanh ư? Sao không thấy nói ông ta có hai người con gái nhỉ?
Đương ầm ĩ như vậy thì có tiếng chân bước lộp cộp. Một viên quan vào khoảng ngoại ngũ tuần; đầu đội mũ da bọc sa bóng dát "ngọc vuốt"; mình mặc một cái áo trúc bâu "phiêu bạch"; trên khuôn mặt trắng của ông ta có hàng râu chữ bát và cặp lông mày đen như vẽ; ông còn đeo một đôi kính đen. Ông chậm rãi đi ra, hỏi:
- Trương Quý, sao thế. Quá trưa rồi, không cho người ta yên một chút hử?
- Nhạc phụ! - Ô Tư Đạo bước lên, cúi người chắp tay nói: - Thưa con đây!
Kim Ngọc Trạch ngẩn người! Ông bỏ kính ngắm Ô Tư Đạo từ đầu đến chân mãi, sau bỗng khanh khách cười nói:
- Tư Đạo đấy à? Sao lại khốn khổ đến nỗi này? Cũng không trách được tên gia nhân! Bây giờ ở kinh, nhiều nạn dân, mạo xưng là người thân của nhà quan, thừa cơ dối trá; nào bịp bợm, nào hạch sách thôi thì đủ kiểu, cho nên ta phải bảo người nhà trông.nom nhà cửa cho cẩn thận... Mau đi vào, chà... Trông cháu kìa! Thật đáng thương
Kim Ngọc Trạch nói rồi thét:
- Trương Quý, đưa thiếu da vào nhà!
Nhà làm theo kiểu "lưỡng tiến, tứ hợp" phía trước là chỗ ở của các gia nhân, qua xuyên đường (62) là nhà trên có một dẫy năm gian đều có máng nước, gian giữa là phòng ở của hai vợ chồng Kim Ngọc Trạch, hai gian phía trái hơi thấp một chút là chỗ ở của các hầu gái. Thấy ông chủ đưa Ô Tư Đạo vào, mấy người hầu gái vội thu dọn phòng trên. Kim Ngọc Trạch cười nói:
- Thái thái đương ngủ trưa, vào bây giờ bất tiện, ta hãy lên thư phòng đã.
Ô Tư Đạo đi theo Kim vào thư phòng phía tây. Yên vị rồi Ô nói:
- Cô ruột thì có gì là bất tiện, thưa chú, trước hết xin cho cháu đến chỗ cô cháu hỏi thăm sức khỏe đã!
Kim Ngọc Trạch bảo người nhà chuẩn bị nước để Ô Tư Đạo thay quần áo, tắm rửa, sau đó ngồi uống trà. Ông ngồi thần người một lúc, bấy giờ mới than thở:
- Tư Đạo, cháu vẫn chưa biết, cô cháu mắc bệnh lao đã bỏ ta đi từ năm kia rồi! Người mà ta tục huyền, chắc cháu cũng biết, đó là bà Lan Thảo Nhi, là bà dì Ba đấy! Bà ấy rất chịu khó, giỏi việc nhà, lại là người biết điều hay lẽ phải. Bây giờ cháu hãy nói ngay cho ta biết tình hình của cháu. Mới đó mà đã mười năm... nếu không có cái nốt ruồi ở dưới cằm trái cháu, ta thật không nhận ra cháu nữa đấy!
Ô Tư Đạo choáng người, sắc mặt phút chốc tái ngắt; bà cô già ôn hậu, hiền hòa thế là nay không còn nữa! Những lời Kim Ngọc Trạch nói những gì sau đó, Ô đều không thể nào nghe nổi! Ô Tư Đạo há miệng "A..." lên một tiếng, một ý vụt thoáng qua trong đầu: Phải chăng những lời của mấy người bàn tán ở ngoài cổng lúc nãy nói cô em họ đã đi lấy chồng là sự thật. Trong lòng đắn đo, Ô nói:
- Cháu nay đã tàn phế, cùng đường, chán nản đến như thế này thì còn có gì để nói nữa! Cháu xa nhà đã mười năm, phá sản để đọc sách, những mong Đông Sơn tái khởi (63) nên đã hăng hái ra ứng thí, nhưng nay thì mọi mong muốn đều thành tro bụi! Lần này vào Kinh cháu cũng chẳng dám có hi vọng gì quá lớn, những tưởng sẽ nương nhờ chú cô để có được miếng cơm ăn, nào ngờ nay cô đã thành người thiên cổ!.. Biết nói thế nào về đời người đây?
Nói rồi, nghĩ tới người cô nay đã ở dưới suối vàng, bất giác nước mát Ô Tư Đạo rơi xuống như mưa.
Kim Ngọc Trạch không nói gì, chỉ cúi đầu thở dài một tiếng rồi đứng dậy đi đi, lại lại; mãi sau Kim mới từ tốn nói:
- Bây giờ thì cũng chả làm gì được nữa! Mà thôi ta cũng chẳng nên nói tới việc buồn này. Cháu chắc còn chưa ăn cơm. Trời nóng nực như thế này, cháu nên đi tắm rửa, thay quần áo đi đã. Chú hiện nay cũng không thong thả được như hồi làm quan ngoài; chú cứ phải mất nhiều thì giờ về những chuyện thù tiếp không đâu, nên e khó có thể chăm sóc cháu được nhiều. Cháu bây giờ ở đây thì cũng như trước kia thôi, cứ việc yên tâm nghỉ lại! Cô mới của cháu rất tốt, không coi thường cháu đâu. Nếu cháu cần gì,n bảo Trương Quý một tiếng là được.
Nói xong, Kim Ngọc Trạch lấy chiếc đồng hồ quả quýt ra nhìn giờ, rồi lại cẩn thận cất vào người; sau đó đứng dậy nói:
- Hôm nay Điện tiền thị vệ hạng nhất Ngạc Luân Đại mời chú đến uống rượu ở phủ Bát da ngoài cửa Triêu Dương. Thôi cứ thế nhé, chú đi đây.
Nói rồi, Kim đi.
Ô Tư Đạo thấy Kim không nói gì đến việc hôn nhân, ngay cả tên cô em gái, Kim cũng không hề nhắc tới; tự biết rằng việc mình nghi hoặc là đúng. Nhưng Ô nghĩ lại, mình vốn là trọng phạm của triều đình, trốn tránh suốt mười năm, trong thời gian đó thì âm tín đôi đường cách trở; nay cô em gái đi lấy chồng thì việc đó cũng phải thôi. Ô Tư Đạo trong lòng buồn bực. Ô ăn điểm tâm rồi đi tắm, sau đó ra ngoài hiên đứng nhìn ngắm cảnh vật. Khi đó đã quá giờ Thân mà ánh sáng mặt trời vẫn chói chang, khắp nơi khí nóng vẫn hầm hập, một ngọn gió cũng không có, sự oi bức thật khó chịu nổi, Ô tập tễnh quay vào phòng, nửa nằm nửa ngồi trên chiếc ghế tre, quạt mỏi rời tay mới thiếp đi được.
- Cậu cậu... - một giọng non nớt vẳng đến tai.
Ô Tư Đạo còn chưa kịp tỉnh hẳn, thì một vật rất lạnh xát vào môi khiến người Ô giật bắn lên! Mở mắt nhìn, Ô Tư Đạo thấy một cháu bé trai khoảng bốn, năm tuổi, trên đỉnh đầu bé cạo nhẵn bóng, bé mặc một chiếc quần bằng lụa hoa, đeo yếm, mặt trông rất ngây thơ đáng yêu. Bàn tay bé nần nẫn cầm một chùm nho ướp lạnh nước chảy ròng ròng, cháu ngắt từng quả nhét vào mồm
Ô ngồi dậy, cười rồi bế cháu lên đầu gối, hỏi:
- Ngoan quá! Cháu tên là gì?
- Cháu là A Bảo.
- Cháu họ gì?
- Cháu họ Đảng...
- À, tên cháu là Đảng A Bảo, tốt!
Ô Tư Đạo nuốt quả nho mà cháu bé ấn vào nồm, nét mặt tươi cười, hỏi:
- Cháu gọi ta bằng cậu à?
Đảng A Bảo cười hì hì, chỉ lên phòng trên, nói:
- Bà nói đấy, bà nói cậu là cậu của cháu. Bà bảo nhà bếp nấu cơm cho cậu; mà phải nấu nhiều, nấu ngon để cậu ăn!
- Bà?
Nghe thấy tiếng "bà" nét mặt tươi cười của Ô Tư Đạo tan biến; trong lòng Ô thấy trống rỗng, rối bời; cũng không biết là mình nghĩ những gì! Mãi Ô mới hỏi.
- Mẹ cháu sao không chơi với cháu; bố cháu đâu?
Đảng A Bảo cho ngón tay bé tẹo vào miệng, nói:
- Cháu không thích gọi là bố, mà gọi là "lão da". Lão da và ông ngoại đi uống rượu rồi. Mẹ!
Bé quay mặt ra ngoài, một thiếu phụ đương từ cửa thứ hai đi tới! Bé liền giằng tay ra khỏi người Ô Tư Đạo, rồi chạy ra ngoài gọi:
- Mẹ, mẹ đến đón con à? Cậu ở đây! Mẹ chẳng phải là hay kể chuyện về cậu đấy sao? Thành ra cậu "không biết đi" mẹ ạ... hì hì...
Khi Ô Tư Đạo nhìn ra ngoài thì toàn thân bỗng nhiên run lên: Người thiếu phụ tươi cười búi tóc, bỏ mai dạng chữ "đao" lại chính là Kim Phượng Cô vợ chưa cưới trước kia của Ô; người mà mười năm qua Ô đã "mộng hồn vương vấn". Ô Tư Đạo nhổm người lên định đứng dậy, nhưng lại gần như muốn khuỵu xuống; Ô đành lảo đảo ngồi lại như cũ, người không khác gì tượng gỗ!
Kim Phượng Cô từ nhà họ Đảng về nhà mình để đón con; nào ngờ con người tưởng đã chết từ lâu nay bỗng nhiên lại xuất hiện ngay trước mặt, cô tưởng chừng như máu trong người mình đông lại. Sắc mặt Phượng Cô xám lại và nàng cũng đứng sững như tượng gỗ ở ngay trong sân, mặc cho A Bảo níu kéo! Một lúc sau, nàng mới gượng cười, kéo A Bảo cùng đi vào nhà; khi đến cửa, nàng nhún gót chúc câu "vạn phúc" rồi cúi đầu, nói:
- Tĩnh Nhân, anh (64) đã đến đấy ư...
Ô Tư Đạo hai tay nắm chặt lấy thành ghế, sắc mặt nhợt nhạt trông rất đáng sợ, toàn thân như bị trong nước lạnh, câm lặng dường như không cả thở nữa. Ô ra sức kìm nén để tim không đập mạnh, đờ đẫn gật gật đầu, nói:
- Phượng... em Phượng, em... khỏe.. chứ...
- Vâng... - tiếng Phượng Cô nhỏ đến nỗi chỉ mình nàng mới nghe rõ, mãi sau mới thở một hơi, hỏi: - Còn anh?
- Em nhìn thì thấy đấy.
-...
- Thật là khổ cho anh!...
Không biết thời gian đã trôi qua bao lâu, Kim Phượng Cô mới nức nở khẽ đáp:
- Em...
Ô Tư Đạo bỗng nhiên bình tĩnh lại. Ô cao ngạo cắn môi, rồi với một giọng ghẻ lạnh, khô khan, nói:
- Em bận, thì cứ đi đi.
Suy nghĩ một chút, Ô Tư Đạo đặt nạng lên bàn, rồi từ hầu bao lấy ra hai lạng bạc, Ô đặt nhẹ lên bàn uống nước, nói:
- Lát nữa em nói với chú, anh có việc bận phải đi. Đây là tiền quần áo và tiền cơm.
- Tĩnh Nhân!
Ô Tư Đạo...
Ô Tư Đạo không vội, cũng không nhanh; lời nói lạnh như băng:
- Từ nay về sau, không bao giờ tôi dùng hai chữ "Tĩnh Nhân" nữa, xin đừng gọi tôi bằng tên đó.
- Tĩnh Nhân - Ô Tư Đạo! Thời tiết quá nóng mà trời lại tối rồi, anh còn định đi đâu? - Kim Phượng cô nói gấp gáp: - Anh nghe em nói. Em... em không phải...
Nàng cuống quá, không biết nói như thế nào nữa, chỉ biết giang hai tay ra, muốn bước lên đỡ lấy Ô, nhưng đột nhiên nàng dừng bước, từng giọt nước mắt trào rơi! A Bảo lúc đầu còn sững sờ ngó nghiêng, nhưng lúc đó thái độ của hai người đã làm bé sợ. Nó lăn vào lòng mẹ, ngẩng mặt lên nhìn vào hai khuôn mặt ảm đạm của hai người lớn mà oà lên khóc.
Ô Tư Đạo mặc kệ hai mẹ con, chàng chậm chạp đi ra khỏi sân, quả thấy mây đen ùn ùn kéo đến đầy trời, rồi một trận gió thổi tới, làm cho người chàng run lên. Chàng đành phải tập tễnh quay lại gian phòng, rồi mệt mỏi ngồi xuống ghế, ngoảnh nhìn ra cửa sổ, nói:
- Em còn nhớ hôm ở núi Thanh Lương không?... Ở đó rất gần với Hổ Cứ Quan... cảnh trí ở đó thật đẹp! Còn nhớ bài thơ khi đó của em không?
Nước mắt long lanh đầy mặt, Ô kéo dài giọng  ngâm:
Sinh thời thân nhẹ, "cốt lung linh", (65)
Xa thẳm tình xưa, "vân thụ trung"
Quân tử từ xưa từng hóa hạc,
Người đẹp ngày nào thành dáng mây?
Vương tôn, cỏ thơm còn xanh biếc,
Đầu núi, hoa đào mãi mãi hồng.
"Bích thành" đêm khuya "thập nhị khúc",
Nào ai thuật lại "Mộng lê hoa"?
Ngâm rồi, Ô Tư Đạo không thể tự kiềm chế, họng chàng khô khốc phát ra những âm thanh như khóc, lại như cười; miệng Ô khe khẽ nói:
- Lúc đó anh đã nói, bài thơ này thật ra không xuất sắc lắm, có tình mà... Ngày nay nghĩ lại, dường như nó rất khác đời! Ngày nay em còn có lòng thương đến tôi - thật nực cười, tôi đáng thương sao?...
- Trời ơi! - Kim Phượng cô mặt trắng như tờ giấy nói: - Anh còn nói lại những chuyện đó làm gì?
Nói rồi nàng bế A Bảo lên; khi đó bé đang sợ... rồi cương quyết bỏ đi.
Ô Tư Đạo buồn bã nhìn theo nàng, một cơn gió thổi đến; Ô rùng mình và không biết vừa rồi, với những lời lẽ như vậy có phải là mình quá đáng không? Nhưng với tình ấy, với cảnh ấy; tất cả đã đến bước này mà nay ta ở lại nhà họ Kim thì bất kể như thế nào cũng đều không thích hợp. Ô suy nghĩ kỹ liền thu xếp hành trang, rồi chống nạng đi ngay. Không ngờ vừa đến cửa thứ hai xuyên đường, thì lại gặp ngay Kim Ngọc Trạch cùng với một người khoảng ngoài ba mươi tuổi cười nói đi vào.
- Tư Đạo - Kim Ngọc Trạch đứng dừng lại, nhìn thấy Ô bỏ đi ông cảm thấy ít nhiều có chút khó xử, ông liếc nhìn Ô, nói:
- Cháu! sao lại...?
Ô Tư Đạo hơi cúi mình rồi cao ngạo ngẩng mặt lên, nói:
- Chú ạ, cháu có mấy người bạn ở Kinh nay cháu muốn đến thăm họ, vậy cháu xin chào chú, cháu đi!
- Bạn à?... sao chú không biết nhỉ? - Kim ấp úng nói.
- Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quần phân (66), cháu và họ đều là "bần tiện chi giao" mà.
- Tuy vậy nhưng cháu cũng không nên đi. Cháu cứ ở đây, mọi việc đã có chú lo liệu.
- Chú ạ, Lương viên (67)  tuy đẹp, nhưng không phải nơi mà ai cũng ở được, cháu không nên ở lại đây là hơn.
Kim Ngọc Trạch đã sớm biết rÔ Tư Đạo ở đây cũng có điều không ổn, nhưng dù sao cũng không nên để Ô đi ngay; vì vậy Kim liền lên mặt  người trên nói:
- Cháu làm như vậy thì còn ra làm sao? Gấp gáp đến, rồi lại đùng đùng bỏ đi, thế là nghĩ lý gì? Chú đối xử tệ với cháu sao?
- Không đâu - Ô Tư Đạo nhìn Kim Ngọc Trạch khiêu khích. - Cháu không dám nói chú đối xử tệ với cháu; mà làm sao chú lại có thể đối xử tệ với cháu chứ?
Kim Ngọc Trạch bị Ô nói lại cho mấy câu thì đờ người ra; nhưng ông đã biết con người Ô Tư Đạo, anh ta rất dễ sinh chuyện. Nhưng cũng không thể để anh ta đi rồi anh ta sẽ có cớ nói linh tinh. Sững người một lúc, Kim Ngọc Trạch liền đổi ra nét mặt tươi cười, nhẹ nhàng nói:
- Làm sao mà lại giở ra cái tính như bố cháu thế? Đã bị mấy vố rồi, mà tính nào vẫn tật ấy! Chà... chút nữa thì quên, đây là ông anh rể họ của cháu đấy, tên là Đảng Phùng Ân. Bây giờ ở Nhuệ Kiến doanh tại Sơn Tây, đã làm đến chức du kích (68)! Thôi,
về phòng đi, cháu xem, trời sắp mưa rồi đấy! Tối nay Phùng Ân cũng không về nhà đâu; chúng ta ít khi có được dịp tụ họp một nơi để chuyện trò như thế này.
Đảng Phùng Ân tuy là quan võ, nhưng chuyện trò cũng rất phong nhã. Thấy Ô Tư Đạo có vẻ bực dọc, Đảng không biết lý do như thế nào, nhưng cũng chèo kéo giúp nhạc phụ:
- Thì ra là người anh em họ của tôi đến, chẳng trách nhạc phụ lúc đang uống rượu ở nhà Bát da ngồi không yên chỗ! Này, từ lâu tôiược nghe nói đến văn tài của chú. Tôi tuy là dân võ biền, nhưng cũng rất thích được học đòi văn vẻ. Thôi, tối nay đừng đi nữa, chúng ta cùng đốt ngọn nến đỏ, rồi cùng nâng chén nói chuyện một đêm.
Ô Tư Đạo ngẩng đầu nhìn sắc trời. Bấy giờ đã quá giờ Thân, trên bầu trời mây đen cuồn cuộn, chớp sáng loằng ngoằng, chốc chốc lại ầm ầm sấm động, cứ như là những bánh xe lớn lăn trên sông băng phát ra những tiếng nổ lớn khiến mọi người đều khiếp đảm! Ô Tư Đạo suy nghĩ một chút; biết rằng lúc này cũng khó đi được, mà cũng thấy mình làm hơi quá, Ô bèn nói:
- Thôi được rồi... ngày mai tôi sẽ đi vậy, chẳng qua đó là số mệnh tiền định cả mà thôi!
Ba người uống rượu cũng không lấy gì làm vui cho lắm. Qua những câu nói của hai người, Đảng Phùng Ân cũng dần dần rõ được phần nào câu chuyện. Tuy Đảng đã cố gắng thù ứng, gắng làm tròn nhiệm vụ của một "bán chủ", nhưng Đảng cũng không biết làm thế nào để Ô Tư Đạo vui lên và có được tửu hứng. Vì thấy ngay cả những câu chuyện về văn chương, Ô cũng không mấy hào hứng nên Phùng Ân câu chuyện sang hướng khác. Phùng Ân hỏi:
- Nhạc phụ, khi ở trên bàn tiệc, người và Ngạc Luân Đại quân môn có nói là hoàng thượng sắp đi tuần sát Nhiệt Hà, điều đó có thật không?
- Qua rằm tháng tám sẽ đi!
Kim Ngọc Trạch là một viên quan nhỏ ở bộ, ở tào (69), ông vốn không có được tư cách để nói một câu chuyện có tầm cỡ như vậy với Ngạc Luân Đại, một viên Ngự tiền thị vạng nhất; nhưng lúc đó ông ta muốn ra vẻ ta đây với Ô Tư Đạo; nay lại thấy con rể hỏi vậy, ông liền ra vẻ quan trọng, khe khẽ nói tiếp:
- Lần này hoàng thượng đi Thừa Đức thì Trung đường Đồng Quốc Duy sẽ tọa trấn Bắc Kinh, hai vị tướng quốc Trương Đình Ngọc và Mã Tề sẽ hộ giá! Hiện đã có chỉ, Đình kí (70) cũng đã được phát đi rồi. Ngũ a-ca, Thập tứ a-ca phải từ Cổ Bắc Khẩu trở về Bắc Kinh tùng giá. Tứ da hiện đang ở An Huy, đồng thời Thập tam da từ đại doanh thủy quân ở Vu Hồ cũng phải đến Đồng thành cùng với Tứ da mau chóng xử lý mọi việc về hà vụ (71) để trước ngày 15 tháng Tám về tới Bắc Kinh.
Đảng Phùng Ân nói:
- Hoàng thượng tuần sát Nhiệt Hà thì sao phải huy động một lực lượng lớn như thế? Ngũ da, Thập tứ da thì không nói làm gì, vì các vị đó nguyên vẫn là sẽ về Kinh. Nhưng còn Tứ da, Thập tam da ở đó, công việc vẫn đang bề bộn thì hoàng thượng gọi về làm gì?
Kim Ngọc Trạch do nhậu luôn hai bữa rượu nên mặt đỏ tía tai. Muốn phô trương thế lực của mình với Ô Tư Đạo, Kim cười khanh khách nói:
- Tiểu bối hậu sinh, làm sao hiểu được hết thánh ý của Vạn tuế da. Có thể là ngôi vị của thế tử không ổn.
Đảng Phùng Ân cau mày lại, nói:
- Lời của lão da khác với ý của con! Tháng Năm, trước tết Đoan ngọ, thái tử còn thay mặt thiên tử đến Tây ơn úy lạo quân đội, như vậy thì sao lại có chuyện phế vị được?
- Tin tức ở phủ Bát da lẽ nào lại sai?
Kim Ngọc Trạch uống "ực" một ngụm rượu nói tiếp:
- Toàn bộ thị vệ ở Đông cung của thái tử đều bị thay hết! Tứ da thuộc Thái tử đảng, hai năm nay phải làm nhiệm vụ thanh lý nợ khó đòi; tròng mắt đen đã nhìn vào đống bạc trắng rồi! Thúc nợ mà thúc đến nỗi gà bay, chó trốn; lại thêm vị trợ thủ là Thập tam da, bức bách người ta phải trả nợ. Riêng các mệnh quan ở ngoại tỉnh cũng phải tự sát đến hơn hai mươi người; Thập da đã phải đem của nả trong nhà đưa đến xưởng men phát mại. Một vị a- ca như vậy, rồi đây sẽ đương chính, tọa triều (72) thì những kẻ dưới làm sao được nhờ? Hôm nay trong tiệc rượu anh có để ý không. Cái người ngồi đầu bàn, ngay cạnh Cửu da chính là Hà công công ở Dục Khánh cung, Lam Linh tử thái giám tổng quản, ông ấy tính toán lợi hại nên muốn đi theo Bát da!
Đảng Phùng Ân nghe Kim nói, cứ lắc đầu hoài, Đảng nói:
- Đó đều là những việc đã rõ. Tứ da, Thập tam da đã làm hỏng việc ở bộ Hộ nên đi tỉnh ngoài để đỡ hổ thẹn và tránh họa, nhưng đến ngày 15 tháng 8 này, vừa đúng là ngày Thánh đản thứ năm nhăm của Vạn tuế da; người muốn ngày đó con cháu sẽ đông đủ. Hôm ấy chắc hai vị a-ca đó sẽ cùng có mặt ở Kinh. Nhạc phụ ạ, Bát da và thái tử cũng đều có những điều này khác, những người dưới họ đã tung ra những lời đồn đại linh tinh. Chúng ta nghe rồi thì chỉ nên biết vậy, không thể tin được cả
- Cũng không thể không tin!
Kim Ngọc Trạch liếc nhìn thấy Ô Tư Đạo ngồi lặng im không nói gì, lại thấy Ô cứ dửng dưng như không thì có chút thất vọng, ông lạnh nhạt nói:
- Phùng Ân này, ông thông gia của ta, bố anh Phó Hiến đại nhân đã nghỉ hưu từ lâu rồi, nhưng ngày nay tình hình đã khác trước, không giống như năm Khang Hy thứ 12, khi mà ông thông gia từ Quảng Đông trốn về Bắc Kinh đâu! Hoàng hậu chết đã hơn ba mươi năm, lại mới thêm mười tám vị a-ca, mỗi vị đều có đường hướng của mình, mỗi vị đều có quyền thế của riêng mình; ông ấy cũng không thể cứ khư khư giữ lấy cái cũ! Còn về phần anh thì tiền trình còn dài anh càng nên thức thời theo thế. Bát da nói, kể từ năm Khang Hy thứ 42 trở đi, thì triều cục sẽ có cảnh khác lạ!
Ô Tư Đạo cau mày. Ô nghĩ tới Dận Chân, vạn nhất vị a-ca hiển hách đó bị sa vào cảnh tình thế nguy ngập thì sao? Nhưng bỗng một ý nghĩ không vui thoáng hiện trong đầu Ô: tối nay mình sẽ như thế nào đây? Cứ ngồi nghe họ nói những chuyện không liên can đến mình để làm gì? Ô đương nghĩ cách bỏ đi thì trên trời chợt sáng lòe, tiếp đó là một tiếng nổ vang trời động đất khiến cho cả căn phòng chấn động. Ô Tư Đạo thấy hai người kinh sợ vì tiếng sét thì cười, đứng dậy nói:
- Thưa chú, thưa ông anh; sét to, gió mạnh, càng trợ hứng cho cuộc trò chuyện; bữa rượu hôm nay thật vui! Nhưng cháu quả thật không gắng gượng được nữa! Như cháu là một người tàn phế, cuộc đời đã từ bỏ; câu chuyện về công danh mà chú và ông anh đang nói đây, đối với cháu đã chỉ như là phù vân mà thôi. Bây giờ, cháu xin mời chú và ông anh mỗi người một chén rượu, sau đó xin cáo thoái.
- Thành ra chúng ta mải nói chuyện về việc triều đình, bỏ mặc người anh em!
Đảng Phùng Ân nét mặt tươi cười, rạng rỡ đứng dậy nói, lại tiếp:
- Kỳ thực những lời tửu hậu, trà dư; cười vui rồi cũng qua đi cả mà thôi. Bây giờ xin theo ý chú em chúng ta cùng uống ba chén, rồi kính mời nhạc phụ một chén, sau đó chú em có thể đi nghỉ được! Sau này ta sẽ còn có nhiều dịp nói chuyện với nhau!
Liền đó hai người cùng cạn luôn ba chén, rồi mời Kim Ngọc Trạch một chén. Kim Ngọc Trạch cũng đã say, liền nói:
- Thôi, cháu cứ yên tâm ở đây với chú! Mọi việc sẽ có chú lo liệu. Chú hiện nay với người trong phủ Bát da đi lại với nhau khá thân. Bát da, vị a-ca này có lẽ cháu đã nghe nói tới. Đó là một vị a-ca có học vấn, nhân nghĩa, phúc hậu, rất quý mến người tài, thương kẻ yếu thế. Năm cháu làm náo loạn trường thi Nam Kinh, Bát da đã khen cháu là danh sĩ chân chính, đại trượng phu! Hiện nay tuy chân cháu bị "phế tật", nhưng học vấn của cháu không "tàn". Ngày mai chú sẽ tiến cử cháu với Bát da. Hiện nay Bắc thư phòng của ông còn thiếu một người phụ trách; cháu ở đó làm một "thanh khách tướng công" mà lại hóa hay! Không phải chú nói quá; có một số tiến sĩ, hàn lâm bỏ quan, muốn xin làm chức đó mà còn không được! Chú đối xử với cháu không tồi đâu!
Nói rồi Kim vuốt râu cười khanh khách.
- Rất cám ơn ý tốt của chú.
Ô Tư Đạo hơi mỉm cười, không lưu ý đến khẩu khí của mình hơi có chút giễu cợt:
- Cháu tuy không biết gì về hoạn đồ, nhưng nghe thì cũng biết được là chú và ông anh chẳng bao lâu nữa sẽ "cao thăng"! Cháu đã dứt khoát với con đường chính trị, lần này cháu vào Kinh là muốn nhờ phúc đức cha ông để làm một Đào Chu công (73), cũng không ngờ là chú lại có thể giúp cháu như vậy được! Vậy thì như thế này, cháu sẽ nghỉ ở đây vài ngày; gặp gỡ bạn bè, đợi khi có được tin tức về việc chú giúp cháu thì cháu sẽ bàn thêm với chú?
Nói rồi Ô mỉm cười, chống nạng thong thả đi ra. Lúc này trên trời đã lác đác có giọt mưa, những hạt mưa đã tí tách rơi trên nền gạch.
Đảng Phùng Ân đứng trên thềm trông cho gia nhân soi đèn cho Ô Tư Đạo đi. Khi Ô đi đã xa xa, Đảng suy nghĩ một chút rồi quay vào, y đưa con mắt say nhìn Kim Ngọc Trạch, gọi khẽ:
- Nhạc phụ!
- Gì vậy?
- Người này có phải là Ô Tư Đạo, người đã đại náo trường thi Nam Kinh năm nào không?
- Chính nó đấy!
- Con người này không coi thường được đâu.
Đảng Phùng ân đột ngột nói tiếp:
- Tối nay nhạc phụ nói nhiều qu
- Hả!... - Kim Ngọc Trạch giật mình, ông chột dạ mở mắt ngẩn người nhìn con rể nói: - Anh nói cái gì thế?
Đảng đổi sắc mặt, nói:
- Nhạc phụ đừng hiểu lầm con, Đảng con đường đường là một trang tu mi nam tử, quyết không nghĩ gì đến những chuyện trước kia giữa anh ta với Phượng Cô. Mới đầu con tưởng anh ta là một anh học trò thô lỗ, hôm nay gặp thấy được sắc mặt anh ta...
Kim Ngọc Trạch cười nói:
- Sắc mặt anh ta làm sao, hiện nay anh ta đã "cùng đường, mạt lộ", chân lại què; tuy có tài năng nhưng cũng chẳng làm nổi được việc gì nữa đâu!
- Anh ta ở đây, con cảm thấy khó chịu, anh ta bỏ đi, con lại thấy hoảng sợ.
Đảng Phùng Ân nói tiếp dòng suy nghĩ của mình:
- Dáng dấp con người này làm cho người ta phải sợ anh ta nói muốn làm quan nhưng không được, nay muốn được như phú ông Đào Chu. Con lấy làm lạ là hôm nay nhạc phụ nói với anh ta về những nhân vật mà họ chỉ cần đưa ngón tay ra là có thể vực anh ta dậy, thế mà anh ta vẫn không có một chút nhiệt tình nào cả!
-...
- Thế lực ngầm của Bát da từ lâu đã hơn thái tử rồi.
Đảng Phùng Ân nói đến đây, mắt y bỗng sáng lên:
- Một vị a-ca quyền nghiêng thiên hạ như vậy mà khi nhạc phụ định tiến dẫn, thì anh ta lại tỏ ra rất thờ ơ?
Kim Ngọc Trạch bị lời lẽ nặng trịch của Đảng làm choáng người, tỉnh hẳn rượu, lâu lâu mới nói:
- Anh nói là...
Đảng Phùng Ân dịu giọng nói:
- Con muốn nói là, anh ta không vì sự thăng quan, cũng không phải vì muốn "phát tài", thế thì đến Kinh để làm gì? Con xem ra thì anh ta đến đây là có một ý định không tốt gì đó!
Kim Ngọc Trạch trợn mắt lên nghĩ một lúc rồi lắc lắc đầu. Đảng Phùng Ân cười nói.
- Vật gì đã khác thường thì đều đáng ngờ. Con người này trước kia đã từng dẫn đầu mấy trăm cử nhân rước thần tài đại náo trường thi. Việc thất bại, phải ẩn cư đọc sách mười năm mới xuất đầu lộ diện; trong lòng anh ta chắc những mong Đông sơn tái khởi, nhưng lại trở thành người tàn tật. Nghìn dặm phong trần đến thăm nhạc phụ, lại gặp chuyện Phượng Cô đã xuất giá. Vậy nếu là nhạc phụ thì người nghĩ sao?
Từ kẽ răng, Kim thốt ra một lời:
- Hận.
- Đương nhiên!
Đảng Phùng Ân nói lạnh ngắt:
- Hận trời, hận đất, hận người; nhưng chủ yếu hận nhạc phụ và hận con! Cho nên bất kể là một vị a-ca nào, hoặc là một vị đạt quan, quý nhân nào mà thu dụng anh ta, thì một khi đắc thế, nhạc phụ và con sẽ không yên được với anh ta đâu!
Lời nói "đẽo xương, gọt tủy" đó, Đảng Phùng Ân nói cứ ngọt lịm như không. Kim Ngọc Trạch cảm thấy từng câu một thấm vào người; Kim bất giác rùng mình, ông ta liền nói một cách dữ dằn:
- Ngày mai ta sẽ cho người tống hắn về quê!
- Tống hắn về, rồi hắn lại trở lại... - Đảng rằn tiếng nói tiếp: - Mà lại càng hận thêm!
- Nếu vậy thì anh bảo nên như thế nào?
Đảng đi đến trước một ngọn nến, "phụt" một tiếng thổi tắt ngọn nến, trong phòng vụt tối. Người Kim co lại, nói:
- Kinh sư là nơi vua ở, làm thế nào được việc ấy?
Đảng Phùng Ân quay người ra đi được hai bước, đột nhiên y quay người lại, nói:
- Có thể dùng đao.
Một tia chớp lóe lên, bầu trời tưởng như bửa làm đôi từ trên thinh không kêu vang lên một tiếng, rồi lại tối đen như trước, chỉ có mưa to đổ xuống như trút nước mà thôi!
----------------------------
(59) Nội ngụ... húy Ngọc Trạch: nhà của Kim Ngọc Trạch, làm việc tại bộ Binh, tư Vũ tuyển.
(60) Đá cảm đương: viên đá đạt ở đầu ngõ để trừ ma quỷ.
(61) Đảng Du Kích:  Đảng là họ Đảng. Du Kích là một chức quan võ thời đó (Tên người con rể này là Đảng Phùng Ân).
(62) xuyên đường: phòng ở nhưng phải đi xuyên qua đó mới đến được các phòng sau.
(63) Đông Sơn tái khởi: Lại ra làm quan nữa. Theo "Tấn thư", sau khi từ chức Tạ An về ẩn cư tại Đông Sơn. Sau ông lại được vua vời ra làm đại quan.
(64) Anh: Xét theo thứ bậc trong họ thì Kim Phượng Cô là chị. Ô Tư Đạo là em. Nhưng vì tập quán của Việt Nam, tôi vẫn để Kim Phượng Cô gọi Ô Tư Đạo là anh và xưng là em.
(65) Những chữ trong ngoặ;c kép là những từ Hán Việt của nguyên bản bài thơ. Chúng tôi giữ như vậy để bảo đảm cho ý của tác  giả được chính xác.
(66) Vật dĩ loại tụ, nhân dĩ quầ;n phân: các vật cùng loại đều tụ tập một nơi, người thì chia thành từng nhóm từng bầy.
(67) Lương viên: vườn hoa của Lương Hiếu vương thời Hán.
(68) Du kích: một chức quan võ có từ đời Hán; đến Thanh triều chức này dưới chức Tham tướng (tương đương với quân hàm Trung tá thời nay).
(69) Tào c$1;ng như các Vụ ở các Bộ ngày nay.
(70) Đình kí: Chỉ dụ được gửi đi các tỉnh.
(71) Hà vụ: những công việc về đê điều, sông nước
(72) Đương chính tọa triều: ý nói sẽ lên làm vua
(73) Đào Chu công chính là Phạm Lãi, người giúp Việt vương Câu Tiễn đ;ánh bại Ngô Phù Sai. Sau đó ông bỏ Câu Tiễn đi lập nghiệp và trở nên giầu lớn.
 

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI