HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN
Lúng túng, khách thành thanh vân sĩ
Quân bài trong hội kinh trạng nguyên

    
ưu Mặc Lâm và Tô Thuấn Khanh hai người như cá gặp nước tận hưởng hương vị ngọt ngào êm ả mà ý hợp tâm đầu, đang định ngồi dậy bỗng dưng nghe tiếng chân rậm rịch ngoài sân chừng như có tốp người đang xông vào. Tiếng một bà già gào thét vẻ phẫn nộ: - Thằng hai họ Lý kia mắt lác hay sao mà không thấy, ngươi lừa nàng Tô nhà bà đi đâu rồi mà tìm khắp nơi không thấy", tiếp đó là tiếng chủ quán cười khì khì và thở dài nói:
- Bà dì tốt bụng của con! Đó là cây rung tiền của bà, con đây dù đầu mọc sừng gan cóc tía cũng không dám lừa đâu ạ. Nàng Tô đang ở phòng phía bắc kia kìa, vừa mới nghe chị ta còn hát, chắc là lúc này đang ngồi trò chuyện với Lưu lão da, con hồ đồ ngu muội chỉ nhặt nhạnh chút tiền chăn dắt thôi mà, bà dì là người ngồi trên vai trên đầu cũng hiểu điều này chứ ạ?
Vừa nói vừa dẫn bà chủ chứa vào. Lưu Mặc Lâm đang ngây người ra, Tô Thuấn Khanh sợ hãi nhợt nhạt cả mặt vội kéo Lưu Mặc Lâm dậy bảo "mặc cho nhanh quần áo vào", vừa chống tay đứng dậy kéo quần áo lót mặc vội mặc vàng, thắt lại dây lưng cố lấy bình tĩnh thì vừa lúc "kẹt" cửa mở tung ra.
- Trời đất ơi! - Bà dì vừa thấy tình cảnh hai người đôi chân như nhũn ra quỵ xuống, bà vỗ đùi xông lên miệng chửi rủa:
- Cái con giang hồ bán trôn trời đánh kia, mấy hôm nay mày chạy đông chạy tây ta biết ngay là mày phá ngang rồi. Ta đã nhận ba trăm lạng ra mắt của mày nữa, thế mà mày làm trò giả ốm giả đau nói là không muốn xa má! Vậy cũng được... - Bà vừa khóc vừa đưa tay túm tóc Tô Thuấn Khanh lôi ra khỏi giường đè ngay xuống đất rồi chỉ tay vào Lưu Mặc Lâm nói:
- Đây là cái vật gì? Công danh thối nát trôi tuột đi rồi. Gọi là bán hoa cũng không giống bán hoa, hát xướng cũng không ra hát xướng, so về con người thì không bằng gót chân Từ đại công tử.
Bà nhìn Lưu Mặc Lâm với ánh mắt khinh miệt:
- Cái đất nào mà cũng không mọc nổi cây dừa còi này, thế mà còn ngủ với nó cơ chứ? Đồ đê tiện vô dạng bất lương chết đâm chết chém kia!
Chủ quán Lý Nhị thấy người bên ngoài nghiêng ngó vào quán mình vội cười nói chêm vào:
- Bà cô tốt của tôi, cô Tô ơi! Hãy bình tĩnh chút nào, thế này là làm hỏng thân xác rồi, nhưng mình không nên phô trương cho mọi người biết một đống gấm bị che khuất một phần rồi, Lưu tiên sinh hãy trả thêm ít phí tổn nữa đi thì mọi người đâu sẽ vào đấy đúng không? Cứ cái kiểu bắt gà bay, đánh chó chạy thế này thì có ích gì?
Chưa dứt lời bà chủ chứa "xì" một tiếng mắng:
- Ngươi được đấy, cha ngươi đặt tên không đủ chữ, hãy hỏi mẹ ngươi xem đêm tân hôn có mê thiếp đi không?
Câu chửi làm mọi người buột miệng cười, Lưu Mặc Lâm biết là mình đã làm hỏng cái "Cây rung tiền" của bà chủ, nhìn Tô Thuấn Khanh đứng ủ rũ mặt mướt mồ hôi khóc nức nở, suy nghĩ hồi lâu mới nói:
- Mẹ đừng quá giận dữ, gạo nấu thành cơm rồi dù mẹ có đập đầu chết cũng không ích gì! Vâng, bao nhiêu tiền chuộc thân cho Thuấn Khanh, con xin trả lại cho mẹ, Thuấn Khanh đã là của con rồi.
Bà lão lau nước mắt nước mũi nhìn căn phòng một lượt rồi trừng mắt nhìn Lưu Mặc Lâm bĩu môi cười lạnh nhạt:
- Được! Tùy thôi! Coi như bà mẹ này thật thà buôn bán chịu lỗ vốn, đồ trang sức tiền bạc của con ta không cần. Chỉ cần con bỏ ra hai ngàn năm trăm lạng bạc giao tận tay thì ta cũng giao người... Đem ra đây! - Nói xong chìa tay đòi tiền.
- Hai ngàn rưỡi lạng thì hai ngàn rưỡi! - Lưu Mặc Lâm cười khà khà - Bà sinh ra đã có cặp mắt ba ba, ta không tính toán cái đó, nhà ta cũng không nghèo, ta viết thư gọi trận bạc Chiết Giang gửi đến là được chứ gì? Còn người thì cứ để ở đây với ta...
Mụ chủ chứa vỗ tay cười nói:
- Mọi người nghe đây, cái tay học sinh chết đói này nói khoác mà không sợ chết trương, ta nói cho ngươi biết cái dáng học sinh nghèo như ngươi ta gặp nhiều rồi, chỉ e còn bần tiện hơn ba ba ở dưới sông Vĩnh Định, ngươi định bịp ta, đùa bỡn khuê nữ của ta, ta chưa thèm tính nợ với ngươi, còn xem thường mụ ba ba này ư, nhà ta hiện đang có hai công tử lão da ngồi chờ, ngươi về ở với ta được ăn uống tử tế nửa tháng sau mà không gửi bạc đến thì trói gô cổ lại gửi lên Thuận Thiên phủ, lột ngay cái bộ da giả quan của ngươi, ngươi chỉ đáng thằng nhỏ pha trà giúp việc trong nhà của ta thôi!
Lưu Mặc Lâm tím mặt, giận run người không thèm phân bua bước tới "bốp, bốp", hai cái tát vào mặt mụ chủ chứa làm mụ hoa cả mắt mà mắng rằng:
- Bà là loại gì? Ta đây danh quan Giang Nam. Cống sinh ta cũng từ tú tài cử nhân qua thi cử mà nên, công danh là do triều đình phong cho ta. Mụ là đồ chó đẻ, nói xem cậy quyền thế của ai vậy, mà dám trợn mắt ức hiếp người?
Tô Thuấn Khanh biết rõ tâm địa của bà chủ vội vàng nói:
- Lưu... Lưu tiên sinh xử sự không phải!
Đang nói thì một thanh niên khoảng ba mươi tuổi sải chân bước vào, liếc nhìn Lưu Mặc Lâm tay phe phẩy chiếc quạt Tương Phi màu nhũ nói: - Bà ấy dựa vào quyền lực của ta đây, ngươi là học sinh nghèo thì ta cần nhìn ngươi bằng con mắt thế nào đây? Ngươi là cống sinh tất phải hiểu quy định luật nhà Đại Thanh: - Môn sinh của thiên tử mà chơi gái là làm nhục thánh môn nhà Thanh, thất đức hủ bại coi thường công lệnh triều đình.
Hắn quay lại nói với mụ chủ chứa:
- Bà ăn mày tranh cãi làm gì với loại người này? Cứ để ta giải tên ngỗ ngược này về Quốc Tử Giám!
Lưu Mặc Lâm nhìn kỹ người mới đến thấy mặc áo bào hoa vải lụa màu nước dấm, chân giầy đen dính bùn, còn khoác thêm chiếc áo the xanh có vân viền xung quanh, hoa tai ngọc ví cau trầu nằm sát bên chiếc túi đen lắc đi lắc lại. Đầu đội mũ lụa màu đen kết nhung hồng ở đỉnh, trên khuôn mặt chữ điền đôi mày rậm nối sát nhau thành một hàng ngang, cặp môi dầy, khóe miệng trễ xuống, vẻ mặt kiêu ngạo lạnh lùng như không có ai bên cạnh, chẳng rõ hắn ta từ đâu tới? Đang định nói thì mụ tú bà vội cất lời:
- Ồ... Từ lão da! Ngài đích thân đến đây ư! Ta đang bảo nàng Tô về hầu ngài trò chuyện thì đúng lúc gặp phải đồ dã thú đang diễn trò với nàng! Nếu lão da không đến ta thật không biết phải xử lý nó ra sao? Lão da nói giải nó đến Quốc Tử Giám, được không?
Lưu Mặc Lâm lúc này mới biết người này chính là Từ Tuấn "công tử tướng phủ" của đại học sĩ Từ Càn đã nghỉ hưu. Nghe nói các môn thi từ, ca phú, cầm kỳ thi họa đều không tầm thường, một tài tử nổi tiếng ở kinh hoa này, nhưng làm sao lại có bộ mặt như vậy? Lưu Mặc Lâm đang định lên tiếng thì Từ Tuấn quát một tiếng mấy tên đầu sai ở hành viện đã trực sẵn tại cửa như bầy lang sói xông ngay vào trói gô Lưu Mặc Lâm lại lôi đi.
Lưu Mặc Lâm cố sức giãy giụa quay đầu lại hét lớn:
- Tưởng ngươi là hạng nho quan, không ngờ chỉ là áo quan dã thú lưu manh ác bá!
Từ Tuấn bước từ trên bậc thềm xuống trừng mắt nhìn Lưu Mặc Lâm giống như một con mèo vồ được chuột, miệng cười khẩy nói:
- Phong lưu ác bá, nói hay tuyệt, nghe không chán, ta xem ngươi càng giống oan hồn hoa liễu... chờ Quốc Tử Giám tế rượu lột da nhà ngươi rồi về mà lý luận với ác bá... Thôi đi!
Cả đám người xô đẩy nhau chọc ghẹo Lưu Mặc Lâm vừa ra khỏi cửa thứ hai thì nghe tiếng thanh la vang lên, cả mấy phố người ùn ùn vừa cười vừa hô lớn:
- Lưu Mặc Lâm lão da trọ ở đây phải không? Mời lĩnh thưởng. Chúc mừng thám hoa đệ nhất Lưu lão da!
Cả đám người đều thất kinh, hai tên đồ tể ở hành viện trói Lưu Mặc Lâm đã vội vàng buông tay, cả đám người như tượng gỗ chết đứng ngay dưới cửa bậc thềm, Từ Tuấn cũng thẫn thờ. Lưu Mặc Lâm hồi lâu mới định thần tưởng rằng mình nghe nhầm, liếc mắt nhìn thì thấy hai thiệp báo lớn màu đỏ giương cao, một đoàn những kẻ lang thang ngoài đường phố chen nhau như đàn ong vỡ tổ tràn vào, cố lách thân để nhìn thiệp báo. Chữ vàng trên nền đỏ vô cùng rực rỡ:
- Kính báo Lưu da Mặc Lâm tiến sĩ thứ ba giáp nhất Cao Trung điện.
Mặc Lâm bỗng hoa mắt, đôi chân mềm nhũn như sắp khuỵu xuống, chờ lấy lại bình tĩnh mới lên tiếng:
- Vị nào là quan ở bộ Lễ?
Hai người cầm thiếp vội bước ra cười hì hì vái chúc mừng nói:
- Ngài là tân quý nhân ạ? Xin chúc mừng ngài!
- Đứng đầu giáp nhất là ai?
- Xin đáp lời lão da, trạng nguyên là Vương Văn Thiều, bảng nhãn là Doãn Kế Thiện, Vương lão da và Doãn lão da đã được báo trước hẹn nhau đến bái kiến lão da, hiện còn chờ ngoài kia ạ!
- Thảo nào, sao không nói sớm? - Lưu Mặc Lâm thất kinh xua giãn mọi người rồi vội vàng chạy ra cửa lớn, đã thấy Vương Văn Thiều, Doãn Kế Thiện hai người đang đứng trước kiệu bên kia hạ mã nói chuyện, xung quanh có cả hàng nghìn người ríu ra ríu rít, chen lấn xô đẩy, nhón chân nghểnh cổ ngắm nhìn "Tam nguyên tướng công". Trước con mắt đăm đăm của mọi người Lưu Mặc Lâm bước ra khỏi cửa khom lưng cúi chào hai người và cười nói:
- Vương huynh, Doãn huynh, chờ lâu một chút, đệ tử xin cúi đầu mừng hai vị!
Vương Văn Thiều và Doãn Kế Thiện nào biết được trận ẩu đả trong kia, giờ đây Lưu Mặc Lâm áo ngắn chưa mặc áo dài, cài lệch khuy vạt áo trước cao vạt sau thì thấp, hai bên mép giầy hở lộ cả bàn chân không đi tất, bên ngoài pháo nổ ran, khói thuốc nồng nặc. Doãn Kế Thiện khẽ kéo tay áo cười nói thầm:
- Ngài là thám hoa hay thám qua đấy? Nhìn dáng bộ của ngài vừa bị cướp uy hiếp phải không?
Lưu Mặc Lâm lúc này mới tỉnh ra đảo mắt một lượt thì bọn Từ Tuấn đã trốn đi mất tăm mất tích rồi. Bà chủ thanh lâu ý chừng biết mình có tội liền khép nép im lặng cúi đầu quỳ ở góc nhà phía đông. Lưu Mặc Lâm vội sửa sang lại quần áo vừa dẫn hai người lên phòng vừa gọi chủ quán:
- Ở dưới gối ta còn hơn một trăm lạng bạc, tặng cho hai người mang thiệp mỗi người mười sáu lạng, còn thừa ngươi đổi thành tiền đồng phát cho những người báo tin vui, ta còn phải chuyện trò với hai niên huynh, song ta sẽ thưởng cho ngươi.
Lão chủ quán vốn đã sợ tè cả ra quần vội vàng dạ dạ và chuồn thẳng.
Ba người uống trà một lát, Lưu Mặc Lâm lau mồ hôi nói:
- Hai huynh! Ta không giấu các huynh, đến bây giờ ta vẫn mơ màng. Ta đã đi xem bảng danh rõ ràng không có tên ta, thế này là thế nào?
Doãn Kế Thiện nhìn Vương Văn Thiều rồi cười nói:
- Ta vốn cũng lấy làm kinh ngạc thì vừa lúc thiệp báo đến phủ. Gia phụ ta cũng ở trong triều về nói giáp nhất, ba người trước phải quyết định lại, trong đó có một bài nằm trong số bị trượt được hoàng thượng đích thân chọn ra. Niên huynh hãy nghĩ kỹ xem bài luận của huynh có sai sót gì không?
Lưu Mặc Lâm nghiêng đầu đắn đo hồi lâu chỉ cảm thấy trong lòng hỗn độn, bài luận mình làm một chữ cũng không nhớ ra đành chỉ cười nói:
- Chỉ nghe nói có thay đổi năm người đứng đầu, không ngờ ân khoa năm nay thánh thượng lại quyết định thay đổi Tam nguyên, ta vốn cũng không hy vọng danh vị thám hoa này, để được tiến sĩ giáp nhị đã là mãn nguyện lắm rồi, hoàng ân thật to lớn! Không biết bài luận của ta có chỗ nào khiếm khuyết không? Đã là bài rớt rồi sao lại trúng ý của thánh thượng?
Vương Văn Thiều cười nói:
- Đức vạn tuế cũng chẳng phải thay đổi Tam nguyên. Kỳ thực khi niêm yết danh sách vẫn chưa chọn được Tam nguyên. Tên ta vẫn còn trong giáp nhị đấy chứ! Mà cũng là do Đức vạn tuế chọn ra đấy. Trong bài của niên huynh có một câu phạm Thánh đức đời sau. Mà phạm húy thì không có hy vọng đỗ khoa này, không ngờ Đức vạn tuế quyết định đọc toàn bộ những bài rớt. Theo phụ thân ta nói thì lúc xem tới mấy chữ phạm húy trong bài của Lưu huynh, Đức vạn tuế chỉ cười thuận tay cầm bút chữa chữ Dận thành chữ Dẫn rồi nói: "Quan tướng vi tạo mệnh chi chủ, trẫm phải cứu độ một tú tài đần độn", vì vậy niên huynh mới đỗ đó!
Doãn Kế Thiện gật đầu nói:
- Lưu huynh đúng là mệnh tiến sĩ, việc này đúng là số mệnh! Hoàng thượng đích thân chấm bài, bài luận của huynh phạm quy nên đành đỗ thám hoa thôi.
Lưu Mặc Lâm lúc này mới hiểu rõ là đích thân Ung Chính chữa lỗi cho mình mới đỗ vì vậy mà báo muộn. Ba người đỗ đầu bảng Tam nguyên không có trạng nguyên, không có bảng nhãn và thám hoa. Uống một ngụm nước trà, chàng buồn cười nhưng không biết vì sao mà không cười được, đến một câu khôi hài vui vẻ cũng không nói ra được, chỉ cảm thấy lòng mình rạo rực như có một luồng khí vừa cay vừa nóng như máu đang cuộn trào lên đầu. Hồi lâu mới nói:
- Thánh tâm lồng lộng thánh minh khôn lường, tú tài đần độn đến chết cũng không báo ân được người. Lý Nhị bày tiệc mời các lão da đi!
Vương Văn Thiều cười đứng dậy nói:
- Hai ta đến chào huynh đó là quy phép. Gặp huynh rồi giờ đây chúng ta cáo lui, lúc này không phải là lúc uống rượu, ba chúng ta phải đến ngay bộ Lễ, ngày mai vào điện Bảo Hòa để trình diện thánh thượng. Ta còn phải đến yết kiến trạng nguyên khoa trước và viết biểu tạ ân. Mọi ứng xử và lễ tiết đều phải thỉnh thị bộ Lễ, điều này không được sai sót gì. Buổi tối nhé! Tối nay tới phủ ta sẽ bỏ mũ ngồi luận đàm văn chương, chơi bài uống rượu được không?
Lưu Mặc Lâm thấy hai người nâng chén trà đứng dậy, lại đã mang tiếng là quan rồi đành cười nói:
- Mời hai vị đi trước, ta vận quần áo đi theo ngay không thì lại lỡ việc.
Thế là Vương, Doãn hai người chia tay ra đi. Lưu Mặc Lâm tiễn ra cửa lớn, trông theo tới lúc họ lên kiệu mới quay trở lại phòng mặc quần áo khác. Lúc này Lý Nhị đã dẫn một tốp trong tiệm đến để chờ giúp việc. Họ nhanh nhảu giúp chàng thay quần áo, nào là khoác lên, cài khuy, thắt lưng mãi tới khoảng mười phút sau mới đám mở miệng nói:
- Lão da tốt phúc phát tướng, lần này đích thị là hàn lâm rồi, biết đâu còn tế tửu ở Quốc Tử Giám nữa ấy chứ! Chẳng dám giấu lão da, ngài vừa đến trọ ở tệ quán, tiểu nhân cảm thấy ngay tiệm này được phủ khí lành. Hơn nữa số tiền trọ ngài nợ nhiều như vậy mà tiểu nhân có nhắc ngài đâu! Tối hôm qua ngọn đèn trong nhà tiểu nhân có hoa, tiếng nổ báo hỉ cứ bùm bụp liên hồi... ngờ đâu hôm nay lão da có tin vui lớn như vậy, đúng là linh ứng. Tiệm của nhà Phương Phố phía trước đấy, khoa thi trước cũng có người đỗ thứ mười bảy giáp nhị. Cái tay Phương mặt rỗ nhằng nhịt mắt đến mang tai, được hạnh mặt. Hôm nay tiểu nhân cũng phải ra dáng một chút chứ!
Lưu Mặc Lâm giơ tay cho họ mặc áo, miệng chỉ "ừ, ừ" xong xuôi mới nói:
- Lương tâm nhà ngươi không tồi. Ngày mai ta sẽ tự tay viết biển hiệu mới cho ngươi!
Nói xong thì thong thả bước qua thềm tới chỗ bà chủ chứa hừ một tiếng rồi hỏi:
- Thuấn Khanh ở đâu?
Mụ chủ chứa quỳ mãi chân chồn gối mỏi, thấy quý nhân đến hỏi không đám trả lời vội ngẩng đầu lên vả vào hai bên má mình và tự mắng:
- Con chó đẻ này không chết đi cho rồi, cái đồ trứng thối ăn phân nên không sáng mắt ra được! Hôm nay coi như ông trời trừng phạt đôi mắt mù này... Ngài là sao Văn Khúc trên trời giáng thế thành quý nhân quý tướng, thật đáng kiếp mụ già lú lẫn chỉ có biết nghe chó sủa mà thôi...
Lưu Mặc Lâm cảm thấy khó chịu quát:
- Với ngươi thì so đọ làm gì, nhà ngươi sánh được với ai? Việc ta hỏi là Tô Thuấn Khanh, cái tay họ Từ ấy đưa đi rồi phải không?
Mụ chủ chứa dập đầu lia lịa thưa:
- Từ lão da gây chuyện nhưng cũng không dám làm như vậy, lúc nhốn nháo đã thừa cơ bỏ trốn rồi! Còn nàng Tô vừa nãy bị bọn họ giằng xé mà sinh ra đau bụng, con mới cho người dùng kiệu nhỏ đưa nàng về nghỉ ngơi rồi, xin lão da yên tâm, không kẻ nào dám động tới lông chân người của lão da đâu ạ! Con xin ngài nể tình tha thứ. Từ đại lão da cũng chỉ vì sợ hãi chạy lung tung, chúng con cấu kết với nhau ở nơi đây kiếm bát cơm manh áo thực không dễ chút nào. Công tử tướng phủ họ Từ nhiều bạn bè tai to mặt lớn, lại là cậu ấm tiến sĩ hiện đang làm quan giám sát viện Đô giám, chúng con cũng không dám gây chuyện phiền phức. Nàng Tô về với ai không can hệ gì, chỉ xỉn lão da quý nhân thể tình cái khó khăn này cho chúng con, nói với Từ lão da cho xong xuôi mọi chuyện, mụ già này sẽ xin đích thân đưa kiệu nàng Tô về phủ...
Mụ tú bà nói rồi không hiểu sao lòng xúc động nước mắt ròng ròng.
- Từ Tuấn có gì ghê gớm - Lưu Mặc Lâm cười nhạt nói: - Ngay cả lão da nhà hắn là Từ Càn Học ta đã biết nhưng cũng chẳng phải loại tốt đẹp gì, ngươi đãi tốt với Thuấn Khanh ta đã biết và sẽ lưu ý.
Nói rồi lên kiệu tới bộ Lễ.
Canh năm rạng sáng hôm sau Vương Văn Thiều đi đầu tiếp sau là Doãn Kế Thiện, Lưu Mặc Lâm cùng ba trăm sáu mươi tiến sĩ giáp nhất, nhị, tam được quan của bộ Lễ hướng dẫn tiến qua cửa Ngọ Môn vào quan triêu đại nội. Lúc này trời còn đầy sao, trăng lưỡi liềm lờ mờ, ở trong cung dọc theo các hành lang, góc nhà nơi nào nơi ấy đèn treo sáng rực, lối đi toàn lát gạch men Lâm Thanh màu tro nhạt. Đoàn người theo thứ tự bảng danh bước dồn qua cầu Kim Thủy lên cửa điện Thái Hòa để vào cung, từ xa đã nhìn thấy ba cung điện nguy nga cao sừng sững giữa trời sao, dọc hai bên đường các bậc cấp lính ngự lâm lưng mang đao đứng nghiêm trang thành hàng, như đóng đinh xuống đất. Gió ban mai thổi qua những mô đất trước cửa quảng trường điện Thái Hòa, nhè nhẹ mang mùa xuân se lạnh hắt qua mặt làm cho những vị khách quý đều run run khiến chân bước cũng nhẹ nhàng hơn. Họ còn đang khẩn trương vui vẻ và thành kính chưa bước lên thềm điện thứ ba đã cảm thấy sự trang trọng nghiêm túc mô phạm của hoàng gia cửu trùng thiên khuyết.
Quan bộ Lễ đưa các tiến sĩ đến trước Bảo Hòa điện thì ra hiệu cho dừng lại. Đó là những điều đã dặn từ hôm qua, cho nên không cần phải nói gì, chỉ ám hiệu bằng tay là mọi người đều dừng lại. Các tiến sĩ không nói không rằng ngắm nhìn cây nến sáng rực trong điện Bảo Hòa. Tưởng tượng những ân sủng và vinh hạnh sắp đến, lại nghĩ tới mười năm gian khổ đèn sách nay mới có kết quả này, ai nấy tim đập thình thình miệng khô se lại. Chốc lát đã thấy quan bộ Lễ cùng quan thị lang Vưu Minh Đường cẩn thận nghiêm trang đang quay người đi lùi ra cửa điện, đến trước với mọi người quay hướng nam hô lớn:
- Phụng thánh dụ!
- Vạn tuế!
Các tiến sĩ vung tay, đầu ống tay áo kêu lật phật rồi tất cả cùng quỳ một lượt, cả không gian quảng trường im phăng phắc không một tiếng ho. Vưu Minh Đường chậm rãi nói:
- Tiếp theo tiến sĩ thứ tư Tào Văn Trị tuyên đọc báo danh triều kiến thánh nhan.
- Dạ! - Tào Văn Trị từ sau Lưu Mặc Lâm tiến lên quỳ phía trước, khấu đầu hướng về điện Bảo Hòa hai tay tiếp danh sách mà Vưu Minh Đường đưa rồi đứng dậy cúi lạy đại điện xong mới quay lại cao giọng đọc:
- Vương Văn Thiều, Doãn Kế Thiện, Lưu Mặc Lâm... - Giọng ông hơi run run đọc tiếp đến hai mươi mấy người trở về sau mới trấn tĩnh tự nhiên.
Lễ tuyên đọc trước điện xong, Vương Văn Thiều đi đầu dẫn bảng nhãn và thám hoa khom người tiến vào ngự quán, cúi đầu nghiêm trang quỳ xuống nơi quy định theo chỉ dẫn, hồi lâu mới ổn định xong. Mọi người nín thở chờ đợi, lưng và bàn tay đã rớm mồ hôi. Bỗng nghe ba tiếng roi quất từ trong điện vọng ra, tiếp sau là tiếng trống từ từ vang lên, tổng thái giám Lý Đức Toàn cao giọng hô:
- Đức vạn tuế giá lâm.
Lúc này mọi người mới biết Ung Chính hoàng đế không phải chỉ ngồi lì trên ngai vàng điện ngọc.
Ung Chính hoàng đế thong thả bước trong tiếng nhạc, hình như tối qua ngài mất ngủ, mắt còn thâm quầng nhưng tinh thần có vẻ tỉnh táo. Rạng sáng trời vẫn còn hơi lờ mờ tối, ánh nến vẫn sáng rừng rực, ngài bước tới cửa điện thì dừng lại nhìn một lượt các tiến sĩ tân khoa rồi quay lại nhìn Doãn Tường, Doãn Tự, Mã Tề, Long Khoa Đa và Trương Đình Ngọc đang nối tiếp nhau ở phía sau mình, không nói không rằng bước thẳng tới Tu Di trong điện và ngồi xuống. Người điều hành nghi lễ là Bát hiền vương Doãn Tự thấy Ung Chính nhìn mình vội khom lưng đến trước ngự tọa cao giọng nói:
- Ân khoa tiến sĩ nguyên niên Ung Chính đã tuyên đọc xong, các tiến sĩ quỳ xuống nghe chỉ dụ của Đức vạn tuế.
- Vạn tuế!
- Các ngươi đều là những người có học, trống kêu không phải do đánh mạnh. - Ung Chính uống một ngụm sữa cho thanh giọng rồi nói một cách rõ ràng: - Tối hôm qua trẫm đã tra cứu kỹ lý lịch của các ngươi, trong ba trăm sáu mươi tiến sĩ thì người xuất thân từ nghèo khó chiếm tới một trăm chín mươi người, con cháu quan lại có công lấy trong cống sinh thi điện là mười bảy người, còn lại sáu mươi lăm người là con cháu quan lại các tỉnh và lục bộ cửu khanh, con số này trẫm đã xem cả. Lý Phất tuyển chọn người thật là công minh.
Ông lại nâng cốc hai tay bưng lên nhưng không uống ngay mà thong thả nói:
- Quốc gia thi chọn tiến sĩ ba năm một lần là vì sao? Là vì muốn sử dụng những người như các ngươi để trợ giúp trẫm giải quyết chính sự hoặc thay trẫm bình định địa phương, cai trị dân chúng, phủ dụ ân tình. Khổng Tử nói: "Học nhi ưu tắc sĩ" các ngươi đạt được như vậy đã là "học nhi ưu" còn "sĩ" có làm tốt hay xấu thì phải xem lại bản thân các ngươi. Khởi đầu các ngươi đều từ thư sinh thành tú tài, tú tài thành cử nhân, thành tiến sĩ, cái chỗ dựa đó là văn chương học thức còn sau này các ngươi dựa vào đâu để làm quan? Trẫm tặng các ngươi hai chữ...
Mọi người đều cúi đầu, cả đại điện thật yên tĩnh đến tiếng chân đi lại rón rén của các thái giám bên ngoài cũng nghe rõ.
- Thiên Lương. - Ung Chính cắn hai hàm răng trắng đều mỉm cười, hai chữ bật ra từ trong môi - "Thiên" là "Thiên lý", "Lương" là "Lương tri". Không trái với đạo lý nhân tình tức là thuận theo "Thiên lý", tuân theo đạo lý không sai lầm đó là "Lương tri", giữ được hai chữ này thì vinh hoa sẽ thuộc về các ngươi, phú quý về các ngươi, vì đã chí công trung thực lại thông minh, vinh hoa phú quý mà các ngươi đáng được hưởng đó là trời ban cho các ngươi. Ích quốc lợi dân, lợi cho các ngươi trẫm cũng mừng cho các ngươi. Các ngươi không làm được hai chữ này thì mất đầu cũng dễ, ngồi tù cũng không khó, mất hết gia sản lưu vong phiêu bạt cũng đều có thể xảy ra. Tội hay không là do ở mình tự chuốc lấy, lúc ấy trẫm cũng mừng mà chấp nhận tống tiễn các ngươi!
Trương Đình Ngọc suốt đời làm quan trụ cột trong triều đình hơn hai mươi năm, được triều kiến trong đợt thi Đình cuối đời Khang Hy, chẳng qua vì hai chữ "chiếu, lệ" để đáp lại lời dặn đò "sống sung sướng phải nhớ lấy ơn trẫm", thấy Ung Chính lên lớp gay gắt như vậy mà đây vốn là đại lễ vô cùng vui vẻ làm cho mọi người được hồ hởi, ông chợt thấy lòng nặng trĩu nhíu mày suy nghĩ, bản thân ông đã quen việc "đứng ngoài cuộc" suy tính thay cho hoàng thượng. Ông đắn đo rồi quay sang nhìn hai bên hoàng thượng, Di thân vương Doãn Tường bình thản như không, Liêm thân vương Doãn Tự sắc mặt vô tình, bỗng ông nhớ tới Trương Đình Lộ lòng thấy ớn lạnh. Khi còn đang suy nghĩ miên man thì nghe Ung Chính nói tiếp:
- Trẫm đã bốn mươi năm làm việc ở cương vị, là vua đã nhiều lần công cán, nhiều lần rời kinh thành đi thị sát dân tình bên ngoài, đâu phải là hôn vương không phân biệt được thóc gạo, không hiểu được dân tình, không có việc gì có thể lừa được con mắt trẫm. Ngày nay có một sự hỗn loạn, khoa cử chọn kẻ sĩ vốn là ngày lễ lớn để triều đình tuyển chọn nhân tài, mà các quan giám khảo đóng góp phần mình vào để lựa chọn các "sư sinh", bởi vậy các môn sinh cho rằng trúng tuyển là nhờ ân nghĩa của quan giám khảo. Đỗ rồi thì chỉ nghĩ mình là tiến sĩ khoa nào, ai là ân nhân ai là đồng niên. Từ cái chữ "tư" họ đi tìm ân nhân của mình, thế là kết thành bè phái rồi làm theo tư tính không tuân theo cương thường, không hiểu về đạo lý, không nhớ tới ân vương, những trò vô lễ phi pháp đều bất chấp. Nếu cứ theo tư ý mà làm quan thì hãy nhớ rằng các ngươi không thể nhảy qua được gương thần của trẫm, không thể nhảy qua được pháp luật quốc gia!
Nói đến đây Ung Chính mỉm cười nhẹ nhàng nói tiếp:
- Hôm nay là ngày vui của các ngươi, đừng trách trẫm đã nói những lời như trên. Một lời chúc mười năm thịnh vượng, trẫm muốn các ngươi đều tốt; các ngươi xem xem, ở đây có Trương Đình Ngọc ngày trước cũng giống như các ngươi đã từng nghe thánh huấn của tiên đế, đến nay là đại thần, cánh tay tâm phúc của Trương Đình Ngọc, ngươi đã mười năm cần cù chí công liêm chính trung thực không phải là dễ. Hôm nay trẫm lấy khanh làm gương cho mọi người nhớ. Vào sổ phong Trương Đình Ngọc lên bậc tước hầu, được quyền cưỡi ngựa trong Tử Cấm Thành, được tuyển một cống sinh trong con cháu do hoàng tử tôn thất dạy dỗ chờ tuyển chọn sau này.
- Vạn tuế! - Trương Đình Ngọc không ngờ rằng Ung Chính lại đột nhiên nói đến mình, càng ngỡ ngàng hơn nữa là trong chốc lát đã đề cao và phong thưởng cho mình đến như vậy. Trong đầu "ù" một tiếng rất to, ông vội vàng quỳ xuống khấu đầu tâu:
- Đức vạn tuế ban cho vinh sủng như vậy thần đâu dám nhận.
Ung Chính khoát tay gọi đứng dậy nói:
- Khanh lại muốn nói tới Trương Đình Lộ, trẫm hiểu rõ rồi, không can gì đến khanh cả, công tội phân minh chứ, cứ như thế!
Nói xong mỉm cười bưng trà uống. Doãn Tự lúc này bước lên trước cao giọng tấu:
- Trạng nguyên dẫn các tiến sĩ đến dâng biểu tạ ân!
- Thần, Vương Văn Thiều! - Vương Văn Thiều giọng run run đáp lời, bước ba bước đến trước ngự tọa quỳ lạy khấu đầu lễ chín vái, rồi cẩn thận rút biểu tạ ân trong phong bì vàng từ ống tay áo ra trầm tĩnh đọc:
Tiến sĩ Vương Văn Thiều đứng đầu giáp nhất cùng chúng thần với tâm trạng hồi hộp, kính cẩn dâng lên thánh thượng lời tạ ân tâm huyết: Chúng thần phục dưới vương triều đang thuận buồm xuôi gió, trong thời kỳ thái bình thịnh vượng. Đất trời tươi đẹp như ngày nay, có biết bao nhiêu nhân sĩ đồng lòng tề tựu họp mặt ở nơi đây đã minh chứng cho sự tốt lành đó.
Bài tấu này bày tỏ lòng trong sáng của chúng thần. Tất cả đều đã thấy rõ: Nhờ có sự cai trị của thánh thượng thì mới có ngày nay, chúng thần cúi đầu mà thưa rằng ai ai cũng đã tận mắt nhìn thấy cảnh văn minh huy hoàng. Chính sách sáng suốt thánh thượng đã ban ra cho chúng thần được vinh hạnh, được tiếp tục sự nghiệp của người đi trước, những chính sách đầy đủ mà mọi người ngưỡng vọng. Nhờ đó mà mở mang thị trường cho gấm vóc dồi dào, kinh tế phồn vinh, trí thức có trường học, trí tuệ được phát huy. Những chính sách về khoa cử tổ chức thi tuyển phù hợp nên chúng thần đã trúng tuyển được trên bảng vàng ở Nam Cung, được đội mũ tua rua cân đai tề chỉnh đứng trước Vọng Lâu của triều đình đông vui, ai cũng nhìn thấy các bậc danh tiếng, được nghe chỉ tuyên phong, mà cùng đua nhau mở cửa hô vang những lời tốt đẹp...
Vương Văn Thiều đọc sang sảng, càng đọc càng lưu loát trôi chảy, nhưng Trương Đình Ngọc thì không lòng dạ nào để tiếp thu văn chương của vị trạng nguyên vô cùng hào hoa phong nhã này. Ngày hôm qua xử trảm Trương Đình Lộ pháp trường máu còn chảy đầm đìa thì đến tối qua Cửu a-ca lại thân chinh đến phủ thăm viếng, lời nói ông ta còn lấp lửng, ánh mắt thăm dò. Vừa rồi Ung Chính lại đột nhiên biểu dương mình nên đầu óc ông rối bời, trong chốc lát khó mà hiểu rạch ròi được điều gì. Nghe Vương Văn Thiều đọc lên bổng xuống trầm, ngữ điệu vang vang, âm thanh ẩn hiện như có vàng ngọc:
... Ngẩng đầu lên ơn trời đã ban cho quang minh, phục sát xuống đất mà bất ngờ lo lắng, ngỡ ngàng.
Chúng thần nguyện dốc hết sức phò trị đất nước, phải biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, phải học hỏi khiêm tốn, nguyện noi gương Mậu Tạp Hy cho đạo đức rộng mở. Làm thế nào tập hợp được mọi tài năng cho non sông rực rỡ, phúc đức dồi dào, ai ai cũng đem hết sức phục vụ triều đình, giữ được hòa khí. Không phụ ơn trời, rồng bay phượng múa chúc mừng nhà Đại Thanh thịnh vượng. Vạn quốc đều ủng hộ ca ngợi nhà Đại Thanh ta!
Hôm nay chúng thần chiêm ngưỡng trời cao và thánh thượng Trong lòng người người vô cùng cảm kích, đồng lòng xin dâng biểu tạ ân. Dĩ văn!
Các tiến sĩ chỉ chờ hai chữ "Dĩ văn" mà Vương Văn Thiều đọc ra là vội khom lưng cúi đầu hô:
- Thần đẳng cung tạ thiên ân!
- Được rồi! - Ung Chính mặt mày rạng rỡ nhận biểu tạ ân qua Lý Đức Toàn chuyển lên giở xem qua rồi để sang bên cạnh, nhìn Vương Văn Thiều nói:
- Ờ!... Vương Văn Thiều ngươi có phải là học trò của sư phụ Vương Diệm không?
Vương Văn Thiều vội cúi đầu thưa:
- Đúng ạ! Thái phụ Vương Diệm là em thứ ba của gia phụ thần ạ!
- Ồ, thứ ba. Thế thì không gọi là xa, cội nguồn Nho gia thật không hổ thẹn với tay bút trạng nguyên, văn chương được lắm.
- Thần không dám nhận lời ban khen, thực ra tối hôm qua thần cùng với tiến sĩ thứ hai giáp nhất là Doãn Kế Thiện và tiến sĩ thứ ba giáp nhất là Lưu Mặc Lâm, ba thần hội kiến với nhau giao cho thần chủ bút biểu này.
Ung Chính mỉm cười gật đầu nói:
- Văn chương hay là ở chỗ biết trao đổi thương lượng, giống như thêm vào cho nó màu sắc rực rỡ. Nhưng ngoài soạn thảo văn biểu ra không làm gì khác nữa hay sao? Ví như uống chút rượu vịnh thơ chẳng hạn, các khanh hôm qua được ghi danh bảng vàng là ngày vui mà.
Vương Văn Thiều liếc nhìn Doãn Kế Thiện và Lưu Mặc Lâm rồi vội cúi đầu tâu:
- Đáp lời hoàng thượng, chúng thần hôm nay được triều kiến long nhan sợ thất lễ nên không dám uống rượu, sau khi soạn văn biểu tạ ân xong chúng thần chơi bài một lúc, rồi thấy thiếu một con bài nên giải tán.
Ung Chính cười vang nói:
- Tốt! Không dối trá, đúng là trạng nguyên rồi - Nói xong, lấy từ trong tay áo tấm thẻ bài bằng xương chìa cho Vương Văn Thiều nói:
- Có phải là con bài này không?
- À!? - Vương Văn Thiều đưa mắt nhìn sợ hãi quá quỳ xuống cúi đầu tâu: - Đúng... chính là con bài đào nguyên thắng cảnh số một này đấy ạ!
Ung Chính cười không nói nữa, ngồi dựa ngay ngắn vào thành ghế, nét mặt nghiêm trang hồi lâu mới nói:
- Rất tốt, chư thần đều bình an cả!
- Vạn tuế.
Hơn ba trăm người đồng thanh hô vang như sấm dậy, nghiêm trang cúi đầu tiễn Ung Chính rời ghế lên kiệu. Một lát sau ở bên dưới quần thần vui nhộn hẳn lên, trong tiếng nhạc cung đình, các loại nhạc khí hòa trung, đại lã, thái thốc giáp trung, cô tẩy... có lẫn cả tiếng hát tiếng ngâm:
Thời thế thái bình mở văn minh
Bảng vàng ngũ sắc hiện rung rinh
Anh tài tuấn kiệt danh truyền mãi
Ngô đồng chim phượng ca trữ tình
Khí như châu ngọc, sông như gương
Hiền tài quy tụ chốn triều đường
Cỏ cây thư giãn bao vinh hạnh
Tuyên ban lừng danh khắp muôn phương
Chim phượng đậu cây ngô đồng
Kỳ lân ẩn trong vườn thú
Được thánh ân ban cho gió
Mà bay lên trời cao...
Trong tiếng nhạc tiếng ca ấy, bộ Lễ đã cho khiêng ra bảng vàng màu hồng, nền đỏ chữ vàng. Đây là bảng vàng chính thức do Ung Chính đích thân viết mà Vưu Minh Đường thân hành hộ tống đưa đến, ba vị đứng đầu giáp nhất đi sau bảng vàng tiến ra từ cửa chính Ngọ môn. Từ Thuận Thiên phủ tới Đông Tràng An đã dựng lên những chiếc lều màu sắc rực rỡ để sẵn sàng mời rượu ca ngợi là "Phố Ngự thưởng quan". Tiếp theo, người người cùng đi dự tiệc "Quỳnh Lâm yến", tất cả những cảnh phồn hoa náo nhiệt không sao kể xiết, những câu chuyện qua lại cũng không phải là việc cần thiết miêu tả rạch ròi.

Truyện UNG CHÍNH HOÀNG ĐẾ GIỚI THIỆU NỘI DUNG HỒI THỨ NHẤT HỒI THỨ HAI HỒI THỨ BA HỒI THỨ BỐN HỒI THỨ NĂM HỒI THỨ SÁU HỒI THỨ BẨY HỒI THỨ TÁM HỒI THỨ CHÍN HỒI THỨ MƯỜI HỒI THỨ MƯỜI MỘT HỒI THỨ MƯỜI HAI HỒI THỨ MƯỜI BA HỒI THỨ MƯỜI BỐN HỒI THỨ MƯỜI LĂM HỒI THỨ MƯỜI SÁU HỒI THỨ MƯỜI BẢY HỒI THỨ MƯỜI TÁM HỒI THỨ MUỜI CHÍN HỒI THỨ HAI MƯƠI HỒI THỨ HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ HAI MƯƠI BA HỒI THỨ HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ HAI MƯƠI NHĂM HỒI THỨ HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ HAI MƯƠI BẨY HỒI THỨ HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BA MƯƠI HỒI THỨ BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ BA MƯƠI HAI HỒI THỨ BA MƯƠI BA HỒI THỨ BA MƯƠI TƯ HỒI THỨ BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BỐN MƯƠI HỒI THỨ BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ BỐN MƯƠI NĂM HỒI THỨ BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ NĂM MƯƠI HỒI THỨ NĂM MƯƠI MỐT HỒI THỨ NĂM MƯƠI HAI HỒI THỨ NĂM MƯƠI BA HỒI THỨ NĂM MƯƠI BỐN HỒI THỨ NĂM MƯƠI NĂM HỒI THỨ NĂM MƯƠI SÁU HỒI THỨ NĂM MƯƠI BẢY HỒI THỨ NĂM MƯƠI TÁM HỒI THỨ NĂM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ SÁU MƯƠI HỒI THỨ SÁU MƯƠI MỐT HỒI THỨ SÁU MƯƠI HAI HỒI THỨ SÁU MƯƠI BA HỒI THỨ SÁU MƯƠI BỐN HỒI THỨ SÁU MƯƠI NĂM HỒI THỨ SÁU MƯƠI SÁU HỒI THỨ SÁU MƯƠI BẢY HỒI THỨ SÁU MƯƠI TÁM HỒI THỨ SÁU MƯƠI CHÍN HỒI THỨ BẢY MƯƠI HỒI THỨ BẢY MƯƠI MỐT HỒI THỨ BẢY MƯƠI HAI HỒI THỨ BẢY MƯƠI BA HỒI THỨ BẢY MƯƠI BỐN HỒI THỨ BẢY MƯƠI NĂM HỒI THỨ BẢY MƯƠI SÁU HỒI THỨ BẢY MƯƠI BẢY HỒI THỨ BẢY MƯƠI TÁM HỒI THỨ BẢY MƯƠI CHÍN HỒI THỨ TÁM MƯƠI HỒI THỨ TÁM MƯƠI MỐT HỒI THỨ TÁM MƯƠI HAI HỒI THỨ TÁM MƯƠI BA HỒI THỨ TÁM MƯƠI BỐN HỒI THỨ TÁM MƯƠI NĂM HỒI THỨ TÁM MƯƠI SÁU HỒI THỨ TÁM MƯƠI BẢY HỒI THỨ TÁM MƯƠI TÁM HỒI THỨ TÁM MƯƠI CHÍN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI MỐT HỒI THỨ CHÍN MƯƠI HAI HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BA HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BỐN HỒI THỨ CHÍN MƯƠI NĂM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI SÁU HỒI THỨ CHÍN MƯƠI BẢY HỒI THỨ CHÍN MƯƠI TÁM HỒI THỨ CHÍN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BA HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM LẺ CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM MƯỜI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI NĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BA MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI MỐT HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI HAI HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BA HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BỐN HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI LĂM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI SÁU HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI BẢY HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI TÁM HỒI THỨ MỘT TRĂM BỐN MƯƠI CHÍN HỒI THỨ MỘT TRĂM NĂM MƯƠI