1977
Chương 12
Tháng Tám Năm 1977

    
AVID CHẠY LÊN CẦU THANG VÀ BƯỚC VÀO CĂN PHÒNG GIẢI LAO TĨNH MỊCH CỦA TRƯỜNG, ngừng lại một lát để lấy hơi và chỉnh đốn lại tác phong. Anh đã trễ buổi hòa nhạc của Paul, rất trễ rồi. Anh định rời bệnh viện sớm hơn, nhưng ngay khi bước ra cửa thì xe cứu thương lại mang tới một cặp vợ chồng già: người chồng trượt chân trên cầu thang và rơi trúng bà vợ. Chân ông ta bị gãy, tay bà vợ cũng vậy; ông cần phải nẹp và đóng đinh vào chân. David gọi cho Norah, nghe thấy sự giận dữ gần như không thể kìm nén trong giọng nói của nàng, tự bản thân anh đã đủ cáu rồi nhưng anh chẳng quan tâm, thậm chí còn sung sướng khi chọc tức được nàng. Xét cho cùng, nàng đã lấy anh thì phải hiểu được công việc của anh chứ. Sự im lặng của hai người dâng cao trong một lúc lâu trước khi anh gác máy.
Sàn nhà lát đá mài có sắc hồng nhạt, các ổ khóa sắp thành hàng trên những bức tường hành lang sơn màu xanh đậm. David đứng đó lắng nghe, trong giây lát chỉ nghe thấy nhịp thở của mình, rồi sau đó một tràng pháo tay vang lên dẫn anh xuống đại sảnh tới cánh cửa đôi bằng gỗ của thính phòng. Anh kéo một cánh cửa rồi bước vào trong, để cho mắt tự điều chỉnh. Mọi chỗ ngồi đã được sắp xếp; một biển các mái đầu tối thẫm chảy xuống phía sân khấu thắp đèn rực sáng. Anh nhìn lướt qua họ, tìm kiếm Norah. Một phụ nữ trẻ đưa cho anh tờ chương trình, rồi khi một chàng trai mặc quần bò cạp trễ bước ra phía trước sân khấu và ngồi xuống cùng cây kèn saxophone, cô chỉ vào cái tên thứ năm từ trên xuống. Anh thở một hơi dài khoan khoái và cảm thấy bớt căng thẳng hẳn. Paul được xếp số 7; anh đã tới vừa kịp lúc.
Cậu bé chơi saxophone bắt đầu bài biểu diễn, thể hiện với niềm đam mê và xúc cảm mãnh liệt, rồi bỗng vấp phải một nốt lỗi cao chói tai khiến David ớn lạnh cả sống lưng. Anh nhìn lướt qua đám thính giả một lần nữa và tìm thấy Norah ở ngay giữa gần hàng đầu tiên, với một chỗ trống bên cạnh nàng. Như thế nàng đã nghĩ đến anh, ít ra là vậy, khi giữ cho anh chỗ ấy. Anh đã không chắc liệu nàng có làm thế không; anh đã không còn chắc chắn nữa, về bất cứ điều gì. Phải, anh biết chắc về cơn giận dữ của mình, và về tội lỗi đã khiến anh im lặng trước những gì chứng kiến ở Aruba; những chuyện đó tất nhiên vẫn án ngữ giữa họ. Nhưng anh đã không hề để tâm, dù là chút ít, đến trái tim của Norah, đến những khát vọng cũng như động lực đã thúc đẩy nàng.
Cậu bé chơi saxo kết thúc bằng một đoạn nhạc ngẫu hứng rồi đứng lên chào khán giả. Giữa những tràn vỗ tay vang dội, David tìm đường men xuống lối đi sáng lờ mờ giữa các hàng ghế, vụng về lách qua những chỗ đã có người ngồi để tới chỗ của mình ngay cạnh Norah.
“David,” nàng thốt ra, nhấc chiếc áo khoác lên. “Thế đấy. Cuối cùng thì anh cũng tới.”
“Đó là một ca phẫu thuật khẩn cấp, Norah,” anh nói.
“Ồ, em biết, em quen với việc ấy rồi. Em chỉ lo cho Paul thôi.”
“Anh cũng lo cho Paul đấy chứ,” David nói. “Đó là lý do tại sao anh có mặt ở đây.”
“Vâng. Phải rồi.” Giọng nàng sắc lạnh và cụt ngủn. “Anh cũng thế.”
Anh cảm thấy sự tức giận của nàng, đang tỏa ra thành từng đợt sóng. Mái tóc ngắn vàng óng được tạo kiểu hoàn hảo, đồ nàng bận trên người toàn là tông kem và vàng, nàng mặc một bộ vest lụa tự nhiên mua trong chuyến du lịch đầu tiên tới Singapore. Khi công việc kinh doanh ngày một phát đạt, nàng đi lại nhiều hơn, đưa các đoàn khách tới những xứ sở vừa trần tục vừa kỳ thú. David đã đi cùng nàng vài lần trong những ngày đầu, khi quy mô những chuyến đi còn nhỏ và ít tham vọng hơn: xuống thăm Động Ma mút hay đi thuyền trên sông Mississippi. Lần nào anh cũng kinh ngạc trước Norah, trước con người mà nàng đã trở thành. Những người khách đi cùng đoàn tìm đến nàng với tất cả những lo âu và thắc mắc của họ: thịt bò nấu chưa chín, buồng quá nhỏ, điều hòa nhiệt độ bị hỏng, giường quá cứng. Nàng chăm chú lắng nghe, và bình tĩnh trước mọi vấn đề, gật đầu, vỗ vai, với tay lấy điện thoại. Trông nàng vẫn vô cùng xinh đẹp, cho dù nhan sắc ngày xưa có phần nhỉnh hơn hiện giờ. Nàng làm việc tốt, và đã có hơn một người phụ nữ lớn tuổi kéo anh ra một chỗ chỉ cho anh thấy mình may mắn đến nhường nào.
Anh đã phải tự hỏi liệu họ sẽ nghĩ gì, những người đàn bà này, nếu họ là người tìm thấy quần áo của nàng vứt một đống trên bãi biển.
“Em không có quyền giận dữ với anh, Norah,” anh thì thầm. Người nàng tỏa ra hương cam nhè nhẹ, và miệng mím chặt. Trên sân khấu, một chàng trai trẻ trong bộ vest xanh ngồi xuống trước cây đàn piano, bẻ ngón tay. Sau giây lát, cậu ta dạo phím, những nốt nhạc ngân lên. “Chẳng đúng tẹo nào,” David nói.
“Em không giận. Em chỉ lo cho Paul thôi. Anh mới là người giận dữ.”
“Không, đó là em,” anh nói. “Em đã thành ra thế kể từ hồi ở Aruba.”
“Nhìn vào gương xem,” nàng thầm thì lại. “Trông anh như vừa nuốt phải con thạch sùng bò trên trần nhà ấy.”
Sau đó, một bàn tay đặt lên vai anh. Anh quay sang và thấy một phụ nữ to béo ngồi cạnh chồng, bên cạnh là cả một lũ con.
“Xin lỗi,” bà ta nói. “Ông là bố cậu Paul Henry, phải không? Ừm, trên kia là cậu con trai Duke nhà tôi đang chơi piano, và nếu ông không phiền, chúng tôi rất muốn nghe nó chơi.”
David chạm mắt Norah, và trong khoảnh khắc giao thoa ngắn ngủi ấy, nàng thậm chí còn xấu hổ hơn anh.
Anh ngả lưng ra sau ghế và lắng nghe. Chàng trai trẻ này, Duke, một người bạn của Paul, chơi piano một cách dè dặt, tuy nhiên cậu chơi rất tốt, kỹ thuật nhuần nhuyễn và cũng rất tình cảm. David ngắm đôi bàn tay cậu lướt trên các phím đàn, tự hỏi liệu Duke và Paul nói những chuyện gì khi hai đứa cùng đạp xe qua những con đường vắng lặng của khu lân cận. Chúng mơ ước gì, hai chàng trai này? Paul đã kể cho bạn những gì, chuyện mà nó không bao giờ nói với bố nó?
Quần áo của Norah, vứt thành một đống rực rỡ trên nền cát trắng, gió thổi tung vạt áo sặc sỡ của nàng: đó là điều họ không bao giờ đả động đến, dù David nghĩ rằng Paul cũng đã nhìn thấy. Sáng hôm đó hai bố con dậy rất sớm để đi câu cá, họ lái xe tới bờ biển trong bóng tối nhập nhoạng buổi rạng đông, đi qua những ngôi làng nhỏ ven đường. Họ không phải những người hay chuyện, cả anh và Paul, nhưng vẫn luôn có sự đồng cảm ngay từ ban đầu, giống như một bên quăng dây và bên kia bắt dây, và David đã chờ đợi cơ hội này để được ở bên con trai mình, nó lớn quá nhanh, giờ đây cứ như một điều bí ẩn đối với anh. Tuy nhiên chuyến đi đã bị hủy, động cơ của chiếc thuyền bị hỏng và người chủ thuyền đang ngồi chờ phụ tùng mới. Thất vọng, hai bố con nán lại một lát ở bến tàu, uống soda cam và ngắm mặt trời mọc trên mặt biển phẳng như gương. Sau đó họ lái xe trở lại nhà.
Ánh sáng buổi sớm hôm đó thật đẹp, và David, dù hơi thất vọng, cũng vẫn háo hức quay lại với chiếc máy ảnh. Anh nghĩ ra một ý tưởng khác, lúc nửa đêm, cho những bức ảnh của mình. Howard đã chỉ cho anh một nơi có thể chụp thêm tấm ảnh nữa giúp kết nối toàn bộ chuỗi ảnh lại với nhau. Howard là một anh chàng dễ thương và sâu sắc. Cuộc trò chuyện của họ luẩn quẩn trong tâm trí David suốt đêm, tạo ra một cảm giác phấn khích nhẹ nhàng. Anh hầu như không ngủ, và giờ anh muốn quay về nhà ngay và chụp một cuộn phim về Norah trên cát. Nhưng họ thấy căn nhà gỗ tĩnh mịch, lạnh ngắt và trống trải, tràn ngập ánh sáng và tiếng sóng vỗ. Norah bỏ lại một bát cam ở chính giữa bàn. Cốc cà phê của nàng được rửa sạch sẽ và úp trong bồn cho ráo nước. Norah? anh gọi, rồi lặp lại, Norah? Nhưng nàng không đáp lời. Có lẽ con đi chạy bộ một chút đây, Paul nói, bóng nó đổ dài xuống bậc cửa sáng, và David gật đầu. Để mắt tìm mẹ con nhé, anh nói.
Một mình trong căn nhà, David để bát cam sang quầy bếp và rải những tấm ảnh của mình lên bàn. Chúng rung rinh trong gió nhẹ, anh phải lấy mấy chiếc cốc đong rượu chặn lại. Norah vẫn phàn nàn rằng anh đang bị nhiếp ảnh choán hết tâm trí – sao anh lại mang bộ ảnh đi nghỉ mát mà không phải thứ nào khác? – và có lẽ điều đó là sự thật. Nhưng Norah đã lầm về phần còn lại. Anh không dùng chiếc máy ảnh để chạy trốn thực tại. Đôi khi, ngắm những hình ảnh dần hiện lên trong chậu rửa phim, anh thoáng thấy tay nàng, đường cong của hông, và lặng đi trong xúc cảm sâu sắc của tình yêu anh dành cho nàng. Anh vẫn loay hoay sắp xếp tới lui những tấm ảnh thì Paul quay về, cánh cửa đóng sập sau lưng anh.
“Đi nhanh thế con,” David nói, đoạn ngước lên nhìn.
“Mệt,” Paul đáp. “Con mệt.” Thằng bé đi thẳng qua phòng ăn và biến vào phòng riêng.
“Paul?” David gọi. Anh bước về phía cửa và vặn nắm đấm. Cửa đã khóa.
“Con chỉ mệt thôi,” Paul nói. “Mọi chuyện đều ổn.”
David đợi thêm vài phút nữa. Gần đây Paul hay ủ rũ như vậy. Không có việc gì David làm mà có vẻ hợp lý cả, và tồi tệ nhất là những lúc phải nói chuyện với Paul về tương lai của nó. Tương lai Paul có thể vô cùng xán lạn. Paul có năng khiếu về âm nhạc và thể thao, mọi khả năng đều rộng mở với nó. David thường nghĩ rằng cuộc sống của riêng anh – những lựa chọn khó khăn mà anh đã đưa ra – sẽ được chứng minh là đúng đắn, chỉ cần Paul nhận ra được tiềm năng của nó, và anh sống với một mối lo thường trực, day dứt rằng mình đã làm hỏng con bằng cách này hay cách khác; rằng Paul đã phung phí những tài năng của mình. Anh gõ cửa một lần nữa, nhẹ thôi, nhưng Paul không trả lời.
Cuối cùng, David thở dài rồi trở vào bếp. Anh thích thú nhìn bát cam đặt trên quầy, những đường cong của trái cây và đồ gỗ tối màu. Thế rồi, bị thôi thúc bởi một cơn bốc đồng mà anh không thể lý giải, anh ra ngoài và men theo bờ biển. Anh đi được chừng một dặm thì thoáng thấy chiếc áo sặc sỡ của Norah rung rinh từ xa. Khi lại gần hơn, anh nhận ra đó là quần áo của nàng, vứt lại trên bãi biển trước nơi chắc chắn là căn nhà Howard ở. David dừng lại trước ánh mặt trời chói chang, bối rối. Có lẽ họ đã đi bơi, rồi sao nữa? Mắt anh lướt qua mặt nước nhưng không thấy họ, anh tiếp tục rảo bước cho tới khi tiếng cười quen thuộc của Norah, trầm và du dương, vọng ra từ cửa sổ căn nhà, khiến anh đứng khựng lại. Anh nghe thấy cả tiếng cười của Howard, hùa theo tiếng cười của Norah. Ngay lúc đó anh đã hiểu, cảm thấy bị bóp nghẹt trong nỗi đau bỏng rát và rứt buốt như cát nóng dưới chân.
Howard, với mái tóc mỏng dính và chân đi xăng đan, đứng trong phòng khách vào đêm trước, cho anh những lời khuyên thú vị về nhiếp ảnh.
Với Howard. Làm sao nàng có thể?
Tuy vậy, cũng trong khoảnh khắc ấy, anh đã chờ đợi giây phút này bao năm trời.
Cát ép dưới chân David nóng giãy và nắng vẫn chói chang. Anh vẫn ngập trong cảm giác chắc chắn xưa cũ, rằng cái đêm mưa tuyết khi anh trao con gái họ cho Caroline Gill sẽ không trôi qua mà chẳng để lại hậu quả gì. Cuộc sống vẫn tiếp tục, đầy đủ và sung túc; nhìn bề ngoài thì anh đã thành công trên mọi phương diện. Tuy vậy trong những thời khắc lạ lùng – giữa cuộc phẫu thuật, lúc lái xe vào thành phố, khi vừa chợp mắt – thốt nhiên anh rùng mình với cảm giác tội lỗi. Anh đã đem cho đứa con gái của hai vợ chồng. Bí mật này tồn tại ngay giữa gia đình họ; nhào nặn cuộc sống của họ. Anh biết bí mật đó, anh thấy nó, hiển hiện trước mắt anh như một bức tường đá lớn lên giữa họ. Anh trông thấy Norah và Paul cố vươn tới rồi va vào bức tường ấy mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra, chỉ biết rằng có cái gì đó đứng chắn giữa họ mà không thể bị phát hiện hay phá bỏ.
Duke Madison kết thúc với một khúc ngẫu hứng, đứng dậy, và cúi chào. Norah vỗ tay nhiệt liệt, rồi quay sang gia đình ngồi cạnh họ.
“Cậu bé giỏi quá,” nàng nói. “Duke thật là tài năng.”
Sân khấu sau đó trống không, tiếng vỗ tay thưa dần. Một phút trôi qua, và một phút nữa. Mọi người bắt đầu rì rầm.
“Nó đâu nhỉ?” David hỏi, liếc xuống tờ chương trình. “Paul đâu rồi?”
“Đừng lo, nó ở đây thôi.” Norah nói. Trước sự ngạc nhiên của David, nàng nắm lấy tay anh. Anh cảm thấy tay nàng mát lạnh trong tay mình, một cảm giác khuây khỏa và tin tưởng khó giải thích bao trùm anh trong chốc lát, rằng chưa từng có gì thay đổi cả; rằng rốt cuộc chẳng có gì đứng chắn giữa họ hết. “Nó sẽ ra ngay.”
Ngay khi nàng vừa nói thì có tiếng lao xao, và sau đó Paul bước ra sân khấu. David ngắm nhìn cậu: cao và gầy lêu nghêu, mặc một chiếc áo trắng tinh với ống tay được xắn lên, nở một nụ cười gượng gạo, méo mó chào thính giả. David bỗng sững sờ trong giây lát. Từ khi nào mà Paul đã gần như trưởng thành, đứng đây trước căn phòng tối đầy ắp người với một sự tự tin và thoải mái như vậy? Đó không phải là điều mà David đã từng mơ ước sẽ làm, và một cảm giác lo lắng tột độ xâm chiếm anh. Nhỡ Paul thất bại trên sân khấu kia trước ngần này người thì sao? Anh nhận thấy bàn tay của Norah đang nằm trong tay mình khi Paul cúi đầu trên cây đàn ghi ta, dạo thử vài nốt, và bắt đầu trình tấu.
Đó là Segovia[13], như tờ chương trình đã chú dẫn: hai tiểu khúc, “Estudio” và “Estudio Sin Luz”. Những nốt nhạc của hai bản này, tinh tế và chính xác, thật quá đỗi thân thuộc. David đã nghe Paul chơi mấy bản nhạc này cả trăm lần trước đó. Trong suốt kỳ nghỉ ở Aruba, âm nhạc tuôn trào từ căn phòng của nó, lúc khoan lúc nhặt, nhịp và phách lặp đi lặp lại. Những đoạn nhạc càng quen thuộc hơn với anh khi những ngón tay dài khéo léo của Paul, tự tin lướt trên dây đàn, dệt nên chuỗi âm thanh trong không trung. Vậy mà David lại có cảm giác như mới nghe lần đầu, và có lẽ anh cũng đang nhìn thấy Paul lần đầu. Đâu rồi đứa bé lẫm chẫm vẫn hay tụt giày ra để gặm, thằng bé trèo cây, và thả tay đứng chênh vênh trên xe đạp? Dẫu sao, thằng bé liều lĩnh đáng yêu ấy đã trở thành chàng trai trẻ này đây. Trái tim của David căng tràn, đập mãnh liệt tới mức trong giây lát anh bỗng hoảng hốt không biết mình có thể lên cơn nhồi máu cơ tim không – anh còn quá trẻ để bị như thế, mới chỉ bốn mươi sáu tuổi, nhưng một sự cố kiểu như vậy vẫn có khả năng xảy ra.
Từ từ, từ từ, David thả trôi mình trong bóng tối, nhắm mắt lại, để âm nhạc, âm nhạc của Paul, thấm vào cơ thể anh trong những đợt sóng. Nước mắt anh trào ra, cổ họng đau nhói. Anh nghĩ đến em gái mình, đứng trên hiên nhà và cất cao tiếng hát với chất giọng ngọt ngào trong trẻo; âm nhạc là một ngôn ngữ tinh khiết mà dường như em được sinh ra để nói, cũng như Paul vậy. Một cảm giác mất mát sâu sắc lớn dần trong anh, càng lúc càng mãnh liệt, kết lại từ vô vàn mảnh ký ức: giọng hát của June, Paul đóng sầm cánh cửa sau lưng nó, quần áo của Norah vương vãi trên bãi biển. Đứa con gái mới chào đời của anh, được đặt vào đôi bàn tay đang chờ đợi của Caroline Gill.
Quá nhiều. Quá nhiều. David suýt nữa thì bật khóc. Anh mở mắt ra và tự ép mình nhẩm lại bảng tuần hoàn – hydro helium lithium – để khối u uất trong lòng anh sẽ không còn quặn thắt khiến anh phải trào nước mắt nữa. Nó có tác dụng, như vẫn luôn vậy khi anh đứng trong phòng giải phẫu, giúp anh tập trung đầu óc. Anh đẩy lùi tất cả: June, âm nhạc, tình yêu dâng trào mãnh liệt dành cho con trai. Những ngón tay của Paul dừng lại trên phím đàn. David rút tay khỏi tay Norah. Anh vỗ tay như điên như dại.
“Anh có sao không?” nàng hỏi, đưa mắt nhìn anh. “Anh ổn chứ, David?”
Anh gật đầu, vẫn không thực sự tin tưởng bản thân mình để cất nên lời.
“Nó chơi hay quá,” cuối cùng thì anh cũng nói, thật lớn tiếng để từ ngữ thoát ra ngoài. “Nó chơi hay quá.”
“Phải.” Nàng gật đầu. “Đó là lý do tại sao nó muốn đi học ở Juilliard.” Nàng vẫn đang vỗ tay, và khi Paul nhìn về phía họ, nàng gửi tới nó một nụ hôn gió. “Nếu được như thế thật thì chẳng phải sẽ tuyệt lắm sao? Nó còn vài năm nữa để tập luyện, và nếu như nó dồn hết tâm trí thì – ai mà biết được?”
Paul cúi chào, rời sân khấu cùng cây ghi ta. Tiếng vỗ tay lại càng vang dội hơn.
“Dồn hết tâm sức ấy à?” David lặp lại. “Nhỡ không thành công thì sao?”
“Nếu có thì sao?”
“Anh không biết nữa,” David chậm rãi đáp. “Anh chỉ nghĩ là nó vẫn còn quá trẻ để đóng lại những con đường tương lai của nó.”
“Nó thật tài năng, David. Anh nghe thấy rồi đấy. Có khi đây là một con đường mở ra cho nó thì sao?”
“Nhưng nó chỉ mới mười ba tuổi.”
“Phải, và nó yêu âm nhạc. Nó nói nó thấy phấn chấn nhất khi được chơi ghi ta.”
“Nhưng – cuộc đời thật khó mà lường trước. Liệu nó có thể kiếm sống được không?”
Khuôn mặt Norah nghiêm lại. Nàng lắc đầu. “Em không biết. Nhưng người xưa thường nói gì nhỉ? Cứ làm những gì bạn thích, tiền bạc sẽ tới sau. Đừng đóng sập cánh cửa dẫn tới giấc mơ của nó anh ạ.”
“Anh sẽ không làm thế,” David nói. “Nhưng anh lo lắng. Anh muốn cuộc đời nó được đảm bảo. Và Juilliard là một nơi rất khó với, cho dù nó giỏi đến đâu. Anh không muốn Paul bị tổn thương.”
Norah mở miệng định nói gì đó, nhưng thính phòng yên ắng trở lại khi một cô gái trẻ trong bộ váy đỏ sậm bước ra cùng cây đàn violin, và họ hướng ánh mắt lên sân khấu.
David xem cô gái trẻ và tất cả những người tiếp theo biểu diễn, nhưng chỉ có âm nhạc của Paul là còn đọng lại trong anh. Khi buổi trình diễn kết thúc, anh và Norah tìm lối ra hành lang, chốc chốc lại phải dừng lại để bắt tay, để nghe những lời tán thưởng dành cho con trai họ. Cuối cùng khi họ tìm tới được chỗ Paul, Norah chen qua đám đông và ôm chầm lấy nó, còn Paul, ngượng nghịu thấy rõ, chỉ vỗ nhẹ lên lưng mẹ. Mắt David chạm phải mắt nó, anh nở một nụ cười rạng rỡ, và Paul, khiến anh ngạc nhiên, cười tươi đáp lại. Một khoảnh khắc bình thường: một lần nữa David cho phép mình tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi. Nhưng chỉ sau giây lát Paul dường như trở lại với chính con người nó. Nó thoát ra khỏi vòng tay của Norah, đoạn bước lùi lại.
“Con chơi tốt lắm,” David nói. Anh ôm lấy Paul, cảm thấy vai nó đang gồng cứng lên, nó đang cố thu mình lại: cứng cỏi, xa cách. “Con thật tuyệt vời, con trai ạ.”
“Cảm ơn bố. Lúc đấy con cũng hơi căng thẳng.”
“Trông con chẳng có vẻ gì là căng thẳng cả.”
“Không hề,” Norah nói. “Con có một bài trình diễn hoàn hảo lắm.”
Paul vẩy tay ở hai bên sườn, uể oải, như để giải phóng phần năng lượng thừa.
“Mark Miller mời con cùng chơi với ông ấy tại liên hoan nghệ thuật. Không tuyệt sao?”
Mark Miller là thầy dạy ghi ta của David, đang ngày càng nổi danh. David lại thấy lòng tràn ngập niềm vui sướng.
“Đúng thế, tuyệt nhất.” Norah nói, cười lớn. “Chắc chắn là điều tuyệt vời nhất rồi.”
Nàng ngước nhìn lên và bắt gặp khuôn mặt đau đớn của Paul.
“Sao thế con?” nàng hỏi. “Có chuyện gì à?”
Paul dịch sang bên, đút tay vào túi, và liếc quanh dãy hành lang đông đúc. “Chỉ là – con không biết nữa – mẹ cư xử có vẻ lố quá. Mẹ, ý con là, mẹ không còn là con gái mới lớn nữa, đúng không?”
Norah đỏ bừng mặt. David thấy nàng trở nên đờ dại trong nỗi đau, và chính trái tim anh cũng buốt nhói. Nàng không biết nguồn cơn nỗi giận dữ của Paul, hay của chính anh. Nàng không biết rằng những xống áo bị nàng trút bỏ bay phất phơ trong gió là hệ quả của một hành động mà chính anh đã thực hiện từ nhiều năm trước.
“Không được nói với mẹ bằng cái giọng đấy,” anh nói, phủ đầu cơn giận của Paul. “Bố muốn con xin lỗi mẹ ngay lập tức.”
Paul nhún vai. “Phải rồi. Hẳn rồi. Cũng được. Con xin lỗi.”
“Nói tử tế vào.”
“David,” – bàn tay của Norah giờ đặt lên vai anh. “ Đừng nghiêm trọng hóa chuyện này. Em xin anh. Mọi người hơi quá khích một chút, vậy thôi mà. Ta về nhà ăn mừng đi. Em đang nghĩ sẽ mời thêm vài người đến nữa. Bree nói cô ấy sẽ tới, cả nhà Marshall nữa – chẳng phải là Lizzie thổi sáo rất tuyệt hay sao? Có khi thêm bố mẹ Duke nữa. Con nghĩ sao, Paul? Mẹ chưa biết họ rõ lắm, nhưng có lẽ họ cũng sẽ sẵn lòng tới thôi, đúng không?”
“Không,” Paul nói. Giờ nó rất lạnh nhạt, mắt nhìn qua Norah ra sảnh chờ đông nghẹt người.
“Thật à? Con không muốn mời nhà bạn Duke tới à?”
“Con chẳng muốn mời ai hết,” Paul nói. “Con chỉ muốn về nhà.”
Họ đứng đó trong chốc lát, một hòn đảo câm lặng ngay giữa căn phòng ồn ã.
“Thế cũng được,” cuối cùng David cất tiếng, “ta về nhà thôi.”
Căn nhà tối om khi họ về tới nơi, và Paul đi thẳng lên gác. Họ nghe tiếng bước chân của nó vào phòng tắm rồi quay lại; nghe tiếng cửa phòng sập nhẹ vào, tiếng khóa xoay trong ổ.
“Em không hiểu,” Norah nói. Nàng cởi giầy ra, trong mắt anh, nàng thật bé nhỏ và mong manh, đứng trên đôi chân lồng tất giữa căn bếp. “Nó biểu diễn trên sân khấu thật tuyệt. Trông nó thật hạnh phúc – vậy mà lại có chuyện gì xảy ra thế nhỉ? Em không hiểu.” Nàng thở dài. “Bọn trẻ mới lớn này. Em phải nói chuyện với nó mới được.”
“Không,” anh nói. “Để anh.”
Anh đi lên cầu thang mà không bật đèn, và khi tới trước cửa phòng Paul anh dừng lại một lúc lâu trong bóng tối, nhớ lại đôi bàn tay của con trai mình lướt trên những phím đàn với độ chính xác tinh tế đến nhường nào, lấp đầy gian thính phòng rộng lớn bằng âm nhạc. Nhiều năm trước anh đã sai; anh đã sai lầm khi giao con gái mình cho Caroline Gill. Anh đã chọn, và giờ anh đứng đây, đêm nay, trong bóng tối bên ngoài căn phòng của Paul. Anh gõ cửa, nhưng Paul không trả lời. Anh lại gõ, thấy vẫn không có động tĩnh gì, David bước tới tủ sách, tìm thấy chiếc đinh nhỏ anh vẫn để đó và cắm vào lỗ khóa trên nắm đấm cửa. Có tiếng cách nhẹ, cánh cửa mở ra khi anh vặn nắm đấm. Anh không ngạc nhiên khi thấy căn phòng trống không. Lúc anh bật đèn lên, một cơn gió tràn vào thổi tấm rèm trắng nhạt bay tung lên chạm trần.
“Nó đi rồi”, anh nói với Norah. Nàng vẫn ở trong bếp, đứng khoanh tay lại, chờ ấm trà sôi.
“Đi rồi?”
“Qua cửa sổ. Trèo cây xuống, nhiều khả năng là thế.”
Nàng úp tay lên mặt.
“Em có nghĩ ra nó đi đâu không?”
Nàng lắc đầu. Ấm nước bắt đầu reo nhưng nàng không phản ứng ngay, và rồi tiếng rít khẽ nhưng dai dẳng tràn ngập khắp căn phòng.
“Em không biết. Có lẽ là đi với thằng Duke.”
David đi ngang qua phòng và nhấc chiếc ấm ra khỏi bếp.
“Anh chắc là nó sẽ ổn thôi,” anh nói.
Norah gật đầu, rồi lắc đầu.
“Không,” nàng nói. “Đấy mới là vấn đề. Em thực sự không nghĩ nó sẽ ổn.”
Nàng nhấc điện thoại lên. Mẹ của Duke cho Norah biết địa chỉ tổ chức bữa tiệc sau buổi biểu diễn, Norah liền với lấy chìa khóa.
“Không,” David nói, “Anh sẽ đi. Anh không nghĩ là bây giờ nó muốn nói chuyện với em.”
“Hoặc với anh nữa,“ nàng đốp lại.
Nhưng anh thấy là nàng hiểu, kể cả khi đã nói vậy. Trong khoảnh khắc ấy có điều gì đó đã bị lột trần. Và rồi nó đứng đó giữa hai người, hàng tiếng đồng hồ nàng vắng bóng trong căn nhà gỗ, những lời nói dối và biện minh, những món quần áo vứt lại trên bờ biển. Cả những lời nói dối của chính anh nữa. Nàng gật đầu một lần, chậm chạp, và anh thấy e sợ trước những gì nàng có thể sẽ nói và làm, trước sự thật là mọi thứ có thể bị thay đổi vĩnh viễn ra sao. Anh muốn, hơn tất cả mọi điều, ghim chặt cái khoảnh khắc này lại, để giữ cho cuộc sống đừng tiếp tục trôi chảy.
“Anh tự trách mình,” anh nói. “Về mọi chuyện.”
Anh cầm chìa khóa và đi ra ngoài trong đêm xuân êm dịu. Trăng tròn, ánh lên màu của kem ngậy, thật đẹp xinh, đầy đặn, nằm sát đường chân trời. David cứ ngắm mãi trong khi lái xe qua khu nhà tĩnh lặng, dọc theo những đường phố kiên cố và giàu có, một nơi mà anh chưa từng mơ tới khi còn bé. Đó là điều anh biết rằng Paul không hình dung được: thế giới thật bất ổn và đôi khi rất tàn nhẫn. Anh đã phải vật lộn khốn khổ để đạt được những gì mà Paul cho là hiển nhiên.
Anh trông thấy Paul khi chỉ còn cách nơi tổ chức bữa tiệc một dãy nhà, nó đang đi bộ dọc theo vỉa hè, hai tay đút túi, đôi vai so lại. Xe đỗ kín bên lề đường, không có chỗ nào để tạt vào, nên David đi chậm lại và bấm còi. Paul nhìn lên, trong giây lát David sợ rằng nó sẽ bỏ chạy.
“Vào đi,” David nói. Và Paul vâng lời.
David bắt đầu lái đi. Hai bố con không nói gì. Vầng trăng rải lên vạn vật thứ ánh sáng tuyệt đẹp, David ý thức rõ ràng rằng Paul đang ngồi cạnh anh, ý thức được hơi thở nhè nhẹ và đôi tay nó nằm yên trên vạt áo, ý thức được nó đang nhìn chăm chăm ra những bãi cỏ câm lặng mà họ đi qua
“Tối nay con chơi hay lắm. Bố rất ấn tượng.”
“Con cảm ơn.”
Họ lái xe đi qua hai dãy nhà nữa trong im lặng.
“Ừm. Mẹ nói con muốn vào học ở Julliard.”
“Có thể.”
“Con giỏi lắm,” David nói. “Con giỏi rất nhiều thứ, Paul ạ. Con sẽ có rất nhiều lựa chọn trong cuộc đời mình. Có rất nhiều hướng mà con có thể đi. Con có thể làm bất cứ điều gì.”
“Con thích âm nhạc,” Paul nói. “Nó khiến con cảm thấy mình được sống. Con nghĩ con không dám mong bố hiểu được điều đó.”
“Bố hiểu mà,” David nói. “Nhưng có thứ khiến con thấy mình được sống, và có thứ giúp con kiếm sống.”
“Đúng vậy. Chính xác.”
“Con có thể nói như thế bởi vì con chưa bao giờ mong muốn một điều gì,” David nói. “Đó là một điều xa xỉ mà con không hiểu được đâu.”
Giờ họ đã gần về tới nhà, nhưng David rẽ sang hướng ngược lại. Anh muốn ngồi cùng Paul trong xe, lái xuyên qua cái thế giới tràn ngập ánh trăng, nơi mà cuộc trò chuyện này, dù có căng thẳng gượng gạo, vẫn có thể tiếp diễn được.
“Bố và mẹ,” Paul nói, lời lẽ đua nhau tuôn ra, như thế đã bị kìm nén quá lâu rồi. “Rốt cuộc thì bố bị làm sao vậy? Bố cứ sống như không cần quan tâm đến bất cứ chuyện gì nữa ấy. Bố không có niềm vui nào cả. Bố chỉ tồn tại ngày qua ngày, mặc kệ mọi chuyện. Bố thậm chí còn chẳng biết về gã khốn Howard kia nữa.”
Vậy là nó đã biết.
“Bố biết chứ,” David nói. “Nhưng mọi chuyện phức tạp lắm, Paul. Bố sẽ không tranh luận với con về việc này, bây giờ hay bất cứ thời điểm nào khác. Có nhiều điều con không hiểu đâu.”
Paul không nói gì. David dừng lại trước cột đèn giao thông. Không có chiếc xe nào đi lại xung quanh và họ ngồi im lặng, đợi đèn chuyển màu.
“Con nghe cho rõ đây,” cuối cùng David cất tiếng. “Con không cần phải lo lắng cho mẹ và bố. Đấy không phải việc của con. Việc của con là tìm được con đường cho mình bước vào đời. Để tận dụng được tất cả các năng khiếu của con. Và không phải chỉ biết nghĩ đến bản thân mình thôi đâu. Con phải làm gì đó để đáp lại cuộc đời nữa. Đó là lý do khiến bố làm việc ở phòng khám.”
“Con yêu âm nhạc,” Paul nói khẽ. “Khi con chơi, con cảm thấy mình đang làm thế - đang làm gì đó để đáp lại cuộc đời.”
“Và con đang làm thế. Con đang làm như thế. Nhưng Paul, nhỡ đâu con có tố chất để có thể, giả dụ như, phát hiện ra một nguyên tố mới trong vũ trụ? Nhỡ đâu con có thể tìm ra phương thuốc chữa trị một căn bệnh nan y hiếm gặp thì sao?”
“Mơ ước của bố,” Paul nói. “Của bố, không phải của con.”
David câm lặng, anh nhận ra rằng có một thời, đó đích thực là mơ ước của chính anh. Anh gánh trách nhiệm hàn gắn thế giới, biến đổi và nhào nặn nó, nhưng thay vào đó anh lại đang lái xe trong ánh trăng lênh láng với đứa con trai đã gần trưởng thành, và mỗi khía cạnh của cuộc đời anh dường như đều vượt qua tầm với của anh mất rồi.
“Đúng vậy,” anh nói. “Đó là những ước mơ của bố.”
“Nhưng nếu con có thể trở thành một Segovia thứ hai thì sao?” Paul hỏi. “Thử nghĩ mà xem, bố. Nếu con có khả năng làm được, mà lại không thử thì sao?”
David không trả lời. Anh lại đi tới dãy phố nhà họ, và lần này anh lái về nhà. Hai bố con rẽ vào cổng, xe hơi chồm lên khi đi qua mép gờ hơi gồ lên ở đoạn giao với đường cái, và dừng lại trước ga ra xây biệt lập. David tắt động cơ, trong vài giây họ ngồi im lặng.
“Không phải bố không quan tâm,” David nói. “Vào đây. Bố muốn cho con xem vài thứ.”
Anh dẫn Paul đi dưới ánh trăng và trèo lên cầu thang bên ngoài dẫn tới phòng tối phía trên ga ra. Paul đứng cạnh cánh cửa đóng kín, tay khoanh lại, vẻ sốt ruột thấy rõ, trong khi David tiến hành các công đoạn rửa ảnh, rót các hóa chất ra và đặt tấm phim âm bản vào máy phóng ảnh. Sau đó anh vẫy Paul lại.
“Nhìn cái này xem,” anh nói. “Con nghĩ nó là gì?”
Sau một thoáng ngập ngừng, Paul đi qua căn phòng và quan sát. “Cái cây ạ?” nó nói. “Trông giống như bóng của một cái cây.”
“Tốt,” David nói. “Giờ con xem lại nhé. Bố chụp bức ảnh này giữa một ca phẫu thuật, Paul. Bố đứng trên ban công phòng mổ với một cái ống kính tele. Con có nhìn thấy gì khác không?”
“Con không rõ… có phải là trái tim không?”
“Trái tim, đúng thế. Đáng kinh ngạc chứ hả? Bố đang thực hiện hẳn một seri ảnh về hiệu ứng thị giác, bao gồm những tấm ảnh chụp cơ thể người đem lại cảm giác như những sự vật hoàn toàn khác. Đôi khi bố nghĩ cả thế giới đã được bao gọn chỉ trong cơ thể một con người sống mà thôi. Điều bí ẩn đó, và điều bí ẩn của thị giác – bố quan tâm đến nó. Thế nên bố hiểu ý con khi con nói về âm nhạc.”
David chiếu một luồng ánh sáng tập trung đi qua máy phóng ảnh, và thả tờ giấy vào chậu thuốc hiện ảnh. Anh cảm nhận rõ Paul đang đứng cạnh mình trong bóng tối và bầu không gian tĩnh lặng.
“Nhiếp ảnh xoay quanh những bí mật,” David nói, sau vài phút, anh dùng kẹp gắp tấm ảnh lên và thả nó vào chậu hãm. “Những bí mật mà chúng ta đều có và không bao giờ kể ra.”
“Âm nhạc thì không thế,” Paul nói, và David nghe thấy sự chống đối trong giọng của con. Anh nhìn lên, nhưng không thể đọc nổi nét mặt Paul dưới ánh sáng đỏ lờ mờ này. “Với con âm nhạc giống như ta chạm vào nhịp đập của cuộc sống ấy. Âm nhạc luôn ở đó, có những lúc con chạm được vào nó, và khi ấy con biết rằng mọi thứ luôn được kết nối với những thứ khác nữa kia.”
Rồi nó quay gót và bước ra khỏi phòng tối.
“Paul!” David gọi với theo, nhưng con trai anh đã nện từng bước chân thình thịch giận dữ trên những bậc thang bên ngoài. David ra đứng bên cửa sổ, nhìn nó chạy dưới ánh trăng, lên cầu thanh phía sau rồi biến vào trong nhà. Một lát sau ánh đèn sáng lên trong phòng nó, và những nốt nhạc chuẩn xác của Segovia tuôn trào khắp không gian, trong trẻo và tinh tế.
David, nhẩm lại trong đầu cuộc trò chuyện giữa hai bố con, tính xem có nên đuổi theo nó hay không. Anh muốn được kết nối với Paul, để có được giây phút hai bố con thấu hiểu lẫn nhau, nhưng những ý định tốt đẹp ban đầu lại bị bóp méo, chỉ còn tranh cãi và xa cách. Sau một lát, anh quay gót trở lại buồng tối. Ánh đèn đỏ mờ mờ giờ rất dịu. Anh nghĩ lại những gì mình đã nói với Paul – rằng thế giới được cấu thành từ những thứ bị ẩn giấu, những bí mật; được xây dựng dựa trên những đốt xương không bao giờ nhìn thấy ánh sáng. Đúng là anh đã từng kiếm tìm sự đồng nhất, như thể nét tương xứng cơ bản giữa hoa tulip và lá phổi, mạch máu và cây cối, cơ thể và vạn vật, có thể hé lộ một mô thức mà anh hiểu được. Nhưng thực tế không phải vậy. Trong vài phút nữa anh sẽ vào nhà và uống một cốc nước. Anh sẽ đi lên gác và thấy Norah đã ngủ, và anh sẽ đứng đó ngắm nàng – điều bí ẩn ấy, con người mà anh chưa bao giờ thực sự hiểu, nằm cuộn tròn quanh những bí mật của nàng.
David bước tới chỗ tủ lạnh nhỏ nơi anh bảo quản hóa chất và phim chụp. Chiếc phong bì được giấu kín ở tít trong cùng, đằng sau mấy cái chai. Trong đó chứa đầy những tờ hai mươi đô, mới cứng và lạnh ngắt. Anh đếm mười, rồi hai mươi tờ, và cất chiếc phong bì trở lại, phía sau những chai lọ. Những tờ giấy bạc nằm gọn ghẽ trên mặt quầy.
Thông thường anh chỉ gởi tiền, được gói trong một tờ giấy trống trơn, nhưng đêm nay, cơn giận dữ của Paul vẫn còn vương vất trong căn phòng, âm nhạc của nó bềnh bồng trong không gian, David ngồi xuống viết một lá thư. Anh viết rất nhanh, để từ ngữ cứ thế tuôn ra, tất cả sự hối tiếc về quá khứ, tất cả những hy vọng anh dành cho Phoebe. Nó là ai, đứa trẻ sinh ra từ máu thịt của anh, đứa trẻ mà anh đã cho đi? Anh đã không kỳ vọng là nó sẽ sống lâu đến thế, hoặc nó sẽ có được cuộc sống như  Caroline đã viết thư kể cho anh. Anh nghĩ về con trai mình, ngồi một mình trên sân khấu, và về nỗi cô đơn mà Paul luôn mang bên mình. Liệu Phoebe có như thế không? Chúng sẽ ra sao nếu hai anh em được cùng nhau lớn lên, giống như Norah và Bree, dẫu khác nhau một trời một vực nhưng vẫn gắn bó vô cùng khăng khít? David sẽ ra sao nếu như June không chết? Tôi rất mong được gặp Phoebe, anh viết. Tôi muốn nó biết về anh trai nó, và muốn anh nó được biết về em gái. Rồi anh gấp lá thư bao quanh xấp tiền mà không đọc lại, cho tất cả vào một phong bì, và ghi địa chỉ. Dán kín lại, thêm một con tem. Ngày mai anh sẽ gửi thư đi.
Ánh trăng chiếu qua cửa sổ tràn ngập không gian phòng trưng bày. Paul đã dừng chơi nhạc. David đăm đắm ngắm nhìn mặt trăng, giờ đã lên cao hơn giữa trời, nổi bật và như bứt hẳn lên trên nền bóng tối. Anh đã quyết định, khi đứng trên bờ biển; anh đã để mặc đống quần áo của Norah nằm trên cát cùng tiếng cười tràn ngập trong nắng của nàng. Anh đã trở lại căn nhà gỗ và làm việc với những tấm ảnh, khi nàng bước vào, chừng một tiếng sau đó hoặc hơn, anh đã không đả động gì đến Howard. Anh giữ im lặng như thế bởi vì bí mật của riêng anh còn đen tối hơn, bị giấu kỹ hơn, và bởi vì anh tin rằng bí mật của anh đã tạo nên những bí mật của nàng.
Giờ đây anh trở lại buồng tối và tìm kiếm trong những cuộn phim mới chụp gần đây nhất. Anh có chụp vài tấm ảnh rất thực trong bữa tiệc tối hôm đó: Norah, đang bê một khay cốc, Paul đứng bên cạnh lò nướng và giơ cao chiếc chén, một số bức chụp cảnh họ đang nghỉ ngơi trên hiên nhà. Anh cần tấm ảnh chụp cuối cùng; khi tìm thấy nó rồi, anh chiếu sáng nó lên giấy ảnh. Trong chậu rửa, anh nhìn hình ảnh hiện ra từ từ, lần lượt từng hạt màu li ti, hiện lên ở chỗ trước đó còn trắng trơn. Với David, đó luôn là trải nghiệm về một bí ẩn lớn lao. Anh ngắm nhìn những hình ảnh nổi dần lên, Norah và Howard trên hiên nhà, vừa nâng ly chúc mừng, vừa cười vang. Một khoảng khắc vừa ngây thơ vừa khích động; một khoảnh khắc khi sự lựa chọn được quyết định. David gắp bức ảnh khỏi chậu rửa, nhưng anh không đưa vào chậu hãm. Thay vì thế, anh bước vào phòng tranh và đứng dưới trăng với bức ảnh trong tay, ngắm nhìn ngôi nhà của mình, giờ đã tối đen, Paul và Norah ở trong đó, đang mơ những giấc mơ của riêng mình, đang chuyển động trong những quỹ đạo biệt lập, cuộc sống của họ không ngừng bị nhào nặn bởi sức hút từ lựa chọn mà anh đã theo cách đây nhiều năm trời.
Trở lại phòng tối, anh treo tấm ảnh ghi lại khoảnh khắc ấy lên để hong khô. Chưa được tráng xong, chưa được hãm, hình ảnh đó sẽ không tồn tại lâu. Trong những giờ tới, áng sáng sẽ tác động lên tấm giấy bị phơi ra. Tấm ảnh chụp Norah đang cười với Howard sẽ từ từ tối dần cho đến khi – trong một hoặc hai ngày – trở nên đen đặc hoàn toàn.
---------------
[13] André Torres Segovia (1893 – 1987), nghệ sĩ ghi ta lừng danh ở thế kỷ 20, người Tây Ban Nha.