PHẦN I
THÀNH PHỐ CHẾT MEGACON
Chương 8

14

IMG_0631
- Phải rồi, - Marena đáp
- Xin lỗi, tôi không hiểu những điều ấy, - Laurence Boyle nói.
- Taro đang nói rằng…
- Chờ chút, - Boyle nói. Anh ta đang viết gì đó lên màn hình điện thoại. – Nghe này, tôi sẽ ghi âm lại tất cả để làm một bản ghi chép gửi cho trưởng lão Lindsay. May ra ai đó sẽ đoán được điều gì. Mọi người thấy có thể làm được không?
Mọi người gật đầu.
- Tốt rồi, xin các vị hãy nói thật rành rọt nhé. Còn tôi sẽ đảm bảo ông ta nghe nó bằng bên tai còn thính. – Anh ta cười toáng lên trước câu nói chẳng lấy gì làm hài hước của mình, đúng kiểu Mỹ. – Và chú ý đừng nói câu gì báng bổ nhé, được không? – Anh ta ấn nút trên máy điện thoại. - Được rồi, bắt đầu. Vậy việc là thế nào?
- Giả thiết là hiệu ứng cánh nỏ sẽ tạo ra những kẻ tin vào ngày tận thế…các vị gọi họ là gì nhỉ?
- Doomster, - Taro đáp.
- Đúng rồi, và rằng dù là kẻ nào gây ra chuyện này, hắn hẳn phải nghĩ hắn sắp huỷ diệt cả loài người, - Weiner nói. – Và giả thiết ở đây là đối tượng sắp đặt vụ rải polonium này có thể không phải là một người, bất kể đó là ai, nhưng cũng không thể là rất nhiều người, bằng không chúng đã bị nhận dạng.
- Phải, - Marena nói, - trò của những kẻ tin vào ngày tận thế…vấn đề là ngày càng có nhiều người thích thứ đó.
- Ngày càng nhiều người thích thứ gì cơ? – Boyle thắc mắc.
- Tức là ngày càng có nhiều người muốn phá phách và có phương tiện để phá phách, - cô ta giải thích, - đó là ý kiến của Taro.
- Không, cảm ơn, nhưng không phải đâu, - Taro đáp, - Đó không phải ý kiến của tôi. Vấn đề doomster đang ngày càng trở nên phổ biến trong lĩnh vực dựng mô hình thảm hoạ.
- Ừm, được rồi, vậy thì, - Boyle nói, mắt nhìn bản ghi điện tử trên điện thoại, - Giáo sư Taro, ông có thể giảng giải cho chúng tôi vấn đề đó một cách ngắn gọn không?
Taro ngừng một lát.
- Đây, anh uống cái này này, - Marena thì thào với tôi. – Tôi chưa động gì đến đâu. – Cô ta đẩy về phía tôi một cốc giấy đựng đồ uống.
- Hừm, một doomster tiềm năng, - Taro bắt đầu, - là người muốn giết tất cả loài người trên trái đất, kể cả bản thân hắn. Còn một doomster thật sự là người tìm được phương thức để thực hiện điều đó.
- Vâng, - Boyle nói, - nhưng không thể có quá nhiều kẻ điên khùng như thế được.
- Hừ, trước đây từng xảy ra những vụ tương tự rồi, - Taro nói. Giọng ông ta khoẻ hẳn lên khi bắt đầu thuyết giảng - ở Pakistan, hai lần, rồi ở Oaxaca. Và còn những vụ trong thời kỳ chiến tranh lạnh cũng như vô số trường hợp khác mà chúng ta không biết.
- Có thể lắm, - Boyle nói.
- Song vấn đề không hẳn nằm ở chỗ có, giả dụ, mười hay mười nghìn kẻ điên khùng như thế. Vấn đề là vào một thời điểm nào đó, một trong số những kẻ ấy sẽ tìm được cách thức để thực hiện điều hắn mong muốn. Và theo lý thuyết về hiệu ứng cánh nỏ, điều này nhiều khả năng sẽ xảy ra sớm hơn là muộn.
- Ông nên giải thích cả thuật ngữ đó nữa, - Marena nói.
- Xin lỗi?
- Hiệu ứng cánh nỏ ấy.
- Ồ, - ông ta đáp, - phải. Vào năm...vào năm...tôi nghĩ là 1139. Hội đồng Lateran đã tìm cách xếp cung nỏ vào loại vũ khí bất hợp pháp vì theo họ chúng sẽ dẫn tới sự chấm dứt của nền văn minh. Vì nhờ nó, một người lính bình thường cũng có thể giết chết một hiệp sĩ mặc áo giáp sắt trên mình ngựa.
- Nhưng thực sự cung nỏ có gây ra được chuyện gì đâu, - Marena nói.
- Đúng là không, - Taro đáp. – Và sau đó, đến những năm 1960, các nhà sản xuất vũ khí thường lấy chuyện đó làm ví dụ để chứng minh rằng không nên quá lo lắng về vũ khí hạt nhân.
- Vâng, - Boyle nói.
- Nhưng cung nỏ chỉ có thể giết được một người với một phát tên, - Taro nói. – và tính theo đầu mũi tên, như vậy là khá tốn kém so với thời kỳ đó. Vũ khí hạt nhân thì giết được rất nhiều, với chi phí thấp hơn nhiều cho mỗi mạng người. Chỉ khoảng vài đô la cho một cái chết. Nhưng như thế vẫn là hơi đắt. Còn ngày nay, chúng ta có vô số loại vũ khí có sức tàn phá mà lại rẻ tiền. Và dễ sản xuất nữa. Đây là điều đã xảy ra ở Iraq. Khi nước Mỹ dùng trò chơi chiến tranh để đặt kế hoạch chiếm đóng, họ đã bỏ qua không tính đến chuyện công nghệ đó, tức là các chất nổ plastic, thậm chí cả thuốc nổ, sẽ đến được tay rất nhiều người. Khi chất nổ plastic còn đắt đỏ, Lầu Năm góc vẫn dùng những kiểu vũ khí cổ điển hơn và khó kiếm hơn. Nhưng đến năm 2004, Thuốc nổ dẻo C4 trở nên rẻ mạt và dễ kiếm, đến mức chỉ một kẻ tấn công thôi cũng có thể giết rất nhiều người và gây thiệt hại hàng triệu đô la với chi phí rất phải chăng. Có thể diễn đạt theo cách khác rằng sự dân chủ hoá lan tràn công nghệ đã dẫn đến số lượng người dùng ngày càng đông. Đó là những kẻ đánh bom tự sát.
- Rất có thể, - Boyle nói, - nhưng chúng không bao giờ có thể phá huỷ tất cả mọi thứ được. Hơn nữa, không thể có quá nhiều kẻ muốn làm chuyện như vậy.
Taro ngừng một lát. Tôi nhấp một ngụm trong cái cốc. Đó là trà xanh ướp lạnh pha thêm hương liệu, trộn với các hạt bột sắn. Đồ dành cho con nít. Thôi, gì cũng được.
- Phần đông mọi người đều từng trải qua những giây phút giận dữ đến mức muốn phá huỷ tất cả mọi thứ, - Taro nói. – Theo những mô hình được dựng gần đây, vào một thời điểm nào đó trong tương lai gần, những người, nói thế nào nhỉ, ít được vào khuôn phép hơn những người khác một chút và hiểu biết về công nghệ nhiều hơn người khác một chút, sẽ có cảm giác trên, và họ sẽ làm điều đó.
- Vậy nó sẽ xảy ra vào lúc nào? – Boyle hỏi.
- À, anh có thể biểu diễn nó trên biểu đồ, - Taro đáp. Ông ta bắt đầu phác hình trên màn hình điện thoại. - Thực tế, anh thậm chí có thể đơn giản hoá nó chỉ với ba vecto chính. Đây rồi, đường đậm này, vecto α, là khả năng tiếp cận công nghệ ngày càng rộng rãi. Nó được tính toán từ một tập hợp các biến số phụ, chẳng hạn như tốc độ tăng trưởng của internet, tốc độ giảm chi phí xây dựng, các phòng thí nghiệm chất nổ hoặc vắc-xin chiết xuất từ vi rút. Tiếp đó là đường nhạt, vecto ρ, hiển thị số lượng người có thể bị coi là căng thẳng, tức là có nguy cơ quá khích. Các doomster. Và đường thứ ba là vecto e, tức là đường đứt nét. Nó biểu thị nỗ lực ngăn chặn của DHS và các lực lượng cảnh sát, cơ quan chống khủng bố trên toàn thế giới. Ông ta gửi hình vẽ cho các điện thoại khác, Marena cho tôi xem trên điện thoại của cô ta.

chap14
- Cái này hơi toán học đối với tôi, - Boyle nói.
Thằng đần, - tôi nghĩ bụng.
- Một trong những lý do khiến đường ρ dốc như vậy là vì nó bao gồm cả những phản hồi nội bộ. Do sự cạnh tranh. Các vị chắc cũng biết chuyện có những kẻ đến siêu thị, văn phòng, trường học và bất cứ nơi nào để bắn vào những người khác, cả chuyện gần đây người ta đua nhau xem ai hạ được nhiều người hơn? Hiển nhiên, điều này một phần do thời buổi ngày nay có những trang web chuyên dung để lưu trữ tỉ số ấy. Và vấn đề nằm ở chỗ nó lại tạo ra một vòng phản hồi tích cực. Người ta noi theo những tấm gương đi trước thành công. Khi được chứng kiến điều gì đó thật hoành tráng, ví như sự kiện 11 tháng 9 chẳng hạn, họ sẽ bị xúi giục để vượt qua nó. Cứ như thế, các vị có thể vẽ được biểu đồ tăng trưởng của xu hướng doomster, nếu các vị thích.
- Như vậy, ông đang muốn nói rằng về cơ bản nó là một trào lưu đúng không, - Marena nói. - Giống như, ông biết đấy, giết người hàng loạt là một nghề được ưa chuộng trong những năm 1990, đến những năm 2000 thì khủng bố, còn bây giờ thì việc quan trọng là làm sao trở thành một doomster và kéo mọi người cùng chết theo.
- Gượm hẵng, - Michael Weiner nói. – Có bao nhiêu người thực sự muốn phá huỷ tất cả mọi thứ?
- Phải đấy, - Boyle tiếp lời. – Các vị thực sự cho rằng người ta có thể làm được điều đó ư?
- Dĩ nhiên, - Marena đáp, - rất nhiều người làm được đấy.
- Nhiều người đã thực sự bày tỏ ý muốn ấy, - Taro nói, - và không phải tất cả bọn họ đều đang ở trong tù hay trại tâm thần.
- Hai mươi năm truớc, tạo ra virus máy tính là một trò hay ho, - Marena nói, - còn bây giờ thì tạo ra virus sinh học mới là điều hay ho nhất.
- Cho nên, ngày nay, chỉ cần kiến thức về sinh hoá tương đương với một sinh viên chưa tốt nghiệp và một phòng thí nghiệm tại nhà tiêu tốn khoảng năm ngàn đô la, người ta cũng có thể tạo ra một hệ thống đủ tiêu diệt cả loài người. – Taro nói. – Có hơn năm mươi triệu người trên toàn thế giới có trình độ học vấn ở mức như vậy và ít nhất một vài trong số họ chỉ lăm le muốn làm điều kia.
- Choáng thật đấy. – Micheal Weiner nói.
- Vấn đề là, trước đây, phải có một nhà bác học điên mới làm nổi chuyện đó, - Marena nói, - còn bây giờ, chỉ cần một thằng điên học ngành sinh học. – Cô ta thêm vào những câu dễ nhớ để Lindsay hay bất kỳ ai khác có thể sử dụng khi họp ban lãnh đạo hoặc những dịp tương tự.
- Có thể nói như vậy, - Taro đồng tình. - Hoặc làm theo một cách khác, hãy hình dung nếu anh đưa cho mỗi người trên thế giới một quả bom huỷ diệt cho ngày tận thế, thì chắc chắn sẽ có người châm ngòi sau vài phút. Thực tế, nhiều người sẽ vội vã làm việc đó chỉ vì muốn mình là người đầu tiên. Và thậm chí nếu để độ không chắc chắn cao hơn mức cần thiết thì các đường cong cũng sẽ gặp nhau tại một thời điểm rất gần. Có thể chỉ là vài tháng nữa…
- Và nó rơi đúng vào khoảng ngày cuối cùng của lịch Maya, - Marena nói.
- Phải, mặc dù nếu bàn về việc chính xác ngày nào sự kiện đó sẽ xảy ra, thì nó chỉ có tính tương đối thôi, đương nhiên. Nhưng nó hoàn toàn thuyết phục về mặt số liệu. Nghĩa là, sự kiện đó sẽ xảy ra, và xảy ra trong khoảng một thời gian không bao xa nữa.
- Nhưng có những người đang nỗ lực ngăn cản lũ điên ấy – Boyle nói.
- Phải, - Taro đáp, - đó chính là đường cong e.Nhưng như các vị thấy đấy, nó không hề cắt hai đường kia trước khi tất cả cùng gặp nhau ở điểm cuối.
- Vậy tất cả những gì chúng ta cần làm là nâng cái đường cong e ấy lên, - Marena nói. Cô ta đã xé chiếc cốc giấy đựng nước trà của mình thành một dải hình xoắn ốc với đường viền mấp mô lượn sóng.
- Chúng ta, hoặc ai khác, - Taro đáp. - Phải. Nâng thật mạnh.
Không một ai nói gì nữa. Tôi xé mấy gói Jelly Belly. KẸO DẺO HẠT ĐẬU CHÍNH GỐC DÀNH CHO NGƯỜI SÀNH ĂN – trên bao bì viết như vậy - VỊ HOA QUẢ NHIỆT ĐỚI. Tôi ăn ba viên, cảm thấy mình hơi ích kỷ, liền quẳng nốt chỗ còn lại lên bàn. Chúng có hình tròn không đều nhau và nhuộm đủ màu như đá quý.
- Có ai muốn làm vài viên không? – Tôi mời.
Chẳng ai muốn cả.
- Cảm ơn thông tin của các vị, - Boyle nói. – Nhưng tôi cũng xin có ý kiến rằng, trước những tình huống như thế này, người ta thường nói: lúc nào chẳng có người hô hoán lên rằng trời sắp sập, rồi lần nào họ cũng nhầm. Thiên hạ luôn cho rằng: sắp đến ngày tận thế rồi. Họ từng nói bom nguyên tử là tận thế. Năm 2000 là tận thế. Vụ sập máy gia tốc ở Mexico đã tạo ra một lỗ hổng nhỏ ở trung tâm trái đất, và đó cũng sẽ là tận thế.
Anh ta nhìn quanh bàn. Không có ai nói gì.
“ Hừ, hơi lạ đây, - tôi tự nhủ. Tôi không ngờ anh chàng Boyle này lại là người đứng ra phản đối, bởi anh ta là một con chiên Mormon ngoan đạo. Mà nói chung thì Những Vị Thánh Ngày cuối vẫn thuộc loại nhẹ dạ cả tin. Họ luôn nghĩ ngày tận thế sắp cận kề. Vậy mà cái thằng cha này lại quay ra ngờ vực. Hừ, có lẽ mình nhìn người hơi cứng nhắc rồi. Marena há miệng ra rồi lại ngậm lại. Tôi có cảm giác cô ta định nói một câu cửa miệng đại loại như: “Thôi cứ chấp nhận đi, đồ nghếch, điều này vượt quá sức hiểu của anh”. Tôi quyết định làm không khí bớt căng thẳng.
- Chúng ta đừng nên dùng từ hố "đen", - tôi nói – Nghe xúc phạm quá. Ta nên gọi là hố “màu” thôi. (Một kiểu chơi chữ xuất phát từ cách dùng từ “da màu” thay vì “da đen” ở Mỹ vì e ngại xúc phạm sắc tộc)
Chẳng ai cười. Hay nhếch mép. Hay có bất cứ biểu hiện nào khác. Mình đúng là tên lố bịch. – tôi nghĩ.
Taro lên tiếng.
- Ừ, đúng là từ rất lâu rồi, có những kẻ cứ tuyên truyền với tất cả mọi người rằng thế giới sắp đến ngày chấm dứt. Và đến nay, như chúng ta biết, thế giới vẫn chưa chấm dứt. Nhưng đó chỉ là ảo giác cảm tính thôi. Anh không thể…
- Thuật ngữ đó nghĩa là gì vậy? – Marena hỏi.
- Nghĩa là, nó giống như con gà của Russell ấy mà, - ông ta đáp. – Đơn giản là anh chỉ việc lờ đi tranh cãi cho rằng…
- Xin lỗi, nhưng ông nên giải thích cho cuốn băng ghi âm về con gà ấy. – Marena nói.
- Ồ, phải, - Taro đáp. – Bertrand Russell là người đã kể câu chuyện về một con gà tin tưởng người nông dân là bạn nó. Vì rõ ràng ông ta cho nó ăn hàng ngày và chả bao giờ làm gì hại nó cả. Con gà tin rằng người nông dân sẽ tiếp tục làm thế mãi. Nhưng rồi…một ngày, thay vì cho nó ăn, người nông dân đã cắt cổ nó. Ý nghĩa của câu chuyện này là cảm tính thường sai lầm về mặc lô-gic.
- Tôi không chắc là tôi, hay ban lãnh đạo, có thế hiểu được chuyện này, - Boyle nói.
Im lặng, tôi quay lại nhìn Marena. Bốn mắt gặp nhau trong một giây. Mẹ kiếp, cặp mắt cô ta nói, cái gã con hoang Boyle này muốn từ chối chúng ta đây mà. Hắn không muốn dự án này được thông qua, chắc vì như vậy sẽ làm bớt ngân sách chi cho cái phòng nhảm nhí của hắn, cho nên hắn mới lẽo đẽo bám càng chúng ta, và bây giờ hắn muốn lừa chúng ta nói ra điều gì ngu xuẩn hoặc, hoặc quá chắc mẩm, và hễ chúng ta hở mồm ra, hắn sẽ chạy đến chỗ Lindsay và phun vào tai ông ta những lời độc địa.
Chúng tôi quay ra nhìn Boyle. Hắn bắt đầu nói câu gì đó, nhưng Marena ngắt lời.
- Anh nghe này, - cô ta nói. – Luôn có những thằng tâm thần rêu rao rằng sắp có sao băng va vào trái đất, ngay ngày mai chẳng hạn. Và đến giờ chuyện đó vẫn chưa xảy ra. Nhưng nếu anh ngẩng đầu lên và trông thấy một ngôi sao băng khổng lồ đang lao xuống thì anh không thể nói nó sẽ không lao vào chúng ta chỉ vì có những thằng tâm thần từng nhắc đến khả năng đó. Phải không?
- Chính xác, - Taro nói. – Chúng ta cần đánh giá tình hình dựa trên bản chất của nó, chứ không phải theo những gì thiên hạ vẫn nói năm này qua năm khác. Chẳng hạn như, chúng ta có tìm thấy dấu vết nào của nền văn minh ngoài trái đất đâu, bất chấp bao nhiêu lợi thế cho sự phát triển của họ. Rất có thể, những nền văn minh đó đều đã tự huỷ diệt trước khi bước đến giai đoạn phát triển như chúng ta hiện thời.
Một phút im lặng nặng nề.
- Ê, nhìn xem anh làm được gì này, - Marena nói. Tôi nhận ra là cô ta đang nói với tôi.
- Gì cơ? – tôi thắc mắc.
- Chúng được phân loại hết này, - cô ta vỗ tay lên bàn. – Nhìn xem này, - cô ta nói với tất cả mọi người, trừ tôi.
Tôi nhìn xuống. Quả đúng vậy, tôi đã sắp xếp những viên kẹo hạt đậu thành một ô kẻ ca rô rộng, phân thành từng cột theo màu sắc, hình dáng và những viên có hình dáng và màu sắc trùng nhau thì được phân theo kích cỡ.
- Oa, khiếp thật, - Boyle nói.
- Ồ, phải, - tôi nói – Chúng lộn xộn quá, làm tôi khó chịu. – Tôi vun tất cả cái đống chết tiệt trên bàn vào tay. – Xin lỗi.
- Và một trong những lý lẽ thuyết phục nhất ủng hộ thuyết ngày tận thế, - Taro tiếp tục, vẫn miên man với dòng suy nghĩ của mình, theo thói quen. - là chúng ta chưa hề bắt gặp ai đến từ tương lai.
- Nguyên nhân chẳng phải do Novikov sao? – Boyle hỏi lại.
- Hừ, có lẽ chuyện... – Marena xen vào.
- Không, - Taro cắt ngang, không để Marena kịp nói hết từ. – Không, định luật đó không áp dụng cho chúng ta trong hiện tại. Nguyên nhân khả dĩ nhất giải thích tại sao không có vị khách nào đến từ tương lai vì không hề có tương lai.
 

15

IMG_0641
Mười một tiếng sau, LEON xuất hiện trở lại trên mạng – không rõ ai đang bảo vệ các thiết bị ở UCF hay LEON có máy phát điện riêng, nhưng dù sao nó cũng đã hoạt động trở lại – và Taro cùng cô trợ lý Ashley 2, Tony Sic, ba sinh viên đang được huấn luyện làm người đếm mặt trời và tôi, tất cả tập trung trong phòng thí nghiệm thay thế tạm thời của ông ta tại Stake. Thực ra nó chỉ gồm mấy bộ khung ca-bin cánh mở hiệu Knoll mới tinh, màn hình máy tính Sony mới cứng rõ bắt mắt, mấy chiếc ghế hình bầu dục cũng mới toe, hầu hết vẫn còn nằm dưới lớp bọc ni-lông, tất cả được tập hợp một cách vội vã vào một phòng diễn tập dưới tầng hầm khu thính phòng Hòm Thánh của Stake. Tôi hầu như nghe thấy âm thanh của sự hoảng hốt trong tiếng chìa khoá va vào nhau lanh canh.
Laurence Boyle lúc trước muốn chúng tôi tập trung tất cả vào việc tìm “Giáo sư X”, bộ óc được giả thiết là đứng sau Nỗi Kinh Hoàng ở Disney World.
- Nếu các vị tìm ra được, chúng ta sẽ nhận được thêm nhiều tiền tài trợ cho giai đoạn sau, - hắn nói, tuy tôi không rõ lắm giai đoạn sau là giai đoạn sau của cái gì.
Nhưng Taro và tôi đoán nhân vật nào đó đứng ngay sau hậu trường đã thuyết phục được Boyle rằng người chơi tốt nhất nên chuyển sang tìm luôn doomster, tức là kẻ sắp gây ra chuyện sẽ xảy ra vào ngày 21 tháng 12.
Vấn đề này, Taro nói – ông ta thậm chí còn làm cả một bài diễn văn động viên tinh thần theo cung cách dè dặt của mình – chúng tôi nên mặc định những gì viết ra trong cuốn Thư tịch là đúng. Sẽ xảy ra một số sự kiện ông ta gọi là “sự kiện thảm khốc vào ngày 21, và nếu việc ngăn chặn là có thể thì chúng tôi phải tiến hành ngay. Chúng tôi cần tìm hiểu trước sự kiện. Tôi có cảm giác chúng tôi đang lần theo một thể loại sát nhân bí ẩn  nào đó hoàn toàn không tồn tại, chúng tôi phải tóm một kẻ chưa hề gây ra chuyện gì, chưa để lại bất cứ dấu vết nào và có thể là bất cứ ai trên hành tinh này.
Không chỉ có thế, chúng tôi không thể cứ bắt tay vào tìm hắn mà không tìm ra cách để tìm trước – một cách tự nhiên, tôi ngầm định trước cho hắn một hình ảnh nào đó mặc dù vẫn cố để cho đầu óc thật mở. Nói một cách thật đơn giản, chúng tôi sẽ phải viết một chương trình cho phép sàng lọc cả một vũ trụ cơ sở dữ liệu mênh mông và bằng cách nào đó, chỉ ra được đúng tên doomster.
Tất cả năm người chơi chúng tôi cùng sử dụng phiên bản 3.2 của cờ Hiến tế, một phiên bản phần mềm mới được cập nhật dữ liệu của vụ tấn công ở Orlando. Mỗi người sẽ cố gắng đi từ ngày áp chót ngày cuối cùng, tức là ngày xảy ra sự kiện tại Disney, để đến cùng một đích, đó là ngày Chúa tể 4, cách ngày hôm nay 357 ngày. Chúng tôi phải gặm cho bằng được mớ dữ liệu ngồn ngộn – chủ yếu là danh sách hàng triệu cái tên, địa chỉ về nghề nghiệp – trên bàn cờ gần 260 ô cờ Hiến tế. Mỗi người cũng có ít nhất một màn hình nữa bên cạnh để theo dõi tin tức. Tôi chọn trang Bloomberg – tôi thích các số liệu kinh tế hơn bất cứ thể loại nào khác, - dòng chạy tin đang thông báo thiệt hại công cộng gây ra bởi sự kiện ở Disney World sắp lên tới một nghìn tỉ đô la, chưa tính đến cách khoản bảo hiểm phải thanh toán. Tin cũng cho hay mẻ hợp đồng ngô mới mua của tôi đã lên giá gần gấp ba. Hết sảy. Tin xấu đem lại khối tiền. Mày thành con nhà giàu thật rồi, Jed, tập quen dần với chuyện này đi. Chán một nỗi là ở đây chẳng có gì để tiêu pha…
Chết tiệt, mình đang nghĩ gì thế này? Mày cũng chẳng tiêu được số tiền ấy nếu không còn sống để mà tiêu. Tập trung vào việc đi.
Tôi gọi LEON.
Được rồi, tôi tự nhủ, đừng trì hoãn nữa. Đến lúc cắm đầu vào việc rồi.
Tôi rút túi thuốc lá nhai ra và nhét một nhúm vào miệng.
Tôi nhập mật khẩu và thách anh bạn già LEON chơi một ván với bốn viên đá, kết thúc vào ngày Chúa tể 4. Dĩ nhiên, nó trả lời đồng ý, vì nó làm gì đủ khôn để lười nhác. Tôi thực hiện vài nghi lễ cúng bái nho nhỏ theo các hướng rồi rải các viên đá và hạt ra. Trước đây tôi chưa từng thử chơi với 4 viên đá,. Thực sự chưa từng có kiểu chơi như thế. Chẳng khác gì chơi cờ vây trên bàn cờ 144 ô với hai quân vua mỗi bên. Nếu chơi theo kiểu ấy thì sẽ không còn là một ván chơi nữa mà là hai đội quân nhắm mắt lao vào nhau thành một trận ẩu đả hỗn độn. Hừ, có như thế đi chăng nữa, - tôi nghĩ, - thì cũng cứ thử đi…
Chết tiệt, tôi nghĩ, lóa mắt quá.
Tôi xóa màn hình, đứng dậy và đi tìm Ashley 2, cô trợ lý của Taro.
- Cô có nghĩ là nên tắt bớt mấy cái đèn trên trần đi không? – tôi đề nghị. Đó là những bóng đèn huỳnh quang bình thường, phẳng dẹt với ánh sáng nhợt nhạt.
Cô ta đáp là sẽ hỏi ý kiến mọi người xem sao. Tôi quay về khoang của mình. Tony Sic đi ngang qua chỗ tôi và nói xin chào. Tôi nghe tiếng bước chân hắn chạy lên cầu thang sau lưng. Rồi, sẵn sàng rồi đây.
Cái khoang chết toi này.
Bất kể chuyện gì xảy ra, tôi sẽ vẫn dành tới 97% thời gian để ngồi trước màn hình và nhập số liệu. Tôi kiếm được một đống tiền, các thành phố sụp đổ, các thành phố được xây dựng lại, tôi mất một đống tiền, thần thánh xuất hiện, thần thánh ra đi, trật tự đảo lộn, thây kệ, tôi vẫn cứ ngồi mà nhập số liệu. Chấp nhận đi, Jed, bây giờ mày là một con khỉ máy móc. Hãy cứ sống bám vào cái khoang này, ngậm miệng lại và nhập số liệu…
Khoảng một nửa số bóng đèn tắt đi. A. Tốt hơn rồi. Tôi bắt nhịp lại giờ chơi. Khởi đầu chậm chạp, không khác gì những tảng băng trôi phình to ra ở nơi này nhưng lại tan mất khi đến nơi kia, và mờ tịt nữa, như thể những tảng băng đó được kết thành từ sương mù và lại tan ra thành sương mù. Mỗi quân cờ mới lại phải tính thêm các nước đi của tất cả các quân cờ trước, giống như tập hợp chúng lại và đập vụn tất cả thành một. Và khi quân cờ thứ tư vào cuộc, tôi thấy như đang đứng trên một tầm cao mới và phóng được tầm mắt ra xa hàng trăm dặm về tất cả các hướng, cả một đại dương mênh mông của những xuất phát sai hướng, đường vòng và ngõ cụt, các con đường bao quanh phía ngoài thì bị nén chặt lại thành đá phiến sét bởi độ cong của trái đất. Bước tiếp. Bước tiếp. Bước tiếp. Một ngày thứ sáu đen tối, hai ngày tiếp theo chẳng có gì đặc biệt, rồi đến ngày thứ hai sáng sủa hơn. De todos modos. Tôi đã đến được ngày Rắn đất 1, Thảm 0, tức là ngày mồng 2 tháng 4 năm 2012, tôi chưa từng đến sát ngày cuối cùng đến thế mà không bị mất phương hướng. Gượm hẵng. Quay lại. Được rồi, như vậy là có quãng nghỉ ở nước thứ 408. Thử lại đi. Nước thứ 948.389. Đúng rồi. Nhìn rõ hơn. Những hình ảnh bắt đầu ập đến. Chúng không phải là hình ảnh hiện ra sau khi màn hình TV đã tắt, nhưng chúng thực sự được kích thích bởi linh tính rằng một chuyện gì đó tương tự sắp xảy ra. Một đoàn người chạy nạn dài dằng dặc, lôi thôi như như những tên hề bán bóng bay, xách theo hàng đống chai nhựa, hớt nước từ dưới rãnh lên. Vài con đường mờ mịt biết mất. Vài con đường khác dài hơn hiện ra. Tiếp đi. Ít dần, ít dần. Giờ thì chỉ còn khoảng một trăm viễn cảnh. Rồi còn hai mươi. Tốt. Khoan đã. Không. Mình đi quá nhanh, bỏ qua mất một con đường rồi, nhiều đường là khác. Tôi đi thẳng qua mà không để ý đến các đường nhánh. Hai mươi viễn cảnh  này là con số quá ít ỏi so với hàng triệu. Ôi giời ơi, không hay rồi, tệ hại lắm đây. Được rồi. Quay lại nào. Lại tịt. Đây rồi. Thử đường này xem. Tắc tịt. Không sao. Đường này vậy. Lại tịt. Đường kia. Tịt. Giời ạ. Desesperado (Thật vô vọng – tiếng Tây Ban Nha). Những tảng băng trôi đâm sầm vào nhau quanh tôi tạo thành tiếng động như mười ngàn con chó bun đang nhai rau ráu mười ngàn chiếc xương bê. Phải có đường nào đến được đích chứ. Đường này. Đường này vậy. Miệng vực rồi. Trơn trượt. Chẳng nghĩ được gì cả. Thử đường này xem. Không. Đường xấu quá. Ngõ cụt rồi. Không được. Đường xấu. Đường xấu. Mọi con đường đều dẫn đến diệt vong. La Mã chứ nhỉ. Diệt vong. La…a Mã. Diệt vo…ong…
Tiên sư.
Tôi ấn nút thoát ra. Trên màn hình, bàn cờ chỉ đơn giản biến mất, nhưng trong đầu, tôi hình dung như vừa lật đổ chiếc bàn, hất tất cả đống đá với hạt kia xuống đất. Đồng hồ bảo 4 giờ 33 phút chiều. Tôi lùi ra xa khỏi màn hình, cảm thấy mình mẩy như bị thâm tím thực sự.
- Chào anh  - tiếng của Marena.
Tôi quay ghế lại. Nó xoayquas đà làm tôi phải lúng túng ghìm lại. Và rồi tôi nhớ ra rằng cô ta là phụ nữ nên lẽ ra tôi phải đứng lên và tỏ vài cử chỉ xã giao như người ta vẫn thường làm, nhưng vì cô ta đã đứng dựa vào thành khoang rồi, đứng lên bây giờ thì còn ngượng ngập hơn nên tôi cứ ngồi yên.
- Anh ổn không? – Cô ta hỏi.
- Chào cô, - tôi đáp. – à, vâng, tôi vẫn ổn.
- Tôi nhận được giấy nhắn…- cô ta nói, - một trong… ờ, khoan đã, này, luật sư của anh đã nhận được dự thảo hợp đồng gửi đến từ công ty “Hammerhead, Mako, và White” chưa?
- Ồ, nhận rồi, - tôi đáp, - nhận rồi.
Tôi quên không kể rằng hôm qua, rốt cuộc tôi đã tóm được Jerry Weir, anh chàng luật sư tư vấn kinh doanh thuê từ công ty “Grey, Timber và Weir”, trên điện thoại. Anh ta đã sẵn sàng vào việc, ngay cả khi nền văn minh phương Tây đang sụp đổ. Anh ta xem hợp đồng cho tôi ngay cả khi đang hấp hối trên giường bệnh, cả khi đã nằm dưới mồ cũng nên. Anh ta đã sửa dự thảo hợp đồng bằng mực đỏ và khuyên tôi đừng ký vào chừng nào bên kia chưa chấp thuận phần sửa đổi ấy. Thật ngạc nhiên, họ đã chấp nhận. Thế là tôi đã trở thành cộng tác viên bán thời gian của tập đoàn Warren, một trong những tập đoàn phát triển nhanh nhất và tiến bộ nhất thế giới, với lĩnh vực hoạt động đa dạng nhất thế giới, mà bằng chứng sống chính là tôi đây.
- Tôi nhận được giấy nhắn từ phòng nhân sự, chúng tôi còn vài chuyện nữa cần hỏi anh, - Marena nói.
- Được mà.
- Xin lỗi anh, họ muốn bác sĩ L. làm việc này, nhưng tôi lại nói là để tôi. Trừ khi anh muốn làm với bà ấy hơn.
- Ồ, không, không…
- Việc này chỉ để làm bảo hiểm thôi, - Cô ta mở máy điện thoại.
- Tốt thôi, - tôi đáp, - có nhiều bảo hiểm luôn là điều khôn ngoan.
- Phải.
- Này, nhân tiện, chúng ta có bảo hiểm cho ngày tận thế à?
- Ừ, tôi biết những chuyện này kỳ quặc, - cô ta nói, - nhưng đây là tập đoàn kinh doanh mà.
- Phải.
- Rồi, trước tiên là về bệnh máu khó đông, anh biết liệu có loại thuốc nào trong số đó tương kỵ với thuốc chữa trị bệnh tâm lý không?
- Họ nói với tôi là không.
- Anh có đang dùng loại thuốc nào không được liệt kê trong đơn thuốc anh đưa cho chúng tôi không?
- Không?
- Anh có nghiện gì không?
- Ca-phê-in.
- Ta không cần ghi cái đó vào đâu.
- Nhưng tôi uống đến mười lăm tách mỗi ngày đấy.
- Hừm, dù sao tôi cũng sẽ không ghi vào. Nhưng anh nên uống ít đi, thật đấy.
- Cảm ơn, thưa Mẹ.
- Rồi, - cô ta chú thích nguệch ngoạc gì đó lên màn hình điện thoại. - ừm, vấn đề thứ hai là anh còn điều trị một bệnh khác nữa. Trong  này ghi, khi đến Mỹ, họ đã liệt anh vào, à, họ đã đưa anh vào danh sách bệnh nhân “mắc chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương có biểu hiện tương tự như hội chứng Asperger.”
- Đúng thế, - tôi đáp.
- Bệnh đó có ảnh hưởng đến hành vi của anh không?
- Ờ, không ảnh hưởng đến mức làm suy chức năng hành vi, theo như tôi biết, - tôi đáp, - sao thế? Tôi tỏ ra kỳ quái lắm à?
- Với tôi thì không, - cô ta đáp, - không, nhưng anh biết đấy, tôi cũng khác người mà.
- Hừm. Ừ, tôi có thể kỳ quái. Người ta nói với tôi vậy. Họ nói tôi quan tâm đến đồ vật hơn người.
- Có đúng thế không?
- Thật ra tôi cũng chẳng quan tâm đến đồ vật.
- Vậy anh quan tâm đến cái gì?
- Gượm hẵng. Có gì khác đâu nào? Người thì cũng chỉ là những thứ biết đi lại và nói năng thôi, phải vậy không?
- Tôi sẽ chỉ báo lại với họ là tôi đã hỏi anh điều đó và anh tỏ ra bình thường, - cô ta nói.
- Cảm ơn.
- Không sao đâu. Tôi cũng mắc một hội chứng mà.
- Vậy sao?
- Phải, nó gọi là hội chứng Laurin-Sandrow.
- Có nghiêm trọng lắm không?
- Không, chỉ là trường hợp nhẹ thôi. Mắt thường không nhận ra.
- Ồ, vậy thì tốt.
- Các vị làm đến đâu rồi? – Tiếng Boyle hỏi. Chúng tôi quay lại. Hắn đến cùng Taro.
- Chúng tôi xong rồi, - Marena đáp.
- Các vị có thấy Tony Sic quanh đây không?
- Anh ta đang ở Care Space ấy, – cô ta trả lời.
- Anh chơi với bốn viên đá thế nào rồi? – Taro hỏi tôi.
- Không tốt lắm, - tôi đáp. Ấy, tôi nghĩ, ăn nói cẩn thận nào, họ bỏ tiền ra thuê mày đấy, Jed. Mày nên bốc ra tí mùi lạc quan, nhưng nhớ dè dặt thôi. – Nhưng tôi có ý này, - tôi nói tiếp, - có lẽ…
- Tôi đang nghĩ chúng ta chắc phải dùng đến năm viên đá mới xử lý được việc này, - Taro nói.
- Làm sao chúng ta có thể chơi được với…cái gì nhỉ…à, chín viên đá được nhỉ? Boyle hỏi.
- Chúng ta thậm chí không biết nên bắt đầu từ đâu, - Taro nói. – Mỗi viên đá…mỗi khi thêm một viên mới chẳng khác nào them một bánh răng vào cỗ máy Enigma.(Loại máy dùng để chuyển các thông điệp dưới dạng mật mã được quân đội Đức phát xít sử dụng trước và trong Thế chiến II)
Tôi không nghĩ Boyle hiểu được cách ám chỉ này.
- Chúng ta vẫn phải tiếp tục, - hắn nói với Taro trong lúc dẫn ông ta đến chỗ cầu thang, Marena đi cùng họ.
- Nhắn tin cho tôi khi nào anh xong việc ở đây nhé, - cô ta nói với tôi. Tôi khẽ vẫy tay chào tạm biệt.
Tôi ngồi lại xuống ghế.
Hừm.
Có chuyện gì đó không bình thường đang diễn ra ở đây. Sic lại đang làm gì thế không biết? ồ, phải rồi, anh ta đang ở Care Space.
Tôi nghe từ này quen quen. Hình như tôi đã có lần đến Care Space rồi thì phải. Nó hẳn là một loại bệnh viện nhi hay trung tâm điều trị ngoại trú gì đó. Một trong những tổ chức phi lợi nhuận của Lindsay Warren. Hình như là ở Salt Lake. Nhưng vẫn có điều gì đó không đúng. Nghĩa là tôi không nhớ ra mối liên hệ nào giữa cái tên này và căn bệnh về máu của tôi.
Có lẽ đó là trung tâm điều trị ban ngày của Stake. Sic có con sao? Hắn cũng không nói là không có. Hừm.
Nhưng nghe vẫn không ổn lắm. Tôi có cảm giác Care Space làm công việc gì đó trừu tượng hơn. Liên quan đến sự tính toán nhiều hơn.
Tôi nhét thêm một nhúm thuốc vào miệng. Nói gì về ni-cô-tin thì nói, nhưng quả là nó có thể nhen một ngọn lửa dưới lớp tế bào xám xịt của anh.
Cái tên Care Space còn gợi cho tôi nhớ đến một vài điều khác nữa. Một điều gì đó từ tối hôm qua mà tôi không biết và cũng không tìm hiểu ra được. Thứ Sáu Kỳ Quặc à? Ai đó đã nhắc đến Thứ Sáu Kỳ Quặc. Nó là thứ gì vậy? Một bộ phim hài dớ dẩn mà người ta dựng lại lần hai còn dớ dẩn hơn? Hay có chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày thứ sáu? Chắc chỉ là một lễ hội gì đó ở địa phương thôi. Để chuyện đó lại nghĩ sau. Tối qua còn chuyện gì không bình thường nữa nhỉ? Ngoài tất cả những chuyện không bình thường khác ra.
À, có hơi không bình thường một chút khi Taro đề cập đến việc du hành xuyên thời gian ở cuối câu chuyện. Thực ra, với Taro thì chuyện đó cũng chẳng có gì quá bất bình thường. Cũng như rất nhiều người thích toán học khác, ông ta và tôi luôn nói đến những chuyện kiểu như vậy. Ông ta là người thích suy luận. Nhưng điều không bình thường là ông ấy lại nhắc đến chuyện ấy vào đúng thời điểm đó. Thế nào nhỉ? Taro nói rằng chẳng có tương lai nào hết. Bởi vì chẳng có người nào quay ngược thời gian trở về đây. Đúng rồi. Sau đó Boyle hỏi rằng…phải rồi. Anh ta hỏi rằng nguyên nhân chẳng phải vì Novikov sao.
Hừm…vấn đề là, tình cờ tôi lại biết Novikov là gì. Đó là nguyên lý nhất quán tự thân Novikov, một cách để tiếp cận vấn đề thời gian mà không dựa vào lý thuyết đa vũ trụ cũ rích và kém thuyết phục. Về cơ bản, nó là một định lý phát biểu rằng việc du hành xuyên thời gian không nhất thiết phải gây ra những mâu thuẫn vật chất. Nhưng làm sao Boyle lại biết được nó nhỉ? Hắn đâu biết gì về toán học. Thậm chí còn hơi đần độn nữa là đằng khác. Mà lúc ấy cũng có ai hỏi hắn về chuyện đó đâu. Và vì sao không ai lên tiếng phản đối rằng việc du hành xuyên thời gian là không thể? Ngay cả cái lão Michael Weiner cũng không thắc mắc gì. Mà lão ấy thì lúc nào chẳng lăm le muốn thể hiện ý kiến của mình.
Và còn có điều gì khác nữa, một sự ám chỉ mà tôi chưa hiểu và cũng chưa tìm hiểu được…
Care Space. Không. Kerr Space mới đúng.
Roy Kerr.
Không thời gian Kerr.
Tôi mở trình duyệt Firefox. Tôi tìm kiếm từ “Kerr Space” trên Google. Có đến hàng nghìn kết quả. Tôi mở xem trang đầu tiên.
Hố đen Kerr giống như Hố giun, trang Wikipedia viết. Nhờ hai giới hạn sự kiện khác nhau, nó có thể tránh không chạm phải điểm kỳ dị hấp dẫn (là điểm trong không gian mà tại đó vật chất với trường hấp dẫn cực lớn bị nén chặt đến nỗi điện tích bề mặt của nó bằng không và khối lượng là vô hạn, do vậy, tại điểm này, các định luật khoa học đều không áp dụng được nữa) của hố đen, nếu hố đen có một chân không Kerr.
Dios perro (quỷ thần ơi – tiếng Tây Ban Nha), - tôi nghĩ, - quỷ thần ơi.
No es possible, no es possible. ( không thể nào, không thể nào – tiếng Tây Ban Nha).
Một cảm giác ngứa ran lên dưới lưng tôi. Đó không phải cơn giần giật của tzam lic. Đó chỉ là cái lạnh nổi da gà khi người ta khám phá ra một bí mật lớn.
SSC, tôi lại nghĩ, chẳng thể hiểu nổi nó là chữ viết tắt của cái gì. Viên đặc vụ đã nói cái gì đó đại loại rằng “SSC vẫn đang hoạt động.”
SSC là viết tắt của cái gì? Xem nào. Có thể là bằng trung học cơ sở, hội thập tự thiêng liêng, ủy ban bảo vệ sinh tồn các loài, nhưng, thực ra…
Hà, phải rồi. Máy gia tốc phân tử siêu dẫn.
Ma quỷ ạ, - tôi nghĩ.
Đúng là nó rồi. Đúng là nó rồi. Trời đất ạ. Là nó. Là nó…
Taro không chỉ nói suông về giả thuyết như mọi lần nữa. Ông ta đang xúc tiến việc gì đó. Họ đã bàn nhau về việc du hành xuyên thời gian từ trước. No es possible,tôi nghĩ.
Tôi bật nắp điện thoại, vào bản đồ Stake và kích vào chữ TARO. Chấm màu tía tượng trưng cho ông ta không xuất hiện ở đâu cả. Ông ta dám tắt thiết bị đi sao? – tôi phân vân. Có lẽ ông ta đang ngồi ở một chỗ nào đó bí mật và không bắt được tín hiệu. Cái đồ quỷ tha ma bắt. Tôi thử tìm Marena. Chấm xanh lơ của cô ta hiện lên ở “khu nhà sắp thành khách sạn”, chắc cô ta đang ở ngay trong phòng. Vậy là dù Taro, Tony và Boyle đang làm gì đi chăng nữa thì cô ta cũng không tham gia cùng họ. Hừ. Tôi đứng dậy. đi nhanh về chỗ lối ra, chạy lên cầu thang – thang máy vẫn chưa hoạt động được, - và lao ra ngoài trời, ngang qua khoảnh sân trải nhựa về khu nhà nghỉ. Dọc hành lang dài dằng dặc những tín đồ dòng Thánh Ngày Cuối với khuôn mặt nhẵn nhụi, bợt bạt đang hối hả đi ra rồi lại đi vào các phòng, vác theo những bọc quần áo cũ kỹ. Một chiếc máy bay chuyên chở những người này đã hạ cánh sáng nay, và mỗi giờ sẽ lại có thêm những chiếc khác đến. Trên mạng LAN của Stake – trong mục “Các thông tin quan trọng khác – người ta đã cảnh báo chúng tôi không được gọi họ là dân tị nạn, vì họ đều là người Mỹ. Tôi len qua đám người đến trước cửa phòng Marena. Tôi đập cửa thình thình. Không có tiếng trả lời. Tôi chọn chấm sáng của cô ta trên màn hình và ấn nút KHẨN CẤP.
Tôi chờ đợi. Tiếng cô ta vọng ra.
- Gì thế?
- Khẩn cấp lắm, - tôi gào hổn hển.
- Nhưng tôi đang tắm.
- Tôi nói nghiêm túc đấy. Thật đấy. Thật đấy.
- Chờ tôi một lát.
Hai phút sau, cô ta mở cửa. Cô ta đang khoác chiếc áo choàng tắm to đùng màu xanh lá cây lòe loẹt hiệu Marriot Amenities, với một cái khăn bông cũng màu xanh quấn quanh đầu nhìn như mũ lông chim. Mặt cô ta ướt đẫm. Vào một lúc nào khác thì như vậy là đủ gợi cảm để tôi xao lãng đi. Nhưng tôi chỉ nói là tôi cần, rất cần, nói chuyện riêng với cô ta, một cách cực kỳ, cực kỳ bí mật.
- Ta ra ngoài đi, - cô ta nói.
Cũng như tôi, đa phần người châu á khác, và theo tôi đoán là như xu hướng của hầu hết mọi người thời buổi này, theo bản năng, khi cần sự riêng tư, thay vì đi vào một căn phòng nhỏ và đóng chặt cửa lại thì cô ta lại đi ra ngoài, nơi có thể quan sát là chắc chắn không có ai để tai nghe. Cô ta dẫn tôi đi qua phòng ăn, qua phòng giặt là, ra phía sau tòa nhà, sáu inch gấu áo choàng kéo lê dưới bụi đất. Chúng tôi đang đứng trong một góc kín giữa tấm mái che bằng nhựa của toàn nhà và một đống cốt sắt bê tông cao sáu feet.
- Được rồi, chuyện gì mà quan trọng thế? – cô ta hỏi.
Tôi lúng ba lúng búng, y như hồi còn học ở trường phổ thông Nephi, khi tôi gọi cho Jessica Gunnison để mời cô ta đi chơi. Được rồi, cố lên, Jed. Nói gì đi.
- E hèm, tôi đang nghĩ về Kerr Space, tôi nói.
- Ừ, nó làm sao? – cô ta hỏi lại. Ít nhất thì cô ta cũng không giả vờ tỏ ra không biết gì.
- Chỉ là, cô biết đấy, nếu cô thực sự muốn biết các cụ ngày xưa chơi trò chơi ấy như thế nào thì cô phải hỏi họ.
- Vậy anh khuyên chúng tôi nên làm gì để thực hiện được vụ việc đó? – cô ta hỏi. Rất khó nghe rõ tiếng cô ta giữa những tiếng xành xạch của một chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh.
- Chắc các vị có một cỗ máy thời gian, - tôi nói.
Chết rồi, - tôi nghĩ, - câu đó nghe không được tự nhiên lắm.
- Anh đùa đấy à? – Marena hỏi lại. Cô ta gỡ chiếc khăn bông khỏi mớ tóc. Với một người nhỏ bé như cô ta thì tóc như vậy là khá nhiều,  và bây giờ, khi nó xù ra và dựng đứng lên, nom cô ta hơi giống một con búp bê hề, có điều dễ thương hơn. – Máy thời gian có bao giờ hoạt động được đâu, phải không?
- Chẳng phải điều đó phụ thuộc vào việc người ta làm gì với nó sao?
- Ý anh là gì?
- Nó không phải là một…nó là Thứ Sáu Kỳ Quặc, - tôi đáp.
- Ai nói với anh chuyện về Thứ Sáu Kỳ Quặc thế?
- Tức là họ sẽ không gửi đi một vật chất cụ thể nào.
Cô ta buông rơi chiếc khăn bông xuống đất và đưa tay vuốt tóc ngược ra sau, cặp lại bằng một chiếc cặp lớn. Cô ta nhìn vào mắt tôi. Trong mắt cô ta, đường viền dưới của tròng mắt màu nâu ánh vàng hướng trực tiếp ra ánh sáng, vì vậy, tôi nhìn nó giống như một hình tròn phẳng dẹt nằm trên một hố tối đen. Tôi nhìn sâu vào đồng tử, mong tìm thấy một tia sáng ánh lên hoặc một sự dãn nở nào đó có thể…vấn đề là người ta cứ cho rằng cặp mắt là cửa sổ tâm hồn nhưng thực ra chúng chỉ câm lặng và đần độn như bất cứ thứ gì khác.
Điện thoại của cô ta rung lên. Cô ta nhìn ra chỗ khác và thò tay vào túi tắt máy.
- Tôi đã nói với Max là sẽ gọi cho nó ngay, - cô ta giải thích.
- Họ chỉ gửi đi các bước sóng hoặc thứ gì đó tương tự, SSC sẽ tạo ra một lỗ hổng trống không hoặc một hố giun nào đó, và nó sẽ…ta sẽ đến được bộ óc của một ai đó ở đầu bên kia.
- À, - cô ta nói, - ờ…tôi đoán anh cũng đã tìm hiểu sách vật lý một vài lần, phải không?
Tôi đáp lại câu gì đó, nhưng chắc là không ra đâu vào đâu vì đầu tôi còn mải lặn ngụp trong vòng xoáy những suy đoán.
Theo một trong những truyền thuyết cổ xưa nhất về vua Arthur, thầy phù thủy Merlin có một bàn cờ với những quân cờ tự di chuyển, và đáng chú ý hơn là ông ta không bao giờ để thua trong một ván nào. Ngày nay, phần lớn chúng ta, những người đang sống để chứng kiến chuyện ấy xảy ra thực sự. đều biết chúng được hình thành và phát triển ra sao, nên chúng ta chẳng thấy có gì là kỳ lạ. Nhưng có một lần, vào năm 1998, khi tôi đưa bộ trò chơi Excalibur 2400 cũ của mình cho một ông già Maya hơn tám mươi nghiện chơi cờ xem -  ông ta là một người đếm mặt trời sống ở Santa Eulalia, một vùng hẻo lánh xa tít trên cao nguyên Huehuetenango – tôi đã thấy sức mạnh của công nghệ gây ra sự ngạc nhiên thích thú xen lẫn sợ hãi đến thế nào trong mắt ông ta, và ông ta cứ miệt mài ngồi trên cái thùng đựng dầu Pemex Oil cũ trươc cửa quán rượu, chơi và thua hết ván này đến ván khác, đến tận đêm khuya. Cuối cùng, tôi đành để ông ta lại với bộ đồ chơi cùng lượng pin đủ dùng cho cả năm. Và bây giờ đây, tôi thấy mình gặp phải chính cảm giác ấy, cảm giác sững sờ như khi chứng kiến con người đặt chân lên mặt trăng, giải mã được ADN hay chiết xuất được chất phóng xạ. Kinh khủng thật, tôi nghĩ, kinh khủng quá.
Marena quay đi và bước ra khỏi góc tối, đi qua đống cốt sắt bê tông đến chỗ cái hẻm nằm giữa một cỗ máy đào khổng lồ và một chiếc máy trộn xi măng. Tôi đi theo.
- Tony Sic sẽ đi phải không, - tôi hỏi.
- Đi đâu?
- Trở về.
- Về quá khứ á?
- Phải.
- Không hẳn vậy…
- Cho tôi mượn thứ ấy một phút thôi, - tôi nói, - tôi hứa sẽ mang trả trước khi rời đi.
Quỷ tha ma bắt mày đi, Sic, - tôi nghĩ, - tiên sư nó, cái thằng con hoang bảnh chọe thích phơi mặt ra đường ấy. Hắn sẽ được thấy tận mắt. Hắn sẽ biết nó như thế nào. Còn tôi thì không. Mẹ kiếp! Thiên hạ thường bảo tình dục, cảm giác thèm ăn và sợ hãi là những động lực kích thích lớn nhất. Nhưng thật ra phải là sự ghen tị cơ. Ba thứ kia thậm chí chẳng theo kịp.
- Nghe này, - tôi tiếp tục, - tôi nói nghiêm chỉnh đấy. Tôi có thể làm việc này tốt hơn anh ta nhiều. Tôi đã đánh bại anh ta trong ván cờ với ba viên đá. Chắc chắn tôi hiểu biết hơn anh ta…cô biết đấy, những thứ anh ta phải học thì tôi biết tỏng từ khi lên năm.
Một sự im lặng ngắn ngủi nhưng đáng sợ. Một chiếc trực thăng nữa bay ngang qua, hướng về phía tây để tuần tra đường biên giới.
- Anh nghe này, - Marena nói. Cô ta ngồi xuống một tảng bê tông mới đúc, khoanh chân lại dưới lần áo choàng, lặng lẽ châm một điếu Camel. Tôi đứng yên, gắng không bước vòng quanh như vẫn thường làm. Nào, Jed, bình tĩnh nào. Cố bình thản đi, dù chỉ một tẹo thôi. Cô ta biết mày ham hố chuyện đó, nhưng đừng để cô ta biết nhiều quá.
- Tôi không phải là người duy nhất phụ trách việc này, - cô ta nói tiếp. – Họ đã dự tính hết những việc có thể xảy ra với Tony…
- Và tôi cũng biết tôi có thể hiểu được hết những gì liên quan tới trò chơi, - Nhận thấy hai bàn tay mình đang khua khoắng loạn xạ trước mặt, tôi liền nhét chúng vào túi quần. – Bất kể chúng có phục tạp đến mức nào. Tất cả mọi thứ.
- Anh không biết nó phức tạp đến mức nào đâu. Cả tôi cũng không biết nó phức tạp đến mức nào. – Cô ta hít một hơi dài, thở ra. – Nói tóm lại, tôi đang rất lúng túng.
- Tôi không quan tâm nó phức tạp đến mức nào, - tôi nói. Quả thực là phức tạp đây. Lạy giời. - Tôi có nhiều động cơ hơn…hơn…tôi cũng không biết nữa…hơn cả cái Viện nghiên cứu Lee Strasberg.
- Tôi tin chắc đó là sự thực.
- Phải, đó là sự thực.
Thực ra, tôi sẵn sang đánh đổi cả tinh hoàn phải của mình, - tôi nghĩ, - cả cánh tay phải nữa, cả con mắt phải, cả cẳng chân phải, cả nửa não bên phải nữa, để được làm việc  này. Tất cả những gì không thiết yếu…
- Dù sao tôi cũng đã để lộ chuyện cho anh biết rồi, tôi đáng phải mổ bụng mà tự sát. – Cô ta vứt điếu thuốc lá xuống đất và dùng bàn chân đi đôi giày cỡ sáu hiệu Croc màu xanh lá cây di nát nó. Đó là một động tác hùng biện quen thuộc và cô ta thực hiện nó với một chút quả quyết.
- Nếu tôi van xin thì có được không? – tôi nài nỉ. – tôi sẽ van xin. Người đó phải là tôi.
Còn gì là lạnh lùng bình thản nữa cơ chứ.
- Chúng ta sẽ xem xét lại chuyện này sau vài tiếng nữa, khi cả hai đã bớt kích động, - Marena đáp. Cô ta vuốt tay lên má, từ dưới lên trên như thể đang thực hiện một động tác căng da mặt. – Anh biết đấy, không dễ khiến tất cả mọi người thay đổi những gì họ đã…
- Xin cô đấy, người đó phải là tôi.