PHẦN I
THÀNH PHỐ CHẾT MEGACON
Chương 11

20

IMG_0704
Đến đây có lẽ tôi nên giải thích một chút.
Chắc các bạn cũng biết rằng Kirk hay Bones (Hai nhân vật trong Star Trek), ví dụ vậy, di chuyển thông qua máy dịch chuyển, anh ta sẽ được sao chép và tan biến đi ở vị trí xuất phát, sau đó, chùm lưu thông tin sẽ được đưa tới đích đến, anh ta sẽ được tái hợp lại từ những nguyên tử có sẵn ở đó. Đến đây, chắc các bạn sẽ thắc mắc việc gì phải làm tan biến Kirk trong khi không cần thiết phải làm vậy? Tại sao không bỏ qua bước đó và vẫn tái hợp anh ta ở đầu bên kia như thường? Như vậy sẽ có hai thuyền trưởng Kirk, mỗi người ở một đầu cầu. Thực ra, ai còn cần đến máy dịch chuyển nữa khi có thể tự sao chép mình thành nhiều bản. Tại sao không có cả một nắm Kirk để mỗi con tàu trong đội Starfleet đều có một ông ta làm chỉ huy? Hừm, có thể nói rằng hệ thống của dự án Kerr Space đã tận dụng chính nguyên lý đó. Tức là, khi tôi đang nằm trên chiếc giường này với đống thiết bị gắn vào đầu, nó sẽ không làm tôi tan biến, hay đẩy tôi ra khỏi đầu mình, hay làm tôi ngủ mê đi, mà chỉ chụp lấy một bản sao của tôi. Bất chấp mọi kích thích và các thể loại tác động đến thần kinh khác, tôi vẫn thức và tỉnh táo, thậm chí suy nghĩ khá mạch lạc. Nói chung tôi chẳng cảm thấy gì hết.
Hoặc có thể nói thế này cho rõ ràng hơn: thằng “tôi” được ở lại đây, tức là người ở lại sau khi bản sao kia được lấy đi, hoàn toàn không cảm thấy gì. Còn bản sao, tức là phần kém may mắn hơn của Jed DeLanda, thì sẽ giống như Kirk thứ hai, người phải đáp xuống bề mặt hành tinh và phải chiến đấu với những con quái vật ngoài hành tinh Romulan. Thằng Jed kém may mắn hơn sẽ mắc kẹt trong cơ thể một mụ già quắt queo, đầy mụn mủ. Khốn khổ cái thân tôi. Chết vì bệnh đậu mùa cũng đau đấy. Biết đâu họ sẽ cho bà ta dùng ít thuốc phiện. Không, không chắc đâu. Thằng Jed kia bị lừa một vố to rồi, tôi nghĩ. Xin lỗi, Jed “kia”. Nhưng chúng ta phải làm việc này.
Dĩ nhiên, trong lúc đó, thằng Jed kia chỉ là một hình ảnh thôi, đằng nào nó cũng không tự nhận thức được bản thân mình. Nó chỉ là một dạng mật mã được viết bằng giao thức đặc biệt, giao thức P của PCP, được phát triển bởi Dự án nghiên cứu khả năng nhận thức ở người, xét về mặt nào đó, nó tương tự như một chương trình hợp ngữ cao cấp. Trên thực tế, vì mật mã này được chuyển đi dưới dạng số nên có thể nói rằng nó là một con số, một con số chứa hàng nghìn tỷ chữ số, nhưng cũng chỉ là một số nguyên bình thường như bất kỳ con số nào.
Trong khoảng thời gian kéo dài sáu giờ đồng hồ, máy chụp điện não sẽ ghi lại các hoạt động não bộ của tôi và chuyển thành một bộ phim hình ảnh ba chiều, hàng nghìn tỷ hoạt động điện hóa sẽ ít nhiều được kích thích bằng những câu hỏi đáp. Các tế bào thần kinh phát ra xung áp với tần suất khác nhau, từ đó các phản ứng hóa học sẽ sinh ra nhiệt độ và hồng ngoại có thể đo được. Từng hoạt động nhỏ nhất sẽ đưa vào một phần mềm được tích nguồn và được xếp riêng vào từng khu vực. Sau đó, chúng sẽ được đặt tên và phân loại theo vị trí, độ mạnh và thời gian, tiếp đó, qua một trong những cái hộp đặt ngoài sảnh, nó sẽ được hợp nhất thành một không gian toán học có chức năng chuyển các tín hiệu điện sinh lý thành một ma trận thông tin sinh hóa và chuyển hóa. Cuối cùng, toàn bộ những thứ đó sẽ được mã hóa thành một chuỗi số liệu. Mật mã này được cho là có thể tái hiện toàn bộ ý nghĩ của tôi về bản thân, tức là một bao tải to bằng dãy An-pơ chứa đựng kí ức, quan điểm, thói quen tư duy, tính toán, hình ảnh mâu thuẫn và phức tạp về bản thân và tất cả những gì tạo thành ảo giác về bản thân – là thứ mà lấy ra khỏi người tôi thì nó hoàn toàn chỉ là một ảo giác, và không phải lúc nào cũng tin được nó. Sau đó, toàn bộ khoảng hai trăm nghìn tỷ bit thông tin tạo thành nhận thức, hay nhân dạng, hay ý thức về bản thân, hoặc chúng ta hãy nhất trí gọi nó là NTBT – Nhận Thức Bản Thân của tôi – tất cả sẽ được chuyển qua hai chiếc máy tăng thế 2,4 gigihertz được bảo mật cực cao – là thứ trông như cái thùng loa mà tôi đã nhắc đến – và hai sợi cáp quang chạy dọc ngoài sảnh, lên một cầu thang nhỏ phía sau, đến một chiếc chảo phát sóng nhỏ đặt trên mái nhà. Chiếc chảo đó sẽ truyền NTBT của tôi lên một vệ tinh truyền thông Spartacus – được đưa vào tái sử dụng thông qua những mối quen biết bí ẩn ở Lầu Năm Góc – rồi truyền xuống một trạm tiếp nhận trung gian gần thành phố Mexico City. Từ đó, nó sẽ được chuyển tiếp qua các vệ tinh truyền dữ liệu thông thường đến một cỗ máy gia tốc siêu dẫn tốc độ cực cao có chu vi lên tới 14,065 km, nằm gần trụ sở của Cơ quan nghiên cứu hạt nhân châu Âu, trên biên giới Pháp – Thụy Sĩ. Số liệu sẽ được chuyển vào dãy ổ cứng của máy gia tốc, toàn bộ số ổ cứng đó có thể chứa được cả thảy sáu trăm nghìn tỉ bit.
Tuy nhiên, con số này ít hơn rất nhiều so với tổng số gần bốn trăm triệu tỉ bit thông tin phát ra từ não bộ tôi trong vòng sáu giờ, vì thế, chúng tôi sẽ gặp phải vấn đề về lưu trữ. Thực ra, tất cả bộ nhớ máy tính của hành tinh này cũng không đủ để lưu trữ ngần ấy số liệu. Để làm được việc này cần phải huy động tới hai  mươi tỉ ổ cứng dung lượng năm trăm gigi-byte. Rắc rối cũng nằm ở chỗ nó đơn giản là ở số liệu và không tỉ biến. Thiết bị duy nhất đủ sức chứa là bộ não người khác. Nhưng bộ não mà chúng tôi muốn dùng thì đã mủn thành đất từ lâu rồi. Vì vậy, chúng tôi phải đến được chỗ nó lúc nó vẫn còn hoạt động.
Trong một thế kỷ gần đây, điều này thì tôi đoán là các bạn cũng biết, nhất là trong khoảng một thập kỷ vừa qua, đã diên ra vô số những cuộc tranh luận mơ hồ về du hành xuyên thời gian. Có lẽ bởi người ta đã bắt đầu quen với việc những dự đoán được viết dài dòng trong tiểu thuyết viễn tưởng cuối cùng lại trở thành sự thực. Sau sự xuất hiện của những chiếc máy tính thông minh và xinh đẹp, những chuyến du hành vũ trụ, những ca phẫu thuật với thiết bị công nghệ nano, những tấm bảng vô hình, sự sống nhân tạo, kỹ thuật đông lạnh người sống, tình dục ảo, chó lông phát sáng với toàn bộ phim ảnh, âm nhạc và sách vở của nhân loại có thể bỏ gọn trong túi, người ta bắt đầu cho rằng ai đó sẽ tìm ra cách đi xuyên thời gian. Cũng chẳng lấy gì làm lạ khi xuất hiện vô số trò lừa đảo liên quan. Vấn đề này cũng giống như thuật giả kim ở thời Trung cổ. Vào thời đó, kẻ lừa đảo nói rằng: “Hãy đưa cho ta một ngàn đồng Soldo (Một loại tiền của Ý) bằng đồng, ta sẽ biến nó thành vàng ròng vào đúng ngày lễ Thánh Whitlough.” Còn ngày nay, hắn nói: “Hãy đưa chúng tôi thêm một tỉ nữa, và chúng tôi sẽ đưa nữ hoàng Cleopatra đến văn phòng của ngài kịp lúc để chào bán cổ phiếu lần đầu.”
Nhưng không may, thời gian là một hạt dẻ khó nhằn. Hay nói quá khứ thì đúng hơn. Đi đến tương lai là một việc dễ dàng, dùng ngay kỹ thuật đông lạnh người sống cũng được. Nhưng để đi về chiều ngược lại, anh sẽ phải đối mặt với hai vấn đề lớn.
Vấn đề đầu tiên đương nhiên là nghịch lý “ông nội”. Trong một thời gian, người ta đã cố giải quyết nghịch lý này bằng cách đưa ra lý thuyết về các vũ trụ tồn tại song song. Anh có thể đi về quá khứ và làm mọi thứ mình muốn – ngay cả việc giết chết ông nội mình – và tương lai sau đó của anh sẽ khác với tương lai mà từ đó anh tới, thế là ai nấy đều vui vẻ. Nhưng cách đó cũng nảy sinh nhiều rắc rối. Chẳng hạn, nếu anh có sẵn những vũ trụ ấy trong tay để lựa chọn, sao anh không chỉ việc chọn lấy một cái đang tồn tại song song với cái mình đang sống, nơi mọi việc đều hoàn hảo, nơi anh mua được Google vào năm 2004, một ounce sữa sô-cô-la chỉ chứa một ca-lo năng lượng và Billy O’Reilly (Chuyên gia bình luận các vấn đề chính trị) chưa từng tồn tại? Nhưng vướng mắc lớn nhất là điều đó không thể xảy ra. Theo giả thuyết có tính khoa học nhất hiện nay và theo những bằng chứng thử nghiệm đáng tin nhất, ngoài khoảng không kia không hề có các vũ trụ với số lượng vô hạn. Và kể cả nếu có, anh cũng không thể đến được. Năng lượng phát đi từ hiện tại của chúng ta, xuyên qua các hố đen, sẽ tới đúng quá khứ của chúng ta, chứ không phải quá khứ ở những vũ trụ khác. Và ngay cả khi vũ trụ của chúng ta không phải là vũ trụ duy nhất thì số lượng các vũ trụ cũng không thể quá nhiều. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa vũ trụ của chúng ta là vũ trụ đặc biệt. Khi chúng tôi đọc đến phần này trong bản trích dẫn, Marena đã nói: “Cái này giống như chỉ có duy nhất một tập phim Chic Chesbro, nhưng nó cũng chẳng vì thế mà hay ho hơn.” Chẳng ai, trong đó có cả tôi, hiểu được ẩn ý của câu này. Taro thì diễn giải một cách dễ hiểu hơn. Ông ta nói rằng lý thuyết này của các phòng thí nghiệm vật lý “thật rối rắm: học thuyết thì nhan nhản nhưng vũ trụ thì chẳng thấy đâu”. Nghĩa là nếu không cân bằng được một phương trình, người ta chỉ cần nói: “ồ, phần còn lại chắc chắn đã đến một vũ trụ khác rồi”. Đó không chỉ là cách để thoái thác trách nhiệm, luôn có những người giải phương trình theo cái kiểu như vậy. Vì thế, giấc mơ đa vũ trụ đã tan biến dần.
Rắc rối lớn thứ hai liên quan đến du hành xuyên thời gian là: bất cứ thứ gì anh gửi về từ quá khứ sẽ đều gặp phải một trăm phần trăm nguy cơ bị cán mỏng như sợi mì. Cụ thể hơn, việc tìm ra hay thậm chí là tạo ra một hố đen không phải việc quá khó. Và qua hố đen, năng lượng luôn bị hút về quá khứ. Hay, cụ thể hơn nữa, con đường của thời gian bên trong hố đen không liên quan rõ rệt tới cách mà nó đã di chuyển bên ngoài hố, và thường nó có xu hướng chạy về quá khứ, đó cũng chính là lý do vì sao các hố đen luôn bốc hơi mất. Ngay lúc này đây, vẫn có năng lượng từ một tương lai xa nào đó phóng ra từ các điểm kì dị (Là một điểm trong không gian mà tại đó vật chất với trường hấp dẫn cực lớn bị nén chặt đến nỗi diện tích bề mặt của nó bằng không và khối lượng là vô hạn. Hố đen vũ trụ là một ví dụ.) cách trái đất không xa. Nhưng nó cũng chẳng ích lợi gì đối với chúng ta. Vấn đề nằm ở chỗ, mặc dù không quá khó nếu muốn thả một vật vào hố đen để nó được phun ra tại một thời điểm nào đó ở quá khứ, nhưng lúc ấy nó đã bị nghiền nát một cách thảm hại đến mức nhỏ như nguyên tử, và thường xuyên bị chuyển thành dạng năng lượng. Điều đó có nghĩa là, nói chung anh có muốn gửi thông tin đi cũng không được. Anh có thể thả vào hố đen một cuốn bách khoa toàn thư, nhưng ở quá khứ, anh chỉ nhận được một mớ nhiệt năng và ánh sáng, cũng có nghĩa là không gì hết.
Tuy nhiên… tuy nhiên… tuy nhiên… anh có thể gửi cái gì đó không là gì cả, tức là không có hình dáng. Anh có thể gửi năng lượng.
Tại cỗ máy gia tốc siêu bán dẫn, chuỗi số liệu thô từ NTBT của tôi sẽ được xử lý thành một bản đồ sóng giàu thông tin. Cỗ máy cũng đồng thời nén các tín hiệu, thu hẹp khoảng cách giữa các bước sóng sao cho lượng thông tin tải xuống trong vòng sáu giờ của ngày hôm nay sẽ mất không tới bốn mươi giây để chuyển sang đầu bên kia. Một khẩu súng bắn tia gamma sẽ bắn dòng năng lượng dưới dạng sóng vào đường không gian Kerr Space (là một đường tròn tưởng tượng nằm ở trung tâm máy gia tốc). Dòng năng lượng sẽ chạy quanh đường tròn khoảng sáu trăm ngàn vòng, tốc độ sẽ được đẩy lên tới điểm mà lực ly tâm sẽ khiến nó văng ra khỏi đường tròn, vào một đường ống tiếp tuyến, nơi lắp đặt sẵn một thiết bị điện từ được thiết kế đặc biệt để tạo ra và duy trì một hố giun Krasnikov thu nhỏ.
Cách đây bốn năm, những gã ở trung tâm nơi đặt cỗ máy gia tốc hạt lớn tuyên bố họ đã tạo ra được một hố đen cực nhỏ. Quy trình tạo ra hố giun cũng tương tự nhưng có phần dễ hơn. Hố đen có cách chân trời sự kiện, chẳng đem lại gì ngoài rắc rối. Còn hố giun thì không. Hố giun có hai cửa miệng – và cả hai đều cần thiết – nhưng hố đen thì chỉ có một. Và để giữ hố đen tồn tại trong một khoảng thời gian đủ lâu, nhất là tại đâu đó gần bề mặt trái đất, anh sẽ phải dùng đến số năng lượng tương đương với vài mặt trời.
Việc chăm sóc và nuôi sống hố giun đơn giản hơn nhiều. Nhưng ngay cả với một hố giun thông thường – nếu có thể gọi thế - anh vẫn phải cần đến kỹ thuật tiên tiến và rất nhiều năng lượng. Một cái hố cơ bản, ví dụ loại Schwarzschild (Đặt theo tên của nhà vật lý học nổi tiếng người Đức Kant Schwarzschild) chẳng hạn, trong không gian R2 x X2, sẽ có dạng ds2 = - (1 – r/r)dt2 + (1 – r/r) – 1dr2 + r22, trong đó Ω là thông số tỉ trọng, r = 2GM / c2 và dù2 = dθ2 + sin22. Và đương nhiên M là khối lượng phân tử, và G là hằng số hấp dẫn, φ là góc, r là bán kính và d là khoảng cách. Vì vậy, nếu điều chỉnh một lúc, anh sẽ thấy trong lòng nó có một lực thủy triều khổng lồ, và nếu không có đủ lực đối kháng, nó sẽ sập. Thực ra nó là một phần của hệ thống hố đen – hố trắng. Nhưng ống Krasnikov có độ mét Kerr với công thức ds2 = Ω2(ξ)[-dτ2 + dξ2 + K2(ξ) + (dθ2 + sin2θdφ2)], trong đó ù và K là các hàm số tương đương nhau, K = K0cosξ/L tại ξε(-L, L), K0  K(0) và K luôn duy trì ở góc ξ lớn. Vì vậy, nó rất, rất ổn định. Nó tĩnh và thỏa mãn được tình trạng năng lượng yếu, nó không cần đến chất ngoại lai và nó có hình cân xứng. Thực tế, thoạt đầu, nhìn nó thậm chí chẳng giống gì một hố giun, nhưng nếu anh biến đổi các tọa độ như r  B1ù0 khai triển Bξ với t = Bτr, anh sẽ có thể kéo phẳng nó tùy ý chỉ bằng cách thay đổi kích thước bán kính r. Và anh có thể cuộn nó lại thành một hố giun có thể sử dụng, với độ dài bằng ù0L và bán kính hố bằng min(ùK). Dĩ nhiên, để khiến nó đủ to cho một con tàu vũ trụ chui lọt, anh vẫn phải ném vài hành tinh vào lò nung. Nhưng với một phiên bản cực nhỏ, anh sẽ không tốn nhiều năng lượng đến thế để tạo ra và giữ cho nó tồn tại – tức là giữ sao cho nó không bị hút vào trong lòng trái đất. Điểm hẹp nhất trong em bé của chúng ta chỉ to hơn một chút so với nguyên tử khí hydro. Nhưng vì nó vẫn lớn hơn lượng tử ánh sáng nên thông tin vẫn có thể đi qua. Các chùm tia gamma dao động – mặc dù thực ra chúng được hình thành từ vô số bước sóng khác nhau, vài tia thậm chí có tính chất của tia phóng xạ nhiều hơn tia gamma, nhưng ta hãy cứ gọi chúng là chùm tia gamma vì nghe như thế sành điệu hơn, - chùm tia này sẽ được hướng vào miệng hố giun, hội tụ lại trong lòng hố, sau đó sẽ tuôn ra tại một góc nào đó để có thể đưa căn phòng nhỏ của xơ Soledad vào bộ phim trong óc tôi.
Nhưng ngay cả với cách làm đó, do dao động lượng tử, để giữ được hố giun có kích thước nhỏ như vậy mở trong vòng vài phần triệu giây, cũng cần đến nhiều năng lượng hơn lượng mà máy gia tốc siêu phân tử có thể tập hợp được. Vì vậy, những người ở phòng thí nghiệm đã vô cùng sáng tạo khi nghĩ ra rằng chẳng việc gì phải làm như vậy. Anh chỉ cần tạo ra liên tiếp các hố giun mới tại cùng một “vị trí”, hay cụ thể hơn, trên cùng một đường cong có thể dự đoán của mặt phẳng vô hạn Cauchy (Đặt tên theo nhà toán học người Pháp Augustin Louis Cauchy). Chùm tia gamma mã hóa ý thức của tôi sẽ được chia nhỏ để chui vào từng hố trong dãy hố giun đó, khi chui ra ở đầu kia, chúng sẽ sắp thành hàng tại điểm bên trái của chúng tôi trên đường cong không gian, hay chính là quá khứ.
Trên thực tế, phần khó hơn lại ở bước sau, tức là bước đi tìm các góc. A2, cô trợ lý tuy chỉ giúp việc cho Taro nhưng cũng có một bằng về vật lý thí nghiệm của trường Đại học Khoa học và Kỹ thuật Pohang, nói rằng họ đã phải tốn số giờ công nhiều hơn thời gian làm toàn bộ các công việc khác trong hệ thống Kerr Space cộng lại để làm việc này.
Nếu cứ ngồi yên một chỗ, thì sau một phút, anh cũng đã di chuyển quãng đường trong không gian cách vị trí ban đầu của mình 85.000 dặm. Vì vậy, nếu chùm tia mã hóa NTBT của tôi chui ra ở quá khứ tại đúng thời điểm mà nó xuất phát, nó sẽ đến một nơi hoàn toàn xa lạ, đâu đó giữa mặt trời và chòm sao Alpha. Vì vậy, điều chỉnh và việc bắt buộc. Dĩ nhiên, thiết bị định vị toàn cầu đã gửi thông số vị trí chính xác của chúng tôi đến nhóm làm việc tại Thụy Sĩ, vì thế, việc chúng tôi đang ở đâu không thành vấn đề. Nhưng họ cũng không phải ngoại suy ra vị trí của chúng tôi trong quá khứ nữa, để xác định vị trí trong không thời gian mà phần lớn các nguyên tử trong căn phòng này đã từng ở cách đây đúng 170.551.508 phút trước.
Điều đó đòi hỏi sự điều chỉnh chính xác đến 1 phần 1022. Và dĩ nhiên, không xác định được dữ liệu cho biết vị trí của trái đất ở thời điểm xa như thế. Ngay cả khi đã dùng đến các tài liệu ghi chép nhật thực cổ xưa và mọi số liệu thiên văn có thể tìm thấy, thì hình tháp thể hiện độ chuẩn xác của năm 664 vẫn quá, quá lớn. Và hiển nhiên, ngay cả mặt trời cũng đã thay đổi vị trí. Cũng như trái đất, nó liên tục nở ra và co vào, liên tục phập phồng quanh cái lõi nóng chảy của mình, bị sao băng và gió vũ trụ quét qua. Vì thế, để đạt được độ chính xác vượt ngoài giới hạn thiên văn, họ buộc phải dùng tới nhiều thử nghiệm và sai số để ngắm đích cho tia năng lượng. Họ bắt đầu bằng việc bắn năng lượng vào tâm một súc gỗ lớn mới cắt đặt trên bàn thí nghiệm dưới tầng hầm. Họ nhắm đích sao cho nó hiện ra ở thời điểm năm phút trước – khi đó nó đã ở ngoài khoảng không và đã cách vị trí hiện tại của nó vài ngàn dặm – và các chùm tia gamma sẽ khuấy động các hạt các-bon đồng vị nằm trong tâm súc gỗ khiến chúng phân rã nhanh hơn một chút so với các hạt nằm ở bề mặt. Khi đã làm thành công thí nghiệm đó, họ bắt đầu ngắm tới đích xa hơn trong quá khứ và hướng chùm tia vào các tòa di tích cổ đại tại các thị trấn khai thác mỏ và các khu làng bị bỏ hoang của người da đỏ nằm quanh công viên quốc gia Bryce Canyon, bắn vào các vị trí ước lượng bằng lượng bức xạ đủ để biến uranium 238 trong lớp bê tông gần thành chì, bóc lấy các mẫu và xét nghiệm chúng, nhưng thường là không đạt kết quả mong muốn. Họ lại thử tiếp với vị trí cách đó vài feet trên lớp bê tông, tương đương với vài triệu dặm trên con đường di chuyển của trái đất trong không gian. Các tính toán chứa đầy những biến số phức tạp. Ngay cả những chuyển động nội tại của trái đất, mà người ta thường cho là không nhiều lắm, hóa ra cũng trở nên tai ngược. Chắc các bạn cũng biết, dưới lòng đất là khối chất lỏng đặc quánh, và nó tạo ra sự lắc lư gần như ngẫu nhiên trong quá trình trái đất quay tròn. Và ngay cả khi đã giải quyết được chuyện đó, anh vẫn phải tính đến những vấn đề như sự trôi dạt của các lục địa, xói mòn đất, sự thay đổi độ cao của mặt đất so với tâm trái đất, các hố do sao băng tạo ra và hàng trăm thứ khác nữa. Và cũng có ngần ấy vấn đề đối với chuyển động của mặt trời và dải ngân hà. Tuy nhiên, trong hai trăm năm vừa rồi, họ đã vẽ ra bức tranh khá chính xác về vị trí hành tinh của chúng ta trong quá khứ, kéo dài con đường xoắn ốc tưởng tượng từ bề mặt trái đất ra ngoài khoảng không, vượt xa khỏi hệ mặt trời, vượt xa khỏi dải ngân hà, đến trung tâm vũ trụ bao la của chúng ta.
May thay, đầu kia của hố giun không cần phải đi xa đến thế. Họ không cần phải chất nó lên tàu vũ trụ và chở đến tận sao Chức Nữ hay đâu đó. Nó có thể ở lại đây, ngay trên mặt đất với chúng ta, và từ đây, nó có thể được ngắm góc sao cho năng lượng đi qua sẽ xuất hiện ở nhiều điểm khác nhau trong không gian, và cũng tương tự như vậy, nhiều điểm khác nhau trong thời gian. Thực tế toàn bộ dự án đã được khởi động từ năm 1988, với tư cách là một phần trong chương trình du hành vũ trụ của NASA. Từ những năm 90, Warren đã tiếp quản việc nghiên cứu và chú trọng hơn vào lĩnh vực góc thời gian. Đến nay, chương trình đó – hiện vẫn nằm trong một máy chủ lớn của Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA tại Mountain View, California – đã có khả năng hướng dẫn anh nhắm vào một điểm cho trước trên bề mặt trái đất tại một giây chính xác nào đó cách đây hàng thế kỷ. Việc ấy không khác gì bắn một mũi tên vào trúng mắt một con quái vật ngoài hành tinh đang đứng ở đầu xa nhất của mặt trăng Titan (Vệ tinh lớn nhất của sao Thổ). Nhưng nếu thành công, chuỗi dữ liệu sẽ hiện ra ở đúng vị trí trong không gian, tại đúng thời điểm trong quá khứ mà trong trường hợp này là căn phòng của xơ Soledad, ba ngày trước khi bà ta qua đời. Cô trợ lý Ashley 2 của Taro đã xong việc với bản phác họa các khái niệm trên tấm bảng trắng để trình bày với Boyle và nhìn nó khá dễ hiểu:

chap20
Giống như Kerr Space, Giao thức chuyển đổi ý thức ban đầu được phát triển không phải để phục vụ cho dự án du hành xuyên thời gian. Nó được khởi xướng từ những ý tưởng ban đầu hết sức khiêm tốn nhưng phát triển dần lên qua nhiều thập kỷ. Vào những năm 1980, nó mới thí nghiệm cho những con giun dẹp thủy sinh bơi giữa các mê cung đơn giản ở trường Đại học Illinois tại Champaign. Khi một con giun đã thuộc đường đi, họ ghi lại những xung động từ cái mấu thần kinh bé tẹo của nó và từ kết quả đó người ta bắn các chuỗi tia X-quang lập đi lập lại vào một con khác, và con thứ hai học cách tìm vị trí này nhanh hơn một chút. Mục đích của việc này là phát triển một phương pháp phẫu thuật có khả năng kết nối các phần của những bộ não hiến tặng sao cho dễ cấy ghép hơn. Đến đầu thập kỷ 90, trường đại học Illinois chuyển sang thí nghiệm trên khỉ, và năm 2002, Tập đoàn nghiên cứu Warren tiến hành những thử nghiệm đầu tiên trên các bệnh nhân tình nguyện đang hấp hối tại Ấn Độ và Brazil. Hai năm trước, họ đã hoàn tất cái gọi là thử nghiệm thực tế trên người lần cuối – chính là “thử nghiệm mới” mà Marena nhắc đến ở Stake, - họ đã tải NTBT của Tony Sic xuống não của một ông già sáu mươi tuổi người Honduras sắp chết vì ung thư dạ dày. Trong khi đó, về phía Sic, anh ta không hề mất đi tí trí nhớ, khả năng nhận biết hay cá tính nào đáng kể. Hay chí ít họ cũng khẳng định thế.
Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng họ đã làm nhiều thí nghiệm khác mà không kể với tôi. Có lẽ họ đã thực hiện ít nhất một thí nghiệm tương tự thí nghiệm trên và gửi NTBT của Sic đến bộ não của ai đó trong quá khứ. Nhưng tôi không tìm hiểu được gì về chuyện đó. “Có những việc trái pháp luật đến mức chẳng có ai muốn dính dáng đến cả” – Marena nói. Tuy thế, những việc trái pháp luật gần đây của họ mà tôi phát giác được chỉ toàn là vi phạm luật giao thông.
Quả thực, những gì chúng tôi đang làm không được tử tế cho lắm. Trước khi bắt tay vào làm việc với NTBT của tôi, nhóm nghiên cứu ở Thụy Sĩ đã gửi đi một chuỗi lượng tử ánh sáng được thiết kế để làm xáo trộn đầu óc của xơ Soledad, hay theo cách nói của Ashley 2, là “xóa đi chất xám của đối tượng”. Nhưng hiển nhiên, những chức năng được coi là bậc thấp hơn của bộ não như cảm giác và vận động phải được giữ nguyên vẹn. Và cái mà họ gọi là “sóng tẩy não” ấy không ảnh hưởng gì đến trí nhớ trừu tượng, tức là hiểu biết về không gian và ngôn ngữ, đại loại là bà xơ ấy vẫn phải nói được thứ tiếng của mình và thuộc đường đi xuống cầu thang. Còn trí nhớ tình tiết của bà ta – tức là những bản sao phức tạp và ngẫu nhiên – sẽ được tách ra. Có thể nói rằng việc chúng tôi đang làm gần giống với in ảnh, hay chính xác hơn là tạo ảnh ba chiều. Một âm bản ảnh ba chiều chứa thông số hai chiều về tốc độ sóng ánh sáng phát ra từ một vật, và khi chiếu lại ánh sáng đó qua tấm phim âm bản, nó sẽ khắc lại các bước sóng vào vị trí cũ, cho dù là đồ vật không còn ở đó nữa. Nghĩa là, nếu cắt tấm phim âm bản làm đôi rồi chiếu ánh sáng qua, anh vẫn có thể nhìn thấy cả hình ảnh ở dạng ba chiều, tuy có hụt đi vài chi tiết.
Nhưng vẫn cần đến một cặp mắt người để đọc nó. Giống như hình ảnh ba chiều, bản sao chép lại ý thức của tôi chỉ là một giao diện. Nó chỉ có tác dụng ghi chép lại các hệ thống khác, và như tôi nghĩ là tôi đã nói, ở tầm công nghệ này, thứ duy nhất đủ lớn và phức tạp để đảm nhận công việc là một bộ não người.
Lợi thế của việc này là không cần phải giải thích bất cứ phần nào trong nội dung – tức là NTBT của tôi. Ngoài việc đảm bảo sao cho nó càng trọn vẹn càng tốt, những người và chương trình điều khiển việc truyền tín hiệu không cần phải biết trí nhớ của tôi đã được mã hóa như thế nào, hay cái gì đã dẫn tới một ý nghĩ hay hành động nào đó của tôi, cũng như chiếc camera không cần biết bộ mặt nó đang quay cười hay mếu. Miễn sao khoảng cách giữa các đỉnh sóng được căn giờ chính xác để lập lại chính xác các thông tin từ bộ phận hồi hải mã (Một bộ phận của não trước) – hầu hết trí nhớ dài hạn được lưu giữ trong bộ phận này – thì họ có thể yên tâm rằng thông tin đang được đưa đến đúng chỗ.
Dĩ nhiên, các hạt lượng tử ánh sáng gamma có trọng trách rất lớn, và khả năng quá hoại cao cũng cao. Đó là lý do tại sao dao gamma là dụng cụ được ưa chuộng trong vi phẫu. Trong trường hợp này, chủ nhà – đó là cách họ gọi bà xơ, cứ như chúng tôi là khách được bà ấy mời không bằng – sẽ phải chịu gần hai siervert bức xạ, liều lượng đó không đủ gây chết người ngay tức khắc, nhưng đủ để cắt u bước hoặc xóa đi trí nhớ về các sự kiện thuộc cá nhân, ví dụ như cha bà ta trông như thế nào hay bà ta đã mặc gì vào lễ ban thánh thể đầu tiên. Và thế là bà ta thành người mất trí nhớ.
Vì vậy, những việc chúng tôi đang làm chẳng khác giết người là mấy. Không, cứ thành thật với nhau đi. Đây chính xác là trò giết người.
Theo Taro, người tuy không phải chuyên gia về thần kinh học nhưng hiểu biết rất sâu về nghiên cứu này, các thử nghiệm đầu tiên đã cho kết quả “không đồng đều”. Các đối tượng thí nghiệm không nhận được đầy đủ thông tin, hoặc các thông tin đưa vào bị hiểu sai, hoặc họ nhầm lẫn nó với những ký ức ăn sâu không xóa được của mình. Có lẽ ông già khốn khổ người Honduras đó đã phân vân không biết mình là mình, hay là Tony Sic, hay đơn giản là hóa điên lên. Nhưng năm vừa rồi, họ đã tìm ra cách giải quyết vấn đề này: đó là xóa bỏ nhiều lần. Bộ não không lưu trữ một ký ức hay một kỹ năng tại một điểm duy nhất. Nó được phân chia đều trên toàn mạng lưới tế bào thần kinh, đôi khi còn nằm ở các lớp vỏ não khác nhau. Vì thế, chúng tôi có thể bắn mỗi tia gamma rất, rất nhiều lần. Nếu một ký ức của tôi không chiếm được vị trí nào đấy trong đầu xơ Soledad, thì nó vẫn có cơ hội chiếm một vị trí khác trong lần bắn sau. Chiến thuật này còn lợi dụng được thực tế là trí nhớ có xu hướng không ghi đè lên nhau. Nghĩa là, ngay sau khi nhận được sóng tẩy não, khi các tế bào thần kinh vẫn còn trong tình trạng lộn xộn thì chúng đặc biệt tích cực tiếp nhận thông tin mới. Nhưng khi một khu vi của bộ não đã được mã hóa một ký ức mới, nó sẽ nằm cố định ở đó và ký ức đến sau sẽ tự tìm đến một chỗ khác.
Theo dự đoán, nếu bộ não đích vẫn khỏe mạnh, mọi thứ mà tôi cần để biến nó thành của mình sẽ được lưu lại ở đâu đó. Mặc dù quan điểm cho rằng con người chỉ dùng mười phần trăm bộ não của mình là không hoàn toàn đúng, nhưng quả là vẫn còn nhiều chỗ để chứa thêm nhiều thứ nữa. Nhưng chuyện đó cũng không thành vấn đề. Dù sao, sóng sẽ được phát đi dần dần trong nhiều tiếng đồng hồ nên bộ não của bà ta cũng sẽ không cháy chập vì quá tải. Thay vào đó, nó chỉ phải trải qua cái gọi là chuỗi sự thay thế ký ức đơn giản – và nó chỉ tập trung vào những điểm nhất định nên không làm mất sự tỉnh táo – sau đó nó sẽ tự điều chỉnh để thích ứng. Nó sẽ hình thành các liên kết mới và hoạt động theo các thói quen mới. Nó sẽ tự ổn định điện não. Và khi nó tiếp tục hoạt động – nhất là trong những giờ đầu tiên, và cả trong vài ngày tiếp theo – nó sẽ bắt đầu loại thải những ký ức bị trùng lặp để dọn chỗ cho những ký ức mới. Nó sẽ phản ứng, tập làm quen và hoạt động một cách bình thường. Khi đang ngủ, bộ não của anh vẫn hiểu được những tín hiệu phát ra từ các tế bào thần kinh cảm giác và vận động bằng các chuyển động thành giấc mơ ít nhiều mạch lạc, tương tư như vậy, bộ não của bà xơ sẽ tự lành bằng cách hình thành các ký ức mới trùng với ký ức của tôi, thậm chí hình thành cách nhìn nhận thế giới bên ngoài rất giống tôi, đến mức bà ta sẽ coi mình là tôi.
Nhưng bộ não được cài đặt lại của bà ta sẽ không bao giờ có thể là bản sao chính xác của tôi. Đúng hơn, bà ta chỉ như xem được một bộ phim cực kỳ chi tiết về cuộc đời tôi, sau đó, bà ta rời rạp, về nhà và không nhớ gì về cuộc đời của mình nữa, thay vào đó, bà ta sẽ sống cuộc sống của tôi.
Thực tế, nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái, bà ta thậm chí sẽ chẳng nhận ra sự khác biệt. Bà ta sẽ nằm yên trên tấm nệm rơm của mình, mắt hưởng lên cây thánh giá và bắt đầu quên dần mọi chuyện. Mặt bà ta sẽ nóng dần lên vì máu lưu thông nhiều hơn qua các đốt sống và động mạch cảnh trong lúc hàng tỉ tế bào thần kinh lóe sáng liên tục, liên tục đến mức gần như kiệt sức. Về mặt lý thuyết, các tế bào thần kinh sẽ hoạt động mạnh mẽ trong một thời gian ngắn, tiếp đến là một giai đoạn ức chế dài hơn. Hoạt động hô hấp, tiêu hóa và các chức năng khác vẫn diễn ra bình thường nhưng bà ta sẽ từ từ quên dần mình là ai, đang ở đâu, thậm chí không nhớ cách nói nữa. Nhưng sau đó, giống như cơ bắp tự giãn về vị trí cũ sau khi hoạt động nặng, các tế bào thần kinh của bà ta sẽ kết nối các liên kết mới lại với nhau, và chỉ một lát sau, trong đầu bà ta sẽ hình thành một nhận thức mà nếu tôi gặp bà ta, tôi sẽ nhận ra đó là chính mình.
Nhưng dĩ nhiên tôi không bao giờ gặp được bà ta. Vào thời điểm ấy của năm 1686, nữ tu viện trưởng sẽ chỉ sống thêm được hai ngày nữa, làm một số việc – những việc bí mật chưa được ghi lại trong lịch sử - và sẽ ra đi theo đúng lịch trình. Bà ta được liệm trong bộ quần áo thầy tu mặc lúc qua đời, chẳng hề được xức nước thơm hay lau rửa gì cả - vào thời ấy, các nữ tu của Chúa tin rằng sự trong sạch trọn đời của họ sẽ khiến thân xác họ không bốc mùi – và được ước xác một năm trong căn phòng thoáng khí dưới almacén (Nhà kho - Tiếng Tây Ban Nha), sau đó được đưa lên chỗ bà ta đang nằm bây giờ. Và nếu bà ta còn có thể nhìn được bằng cặp mắt đã teo quắt và trũng sâu xuống của mình, ô kính trên cỗ quan tài sẽ cho bà ta thấy những cái bóng in trên mái vòm nhà nguyện, cảnh các bà xơ hậu duệ già nua tập tễnh bước vào cầu nguyện rồi lệt xệt bước ra, rồi đến các xơ trẻ và linh mục, rồi đến người lạ, rồi lại người lạ, vận những bộ trang phục kỳ quặc và nhố nhăng, chỉ chằm chằm nhìn bà ta qua ô kính mà chẳng cầu nguyện gì sất. Có một tối, một luồng sáng bất động, màu sáng kì lạ tràn vào từ gian giữa giáo đường, và từ đó trở đi, tối nào nó cũng quay lại. Những cây nến thờ soi sáng cho bà ta hằng đêm có thể lụi dần đi nhưng không bao giờ tắt hẳn. Thế rồi, một buổi chiều như vô số buổi chiều na ná nhau đã qua, bà ta sẽ thấy Marena, bác sĩ Lisuarte, Grgur, Hitch và tôi bước vào, với dáng điệu hơi ngần ngại để làm điều báng bổ đối với cái xác của bà ta.
- Anh đến đánh thức bà hoàng ấy nhé? – Marena đề nghị Grgur, người đi phía sau cùng Hicth. Ý cô ta chỉ bà xơ.
Họ mắc một bóng đèn halogen và chiếu nó vào bức tranh khắc gỗ. Nó lập tức phá tan cái không khí Gô-tích của khung cảnh. Cha Panuda bước vào với một chiếc ghế xếp nhỏ và ngồi trước cỗ quan tài. Ông lôi chùm chìa khóa ra – phải có tới hàng trăm chiếc treo trên cái móc bện bằng dây câu màu xanh lá cây nặng đến hai mươi pound – tìm đúng chiếc cần thiết, chọc vào ổ khóa móc cũ kĩ, rồi ra sức nâng tấm ván đậy bằng gỗ sồi đen lên. Nó cứ trơ ra. Ông ta đứng lên và giật mạnh. Cỗ quan tài nảy lên nhưng cái nắp vẫn dính chặt vào. Hitch tìm thấy trong bộ dụng cụ của mình một chiếc xà beng mi-ni, chúng tôi dùng thử nó, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cuối cùng Grgur phát hiện ra ở đầu và cuối tấm ván có đóng mấy cái đinh đầu vuông, bèn nhổ chúng lên bằng một dụng cụ đa năng. Cha Menudo lay lay tấm ván, nâng nó một lần nữa và nó cọt kẹt mở ra. Mùi thảo mộc bốc lên, như mùi húng quế và hoa hồng. Ông ta nhìn vào, gạt sang một bên mấy bông hương thảo hay thứ hoa gì đó khá to. Cánh hoa vỡ vụn và các mảnh rơi lả tả ra xung quanh.
- Mejor hacemos nosotros sesta cosa, - Marena nói bằng tiếng Tây Ban Nha sõi một cách kinh ngạc. - Chúng tôi nên tự làm từ bước này.
Ngài linh mục bằng lòng, ban phướng cho căn phòng một lần nữa rồi đi ra. Ba (năm?) người chúng tôi đứng im một phút, mắt nhìn cái xác.
- Me da rabia, - Hitch nói. Nghĩa là “Nó đang truyền cho tôi bệnh dại”. Ý là “Nó làm tôi phát khiếp lên”.
Tôi nghe thấy tiếng cánh tay ông ta chuyển động như đang làm dấu thánh.
- Chúng ta sẽ phải xuống địa ngục mất, - tôi nói.
- Hãy để Jed làm việc này, - Marena nói, bắt chước giọng quảng cáo, - anh ta thì cái gì cũng dám động vào.
- Thế cũng chẳng sao, tôi tin cô, - tôi đáp.
- Không, thật đấy, anh làm đi.
- Tôi cá là cô không chuẩn bị sẵn kế hoạch cho việc này.
- Tôi biết, chỉ là… vì chúa, hãy làm đi. Thật đấy. Tôi nói nghiêm túc đấy.
- Được thôi, - tôi đáp.
Tôi ngồi xổm xuống. Lisuarte nghĩ tôi vẫn hơi phấn khích nên đã cho tôi thêm một mũi noraephron, vì vậy, bây giờ tôi đâm ra hơi run run. Tôi thò tay vào cỗ quan tài và bắt đầu lật các lớp sợi len thô, rồi đến mấy lớp váy sợi bông mút-xơ-lin quấn quanh hông cái xác. Nhưng chúng nhờn dầu và giòn đến mức gãy vỡ ra ở những chỗ bị gập. Bà ta được ướp xác theo kiểu hong khô ngoài không khí, nên bên dưới lớp vải, da bà ta vẫn trong tình trạng khá tốt, có màu gần như xanh đen, bọc lấy cái khung xương nhỏ và nhẹ bẫng. Tôi lần tìm gai chậu trước, sau đó lần xuống dưới một góc bốn mươi nhăm độ, ấn xuống để tìm khớp sụn giữa, sau đó móc hai ngón tay từ dưới lên. Da ở đó cứng và sắc, nhưng dưới lớp da là một thứ xơ gì đó nhờn nhờn. Keo xác chết. Tôi sờ thấy hai miếng da ở âm hộ, giống như hai cái lá thạch bích khô và đưa ngón tay vào âm đạo, qua những vụn sáp mỡ thô giòn. Tội nghiệp bà xơ. Dĩ nhiên tôi đã từng làm thế này với một hai người phụ nữ từ hồi còn trẻ, nhưng thành tích này thì quả là mới lạ. Cứ thả lòng nào, em yêu. Ngón tay tôi chạm phải một thứ mà thoạt tiên tôi tưởng là xương cụt, nhưng rồi tôi nhận ra đó chính là thứ tôi đang tìm. Tôi dùng hai đầu ngón tay nhón lấy nó. Cảm giác nhẹ người xen lẫn lo lắng tràn vào các mạch máu căng phềnh của tôi. Tôi rút ta ra, lật lật thứ đó trên lòng bàn tay. Đó là một chiếc hộp sáu cạnh nhỏ, bằng khoảng viên thuốc can-xi ma-giê lớn, đã đen xỉn lại, nhưng tôi đoán nó được làm bằng đồng. Nó bám đầy vụn keo xác chết khô, tôi dùng móng tay cạo chúng đi. Không phải mề đay lồng ảnh. Tôi đoán nó là một cái hộp đựng kim hay gì đó. Lisuarte đã đặt một cây đèn nhỏ và một chiếc kính lúp lên tấm khăn trải dưới sàn. Tôi đặt vật đó xuống và quan sát. Một đầu nó có dính chất nhờn nom như sáp niêm phong màu đỏ. Sau vài phút loay hoay với nó bằng nhíp và que cạo răng, tôi đã cậy được nắp ra. Bên trong có một cuộn gì đó màu đen. Tôi gắp nó ra, khi đặt xuống tấm khăn nhựa, nhìn nó có vẻ như làm từ kim loại. Tôi thận trọng giở nó ra. Té ra là một lá bạc rèn bằng búa hình tam giác rất mỏng, áng chừng bằng một con tem Mũi Hảo Vọng. Chắc bà ta đã bóc nó từ hộp đựng bánh thánh. Thoạt tiên, trông nó có vẻ như trống trơn, nhưng khi tôi hà hơi lên, có thể thấy các đường được rạch bằng mũi kim, với đường nét giật cục, pha trộn giữa kiểu chữ uncial (Kiểu chữ cổ, to, tròn) và nét chữ của người thuận tay trái là chính tôi:

chap 20b
Xin lỗi, chỉ có thế thôi à? – tôi nghĩ bụng. – Tonto đã làm gì? (Chữ “Tonto Did” trong bức tranh có nghĩa là “Tonto làm”). Và tôi cũng không đọc được các con số và chữ còn lại. Hơ. Tôi cũng không biết chính xác mình đang thất vọng, sợ hãi, phân vân hay thế nào nữa. Tôi chỉ có cảm giác như vừa bất thình lình đứng dậy sau một tiếng đồng hồ trồng cây chuối. Sau này, Marena kể rằng cô ta đã đưa tay đỡ lấy vai tôi vì nghĩ tôi sắp ngã ngửa ra đằng sau, nhưng lúc đó tôi chẳng biết gì.
- E hèm, xin chúc mừng, - cô ta nói sau một hồi lâu tất cả cùng im lặng, tôi đoán thế.
- Jed? Anh ổn không?
- Vâng, - tôi đáp.
- Có chuyện gì thế?
- Nó bị viết hỏng cả rồi.

21
Chúng tôi được tuồn vào, rất lặng lẽ, rất bình thản, như những con lươn. Tôi phải công nhận đây là một chiến dịch rất chuyên nghiệp, không như những trò náo loạn mà quân đội chính quy thường gây ra. Hình như nãy giờ tôi chưa nhắc gì đến cuộc chiến. Có lẽ vì nó lặp lại một kịch bản cũ rích, như mọi vấn đề chính trị khác ở châu Mỹ La tinh. Nói ngắn gọn, ba ngày sau cuộc tấn công ở Orlando, Guatemala tuyên bố nước Mỹ đã trở thành một đất nước tê liệt, rằng mọi thỏa thuận họ đã ký dưới sức ép của Mỹ và NATO phải được đàm phán lại “trước tình thế chính trị mới”, đồng thời đòi hỏi Belize trao cho các thanh sát viên của họ đầy đủ quyền như cảnh sát. Thanh sát viên là cái thá gì mà lại được nhắc đến đầu tiên trong một câu chuyện dài như thế? Đó là bởi vì có rất nhiều tên tội phạm người Guatemala - chính thực là những chiến sĩ đấu tranh cho tự do bản xứ - đang hoạt động bí mật tại Belize. Vấn đề rắc rối ở đây là Guatemala luôn coi Belize là bang thứ hai mươi ba của mình và cứ thỉnh thoảng lại tìm cách chứng minh điều đó.
Đương nhiên, người Belize nói không và tống giam tất cả các thanh sát viên. Người Guatemala liền phái quân đội đến biên giới. Ngày 29 tháng 1, một tên lửa đất đối đất mang theo chất nổ chân không của Belize đã phát nổ gần một ngôi làng Guatemala ở Petén. Chính phủ Belize khẳng định tên lửa đã hạ sát năm binh lính tại một nhà máy sản xuất vũ khí hoá học. Chính phủ Guatemala khẳng định nó giết chết 142 dân thường tại một ngôi làng. Quốc hội Guatemala tuyên bố tình trạng chiến tranh. Hiển nhiên, nếu là vài tuần trước thì Mỹ đã can thiệp, nhưng bây giờ họ đang phải tự lo chuyện của mình. Đúng hôm chúng tôi chuẩn bị vượt qua biên giới - thứ 7, ngày 17 tháng 3 - thì cuộc chiến nhỏ đã đi đến chỗ hai bên “thỉnh thoảng” nã pháo vào nhau ở khu vực gần thành phố Benque Viejo del Carmen (Thuộc Belize). Cũng chẳng sao. Dù sao, tôi cũng không phải là người duy nhất trong nhóm không muốn vượt sang lãnh thổ Guatemala một cách công khai. Có lẽ, nếu không vì tôi, họ đã tìm cách lừa phỉnh, giả mạo hoặc hối lộ để đi qua trạm kiểm soát. Nhưng thay vào đó, họ quyết định làm theo lối cổ điển là lén vượt qua biên giới. Họ định đưa năm người chúng tôi là Marena, Michael, Grgur, Hitch và tôi sang trước, và hôm sau sẽ đưa tiếp những người khác theo một lộ trình khác, tất cả chúng tôi sẽ gặp nhau tại một địa điểm bên ngoài San Cristóbal Verapaz.
Chúng tôi đang ở tại một khu vực khảo cổ nhỏ gọi là Pusilha, cách Stake hai mươi nhăm dặm về phía nam. Có lẽ nó từng là một đô thị quan trọng vào cuối thời Cổ Maya, nhưng ngày nay thì chẳng còn vẻ gì là thế cả. Chúng tôi đang ngồi trên tấm vải dầu trong một căn lều mái tôn do một nhóm khảo cổ nào đó cất từ vài năm trước. À, chúng tôi ở đây tức là năm mojado - những kẻ di cư bất hợp pháp - cộng thêm AnaVergara, cô ả có dáng dấp như lính Mũ Nồi Xanh đã đón chúng tôi ở Florida Keys, và cấp phó của cô ta, một gã nhìn như nhân vật Commando trong phim hoạt hình tên là… ấy, khoan đã. Có lẽ ta nên tuân thủ luật không nhắc đi nhắc lại đến sốt ruột những cái tên ít dính dáng đến tội lỗi của chúng ta. Chúng tôi đợi trời tối. Trong này có hai chiếc bàn, một đống khung màn hình cũ cùng rất nhiều chổi và bút lông. Michael duỗi cái đống thịt đồ sộ của mình ra trên tấm vải dầu, có vẻ như định làm một giấc. Hitch ngồi kiểm tra các dụng cụ. Marena tán gẫu với Ana. Tiếng máy bay trực thăng ù ù trên đầu chúng tôi, phặc phặc phặc phặc phặc, chạy từ bắc xuống nam, dọc theo đường biên giới. Ana đã đưa tôi một chiếc phong bì nhựa đựng đầy cái mà cô ta gọi là các “em bé câm” của tôi. Tôi xem qua chúng dưới ánh sáng của chiếc điện thoại cầm tay. Có một tấm hộ chiếu công dân Mỹ cũ mềm và một chiếc ví cũ căng phồng một cách đáng mừng. Tấm hộ chiếu là đồ thật, không sửa chữa gì, thuộc về một ông Martin Cruz nào đó - một phóng viên du lịch - hiện đã biến khỏi Guate City. Tôi đã phải bỏ ra nửa ngày để học thuộc tiểu sử và ghi nhớ các bài viết tạp nham của ông ta. Tôi giở chiếc ví ra. Nó đựng hai chiếc thẻ cào ghi nợ trị giá năm nghìn đô, một chiếc thẻ American Express Thulium, một bằng lái xe cấp tại bang Sunshine (Tên lóng của bang Florida) mang tên Martin Martín Cruz, nhưng lại dán ảnh căn cước của tôi, một ngàn một trăm năm mươi nhăm đô la tiền mặt, gồm các đồng năm và hai mươi, hai ngàn bốn trăm đồng quetzale Guatemala - tương đương khoảng hai trăm đô la Mỹ, và tôi không hiểu sao người ta lại lấy tên một loài chim quý như thế để đặt cho cái đồng tiền vô giá trị này – ngoài ra còn vài thứ tạp nham bỏ túi có căn cước của Martin Cruz, hoá đơn, biên lai taxi, thậm chí cả vài cuộn vải băng vết thương nữa. Và cuối cùng là một thẻ nhà báo quốc tế của tạp chí National Geographic, ái dà, tôi nghĩ, - tôi nghĩ.
- Này, Marena? - Tôi gọi.
- Ừ? - cô ta lê gối sang và lại ngồi khoanh chân lại.
- Ờ, chắc cô cũng biết nhỉ, National Geographic là tấm bình phong của CIA.
- Ừ, vậy thì sao?
- Và tôi nhận được tấm thẻ nhà báo này từ họ.
- Đúng thế.
- Đôi lúc tôi cũng tự hỏi: chuyện gì đang diễn ra vậy?
- Ý anh là sao?
- Ý tôi là thực ra chúng ta đang làm việc cho ai?
- Chúng ta đang làm việc cho Lindsay, một mình ông ấy thôi.
- Đấy chỉ là đảm bảo của cá nhân cô thôi đúng không?
- Phải. Theo tôi biết là thế. - Một lát im lặng. - Anh nghe này, tôi chắc chắn ông ta đã nhờ đến sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao trong vụ này, nhưng, phải, tôi có thể đảm bảo cái tổ chức ma quỷ kia không hề biết gì về chuyện này đâu. Anh nghĩ mà xem. Nếu một gã tai to mặt lớn nào đó ở Washington biết được việc chúng ta đang làm thì họ đã đánh sập nó rồi.
- Tôi không biết nữa, - tôi đáp, - nhưng thời buổi này người ta làm nhiều trò khác thường lắm.
- Việc này nằm quá tầm với của bất kỳ cơ quan chính phủ nào.
- Tôi chỉ thực sự, thực sự dị ứng với bọn đặc vụ kia, ý tôi là, cô cũng biết những chuyện từng xảy ra rồi đấy, chúng thực sự là những tên sát nhân…
- Tốt thôi, - cô ta nói, - mẹ kiếp, vậy thì bỏ cuộc đi. Cứ việc nuốt lời.
- Tôi không định bỏ cuộc. Tôi chỉ muốn biết cô có chắc chắn, cô biết đấy…
- Tôi chẳng biết chắc chắn bất cứ chuyện gì hết, trừ việc người ta không thể tiên đoán tất cả mọi điều. Dù gì chăng nữa, cái thẻ đó chỉ đề phòng khi chúng ta bị tóm, và đằng nào chuyện ấy cũng chẳng xảy ra đâu.
- Không Đời Nào sẽ lồng lên bỏ chạy nếu cậu ấy nhìn thấy nó.
- Ừ, thì đó là… anh biết mà, đấy là bạn anh, có phải bạn tôi đâu, tôi biết gì để nói với anh bây giờ?
- Được rồi, không sao. Cô đừng bận tâm.
- Ừ.
- Chỉ có điều, ta đừng nhắc đến National Geographic khi có mặt Không Đời Nào nhé?
- Tôi sẽ nhân danh cá nhân đề nghị mọi người không bao giờ nhắc đến cái tên ấy.
- Cảm ơn.
Chúng tôi ngồi yên. Có lẽ cô ta nói đúng, tôi tự nhủ. Có lẽ họ biết việc mình làm. Tôi tìm kiếm thông tin về Executive Solutions - càng nhiều càng tốt - và hình như đó là một tập đoàn được thành lập tại Nam Phi, nhưng trong thời gian gần đây hoạt động chủ yếu ở châu Mỹ La tinh, chuyên bảo vệ các dàn khoan dầu và những việc đại loại như vậy, ngoài ra, theo tôi đoán, họ còn hỗ trợ khắc phục sự cố cho các tổ chức chống ma tuý. Và họ dường như hướng tới đối tượng khách hàng xa xỉ. Có khi Cruz cũng vài lần viết bài cho National Geographic thật, mặc dù tôi không đọc thấy thông tin đó trong hồ sơ của ông ta. Dù sao thì đa phần những người làm việc cho tạp chí này đều là phóng viên thực thụ. Phải vậy không nhỉ? Và dù sao, giấy tờ tùy thân của tôi cũng chẳng phải chuyện hệ trọng đến mức ấy. Michael Weiner thì có cả một gia tài. Họ đã cho tôi xem danh mục giấy tờ mà ông ta mang theo. Đủ loại giấy phép và thư giới thiệu của các quan chức Guatemala, trong đó có cả Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Tôi đoán một số là được mua và một số khác là giả. ES (Executive Solutions) dự định giao cho một nhóm vỏn vẹn bốn người phụ trách việc đón chúng tôi ở bên kia biên giới. Sau đó, chỉ để đề phòng thôi, chúng tôi sẽ trà trộn vào một lễ hội ở San Cristóbal Verapaz. Các nhân viên theo dõi của ES sẽ có mặt ở đó để quan sát xem có ai bám theo chúng tôi hay không. Chúng tôi sẽ đứng lại vài phút trên quảng trường, nơi đông người nhất, rồi đi bộ ra ngoài thành phố theo hướng gần như ngược lại hướng chúng tôi đã đến. Khi đã ra đến ngoài, chúng tôi và bốn người kia, cộng thêm sáu nhân viên theo dõi vòng ngoài sẽ gặp nhau trong một lùm cây. Vậy là có ít nhất mười chín người tham gia vào công đoạn này, tôi tính. Nhưng đó chỉ là những người mà tôi biết thôi. À, thêm cả Không Đời Nào, anh bạn đồng hương tham gia tổ chức Enero 31 của tôi nữa. Tôi nghĩ là đã kể với các bạn rồi. Đó là người không được dự tính trước. Cậu ta sẽ gặp chúng tôi tối nay và sẽ ở cạnh tôi trong suốt thời gian chúng tôi ở đây, như một kiểu vệ sĩ riêng vậy. Tôi đã nhất quyết đòi hỏi như thế. Vậy là hai mươi người. Không giống lắm một chiến dịch bộ khung. (Tức là chiến dịch trong đó số người tham gia được hạn chế đến mức tối thiểu).
Ừ thôi. Calmate que te calmo (Cứ bình tĩnh – tiếng Tây Ban Nha), tôi tự nhủ. Tạm thời cứ theo lao đã. Hãy chấp nhận sức mạnh của con sóng.
- Xin lỗi về chuyện vừa rồi, - tôi nói.
- Không sao, - Marena đáp. Cô ta quay về chỗ cũ. Mẹ kiếp.
Tôi đã ở lại Stake suốt từ sau cuộc thử nghiệm Saint để tập huấn cho cái mà họ gọi là Dự án Chocula, còn Marena thì vừa quay về sau ba ngày nghỉ với Max ở Colorado và nom có vẻ tươi tỉnh ra. Cô ta mặc một chiếc áo gi-lê kiểu Jane Rừng Xanh và các phụ kiện đồng bộ khiến người ta bất giác nghĩ tới việc canh giữ căn nhà trên cây với voi và báo đốm.
Chúng tôi ngồi nghe tiếng dế kêu. Rất êm tai nhưng dường như có cái gì thiêu thiếu, khác với âm vực thông thường. Marena thở dài. Có nên chìa tay ra vỗ về cô ta ko nhỉ? Không, đừng. Cô ta sẽ nổi đóa lên với mày đấy. Cứ để cô ta thể hiện trước. Mà nếu cô ta không làm thế thì đằng nào cũng chẳng hi vọng gì.
- Nào, lên đường thôi, - Ana nói. - Mọi người cùng kiểm tra thiết bị liên lạc đi.
Chúng tôi gắn thiết bị vào tai. Hệ thống này có lẽ rất đắt tiền và  nó có khả năng ẩn các tín hiệu truyền đi. Nghĩa là, nếu có ai đó bắt trộm tín hiệu đàm thoại của chúng tôi, họ sẽ chỉ nghe thấy những âm thanh nhăng nhít. Chỉ những người nghe nào có bản sao con chip chuyên dụng của chúng tôi mới có thể nghe được cuộc đàm thoại thực sự.
- …nghe thấy tôi không? - tiếng của Ana Vergara vọng qua tai nghe.
- Asuka ở đây, nghe thấy, - Marena trả lời.
- Pen-Pen ở đây, nghe rất rõ, - tôi trả lời. Michael và Hitch cũng trả lời rằng họ đang ở đây. Giời đất ạ, bí danh để làm gì cơ chứ. Đúng là trò trẻ con. Những người này đang làm như thể họ chuẩn bị khử Castro không bằng.
Chúng tôi rời căn lều và cuốc bộ một dặm theo hướng tây về phía sông Moho. Ana dẫn đầu, tôi đi thứ hai. Ánh trăng chỉ còn đủ để nhìn thấy đường nếu không đeo kính bảo vệ. Các gốc rạ và thân cây ngô nhường chỗ cho những cây tuyết tùng lùm xùm. Tôi bắt đầu thấy cái cảm giác thú vị khi đi bộ ban đêm và không phải đi một mình. Ngay cả khi tình hình có đôi chút căng thẳng, như lúc này chẳng hạn, thì vẫn có điều gì đó rất khích lệ trong lòng. Con đường mòn hẹp dần lại cho đến khi chỉ còn bằng một lối qua lại của giống heo vòi. Vài lần, Ana quay lại nhìn tôi. Cuối cùng, cô ta dừng lại, quay ra sau, dậm chân và nhìn thẳng vào mặt tôi.
- Ngài Delanda, - cô ta nói, - vùng này không có mìn đâu.
Giọng cô ta nghe như thể cô ta sắp sửa thêm vào một câu đại loại như “đồ ẻo lả chết nhát ạ”. Nhưng cô ta nói cũng phải. Tôi cứ khom người nhìn xuống chân và đặt chân vào đúng vết chân cũ của cô ta.
- Được, được, tôi hiểu rồi, - tôi đáp, và nghĩ thầm tiếp trong đầu: - thưa chỉ huy.
Cô ta quay lại đằng trước và bước đểu. Tôi rảo bước theo. Đồ giời đánh.
Con đường chạy dốc xuống giữa các bụi tầm ma. Dưới chân chúng tôi, mặt đất chuyển sang bùn trộn lẫn thân cây sậy khô. Phía trước chúng tôi, Moho là một khoảng trống đem ngòm rộng chừng mười yard. Thực chất nó chỉ là một con suối, nhưng vào lúc này, nhờ nước lũ, nó đủ sức đưa tàu bè đi ngược dòng một quãng dài. Ana dẫn chúng tôi đi dọc bờ đến một chỗ có xoáy nước nằm ở nơi khuất gió của khúc sông cong. Tôi chỉ trông thấy một hình thù bè bè đang đứng ở dưới nước, ngập đến tận đầu gối, rồi đến một chiếc lancha (loại thuyền gỗ đáy phẳng) theo kiểu địa phương, nhìn giống như chiếc xuồng vịt cũ. Mũi thuyền ghếch lên bờ, có gắn một động cơ chân vịt không gây tiếng ồn, chạy bằng điện, hiệu Minn Kota. Sáu người chúng tôi leo lên. Tôi suýt thì dập mắt cá chân vì đá phải một cục ắc quy lớn mà họ xếp dưới đáy thuyền. Michael lên cuối cùng, chiếc thuyền chìm xuống và nghiêng ngả như thể lão ta sắp sửa nhấn chìm chúng tôi. Anh chàng to bè đẩy thuyền rời bờ rồi nhảy qua mạn. Anh ta đeo kính hồng ngoại nhìn trong bóng tối có gắn màn hình định vị, một thiết bị quân đội có khả năng báo cho anh biết anh đang ở đâu, chính xác đến từng nửa inch. Anh ta hạ chân vịt và cho thuyền chạy ngược dòng. Vượt qua đường biên giới tưởng tượng giữa hai nước. Có thể trước đây từng có một tấm lưới chắn ngang để đánh dấu, nhưng người ta đã làm thế nào đó đẩy được nó sang bên mà chuông báo động không kêu. Hẳn là họ có tay trong – tôi nghĩ bụng. Ý tôi là tay trong gài bên phía Guatemala. Mà thôi, đừng bận tâm chuyện ấy. Một con vượn hú lên trên dãy đồi ở mạn bắc. Cảm giác di chuyển êm như thế này trong bóng tối thật kỳ lạ. Thêm nhiều máy bay lượn qua trên đầu, nhưng không chiếc nào soi đèn và không chiếc nào bay đủ chậm để chứng tỏ là nó đang tìm chúng tôi. Thuyền dừng lại vài lần. Có thể ngửi thấy mùi bạch đậu khấu, người ta giồng chúng quanh đây. Ánh đèn thắp bằng khí đốt le lói trong đám sương mù phía trước mặt. Đó là ngôi làng có tên Balam.
Tai nghe của tôi có tín hiệu.
- Chú ý, đội A, - Ana nói vọng qua tai nghe, - điểm danh toàn bộ.
- Kuzo, có mặt. – Đó là giọng của Michael.
Tất cả chúng tôi cùng nói “có mặt”. Chiếc thuyền cập bờ gần một gốc cây gumbo – limbo hình thù lạ mắt. Hai bóng người lọ mọ lần xuống bờ sông đón chúng tôi. Một người dùng cành cây néo hở mũi thuyền và chỉ cho chúng tôi những chỗ rễ cây có thể bước lên mà không sa xuống bùn. Chúng tôi chuệch choạc đi lên phía đường mòn và chỉnh đốn lại hàng ngũ. Đám người của ES dường như đang quan sát chúng tôi với thái độ khinh bỉ kiểu “các vị mới vào nghề đấy à?”. Nhưng có thể là tôi tưởng tượng ra thế thôi. Chúng tôi gật đầu với nhau. Vergara chỉ dẫn lại đường đi – có vẻ như nó chạy men theo con sông – và ra đấu “chúng ta sẽ hành quân hai tiếng hoặc không đến” bằng ngôn ngữ của người câm điếc. Chúng tôi đi theo.
Đoàn chúng tôi đi bộ hai dặm, qua những đám ngô già và bụi cỏ ba lá. Vài chiếc máy bay, phản lực bay xuống phía nam, kêu xành xạch ngay trên đầu chúng tôi và làm mặt nước gợn lên trong chốc lát. Không phải tìm mày đâu, - tôi tự trấn an. Có khi bây giờ người ta không quan sát từ trên máy bay nữa. Thời buổi này người ta dùng vệ tinh, hoặc máy bay  không người lái mà khó lòng ai có thể nghe hay nhìn thấy. Về phía Guatemala, họ vẫn dùng các thiết bị định vị trên mặt đất hoặc thiết bị cảm ứng nhiệt, nhưng vì có quá nhiều lợn, hươu nai và những thứ đại loại như thế quanh đây nên chúng hầu như vô dụng, trừ khi có cả một đội quân chạy ào qua cùng một lúc. Một luồng gió đông thổi tới, đem theo mùi của những con ngựa. Tôi nhớ lại hồi còn bé, đi cùng anh trai trong một đêm giống như thế này, tôi đã rất sợ những con ma róc thịt – tức là những bộ xương đắp thịt vào để đội lốt người vào ban ngày – sẽ chui ra từ luống ngô và lừ lừ hiện ra sau lưng tôi. Chúng tôi leo qua một bờ rào nữa và nhảy từ một bờ đất xuống Đường 13. Tôi ngửi thấy mùi đường mới được quét nhựa lại, Vergara bắt chúng tôi xếp hàng, đứng im và chờ hai phút. Cô ta đi men theo lề đường về hướng bắc và vẫy tay ra hiệu cho chúng tôi đi theo. Chúng tôi bám theo. Mặt trăng đã xuống thấp hơn ngọn cây, nhưng vẫn đủ sáng để thấy lờ mờ. Một chiếc xe tải chỉ bật đèn phanh chạy lại gần chúng tôi, quét loạt xoạt vào tán thấp của các cây thông. Đó là một chiếc Ford Bronco sẫm màu kiểu cổ từ những năm 1980, phương tiện đi lại ưa thích của những người lang thang nay đây mai đó để làm công cho các trang trại khắp châu Mỹ La Tinh. Chiếc xe có một ca bin gỗ thô sơ gắn phía sau, sơn logo của nhãn hiệu nước ngọt Squirt. Chúng tôi dẹp sang một bên. Nó chạy vượt qua và đỗ lại cách chúng tôi mười yard. Người lái xe ngồi lại trong khoang lái. Một nhân viên ES bước xuống từ bên cửa khách và một người nữa trèo xuống từ phía sau. Khi chân người thứ hai chạm đất, tôi nhận ngay ra dáng dấp của Không Đời Nào, có lẽ do tư thế hoặc chuyển động của cậu ta có điều gì đó tinh tế hơn. Tôi gần như chạy bổ về phía cậu bạn. Cậu ta đã già đi theo cái cách mà người ta trông già hơn mà không có bất cứ thay đổi rõ rệt nào khiến người khác có thể nhận ra, có lẽ chỉ là một chút nặng nề hơn, hay chậm chạp hơn, ví như một bức tượng được nặn lại y chang, chỉ có điều từ một chất liệu khác. Hay có lẽ sự già đi ấy chỉ nằm ở một biểu hiện mà người ta thường không làm được khi còn trẻ. Dù sao, cảm giác cũng thật lạ thường, hay đúng ra là xốn xang, khi được gặp lại cậu ta, nhất là tại đây. Tôi bắt đầu thấy cơn nghèn nghẹn trào lên, giống như khi anh muốn bật khóc nhưng lại thấy là không phải lúc.
- ¿Qué  tal, vos? (Cậu khỏe chứ ? – tiếng Tây Ban Nha) – Cậu ta hỏi và đãi tôi một abrazo. Tức là một cái ôm thật chặt rất rắn rỏi.
- ¡Cabron! (Như vâm) – tôi đáp. - ¿Qué onda, mano! (Còn cậu dạo này thế nào, anh bạn?)
- Sano como un pimpollo, - cậu ta đáp. Nó có nghĩa là: “khỏe như mầm mới mọc ấy”. Hai chúng tôi bắt tay theo kiểu trong hội Enero 3L. – ¿Y que onda, al fin compraste esa Barracuda ? (Cậu làm ăn thế nào rồi? Mua được con xe Barracuda ấy rồi chứ?)
- Tengo dos. Podemos competir. (Hai chiếc. Mình có thể thử đua được đấy.)
- Nhày, nhói nhiều quá, - tiếng Ana vọng qua tai nghe. Im lặng một lát. – Nhói những nhì cần thiết thôi.
Thoạt tiên, tôi cứ ngỡ cô ta nói dớt theo lối người vùng Castile (Một vùng thuộc Tây Ban Nha), nhưng sau tôi đoán ra là cô ta tránh dùng các âm xát và nổ để tiếng khỏi vang xa. Tôi giơ ngón tay ra hiệu cho Không Đời Nào chờ một lát và trả lời, cố tỏ ý là tôi đang nói với cái tai nghe chứ không phải với cậu ta:
- Lin lỗi, hiểu lồi, Keelorenz.
Đừng để tôi hoang tưởng theo bà – tôi nghĩ. Voy aca loca. (Mình đến phát điên lên mất.)
Ana ngồi lên ghế trước. Những người còn lại ngồi chen chúc phía sau. Nó được trải một lô bao tải nhựa rỗng, trước dùng để đựng ngô. Tôi khẽ giới thiệu Không Đời Nào với mọi người. Tất cả đều nói “xin chào” nhưng không ai tỏ ý muốn hỏi han gì thêm.
- ¿Pues, vos, - tôi thì thầm vào tai Không Đời Nào, - ¿Qué piensas de este ? (Này cậu, cậu nghĩ thế nào vể việc này?)
- Me da pena, vos, - cậu ta đáp, - ¿Confías en estos cerotes ? (Tớ cũng không biết thế nào, cậu ạ. Ta cứ tin những người này thôi.)
- Tớ không biết nữa, - tôi đáp, - cậu tin tưởng ai không? 
- Confio en que dios se cague en mí. (Tớ tin là giời sẽ chơi tớ một vố)
- Es verdad. (Đức tin thế đấy)
- Esa Ana, en tos noventa trabojó para los embotelladoreS. (Anna ấy, hồi những năm 90, cô ta làm việc cho những cái chai đấy?)
Cậu ta nói “cái chai” là ý ám chỉ các công ty sản xuất đồ uống không cồn, cũng tức là ám chỉ COLA, cái tên lóng mà những người tham gia Đoàn thể kháng chiến Guatemala đặt cho Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ La tinh của Bộ Ngoại giao Mỹ, và trước đó là đặt cho các nhân vật đứng sau các hoạt động mafia tại châu Mỹ La tinh như Bill Casey, John Hull hay Oliver North.
- Cậu này, - tôi nói, - tớ không muốn ở đây mà không có cậu, nhưng cậu thực sự nên rút khỏi vụ này nếu thấy có gì không ổn.
Nhưng cậu ta nói không, và rằng vì tôi tin tưởng vào việc này nên cậu ta cũng sẽ ở bên tôi. Tôi nhắc cho cậu ta nhớ là họ trả tôi rất nhiều tiền. Cậu ta nói cậu ta hiểu chuyện đó. Tôi kể cho cậu ta chuyện về National Geographic. Cậu ta nói chuyện đó có thể thông cảm được.
- Dù sao cũng thật tốt khi gặp cậu, - tôi nói, - cảm ơn.
Tôi thấy thoải mái hơn một chút. Có cậu bạn này ở bên cạnh, sự hoang tưởng của tôi cũng giảm bớt ít nhiều. Vấn đề là tôi chưa biết ai trong đám người này đủ lâu, trừ Taro, dĩ nhiên, và tôi vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn mình đang dẫn thân vào chuyện gì, và tôi thực sự cần một người đứng về phía tôi, một người không hề dính dáng gì tới Warren.
- Có gì đâu. – Không Đời Nào đáp. Cậu ta vươn tay lên chạm trần ca bin và đẩy đẩy như muốn thử xem nó chắc đến mức nào. Tôi hỏi thăm tình hình ở Đoàn thể kháng chiến nhân dân. Cậu ta trả lời rằng không ai thấy tăm hơi gì của chú Xac và mọi người đều đoán ông ta đã chết.
- Năm ngoái tớ có gặp Sylvana, - cậu ta kể, - ở Tenosique.
- Ồ, thế à. Cô ấy thế nào.
- Casada. (Lấy chồng rồi.)
- ¿No con el pisado del ONU? (Không phải cái thằng đần làm việc cho Liên hợp quốc ấy chứ?) – tôi hỏi.
- Đúng là Simon đấy.
- Mierda. (Mẹ kiếp)
- Me das látstima, mano(Tôi rất tiếc, anh bạn ạ…)
- Tớ không được suy nghĩ về chuyện ấy, - tôi nói, - “Si comienzo a pensar de él, me hago lata” (Nghĩa là “Nếu cứ nghĩ về chuyện ấy, tớ sẽ đau lòng”. Nhưng tôi nghĩ câu thành ngữ ấy không diễn đạt được hết ý khi chuyển sang tiếng Anh).
Tôi quay sang hỏi về các dự định của cậu ta, nhưng cậu ta chỉ tay lên trần nhà, ra ý: “chúng mình nói chuyện ấy sau”. Tôi nghĩ cậu ấy đúng, vì chúng tôi đều biết đám người kia có mi-crô cực nhỏ có thế có thể dấu trong phân chuột.
- Pues, vos, me voy a dormir, (Tớ chợp mắt một tí đây) – cậu ta nói và lập tức ngáy khò khò. Cậu ta có cái thói quen của dân lính tráng là có thể lăn ra ngủ ở bất cứ đâu, chỉ sau vài giây. Đối với cậu ta, một chỗ trải tấm lót trên một chiếc xe có điều hòa nhiệt độ cũng như phòng hạng sang ở khách sạn Crillon rồi. Tôi nhìn sang Marena nhưng không thấy được gì nhiều. Tôi thổi căng vừa phải  một cái gối ni-lông và dựa vào nó. Tôi cứ phân vân suy tính mãi không biết có nên cuộn mình lăn về phía cô ta hay không, hay là giả vờ ngủ gật, ngả người vào vai cô ta, hay chỉ hỏi cô ta xem làm thế có được không. Không, đừng làm gì hết. Có lẽ cô ta sẽ làm gì đó.
Nhưng cô ta chẳng làm gì cả.
Chúng tôi đi chậm lại. Một biển hiệu xuất hiện, được soi sáng bởi vỏn vẹn một bóng đêm. Nó ghi DOANH TRạI QUÂN Đội ALTA VERAPAZ, và vẽ hình một lính biệt kích nhìn như con thỏ, một hình khiên với đầu lâu xương chéo phía trên dòng chữ TRạM GáC DANH Dự. Chiếc xe rẽ trái ngay trước biển hiệu đó, chạy vào một con đường rải sỏi, rẽ ngoặt tiếp 130 độ theo hướng màu vàng – hướng tây bắc – hướng của quá khứ gần.