PHẦN II
ĐẢO LỘN
Chương 23

44

IMG_0288
Các bạn có biết những thành phố như Marrakesh (Thành phố từng là thủ phủ của nhiều đế chế tại Ma-rốc) hay Benares (Thành phố thánh của đạo Hinđu ở Ấn Độ) duyên dáng đến mức nào khi xem qua kênh truyền hình du lịch? Nhưng khi ta thực sự đặt chân đến, cái mùi hôi hám và sự bẩn thỉu của nó khiến ta chỉ ước được quay ngay về Tenafly hay bất cứ nơi nào mà ta từ đó tới, bất kể là nơi nào? Tamoanatawacana giống hệt như Benares, chỉ không có tiếng nhạc filmi (Thể loại nhạc thình hành trong phim ảnh Ấn Độ). Đứng đây thôi, tôi đã trông thấy phải đến tám ngàn người lăng xăng chạy đi chạy lại trên bờ hồ để đến đâu đó. Tôi sai phu kiệu nhấc bổng tôi lên để có thể quan sát đám đông từ trên cao. Chúng tôi đang đứng trong một nơi giống như khu thành khép kín, rộng chừng một ngàn sải tay, nằm giữa những bức tường ven bờ hồ sau lưng chúng tôi và một hàng rào chắn cao ở phía đông với những tháp canh xiêu vẹo. Mọi thứ ở đây đều mang một không khí chung của sự chuyên biệt hoá khiến người ta có cảm giác đây là một công viên từng rất đẹp bị cải tạo thành khu căn cứ quân sự, những đám người rách mướp trú tạm trong lều, trong lán, dưới chăn, dưới người nhau và dưới không-gì-cả. Từng tốp hai mươi lính vệ sĩ của nhà Bướm Đuôi Nhạn chậm chạp rẽ lối đi giữa đám đông dân thường, tay giơ những cái néo làm bằng xơ cọ lên đe nẹt những kẻ tỏ vẻ quá hung hăng. Cuối mỗi tốp có một k'iik cầm cây sào dài chừng ba mươi feet với một cái khiên tròn lớn tết bằng lông chim treo cách đỉnh sảo khoảng năm sải tay. Mỗi chiếc khiên mang một hoạ tiết khác nhau mà theo tôi đoán là dấu hiệu nhận biết riêng của từng tốp. Thêm nữa, trên đỉnh sào còn treo bộ da đã thuộc kỹ của một kẻ nào đấy hẳn đã bước chân vào nơi mà hắn không nên vào, hoặc làm điều gì đó mà hắn không nên làm, nó phất phơ lờ đờ như một tấm băng-rôn ướt trước cửa viện bảo tàng.
Trong thế giới này, trang phục chính là giấy thông hành, và một toán vệ sĩ giúp rẽ lối cho chúng tôi đi qua đám dân thường. Đặc quyền đấy, - tôi nghĩ. Chúng tôi lách qua vô số đám động tụ tập xúm xít. Đến lúc này, tôi đã có thể phân biệt được các thị tộc và sắc tộc qua cách ăn vận và dáng vẻ; thêm vào đó, coi như điểm thưởng, là sự liên tưởng đầy vẻ miệt thị của Chacal cũng vào cuộc. Chẳng hạn, cái thứ như váy đàn bà màu da cam mà đám người lùn tít, bẩn thỉu kia đang mặc chứng tỏ chúng là người Cacaxtlan, và đằng kia, một lũ mọi tong teo, dài thườn với...chết mẹ, tôi đang dùng từ ngữ thật xúc xiểm, ở đây, nó là cách xử sự được đánh giá cao, nhưng ở thế kỷ 21, như thế là rất, rất, rất, tệ... những gã tong teo, da dẻ nứt nẻ vì nằng, báo trước bệnh ung thư kia là người Chanacu, thuỷ tổ của người Mixtec sau này, đến từ vùng núi quanh Zempoaltépetl. Mấy gã cao nhẳng, còm nhom, bị trói chẳng lại với nhau, với những mụn ghẻ mới nổi và túi cát đeo vào mắt cá chân để tự hành xác sám hối này không phải là nô lệ mà chỉ là người Yaxacan, đến từ nơi xa xôi nhất về phía tây bắc của thung lũng để chuộc lại một món nợ ô nhục nào đó. Còn một lô trắng nhởn, bé xíu, lấm lét, gần như trần trụi với những cái khuyên môi to tướng và mớ tóc xén hình bát úp trát bùn kia đến từ phương nam rất, rất xa, có khi từ tần Costa Rica để bán những con ếch và côn trùng bé xíu rên bằng vàng, một thứ kim loại còn rất mới lạ ở đây. Một tiểu vương người Zapotec, khắp mình lanh canh những mảnh vỏ sò màu vàng, đi ngang qua chúng tôi, cưỡi trên vai một tên khổng lồ mắc hội chứng hypertelorism (Một hội chứng làm dãn khoảng cách giữa hai bộ phận của cơ thể một cách dị dạng, thường là giữa hai mắt), cao phải đến bảy feet. Có hai tộc người với vẻ ngoài giống người phương tây, đó là người Taxcan đến từ ven biển Thái Bình Dương và một tộc người nữa mà tôi không nhớ ra được là người gì, một kiểu dân chài vận đồ da lươn và đeo răng cá mập; bốn gã đang ngồi chồm chỗm trên một hình chữ thập vạch xuống mặt đường, chơi một ván cờ Hiến tế đơn giản có tính chất cờ bạc, những gã còn lại đứng vây xung quanh, bàn tán xôn xao. Trò chơi thật ngu xuẩn, - tôi nghĩ thầm trong bụng. Sự khác biệt giữ cờ Hiến tế và thứ mà họ đang chơi cũng tương tự như khác biệt giữ bài bơ-rít chuyên nghiệp và trò "đi đêm", nhân thêm một trăm lần. Hun Xoc chỉ cho chúng tôi một toán người phương bắc cao lớn, quê mùa, mặc đồ da hươu, được cho là đã đi mất nhiều năm qua những vùng sa mạc phía bắc để đến đây từ một trong những đế quốc mới hình thành dọc bờ sông Mississippi, đoạn chảy qua Ohio - điều này khó tin, nhưng cũng có thể. Họ bán một loại đá xanh lam mới có, đắt vô cùng và chưa từng được biết đến ở những vùng đất của người Maya: ngọc lam. Phía trước chúng tôi, có tiếng ai đó đang bị đánh đập. Bên trái thì có một gã "chiếu rong", hạng người chuyên đứng ra bán đấu giá con cái của những người từ xa đến để chao mẹ chúng có tiền vào thành. Hắn xách một thằng bé bốn tuổi trần truồng, giơ lên cao quá đầu để rao hàng, thằng bé bị xách bằng một sợi thừng buộc vào bàn chân, đầu kia buộc vào cổ tay gã bán hàng, vì thế, nó cứ chúc đầu xuống, ré lên ầm ĩ. Một nhóm k'iik Maya đứng cạnh chúng tôi; những gã vận quần áo bằng thứ vài tồi tự dệt lấy ở nhà nhưng lại để kiểu tóc chơi trèo quá lố này là người Yucatecan; còn mấy anh chàng có vết khắc nung hình hoa lá trên nửa trái cơ thể thì là người Coliman, họ đến đây để bán đồ gốm cho từng nhà, người ta cấn chúng để thay thế cho những đồ gốm sẽ bị đập nát trong thời gian "Im lặng". Hình như - tôi chưa chắc điều này lắm - họ cho rằng bất cứ thứ gì không có linh hồn, tức là những vật dụng như vũ khí, dụng cụ hay thậm chí làm mâm bát, đều có thể bị ma ám vào lễ vọng và quay ra tấn công chủ nó. Tôi liền hình dung ra cảnh một bà nội trợ to béo xua tay loạn xạ trong bóng tối, kháng cự lại một đoàn quân nồi niêu bát đĩa bằng đât nung hung hãn. Nói tóm lại, anh phải đập vỡ hết những thứ đó và mua đồ mới. Có khi đây chỉ là một mánh khoé kinh doanh để người ta bán được nhiều hàng hơn cho nhau. Thay vì chiến lược xoá xổ những cái lỗi thời, tức là phải thường xuyên đưa ra mẫu mã mới, thì người ta chỉ việc xoá xổ tất tần tật.
Chúng tôi chen lấn để đi về phía hàng rào chắn. Dẹp ra nào. Các VIP đây. Có vẻ không dễ mà vào được. Một dãy k'iik của thị tộc Bướm Đuôi Nhạn với dáng điệu uể oải nhất có thể của lính thời bình đứng chắn lỗ hổng duy nhất trên bức rào. Phía sau họ, qua đám mây hơi nước bốc lên từ hàng trăm thùng tắm hơi, có thể trông thấy một con dốc đắp cao, san sát những căn nhà kho mới lợp cùng hàng đống cây gỗ đã chặt bỏ cành lá và đẽo nhọn. Tôi đang lan man nghĩ đến chuyện có khi chúng tôi đi cả chặng đường đến đây mà chả được việc gì thì chợt nhận thấy mọi người rục rịch sắp hàng để đón nhận sự hiếu khách của chủ nhà, và Cá Sấu 12 đang được chào mừng bởi năm k'iik Maya chẳng biết từ đâu thình lình xuất hiện. Hun Xoc chỉ cho tôi một người: Bị Thương 14 lừng danh, cháu nuôi của Sọ Đá Quý 2.
Hắn ăn vận xem ra hơi đẹp quá mức cần thiết cho một dịp như thế này, nhưng người thì lùn hơn so với chiều cao trung bình của quý tộc Maya và bộ mặt bên dưới chiếc mặt nạ che mũi thì hoàn toàn nhạt nhẽo. Hắn là người đứng đầu cái mà các bạn có thể gọi là phái bộ thương mại của thị tộc Đại Bàng ở Teotihuacán. Thực ra, nó hơi phức tạp hơn như thế một chút vì nhà Đại Bàng là thành viên của tổ chức tựa như liên minh các thị tộc hậu duệ chim ưng, và gã này có quan hệ làm ăn với rất nhiều vụ làm ăn ở vùng đồng bằng và mặc dù không phải công dân của thành Teotihuacán - bản thân định nghĩa này khá dễ thay đổi - hắn vẫn có rất nhiều mối quen thân quyền cao chức trọng ở đây.
Bị Thương 14 đứng giữa bốn k'iik vây bốn góc quanh hắn. Đó là mấy thằng nhà quê ở Ix lang bạt, có thể là chạy tị nạn đến đấy, và bằng cách nào đó được thu nhận vào thị tộc này. Tuy khuôn mặt là của người Maya nhưng ở họ vẫn toát ra vẻ gì đó của bọn ngoại tộc, vói cái áo choàng xếp nếp cứng đờ và bộ da bóng loáng mỡ chó nhuộm đó. Cả bốn cùng đeo tanasac, một loại khuyên hình mào gà xâu qua cái lỗ giữa vách ngăn mũi, đu đưa phía trên miệng. Chúng tôi gợi nhớ đến những bộ ria mép hình móng ngựa thời Victoria, nghiêm trang thì có nghiêm trang, nhưng cũng đầy hăm doạ. Chúng khiến khuôn mặt trở nên khó xét đoán một cách đáng kinh ngạc. Lý do người ta đeo chúng có lẽ là vì ở một thành phố bề ngoài phi bạo lực thì việc nhe răng doạ nạt bị coi là quá hung hãn. Người ta cho rằng miệng người phả ra những cơn gió thổi mang theo ghẻ lở. Xét ra thì điều đó cũng chẳng cách xa sự thật là bao. Nó cũng tựa như bùa mê từ cặp mắt quỷ, chỉ khác rằng ở đây là miệng quỷ. Và nếu tanasac của anh bị tuột ra, anh phải đưa tay lên che miệng như phụ nữ Nhật Bản khi họ cười khúc khích vậy.
Không dễ dàng gì, nhưng cuối cùng người dẫn đầu đoàn chúng tôi cũng nắm được quyền chỉ huy và dẹp được một khoảng trống nhỏ giữa đám đông.
- Hãy để chúng tôi thiết tiệc các vị, đừng từ chối miếng bánh của chúng tôi, - 14 nói bằng cái giọng của người hút thuốc lâu năm nhưng hãy còn ngọt. Tôi không quan sát được nhiều khuôn mặt hắn, nhưng cặp mắt hắn có vẻ gì đó như thằng hề.
- Đa tạ các ngài đã cho phép chúng tôi nương nhờ, - Cá Sấu 12 kính cẩn đáp. Hun Xoc trải ra một tấm chiếu lễ vật và Cá Sấu 12 đặt lên đó một bó xì gà hảo hạng nhất vùng cao nguyên chúng tôi.
Chúng tôi nhảy một điệu chào mừng ngắn. Bị Thương 14 đặt tay lên vai hắn, chào tôi lịch thiệp nhưng cũng không kém phần trịnh thượng, kiểu như "Ê, chào thằng em". Hắn đã từng tiếp đón Cá Sấu 12 và hai k'iik khác trong đoàn. Nhưng hơn hai mươi năm rồi hắn chưa về Ix, và phúc tổ, hắn cũng như gia quyến của hắn chưa từng nhìn thấy Chacal. Tôi cũng chào lại, coi như hắn là người bề trên. Đây không phải lúc để tự ái về chuyện tôn ty trật tự. Trong lúc đó, bọn phu khuân vác lọ mọ đi đằng sau đã bắt kịp chúng tôi, lục tục trình diện, quây quanh vòng tròn k'iik như sợi thừng quấn quanh cái xô. 14 nói hắn rất nóng lòng muốn chia sẻ khó khăn với chúng tôi và rằng nhà Bướm Đuôi Nhạn đã quyết định chặn các ngả đường sớm hơn dự định nên chúng tôi phải nhấc chân lên thôi. Phải rồi, - tôi nghĩ, - thế suốt bao nhiêu ngày nay chúng tao làm gì? Nằm ườn ra ăn kẹo bon bon à? Thằng xuẩn.
Thành thạo không kém gì một đội nghi thức, chúng tôi xếp lại hàng ngũ theo đội hình "họp mặt với khách lạ mặt khá quan trọng". Nói đơn giản là các k'iik xếp thành hình nửa vòng tròn. Cá Sấu 12 đứng chính giữa, những người tham dự đứng thành ba hàng phía sau, theo thứ thự giảm dần theo phẩm cấp. Họ đặt tôi ở cuối hàng, gần vị trí thấp kém nhất để tôi khỏi phải mở miệng câu nào.
Ở đây, mọi thứ dường như đếu có tính hậu trường. Anh buộc phải có một vài mối quan hệ nào đó. 14 đã dàn xếp trước với nhà Bướm Đuôi Nhạn. Bức tường rào k'iik từ từ tách ra rồi lại khép lại sau lưng người cuối cùng, như một con trùng a-mip nuốt trùng bánh xe. Nếu đây chỉ là bức rào bình thường chứ không phải hàng rào người thì đã có vài tên du côn lẻn được vào. Lúc này, chúng tôi đã đứng trong một khu đất thô kệch nằm giữa bức tường rào và một con đèo dẫn lên đồi, dài chừng một sải tay. Củi đun chất thành từng đống cao ngất và áo choàng bông chăng đầy trên dây phơi, không khác gì cái sân chung sau khu nhà tạm của dân da trắng. Trong này trống trải hơn bên ngoài và chúng tôi tìm được một khoảnh đất sạch. Đám phu khuân vác lúc nào cũng kè kè cái giá chở hàng cao quá đầu, cuối cùng cũng được cởi bỏ và đặt sang một bên. Họ có vẻ lo lắng khi phải xa người đồng hành thân thiết của mình. Xiềng xích của ta và ta đã trở nên gắn bó (Một câu trong bài thơ "Người tù ở Chillon" của thi hào Byroe). Một đoàn những nhân vật có vẻ ngoài kì dị, đến từ một trong các thị tộc của Teotihuacán, gọi là thị tộc Sếu, giữ chức vụ tựa như thanh tra thuế, lôi hàng ra kiểm tra. Cá Sấu 12 và người đứng đầu đám người của thị tộc Sếu chọn ra một món làm quà cho quả đồi, một kiểu thuế qua cửa. Viên kế toán đi quanh, thắt những cái nút hình nơ bướm trên sợi dây thành một bản kê dài. Chúng tôi tháo bỏ vũ khí và một vài loại vật dụng bị cấm như bất cứ thứ gì màu xanh lá cây, bất cứ thứ gì làm từ da rắn và bất cứ đồ lề bóng hông nào. Những trận bóng hông với bóng lớn được coi là một cuộc chiến, hoặc có thể gọi là thi đấu võ thuật, vì thế, chúng bị cấm ở đây. Thực tế, môn bóng duy nhất hợp pháp ở đây là trò đánh bóng bằng gậy mà chúng tôi thấy lúc trước, và không có cá cược công khai. Tôi nhận thấy Hun Xoc và những người chơi bóng hông khác lấy các mảnh vài đính hạt quấn kín các vết chai trên cánh tay và đầu gối. Ở xứ này, dân chơi bóng chuyên nghiệp bị coi là hạng người bất hảo.
- Tôi có được mang theo cứt trong bụng không? - Tay 2 hỏi viên kế toán bằng tiếng lóng của nhà chúng tôi. - Hay tôi phải để nó lại đây?
Viên kế toán trả lời rằng hắn không hiểu sao lại thế.
- Vì tôi muốn lấy lại nó khi quay về - Tay 2 đáp.
Chúng tôi phải khoác lên người những chiếc áo choàng màu xám đen, xỏ khuyên mũi và đeo khuyên môi. Tôi cũng được thửa riêng một cái - anh không bao giờ được đeo đồ của người khác - nhưng nó không vừa. Cái đồ chết toi. Người ta không được để mặt trơ khấc ra khi bước vào thung lũng thiêng này. Ngay cả bọn đầy tớ cũng phải buộc một miếng giẻ quanh miệng, nhìn  như lũ ăn cướp Miền Tây. Gì thì gì, anh không bao giờ có thể tưởng tượng ra thứ đồ trang sức đàn ông nào khó chịu hơn thứ này. Tôi đã từng nhìn thấy những cái khuyên xỏ âm vật chu vi bốn inch dễ chịu hơn nhiều. Chắc thế.
Tên hầu lo khoản mặt nạ chạy tíu tít để giúp chúng tôi chỉnh trang, hệt như người làm tóc trước buổi trình diễn mốt. Trong khi đó, những tên đầy tớ riêng ngắm nghía và chỉnh đốn điệu bộ cho chúng tôi. Chúng rất cung kính, nhưng chúng tôi vẫn phải làm theo lời chúng. Tôi đoán cảnh này cũng giống như viên thị thần chỉ bảo cho chúng. Tôi đoán cảnh này cũng giống như viên thị thần chỉ bảo cho Hoàng tử xứ Wales phải đi đứng theo cách này cách nọ. Từng người trong chúng tôi - kể cả nô lệ - đều phải nhắc lại một câu thề thốt hoà bình ngăn ngắn, bằng tiếng của chúng tôi lẫn tiếng Teotihuacán, gồm những chuỗi từ dính liền nhau dài bất tận, đầy những nguyên âm kéo cà kẽo kẹt một cách dị hợm và hầu hết chúng tôi dều không hiểu chúng có nghĩa là gì. Lời thề đại ý rằng chúng tôi không bao giờ được phép giơ vũ khí về phía bất kỳ, luôn phải che miệng và có mặt để cúng tế vào buổi sáng và buổi trưa. Tiếp đó, mỗi người chúng tôi phải ném một món đồ phục sức vào đống lửa. Hoá ra bọn hầu trang phục buộc vào cổ chân chúng tôi một sợi ruy băng là vì việc này. Ghi được điểm rồi đấy, các cậu, - tôi nghĩ. Tôi suýt thì định vứt cái thắt lưng vào. Và rồi, tất cả chúng tôi phải bước qua một bụi dây bìm bìm - uay của đường biên giới mà những thứ vô hình không thích hợp không vượt qua được. Cuối cùng, những người dâng hương tẩy uế cho chúng tôi lần nữa bằng khói bốc ra từ một cái tẩu khổng lồ và đưa cho mỗi người một vật nhỏ bằng đất sét.
Tôi nhìn cái của tôi với ý nghĩ rằng "cảm ơn, nhưng tôi biết làm gì với nó bây giờ?", giống như nếu người ta phát ống píp và thuốc lá trong lễ tốt nghiệp của trường đại học Yale vậy. Nó là một cục đất sét trơn, thô, hình thuôn thuôn, vừa mới ra khỏi lò nung, có hai cái lỗ, hai chỗ trũng hay chỗ lõm gì đấy. À, đây rồi. Hai cái lỗ được nhét đầy bột than chì nghiền lẫn với nhựa cô-pan và ướp tinh dầu bạc hà. Nó là một cái lư hương.
Chúng tôi ra hiệu chào tạm biệt, rẽ sang hướng đông và đi lên con đường rộng, để lại khu hồ phía sau lưng. Tôi nhận thấy bốn gã cao lớn, ăn vận như đầy tớ nhà Bướm Đuôi Nhạn đã gia nhập đoàn chúng tôi từ lúc nào. Ra là người giám sát, - tôi nghĩ. Lũ mật thám. Cá Sấu 12 đã thông báo từ trước là sẽ có các tsazcalaman, những "người dẫn đường" hay "người tiếp đón", và dặn chúng tôi đừng để ý đến họ trừ khi họ nói điều gì đó. Tốt thôi. Hãy cứ coi chúng như những người trực tầng khách sạn. Vì lợi ích của chính mày.
Không như đa số các thành phố khác thuộc Mesoamerica, Teotihuacán có rất ít công trình củng cố quân sự, chỉ độc mấy bức tường đá thấp tè dựng ở vài nơi trọng yếu. Tôi có cảm giác rằng thành phố này từ lâu đã hoang tưởng rằng mình không thể bị tấn công. Gần đây, họ bắt đầu dựng chướng ngại vật bằng gỗ có thể di chuyển được, hay gọi theo lối thời kỵ binh xưa là chướng ngại chặn ngựa, tức là những thân cây được chặt bỏ cành lá đặt nằm ngang, trên cắm những cái cọc ngắn hơn, vót nhọn, cứ ba cái một, cách nhau vài sải tay, tạo thành mọt dãy chông chĩa ba dựng đứng. Chúng tôi đi ngang qua bốn tốp nô lệ đang kéo những cây chông đó đến nơi mà ngày mai họ sẽ đặt chúng ngang đường. Ngoài ra, còn thêm ba đường hào khô mới đào, bên dưới cắm chông mà chúng tôi phải vượt qua trên những cây cầu bện. Một cái nhìn chông chênh đến mức tôi tụt ngay khỏi lưng tên phu kiệu để tự đi. Cá Sấu 12 trừng cặp mắt sâu hoắm nhìn tôi, nhưng phô trương mẽ ngoài thế là đủ. Tôi lại trèo lên lưng con chiến mã người của mình.
Chim chóc lác đác dần. Những đám chơi bóng mà chúng tôi bỏ lại phía sau cũng ỉu xìu và nhạt nhẽo hẳn. Tiếng sấm bắt đầu dậy lên. Không, không phải sấm... mà là tiếng trống, - tôi tự nhủ, - những chiếc trống đá lớn, nghe đầm và hay lạ, hệt như tiếng trống định âm trầm, rền lên từng hồi với quãng nghỉ dài: bombombombombom, bom...bombombombombom, bombombom... bombombombombombom... và tôi phát hiện ra nhịp trống tương ứng với các con số của ngày hôm nay: Wak Kimi, Kanlahun Sip - Hấp hối 6, Nai đực 14, nó lặp đi lặp lại với nhịp điệu rất đặc biệt, không ai có thể bắt chước được 6... 14... 9.... 11..... 12.... 6.... bombombombom, bombombombom...bombombombom... bombombombombombom... Đó là tiếng trống cầu nguyện vào lễ trưa. Đoàn chúng tôi đi chậm dần rồi dừng lại. Tôi nhận được tín hiẹu xuống "ngựa". Chết tiệt. Từ quãng này trở đi, chúng tôi sẽ đi bộ. Xe kiệu là thứ không được phép ở thành phố thiêng liêng này, và anh không được phép cưỡi trên lưng người khác trừ phi anh là thằng liệt.
Cả đoàn đã dừng lại. Tất cả hướng mặt về phía trước, hướng đông bắc. Lũ chim đậu xuống. Chúng tôi lấy lư hương của mình ra. Một hồi boom boom vọng đến từ sườn núi phía trước, từ thành phố linh thiêng. Có tiếng trống đáp lại từ xa tít bên kia hồ, chậm nửa nhịp để hoà vào với tiếng vọng. Tiếp đi nào, - tôi nghĩ, - Rock the Casbah (Một bản nhạc rock của ban nhạc The Clash). Tiếng trống ầm ầm vang khắp các thung lũng và vạn vật dường như co rúm lại. Những tiếng trống nhỏ hơn của nhà dân cũng hoà vào nhịp điệu cho đến khi chúng chuệch choạc rời xa thành hàng trăm, rồi hàng ngàn âm thanh nhỏ hơn, lạc điệu đi và cuối cùng chỉ còn là những tiếng lạch cạch không phân biệt được nữa. Những người châm lửa đi khắp đoàn với những bó đuốc thông cháy dở, một người châm lư hương cho tôi. Hắn lầm rầm câu gì đó về việc đây là lửa tinh khiết lấy từ kim tự tháp Bão Lốc. Mình có nên boa cho hắn không nhỉ? - tôi bất giác nghĩ, nhưng hắn đã biến mất. Ah, mùi nhựa thông thật tinh khiết. Mùi của sự trong lành. Oái. Tôi làm bỏng ngón tay cái. Quỷ bắt mày đi. Tôi xoay xoay cái lư và giơ nó lên ngang chân để chỗ khói chưa bị hít có thể bay lên. Hai bên đường, đàn bà, trẻ con và người già tụ tập trên các mái nhà kho, tay nâng lư hương. Không kẻ nào đứng trong phạm vi của thành phố này có thể tránh được nhiệm vụ trình diện trước mặt trời vào mỗi sáng và mỗi trưa. Kể cả anh đã một trăm tuổi đi chăng nữa, kể cả liệt hết chân tay đi chăng nữa, kể cả trời đang mưa như trút nước đi chăng nữa, anh cũng phải đứng ra ngoài trời, mà nhất là khi trời mưa, thật đội ơn cái cơn mưa chết tiệt ấy. Và nếu họ không kéo được anh ra ngoài thì họ sẽ treo cổ anh lên. Vì thế, ra hít thở tí không khí trong lành là điều bắt buộc.
Tiếng trống lắng xuống, nhường chỗ cho tiếng khấn râm ran, rền rĩ, phát ra từ sâu trong cổ họng bằng một thứ tiếng xem ra ít phụ âm hơn cả tiếng Hawaii. Tôi chỉ lầm bầm theo dưới cái khuyên môi. Về sau, tôi nghe nói rằng thực ra chẳng ai nhớ được đống từ ngữ ấy có nghĩa là gì. Có lẽ tất cả cũng đều lầm bầm theo mà thôi. Ê...a...ê....a... Đừng để ý tôi. Tôi cũng chỉ là một con trong đàn cừu thôi mà.
Tiếng cầu  khấn dừng lại. Như mọi người xung quanh, tôi bốc ít cát dưới mặt đường để dập tắt lư hương. Chúng tôi leo lên những bậc thang cuối cùng, bước vào một bầu không khí mát mẻ hơn, qua một cổng chào lễ hội lớn, nhìn giông giống cổng Karamon (Kiểu kiến trúc cổng theo lối cổ ở Nhật Bản), qua đỉnh một...
- B/aax ka mulac t'een? - Tay 2 thắc mắc. "Thế thành phố đâu?".