PHẦN III
THÀNH PHỐ LƯỠI DAO
Chương 24

phan 3b

 

phan 3d

phan 3c

phan 3e

45

IMG_0304
Một biển sương mù lấp lánh trọn thung lũng dưới chân chúng tôi, duy nhất có một chỏm núi tù, Cerro Gordo – Đỉnh Núi Trắng của thành phố, vạch một nét lên bầu trời xám xịt. Chúng tôi đang đứng trên một con đèo tại điểm xa nhất về phía nam của lòng chảo, trước mặt là con đường đẽo thành hình bậc thang thoai thoải giữa hai dãy nhà trại lớn, vuông vắn, tường trát thạch cao, chạy xuống nơi mà tôi biết là một cánh đồng phù sa bằng phẳng. Không phải sương mù, - tôi nghĩ lại, - nó có màu xanh lam. Đó là khói, khói nhựa cô-pan bốc lên từ hàng trăm ngàn lư hương nhỏ. Rất lâu sau, lớp khói trên cùng của cái lòng chảo không khí im lìm mới tản bớt một chút, cho phép chúng tôi nhìn thấy một, rồi ba đốm sáng màu da cam giữa khoảng không mờ mịt, cao gần ngang vị trí chúng tôi đang đứng, đốm xa nhất dựa vào vách núi Cerro Gordo, rồi đến hai đốm gần hơn, phía trên tay phải. Và rồi, những hình thù dưới các đốm sáng hiện dần lên, tôi nhận ra chúng là những đống lửa được đốt trên đỉnh ba kim tự tháp lớn. Kim tự tháp của Phù Thủy Ngọc Bích nằm ở tận cùng phía Bắc là chiếc xa chúng tôi nhất, bên tay phải là kim tự tháp Bão Lốc khổng lồ, và cuối cùng, gần nhất và nhỏ nhất, là kim tự tháp màu xanh chàm của những đứa con của Rắn Chuông Sao. Nhiều đốm sáng khác le lói giữa khoảng không mờ xám, tất cả đều là lửa thắp trên đỉnh của hàng trăm kim tự tháp nhỏ, tuy không cao bằng ba gã khổng lồ kia nhưng cũng chẳng phải những thằng lùn. Khói bốc cao lên và tản đi, thêm nhiều hình thù trở nên rõ nét, hệt như Brigadoon (Ngôi làng thần thoại ở xứ Scotland, cứ một trăm năm mới xuất hiện một lần) dần hiện ra giữa sương mù; mỗi lúc một nhiều khối vững chãi được từ từ bồi đắp thành hình như những mảnh đá mặt trăng tích tụ lại trong bình thí nghiệm; một khung xương rời rạc đang biến hình thành một quang cảnh lộng lẫy và hùng vĩ.
Khi lần đầu tiên nhìn thấy nó dưới hình dạng một đống đổ nát vào một ngàn ba trăm năm mươi mốt năm sau, tôi đang là một thị dân cuối thế kỉ hai mươi, đã quá quen với việc nhìn ngắm từ trên không và những tòa nhà cao chọc trời, vậy mà vẫn còn thấy choáng ngợp. Vậy thì với một thổ dân Mesoamerica vào thế kỉ thứ bảy, không nghi ngờ gì nữa, đây chắc chắn là thiên đàng dưới trần gian, chưa từng và sẽ không bao giờ có thành phố nào vĩ đại hơn, được thần linh tạo ra trước khi con người có mặt trên đời, và ngày này, người cai trị nó chính là hậu duệ của các vị thần, ngồi ở trung tâm của hai mươi ba tầng vũ trụ, nơi không kẻ nào có thể chạm tới. Không từ ngữ nào trong tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Ch’olan, tiếng Klingon (Ngôn ngữ tưởng tượng của người ngoài hành tinh trong phim Star Trek) hay bất cứ thứ tiếng nào khác có thể diễn tả được sự kì vĩ phi phàm của thành phố này trong thời kì cực thịnh. Trước khi nhìn thấy những đám đông, anh đã có thể nghe và cảm thấy họ, như khi đặt tay lên tường ngoài của một cái tổ ong, anh có thể cảm thấy bên trong nó đầy nhung nhúc những đốm đen, vàng và xám. Không thể nào có đủ nhà cho toàn bộ số người này được. Đây không thể là số dân thường ngày. Chắc họ phải ngủ cả ngoài trời, chồng chất lên nhau. Chật cứng, chật cứng…
Cũng như Ix, chỉ một số rất ít công trình xxây dựng của thành phố này tồn tại được đến thế kỉ 20. Nhưng không như Ix, những đám đổ nát ấy đã được khai quật và trùng tu từ đầu thế kỉ 20. Tôi đã đến đây tham quan vài tuần vào năm 1999 và biết rất rõ bản đồ dựng lại theo nghiên cứu khảo cổ. Và bây giờ đây, tôi mới thấy công trình phục dựng của Viện Lịch sử và Nhân chủng học vụng về và sai toét đến mức nào. Nhưng ngay cả nếu nó có hoàn hảo đi chăng nữa thì những gì sót lại đến thời điểm đó cũng quá ít, có quá nhiều thứ mới lạ ở đây đến mức tôi khó lòng nhận ra thành phố này chính là nơi tôi từng tìm hiểu. Cái mà khách du lịch được nhìn thấy là phần trung tâm còn sót lại của khu teocalli (Nghĩa là “Ngôi nhà của thần linh”trong tiếng Nahuatl, dùng để chỉ các kim tự tháp có đền thờ trên đỉnh), một đống đá nâu nằm trơ trọi. Còn lúc này đây, cái trung tâm đó chỉ là phần tráng lệ hơn một chút của cả một thành phố đông đúc, đồ sộ, cứ trải rộng mãi theo hình dáng của những chiếc tổ ong đan cài vào nhau khiến người ta có cảm tưởng đó là một chứ không phải nhiều ngôi nhà, chúng giăng chật kín thung lũng, bò lan lên các dãy đồi và lên tận đỉnh Cerro Gordo, một cảnh tượng của sự nhân tạo hóa triệt để như ở Hồng Kông hay Las Vegas chứ không phải ở một thế giới tiền hiện đại. Không trông rõ đường phố bởi chúng chỉ là những lối đi hẹp giữa những tòa nhà lớn, hay chính xác hơn là những khu gồm nhiều căn nhà của các gia đình có quan hệ dòng tộc, vì thế, nhìn từ đây, các khu dân cư nom giống một thành phố Trung Đông hơn bất cứ kiểu đô thị nào khác ở Cựu Thế Giới, chỉ khác ở những điểm nho nhỏ như màu sắc và kiểu cách. Giống như Manhattan, thành phố được phát triển hơn lệch về hướng đông bắc, khoảng 15,25 độ, để thẳng hàng với Kochab (Tức Beta Uriae Minoria, ngôi sao trong chòm Tiểu Hùng), một dãy sân trũng xuống và những bức tường khán đài rộng nối thành một hàng dài thẳng tắp mà sau này người Aztec gọi là Dãy Phố Thần Chết trải dài trước mắt chúng tôi. Thực ra, nó hoàn toàn không phải là một dãy phố, theo cách nhìn của chúng ta ngày nay, nó thậm chí chẳng phải một đường rước lễ mà chỉ là một dãy quảng trường nối liền với những ngọn tháp cao dựng đứng mà chưa ai từng nghĩ đến trong quá trình phục dựng. Để hình dung cho rõ, tôi nghĩ có thể gọi nó là trục chính của thành phố. Đến lúc này, đã có thể thấy rõ màu đen và đỏ của kim tự tháp Bão Lốc, màu đen và trắng của kim tự tháp Phù Thủy Ngọc Bích, và màu đen và xanh da trời của kim tự tháp Rắn Chuông Sao. Bão Lốc to lù lù như một quả tim đập vào dãy đồi và… ôi trời, nó còn hơn cả to lớn nữa, nó ở một tầm vóc khác hẳn, nó được xây nên không phải dành cho con người. Người ta có thể cảm thấy sức hút ghê gớm của nó, dường như nếu đặt một quả bóng thép xuống mặt đường phẳng, nó sẽ tự lăn về phía ấy. Trên đỉnh tháp, vẫn ngọn lửa ấy đã cháy liên tục hơn bốn mươi tư năm, kể từ khoảng trống trước trong chu kỳ (Tức lần nhật thực trước), nhưng họ sẽ dập tắt nó sau mười một ánh sáng nữa tính từ hôm nay để khỏi coi thường Prank – Người Nuốt ánh Sáng Đen. Sau đó, khi nhật thực kết thúc, họ sẽ lại thắp nó lên bằng chính ánh sáng mặt trời. Đây là điều hiển nhiên bất di bất dịch đến mức đơn giản là nó không cho phép bất cứ sự phản đối nào. Nhưng ai nghĩ đến chuyện phản đối cái sự ấy làm gì?
Và đây, đã có thể trông rõ kim tự tháp Phù Thủy Ngọc Bích – rất lâu sau này sẽ là kim tự tháp Mặt Trăng – nhìn xuống dãy phố lớn. Chỗ chúng tôi đang đứng còn cách quá xa nên không thể nhìn thật rõ qua màn khói và hơi nước, nhưng hình như có những vệt gì đó đang bu đầy quanh nó. Chim à? Hay tôi hoa mắt? Kim tự tháp lớn thứ ba, tỏa màu xanh, công trình duy nhất có màu xanh trong thành phố. Đền thờ của Hội Rắn Chuông Sao, nằm đúng nơi nó nên nằm, chềnh ềnh ở phía đông nam, cuối trục đường chính, như quân xe nhảy bổ vào vị trí quân vua vừa đi qua. Nó nhỏ hơn hai kim tự tháp kia nhưng lộng lẫy hơn hẳn và vẫn đủ to lớn để không kẻ nào dám cà khịa, thực tế, nó lớn hơn khá nhiều so với công trình được phục dựng lại nhiều thế kỉ sau, khi người ta khám phá được một mặt tiền có niên đại còn sớm hơn nữa. Tòa tháp có ít nhiều dáng dấp của phong cách Maya phương nam với tường ngoài chạm hình rắn cuộn vào nhau, tuy thế, kiến trúc vẫn được hình khối hóa, lập thể hóa, Mexico hóa, hay gì gì đó khiến nó vừa hài hòa lại vừa không hài hòa với phần còn lại của thành phố, một phần không cân xứng và chông chênh hơn.
Ở trung tâm của trục đường chính, giữa quảng trường lớn đối diện Bão Lốc là công trình thứ tư, chưa có trên bản đồ trong đầu tôi. Sọ Đá Quý không nhắc đến nó, và giới khảo cổ cũng không tái hiện lại. Sao họ có thể bỏ sót nó được cơ chứ? Giời ạ, một hình nón dốc đứng,  dựng thẳng lên trời như một ngón tay màu xanh lá cây, cao lừng lững không kém gì tòa kim tự tháp. Khi nhìn thật kỹ, tôi nhận ra nó là một kiểu giống như tòa tháp không có vách tường, cao mười ba tầng, mỗi tầng cách nhau chừng năm sải tay. Một đám đông lúi húi đi lại quanh nó như kiến bò, trần trụi với những vệt xám trên người: những tên nô lệ. Tôi đoán rằng nó được bện bằng thân sậy và gỗ tươi, có lẽ là đây chính là xcanacatl, lửa-dâng-cho-hư-vô mà Cá Sấu 12 đã nói tới. Nó sẽ được dựng xong và chất đầy đồ cúng trước lúc nhật thực, khi nào các thầy tế đuổi được Người Nuốt ánh Sáng đi, họ sẽ đốt bỏ nó bằng lửa tinh khiết của bình minh thứ hai.
Kim tự tháp của Phù Thủy Ngọc Bích nhòm xuống con đường chính, y như ông tướng dự buổi duyệt binh, nhưng kim tự tháp Bão Lốc thì đối diện một khoảng trống không. Phía bên kia trục đường chính chỉ có một quảng trường cỡ vừa để cân đối với tòa tháp, nhưng cũng chẳng cân đối được, gã khổng lồ to kềnh nhìn đăm đăm cô độc về hướng tây với vẻ hiu quạnh. Người nhìn nó bỗng có cảm giác băn khoăn, như khi nhìn một bức tượng cẩm thạch cổ tạc hình một vận động viên với cánh tay giơ lên, nhưng cánh tay lại gẫy mất từ phần bả vai, và người ta thắc mắc không biết anh ta đang giơ tay chào? hay đang ném lao? hay đang vung gươm? Hoặc như khi anh nghe đoạn đầu của một khúc nhạc mà không thấy đoạn kết, nó khiến anh bứt rứt đến mức phải tự nghĩ ra một đoạn kết mà ngâm nga ư ử trong họng. Nó gợi lên một cảm giác mong ngóng đến lạ lùng… không hẳn là sự trống trải, mà chỉ là sự chờ đợi, cảm giác của một người phụ nữ cô độc bên bàn ăn lớn chờ đón một vị khách quan trọng từ ngoài kia sắp bước vào.

46

IMG_0310
Đám phu khuân vác ngần ngại. Tên khiêng kiệu của tôi lầm rầm mấy câu khấn vái bằng thổ ngữ làng hắn…”xin các cụ trông nom che chở con” hay những câu gì đó đại loại vậy, nhưng Cá Sấu 12 buộc họ phải đi tiếp. Chúng tôi đi xuống thung lũng. Cái khuyên môi của tôi đẫm nước nhỏ giọt và vách mũi nhoi nhói. Vì dốc núi có bậc thang nên nó không phải chạy ngoằn nghoèo như các con đường núi ở Cựu Thế Giới. Mấy lần liền tôi tưởng mình sắp lao xuống. Mùi ớt hong khô, ngô luộc, phân cháy và vị khen khét của đá cuội và đá thủy tinh mới bửa bay tạt qua. Tiếng lạch cạch và ken két liên tu bất tận vọng đến từ các phường làm dụng cụ bằng đá cuội, hệt như tiếng của hàng ngàn con bọ nhảy cánh cứng và ve sầu. Một gã quản lý tạm trú có bộ mặt trắng bợt của thị tộc Kền Kền đến ghi lại tên tuổi, chức danh và tổng số người của đoàn chúng tôi, đánh dấu lại trên một chùm những sợi thừng con queo như cái vòng quipu (Còn gọi là “những cái nút biết nói”, một dụng cụ để ghi nhớ số lượng, gồm những sợi dây và những nút thắt với đơn vị quy ước sẵn) của người Inca.
Chúng tôi tập hợp lại. Nòng cốt của đoàn chỉ còn lại hai mươi người. Không có vẻ là dấu hiệu tốt. Chúng tôi tiếp tục đi xuống. Khi Bão Lốc vươn đến ngang tầm chúng tôi, các cạnh của nó xoay chuyển theo một nhịp điệu khó hiểu, các tầng tháp hiện ra rồi lại biến mất, dựng đứng, thoai thoải, rồi lại dựng đứng, như một hợp âm nhạc jazz.
Khi gần xuống đến thung lũng, cách khu teocalli khoảng nửa dặm, chúng tôi rẽ sang hướng tây, rời khỏi trục đường thông thương, tiến vào một nơi mà các bạn có thể gọi là đường hẻm dành cho khách bộ hành. Nó đông nghẹt những người là người. Mấy gã do Bị Thương 14 cử đi len lên đầu đoàn, xua xua những cái néo để gạt lũ dân đen ra khỏi lối của chúng tôi. Tránh đường, tránh đường cho Đức cha Coronel. Chúng tôi ì ạch lết qua một dãy cửa mới bị đóng chặn lại, hay đúng hơn, vừa bị bít lại bằng đá tảng và chằng thừng dây leo. Hừ, sợ lộn xộn à? Quá nhiều thủy thủ trong thành phố sao?
Đám dân thành phố rẽ sang hai bên khi chúng tôi đi qua. Họ nhìn chúng tôi chằm chặp, không có vẻ gì thù địch, nhưng hiếu kỳ đến mức khó chịu. Có lẽ chỉ vì chúng tôi không vẽ mặt. Người Maya chỉ vẽ mặt vào một vài dịp đặc biệt, nhưng người Teotihuacán thì cứ hễ ra đường là vẽ mặt. Nhưng kiểu vẽ mặt ở đây rất khó hiểu, họ bôi những vạch dài màu tối ngang qua mắt, làm mất hết đường nét khuôn mặt và khiến ai cũng giống ai, chỉ khác nhau ở những vệt chấm – dấu hiệu riêng của từng thi tộc mà đằng nào tôi cũng chẳng hiểu. Một vài người nổi cả mụn nhọt dưới lớp màu vẽ và rất nhiều người tỏ ra ốm yếu. Cơ man là tiếng ho hắng và khạc nhổ. Có bệnh lao ở đây rồi, - tôi nghĩ bụng. Trẻ con sinh ra sẽ chẳng đủ bù người chết. Chắc phải có khối bệnh nhiễm trùng ký sinh, có khi cả bệnh dịch lạ nữa cũng nên… hừ, hay quá rồi, chúng ta chỉ cần có thế nữa thôi.
Chúng tôi tiếp tục len lách lên phía trước. Người mỗi lúc một đông đặc thêm. Tôi bắt đầu có cảm giác ghê ghê với nơi này, ý tôi là ghê hơn một ngàn cảm giác ghê ghê khác tôi vẫn có. Thứ gì làm mình khó chịu nhỉ? – tôi phân vân. Không chỉ vì nơi này bẩn thỉu, thực ra, nó khá sạch sẽ. Cũng không phải vì nó đầy rẫy những kẻ ám muội. Những người chúng tôi đi ngang qua đều có vẻ là tầng lớp trung lưu. Anh sẽ không bao giờ thấy cái không khí ấy ở các thành phố Maya. Ở Ix chẳng hạn, anh hoặc là kẻ cực kỳ quý phái, hoặc ngược lại. Có lẽ chỉ vì tất cả các bức tường ở đây đều được quét than, nhìn như những thỏi than chì đen xỉn, hơi gợn lóng lánh. Cảm giác đứng giữa một thành phố đen xì thật kỳ cục. Tuy nhiên, nó không đen tuyền như khi nhìn từ trên đèo xuống. Quãng nào có vỉa hè đều được lát đá đỏ, trên các khuôn của sổ cao đều chăng những mảnh vải nhiều màu sắc, vô số chuỗi vỏ sò và tràng hoa lá rủ xuống từ mái hiên khiến thành phố có cái không khí um tùm, sum xuê như vườn treo Babylon… thế nhưng… có lẽ vì nó chẳng có lấy một chữ chạm khắc nào. Không hề có. Không một ký hiệu, khộng tượng đài chạm khắc, không bảng yết thị, không gì hết. Đúng như Cá Sấu 12 đã nói, ngôn ngữ ở đây không có chữ viết. Hình như ở đây người ta khó chịu với nó như một khoản phải chi tiêu thêm. Nói chung, trừ một vài người hành nghề kế toán học được chữ viết từ những người chép thuê Maya, còn tất cả dân chúng thành Teotihuacán đều mù chữ. Tuy vậy, họ vẫn quản lý tốt thành phố về mặt hành chính. Chúng tôi rẽ sang hướng bắc, vào một con hẻm thậm chí còn tối tăm hơn.
Sao chúng tôi lại phải vào khu trắng (tức là nửa đen) nhỉ? – tôi phân vân. Tôi cá rằng nửa đỏ của thành phố dễ chịu hơn nhiều. Mà thế quái nào nửa đen lại được gọi là nửa trắng cơ chứ? Chẳng khác gì ở Mỹ, cái thứ mà người ta gọi là “bang đỏ” (“Bang đỏ” là từ chỉ các bang có đa số ủng hộ đảng Cộng hòa, trái với “bang xanh” ủng hộ đảng Dân chủ.) chẳng hề đỏ, thực tế, họ còn có khuynh hướng chống cộng hơn. Nó được gọi thế chỉ để khiến người ta rối lên.
Mỗi nhà trong thành phố đều phải thuộc một trong hai nửa. Thị tộc Kền Kền, nửa trắng, hay nửa “hòa bình” chỉ yếu sống ở phía tây – tức màu đen – so với trục đường chính của thành phố. Có hàng trăm gia tộc lớn thuộc phe trắng, nhưng lớn nhất là gia tộc Bìm Bìm. Trưởng lão của gia tộc này là một người có tên Chuột Lang 40, người mà Sọ Đá Quý 2 cho tôi biết là cha nuôi của công nương Koh, đồng thời là quan chấp chính của Giáo hội Trắng. Hình như ông ta còn có một tước hiệu nữa là “Thủ lĩnh Hòa Bình”. Nửa kia, nửa đỏ, thị tộc Bướm Đuôi Nhạn, từ trước đến nay vẫn do gia tộc Báo Sư Tử cầm đầu. “Thủ lĩnh Chiến Tranh”, người đứng đầu gia tộc Bướm Đuôi Nhạn là một người có cái tên hết sức lạ tai đối với tôi: Cong Veo Ti Tiện. Theo truyền thống, nửa Trắng lo các mặt nông nghiệp, phân bổ nguồn nước, “tôn giáo” (theo cách gọi của chúng ta ngày nay), buôn bán và đa số nghề thủ công. Nửa Đỏ lo mảng chiến tranh cũng như các nghề thủ công liên quan đến khí cụ và buôn bán với bên ngoài. Các bạn hẳn nghĩ rằng kiểu phân chia như vậy sẽ là công thức nấu món “xung đột”, nhưng vì ở đây không có chuyện kết hôn nội tộc – tức là một phụ nữ thuộc tộc Kền Kền buộc phải lấy một người đàn ông của tộc Đuôi Bướm Nhạn và ngược lại – nên hai nửa có những mối ràng buộc chặt chẽ và phụ thuộc nhau. Trong suốt nhiều thế kỷ, sự cân bằng giữa hai nửa vẫn được duy trì, có lẽ nhờ một nguyên tắc gần như xã hội chủ nghĩa. Thủ lĩnh của các thị tộc không được phép có quyền lực bên ngoài thị tộc của mình và thành phố không được cai trị bởi một nhân vật duy nhất nào, nó được quản lý bởi một hội đồng gồm những người đứng đầu của hàng trăm gia tộc lớn đến từ hai nửa.
Chúng tôi rẽ thêm một lần nữa vào một con hẻm hẹp hơn. Nó chặt cứng đến mức người ta phải quay lưng nép mình lại để nhường lối cho chúng tôi. Sau khi đi thêm một đoạn nữa, rốt cuộc chúng tôi cũng được dừng lại. Người đưa tin của Bị Thương 12 leo lên một cầu thang dốc. Chúng tôi theo sau, đi qua khoảng hai tầng nhà, lên tới ánh mặt trời sáng trắng.
Chúng tôi đang ở độ cao ngang tầm kim tự tháp Bão Lốc và bao quát khá tốt toàn bộ khu nhà trắng. Những mái nhà bằng có bậc thang giăng khắp bốn phía, xen lẫn các vườn hoa và cây ăn trái mọc trong các luống đất bùn dung nham trộn phân bắc. Những cuộn hơi nước của nhà tắm bốc lên qua các lỗ thông hơi nằm ở vị trí khuất và nhanh chóng tan biến trong bầu không khí khô khan. Một vài khu nhà xây lên tới ba tầng, nhưng phần lớn đều ở cùng một độ cao nên người ta có thể đi từ nhà này sang nhà khác qua các cầu hẹp, tương tự như ở các pueblo (cộng đồng sinh sống theo kiểu truyền thống của người da đỏ ở vùng tây nam nước Mỹ) hay khu phố cổ của các thành phố đạo Hồi của Châu Phi. Sau lưng chúng tôi, đám phu quân vác hai tay dâng các gói đồ. Tôi ra hiệu “sẵn sàng” và chúng tôi đi về hướng bắc qua các cây cầu ván kẽo cà kẽo kẹt. Hun Xoc chỉ cho tôi những dãy bình lớn đậy nắp ở rìa các mái nhà và nói rằng chúng đựng nước để phòng khi có hỏa hoạn. Cuối cùng, chúng tôi lập bập bước sang mái nhà của trụ sở giao dịch của thị tộc Đại Bàng. Đó là một khu lớn gồm nhiều tòa nhà, nơi sinh sống của các gia đình Maya thuộc các thị tộc hậu duệ của loài chim, đến từ một vài thành phố dưới đồng bằng. Đang có một vụ ầm ĩ dưới lòng đường trước mặt chúng tôi, chúng tôi không nhìn rõ là vụ gì. Nhưng như có kẻ đang bị nện cho một trận. Thằng đầy tớ riêng của Bị Thương 14 gào vọng xuống để hỏi xem có chuyện gì, và thế là chúng tôi lại phải dừng lại một lúc để nghe ai đó gào lên giải thích toàn bộ câu chuyện, rồi lại đến ai đó nữa gào lên giải thích theo một cách khác hẳn. Đồ chết dẫm, làm gì có lắm thời gian thế, - tôi nghĩ bụng. Tôi len đến chỗ Cá Sấu 12.
-Chúng ta nên gửi người đưa tin đến chỗ công nương Koh ngay, - tôi nói bằng ngôn ngữ của thị tộc Đại Bàng.
-Ta nên chờ đến khi được che chở, - Cá Sấu 12 trả lời, ý nói “được vào trong nhà”. Ông ta  nói rằng không phải là ý hay khi giở các món hàng ra ở nơi mà những kẻ cha vơ chú vào có thể nhìn thấy.
Đúng thế thật, - tôi nghĩ. Thiên hạ đang tụ tập xúm xít trên các mái nhà xung quanh để hóng xem có chuyện gì. Tôi ra hiệu “cũng được”.
Tôi quay lại chỗ của mình trong hàng, sốt ruột nhấp nhổm trên hai chân.
Bị Thương 14 quay lại và giải thích sự việc chúng tôi đang nghe thấy. Hình như một người phụ nữ đang bị hành hình bởi tay các thầy tu của giáo hội Bìm Bìm, những kẻ mà tôi đoán là tương tự như lính Taliban, chỉ vì một tràng hắt hơi trong buổi lễ vọng hồi trưa.
Cá Sấu 12 ra lệnh cho chúng tôi không được xuống dưới phố. Ông ta nói chúng tôi không được phép đi vào qua lối cửa chính. Thay vào đó, chúng tôi phải leo xuống theo một đường nửa như cầu thang, nửa như thang đứng, xuống một cái sân trong nhỏ. Nó rộng chừng ba mươi sải vuông, trống không trừ một cái bàn thờ đặt ở chính giữa với bốn tượng thờ tổ tiên bằng gỗ lớn đặt ở bốn góc và bốn cánh cửa nhỏ trên bốn bức tường. Chúng tôi tự động tập hợp lại ở góc phía đông khoảnh sân, hướng mà từ đó chúng tôi đến. Nhóm người của Bị Thương 14 đứng ở góc phía tây. Toàn gia, ít nhất là năm mươi người, đã đổ ra để giương mắt nhìn chúng tôi. Một phút ngượng nghịu. Trước khi được ngồi trong nhà ai đó thì người ta phải hỏi xin được bước vào đã. Cá Sấu 12 giậm chân ra hiệu một cái, chúng tôi lấy xì gà ra và bắt đầu nghi thức chào hỏi. Tôi cảm giác hình như Bị Thương 14 và người của hắn vẫn đang soi tôi bằng khóe mắt. Tôi biết vài người trong số họ đã từng xem Chacal chơi bóng. Nhưng nhìn tôi bây giờ khác hoàn toàn rồi, phải vậy không? Có lẽ họ nhìn chỉ vì tôi có bề ngoài ấn tượng thôi. Tôi đang dần nhận ra tôi có vẻ ngoài khá ấn tượng và cá tính, hơn nhiều khi còn là Jed. Chacal từng là một vận động viên chuyên nghiệp, và mặc dù tôi đã cố điều chỉnh vận động theo cách riêng của mình, nhưng cơ thể anh ta vẫn tự điều khiển mình như trước. Giống như khi anh gặp vận động viên bóng rổ hàng đầu, anh sẽ chẳng cần đến một giây để khẳng định anh ta là người đặc biệt. Tôi lại cảm thấy sự lo lắng hồi hộp. Sọ Đá Quý 2 đã tập cho tôi cách chào hỏi xã giao với gia đình Bị Thương 14, cách đi đứng ở Teotihuacán, cách cúi mình hoặc đứng trên kẻ khác, chỉ cho tôi vị trí ngồi so với Cá Sấu 12, so với cái bếp lò, so với kẻ hầu người hạ riêng, dạy tôi khi nào được nhìn lên, khi nào nên nhìn xuống, vân vân và vân vân. Nhưng ngay cả như vậy, vị trí trong đoàn của tôi vẫn không rõ rệt khiến hai bên đều khó xử. Mà ở đây, chỉ cần đứng sai hướng thôi, ví dụ vậy, anh cũng có thể đã khiến ai đó cảm thấy bị xúc phạm. Cẩn thận đấy, - tôi tự nhủ. Đừng lo lắng quá, nhưng phải thận trọng, Hun Xoc nhích lại gần tôi hơn một chút, hoặc để khiến ai khác khó soi vào mặt tôi, hoặc để tỏ ý đứng về phía tôi. Cảm ơn, - tôi nghĩ thầm trong bụng, - cậu quả là một anh chàng tử tế.
Bị Thương 14 dẫn chúng tôi tới trước bức tượng gỗ ở góc đông nam. Đó là tượng một người đàn bà xấu xí, to bè, gần như trần trụi trong tư thế ngồi, nhỏ hơn kích thước thật một chút, hình như không phải tổ tiên như lúc nãy tôi tưởng, mà là Phù Thủy Ngọc Bích. 14 và một tên hầu nắm lấy hai cái đòn trên vai bức tượng, quỳ xuống và nâng nó lên. Chỉ có nửa trên nhấc lên. Nghĩa là bức tượng mở ra như một con trai há miệng. Toàn bộ nửa trước của bức tượng hạ xuống, một nửa của mỗi cánh tay và mỗi bên cẳng chân khoanh lại chạm xuống bắp đùi. Bàn chân và nửa sau nằm yên trên bệ đá. Bên trong nó có chứa đầy những con búp bê bằng đất sét nhỏ xíu được tô vẽ nhiều màu, khoảng sáu mươi con cả thảy. Chúng được buộc vào khắp các vị trí chứ không chỉ ở phần thân chính, cả phía sau cánh tay, cẳng chân. Tôi đoán mỗi con tượng trưng cho một người của gia đình 14. Có lẽ những con búp bê matryoshka được làm ra dựa trên cùng một ý tưởng như thế này. Một tên hầu bước tới với cái khay gồm hai mươi con búp bê nữa, mỗi con tượng trưng cho một người trong số chúng tôi, và chúng tôi đứng xung quanh trong lúc một thợ vẽ tô cho mỗi con một màu để phân biệt.
Tôi liếc sang Hun Xoc. Cái trò điên dở gì thế này? – ánh mắt của thằng bé đáp lại. Tôi nhìn đi chỗ khác để khỏi cười. Tay thợ vẽ đưa cho tôi con búp bê của tôi. Một cục đất nặn bằng khuôn thô thiển, rẻ tiền với cái mũ to xù kiểu Teotihuacán, chẳng có tí gì giống tôi trừ những vạch màu đỏ trên thắt lưng. Nhưng tôi đoán tôi đã cầm rồi thì bây giờ nó là của tôi. Tôi đợi đến lượt mình và đưa nó cho tên hầu. Hắn buộc nó vào một cái mấu nhô ra ở mông trái bức tượng. Vị trí có thể hiện ý nghĩa gì không nhỉ? – tôi phân vân, - hay chỉ vì họ còn mỗi chỗ ấy thôi? Cá Sấu 12 lưỡng lự một chút trước khi đưa bức tượng của ông ta. Đây là một trò vẽ vời kiểu Mexico. Không phải phong tục của người Maya. Tôi có cảm tưởng rằng Cá Sấu 12 thấy Bị Thương 14 bị ảnh hưởng phong tục bản xứ hơi nhiều quá. Khi ai nấy đã vào chỗ, họ đóng bức tượng lại. Tôi bất giác cảm thấy như bức tường đó vừa khép lên chính người tôi và bây giờ tôi an toàn, ấm cúng giữa một cộng đồng lớn với tự do cá nhân về không. Có lẽ ở Teotihuacán này là như vậy, các kim tự tháp nhỏ xúm lại quanh kim tự tháp lớn, các quảng trường nhỏ dựa vào quảng trường lớn và mọi điều đều dựa vào một thứ gì đó khác.
Bây giờ chúng tôi đã là người trong nhà và được mời vào phòng tắm hơi. Khi chúng tôi xếp hàng nối đuôi nhau đi qua cổng vòm phía bắc, Cá Sấu 12 nói vài lời xin phép và ông ta cùng Hun Xoc, Bướm Đêm – viên kế toán, kiêm thầy ký, kiêm thầy khấn của chúng tôi – và tôi tách ra, khom người chui qua một cái cửa ngách. Như thế là không lịch sự, nhưng Cá Sấu 12 đã từng đến ngôi nhà này và ông ta có vai vế hơn bất cứ ai ở đây. Chúng tôi cần một chút riêng tư, nhưng căn phòng đầu tiên chúng tôi thử bước vào bốc mùi kinh người, hóa ra cái mùi đó bay ra từ một đám năm đứa nô lệ. Chúng mới chừng tám tuổi, đang nhẫn nại quỳ trong một góc tường, bị trói lại với nhau bằng một sợi thừng mảnh có tính chất tượng trưng. Một đứa rùng rùng mình vì mấy con ruổi bậu trên vai nhưng cũng không đập. Nhẫn nhục quá. Chúng tôi đi qua một khoảnh sân khác. Có những bể chứa nước, những cây lê tàu trồng trong sọt, những chiếc áo choàng màu vàng phơi trên giá và những người phụ nữ trong tấm quechquemitl vàng – tức là tấm vải hình tam giác mà các cô gái quấn thay áo cánh – đang nhuộm những dải gì đó trong một chiếc thùng. Mọi thứ đều có vẻ bình thường, - tôi tự nhủ, - đừng lo lắng. Chúng tôi tìm thấy một căn phòng trống tối hơn. Nó có vẻ tạm bợ như hang động của bọn kẻ cướp, với những súc vải chất đống cạnh tường và những chiếc hũ lớn, hình thù cho thấy đó là hũ đựng muối tinh. Một tên hầu của 14 cũng bám đuôi chúng tôi vào, nhưng Cá Sấu 12 lừ lừ nhìn hắn với ánh mắt tăm tối đến mức hẳn phải lùi ra. Hun Xoc giờ cái gói của mình và lôi ra món quà mà chúng tôi mang theo làm lễ vật cho công nương Koh. Đó là một chiếc hộp to bằng đầu người đựng bốn trăm miếng da lông ức của chim đuôi seo đực. Khi nó mở hộp vào kiểm tra, những sợi lông ánh lên như chất phóng xạ trong bóng tối lờ mờ. Một món quà thật lạ thường, tốn đến hàng trăm ngày công lao động và trị giá tương đương thứ gì thì có trời biết.

47

IMG_0318
Điểm độc đáo của người Maya chúng tôi là cho dù có vô số sách vở nhưng chúng tôi không hề có văn hóa thư từ, ý tôi muốn nói đến những thứ như thiệp báo hay thư tín. Người ta không thực sự gửi cho người khác các giấy tờ có chữ viết, và nếu thi thoảng có thì cũng chỉ có tính chất nghi thức và luôn đi kèm theo thứ gì đó, giống như tấm thiệp gửi kèm quà tặng. Không ai gửi gấp cho ai một bức thư bao giờ. Chính vì thế chúng tôi mới dùng đến những người ghi nhờ như Bướm Đêm 3, họ có thể nói được mười thứ tiếng, là những tay chạy đường trung có đẳng cấp, được tôi luyện để coi thường sự tra khảo, có thể nghe một bài diễn thuyết dài đúng một lượt và thuật lại vào bất kỳ lúc nào mà không hề quên sót hay nhầm lẫn. Vì thế, tôi đoán rằng việc tôi đang làm đây có chút cải tiến. Hừ, đến lúc này, chúng ta chắc phải quẳng cái nguyên tắc giữ mình nhún nhường đi. Làm gì cũng được, miễn sao thu hút được sự chú ý của người phụ nữ đó. Ngay cả khi nó có làm người ta trợn tròn mắt lên một tí.
Cá Sấu 12 hỏi Hun Xoc và tôi xem chúng tôi có muốn thêm gì vào bức tường thông điệp mà Sọ Đá Quý 2 đã thảo sẵn không. Chúng tôi đáp rằng không. Ông ta nhắc lại nội dung thông điệp chính. Bướm Đêm 3 nhắc lại lần nữa. Đó là lời thỉnh cầu một cuộc diện kiến và đồng thời cảnh báo rằng chúng tôi, với tư cách là sứ thần của một phần dòng tộc của công nương, có nghĩa vụ phải thông báo với bà về mối nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi chưa biết bà ta sẽ đón nhận nó như thế nào. Lòng trung thành của bà ta có thể sẽ bị chia rẽ.
Cá Sấu 12 nói rằng trên đường tới đây, ông ta đã tìm hiểu được chính xác công nương Koh đang ở đâu. Tôi lo lắng không biết liệu ông ta có đủ kín đáo khi tìm hiểu thông tin ấy không, ừ, lão ta cũng không ngoan lắm, - tôi tự trấn an, - không có chuyện gì đâu, chắc chắn là không có chuyện gì. Ông ta nói với chúng tôi rằng bà ta đang ở trong tòa nhà phía đông tu viện. Tiếp đó, chuyện này khiến tôi ngạc nhiên, ông ta nói chúng tôi sẽ chờ thêm hai một-phần-chín nữa và ông ta sẽ phái hai người của Bị Thương 14 đi cùng.
Cả đoàn hộ tống nữa cơ đấy, - tôi nghĩ bụng, - quỷ tha ma bắt chúng đi, còn gì là bí mật nữa.
Chúng tôi ngồi chờ trong phòng chờ của nhà tắm hơi với Bị Thương 14, thằng đầy tớ riêng của hắn và một đứa con của hắn tên là Ngọc Giá (Một loại cây thuộc họ thừa) Trái. Chúng tôi đã làm tóc xong xuôi. Ở thành phố này, anh lúc nào cũng phải bảnh bao hết mức có thể. Hệt như một nhân vật cỡ bự muốn khuếch trương sự vụ gì đó, cứ phải đi dự hết đám hội hè này đến đám hội hè khác, tốn hàng giờ mỗi ngày với trò trang điểm và tóc tai trong khi thì giờ đó có thể dùng vào khối việc bổ ích hơn. Hun Xoc và tôi đã vấn xong kiểu tóc Teotihuacán, bôi một lớp dầu mỏng hơn, không tết nút hay đính hạt. Đa phần người Ix đều quá kiêu hãnh, hoặc nói theo cách khác là quá tự tôn dân tộc, để làm những chuyện như thế này, nhưng chúng tôi cũng muốn hòa nhập nếu tình thế bắt buộc. Chỉ sướng một nỗi là chúng tôi được tháo khuyên mũi ra.
Người Teotihuacán nổi tiếng kiệm lời chứ không thích tán dóc như người Ix. Bị Thương 14 và bộ quần thần nho nhỏ của hắn đã học được lối cư xử đó. Nhưng Cá Sấu 12 đã khéo léo khơi được chuyện với hắn và lúc này, hắn đang kể cho chúng nghe chuyện hơn một ngàn người Maya đang sinh sống ở đây như thế nào – thời này, chúng tôi chưa có khái niệm “Maya” mà chỉ có tên các thành bang mà tộc người chúng tôi sinh sống – và trong số đó chỉ có ba mươi người đến từ Ix, trong đó, mười tám người thuộc các thị tộc dưới quyền nhà Đại Bàng, những người khác thuộc các dòng tộc có quan hệ với nhà Mèo Rừng. So với hàng trăm người Ti’kalan ở đây thì cộng đồng đó tương đối nhỏ. Và vì gần đây, Bị Thương 14 buộc phải tránh mặt những người liên quan đến nhà Mèo Rừng nên tôi đoán hắn cảm thấy hơi cô độc.
Cá Sấu 12 hỏi liệu bon Mèo Rừng có nổi đình nổi đám lắm không. Trong số tất cả những người sinh sống ở Teotihuacán này, đó là những kẻ chúng tôi cần tránh nhất.
-May cho chúng ta là chúng phải sống cùng nhà Báo Sư Tử, - Bị Thương 14 đáp, - và bọn ấy thì ngày càng quá thể.
Theo 14, tình hình hiện tại của Teotihuacán không thể kéo dài lâu hơn được nữa. Chalco, Zumpanco và năm thành bang khác trong vùng kinh tế khổng lồ của Thung Lũng Mexico – nằm nhẫn nhục dưới trướng của Teotihuacán đã nhiều thế kỷ nay – bắt đầu trì hoãn cống nộp. Tai hại nhất là họ không gửi thêm củi đốt đến các lò nung vôi của thủ phủ Teotihuacán nữa. 14 không nói gì thêm về chuyện này nhưng tôi đoán rằng qua nhiều năm, việc phá hại rừng đã gây ra cảnh lụt lội, xói mòn đất đai và bùn lấp mà chúng tôi đã chứng kiến suốt chuyến cuốc bộ xuyên thung lũng này.
Tuy thế, 14 nói, người di cư vẫn đổ về thành phố đông hơn bao giờ hết, nhất là bọn Quá-Cao. Hắn nói bọn Quá-Cao là rắc rối lớn nhất ở Teotihuacán. Có đến “bốn trăm lần của bốn trăm lần của bốn trăm gia đình bọn người đó ở đây. Đó là một thành ngữ ý nói rất đông. Nếu tất cả số đó cùng hợp sức lại, chúng có thể tàn phá thành phố này. Đó là con cháu của lũ vô lại, đó là lý do vì sao chúng bốc mùi hôi thối đến vậy. Chúng phải bị quét sạch khỏi thành phố.
Vấn đề nằm ở chỗ Teotihuacán buộc phải đón tiếp bất cứ ai đến với nó. Tại thời điểm này, dựa trên những gì tôi được nghe kể về ngôn ngữ của người Quá-Cao, tôi suy đoán rằng họ là những tộc người mà con cháu sau này chính là, hoặc rất gần gũi với người Toltec. Vì thế tôi thấy hơi tò mò về họ. Nhưng 14 nói bọn Quá-Cao là lũ “sỏi mù” thấp hèn – tôi không hiểu như thế nghĩa là gì nhưng không có dịp hỏi – đã bị đá khỏi thành phố của chính mình, lang thang khắp nơi để nhòm ngó xem có gì cuỗm được hay không. Theo tôi tìm hiểu được, thành phố của họ nằm cách đây khoảng một trăm dặm về phía bắc. Tôi không xác định được nó là thành phố nào trong những thành phố tôi biết. 14 cho biết hắn từng đến đó, và rằng đó là một nơi lộn xộn, thấp hèn, man mọi kinh tởm, nơi bọn trẻ con ăn cứt và hàng bầy du côn chạy qua các sân nhà.
-Nhà Báo Sư Tử săn đuổi chúng trên vùng đồi, - 14 nói, - nhưng họ không thể làm thế ở duới thung lũng.
Đã có nhiều vụ lộn xộn và ẩu đả trên đường và lính của Nhà Báo Sư Tử bắt đầu trở nên hống hách không chịu được. Vài mùa hòa bình qua đã bắt đầu xảy ra tình trạng hiếm lương thực và “ghẻ nâu”, một loại bệnh dịch nào đó - tại những khu nghèo nhất của thành phố. Năm nay, mưa gió lại thất thường, mùa thu hoạch tới được dự báo là tồi tệ nhất trong bảy mươi mốt năm qua.
Và cuối cùng, 14 nói, căng thẳng giữa Hội Rắn Chuông Sao và hai Giáo hội lớn của thành phố mỗi một lúc tệ hại. Theo cái cách mà hắn giải thích, tôi có cảm tưởng rằng tình hình ở đây tương tự như ở Rome vào thế kỷ thứ 7. Tín ngưỡng thờ Rắn Chuông đang lan rộng, nhất là giữa các bộ tộc không có bếp lò và người ở nhà tròn, nghĩa là những bộ tộc hèn kém đang liên tục đổ về thành phố. Hội Rắn Chuông Sao tiếp nhận ngày một nhiều tín đồ hoặc người cải đạo thuộc cả hai nửa đỏ và trắng của thành phố, những kẻ đang chán ngán với những cái mà anh có thể gọi là sự lố bịch hóa của xã hội Teotihuacán. Hình như Hội Rắn Chuông đem lại cho họ một thứ tôn giáo ít tôn ti thứ bậc hơn, ít ràng buộc với tổ tiên hơn, với những vị thần bảo trợ không ngự ở bất kì đền thờ nào trên trái đất mà trên chính dải ngân hà. 14 nói rất nhiều trong số những người cải đạo “cắt máu” với chính công nương Koh đầy quyền năng.
Tín ngưỡng thờ Rắn Chuông từa tựa như phong trào cải đạo Tin Lành, như Akkhenaton (Vị hoàng đế cai trị Ai Cập vào giữa thế kỉ 14 trước công nguyên, người tiến hành việc cải cách tín ngưỡng, chuyển từ thờ cúng đa thần sang thờ phụng thần mặt trời Aton.) trước đó và Luther (Martin Luther, nhà cải cách tôn giáo cuối thể kỉ 15, đầu thế kỉ 16, người làm thay đổi dòng lịch sử văn minh phương Tây bằng những tư tưởng mới trong tín ngưỡng Công Giáo.) sau này. Khi một cộng đồng giáo sĩ nào đó hoạt động được một thời gian dài, họ sẽ tích cóp được nhiều tiền của và dân chúng lại bắt đầu phẫn uất. Hiện các thầy tu của Rắn Chuông Sao đang rất được lòng những kẻ đã từng bị tước đoạt. Thời gian “im lặng” sẽ bắt đầu sau sáu ngày nữa tính từ ngày hôm nay, tức là năm ngày trước thời điểm nhật thực. Trong suốt thời gian đó, thành phố sẽ tắt hết đèn đuốc, tất cả các đống lửa sẽ bị dập, kể cả những đống lửa lớn trên đỉnh kim tự tháp. Mặc dù cứ đều đặn năm mươi hai năm lại có một lễ “im lặng”, nhưng lễ lần này không nằm trong lịch trình đó, vì thế nó càng đáng sợ hơn. Năm ngày đó sẽ không được bảo trợ bởi bất cứ người khối thiện hay vị tổ tiên nào, chẳng có ai hết vì chúng không phải những ngày có thật và được đặt tên mà chỉ là sự sai sót của vũ trụ mà thôi. Người dân sẽ cảm thấy chìm đắm trong cơn ác mộng của thời gian vô định, phó mặc cho các uay lạnh lùng và xấu xa. Rất nhiều người mong vượt qua thời khắc bằng cách “ đi trên tấm lưng trắng của Rắn Chuông”, tức là cầu xin sự bảo vệ của nó khi tất cả các vị thần khác đã bỏ rơi họ. Nói tóm lại, điều đó sẽ khiến việc diện kiến công nương Koh trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi phải lên đường ngay lập tức.
Tuy thế, bất chấp tất cả những chuyện này, 14 chẳng lo lắng chút nào. Thực ra, hắn tỏ vẻ thờ ơ. Chắc đầu óc hắn đã ngấm đầy cái thuyết hoang đường về sự trường tồn vĩnh viễn của Teotihuacán. Dĩ nhiên, đúng là nơi này có ổn định hơn các thành phố Maya thật. Các ahau Maya cứ tuần tự vài năm một lần gây chuyện nhặng xị khiến việc quản lý cứ thay đổi luôn luôn, do hậu quả của thoái vị hay tiếm quyền, hoặc nơi xảy ra chuyến sẽ bị coi là ô uế và bị bỏ hoang. Teotihuacán thì khác. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó sẽ tồn tại mãi mãi.
Bị thương 14 dừng lời. Cá Sấu 12 im lặng. Cả ông ta lẫn Hun Xoc và tôi, không ai nhắc lời nào đến công nương Koh. Chúng tôi cũng ra lệnh cho Bướm Đêm 3 không nói với đoàn hộ tống rằng hắn đi đâu.
Mới đây, 14 nói tiếp, lính của Nhà Báo Sư Tư bắt đầu sách nhiễu những ngưòi cải đạo trên đường từ chợ đến Ciudadela (Một khu vực khép kín của Teotihuacán còn tồn tại đến ngày nay, được coi là nơi thực hiện các nghi lễ tôn giáo) – nơi hội họp của Hội Rắn Chuông – và cách đây hai ngày, một gia đình cải đạo đã bị giết hại. Thân nhân của họ đang đòi Nhà Báo Sư Tử bồi thường và thiên hạ đồn rằng thị tộc Bướm Đuôi Nhạn đã phá bỏ giao kèo của họ với các thần mưa.
Vậy là, với tất cả mọi chuyện đang xảy ra, “nuốt ánh sáng” - tức hiện tượng nhật thực sẽ tới trong mười một ngày nữa  - sẽ là thời điểm nhiều rủi ro.
Im lặng. Cá Sấu 12 nhìn Hun Xoc, sau đó nhìn tôi, cái nhìn đáng sợ của người quen chỉ huy, nhưng không nói năng gì. Chúng tôi cũng vậy.
-Ngài, bên cạnh tôi, ngài đã từng dâng lễ cho cha ông chúng ta cùng công nương Koh chưa? – Cá Sấu 12 hỏi. Theo những gì chúng tôi được biết, bà ta không chỉ bị giam giữ tại nơi ở. Cá Sấu 12 muốn chắc chắn rằng bà ta còn sống.
Bị Thương 14 không trả lời thẳng. Thay vào đó, hắn nói hắn và những ngưòi khác của nhà Đại Bàng ở Teotihuacán từng trông thấy bà ta tại các đám rước của Rắn Chuông Sao, bà ta hẳn phải là tay hùng biện có hạng, và gần đây có những tin đồn rằng bà ta đang thu thập nhiều tín đồ của riêng mình trong số hàng trăm người gia nhập Hội Rắn Chuông Sao mỗi ngày.
- Thiên hạ đồn rằng bốn mùa chiến tranh trước, một kẻ đã lên án bà ta trước giáo hội Báo Sư Tử, và đêm hôm đó, một con bọ cạp đã bò vào nhà, cắn cho hắn một phát khiến con ngươi bật ra và hắn thành thằng mù. - Hắn kể rằng bà ta đã tiến đóan trước được trận lụt xảy ra cách đây ba mùa, và rằng bà ta chỉ gặp mặt những người đứng đầu dòng họ quý tộc theo đạo Rắn Chuông và không xem bói cho bẩt cứ ai khác, rằng bà ta có hai người vợ, và rằng bà ta có thể “ đọc được k’atun chưa ra đời”, nghĩa là bà ta có thể nhìn vào tương lai hai mươi năm sau. – Bà ta còn nói chuyện được với nhện, sai khiến chúng dệt những tấm mạng nhiều màu hoặc xe dây thừng nữa.
Tôi nhìn sang Hun Xoc. Nó nhìn xuống - một kiểu nhún vai của người Maya – ý nói “ừ, cũng có thể đấy. Chuyện lạ nhý thế vẫn xảy ra mŕ”.
- Và hai Giáo hội lớn không tin tưởng bà ta, - 14 nói.
Xem ra công nương Koh là người có vị trí cao, tuy chưa phải đứng đầu, một hội hay nói cách khác là một dòng tu gọi là Những Đứa Con Của Nhện Dệt Cầu Vàng. Họ là những người phụ nữ vì lý do tín ngưỡng, có thể ăn vận như nam giới, hành động và phát ngôn như nam giới. Tôi nghĩ chúng ta có thể gọi họ là những người “ bận y phục khác phái”, chỉ có điều cái tên này làm cho người ta tưởng nó chỉ là một hành động. Ái (Nguyên văn: “epicine”, từ dùng để chỉ những người đống tính nam hoặc nữ có xu hướng quá nữ tính) chăng? Không, nghe hơi nữ tính quá. Hừmm. Trong nhiều sách vở người ta vẫn hay dùng từ “đồng tính” (Nguyên văn “berdache”, khái niệm chỉ những người nam giới đóng vai trò của cả hai giới trong những công việc hoặc nghi lễ mà nữ giới không được tham gia, tồn tại ở rất nhiều nền văn hóa bản địa Bắc Mỹ), nhưng từ đó chỉ dành riêng cho nam giới ở các nền văn hóa dành cho người da đỏ Bắc Mỹ. Có lẽ chúng ta nên gọi họ đơn giản là những ngưòi đồng giới. Mặc dù từ đó nghe có tính sinh học quá, nhưng thôi kệ. Nói tóm lại, Koh và tất cả các nữ tư tế khác của dòng Nhện Dệt Cầu Vàng cũng như các thầy tế nam giới của Rắn Chuông đã bị giữ làm con tin suốt hai tun vừa qua. 14 không dùng cách diễn đạt này, nhưng tôi có cảm tưởng rằng họ bị lính nhà Báo Sư Tử giam giữ tại nhà.
Có tiếng huýt sáo của một người đưa tin. Cá Sấu 12 huýt sáo đáp lại, nghĩa là “ngươi được phép vào”. Hắn khom ngưòi bước tới và thì thầm với Cá Sấu 12. Cá Sấu 12 ra hiệu cáo lỗi và đi ra ngoài. Tôi đi theo ông ta vào một hành lang nhỏ. Ông ta quay lại và nói nhỏ với tổi rằng Bướm Đêm 3 vừa về, hắn nói: “cây gậy tuyết tùng đã gẫy”, nghĩa là công nương Koh sẽ không gặp chúng tôi.