PHẦN III
THÀNH PHỐ LƯỠI DAO
Chương 25

48

48
Cá sấu 12, Hun Xoc và tôi gọi Bướm Đêm 3 đến, đưa hắn và vệ sĩ của hắn tới phòng kho, chính căn phòng có những hũ muối lần trước, để nghe đầu đuôi câu chuyện. Với mọi nỗi khó nhọc của việc đi lại trong thành phố, chắc hắn đã phải chạy ba dặm đi và ba dặm về, bây giờ còn ướt đầm mồ hôi và cố lắm mới không thở hổn hển, Ánh nắng chiếu xiên qua ô cửa trên trần với một góc rất hẹp. Khoảng bốn giờ chiều. Khá muộn rồi. Bướm Đêm 3 nói hắn chắc chắn rằng công nương Koh đã nhận tận tay bức thư. Bà ta đã gửi trả lại số lông chim cùng một món quà trị giá gần tương đương để chúng tôi không cảm thấy bị xúc phạm. Những người gác cửa của bà ta trả lời rằng tất cả những đứa con của Nhện Dệt Cầu Vàng “đều đang bận nuôi Người Nuốt ánh Sáng”, tức là họ đang nhịn ăn trước ngày nhật thực.
Cá Sấu 12 thường tự ra mệnh lệnh, nhưng lần này, ông ta hỏi tôi xem tôi muốn làm thế nào.
Tôi đáp rằng chúng tôi sẽ vẫn đến đó.
- Chúng ta sẽ gửi một món quà cảnh báo có giá trị tương đương, - tôi nói,- tương đương, hoặc lớn hơn.
Chúng tôi sẽ phải lên đường gấp. Tôi phái Hun Xoc đi lấy một vài thứ trong gói đồ quý nhất.
- Ở đó đông lắm, - Bướm Đêm 3 thông báo. Hắn bảo chúng tôi rằng nếu muốn đến đó, chúng tôi nên đi theo hướng nam, bám càng sát trục đường chính càng tốt. Họ đang dẹp bọn tiện dân ra khỏi khu teocalli cho nên ở đó vắng vẻ hơn. Nhưng hình như những người thuộc giới quý tộc được phép ở đó, chí ít cho tới khi mặt trời lặn. Cá Sấu 12 khen hắn làm rất tốt. Hun Xoc quay lại với một ôm đầy quà cáp.
Tôi chọn lấy hai món. Món thứ nhất là một chiếc mũ lông vẹt đuôi dài màu xanh lá cây. Nó trị giá gần hai trăm mười tên nô lệ trẻ, tức là bằng cả số tiền tiêu cho phần còn lại của cuộc hành trình này. Chậc, nếu Sọ Đá Quý 2 có mang công mắc nợ vì nó thì đấy cũng chỉ là rắc rối nhỏ nhất của ông ta. Chúng tôi sẽ biếu nó cho Hội đồng Rắn Chuông Sao chứ không phải công nương Koh, họ sẽ phải nhận và đốt nó trên ban thờ. Điều đó sẽ buộc bà ta phải đích thân cảm ơn chúng tôi. Món thứ hai là một chiếc bình nhỏ màu trắng đựng đầy một thứ nhìn như những chiếc lá khô nhỏ xíu, chỉ bằng con tem Jefferson năm xu số bảy mươi sáu. Chúng rất cân đối với đường viền hình răng cưa, màu hồng tươi điểm những vệt đen lộn xộn như mặt nạ của Rorschach (nhân vật chính trong loạt truyện Watchmen, luôn đeo tấm mặt nạ trắng với những vết đen loang lổ). Đó là da sấy khô của một giống ếch phi tiêu đỏ có độc trong rừng sương mù ở Ix. Chúng báo hiệu sự nguy hiểm, cụ thể là thông điệp cảnh báo: “hãy cẩn thận, chuẩn bị sẵn phi tiêu đi”.
Tôi hỏi Cá Sấu 12 rằng liệu những miếng da này có thể hiện sự thù địch không. Ông đáp rằng không. Những món quà này đều có ý nghĩa tương đối nhất định, và một chiến binh già như ông ta thì chưa có món nào là chưa từng thấy. Chúng tôi đậy cái bình lại. Nó là một chiếc bình mới với hình chạm khắc nhìn nghiêng của hai vị tổ tiên chung của Sọ Đá Quý 2 và Koh, với ẩn ý rằng chúng tôi đang nhắc nhở Koh về nghĩa vụ của bà ta đối với dòng tộc.
- Tôi muốn thêm vào một đoạn cuối, - tôi nói.
Cá Sấu 12 nhìn tôi. Tôi giải thích rằng tình thế này đủ nghiêm trọng để chúng tôi tiết lộ một chút bí mật.
Tôi đọc:
4 Ahau: ajitonxa pochtal Tamoan …
Vào b’ak’tun thứ mười, k’atun thứ tư, tun thứ mười sáu, unial thứ không [tức tháng 8 năm 530 Công nguyên], Lươn Trắng [tức sao chổi Halley] cháy trên đầu chúng ta.
B’ak’tun thứ mười, k’atun thứ tám, tun mười ba, unial mười một [tức tháng 2 năm 674 Công nguyên], Lươn Trắng lại cháy trên đầu chúng ta.
B’ak’tun thứ mười, k’atun thứ mười hai, tun mười một, unial thứ ba [tức tháng 4 năm 684 Công nguyên], Lươn Trắng lại cháy trên đầu chúng ta.
Trước unial thứ mười bốn của tun thứ mười chín, k’atun mười hai, b’ak’tun thứ mười [tức một thời điểm nào đó trước tháng 1 năm 692 Công nguyên]. Teotihucán sụp đổ, hoang phế.
Hết.
Những ngày tháng trên đều không được nhắc đến trong cuốn Thư tịch Nurnberg hay trong bất cứ bản ghi chép cờ hiến tế nào khác mà tôi biết qua Sọ Đá Quý 2, nhưng chúng đều là những sự kiện xảy ra thật. Sọ Đá Quý 2 cũng đã cho tôi biết rằng ở đây mọi người đều biết sao chổi Harley, hiển nhiên thôi, nhưng chưa ai đoán được chính xác những lần xuất hiện của nó, kể cả dùng cờ Hiến tế hay bất cứ cách nào khác. Tôi nói với ông ta rằng điều đó cũng chẳng có gì là lạ vì chu kỳ xuất hiện của nó rất không đều. Thậm chí phải dùng đến nhiều thiết bị hiện đại mới có thể dự báo được trước hai năm, và chỉ đến những năm 1960 người ta mới bắt đầu nắm bắt được nó. Koh hẳn sẽ rất tò mò. Phải vậy không?
Tôi bắt Bướm Đêm nhắc lại. Hắn đọc chính xác ngay từ lần đầu. Chúng tôi sai hắn đi.
- Chúng ta sẽ không chờ hồi âm, - tôi đáp, - tôi sẽ cho bà ta bốn ngàn nhịp (một cách nói ám chỉ khoảng một giờ đồng hồ) và sau đó chúng ta sẽ đứng ngay trước cửa.
Cá Sấu 12 có vẻ hơi ngờ vực điều này, nhưng đó là việc riêng của tôi nên ông ta không nói gì.
Hun Xoc, Ngọc Giá Trái – con trai 14 – và tôi đi qua một lối sân trống. Các vị khách khứa của gia đình 14 đã thu dọn chỗ nằm nghỉ trên mái nhà, chúng tôi bước qua người họ, leo xuống một con hẻm nhỏ ở phía bắc và nhằm thẳng hướng đông tới trục đường chính.
- Chúng ta nên im lặng, - Hun Xoc nói. Nó không muốn bất cứ ai nghe thấy chúng tôi nói tiếng Ix. Tôi nhất quyết đòi đeo mặt nạ thay vì khuyên mũi, cái thứ khiến tôi phát rồ lên – không có gì tệ hại bằng những cơn đau nhói. Chúng tôi khoác lên người những tấm áo choàng theo kiểu địa phương với họa tiết hình bọ cạp đỏ và xám có đính hạt, điều đó có nghĩa là chúng tôi dẹp nghĩa vụ đối với thị tộc sang một bên và chỉ đơn giản đi cúng cầu mưa cho cả thành phố. Như vậy, không ai có thể nhận ra chúng tôi thuộc gia tộc nào. Thế nhưng, chúng tôi vẫn chưa bắt chước được đúng điệu bộ của người Teotihuacán. Việc này có thể dẫn đến rắc rối không nhỏ nếu chúng tôi bị bắt giữ. Tôi nhìn quanh. Có vẻ như chúng tôi đã qua mặt được bọn do thám, nếu có thể gọi là do thám, vì chúng chẳng hề kín đáo chút nào. Tôi nghĩ cảnh này cũng giống ở nước Nga Xô-viết cũ vào những thập kỷ cuối cùng, khi ai cũng biết mặt tất cả, hoặc phần lớn, những kẻ theo dõi. Có lẽ chúng bị quá tải vì những đám đông không ngừng đổ về thành phố. Sự lộn xộn sẽ có lợi cho chúng tôi. Nhưng dù sao chúng tôi cũng có làm chuyện gì phản loạn đâu, phải vậy không? Ý tôi là chưa thôi.
Chúng tôi rẽ phải, vào một ngõ hẹp tối âm âm như những lối đi dạo giữa hai hàng cây ở Trung Đông. Nó rộng chừng năm sải tay và gần như song song với trục đường chính, cách một khu nhà, vì vậy, về mặt không gian, chúng tôi như đang đi trên đại lộ Madison (Madison: một đại lộ ở thành phố New York, Mỹ)  (chỉ có điều hẹp hơn rất nhiều) và cứ đến mỗi ngã rẽ lại nhìn thấy công viên Trung tâm. Chúng tôi đang đi theo đường khác với đường Bướm Đêm đã đi. Lúc này chắc hắn cũng vừa đến nơi. Cứ cho bà ta chút thời gian nghe hắn trình bày đã. Nghe và khóc thét lên. Tôi nhìn thấy một con rắn nước lớn đang phơi nắng trên một bờ tường thấp. Dân tình ở đây khá kỹ tính về việc không làm phiền những con rắn có vảy, cũng như ở Ấn Độ người ta không làm phiền khỉ nuôi trong đền hay những con quạ thiêng. Có cái lợi là ít chuột bọ và lắm người chết vì rắn cắn, điều thứ hai được coi là có lợi vì người ta thổi phồng lên rằng như vậy là Rắn Chuông Sao đã gửi một đứa con của ngài đến để đưa uay của anh lên tầng trời thứ mười ba.
Đi thêm hai “tòa nhà” về hướng nam, chúng tôi đã vượt qua một đường ranh giới vô hình để vào khu người Teotihucán bản xứ. Khu bắc – tây bắc mà chúng tôi vừa rời khỏi là nơi đặt những trú quân giàu có nhất của người Maya, nhưng những ngôi nhà vẫn nhỏ hơn, cũ kỹ hơn và có cái không khí đặc trưng Maya. Theo tôi nó giống khu vực giành cho cộng đồng chiếm thiểu số mà bất cứ thành phố nào cũng có. Ta hãy tiếp tục so sánh với thành phố New York, nó giống như đi dọc phố Mulberry và qua khu ranh giới với khu Trung – Ý bên bờ kênh. Một tốp ba gã Quá-Cao bộ dạng lồng ngồng; từ trong một đường ngách có mái che ló đầu ra, chúng đang bước vào nơi không được phép. Hun Xoc vội lao vào chắn giữa chúng và tôi. Tôi nhìn nó qua tấm mặt nạ, tỏ ý cảm ơn.
Không có gì, - ánh mắt Hun Xoc trả lời.
Cậu biết đấy, - tôi tiếp tục ra hiệu, - tôi không tin gã Ngọc Giá Trái này.
Đừng lo, - Hun Xoc đáp, - chúng ta sẽ không cho hắn biết điều gì hết. Và tôi sẽ canh chừng hắn như thằng trộm.
Đến quãng này, nhà cửa mỗi lúc một mới và to hơn. Tối thiểu là hai tầng, phần dưới xây bằng đá trát thạch cao, phần trên là gỗ ván, cũng trát thạch cao. Các thương lái và người hành hương, luôn đi thành từng tốp ba người hoặc hơn, ngang qua chúng tôi, ra dấu chào hỏi lặng lẽ. Tất cả đều có bộ dạng len lén như thể ai cũng có một cuộc hẹn kín như chúng tôi. Chúng tôi đi qua một toán phu  hót phân, họ cúi gập mình kính cẩn quanh chúng tôi, trên lưng là những cái vại lớn bốc mùi kinh tởm. Từng tốp năm tên lính của nhà Báo Sư Tử đi nghênh ngang giữa đường giữa lối. Chắc chúng muốn bắt bớ hoặc thậm chí xô vào nhà người ta để tịch thu bất cứ thứ đồ đạc nào có thể coi là phô trương.
Thành phố này có cái không khí im ắng kỳ lạ. Ở các thành phố Maya, luôn có tiếng người hát hò, còn ở đây, tôi đoán các bài hát chỉ được cất lên vào những dịp nhất định. Vì thế, anh có thể nghe thấy cả tiếng bước chân nện xuống, tiếng chim chóc, đôi khi cả tiếng đá lửa cành cạch và tiếng rền rĩ của cưa đá xẻ vào gỗ, nhưng ngoài ra chẳng còn mấy tiếng động gì khác; những bức tường đá dày tạo thành tiếng dội khiến mọi tiếng động hòa vào nhau thành một thứ âm thanh nghe lóc bóc như có nước. Xem ra đến một nửa số người đi trên đường đều đeo khuyên mũi, nửa còn lại, có lẽ thuộc tuýp truyền thống hơn, thì đeo mặt nạ hoặc che mạng. Như nhau cả, - tôi nghĩ bụng. Tôi bắt đầu thấy có cảm giác mệt mỏi vì phải nhìn quá nhiều bộ mặt. Chúng dần trở nên giống hệt như nhau và chẳng còn gì là thú vị nữa. Mặt nạ nào cũng như mặt nạ nào, làm từ thạch cao hoặc một loại bột giấy bằng ngô nào đó của địa phương, trơn chuội, dửng dưng, trắng đục, điểm cặp mắt hình hạnh nhân, với tất cả sự vô hồn của một khuôn mặt không biểu lộ tình cảm, không tuổi tác, không giới tính, không sắc tộc, không sống cũng không chết. Cho nên, với tất cả những tấm mặt nạ, áo choàng dài, sự yên ắng và không cây không cỏ này, thứ tự nhiên duy nhất mà anh có thể nhìn thấy từ mặt đường là bầu trời đang đổi màu trên đầu anh và thi thoảng một chiếc cầu nhỏ bắc qua con rạch.
Khi đến mé nam kim tự tháp Bão Lốc, chúng tôi rẽ trái, hướng về trục đường chính. Năm tên lính nhà Báo Sư Tử thảnh thơi đứng gác, Ngọc Giá Trái trao đổi với chúng bằng tiếng Teotihuacán đều đều không ngữ điệu. Chúng nhận ra hắn và để chúng tôi đi qua.
Đám đàn bà con gái đi đâu hết nhỉ? – tôi thắc mắc. Dĩ nhiên, đây là khu vực hành lễ nên nó bị cách ly. Nhưng ngay cả trên các con phố nhỏ bên cạnh cũng khó lòng thấy bóng dáng phụ nữ, cả con nít cũng không nhiều. Hệt như một thành phố đạo hồi, nơi phụ nữ quý tộc được coi là quá cao quý để được ra khỏi nhà. Hoặc ít ra cũng là cách họ tự giải thích về sự tù túng của mình. Cái thành phố này làm mình phát khó chịu, - tôi nghĩ bụng, - không, không đời nào mình muốn sống ở đây.
Nơi này đồ sộ thật, nhưng vẫn không giống cái mà người ở thế kỷ 21 coi là thành phố. Nó giống nhiều ngôi làng tập hợp lại hơn. Anh có thể sống ở đây cả đời mà chẳng bao giờ bước chân sang khu nằm sát bên cạnh. Mà nếu anh làm thế thì chẳng khác nào tự tiện bước vào phòng khách của một ngôi nhà không quen biết. Và nếu anh cứ nhất quyết làm thế, anh sẽ phải bỏ ra ít thì giờ để chuyện trò với bất cứ người nào mà anh tình cờ gặp đầu tiên, rằng anh là họ hàng nhà ai, nghe xem họ hàng nhà anh ta là ai, và nếu các anh không thể moi ra được một người họ hàng chung nào thì anh ta sẽ tẩn cho anh một trận. Mà thực ra người ta cũng chẳng có lý do gì để ra khỏi khu vực sinh sống của mình. Làm gì có nhà hàng ăn – khái niệm này còn chưa xuất hiện – cũng không có cửa hàng mà chỉ có những bãi chợ. Không rạp hát, trừ khi anh tính những buổi trình diễn có tính chất tôn giáo trên một vài quảng trường mà chỉ những người quen biết mới được vào xem. Không có bất cứ trò giải trí nào, trừ khi anh tính việc đến nhà họ hàng chơi và nghe hát hỏng trong sân nhà anh ta, ừ, cái đó tính thì cũng được thôi. Nhưng chắc các bạn cũng hiểu ý tôi muốn nói gì rồi. Họ chẳng có chuyện đi ra ngoài đơn giản chỉ để xem một buổi trình diễn. Nói đúng ra, họ chẳng bao giờ đi ra ngoài. Họ không ra ngoài đi dạo. Họ không đi ra ngoại ô hít thở khí trời trong lành vào dịp cuối tuần. Họ không đưa trẻ con đến trường. Mà cũng chẳng phải vì họ bận lao động cả ngày. Tôi thấy họ toàn lo những chuyện nghĩa vụ với gia đình, với dòng tộc, với thị tộc, với một nửa xã hội mà họ thuộc về, với hàng đống các vị thần bảo trợ, với người sống, với người chưa được sinh ra và đặc biệt là với những người đã chết. Họ làm những việc mà chúng ta, tức là người ở thế kỷ 21 chúng ta, gọi là lễ lạt. Thế nhưng, đối với họ, đấy lại là những việc có ý nghĩa thực tế. Vấn đề nằm ở chỗ thành phố này chẳng có chút không khí giải trí vui vẻ nào, nó nghiêm cẩn và sùng tín hệt như Jerusalem. Cũng có thể đó chỉ là không khí mộ đạo được lan truyền khắp nơi bởi những người hành hương. Và cũng như Jerusalem, nó quá đỗi đông đúc và cáu bẳn. Anh có thể khẳng định rằng ở đây có nhiều hệ thống tín ngưỡng xung khắc nhau.Và anh gần như có thể cảm nhận được - nếu không sợ mình đang suy diễn - rằng cũng như những thành phố khổng lồ khác, thành phố này đơn giản là đã tồn tại quá lâu và đang thối rữa ra từ bên trong. Tôi ở Ix chưa được bao lâu, vậy mà cũng cảm thấy nhớ nó. Mặc dù rất tôn ti trật tự nhưng các thành phố Maya luôn có không khí hội hè và đến chỗ nào anh cũng có thể nghe tiếng ai đó đang cười. Còn cái chỗ này thật khắc khổ, bất chấp đủ thứ chim chóc, hoa hoét và kim tự tháp.
Chúng tôi chen lấn ra được đến giữa quảng trường.Trong một giây, tôi thoáng cảm thấy một trường lực phát ra từ kim tự tháo Phù Thủy xuyên qua mình, tôi đứng sững lại như bị chóng mặt. Hun Xoc khẽ đập vào người tôi và tôi theo thằng bé đi về hướng nam. Đám đông dày đặc nhưng không tắc lại một chỗ. Đường có bậc thang như thường lệ. Chúng làm tôi không hết hơi nữa – tôi đã qua giai đoạn ấy rồi – nhưng cứ leo lên leo xuống mãi cũng gây mụ mẫm đầu óc. Những dải màu tối và sáng trên các bức tường và vỉa hè tạo ra một thứ ảo giác như nghệ thuật ảo thị, vì thế, anh chẳng còn phân biệt được chỗ nào cao, chỗ nào thấp, các bức tường gần hay xa hay bậc tiếp theo ở chỗ nào. Giống như nếu anh sơn những đường ngang lên cầu thang, người đi xuống sẽ bước hụt và lộn cổ. Marena chắc sẽ thích lắm đây, - tôi nghĩ, - phải kể cho cô ta biết mới được.
Coi chừng nhé, - Hun Xoc ra hiệu cho tôi. Tôi sải bước gấp gáp lộ liễu, phía trước lại có lính của nhà Báo Sư Tử đi tới và nó muốn tránh xa chúng. Chúng tôi rẽ sang tay trái, vào một cái chợ trời bán đồ thờ - tôi nghĩ dùng từ này là chính xác bởi nó được dựng lên để mua bán các loại tượng thờ, thuốc thang, nô lệ, dao, bùa ngải, đại loại là những thứ mà hồn vía có ít nhiều quyền năng. Nhưng chúng tôi chẳng có thời gian đâu mà sắm sửa. Chúng tôi rẽ trái, thẳng hướng Ciudadela, sân đền của Rắn Chuông.
Nó vừa uy nghi lại vừa cởi mở, lớn hơn và hoàn thiện hơn bất cứ quảng trường nào khác, được tôn nền cao hơn mặt bằng chung của thành phố, với mười hai bục lớn và ba phía đều có những cầu thang rộng cao ba mươi mốt bậc. Chả thế mà người Tây Ban Nha tưởng nó là một pháo đài. Ở góc phía đông, một phần ba đỉnh trên của kim tự tháp Rắn Chuông nhô lên sau một bức tường cao chướng mắt. Hình như hai Giáo hội lớn đã đe dọa tăng sưu thuế đối với Rắn Chuông Sao nếu họ không xây cái chướng ngại vật ấy. Chắc họ nghĩ nếu làm nó bớt đường bệ đi thì sẽ ít người cải sang đạo này hơn. Thế nhưng tác dụng nếu có thì chỉ là ngược lại. Nó đông nghìn nghịt và hiển nhiên là đền thờ được nhiều người lui tới nhất thành phố. Chúng tôi len qua, đổi hướng nam sang đông nam, đến một nơi mà người ta chỉ thấy những mái nhà lỗ chỗ châu mai của kho chứa đồ thờ ở góc nam kim tượng tháp. Một trong số đó là nơi ở của Nhện Dệt Cầu Vàng. Đám đông đầu tiên chúng tôi đi ngang qua lại là một toán hai mươi tên lính của nhà Báo Sư Tử. Xem ra chúng đứng đông hơn ở khu vực này để canh chừng các Rắn Chuông. Tiếp đến là là một lô các bà già. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy phụ nữ ngoài đường mà không có đàn ông bên cạnh. Không như các quảng trường ở phía bắc, sân đền này có cái không khí hỗn tạp, tức là có rất nhiều kẻ rách rưới. Bị Thương 14 nói rằng những đứa con của Lươn Giời quản lý mọi công việc cứu tế lẫn xét xử ở đây, song nó vẫn giống một quảng trường công cộng hơn một không gian tôn giáo. Không có quầy hàng, cũng không ai trao tay nhau hàng họ gì, nhưng chẳng cần bảo ai, tôi cũng biết đang diễn ra rất nhiều vụ làm ăn buôn bán: bọn cò mồi đổi chác đang thỏa thuận với nhau, những tay kế toán với bàn tính trong tay kiểm tra lại các phép cộng, một gã đặt cá cược thuê đang đặt cược. Các thành phố thời xưa luôn tận dụng không gian công cộng. Để buôn bán mà không có tiền hay điện thoại thì anh nhất định cần đến một nơi tụ tập, cần đến quảng trường và bãi chợ. Chúng tôi đi ngang qua một đám thanh niên chơi taxac, một trò chơi đọc miệng phức tạp, và kak, một trò chơi bằng tay. Tôi nhận ra vỉa hè dưới chân mình đã chuyển sang màu đen, và khi chúng tôi đi ngang qua bàn thờ lớn ở chính giữa, nó lại chuyển thành màu vàng, rồi đỏ. Nó được sắp đặt theo hình bàn cờ Hiến tế với màu sắc rất tươi sáng, một loại thuốc nhuộm nào đó – tôi đoán thế - được tưới lên nền đá vôi. Chúng tôi gặp hai thầy bói Rắn Chuông đội mũ màu xanh da trời đang lượn quanh đám đông và trả lời các câu hỏi. Tinh thần truyền giáo đây mà, - tôi nghĩ. Chúng tôi đi vòng qua những tốp người quỳ dưới các chảo lửa, dâng cúng cho Rắn Chuông, hoặc qua Rắn Chuông gửi đến cho những người thân đã khuất, các vị tổ tiên còn hoặc không còn tên tuổi. Tôi thấy đa phần những người từ nơi khác đến đều có vẻ là trưởng làng. Mỗi người thay mặt cho một vài trăm nông dân ở những đâu thì có trời mà biết. Ngọc Giá Trái nói trận hạn hán vừa rồi đã đưa người lên với Lươn Giời, tức Rắn Chuông Sao, nhiều chưa từng thấy. Hắn nói thêm rằng hai giáo hội Kền Kền và Bướm Đuôi Nhạn đều có những người đếm mặt trời riêng, nhưng người của Hội Rắn Chuông Sao vẫn được coi là giỏi nhất. 14 từng giải thích nguyên do là vì họ biết viết và đã tích lũy được cả một thư viện lưu giữ những ngón nghề tinh túy nhất, nó quá đồ sộ để một người, thậm chí một nhóm người có thể ghi nhớ hết. Một vài trong số họ là người Maya di cư đến, giống như công nương Koh, vì vậy, họ đã duy trì tốt cái ốc đảo cô lập của sự biết đọc biết viết này. Nghe đâu chính nhờ cách dùng nhiều thứ tiếng trong các buổi lễ của mình, Koh đã thu hút được những người từ xa đến như tộc người Quá-Cao chẳng hạn. Rắn Chuông không kỹ tính, Ngọc Giá Trái nói, và họ không đòi hỏi lễ vật sang trọng, chỉ cần bạc hà, khói thuốc lá, âm nhạc và một vài lọn tóc của anh là đủ.
Tiếng trống nổi lên. Đám đông di chuyển chậm dần rồi dừng lại.
Tiếng vọng của những hồi trống dội lại từ khắp nơi trong thành phố, và anh có thể nghe thấy nó lan tiếp vào tận trong núi và xa hơn nữa. Nhịp trống này chúng tôi chưa từng được nghe, nó vang lên năm hồi một, báo hiệu điềm xấu sắp tới.
- Họ nói đường vào thành phố đang được đóng lại, - Ngọc Giá Trái thông báo, - sớm hai ngày.
Vậy là thành phố đã bị phong tỏa cho lễ vọng, chẳng ai ra vào nữa.
Mẹ kiếp, - tôi rủa thầm. Tôi nhìn sang Hun Xoc. Thôi, chúng ta kẹt lại đây rồi, - ánh mắt nó trả lời, - phải cố làm cho thật tốt thôi.
Tiếng trống dứt, đám đông quay lại việc mình, càng vội vã và lặng lẽ tợn. Đồ phải gió, - tôi nghĩ bụng. Tôi đã nghĩ đến chuyện thó ở đâu đó vài “bi” thứ thuốc kia và biến luôn khỏi cái thành phố chán ứ này trước lúc lễ vọng. Bây giờ thì thôi rồi.
Chúng tôi len lỏi xuống các bậc cầu thang chật cứng. Lính gác nhà Báo Sư Tử nhìn chằm chằm vào chúng tôi từ cả hai phía nên tôi cứ phải cúi gằm mặt xuống và chỉ dám liếc nhanh một cái lên kim tự tháp Rắn Chuông. Nó được xây dựng sao cho nhìn như đan từ thân của hai loài rắn khổng lồ, hay đúng hơn, từ hai diện mạo khác nhau của Rắn Chuông: đó là Rắn Biển với hình dáng uốn lượn và tự nhiên hơn, và Lươn Giời, được cách điệu và góc cạnh hơn, với cặp mắt xanh giương tròn của thần mưa Chaak và những chiếc nanh to đều nhau. Hội nữ tư tế của Koh sống tại một trong hai khu nhà ở góc nam sân đền, khu còn lại dành cho các thầy tế nam giới. Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì không thể phân biệt được khu nào dành cho ai. Chúng đều được xây theo kiểu cổ, bằng gỗ, trát thạch cao phẳng mịn, gần như không có cửa sổ, chỉ thi thoảng có những kẽ hở; mặt tiền được sơn xanh nước biển thay vì màu da cam phổ biến ở nửa này của thành phố. Các cánh cửa ra vào nhỏ xíu, chạm khắc những hình thù khuôn mặt ghê sợ, nhưng vẫn không lộ vẻ phô trương. Hầu hết cửa chính đều có một hai người ngồi gác. Họ thường xuyên ngồi đấy hay mới từ khi mọi chuyện tồi tệ đi? Các bầu đoàn ăn mày, người Teotihuacán, người Quá-Cao và đủ hạng người khác bu chật ních con hẻm. Họ không có chăn chiếu, cũng chẳng có đống lửa nào. Họ cứ ngồi đấy, hoặc túm tụm lại với nhau, run rẩy. Chả trách Koh không muốn gặp chúng tôi. Bà ta xua đi còn chẳng hết.
 Chúng tôi bước qua họ, vài lần dẫm cả lên. Một vài người cũng có kêu ca một tý, nhưng đẳng cấp xã hội cho phép chúng tôi bình yên vô sự, dù có làm gì họ đi chăng nữa. Chúng tôi là quý tộc, còn họ chẳng đáng một xu. Ngọc Giá Trái dẫn chúng tôi đến một trong hai tòa nhà, nhưng không qua cửa, mà chỉ đến cạnh cửa. Ở đây người ta không gõ cửa. Như thế thô bạo quá. Anh chỉ được huýt sáo khẽ hết mức có thể hoặc cứ đứng đây chờ cho đến khi có người đi ra. Nhưng có ba tên dvornik (người gác cửa nhà riêng- tiếng Nga) đang ngồi chồm chỗm ngay trước lối vào sân, chơi patolli (một trong những trò chơi cổ xưa nhất của người châu Mỹ bản xứ, phổ biến khắp vùng Mesoamerica) theo lối bài bạc trên một bàn cờ bằng vải hoen ố. Cả ba đứng dậy. Chúng tôi tự giới thiệu. Chúng không muốn vào trong và bảo chúng tôi rằng không ích gì đâu, nhưng Ngọc Giá Trái hình như đã ban cho chúng ít ân huệ gì đó khi đến đây lần trước, vì thế, hắn lôi được chúng vào cuộc tranh luận rằng dù quan hệ họ hàng của Koh với chúng tôi cách đến năm phát đại bác, nhưng điều đó không có nghĩa là bà ta muốn người ta xì xào rằng bà ta “đốt bệ lò sưởi”, tức là vi phạm các quy tắc hiếu khách. Đúng không nào?
Chúng bảo tôi đứng đợi. Một tên đi vào. Tôi có cảm giác hệt như hồi cuối năm 1989, khi bọn tôi nài nỉ Armando, lão gác cửa câu lạc bộ Nell’s (một câu lạc bộ đêm nổi tiếng ở Manhattan).
Chúng tôi đứng chờ. Thật chẳng ra đâu vào đâu cả, - tôi nghĩ. Biết đâu Koh cũng chỉ là một kẻ tay mơ. Đôi khi chính tôi cũng nghi hoặc điều này, nghĩa là tôi băn khoăn với một câu hỏi hết sức hiển nhiên rằng: Sao có thể có chuyện cờ Hiến tế đầy quyền năng đến vậy mà những người đếm mặt trời không thống trị được cả thế giới?
Dĩ nhiên, có một câu trả lời là họ thống trị thế giới của họ. Họ thực sự cai trị cả vùng này và tất cả các vùng còn lại của Mesoamerica, tuy vẫn để các thị tộc hậu duệ mèo nắm quyền lực chính trị. Tôi nghĩ điều mà tôi thực sự phân vân là vì sao trò chơi này chưa và cũng sẽ không du nhập sang nơi gọi là Cựu Thế Giới.
Fernand Braudel (nhà sử học người Pháp đi tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu thời kỳ hậu chiến tranh ) từng yêu cầu các sinh viên của mình lý giải vì sao Trung Hoa thế kỷ mười bốn, với lực lượng hải quân hùng hậu, với tiền giấy và mọi bước phát triển vượt bậc, lại không phải là nước tìm ra châu Mỹ. Câu trả lời hay nhất của chính ông ta là họ chẳng cần đến nó làm gì. Tất cả các vị hoàng đế Trung Hoa đều cai trị tốt đất nước của mình và việc duy nhất họ cần làm là củng cố nó thêm vững chắc. Vì vậy, có thể những người đếm mặt trời chẳng cần thống trị bất cứ nơi nào khác. Tính ì của con người ta lớn lắm. Nó có thể mạnh hơn cả sự đổi mới, hơn cả tham vọng, hơn bất cứ thứ gì khác. Nếu mọi chuyện đang tốt đẹp, thì sao phải thay đổi? Những phát minh hay không phải lúc nào cũng được phổ biến. Đôi khi chúng bị quên lãng bất kể hay ho đến đâu, hoặc có khi chính vì quá hay ho. Máy vi sai của Babbage phải một trăm năm sau mới được chế tạo. Người Polynesia ban đầu chả biết cách làm đồ gốm đấy thôi, nhưng rồi lại quên mất. Người La Mã cũng có bê tông, và sau khi họ đánh mất công thức chế tạo thì chẳng ai tìm ra nữa cho đến tận năm 1824.
Tôi nhìn quanh. Tôi bắt đầu thấy hơi lạnh. Nó gợi tôi nhớ đến lần đầu tiên đến Mexico City. Tôi thấy lạ sao ở đây có thể lạnh đến thế. Tôi ngửi thấy mùi trầm hơi đăng đắng. Một gia đình Quá-Cao vừa len từ bên kia đường sang, đứng im, mặt cúi gằm xuống đất.
Có cái gì đó không ổn. Cái gì nhỉ?

49

49
Hừm.
Người Teotihuacán không phải là những người thích ồn ào, nhưng anh vẫn luôn cảm thấy họ vây quanh mình đông tới hàng nghìn tỉ. Suốt cả ngày chúng tôi nghe thấy nào tiếng người, nào tiếng búa, nào tiếng nạo, nào tiếng lách tách của bánh bột ngô và đá lửa, nào tiếng vo vo từ tổ ong. Vậy mà bây giờ, dường như tất cả đã biến mất. Tất cả các giọng nói đều im bặt.
Thành phố này không có các buổi lễ lúc chạng vạng như ở các thành phố Maya chúng tôi. Chỉ có một sự im lặng thấp thỏm. Ở đây, ngay cả trong những câu chuyện thường nhật họ cũng tránh nhắc đến từ “lúc mặt trời lặn”. Người ta chỉ nói “lát nữa” hoặc “đầu giờ tối nay”. Tôi nhìn Hun Xoc. Nó thở mạnh ra một hơi, nghĩa là một cái nhướng mắt theo kiểu người Maya. Đám người xung quanh ngước lên nhìn nó, ý nhắc: “Suỵt! Khẽ chứ!”.
Tôi lắng nghe. Vẫn còn một biển tiếng ồn ào ngoài kia, tiếng mòng biển the thé, tiếng chó ủng oẳng, tiếng gà tây oọc oọc và tiếng rít siêu âm ken két của lũ dơi, nhưng thế giới loài người thì nín thở.
Mẹ kiếp, - tôi nghĩ, - bắt đầu hơi căng thẳng đây. Tôi liếc sang lũ ăn mày. Chúng đang nhìn trân trân xuống đất, xuống manh áo choàng, xuống bất cứ đâu, trừ ngước lên trời. Mụ đàn bà ngồi cạnh chân phải tôi run bắn lên và tôi không nghĩ là vì lạnh hay ốm đau gì, mà vì sợ. Sau tám trăm năm, thành phố này vẫn còn sợ bóng tối.
Cuối cùng, như mặt trời ló dạng, người của Koh đến và dẫn chúng tôi qua một khoảnh sân trong trống trải vào một nhà tắm hơi. Chúng tôi cởi bỏ quần áo, xoa lại dầu, quấn vào người bộ trang phục mới: một cái khố váy bằng vải bông màu xanh tím với thắt lưng và một cái áo choàng trùm ngoài. Xanh tím là màu trung tính, không phải trung tính trong sắc độ, mà là nó không phải màu sắc riêng của bất cứ thị tộc nào. Mấy tên lính gác đưa chúng tôi đi tiếp qua không biết bao nhiêu hành lang tối tăm, rối như mớ bòng bong, có lẽ chỉ để làm chúng tôi mất phương hướng, qua một cái sân hẹp nữa, vào một căn phòng nhỏ vuông vắn. Bảy người ngồi trên ghế dài, trong bóng tối lờ nhờ, ngước lên nhìn chúng tôi như thể chúng tôi làm ngắt quãng việc gì đấy, mà tôi nghĩ đúng thế thật. Năm người trong số đó ăn vận như đàn ông và khoác áo chàng màu xanh nước biển dệt họa tiết như hình kim cương. Họ đội những chiếc mũ nhìn như những khăn xếp to tướng, sụp xuống che gần hết khuôn mặt. Tuy thế, chỉ cần nhìn vào các lỗ xỏ khuyên, tôi cũng biết đa số họ là người gốc Teotihuacán, có lẽ là người thuộc giới quí tộc cải đạo. Một người to bè, chắc nịch, với cái mũi gẫy, những hạt đính màu đen và da cam trên áo choàng cho biết đó chính là ông lớn mà Bị Thương 14 đã nói trước là có thể xuất hiện ở đây. Thằn Lằn 1, tộc trưởng của nhà Thằn Lằn, một thương gia lớn thuộc nửa Trắng đã cải đạo sang Rắn Chuông. Ông ta ngồi cạnh con trai mình. Cả hai đều có vẻ là những tay rắn mặt ra trò. Chúng tôi chưa từng gặp họ, thậm chí không thực sự biết họ. Và trừ khi các anh đã qua một vòng chào hỏi chính thức – rất tốn thời giờ - thì các anh nên vờ như không nhìn thấy nhau. Tiếp đến là hai người ăn vận như phụ nữ và tôi nghĩ họ đúng là phụ nữ thật. Có lẽ đó là hai người vợ của Koh. Có cả một gã mà tôi cho là thằng hề hoặc người mua vui gì đó vì hắn mặc một thứ quần áo rất ngộ nghĩnh, tua tủa như lông nhím. Khi con ngươi tôi giãn ra thêm một chút, tôi nhìn thấy một con chó ngồi chồm hỗm trong góc nhà, ngay sau lưng chúng tôi, ngoài ra còn rất nhiều bình lọ nhỏ, bát và mâm lớn, bày trên sàn nhà trải kín thảm màu xanh lơ pha trắng lóa cả mắt, đựng đầy tuyết đang tan, một thứ hết sức xa xỉ. Trên bức tường sau lưng họ treo một bức bích họa lớn vẽ hình các nữ thần lùn (Nguyên văn: “gnomide” – nhân vật cổ tích được mô tả dưới hình dáng như người lùn, chuyên sống dưới đất hoặc nước để canh giữ các kho báu.) đang vui mừng nhảy múa dưới chân một ngọn núi lửa đầy nước.
Theo 14, đây là một nhà công cộng của năm hay sáu gia đình gì đó. Và tất cả đều là phụ nữ. Tuy nhiên, ở đây người ta không coi đấy là hôn nhân đồng tính. Theo như tôi hiểu qua những gì 14 nói – hắn nói cũng chẳng mạch lạc gì cho lắm – thì các con gái của Nhện Dệt Cầu Vàng không hẳn là ái nam ái nữ. Không những thế, họ được xã hội coi là nhưng người bình thường, những gia đình có quan hệ khác giới, với một vài phụ nữ đóng vai trò của nam giới, còn những người khác là nữ giới. Công Nương Koh là một trong các “k’iik”, điều đó cho phép bà ta xuất hiện trong các không gian nghi lễ dành cho giới đàn ông, chẳng hạn như khu đền miếu trong kim tự tháp Rắn Chuông. Tôi đoán rằng…
Ối giời ơi. Cái trò quỷ sứ gì thế kia?
Con chó vừa đứng lên bằng hai chân sau. Tôi thoáng rùng mình. Đó là người. Một người lùn với khuôn mặt dài ngoẵng như mặt chim và gần như trần truồng. Khắp người cô ta bôi màu xanh lá cây, nhưng dưới ánh sáng như thế này nom lại thành màu đen. Khi cô ta lật đật đi qua chỗ bếp lò, tôi chợt nghĩ tới con chim cánh cụt. Tuy nhiên, tôi không hề cảm thấy buồn cười. Cô ta không phải người lùn vì chứng loạn sản sụn như Sên Xanh 3,- tôi nhận xét thầm, - cô ta thuộc dạng người lùn mà chúng ta gọi là lùn bẩm sinh từ trong trứng nước hay người lùn “đầu chim”. Hội chứng Seckel đây mà. Tôi nhớ rằng những người như vậy không sống được lâu. Có lẽ cô ta chưa đến hai mươi. Tôi còn từng nghĩ là họ chậm khôn, nhưng xem ra cô ta cũng bình thường. Cô ta ra hiệu “hãy lắng nghe”. Tôi khom mình xuống thấp hơn một chút.
- Các ngài, ở trên chúng tôi,… công nương Koh chỉ tiếp chuyện… với một người tham vấn mỗi lần, - cô ta nói, giọng đều đều, rên rĩ như tiếng mèo kêu, không những thế, cô ta còn dùng tiếng của nam giới Teotihuacán, âm sắc rất khô khan.
- Tôi, dưới chân các ngài, là người thỉnh kiến, - tôi đáp rồi nhìn sang Hun Xoc.
Nó nhìn lại, hơi ngần ngừ. Điều này trái với chỉ thị mà nó được giao là để mắt đến tôi từng phút. Song chẳng làm thế nào khác được. Cuộc diện kiến của tôi với công nương Koh là mấu chốt của sứ mệnh này. Nó nhướng mắt, ý nói: “ thôi vậy, sao cũng được”.
Cảm ơn cậu đã tin tưởng, - tôi ra hiệu bằng mắt.
Cô gái lùn đã nhấc một tấm thảm lên. Có một cái hố vuông bên dưới. Hệt như trong cung điện hoàng gia Pháp dưới thời Louis XIV, ở đây người ta cũng thích phát cuồng lên những cánh cửa sập, đường hầm và ô cửa theo dõi. Cô ta bò chúi đầu xuống hố như con Thỏ Trắng (Nhân vật trong cuốn truyện “Alice ở xứ sở kỳ diệu.). Tôi đặt một chân xuống để ướm thử xem nó sâu đến mức nào và chạm vào một nền đất mấp mô. Tôi chui xuống và bò theo cô ta. Hai đầu gối tôi cứ vướng vào cái váy khố làm tôi vấp liên tục. Con đường hầm dốc xuống chừng ba mươi độ. Tôi lần bò trong bóng tối khoảng mười lăm sải tay rồi thò đầu ra khỏi một cái lỗ chuột, bước ra một hành lang ngoài trời. Cô gái lùn dẫn tôi rẽ vào một cái ngách, bước qua cánh cửa nhỏ che một tấm da sống vào một căn phòng tối rộng chừng tám sải tay. Nó nằm trên nền đất thấp hơn căn phòng trước nhưng mái lại cao bằng, vì thế, trần nhà cao gần đến hai mươi sải tay, khiến người ta có cảm giác như đang đứng dưới đáy giếng. Một dải ánh sáng xanh lơ chiếu xuống từ ô cửa trần được che bằng da ngâm tẩm dầu mà tôi đoán là hướng ra sân đền ở phía trên. Bốn bức tường phủ bằng thứ gì đó như nghững chiếc vảy bằng kim loại. Có một lò sưởi bằng đất nung trơn với mấy hòn than sắp tắt, hai chiếc rổ to bằng bát đựng quân cờ vây, một cặp phất trần xua ruồi cắm trên giá nhỏ, một cái đế bằng xương cắm bó đuốc sim bốc ngọn lửa màu xanh lá cây. Chiếc mũ lông chim xanh và chiếc bình đựng da ếch độc chúng tôi gửi tặng nằm thu lu trong một góc nhà như hai con mèo đang ngủ. Trong không khí có cái mùi là lạ mà tôi không sao diễn tả được.
Không phải mùi khói đăng đắng từ bên ngoài bay vào, cũng phải mùi thơm của quả sim nửa giống hương dầu lanh, nửa giống hương cây xanh quanh năm, bốc lên từ khói đuốc. Ngửi nó giống như… ờ… tôi thấy nó giống mùi ngược lại của mùi quế, nếu có cái thứ như vậy trên đời. Mặc dù mùi thì không phải là màu sắc. Không có mùi gốc như màu gốc trên bảng màu. Nhưng tôi đoán chính vì thế nó mới tạo nên một mùi mới mà màu sắc không thể. Tôi đưa chân khẽ khàng và sửa lại nếp áo choàng với cử động cố sao cho khéo léo và tự nhiên nhất. Nhưng thay vào đó, tôi vấp đánh uỵch một cái như con hải mã thọt chân. Khỉ thật, mình đúng là thằng hậu đậu – tôi nghĩ – phải tập dượt lại trò này mới được. Cô gái lùn đi vòng qua tôi và ra khỏi phòng qua lối cửa chúng tôi đã vào.
Tôi thu xếp tư thế quỳ gần như thằng ăn xin, nghiêm trang nhìn vào lò lửa. Dưới bắp chân tôi, sàn nhà trải một lượt chiếu giống như làm từ bọt biển, rắc cánh hoa phong lữ để tránh sự ô uế của tôi.
Tôi ngồi xuống. Tôi có cảm gì đó thật khó giải thích. Một phút sau tôi mới biết vì sao: đây là lần đầu tiên từ khi tỉnh dậy trong cái rọ tại sân tù của Sọ Đá Quý 2, tôi đã được ở một mình trong một căn phòng. Bực sao đây lại không phải thời cơ để trốn khỏi bọn trông trẻ kia.
Tấm da che cửa kêu sột soạt. Tiếng bước chân ngắn như bước chân trẻ con vang lên sau lưng tôi. Tư thế này không thuận tiện để quay lại nên tôi cứ ngồi nguyên. Một bóng người gầy nhom, lùn xủn – không quá một sải rưỡi – chống cây gập thắt ruy băng màu xanh lơ, lật bật đi vòng qua tôi. Bà ta run rẩy ngồi xuống bên kia lò lửa và đặt cây gậy xuống trước mặt. Một bà già cao tuổi trong bộ tóc và áo choàng của đàn ông.
Tôi hơn run một tí, trong bụng thôi, hy vọng thế. Khuôn mặt bà ta nhăn nheo và quắt queo đến mức như thể được gắn lại từ những mảnh đá vụn. Song tôi vẫn nhìn rõ nửa bên phải đen sì, còn nửa bên trái trắng nhợt như là màu da tự nhiên, với một đường viền cong hình chữ “S” hệt như trên bức vẽ của Sọ Đá Quý 2. Hai bàn tay xương xẩu của bà ta đặt chéo trên lòng. Mớ tóc đen của bà ta hẳn là tóc giả. Cặp mắt bà ta sâu hõm đến mức tôi thậm chí không nhìn thấy một tia sáng nào.
Sọ Đá Quý 2 chắc đã nhầm tuổi của bà ta. Nhưng ông ta nhầm thế nào được? Hay bà ta bị lão hóa vì một loại chất độc nào đó, như Viktor Yushchenko (Đương kim thủ tướng của Ukraine (nhậm chức năm 2005), theo nhiều nguồn tin, ông ta bị nhiễm độc dioxin) ấy?
Bà ta lựa tư thế ngồi thoải mái và đưa tay ra hơ trên lò sưởi cho dù nhiệt độ của căn phòng phải đến tám mươi độ (Tương đương gần 27oC.). Tôi gần như chắc chắn không còn ai khác bước vào phòng. Điều này thật khác thường. Không vệ sĩ. Chắc quý bà vĩ đại này không sợ bị tấn công.
Công nương Koh ngửa lòng bàn tay đen xỉn, nhăn nheo của mình lên. Nói câu gì đi nào – tôi tự nhắc mình. Tôi liền cất lời, bằng ngôn ngữ của giới đàn ông quý tộc ở Ix:
- Tzitic uy oc caba ten lahun achit, - tôi nói. Nghĩa là “tôi, dưới chân người, tên là Thằn Lằn Chân Lùn 10”. – Gia đình tôi, dưới chân người, gọi tôi là em trai (nghĩa là họ hàng) của người ở thị tộc Đại Bàng của thành Ix, là con trai (nuôi) thứ mười tám của Sọ Đá Quý 2.
- Vậy cha người là ai? – bà ta hỏi. – Và những cái tên khác của ngươi, ngoài Thằn Lằn Chân Lùn 10, là gì?
- Sọ Đá Quý 2 là cha tôi.
- Vậy ai là người soi sáng những lần thức tỉnh của ngươi? – bà ta hỏi. Tôi chưa trả lời câu hỏi về những cái tên, nhưng cũng như những tay tra khảo khôn khéo khác, bà ta không nhắc lại những câu hỏi không thành, hoặc chưa thành.
Tôi nói cho bà ta hay. Tức là tôi nói ngày lễ đặt tên của hai người bà của Sọ Đá Quý 2.
- Vậy ai soi sáng cho những người đàn ông của ngươi?
Tôi lại khai. Nghĩa là tôi điểm qua những cái tên khác thích hợp trong dòng tộc thuộc thị tộc Đại Bàng mà Sọ Đá Quý 2 đã xếp tôi vào.
- Vậy ngươi trở thành anh em của các k’iik thị tộc Đại Bàng từ khi nào?
- Ba mươi ba ánh sáng trước.
- Vậy ai đã cho ngươi grandessa của ngươi? - Nghĩa là người đếm mặt trời nào là thầy của tôi. Cái giọng móm mém không răng của bà ta nghe còn già nua hơn cả bộ da, hệt như tiếng một súc gỗ cháy dở bị kéo lê trên mặt đường rải sỏi ẩm ướt.
- Là Răng Ngạnh 7, - tôi đáp, - của nhà Đại Bàng ở thành Ix. – Chính tôi nghe câu này cũng không thấy thuyết phục..
Mày đang lo lắng quá đấy thôi, - tôi tự nhủ, - mày đang làm tốt lắm. Đừng căng thẳng.
- Sao ngươi, bên cạnh ta, không tin Ngọc Giá Trái, con trai của Bị Thương 14? – bà ta hỏi. – Hắn ta lắm lời quá sao?
- Tôi rất tin tưởng anh ta.
Hừm, - tôi băn khoăn khó hiểu, - chẳng lẽ bà ta theo dõi chúng tôi qua khe cửa nào đó khi chúng tôi ở ngoài sân đền? Và nếu bà ta làm vậy thì chẳng lẽ những gì tôi nghĩ về Ngọc Giá Trái được thể hiện qua cử chỉ rõ đến thế sao? Hay thế nào?
- Vậy nhà Đại Bàng có còn vững chãi, còn xanh tươi chăng? – bà ta hỏi. Câu thành ngữ ấy có nghĩa là “các tấm ván tường còn bám chặt vào cột nhà và mái nhà lợp rơm còn được thay mới thường xuyên không”. Ý là họ có bình an không.
Tôi đáp rằng thị tộc tôi vẫn ổn cả.
- Nhưng họ còn một trận đấu bóng hông lớn với nhà Mèo Rừng phải không, - bà ta nói.
Chết tiệt, - tôi rủa thầm. Ở tận đây mà bà ta cũng nghe được tin đồn chúng tôi gặp rắc rối. Dù anh có cố đi nhanh đến mức nào thì tin tức vẫn đi nhanh hơn. Lan truyền với tốc độ này thì chẳng khác gì anh đưa cho mỗi người một chiếc di động. Liệu bà ta có biết vụ hỏng việc trên đỉnh kim tự tháp không nhỉ? Liệu bà ta có đoán được chuyến viếng thăm của tôi có liên quan đến việc ấy?
Tôi ra hiệu rằng phải, trận bóng hông lớn đó sắp diễn ra. Tôi không nói gì thêm.
- Và ngươi từng chơi bóng hông, - Koh nói, - nhưng bây giờ không chơi nữa. Phải vậy không?
Quỷ sứ ạ. Bà ta đoán ra nhờ cơ thể to lớn và cái mũi gẫy của Chacal chăng? Hay bà ta nhận ra vài cử chỉ đặc biệt? Hay bà ta, hoặc quân do thám của bà ta, liếc thấy những vết sẹo trên đầu gối và khủy tay tôi, nơi các vết chai đã bị tẩy đi. Gì thì gì, không ai muốn nói dối nhiều hơn mức cần thiết. Tôi gật đầu.
Koh im lặng.
Sọ Đá Quý 2 và tôi đã ngồi hàng giờ với nhau để ôn đi ôn lại cách tôi sẽ trình bày câu chuyện của mình, ý tưởng chung là phải tiếp cận càng nhẹ nhàng càng tốt. Tôi sẽ đề nghị bà ta chơi một ván để đoán định ngày tận số của Teotihuacán. Nếu cần, tôi sẽ cho bà ta biết một vài thông tin chỉ riêng tôi có để thuyết phục bà ta rằng thành phố này sắp diệt vong. Tiếp đó, tôi sẽ dẫn dắt câu chuyện đến những rắc rối của hội Rắn Chuông. Theo đúng bài, tôi sẽ kéo bà ta vào câu chuyện, khiến bà ta nảy ra cái ý muốn biến khỏi thành phố này, rồi thử xem tôi có thể khiến bà ta ngỏ ý nhờ chúng tôi giúp đỡ, và tôi sẽ đồng ý giúp bà một nơi ẩn náu ở Ix.
Dĩ nhiên, để làm được việc đó, tôi phải thuyết phục được bà ta rằng chúng tôi có thể bảo vệ bà ta. Nhưng Sọ Đá Quý 2 lo ngại, không muốn cho bà ta biết quá nhiều chuyện. Chúng tôi nghĩ tôi có thể dùng vài mánh nho nhỏ để gây ấn tượng với bà ta – chẳng hạn làm cho bà một chiếc phong vũ biểu hoặc la bàn xoay, hay dùng thước elip để vẽ ra một hình e-lip, hoặc cho bà ta biết về phân số, giả dụ thế. Chắc bà ta cũng là con mọt sách lập dị đủ để thấy ấn tượng trước những thứ đó, vì bà ta là người đếm mặt trời mà. Và chúng tôi không nghĩ đến việc tôi có thể đánh đổi một vài mánh, hoặc một vài mẩu thông tin nào đó để lấy món thuốc và công thức pha chế. Nhưng tôi không nên hỏi bà ta về ván cờ trong cuốn thư tịch, vì điều đó sẽ dẫn đến câu chuyện về ngày Chúa tể 4 ở năm 2012, và nếu tôi tỏ ra đặc biệt lo lắng về ngày đó, bà ta sẽ nghi ngờ vì sao. Dù sao b’ak’tun thứ mười ba cũng xa cách lắm. chúng tôi đã thống nhất rằng tôi không nên nói chuyện với công nương Koh về Jed, hay về nơi tôi từ đó đến, hay những chuyện tương tự. Vì một lý do: bà ta sẽ không tin. Ngay cả loại người nhẹ dạ chuyện gì cũng tin cũng không thể hình dung ra những thứ đó. Chỉ những người đã thấy theo cái cách tôi và Sọ Đá Quý 2 đã thấy mới hiểu được tôi đang nói chuyện gì. Bằng không, sẽ chẳng khác nào tôi kể chuyện Sao Hỏa bằng tiếng Sao Hỏa.
Và nếu tôi cho bà ta xem quá nhiều trò, hay cho bà ta biết quá nhiều về khoa học, tôi sẽ trở nên nhiều quyền năng quá. Bà ta sẽ nghĩ tôi là loại người reo rắc ghẻ, hay thậm chí người khói, hay ma quỷ trong bộ lốt người. Hay tôi thay mặt cho một người đếm mặt trời vĩ đại nào đó, hành nghề thông qua Sọ Đá Quý 2 để che dấu thân phận ông chủ? Hay chính tôi là một người đếm mặt trời chín sọ vĩ đại mà bà ta chưa từng nghe tên, người từ trước đến nay vẫn che dấu tài năng của mình? Hoặc sẽ ra sao nếu bà ta nghi tôi là một gián điệp cho một trong hai Giáo hội lớn của Teotihuacán – những kẻ mà dân gian cho rằng chuyện gì cũng biết – phái đến để lôi kéo bà ta vào hành vi làm phản? Chẳng thể biết trước bà ta sẽ làm gì. Nhỡ bà ta báo lại với giáo hội của mình về tôi thì sao? Dù gì thì bà ta cũng đã tuyên thệ với họ. Biết đâu họ sẽ có phản xạ thiếu suy nghĩ rằng tôi là mối hiểm họa quá lớn đối với tình thế của họ hiện nay, và sẽ khiến tôi mất mạng.
May lắm thì Koh cũng sẽ nghĩ rằng bà ta đang bị thúc ép, rằng ngay khi tôi có được cái tôi cần, tôi sẽ bỏ rơi bà ta. Tôi chỉ nên thể hiện mình là một người đếm mặt trời mới vào nghề nhưng có tý năng lực đặc biệt thôi. Bà ta không nên biết nhiều về việc vì sao tôi đến Teotihuacán này, hoặc tốt hơn nên để bà ta nghĩ rằng tôi tiện ghé lại đây trên đường đi làm ăn buôn bán. Bà ta không nên biết Sọ Đá Quý 2 đang gặp rắc rối ở Ix. Nhưng chuyện đó thì quá muộn rồi. tôi phải khiến bà ta tin rằng Sọ Đá Quý 2 rất có thế lực và là nhà quý tộc duy nhất ở quê nhà có thể cho bà ta một nơi ẩn náu an toàn. Cần phải khiến bà ta cảm thấy việc trở về Ix là ý tưởng của chính bà ta. Và dĩ nhiên, điều tối hệ trọng là tôi không được hỏi bà ta về món thuốc, thậm chí không được nhắc đến nó. Nếu bà ta ngờ rằng nó chính là thứ chúng tôi cần, điều đó sẽ khiến chuông báo động ở cái thành phố này réo lên và bà ta sẽ quẳng tôi ra khỏi cửa.
Koh ra hiệu bằng bàn tay bé xíu, nhẹ bẫng của mình. Cô gái “Chim Cánh Cụt” lại xuất hiện sau lưng và đi vào giữa hai chúng tôi.
Cô ta xách một chiếc giỏ lớn bằng bàn tay với những cái ngón tay cong queo bé xíu của mình. Cô ta quỳ gối trước lò lửa, ngồi xuống và ấy ra hai chiếc bát đất nung có sáu khía răng cưa và hai chiếc bình uống nước hình trụ cao. Như mọi thể loại bát đĩa và bình vại ở Teotihuacán, chúng được làm rất công phu nhưng lại không có hình trang trí – y như Pyrex (Một nhãn hiệu đồ thủy tinh và nhựa), theo lời Esther Pasztory (Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật thời Tiền Columbus người Mỹ). Hẳn là một vài vị người khói tối cao ở đây vốn nghèo, và bất cứ thứ gì quá xa xỉ đều có thể là mối hiểm họa vì nó khiến họ ganh tị. Cô gái lùn tuần tự trộn bột cacao với đậu hạt, mật ong và nước nóng, rồi máy móc chao từ bình nọ sang bình kia cho nổi bọt. Cô ta đặt chiếc bình rỗng xuống và dâng chiếc kia cho Koh. Bà ta uống một ngụm rồi đưa lại cho cô ta. Cô ta đưa nó cho tôi. Tôi ra dấu cảm ơn, uống một nửa, ra dấu khen ngon và uống nốt chỗ còn lại. Nó cay, cay như ớt vậy, và có vị hạch đậu khấu. Tôi đặt chiếc bình xuống và Chim Cánh Cụt cất nó đi.
Ở xứ này, người ta chỉ mời đồ uống có thế thôi. Tôi nhận ra mình đói. Chắc các bạn nghĩ họ sẽ bưng ra một khay cá chép rán hay thứ gì đó. Nhưng không, ở đây người ta không làm thế. Việc mời đồ uống giữa khách và chủ phục vụ nghi lễ hơn là phục vụ con khát. Ở đây người ta không thường xuyên ngồi chè chén với ai đó. Nó không giống với bữa trà ở phương Đông hay cốc-tai ở phương Tây, hay bất cứ thứ gì khác. Anh chỉ được cầm lấy phần của mình, uống hết sau càng ít ngụm càng tốt và chuyển sang cho người khác. Còn ăn nhẹ là việc anh làm một mình vào lúc khác. Đây là một trong những chuyện khiến tôi phát rồ nếu cơ thể của Chacal không quá quen với nó. Ngay cả những người đủ giàu để ăn bao nhiêu tùy thích cũng không ăn đến hai bữa một ngày. Và cứ khoảng ba ngày một lần họ lại nhịn ăn hoàn toàn. Thường thì mỗi khi tôi có dịp mời ai đó, như Hun Xoc chẳng hạn, một miếng thịt hươu khô, tôi sẽ nhận được câu trả lời rằng “Ồ, cảm ơn, tôi mới ăn hôm qua rồi”. Mà Hun Xoc chơi bóng hông, rất cần giữ cân nặng đấy. Và mỗi khi họ ăn thì thật là phí phạm. Trung bình khoảng ba phần tư số thức ăn trong một bữa tiệc hoàng gia sẽ bị đổ vào sọt rác. Thôi, sao cũng được. Tôi đang ở đâu cơ chứ?
Đến lúc phải mở miệng rồi.
- Chúng tôi, dưới chân người, đã mang đến một gói đồ, - tôi nói. Gói đồ là một cách tế nhị để chỉ quà cáp hoặc đồ biếu xén vì đó là một từ khiêm tốn nhất và chẳng ai biết có gì bên trong. – Tôi, kẻ dưới chân người, đã thử đọc các sọ để tiên đoán cho gia đình mình và thất bại. Chúng tôi cầu xin người hãy nhận gói đồ và thỉnh ý sọ giúp chúng tôi.
- Ngươi, bên cạnh ta, đã mang đến quà nhiều, - bà ta đáp.
Bà ta đãi tôi thêm một phút im lặng khó chịu nữa. Tôi nhắc lại lời thỉnh cầu. Chết dở, - tôi nghĩ, - nếu bà ta nói “không” thì có nghĩa là tôi đang bắt đầu làm hỏng toét mọi chuyện. Mặc dù, thực ra người đếm mặt trời không nên và không thể từ chối xem cho người khác, chí ít là khi hai người đang ngồi đối diện với nhau. Hoặc là có khi tôi đã quá tin vào cái phép lịch sự nghề nghiệp ấy.
Chim Cánh Cụt thắp thứ gì đó lên trong chiếc đĩa nhỏ. Đó là một bánh hương tròn, thứ họ dùng thay đồng hồ ở đây. Nhìn vào kích thước, có thể thấy nó tương ứng chừng một phần tư của một phần chín ánh sáng ngày, tức là khoảng bốn mươi hai phút. Phải nhanh lên thôi, - tôi nghĩ bụng. Nhưng sự im lặng cứ kéo dài mãi. Cuối cùng, bà ta cũng tặc lưỡi hai lần, nghĩa là đồng ý. Bà ta tháo hai dải ruy băng trên cây gậy. Hóa ra nó là một bàn cờ đan bằng cành liễu gai cuộn lại. Bà ta trải nó xuống cạnh phía Tây lò sưởi. Nó giống bàn cờ của Sọ Đá Quý, cùng số ô cờ và mọi thứ khác nhưng lớn hơn. Bà ta mở nắp một chiếc bình, lấy ra một nhúm bột thuốc lá và từ tốn xát nó lên mé trong đùi.
Tốt rồi, - tôi nghĩ, - hỏi một câu dễ trước đã.
Tôi xin bà ta cho tôi biết ngày chết của mình.
Bà ta lấy ra một túi hạt cây t’zee và rải chúng khắp bàn cờ.
Cung cách của bà ta có vẻ gì đó rất qua loa đại khái khiến tôi cảm giác bà ta chẳng định ban cho tôi thứ gì ngoài một cuộc tiếp kiến chóng vánh nhất có thể. Bốn quân cờ rượt đuổi viên đá tượng trưng cho tôi đến gần cuối đường. Sau một chốc tính toán, bà ta cho tôi ngày Wak Ahau, Waxac Muan tới, tức là ngày Chúa tể 6, Cú 8, nghĩa là một trăm ba mươi hai ngày nữa tính từ hôm nay. Có lý lắm, ít ra là đối với cái chết của cái xác này. Với sự tiến triển dự tính của các khối u trong não, tôi chỉ còn chừng một trăm mười ngày tỉnh táo nữa. Ngoài ra, cái chết còn có thể rơi vào một số ngày trước đó: đó là ngày Kan Muluk, Wuklahun Xul, tức Mưa 2, Kết thúc 17, hoặc Hun Eb,Mih Mol, tức Chảy xiết 1, Sum họp 0. Sao cũng được, - tôi nghĩ. Tôi gật đầu tỏ ý chấp nhận lời tiên đoán.
Cho đến lúc này, tôi vẫn chưa thấy có gì hay ho. Sự tiên đoán này chẳng lấy gì làm xuất chúng. Tôi liền hỏi tiếp câu thứ hai: Con cháu tôi – không phải con cháu của chính tôi vì tôi làm gì có, mà là con cháu của gia đình tôi, cũng tức là gia đình Sọ Đá Quý 2 – sẽ ở đâu vào ngày Đêm 9, Nước đen 1 của tun thứ nhất, k’atun mười lăm,  b’ak’tun mười một? Và có bao nhiêu đứa ở đó cả thảy?
Câu hỏi này khá thông thường, trừ thời gian đặt ra. Đó là năm 1522 Công nguyên, tức 313.285 ngày nữa tính từ hôm nay, một trong những ngày thảm họa được nhắc đến trong ngày Thư tịch.
Koh xem ra chẳng có phản ứng gì trước câu hỏi. Bà ta lấy năm hòn đá và các hạt ngô rải khắp bàn cờ, đếm rất nhanh và bảo tôi rằng ngày hôm đó, khoảng mười lăm lần hai mươi người của nhà Đại Bàng sẽ được cải táng tại nơi chôn cất tổ tiên họ ở “miền bắc không có sông chảy qua”. Là Yucatán, - tôi nghĩ. Những người khác, khoảng một trăm lần hai mươi người, sẽ “chạy toán loạn khắp các cánh rừng rậm và rừng thưa lúc đó đã che phủ khắp các thành phố”.
Ừ, cũng khá ấn tượng đấy, - tôi nghĩ. Nào, bây giờ đến câu hỏi lớn.
- Thành phố Lưỡi Dao sẽ kết thúc sự sống vào mặt trời nào? – tôi hỏi.
Bà ta lại im lặng một lát như thường lệ. Tôi ngồi yên. Cuối cùng, bà ta cũng lên tiếng:
- Những người con (ý bà ta nói những người xem bói) đã hỏi ta câu này bốn trăm lần.
Bà ta nói rằng trong một k’atun vừa qua, vài người đếm mặt trời táo tợn đã điểm ra một số ngày tận thế của thành phố. Chúng đều đã qua và tất cả những đếm mặt trời kia đều bị xử tử hoặc phải trốn chạy. Tuy nhiên, vẫn có một cảm giác chung ngấm ngầm rằng sự kết thúc đó đang ở rất gần, ít nhất là trong giới đếm mặt trời và khách hàng qúy tộc của họ. Thậm chí một vài thị tộc cai trị cũng đã âm thầm chấp nhận sự thực này và đang chuẩn bị cho một cuộc di trú.
Tôi gần như chắc chắn đã nhắc đến ở đoạn nào đó trong câu chuyện này, rằng tôi không biết thành phố này tồn tại được bao lâu nữa. Và có lẽ chẳng ai biết. Số liệu khảo cổ thì mù mờ. Sự sụp đổ của Teotihuacán cũng không được nhắc đến trong cuốn Thư tịch Nurnberg, hay ít ra là trong những trang mà chúng ta có. Và giờ đây, theo lời Koh, nó chưa xuất hiện trong bất cứ ván cờ nào mà người ta biết.
- Nhưng bản thân người chưa tìm ra một ngày nào ư? – tôi hỏi.
- Điều đó đang ở quá gần mắt chúng ta, - Koh  đáp.
Ý bà ta muốn nói đến… ờ… cái mà Taro gọi là vấn đề hình nón sự kiện. Nghĩa là rất khó dự đoán được một sự kiện mà anh có khả năng tác động để làm thay đổi. Anh có thể không nhìn thấy bởi nó ở quá gần. Họ cũng gọi hiện tượng này là vấn đề của người tham gia quan sát. La Rochefoucaul (Nhà văn thuộc giới quý tộc người Pháp thế kỷ 17) gọi nó là “l’aveuglerie de l’oeil qui ne voit pas lui-memem”, nghĩa là “sự mù quáng của cặp mắt không tự nhìn thấy mình”, còn Stephen King (Nhà viết tiểu thuyết kinh dị người Mỹ )thì gọi đó là “vùng chết”. Các bạn hẳn nghĩ rằng dự đoán tương lai gần thì dễ hơn tương lai xa. Điều đó thường đúng đến một giới hạn nào đó. Nhưng qua giới hạn ấy thì không. Giống như tự nghe lời khuyên của chính mình bao giờ cũng khó khăn hơn..
- Nhưng người, ở trên tôi, có thể chơi để tìm ra mặt trời đó chứ? – tôi hỏi.
- Mặt trời đó sống trong khói, - Koh đáp.
Hừ, đồ giời đánh, - tôi nghĩ, - bà ta đang nghĩ đến chuyện lảng tránh mình đây. Chết tiệt, chắc bà ta cũng phải có tí tò mò chứ. Hẳn bà ta cũng thắc mắc tôi là loại người đếm mặt trời nào mà nhìn thấy trước những điều viết trong thư… thôi, sao cũng được. Cho bà ta biết thêm tí chút vậy.
- Tôi biết thành phố Lưỡi Dao chỉ còn đầy vài nắm tay ánh sáng mặt trời nữa thôi, - tôi nói.
- Ánh sáng này, ánh sáng trước đó và sau đó, - bà ta đáp, - vẫn như vậy kể từ khi ta đến đây.
Câu nói đó ý là “Vẫn như mọi khi. Còn gì mới hơn không?”. Đó không phải là câu trả lời đúng phép lịch sự cho lắm. Nhưng chắc bà ta nghĩ mình là người bề trên…
- Ch’ak sac la hun Kawak, ka Wo, - bà ta nói tiếp. Tức là “Đừng bắt đầu câu chuyện về Bão Lốc 10 hay Cóc 2 đấy”, nhưng với ý nghĩa nhấn mạnh hơn, giống như “Đừng có đưa ra phán đoán gì về ngày đó. Cứ ở trong nhà và tránh xa rắc rối ra”.
Tôi gật đầu “Vâng”.
- Tốt, - bà ta ra hiệu.
Bà ta đứng dậy, hơi lẩy bẩy một tý, tập tễnh đi vòng qua tôi ra phía tấm da che cửa. Tôi nghe tiếng nó kêu sột soạt.
Tôi ở lại một mình. Tôi ngồi đếm bốn trăm nhịp, rồi bốn trăm nhịp nữa. Bà ta không quay lại.
Trò chết toi gì thế này? – tôi phân vân – thế là sao? Bà ta cứ thế biến đi à? Ở đây có ai làm thế đâu? Thế là thế quái nào? Thế quái nào?
Tôi cứ ngồi nguyên. Tôi đếm thêm bốn trăm nhịp nữa. Tôi nghe ngóng. Tôi chẳng nghe thấy cái chết dẫm gì. Sao người ta có thể yên lặng đến thế được nhỉ? Khu nhà này được thiết kế thế nào đó để tránh tiếng ồn ào của thành phố. Tôi không cảm thấy bất cứ luồng không khí chuyển động nào. Khói từ bó đuốc bốc thẳng lên ô cửa trần. Tôi ngồi thêm một lúc nữa.
Hừ, đúng là đại bại, - tôi nghĩ, - có lẽ chúng ta đã đi cả chặng đường để chẳng được gì sất. Có lẽ Sọ Đá Quý 2 chỉ muốn mình biến đi cho khuất mắt thôi. Có lẽ ai đó sắp đến đằng sau lưng và xiết cổ mình. Có lẽ công nương Koh cũng chẳng lấy gì làm cao siêu. Khỉ thật, sao mình lại dính vào cái lũ kém cỏi này nhỉ? Mình chỉ cần có mỗi một điều là gặp được người nào đó hay hớm ra trò thôi mà. Chỉ một người thôi.
Tôi đếm thêm tám trăm nhịp nữa. Tôi cảm thấy hơi lâng lâng. Thứ gì đó trong món sô-cô-la đã đưa tôi vào trạng thái này. Tôi không rõ nó là trạng thái gì, nhưng đó là một trạng thái gì đó.
Lẽ ra tôi nên cho bà ta biết nhiều hơn mới phải những điều trong bức thư thực sự chưa đủ để gây sự chú ý. Nghĩ đến chuyện này, sao Sọ Đá Quý 2 lại muốn tôi kín đáo đến thế làm gì? Chắc ông ta không muốn tôi gây ra được quá nhiều ấn tượng với Koh vì muốn bà ta nghĩ mọi điều hay ho là đến từ ông ta. Ông ta không muốn Koh ngạc nhiên quá mức cần thiết vì không muốn tôi trở nên vênh váo hoặc quá tự tung tự tác.
Hừ, muộn quá rồi.
Có lẽ tôi nên quay về nơi tôi đến, nếu có thể tìm được lối ra khỏi chỗ này. Hay nên ngồi đây thêm vài giờ nữa xem chuyện gì xảy ra. Hay….
Mẹ kiếp.
Tôi không thường xuyên nghĩ mình sáng suốt gì cho lắm, ít nhất là về những thứ nằm ngoài giới hạn tôi có thể nắm bắt, như cờ Hiến tế chẳng hạn. Nhưng vì một lý do nào đó – bây giờ tôi đang có cảm giác như người ta thường có khi ở một mình vào ban đêm, trong một căn nhà đèn đuốc sáng trưng, một căn nhà bí bách với các ô cửa sổ bịt kín, và đột nhiên biết chắc chắn rằng mình đang bị theo dõi, và không phải bởi những người đứng về phía mình hoặc chỉ vì tôi phát chán – tôi với tay, giật bó đuốc khỏi chân đế và quăng nó xuống sàn. Tàn lửa bắn tóe ra như núi lửa Vesuvius phun trào. Như tôi đã tả, bó đuốc được làm từ cành sim nhúng vào mỡ chó, và những hạt quả cháy sáng văng khắp tấm thảm, kêu xèo xèo và lụi dần, tôi đoán thảm ở đây được vẩy nước hơi ẩm, giống chiếc tatami của Nhật.
Tôi ngồi trong bóng tối. Chút ánh sáng xanh chiếu xuống từ ô cửa trần cũng không còn nữa. Chẳng còn tí ánh sáng nào. Tôi ngồi giữa đêm đen. Chấp nhận đi, Jed. Mày thất bại rồi. Tôi nhìn đăm đăm tàn đuốc nằm rải rác trên sàn nhà, lần lượt lụi đi như một dải thiên hả đang tắt dần.
Tôi lắng nghe. Chẳng có gì sất. Tôi ngồi yên. Tôi nghĩ mình vừa trông thấy thứ gì đó.
Trong phòng vẫn còn ánh sáng. Nó ở ngay trước mặt tôi. Chính xác hơn, nó không ở trong căn phòng này, mà hắt vào từ bên ngoài. Tôi rướn người qua nắp lò sang chỗ Koh ngồi lúc nãy và căng mắt nhìn vào bóng tối. Đó là ánh sáng từ một lò than cháy đượm hơn, le lói hắt qua một bức ngăn mà tôi đoán là bằng lông chim. Còn một căn phòng khác phía bên kia tường. Nó không hẳn là tường, mà là một vách ngăn có ánh kim loại, tựa như màn trong rạp hát. Bất kể những vẩy ánh kim này được làm bằng gì, chúng cũng đóng vai trò như tấm kính. Và có ai đó ngồi sau nó, cách tôi chỉ chừng ba tầm tay. Tôi dần nhìn thấy đường viền một bóng người, rồi thấy những đường nét chính. Đó là một phụ nữ còn trẻ, cùng vóc dáng và điệu bộ như bà già lúc nãy.
Bà ta biết, - tôi nghĩ, - bà ta biết mình nhìn thấy bà ta.
Bình tĩnh nào, - tôi tự nhủ. Tôi hít vào một hơi, chỉnh đốn lại xương sống và thở ra. Người phụ nữ kia không động đậy. Lúc này, tôi đã nhìn thấy các chi tiết nhỏ hơn. Bàn tay phải của bà ta hình như được tô đen, tôi nhìn nó không được rõ lắm, nhưng bàn tay trái để trắng tự nhiên và tôi tập trung quan sát nó. Nó có bảy ngón. Ngón nhỏ nhất thon nhọn và không chia khớp, nom như xúc tu của con hải quì và nhỏ chỉ bằng một viên đạn 22 ly. Tôi ngước lên nhìn mặt bà ta. Nó để trắng hầu hết nửa trên và được tô đen phần dưới, với một đường viền chạy dưới mắt trái, ngang qua phía trên môi, sang má phải và xuống đến góc hàm dưới.