PHẦN III
THÀNH PHỐ LƯỠI DAO
Chương 27

52

52
Koh không giống bất cứ thứ gì tôi từng nếm trải, cả ở b’ak’tun thứ chín lẫn mười ba, có thể tả là hơi giống cái vị lờ lợ của uni – nhím biển sống – nhưng đậm hơn, kém tươi hơn và gắt hơn. Ối dà, một nụ hôn, - tôi tự nhủ, - thứ cuối cùng mình nghĩ đến trong hoàn cảnh này; thổ dân châu Mỹ làm gì có văn hóa ôm hôn.
Tôi gần như tưởng Koh muốn tôi lột xoạch cái mớ quần áo trên người bà ta và xông lên, nhưng lúc tôi còn đang tính xem có nên vuốt ve chỗ nào đấy hay không – nếu tôi còn đủ bình tĩnh để tìm được một chỗ thích hợp – thì bà ta đã thả tóc tôi ra, dứt khỏi miệng tôi sau một cái chụt ướt át, và quay về ngồi vào chỗ của mình ở phía bên kia bếp lò. Cô gái lùn vừa quay lại,đặt xuống một cái giỏ đựng đầy những bình và lọ rồi đưa cho Koh một cái tách đựng thứ gì đó. Bà ta uống vội như muốn rửa trôi cái vị của tôi khỏi miệng. Tôi thả người ngồi xuống, cố nén tiếng thở hổn hển. Vẻ mặt Koh như chẳng có chuyện gì xảy ra. Thật kỳ cục, tôi cảm thấy có lỗi với Marena, mặc dù cô ta và tôi chưa phải một đôi thực sự. Bình tĩnh nào, thằng hư hỏng, - tôi nghĩ, - mày đang mơ thôi. Tất thảy những ả đàn bà lẳng lơ đều thích những con cá lớn. Họ thèm gì quan tâm đến một kẻ hèn mọn thấp kém… thôi, kệ xác…
Khặc, Dư vị tê dừ như vừa ăn phải cá nóc mỗi lúc một tăng lên trong miệng tôi. Tôi loạng choạng một chút rồi cố ngồi thẳng dậy.
Hừ, ra là thế đấy. Bà ta vừa cho tôi nếm món thuốc. Chỉ đơn thuần là thao tác nghề nghiệp thôi. Chả có tí tình cảm nào cả.
Vậy ra đàn ong sản sinh ra chất hóa học X - có lẽ họ nuôi chúng bằng một thứ gì đó đặc biệt và thứ đó được tinh chế lại trong cơ thể chúng – và nó chính là Bụi Của Muối Mặn Già. Và quy trình làm do Nhện Dệt Cầu Vàng nắm giữ. Sau đó, nếu anh kết hợp nó với Bụi Của Người Chèo Xuồng Già – tức là chất Y mà tên sứ giả của nhà Báo Sư Tử vừa cho công nương Koh – nó sẽ cho tác dụng đầy đủ để chơi được ván cờ với chín viên đá.
Hừ, rõ chán. Rõ thất vọng. Sọ Đá Quý 2 cứ tưởng bà ta có toàn bộ món thuốc trong tay. Nhưng trái lại, bà ta phải kê một đơn thuốc và dùng hết liền một lúc dưới sự giám sát của thị tộc hậu duệ mèo. Và theo cách bà ta nói lúc trước, dường như ngay cả việc đó cũng không phải chuyện bình thường, họ không bán thuốc theo yêu cầu và bà ta phải nhờ cậy mới được một liều bé xíu. Tệ hại thật.
Hừm.
Sẵn sàng chưa? – Koh ra hiệu.
Tôi dựng thẳng lưng lên, ra hiệu “sẵn sàng”. Koh đưa điếu xì gà lên hít một hơi dài.
- Hơi thở của con màu trắng, hơi thở của con màu đỏ, - bà ta bắt đầu lầm rầm.
Khi ngồi vào bàn cờ, anh phải khiến bản thân mình tin rằng anh là trung tâm của vũ trụ. Nhưng lần này, tôi không phải tự thuyết phục mình điều đó. Tôi đã tin sẵn rồi. Sức nặng của lực hấp dẫn lớn chưa từng thấy, nhưng đồng thời, dường như tôi đang hấp thụ nó để tích lại thành một năng lượng khổng lồ như trái núi. Tôi tưởng như cảm thấy được từng lớp vật chất khác nhau dưới chân mình, xuống tận phần lõi cháy sáng trắng như pha lê của trái đất: đầu tiên là bông, rồi thảm cói, đất sét, đất trồng, đá và đá nóng chảy. Mọi thế giới dưới nước và trên trời đều xoay quanh chúng tôi. Tôi thấy hoàn toàn thư thái.
Cô gái lùn luồn một ngón tay qua một vòng thòng lọng trên nóc lò, kéo cái nắp vuông bằng gỗ lên và đẩy nó sang một bên. Nhìn có vẻ nặng nhưng cô ta xem ra cũng không phải gắng sức. Khoảng không bên dưới thay vào khoang lò lại là một cái hốc vuông vắn, sâu chừng mười lăm inch, rộng chừng bốn mươi inch. Trên mặt đáy phẳng của cái hốc, tôi chỉ nhìn thấy đường viền ngoài được khắc chạm của một bàn cờ hình vuông, mỗi cạnh dài khoản mười ba inch. Koh đang ngồi ở hướng tây nam, còn tôi,hướng đông bắc. Cô gái lùn thắp nến bấc ở rìa tây bắc và đông nam của cái giếng đá khiến nó sáng bừng lên. Đá này là loại đá phiến ma đen hạt mịn, lên nước bóng nhoáng,thứ nước bóng chỉ có thể có được do tiếp xúc với da người, qua nhiều đời vỗ, chà, xát, đánh bóng; và khi Koh vỗ năm lần lên thành hốc phía tây nam bằng chuỗi cây phất trần đuổi ruồi, do tiếng vang, hay đúng hơn, do ít tiếng vang nên tôi có thể nói chắc rằng cái hốc được đục vào đá nguyên khối và chúng tôi đang ngồi trên đỉnh một ngọn núi chìm, chạy dưới lớp đất bồi tích của thung lũng đến tận chân dãy Sierra Madre Oriental.
- Ya’nal Wak Kimi, - Koh lầm rầm,
Ngày hôm nay
Hấp hối 6,Nai đực 14, tun thứ mười một,
Gần cuối k’atun thứ mười một của b’ak’tun thứ mười,
Con xin mượn hơi thở của mặt trời hôm nay,
Xin mượn hơi thở của mặt trời ngày mai,
Của những mặt trời đến sau ngày mai.
Bà ta bốc một nhúm thuốc lá ướt trong một chiếc giỏ nhỏ, luồn tay vào dưới tấm áo quechquemitl để xát nó lên đùi. Tôi không hình dung được nhiều lắm những gì đang diễn ra dưới lớp vải, nhưng nó vẫn là một động tác khá gợi tình.
Tôi lui người về đằng sau một chút. Tôi cảm thấy không ổn chút nào. Tôi chắc chắn mình sắp nôn ra không chỉ những thứ có trong dạ dày mà toàn bộ đường tiêu hóa. Mọi thứ, từ thực quản cho đến ruột kết, sắp sửa phun ra khỏi miệng tôi và tung tóe  đầy bàn cờ. Tôi chặn tất cả lại và ngồi thẳng lên thêm vài độ nữa. Bình tĩnh nào Joaquinito. Mày muốn chơi cùng những nhân vật quan trọng mà. Vậy thì hãy chơi đi.
- Hơi thở của con là gió vàng, - Koh tiếp tục,
Hơi thở của con là gió đỏ,
Hơi thở của con là gió trắng,
Gió đen và gió xanh ngọc lục bảo.
Ngươi, đến từ gia đình người chú của ta
Ngươi, đến từ nơi xa, và bây giờ đang ngồi cạnh ta,
Chúng ta đang ngồi cùng nhau,
Giữa bốn đỉnh núi cao,
Bốn miện núi lửa,
Trên đỉnh núi màu lục – lam
Cách đỉnh núi trắng phía đông bắc năm mặt trời
Cách đỉnh núi đỏ phía đông nam năm mặt trời,
Cách núi lửa vàng phía tây nam năm mặt trời,
Và cách đêm tối,
Cách núi lửa đen reo rắc ghẻ phía tây bắc,
Đúng năm mặt trời.
Cô gái lùn trao cho Koh một vật. Đó là một viên đá đen hình nón tròn, chiều ngang đáy khoản hai inch, cao khoảng bảy inch, được mài đến độ bóng nhoáng. Koh đặt nó vào ô, hay đúng hơn là vào một chỗ lõm lờ mờ của phần tư màu đỏ trên bàn cờ - dù mặt bàn cờ chỉ còn sót lại loáng thoáng vài vệt màu, nhưng người ta vẫn biết chỗ nào là màu nào – tương ứng với ngày hôm nay. Đáy nó vừa khớp với chỗ lõm nên nó đứng thẳng, vững vàng. Cô gái lùn đưa tiếp cho Koh một viên nữa, rồi một viên nữa, cho tới khi chín viên đá sừng sững đứng trên mặt bàn cờ, tạo thành một bản đồ sao thể hiện thời điểm này, tại vị trí này, với chòm Tua Rua, mặt trăng và sao Kim mới mọc ở rìa đông. Tiếp đó, bà ta đặt thêm năm viên đá mà tôi đoán là tượng trưng cho năm đỉnh núi của Teotihuacán. Như vậy, bàn cờ thể hiện chính xác vị trí của chúng tôi trên trái đất.
Koh chìa bàn tay đen, xòe ra chậm rãi, ý hỏi: “Nào, câu hỏi của ngươi là gì?”.
Nào, - tôi nghĩ, - tốt hơn hết là nên diễn đạt thật chuẩn.
Tôi vẫn chưa chắc chắn bà ta muốn giúp đỡ tôi đến mức nào. Tôi phải có được lời cam kết của bà ta. Nếu không thể xác định được tên doomster ngay lúc này thì bà ta nên dạy tôi cách chơi với chín viên đá. Và nếu cần phải có hai món thuốc để chơi được thì bà ta nên bảo tôi biết phải làm điều đó thế nào. Thế nhé!
- Người, bên cạnh tôi, - tôi nói, - xin hãy cho tôi biết làm thế nào để duy trì được nòi giống của những người cùng thời tôi qua mặt trời cuối cùng của b’ak’tun thứ mười ba, để tiếp tục tồn tại thêm mười ba b’ak’tun sau mặt trời đó.
Koh không tỏ thái độ gì. Nhưng sự im lặng kéo dài khiến tôi gần như chắc chắn là bà ta không bằng lòng. Không sao, bà ta không ném mình qua cửa đâu, - tôi tự nhủ. Im lặng.  Im lặng.  Im lặng.
Cuối cùng, Chim Cánh Cụt – như một số người lùn khác, dường như cô ta đọc được ám hiệu của Koh bằng ngoại cảm – hiện ra với một đống giỏ bằng vỏ liễu khác. Cô ta lấy một cái bình và một cây chổi sơn, quét một loại mỡ hay dầu gì đó lên bốn cạnh tường vây quanh bàn cờ chìm. Nó có mùi rất lạ. Tiếp theo, cô ta quét đến các cạnh của mấy hòn đá…
Ặc. Chóng mặt quá.
Lúc này, vị của nụ hôn đã lan khắp người tôi. Nó tanh như thịt cua và chua chua – tuy không bằng vị chua của kiến – và dưới cái vị đó là vị tê tê như cô-ca-in, và dưới nữa, ở cuối dư vị, phảng phất một vị không mấy tự nhiên, khiến tôi nhớ đến một loại đồ uống nhẹ mà người ta từng sản xuất hồi tôi còn nhỏ, một món đồ uống lạ đời, vị lai, tiền-kỷ-nguyên-thực-phẩm-tự-nhiên, đầy vị hóa học, không khác gì thuốc, nhưng tôi không nhớ tên nó là gì, hay nó là thứ gì, một thứ…
Tôi nói luyên thuyên đi tận đâu thế này?
Cô gái lùn đưa cho Koh một cái giỏ. Bà ta lấy trong đó ra một thứ be bé, ngọ nguậy màu nâu hơi hồng và đặt nó vào điểm chính giữa màu lục lam của bàn cờ. Nó nằm thu mình lại, quay đầu, nheo mắt nhìn quanh vì chói sáng. Đó là một con khỉ con, nhỏ hơn con chuột lang trong phòng thí nghiệm – chắc cao khoảng hai inch nếu đứng thẳng lên – và gần như trụi lông. Háng nó được tô hoặc nhuộm đen để trông giống mảnh vải khố, đầu nó được tô đen giả làm cái mũ chụp, tôi đoán là để cho giống người hơn. Trông nó không giống một đứa trẻ tí hon vì nó có sự cân đối của người trưởng thành. Tôi không dám nói chắc nó là loại gì, nhưng có thể là khỉ nhện, giống Ateles, một giống khỉ nhỏ, đen tuyền, ăn quả cây và gần như không bao giờ xuống đến tầng thấp của rừng rậm. Chúng sinh trưởng rất nhanh, vì vậy, con này hẳn là mới sinh nhưng lông đã bắt đầu ngả đen, và khi chạy hai vòng quanh bàn cờ, nom nó nhanh nhẹn không kém gì một con khỉ trưởng thành. Nó cố leo lên một cạnh tường, rồi lại cố tì vào hai viên đá chúng tôi đặt gần nhau để nhoi lên, nhưng lần nào cũng trượt xuống vì đá bôi mỡ trơn. Thế là nó thử nhảy, tôi cứ tưởng nó nhảy qua được gờ tường, nhưng nó chưa có đủ cơ bắp và khả năng định hướng như con trưởng thành nên không nhảy được quá độ cao gấp đôi chiều cao của chính nó. Cuối cùng nó dừng lại và đái vào giữa phần tư màu đỏ. Tôi nhìn không rõ lắm – phải cần đến kính lúp của thợ kim hoàn may ra mới nhìn rõ được – nhưng hình như nó là con đực. Nó ngước về phía chúng tôi với cặp mắt bé xíu và chưa học được cách tập trung. Nó rón rén bò tới góc giữa phần tư màu đỏ và phần tư màu đen, co mình nằm thu lu ở đó, run rẩy. Koh lấy một trong mấy chiếc chén nặn bằng sô-cô-la khô, chụp lên người con khỉ rồi di nó qua các vết lõm nông đến ô vuông trên phần tư màu trắng, tức là ngày hôm nay, cách ngày nhật thực trên mép của phần tư màu đen bốn hàng.
Dừng một lát. Tôi nhận thấy người tôi hơi bị vẹo sang bên trái. Đến lúc này, cái thứ phải gió mà bà ta nhè sang cho tôi đã đưa tôi đi quá cái ngưỡng mài sắc trí tuệ, đến tận ngưỡng mà tôi không thể nói cho các bạn biết tôi là ai được nữa – nghĩ đến đây, tôi thấy đó thật sự là một vấn đề. Mình chỉ được hưởng có một tẹo số thuốc mà bà ta đã nuốt thôi đấy, - tôi nghĩ. Lượng thuốc trong người bà ta hẳn phải đủ để giết chết một con cá voi xanh. Mà bà ta gầy guộc hơn tôi rất nhiều. Chả trách những người đếm mặt trời chín sọ phải làm quen với thứ thuốc này từ khi mới lên năm. Chắc bộ mặt tôi đang nhe nhởn một nụ cười đờ đẫn vì phê thuốc. Không khéo bà ta tưởng tôi dở người. Hừ, lần đầu tiên ai chẳng thế.
Chim Cánh Cụt đưa cho Koh chiếc hộp thứ hai. Nó có hình dáng của một căn lều vuông nhỏ với một búi dây rợ trên nắp. Lần này, bà ta đặt nó vào chính giữa phần tư màu đen, tháo một cái nút nhỏ và kéo một trong những sợi dây. Một cạnh của chiếc hộp kéo lên như cửa lồng dế của người Trung Quốc.
Koh xòe bàn tay đặt trước ô cửa.
Chúng tôi chờ đợi. Chuyện gì nữa đây? – tôi tự hỏi.
Một cặp râu dài chia đốt thò ra từ trong bóng tối, dừng lại, ngoe nguẩy ngược chiều nhau, lại dừng lại, rồi một chuỗi dài màu trắng lởm chởm trườn lên tay Koh. Đó là một con rết, nhưng không thuộc giống tôi có thể phân loại, một loại động vật biến thái cư trú trong hang động, một loài bạch tạng và không mắt, sống dưới hang đất sụt thiếu ánh sáng và có lẽ suốt từ thời cá tay vây mới gia nhập làng động vật có xương sống. Các phần mềm trên cơ thể con vật không có sắc tố và gần như trong suốt, nhưng quanh rìa các màng ki-tin có màu nâu giống như những chỗ phồng cháy xém của cái bánh trứng. Nó dài xấp xỉ mười hai inch, đủ để khiến người ta chú ý. Con vật nằm yên một lúc đủ lâu để tôi quan sát thấy nó có hai mươi mốt đôi chân và không có mắt, chỉ có bốn mẩu nhú ra ở nơi đáng ra là mắt. Hai cái răng nọc, hay chính xác hơn là chân nọc dài và hơi co vào như lưỡi kiếm cong của kỵ binh. Những cái gai – túc là lông cứng giúp phát hiện chuyển động – trên đôi râu phát triển rất lớn, không khác gì cành nhánh chĩa ra trên cây xương rồng cotillo (Một loại xương rồng khi không có hoa nhìn như xác cây khô,là thực vật hoang mạc đặc trưng của vùng tây nam nước Mỹ và bắc Mexico). Nhìn nó như một cái khóa kéo trên chiếc túi nhét căng khổ sở đủ thứ bên trong.
Nhanh như chớp, Koh đưa bàn tay trái thừa ngón ra tóm lấy đốt lưng thứ hai, tức là phần đốt ngay sau đầu. Bà ta đặt nó vào giữa một cái đĩa con và dùng ngón tay cái giữ nó nằm yên. Nó – hay ta nên gọi là “bà ta” vì Koh gọi thế - cố vùng vẫy thoát ra, đạp chân lên và cào xước cổ tay Koh.
- Bà ta đã sống được một k’atun và bảy tun, - Koh giải thích, - bà ta rất khôn ngoan.
Koh thả ngón tay cái ra.
Tôi cựa quậy trên hai cẳng chân khoanh tròn. Tôi chưa từng chứng kiến hay nghe nói chuyện này. Tôi cứ nghĩ Koh sẽ chỉ đơn giản lôi ra những viên đá và hạt của bà ta rồi bắt đầu chơi luôn. Hừ, ai mà nghĩ ra được chuyện này.
Koh gõ móng tay xuống cạnh con rết, dường như đang giao tiếp với “bà ta” bằng thứ ngôn ngữ riêng của sự rung động. Động tác đó hình như khiến một mấu xúc giác nghển lên nghe ngóng. Cuối cùng, “bà ta” thả lỏng người ra một lúc và ngước “nhìn” chúng tôi. Tôi có ấn tượng rờn rợn là “bà ta” ngửi thấy chúng tôi. “Bà ta” trườn hai vòng quanh lòng bàn tay Koh và cuộn mình lại thành một hình xoắn ốc. Koh nói với “bà ta” với giọng khe khẽ bằng một thứ tiếng lạ, toàn nguyên âm sát vòm miệng và âm huýt gió. Tôi cúi xuống qua gần, con vật liền quay lại và bật những cái tua xúc giác trên miệng thẳng vào mặt tôi với hai tiếng tách.
- Cột sống ngươi phải ngả về phía tây bắc, - Koh nói, ý bà ta là tôi phải ngồi lui ra sau một chút. Tôi làm theo. Tôi nghĩ bà ta hơi cười tủm trước rắc rối nho nhỏ với món thuốc của tôi. Mắt tôi chắc nhìn như mắt một thằng nhãi mười hai tuổi sau hơi thuốc đầu tiên trong đời. Ừ, buồn cười lắm đấy!
Koh đặt bàn tay xuống gần cạnh đông nam của bàn cờ. Con rết trườn khỏi lòng bàn tay bà ta như một giọt thủy ngân và chiếm lấy góc đó. “Bà ta” tìm vị trí thích hợp và an vị. Xem ra “bà ta” rất quen với bàn cờ.
- Thứ lỗi cho tôi, hãy dẫn đường cho tôi, hỡi vị khách quý, - Koh lầm rầm. Nhanh như cắt, bà ta chụp lên cái chén thứ hai lên người con rết. Tôi chợt nhớ đến kỉ niệm chẳng mấy dễ chịu về những trò giải trí nho nhỏ mà mấy thằng anh nuôi ở Utah của tôi bày ra. Những trận giác đấu trong thùng gỗ giữa thằn lằn đuôi dài và chuột bạch. Koh đặt bàn tay trắng lên chiếc chén đậy con rết và bàn tay đen lên chiếc chén đậy con khỉ.
- Hơi thở của con màu đen, hơi thở của con màu vàng,
Hơi thở của con màu đỏ, hơi thở của con màu trắng,
Và bây giờ, là màu lục lam
Koh nói rồi mở cả hai chiếc chén.
Chẳng có gì nhúc nhích. Tôi ngồi nhìn con rết lâu đằng đẵng như hàng tuần, hàng tháng, rồi hàng năm. Cuối cùng, hai sợi râu của “bà ta” cũng động đậy, ngóc lên và khoa lên một đường vòng cung khoảng 150 độ, đập đập xuỗng như thanh gõ của người chơi đàn mộc cầm khi chạm vào mặt đàn. “Bà ta” dừng lại. “Bà ta” cảm thấy điều gì thì phải – tôi nghĩ. Liệu có phải bàn cờ này giống một thiết bị ghi địa chấn? Phải chăng con rết đang cảm nhận chuyển động lên xuống và dòng chảy của nham thạch sâu hai dặm dưới chân chúng tôi? Phải chăng nó đang đo lực hút của mặt trăng?
Hai con vật đang đứng ở hai rìa xa nhất của bàn cờ, và do các hòn đá chặn giữa nên chúng không thấy được nhau. Thế nhưng, con rết rung rung sợi râu, định hướng và thận trọng trườn ba bước về hướng đông, vuông góc với vị trí của con khỉ, vừa trườn vừa thăm dò bề mặt của phần tư màu đỏ. Qua cách “bà ta” giữ thăng bằng khi trườn qua các ô lõm, có thể thấy “bà ta” rất quen đường. Con khỉ đờ người ra. Sắp có chuyện gì đó.
Tính về kích thước, con rết có lợi thế hơn. Nhưng tôi đã từng chứng kiến khỉ rú giết chết được cả những con rắn to hơn chúng. Và nếu con khỉ quyết định không đánh nhau với con rết, nó chỉ cần chạy là xong. Con rết lại còn mù nữa. Vì vậy, tôi đoán rằng, một lần nữa, sự thể sẽ không dành cho loài không xương sống.
Con khỉ quay đầu sang bên trái, rất khẽ khàng, và con rết cũng ngóc cái đầu ngực về phía ấy. Thật khó tin là con khỉ gây ra tiếng động. Nhưng tổ tiên của con rết sống dưới lòng đất đã lâu, chúng học được cách nắm bắt những rung động nhỏ nhất. Sau một lúc lâu không động tĩnh, con khỉ rón rén bước sang trái, tìm đường chạy sang phía nam. Con rết phản ứng ngay tức thì. Con khỉ dừng lại một chút rồi len lén bước tiếp. Tôi đếm bốn nhịp và con rết bắt đầu chuyển động, thoạt tiên nó chỉ nghoe nguẩy tại chỗ, rồi mới lén lút trườn về phía nam, vuông góc với con khỉ, những cái chân chạm xuống bề mặt bàn cờ như những đợt sóng uốn lượn. Tôi nghĩ mình nghe thấy cả tiếng của lớp vỏ ki-tin đập xuống mặt đá và phân biệt được những tiếng đập khác nhau. Con rết đã đến bên cạnh hòn đá đặt ở vị trí của “ngày hôm nay”, đôi râu vươn sang thăm dò phía bên kia hòn đá, suy tính nhanh chóng. Tôi nghĩ đến bức ảnh chụp Marena vừa leo lên vách núi vừa sờ những khe nứt phía trên. Con khỉ bò đến gần hơn. Con rết bắt đầu trườn nhanh, như thể đang nuốt dần quãng đường phía trước, rồi đứng khựng lại, dùng đôi râu hít hửi không khí. Nhìn nó như một cái miệng đang há ngoác với hàm răng chìa ra ngoài, cái nhe nanh khát máu của con báo Cheshire (Lấy theo hình ảnh con mèo Cheshire trong mẩu truyện “Alice ở xứ sở diệu kỳ”, một con mèo có khả năng tàng hình, chỉ hiện ra mỗi cái miệng, ý diễn tả hình ảnh chỉ có cái miệng nhe nanh mà không có con báo). Con khỉ nhảy một bước ngắn sang trái, ra khỏi chỗ nấp sau viên đá.
Con rết đứng yên không động đậy.
Con khỉ đã nhìn thấy “bà ta”. Nó cũng đứng sững lại.
Nó có biết “bà ta” là cái gì không? Mọi động vật có vú đều có bản năng sợ những vật có hình dáng chia khúc. Nhưng mặt khác, loài khỉ, kể cả những giống chuyên ăn quả như khỉ nhện, cũng ăn rất nhiều sâu bọ. Và con khỉ này không chỉ có vẻ đói. Nó thực sự đói ngấu. Cặp mắt nó nheo lại, và qua ánh thèm khát trong đó, anh có thể nói chắc nó đang bị bỏ đói gần chết, nó sẽ tấn công bất cứ thứ gì có thịt. Liệu nó sẽ tóm lấy đuôi con rết và quật đầu “bà ta” vào hòn đá, hay sẽ cào xé cho đến khi con rết đờ ra, như loài cáo vẫn làm với bọ cạp?
Nó quan sát “bà ta”. Con rết lại trườn lên phía trước, rất thận trọng, vào phần tư màu vàng và xoay xuôi chiều kim đồng hồ về phía phần tư màu đỏ. Cơ thể căng cứng của con khỉ không động đậy, nhưng cặp mắt đó dõi theo. “Bà ta” bò sang phần tư màu đỏ. Con khỉ chuyển trọng tâm cơ thể. Bất thình lình, con rết lao bắn về phía trước, nhanh đến mức không mắt nào có thể theo kịp. Con khỉ giật mình và nhảy bắn sang một bên, gần như giật lùi và thu mình sau một viên đá. Con rết trườn chậm lại và quay đi.
Hai bên cùng cảnh giác. Tôi đếm năm nhịp, rồi mười nhịp. Con khỉ bò lùi về phía sau, giữ sao cho hòn đá chặn giữ chúng. Đến nhịp thứ mười bốn, hoạt cảnh tĩnh chuyển sang động. Hai chiến binh lao bổ vào nhau ngang qua bàn cờ, hệt như viên bi va đập giữa hai quả đấm trong trò bắn đạn, hoặc như cảnh quay các hạt hạ nguyên tử chuyển động trong thiết bị nhận dạng hạt phóng xạn ion hóa. Tôi có ấn tượng rằng con khỉ đang rượt đuổi con rết. Quanh một bụi nho (Lời một bài hát kể chuyện con khỉ đuổi bắt con chồn) – tôi nhẩm trong đầu. Rồi hình như con rết lại quay ra rượt con khỉ, chúng chạy gần như ngược chiều kim đồng hồ qua trận đồ đá gần như tạo thành một đường đua chướng ngại. Cứ sau mỗi vòng đua, con rết lại tiến sát hơn đến con khỉ. Lúc này,con khỉ đang ở trong phần tư màu đỏ, con rết cũng lao vào phần tư màu đỏ, rồi sang phần tư màu trắng, con khỉ tiếp tục nhảy ngang qua bàn cờ vào phần tư màu đen với con rết bám ngay sau lưng, cuối cùng, “bà ta” không đuổi theo nữa mà quay ngược lại,chạy về đằng sau, như thể “bà ta” đoán được con khỉ sẽ chạy đến chỗ nào, và trước khi tôi kịp nhận biết chuyện gì xảy ra, con rết đã dồn được con khỉ vào sát một viên đá. Nhưng rồi con khỉ luồn được ra sau lưng con rết. Nó lừa được “bà ta” cơ đấy – tôi nghĩ thầm. Con rết đứng khựng lại. Con khỉ xem ra đã lấy lại được dũng khí. Nó chồm lên, tóm lấy khúc đuôi con rết, định nhấc lên để đập vào hòn đá, nhưng trước khi nó nhấc được “bà ta” lên khỏi mặt bàn cờ, đầu “bà ta” đã vòng ra sau lưng nó. Tôi có cảm giác là con rết sắp đặt tình huống này, “bà ta” đã nhìn thấy trước sự việc. “Bà ta” quấn xiết lấy mình con khỉ và cắm những cái chân nọc như lưỡi dao vào thớ thịt sau gáy con khỉ.
Con khỉ vùng ra, nhảy lùi về phía sau và sảy chân suýt ngã. Hiển nhiên nó đã bị trúng độc. Nó cố chạy về phía tây, bò bằng cả tứ chi, nhưng đến vị trí của ngày Sậy 8, hai tay nó trượt đi trên mặt đá. Nó lảo đảo chạy qua viên đá Sao Kim và quay lưng về hướng bắc. Nó chạy được tới ngày Gió 13. Với kinh nghiệm mấy chục năm chơi cờ hiến tế, tôi có thể cảm nhận được, tuy không thể lý giải vì sao, rằng sự hoảng sợ của nó có liên quan tới điều gì đó rất quan trọng trong cách bố trí bàn cờ này.
Tôi nhìn lên Koh. Bà ta theo dõi cảnh tượng này với ánh mắt chăm chú mà tôi phải gọi là tóe lửa. Bà ta đang chuẩn đoán điều gì đó qua sự hoảng hốt của con khỉ.
Con rết nằm yên, chờ đợi. Tôi nhận thấy “bà ta” đang ngồi ở chính giữa bàn cờ, trên điểm màu xanh lục đánh dấu vị trí ngày 0, đồng thời tượng trưng cho Teotihuacán theo cách bố trí bản đồ thế giới của bàn cờ này. Sau ba mươi giây, chuyển động của con khỉ bắt đầu cứng đờ ra, nó kéo lên người về phía trước, chạy xa khỏi con rết. Đến lúc này, chắc nó không thể còn nhiều cảm giác đau, - tôi nghĩ, - chỉ còn thấy lạnh cóng thôi. Hai phút sau, nó đã ở rìa bên kia của phần tư màu đen. Nó ngã sấp mặt xuống, cứng đờ như một bức tượng. Nó vẫn cử động được hai bàn tay, nhưng phần còn lại từ dưới cổ đổ xuống bị tê liệt. Con rết tiến lại gần nó, lần này bình thản hơn nhiều, những cái chân rướn lên đặt xuống chậm rãi như cái mái chèo trên thuyền lớn. Khi đến nơi, “bà ta” dùng đôi râu lông lá đập những nhát dài và khéo léo xuống để khám xét con khỉ. “Bà ta” quấn lấy người nó. Nó bị xiết chặt nhưng hai tay vẫn nắm được hai chân con rết, cố đẩy nó ra. Hai con vật nhỏ bé, nhưng cảnh tượng thì thật bi tráng, cho ta cảm giác hệt như đang chứng kiến cảnh thánh George tiêu diệt rồng. Con khỉ bắt đầu rú lên.
Tiếng rú cao đến mức suýt ra khỏi ngưỡng nghe của tai người, chói như tiếng lưỡi dao kim cương cắt ngang qua tấm kính. Nó nhỏ thôi, nhưng xuyên thấu đến mức tôi chắc chắn cả Hun Xoc và những người còn lại ngoài sân đều có thể nghe thấy, thậm chí Bị Thương 14 ở bên kia thành phố cũng nghe thấy, ở tận Ix, tận Cực Bắc, tận Sao Hỏa cũng nghe thấy. Sau một trăm linh tư nhịp, tấm gương dường như đã bị cắt vụn, tiếng rú dừng lại, rồi lại váng lên, rồi lại ngắc lại, cuối cùng, con khỉ chỉ còn rú không thành tiếng với cái miệng há hốc, cứng đờ, hai vành môi vén lên để lộ những cái răng bé xíu nhăn ra. Sau ba trăm nhịp, người nó phù lên vì nọc tiêu hóa nhưng vẫn còn co giật. Con rết bắt tay vào đánh chén, cặp hàm nhỏ xíu và những cái xúc tu quờ quạng khắp người con khỉ, lên xuống, lên xuống, như đứa trẻ con gặp bắp ngô, “liếm” nó, phết lên nó một lượt nước bọt, sền sệt. Rết là loài ăn thịt theo lối rất bẩn, và chẳng mấy chốc, con khỉ đã bóng lên với thứ nước đó và thêm cả một vũng trong trong đọng ở dưới. Sau sáu mươi ngàn nhịp, các chất en-zim của con rết đã phân hủy được phần lớn cơ và nội tạng của con khỉ khiến nó nhìn như một bộ da bọc nước, chẳng hề giống một sinh vật vừa mới đây hẵng còn sống. Con rết gặm từ gốc cổ con khỉ, xuyên qua hộp sọ mềm nhũn vào đến óc, sau đó gặm ngược xuống thân. Chúng tôi quan sát trong sự im lặng đến nghẹt thở. Đồng tử của Koh giãn ra đến mức màu nâu của mống mắt nom hệt như quầng sáng quanh mặt trời khi bị mặt trăng che khuất. Con rết lật xác con khỉ lại bằng những động tác giật nhanh, khéo léo và rất kiểu cách rồi bắt đầu quết tiếp nước bọt lên dạ dày nó. Tôi tính ra chỉ mất có một tiếng bốn mươi phút để con khỉ biến thành một đống xương và răng.
Tôi liếc sang Koh. Bà ta cũng đang quan sát tôi bằng một mắt, mắt kia nhìn con rết. Ái dà, - tôi nghĩ. Nói chuyện với một người với ánh mắt không tập trung có thể khiến anh thấy chưng hửng. Nhưng khác với những người trong tình trạng đó, dường như Koh có thể điều khiển hai con mắt một cách độc lập. Tôi lại nhìn xuống bàn cờ. Mãi chẳng có gì xảy ra. Vừa lúc tôi tưởng mọi chuyện đã chấm dứt và chúng tôi đang bị ướp xác tại chỗ thì hình như Koh động đậy. Tôi ngước lên. Chẳng có gì cả. Tôi nhìn xuống con rết. Có điều gì đó không bình thường.
Con rết căng thẳng, như thể linh tính thấy kẻ thù. “Bà ta” quay phắt đầu sang trái, rồi sang phải, đớp đớp bộ hàm hai lần và có vẻ hoảng hốt. “Bà ta” chạy xuôi chiều, rồi ngược chiều kim đồng hồ, trườn qua ô màu đỏ, rồi màu vàng, đến b’ak’tun thứ tám, rồi lại rẽ sang phải, lao về ô phần tư màu đen, lao tiếp về ô màu trắng, quay về ô màu vàng, lần này hết sức cuống quýt, đến b’ak’tun thứ mười ba, chạy đi chạy lại, đến tương lai, về quá khứ, trườn qua trườn lại ở hiện tại, và cuối cùng, ở điểm chính giữa ô phần tư phía bắc, tương ứng ngày Đêm 14, “bà ta”cắm đầu xuống và xoay tròn ngược chiều kim đồng hồ. Không rõ tại sao, trong đầu tôi bỗng hiện lên từ “ĐIÊN”. Khi quay đến vòng thứ hai mươi tám, có vẻ như “bà ta” đã đi đến quyết định, “bà ta” đứng khựng lại, đuôi ngỏng lên, đôi râu rung rung, chân dậm xuống nhanh một cách không bình thường. Trong tiếng Ix, có một câu thành ngữ nói rằng: anh không bao giờ có thể chuyển động nhanh hơn cái rùng mình trước khi chết.
Con rết trườn bốn bước ngập ngừng về hướng bắc, sau đó là bốn bước chậm chạp về hương đông nam, rồi rùng mình đứng lại bên một ô, nơi các hòn đá đánh số thể hiện ngày Chuyển động 12,Ngọc lam 5 thuộc k’atun thứ bảy, b’ak’tun mười hai, tức ngày mùng 3 tháng 12 năm 1773. Đó là năm xảy ra vụ động đất phá hủy toàn bộ Antigua khi nó còn là thủ đô của Guatemala. Tôi có nên kể chuyện này ra không nhỉ? Hay Koh biết rồi? Tôi quyết định không nói gì nếu không ai hỏi. Con rết lại tiếp tục trườn lên phía trước, loạng choạng (nếu có thể loạng choạng với bốn mươi hai cái chân) đến Etz’nab 2, K’ank’in 1, tức ngày Lưỡi Dao 2, Xương Vàng 1, cách ngày tận thế hai ngày.
Hiển nhiên con rết đã bị trúng độc bởi con khỉ, hoặc thứ gì đó mà người ta dùng để nuôi con khỉ. “Bà ta” quằn quại, hết co lại duỗi, lăn ngửa ra, lại co, lại duỗi, rồi lật úp người xuống. “Bà ta” tự cắn vào bàn chân thứ 18 bên trái. Những mẩu thịt trăng trắng phèo ra qua các khe của bộ xương ngoài. Hơi nước phun ra qua chân nọc khí “bà ta” phun chất độc thần kinh ra ngoài không khí. “Bà ta” lại vật ngửa ra, tự cào xé mình. Một vết nứt toác ra ở giữa lưng và há rộng dần, lớp biểu bì của từng khúc thân lần lượt rách dần. “Bà ta” đang lột xác.
Động vật chân đốt lột xác nhờ lực nhu động. Cảnh một con nhện lột xác nom giống như một bàn tay tự rút dần ra khỏi găng. Các giống côn trùng thì có xu hướng xé toạc một nhát toàn bộ lớp vỏ. Rết thì co duỗi người, như bàn chân rũ chiếc dép lê xuống vậy. Thông thường, việc lột xác làm lộ ra toàn bộ lớp thịt bên trong và con vật nhìn như mới được sinh ra một lần nữa. Tôi nhớ rằng ai đó – có lẽ là mẹ tôi, hoặc mẹ Chacal – từng bảo rằng nếu chúng ta cũng biết lột xác, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết.
Thế nhưng, lúc này, con rết đang phải lột xác khi chưa đến lúc. Bộ xương ngoài dưới lớp “ bà ta” đang lột vẫn chưa hình thành, mới chỉ có những tế bào biểu bì sống đang sủi lên các bọt bong bóng huyết tương. Thực chất, con rết đang tự lột da sống mình. “Bà ta” lăn lộn, vật vã trên nền đá, rõ ràng là đau đớn cực độ. Từng mảng vỏ ki-tin bong ra và rơi xuống bàn cờ với những thớ thịt trắng bàm ở mặt trong. Phần bụng của hai đốt cuối chuyển động, hay có thể nói là cuộn lên rồi rơi ra… nhưng hình như hai mẩu thịt đó vẫn cựa quậy, không, chúng là những vật nhỏ đang chuyển động… giòi chăng? Không, đó là hàng trăm con rết bé li ti màu trắng trong suốt, mỗi con chỉ bằng một mẩu dừa khô nạo mà trước đây người ta vẫn rắc trên kem tráng miệng. Tôi nhớ là loài rết đẻ trứng, nhưng rõ ràng giống này khác. Lũ rết con trườn, và vươn, và uốn éo, và túm tụm lại quanh những tảng thịt của con mẹ, liếm sạch trơn số nước mủ chảy ra. Cuối cùng,  con mẹ uốn cong người thành một vòng tròn, tự giày xéo cái xác của mình cho đến khi chỉ còn là một đống bầy nhầy sũng nước nằm ở ngày Sọ 9, Gió 11 trên phần tư màu trắng của bàn cờ. Cuối cùng, chỉ còn đôi râu của “bà ta” động đậy, lờ đờ vẽ thành hình số tám trong không khí. Trong vòng một ngàn nhịp sau đó, những con con cũng dần chết theo. Những ngón tay của Koh từ trên cao thò xuống. Mấy cái móng chạm vào con rết tả tơi. Bà ta nhấc cái xác lên – con rết cứng đờ như một mẩu thịt muối rán cháy – và đặt quân cờ bằng ngọc mắt mèo của mình và chỗ đó. Bà ta vun những mẩu còn lại của con khỉ và cái xác lòng thòng của con rết vào một mảnh vải bông mới. Cô gái lùn chìa ra một cái hộp nặn bằng đất sét. Koh quấn tấm vải quanh xác hai con vật và đặt cái bọc vào hộp,nói với nó vài câu ngắn gọn bằng hai thứ tiếng khác nhau.Cô gái lùn cất cái hộp đi, chắc là để mai táng trọng thể. Trước khi tôi kịp hiểu ra Koh làm gì, bà ta đã cất chín viên đá lớn đi và bắt đầu rải sọ, tức là các hòn đá, lên các ô mà hai con vật đã chạy qua, và lầm rầm bằng thứ ngôn ngữ cổ xa lạ kia. Tưởng như bà ta dừng đến hàng phút trước khi rải thêm một viên đá và tôi phải tự nhắc mình rằng bà ta đang cử động với nhịp độ bình thường, chỉ là tôi đang suy nghĩ nhanh hơn thôi.
Vậy mà cuộc chiến giữa hai con vật diễn ra nhanh đến mức tôi chỉ vừa kịp theo dõi. Còn Koh không chỉ theo dõi, bà ta còn nhớ được toàn bộ đường chạy rối rắm của con rết và con khỉ, và nhớ rất chính xác. Bà ta đánh dấu lại nó bằng một chuỗi các dấu hiệu, đặt những viên đá có hình thù khác nhau vào những vị trí xảy ra những sự kiện khác nhau: một viên dẹt hình bầu dục tại nơi con rết tấn công lần đầu, một viên hình cái nêm tại nơi con khỉ bỏ mạng, một viên hình cầu gần như hoàn hảo tại nơi con rết bỏ mạng. Đây là một trong những sự thể hiện trí tuệ phi thường nhất tôi từng được chứng kiến, mà tôi cũng chỉ được chứng kiến có vài lần. Tôi không nắm bắt được phải đến tám mươi phần trăm diễn biến. Tôi cược rằng bà ta có thể xem một đoạn băng mười phút ghi lại hình ảnh những quả bóng lăn trên sàn bi-a và phác lại được lại toàn bộ các đường bóng.
Cuối cùng, Koh vỗ tay xuống bàn cờ năm lần và dốc ra một cái túi đựng những viên đá nhỏ. Không viên nào giống viên nào. Vài viên phẳng bẹt một mé như viên kẹo gôm. Mỗi viên tượng trưng cho một hành tinh hoặc một ngôi sao lớn. Bà ta chọn ra những viên đại diện cho các ngôi sao đang xuất hiện trên trời vào đúng lúc này và cất số còn lại vào túi. Bà ta bày bản đồ sao của đêm nay lên bàn cờ, lần này hơi khác đi, với Chúa Tể Cuối Cùng Của Đêm Tối thấp xuống một chút về hướng tây và vị trí xuất hiện lần đầu của Người Chế Ngự Mặt Trời, tức là sao Kim, ở hướng đông. Viên đá mà bà ta dùng làm mặt trăng là đá hidrofan, một loại ngọc mắt mèo, nhẵn hình cầu. Ở châu Âu thời Trung cổ, người ta gọi nó là Con Mắt Của Thế Giới.
Koh lầm rầm:
- Hướng màu đen, ta xin từ biệt hang của người chết,
Hướng màu vàng, ta xin từ biệt hang của hơi thở,
Hướng màu đỏ, ta xin từ biệt hang của những người chưa ra đời
Hướng màu trắng, ta xin từ biệt hang của sự hư vô.
Ta rải những hạt đen và hạt vàng,
Sọ đen và sọ đỏ,
Còn đây, sọ lục lam của riêng ngươi,
Chính là ngươi,
Và chúng ta bắt đầu.
Bà ta đặt xuống một viên đá màu xanh lục và di chuyển nó về phía trước, đi xuống phía tây, đi lên phía đông, quay về nơi các con đường cắt nhau,đến cạnh Cây Cá Sấu (Theo quan niệm của người Maya, Cây Cá Sấu là hình ảnh tượng trưng cho dải thiên hà với trung tâm nằm trên miệng con cá sấu), đi qua Bốn Trăm Gã Trai, tức là chòm Tua Rua, dọc theo con đường trắng dài của ruột rắn, qua các bệ đá lò sưởi, tức vành đai của chòm Thợ Săn, rồi đi tiếp về phía nam, hướng đến ngôi Thiên Lang và Mirzam – ngôi sao mà người Maya chúng tôi gọi là Chúa Tể Thứ Hai Của Đêm Tối, vừa đi vừa để lại phía sau một mạch đá dài đánh dấu những nếp gấp của thời gian. Bà ta di chuyển rất nhanh nhưng tôi cũng theo được mà không gặp khó khăn gì. Thực ra, tuy bộ não của Chacal không có những liên hệ với trò chơi như bộ não của Jed, nhưng tôi vẫn đưa ra được cách giải quyết nhờ vào kinh nghiệm tích lũy được từ các ván cờ trước đây tôi từng chơi. Và tôi không hẳn thấy mình suy nghĩ mạch lạc hơn. Cảm giác này khác, một cảm giác đặc biệt của loại ma túy gây xáo trộn không gian. Nó không cho anh cảm giác giống như đang bay qua không gian, mà khiến cho anh thấy mọi không gian hợp nhất thành một, hoặc cả thế giới cuộn lại thành một quả bóng trên tay anh và nếu anh xoay nhẹ nó đi một cái, anh sẽ đến bất cứ nơi nào mình muốn… hoặc có lẽ sẽ chính xác hơn nếu nói rằng thế giới như một cỗ bài, anh có thể kéo các không gian cách xa lại gần nhau chỉ bằng cách tráo bài, anh có thể thả tõm Sri Lanka vào giữa Oklahoma (Một bang miền nam của Hoa Kỳ) hay trút tinh vân Trifid xuống căn phòng này.
Koh đặt chín viên đá trắng xuống và bắt đầu đuổi theo quân chạy. Nó đã chạy tới mặt trời cách hôm nay tám ngày, tức ngày nhật thực. Bà ta nói ở đó có mùi hơi ảm đạm và rằng sẽ có một k’ii xảy đến với tôi vào ngày hôm đó. K’ii nghĩa là mánh khóe hoặc chiến thuật, ý nói tôi sẽ tìm ra cách để xoay chuyển tình thế. Và k’ii đó có tên ghép là “chaat ha’ anachan”.
Chaat có nghĩa là Gió Tây Bắc, rất khô, nóng và được mặc định là màu đen. Hoặc cũng có thể chỉ là gió nói chung. Anachan nghĩa là một thành phố chết, tức là một thành phố theo kiểu Maya thu nhỏ dành riêng cho người chết. Chúng tôi đã đi qua hàng trăm thành phố như vậy trong suốt cuộc hành trình mệt mỏi trên bộ từ San Martín đến đây. Ngoài ra, bụi quá dày đặc (theo cách nói của Koh) khiến bà ta nhìn không rõ thêm gì nữa.
Gió trong nghĩa địa à, - tôi ngẫm nghĩ, - hừmm.
`- Năm mặt trời, mười bốn mặt trời và ba mươi mặt trời,
Năm mươi nhăm mặt trời, chín mươi mốt mặt trời và một trăm mặt trời…
Cứ đặt được hai mươi viên đá, Koh lại cầm lấy viên đầu tiên và tiếp tục di chuyển, giống như một người leo núi, trước tiên anh ta chăng một sợi dây cáp an toàn, leo qua, chăng một sợi thứ hai, rồi lại leo ngược xuống để gỡ sợi thứ nhất. Lúc trước, tôi cứ tưởng bà ta sẽ dùng một cái kẹp gắp để di chuyển xa phía bên kia bàn cờ, nhưng thay vào đó, bà ta vươn người sang. Tôi nhìn thấy gần hết bộ ngực. Có những thứ chẳng bao giờ thay đổi. Tôi lại thấy muốn một nụ hôn nữa của Người Nhện. Có lẽ bộ da nửa đen nửa trắng cũng là một kiểu đáng yêu. Bà ta có vấn đề gì đâu nào. Chẳng phải chỉ là tăng sắc tố mô thôi sao? Chỉ là tăng sắc tố do thiếu cân bằng hoóc-môn thôi. Hay là bệnh bạch biến thật nhỉ? Hay sạm da? Hay suy tuyến thượng thận? Hay nhiễm sắc tố sắt? Hay thiếu máu cơ? Hay khô da sắc tố…
- Mặt trời không, - Koh nói. Bà ta đã đến ngày tương ứng nơi con khỉ bị giết. Nhưng bà ta không dừng lại. Thay vào đó, không hề lưỡng lự, bà ta tiếp tục di chuyển các viên đá, như thể con rết vẫn đang truy đuổi con khỉ trong một chiều không gian Kaluza-Klein (Học thuyết liên quan đến không gian đa chiều do nhà bác học Theodor Kaluza đề xuất) đã sập nào đấy. Một vài ô đã gần như kín đặc đá. Giá chỉ có một hoặc hai quân chạy thì tôi còn theo dõi được. Nhưng như tôi đã nói, cứ thêm một quân chạy, độ khó lại tăng lên gấp nhiều lần. Một ván cờ với chín quân chạy không chỉ khó hơn một bậc so với ván cờ tám quân. Thậm chí cũng không chỉ khó hơn gấp chín lần. Mà 9!, tức 9 x 8 x 7 x 6 x 5 x 4 x 3 x 2, hay 362.880 lần khó hơn.
- 14, 51, 124, 245, - Koh lẩm nhẩm. Bà ta nhìn rất xa về tương lai rồi quay ngược lại. Bà ta lần ngược đường về tận ngày Kaban 5, Chen 15, 8.14.17.7.17, một ngày mà cuốn Thư tịch có nhắc tới, là ngày A’K’aakan, tức Al Mirador (Một thành phố thời tiền Columbus của người Maya, nay thuộc địa phận bang El Petén, Guatemala), sụp đổ, sau đó, bà ta quay lại và đi tiếp theo con đường đến tương lai, tiến thêm 394 ngày, tới rìa của phần tư màu đỏ, tương ứng với ngày thành Ix ra đời. Có điều gì đó rất đáng chú ý trong con đường vòng vèo mà bà ta đi, cách nó trở đi trở lại, vòng từ chỗ này tới chỗ khác như dệt thành một họa tiết hình bông hoa, họa tiết đó cứ lặp đi lặp lại, nhưng mỗi lúc một mở rộng hơn… song dù thế nào, nó vẫn luôn có cùng một độ cong như thế, và tôi có cảm giác là lạ về đường cong đó, dường như nó đang cắt xuyên qua đám mây hình nấm của hậu quả và bập vào đến căn nguyên bên trong như con dao cắm phập vào hạt đào.
- Khi chúng đến những nơi và những mặt trời xa lạ với ta, - Koh nói, - ta sẽ kể cho ngươi những gì ta thấy ở đó và ngươi sẽ cho ta biết tên của chúng.
Tôi ra hiệu đồng ý. Cách làm mà bà ta vừa nói không có gì khác thường. Thực tế, việc này đã có tiền lệ trong nghi thức của trò chơi. Chẳng hạn, một khách hàng xem bói có thể hỏi người đếm mặt trời rằng chuyện gì sẽ xảy ra trong chuyến đi sắp tới của anh ta. Nếu anh ta hỏi về nơi anh ta đã từng đến nhưng người đếm mặt trời thì chưa đến bao giờ, người đếm mặt trời sẽ dự đoán cho anh ta những điểm chính yếu nhưng đồng thời yêu cầu anh ta giải thích những điểm cụ thể.
- Ba trăm chín mươi nhăm, năm trăm linh sáu, - bà ta lẩm nhẩm. Bà ta tiến một bước thêm năm mươi hai năm về tương lai, rồi một bước nữa, một bước nữa, một bước nữa. Tia chớp lóe lên dưới da tôi như một luồng điện áp tĩnh chạy quanh quả cầu Van de Graaff (Một thiết bị phát tĩnh điện). Koh tả lại cảnh những thành phố đẹp đẽ bị nổ tung, hóa thành rừng rậm và tôi lần lượt hình dung ra chúng như một đoạn băng tua ngược cảnh những bông pháo hoa đỏ bắn lên trời xanh, Ix, Axcalamac, Yaxchilan, Bonampak, Palenque, Kaminaljuyu, Ti ak’al, Uaxactun và Tonil, tất cả cùng tan rã theo làn sóng lan ra từ tàn tích của Teotuhuacán. Những ngón tay của Koh nhảy về phía trước, mỗi lần đập xuống là một lần đặt một hạt sọ vào ô tiếp theo, để lại một vệt dài, nhưng là vệt dài phía trước những hạt sọ và lớp lông chim trên mặt bàn cờ dệt thành những quả cầu pha lê cho ta thấy lịch sử. Thêm nhiều thành phố khác hiện lên ở hướng bắc: Kan Ec, Pink Mountain, Tula, Flint Lake, Chichén, Kabah, “Giếng hẹp không bao giờ cạn”, Uxmal và Mayapan. Tiếp đó, sau thời điểm bắt đầu của b’ka’tun thứ mười, những quần thể kim tự tháp lại kết tinh thành hình ở vùng hồ, gần trung tâm của bàn cờ, nhưng nằm về phía tây nam của tàn tích Teotuhacán: Tlaxcala, Tenochtítlan và hàng trăm thành phố khác của đế chế Aztec. Vô số hàng lính nối đuôi nhau như những con kiến gác tổ, ào ào tiến ra khỏi các thành phố thủ phủ và đi khắp Mesoameria. Tôi liếc nhìn Koh. Bà ta đang cố gắng hết sức mình để đưa tôi đi xuyên qua dòng lịch sử, như thể đang cõng tôi trên lưng mà lướt trên dòng nham thạch. Nếu anh chơi cờ vây hoặc cờ vua, hoặc chỉ chơi Neo-Teo hay bất cứ trò gì khác trong số các trò chơi điện tử đời mới, miễn sao không quá dễ, anh sẽ hiểu được cảm giác, hiểu được sự đau đầu nhức óc khi phải để ý quá nhiều thứ cùng một lúc. Hoặc cũng vậy nếu anh là một vận động viên. Khi anh rướn sức lần cuối và anh nghĩ mình không thể làm được, nhưng rồi anh làm được, anh vượt qua cái ngưỡng đó và lên đến nơi nhưng chẳng có cách nào xuống được, anh liền phát hoảng và gào lên gọi nhân viên y tế. Koh ghi nhớ trong đầu hàng ngàn sự kiện có thể xảy ra và quan sát chúng trải rộng quanh viên đá tượng trưng cho chính mình, sau mỗi bước đi, bà ta lại chọn lấy một trong số chúng. Những chiếc xuồng to bằng cả một thành phố từ biển khơi lướt vào cái đáy màu đỏ của bàn cờ. Bà ta lại nhìn thấy bọn người cá cháo, thấy mụn nhọt đen mọng tóe ra từ một tấm da thuộc rộng hàng dặm vuông, thấy những lá phổi phập phồng bám đầy ghẻ mủ, thấy những thây người chết rũa quá nhanh đến mức chẳng kịp chôn. Bà ta di chuyển quân cờ đến năm 1518, năm Hernán Cortés đặt chân đến nơi ngày nay là Mexico City, cách phế tích Teotihuacán chỉ vài dặm. Những thành phố trắng nổi lên giữa lòng hồ rụi đi trong đám lửa. Bà ta đi tiếp.
- Gió 9, ý nghĩ 10, k’atun mười sáu, - bà ta thông báo. Đó là ngày mùng 4 tháng 2, năm 1525 Công nguyên. Vùng hồ cạn khô thành bùn và tan biến đi theo những cơn bão cát.
- Hắn tiêu diệt gần như toàn bộ chúng ta, - Koh nói.
- Ai cơ? – tôi hỏi
Bà ta miêu tả một gã khổng lồ với bộ râu đỏ hoe vàng.
Tôi nói tôi biết hắn là ai.
- Là ai? – bà ta ra hiệu hỏi.
- Pedro de Alvarado.

53

53
Koh nhắc lại cái tên. Tôi thấy rùng cả mình khi nghe thấy nó ở đây, vào lúc này, qua giọng nói của bà ta.
- Lúc này, chúng ta đã thành nô lệ, - bà ta nói. Tôi tiếp tục nhìn xuống bàn cờ. Bây giờ, nó to lớn chẳng khác nào toàn bộ Tây Bán Cầu, dân cư đi lại khắp các lục địa như những hạt xoàn lăn trên cái dĩa phẳng. Bà ta mô tả các thành phố to phình lên gấp đôi chỉ sau vài mùa hòa bình, hệt như nấm đất, và hai cái rễ đen với những con sâu khổng lồ, ướt rượt, trườn bên trên. Tôi nói cho bà ta biết tên của thứ mà bà ta vừa liên tưởng ra, và bà ta nhắc lại từ “đường sắt”. Bà ta chuyển từ vị trí của ngày 24 tháng 12  năm 1917 sang năm 1918, đến chuỗi ngày mà những cơn động đất tàn phá Ciudad Guatemala. Bà ta tả rằng những cái rễ sinh sôi rất nhiều, nhú lên, vươn dài và rỉ ra nhựa đường. Lũ rận rệp màu đen bò trên đó, hút máu của nữ thần Cóc Đất và cây cối sẽ rung chuyển dưới hơi thở của chúng. Sau k’atun thứ chín của b’ak’tun cuối cùng, lũ rận rệp hôi thối đó sẽ sinh sôi thành từng đàn khổng lồ, được tráng men đỏ, xanh lơ và vàng, một vài con mọc cả cánh. Tôi giải thích rằng theo tôi, bà ta đang nhìn thấy đường, xe ô tô và máy bay. Bà ta tả tiếp những khối đá thạch anh “mọc qua đêm và nôn những con ruồi trắng vào một cái bát nứt màu lục lam”.  Tôi không chắc bà ta nói thế nghĩa là sao. Bà ta đặt hòn ngọc bích của mình xuống ngày Khỉ rú 11, Trắng 4, unial thứ năm, tun thứ nhất, k’atun thứ mười tám của b’ak’tun thứ mười ba, b’ak’tun cuối cùng.
- Đó là ngày lễ đặt tên của người, bà ta nói. Tôi gật đầu ra hiệu “đúng”.
Bà ta di chuyển nó đến ngày mùng 3 tháng 2 năm 1976 – ngày xảy ra cơn động đất lớn cuối cùng của Guate City – và tiếp tục đi sâu hơn vào b’ak’tun thứ mười ba.
- Ngày Chuyển động 11, -  Koh nói, - một con rắn “ống xì đồng” với miệng và hậu môn kề nhau sẽ nôn bụi cát vào lửa của Thần Số Không, và bụi cát đó sẽ nóng chảy thành những lưỡi dao thủy tinh.
Ngày đó tương ứng với ngày mùng 2 tháng 6 năm 2009, ngày xảy ra vụ nổ máy gia tốc hạt ở Huajapan de Léon. Tôi định kể qua cho Koh về sự việc này, nhưng bà ta đã đi tiếp, đưa viên ngọc mắt mèo đến ngày Lưỡi dao 6, Xương vàng 6.
- Chúng đánh lộn nhau ở đây, - bà ta nói, - tại một “ thành phố trò chơi” ở đồng bằng san hô phía bắc.
- Là Disney World, -  tôi nói.
-Chính xác thì điều gì đã xảy ra vào mặt trời đó?
Tôi cố mô tả lại ngày đó chính xác hết mức có thể.
Koh đi tiếp. Chúng tôi đã đến nơi tận cùng của thế giới ở rìa phía tây của bàn cờ, tại một ô tương ứng ngày Chúa tể 4, Xương vàng 3, tức 21 tháng 12 năm 2012, ngày cuối cùng của chu trình thời gian.
-Một ahau giấu mặt sẽ khiến người của ông ta quay ra chống lại chính ông ta, - Koh nói, - ông ta có cái sọ méo mó.
Tôi gật đầu đồng ý “vâng”, nhưng thông tin đó chẳng có gì là nhiều nhặn cho lắm.
- Không, chờ đã, - bà ta nói, - ông ta không phải ahau, ông ta chỉ sử dụng tiếng nói của ahau thôi. Tên ông ta là Hoa Lăng Tiêu.
Ối giời, - tôi kêu thầm trong bụng. Thông tin này thì có vẻ khá cụ thể, theo cách riêng của nó. Có điều tôi chưa từng nghe đến thứ gì được đặt theo tên Hoa Lăng Tiêu.
Hừm.
Từ tiếng Ix mà bà ta dùng là t’aal chaconib, nôm na là “hoa sô-cô-la chim ruồi”. Và hiển nhiên đó là “hoa lăng tiêu”, Campsis radicans. Nhưng vấn đề là từ này hay được dùng làm tính từ nhiều hơn, giống như “màu hồng cá hồi” vậy. Tức là người ta coi hoa lăng tiêu là màu đỏ. Nhưng những loài lăng tiêu dại mà chúng tôi có lại có màu hồng, hoặc hồng cá hồi. Vì vậy, chắc ý bà ta là “màu đỏ nhạt”.
- Người, ở trên tôi, có thể cho tôi biết ông ta ở đâu không? – tôi hỏi. Nhưng bà ta đã đi tiếp, đưa quân chạy đi xa hơn ngày đó, vào thời gian “không tên”. Bực thật. Tôi lại liếc nhìn bà ta. Những người chơi cờ Hiến tế phải học cách che giấu sự mệt mỏi tinh thần, nhưng đồng thời họ cũng học được cách đánh hơi thấy điều đó ở kẻ khác. Vì vậy, mặc dù Koh không có biểu hiện gì ngoài một tẹo nhức mỏi vì phải tập trung mắt khá lâu, thêm một hay hai mạch máu hơi nổi lên trên nửa trắng của khuôn mặt, nhưng tôi vẫn có ấn tượng rằng bà ta sắp gục xuống. Một giọt mồ hôi lăn xuống từ chân tóc được xoa dầu của bà ta. Trên bàn cờ, và hình như quanh chúng tôi nữa, vô số hình thù lộn xộn quay cuồng và gào rú với tiếng ồn như tiếng một đàn súc vật thuộc loài có vú không lồ trong hang đá lớn. Phía trước chúng tôi, có thứ gì đó nom như một rìa núi, và xa hơn nữa là một thứ có thể gọi là vùng nằm ngoài tầm mắt, tức là 80% không gian quanh đầu mà anh không những không nhìn thấy, mà còn không hình dung được trông nó sẽ như thế nào. Chẳng hạn, khi anh cố nhướng mắt nhìn lên khoảng không phía trên giới hạn cao nhất của tầm nhìn phía trên mũi mình, anh sẽ thấy một dải mờ màu nâu, nhưng xa hơn nữa lại không phải một màn đen kịt mà là sự hư vô mà bộ não của anh không thể hình dung ra được ở đó có gì.
-Và đây là cách núi rồi, - Koh nói. Nghĩa là không còn gì nữa.
Im lặng.
Hừ, trở ngại đây, - tôi nghĩ. Tôi nén một cái ợ. Tôi thấy buồn nôn. Cô gái lùn lạch bạch đi tới, dọn những viên đá lớn nhỏ đi. Sự im lặng kéo dài đằng đẵng trong lúc Koh nhìn xuống bàn cờ trống không. Hai mắt tôi mỏi đến mức nhìn cái gì cũng hơi xanh xanh. Khi Koh quay đi không nhìn nữa, cô gái lùn lau sạch bàn cờ bằng nước b;alche’, muối và nước lã, đập tay năm lần để báo cho uay của bàn cờ biết rằng chúng tôi đã chơi xong, đậy nắp lò lại và rải cánh hoa phong lữ lên đó. Cô ta lấy từ một trong mấy chiếc bình ra một mảnh vải ướt và dập tắt các mẩu nến bấc.
Tôi nheo mắt. Trong phòng vẫn còn ánh sáng. Đó chính là ánh sáng xanh mà lúc trước tôi tưởng là do mắt tôi mỏi. Nó vẫn lờ mờ nhưng đủ sáng để tôi nhận ra thứ bóng như sáp phủ khắp tường, khắp trần nhà và khắp các bức màn che, thứ có màu đen dưới ánh lửa lúc nãy không phải giấy, không phải lá cây, cũng không phải lông chim. Đó là một lượt cánh màu xanh biếc của loài bướm đổi màu. Chúng được cắt tỉa tỉ mẩn từ phần giữa cánh thành những mẩu hình tròn bé xíu rồi đính lên lớp lót bằng vải bạt. Hàng chục ngàn phiến tròn óng ánh biếc như da trời rung rinh trong luồng gió mà không có chúng thì chẳng ai nhận thấy. Tôi nghe nói ở miền tây bắc này, bướm đổi màu là way của các chiến binh đã bỏ mạng và người ta chỉ có thể thu lượm chúng sau khi chúng chết một cách tự nhiên. Đôi khi, những người thu lượm bướm phải theo dõi những con hấp hối đến vài ngày trời. Thế thì mất bao lâu mới được chỗ này? – tôi tự hỏi,  người ta đã tiêu tốn bao nhiêu giờ lao động, bằng bao nhiêu đời người, cho căn phòng này? Ánh sáng lan rộng ra. Chúng rơi xuống như tuyết từ ô cửa trần, chậm đến mức tôi nghĩ mình trông thấy rõ từng hạt ánh sáng. Màu xanh đằm xuống thành một ánh biếc long lánh kỳ ảo, ánh biếc không hẳn là màu sắc mà đến từ hàng tỉ chiếc vây góc cạnh và biến mất dưới một giọt nước, và nó còn đằm sâu hơn thế nữa, tưởng như chúng tôi đang chìm xuống nước biển nhiệt đới, tinh khiết đến độ tôi cảm tưởng như đây mới là lần đầu tiên được nhìn thấy màu xanh thực sự.
Cô gái lùn dừng việc đang làm và hấp tấp bỏ ra ngoài như thể vừa nhận được hiệu lệnh bằng ngoại cảm.
Chắc chỉ thế thôi, - tôi nghĩ. Tôi hít một hơi và chuẩn bị bài cảm ơn như thông lệ nhưng Koh ngăn tôi lại bằng một cử chỉ “cứ ở yên đó chờ”.
Bà ta nhắm mắt lại. Đây có thể coi là cử chỉ thân mật nhất của bà ta kể từ lúc tôi đến.
Chúng tôi ngồi yên.
Ta có nên coi đây là một thất bại không nhỉ? – tôi ngẫm nghĩ, - bà ta đã đưa mình đến đó, mình đoán rằng… nhưng như thế cũng không đủ để lần ra ai đó… phải vậy không? Mình không…
- Ta cần chơi lại ván đó, - Koh nói,- với một liều đầy đủ Bụi Của Muối Mặn Già và Bụi Của Người Chèo Xuồng Già.
Tôi không biết nói gì nên cứ ngậm miệng, một điều rất hiếm khi tôi làm.
Hừm, vậy là, xem ra bà ta cũng coi đây là một thất bại. Song chí ít bà ta cũng có sự tự tin. Nó hơi giống cái cách mà Taro nói chúng tôi cần nỗ lực thêm 1020 lần nữa để khoanh vùng được tên doomster.  Chúng tôi không bao giờ làm được điều đó, hiển nhiên, bởi hành tinh này không có nhiều sức máy tính đến thế, nhưng ít ra ông ta cũng biết điều đó là không thể.
Tôi loáng thoáng nghe thấy tiếng động và ngẩng lên. Chin Cách Cụt đã quay lại, thì thầm gì đó vào bên tai trắng của Koh.
Tôi ngồi yên.
Tiếng thì thào mãi không dứt. Cảm giác về thời gian của tôi vẫn chưa trở lại bình thường, nhưng tôi chắc chắn câu chuyện đó kéo dài hơn mười phút. Koh ra hiệu bằng tay để hỏi lại vài điều gì đó nhưng tôi không hiểu là gì. Bà ta nhìn tôi với thái độ làm tôi hơi lo. Cuối cùng, cô gái lùn cũng đi ra, Koh ngồi lại tư thế trang trọng và nhìn tôi với ánh mắt khiến tôi phải cúi xuống nhìn chỗ lúc trước là bàn cờ.
Các bạn có biết… À, tôi chắc chắn là các bạn có biết…rằng trong các vở kịch Hy Lạp, mọi diễn biến đều diễn ra sau sân khấu? Và thứ duy nhất xảy ra trên sân khấu là, lấy ví dụ thôi, một người đưa tin bước ra và nói một câu đại loại như “Muôn tâu nữ hoàng! Người Thesalonica đã bị đánh bại!”. Khi lần đầu tiên đọc những vở kịch này, tôi nghĩ chúng thật kệch cỡm và giả tạo. Nhưng càng chứng kiến nhiều sự đời, nhất là những sự việc ở đây, ở thời cổ này, tôi càng nhận ra những điều trong vở kịch đó đúng thực tế. Các nữ hoàng, các quận công, các ahau và những nhân vật loại như thế thực sự dành hầu hết thời gian ngồi trong phòng của mình nghe báo cáo qua vài lần truyền miệng rồi cử người truyền lại mệnh lệnh, và nói chung, họ thường không nhúng tay vào công việc thực sự.
-Ta vừa nghe tin dinh thự của Bị Thương 14 của thị tộc Đại Bàng vừa bị đột kích, - Koh thông báo. Bà ta không trừng mắt lên nhìn tôi nhưng giọng bà ta cộc lốc và tôi nghĩ không phải do kiệt sức sau ván cờ. Bà ta nổi giận.
-B’aach? – tôi hỏi lại. – Sao cơ?
Ăn nói với bà ta như vậy thì quả là xấc xược đến mức không thể tha thứ được, nhưng tôi nghĩ đấy là do tôi đã quay trở lại với sự thiếu suy phép tắc của người thế kỷ hai mốt.
-Bị Thương 14 đang ở ngoài kia với người của ngươi.
-Các k’iik khác thì sao? Chuyện gì đã xảy ra với họ?
-Theo như chúng ta biết, họ cũng đang trên đường tới đây, - bà ta đáp.
Tôi liền duỗi chân ra.
-Tôi, dưới chân người, nên…
Bà ta ngửa bàn tay lên, ý nói “im đi” trước khi tôi kịp nói nốt câu “ra gặp họ”.
-Ta được thông báo rằng những kẻ tấn công là người của thị tộc Bướm Đuôi Nhạn, - bà ta nói.
Là lũ mất dạy của nhà Báo Đốm Oxwitzá đây mà, - tôi nghĩ bụng. Thuyền của chúng đã bám theo chúng tôi từ ngoài vịnh. Chắc chúng đã đến đây ngay sau chúng tôi và tạ sự trước mặt những người anh em nuôi trong Giáo hội Báo Sư Tử để xin họ chấm dứt việc làm ăn của 14. Và có đến gần một trăm phần trăm là nhà Mèo Rừng ở Ix xúi bẩy việc này. Lũ giời đánh.
-Ta còn được thông báo rằng thêm nhiều người nữa đang trên đường tới đây, - Koh nói. Chắc là những người trốn thoát đang cố xin một nơi ẩn náu tạm thời ở đây, trong lãnh địa của Rắn Chuông.
Chết cha, bà ta nổi cơn rồi, - tôi nghĩ. Và chắc không chỉ vì những đứa con của Rắn Chuông không muốn tiếp nhận những người lánh nạn nữa, mặc dù họ không muốn thật, bất chấp quy tắc hiếu khách buộc họ phải nhận. Vấn đề chính là vụ rắc rối này có thể chặn đứng mọi cơ hội cải thiện quan hệ giữa Rắn Chuông và hai Giáo hội lớn.
Thôi được rồi, - tôi tự nhủ, - thay đổi kế hoạch vậy. Đừng nản. Không quan trọng đích đến cách bao xa…miễn là mày luôn hướng đến nó.
Chúng ta vẫn còn ít thời gian. 14 chỉ là chuyện vặt thôi. Phải vậy không? Hai Giáo hội có thể rượt đuổi một thương lái nước ngoài ngay trước Tuần lễ Thiêng nhưng họ sẽ không gây sự với Rắn Chuông trước khi lễ vọng kết thúc. Phải không?
Được rồi. Nghĩ đi.
Chẳng thể có cách nào bí mật ra khỏi đây được. Chúng ta phải ở lại trong lãnh địa của Rắn Chuông cho đến khi kết thúc nhật thực rồi sẽ nghĩ kế tìm đường ra sau.
Và sự cố này chỉ khiến Koh dễ nhận lời đến ẩn náu ở Ix hơn thôi. Bà ta sẽ nhận lời, - tôi nghĩ, - bà ta phải nhận.
-Tôi cầu xin người, ở trên tôi, hãy đến Ix, - tôi nói, - cha tôi, Sọ Đá Quý 2, muốn dành cho người…