PHẦN I
THÀNH PHỐ CHẾT MEGACON
Chương 4

7

IMG_0515

Bàn cờ nằm giữa trang giấy, hai bên có hai hình vẽ. Một vị vua trong trang phục hậu duệ báo đốm ngồi bên trái, hai tay khoanh lại. Theo mẩu chú thích của Michael Weiner lơ lửng một cách khó chịu phía trên bức hình, ông ta có thể là một vị ahau có tên Chim Ruồi Có Nanh 9, trị vì từ năm 644 đến khoảng năm 666 tại một thành phố thuộc địa phận Alta Verapaz mà nhóm nghiên cứu của Weiner xác định là thành Ixnich’i-Sotz – hay theo cách gọi đơn giản của dân địa phương ngày nay là Ix. Dòng ký tự biểu tượng chạm khắc phía trên hình vẽ thứ hai ngồi ở góc tây nam bàn cờ, hướng mặt về tương lai, hình như là Ahau-Na Hun Koh, nghĩa là Công Nương Răng 1.

IMG_0402
Nửa dưới mặt bên phải của bà ta được tô đen, bàn tay phải cũng vậy, và có lẽ do nhầm lẫn gì đó mà dường như bàn tay kia có tới bảy ngón. Trang phục bà ta vận có phần giống kiểu Teotihuacán, đô thị lớn nhất miền cao nguyên Mexico thời đó. Phía trên hình người là một hình vẽ con chim Muwan và một thanh ngang hình rắn hai đầu, phía dưới là một sinh vật mà các nhà nghiên cứu Maya gọi là quái vật Cauac – con vật hình dáng thô cứng, be be, nửa cóc nửa cá sấu, nằm ngoắc hàm, sẵn sàng nuốt gọn gàng toàn bộ bức tranh. Dãy ký tự chạm khắc trên cùng ghi rằng cuộc chơi này đã diễn ra vào ngày Chúa tể 9, Sum họp 13, 9.11.6.16.0, tức là ngày Thứ 5, 28 tháng bảy năm 659. Dãy ký tự thứ hai, nằm dưới cùng ghi lại ngày đầu tiên của lịch Mesoamerica. Dưới bức hình khắc mười ký tự sau:

chap 7
Đây rõ ràng là một phần của một bản ghi chép cảnh báo sự kiện. Tức là danh sách mà trong đó một người giải đoán nào đó đã ghi lại những ngày tháng quan trọng, đi kèm ghi chú về những sự kiện thiên văn lớn, những sự kiện lịch sử và sự kiện tương lai giả thiết sẽ xảy ra vào ngày tháng đó. Một vài con số được viết với phần dấu quy ước bị biến đổi đi, những số khác lại được viết với những dấu chấm và gạch chú thích. Thời gian, chúng xuất hiện ở khắp nơi.
Hừm. Mặt khác, nếu chỉ nhìn vào các động từ, toàn bộ ghi chép này sẽ cho ta ấn tượng rằng đây là một bản ghi kết quả của một trận bóng hông – tương tự như “điểm” trong môn cờ vua. Đó là thuật ngữ chỉ cách tính điểm mà người Maya từng sử dụng trong các trận bóng nghi lễ của họ. Các bạn có thể hình dung đó là một môn thể thao lai giữa bóng ném, bóng chuyền và bóng đá, sử dụng một quả bóng đặc biệt bằng cao su to bằng quả bóng rổ và tâng nó lên chủ yếu bằng hông. Nhưng bất kể nó kỳ cục thế nào, nếu nó chỉ là một trong tám mươi trang của cuốn sách thì cuốn sách ấy hẳn phải chứa đựng vô vàn thông tin. Vấn đề khó khăn nhất đối với các nhà nghiên cứu văn tự chạm khắc Maya là có quá ít văn bản bằng chữ cổ tồn tại đến ngày nay. Vì có quá nhiều ký tự chỉ gồm duy nhất một hình đơn lẻ, ví dụ như…Chắc Marena vừa hỏi gì đó mà tôi không trả lời.
- Jed? – cô ta gọi.
- Hả? Xin lỗi. Tôi mải mê quá. Được xem thứ này với tôi là cả một sự kiện lớn đấy.
- Tôi gọi anh là Jed được không?
- Hở? ồ, được thôi. Đây là nước Mỹ mà, kể cả những người chưa từng gặp tôi cũng gọi tôi là Jed.
- Được lắm. vậy anh nghĩ sao?
- À, ừ…- tôi trả lời, - ừ, ngôn ngữ này chắc chắn là thuộc thời cổ đất thấp Maya. nhưng cách viết, ý tôi là cách vẽ, lại hơi giống thời hậu cổ điển. Có thể trong khoảng từ năm 1100 đến 1300 Công nguyên. Chỉ là phỏng đoán thôi.
Liệu đây có phải là một bài kiểm tra không nhỉ. Nếu không giải đoán được điều gì đó thì thôi, không được xem trộm thêm phần nào nữa?
- Đúng đấy, - Marena nói, - Michael cũng nói nó là một bản chép lại vào khoảng bảy hoặc tám trăm năm sau. Tuy thế, nó vẫn thuộc về…ờ…thời tiền khai phá (Tức là trước khi có sự tiếp xúc giữa văn hóa châu Âu và châu Mỹ bản địa).
- Michael Weiner có nói nhân vật Công nương Koh này chắc chắn có nguồn gốc Maya không? Hay bà ta đến từ Teotihuacán?
- Tôi không rõ, - Marena đáp, - ông ta không nói gì về việc này. Anh phát âm từ đó đúng như thế à?
- Sao cơ? à, phải, - tôi nói. – Tay-oh-tee-hwha-cun.
- Chết tiệt, tôi vừa sản xuất một trò chơi có liên quan và từ trước tới giờ tôi toàn đọc sai.
- Ừm, nếu là thôi thì tôi chẳng lo lắng lắm đâu, - tôi nói, - chẳng ai biết rõ lắm về nơi nấy, kể cả tên của nó.
- Thật à?
- Phải. Địa danh đó rất bí ẩn.
Đó là sự thực. Không ai biết họ đã nói thứ ngôn ngữ gì, hay họ tự gọi mình là gì, hay hậu duệ của họ là ai. Nhưng bí ẩn lớn nhất là mà không ai biết, hay đúng hơn, điều gây ngạc nhiên nhất, đó là làm thế nào mà thành phố của họ lại tồn tại được lâu hơn tất cả các thành phố khác ở châu Mỹ và phát triển rực rỡ thành trung tâm của Mesoamerica trong suốt tám trăm năm. Ngay cả sau khi đã bị phá hủy, khu vực đó vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng nhất định. Bảy trăm năm sau, dưới thời kỳ thống trị của người Aztec, nó trở thành nơi đặt thành phố lớn nhất ở Tây bán cầu, và năm trăm năm sau nữa, chính là bây giờ đây, nó lại đóng tiếp vai trò ấy.
- Anh còn ấn tượng gì khác về trang sách này không? – Marena hỏi.
- À, những ngày tháng này có vẻ khó dễ hiểu – tôi đáp, - nhưng một số động từ lại khó hiểu. Tôi cá rằng rất nhiều trong số này là các biến thể tương đối đặc biệt. Tôi phải bỏ ít thời gian ra tra lại từ điển mới được.
- Anh chạm vào một chữ nào đấy đi, sẽ hiện ra phần dịch của Michael Weiner.
Tôi làm theo. Dòng chữ Maya xám đi và xuất hiện những chữ tiếng Anh màu xanh da trời sáng. Nhìn qua thì thấy Weiner đã dịch được gần chín mươi phần trăm văn bản.
- Hừm, - tôi lẩm bẩm. Đọc qua thì tôi không thấy có lỗi gì. Trước giờ tôi luôn coi Michael Weiner là loại ngớ ngẩn, nhưng xem ra không phải. Dù sao, tôi cũng không quen ông ta. Tôi chỉ nhìn thấy vài lần trên chương trình Những bí ẩn cổ xưa. Đó là một người gốc New Zealand to béo, nói giọng nam trầm, để râu quai nón, bằng cách nào đó ông ta đã chen chân được vào lĩnh vực khảo cổ ở Tân Thế giới, và kênh truyền hình Discovery đang cố đặt ông ta ngang hàng với Steve Irwin trong lĩnh vực nghiên cứu vẽ Mesoamerica. Ông ta chỉ việc đi một vòng quanh quảng trường họp chợ ở Teotihuacán và nói những câu đại loại như “Đây là Rodeo Drive (Khu thương mại sầm uất nổi tiếng ở California) của Mexico thời cổ”. Giới thiệu hay đấy, ông bạn. Và ông là Benny Hill (Người dẫn chương trình truyền hình của Mỹ. Ý nói: đối với khảo cổ, ông chỉ là một tay dẫn chương trình truyền hình chứ không phải nhà khoa học) của giới khảo cổ.
Tuy nhiên, tôi nghĩ, hẳn ông ta cũng rút ra được khối điều từ trang sách này. Tất cả các văn tự Maya được phát hiện đến nay đều cụt lủn đến phát ngán. Nhưng đây là văn bản chạm khắc có tính chất tường thuật rõ ràng nhất mà tôi từng thấy, nhưng vẫn rất ngắn gọn. Cụm từ đầu tiên, b’olon tan, nghĩa là “bàn thứ chín”, có thể hiểu là đã có tám bàn thắng, hoặc tám lần bắt được đối phương, được ghi ở những trang mà tôi chưa được xem. Điều đó cũng có nghĩa rằng trận đấu được chơi với ít nhất chín “quân cờ” thay vì một, quân cờ ở đây có thể được hiểu là “người bị đuổi theo”, hoặc thậm chí là “quả bóng”. Và nó khiến trò chơi khó gấp 260 lần – tức là 1.411.670.956.537.760.000.000.000 – so với phiên bản chơi với một viên đá mà tôi và Tara đang dùng. Và có vẻ như mỗi lần quân cờ lại bị bắt ở một đường giao khác nhau trên bàn cờ, và mỗi đường giao nhau này lại tương ứng với một ngày tháng riêng theo lịch của người Maya. Còn nữa, trên trang đính kèm, mỗi ngày tháng đó – Weiner đã quy đổi chúng sang ngày tháng tương ứng theo Tây lịch thông thường – lại có một cột ký tự chạm khắc bên dưới, viết rằng có chuyện gì đó đã xảy ra, hoặc sẽ xảy ra, vào đúng ngày ấy. Phần nhiều trong số đó là các sự kiện thiên văn, nhưng đến gần cuối, các cột chữ bắt đầu nhắc đến các sự kiện lịch sử. Dòng chạm khắc đầu tiên cạnh nơi quân cờ thứ mười hai bị bắt giữ bắt đầu bằng Răng 3, Kền kên nạm ngọc 15, 10.14.3.9.12, Weiner đã tính chính xác ngày đó thành ngày 30 tháng 8 năm 1109. Trên dòng chú thích, Weiner viết: “Chichén bị xóa bỏ?”. Bất cứ tay hướng dẫn viên du lịch nào cũng có thể giải thích cho anh rằng Chichén Itzá là chính thể Maya lớn nhất vào thời đó. Ngày tháng tiếp theo là ngày 14 tháng 5 năm 1430. Dòng chú thích ghi: “Các chiến binh Mexico chiếm được Champotón”. Thời bấy giờ, Champotón, thuộc địa phậm Campeche (Một bang của Mexico) ngày nay, từng được gọi là “thủ phủ luân phiên k’atun” – gần như thủ phủ của toàn bộ tộc Maya. Những điều này với tôi chẳng có gì khó hiểu, nhưng khi tôi kích vào để xem phần chú thích, trên đó ghi rằng Weiner đã phát hiện ra các dữ kiện về địa lý từ các con số liên quan đến thiên văn. Khi tôi xem kỹ các ký tự liên quan đến thiên văn thì thấy nó quả thực có lý. Mỗi nhóm ký tự đều có một cụm từ giống nhau mang nghĩa “thuộc nơi” đứng trước một cụm từ ghi ngày tháng của ngày thiên đỉnh đầu tiên. Ngày thiên đỉnh đầu tiên tức là ngày đầu tiên của mùa xuân khi mặt trời nằm ở đỉnh cao nhất trên bầu trời vào đúng giữa trưa, và cứ tiến lên một vĩ độ về hướng bắc thì ngày thiên đỉnh lại muộn đi một ngày.
- Cô có biết gì về vụ vĩ độ này không? – tôi hỏi Marena.
- Xin lỗi?
- Tôi chưa từng thấy văn bản chạm khắc Maya nào chỉ rõ vị trí vĩ độ cả. Ý tôi là tôi hiểu cách suy luận của mọi người, nhưng rõ ràng đây là một cách viết lạ.
- Hừm.
- Tôi có thể xem các trang khác không?
- Ừm…thôi, cũng được. Anh đừng kể với ai đấy nhé.
Cô ta nhìn xuống, nguệch ngoạc vội vàng cái gì đó lên một màn hình cảm ứng. Tôi được chuyển sang một trang khác. Không có hình vẽ nào trên trang này, nhưng nó viết rằng sự kiện sắp tới sẽ xảy ra vào năm 1498 Công nguyên, tại Mayapan, và nó còn viết gì đó về việc những “người cười”, tức là những người dân thành Ix, sẽ bị ăn thịt bởi “carnelian”, nghĩa là đá ruby hay chính là cách ám chỉ mụn nhọt. Weiner ghi chú đoạn này như sau: “Người Tây Ban Nha truyền bệnh đậu mùa chăng?”. Nơi quân cờ thứ mười lăm bị bắt là ngày 20 tháng 2 năm 1524. Cuốn Thư tịch đã đánh dấu nó bằng dòng chữ: “Nước mắt (dưới) người khổng lồ bằng đồng”, và Weiner chú thích bên dưới: “Cánh quân khởi nghĩa Maya cuối cùng đầu hàng Pedro de Alvarado (Vị tướng Tây Ban Nha nắm chức toàn quyền tại Guatemala thời kỳ đó.) tại trận Xelaju”. Tiếp theo là một ngày mà tôi biết rõ như thể nó được xăm trên cổ tay tôi: Ngày Lưỡi dao 10, Trứng đen 16, 11.17.2.17.18, tức là ngày 12 tháng 6 năm 1562. Weiner ghi: “tai hoạ định mệnh tại Mani”. Đó là ngày Fra Diego de Landa cho thiêu cháy toàn bộ những thư viện còn lại của người Maya tại Yakatán. Tôi luôn ước sao mình chẳng dính dáng họ hàng gì với cái đồ con hoang ấy.
Tự dưng tôi có cảm giác ngồ ngộ về việc này. Tôi lại có ý nghĩ cuốn sách này hẳn là đồ giả. Nhưng nhìn nó lại không giống một cuốn sách giả mạo thông thường. Nó quá kỳ quặc. Trong khi những tay làm giả có nghề luôn có xu hướng làm hơi thận trọng một chút. Cuốn sách không chỉ kỳ quặc ở nội dung mà còn kỳ quặc ở chỗ có quá nhiều ký tự hình dạng khác thường, thứ mà người ta chỉ mong nhìn thấy khi tìm được một mớ chữ nghĩa lạ tại một thành phố nào đó tương đối biệt lập với nền văn minh chung. Điều này chỉ có thể do một bàn tay làm giả thực sự thông minh bịa ra…nhưng tôi vẫn cảm giác văn bản này là thật. Một sự thật nghe có vẻ trái tai.
- Taro có nói ông ta nghĩ họ dùng bao nhiêu viên đá không? – tôi hỏi.
- Gì cơ? – Marena hỏi lại.
- Ờ, số lượng quân cờ í mà. Đó là thứ họ dùng khi chơi cờ Hiến tế.
- Tôi không biết nó là gì cả.
- Không sao, tôi sẽ hỏi Taro sau vậy.
Tại nơi quân cờ thứ mười bảy bị bắt, ứng với ngày 13 tháng 3 năm 1697, Martín de Ursúa y Arizmendi đã bắt sống được Ahau Kan Ek’, vua của thành Nojpetén tại Tayasal, bên hồ Petén Itzám thành trì cuối cùng của nền văn minh Maya truyền thống chưa khuất phục Tây Ban Nha. Đó là nơi cuối cùng người ta còn giữ lịch Long Count. Tiếp đó là ngày 29 tháng 7 năm 1773, ngày xảy ra vụ động đất ở cố đô Antigua Guatemala khiến người ta quyết định chuyển thủ đô về địa điểm như ngày nay. Tiếp nữa là ngày 4 tháng 5 năm 1901, ngày mà tướng Bravo chiếm được Chan Santa Cruz, thành lũy cuối cùng của quân nổi dậy Maya ở Yakatán. Ngày tháng thứ tư từ cuối đếm lên là ngày 9 tháng 11 năm 1954, dòng chú thích dịch đại ý như sau:
B’ak’tun cuối cùng
K’atun thứ 17
Tun thứ nhất
Unial 0
Trúc 6, Trắng 4
Kaminaljuyu (Một khu vực văn minh Maya thời tiền Colombia, thuộc lãnh thổ phía tây Guatemala)
Không phải Kaminaljuyu
Bị lừa gạt quá đủ
Bởi ahau xa lạ
Chúng ta gánh lấy tai vạ
Chúng ta trốn chạy
Khỏi những kẻ thối tha kinh tởm
Chúng ta rúc vào bụi rậm
Như lũ chuột, lũ khỉ
Chúng ta sẵn sàng cho sự đen tối.
Đó là ngày Castillo Armans tiến quân vào thành phố Guate trong chiến dịch táo tợn của CIA – tôi nghĩ tôi đã đến chuyện này rồi – khiến cục diện trở nên thực sự tồi tệ. Tiếp theo chỉ còn lại ba ngày tháng nữa. Một là ngày mà tôi đã nhìn thấy trong bài báo trên tạp chí Times, ngày xảy ra vụ nổ ở Oaxaca:
B’ak’tun cuối cùng
K’atun thứ 19
Tun thứ 16
Unial thứ 7
Mặt trời 0
Chúa tể 4
Nai đực 18
Giờ đây,
Dưới Choula
Tên của chúng ta bị bôi nhọ
Giữa một bể dao nhọn
Và chúng ta gánh lấy tai vạ
Ngày cuối cùng là một sự kiện trọng đại, chỉ còn cách không đầy một năm nữa: Kan Ahau, Ox K’ank’in, tức là ngày Chúa tể 4, Gân vàng 3, 13.0.0.0.0, hay ngày 21 tháng 12 năm 2012, ngày cuối cùng của hệ thống lịch Maya và là ngày mà những người tính tình vừa u ám vừa cả tin cho là ngày thời gian sẽ chấm dứt.
B’ak’tun cuối cùng
K’antun cuối cùng
Tun cuối cùng
Unial cuối cùng
Mặt trời cuối cùng
Lửa báo hiệu cuối cùng
Chúa tể 4
Gân vàng 3
Với cặp mắt không mờ khói
Con Ma Róc Thịt nhìn thấy
Bốn trăm chàng trai
Và những gì họ nói.
Họ nhiều hơn lúc trước
Nhưng vẫn chưa có ai.
Họ nài xin Con Ma Róc Thịt
Thứ mà ông ta
Chỉ có thể từ chối
Tất cả mặt trời
Của những lễ hội
Tất cả mặt trời
Của sự khổ đau:
Một trong hai thứ
Dễ dàng chiến thắng.
Nếu tìm kiếm nơi
Dành cho khước từ
Và sự phản bội
Ngươi sẽ không thấy.
Tìm kiếm khắp nơi
Hòng thấy Con Ma Róc Thịt
Ngươi có thể bắt
Nhưng không thấy được
Bộ mặt ông ta
Những mặt trời không tên,
Những cái tên không mặt trời:
Lấy hai từ mười hai:
Sẽ được kẻ láu cá
Hoàng đế Mèo Rừng 1.
Hừm…, tôi nghĩ.
Những thứ này không được rõ ràng lắm. Phải tư duy thêm.
En todos modos. Ngay trước này này là ngày bao nhiêu nhỉ?
Tôi quay lại ngày thứ hai tính từ cuối lên: Imix 9, K’ank’in 9.12.19.19.0.1, tức ngày 28 tháng 12 năm 2011, Thứ 4. nghĩa là cách hôm nay năm ngày nữa. Dòng chú thích viết đại khái như sau:
B’ak’tun cuối cùng
K’atun thứ 19
Tun thứ 19
Unial 0, mặt trời đầu tiên
Rắn biển 9 và Vàng 9
Bây giờ một số tháo chạy về phương bắc
Đến một thành phố
Của những người hành hương dưới ánh mặt trời.
Nó kết thúc vào mặt trời 0
Khi thầy phù thủy đánh lửa
Từ lưỡi dao và đá cuội
Và chúng ta gánh lấy tai vạ
Weiner cũng giải thích kỹ thêm nghĩa đen của bốn ký tự nằm giữa khổ cuối:

chap 7b
Đúng là ký tự nằm xa nhất về phía bên trái, hình cái đều để bàn tay dưới cằm, có thể nghĩa là số “0”, nhưng cũng có thể nghĩa là “hoàn thành” hoặc “bắt đầu”. Bàn tay nghĩa là người đó sắp bị xé hàm, đó được phỏng đoán là một trong những cách trừng phạt độc ác và thường dùng nhất của tổ tiên. Song tôi cho rằng nếu bàn tay là của chính người đó thì lại là dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, ở ký tự thứ hai, bàn tay lại với đến một món đồ trang sức nhưng không nắm được nó, điều đó hẳn nhiên có nghĩa là “kết thúc”. Ký tự biểu thị chuyến đi, hay chuyến hành hương, tương đối dễ hiểu…nhưng thành tố thứ hai của ký tự thứ tư với khung viền kín cả bốn mặt thì tôi chưa từng thấy.
Hừm…cũng có khả năng, các bạn biết đấy, rằng Công Nương Koh, hay bất cứ ai viết ra cuốn sách này, cũng không chắc chắn lắm về chữ ấy. Có thể bà ta lúc ấy có những ý nghĩ nào đó mơ hồ và cứ thế gắn chúng vào với nhau thôi. Chuyện ấy cũng từng xảy ra với tôi ở phòng thí nghiệm của Taro. Tôi nắm bắt được những ý niệm hoặc hình ảnh nhưng không thể gắn được chúng vào một thời gian, một địa điểm hay thậm chí một đối tượng nào. Và khi kết quả nó thường không đúng như hình dung trong đầu tôi.
Mặt khác…hừmm. Những số liệu về thiên văn có vẻ chuẩn, nhưng câu chuyện liên quan đến vĩ tuyến xem ra không được rõ ràng lắm. Có điều gì đó hơi rối rắm trong câu “xa hơn mặt trời trên đỉnh đầu” mà Weiner chỉ hiểu đơn giản là “phía trên Hạ chí tuyến”. Ông ta viết: “Monterrey, Mexico?”, ý nói đó có thể là nơi xảy ra sự kiện. Còn gì nữa…
Khoan đã nào, tôi kêu lên trong bụng. Ôi, quỷ sứ ơi. No mames (Không thể nào! Tiếng Tây Ban Nha). Điều đó là không thể. Không thể.
Đừng đùa thế…
- Anh đang xem ngày 28 đấy à? – Marena hỏi.
- Ừ.
- Anh nghĩ sao?
- Ừm, nó có vẻ kỳ lạ. – Tôi chưa kể với các bạn là chính tôi cũng có những tiên liệu đáng sợ về ngày này. Tôi không muốn giống một thằng đồng cốt phao tin vỉa hè.
- Nó là một ngày thực sự tồi tệ ư?
- Ờ, nó còn phụ thuộc vào việc cô là ai. Cô biết không, nó giống như cơn gió độc ấy mà…
- Được rồi, được rồi. Nào, anh nghĩ thế nào về nhận định của Michael về ngày đó?
- Ừm… Trước tiên, tôi cho rằng điều cốt yếu là ký tự đầu tiên này là tên một địa điểm. Nó không chỉ có nghĩa là một thành phố nào đó như Weiner giải nghĩa. Nó chỉ một thành phố cụ thể.
- Rồi. Vậy đó là thành phố nào?
- Đây, cô nhìn đi, - tôi nói xoay chiếc điện thoại lại và đẩy về phía cô ta. Cô ta cúi xuống làm tóc gần như quyệt vào trán tôi, - trung tố này có một, ờ…
- Trung tố là gì?
- Nó đại loại như một thành tố đặt vào giữa một từ. Trong trường hợp này, nó là phần giữa của ký tự chạm khắc. Tiếng Anh có tiền tố và hậu tố nhưng không có trung tố.
- Được rồi. Khoan đã, thế fucking thì sao?
- Sao cơ? – tôi hỏi lại.
- Anh biết đấy, như trong từ, ờ, specfuckingtacular ấy mà.
- Ồ, phải, ừ, cô nói đúng đấy, có lẽ đó là từ duy nhất.
- Rồi, mian hamnida (Xin lỗi anh - Tiếng Hàn Quốc) , anh nói tiếp đi.
-Vâng, ừm…thành tố chỉ địa danh, tức là cái hình nằm bên trong ký tự này… có phải là một hình chữ thập với bốn hình có dạng kim tự tháp nhỏ không?
- Phải.
- Weiner chưa thực sự giải thích được hình đó. Nhưng nó không giống với các ký tự thể hiện tên thành phố khác. Nó là một hình biểu tượng vũ trụ, rất giống với một bàn cờ của cờ Hiến tế. Cô biết công trình nghiên cứu của Taro về trò chơi này, phải không?
- Tôi biết một chút thôi.
- Ừ, và cô biết bàn cờ có năm hướng chứ?
- Chứ không phải bốn à?
- Bốn hướng tỏa ra xung quanh và thêm một ở giữa nữa.
- Tôi hơi hiểu.
- Điểm chính yếu là mỗi hướng mang một màu sắc riêng, cô biết chứ?
- Phải. Thực ra mọi dân tộc châu Mỹ bản địa và rất nhiều dân tộc châu á nữa cũng đều quan niệm về phương hướng theo lối ấy.
- Vậy sao? Dù sao, chắc Taro đã nói với cô về Jaipur rồi chứ?
- Gì cơ? – cô ta hỏi lại, - chưa.
- Cô biết thành phố Jaipur ở ấn Độ chứ?
- Aniyo, - cô ta khẽ lắc đầu, kể cả người không biết tiếng Hàn Quốc cũng hiểu như thế có nghĩa là “không”.
- Được rồi, ừm…thế này nhé, cô biết mục đích của tất cả những nghiên cứu mà Taro đang thực hiện là để khẳng định rằng một phiên bản nào đó của cờ Hiến tế chính là gốc của hầu hết các trò chơi hiện đại chứ? Mà cũng có khi là tất cả. Cô biết đấy, ngay cả cờ vua và cờ vây cũng có cùng một cấu trúc bốn cạnh cân xứng như thế, ý tôi là, khởi nguồn chúng đều là trò chơi dành cho bốn người. Và hiển nhiên tất cả những trò chơi như mạt chượt, bài bơ-rít và cờ tào cáo đều…
- Tôi tưởng ông ta nói nó giống như trò Parcheesi chứ?
- Phải, - tôi đáp, - chính xác thì hậu duệ gần nhất của nó mà ngày nay người ta vẫn còn chơi là trò Parcheesi cũng đồng thời tựa như một thanka (bức tranh Phật). Cô biết chứ, một mandala (biểu đồ đồng tâm thể hiện tinh thần tín ngưỡng và tâm linh của đạo Phật và đạo Hindu) ấy mà. Để suy ngẫm hay những việc đại loại như vậy chẳng hạn.
- Anh thấy đấy, tôi có cảm giác mình như con ngốc vậy. Vì tôi làm nghề thiết kế trò chơi mà bây giờ té ra tôi lại chẳng hiểu biết gì mấy về chúng.
- À, những điều này cũng bí hiểm, chẳng mấy ai biết đâu.
- Vâng.
- Dù sao, điều tôi muốn giải thích ở đây là các mandala không phải chỉ để chiêm bái. Chúng còn dùng được người ta dùng trong trò chơi hoặc để đi vòng quanh trong đó. Các ngôi chùa ở Đông Nam á được xây dựng trên nền mandala. Hay cô có thể nói cách khác là trên nền bàn cờ Parcheesi. Cô biết đấy, nó cũng giống như các nhà thờ công giáo được xây dựng trên nền hình chữ thập. Và khắp châu á, cô có thể thấy tất cả các tháp xá lị, đền, chùa…
- Ôi trời ơi.
-…và cả thành phố Jaipur đã được thiết kế theo hình dáng một bàn cờ Parcheesi.
- A, narohodo, - cô ta nói. Nó có nghĩa là “tôi hiểu rồi”. Cô ta phát âm từ ấy với một cái thở phào thật mạnh. Đến từ cộng đồng thiểu số cũng có cái hay là anh có thể dùng giọng điệu để bỡn cợt mà chẳng phải e ngại gì.
- Nhưng cờ Hiến tế không phải là duy nhất, ngoài nó ra, ở châu Mỹ bản địa còn hàng mớ phiên bản từa tựa. Phiên bản của người Aztec được gọi là patolli. Montezuma (Tức là Montezuma đệ nhị, vị vua thứ 9 của người Aztec. Cortés: Vị tướng Tây Ban Nha, người dẫn đầu cuộc viễn chinh đánh bại đại đế chế của người Aztec.) đã chơi trò này với Cortés. Cũng giống như trường hợp ở châu á, chúng không chỉ là những bàn cờ. Các sân chơi bóng hông của người Maya, có khi cả kim tự tháp và các thành phố của họ nữa, đều được thiết kế như hình dáng của bàn cờ. Và như trường hợp ở Jaipur, họ cũng cử các nghi lễ, các đám rước và những thứ đại loại vậy, đi từ hướng này sang hướng khác nhằm thể hiện một ý nghĩa nào đó…ờ, cô hiểu chứ?
- Tôi nghĩ là có, chắc là có.
- Mỗi phần, hay mỗi hướng của bàn cờ – cũng là của thành phố, lại có một vị thần cai quản riêng, những ngày, giờ riêng, thậm chí là thức ăn riêng và nhiều thứ khác riêng nữa. Hướng tây nam và tây bắc được coi là mặt đất và âm ty, hướng đông bắc và đông nam được coi là bầu trời và các vì sao. Và cuối cùng, trung tâm được coi là hướng thứ năm.
- Sao không phải là sáu hướng, với hướng thứ năm và sáu là trên và dưới chẳng hạn?
- Trên và dưới thuộc về một hệ thống quan niệm khác hẳn. Chúng như thể một chiều khác hẳn của vũ trụ. Còn hướng trung tâm ở đây chỉ có nghĩa là: Ta Đang Ở Đây (Tức là hiện tại). Hoặc…hình như tôi đi quá xa với đề tài này rồi.
- Không, không, xin anh, - Marena nói, - anh nói tiếp đi.
- Các hướng cũng đồng thời có liên hệ với thời gian. Hướng đông là tương lai và hướng tây là quá khứ. Hướng tây bắc thuộc về nữ giới, đó là theo giả thiết họ tự định ra, còn hướng đông nam thuộc về nam giới. Họ cũng lý giải rằng hướng đông nam có thể dẫn tới hiện-tại-và-tại-đây ở hướng trung tâm.
Thông minh có tự tin không nhỉ? – Tôi phân vân. Ngồi thẳng lên nào. Được rồi. Đừng có thẳng quá thế…
- Xin lỗi, tôi bị đứt mạch câu chuyện rồi, - Marena nói. – Những chuyện đó thì có liên quan gì đến tên địa điểm kia?
- À, điều tôi muốn nói là theo tôi thấy, ký tự thứ tư chính là một bản đồ thu nhỏ được cách điệu của trung tâm một thành phố kiểu Maya. Ở đây, họ ghi là “lâu đài bậc thang quý giá”, nhưng ý nghĩa của nó thực sự là “khu đền thờ”.
- Rồi.
- Và phần tiền tổ là…nó chỉ một thứ đại loại như “thủ phủ luân phiên k’atun”. Điều đó có nghĩa rằng dù là chuyện sẽ xảy ra trong năm ngày tới, nó cũng sẽ xảy ra với một thành phố được chia thành bốn màu, hoặc năm kiểu tính cả hướng chính giữa. Và người dân thành phố đó phải coi nó là trung tâm của thế giới. Hay chí ít cũng là trung tâm của cái gì đó hết sức quan trọng.
- Vậy chắc nó là một khu vực Maya cổ nào đó.
- Không, không, tôi không nghĩ vậy. Tôi đoán họ muốn ám chỉ một trung tâm lễ hội nào đó vẫn còn hoạt động ngày nay. Không phải một phế tích hay thứ gì đó tương tự. Bởi trong cụm từ đó có một ký tự lót mang nghĩa “thủ phủ k’atun”.
- Phim hoạt hình gì vậy? (K’atun đồng âm với Cartoon: phim hoạt hình)
- Nó là quãng thời gian khoảng hai mươi năm theo lịch mặt trời.
- Ồ, tôi hiểu rồi.
- Rồi. Vậy “thủ phủ k’atun” ở đây có nghĩa là họ đang nói tới một thành phố quan trọng nhất trong hai thập kỷ tới. Một thủ đô chẳng hạn. Dù thế nào đi nữa, nó cũng phải là một thành phố quan trọng và đang phát triển ở đỉnh cao vào khoảng thời gian này.
- Được rồi, vậy là họ muốn nói đến D.C (Thủ đô nước Mỹ). Eo, nghe hơi rợn đấy.
- Ừ, cũng có thể, - tôi đáp, - nhưng theo tôi đoán thì Washington không phù hợp với cái trát đòi này lắm.
- Sao không?
- Tôi nghĩ Washington là một thành phố quá bình thường. Từ này thực ra ám chỉ một thành phố giống như một khu vực đền thờ. Một thành phố nghi lễ vương giả, chứ không phải một thành phố chính trị. Người dân thậm chí có thể không sinh sống tại đó. Người ta hành hương tới đó để cầu xin sự che chở của một người đã chết có uy quyền nào đó. Và trên đường đi họ cũng phải mua sắm, đương nhiên. Và các tòa nhà, các phòng ốc và tất cả các không gian khác ở trung tâm đó chỉ có người vào những dịp đặc biệt, như lễ hội chẳng hạn. Vả lại, Washington không hề có những màu sắc hay thời gian đặc biệt ứng với mỗi khu vực. Và dù gì chăng nữa, D.C. cũng xa hơn về phương bắc so với, ờ, những chỉ dẫn về vĩ độ của tiến sĩ Weiner.
- Được rồi, được rồi, - Marena nói, - thế anh nghĩ họ muốn ám chỉ nơi nào?
- Ờ, nó có thể là nơi nào đó tập trung rất nhiều người đã đi cả một chặng đường dài để đến nơi, có thể là một địa điểm nào đó cụ thể trong đời sống của họ, hoặc dành cho một lứa tuổi nhất định. Và như tôi đã nói, nó có thể là nơi nào đó có một khu vực thiêng liêng có hình dạng như thế, ý tôi là có các góc một phần tư ứng với các hướng khác nhau. Mỗi hướng phải ứng với một màu sắc khác nhau và một khoảng thời gian khác nhau.
- Vậy thì nói đi nào, suy đoán của anh là gì?
- Công viên giải trí Disney World.

8

IMG_0534
- Sao kia? - Marena hỏi lại.
- Tôi nói nghiêm túc đấy, - tôi đáp.
- Anh giai ơi, chúng ta đang đứng ngay trong Disney World đấy. Anh có thể nhìn thấy quả cầu Epcot ngay từ đây.
- Phải, tôi nhìn thấy rồi…
- Tôi làm việc ở Rat bao nhiêu năm rồi. Thực ra tôi vẫn đang sống trên tầng trên cùng của tòa nhà ấy. Walt đã xây nên ngôi nhà của tôi.
- Xin lỗi,tôi không biết nói gì. Từ khi sự đoán của tôi sai, và cuốn sách cũng có thể sai…
- Dù sao đi nữa, vấn đề là… anh nhìn đi. - Marena quay người lại và nhìn ra ngoài cửa sổ, về phía Disney World, và tụt xuống khỏi bàn. Cô ta thấp nhưng mảnh dẻ. - Anh nhìn đi, ở Disney World, màu sắc khác với những gì anh nói. Ví dụ sắc chủ đạo của Fantasylan là màu xanh tím, nhưng sắc chủ đạo đó không rõ rệt, anh thấy đấy, anh chỉ nhìn thấy màu đỏ trên các tấm biển, trên đồng phục của nhân viên, trên các đường ngầm và những nơi tương tự. Tôi cũng không thấy rõ lắm liên hệ về thời gian, ý tôi là, Advanturelad (Vùng đất phiêu lưu) và Frontierland (Vùng đất của những người khai hoang) là hai khu nằm ở hướng tây, mà theo anh nói đó là hướng của quá khứ, phải không?
- Phải, - tôi nói và đứng dậy.
- Và Tormorrowland (nghĩa là “Vùng đất ngày mai” ứng với hướng đông là hướng của tương lai) nằm ở hướng đông. Điều này thì đúng rồi. Nhưng ở hướng nam chỉ là Main Street USA (Công viên giải trí có chủ đề hiện đại nhất trong số các Công viên kỳ diệu thuộc khu Magic Kingdom của Disney World.).
- Phải rồi, - tôi nói, - đó chẳng phải là hiện tại sao? Hoặc là quá khứ rất gần?
- Ồ, được rồi, nhưng Fantasyland thì sao? Nó nằm ở phiá bắc. Và nó không liên quan đến thời gian nào cả.
- Có thể nó giống như một giả định, - tôi đáp, - trong quan niệm của người Maya, nó được gọi là điều chưa được hé lộ.
- Hừmm.
Một khoảng im lặng kéo dài.
- Quái quỷ thật.
- Phải.
Trông cô ta có vẻ bối rối, nhưng tôi không chắc cô ta coi việc này nghiêm túc đến mức nào.
- Được rồi, - cô ta nói. - Anh nghe này, anh nghĩ… anh nghĩ sẽ xảy ra chuyện gì?
- Tôi cũng không biết nữa. Dù sao tôi cũng không dám chắc về dòng chú thích… nó không…
- Sao cơ?
- Ờ… có một vấn đề… cô nhìn này, Weiner dịch các ký tự mô tả sự kiện của ngày hôm đó là… gì nhỉ… “thầy phù thủy đánh lửa từ lưỡi dao và đá cuội”. Phải không?
- Phải.
- Đến đây thì như thế nghe cũng ổn, nhưng nó không khiến cô hiểu được câu chuyện. Ý tôi là, ông ta đã dịch nó, nhưng không giải nghĩa được nó.
- Vậy anh nghĩ nó có ý nghĩa gì?
- Hừm, tôi cũng không biết, - tôi đáp, - nhưng, ví dụ, từ”phù thủy” vốn xuất phát từ một câu thành ngữ Maya có nghĩa là “kẻ reo rắc ghẻ”.
- Nghĩa là gì?
- Là người ném bệnh ghẻ vào người cô từ xa. Như kiểu họ có thể làm cô bị ốm bằng cách tưởng tượng ra điều đó. Phù thủy ấy mà.
- Được rồi.
- Nhưng vấn đề nằm ở chỗ từ này lại ở dạng động từ, như thế nó có nghĩa là “ai đó rao rắc ghẻ” thì đúng hơn. Như vậy cụm từ này sẽ mang ý nghĩa: ai đó đem đến điều bất hạnh hoặc bệnh tật.
- Được rồi.
- Và tiếp đến là sản phẩm nói về “đánh lửa”, nó có phần giống chủ ngữ hơn. Đấy là theo ý tôi. Và “lửa” ở đây có thể là  ánh sáng, hoặc lửa, hoặc ban ngày. Sau đó là “đá cuội”, từ này tôi đoán nó giống “giữa một hòn đá” hay “bên trong viên đá” hoặc gì đó đại loại như vậy hơn.
- Thế nó thực sự có ý nghĩa gì?
- Tôi sẽ nói nó nghĩa là “ánh  sáng bắn ra từ trong lòng đá, và chúng ta gánh lấy tai vạ”.
- Tôi hiểu, - cô ta nói.
Im lặng
- Như vậy ư? - cô ta hỏi.
- Đó là tất cả những gì tôi có thể nghĩ được.
- Nó có cho ta biết gì hơn những điều ta biết không?
- Ừm có lẽ không…, - tôi bỏ lửng câu nói.
Lại một khoảng im lặng nữa, căng thẳng hơn.
- Ý tôi là, như vậy chưa có gì rõ ràng, phải không? - Marena hỏi. - Anh không thể nói với mọi người là hãy coi chừng hay đại loại vậy.
Tôi lắc đầu.
- Thôi được,anh nghe này, - cô ta nói tiếp, - vấn đề là… anh biết đấy, tôi không biết mình có nên lo lắng về chuyện này hay không? hay nên phát hoảng? hay cứ kệ nó?
- Tôi không hiểu ý cô.
- Chắc hẳn người ta phải suy đoán theo nhiều cách khác nữa.
- Phải, luôn thế.
Tôi không muốn nói ra câu này: Và dĩ nhiên, luôn có khả năng cuốn sách của cô chỉ là một cú lừa đảo ngoạn mục.
Nhưng cô ta có thể đánh hơi ra ý nghĩ ấy của tôi mất.
- Vậy anh thực sự nghĩ gì? Cá nhân anh thôi?
- À, tôi biết việc này là thật, vì có thể tôi coi nó là chuyện nghiêm túc. Nhưng tôi cũng có thể đoán sai. Tôi nên kiểm tra nó vài lần nữa.
- Ý anh là bằng cờ Hiến tế?
- Phải.
- Ý hay đấy, - cô ta nói. Cô ta đi vòng quang theo hình số tám bên cạnh bàn. Tôi không chắc mình cũng đi như thế thì có được hay không nên cứ đứng nguyên cạnh cái ghế của mình. Chúng tôi cũng nên lấy thêm ý kiến của một người nữa. Hoặc một vài người nữa.
- Phải đấy.
Chúng tôi đứng lại một vài giây. Hừ, điều này chắc chắn đã làm không khí thêm ảm đạm. Cuối cùng, tôi nói:
- Hay chúng ta gọi cho Taro và xem xem ông ta nghĩ gì về việc này.
- Được thôi, - Marena nói, - anh gọi cho ông ta nhé. Tôi muốn xem xét mọi việc ở đây một chút.
Tôi làm theo. Bây giờ là sáu giờ chiều, Taro sắp sửa kết thúc một ngày làm việc kéo dài mười chín giờ đồng hồ của ông ta, nhưng vẫn còn ở trong phòng thí nghiệm. Ông ta nói chúng tôi nên quay về đó. Tôi trả lời rằng tôi sẽ về, nhưng tôi không biết cô Park có đi cùng không. Cô ta đã lại đeo tai nghe lên và ra mệnh lệnh.
- Phải giữ hắn ở dưới chân anh, - cô ta nói với ai đó, - cầm máy nhé. Anh kiểm tra cái này đi, - cô ta nói với tôi.
Cô ta xoay màn hình máy tính về phái tôi. Trên đó viết rằng vào thời điển này trong năm, quận Cam “đón tiếp gần một phần tư triệu khách du lịch mỗi ngày” và điểm ra một danh sách các sự kiện sẽ diễn ra vào ngày 28 tới ở khu vực Greater Orlando. Có một lễ hội đường phố kiểu  Jamaica, một buổi triển lãm tính năng ô tô, một buổi triển lãm ô tô kiểu cổ, một buổi trình diễn ngoài trời, một cuộc diễu hành với loại xe Magic coach (Một loại xe Limousine.) cổ lỗ nào đó, một cuộc diễu hành của Disney để giới thiệu đoạn phim Bạch Tuyết II, một lễ thắp cây lễ hội mùa đông tại khu giải trí tái hiện lễ hội các nước, một lễ hội Grinchmas cuối mùa tại khu giải trí Universal và một buổi biểu diễn hiệu ứng ánh sáng đặc biệt của gia đình Osbourne tại trường quay MGM. Còn một buổi lễ tiền khai mạc giải bóng gỗ Capital One Bowl, đội nhạc diễu hành Magie đang trình diễn tại đấu trường lớn, trò chơi Cướp biển được tổ chức tại trung tâm Civic, một buổi diễu hành thủy quân tại CityWalk và giải đấu gôn Cha và Con tại ChampionsGate. Mùa Mega-Con – một sự kiện lớn quy tụ các loại truyện tranh, khoa học, viễn tưởng, các trò giải trí, đồ chơi, vân vân – năm nay diễn ra sớm hơn thường lệ hai tháng và đến hôm đó sẽ bước sang ngày thứ ba tại Hội trường William Hendrix. Hội đồng quốc tế của Liên hiệp các Quốc đảo nhỏ đanh họp trong thành phố, ngoài ra, có tới hai mươi tám hội nghị nhỏ hơn của các nhà điểu cầm học, vi khuẩn học, định giá bất động sản, của thợ lợp nhà, của các công ty cung cấp tấm lợp, của giới thiết kế web, của các công ty sản xuất đồ chơi khiêu dâm và của các chuyên gia về cầm cố. Đâu đó trong bang còn có những cuộc diễn tập hải quân tại pháo đài Lauderdale, một cuộc đua thuyền lớn ở Tampa và một lễ hội La tinh ở Miami. Những lúc bình thường thì tôi đến ngủ gật trước khi đọc hết cái danh sách, nhưng giờ đây, mọi chuyện có vẻ đáng sợ đến nỗi khó mà có cảm giác buồn ngủ được.
- Anh phát hiện ra điều gì không? - Marena hỏi.
Tôi trả lời không và rằng tôi cũng không mong phát hiện ra điều gì bởi các cuarandero (Thầy bói kiêm thầy lang theo quan niệm của người châu Mỹ bản địa) không làm theo cách ấy.
- Giá như tôi là một tay thầy bói giỏi hơn, - tôi nói, - nhưng tôi lại không phải. Tôi cần ngồi xuống và…
- Không sao, bỏ qua chuyện ấy đi, - cô ta nói, - này, anh nghĩ chúng ta nên làm gì bây giờ? Nếu suy đoán của anh là đúng.
- Ừmm…
- Bởi vì, anh biết đấy, nếu hai chúng ta cứ gọi cho mọi người và loan báo chuyện này thì sẽ chẳng mấy ai coi nó là chuyện nghiêm chỉnh gì đâu.
- Đúng thế.
Bất chấp những chuyện khác, tôi thấy có cảm tình với cách cô ta nói “hai chúng ta”.
- Ngay cả khi phòng thí nghiệm của Taro có coi chuyện này là nghiêm chỉnh thì họ cũng không… ý tôi là họ đã thực hiện được một số việc cho các cơ quan chính phủ, nhưng phần lớn những dự đoán của họ chỉ liên quan đến lĩnh vực kinh tế và họ biết nội bộ với nhau thôi. Nó không phải là một quỹ đầu tư nên không phải công bố tin tức hay báo cáo gì với cổ đông về những vấn đề đó cả.
- Tổi hiểu.
- Vì thế nên họ nói thêm vào thì sẽ có tiếng nói hơn, nhưng… ý tôi là, này, anh phải… chúng ta phải tìm thêm số liệu mới được.
- Dĩ nhiên.
Cô ta lấy ra từ ngăn kéo bàn ra một thứ nom như chiếc hộp đựng thuốc Ronson cũ, tráng men xanh lá cây, rút ra một điếu Camel không đầu lọc, nhìn nó, đút lại vào trong hộp và cất vào ngăn kéo.
- Được rồi, - cô ta nói, - có điều hay là Lindsay có những mối quan hệ bí mật với DHS (tôi đoán cô ta muốn nói đến Bộ An ninh nội địa Hoa Kỳ). Có lẽ ông ta có thể thuyết phục họ lên tiếng về việc này, như thế sẽ tốt hơn là chúng ta nói.
- Dĩ nhiên, - tôi đáp. Tôi đang nghĩ trong đầu rằng: phải đấy, nghe có vẻ ổn, nếu tai họa đó thực sự xảy ra, nhưng còn có một việc nữa tôi có thể làm, đó là tôi sẽ đưa lên càng nhiều blog càng tốt mọi điều tôi biết về cờ Hiến tế, về phần mềm của Taro, về cuốn Thư tịch, tất tần tật. Có thể sẽ có người lý giải được điều gì đó.
Marena nhìn tôi. Tôi có cảm giác rờn rợn rằng cô ta biết tôi đang nghĩ gì. Tôi có một ý muốn mơ hồ kỳ quặc là quay người lại, chạy thẳng ra khỏi cửa, tự khóa mình trong một phòng kín và bắt tay vào đánh máy ngay lập tức. Cálmate, Joaquín (Bình tĩnh nào), tôi tự nhủ, đó chỉ là cơn hoảng sợ của kể yếu trước kể mạnh thôi, sẽ không có ai tóm lấy mày và đưa mày quay lại…
- Sao anh không quay lại chỗ Taro còn tôi sẽ gọi đến đó sau? - Marena hỏi. Tôi định trả lời thì thư ký - xin lỗi, trợ lý - của cô ta ghé qua cánh cửa đang mở và thông báo ai đó tên là Laurence Boyle đang chờ máy cô ta ở đường dây số 5.
- Được rồi, tôi đang nối máy với Lindsay, - cô ta nói. Cô ta vẫy tay như thể tôi đã bước ra cửa rồi. Tôi có cảm giác như cô ta đang nói: “Xin lỗi, tôi có cuộc hội đàm qua điện thoại với Kim Jong Il (Tổng bí thư Đảng Lao động (Bắc) Triều Tiên), David Geffen (Người sáng lập hãng phim Dreamswork) và Đức Giáo hoàng”. Tôi cứ như bị ẩn lùi ra khỏi cửa.
Phần lớn nhân viên đã ra về, nhưng vẫn còn Bộ Tộc Ngộ Nghĩnh đi cùng tôi ra tận bến xe. Bên trong văn phòng sáng sủa và mát mẻ trong khi ngoài trời đang u ám và ngột ngạt, vì thế tôi có cảm giác như đang bước vào nhà chứ không phải bước ra ngoài. Tôi uống thuốc, tiêm một mũi thuốc hỗ trợ đông máu và lái xe về chỗ Taro. Hừ, cô ta không hề bảo mình phải giữ kín chuyện, - tôi nghĩ, - có thể cô ta tính toán rằng nếu bảo mình làm thế, mình sẽ làm ngược lại, ngoặc cô ta đã nói mình là thằng hoang tưởng ngay từ lúc mình bước vào.
Taro và tôi nói chuyện một tiếng đồng hồ. Ông ta nói ông ta không chắc về chuyện liên quan đến công viên Disney nhưng ông ta sẽ đặt nó vào hàng ưu tiên. Ông ta nói ông ta nghĩ tác giả cuốn Thư tịch hẳn đã chơi với chín quân cờ.
- Mặc dù điều đó gần như không thể, - ông ta nói.
Tôi nói tôi cũng thấy điều đó là không thể. Chơi với chín quân cờ thì mỗi nước sẽ có 99 khả năng tiếp theo. Một ván chơi với một quân cờ trung bình có 1024 nước đi. Nếu vậy tính ra một ván chơi với chín quân cờ sẽ có nhiều nước đi hơn số nguyên tử electron trong vũ trụ.
Đến khoảng tám giờ, ông ta đưa tôi đến trước một màn hình máy vi tính. Tôi moi thuốc lá ra, cắm rễ xuống ghế và bắt đầu chới thử với ba quân cờ, tìm kiếm bất cứ thứ gì gợi tôi nhớ về cuốn Thư tịch. Rất khó. Một sinh viên của Taro mang cho tôi mấy cái bánh kẹp. Tony Sic đến. Taro kể cho anh ta nghe dự đoán của tôi về ngày 28. Anh ta vào một phòng riêng để chơi một ván về việc đó. Lát sau có thêm hay người đếm mặt trời tập sự bước vào. Họ không phải là người Maya mà là dân chơi game người Hàn Quóc hay gì đó, tôi không quen mặt cả hai. Họ ngồi xuống và bắt đầu chơi như dân chuyên nghiệp.
Tận mười giờ tối Marena mới gọi điện. Cô ta nói chuyện với Taro một lúc lâu và nói với tôi chừng hai phút. Rõ ràng cô ta đã họp bàn với bầy đoàn của mình. Cô ta nói Micheal Weiner – nhà Maya học trên truyền hình – đã gạt bỏ suy đoán của tôi. Cô ta nói cô ta và Laurence Boyle – một thằng cha vơ chú váo nào đó – đã nói chuyện với ai đó ở văn phòng thị trưởng Orlando, nhưng vì không có gì cụ thể để nói với  họ nên không ai dám chắc họ có thể hành động ầm ĩ đến mức nào.
Tôi thậm chí không muốn nhắc đến mối quan hệ với Maya kia, - cô ta nói, - vì như thế chẳng khác gì nói chúng tôi đang tìm kiếm các phi hành gia thời cổ đại.
Thay vào đó, họ đã nói rằng đó là một kết quả bất ngờ đến từ nghiên cứu mô phỏng của Taro, như vậy chí ít cũng có chút đáng tin cậy về mặt lý thuyết. Nhưng ít nhất cũng có Taro ủng hộ tôi. Ông ta nói với Marena rằng ông ta không muốn là kẻ hoảng báo, nhưng tôi “thường có dự đoán đúng trước các sự việc” (ông nói “thường” nghĩa là sao, - tôi nghĩ bụng, - nếu là về vụ giải World Series năm 1992 thì nghĩ lại đi, ông sẽ nhớ ra là rôi đã bảo đặt cược như thế là không ổn) “vì thế có lẽ chúng ta nên xem xét nghiêm túc suy đoán của anh ta”.
- Sáng mai tôi sẽ đến gặp người ở DHS, -cô ta nói, -tôi sẽ báo lại kết quả với anh.
Tôi trả lời thế thì hay quá. Tôi quay về với cái bàn phím. Tôi cứ có cảm giác có điều gì đó mà Taro chưa nói với tôi. Hừ, sao cũng được.
Tôi xát thêm một ít nước thuốc là sợi, mặc dù phần chân dưới đầu gối tôi đã bắt đầu rung rung. Có cảm giác như nó đang tỉnh khỏi “cơn buồn ngủ”, như cách người ta vẫn nói ở đây. Bueno.
iAjpaayeen b’aje’laj k’in ik,”
Được rồi.
Nên hỏi gì bây giờ nhỉ?
Hừ, để đặt được câu hỏi, anh phải biết là anh muốn biết chuyện gì. Anh không thể suy đoán về một thứ mà anh chẳng biết là thứ gì. Anh không cần phải biết quá nhiều, nhưng chí ít cũng phải biết đôi chút. Thường thì sự biết đó đến từ việc đọc rất nhiều tin tức. Tôi bấm chuột vào dòng chứ “Điểm tin”.
Tin tiêu điểm: Năm sinh viên đại học bang Michigan mất mạng trong cuộc bạo loạn… Hai người chết tại Tháp Rùng rợn ở trường quang Universal... Bangladesh yêu cầu giải trình về vụ rơi máy bay chở lính… Sử thi Vanessa của Bob Zemechis, dựa trên cuốn sách Cuộc đời của nghệ sĩ Vanessa Bell, sẽ công chiếu lần đầu ngày hôm nay… Một người thiệt mạng trong cuộc thi nhổ hạt… Gió xoáy tại Heartlands…
Hừm.
Tôi mặc định nguyên nhân giả thiết của thảm họa giả thiết - mà chúng ta vẫn gọi là Giáo sư X –là màu đên, đặt công chúng là màu vàng. Tôi lấy màu đỏ, như mọi khi. Còn đối thủ của tôi là màu trắng, cũng như mọi khi. Vì chúng ta chỉ nhìn đến tương lai năm ngày tới nên tôi sẽ chỉ dùng ba dãy vòng ngoài. Rồi. Tôi đặt các mặt trời.
Bueno.
Tôi tập trung vào uay của mình một phút, đủ để cảm thấy mình thu nhỏ lại. Tôi nghĩ tôi đã nói rồi, uay của tôi là một con sên. Nhưng tôi tưởng tượng nó là một con sên biển để có thể di chuyển nhanh hơn. Tôi rải và đếm các hạt và bắt đầu bơi đến ngày 28 – Rắn biển 9, Vàng 9 – len dần vào chuỗi những sự kiện không chắc chắn. Chẳng mấy chốc sau, tôi bắt đầu phải nhảy. Tôi đoán rằng thật khó mà tưởng tượng một con sên mà lại nhảy lên. Nhưng nếu các bạn quan sát nó dưới nước thì đúng là nó nhảy được, nó chậm chạp nhảy từ hòn đá này xuống hòn đá khác. Dù sao, tôi nghĩ, mọi chuyện cũng đang tiếp diễn như thế. Phải rồi. Nào, đi đường này. Không. Được rồi, bây giờ thì tôi nghĩ nó sẽ đi đường này. Claro (Rõ là thế (tiếng Tây Ban Nha)). Nó di chuyển, tôi cũng di chuyển. Rồi nó phản ứng lại. Primero, segundo (Lần thứ nhất, lần thứ hai (tiếng Tây Ban Nha)), điều đó xảy ra, và chúng lại phản ứng lại điều đó. Được rồi. Claro que si (Dĩ nhiên là thế (tiếng Tây Ban Nha)). Bueno. Không. Chờ đã.
Mẹ kiếp. Tôi cứ có cảm giác gì đó, một cảm giác rằng có những thứ như… tôi không biết nữa… những hình thù cứ di chuyển hỗn loạn xung quanh trong một màn sương mù hơi đỏ, những đám lổn nhổn gì đó cứ lặng lẽ và chậm chạp xoay tròn. Nhưng anh không thể gọi chính xác nó là thứ gì.
Tôi chơi liền bốn tiếng đồng hồ. Tôi nghỉ một lát. Tôi chơi tiếp năm tiếng đồng hồ nữa. Đến khoảng gần sáng, tất cả mấy người chơi chúng tôi cùng đứng túm tụm quanh chiếc máy bán cà phê espresso tự động và so kết quả với nhau. Chúng tôi cùng đi đến những kết quả tương tự nhau. Mọi người đều nói họ lo ngại sẽ có chuyện xảy ra ở khu vực đó, vào ngày đó, nhưng sự kiện đó rất mơ hồ,và không ai nghĩ nó sẽ xảy ra ở Disney World nếu không biết trước thông tin từ cuốn Thư tịch. Tôi không còn đủ sức suy nghĩ để chơi thêm nữa nên vào đánh một giấc trên sàn một căn phòng và lái xe về nhà vào buổi trưa đêm Giáng sinh.
Tôi bảo dưỡng lại các máy lọc nước. Tôi chuẩn bị túi đồ lánh nạn để sẵn sàng cho mọi chuyện có thể xảy ra ngày mai. Tôi cài phần mềm tối mật của Taro vào máy tính riêng (Ông ta tin tưởng mình! Tôi nghĩ) và cho khởi động lên màn hình. Phải mất tới một giờ đồng hồ mới cài xong và chạy được, sau đó tôi bắt đầu chơi nhưng cũng chẳng tiến được bao xa so với lúc trước. Khoảng thời gian sau ngày 28 chỉ là một khoảng trống trơn. Điều đó không có nghĩa là thế giới sẽ chấm dứt sau ngày đó, nó chỉ có nghĩa là mọi nghuyên nhân và hậu quả đều quá khó để đọc ra. LEON cũng chẳng cho được kết quả gì, mà cũng chẳng ai trong chúng tôi nghĩ nó có thể làm được. Nó biết không đủ nhiều. Dù nó có đọc được bao nhiêu thông tin đi nữa, nó cũng chẳng hiểu chúng có ý nghĩa gì. Tôi không quan tâm nó có thể chơi bao nhiêu ván cùng một lúc. Tốc độ không phải là tất cả.
Tôi không ăn mừng lễ Giáng sinh, và cả lễ Phục sinh nữa, mặc dù khách hàng xem bói của tôi không ai biết điều đó. Thậm chỉ cả sinh nhật, cả nghỉ cuối tuần cũng không. Và hôm nay tôi lại càng không ăn mừng lễ Giáng sinh. Tôi miệt mài với trò chơi suốt cả ngày. Những con số như 84, 209, 210 và 124.030 cứ xuất hiện đi xuất hiện lại, nhưng tôi không rút ra được điều gì từ đó. Marena gọi điện lúc sáu giờ chiều. Có tiếng trẻ con khóc ré lên trong điện thoại. Cô ta nói DHS sẵn lòng nâng mức cảnh báo lên “báo động vàng” (Mức giữa trong 5 mức cảnh báo an ninh quốc gia của Mỹ) vào ngày 28 ở các quận Cam, Polk, Osceola, Hardee, DeSoto và Highlands. Họ nói cảnh sát và lính cứu hỏa sẽ ở trong tình trọng sẵn sàng giải tỏa vào ngày hôm đó. Tôi đoán như thế có nghĩa là họ sẽ giúp người dân rút chạy nhanh hơn khi có sự cố. Hoặc sẽ chỉ làm tê liệt tất cả, tôi nghĩ bụng. Ừ, dù sao thì quý bà Marena đó cũng đã xong phần việc của mình, tôi đoán vậy. Còn tôi thì có thể làm gì nữa nhỉ? Hoặc, còn điều gì có thể khiến mọi việc tồi tệ hơn không?
Đến cuối ngày 27, vẫn không ai tiến được thêm bước nào. Nghĩa là không ai trong số những người ở phòng thí nghiện của Taro, kể cả tôi nữa. Tôi chỉ nghĩ ra được một thứ duy nhất làm  manh mối để dựa vào, đó là bản dịch của Michael Weiner. Trong bản dịch ấy vẫn có điều gì đó làm tôi băn khoăn, nhất là mẫu chữ “kẻ reo rắc ghẻ”. Như tôi đã nói, cụm từ này thường có nghĩa là pháp sư hay thấy phù thủy, nhưng ở đây, nó lại dùng như một động từ, có nghĩa là “làm phép” thì đúng hơn, mà tôi không nghĩ trong tiếng Maya có cách dùng từ như vậy.
Mặc dù, hiển nhiên ngôn ngữ cổ có sự khác biệt, nhưng… thôi, dù gì nó cũng chẳng đi tới đâu. Đấy chỉ là chuyện vớ vẩn thôi mà, - tôi nghĩ, - mày cả nghĩ quá rồi. Có thể tất cả chuyện này chẳng qua là vì mày cứ lo lắng thái quá mà thôi. Tôi bỏ cuộc vào thời điểm đúng hai phút sau mười hai giờ đêm. Điều gì đến sẽ phải đến thôi.
Ngày 28 là một ngày đẹp trời ở miền trung Florida, ngoại trừ sương mù dày đặc hơn bình thường. Cảnh báo an ninh của DHS đã được thông báo trên bản tin trong vùng nhưng phản ứng của dân tình xem ra thờ ơ. Họ đã quá mệt mỏi những ngày này rồi. Chắc phải có rất nhiều người chết đến nơi may ra mới có thể gây được sự chú ý của họ. Mặc dù thế cũng phải thôi, anh không thể nào bảo tất cả mọi người giải tán đi chỉ vì một nhóm dựng mô hình thảm họa nào đấy đã có một cảm giác không lành, chỉ hoàn toàn là mơ hồ và vô đoán, về một địa điểm đông đúc nào đó, vào một thời điểm vu vơ nào đó – mặc dù Taro đã nói ông ta tính ra có ít nhất năm nhóm khác cũng tính toán rất nghiêm túc sự kiện này, tiện thể nói luôn, trong đó có cả nhóm của DHS với một cỗ máy vi tính gần bằng LEON mà họ rất đỗi tự hào. Suốt cả ngày, tôi ngồi xem tin tức, các mẩu tin nhanh chưa chính thức và vào các diễn đàn mạng. Mặc dù tôi đang ở khá xa Orlando nhưng tôi cứ có cảm giác như mới bước nửa bàn chân ra khỏi đó. Hễ bắt gặp một dòng tin nào nom lạ lạ là răng tôi lại gần như đánh cầm cập vào nhau. Song tin tức tồi tệ nhất chỉ là ở khu Công viên có vài vụ báo cháy nhầm và một nhúm người bị ngộ độc thức ăn ở quán Pinocchio Village Haus. Chẳng hề có gì đáng gọi là thảm họa. Tôi đi nằm lúc quá nửa đêm.
Giời ơi. Mệt quá.
Tôi đã thức suốt gần hai mươi tám tiếng – đối với tôi, thực ra chuyện này cũng chẳng có gì bất thường. Tôi mắc hội chứng DSPS – hội chứng rối loạn muộn giấc ngủ - nặng hơn bất kì bệnh gì khác. Nhưng tôi đoán lần này tôi hơi bị căng thẳng. Không sao. Chỉ cần chợp mắt thôi. Có tiếng chó sủa ở đâu đó – không phải con chó giống Xoloizcuintle của nhà Villanueva, là một con nào đấy to hơn mà tôi chưa nghe tiếng bao giờ - và nó cứ làm tôi nhớ đến con Desert. Tôi đoán là tôi chưa kể cho các bạn nghe về con chó ấy, ngoại trừ việc tôi vừa nhắc đến nó xong. Đó là một câu chuyện chẳng lấy gì làm vui vẻ. Chết tiệt. Hừm, nói ngắn gọn, Desert là một con chó xấu xí màu vàng xám, giống chó sục, chó săn hay chó đồng cỏ gì đó mà Ezra, ông anh hờ thứ hai của tôi nói rằng nó đã tấn công anh ta trong lúc anh ta đang cắt cỏ ngoài sân gôn, mặc dù tôi không tin chuyện đó. Gần chỗ nhà máy thạch cao có một lô chuồng cừu và chuồng gà cũ, Ezra nhốt con chó vào một trong những cái chuồng đó. Khi mấy ông anh cho tôi xem con chó, nó chẳng  còn cái móng chân trước nào. Chỉ còn hai bàn chân cụt nát tươm. Có lẽ nó bị thương bởi một vật gì đó, hay đúng hơn là bị kẹt vào hàng rào, hoặc bẫy nên đã giật rút cả móng ra. Bạn hẳn cho rằng nó sẽ chảy máu đến chết, nhưng không hề, hai vết thương đang lành lại và nó đang bò loanh quanh trên nền chuồng mạ kẽm, chồm len rồi lại xuống, cặp mắt nó to và sợ hãi trước chúng tôi. Chúng  đã nhốt con chó ở đó mà không có nước hay bất kì thứ gì khác. Tôi hỏi Ezra rằng cái gì…
- …không phải diễu hành Jed? Tôi đây. Nhấc máy lên. Tôi nói nghiêm túc đấy.
Hở.
Tôi nhấn vào cái loa ở cửa trước.
- Ở đây không bán cá nữa đâu, - tôi làu nhàu, nhưng vừa mới nói đến từ ‘bán’ thì tôi nhận ra mình vẫn nằm trên giường và đã giữa trưa rồi. Rõ là tôi đã quá mệt.
- Jed? - giọng lại gọi tiếp, - Marena đây.
Oa, tôi nghĩ, cô ta làm cái quái gì ở đây vậy? Trong phòng ngủ của tôi? Thực sự nó cũng không hẳn là một căn phòng, nó là một capsera của hãng Mitsubishi, một dạng như cái kén ngủ bằng sợi thủy tinh, cách âm, có điều hòa nhiệt độ mà người ta vẫn dùng trong các khách sạn rẻ tiền ở Nhật.
- Tôi nói nghêm túc đấy, khẩn cấp lắm, nhấc máy đi. – Giọng cô ta phát ra từ điện thoại của tôi. Tôi hơi ngạc nhiên một chút vì tôi không nhớ đã cho cô ta số điện thoại khẩn cấp của mình.
- Xin chào, -tôi thử giọng xem còn nói được không. Nghe như giọng một lão già vậy.
Tôi thử lại: “Xin chào!”. Khá hơn rồi. Estas bien. Tôi tìm cái máy và nhấn nút “nghe”.
- Xin chào, - tôi chào vui vẻ.
- Chào anh, tốt quá, - cô ta nói, - anh vẫn còn sống.
- Hở? ồ, vâng, tôi không đến nỗi thế đâu…
- Có một sự cố nhỏ ở Disney World. Có thể cũng không có gì nghiêm trọng, nhưng, anh biết đấy.
- Chuyện gì cơ? Con lừa của Balaam á?
- Gì cơ?
- À… ờ, xin lỗi cô, không có gì đâu.
Chắc tại giấc mơ bị ngắt quãng giữa chừng, mặc dù tôi đã kịp quên nó nhưng vẫn còn cái cảm giác như vừa mới dừng chuyến đi xuyên qua một không gian nào đó rộng lớn và phức tạp.
- Jed?
- Vâng.
Trò chết tiệt gì thế này nhỉ, tôi tự hỏi. Tôi đã ngủ cả ngày à? Không thể nào. Nếu thế thật thì tôi phải cảm thấy khó chịu rồi chứ. Tôi tìm thấy thứ cần tìm và ấn nút xem giờ. Những chữ số laser lớn màu xanh lá cây hiện lên màn hình trên trần nhà: 2:55:02P.M… 29-12-1… 2:55:05P.M.
- Ừ, có chuyện gì thế? - tôi hỏi.
- Tôi cũng không rõ nữa, - Marena đáp, – tôi chỉ biết được một tí thông tin thôi, nhưng một người bạn của tôi ở chỗ làm cũ nói đó không phải là một vụ ngộ độc thức ăn và có đến tám mươi người.
- Ồ.
Tám mươi người làm sao, tôi tự hỏi. Chết à? Nôn mửa à? Hay làm loạn?
- Dù sao, chúng tôi đang ở số nhà 441 đại lộ Orange, - cô ta nói, - vì chuyện đó đã xảy ra nên tôi nghĩ chúng tôi nên ghé qua. Chỉ để đề phòng thôi.
- Ghé qua đây ư? - Cô ta chỉ cách đây có bốn mươi nhăm dặm thôi.
- Phải.
- Ồ, dĩ nhiên.
Không thể nào, tôi nghĩ, cô ta không thể vào đây được. Ở đây chỗ nào cũng là liệt sên chết, lông nhện đen và những thứ khỉ gió tương tự. Nếu tôi có học được những điều gì về các cô gái thì đó là họ không thích các loài không xương sống.
- Ừm, nhưng sao cô lại đi theo hướng này? ý tôi là, như thế thật tuyệt, nhưng cô biết đấy…
- Vì gió thổi tới từ hướng đông nam, - cô ta đáp.
- Ồ, - tôi đáp. Hừ, tôi nghĩ, ra là khí gas à. Chết tiệt. - Được, tốt thôi, ờ… cô biết tôi ở đâu không?
Đương nhiên là cô ta biết rồi, - tôi lại nghĩ. Tôi luôn tránh công khai địa chỉ của mình, nhưng thời mà người ta có thể làm việc đó đã qua lâu rồi.
- Có, tôi biết rồi. Này, anh muốn… ờ… anh muốn ra đường U.S. 98 và gặp tôi ở đó không? Tôi đã vào xe rồi, chúng tôi sẽ tới đó trong khoảng ba nhăm phút nữa.
- Ừ…
- Chờ một chút nhé. – Cô ta quay ra nói với ai đó trong xe : Dĩ nhiên, đi thôi. Không, tôi làm đây. Tạm biệt. Xin lỗi, Jed. Vậy bốn mươi nhăm phút nữa nhé, được không?
- Ừ, được.
- Được rồi, tôi sẽ gọi lại cho anh.
- Được.
Cô ta nói “tạm biệt” nhưng lại dập máy trước khi kịp nói hết câu.
Chẳng có chuyện gì đâu, tôi nghĩ. Ngày nào chẳng có chuyện gì đó không hay xảy ra. Phút nào cũng có ấy chứ. Có lẽ chỉ là sự trùng hợp lạ thường thôi.
Có lẽ chỉ là cô ta hoảng quá thôi. Hay cô ta muốn ghé qua và tỉnh tò với mình cũng nên. Hê, hay có khi cô ta đang sốt đỏ người lên, hòa với nước da vàng của tôi sẽ thành ngọn lửa màu cam đam mê. Esta belleza (Cô ta quả là đẹp (tiếng Tây Ban Nha), uay của cô ta hẳn là một con báp màu đen. Mình nên đi tắm thôi.
Tôi bật màn hình, nhấp chuột vào TRANG CHỦ→TIN TỨC→TIN ĐỊA PHƯƠNG. Trên đó ghi: TẠM NGỪNG VÀO CỬA KHU CÔNG VIÊN.
Quỷ sứ ơi!