CHƯƠNG 36

    
i với tớ. Tớ sẽ cho cậu biết bọn hạ lưu chân chính,” Brissenden nói với gã một buổi chiều tháng giêng.
Hai người cùng ăn cơm với nhau ở San Francisco, và ở chỗ bến phà trở về Oakland, thì bỗng Brissenden nảy ra ý nghĩ đưa Martin đến chỗ “bọn hạ lưu chân chính.” Anh quay lại và chạy qua khu nhà ở ven mép nước, một cái bóng gầy gò lồng trong một cái áo khoác ngoài bay phần phật, Martin cố gắng chạy theo sau cho kịp. Ở một cửa hàng rượu, anh mua hai chai rượu vang cũ rồi mỗi tay xách một chai nhảy lên xe điện tuyến đường Nhà Chung. Martin bám sát, tay khệ nệ ôm một lô chai whiskey loại mỗi chai một lít.
Nếu Ruth trông thấy mình lúc này, gã thầm nghĩ trong khi băn khoăn tự hỏi bọn “hạ lưu chân chính” là hạng người thế nào.
“Có thể là không có thằng nào ở đấy,” Brissenden nói khi hai người xuống xe và lao mình sang bên phải đi vào khu trung tâm của xóm công nhân, phía nam phố Chợ. “Như thế thì cậu sẽ không được gặp cái mà cậu kiếm từ lâu.”
“Nhưng cái ấy là cái quỷ gì mới được chứ?” Martin hỏi.
“Những con người, những con người thông minh, chứ không phải cái hạng nói năng rỗng tuếch mà tớ đã thấy giao thiệp với cậu ở cái ổ của tên lái buôn ấy đâu. Cậu đọc nhiều sách và cậu thấy hoàn toàn cô độc. Được, đêm nay tớ sẽ dẫn cậu đến với một số người khác cũng đọc nhiều sách, để cho cậu không còn cảm thấy cô độc nữa. Tớ không hề bận óc về những cuộc tranh luận không bao giờ chấm dứt của họ.” Anh nói khi đi hết một dãy phố. “Tớ không thích thú gì cái triết lý sách vở. Nhưng rồi cậu sẽ thấy họ là những người thông minh chứ không phải là bọn lợn tư sản. Nhưng coi chừng đấy, bất cứ về một vấn đề gì dưới ánh mặt trời này, họ cũng có thể nói không dứt được đấy.”
“Hy vọng rằng Norton có mặt ở đó,” một lát sau anh thở hổn hển nói, nhất định không đồng ý cho Martin cầm đỡ hộ hai chai rượu. “Norton là một gã duy tâm, hắn tốt nghiệp ở Harvard. Trí nhớ của hắn cừ khôi lắm. Duy tâm chủ nghĩa đã đưa hắn ta đến chỗ vô chính phủ về triết học và gia đình hắn ta tống cổ hắn đi. Bố là chủ tịch một công ty xe lửa vào cái loại tỷ phú, nhưng anh con thì chết đói ở Frisco, làm biên tập cho một tờ báo vô chính phủ, lương tháng hai mươi nhăm đô la.”
Martin không quen thuộc phố phường ở San Francisco lắm, nhất là khu nam phố Chợ thì lại không biết tí gì, nên gã không hiểu mình đang được dẫn đi đến đâu.
“Nào!” Gã nói. “Cậu hãy nói cho mình biết trước về họ đã. Họ làm gì để sống? Tại sao họ lại ở khu vực này?”
“Hi vọng rằng Hamilton cũng có mặt ở đó.” Brissenden dừng lại, nghỉ tay. “Tên hắn là Strawn-Hamilton, không phải người gốc Mỹ, cậu biết đấy, xuất thân từ một dòng họ lâu dời ở miền Nam. Hắn là một thằng ma cà bông – lười thượng hạng chưa bao giờ tớ thấy một thằng nào lười như thế, tuy hắn cũng có đi làm thư ký – hoặc là thử làm, cho một cửa hàng hợp tác, được sáu đô la một tuần. Nhưng hắn là một thằng ma cà bông thực thụ lang bạt đến thành phố này. Có hôm tớ đã thấy hắn ngồi suốt ngày trên cái ghế dài, không một miếng gì bỏ mồm, thế mà đến buổi chiều, tớ mời hắn đi ăn – hiệu ăn chỉ cách có hai dãy nhà – hắn bảo: “Mất công lắm cậu ạ. Thôi mua cho tớ bao thuốc lá.” Hắn cũng đã từng là đệ tử của Spencer như cậu, cho đến khi Kreis đã làm cho hắn tin ở thuyết nhất nguyên luận duy vật. Nếu có thể, tớ sẽ làm cho hắn phải nói đến thuyết nhất nguyên luận. Norton cũng là một anh chàng nhất nguyên luận, duy có một điều là hắn ta chẳng thừa nhận một cái gì ngoài tinh thần. Kreis và Hamilton cần chi hắn cũng có thể cho được.”
“Kreis là ai?” Martin hỏi.
“Chúng mình đang đến nhà hắn đây. Đã có thời hắn là giáo sư bị tống cổ ra khỏi trường đại học; chuyện cũng thường thôi. Một bộ óc như một cái bẫy thép. Kiếm sống bằng đủ mọi cách cũ kĩ. Tớ biết có hồi hắn xuống dốc quá phải đi làm fakir[100] ở đầu đường. Chẳng câu nệ gì hết. Lấy trộm cả vải liệm của xác chết, chẳng từ cái gì. Có điều khác giữa hắn ta với bọn tư sản là hắn ăn trộm mà không có ảo tưởng gì cả. Hắn nói về Nietzsche, hoặc Schopenhauer, hoặc Kant hoặc bất cứ cái gì, nhưng cái duy nhất ở trên đời này mà hắn thực sự quan tâm tới – không trừ cả Mary – là thuyết nhất nguyên luận của hắn. Haeckel[101] là thần tượng bằng thiếc[102] của hắn đấy. Cách độc nhất để chửi hắn là cho Haeckel một cái tát. Đây là nơi họ thường lui tới!” Brissenden đặt chai rượu ở bậc cửa lên cầu thang lối vào, chuẩn bị trèo lên. Đó là một căn nhà hai tầng thông thường của góc phố, bên dưới có quán rượu và cửa hàng thực phẩm. “Họ ở đây – chiếm cả tầng trên. Nhưng Kreis là anh chàng độc nhất có hai buồng. Đi thôi.”
Không có một tí ánh sáng nào ở lầu trên, nhưng Brissenden lần qua nơi tối om om ấy như một bóng ma quen thuộc. Anh ngừng lại để nói với Martin:
“Còn có một thằng cha tên là Stevens, một anh chàng theo thuyết thần trí? Hắn mà mở miệng ra là làm đảo lộn cả trời đất. Bây giờ hắn ta làm nghề rửa bát ở tiệm ăn. Thích xì gà ngon. Tớ đã trông thấy gã ăn cơm có mười xu, nhưng lại chịu trả năm mươi xu một điếu xì gà để hút ngay sau đó. Tớ có sẵn hai điếu trong túi để cho hắn nếu hắn có nhà.
Còn một thằng cha khác nữa – Parry, người Úc, một nhà thống kê học, một quyển bách khoa toàn thư trung thực. Cứ hỏi hắn ta sản lượng thóc của Paraguay năm 1903, hay số lượng vải Anh, xuất khẩu sang Trung Quốc năm 1890, hoặn Jimmy Britt đã hạ Battling Nelson ở loại nào hoặc võ sĩ nào vô địch Hoa Kỳ hạng gà[103] năm 1808, cậu sẽ nhận được câu trả lời chính xác với một tốc độ máy móc của một cái máy bắn tự động. Còn Andy nữa, một anh thợ xây đá, vấn đề gì cũng có ý kiến, đánh cờ vào loại giỏi và một gã khác nữa, Harry, thợ làm bánh, một đảng viên xã hội đỏ chóe, một tay hoạt động công đoàn rất hăng. À, mà chắc cậu cũng còn nhớ cuộc đình công của những người thợ nấu bếp và hầu bàn chứ. Chính Hamilton là kẻ tổ chức công đoàn và cho tiến hành cuộc đình công đó – hắn đặt mọi kế hoạch từ trước, ngay ở trong những căn phòng của Kreis này. Hắn ta làm thế chỉ để đùa chơi, nhưng hắn lười quá không thể nào giúp đỡ công đoàn được. Tuy nhiên, nếu hắn muốn, hắn vẫn có thể tiến xa. Ví mà hắn ta không lười một cách ghê gớm quá đến như vậy thì trong con người ấy khả năng thật là vô tận.”
Brissenden tiến sâu qua nơi tối om om cho đến khi thấy một vệt sáng, soi rõ chỗ ngưỡng cửa ra vào. Một tiếng gõ cửa, có tiếng trả lời, cửa mở ra và Martin thấy mình bắt tay Kreis, một người đẹp trai, tóc đen, răng trắng bóng, ria mép đen cụp xuống, mắt đen to, long lanh. Mary, một người đàn bà trẻ, tóc nâu, trông đứng đắn, đang rửa bát trong một buồng nhỏ ở đằng sau dùng làm nơi nấu bếp và buồng ăn. Căn buồng đằng trước dùng làm buồng ngủ và buồng tiếp khách. Trên đầu là những quần áo giặt trong tuần, treo lòa xòa xuống thấp quá đến nỗi thoạt đầu, Martin không nhìn thấy hai người đàn ông đang nói chuyện ở góc phòng. Họ reo ầm lên đón chào Brissenden và hai chai rượu. Qua giới thiệu, Martin biết đó là Andy và Parry. Anh nhập bọn với họ và chăm chú nghe Parry thuật lại cuộc đấu quyền anh nhà nghề, anh ta đi xem đêm trước. Trong lúc đó, Brissenden hứng chí, tíu tít pha toddy, rót rượu vang, whiskey và soda mời khắp lượt. Theo lệnh của anh: “bảo chúng nó sang cả đây,” Andy đi quanh một lượt khắp các phòng để gọi.
“May mắn cho bọn mình là hầu hết chúng nó đều có nhà cả.” Brissenden thì thầm với Martin. “Có cả Norton và Hamilton. Lại gặp họ đi. Stevens không có nhà, nghe chừng thế. Nếu có thể, tớ sẽ làm cho họ nói về thuyết nhất nguyên luận. Cứ đợi sau khi uống ít nhiều, họ sẽ bốc.”
Thoạt đầu, câu chuyện còn tản mạn linh tinh. Tuy nhiên, Martin không thể nào không tán thưởng sự sắc sảo của trí óc họ. Họ là những người có ý kiến, tuy ý kiến của họ thường va chạm nhau, và tuy họ là những người nhanh trí, thông minh, nhưng họ không nông cạn. Gã thấy rất nhanh, bất luận nói về một vấn đề gì, người nào cũng ứng dụng mối tương quan của trí thức và đều có một quan niệm thống nhất, sâu sắc về xã hội và vũ trụ. Không có ai tạo ra những ý kiến cho họ; họ đều là những kẻ chống đối thuộc loại này hay loại khác, và đôi môi của họ xa lạ với những lời nói tầm thường vô vị. Ở nhà Morse, chưa bao giờ Martin được nghe thấy người ta tranh luận về nhiều vấn đề kỳ lạ như thế. Hình như không có một giới hạn nào, trừ thời gian, đối với những việc mà họ nhận thức. Câu chuyện của họ lan man từ tác phẩm mới của bà Humphry Ward[104], đến vở kịch cuối cùng của Bernard Shaw[105], qua tương lai của bi kịch đến những ký ức của Mansfield[106]. Họ khen ngợi hay mỉa mai những bài xã luận của các tờ báo buổi sáng, nhảy từ những điều kiện lao động ở New Zealand đến Henry James[107] và Brander Mathew[108] chuyển sang những ý đồ của Đức ở Viễn Đông, tình hình kinh tế của cái “họa da vàng,”[109] tranh cãi sôi nổi về cuộc bầu cử ở Đức, về bài diễn thuyết cuối cùng của Bebel[110], rồi bàn luận đến tình hình chính trị ở địa phương, những kế hoạch mới nhất và những chuyện bê bối trong chính quyền Công đảng, những kẻ bị giật dây tổ chức cuộc đình công của những người thủy thủ miền Coast. Martin rất ngạc nhiên về những chuyện bí mật mà họ nắm được. Họ biết những điều mà trên báo không bao giờ đăng: những dây thép, dây thừng và những bàn tay bí mật đã làm những con rối nhảy múa. Martin lại càng ngạc nhiên khi thấy người đàn bà – Mary – cũng góp chuyện và tỏ ra có một trí thông minh mà gã chưa bao giờ thấy ở một số ít những người đàn bà gã đã được gặp. Họ cùng nhau nói đến Swinburne và Rossetti[111], sau đó chị Mary đã dẫn gã vượt qua tầm hiểu biết của gã vào những ngóc ngách của nền văn học Pháp. Gã đã có dịp rửa hận khi chị bênh vực Maeterlinck và gã đưa ra luận điểm đã được suy nghĩ cẩn thận trong Sự hổ thẹn của mặt trời.
Nhiều người khác cũng xen vào, và không khí mù mịt khói thuốc lá khi Brissenden vung lên lá cờ đỏ.
“Kreis, đây là miếng thịt tươi cho lưỡi rìu của cậu,” Brissenden nói. “Một thanh niên trong trắng với nhiệt tình, một đệ tử trung thành của Herbert Spencer đấy. Nếu cậu có thể, hãy biến cậu ta thành một đồ đệ của Haeckel đi.”
Kreis hình như bừng tỉnh và lóe lên như một chất kim khí có từ thạch, trong khi Norton nhìn Martin một cách có cảm tình, mỉm cười dịu dàng như con gái, dường như muốn nói anh sẽ được bảo vệ đến cùng.
Kreis bắt đầu nói thẳng với Martin nhưng dần dần Norton xen vào, cho đến khi hai người bốc lên cãi nhau tay đôi. Martin lắng nghe và muốn dụi mắt. Không thể nào như vậy được, nhất là lại ở xóm lao động khu nam phố Chợ. Sách vở sống động trong những con người này. Họ nói say sưa, đầy nhiệt tình. Chất kích thích tri thức làm cho họ sôi lên y như gã đã từng trông thấy men rượu và sự giận dữ làm cho những người khác sôi lên. Những điều gã nghe thấy không còn là triết học của những từ khô khan in trên giấy do một loại á – thánh – nửa thần thoại như Kant và Spencer viết nữa. Đó là triết học sống có màu, độ nóng ấm hiện thân trong hai con người này cho đến khi chính những nét đặc trưng của nó hoạt động sôi nổi. Đôi lúc những người khác cũng xen vào, và mọi người đều theo dõi cuộc tranh luận với những điếu thuốc lá vẫn cháy đều trong tay, và những bộ mặt chăm chú căng thẳng.
Chủ nghĩa duy tâm chưa bao giờ lôi cuốn được Martin, nhưng bây giờ được bàn tay của Norton làm cho sống động, nó quả là một phát hiện mới đối với gã. Tính chất hợp lý logic của nó đã thức tỉnh lý tính của gã, cái này hình như Kreis và Hamilton đã bỏ qua. Họ giễu Norton siêu hình, và Norton cũng giễu lại họ là những nhà siêu hình. Hai từ “hiện tượng” và “thể chất” cứ bị trao qua đổi lại nhiều lần. Họ công kích Norton có ý định giải thích ý thức bằng ý thức. Anh ta công kích họ là chỉ biết chơi chữ, suy luận từ lời nói đến lý luận chứ không từ sự việc đi tới lý luận. Về điểm này, họ rất kinh ngạc. Nguyên tắc cơ bản trong phương pháp biện luận của họ là xuất phát từ những sự việc và đặt tên cho những sự việc ấy.
Khi Norton đi vào những chỗ mắc mớ khó hiểu của Kant, thì Kreis nhắc anh rằng tất cả những trường phái triết học tầm thường của Đức khi chết đều đi tới Oxford. Một lát sau, Norton nhắc họ về “luật Tằn Tiện” của Hamilton[112], họ lập tức thừa nhận rằng họ đã áp dụng luật ấy trong tất cả mọi quá trình lập luận của họ. Và Martin ngồi ôm chặt lấy đầu gối, rất thú vị. Nhưng Norton cũng không phải là một đệ tử của Spencer, và anh ta cũng không tán thành quan điểm triết học của Martin, cũng đả Martin chẳng kém gì đả hai đối thủ của anh.
“Cậu biết đấy, chưa ai trả lời được Berkeley.[113]” Anh ta vừa nói vừa nhìn thẳng vào Martin. “Herbert Spencer là người tới gần nhất, nhưng chưa phải là gần lắm đâu. Những tín đồ trung thành nhất của Spencer cũng sẽ không đi xa hơn được. Hôm nọ tớ đã đọc một bài tiểu luận của Saleeby[114]; cái hay nhất có thể nói được thì mới chỉ là cái mà Spencer gần thành công khi trả lời Berkeley thôi.”
“Chắc cậu cũng biết những điều Hume[115] nói chứ?” Hamilton hỏi. Norton gật đầu. Nhưng muốn để cho mọi người khác đều rõ, Hamilton cứ nói: “Ông ta nói rằng những luận điểm của Berkeley không ai trả lời được, và cũng không ai tin được.”
“Trong đầu óc của ông ta, đầu óc của Hume,” Norton trả lời, “và đầu óc của Hume thì cũng y như đầu óc của cậu, chỉ có điều khác là ông ta cũng khá khôn ngoan để thừa nhận rằng không ai trả lời được Berkeley.”
Norton dễ xúc động, dễ bị kích thích, tuy anh ta chưa hề bao giờ mất bình tĩnh trong khi Kreis và Hamilton như hai kẻ man rợ lạnh lùng cứ tìm đúng những điểm yếu của anh mà chọc vào, đâm vào. Trời đã tối, Norton, cứ bị họ công kích liên tiếp là siêu hình, bực mình nắm chặt lấy thành ghế để khỏi nhẩy chồm lên, đôi mắt màu xám càu cạu, bộ mặt như con gái đanh lại, nghiêm trang, anh quyết định mở một cuộc tấn công lớn vào quan điểm của họ.
“Được lắm, các cậu tín đồ của Haeckel. Tớ có thể lập luận như một người thày thuốc, nhưng thử hỏi các cậu lập luận như thế nào? Các cậu không có cái gì để bảo vệ, các cậu đúng là những con người võ đoán với cái thuyết khoa học thực nghiệm mà chỗ nào các cậu cũng nhét vào, cả những chỗ không thích đáng. Từ lâu, trước khi trường phái nhất nguyên luận duy vật được dựng lên, nền đất đã bị chuyển đi rồi, không còn có thể có nền móng nữa đâu. Locke[116] chính là người đã làm việc đó – John Locke. Hai trăm năm trước đây – còn hơn thế nữa – trong Luận về sự hiểu biết của con người[117] ông ta đã chứng minh là không hề có những quan niệm tiên thiên. Cái hay nhất trong cuốn đó đúng là cái các cậu đang khẳng định. Đêm nay, các cậu cứ lải nhải mãi về sự không hề có của những quan niệm tiên thiên.
Cái đó có nghĩa gì? Có nghĩa là không bao giờ các cậu có thể biết được cái thực tại cuối cùng. Khi các cậu sinh ra thì đầu óc các cậu trống rỗng. Những cái bề ngoài, những hiện tượng là tất cả những cái mà trí óc các cậu tiếp thu được qua giác quan của mình. Còn thể chất, cái mà không có trong trí óc các cậu khi các cậu sinh ra đời, thì không có đường nào vào cả.”
“Tớ phủ nhận điều đó,” Kreis ngắt lời.
“Cậu cứ để tớ nói hết đã,” Norton hét lên. “Các cậu chỉ biết tác dụng, phản tác dụng của lực và vật chất qua các giác quan, giải thích bằng cách này hay cách khác. Các cậu thấy đấy, để bênh vực cho quan điểm của tớ, tớ thừa nhận rằng vật chất tồn tại, và cái việc tớ sắp sửa làm đây là dùng chính quan điểm của các cậu để đánh bại các cậu. Tớ không thể làm khác được, và cả hai cậu vốn dĩ không thể hiểu nổi sự trừu tượng của triết học.
Nào thử hỏi, theo quan điểm khoa học thực nghiệm của các cậu, các cậu hiểu thế nào về vật chất. Các cậu hiểu nó chẳng qua chỉ qua những hiện tượng, những bề ngoài của nó mà thôi. Các cậu chỉ nhận thức thấy những thay đổi của nó, hay là những sự thay đổi đã gây ra những sự thay đổi trong nhận thức của các cậu. Khoa học thực nghiệm chỉ nghiên cứu những hiện tượng, nhưng các cậu lại quá ngu ngốc không thể trở thành những nhà thực thể luận và nghiên cứu thể chất được. Phải, theo đúng như định nghĩa của khoa học thực nghiệm, khoa học chỉ có liên quan đến những cái bề ngoài thôi. Như có người đã nói, tri thức về hiện tượng không thể nào vượt quá bản thân hiện tượng được.
Các cậu không trả lời nổi Berkeley, ngay dù các cậu có thủ tiêu cả Kant đi nữa, tuy nhiên, vì bắt buộc, các cậu vẫn cứ phải nói rằng Berkeley là sai khi các cậu khẳng định khoa học chứng minh về sự tồn tại của Thượng đế, hay nói thẳng vào vấn đề, khoa học chứng minh sự tồn tại của vật chất. Các cậu biết rằng tớ thừa nhận sự tồn tại của vật chất chỉ là để cho các cậu dễ hiểu tớ mà thôi. Các cậu là những nhà khoa học thực nghiệm ơi, nếu các cậu thích, nhưng thực thể luận không có chỗ đứng trong khoa học thực nghiệm đâu, xin bỏ nó đấy cho Spencer có lý trong cái thuyết “Bất khả tri” của ông ta, song nếu Spencer…”
Nhưng đã đến giờ phải ra cho kịp chuyến phà cuối cùng về Oakland, Brissenden và Martin chuồn ra, bỏ mặc Norton vẫn còn đương nói, Kreis và Hamilton còn đang chờ đối phương nói hết để chồm lên mà cắn xé như đôi chó săn.
“Cậu đã hé cho mình xem một cảnh thiên đường,” Martin nói khi hai người ở trên phà. “Gặp những con người như thế làm cuộc đời đáng sống. Trí óc mình phấn chấn hẳn lên. Trước kia, mình chưa đánh giá hết chủ nghĩa duy tâm. Tuy nhiên mình không thể thừa nhận nó được. Mình biết rằng bao giờ mình cũng là một người hiện thực. Có lẽ mình sinh ra đã như thế mất rồi. Nhưng mình cũng muốn trả lời cho Kreis, Hamilton và mình cũng muốn nói đôi ba câu với Norton. Mình không thấy địa vị của Spencer đã bị lung lay ở chỗ nào. Mình bị kích thích như một chú bé lần đầu tiên đi xem xiếc. Mình phải đọc thêm nữa mới được. Mình sẽ nắm được Saleeby. Mình vẫn nghĩ rằng Spencer, không ai có thể tấn công nổi. Lần sau mình sẽ ra tay.”
Nhưng Brissenden đang thở một cách đau đớn và đã ngủ gục lúc nào không biết, cắm vùi trong chiếc khăn quàng, gục xuống bộ ngực hom hem, thân hình anh cuốn trong chiếc áo choàng dài run lên theo sự rung động của cái máy chân vịt.
----------------
[100] Fakir: ở Ấn Độ, Fakir là một thầy tăng ăn mày.
[101] Frust Heinrich Hackel (1834 – 1919) một nhà sinh vật học người Đức chủ trương thuyết nhất nguyên luận.
[102] Thần tượng bằng thiếc: (nguyên văn: Tin god) -  thần tượng mà người ta thờ phụng một cách sai lầm.
[103] Võ sĩ hạng gà: loại võ sĩ không nặng quá 66kg.
[104] Humphy Ward (1851 – 1920) -  một nhà tiểu thuyết người Anh.
[105] Bernard Shaw (1856 – 1950) - một nhà văn và kịch tác gia Anh.
[106] Richard Mansfield (1857 - 1907) -  một diễn viên nổi tiếng người Mỹ.
[107] Henry James (1843 – 1916) – một nhà viết tiểu thuyết người Mỹ.
[108] Brander Mathew ( 1852 -1929) một nhà văn Mỹ chuyên viết tiểu luận.
[109] Họa da vàng: bọn chính khách tư bản phương tây thường đung để chỉ cái họa cạnh tranh của Nhật Bản.
[110] August Bebel (1840 – 1913) một nhà lãnh đạo đảng Xã hội dân chủ Đức.
[111] Dante Gabriel Rossetti (1828 -1882) một học sĩ kiêm nhà thơ Anh.
[112] William Hamilton (1788 -1856) tác giả cuốn Luật Tằn Tiện (Law ò Parsimony) chủ trương rằng ngoài một nguyên nhân cần thiết để giải thích một kết quả không cần một nguyên nhân nào khác nữa.
[113] George Berkeley (1685 – 1753) một tu sĩ người Ái Nhĩ Lan, một triết gia duy tâm.
[114] Caleb William Saleeby (1878 – 1940) một nhà xã hội học người Anh.
[115] David Hume (1711 – 1776) một triêt học gia theo phái kinh nghiệm học. Tác phẩm nổi tiếng là Nhân tính học.
[116] John Locke (1632 - 1704) - một nhà triết học theo phái kinh nghiệm của Anh.
[117] Cuốn này xuất bản năm 1690.