Chương 14
Cuộc kỳ ngộ ở cơ quan lưu trữ
Năm con khuyển hé mở tấm màn bí mật

    
gười Đào Huyệt thân hình to lớn cũng đang có mặt ở phòng lưu trữ. Ông ta mặc một chiếc áo dài màu nâu bằng len thô, vạt áo vắt chéo sang vai trái cài bằng một chiếc ghim han gỉ. Ông tiếp nhận lời chào của hai vị quan cấp huyện bằng với một vẻ trang nghiêm và lặng lẽ nghe quan tri huyện nồng nhiệt ngỏ lời cảm ơn về bức trướng ông vừa viết tặng tối hôm qua. Nhà sư vỗ tay vào tập hồ sơ trên bàn trước mặt ông, cất tiếng khàn khàn:
- Tôi đến đây để xem tài liệu về cuộc nổi dậy của nông dân cách đây hai trăm năm. Thời kỳ đó diễn ra một cuộc tàn sát ở Cửa Nam. Nếu tất cả những người bị giết bằng vũ khí nay vẫn còn trong khu vực thì ông không thể vạch được một con đường đi qua đấy! Ông cũng cần xem tập hồ sơ ấy à, ông Lã?
- Không, tôi đến để chỉ tìm một tài liệu thường.
Người Đào Huyệt nhìn quan tri huyện bằng cái nhìn của con cóc.
- Được rồi. Này, nếu ông không tìm thấy tài liệu thì chỉ việc đóng cửa gian phòng này lại, về thắp một nén nhang trên bàn thờ thần cáo. Khi trở lại, ông sẽ tìm thấy hồ sơ mình định tìm ở chỗ xa hơn một chút chỗ vừa tìm lúc trước. (Nhà sư khép tập hồ sơ đứng dậy). Đã đến giờ xem bàn cỗ trung thu chưa nhỉ?
- Tôi sẽ hướng dẫn ông đến đó ngay bây giờ! Ông đến với chúng tôi sau ông Địch nhé. A, ông cố vấn đây rồi! Ông giúp ông bạn đồng nghiệp của tôi tìm hồ sơ, ông Cao nhé!
Quan tri huyện kính cẩn mở cửa cho Người Đào Huyệt ra trước, còn mình bước ra sau.
- Thưa quan án sát, tôi có thể giúp gì cho ngài? – Tiếng nói của viên cố vấn rõ ràng rành mạch.
- Tôi nghe nói vào năm con khuyển, tại đây có xảy ra một vụ giết người chưa tìm ra manh mối, ông Cao ạ. Tôi muốn xem qua tập hồ sơ nói về việc đó.
- Vâng, chính thế, năm con khuyển còn lưu lại như một năm nổi tiếng là bởi có cuộc mưu phản của ông hoàng thứ chín. Thưa ngài, còn về vụ giết người chưa tìm ra manh mối thì… không, tôi không nhớ mình có được đọc tài liệu nói về việc ấy bao giờ chưa. Có thể ông nhân viên lưu trữ biết được phần nào chăng? Ông Liễu ơi! Ông có nghe nói về một vụ giết người nào chưa tìm ra thủ phạm trong năm con khuyển không?
Người viên chức già vuốt chòm râu lưa thưa suy nghĩ.
- Không, ông Cao ạ. Năm con khuyển ở Tần Hoài là một năm dữ với chúng ta vì có cuộc mưu phản của đại tướng Mạc Đức Linh. Nhưng không có vụ giết người nào chưa được làm sáng tỏ cả, không, tôi không thấy.
- Tôi có biết về vụ đại tướng Mạc, – quan án sát nói. – Ông ta là người đã tham gia vào âm mưu làm phản của ông hoàng thứ chín phải không?
- Vâng, đúng thế thưa ngài. Tất cả những tài liệu về vụ ấy đều để trong cái hộp to màu đỏ kia, trên tầng giá thứ năm bên phải. Các tập kế bên là tài liệu về những vụ xử kiện trong năm đó.
- Ông cứ lấy xuống hết để trên bàn cho tôi, ông Cao ạ.
Ông già lưu trữ dựng cái thang nhỏ vào giá hồ sơ và lần lượt chuyển các tập hồ sơ cho viên cố vấn đặt lên bàn theo thứ tự niên đại. Nhìn khối lượng tài liệu, quan giám sát nhận rõ tầm rộng lớn của công việc ông làm. Tất nhiên không chỉ là vụ giết người đơn thuần mà là một vấn đề đã được giải quyết với kết quả một cái án sai lầm với một người vô tội! Trong trường hợp này, kẻ bị cáo thực tế trở thành nạn nhân và kẻ giết người chính là những người đã tố cáo và xét xử anh ta.
- Các hồ sơ của ông được giữ gìn cẩn thận lắm, ông Cao ạ, – quan án sát nhận xét. – Không có một hạt bụi nào bám vào được!
- Thưa ngài, tháng nào tôi cũng cho các hồ sơ xuống một lần, – viên cố vấn giải thích với một nụ cười hể hả. – Các ngăn hồ sơ được đánh xi lại, tài liệu thông gió, như vậy chống được cả mối mọt.
Quan án sát nghĩ bụng, trong trường hợp này các hồ sơ sạch sẽ lại là điều đáng tiếc. Nếu những tập hồ sơ để tít trên những giá cao kia lại phủ một lớp bụi thì rõ ràng người ta có thể thấy ngay vết tay của kẻ đi dò la tung tích của phó bảng Tống.
- Chàng phó bảng bị ám sát thường ngồi làm việc ở chiếc bàn này phải không?
- Thưa ngài vâng. Các hồ sơ để dưới thấp là hồ sơ về cuộc nổi loạn của nông dân mà phó bảng Tống thích nghiên cứu. Anh ta còn trẻ và rất thông minh, lại tỏ ra ham thích một cách quá đáng những vấn đề cai trị. Lúc nào tôi cũng thấy anh ta cắm cúi vào các tập hồ sơ mới đây nhất. Thật là một nhà nghiên cứu khoa học nghiêm túc ít ai bì. Chẳng bao giờ tôi thấy anh ta mời tôi lại nói dăm ba câu chuyện. Những tài liệu đó đã để đầy đủ trước mặt ngài.
- Cảm ơn ông. Tôi không giữ ông ở đây nữa, ông Cao. Nếu cần thêm tài liệu tôi sẽ nhờ ông nhân viên lưu trữ tìm hộ.
Sau khi viên cố vấn đi khỏi, quan án sát ngồi xuống mở tập hồ sơ thứ nhất. Người nhân viên già thì trở lại với công việc xếp giấy tờ tài liệu ở đầu bàn đằng kia. Quan án sát nhanh chóng bị chìm ngập vào vô số các sự việc khác nhau. Một hoặc hai sự việc làm nổi lên những vấn đề hay hay, nhưng không có sự kiện nào cho thấy có sai lầm về xét xử, và cái tên Tống, chỉ thấy xuất hiện có một lần là bị cáo trong một vụ gian lận nhỏ. Khi anh nhân viên trẻ tuổi mang nước trà đến cho ông, ông kinh ngạc nhận thấy lúc này đã là một giờ chiều. Anh nhân viên còn cho ông biết thêm rằng quan tri huyện cùng với các vị khách lúc này đang ở sân thứ tư và bữa cơm trưa nay được phục vụ ngay tại sân.
Quan án sát trút một hơi thở và quyết định xem tập hồ sơ nói về tội phản quốc của đại tướng Mạc, một phần tử bị kết trọng tội âm mưu chống lại nhà vua, đã bị hành quyết cùng với tất cả những người đồng loã với ông ta. Quan án sát nghĩ bụng trong số những người bị kết tội rất có thể có người bị oan.
Vừa mở tập hồ sơ ra, ông đã mỉm cười hài lòng. Các tài liệu trong hồ sơ xếp rất cẩu thả, đảo lộn thứ tự. Đối với một phòng lưu trữ tuyệt vời như thế này hiển nhiên đây là dấu hiệu không bình thường, chứng tỏ ông đang đi đúng hướng. Rõ ràng chàng phó bảng đã bí mật xem các hồ sơ này và trong lúc xếp trả vào chỗ cũ đã quá vội vàng khi nghe thấy tiếng người đi vào. Quan án sát thận trọng đặt các tập hồ sơ lên mặt bàn theo thứ tự.
Tập thứ nhất là những tài liệu tóm tắt lời buộc tội ông hoàng thứ chín. Bằng những câu ẩn ý, tài liệu gợi cho người đọc thấy hoàng tử là người có tư tưởng bấp bênh, tâm địa nghi kỵ và bệnh hoạn. Đó là nguồn gốc dẫn đến những hành động bột phát của ông trong tâm trạng trầm uất, ghen ghét và đố kỵ.
Trong một cơn tức giận bột phát, hoàng tử đã giết chết quan cận thần của nhà vua nên bị vua cha bắt đi đày ở lâu đài Tần Hoài. Nhà vua làm thế với hy vọng thời gian và cuộc sống lao động lành mạnh sẽ cải tạo được con mình. Nào ngờ hoàng tử đã không chịu sửa mình lại rắp tâm hoạt động ngấm ngầm chống lại vua cha. Bọn nịnh thần thì hàng ngày ra rả bên tai hoàng tử những lời xúi giục tâng bốc rằng chỉ có hoàng tử mới là người xứng đáng được cả nước tin yêu! Mặt khác, bị người vợ chuyên quyền và có nhiều tham vọng thúc đẩy, cuối cùng hoàng tử đã sa vào cái ý định ngông cuồng là xúi giục nổi loạn để chiếm đoạt ngôi rồng. Nhưng còn đang đi mua chuộc, thâu nạp các quan chức dân sự và quân sự bất mãn, thì cái âm mưu vụng về kia đã bị bại lộ.
Nhà vua phái quan ngự sử đến Tần Hoài. Vị quan đại thần này được nhà vua giao cho toàn quyền hành pháp và một trung đoàn ngự lâm quân đi theo hộ tống. Quân lính nhà vua bao vây toà lâu đài. Quan ngự sử cho gọi hoàng tử và vợ đến hỏi tội. Ông nói với hoàng tử rằng nhà vua đã biết rõ mọi sự. Nhưng nếu hoàng tử ra lệnh cho các quân sĩ của mình nộp vũ khí rồi ngay lập tức đưa vợ về kinh đô thì nhà vua sẵn sàng tha thứ. Hoàng tử liền rút gươm đâm chết vợ rồi cứa cổ tự sát. Quân ngự lâm tràn vào lâu đài bắt không trừ một ai. Quan ngự sử thu tất cả các tài liệu. Việc ấy xảy ra ngày mùng bốn tháng hai, tính đến nay đã được mười tám năm. Ngày hôm ấy, quan ngự sử cho mở cuộc điều tra. Tất cả những người dính líu vào âm mưu và các loại tòng phạm trong lâu đài đều bị ông hành hình, không cần xét xử. Nhà vua cho rằng hoàng tử có tính điên khùng nên tha cho trọng tội. Còn những kẻ mưu phản khác hết thảy đều không được hưởng một chút ân xá nào. Việc hành hình diễn ra trong nhiều ngày. Một số lớn người bị xử oan. Sở dĩ như vậy là vì có những người đã lợi dụng cơ hội ấy vu khống nhau để trả thù cá nhân. Hiện tượng này diễn ra rất phổ biến ở khắp nơi trong nước. Quan ngự sử xem xét cẩn thận những đơn tố cáo, nhất là những lá thư nặc danh.
Trong số thư nặc danh có một lá tố giác tội đồng loã làm phản của đại tướng Mạc Đức Linh. Trong thư nói rõ ràng là có thư từ liên lạc giữa ông hoàng với đại tướng giấu trong nhà các bà vợ của tướng Mạc. Quan ngự sử liền cho khám nhà và tìm thấy thư liên lạc đúng như thư đã tố giác. Ông đại tướng lập tức bị bắt và bị khép vào tội phản quốc. Đại tướng kiên quyết bác bỏ tất cả những lời tố cáo ông và khẳng định những lá thư tìm thấy ở nhà ông đều là giả mạo do chính kẻ thù ông lén bỏ vào. Nhưng quan ngự sử cho rằng tướng Mạc là người đã từng bất mãn với thiên triều vì không được thăng cấp. Ông ta đã xin rút khỏi quân đội trở về quê quán ở Tần Hoài để nghiền ngẫm cái sự việc mà ông ta cho là bất công đó. Ngoài ra, những người cộng sự cũ của đại tướng cũng có kẻ cho biết ông thường nói với họ về những đổi thay sẽ diễn ra và mọi người đều có thể trả được món nợ! Quan ngự sử phân tích tỉ mỉ lá thư tìm thấy trong nhà vợ đại tướng và tuyên bố thư đó hoàn toàn xác thực. Đại tướng Mạc bị hành hình cùng với ba con trai lớn của ông đúng như đạo luật tàn nhẫn trừng trị tội phản quốc đòi hỏi. Tất cả tài sản của ông đều bị tịch thu.
Quan án sát ngả người trên ghế suy nghĩ. Câu chuyện rất hấp dẫn. Nó càng trở nên rất thực như đang phô bày ra trước mắt quan án sát, bởi vì vụ án vang dội ấy đã được xử ngay tại toà án, nơi ông đang ngồi đọc tài liệu. Quan án sát xem bảng danh sách những người thuộc dòng họ đại tướng và bản thống kê các tài sản của ông ta bị tịch thu. Đột nhiên ông nín thở. Đại tướng Mạc có ba vợ và hai nàng hầu. Người nàng hầu thứ hai thuộc dòng họ Tống. Không có tài liệu gì thêm về người nàng hầu thứ hai bởi vì bà ta đã chết trước đó nên không có tên ghi trong danh sách những người bị toà thẩm vấn. Bà ta đã thắt cổ tự tử ngày mùng ba tháng hai, trước khi quan ngự sử về Tần Hoài một ngày. Bà ta có một đứa con trai với ông đại tướng đặt tên là Ái Viên. Khi gia đình đại tướng lâm nạn, thằng bé mới lên năm tuổi. Tất cả đều khớp! Thế là ông đã lần ra dấu vết! Quan án sát mỉm cười hả hê. Mặt ông bừng sáng!
Tuy nhiên ngay sau đó, quan án sát lại sững sờ! Chàng phó bảng đến đây để rửa mối thù cha. Như vậy có nghĩa là anh ta đã có trong tay những bằng chứng bố mình vô tội và đã có ý ngờ kẻ viết thư tố giác bố mình chính là kẻ đã ngầm đưa lá thư giả mạo vào nhà anh. Thế nhưng con cáo già bí hiểm kia biết Tống nhận ra mình nên hắn vội thủ tiêu anh. Đó là nguyên nhân không thể chối cãi về vụ án mạng phó bảng Tống! Thì ra cách đây mười tám năm đã có một câu chuyện sai lầm kinh khủng về tư pháp. Quan án sát xem tập hồ sơ nói về các phiên xử đại tướng Mạc. Ông xem lướt, vừa xem vừa chậm rãi vuốt chòm râu má. Cuối cùng, ông chỉ thấy có một điểm có thể bào chữa cho đại tướng. Đó là: những người dính líu vào âm mưu làm phản không một ai biết đại tướng là người của ông hoàng thứ chín! Nhưng quan ngự sử đã bỏ qua yếu tố đó với cái lý rằng ông hoàng thứ chín là người có tính đa nghi nên có những điều ông ta giữ kín cả với những người đã thực sự theo ông ta. Việc kết án căn cứ chủ yếu vào lá thư tìm thấy ở nhà vợ ông đại tướng. Lá thư do chính tay ông hoàng viết, bằng giấy viết thư của ông, có con dấu riêng của ông.
Quan án sát tìm lá thư nặc danh. Nhưng chỉ là bản sao do đám nhân viên cạo giấy chép lại, nét bút tầm thường, còn bản gốc đều đã nộp lên kinh đô. Nhưng xét theo lối hành văn thì đây là lối hành văn hoàn hảo nhất, lá thư hẳn phải do một người có học vấn cao viết. Bên lề lá thư cũng sao nguyên văn cả câu ghi chú của quan ngự sử: “Lá thư này chắc chắn phát ra từ sự bực tức, cần xác minh gấp nội dung cùng nét chữ”. Xem xong lá thư, quan án sát biết thêm, mặc dù những người của quan ngự sử rất cố gắng nhưng vẫn không sao tìm ra người viết. Vị quan triều đình liền cho công bố một giải thưởng quan trọng cho người viết lá thư nhưng cũng chẳng có ai đến nhận giải thưởng.
Quan án sát chậm rãi vuốt chòm râu dài, hình dung lại các sự việc trong óc. Một là lá thư ông hoàng gởi cho đại tướng không thể là thư giả mạo bởi lẽ có cả con dấu riêng mà ông ta không rời nó ra bao giờ. Hai là quan ngự sử có tiếng là một ông quan công minh, sáng suốt và thanh liêm. Trong các công việc hình sự, ông ta đã từng giải quyết nghiêm minh một số vụ án gai góc, trong đó bị cáo là những nhân vật cao cấp của triều đình. Quan án sát cha ông hồi đó là cố vấn của triều đình, thỉnh thoảng có nêu vụ xử đại tướng Mạc trong các bài văn của mình như một tấm gương ca ngợi sự anh minh của quan ngự sử. Vậy thì một khi quan ngự sử đã phán xét đại tướng có tội, lẽ tất nhiên ông ấy đã nắm rất vững mọi chi tiết của sự việc. Quan án sát đứng lên, đi đi lại lại trong gian phòng rộng.

Hình 7. Quan án sát đang tra cứu tài liệu
Chẳng biết cái anh chàng phó bảng Tống trẻ tuổi ấy đã thu thập được những chứng cứ gì? Khi biến cố xảy ra, anh ta chỉ mới lên năm tuổi! Có thể những chứng cứ của anh ta chỉ là những mẩu chuyện nghe lỏm hoặc là những thư từ tài liệu do một người nào đó viết cho anh ta. Làm sao mà biết được? Anh ta đã bị giết và kẻ giết anh ta đã thủ tiêu hết các tài liệu chứng cứ mà anh ta có trong tay. Trước tình hình này, quan án sát cho rằng việc trước mắt cần phải làm là liên lạc với những người bà con họ hàng phó bảng Tống. Ông ra hiệu cho người viên chức già.
- Ở Tần Hoài có nhiều người họ Tống không hả ông?
Người viên chức già khó nhọc lắc đầu:
- Thưa ngài nhiều lắm. Giàu, nghèo, đông bà con họ hàng hoặc sống độc thân, đủ cả. Ngày xưa vùng này gọi là Tống, ngài thấy đấy!
- Ông cho tôi xem sổ thuế của năm con khuyển, nhưng chỉ riêng các gia đình họ Tống thôi.
Người nhân viên già lấy xuống một quyển sổ, mở ra đặt lên mặt bàn. Quan án sát tra đoạn ghi những người họ Tống có thu nhập thấp nhất. Mẹ Tống chỉ là hầu thiếp thứ hai thì bố bà tất phải là tá điền, chủ quán nhỏ, hay thợ thủ công gì đó. Có một nửa tá họ Tống thuộc diện ấy. Người đứng thứ ba trong danh sách là Tống Văn Đạt, bán rau, có một vợ và hai con gái. Cô chị lấy một anh bán ngũ kim tên là Hoàng còn cô em thì bị bán làm hầu thiếp cho ông đại tướng Mạc Đức Linh.
- Ông kiểm tra trong sổ thống kê dân số năm nay xem ông Tống còn sống không, – quan án sát vừa nói vừa trỏ ngón tay vào cái tên trong sổ thuế.
Ông nhân viên già đi đến các ngăn hồ sơ rồi trở lại với một ôm các cuộn giấy to tướng. Ông mở một vài cuốn ra vừa xem những cái tên ghi trên đầu bản danh sách vừa lẩm bẩm giữa chòm râu: Tống Văn Đạt… Tống Văn Đạt… Cuối cùng, ông ngước mắt lên lắc đầu.
- Thưa ngài, cả hai vợ chồng đều chết cả, không có con trai nối dõi, bởi vì trong danh sách của tôi không còn tên ai thuộc gia đình họ Tống nữa. Ngài có muốn biết họ chết ngày tháng nào không ạ?
- Thôi, cái đó không cần. Ông cho tôi danh sách các thành viên hội ngũ kim.
Quan án sát đứng dậy nghĩ bụng đây là cơ may cuối cùng!
Ông già mở một hộp to ngoài nắp ghi chữ: “Hội nhỏ”. Ông lấy ra một quyển sổ mỏng đưa cho quan án sát. Trong lúc ông già lưu trữ xếp lại các cuộn giấy thống kê dân số, quan án sát mở quyển sổ hội ngũ kim ra xem. Đúng có một người bán ngũ kim tên Hoàng, vợ là Tống. Tên ông ta được đánh dấu bằng một khoanh mực bên lề trang giấy chỉ rõ rằng ông Hoàng đã chậm nạp tiền cổ phần cho hội. Ông ta ở gần Cửa Đông. Quan án sát nhớ địa chỉ trong óc rồi buông quyển sổ trên mặt bàn, mỉm cười hài lòng.
Khi xem tập hồ sơ nói về sự việc đại tướng Mạc, quan án sát xác nhận toàn bộ gia đình của đại tướng đã bị tan tác sau khi ông bị hành quyết. Đứa con trai tên là Tống Ái Viên, con người tì thiếp đã quá cố được một người bác họ xa ở kinh đô đem về làm con nuôi. Quan án sát giữ lại bản sao lá thư nặc danh và bỏ vào trong ống tay áo. Ông cảm ơn người nhân viên già, nhờ ông ta xếp dùm các hồ sơ vào chỗ cũ rồi trở về khu dinh thự.
Chưa vào đến sân thứ tư, quan án sát đã nghe thấy những tiếng reo cười của lũ trẻ. Trước mặt ông là cả một quang cảnh tưng bừng, náo nhiệt. Một tá trẻ con mặc những bộ quần áo màu sắc rực rỡ đang vui đùa chung quanh bàn cỗ trung thu bày chính giữa những mảnh sân gạch. Trên cao chừng một đầu người, nổi bật hình chú thỏ ngọc màu trắng với đôi tai dài nặn bằng bột gạo, ngồi chễm chệ trên đống bánh nướng hình mặt trăng tròn vành vạnh, nhân nhồi bằng đậu hạt trộn đường. Dưới chân bàn cỗ, la liệt những bát đĩa đầy ắp hoa quả tươi và mứt quả. Rất nhiều cây nến màu đỏ, to và những đỉnh hương trầm bằng đồng thau đặt ở bốn góc sân sẽ được thắp lên vào lúc chập tối.
Quan án sát đi ngang qua sân đến một bậc thềm rộng lát đá hoa. Trên thềm có một nhóm ít người đang tụ tập xem biểu diễn. Thi sĩ triều đình và Lỗ Huynh đứng chống khuỷu tay lên thành lan can bằng đá hoa. Quan tri huyện, ông viện sĩ hàn lâm và sau lưng họ là nữ thi sĩ, ba người cùng đứng cạnh chiếc ghế bành to bằng gỗ mun chạm trổ kê trên một bục gỗ hơi cao. Ngồi trên ghế bành là một bà có tuổi, trông người yếu ớt, mặc áo dài đen, tóc bạc trắng hất ra sau gáy, tay nhăn nheo nắm vào một cái gậy bằng gỗ mun, đầu gậy nạm ngọc thạch màu xanh. Một bà to lớn đứng sau chiếc ghế bành. Bà ta đẹp, độ tuổi trung niên, nét mặt trang nghiêm cứng ngắc trong bộ xiêm áo bằng lụa may chặt bó khít lấy người lại được các hình thêu màu xanh tôn thêm. Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là đệ nhất phu nhân của quan tri huyện. Còn độ hai chục người đàn bà nữa đang đi đi lại lại trong phòng tối phía sau lưng bà ta. Hẳn đó là các bà vợ lẽ và các cô nàng hầu của quan tri huyện.
Không để ý tới mọi người xung quanh, quan án sát đi thẳng đến chỗ bà cụ, kính cẩn vái chào. Bà cụ nhìn ông bằng đôi mắt sắc sảo. Quan tri huyện ghé vào tai bà cụ nói nhỏ:
- Thưa mẹ, con xin giới thiệu với mẹ đây là ông Địch, ở Phố Dương, bạn đồng liêu của con.
Bà cụ gật đầu, chúc quan án sát gặp nhiều may mắn. Giọng nói của cụ nhẹ nhàng nhưng rành mạch một cách kỳ lạ. Ông lẽ phép hỏi năm nay cụ thọ bao nhiêu tuổi và được biết cụ đã sáu mươi hai.
- Tôi có mười bảy đứa cháu gọi bằng bà, quan huyện ạ! – Bà cụ nói một cách tự hào.
- Thưa cụ, con cháu đầy đàn là hồng phúc của những gia đình có đức độ! – Viện sĩ Viện hàn lâm oang oang nói xen vào.
Bà cụ vui vẻ gật đầu. Lúc bấy giờ, quan án sát mới chào viện sĩ và tỏ lời kính trọng với thi sĩ triều đình và Lỗ Huynh. Sau đó, ông chúc sức khoẻ nữ thi sĩ Dược Lan. Nữ thi sĩ đáp trả rằng bà rất khoẻ mạnh nhờ sự chăm sóc tận tình của đệ nhất phu nhân. Tuy nhiên, quan án sát thấy mặt bà ta xanh xao và có những nét mệt mỏi. Ông quay sang nói nhỏ với quan tri huyện:
- Phó bảng Tống là con đẻ của đại tướng Mạc Đức Linh và của một nàng hầu họ là Tống. Anh ta đến đây để tìm bằng chứng về việc bố mình bị xử oan. Anh ta cũng đã nói với Hoàng Liên như vậy. Tống đã giấu tung tích bởi lẽ anh ta đi khỏi Tần Hoài từ lúc lên năm tuổi và họ hàng chỉ còn một người bác gái sống ở đây. Hãy can đảm lên, bác Lã ạ! Cho dù sự thực bà nữ thi sĩ có giết cô vũ nữ trong nhà quan bác đi nữa mà nếu quan bác có thể đồng thời tường trình cả việc xử oan ông đại tướng Mạc thì quan bác có cơ may thoát khỏi bước hiểm nghèo này!
- Trời ơi, ông Địch. Tin tức ông lấy được ở đâu mà hay thế! Lát nữa cùng ngồi ở bàn ăn, ông nói kỹ hơn nhé. Bữa cơm trưa nay tổ chức ở ngoài trời đằng kia kìa!
Quan tri huyện trỏ ngón tay vào một lối đi có rào thưa chỗ cuối thềm. Trên các hàng cọc người ta đã kê thành những chiếc bàn và bày lên đó những đĩa thức ăn nguội xen kẽ những chồng bánh trung thu rất to xếp khéo léo thành hình tháp.
- Đệ cần phải đi bác Lã ạ. Đệ phải tìm gặp một người ở trên tỉnh rồi sau đó lại đến miếu Cáo Đen. Đệ sẽ cố gắng quay về lúc bốn giờ để dự một cuộc họp thơ của quan bác.
Sau khi tiếp chuyện các vị khách, bà mẹ quan tri huyện tỏ ý muốn vào nhà. Ông viện sĩ chào bà, các vị khách cũng lần lượt làm theo. Sau đó quan tri huyện và đệ nhất phu nhân đưa bà cụ vào trong nhà. Lúc đó, quan án sát phân trần với viện sĩ rằng ông vừa nhận được một thông điệp quan trọng của Phố Dương và ngỏ lời xin lỗi vì ông không thể ở lại cùng dự bữa cơm trưa. Viện sĩ buông một câu:
- Công việc trước, thú vui sau…! Ông tự hành hạ mình quá đấy, ông Địch ạ!