Chương 9

    
ồng chí tiểu đoàn trưởng chủ lực hô nghiêm, chạy đến trước mặt Tuyên, gân tay chào rất đẹp:
- Báo cáo trung đoàn trưởng, cán bộ tiểu đoàn 3 đang họp.
Tuyên lóng ngóng chào lại, ngón tay cái xòe rồi lại khép. Bốn năm liền không chào quân sự còn gì. Anh bắt tay tiểu đoàn trưởng, hỏi mấy câu, rồi len qua dãy súng cối 82 ly, đi thẳng. Có tiếng cười rúc rích mé sau. Tuyên cũng cười thầm. Đứng giữa hàng cán bộ của trung đoàn 217, trông anh chả có thớ quân sự tí nào. Anh béo lùn, lại mặc phạ xà lùng sồ sề, đầu quấn phạ phe sặc sỡ. Bộ đội nhìn anh chăm chắm, cười, rỉ tai nhau: “Ông xã đội!” Cái tên đùa ấy lan đến đây lúc nào không biết.
Anh liếc sang trung đoàn trưởng Mành đi bên cạnh. Chính quy có khác. Bộ quân phục xanh lá cây vừa khít thân hình cao ngót thước tám, càng làm nổi bật nước da đỏ hồng của Mành. Tư thế nhanh, chắc, hiên ngang. Cả câu nói cũng gọn, đĩnh đạc, to vừa đủ ba nghìn người nghe rõ. Tuyên nói với Mành cứ phải ngửa đầu, cổ mỏi nhừ. Hôm mới gặp trung đoàn 217 dọc đường hành quân về Tây Nam, Tuyên phải lẻn vào rừng tập chào một lúc cho thuần tay, và thắng bộ quân phục đã lâu không mặc. Đêm đêm anh đến ngủ với trung đội trinh sát. Ở đâu cũng vậy, chiến sĩ trinh sát là giới thạo tin nhất, dễ cởi mở với cấp trên nhất trong đơn vị. Qua một tuần, anh đã biết được rất nhiều mẩu chuyện không hề ghi trên các báo cáo.
Các đơn vị Lào và Việt tập trung trên bờ sông Xê Ban đã ba ngày. Đội chuẩn chiến 3 vẫn bặt tin. Gạo bắt đầu cạn, máy bay địch lượn vòng dòm ngó.
Tuyên và Mành luồn dưới rừng vầu, đi về cơ quan Ủy ban kháng chiến. Hội nghị Ban chỉ huy chiến dịch mở rộng sắp họp tại lán của Thông Phun. Câu chuyện đứt quãng lại tiếp tục. Mành hỏi về công tác chuẩn bị chiến trường đến lần thứ mấy không nhớ. Tuyên sầm mặt:
- Có lẽ CC3 gặp tai nạn mất. Đảng ủy lo sốt vó. Các tổ trinh sát phóng đi đón đường chưa thấy về.
Mành gãi gáy. Đó là dấu hiệu bực ngầm.
- Nghe đồn trinh sát trên này chúa ăn chơi tự do thì phải.
- Cũng tùy nơi, tùy người...
- Cậu Đại nhà tôi được nước đua đòi, khéo lại vất hết quân phục, may ka ki rồi cũng nên.
Tuyên dè dặt, chỉ trả lời nhát gừng:
- Không đến nỗi thế đâu. Lương nó nguyên tắc đấy, tôi biết.
- Hừ, ngại các ông lắm. Chưa chắc đã gặp trắc trở. Không chừng các tướng nghỉ lại dọc đường, cà phê sữa hộp với nhau, để bộ đội nằm chết gí ở đây. Thiếu gì lý do! Cái trò đi công tác lẻ là chúa lề mề, cấp trên biết đấy là đâu. Tôi thì tôi cho đánh sang hướng tây ăn chắc hơn nhiều…
Mành vẫn quay trở về đề nghị đánh hướng tây. Khi nghiên cứu nhiệm vụ giúp Lào, anh không thắc mắc gì với đường lối, phương châm. Nhưng đến đây, anh giữ mãi  ý kiến mở chiến dịch sang phía sông Mê Kông, vừa dễ đánh vừa ăn to.
Nghe Mành nói, Tuyên thấy rân rân mặt. Anh không bực với Mành, chỉ xấu hổ. Nếu đội CC3 về đúng hẹn, thì hướng đánh không còn phải bàn cãi gì nữa, bộ đội đã tiến thẳng xuống nam từ hôm qua. Ba nghìn người ăn măng và rau tàu bay nằm đợi một bản báo cáo, thật là vô lý. Cũng vô lý như những trận đánh lớn thất bại vì một phát súng nổ cướp, một vết dép cao su in trên đường, một cái đồng hồ của cán bộ chỉ huy bị đứng.
Mành bẻ một cành cây, quất vào những bụi dành dành bên đường. Tay chân anh luôn luôn ngứa ngáy, đòi hoạt động. Anh nhìn Tuyên, nói dằn giọng như thách thức:
- Chốc nữa vào hội nghị, tôi sẽ đưa vấn đề hướng chiến dịch ra tranh luận. Được chứ?
- Được thôi. Nhưng theo ý tôi, Đảng ủy đã bàn kỹ và thống nhất với bên Ủy ban từ trước.
Mành quật cành lá vào ống quần, cáu kỉnh:
- Tôi sợ khi gửi kế hoạch lên Bộ Quốc phòng Lào, các đồng chí chưa xét kỹ các mặt. Vả lại Bộ đã giao quyền quyết định hướng đánh lại cho Ban chỉ huy chiến dịch. Chúng ta tùy tình hình mà xử trí. Thế nào là cơ động linh hoạt?
- Đánh Pà Thạc lợi như thế nào anh đã biết đấy.
- Biết, tôi biết. Anh nhắc đến nghị quyết của Đảng ủy tôi hiểu ý ngay. Nhưng nếu trong hội nghị các đồng chí Lào theo đề nghị của tôi thì sao?
- Tất nhiên họ có toàn quyền quyết định. Xưa nay vẫn thế.
- Được, tôi sẽ đề nghị bỏ chủ trương đánh Pà Thạc.
- Tôi sẽ phản đối đến cùng.
Mành thích lối tranh cãi thẳng thắn ấy. Nếu cần, có thể đập bàn vỗ ghế, mang hết lý lẽ đập nhau không tiếc lời, để rồi thống nhất ý kiến với nhau đến chân tơ kẽ tóc. Anh vỗ vai Tuyên, cười:
- Xin điếu thuốc. Bộ đội thèm thuốc lá ghê quá, cuộn cả lá chuối khô mà hút. Chiến trường Lào gian khổ thật! Chịu các cậu.

°
°    °
Rừng vầu dọc sông Xê Ban vẫn đan cành lá um tùm, im lặng. Nhưng bên dưới cái trần xanh rì ấy, hơn ba nghìn quân đang ùn lại, sùng sục như nước lũ húc phải đập.
Các đơn vị cướp thời gian để ôn tập.
Hai đại đội Itxala dàn hàng ngang, tập xung phong đường rừng, vận động đánh bọc lưng, tạt sườn. Một đại đội Quân tình nguyện tập chôn mìn, gài bẫy phóng lao, cắm chông chìm chông nổi. Các tổ bộc phá của trung đoàn 217 ôm ống bương độn cát lao lên rào thép gai. Xung kích lồng lộn trong những đoạn giao thông hào nông choèn, bắn, đâm, ném lựu đạn, thọc vào ruột đồn.
Sẽ đánh vào đâu, bao giờ đánh, bộ đội chưa biết. Các nhân vật “tham mưu con” chuyên xem tướng cán bộ cũng chịu tho, chỉ phán đoán rằng trận này ắt sẽ gian nan đây vì nom sắc mặt cấp trên có chiều u ám, khác với những lúc phớn phở đầy hồng khí như nhà nông được mùa.
Họ đoán đúng. Không khí trong hàng cán bộ nặng nề, khó thở, và cơn dông hôm nay nổ trong cuộc hội nghị Ban chỉ huy chiến dịch mở rộng. Bộ Quốc phòng Lào đã chỉ định Thông Phun làm chính ủy, Tuyên chỉ huy trưởng, một cán bộ Lào cùng với Mành chỉ huy phó trong chiến dịch.
Độ hai mươi cán bộ Lào và Việt đứng ngồi chen nhau trong lán của Thông Phun. Nắng xiên khoai đượm mùi lá mục hăng nồng soi chéo trên mặt trung đoàn trưởng Mành đang phát biểu. Mặt anh đỏ như râm bụt. Anh nói mỗi lúc một to, nắm tay phải đấm vào lòng bàn tay trái chấm câu, người lắc mạnh. Đôi chỗ anh đếm từng tiếng một, chắc như những phát súng tự động lẩy chậm:
- Nhân có các đồng chí trong Ủy ban kháng chiến ở đây, tôi xin nêu lại vấn đề. Một đằng thì chôn chân bộ đội lại, đợi đội CC3, vừa thiếu gạo ăn vừa dễ ăn phi pháo. Anh hùng ca số 5 về hay không? Chịu, không ai biết. Rồi nếu có đánh hướng nam, thì phải lội rừng ít nhất tám ngày, luồn qua vùng địch vũ trang, qua các đồn tiền tiêu. Chỉ sơ hở một chút thôi, địch có thể điều hàng vạn quân cơ giới đổ về Pà Thạc, chặn ngang sông Nậm Đăm. Đường tiến sẽ tắc tị. Máy bay tìm ném bom. Hết gạo. Lúc ấy mới lúng nhúng như cá vào túi lưới, bộ đội không tan vỡ thì cũng sầy vi tróc vẩy mới rút về được. Thắng lợi của chiến dịch Pà Thạc như trứng để đầu đẳng, mà khả năng thất bại thì nhiều, rất nhiều.
Anh ngừng vài giây, liếc quanh một vòng, lại nói to hơn:
- Tôi đã nghiên cứu các báo cáo sơ bộ của CC3 gửi về trước. Phân khu Pà Thạc nhỏ mà khó đánh. Chi bằng ta quật sang hướng tây, diệt gọn một phân khu, vừa gần vừa ăn to. Chỉ hai ngày hành quân và một đêm tổng công kích, ta có thể diệt gọn sáu đồn lớn, thu thắng lợi gấp hai ba lần đánh Pà Thạc, mở rộng được khu căn cứ xuống sát quốc lộ 13, cắt luôn đường tiếp tế của địch lên miền Bắc nước Lào. Các đồng chí cân nhắc lợi hại một lần nữa xem. Không phải tôi chỉ nhìn riêng mặt quân sự đâu. Hết!
Mành ngồi xuống lau mồ hôi trán.
Thông Phun làm chủ tọa, ngồi xổm trên sạp nứa, bản đồ trải trước mặt. Tuyên rì rầm dịch ý kiến của Mành cho các cán bộ Itxala nghe. Họ ghi vội trên sổ tay, gật gù. Thông Phun gãi râu, hỏi:
- Phú đây mi khoam hển ? (Ai có ý kiến?)
Hai người nữa lên tiếng ủng hộ đề nghị của Mành. Người đầu là đồng chí chủ nhiệm cung cấp của trung đoàn. Đồng chí nhăn nhó kể những khó khăn về gạo muối súng đạn, khiến mọi người cười rộ giữa lúc không nên cười nhất.
Người thứ hai là tham mưu trưởng Đặng.
Thoạt nghe Đặng nói mấy câu đầu, ai cũng tưởng anh phản đối Mành. Nhưng Tuyên ngờ ngợ nhận ra lối thuyết phục quen thuộc của Đặng: đưa ra hàng loạt ý kiến đối lập có vẻ nghe được, nhưng đã bị mài mòn và bẻ cong quẹo một phần, rồi bác dần đi rất khéo, dắt người nghe trôi xuôi theo ý mình một cách êm thấm. Tuyên trừng mắt nhìn Đặng đang vung năm ngón tay chúm như ném từng câu đúc gọn ra trước hội nghị, chống lại chủ trương đánh Pà Thạc với cái vẻ trầm ngâm pha lẫn buồn rầu của một người bị bắt buộc phải thừa nhận một sự thật trái với điều trước đây mình tưởng là đúng. Tuyên nghĩ chua chát: “Mới cách đây một tuần, cậu ta còn tuyên bố đánh Pà Thạc là giải pháp duy nhất đúng!” Nhìn quanh một vòng, anh thấy hình như mọi người cũng ngạc nhiên không kém mình, và Mành nhăn trán tỏ vẻ khó chịu, ấm ức thế nào.
Thực ra, dưới bề ngoài bình tĩnh, Đặng đã trải qua nhiều đêm hoảng hốt. Trong khi cháy ruột đợi tin đội CC3, Tuyên trằn trọc trên cái võng ka ki treo giữa hai cột lán, thì Đặng nằm trên sạp cũng mở chong đôi mắt khô rát nhìn vào đêm đen. Đặng đoán chắc đội CC3 đã rơi vào ổ phục kích trên đường bí mật số 1 vì sự chậm trễ của mình. Nỗi hối hận giày vò cắn xé anh nhiều, nhưng chưa đủ sức bắt anh nói ra sự thực. Đảng ủy và Ban chỉ huy bận việc rối mù, chân chạy không bén đất, không có dịp kiểm tra việc làm của anh… Đôi lúc anh phát cáu với mình: “Chỉ tại cái nếp du kích lề mề chung của các ông ấy thôi, phải đâu tại riêng mình!”. Không ổn. Anh lại tự an ủi: “Một sự ngẫu nhiên, một tình huống trắc trở nho nhỏ. Kế hoạch có bao giờ thực hiện được trơn tru từ đầu đến cuối”. Rồi anh tìm ra một cách gỡ tội: Đề nghị đánh hướng khác. Khi súng đã nổ, không ai còn đầu óc nào đi soát lại những thiếu sót tủn mủn trong việc chuẩn bị đánh Pà Thạc lúc ấy đã bị xếp xó. Ý nghĩ ấy ăn sâu dần, lớn dần, thành hẳn một kế hoạch mới, xóa mờ dần hình ảnh hai mảng đỏ bị cắt lìa trên bản đồ, bịt lấp dần những tiếng kêu cứu của khu du kích phía nam vẳng đến hàng ngày trên sóng điện. Vẫn còn cái gì nhoi nhói như mũi kim gài trong ngực áo: thương đội CC3, hổ thẹn, nhục nhã... Nhưng khi nghe Mành mấy lần đòi đổi hướng chiến dịch, Đặng thấy nhẹ người hẳn đi, và tự phân trần với mình: “Vì lợi ích chung, phải rồi... Đánh Pà Thạc dù sao cũng rất phiêu lưu”. Cái day dứt trong anh tạm nguôi, nhưng anh tránh không nhìn thẳng Tuyên, không nói chuyện riêng với Tuyên.
Đặng nói khá dài, đưa ra những lý lẽ xác đáng nhất để ủng hộ Mành. Tiêu diệt sinh lực địch là chính, không nên quá nặng giải phóng đất đai. Đánh dễ ăn chắc. Đôi khi phải hy sinh lợi ích cục bộ để giành thắng lợi chung... Cuối cùng anh còn trích dẫn một tràng những câu kinh  điển về đường lối quân sự, từ Cơlaođơvít qua Napôlêông đến Lâm Bưu để kết luận rằng đánh về hướng tây mới đúng.
Mành nhấp nhổm như ngồi phải cọc. Anh không chịu được cái lối tán thành vớ vẩn bằng sách vở của Đặng. Anh vung tay xin nói, vừa lúc đồng chí Ủy viên quân sự Lào lên tiếng. Một cán bộ Tình nguyện dịch bên tai Mành:
- Ý kiến đồng chí Mành và đồng chí Đặng rất hay. Nhưng còn khu du kích phía nam đang bị nguy khốn thì sao? Nếu tấn công hướng tây mà gỡ vây được cho họ, thì ta nên đánh về phía đường 13.
Thông Phun tiếp luôn, ngón tay xoa giữa hai mảng đỏ trên bản đồ:
- Vấn đề mấu chốt hiện nay là nối liền hai khu du kích, làm căn cứ đánh lâu dài. Quét được phân khu phía tây cũng hay, nhưng không giữ được, Pháp lại chiếm mất thôi. Đuổi rắn không bằng đập chết rắn đâu. Tôi chỉ sợ một điều: bộ đội đi nhiều mất sức, ăn không đủ no, liệu có đánh nổi Pà Thạc không?
Chính ủy trung đoàn 217 ốm nặng dọc đường hành quân, nay trùm chăn ngồi họp. Anh chen vào mấy câu khiến Mành tím mặt:
- Kế hoạch đồng chí Mành có nhiều điểm sâu sắc, nhưng đấy là đề nghị riêng của đồng chí thôi. Hôm trước chúng tôi thảo luận kỹ, vẫn thấy không hợp. Còn về sức khỏe, xin bảo đảm bộ đội bôn tập được, đánh được.
Tiếp luôn mấy ý kiến ủng hộ đánh Pà Thạc, Mành uất quá, chồm lên:
- Vâng thì đánh Pà Thạc, thọc xuống phía nam! Thế các đồng chí căn cứ vào đâu mà định kế hoạch tác chiến? Nắm tình hình địch lơ mơ như thế, địa hình chỉ mới xem trên bản đồ một phần hai chục vạn như thế, đội CC3 lại chưa về, các đồng chí dám hạ quyết tâm không?
Câu thách thức như một tảng đá ném giữa bàn. Mọi người quay đầu lại nhìn Tuyên, người phụ trách chuẩn bị Pà Thạc. Trước bốn chục con mắt dò xét, Tuyên đứng lên. Mặt anh hơi tái, sợi gân chữ Y chạy xoắn trên trán, giật mạnh. Anh nói thong thả bằng tiếng Lào:
- Khu du kích phía nam có giữ vững được hay không, mặt trận Tây Nam mở rộng được hay không, tất cả đều do chiến dịch Pà Thạc quyết định. Tôi kiên quyết đề nghị đánh Pà Thạc. Đội chuẩn chiến 3 đã gửi về một số báo cáo sơ bộ, xét tình hình có thể đánh được. Nhưng còn phải đợi họ về báo cáo tỉ mỉ...
- Bao giờ họ về?
- Chúng tôi cố tìm đội chuẩn chiến 3. Phải đợi mấy hôm nữa…
Mành vẫn vặn sát nút:
- Nếu đội ấy mất tích hay hy sinh hết, địch lấy được báo cáo thì sao?
Tuyên không đáp. Thông Phun ngẫm nghĩ rồi nói thay:
- Thì đành phải đổi hướng tấn công thôi.
Thông Phun khẽ thở dài, thoáng nghĩ đến Văn Thon, đến đội trinh sát Itxala vắng đội trưởng. Ngón tay anh vẫn xoa xoa giữa hai mảng đỏ rời nhau trên bản đồ. Anh quay lại nói với Mành một câu tiếng Việt, giọng sõi đến nỗi các cán bộ của 217 giương mắt sửng sốt:
- Tối nay mời đồng chí đến họp với các đại đội Itxala nhé!

°
°    °
Bốn thân cây khô chồng lên nhau cháy phừng phừng. Lửa rắc những giọt đỏ trên các nòng súng và các đôi mắt.
Hai đại đội Itxala tập họp trong góc rừng thưa thành hình chữ U, ngồi nhấp nhô từ dưới đất lên đến đỉnh gò đá. Súng trường và súng máy đủ các kiểu linh tinh, cũ mới, dài ngắn, nặng nhẹ. Nhìn qua số súng trường trong một trung đội cũng đã thấy cái công góp nhặt: có súng Pháp, Nhật, Nga, Đức, Anh, Canađa, Tàu Tưởng, Mỹ, nhiều nhất là Mỹ. Những chuyến xe bốn năm trăm chiếc kìn kìn trên đường 13 đổ vũ khí Mỹ vào đất Lào càng nhiều, thì bộ đội Itxala càng chóng có súng mới. Áo quần cũng không ai giống ai. Kaki Mỹ xanh xám, kaki Pháp vàng đất thó, áo vải xanh chàm, cả phạ xà lùng dệt ô vuông xanh đỏ. Nhưng trên tất cả mấy trăm khuôn mặt đều có những nét gì giống nhau. Người thoạt nhìn thấy lạ mắt, để ý lâu mới hiểu: họ đều đói cơm và đói ngủ.
Ban chỉ huy chiến dịch đến. Anh đại đội trưởng chạy ra trước hàng, tay phải đè súng ngắn, tay trái giữ cái xà cột nảy bành bạch cạnh sườn:
- Dưn... kôông! (Đứng... nghiêm!)
Chính ủy Thông Phun ra nói chuyện. Tuyên dịch cho Mành từng câu. Thông Phun nói lướt qua tình hình chung, kể lại cuộc hành quân của trung đoàn 217. Sau mỗi câu, anh lại rướn cổ về phía trước như muốn hỏi: “Hiểu chưa?” Chợt anh bước đến sát hàng quân:
- Đồng chí, cho tôi hỏi một câu.
Anh chiến sĩ Itxala đang nghe mê mẩn, giật mình suýt đánh rơi súng. Anh đứng dậy, dặng hắng, cười ngượng nghịu. Trong góc tối Tuyên cũng cười, ghé tai Mành: “Trước kia Thông Phun dạy học ở Viêng Chăn. Đúng kiểu ông giáo truy bài nhé!” Thông Phun hỏi:
- Thế nào là tinh thần quốc tế?
- Hừm... tức như là mặt trận liên minh Lào - Việt - Khơme, để giải phóng đế quốc, à không, tiêu diệt đế quốc…
- Đồng chí cứ nói tự nhiên, nghĩ sao nói vậy.
Anh chiến sĩ chống súng, mím đôi môi dày, nghĩ. Rồi anh lật mũ úp lên nòng súng, vỗ bao đạn một cái, vung tay:
- Tinh thần quốc tế là thế nào, đây tôi nói đây. Thằng Pháp, thằng Mỹ như kẻ cướp vào nhà, mẹ nó chứ... Nhà có ba anh em, ở mỗi người một gian. Bây giờ chung sức lại mà đánh cướp, hay là ai lo phần nấy? Hử? Đằng nào hơn?
- Hay lắm!
- Ba anh em phải đánh chung, giúp đỡ nhau thật sự, sống chết có nhau. Đuổi giặc đi rồi, ta làm ăn vui vẻ cũng giúp đỡ nhau mãi như thế. Anh có muối mang lên đây, tôi đổi sa nhân cho. Anh mất mùa, tôi gửi gạo cho anh ăn. Ấy cứ thế mà ăn ở đoàn kết giữa các nước với nhau có phải thích không! Tôi là tôi chúa ghét thằng Pháp, thằng Mỹ cứ rình mò hấm hứ, đi ăn cướp nước người ta...
Bộ đội cười khà khà, hoan hô, nhộn nhạo một hồi lâu.
Thông Phun phổ biến tiếp mệnh lệnh của Ban chỉ huy. Hai đại đội Itxala sẽ thọc sâu về phía Pa Thạc để tuyên truyền, chuẩn bị đường tiến quân. Một bộ phận đi nghi binh phía quốc lộ 13. Phải phân tán đến từng tổ, từng người. Sáng mai sớm, các bộ phận lên đường ngay. Một phút bây giờ là một ngày, một tháng.
Tiếng rì rầm trong hàng to dần. Hình như bộ đội thắc mắc cái gì.
Các đại đội chia từng nhóm thảo luận. Mành lững thững đi qua mấy đống lửa, nghĩ ngợi. Anh đến ngồi cạnh một tiểu đội, vẫy Tuyên đến nhờ dịch hộ. Đúng anh em đang thắc mắc thật.
- Này tôi bảo, cứ đi ngay bây giờ là tốt nhất. Về thẳng mỏ muối, qua sông trước khi trời sáng đỡ bị bọn vũ trang phá quấy.
- Phải, đề nghị trên cho xuất phát luôn. Cắt một tổ đi trước kiếm đò. Anh Văn Thon hay bố trí thế đấy.
Mành hỏi một đồng chí ngồi cạnh, người bé mà bụng báng to:
- Bọn vũ trang dám bắn các đồng chí à?
- Vâng. Ác cái, nó bắn mình, mình không được bắn lại. Chỉ độc kêu gọi thôi.
- Hừ, sao thế?
- Nó không phải là địch... Đại đội chúng tôi mất ba cậu. Nó cắt đầu nộp Pháp, đổi muối. Pạp!
Đồng chí Itxala đưa bàn tay cứa ngang cổ, nét mặt không đổi. Mành trừng mắt:
- Cũng cho qua luôn à?
- Không ạ, cho qua thế nào được... Chúng tôi đóng khố đến xin làm rẫy giúp dân, mất gần tháng mới bắt được mối liên lạc. Làng ấy bây giờ theo ta cả. Chỉ phải cái bị Pháp đốt, đang đói to, tội lắm.
Một lát sau, hai đại đội cùng xuất phát. Họ đi ngang qua chỗ Mành đứng. Đồng chí Itxala người bé bụng to vẫy vẫy tay, cười một cái cười đến mang tai. Mành cũng vẫy tay, cười, nhìn theo mãi cái bóng nhỏ vác khẩu Bờren mười bốn cân, đeo chuỗi băng đạn đầy tướng, tay cầm đèn chai soi đường, hai bàn chân trần xéo trên đá nhọn. Cây đèn chai tạt khói, bôi muội đen vằn vèo trên má người chiến sĩ Lào đang đi vào trong đêm, cười hết cả hai hàm răng trắng bóng.
Bộ đội đi khuất, Mành vẫn đứng im. Anh nghĩ đến khu du kích phía nam, đến đội chuẩn chiến. Nghĩ rất lâu.

°
°    °
Đến mười giờ đêm hôm ấy, tất cả mặt trận bộ đột ngột bị náo động. Hai bức điện cùng một lần bay đến như cơn gió rét đổ về chuyển mùa từ thu sang đông. Bộ Quốc phòng Lào báo tin một binh đoàn cơ động nữa đang kéo từ Việt Nam sang Lào theo đường số 9, không rõ sẽ tiến về mặt trận nào. Khu du kích phía nam cấp báo: một trung đội vừa Itxala vừa Tình nguyện bị bao vây tiêu diệt đến người cuối cùng, tất cả súng máy Bờren và súng trường Anh phải xếp xó vì hết đạn Anh... Tình hình hết sức khẩn cấp, mà đội CC3 vẫn chưa thấy tăm hơi.
Mười hai giờ đêm. Trong lán của Ban tham mưu còn chấp chới ánh đèn. Tuyên đang đánh dấu trên bản đồ hướng tiến của các tổ trinh sát đi tìm CC3.
Cái đầu húi ngắn cúi thấp dần. Những đường xanh đỏ phình to, từ từ bò chồng chéo lên nhau như bầy rắn. Bức điện cuối cùng của CC3 đảo tròng trành, rơi xuống đất. Tuyên ngủ lúc nào không rõ, mắt vẫn mở, tay vẫn cầm bút chì. Mũi bút chì cắm trên một quãng hẹp của sông Nậm Phỉ. Đội chuẩn chiến có thể bị phục ngang đây... Các đội xây dựng cơ sở phía nam sông Xê Ban, các tổ trinh sát ném đi dọn đường gửi về rất nhiều tin trái ngược. Có tin đội CC3 bị bắt gọn hết, có tin đi lạc về phía tây...
Một giọng thanh thanh rất quen vẳng đến: “Anh ạ!” Ai thế nhỉ? Guồng máy trong óc Tuyên từ từ quay. Giọng nói đến gần:
- Anh chưa nghỉ ạ?
Tuyên từ từ ngẩng đầu. Đôi mắt anh trắng đục như mắt mù. Hình như anh không hề ngủ, chỉ mải làm việc... Soan đứng trước mặt anh, cười:
- Trông anh lạ quá.
Tuyên chớp mắt, hỏi khao khao:
- Soan đến lâu chưa?
- Lâu ạ. Em đợi mãi, thấy anh còn bận việc. Anh thức đêm vừa chứ, rạc người đi thế kia ốm mất.
- Soan đi đâu về?
Soan hết cười, vê vê góc áo:
- Không ạ, chả ban chiều anh quân y trưởng gọi em sang anh bảo gì. Em bận mấy anh thương hàn, bây giờ mới rỗi.
Tuyên tỉnh hẳn, vơ khăn lau mặt. Đồng chí quân y trưởng sang báo cáo, có phàn nàn với anh: “Con bé Soan liều mạng. Anh tính ba ngày hai đêm liền nó thức trắng, chúi mũi vào công tác. Nó bảo thương binh về nhiều nó không ngủ được. Anh chỉnh nó hộ tôi, chứ đá còn đổ mồ hôi nữa là...” Tuyên dặn qua quýt: “Cứ cho nó sang tôi bảo”. Thế mà Soan đến ngay. Nửa đêm, bốn cây số đường rừng vắng... Sao Soan vội thế? Anh buột miệng hỏi luôn câu ấy vừa mừng vừa ngượng. Vì anh chăng? Biết đâu...
Soan hơi đỏ mặt, nhìn trộm anh, vẫn vê vê góc áo. Tuyên đâm luống cuống. Ừ mà có lẽ đúng vì anh. Tuyên cầm ca, lấy bi đông rót nước Soan uống. Hết nhẵn không còn một giọt. Giá ai đổi ca nước nóng lấy cái đồng hồ, Tuyên tháo đổi ngay. Tuyên vụt nhớ đến ngón tay của Đặng hôm trước. Thấy Soan đi qua, Đặng đưa ngón tay gạch chéo trên ngực, chỗ quả tim, xong trỏ về phía Soan, lại khoằm về phía Tuyên. Tuyên suỵt một cái, cau mày làm nghiêm, nhưng sau lưng ngứa như nổi rôm.
Soan nhìn cắm xuống bàn, lúng túng:
- Em tưởng... ư… có tin gì mới...
- Soan đợi tin nhà phải không?
- Vâng, à không, là em ngỡ... đội anh Lương về...
Tuyên đã hiểu.
Hình như anh đang rơi, rơi mãi không chạm đất. Choáng váng, ngợp thở. Anh bước ra ngoài lán, bước xuống suối, như mất hồn. Gió khẽ xoa mát trên trán anh, nhưng vũng trăng dưới nước lại hấp hay những tia mắt giễu cợt dòm anh.
Soan lẳng lặng đến ngồi trên thân cây đổ, sát bên Tuyên. Đôi mắt tròn đọng trăng lóng lánh như van xin, cầu cứu. Soan sợ lắm. Soan đợi tin Khiêm mà như đứng trên bờ vực nhìn xuống, chỉ thấy tối om, im lặng, lạnh buốt. “Anh Tuyên vào bậc cha chú, mày phải hỏi ý kiến...” Bố Soan bảo thế. Soan cũng nghĩ thế. Đêm nay Soan liều nói thật, rồi đến đâu thì đến.
Soan kể hết với Tuyên, đôi lúc nghẹn tiếng, nấc dồn:
- Ba tháng nay anh Khiêm đi biệt, không gửi thư. Nghe nói đi với đội anh Lương. Em lo quá, hay là nhỡ ra... thế nào rồi, chứ còn thì...
Soan nhét cả góc áo vào mồm, mà vẫn khóc thành tiếng. Rồi Soan gục đầu, bưng mặt. Mái tóc xõa rung rung trên hai cánh tay trong tiếng nức nở.
Tuyên ngạc nhiên khi thấy mình bình tĩnh quá. Đường gân chữ Y lại rút mạnh trên trán, tim anh như nở to trong ngực, cồm cộm khó thở. Nhưng anh vẫn nói tự nhiên, chậm và buồn. Anh dỗ Soan nín. Khiêm vẫn khỏe, vẫn công tác hăng, vẫn nhớ Soan đấy chứ. Không gửi thư vì sợ lộ bí mật, trinh sát phải giữ bí mật. Hai người vừa xứng đôi. Bố Soan hẳn đồng ý. Không thuận đã có anh nói hộ, anh viết thư về nói hộ.
Soan nhoẻn cười qua nước mắt. Anh Tuyên không mắng, may quá. Thế mà sợ hão, giấu mãi. Chả trước kia có mấy anh cán bộ đại đội muốn tìm hiểu, nói với Soan: “Chúng ta thống nhất nhau trên lập trường tư tưởng, có thể xây dựng được”. Soan lúng túng chối quanh, lo ngay ngáy. Nói thẳng thì sợ các anh bảo là kiêu, làm bộ. Mà dây dưa thì người ta điều ra tiếng vào. Soan không dám hỏi anh Tuyên, sợ bị mắng: “Cô còn đòi đến ông gì nữa kia?” Bây giờ xuôi quá rồi. Soan mừng khấp khởi. Anh Khiêm nay mai về thôi. Anh Khiêm về, rồi… rồi sao nữa? Soan nóng ran người, không dám nghĩ xa hơn. Xấu hổ khiếp.
- Chết chửa, em về thôi.
Tuyên xem đồng hồ. Đã hai giờ rưỡi sáng. Anh tần ngần:
- Anh đưa em về. Hay đừng, em ngủ lại đây.
Soan cười, rút khăn mùi soa buộc tóc:
- Phải đấy. Về bây giờ chị y tá trưởng chửi chết. Chị ấy chỉ cho em sang chơi với anh thôi đấy.
- Sao thế?
- Chị ấy bảo anh đứng đắn, gần anh học tập được nhiều. Xem chừng chị ấy mến anh lắm. Chao, buồn ngủ chết được!
Soan về lán, cởi áo ngoài, nằm trên cái võng của Tuyên, kéo chăn trùm đầu. Ngáp một cái, Soan lại thò đầu ra.
- Anh Khiêm nghịch ghê lắm, phải không anh?
- À, vừa vừa thôi.
- Có điều anh Khiêm gan lắm, giỏi lắm hở anh?
- Đúng thế.
Tuyên nhặt giấy tờ vung vãi, nhét vào túi dết. Được một phút, Soan tung chăn:
- Anh ạ, làm xiếc bán thuốc cao là thế nào?
- Ờ, là đi bán thuốc cao, rồi làm xiếc cho người ta xem...
- Thế khổ lắm anh nhỉ. Em nghe anh Khiêm kể, cứ thương hại...
- Thương hại thôi à?
Soan rụt đầu, cười rinh rích. Tuyên lúi húi dụm lửa, thổi to ngọn. Ngày càng nắng đêm càng rét, ngủ quên dễ bị sưng phổi. Soan đã ngủ say. Một cánh tay trần rơi thõng xuống chạm đất. Tấm chăn trật nghiêng về một bên.
Tuyên ngồi xuống một súc gỗ, khẽ nâng bàn tay mềm, ấm, giữ trong tay mình một loáng rồi đặt lên võng. Soan nhấp môi trong mơ, mỉm cười, má lúm nhanh một lỗ đồng tiền. Quầng mắt Soan hơi thâm, hai bên khóe mắt xếp li ti những nếp nhăn nan quạt. Hàng mi dài chưa khô hẳn, còn dính chập vào nhau. Khóc đấy rồi cười đấy, cái tuổi mười chín là thế. Và hơi thở của cô gái bay thơm mát trong cái lán đầy khói, phập phồng tỏa vào ngực Tuyên từng làn êm ru mà say người lạ lùng.
Đêm từ từ trôi, dài như một đời người. Tuyên vẫn lặng trên súc gỗ.
Trong lòng anh, những xoáy lốc rối bời buồn, thương, giận cũng từ từ lắng xuống, đọng lại thành một khối nặng có lẽ còn lâu lắm mới tan. Lần đầu tiên trong đời, anh yêu một cô gái với tất cả sức mạnh của tình cảm, tất cả cái ngây thơ trinh trắng của người con trai đến ba mươi tuổi vẫn chưa nghĩ đến đời riêng. Và thất bại đầu tiên trong tình yêu đã in vào tim anh một dấu sắt nung đỏ. Anh nhìn Soan mà phát sợ, vì anh yêu Soan quá mất rồi, dù tình yêu ấy từ nay chỉ còn là vò xé, day dứt. Một tiếng cú rúc ngay đầu hè. Tuyên chợt nhận ra mình vẫn ngồi nhìn Soan ngủ. Anh lúng túng đứng dậy ngó quanh. Không còn ai. Anh kéo chăn đắp kín ngực Soan, rồi với cái thắt lưng súng ngắn treo trên cột, buộc vào người. Khẩu súng nặng như tảng đá. Người anh mỏi rời từng đốt xương, đứng không nổi.
…Đàn khướu đến đầu hiên cãi nhau, đánh thức Soan dậy. Sáng rồi, nắng tỏa vàng trên ngọn cây, quét sương mù xuống thấp. Soan dụi mắt bỡ ngỡ, trên má còn đọng hai mảng hồng hồng. Đầu cái bàn tre có mẩu giấy chặn dưới một gói nhỏ. Mấy chữ của Tuyên để lại: “Anh bận đi công tác gấp. Em cứ yên tâm, Khiêm sẽ về. Em phải nghỉ công tác đến sáng mai, đừng gắng quá mất sức. Cho em gói kẹo chiến lợi phẩm. Được tin gì về đội anh Lương, anh sẽ báo em biết ngay, đừng sốt ruột nhé!”.
Soan chạy ù xuống sông rửa mặt, nghịch té nước đuổi con cún của cơ quan cúp đuôi chạy trên bãi cát. Rồi lên mở gói kẹo sữa, nhai một chiếc. Hãy còn thòm thèm. Nhưng Soan ấn mạnh cả gói vào túi quần, nhét cái mùi soa lên trên để thêm quyết tâm mang về cho thương binh. Kẹo này quý lắm đây. Anh em thương binh thiếu chất ngọt, cứ lén uống đường hóa học, hại người vô kể. Của độc ấy đánh trận lấy được hàng kilô, vất đi không hết.
Hôm qua ba anh bị thương hàn lên cơn sốt trên ba  mươi chín, bệnh xá lại neo người, thế mà Soan còn ở đây. Soan bỗng cồn cào cả ruột. Soan tất tưởi đi ra, xỏ vội chiếc áo sơmi bộ đội đã vá vai, gạt vội mấy làn tóc rời cứ nhất định chui vào cổ áo.
- Mình vun vào cho chị y tá trưởng với anh Tuyên mà hay đấy. Bảo chị ta cạo râu mép đi. Chia cho mấy cái kẹo, nói phứa là anh Tuyên gửi biếu...
Nghĩ thế Soan thú quá, cười một mình, cười mãi  suốt dọc đường về bệnh xá.