Chương 11

    
ha đi được không?
- Em đi được.
- Phải chạy thật nhanh đấy, mệt thì nghỉ đã.
- Em chạy được.
Vẫn đôi mắt xếch ấy ngẩng nhìn Văn Thon tin cậy. Mấy hôm nay Pha ho khan và sốt đêm nhiều. Con gián ngày nào lại bò trong cổ Pha, cào rách thịt, ngoáy đôi râu ngứa điên, và tống ra ngoài từng bãi đờm lẫn sợi máu li ti. Pha không kêu. Pha mím miệng, cố đi theo kịp các anh, đặt chân đúng vào vết chân đi trước. Về đến khu căn cứ, Pha vào nhà thương tiêm một phát thuốc giết chết con gián trong ngực, rồi đi học lớp Itxala ngay với anh Pheng, vài hôm xong lớp là theo bộ đội về đánh Pà Thạc. Gọn gàng thế, sướng quá.
Pha không nói ra, nên không ai hiểu vì sao Pha còn sức đi mãi đến hôm nay.
Trước mặt, dãy đồi tranh cháy lem lém suốt từ trái sang phải, ngút tầm mắt. Mắt người lóa nắng không thấy ngọn lửa, chỉ thấy một đường khói xám ngoằn ngoèo bò lên dốc, nhả lại sau một lưỡi đất đen sì. Không có lối vòng, phải vượt qua đám cháy.
Văn Thon chặt một cành nhiều lá, đi lên trước, đập lia lịa trên những bụi đế còn lửa. Khiêm cầm gậy gạt băng những khúc than đỏ. Càng trèo lên đồi, hơi than càng xốc vào đốt mũi, đất nóng ngùn ngụt nung chân. Khói cuộn từng xoáy tròn quấn lấy người, rắc tàn tro bỏng lên tóc, trên áo quần. Pha buộc khăn bịt mũi, đi lảo đảo. Lạng người đi, lại gượng. Bỗng Pha ôm ngực ho rũ, rồi ngã quỳ hai gối xuống một bụi tranh đang nhả khói. Máu đỏ tươi ộc qua tấm khăn, chảy thành hai dòng xuống cằm, loang trên mặt đất xèo xèo.
Lương chồm tới, xốc Pha dậy, phủi lửa.
- Đi đi… em ở đây...
Thân người mềm oặt trên tay Lương. Văn Thon quay lại đón, bưng mặt tránh khói thông thốc lùa vào mặt. Anh cõng Pha vượt lên trước. Hàng rào lửa rít, nổ, nhai lép bép những túm tranh khô. Một tàn lửa đậu xuống cổ Văn Thon, buốt dựng tóc. Anh nghiến răng đâm sầm về phía trước như người mù. Lửa táp vội theo, không kịp bén áo quần đẫm mồ hôi, chỉ đốt xoắn tròn tất cả lông chân lông tay.
Đến rừng. Gió hôm nay đứng hẳn, chỉ có bóng cây che một chút mát trên những bộ mặt bết tro đen và mồ hôi. Lương quỳ bên Pha, sờ mũi. Pha thở thoi thóp, vẫn mê. Máu loang đỏ miệng, cằm và ngực áo. Hai chân rộp từng mảng mọng nước. Văn Thon cắn môi đến chảy máu, đi đi lại lại. Hàm râu quai nón của anh cũng bị sém thành nâu, xoắn trên má như lông cừu.
Lương đỡ ca nước trên tay Khiêm, uống cạn, rồi nói thản nhiên bằng tiếng Lào:
- Chia tay được rồi.
Văn Thon sững người, chưa kịp hiểu. Lương tiếp:
- Ta chia đôi. Anh với Khiêm đi trước cho nhanh, tôi với Pha đi sau.
- Anh... nói gì?
- Tập báo cáo đây, anh giữ cẩn thận kẻo nhòe khó đọc. Mực không tốt. Còn tập nhật ký của Sử thì...
- Không!
- Thì giao cho Khiêm. Địa chỉ gia đình ghi ở trang cuối. Khiêm đào hố chôn súng và đài ngay gốc cây này cũng được.
- Không!
Văn Thon hộc trong cuống họng. Anh bẻ một cành cây gãy rắc:
- Không đi đâu cả. Sống cùng sống, chết cùng chết!
- Lạ chưa, anh chúc tôi chết à?
Văn Thon không mắc lừa. Anh hiểu Lương muốn khích cho anh giận, bỏ đi. Anh túm cánh tay Lương, giật mạnh:
- Anh điên à? Vượn theo bầy, chim theo đôi, anh nằm lại đây một mình sao được?
Không chút cảm động trên mặt Lương, anh xua tay lạnh nhạt:
- Anh nói sai. Tôi ở đây với Pha, không ở một mình. Mà tôi đi chứ không nằm. Chúng tôi chậm rãi đi sau, cũng về đến nơi như anh.
- Anh coi tôi ra cái gì mà bỏ đi được? Tôi không phải...
- Tôi xem anh là đồng chí, là người hiểu trách nhiệm. Anh còn khỏe, đi rừng giỏi, anh phải mang báo cáo về cho kịp mở chiến dịch. Khiêm đi theo bảo vệ anh. Để lúc khác ta nói chuyện thương nhau, bây giờ không phải lúc.
- Vô lý! Thà tôi chết còn hơn để...
Giọng Lương đanh hẳn lại, như đang vặn lý tay đôi trong hội nghị:
- Xin lỗi anh, tôi phải nói nguyên tắc. Đây là đất Lào của anh, cách mạng Lào là việc của anh. Xin trả anh tập báo cáo, anh cất vào túi kẻo rơi. Tôi hết sức rồi, phải cho tôi nghỉ.
Anh gượng nhẹ kéo cái ống quần cứng như mo nang. Văn Thon thốt kêu: “Ồ!” Bắp chân Lương sưng tròn và tím mọng như cái bong bóng lợn đầy tiết. Vết chó cắn bị loét thành hai mảng mủ xanh, rỉ nước đỏ nhờn nhợt.
- Anh xem, tôi đi chung chỉ thêm vướng các anh...
- Thì chúng tôi khiêng!
- Kéo lê thê, bao giờ báo cáo mới đến nơi?
Văn Thon lập cập nhét gói nilông vào túi. Anh muốn phát điên, bụng rối bời, không biết nói gì. Lương dịu giọng:
- Lâu nay anh giận tôi. Tôi định về đến nơi rồi nhận khuyết điểm luôn. Tôi sợ anh hy sinh thì trinh sát Itxala thiếu cán bộ, nên nhiều lúc cố kìm anh lại, không để anh vào đồn, thành ra anh thực tập được ít. Tôi xin hứa sửa chữa.
Lương quay lại, nói vắn tắt cho Khiêm hiểu. Khiêm há mồm định cãi. Thấy Lương quắc mắt, Khiêm im. Nước mắt lăn xuống má Khiêm, ngấm bụi than rỏ từng giọt đen.
Lương xé sổ tay ghi mấy chữ gửi Tuyên:
Cần gì thêm anh hỏi Văn Thon và Khiêm. Cống ở lại núi Vượn, tiếp tục theo dõi. Bảo đảm đánh được. Anh cho gửi nhật ký của Sử về gia đình, và tìm xem có ai tên Nguyễn Đồng không. Hay là Khâm Thoỏng bên Itxala. Đặc điểm là cao khoảng một thước bảy. Nhờ anh bảo Ban chính trị gửi tất cả tiền truy lãnh của tôi về bà cụ đang nuôi con tôi để cho nó ăn đi học, sau này vào thiếu sinh quân. Khiêm có nguyện vọng vào Đảng, riêng tôi thấy có thể được. Đề nghị anh giúp nó xây dựng với Soan, nó yêu Soan, hình như hẹn hò gì với nhau rồi thì phải. Đồng chí Văn Thon nắm toàn bộ tình hình vững lắm, anh nên hỏi kỹ vì báo cáo không ghi được hết.
Lương gấp mẩu giấy vào tập nhật ký của Sử, trao cho Khiêm. Giọng anh vẫn khô:
- Anh Văn Thon đi đi. Sắp tối rồi.
Hai người im lặng bắt tay nhau. Văn Thon bỗng dang tay ôm ghì Lương đến tức thở. Anh nấc lên. Tiếng khóc khản đặc, nặng, ấm ức, rung cả hai thân người bù xù râu tóc.

°
°    °
May quá, họ đi rồi. Chậm vài phút nữa, Lương không ghìm nổi mình, cũng khóc theo nốt. Hôm qua, khi Sử tự sát, Lương choáng váng như bị đấm vào mang tai. Nhưng mắt anh vẫn ráo. Từ lâu nước mắt anh chỉ quen chảy vào bên trong người như những giọt chì nấu lỏng, gây đau xót gấp mấy những giọt ngày xưa lăn ra ngoài.
Hai bóng người sang đến đỉnh đồi bên kia, dừng lại một phút rồi mất hút. Gió đẩy những tảng mây tròn ùn ùn đội nhau lên chiếm trời, như một cây đề lớn lên vòn vọt Lương chép miệng: “Mây gốc. Lại cơn bất ưng!” Đi biển gặp gió này thì liệu cuốn lưới về sớm, tiếc mẻ cá thì không úp thuyền cũng đứt lèo, gãy cột buồm.
Pha vẫn thiêm thiếp. Lương vét hộp cao con hổ, xoa trên ngực Pha lần nữa, xát mạnh. Xương sườn chạy xào xạo dưới tay anh. Pha không tỉnh. Nguy mất. Chớp đã bắt đầu chém những đường dao sáng chói xuống núi. Lương khập khiễng đi quanh, tìm được một hốc cây to không có rắn rết. Anh quay về vực Pha trên hai tay, đi. Gió thốc lên, rồi mưa ngàn đổ sập. Những hạt nặng xóc túi bụi như búng gai vào mặt Lương. Nghỉ hai lần, anh mới lê đến chỗ ẩn. Rét ngấm vào xương, rút tay chân muốn quắp lại. Mới vài giờ trước nắng còn nung trời như tấm sắt trắng.
Hốc cây khá rộng và kín. Lương đã ôm lá rải thành đệm từ nãy, thu dọn hết gai, mạng nhện. Gió hú dài bên ngoài, phun từng đợt mưa qua lỗ hổng, đuổi theo hai người đã ướt sũng.
Mặt Pha trắng bệch, hằn rõ trên nền lá khô. Lương ghé tai trên ngực Pha: tim đập rất yếu dưới làn da lạnh như đồng. Chân tay Pha sởn da gà nham nhám. Pha chết rét mất. Chân và áo quần ướt cả. Lương không nghĩ gì nữa. Anh xốc Pha ngồi dậy, cởi áo ướt, váy ướt, đặt Pha nằm trên lá khô, nằm xuống ôm Pha vào sát mình, kéo nilông trùm kín mít, đem hơi ấm của mình sưởi cho Pha sống. Anh không nhớ đến bệnh lao kinh khủng, đến người phụ nữ. Pha sắp chết. Phải níu giữ chút sức sống còn thoi thóp trong thân Pha, nhanh, gấp, rất gấp.
- Pha ơi!
Gió rống như voi sụp hố bẫy, nuốt tiếng Lương.
- Pha! Nghe tôi không? Pha ơi!
Anh giật tóc mai, lắc mạnh cái vai lạnh cóng, tê dại.
Một phút qua dài hơn một đêm nằm đợi địch. Thân người ấm dần, khẽ quậy. Ngực thở mạnh hơn. Tiếng tim Pha dội trên ngực Lương rõ hơn, anh nghe rộn vui như trống thắng trận.
Pha nằm im rất lâu, nửa mê nửa tỉnh. Như Pha đang chìm dưới vực đen, có người quàng ngang lưng kéo lên chầm chậm. Càng lên càng đỡ ngạt, đỡ rét. Cánh tay nâng vẫn nóng trên lưng Pha. Pha mở mắt, chỉ thấy đen là đen. Pha mù rồi... Pha buột miệng kêu: “Sao thế này?”, nhưng không thành tiếng.
- Tôi đây, Lương đây. Pha nghe rõ không?
- Nghe... rõ.
Pha tỉnh hẳn. Tiếng gió xoáy trong tai tắt dần. Vừa lúc ấy Lương ngồi lên, lùi sang một bên. Mặt trong tấm nilông đọng hơi nước rắc giọt lấm tấm. Lương ấp úng:
- Chị lạnh quá. Áo quần ướt cả.
Lương loay hoay mắc áo ướt vào các mấu trong thành hốc. Không ai nói gì.
Pha khỏe lại như thường. Rồi khỏe hơn cả lúc thường, mạnh bừng bừng, chân tay rậm rật muốn chạy nhảy, như ngọn đèn bốc cao ngọn trước khi tắt. Pha chống tay ngồi đậy, rồi hốt hoảng kéo nilông trùm đến cổ, nhìn lơ láo. Lương moi trong ruột gói áo quần của mình, ném cho Pha cái áo cổ vuông và cái quần đùi còn khô. Anh ngồi quay lưng về phía Pha, cạnh lỗ hổng ra vào, mặc cho mưa tạt vào người.
Một lúc sau, hốc cây sáng và ấm hẳn lên. Khiêm đã bí mật nhét gói tạp hóa của bố Cống vào bọc áo của Lương, trong ấy có một khúc nến. Lửa nến đẩy bóng tối ra ngoài, xua cả lo sợ và buồn rầu. Mưa rủ một tấm rèm bạc che trước cửa cái hang gỗ. Pha vui lên, mặt đỏ gay gắt, mắt sáng lạ. Chưa bao giờ Pha thấy tỉnh và nhẹ nhõm như lúc này.
Nghe nói các anh kia đi trước, Pha thừ ra nghĩ, rồi đâm hoảng:
- Anh Lương đi đi! Đi ngay cho kịp họ. Xa thú, đi anh!
Pha đẩy mạnh vào vai Lương khiến anh suýt ngã. Lương nói cộc lốc:
- Mưa to, không đi được. Mai hẵng liệu. Chị ngủ đi.
Tóc Lương bết nước, áo quần nhả khói mờ mờ. Gió lồng lộn tuôn nước và lá vào chỗ anh. Pha kéo anh đến ngồi bên mình. Đến lượt Lương ngấm rét. Anh cắn một mẩu gỗ để khỏi đánh đàn mồm, như người hút thuốc lá. Anh nói lúng búng:
- Chị thấy dễ chịu chứ? Gớm, ban chiều lo quá.
- Đã bảo đừng gọi em bằng chị mà.
Lương nhả mẩu gỗ:
- Ồ, quen mồm thôi. Các cô Lào chưa lấy chồng thì xưng em, lấy chồng rồi thì xưng chị với bộ đội ngay đấy.
- Kìa, đã bảo em không có chồng!
- Thì em vậy.
Lương cười khì. Anh mừng quá. Anh muốn Pha nói mãi, tỉnh mãi. Nghĩ đến lúc Pha chết lịm đi như cái xác mà sợ. Tự nhiên anh muốn pha trò. Đã lâu lắm anh không đùa cợt với ai.
- Pha bao nhiêu tuổi mà trông trẻ thế nhỉ?
- Em hăm hai. Già lắm hở anh?
Lương nhìn kỹ mặt Pha, ngạc nhiên. Pha tươi hồng, đẹp hẳn lên, đôi mắt long lanh in hai ngọn nến, hai bàn tay níu nhau quanh cái đầu gối trắng nõn. Lương buột miệng nói nửa bỡn nửa thật:
- Không, em như con gái mười tám…
- Hoại, cái anh này!
- Thật, con trai Lào khối người mê. Thổi khèn nhé. Hát nhé. Thế nào nhỉ... Em như hòn ngọc trăng lơ lửng giữa trời, có ai giúp tôi nối sào chọc xuống...
Nghe câu tán gái quen tai, Pha cười tít mắt:
- Miệng nói trơn thế, mà bụng như xơ mướp.
- Chua vừa chứ cô. Con cua chớ vênh càng làm bộ, kia con chim thì-thì đang rình...
- Chim thì-thì đừng làm bộ, bẫy sắp ngập lút đầu kìa.
Lương không vừa:
- Cô em ăn nhiều thịt chồn nên mồm ngoa ngắt.
- Ông anh ăn thịt cá sấu, cứng họng nói không xuôi!
Cả hai cười ồ. Lương nghe mãi những câu trai gái hát ghẹo cũng thuộc lòng, nhưng mới nói đã hết vốn.
Chợt có con gì vỗ cánh sột soạt cạnh hốc cây. Tiếng kêu rền rĩ lùa vào: “Koòng cò-ò-òi... Koòng cò-ò-òi”. Pha chúi vào ngực Lương, túm áo anh như người sắp chết đuối, lắp bắp:
- Anh nói đi!
- Nói gì?
- Nói tiếng Việt đi! Trời, nhanh lên!
Lương chợt hiểu. Anh đưa nắm tay, hét đùa: “Tiêu diệt đế quốc!” Thì ra Pha vừa nghe tiếng phỉ koòng-còi. Con ma này ác nhất. Nó ở rừng, hình thù như đứa trẻ lên mười, nhưng hai bàn chân quặp về sau, gót đi trước. Sau cơn mưa to là nó đi kiếm ăn, bắt được người nó rút hết ruột, nhồi trấu vào bụng.
Tiếng kêu dễ sợ lại vẳng đến: “Koòng cò-ò-òi”. Pha thổi phụt ngọn nến, ôm choàng Lương, run như dẽ. Con phỉ này ngửi mùi thịt cá nướng mà đến bắt người. Nến cháy bốc mùi mỡ, nguy lắm. Lương cười, đập tay Pha:
- Có người Việt đây, em sợ gì.
- Anh nói đi!
Theo tích truyền lại thì con ma này bị người Việt tóm cổ, vặn ngược hai bàn chân, nên nghe đâu nói tiếng Việt là nó lảng.
- Ở làng bạo nói, vào rừng tê mồm. Xấu quá cái cô này!
Pha bị chạm nọc, cau mặt định cãi, rồi cười theo Lương. Kể cũng ngượng, có anh Lương đây thì ma rừng chứ đến Pháp nữa Pha cũng không sợ. Pha ngả đầu trên vai Lương, quàng cánh tay trần trên cổ anh, tưởng như tựa vào tảng đá. Giá cứ ngồi thế này mãi rồi chết Pha vẫn vui. Pha lơ mơ nghĩ đến hôm nọ trên tảng đá lưng chừng mây, Lương kể sơ qua chuyện đánh cá biển.
- Anh bảo độc lập thì có xe lửa chạy khắp nơi phải không?
- Nhất định.
- Em thích sang nước Việt xem biển với anh. Nghe nói biển mặn mà xanh, nhúng áo vào nhuộm xanh được, muối ngấm vào trắng người ra. Độc lập thích lắm anh nhỉ. Em cố sống đến độc lập xem một tí. Em sống được không anh?
- Được chứ. Em khỏe rồi đấy.
- Anh đưa em về xem biển nhé?
- Em ngủ đi. Độc lập rồi anh đưa về xem biển.
Một cái gì nóng rực dâng trong cổ Lương, lẫn lộn cả vui, cảm động, thương cho Pha và cho mình. Bao giờ anh mới được nhìn lại mặt biển xanh rắc kín những buồm nâu trắng ruổi vào bến làng... Cánh tay mềm quàng trên cổ và hơi ấm của cô gái Lào gợi cho anh một xúc cảm vừa quen vừa lạ, đưa dần anh về với những ngày rất hiếm hoi anh được gần vợ con, mới cách đây sáu năm mà xa như ở hai đầu mút của một kiếp người.
Anh không oán người vợ phụ bạc. Sức người ta chỉ chịu đựng được đến thế, biết làm sao. Tất cả tình yêu đối với gia đình anh dồn cả cho đứa con. Anh cố đoán xem nó lên sáu tuổi thì mặt mũi chân tay ra sao, làm được những gì. Con nhà nghèo, chắc nó chóng khôn, biết làm đỡ tay bà cụ nuôi. Nó buộc sợi chỉ vào cái vỏ ốc, phơi nắng đi câu con hen trên bãi. Nó bới các đống rong kéo lẫn trong mẻ lưới, mót cá tép về kho mặn ăn qua bữa cơm ngô. Khi trống mõ nổi lên báo động, nó dắt bà cụ ra hầm bí mật, tay xách túi gạo rang. Nó đen trũi và gầy, mặc cái quần đùi người lớn dài quá gối, cởi trần, đội nón rách. Thỉnh thoảng các cô du kích qua nhà xoa đầu nó, dúi cho quả chay chua xanh nhũn… Nhưng hằn nổi lên rõ nét nhất vẫn là hình một đứa bé mới sổ sữa mập ú như hạt mít, khắp người những ngấn là ngấn, vừa quẫy vừa cười chảy dãi trên tay anh. Ôi nhớ, sao mà nhớ tiếng cười sặc, cái chân con đá vung vẩy vào cằm, ánh mắt rạng rỡ của vợ nhìn anh bế con, tất cả vầng ánh sáng hạnh phúc tỏa chung quanh cái nôi của đứa con đầu lòng... Lương nhắm mắt, cảm thấy rõ một mũi kim lạnh đang xuyên vào ngực, rất chậm.
Pha vẫn thủ thỉ:
- Anh Sử kể em nghe chuyện vợ anh bỏ anh. Người như anh sao lại bỏ được nhỉ. Chị ấy kiếp sau rồi ra thân vượn hú khóc mất thôi.
Lương vờ ngủ say để không phải nhắc đến vợ. Anh cố không nghe Pha nói. Mỗi khi Pha im, tiếng rừng ào ạt bên ngoài lại thốc vào. Dần dần Lương chỉ còn nghe cái tiếng dữ mãi hóa lành ấy. Anh chập chờn thiếp đi với cảm giác nằng nặng bên vai. Có lẽ Pha dựa vào anh mà ngủ rồi.
Trời hé sáng chung quanh Lương. Thân nhẹ bỗng, lắc lư, Lương bay vào chất tím trong vắt. Gió mát, hay bàn tay nào vuốt trên má anh. Một câu vẳng theo anh từ xa lắm, nghe sao tha thiết lạ:
- Em là vợ anh thì đến chết em cũng đợi anh. Nhưng em không sống được đâu, anh Lương ơi...
Sóng biển hắt bọt trắng lên đọng thành mây. Một giọt gì nóng rơi xuống cổ Lương. Một giọt nữa. Nước biển ấm quá. Đôi cá nược lộn tròn theo thuyền Lương. Bố Lương ngồi sau lái càu nhàu: “Trông thấy núi đổ thì khổ ba năm. Tao chưa thấy núi đổ, mà chết không có đất chôn, không có đất chôn”. Đôi cá nược lại gần, phình lên thành chiếc tàu đen. Chiếc tàu lù lù đến. Bố Lương vẫn càu nhàu: “Dân thủy cư nhục lắm. Tao chưa thấy núi đổ, mà....”. Nòng súng chĩa xuống thuyền, há mồm đen ngòm. Cộc! Cộc! Cộc! Lửa tóe trắng lóa. Lương chìm, tay chới với. Cộc! Cộc! Cộc!
Lương bừng mở mắt.
Vũng nước đọng hắt nắng qua lỗ hổng, loáng từng quầng trên mặt anh. Con chim gõ kiến vù cánh bay. Lương nhấc chân đứng lên, lại quỵ. Anh níu tay đu người lên được. Một mùi thơm dịu vờn qua mũi. Bụi dứa dại xòe lá nhọn cạnh hốc cây. Một bông hoa lớn nghiêng đầu giữa bụi, hé những cánh trắng xanh, thơm rời rợi. Hoa đoọc kệt này các cô gái Lào thường giắt áo khi chơi hội, và trai làng sau cuộc múa còn nhớ mãi mùi áo thơm.
Pha nằm nghiêng trên cỏ, một vũng máu loang nhòe bên miệng. Đôi mắt xếch không nhắm. Hàng trăm con vắt no tròn đang trườn trên thân Pha xuống đất. Bàn tay Pha cũng trắng xanh như cánh hoa đoọc kệt đang với lên trước, đè rạp lá nhọn, gần chạm bông hoa muốn hái.
Cô gái Itxala bị xéo nát cuộc đời ấy còn trẻ, còn thích cài hoa bước vào hội múa.