Chương 2

    
ội chuẩn chiến họp bàn kế hoạch đánh Pà Thạc để đề nghị lên trên. Đây là công việc cuối cùng và hào hứng nhất của mọi cuộc chuẩn bị chiến trường. Nhưng hôm nay buổi họp nổi cơn sóng gió.
Đại đội trưởng Văn Thon đứng chắp tay sau lưng, hầm hầm nhìn trung đội trưởng Đại đang ngồi xổm, mổ ngón tay lia lịa trên tờ yếu đồ như con cò ruồi, lại mổ gió về phía Văn Thon, nói oang oang những gì không hiểu. Cái lối chỉ mặt quát tháo thật dễ ghét, người Lào không xỉa xói vào mặt nhau thế. Từ đầu buổi họp, Đại đã bác hết ý kiến của Văn Thon, khi nghe anh phát biểu lại nhăn răng cười chế nhạo. Hai bàn tay Văn Thon vặn vào nhau. Anh giận lắm.
Đại đang trình bày cách đánh của mình:
- Theo chiến thuật nhất điểm lưỡng diện, thì tập trung binh lực diệt đồn A trước. Mũi phụ công đặt ở đồn B, mũi dương công tui cho ở hướng tây. Đánh rứa mới chắc ăn. Bộ đội biên chế thành tứ tổ nhất đội. Hàng rào thứ nhất giải quyết bằng mật bộc...
Văn Thon thấy bác Cống đang dịch cho mình nghe bỗng luống cuống, quay sang hỏi Đại cái gì bằng tiếng Việt. Có lẽ bác nghe câu nói nặng lời nào đó. Anh đập vào tay bác, nói xẵng:
- Bác dịch thật đúng cho tôi. Đừng bớt chữ nào.
Trung đội phó Cống đang ù tai vì những danh từ mới của Đại, dịch không xuôi. Bác chặn Đại lần nữa:
- Anh nói gì tứ tổ tứ đội?
Đại tưởng bác Cống bẻ mình, càng nói nhanh, cái giọng Hà Tĩnh càng vang to:
- Không tổ chức tứ tổ nhất đội thì công kiên mô được! Sáu tổ bộc phá tui cho nằm dọc đây, bộ phận hỏa lực yểm hộ tám trung liên tập trung khống chế hai hỏa điểm 3 và 4, còn xung kích một vô lọt đột phá khẩu sẽ phát triển tung thâm theo hướng ni...
Trung đội trưởng Đại là cán bộ trinh sát của trung đoàn 217, được phái đi trước với đội chuẩn chiến. Trong đội chỉ một mình anh đội mũ lá bọc vải phủ lưới, mặc quân trang xanh xám, đi giày vải, đeo cái ba lô da đồ sộ như cái tủ đứng. Khẩu K.50 lạ mắt treo trên ngực. Anh bị bom hớt mất mẩu tai nên mọi người quen gọi là Đại sứt cho khỏi lẫn. Tính nết có phần trái ngược với nghề quân báo: nói nhiều, cười to, thích ồn ào quấy nhộn. Lại thêm cái tật hay khoe tỉnh Hà Tĩnh cái gì cũng đứng đầu toàn quốc, từ hội Mẹ Chị đến cây bút máy sừng trâu: “Ầy, thứ ni ở chỗ mền họ mần còn khéo tới mô...” Được cái hay nói đi đôi với hay làm, nên anh em đều mến.
Văn Thon thấy nóng mặt. Cái cậu cán bộ non choẹt này định giở những tiếng lạ ra lòe cho anh khiếp chứ gì. Lại còn khinh người ra mặt. Anh ngồi xổm xuống, vớ cái que vạch lia lịa một sơ đồ trên nền hang. Sử nhìn anh, trố mắt kêu: “Vẽ đúng quá!” Văn Thon cắt ngang lời Đại:
- Bác Cống dịch đi... Tôi không hiểu tại sao anh ấy chỉ muốn dùng sức mà không chịu dùng mưu. Mạng người rất quý, bắt bộ đội hy sinh vô ích là có tội. Ấy là chưa nói đến tiếp tế. Bắn hết đạn thì còn sức đâu đánh sâu xuống phía nam nữa?
Đại không chịu thua:
- Dân công tiếp tế chớ. Đến đại bác còn khiêng được nữa là...
- Một viên đạn sang đến đây phải đi hai tháng đường núi. Một khẩu súng cối 82 mang theo ba chục đạn đánh xong đồn A hết nhẵn, rồi đào đâu ra đạn đánh trận khác? Bỏ đạn 81 ly vào mà bắn à?
Văn Thon chắp tay sau lưng đi qua lại, đá một tảng vôi vỡ tung. Trong câu vặn của Đại, anh thấy một mũi nhọn châm biếm rõ rệt. Đại nói:
- Tui tưởng sang đây cũng có dân công chớ.
- Anh đi qua khu căn cứ, chính mắt anh thấy rồi đó. Làng cách nhau năm bảy cây số, con trai đi bộ đội cả. Huy động được vài trăm người là hết nước. Tôi đề nghị một lần nữa: cứ cho mấy tổ lảng vảng vào khu dồn dân, nhử địch ra càn quét, ta phục kích tiêu diệt bộ phận lớn trước đã rồi sau mới đánh đồn. Chỗ nào còn mạnh thì vây chặt, cắt đứt đường tiếp tế. Trái cây thắt cuống thì khắc nẫu, khắc rụng...
Lương từ nãy vẫn cắm cúi xem bản đồ, so sánh hai lối đánh của Văn Thon và của Đại. Một đằng là vận động phục kích, một đằng cường tập, cả hai cách đều có chỗ hay chỗ dở. Tốt hơn hết là phối hợp giữa hai chiến thuật, bổ sung cho nhau... Anh mải nghĩ, không nghe Đại trả lời cáu kỉnh:
- Cứ cái lối đánh du kích bọp xẹt! Đây ta cả mấy ngàn quân mạnh ra rứa, tội chi lại mần kiểu anh Văn Thon. Anh ta thấy địch đông là sợ thôi mà, tui hiểu.
Trung đội phó Cống lại ra ngoài nhiệm vụ phiên dịch:
- Kìa anh Đại! Ấy tức thị rằng là anh...
- Bác cứ dịch y nguyên cho tui.
Văn Thon nắm hai bàn tay chuối mắn, trừng mắt:
- Dà phả-mạt koong-thặp Itxala hâu nơ! (Đừng coi khinh bộ đội Itxala chúng tôi nhé!)
Lương giật mình ngẩng lên:
- Đồng chí Đại ngồi xuống!
- Anh ấy nổi tự ái…
- Thôi!
Đại “hứ” một tiếng vớt vát, quay sang lau khẩu K.50, ra điều ta không cần cãi nữa. Văn Thon lại giẫm bẹp một mẩu đá vôi, nuốt cơn giận đang trào lên cổ. Anh nói thong thả với Lương:
- Ở đây các anh đa số, cứ quyết định lấy thôi. Bàn cãi thêm nhiều ý kiến rắc rối, phiền ra. Tôi đi theo đội để rút kinh nghiệm, không có quyền gì cả. Tôi rút lui ý kiến.
- Anh Văn Thon ngồi đây ta bàn tiếp. Tôi thấy kế hoạch...
- Các anh cứ họp.
Văn Thon đưa mũi giày xóa những nét vạch trên đất. Một bắp thịt giật dưới bộ râu quai nón, nhưng khuôn mặt mai mái vẫn tỉnh như không. Sử thở dài, đeo kính trắng vào mắt, ngửa đầu ngắm trần hang mơ màng như đang làm thơ. Chánh ngủ gật từ lúc nào, một bàn tay lùa vào nách tìm rận. Khiêm ngơ ngác nhìn quanh, không hiểu gì trong cái trận cãi nhau bằng tiếng Lào lẫn tiếng Việt này. Lương vẫn cố nèo Văn Thon:
- Anh xem, tôi định bố trí binh lực ở...
- Các anh cứ họp tự nhiên.
Văn Thon lừng lững đi ra cửa hang, hai gò má đỏ rựng.
Hôm mới về đây, anh va chạm một lần với Lương về việc phân công. Cái bộ ba Lương, Đại, Cống lúc nào cũng ăn ý nhau nói rập một giọng. Họ không muốn cho anh vào đồn nhiều, sợ nguy hiểm. Họ đẩy anh sang công tác dân vận. Họ nuông anh như đứa trẻ khó tính. Hình như lúc nào họ cũng nháy nhau sáu lưng anh: “Coi chừng, Văn Thon hay liều, hay tự ái đấy!” Đến nay, anh chàng Đại kia mới nói toạc ra rằng anh sợ địch. Hai năm rõ mười rồi: họ không tin anh. Họ vẫn coi thường người Lào, coi thường Itxala!
Một mẩu đá vôi nữa vỡ dưới mũi giày vải chiến lợi phẩm, bốc khói trắng như quả lựu đạn nổ. Lích ngồi gác trước của hang quay đầu nhìn Văn Thon.
- Lích ạ, xong chuyến này mình không đi với bộ đội Việt nữa.
- Anh nói sao?
- Vằn cọp nằm ngoài da, vằn người nằm trong bụng.
Lích đang khâu lại cái bùa giữ mạng đeo cổ. Anh ngừng tay, phủi bụi vôi trên mái tóc xoắn tít như phoi bào:
- Hoại! Cái gì vằn cọp, vằn người?
- Cậu thích đi với bộ đội Việt không?
Lích giương đôi mắt lồi, không hiểu ý Văn Thon.
Lích là người thiểu số La Ven, nói tiếng Lào hơi cứng, thuộc rừng như lòng bàn tay. Anh hay ngồi khâu vá với bác Cống, tỉ mẩn kể chuyện người La Ven đánh Pháp hai mươi sáu năm tròn. Ôông Kẹo bị Pháp bắt mổ bụng mà không thấy có ruột. Cụ Côm Ma Đam cho chữ hiện trên da, dân chép lấy mà học. “Dân La Ven chúng tôi cứng như núi, như núi đá bác ạ!” Bác Cống rủ rỉ: “Phải phải. Người Lào lùm 1 cũng thế. Người Việt cũng thế”. Lích rất thú cái đội này, vui mà thân nhau như bà con. Khi ở làng, Lích với người làng là một. Rời làng ra ở một mình, không cọp vồ sấu nuốt thì cũng chết đói. Làm rẫy chung, được thóc về ăn chung, săn được nai cả làng cùng say rượu. Đi theo đội cũng giống hệt khi ở làng.
Lích gãi tai, buông một câu quen miệng:
- Mù pây tô cò pây! (Người ta đi mình cũng đi!)
Ấy là câu đầu lưỡi của người Lào. Làm gì, đi đâu cũng phải theo .
Văn Thon nín lặng. Cái bóng cao lớn hằn xuống đất trước cửa hang, nặng và tối như nỗi bực dọc trong bụng anh. Bàn tay xoa trên cằm, anh đi đi lại lại... Lương vào đồn chín lần, chỉ để anh vào bốn lần, những nơi dễ. Lương không nói ra nhưng hẳn là cũng đánh giá anh nhát gan. Họp đội lại kiểm thảo cũng vô ích, họ sẽ bênh nhau, chối biến... Văn Thon không chịu được nữa. Anh quay vào hang, định nói thẳng tuột hết với Lương.
Nhưng bộ ba kia đã đi vắng. Hừ, lại ra rừng họp riêng, bàn mảnh, định cách đối phó với anh chứ gì?
Sử mang đến cuốn sổ điện báo:
- Đề nghị anh duyệt bức điện sắp đánh.
- Tôi không xem.
- Báo cáo anh, viết bằng chữ Lào...
- Cất đi!
Sử xịu mặt, đi vào góc hang. Chánh ngồi vào máy ragônô, quay rè rè. Máy điện tín ửng chấm đèn xanh, bắt đầu tí tách dưới tay Sử.
Ngoài rừng, tổ Đảng họp vắt vẻo trên một tảng đá để tránh vắt. Đại xuề xòa nhận lỗi ngay: “Tính tui có hơi nóng, các đồng chí thông cảm”. Nhưng Lương vẫn dồn cho một hồi không kịp thở:
- Hơi nóng à, không phải! Đồng chí coi thường Văn Thon ngay từ đầu. Mới hôm nọ đồng chí còn nói rằng Văn Thon chỉ biết đánh chim sẻ và quấy rối là gì!
- Đồng ý tui có nói. Rứa thì sai chỗ mô?
- Văn Thon nắm hai trung đội đánh kỳ tập mà lấy được đồn nó ngót trăm quân, đồng chí biết chưa? Một mình một dao dám nhảy lên đâm chết quan ba trên xe Gíp, có phải sợ địch không?
- Là tui thấy anh không dám cường tập...
- Không đánh cường tập tức là sợ địch à? Thế nghĩa là tất cả các đội du kích ở đây cũng như ở Việt Nam đều sợ địch chứ gì? Đồng chí lầm to. Văn Thon chỉ huy du kích giỏi số một ở mặt trận này đấy. Chúng tôi học mãi kinh nghiệm đánh đường rừng của Văn Thon mà không theo kịp. Anh ta không quen cường tập, đúng thế. Nhưng đồng chí chưa hiểu gì về chiến trường này cả!
Đại ngạc nhiên thấy Lương nổi giận như chính anh bị quy là sợ địch. Lương nhăn trán, nói lắp, xòe tay đập gió lia lịa, ấy là anh đang nóng. Ở đơn vị, Đại lắm khi đốp chát với anh em trong khi bàn kế hoạch, nhưng chưa lần nào phải đưa ra tổ Đảng kiểm thảo. Cãi chán lại cười khì với nhau.
- Thôi thôi, tui nhận khuyết điểm rồi. Việc bằng móng tay, các đồng chí cứ làm to ra...
- Thế đồng chí không nhớ đây là đất Lào, Văn Thon là người Lào à?
Trung đội phó Cống ngồi kiểu đầu gối quá tai, gật gù cái núm tóc củ tỏi búi sau gáy như người thiểu số. Bác đồng ý với Lương. Đại đuối lý, còn gượng một câu:
- Răng anh ấy hay tự ái ngầm rứa hè? Không vừa bụng thì choạc luôn cho ra lẽ chớ!
Cống chen vào:
- Ai quy cho cậu sợ địch, cậu có tức không? Sờ lên gáy mà xem!
- Thôi, tui nhận xin lỗi anh Văn Thon rồi mà.
Cuộc họp ngừng mười phút để Đại và Lương bắt bầy vắt bò trên chân, chui vào ống quần.
 Lương trầm ngâm một lúc lâu, hút gần tàn điếu thuốc mới nói:
- Hình như Văn Thon cũng giận tôi... Các đồng chí xem có phải tôi ôm đồm quá không? Hay là tôi chưa thật tin ở Văn Thon?
Cái băn khoăn lớn nhất của Lương là ở đó. Văn Thon muốn sục vào đồn thật nhiều, nhưng người anh nặng nề, kỹ thuật vượt rào và giấu hình còn non, dễ bị hy sinh. Lương nhiều lần phải gạt khéo không để anh vào đồn với mình. Biết Văn Thon ấm ức, nhưng Lương chưa phân trần vội. Anh đợi ý kiến tổ Đảng.
Bàn cãi một lúc lâu, bộ ba vẫn chưa ngã ngũ ra sao cả. Thật tình cái ranh giới giữa “thận trọng” và “chưa tin” trong trường hợp này rất khó vạch. Không biết bao nhiêu cán bộ Tình nguyện bị phê bình là bao biện nhưng vẫn lúng túng không hiểu nên cư xử thế nào cho phải.
Vấn đề cuối cung đưa ra lại vấp. Lương đề nghị nếu có biến dọc đường thì toàn đội phải đưa Văn Thon về đến nơi. Cống gật đầu: “Tất nhiên!” Đại ngớ ra một giây, rồi gân cổ:
- Không được. Phải bảo vệ anh Lương mới đúng.
- Lại thế nữa!
- Hai người là cán bộ đồng cấp, nhưng mà anh Lương là chỉ huy. Anh Văn Thon đi rút kinh nghiệm, lại nắm tình hình không chắc bằng anh Lương. Đối với chiến dịch anh Lương cần hơn.
- Cậu chưa hiểu...
- Hầy, tui hiểu. Không có nguyên tắc mô ngược đời rứa cả.
Lương phát bẳn:
- Cậu gàn bỏ mẹ đi ấy. Cứ rập khuôn bên ta không được đâu.
- Chớ mọi hôm anh nói ra răng? Anh nhủ mình giúp người Lào làm cách mạng, không làm cách mạng thay cho người Lào. Chừ anh lại muốn bao lấy cả...
Đại gằn hắt to tiếng. Lương nhìn cái tai sứt đỏ dừ, tự nhiên bật cười. Anh vỗ lưng Đại, xoa mấy cái:
- Khẽ mồm chứ ông tướng. Tớ lại phải lên lớp tí đây. Muốn giúp họ làm cách mạng thì phải giúp họ đào tạo cán bộ, bảo vệ cán bộ. Bao giờ họ đủ cán bộ, đủ cơ sở, đủ lực lượng, chúng tớ rút béng ngay về Việt Nam tức khắc. Họ là chủ, mình là khách. Mất khách chẳng sao, mất chủ mới rầy rà to. Văn Thon đi chuyến này để rút kinh nghiệm về xây dựng đội trinh sát của Itxala đấy. Bên tình nguyện mất ngần này người chả ngại, chứ bên Itxala mất một Văn Thon thì bấn to. Nào, nhớ nhập tâm chưa hở?
Đại ngồi ngây ra, nghĩ. Tưởng đánh Tây ở đâu cũng là đánh, chứ nào hay lên đây lại lắm chuyện rắc rối quá thể. Học tiếng Lào, tập đứng ngồi ăn nói cho đúng phong tục, rồi cả một lô những nguyên tắc về tôn trọng chủ quyền, về quan hệ Lào - Việt, rồi bao nhiêu là đường lối, phương châm, phương thức, chính sách... học đến mụ người vẫn cứ vấp. Kể ra cũng có đôi điều dễ nhớ. Rằng tiêu chuẩn cung cấp đã nằm lại bên Việt Nam, sang đây không lo cày ruộng phát nương thì xin cứ vui lòng ăn măng. Rằng lạc rừng là một sự tối ư nguy hiểm, vì Đại đã một lần rời lán đi ngoài, bị lạc luôn ba ngày đói meo.
Lương và Cống về rồi, Đại vẫn ngồi trên tảng đá. Tay lau khẩu K.50, miệng lẩm nhẩm mấy câu tiếng Lào mới học: “Tha-hản Itxala... bộ đội Giải phóng. Thang ni pây xẩy …đường này đi đâu”. Lương dạy tiếng Lào cho Đại, Khiêm, Chánh. Đại không chịu học, bị tổ Đảng đập cho một trận về tinh thần quốc tế. Đến khiếp cái anh một mắt...
- Tha-hản hâu xỉa chắc khôn? Bộ đội ta mất mấy người... Tha-hản hâu... xỉa... chắc khôn...
Đại chợt nhớ đến cuộc tranh cãi vừa rồi. Có biến dọc đường, phải bảo vệ Văn Thon. Còn Lương? Vết chó cắn trên chân Lương bắt đầu sưng tấy. Anh đi hơi nhúc nhắc. Tám ngày leo núi... Đại bỗng cồn cào cả ruột. Đại vừa tức, vừa phục, vừa thương con người khắc khổ ấy.

°

°    °
- Huýt huy… huýt huy…
Tiếng huýt sáo bắt chước chim hót từ một ngách hang đá vọng đến. Bác Cống nhếch mép cười, nhận ra ám hiệu riêng của bố con bác gọi nhau. Bác đi vòng cái cột đá, chui ra phía “cửa sau”. Tiểu đội phó Khiêm, đứa con nuôi đẹp trai mà bất trị của bác, đứng đợi sẵn đấy. Khiêm lúng búng nói gì, rồi kéo tuột bác ra một góc suối vắng.
- Con chó béo lắm, bố ạ.
- Cái gì?
- Chó lai tai cụp, nặng è cổ. Đây bố xem.
Trong bụi rậm, một con chó béo hú nằm rên ư ử, bốn chân trói bó giò. Bác Cống trừng mắt thật dữ, đôi lông mày chọc vào nhau:
- Mày lại giở trò nỡm. Chó của dân làng...
- Không, của đồn mà. Con nói sai con chết. Nó bị xích cổ mòn một khoanh lông đây này.
Bác Cống gầm khe khẽ, để nén cái cười đang rung quai hàm:
- Đồn nó mất chó, nó đổ nháo đi tìm, nó thả chó đánh hơi lần theo đến đây. Ấy tức thị rằng là mày làm lộ bem rồi ông mãnh ạ. Sao mày dại thế hử?
Khiêm đứng lặng cá, xịu mặt:
- Thôi được, tôi mang đi thả. Đồng chí cứ giở nguyên tắc…
- Bao nhiêu lần cấm, mày còn rờ rẫm đi trộm chó!
- Lấy của địch mà đồng chí bảo là trộm?
Khiêm chỉ gọi bác Cống bằng đồng chí khi hờn dỗi. Hai người nhận nhau làm bố con nuôi đã đầy năm nay. Bác Cống không có con gái lớn, nên không ai nghi ngờ gì cái động cơ nhận bố của Khiêm cả.
Nghe Khiêm đổi giọng, bác nao nao bụng. Tội nghiệp, nó đang sức lớn mà độc có măng luộc chấm muối ăn trừ bữa.
- E hèm... không phải đi nữa. Thả chó về, nó quen đường lại dẫn Tây lên mất. Thôi để đấy, vào thú thật với anh Lương, rồi kiếm con dao, cái nồi. Khéo chứ anh Văn Thon biết thì rầy rà to, nghe chửa?
Khiêm tươi mặt, quẳng con chó đánh hự, phóng về hang đá. Cống chọc chọc ngón tay vào đùi chó, chép miệng: “Thằng khéo chọn. Của này đánh tiết canh mát phải biết!”. Dân Lào tởm thịt chó nên bộ đội Tình nguyện phải tự giác nhịn. Cái tài rựa mận, dồi và tiết canh chó của bác mai một dần. Bây giờ sự đã rồi, bác đành linh động một lần vậy. Chỉ sợ anh Lương bắt đem chôn như dạo nọ.
Nửa giờ sau, con chó sạch lông. Bác Cống chặt phứt ngay đầu, đuôi, bốn chân, hẩy sang cho Khiêm:
- Đem sang bờ bên kia, chôn sâu vào. Sả, riềng, húng chả có, nấu nướng thế nào đây... Đi bứt cho tao ít mùi tàu, lá lốt. Dọc suối đi lên, vô thiên lủng rau thơm.
Dồi nướng bốc mùi thơm hắc. Bảy xâu chả rỉ mỡ xuống than xèo xèo. Tiếng chân người khua cành mục đến gần. Cống quờ tay chộp khẩu các bin, vừa lúc Văn Thon lên tiếng:
- Làm gì đấy?
Khiêm đáp ngay bằng một tiếng Lào mới học:
- Tó phan (con mang).
Văn Thon nhìn quanh, bật cười ồ:
- Con mang cũng biết sủa à?
Trên bãi sỏi bên kia suối, cái đầu chó nằm tênh hênh, nhe răng trắng hơn như cười chế nhạo. Cống đớ lưỡi, muốn chui tuột xuống đất. Thì ra nhóc con lười, chỉ ném hú họa qua suối, đầu chó va phải cây rơi bật lại cũng không biết!
Văn Thon bỏ đi còn nói với:
- Các đồng chí cứ ăn tự nhiên, việc gì phải giấu. Thật thà với nhau vẫn hơn chứ.
Giọng anh lẫn chút mỉa mai. Cống ngồi thừ ra, ngượng chín cả người. Bác gắt Khiêm:
- Chỉ tại mày, nhãi ranh ạ!
- Tại con cái gì?
Khiêm không hiểu mô tê nào cả, vẫn thổi lửa phù phù. Chỉ nghe Văn Thon cười, nói tiếng Lào, Khiêm tưởng anh có lời khen ai bắn được mang cho đội chén bữa tươi! Nhìn theo tay bác Cống trỏ, Khiêm phá lên cười sặc sụa, cười nôn ruột. Bác Cống bật cười theo. Cái thằng lỏi con sao nó dễ thương thế chứ!
Một viên đá lăn trên sườn núi. Lương đứng trên đầu dốc, tay cầm một sợi dây dài, gọi to:
- Về ngay! Nó tăng viện cho Pà Thạc ba trăm xe, toàn Âu Phi cả!
Hai bố con sửng sốt một giây, rồi sấp ngửa chạy theo Lương. Khiêm ngoái cổ nhìn lui, nuốt nước bọt, lại vọt lên dốc. Khúc dồi chó tím mọng tỏa thơm nức đang sém dần trên bếp than.
Trong hang đá, Lương hối hả đếm lại sợi dây dài thắt gút chi chít. Anh Chum, tổ trưởng Itxala bí mật làng Phi Lạt, đang kể với Văn Thon:
- Loại xe tăng này to, nòng súng bằng bắp đùi. Lại còn xe bọc sắt bánh cao su chỏm tròn. Quân nó mặt đen như đít nồi, chỉ một ít da trắng…
Lương kéo Văn Thon ra một góc, bàn thì thầm. Một phút sau, anh bước vào giữa vòng anh em đang hỏi Chum rối rít. Anh nói tiếng Lào:
- Tất cả mọi công việc gác lại. Phải điều tra ngay binh đoàn Âu Phi này về Pà Thạc với ý định gì, đóng quân tại đây hay chỉ tạt qua. Tối nay, đồng chí Cống và Khiêm vào sân bay, tôi với Đại vào chỉ huy sở. Sử đánh điện cấp báo về mặt trận.
Văn Thon giật tay áo Lương:
- Tôi xuống đồn với anh.
- Đề nghị anh với Lích nắm cơ sở, cho người làng vào đồn lấy tình hình.
- Để người khác đi cũng được.
Lương bối rối. Chuyến đi này rất nguy hiểm vì địch nhất định gác và tuần tra chặt chẽ gấp bội, mà kỹ thuật vào đồn Văn Thon chưa thạo. Với lại Văn Thon nắm cơ sở làng Phi Lạt vững lắm, nói ra một lời được mọi người nghe răm rắp. Uy tín của Văn Thon rất cần trong công tác dân vận.
- Anh hiểu cho. Cử người khác xuống làng, e rằng cơ sở chưa tin…
Văn Thon sầm mặt, quay ngoắt đi. Lương nhìn theo chỉ thoáng thấy đôi vai đồ sộ lắc mạnh, và một bàn tay nắm chặt như quả búa. Lương đưa mắt tìm Cống. Bác cũng đang ngó anh, khẽ gật đầu. Anh nhẹ người hẳn đi, vì có đồng chí hiểu mình.
------------------------------------------------------
(1) Người Lào ở vùng thấp, tức dân tộc đa số.
(2) Đảng “Quốc gia tiến bộ” của Kà Tày (về sau nhập với đảng “Tự do” của Phủi Xananicon làm một)
(3) Điệu “hát kể”, rất phổ biến trong nhân dân Lào.
(4) Khăn tắm dài và mỏng.
(5) Một mừn là mười hai kilôgam.
(6) Quân đội quốc gia Lào.