Chương 5

    
ương bước vào cửa hang, cúi xuống giắt lại múi băng trên bắp chân, rứt hai con vắt ném ra xa. Anh đứng thẳng lên, bỗng suýt kêu ngạc nhiên. Pha ngồi trên tảng đá vôi, tay chống cằm, mặt trắng bệch và cứng đờ như cũng tạc bằng đá vôi. Đôi mắt xếch ngó anh mà không thấy anh, giống hai viên thủy tinh lắp thay tròng. Từng mẩu vải mắc trên vai, trên cổ. Váy cũng rách bươm. Gai cào trên trán Pha những đường chấm đỏ chi chít, mắc vào tóc rối từng khúc gẫy ngang dọc.
- Chị Pha mới đến hở?
Pha không động, không chớp mắt.
Văn Thon kéo Lương vào cạnh cây cột đá hình xương sống voi. Tiếng anh khản đặc như bào cuống họng mà ra:
- Có chuyện gì không biết. Chị ta mất trí, chỉ nhớ thằng Muôn nói quân G.M. bốn ngày nữa rút đi. Có quan Mỹ đến nữa. Nói được có thế rồi đờ người ra.
- Sao chị ta biết chỗ này?
- Trước hình như ông cụ dẫn lên một lần. Lội rừng đến nát người thế kia, chắc đi tìm suốt đêm.
Khiêm bưng đến một bát cháo bốc khói, trỏ ngón tay: “Kin! Kin!” Bác Cống dỗ Pha ăn. Pha vẫn ngồi im.
Lịch đến bên Văn Thon, lắc cái đầu bù:
- Chị Pha mất cả ba mươi hai vía rồi. Ma rừng nó bắt.
- Nhảm nào!
- Còn gì nữa, người cứ rỗng như vỏ rắn lột thế kia. Anh biết kinh, cúng gọi vía cho chị ấy đi... À, hay là cúng chia cơm cho bố chị ấy. Phải, ông cụ chết chưa được chia cơm, hồn còn ở lại ám con đấy thôi.
Văn Thon gạt phắt. Trước anh tu đến chức hòa thượng, nay còn thuộc kinh. Nhưng anh chỉ theo lời Phật dạy, mà không tin cúng vái bùa chú như ngày xưa nữa. Nghe Lích nói, anh hơi ngượng với Lương.
Lương bàn góp:
- Ừ anh cúng cho chị Pha đi. Anh biết cúng chứ?
- Biết, có điều... tôi không tin...
- Anh không tin nhưng chị ấy tin. Không chừng tỉnh người ra ngay đấy. Cũng như truy điệu ông cụ thôi mà.
Văn Thon thở phào, nhẹ nhõm. Thật ra, anh lo cuống vì Pha, muốn cúng thử xem sao. Anh em Việt vào chùa cũng lạy sư, nghe kinh, dân quý họ lắm. Lích lấy cái đĩa nhôm bày tạm thành mâm cúng. Anh cắt lá chuối rừng lót đĩa, trút gạo lên trên, vốc một dúm con muối, xé một đầu cái phạ phe để rút mấy sợi vải trắng làm chỉ buộc tay. Bác Cống móc gói áo quần một lúc, lấy ra mẩu nến dự trữ, cắm trên mâm. Bác đứng sau lưng Pha, căng cái áo lót cổ vuông đạc chừng vóc người Pha, định xé theo đường chỉ và đính cúc may vội cho Pha cái áo. Rồi bác lắc đầu, moi trong đáy “kho tạp hóa” của bác lấy cái phạ phe dự trữ, quàng lên vai Pha.
Lương đi soát lại một lần nữa việc chuẩn bị lên đường, để Văn Thon cúng được tự nhiên, không ngượng vì có người nhìn. Anh ra đứng của hang, lật xem nốt tập báo cáo số 5, ghi thêm vào trang cuối: “Ngày 17-12 G.M.4 từ Việt Nam lên đóng tại sân bay Pà Thạc. Lúc luống: bốn xe tăng Sécman, tám xe bọc sắt A.M., mười hai pháo 105, ba trăm hai mươi xe bộ binh và hậu cần. Tất cả đều trang bị vũ khí quân trang Mỹ. Cơ sở báo tin có cố vấn Mỹ cùng đi, và chỉ ở lại Pà Thạc bốn ngày”.
Ngòi bút dừng một lúc lâu.
Lương ngoái cổ nhìn. Pha, rồi đọc lại mấy dòng mới viết.Ngắn quá, cộc cằn quá. Anh muốn ghi thêm một chút gì, dù chỉ mấy chữ thôi, để người đọc báo cáo biết rằng cô gái cơ sở Itxala đã mang đến cho đội cái câu cuối cùng trong báo cáo này vừa trải qua những xúc động chắc hẳn là kinh khủng nhất, thương tâm nhất, và giờ đây đang ngồi chết lặng trong hang núi Vượn tối và ẩm... Anh nhấc tập giấy trong lòng bàn tay. Bốn mươi trang lớn, dài quá rồi. Viết báo cáo quân sự tối kỵ cái kể lể dông dài.
Lương tháo tấm ni lông khoác đi mưa, rọc một góc gói tập báo cáo. Mũi anh cay cay.
°
°
Màn sương trắng như nước gạo vây chung quanh Pha. Tiếng u u rền ngạt trong sương. Ai nói gì léo xéo, khi xa khi gần. Gọi tên Pha, gọi cụ Thít La nhiều lần. Pha núp trong sương đặc, không đáp, như lúc bé chơi ú tim. Pha không vui, không buồn, người cứ tê dại, nổi bồng bềnh.
Tiếng người đến sát trước mặt Pha, gọi tên bố. Pha tức mình, trừng mắt. Màn trắng hé ra một quầng sáng, Pha thấy chờn vờn một bóng người to lớn ngồi xếp bằng tròn, hoa cây nến. Trò gì vui thế nhỉ? Pha tò mò lắng tai nghe:
Hồn lìa khỏi xác, hồn lên Niết Bàn, hồn đầu thai khiếp khác, tránh chốn khổ não tìm nơi vui thú, hồn chớ quẩn quanh ám mãi người trần. Hồn cụ Thít La ơi... hỡi!
Pha giật mình. Chung quanh quang hẳn. Bàn tay anh Văn Thon to như nải chuối vẫn hoa cây nến trước mặt Pha:
Đời là giấc mộng, sống thác lẽ thường. Cõi trần đày đọa mấy mươi năm, nay mừng hồn được giờ siêu thoát. Kẻ ở lại vui vẻ đợi ngày theo hồn về chôn Niết Bàn. Hồn cụ Thít La ơi... hỡi! Kẻ ở lại mừng hồn được giờ siêu thoát, vui vẻ đợi theo hồn về chốn Niết Bàn...
Văn Thon tụng bài kinh dài. Khi còn đi tu, anh đến đám tang đọc kinh bảy ngày đêm là thường. Nhà có người chết gọi là hươn đi, là nhà được phúc vì đã cho người về hầu Phật. Bởi vậy không ai khóc ồn ào, mà lại chơi vui như mở hội. Trai gái thức suốt đêm hát đưa tình cạnh quan tài bố hay mẹ. Giờ đây Văn Thon đọc thuộc lòng những câu tiễn hồn người chết và khuyên nhủ người sống, những câu anh nhớ mà không tin nữa.
Pha đã tỉnh hẳn. Máu đông lại trong tim đang chảy dần ra, tỏa khắp thân. Pha ngồi thẳng lên trước cái mâm cúng, nhìn ngơ ngác, rồi túm hai tà phạ phe che ngực.
Bác Cống bưng đến bát cháo vừa hâm: “Chị cố ăn cho lại sức”. Pha lắc đầu. Pha không muốn sống. Pha hết sạch người thân như cái cây đứt hết rễ, cố đứng gượng rồi cũng chết khô. Chết là hết giày vò, hết khổ.
Lương đến bên Văn Thon. Con mắt lành chớp vội mấy cái. Anh nói:
- Cố ăn cháo đi chị. Rồi kể chuyện gặp anh Muôn chúng tôi nghe với.
- Tôi giết nó rồi!
Bác Cống giật mình, suýt đánh rơi cái đĩa nhôm bác đang cất. Văn Thon hỏi dồn. Pha nín thinh. Lương khẽ xua tay:
- Thôi để lúc khác. Chị ăn đã.
- Không.
- Nhịn mãi thì chết mất.
- Tôi muốn chết. Sống làm gì? Làm gì?
Cái gì chặn ngang cổ Lương, khiến anh ngạt thở. Anh nắm bàn tay Pha, thấp giọng:
- Pha đừng nghĩ quẩn. Pha còn anh Pheng đi bộ đội, còn dân làng, còn chúng tôi. Hôm nào đánh đồn, Pha về mà xử cái thằng giết cụ Thít La nhé! Pha trẻ lắm, đừng nghĩ bậy. Buồn thì cứ khóc, khóc to lên...
Pha ngẩng đầu nhìn anh, thều thào:
- Tôi hết nước mắt rồi. Không khóc được.
Hàm răng Pha bỗng rung lập cập. Một ý nghĩ xóc qua đầu như mũi tên: trả thù, phải trả thù, phải sống mà trả thù. Khuôn mặt gầy vụt đỏ ửng. Pha bưng bát cháo lên húp. Mắt Pha khô, sắc lạnh, sáng quá.
Lích cười, nháy Văn Thon:
- Thấy chưa, cúng là ma hết ám ngay!
Lương xem đồng hồ, giẫm chân:
- Muộn mất hai giờ. Bác Cống cho ăn cơm nhanh, nửa giờ nữa xuất phát.
°
°
Đội chuẩn chiến lên đường về mặt trận bộ lúc nắng tròn bóng. Họ phải trèo núi tám ngày, luồn qua các làng vũ trang của địch theo con đường bí mật số 1.
Bác Cống và anh Chum tiễn một quãng. Chum thấy lính đồn xuống lùng bắt Pha, đốt nhà cụ Thít La, vội lẻn lên núi Vượn. Thằng Muôn chỉ bị thương, không chết. Tình hình thế này Pha không về làng được nữa. Đội đưa Pha về khu căn cứ tìm anh Pheng và chữa bệnh.
Bác Cống ở lại nắm cơ sở theo dõi địch, đợi bợ đội xuống đánh Pà Thạc. Bác soạn gói tạp hóa chia cho Khiêm một nửa, dặn đường đi nước bước đến đứt lưỡi. Rồi bác kéo Lương ra, rỉ tai:
- Anh về nhớ thu xếp cho Khiêm nó đến thăm con bé Soan một tẹo. Chúng nó dỗi nhau. Thằng này tính khái lắm, anh dỗ hộ tôi.
- Được, tôi cũng định thế. Ghen với ông Tuyên, lạ thật cái thằng bé!
Cống há mồm:
- Sao anh biết?
- Nghe lỏm. Nó vẫn giấu tôi đấy.
Đội đi khuất, anh Chum vẫn đứng bần thần, như đánh rơi đâu mất cánh tay, cái chân. Bác Cống búi mãi cái núm tóc đã bạc tiêu muối. Bác để tóc dài cho tiện trà trộn vào nhân dân. Mười lăm phút sau, bác vẫn ngồi búi tóc, hai ngón tay phải xỏ vào cuộn tóc sau gáy, nghĩ gì không rõ.
Khiêm đi cuối hàng, kín đáo đưa ống tay quệt mũi. Hiệu thính viên Sử xốc gọn cái ba lô mang điện đài, ngoái cổ lại:
- Mày nhớ bố không?
- Vớ vẩn!
- Hôm qua, bố Cống chỉnh mày hở?
- Ừ. Tại tao ném mẩu thuốc lá cho thằng lính gác.
Sử trố mắt. Cánh mũi đỏ phập phồng. Những trò tếu của Khiêm không phải ít, nhưng đến cái nước vào đồn cho lính hút thuốc thì quá sức tưởng tượng. Trước đây Sử hay ghen ngầm với cái điển trai của Khiêm. Cậu trinh sát trẻ nhất đội có thân hình cao, dẻo, cân đối, khuôn mạt trắng hồng, môi đỏ chót như con gái đương thì, đôi mắt trong veo và hơi xanh lơ. Nhiều cô trong khu căn cứ gạ đổi mười trâu lấy anh Khiêm về làm rể làng, nói cứ nửa bỡn nửa thật. Về sau, Sử chuyển sang thèm cái tài trinh sát và tính táo bạo hiếm có của Khiêm. Các tay trinh sát lão luyện, sẹo và huân chương đầy ngực, cũng lắc đầu khi kể chuyện tếu của “Khiêm chuột nhắt”.
- Mày đùa với lính gác thật đấy à?
- Gì đâu. Tao vớ được gói Cô táp trong nhà thằng quan hai, móc một điếu. Chà, đêm rét kinh, mà tao chỉ mặc độc cái xi líp. Đánh diêm trong hàm ếch, nó cóc thấy lửa. Phải cái khói thơm quá. Thằng gác mò đến tìm mãi. Để nó sục lâu thì lộ, tao phải kẹp mẩu thuốc vào lòng bàn tay, úp sấp lại thế này, nhoi lên đặt sau lưng nó. Cu chàng nhặt được, hút đến tụt dái lên cổ. Nó tưởng trong lô cốt hút vất ra mà lị!
Sử cười phá lên. Một lệnh ngắn truyền xuống: “Im lặng - Lương”. Sử đi một quãng, lại gợi:
- Chúng nó đồn mày định xây dựng với cái Soan bột ở bệnh xá hở?
- Cái mồm!
- Mày vẫn thẳng ruột ngựa với anh em cơ mà!
Sử đánh trúng chỗ yếu của Khiêm. Khiêm lại quệt mũi, buồn rầu:
- Ừ, có thế. Mà nó đá tao. Con gái đứa nào cũng đểu mày ạ.
- Ơ, độc miệng thế chả trách...
- Thằng lính quèn, bì thế nào được với ông Tuyên. Thôi chả thèm nói cái chuyện “lãng mạn” ấy nữa.
Khiêm không có cha mẹ, quê quán. Một bà cụ nhặt Khiêm trong bó tã, nuôi lớn lên. Gặp dạo đói kém, cụ dứt ruột bán Khiêm cho một anh làm xiếc chó và bán thuốc cao. Anh này dạy Khiêm làm đủ trò xiếc tả lố tùng phèng, cho ăn roi nhiều hơn cơm. Sau cách mạng, Khiêm trốn theo bộ đội làm liên lạc. Khiêm đội mũ sắt, đeo lựu đạn lệch người, chạy veo veo qua lưới đạn. Cái tên “chuột nhắt” có từ đấy. Rồi Khiêm vào trinh sát. Cái tài trèo me trèo sấu, chui lỗ cống, nhảy vòng lửa lại gặp chỗ dùng, Khiêm không nhớ mình học lúc nào mà biết đọc biết viết. Khiêm mới lên Lào đã bị thương thủng vai. Về nằm bệnh xá hai tháng lại bị thương thủng tim. Ấy là vì mê cô Soan bột và ghen với trung đoàn trưởng Tuyên. Sự tình vừa đơn giản vừa rắc rối.
Khiêm sốt dữ dội sau khi mổ không thuốc mê, chỉ tơ lơ mơ thấy một đôi mắt. Đôi mắt to, tròn, hơi xa nhau như mắt búp bê. Hơi tỉnh ra, Khiêm thấy thêm cái miệng tươi mởn. Tỉnh hẳn, Khiêm thấy cô y tá mắt tròn, môi tròn, mặt tròn, người cũng tròn mầm mắẫ. Hỏi ra mới biết Khiêm đã tát cho cô này một cái ngã chúi xuống chân giường trong khi mê. Lương tâm cắn rứt, Khiêm bèn lân la xin lỗi. Soan cười, má lúm hai đồng tiền tròn xoe. Khiêm cười theo, xí xóa. Thế là thân nhau.
Soan vừa tròn mười chín tuổi, cái tuổi của những ước mơ đẹp nhất, rạo rực nhất, và thường là anh hùng nhất đối với những cô gái bộ đội. Soan vừa được bầu chiến sĩ thi đua của mặt trận bộ, đang được bồi dưỡng để kết nạp vào Đảng. Nhiều anh cán bộ đặt vấn đề, Soan chỉ nói: “Em đợi độc lập cơ!” Nhưng cái tuổi mười chín nào có chịu đợi độc lập...
Lúc Khiêm ngủ yên, Soan bâng khuâng ngắm anh trinh sát nổi tiếng gan liền, sốt lên thì hét toàn những sự đâm năm chém mười, đến lúc tỉnh lại hiền như phỗng đất. Ánh mắt Khiêm quấn quýt theo Soan nhiều lần. Soan đỏ mặt, đi hay vấp, nói hay lắp, trở nên đãng trí, thường mỉm cười một mình trong gương rồi thở dài rất lâu. Chị y tá trưởng nhận xét riêng: “Đồng chí Soan có diễn biến”. Chị ta người khô hạc, điểm một thoảng râu mép, hai mươi lăm tuổi chưa ưng ai, và khuyên Soan không nên nghĩ đến chuyện chồng con trước thời hai mươi lăm như chị.
Nội quy bệnh xá cấm hẳn thương binh “đặt quan hệ linh tinh” với nhân viên. Nằm yên đấy, chữa khỏi hẳn mới cho phép. Khiêm và Soan quen chào nhau bằng nụ cười. Cũng là cười nhưng ý nghĩa mục đích ngày một khác đi. Cười mãi, ắt phải nói. Nói rằng:
- Đồng chí Soan này...
- Gì hở đồng chí?
- Đồng… Ờ, chị bao nhiêu tuổi nhỉ?
- Đố anh biết…
Về sau cách xưng hô lại đổi:
- Soan định xây dựng đâu chưa?
- Tôi… ư… Tôi chưa… Tôi đợi đến… còn lâu anh ạ.
- Tôi cũng thế. Cũng thế.
Cả hai cùng luống cuống, ngắc ngứ. Soan xổ cuộn băng rồi quấn lại rối tung. Khiêm thắt gút đầy kín cả sợi dây dù buộc võng, sau đó mất một buổi chiều ngồi tháo gút bằng tay, chân và răng.
Vết thương đã liền da. Chỉ mười hôm nữa Khiêm sẽ về đơn vị. Một buổi trưa Soan đi tiêm thuốc, sờ thấy trong túi dết một mẩu giấy không ký tên:
Tôi vụng lắm, không biết nói sao cho phải. Tôi yêu Soan lắm, muôn xây dựng với Soan, bao giờ cũng được. Soan không đồng ý thì tôi buồn lắm, vì tôi yêu Soan lắm, Soan trả lời tôi nhé.
Soan run tay, phải nhờ chị y tá trưởng tiêm hộ. Soan đi thẳng đến lán của Khiêm. Lán vắng quá, chỉ có một mình Khiêm ngồi viết gì trong góc. Soan đứng ngẩn người cạnh cửa, rồi quay ra rừng như người mất hồn. Soan đứng dựa gốc cây, xé lá vụn rơi dồn thành đống, một đàn ong bay vo vo trong đầu.
Tiếng lá khô sột soạt đến gần, dừng lại. Soan cúi mặt, tim đập như trống báo động máy bay, đất sụt dưới chân. Ai cầm tay Soan thủ thỉ rất lâu, vuốt tóc Soan. Người Soan nóng rồi lạnh từng cơn. Cả một rừng chim nổi lên hót ghẹo chung quanh, một giọt nắng đùa đai nhảy mãi trên mũi Soan, bắt Soan phải ngẩng lên bằng được.
Trời xế chiều. Soan và Khiêm chúi đầu vào cái tổ chim rơi, cãi nhau rất hăng. Bốn con chim tí xíu ngoác mỏ, rung tít cái đầu tròn đòi mẹ bón. Đôi bên đồng ý mang về nuôi. Soan tính cho ăn cơm nó mới hiền, mới ngoan. Khiêm cứ nhất định phải cho ăn cào cào, sâu róm nó mới khỏe. Soan dỗi, trèo lên cây đặt tổ chim vào chỗ cũ. Soan nhảy xuống, vì trượt chân mới ngã vào lòng người yêu, chứ Soan không cố ý...
 Câu chuyện đến đây tưởng đã đầu xuôi đuôi lọt, hay đâu lại gặp trắc trở. Bệnh xá ít thương binh, Soan được điều về mặt trận bộ, công việc ngập đầu, còn Khiêm ở bệnh xá như nằm trên bàn chông. Đồng chí bệnh binh mới về nằm cạnh Khiêm lại là tay ít ưa phụ nữ. Đồng chí thường triết lý khề khà:
- Đàn bà nói chung cũng kẻ tốt người xấu, nhưng đều mắc cái tật trông lên, nhất là các ả bộ đội. Hôm nay thích cậu một gạch đít tròn 14, mai cảm anh trung đội, tháng sau vớ được ông trung cấp lại mê. Đá đít cứ xoành xoạch. Cô gì má bánh đúc ở đây hôm nọ, ít nhất cũng đặt tiêu chuẩn “lúc lắc, tích tắc, đứng ngoài hang”. Hầy, nghĩa là phải có súng lục “chân giò”, phải có đồng hồ diện, phải chỉ huy một bê một xê gì đấy…
Khiêm nghe như có con giun bò trong rốn, nôn nao ngứa ngáy không chịu được. Một tối Khiêm lần đường sang mặt trận bộ, nói dối là sang tìm đội trưởng trinh sát. Đến lán trung đoàn trưởng, Khiêm đứng chỗ tối dòm vào, Soan đang tiêm thuốc cho Tuyên, nói gì rủ rỉ, cười to. Với Khiêm, cô ả chưa cười tự nhiên thế bao giờ. Họ xưng anh em với nhau cứ ngọt xớt. Chao ôi, người sao mà dối, mà tráo trở! Sáng hôm sau, Khiêm cuốn ba lô bỏ đi, không báo cáo với ai cả.
Soan tạm ngớt việc, vội chạy sang bệnh xá. Chỗ Khiêm nằm chỉ còn sạp không. Soan khóc một mình, nghĩ: “Chắc anh đội trưởng trinh sát bắt anh Khiêm về gấp. Tội nghiệp, sợ tai tiếng nên không dám viết thư để lại cho mình”.
Khiêm về đơn vị, lấy làm sầu lắm. Bèn húi đầu trọc lốc phơi nắng cho đen da, và kể sự tình cho bố Cống nghe. Khiêm thề: “Suốt đời con không thèm nghĩ đến nó nữa. Con nói sai, đạn chui qua áo tức khắc!” Bố Cống khuyên Khiêm đừng thề vậy mà ra điều duy tâm, chỉ cần hứa rằng: “Suốt đợt công tác này con nhất định gác cái việc ấy lại, không nghĩ vớ vẩn”. Thì Khiêm nghe cũng phải.
°
°
Những thớ núi trông xa cứ liền nhau thành bức vách tím. Ngọn cây lô nhô xếp lớp như vẩy con tê tê, càng lên gần đỉnh càng khít nhau, kết thành đường chân trời khía răng cưa. Đi trên sườn núi, nhìn sang bên kia lũng chỉ thấy một thác xanh đổ dựng đứng, thăm thẳm đến rợn người. Nhưng khi đến gần, sườn núi thoải dần ra, cây hé gốc vừa lọt thân người lách. Chỉ phạt vài nhát dao là mở được lối đi. Con đường bí mật số 1 không có dấu mòn trên cỏ, mà chỉ kéo dài theo vết dao chém rất kín đáo trên thân cây, cách nhau từng quãng chục bước.
Lương bám vào sợi dây leo, bước qua hốc đá. Tiếng sỏi rơi mé sau. Lương quay đầu, kêu một tiếng khẽ. Pha biến đâu mất, chỉ còn hai bàn tay nắm sợi dây leo lủng lẳng trên miệng vực Anh túm cổ tay Pha, kéo lên. Pha lặng lẽ gỡ mấy con vắt bám chân, nét mặt vẫn lạnh. Lương buột miệng: “Chịu cô!”.
Đến chân núi, rừng thưa dần ra. Sắp đến sông Nậm Phỉ, một nhánh nhỏ của sông Nậm Đăm. Đường mòn liên tiếp chạy ngang trước mặt. Lích truyền xuống: “Cởi dép đi chân không, tránh vết”. Quãng này nhiều đá nhọn và gai. Vòm lá quang hẳn trên đầu. Mặt trời ướt không chạy loang loáng qua cành lá theo đội chuẩn chiến nữa, mà dừng lại nhìn theo. Ánh sáng nhảy xuống rừng vàng nhợt như lọc qua bong bóng lợn.
Đội vượt sông Nậm Phỉ mé dưới làng Phi Lạt cũ, bây giờ chỉ còn lại mấy chục cây cột cháy nhô giữa rành rành cao ngập đầu. Sông hẹp mà sâu, chỉ có chỗ này lội qua được Súng cầm tay, đội chuẩn chiến dò dẫm bước xuống bãi. Lích và Đại dẫn đầu.
- Rạ ạ-ạ-ạt! Tặc tặc tặc!
Nước tóe lóc bóc chung quanh Lích. Con dao văng khỏi tay anh, lia một ánh chớp, chìm nghỉm. Súng trước mặt réo dồn, réo dồn. Các bụi cây phụt khói. Lương nhảy lùi, quát: “Chạy theo đường cũ!”. Anh rút lựu đạn, uốn người ném vút hết đà tay. Quả sắt vàng vạch một đường khói, vo vo bay qua sông. Một quả nữa. Những bong ka ki Mỹ bên kia vừa nhô lên, vội thụt xuống. Lương đẩy Văn Thon đang vẩy súng ngắn: “Dẫn đội rút lui! Chạy đi!”. Khiêm kê các bin trên cành cây bấm liên hồi, nhanh như súng máy. Đạn xối đến tông tốc, bùng bục, reo reo nhức tai.
Gió rít như xé vải trên đầu Khiêm, Khiêm chồm lên ôm chân Lương quật ngã sấp. Hai quả đạn súng cối nổ, hắt đá rào rào trên lưng họ. Quả thứ ba nổ trên cành cây, ném xuống vai Lương một mảnh gang cháy bỏng. Lương kéo Khiêm: “Rút thôi!” Hai người vọt về mé bên phải. Một cột khói bốc lên đúng chỗ họ vừa nấp. Hút chết!
 Mười phút sau, Lương và Khiêm trèo lên đến chỗ hốc đá trơn ban nãy. Tiếng súng mé sông nổ rào rào mấy loạt rồi thưa dần. Chúng nó đang sục. Lương gạt mồ hôi vằn vèo trên mặt, nói không ra hơi: “Đủ cả chưa?” Văn Thon giẫm chân: “Thiếu Lích, Đại”.
Lương bật dậy đi tìm. Văn Thon rút súng ngắn cầm tay, bước lên. Thấy Lương lắc đầu định từ chối, anh sừng sộ:
- Đến nước này, anh vẫn không tin tôi à? Hay là...
Cổ anh tắc lại vì giận.
Tiếng súng lại dậy lên ở phía khác, kéo dài. Một khẩu súng máy nào thỉnh thoảng nổ ba viên một, nhát gừng. Không phải lối bắn của địch. Lương và Văn Thon tụt dốc, ào xuống bờ sông. Văn Thon hổn hển:
- Có lẽ Súng K.50 của anh Đại...
°
°
Lích oằn người, lê từng bước, hai tay bưng đống ruột phòi trên bụng. Khoảng trống hốc trong thân loang dần, buốt nhói. Mồ hôi chảy to giọt chung quanh đôi mắt lồi. Anh tìm dấu vạc trên cây. Vấp sợi dây rừng, anh ngã sấp. Hàng trăm mũi dùi lửa từ bụng xói lên óc. Anh mê đi một lúc.
Tiếng xì xồ đâu đây, gần lắm. Bên phải, bên trái, đằng sau, giày đinh giẫm cành khô rôm rốp. Địch giăng hàng đi lùng như săn nai. Lích cắn môi chảy máu. Lích không phải con nai. Lích rút hai quả lựu đạn trong cái túi gai dệt xanh đỏ, đặt bên tay. Tiếng chân vẫn nguyên chỗ cũ. Chúng nó không biết xem dấu chân như Lích, chỉ tìm hú họa.
Bàn tay Lích sờ cái bùa giữ mạng đeo cổ. Trên người Lích nó là quý nhất. Một tượng Phật chạm bằng ngà voi, một mẩu nanh lợn lòi, ba bốn cái đầu đạn đồng tháo ở những viên bắn không nổ, tất cả khâu trong cái túi dài, xin ông sư phù phép rồi mới đeo. Ba năm đánh giặc, Lích không bị thương chính nhờ cái cà thả ấy giữ mạng. Nay nó hết thiêng rồi. Tại Lích vô ý, để nó uế tạp lúc nào không rõ. Lích tháo bùa, rướn người, cố treo nó lên cành cây thấp. Đằng sau, bọn địch léo xéo:
- Có dấu máu đây! Coi chừng mìn!
Rừng từ từ xoay tròn. Chóng mặt quá.
Tiếng túc chinh rõ dần, cả tiếng trống bập bùng...
Làng Lích mở hội đưa người đi cứu nước. Lích cầm giáo nhảy chung quanh cây hoa trắng lốp những bó xơ tre. Bùng búng bung, rình rịch rình! Lích phóng mũi giáo vào con trâu cúng, xuyên đúng sườn ba. Con trâu lồng lên rồi quỵ. Tiếng reo sau lưng Lích: “Anh Lích đâm giỏi nhất!”. Lích đỡ cái cần hút rượu trong bàn tay mềm, lại nghe: “Anh Lích đâm Pháp chết nhiều, em thưởng”. Đêm ấy Lích chỉ uống một sừng trâu rượu. Lích cầm cái sáo khui đuổi theo cô gái chạy giữa rẫy lúa. Tiếng cười ngặt nghẹo lấp tiếng sáo.
- Nó đay! Nhanh lên!
Chân chạy sầm sầm. Nhiều cái mồm quát um. Một giọng ồm ồm, khê nặc: “Thằng Itxala hàng đi!”. Đúng thằng quan Pháp. Lích cắn chốt hãm lựu đạn. Hai quả sắt ấm dần trong tay Lích, như đã xì ngòi. Tay Lích giấu dưới ngực. Lích nằm đợi, tim ngừng đập, ngực không thở, bụng hết đau. Lích sắp về hầu cụ Côm Ma Đam. Kìa quân cụ vác giáo kéo giữa vùng cao Bôlôven, chân dội chuyển núi. Đợi tôi với. Tôi là người Itxala...
- Nó chết rồi.
Thằng Pháp giẫm trên đầu cái xác, day day chân trên mớ tóc xoắn như dăm bào. Cái xác vùng lật nghiêng, phì khói. Hai vạch trắng vọt lên, rơi giữa đám mũ rộng vành bẹp tai. Trời đất nổ tung.
°
°
- Hô lê manh! (Giơ tay lên!)
- Manh cái chi? Nì lưu manh!
Khẩu K.50 khạc lửa. Cái bóng xanh xám lăn gô xuống sườn dốc. Trung đội trưởng Đại cười khà, vuốt máu chảy trên mặt. Không ai cấm nói to nữa nhé! Cái giọng Hà Tĩnh rền như loa lại oang oang:
- Mẹ mi, còn lưu manh nữa không? Lên đây choa cho ăn kẹo chì!
Díu! Một sợi dây đàn rung lạnh bên tai Đại. Suýt mất thêm mẩu tai nữa là sứt đủ hai bên. Anh dòm qua kẽ đá. Một thằng áo dù loang lổ dưới kia đang kê khẩu tự động Garăng, ngắm rất lâu. Đại quỳ xuống, ngắm lại nó. Díu! Mũ anh nảy bật lên, toác vành. À, nó bắn cừ. Anh nín thở đúng yếu lĩnh, nghĩ nhanh: “Không trúng thì ba tháng luyện quân đổ xuống sông!” Khẩu K.50 nhả đúng năm viên. Thằng địch đang cúi lom khom bỗng cắm luôn đầu xuống bùn. Đại sướng quá, vành tay lên miệng, gào:
- Này lưu manh! Lên đây nhởn với chắc!
Bên dưới im lặng. Chừng chúng đợi thêm quân. Đại chạy lạc rừng không biết hướng mô tê nào. Cứ chạy một quãng lại húc vào địch. Chúng nó đuổi quáng quàng. Cuối cùng Đại trèo lên mỏm đồi trọc này, mắc nghẽn luôn. Sau lưng là vách đá dựng đứng trên sông Nậm Phỉ, trước mặt địch rào kín. Đại cố giữ đã ngót một giờ, vừa đánh nhau vừa chửi, nhớ bao nhiêu câu chửi tuôn ra hết.
Địch lại tấn công. Bốn khẩu súng máy cùng nổ, tung bụi đá trắng mù. Khoảng hai chục thằng khom lưng chạy lên, nấp vào lưng nhau mà tiến. Đại mở nắp lựu đạn chày, bĩu môi nhận xét:
- Chỉ huy tồi! Có điểm mà thiếu diện, thiếu dương công phụ công, lại dùng đội hình mật tập. Choa ăn gỏi đừng kêu!
Anh chỉ ném hai quả lựu đạn. Địch nháo nhào chạy lùi, bỏ lại năm xác. Súng ngừng nổ.
Đại soát lại súng. Chỉ còn vài chục viên tiểu liên, không cầm cự được mấy nỗi. Đại bò đến bờ vực ngó xuống. Vách đá cao hơn ba chục thước. Xa tít bên dưới, nước xanh thẫm như sơn dầu. Đại không biết bơi, nhảy xuống là chìm như hòn đá. Anh lắc đầu: “Nỏ mần!” Máu trên trán rỉ bết vào lông mày, vòng xuống cằm rơi nhỏ giọt. Đại không đau, chỉ buồn nhức nhối. Đánh giặc, bị bắt là sự thường. Mình cũng giết được hơn chục thằng nằm kia. Liều mạng vô ích. Còn chiến đấu về lâu về dài...
Đại liếc nhìn xuống chân đồi, thốt lạnh người. Súng cối! Họng súng đen đang ngóc đầu dần lên theo bàn tay quay. Đại ngắm thật kỹ, thả một loạt. Hụt! Một loạt nữa. Hai tên đổ kềnh. Nhưng khẩu súng cối đã dựng ngược tám mươi độ. Quả đạn vọt lên trời, lao xuống. Tất cả các cỡ súng địch cùng nổ theo.
Đá bay tới tấp. Khói trắng khét xé phổi. Đại nghiến răng, bóp cò. Tiếng cơ bẩm rơi đánh cốc trong buồng đạn rỗng. Đại gầm lên, đạp những tảng đá lung lay lăn ào xuống dốc. Ngọn đòn bất ngờ chặn địch được vài phút. Oàng! Đại ngã ngồi, cánh tay gần đứt lìa. Cũng trong lúc ấy, như ánh chớp, Đại nhớ đến bộ quân phục trên người và thấy địch xì xồ chung quanh mình: “Áo quần khác, súng khác... Việt Minh chủ lực đến rồi!”. Lộ hết hướng mở chiến dịch! Hơi đạn xô anh ngã dúi. “Nó sẽ tăng viện cho Pà Thạc. Chiến dịch hỏng...”
Máu ộc thành vũng bên người anh. Không được, không cho nó bắt! Không cho nhặt xác! Không để lại tí dấu vết nào! Đại chống tay ngồi lên, quờ ba lô. Hai mảnh đạn cối xóc viu víu vào ngực, vai. Đại không đau. Người anh mạnh ghê gớm như quả bộc phá cháy hết ngòi sắp nổ.
Bọn lính áo dù hồng hộc chạy lên, quét tiểu liên mở đường. Khói còn mù mịt trên đỉnh đồi. Thoáng một bóng lảo đảo đứng dậy, súng quàng cổ, ba lô đeo lưng, cánh tay buông thõng.
- Pa pưn! Nho mư khựn! (Bỏ súng! Giơ tay lên!)
Một tiếng thét lạ tai. Hình người trong khói chồm vọt lên, biến mất. Cả đại đội lính Xửa pà xô rom đến bờ vực.
Một đám bọt li ti sôi lên giữa những quầng tròn đang lan rộng, lan rộng. Mặt nước nuốt chửng người rơi. Một con cá sấu trên bãi bên kia lạch bạch bò xuống nước, nắng lia trên cái lưng sần sùi một đường chấm trắng rợn. Nó bơi ì ạch một quãng, rồi lặn xuống chỗ bọt đang sủi.
°
°
Tiếng súng tắt hẳn. Tiếng rừng xao xác bật to hẳn lên, nghe lạ tai. Hình như đội chuẩn chiến đã dừng lại chỗ hốc đá này, ngủ mê đi; và cùng thấy một giấc mơ dữ.
Khiêm kéo tay Văn Thon đang trèo lên, hỏi bập bẹ:
- Được không?
Văn Thon thả mình ngồi phịch xuống đất. Lương nhìn quanh, nói rất bình tĩnh:
- Chúng tôi tìm ra dấu máu, nhưng có lẽ chúng nó khiêng hai đồng chí về đồn. Đường số 1 như thế đã bị lộ. Đồng chí Sử chuẩn bị liên lạc với mặt trận, báo tin đội bị phục kích. Dịch mật mã ngay đi, sắp đến giờ rồi đấy.
Khiêm băng cánh tay cho anh Văn Thon.
Trong những lúc này, bộ đội nhìn vào người chỉ huy để đoán tình hình đã nguy hay chưa. Lương chợt thấy tay mình hơi run. Anh thọc tay vào túi, chạm phải lá bùa vấy máu của Lích vừa nhặt được. Một mảng sương đỏ buông tối sầm trước mắt anh. Ban nãy, anh phải cấu vào ngực để buộc mình không được bắn vào bọn địch láo nháo dưới bãi sông. Khó khăn lắm anh mới giằng được Văn Thon, bắt rút lui. Lương móc con dao cạo trong bao đạn, ngồi soi gương cạo râu, đợi Sử đặt máy. Tay anh hết run.
- Báo cáo anh, mất đài rồi ạ.
Con dao nhảy một cái trên tay Lương. Khiêm ngừng tay buộc băng, nói tiếp:
- Chạy vướng. Sử nó vứt đâu không nhớ.
Lương đứng phắt lên, rồi ghìm chân đi thật thong thả đến trước mặt Sử. Đừng nóng, đừng bối rối… anh lại cấu vào đùi Sử xanh nhợt như tàu chuối non, lùi một bước. Lương hỏi:
- Cậu đánh rơi đài ở đâu?
Sử không nhớ ra. Sử chạy thục mạng, nghe tiếng chân mình lại tưởng địch đuổi sát gót, càng hoảng. Một sợi dây rừng ngoắc vào ba lô. Sử tụt luôn hai quai mà chạy.
- Không sao cả. Cậu cố nghĩ xem đánh rơi vào quãng nào.
- Hình như… đâu gần bờ sông…
Lương cố nén cơn giận đang lồng lên. Anh quay lại, kể qua việc mất đài với Văn Thon. Văn Thon rút súng ngắn, thay băng đạn đầy vào, đến kéo vai Sử:
- Ra đây!
Sử đứng lên, lại khuỵu xuống, đưa mắt nhìn Lương van xin. Văn Thon gắt:
- Kìa, ra chỗ này.
Anh vung súng ngắn, chỉ một gốc cây trước mắt:
- Đi lại đằng kia!
Sử thất thểu mấy bước, đợi phát súng xuyên lưng. Lương đứng sẵn cạnh Văn Thon, lo thấp thỏm. Văn Thon chỉ chăm chú nhìn vết dép cao su trên mặt đất ướt, rồi vẫy Lương. Hai người đâm bổ xuống dốc, đi tìm điện đài theo dấu chân Sử.
Nửa giờ sau, họ mang về cái ba lô vuông. Sử lập cập mở khóa, bưng đài ra. Chánh lắp ragônô quay rè rè một lúc lâu. Bóng đèn xanh trên đài tắt lịm như mắt mèo chết. Đài vỡ hỏng nhiều quá, không chữa được, chỉ còn là cục sắt lạnh.
Từ nay, đội chuẩn chiến 3 rơi tõm vào im lặng. Người dẫn đường cuối cùng đã hy sinh.
Lương trải tấm bản đồ in litô trên cỏ, đặt địa bàn lên chỉnh hướng, hồi hộp tìm... Hai con đường bí mật luồn qua vùng làng vũ trang của địch được đánh dấu bằng hai đường chấm len lỏi băng rừng, chạy giữa những hình tam giác đen nằm rải đều từ sông Nậm Đăm ngược về phía Bắc, mãi đến gần sông Xê Ban mới gặp những vòng tròn trắng - làng của ta. Từ đây về đến mặt trận bộ đo được hai mươi bốn phân. Bản đồ tỉ lệ một phần năm mươi vạn, vị chi là một trăm hai mươi cây số theo đường chim bay. Hôm chọc xuống Pà Thạc đội đi mất hơn bảy ngày mới đến chỗ này. Bây giờ về…
Văn Thon khía một vết móng tay từ đường số 1 chéo sang đường số 2:
- Phải vòng hướng này.
- Có chắc tìm ra được đường số 2 không?
Văn Thon chậc lưỡi, hơi khó chịu:
- Không chắc cũng phải đi... hay là để một số anh em quay lại Pà Thạc, tôi với anh về mặt trận bộ báo cáo?
Lương gọi toàn đội lại cùng bàn. Chánh muốn trở lại núi Vượn:
- Mất cậu Lích, đi mò mẫm nhất định bị nó tóm. Pháp không bắn thì bọn võ trang cũng cắt đầu đổi muối.
Sử và Pha không nói. Khiêm xin đi theo Lương và Văn Thon, để ba người kia đưa nhau về núi Vượn. Chánh lườm Khiêm, thở phào ra mùi rượu, không hiểu uống lúc nào:
- Chúng tôi không quen đi rừng. Anh Văn Thon đưa chúng tôi trở lại Pà Thạc rồi đi đâu hẵng đi.
- Đường số 1 mới đi qua đấy! Cứ lần theo dấu vạc...
- Đã bảo đường số 1 lộ rồi còn. Anh Văn Thon biết đường số 2 ở đâu dẫn cánh này về cái đã, vội gì.
 Thế là tắc nghẽn. Chỉ một mình Văn Thon có thể dẫn đường, đội không thể chia ra hai bộ phận, một đi một ở. Chánh khăng khăng đòi cả đội rút về núi Vượn:
- Trên mặt trận thiếu gì liên lạc. Đợi lâu sốt ruột họ khắc cho người xuống tìm ta chứ lị.
Khiêm gắt:
- Bộ đội đang ùn đống lại đấy chớ xuất phát...
- Hẵng cứ đánh nơi khác đã, cái Pà Thạc để sau!
- Mày cứ nói như trẻ con!
- Đằng ấy định cà khịa hử?
Văn Thon huých Lương:
- Rõ rồi đấy. Không còn cách nào khác.
Lương can Chánh và Khiêm. Anh đưa tấm bản đồ, cái địa bàn Nhật và con dao còn sót lại cho Văn Thon, cử chỉ không cố ý mà trịnh trọng như trao cờ khi xuất quân công đồn. Từ phút này, toàn đội trông cậy vào cái tài mở đường rừng của anh đại đội trưởng Lào.
Tiếng máy bay trên đầu vụt bùng to. Một chiếc trực thăng luồn qua sườn núi, vè vè bay sát ngọn cây. Thằng phi công thò đầu dòm xuống, nghiêng nghé. Chúng nó vẫn lùng riết.
Lương nhìn lướt qua anh em một lượt. Luồng mắt anh dừng lại trên mặt Pha. Giá lúc ấy đừng để Pha đi theo đội... Anh nói vắn tắt:
- Chúng ta đứt liên lạc, mất người dẫn đường, mà phải về báo cáo với Ban chỉ huy mặt trận và đưa bộ đội xuống đánh Pà Thạc. Tám ngày nữa phải đến mặt trận bộ, nếu không chiến dịch sẽ bị lỡ. Anh Văn Thon sẽ cắt đường đưa toàn đội đi sang đường số 2, đi rất gấp. Kết quả chiến dịch Pà Thạc do chúng ta quyết định đấy, các đồng chí nhớ cho. Chuẩn bị xuất phát!
Mọi người đứng lên. Chánh chui ra khỏi bụi rậm, ngồi xuống cạnh cái máy ragônô. Mặt Chánh đỏ hơn ban nãy.
Văn Thon rẽ sang tay phải. Khiêm đi sau, súng lên đạn sẵn cặp nách. Tiếp đến Sử và Pha. Chánh ngó ngoáy chân, vẫn ngồi. Chánh vừa tu nốt chai rượu cô nhắc giấu trong ba lô, vất vỏ chai trong bụi. Lương đập vai Chánh, cố dịu giọng:
- Lại say bét nhè! Đi thôi cậu.
- Có mà phải dại!
- Cậu muốn ở đời đây à? Đằng trước đi xa rồi kìa.
Mắt Chánh đỏ quạch. Chánh co một tay lên gân, kè nhè:
- Này đừng hòng dọa. Đây lên non xuống biển đã từng, đây đếch sợ thằng nào. Bàn với đằng ấy thế này này, cánh mình…
Khắp người Lương bốc lửa. Một tay anh rút súng ngắn, một tay anh túm cổ áo Chánh dựng hắn đứng lên:
- Đi!
Chánh líu lưỡi:
- Anh.. anh định…
Lương bật khóa hãm đánh tách, từ từ đưa súng lên ngang mắt. Chánh vồ lấy cái ba lô đựng máy, khẩu súng trường Anh, xách hai tay hai thứ cắm cổ chạy theo đội. Lương nhặt cái bao gạo của Chánh quàng lên vai mình, đút súng vào bao.
Dưới rừng già, mặt đất phủ một lớp gai hổ ngươi dày, như tấm thảm xanh xù lông rắc những hoa hồng nhạt bé tí. Đội đi trước khua hổ ngươi khép lá, thành một vệt dài sẫm màu ngoằn ngoèo luồn qua các gốc cây, chạy hun hút vào rừng. Lương đi cuối cùng. Sau lưng anh, hổ ngươi lại thong thả dựng cành xòe lá, khỏa lấp con đường của những người đang bước vào cuộc thử thách lớn nhất trong đời.
------------------------------------------------------
(14) Tiểu đội trưởng.