Chương 7

    
ành quân bôn tập, đôi khi vội quá không kịp uống nước, quân tướng kéo nhau chạy thục mạng. Hay là khi học liên tục vận động, trên bắt nhịn khát chạy cho quen. Cứ gọi là ăn không kịp xỉa, ỉa không kịp chùi chứ mới khát thế này đã mùi gì. Được cái tao khéo xoay. Cứ lừa khi cán bộ không để ý, vờ ngã xuống suối ùm một cái, tha hồ uống no căng...
- Tao cháy cổ rồi!
- Rồi thì trú quân rừng mơ nhá. Bốn giờ sáng đến nơi, đào xong hố nấp là lăn gô ra ngủ, khát ra khát. Sáng mở mắt trông lên, úi giùi ui, thấy những mơ là mơ. Phốc lên cây, bứt nhá chết thôi. Chua, chu-u-ua lịm người...
Sử ngậm miệng, nhưng cái núm cổ trồi lên trụt xuống hai lần. Khiêm cười tủm, cũng nuốt nước bọt. Khiêm kể chuyện ăn chua cho Sử đỡ khát, mà ngay mình cũng rỏ dãi.
Đội chuẩn chiến đang vượt qua vùng núi trọc không suối. Nửa năm mưa trắng trời đã chấm dứt. Nắng đầu mùa chan lửa xuống lưng. Đất nhả lên hơi trắng loa lóa, nồng mũi. Sương đọng trên lá chỉ nhấp được mấy giọt buổi tinh mơ. Các lỗ chân voi đã nứt đáy, bong bùn non. Lợn rừng quẫy đục ngầu đôi hốc bùn còn sót, thối kinh người. Một tối gặp vũng nước trong, vốc tay soi lên còn trông thấy được lòng bàn tay, cả đội uống no kềnh, xong đâu đấy mới nhận ra một cái xác nai rữa nát nằm giữa vũng, dòi nhung nhúc.
Văn Thon và Pha cố tìm nước. Người Lào đi rừng chẳng khác gì thăm vườn rau quả. ăn đỡ khát có quả mạc khảm pọm chua chua đắng đắng, ăn xong thấy ngọt miệng, quả mạc xụm mo chan chát, có mạc khọ, mạc giàng, lá bứa. Nước trong cây nứa uống mát lạnh. Nhưng qua vùng núi trọc các giống ấy hết tiệt. Khát nước không ăn được, người tóp rất nhanh, da nhăn nheo như da cóc. Ra khỏi bóng cây là bước vào lửa. Lửa trời trút xuống, lửa đất lóa lên, lửa trong phổi phì ra, cả các lỗ chân lông kiệt mồ hôi cũng nhả hơi lửa nóng hầm hập.
Văn Thon đi đầu hàng. Anh dừng lại nhắm hướng, rồi phát cành, rẽ gai, mở lối đi. Anh dẫn đội cắt rừng băng chéo sang phía đông tìm đường bí mật số 2. Phải đi rất gấp nên không kịp sục kỹ tìm nước uống.
Qua hết quãng đồi cháy nắng, Văn Thon lảo đảo ngồi xuống. Lương tháo bi đông đeo cạnh sườn:
- Anh uống một hớp.
Văn Thon vồ lấy bi đông, rồi chậm rãi đưa trả:
- Anh chia phần.
- Tôi uống rồi. Còn phần anh với Pha.
Văn Thon lấy ca, rót cho mình một đốt ngón tay nước, rót cho Pha nhiều hơn. Lương nhặt dao đi lên trước. Cơn khát thấy nước lại bùng lên. Lương nhá đầu lưỡi tê dại như miếng da trâu, nghĩ: “Một ngụm nhỏ thôi. Vừa đủ ướt miệng, tan nước bọt...” Nước óc ách trong bi đông nghe rõ quá. Lương đập vào tai đánh bốp, tai ù lên không nghe gì nữa. Anh cười thần, mắng mình: “Đồ trẻ con!”
Khiêm, Sử, Chánh đều nghe tiếng óc ách. Chánh rỉ tai Khiêm, chỉ trỏ: “Thấy chưa! Gương mẫu thế đấy!” Khiêm gạt đi, nhưng cũng thắc mắc sao anh Lương còn nước mà không uống. Môi anh nẻ toác, bong da, trông qua cũng biết anh mệt lắm.
Một lúc nghỉ, Lương nói để anh em khỏi hiểu lầm:
- Tổ Đảng quyết định bất kỳ khó khăn đến đâu cũng phải đưa anh Văn Thon về đến nhà. Tất cả mọi thứ ăn uống phải dành phần anh thật đầy đủ. Khéo nói một chút, đừng để anh ấy biết thì lôi thôi.
Mặt trời nghiêng xuống phía tay trái. Lương đi giữa một quầng sáng chập chờn, chém bừa trước mặt những nhát dao hú họa.
- Khưa dên!
Pha rú lên, chỉ về một bên rừng.
Sợi dây khưa dên to bằng cổ tay rủ lòng thòng từ trên cây cao xuống. Lương phứt mạnh con dao. Ba bốn tia nước trong veo trong lòng dây phọt ra. Nước uống vào đến đâu, lửa trong người tắt đến đấy. Khiêm trèo lên cây, chặt một loạt dây khưa dên rơi xuống. Cả sáu người uống no, còn lấy thêm được đầy một ống nứa mang theo.
 Tối đến, đội nghỉ dưới một cây to, lá xòe như cái tán. Anh em đốt lửa, thái măng luộc ăn thay cơm.
Pha trút một túm nấm nhặt ban chiều, rồi lùi vào góc tối. Hai tay Pha nắn chân. Đôi mắt xếch nhìn lửa trừng trừng, không động đậy, không chớp. Lương ngừng tay bóc măng, đến bên Pha:
- Chị mệt lắm không?
Pha không nói. Lương đánh bật lửa soi chân Pha, rùng mình. Hai bàn chân rách xước, máu rỉ vằn vèo, khô đen từng mảng. Lương giận mình không trông nom Pha từ đầu. Anh vẫy Khiêm ra, tụt dép cao su đưa cho Khiêm. Anh đặt cái ca nhôm đầy nước lên bếp, xé một mảnh sơmi. Vừa lúc ấy, Văn Thon vác đến một bó đuốc nứa khô cao bằng đầu người, châm vào bếp. Lương hỏi đi đâu, anh đáp qua kẽ răng, không nghe rõ. Đốm lửa đuốc hun hút chìm vào rừng đêm. Văn Thon đi đâu, làm gì? Lương băn khoăn định gọi lại hỏi thêm, nhưng sợ anh khó chịu, đành thôi.
Mươi phút sau, Lương bưng đến trước mặt Pha một cốc nước nóng pha thuốc tím:
- Chị để tôi rửa chân. Phải bôi thuốc, băng lại.
Pha hốt hoảng rụt chân. Lương nói mãi, Pha mới cầm mảnh vải dúng nước, tự rửa chân. Tay Pha lóng ngóng. Lương nghiêm giọng:
- Chị đưa đây tôi. Không làm cẩn thận, sau này sưng chân phải nằm lại giữa rừng mất.
Lương lau sạch những vết thít rách, bôi thuốc đỏ, băng lại. Khiêm lúi húi bóc dép của Lương lấy một đôi đế mỏng, xỏ vào đấy bộ quai cao su dự trữ của bố Cống chia cho. Lại còn mang đến đo chân Pha, ra dáng thợ lành nghề lắm.
Lương muốn nói mấy câu nhẹ nhàng, vui, nghịch một tí nữa, cho Pha tươi lên và dễ gần mọi người hơn. Nhưng anh không nghĩ ra. Như anh đã mất thói quen đùa bỡn. Khiêm, cây nhộn của đội, lại không biết tiếng Lào. Cuối cùng Lương chỉ biết nhắc khẽ:
- Đi đường lúc nào mệt chị cứ bảo nghỉ nhé. Cố giữ sức, về khu căn cứ còn đi chữa bệnh này, đi học lớp cán bộ Itxala này, còn đi đánh đồn với chúng tôi nữa chứ. Nghe đâu anh Pheng cũng ở gần chỗ anh Văn Thon. Chắc anh Pheng nhớ cô em gái ghê lắm nhé.
Ăn xong bừa măng với nấm, Pha xỏ đôi dép mới vào chân, đi thử thấy vừa khít. Pha ra ngồi một chỗ khuất, áp má trên đùi, nghĩ đến mấy câu anh Lương nói. Những lời thủ thỉ ấy đánh thức lên cái gì nóng hổi trong lòng Pha. Pha về gặp anh, khỏi bệnh, đi công tác Itxala, đi học. Pha còn được sống vui nhiều năm nứa Pha mới hai mươi hai tuổi thôi mà... Nước mắt tưởng đã cạn lại dào lên, lăn xuống má. Pha khóc lặng lẽ như thế đến khuya.
Một chấm lửa đuốc chớp trong đêm, đến gần. Văn Thon đã về. Anh vất mẩu đuốc sắp tàn, ngồi phịch xuống cạnh bếp. Lương giật áo anh:
- Đi ngủ thôi Văn Thon!
Văn Thon quay đầu lại. Đôi lông mày rậm nhíu lại thành một vệt đen liền trên hai mắt:
- Lạc đường rồi Lương ạ.
- Để mai hẵng liệu. Anh ngủ đi. Vào ổ lá đây này.
Văn Thon tưởng Lương không nghe rõ. Anh dằn tiếng, bực tức:
- Tôi không tìm ra đường bí mật số 2. Lạ quá!
Lương kéo anh nằm xuống ổ. Anh lật người mấy lượt, thiếp đi, đôi mày vẫn cắm vào nhau. Miệng anh càu nhàu trong mê. Khiêm vác đến cả một cây gỗ, kê ngang trên đống lửa. Ban ngày nắng to thế, chắc đêm nay rét chết cóng được.

°
°    °
Nghe Văn Thon kêu lạc đường, Lương không ngạc nhiên, vì bộ đội tình nguyện đi lẻ thường mắc nghẽn trong rừng như cơm bữa. Chính Văn Thon mới lấy làm lạ. Lần đầu tiên trong đời, anh bị rừng đánh lừa.
Từ khi còn ẵm ngửa, Văn Thon đã quen nghe tiếng rừng vi vút lẫn trong tiếng mẹ ru. Nhỉnh lên một chút, địu bám vào lưng mẹ, chú bé giương mắt nhìn cây lá diễu hai bên, hấp háy khi nắng rây những giọt vàng qua lá rơi xuống đầy mặt. Tiếng rừng rì rào, thoi thóp, xào xạc, êm và thân như tiếng mẹ. Rồi chú biết đi, lũn cũn bám theo mẹ vào rừng hái rau, bẻ măng, nhặt hạt dẻ, nhổ nấm. Chú lội suối bì bõm bắt nhái và nghịch nước, khóc rống khi bị cua kẹp tay. Càng lớn khôn Văn Thon càng thuộc rừng, và rừng hé dần cho chàng trai Lào kho của không cạn. Ba phần tư đất Lào là rừng núi, dân Lào đi dọc các nguồn nước tìm chỗ khoét từng khoảnh rừng để cắm làng, vỡ ruộng. Vì thế người Lào quen rừng cũng như quen sông, quen làng.
Sau một buổi cày, Văn Thon tháo trâu thả ăn rong, vác súng kíp đi rình bắn nai ở gốc cây mạc bôk, xách gầu đi lấy nhựa cây mạy nhang về bó từng ôm đèn chai, hoặc xem lại chiếc thuyền độc mộc đẽo bằng mạy khen đang còn đốt lửa nống sườn. Hơi mát của cành lá rủ bóng che đầu, mùi lá mục hăng và ấm, tất cả những tiếng mõ trâu kéo đàn ăn rong bên bờ đầm, tiếng xích voi nhà kéo lích kích trong đám chuối dại, tiếng chim nôk tete bay réo quanh người, là bấy nhiêu lời chào thân vui đón Văn Thon từ cửa rừng. Văn Thon đi săn voi, năm sáu ngày liền lội rừng theo dấu chân vẫn không lạc. Anh xem rêu mọc trên gốc cây, xem chiều suối chảy, nghe tiếng chim, ngửi mùi dầu rái trong gió mà tìm về làng thẳng một mạch. Đây rồi mẹ già đứng đợi trên đầu cầu thang, mỉm cười đón khẩu súng kíp và cuộn dây chão trên tay con. Bếp lửa reo trong góc nhà, vẫy mãi những ngọn vàng chào cậu chủ…
Làng Văn Thon không khác trăm nghìn làng Lào ở ven sông lớn Nậm Khoỏng, mạch máu chính của đất nước Triệu Voi. Ngót trăm ngôi nhà sàn gỗ đứng trên cồn cao nhìn ra ruộng. Gió sông vuốt những hàng mái tóc dừa cau, ngày đêm ghé tai rì rầm hóng chuyển từ trăm nơi đưa về. Thuyền độc mộc ghếch đầu dưới bến. Voi nhà nối đuôi nhau tải thóc và cá khô lên Viêng Chăn, tải muối sắt vải đến. Những ngày hội Bạng phay, làng thơm mùi thịt nướng, ồn tiếng khèn tiếng hát, rực rỡ khoe những dây quần áo thêu phơi giăng giăng ra đến tận rừng. Dân làng thức thâu đêm múa đến mỏi rã chân, xem pháo hoa phụt lửa bay vút lên trời dâng lễ đức Phật, đón hạt mưa đầu tiên mở mùa cày cấy.
Nhưng cạnh làng có đồn Pháp, bên đồn Pháp có nhà lão chầu mường (tri huyện).
Văn Thon nhớ mang máng lúc bé hay thấy bố đi đâu vắng hàng tuần trăng, khi về không thấy cõng thịt sấy hay ngà voi, mà chỉ rách thêm, gầy thêm. Bố nói: “Nhà nước đắp đường 13”. Dân làng không đi con đường lớn ấy, chỉ có xe nhà nước chở lính đồn và xe con buôn chở hàng bên Tây sang chạy lên xuống.
Con đường đắp xong, bố Văn Thon thở phào một cái, thì lại có trát bắt phu đồn điền. Hết mùa cà phê, bố về được vài tháng, nghe gọi tên đi đắp đường nữa. Nhà nước cần đưa quân đi đánh người Mẹo theo cụ Pắt Chay rập ba tỉnh một lần nổi dậy.
Dạo ấy đang giữa tháng năm Lào, tức tháng tư theo lịch Tây. Dân làng vừa hối hả làm xong cái hội Tạt nước để cầu mưa năm mới, lại lũ lượt kéo nhau đi.
Mưa đổ xuống mà ngoài đồng vắng người cày bừa. Bố Văn Thon về đến 'nhà thì đã hết mùa cấy, ruộng phải bỏ hoang. Năm nay làng đói to, hàng tổng hàng huyện cũng nhốn nháo, nghe đồn rinh rược những tin giặc cướp. Bố đi làm thuê, không ai thuê. Kho thóc cạnh nhà bỏ rỗng.
Văn Thon còn nhớ mặt bố, nhớ nhất là một dãy đường nhăn hình cánh chim rạch ngang trán.  Những đường nhăn ấy nhiều thêm, sâu thêm, không dãn ra nữa. Nhà có năm chục hày 15 ruộng, một con trâu, kể như hàng năm không đến nỗi thiếu ăn. Dân làng cũng không thiếu ruộng cho mấy, mà đều đói nhao lên, không dám cho vay mượn. Bố Văn Thon vác dao vào rừng đốn gỗ bán và vỡ rẫy. Được vài hôm lão chầu mường gọi bố lên bắt đền:
- Rừng này của chúa giữ để lấy mật ong. Mày xem, ai lấy mật cũng phải nộp tao một phần ba, sao mày dám phá?
Lão thu mất con trâu của bố. Cũng con trâu ấy đến vụ lúa sau, bố phải thuê bảy chục mừn thóc mới được mang về cày ruộng nhà. Thóc gặt về phải gạt đi mất non nửa trả thóc trâu, nghĩ mà đau ruột.
Lão chầu mường này nối chức của cha, còn tệ hơn cha lão ngày trước. Lão cậy thế quan đồn làm nhiều điều thất đức. Ngày xưa dân chỉ thay nhau đến làm việc nhà quan mỗi ngày năm người, thì lão bắt lên hầu mười người. Vào rừng lấy mật ong, trước chỉ vào dịp hội hè mới phải biếu mấy bầu mật, nay lão bắt chia thẳng cánh. Một năm bốn lần, dân các làng phải kéo đến cày, cấy, gặt cho nhà lão đủ hai trăm người, ăn một bữa cơm trừ công. Ngày xưa cha lão cũng định giở hết các ngón ấy, nhưng dân làng còn chống được vì chưa có quan đồn. Bây giờ có súng Tây chọc vào sườn, không ai dám hó hé. Đến kỳ bắt phu nhà nước, lão lấy thừa hàng ba bốn chục phu đến làm việc nhà mình. Mỗi vụ thuế lão thu lạm đến bạc vạn. Nhờ vậy mà lão cứ giàu sụ lên, tuy không có ruộng cho thuê lấy tô.
Dân làng ghét mà sợ lão. Các cụ nói lão chết xuống ắt bị vạc dầu, kiếp sau làm thân chó, chả hơi đâu mà cãi cọ với cái đứa ăn ở bạc đức. Nhưng cánh trẻ như bố Văn Thon không chịu đợi đến kiếp sau. Đến nước này chỉ có cách làm loạn, may ra nhà nước mới bớt sưu thuế cho mà sống.
Vụ thuế năm đói ấy, người làng không chạy ra tiền nộp. Bố Văn Thon vét hòm còn một cọc bạc hào thật, bán nộp hai suất thuế thân năm mươi bốn đồng, còn một suất nữa với các thứ thuế trâu, thuyền, xe bò thì xin khất. Lão chầu mường sai lính về bắt luôn tám người lên huyện chôn chân phơi nắng. Dân làng uất quá, họp trong chùa uống ba âu đồng nước phép, thề không ai phản trắc bản làng. Xong, họ kéo nhau lên huyện đòi người. Quan đồn cho lính ra vây, bắt lên trời đùng đùng. Không ai chạy. Tai họ quen súng kíp rồi. Nếu cần thì mười súng kíp cũng bắn đổ được một súng Tây. Cãi cọ suốt một hôm, rồi dân làng lại nghe lời chầu mường, đãi quan đồn với quan huyện một vò rượu và hai con lợn tạ tội, góp tiền nhau nộp đậy cho người thiếu thuế, dẫn bố Văn Thon và bảy người kia về. Bởi vì chầu mường là dòng họ chúa Viêng Chăn, quyền to lắm. Không có chúa thì Thái Lan chiếm đất Viêng Chăn từ lâu, hoặc chúa Châm-pa-xắc làm cỏ dân Viêng Chăn, hoặc chúa Lu-ăng Pờ-ra-băng tràn xuống cướp trâu giết người mất 16. Làm dân phải theo lệnh chúa. Chầu mường bảo thế, các cụ lão làng nghe phải, bèn khuyên dân không được làm hỗn.
Trong làng có ông giáo Bun dạy trường nhà nước ở Viêng Chăn, nghỉ hè về làng chơi. Ông giáo Bun học rộng, đọc được chữ Lào, chữ Phạn, chữ Pháp, lại quen biết nhiều quan chức. ông vốn gốc nhà nghèo, nên ông thích chơi với dân làng. Văn Thon còn nhớ rõ dáng đi của bác Bun ngày ấy: khom lưng, vắt tay, nom yếu oặt mà đúng cái dáng con người lận đận.
Đêm đêm, bác Bun ngồi tán chuyện với bố Văn Thon và các chú các bác. Họ hút thuốc nhiều, khói ngập nhà. Ai có rượu thì mang đến, mỗi người nhấp một chén. Văn Thon nằm cạnh bố, nghe các chú bác nói những câu chuyện lạ tai.
- Hồi tôi còn bé ngần này, làng ta cũng nhộn mất mấy tháng. Là cái ngày cụ Cà Đuột gọi dân đi chống sưu thuế ấy. Ai theo cụ thì xưng là phù mi bun (người có phúc). Về sau đi tù cũng nhiều...
- Trên Bôlôven yên chửa?
- Chưa. Cụ Côm Ma Đam chưa hàng. Cái dân La Ven ấy, khó trị lắm. Đánh nhau hơn hai mươi năm rồi mà nhà nước chưa dám cho quan về vùng họ.
- Thế ra đánh lâu hơn người Mẹo. Chết chết sao mà nhà nước lắm lính thế. Bao nhiêu nghìn quân người Việt người Miên, kéo những cỗ súng bằng cột nhà về đánh. Lại máy bay thả bom nữa...
- Sao họ làm loạn nhỉ?
- Nghe đâu nhà nước đánh thuế từng gốc thuốc phiện, bòn lắm quá.
- Cái dân La Ven nghĩ cũng gớm!
- Dân Mẹo không ghê à?
Bác Bun thở phào một hơi thuốc lá, đủng đỉnh:
- Thế chỉ có dân Lào là ruột mềm lưng cúi thôi chứ gì!
Câu nói như ngọn roi trăm sợi quất vào mặt mọi người tê rát. Bố Văn Thon nghé mắt dòm ra ngoài, rồi nhô đầu, trợn mắt, trên trán mạng đường nhăn hình cánh chim hằn sâu, nói rít răng:
- Bác Bun nói phải. Người Lào cứ khinh mãi dân thiểu số đi, bây giờ mới thấy nhục nhé! Bao nhiêu năm nay, người Mẹo không xuống núi đi phu, nhà nước làm gì được họ tốt!
- Thua đứt dân thiểu số chứ lị!
- Chầu mường mới tốn tí nước bọt, các cụ lão làng đã vâng dạ, chúng tôi xin lỗi ạ, chúng con biết tội rồi ạ, đây rượu lợn tiền chúng con xin nộp ạ. Mả xỉ mè măn! Phỏng thử quan đồn có dám bắn chết cả làng không nào?
- Súng Tây ác lắm, ăn một phát hai ba người...
- Súng kíp không ăn được người à?
- Cái quân vô đạo ấy, về sau quỷ vương Thê-va-thắt cứ là vặt như sung nẫu.
- Thời buổi này sao mà láo nháo! Dà ơi!
Họ thức khuya bàn những chuyện như thế và tia lửa dữ nhóm lên trong mắt. Chưa ai nói ra miệng cái ý nghĩ chung đang thít dần vào bấy nhiêu khối óc như sợi dây leo thít vỏ cây: “Cơ ngơi này không sống nổi, phải chống sưu thuế”. Bao giờ chống, chống cách nào, ai cầm đầu, họ chưa biết tí gì. Bác Bun chỉ hút thuốc lá, thỉnh thoảng đế vào một câu lơ lửng mà cay như ớt chuột, người nghe cứ nảy mình lên.
Về sau, bác Bun lên tỉnh dạy học, chỉ về làng ngày chủ nhật. Bác nói chuyện riêng với bố Văn Thon rất nhiều, dúi cho những tờ giấy in chữ Lào. Mẹ hỏi, bố bảo là bài con lâm của người tỉnh hay hát. Văn Thon một hôm chơi nghịch lấy tờ giấy ra bày mâm cúng, bị bố tát cho một cái. Bố mẹ Văn Thon không đánh con bao giờ, dân làng cũng thế. Mẹ dỗi bố, bỏ cơm. Bố theo dỗ mẹ mãi, bảo rằng kinh Phật in trên giấy không được làm uế tạp. Văn Thon đâm sợ những cái giấy vừa là bài hát vừa là kinh Phật ấy.
Đột ngột, cuộc đấu tranh nổ.
Những người đánh voi và chở thuyền mang cá khô lên tỉnh bán, cùng hối hả quay về làng rỉ tai bà con: Chợ búa nghỉ hết, dân thợ không đi làm. Họ kéo nhau hàng trăm đi chật phố, giơ một cái nắm tay đòi bớt thuế.
- Nghe đồn thợ mỏ thiếc Phôn Tiu bỏ việc, bắt nhà nước trả thêm tiền tháng.
- Các làng gần tỉnh rục rịch cả. Họ cũng đói như ta.
Dân làng đi phu lục tục trốn về. Trước cổng chùa ai dán mấy tờ giấy hệt những bài vừa con lâm vừa kinh Phật của bố Văn Thon. Trong giấy viết rằng nhà nước phải bớt sưu thuế, bỏ hết những lệ cắm rừng, cắm sông, ở hầu quan, làm ruộng nhà quan. Lão chầu mường dẫn lính về bóc giấy, bảo dân đừng nghe cộng sản. Chả ai biết cộng sản với Nga đỏ ở xứ mô tê nào mà chỉ thấy sưu thuế è cổ ra đấy, quan đồn với chầu mường ăn của dân béo hú ra đấy, tức nước vỡ bờ chúng ông phải làm loạn đây, phải làm loạn đây. Lão chầu mường bí thế, chuồn thẳng về Viêng Chăn. Quan đồn cho lính ra nằm dọc bờ rào quanh đồn, đợi dân đến là bắn.
 Cả làng sôi sục. Bố Văn Thon ở Viêng Chăn về, giữa lúc dân làng họp giữa chân chùa. Bố nhảy lên bục cao, đọc một tờ giấy, giơ một nắm tay, kêu gọi dân làng đi đấu tranh đòi giảm sưu thuế. Đi tay không, nhà nước không có phép bắn. Ở Viêng Chăn, dân phố đi chật đường, hô khẩu hiệu. Bọn mật thám gây sự, họ phá luôn nhà mật thám. Bác Bun làng ta đứng lên thay mặt dân nói tiếng Pháp với quan nhà nước như vai vế. Nhà nước hứa cho dân miễn sưu, giảm thuế, tự do làm ăn, không bắt bớ.
Nghe những tin ấy lòng người cứ cồn mãi lên. Ba trăm dân làng kéo lên đồn, các nhà sư và chức dịch lão làng đi đầu, con trai cầm khèn chứ không đeo súng kíp. Đồn nổ súng bắn chết bốn người, một ông sư bị thương. Dân làng ùa chạy về làng lấy súng, nhưng ô tô Pháp chạy nhanh hơn nhờ có con đường 13 mới đắp. Lính bổ vào làng, đốt, bắn, soát, bắt đi hơn hai chục đàn ông. Các làng bên cũng bị thế cả. Từng xâu người, từng cây số người nối nhau kéo về Viêng Chăn nằm nhà pha. Sưu thuế vẫn nguyên như cũ, rồi nặng hơn cũ. Lâu lâu còn vẳng đến làng một tin vùng dậy ở đâu Thà Khẹc, Xà Vằn, mỏ thiếc Phôn Tiu, như trận lửa rừng gặp cơn mưa dông mà chưa chịu tắt hẳn. Rồi đâu đó lại im ắng 17.
Lúc bấy giờ Văn Thon mới lên mười bốn tuổi. Sau cơn đảo lộn ấy, bố bị đày ra hòn đảo to bên nước Việt, đâu gần nước Xai Ngòn (Sài Gòn). Nhà cháy trụi. Mẹ khóc sưng hai con mắt bằng quả nhót, sang ở nhờ bà con. Văn Thon làm hùng hục nuôi mẹ. Tính Văn Thon lỳ, hung, ít nói, chỉ nghĩ mãi xem vì sao nhà mình khổ, làng mình đói. Có người đánh tiếng muốn lấy mẹ, chú bé vác dao ra mài, nói: “Ai ngủ với mẹ tao, tao cắt gân!”.
Được ít lâu, mẹ bảo Văn Thon:
- Con thương mẹ thì con đi tu cho mẹ được phúc, làng nước không ai chê cười nhà ta bỏ đạo.
Một ông chú biện cái lễ, đưa Văn Thon đến chùa. Văn Thon cạo trọc đầu và lông mày, mặc áo vàng không tay, làm xăngcanen (chú tiểu). Vừa quét chùa hầu sư vừa học chữ. Mẹ nhìn con, sướng chảy nước mắt. Công mẹ nuôi con từ trứng nước đến nay đã được đền bù, mẹ thấy con mặc áo vàng một lần là nhắm mắt được rồi.
Ba năm sau mẹ ốm chết, vẫn mang một điều mong là con mình tu cho trọn phúc rồi hãy ra chùa lo vợ con.
Văn Thon theo ý mẹ. Anh tu luôn mười năm, lên đến chức a chan xổm đết, nổi tiếng giỏi kinh và có đạo đức.
Nhiều chàng trai cắt tóc cạo lông mày vào chùa, chỉ học qua loa mấy bài kinh chữ Phạn, bụng ngong ngóng chờ lúc ra chùa để cưới vợ và khỏi phải nhịn cơm tối theo lệ tu hành. Văn Thon không thế. Anh học ngày học đêm đến thuộc những pho kinh dày hàng gang tay chép trên lá cọ. Cụ a chan trụ trì chùa làng gửi anh lên học trên tỉnh, tu trong chùa lớn. Đi đâu Văn Thon cũng là nhà sư trẻ tuổi mà chăm chỉ nhất, sáng dạ nhất.
Đêm khuya, chùa im ắng. Trong một góc nhà cút tí, nơi sư ở, Văn Thon cúi đầu trên pho kinh ghi lời Phật dạy cách đây ngót hai mươi lăm thế kỷ mà đến nay còn sáng rỡ lời vàng:
“Các ngươi chớ vội tin lời ta nói, chớ vội tin các tục lệ vì lẽ đã được nhiều đời truyền lại, chớ vội tin một câu chuyện vì lẽ nhiều người cùng nói, chớ vội tin kinh sách vì lẽ một bậc thánh hiền đã viết ra nó, chớ vội tin những điều phỏng đoán, chớ vội tin một lời dạy bảo vì lẽ nó là của thầy hay anh thốt ra. Các ngươi hãy tự xem xét và chiêm nghiệm lấy, nếu thấy học thuyết nào hợp với chính nghĩa và đem lợi ích đến cho mọi người thì các ngươi hãy công nhận học thuyết đó và đeo đuổi theo nó đến cùng”.
Văn Thon thuộc lòng lời dạy ấy trong kinh A-gút-tu-ra Ni-ca-ya. Anh tự xem xét và chiêm nghiệm để tìm ra lẽ phải, để hiểu cuộc đời.
Bên ngoài cửa chùa, cuộc đời vẫn chảy tuôn tuôn như nước sông lớn Nậm Khoỏng. Làng xóm mỗi năm một lụi dần, nghèo dần. Vì sao? Binh lính kéo nhau dàn ra dọc bờ sông, bắn súng to sang bên Thái Lan, rồi máy bay bên Thái Lan đến giội bom xuống nhà dân, giết từ con gà mái ấp đến đứa trẻ trong nôi. Vì sao? Những kẻ ác như quan đồn Tây, như lão chầu mường kia cứ ngày càng béo núc ních, bước lên chùa oặt cả cầu thang, tay dâng lễ mà óc nghĩ điều tàn bạo, chúng nó vẫn nhởn nhơ ăn lộc Phật. Vì sao? Vì sao? Vì sao?
Văn Thon suy nghĩ, đau khổ, dằn vặt. Nhiều lúc, anh muốn noi gương đức Đạt Ma ngồi ngoảnh mặt vào tường luôn chín năm mà nhập định, quên hết chuyện đời. Nhưng không được, Văn Thon vẫn bị kéo về chốn trần tục. Tim anh vẫn nóng hổi dưới tà áo vàng, long anh rung theo mọi nỗi vui buồn sướng khổ của người đời. Ông a chan trẻ tuổi vẫn là người dân Lào mất cha trong một vụ đòi giảm sưu thuế, mất mẹ vì nạn đói dai dẳng. Nghĩ đến những sự đền bù hay trừng phạt ở kiếp sau, Văn Thon chỉ tìm thấy một chút an ủi rất mong manh. Văn Thon chỉ đòi ít nhiều công bằng ở kiếp này thôi, chỉ muốn cho dân làng đỡ khổ mà không được.
Văn Thon tự hỏi: dân làng có khổ thật hay không?
Họ làm ăn đến lấm lưỡi, đói thô lố con mắt, mà vẫn thổi khèn, hát, múa, nô giỡn. Phần vì quen vui, phần vì họ muốn quên bớt khổ. Uất lên, họ ùa dậy như sóng thần dữ dội, để rồi sau đó lại phẳng lặng như nước sông êm. Nếu họ hiểu được lẽ công bằng ở đời, chắc họ sẽ đấu tranh đến cùng, vì quả thật dân làng đang khổ.
Người dân Lào bình thường không hay nghĩ xa. Họ không hiểu lẽ huyền của Trời Phật, và cũng không muốn tìm hiểu như Văn Thon. Chùa là nơi thờ cúng và hội hè của họ, sư là người dạy chữ và cúng lễ cho họ được phúc, giáo lý là lời Phật răn bảo họ ăn ở thế nào cho phải chăng. Chỉ có thế. Đạo Phật bước vào làng Lào đã trút bỏ bộ mặt thần bí thâm nghiêm để hòa theo tiếng khèn điệu múa của một dân tộc luôn luôn yêu đời, dù cuộc đời ấy nhiều nước mắt hơn mật ong. Người Lào không cần và không thích một thứ tôn giáo khổ hạnh, ép xác, bắt tín đồ run sợ trước đấng Tối linh, quất roi vào mình mà sám hối những tội lỗi từ kiếp nào kiếp nào không ai biết. Họ cũng không muốn héo mòn trên sách kinh như Văn Thon. Văn Thon dần dần đi vào bế tắc, tuyệt vọng. Anh không tìm ra chân lý.
Anh trở nên cáu bẳn, lánh mặt mọi người. Suốt kỳ phăn xả ba tháng, các bạn tu phải ngồi yên trong chùa tụng niệm, họ sốt ruột lắm. Riêng Văn Thon thấy dễ chịu. Những tháng khác, anh cũng chỉ sớm sớm đi khất thực một vòng quanh làng, tụng hai bài kinh Nhặt thảXắp phi, nhận mấy nắm cơm bỏ vào âu đồng rồi lặng lẽ ra về. Sư cụ thấy anh gầy đến chỉ còn hai con mắt đen hoắm trên khuôn mặt luôn luôn sa sầm, bèn mượn lời Phạ In khuyên đức Phật ngày xưa mà răn anh: “Muốn cây đàn nhị kêu đúng tiếng thì chớ để dây căng quá hay chùng quá”. Văn Thon lầm lầm không đáp. Anh sống một mình một cõi, chán ngấy tất cả.
Một hôm có người nghèo đến ngủ nhờ nhà chùa. Một ông lão trán cao, tóc và râu lốm đốm bạc, lưng hơi còng, mặc phạ xà lùng vá nhiều chỗ. Lễ sư cụ xong, ông lão xuống nhà khách. Văn Thon ngờ ngợ mãi, đi theo ông lão một quãng mới nhận ra bác Bun dạy học, hay nói chuyện với bố mình ngày xưa. Bác chóng già quá. Anh vội hỏi tin bố. Bác ngập ngừng một lúc rồi nói tự nhiên, không “bạch thầy” với Văn Thon nữa:
- Bố anh chết ở Côn Lôn rồi. Tôi định ghé vào đây xem anh bây giờ ra sao, và nhắc lời bố anh dặn tôi trước khi chết: “Bảo con tôi đừng quên nước Lào, đừng quên thù làng, thù nhà. Nó quên thì bác cứ bắt nó đổi tên khác, đi làng khác mà ở”.
Văn Thon không khóc. Lệ thường không nên khóc người chết, mà nên mừng cho kẻ được siêu thoát. Tuy vậy trưa đến Văn Thon bỏ cơm đi nằm.
Suốt đêm, Văn Thon trộm phép sư cụ ra nhà khách nói chuyện với bác Bun. Trước kia bác cũng tu ba năm rồi mới sang học chữ Pháp, vì thế người làng thường gọi là Thít Bun. Bác vừa đi dạy vừa học thêm, vào tù bác cũng học nhiều, hiểu đến chuyện nước Pháp, Mỹ, Nga. Bác nói:
- Tôi bây giờ lấy tên là Thông Phun. Mới vượt ngục về đây. Hạn tù còn sáu năm nữa, nhưng có nhiều việc phải làm, không đợi được. Tôi có đến thăm con gái, đứng xa nhìn thấy nó khỏe đẹp. Anh chớ nói cho vợ tôi biết mà lộ.
Văn Thon nhớ ngay đến cô gái trẻ trán cao ở làng, thường nhìn anh đăm đắm khi anh ngồi trên bục tụng kinh. Lòng anh chợt dào lên một chút vui và ấm. Anh vội hỏi lảng sang chuyện khác. Nhưng bác Bun vẫn dè dặt, bác hỏi lại:
- Nghe họ bảo anh muốn thành ông sư hạt xa đi 18 phải không?
Văn Thon bỏ lối xưng hô nhà chùa, xưng cháu với bác Bun như ngày bé:
- Không ạ. Cháu không rời dân làng được đâu.
- Anh còn nhớ bố anh vì sao mà chết chứ?
- Nhớ, cháu nhớ lắm. Càng nhớ càng khổ, lắm lúc như người ra dại. Muốn quên cũng không quên được bác ạ.
Bác Bun nhắc câu kinh Phật:
- Chớ sầu thảm, chớ rên la, chớ khóc ]óc, hãy mở lớn mắt ra mà xem, hãy nhìn cho rõ mà hiểu.
- Xem nhiều rồi, nào có hiểu gì!
- Hay là không muốn hiểu?
Văn Thon bật to tiếng:
- Bác coi cháu ra hạng người nào hở?
- Tôi coi anh là người tốt, nhưng trốn việc đời. Anh như người Vanula ngủ bảy năm trở mình một lần, tên bắn vào tai không dậy.
Văn Thon uất lên, không nói được. Anh ra trước hiên nhà khách đứng lặng một hồi lâu. Mùi hoa đại tẩm sương thơm lạnh trong mũi anh, xông đầu anh nhẹ dần. Anh lẩm nhẩm mấy câu thơ cổ. Đến hai câu cuối cùng, anh vô tình đọc to:
Xa-si-ta pa-ri-yô đa-pha-nam
E-tam Bu-đa-nu-xa-xa-nam
(Rửa sạch cõi tâm,
ấy là đạo Phật).
Một tiếng cười chế giễu mé sau. Bác Bun vuốt râu, nháy mắt:
- Anh giỏi kinh lắm. Nhưng Phật khuyên rửa sạch cõi tâm để cứu đời hay để đắp chiếu nằm ngủ? Sao anh không nhớ lời kinh Pa-đa-ma xụt-ta dạy: “Thà tôi chết để tranh đấu với cái ác, chứ không chịu để cái ác nó thắng tôi”?
Văn Thon cúi đầu, hết cãi lý.
Bác Bun ngày đi vắng, đêm về ngủ nhờ nhà chùa. Văn Thon kể hết với bác những nỗi băn khoăn, nghi ngờ, chán nản của anh. Bác cởi dần cho anh từng mối trong mớ bòng bong ấy. Bác nói những điều Văn Thon chưa hề nghe. Đế quốc, cách mạng, khởi nghĩa, độc lập... bấy nhiêu thứ quay cuồng trong óc Văn Thon, say người như men rượu.
- Phải cầm súng đạn mà chống lại súng đạn cháu ạ. Thằng Pháp trước kia, thằng Nhật bây giờ đều giống người Bà La Môn nọ định chặt đủ một trăm đầu để lên trời, đã chặt chín mươi chín cái, còn đuổi theo chém mẹ định lấy đầu. Đối với quân quỷ ác không cãi bằng mồm được. Ta chịu đưa đầu cho nó chém sao?
Chân tay Văn Thon rậm rật. Đây rồi, cái chân lý hợp lẽ đạo tình người, cái chân lý có sức mạnh đổi đời! Trong đôi mắt hõm sâu vì đói ngủ dần dần ánh lên ngọn lửa mới, giống như mắt bố ngày xưa. Nhà sư Văn Thon đã tìm ra chân lý, và quyết đeo đuổi theo nó đến cùng như lời kinh A-gút-tu-ra Ni-ca-ya đã dạy!
Bác Bun giao cho anh việc tuyên truyền cách mạng trong các nhà sư, rồi lên Viêng Chăn. Năm hôm sau, cách mạng nổ ra ở thủ đô. Lúc bấy giờ là tháng tám năm 1945, tức là năm 2489 theo Phật lịch. Quyển sách đời của Văn Thon lật sang những trang mới, do bàn tay của bác Bun tức đồng chí Thông Phun, nhà cách mạng Lào từ Côn Đảo vượt ngục về.

°
°    °
Chân trời loãng dần một góc. Những dải mây lăn tăn ửng lên một đường viền da cam nhợt. Hai chóp núi đá nhô lên đen thui như những răng chuột nhọn hoắt cắn vào mây. Trong rừng chỗ đội nằm còn tối sẫm. Đại đội trưởng Văn Thon mở mắt, lại nhắm. Giấc mơ đã dứt. Chính ủy Thông Phun và cô con gái trán cao giống bố biến hẳn. Văn Thon nghĩ lười biếng: “Chợp một lúc nữa. Vài phút thôi...” Rồi anh lật người, chống tay ngồi dậy. Tối qua, anh thiếp đi với ý nghĩ cuối cùng đọng lại “Phải tìm cho ra đường số 2”. Thì sáng nay ý nghĩ ấy bật lên đầu tiên, dựng anh dậy.
Anh cuộn chăn buộc ngang lưng, vớ con dao. Vóc người to lớn biến vào lớp sương mù giăng qua các gốc cây.
Tiếng phạt gai lá lọt vào tai Khiêm, kèm theo một tiếng gì ồng ộc ngay bên cạnh. Khiêm mấp máy đôi môi đỏ như ớt chín, rồi nghiêng đầu, dòm. Chánh đang uống nước. Hắn dốc ngược cái ống nứa, nước tóe qua miệng ròng ròng. Khiêm chồm lên, giằng tay hắn. Cả đội chịu khát, mà hắn vừa uống vừa đánh đổ mất già nửa ống. Khiêm muốn đấm vào mặt hắn.
Chánh quệt mép, khà một tiếng, nheo mũi:
- Còn phần mày đấy, cuống cái gì?
Khiêm nhổ nước bọt:
- Sao mày hèn thế hử?
- Hèn cái phải gió! Đến chỗ suối tao đền. Chỗ anh em mày đừng nói với anh Lương. Mày hót cán bộ là mày hèn.
Chánh đủng đỉnh quay về chỗ nằm. Hắn nhìn Pha đang ngủ, quay đi, lại nhìn. Bây giờ hắn mới thấy Pha đẹp. Xanh, gầy, ho lao, nhưng vẫn đẹp. Hắn chép miệng: “Con bé được cái “co” cũng khớ”. Rồi hắn cao hứng khoa tay đi mấy đường quyền cho dãn gân:
Tả hữu tấn khai thập tự
Luyện diệp liên ba
Đả phát túc tọa hồi mai phục...
Tiếng chân nhảy huỳnh huỵch đánh thức mọi người. Lương chống tay đứng dậy, lại ngã ngồi. Một sợi gân ở khoeo chân cứng như gỗ. Lương quay lưng về phía anh em, bóp nắn chân một lúc, rồi vịn thân cây đứng lên được Anh hỏi Pha:
- Pha mệt không?
- Em không mệt.
- Hôm nay đi nhiều đấy. Lúc nào mệt Pha bảo nghỉ nhé.
Pha nhìn đăm đăm vào đường nhăn dọc đứng trên trán Lương:
- Em đi được. Chỉ sợ anh đau chân thôi. Ban nãy anh đau lắm hở?
Thì ra Pha tinh mắt, thấy hết. Lương lảng chuyện, ghé lại chỗ Khiêm. Trong ngực anh thoáng một hơi ấm dịu. Một người cứng rắn cố giấu nỗi khổ của mình mà được người khác kín đáo hỏi thăm, vẫn thường thấy ấm lòng như thế.
Văn Thon từ trong sương bước ra, hai vai ướt đầm:
- Đi thôi. Vẫn chưa thấy dấu vạc đâu cả mới tức chứ!
Hôm ấy Lương đi với Chánh, tỉ tê nói chuyện rất lâu. Đến chỗ nghỉ Chánh đi đun nước chè rừng, rót cho Lương những nửa ca. Chánh cười hì hì:
- Lần sau tôi say thế nữa, anh cứ trị thẳng tay cho tôi nhờ! Anh thương tôi anh mới mắng cho mấy tiếng chứ. Nói có mặt trời, tôi mà làm bậy nữa thì... thì không bằng con chó nhá!
Khiêm giương mắt nhìn Chánh, rồi mỉm cười, gãi tai không nói gì.
------------------------------------------------------
(15) Một hày rộng vào khoảng 400m2
(16) Trong thời kỳ Pháp thuộc, Pháp vẫn giữ nguyên tình trạng phong kiến phân tranh ở Lào. Nước Triệu Voi thành lập vào thế kỷ XIV, đến thế kỷ XVIII thì tan rã thành nhiều nước nhỏ chống nhau: Viêng Chăn, Luông Prabang, Mương Phuôn, Châm-pa-xắc.
(17) Cuộc đấu tranh lớn của nhân dân các thành phố dọc sông Mê Kông năm 1934-1935 được thợ mỏ và nông dân hưởng ứng, về sau bị dập tắt.
(18) Nhà sư tu ẩn trong rừng núi, không ở làng.