Chương 8

    
uối! Đến suối rồi!
Khiêm nhảy cẫng, định ào xuống suối. Văn Thon túm áo Khiêm, xua tay. Anh lên đạn súng ngắn, vạch bờ lau chui xuống trước. Rồi anh hú một tiếng khẽ.
Chao ôi, nước ngọt như đường phèn, thơm hơn cơm tám, vào đến đâu biết đến đấy. Ở đời hẳn không gì thú bằng uống nước. Văn Thon cúi đầu, một tay hắt nước lên mồm uống hùm hụp theo kiểu Lào. Khiêm lóng ngóng bắt chước, bị sặc. Văn Thon bật cười ha hả, ra hiệu cho Khiêm phải há mồm tợp thật nhanh. Lương quỳ hai chân uống từng hơi dài bù những ngày nhịn khát. Nước ngấm vào người, từng thớ thịt nở ra, dẻo ra.
Đội nghỉ lại đây nấu ăn. Pha chạy loăng quăng hái rau, nhặt nấm. Hôm nào Pha cũng tìm ra thức ăn. Anh em Việt không quen rừng, sục đến rã chân cũng chỉ được nắm rau tàu bay, rau dớn, lá lốt. Pha cười, trêu họ. Pha vui hẳn lên. Như trước đây Pha sống trong cơn mê kinh khủng, nay tỉnh ra thấy mừng lạ. Pha bẻo lẻo như hồi còn bố mẹ. Pha hay hát một mình. Pha không biết mình gầy rộc đi vì ho lao, mà chỉ nhớ mình mới có hai mươi hai tuổi, về vùng căn cứ chữa bệnh, đi học lớp Itxala, gặp anh Pheng.
Văn Thon ngăn Pha:
- Chị nghỉ, chốc nữa còn đi.
- Em nghỉ rồi. Anh kiếm được gì?
Văn Thon mải tìm đường không tìm thức ăn. Lương chìa ra nắm lá lốt và hai ngọn măng cứng như tre chẻ lạt. Pha cười khanh khách, má ửng đỏ. Pha trút cái phạ phe đầy căng xuống đất: một đống vả chín, dẻ gai, hạt gắm. “Em nhìn ra cây vả, gọi anh Khiêm trèo. Anh trèo như sóc ấy,” Lương gãi tai: “Nhất cô!” Nhưng rồi anh lội xuống suối mò cá, một lúc xách lên hai chú sốc bằng bàn tay. Dân chài biển cũng biết ăn nhờ vào sông suối.
Văn Thon ngừng tay mài dao, vẫy Lương lại:
- Lạc xa đường số 2 rồi. Muốn tìm được dấu phải dừng một chỗ, đi quanh hình xoáy trôn ốc may ra mới gặp.
- Dừng lại... chậm mất. Năm ngày nữa chúng mình phải đưa báo cáo về đến nơi.
- Hỏng bét!
- Hay là ta đi chéo qua lại như con rắn, may ra gặp dấu. Phải đi thật nhanh, thật gấp Văn Thon ạ.
Văn Thon nhìn xuống chân Lương. Ống quần Lương loang lổ, cứng như mo nang. Lương rụt chân, không nói. Văn Thon hỏi khẽ:
- Sáng nay anh không đứng lên được hả?
- Chả sao, hơi buốt tí thôi.
- Nếu đi nhiều quá, có thể...
Lương gạt luôn:
- Tôi quen rồi, đừng ngại. Chỉ lo sức khỏe chị Pha...
Anh ngừng giữa câu. Pha cầm con dao đi đến, hỏi:
- Anh Văn Thon có thấy dấu chân cọp không?
- Không. Vùng này vắng thú.
- Em đi tắm đây.
Văn Thon rút súng ngắn đưa cho Pha. Pha hoảng: “Ấy chết, cất đi anh. Nó nổ!” Pha cầm con dao, lần dọc theo bờ suối tìm chỗ khuất.
Một lát sau, Chánh cũng đi về phía ấy.
Trong đội Chánh khỏe nhất, vật tay đổ cả Văn Thon. Đến mỗi chỗ nghỉ, Chánh lùi lũi đi vào rừng như con cuốc, kiếm ăn lẻ. Đói quá, đói kinh người, rụng chân rụng tay. Ở cái chiến trường nhịn đói đánh giặc này, Chánh không chịu được.
Hồi đầu kháng chiến, Chánh rời tay quay maniven cho xe chở hàng, về đánh xe ngựa ở hậu phương khu Bốn. Gặp khách tản cư hay con buôn lậu là vớ bở nhất. Đếm số nhân tình nhân bánh dọc đường đánh xe vừa đầy năm đầu ngón tay. Những anh bộ đội trèo lên xe thường đeo súng côn bạt, lòng thòng sợi dây dù đánh xoắn con rết. Oai lắm. Các cô hàng nước ngắm họ không chớp, các ông công an cũng kiềng mặt. Chánh dần dần nghiệm ra cái nghề đánh xe có sướng thật đấy nhưng không oai. Uống xong bữa rượu túy lúy, Chánh đến chỗ tuyển tân binh, xin nhập ngũ. Anh cán bộ đeo sao vành vàng đuổi ra quầy quậy. Hôm sau Chánh không uống rượu, được tuyển ngay. Các cô ả dăng dện kia trố mắt nhìn Chánh mặc quân phục. Họ đãi rượu rộng tay hơn trước gấp mấy, tối ngủ với Chánh cứ tỉ tê hỏi anh đóng cấp gì. Chánh nghĩ, thấy xưng cấp đại đội có lẽ hơi quá, nên khiêm tốn nói rằng chỉ mới tạm một chân trung đội.
Bất đồ đơn vị Chánh nhận nhiệm vụ sang giúp Lào. Hỏi dò chắp nối từng mẩu chuyện, Chánh thích mê. Nghe đâu quân ta sang bên ấy uống rượu cần cứ tít cung thang, dân cho gà lợn ăn mứa, lại tán gái suốt đêm chả ai nói gì. Chánh hăm hở đi. Lên đến nơi, sự thể không giống lời kể. Chánh ức quá, nằm lỳ. Định đào ngũ về Việt Nam, nhưng đường xa quá đành chịu. Cuối cùng Chánh được điều về mặt trận bộ quay ragônô. Chánh hẹn với mình: “Thôi, cứ cố đủ ba năm bộ đội là về”. Nằm xó rừng, ăn mãi cơm nếp một ngày bốn lạng, động hở ngón nào lại bị kiểm thảo nhừ tử, Chánh ngấy lắm.
Tuy vậy gặp việc gì ưng ý, Chánh làm rất hăng. Đi ném mìn bắt cá hay săn hươu nai chẳng hạn. Một khẩu súng, một gói muối ớt, một bi đông rượu, Chánh đi lùng rừng bắn nai, có khi một ngày đêm được những bốn con. Chánh xẻo một đùi nướng ăn uống rượu, ngủ một giấc, rồi về gọi anh em ra khiêng. Nhiều lần Chánh được bầu xuất sắc về cải thiện sinh hoạt. Ngoài ra ai muốn học võ Thiếu lâm, Mai hoa, Chánh dạy rất sốt sắng.
Hôm mặt trận bộ chọn người đi với đội chuẩn chiến 3, Chánh giơ một nắm tay, xung phong. Ai cũng nói trinh sát sướng trần đời. Chính ủy trung đoàn mỗi bữa một bát cháo, chứ trinh sát cứ sữa hộp với thuốc lá cô táp tì tì. Cơ sở trong vùng địch quý anh trinh sát hơn vàng. Đánh nhau, anh trinh sát thường vớ được đồng hồ, bút máy, nhẫn của lính địch về bán tiêu vung. Ngang dọc một mình, khoái nhất có anh trinh sát! Nào ta đi trinh sát!
Chánh được chọn đi theo điện đài. Rồi Chánh lại chán kinh những sự đói rét bệnh tật trong cái hang tối om trên núi Vượn. Ơi chao, mau cho hết cái hạn ba năm để Chánh lại về đánh xe ngựa, uống rượu với dồi chó, tối tối ngủ với nhân tình! Chánh trót dại đi theo cái súng côn bạt một lần, từ nay xin cạch đến già!
Chánh đi xuôi theo bờ suối, tìm. Các thứ rau đdớn, rau vừng, rau tàu bay ăn sống chấm muối đỡ đói ra dáng. Chánh trữ sẵn một lọ muối phòng thân. Đến các làng thiếu muối, chỉ một vốc con đủ đổi chẹt lấy đôi gà giò. Hoặc như những lúc lạc rừng này, muối sắp hết, Chánh càng khen mình khôn mọc lông trong bụng, Chánh cũng muốn chia cho thằng Khiêm ăn chung, nhưng sợ nó mách ông Lương thì phải đem ra công cộng, nên lại thôi.
Đang với tay bẻ một ngọn lá mắt mèo, Chánh dừng phắt. Hắn ngó chăm chăm xuống suối. Hai tai hắn đỏ dần. Hắn rón chân vạch lá, ghé mắt. Người đàn bà tắm dưới suối quay lưng về phía hắn. Đôi vai trắng nõn lấp lóa trong bụi nước.
Hắn đứng im không thở, da sởn gai, đầu bốc cháy. Đàn bà... chất men say người, điên người. Hắn thè lưỡi liếm môi. Môi hắn khô bỏng. Ban nãy uống no bụng, sao hắn khát đến thế?
Bỗng hắn giật mình, ngó quanh. Anh em trong đội bắt gặp thì hắn chết. Ông Lương hắc lắm. Không cho một phát, thì cũng tống về tòa án binh.
Hắn đi lùi mấy bước. Rồi máu tức ở đâu ộc lên cổ: “Sợ đếch gì lão chột! Lạc rừng một lũ với nhau, ai bắt nạt được ai. Quân hồi vô lệnh...” Hắn vụt nhớ đến ả nhân tình thứ ba... không, thứ tư. Con bé đi buôn lậu sợ công an tóm, ngủ nhờ lại trên xe ngựa. Nửa đêm hắn bốc máu làm liều. Cô nương chỉ ú ớ gọi là, về sau thích mê, đi chuyến hàng nào cũng tạt vào nhà hắn. Có sao đâu? Đàn bà chỉ làm bộ giữ gìn, chứ đứa nào cũng một duộc... Hắn lại đứng im không thở, da sởn gai, đầu bốc cháy.
Tiếng chân lội nước róc rách. Người đàn bà bước lên bờ. Thân thể rõ dần từng nét, từng nét, đến sát bụi cây, trước mặt Chánh có ba thước.
Chánh gầm một tiếng trong cổ họng, không ra đến mồm. Hai chân hắn đi tới như cái máy, hai tay vờn như đấu quyền.
Pha giật mình, rú lên: “Cứu tôi…”. Bàn tay lập cập bịt miệng Pha. Xác người to khỏe như trâu điên quật Pha xuống. Pha cắn, đạp, cấu xé. Tay pha chới với chạm con dao. Không đôi hồi, Pha nắm giữa lưỡi dao, chém bừa một nhát.
Chánh bật người lên, nhảy lùi. Máu ròng ròng trên bắp tay hắn. Pha vơ cái áo che mình, run, thở. Thằng kia biến mất, Pha còn run.
Máu loang trên lưỡi dao. Pha bưng mặt, nhưng vẫn thấy máu đỏ. Ghê gớm quá. Pha ngồi một lúc mới nhớ ra thằng kia là người trong đội. Sao lại thế hở trời? Pha ho rũ, khạc. Mùi tanh trong cổ họng thoảng xông lên mũi. Pha nhìn những sợi máu li ti trong bãi đờm, nhìn máu dính trên tay, suýt ngất đi.
Về đến chỗ đội nghỉ, Pha len lét ngồi xệp xuống giữa Lương và Văn Thon. Pha cầm quả vả đưa lên miệng, chợt nhớ đến máu, lợm giọng nôn thốc luôn. Thằng kia đã băng vết chém. Hắn liếc trộm anh Lương và Pha. Pha định nói cái chuyện ban nãy, nhưng thấy hắn lấm lét lại thôi. Anh Lương bắn chết hắn mất. Hắn không ác như Muôn, không phải là Pháp.
Ăn xong, đội lên đường ngay tuy đã xế chiều. Pha chen đi giữa anh Văn Thon và anh Lương như ban nãy. Chánh tụt lại cuối hàng. Đợi Khiêm vượt lên trước, hắn kéo tay Sử, nói hấp tấp:
- Đứng lại, tao bảo... Nguy mất mày ạ. Họ bắt đi như mã hồi. Ông Lương xem ngần này mạng người không bằng cái báo cáo. Rồi chết chả còn mống nào.
- Sao mày xanh thế? Ốm thì đề nghị...
- Đề nghị cái phải gió! Phần mày có thân thì liệu. Mày về đến mặt trận không bị tống giam thì chớ kể!
- Ô…
- Riêng cái tội vất đài đủ mọt gông. Tao nghe rõ ông Lương bàn với ông Văn Thon, tính kế trị mày. Bám theo đội thì chắc chết, không chết cũng về ngồi tù. Thấy chưa?
 Mồ hôi vã lấm tấm trên mang tai Sử. Sử hoảng quá, không kịp nghĩ rằng Chánh không biết tiếng Lào mà bảo nghe lỏm được Lương với Văn Thon bàn mưu. Chánh xốc lại ba lô đeo máy, hất hàm:
- Khôn hồn thì liệu chuồn cho sớm. Vào đồn hay làng vũ trang cũng được. Mày có bà con trong thành, sẵn nơi ăn học, sướng nhé.
- Đào… đào ngũ theo địch à?
- Ngốc! Ai bảo mày theo địch? Nghĩa là... là bỏ về nhà làm ăn thôi, thiết đéo gì theo ai. Mày đi học lên kỹ sư bác sĩ, sau này độc lập rồi ra giúp nước, cũng ông này ông nọ chứ đứa nào dám khinh mày? Còn hơn làm cái nghề điếc tai chai đít này mãi, rồi chết rấp trong xó rừng, phí cả cái tài mày đi. Tao thương mày tao bảo thật. Mày phới chứ?
- Ô…
Chánh thở phì. Hắn sốt ruột không chịu được. Có lẽ Pha đi phía trước đang kể tội hắn với Lương. Nguy mất!
- Không phới thì mất xác, không mất xác cũng vào tù. Chỗ sống không muốn, lại đâm đầu theo chúng nó. Đồ ngu như lợn! Tao bảo sau này hết giặc mày vẫn ra giúp nước cơ mà! Mày sợ thằng Lương hở?
Sử vụt hiểu tất cả, kinh tởm đến rùng mình:
- Đếch sợ. Ban nãy tao nghe chị Pha kêu to, thấy mày bị chém tay... Mày đểu lắm. Đừng hòng dọa tao nhé!
Mặt Chánh trắng bệch. Hắn chồm tới trước, chặn Sử:
- Mày tâu với thằng chột chưa hử?
- Chốc nữa tao nói hết...
Huỵch! Một quả đấm nện vào ngực Sử. Sử ngã ngồi, há mồm định kêu. Chánh vung ngược khẩu súng, trợn mắt:
- Câm họng, vỡ sọ bây giờ! Mày vù không!
- K… không!
Chánh túm cổ áo Sử, day Sử rũ rượi như bó giẻ rách, rít răng:
- Đ. mẹ, mặc mày, ông vù một mình! Ông vù một mình nghe chửa? Mày biết gì phải để bụng. Hót với chúng nó thì ông cho về chầu tổ!
- Mày... làm gì tao?
- Hè, ông chối biến. Bây giờ ai thèm tin thứ mày. Rồi qua chỗ vực sâu, ông hẩy một cái, thằng nào biết được đòn ngầm của ông...
Hắn huých cùi tay sang bên. Mặt hắn rúm lại, quai hàm bạnh như con rắn hổ mang. Hắn cười gằn, tiếng cười nghe buốt gân, dựng tóc.
Hai giờ sau, đằng trước đi chậm rồi dừng. Lương đứng trên tảng đá, súng ngắn cầm tay. Con mắt bên phải nhìn soi xói, như móc vào ruột, moi ngược xuôi trong người Chánh. Hắn cúi mặt, ẩy lưng Sử: “Dồn lên kìa!” Sử lạnh toát từ đầu đến chân. Cái cùi tay to và đen trũi đang kề sẵn bên sườn, cái vực sâu há mồm chờ Sử chỉ cách một bước…
Lương đợi mọi người đến đủ mới nói:
- Tất cả soát lại đồ đạc, buộc thật gọn. Cởi dép xách tay. Sắp vượt qua tỉnh lộ số 6, cách đồn nó chỉ bốn trăm thước. Nếu gặp bất trắc, đồng chí Văn Thon sẽ dẫn đội chạy thẳng, tôi và Khiêm cầm cự.
Sử đứng không vững. Hơi thở Chánh nóng ran trên gáy Sử. Con cọp vẫn rình mồi.
Lương nhắc lại lần nữa bằng tiếng Lào, cho mỗi người nhảy thử vài lượt xem đồ đạc thật gọn chưa. Mặt trời chỉ còn cách đỉnh núi nửa con sào. Bóng tối đọng dưới đáy thung lũng đang lừ lừ bò lên các sườn núi. Một tràng súng máy nổ xa, nghe rời từng tiếng một.
Con đường ô tô rải đá lọt thỏm giữa hai bức tường xanh cao ngất. Những thân cây nâu, trắng, xám xếp thành hai hàng chấn song khổng lồ. Như trong một trận đánh thành phố, từng người một vọt qua đường, đâm bổ vào rừng rậm trước mặt, biến mất. Mũi hít nhanh mùi xăng dầu khét nồng, chân giẫm lép nhép mấy bước trên mặt đá phẳng, rồi rừng lại tỏa cành lá úp chụp bóng người.
Bên kia, Văn Thon đứng đợi sẵn trong bụi rậm:
- Chạy thẳng vào, đợi nhau chỗ gốc cây to.
Sử dừng trước mặt anh, ngoái cổ nhìn ra sau. Văn Thon giẫm chân:
- Nhanh lên, địch đến lại lạc bây giờ!
Sử đến chỗ tập trung, hổn hển:
- Anh Lương coi chừng... Chánh đào ngũ...
Lương đứng ngây một loáng, vụt chạy ào trở ra đường. Văn Thon hỏi ngay:
- Chánh đến chưa?
Lương biến sắc mặt, hộc tốc phóng sang bên kia đường. Cái ba lô đựng máy và khẩu súng trường Anh của Chánh nằm trên cỏ. Lương quát Khiêm đeo ba lô. Thấy Lương xách súng lao vút trên đường lớn về phía đồn, Văn Thon và Khiêm đâm bổ theo.
 Rừng kéo dài một quãng ngắn, rồi tụt về sau. Trước mắt Lương là quãng đồi trọc đổ xuống suối. Đồn địch sừng sững trên đỉnh đồi bên kia, một hàng lỗ châu mai hau háu nhìn sang. Một bóng người tất tả chạy xuống chiếc cầu bắc qua suối. Lương tạt vào rừng, lên đạn đánh rắc, giương súng. Cái đầu ruồi nhảy nhót trong lỗ ngắm, rồi dừng lại trên lưng đứa đào ngũ. Vừa lúc ấy, một bàn tay chụp nòng súng. Viên đạn réo lên trời một tiếng mèo rít ngắn.
- Anh... anh cố giết nó sao?
Văn Thon lắp bắp. Anh hiểu rằng Chánh trốn vào đồn. Nhưng vì sao Lương phải giết hắn? Hắn đào ngũ nhưng bỏ lại súng. Nghĩa là hắn chỉ muốn thoát thân, không chống lại ta.
Lương gạt tay Văn Thon, lên đạn, ngắm. Chánh đã chạy xuống đến chân đồi, khuất biến. Lương từ từ hạ súng, nói lập cập:
- Địch tra hỏi hắn khai hết… chiến dịch hỏng… phải bịt mồm hắn, hiểu chưa? Phải bịt mồm...
Văn Thon lùi lại sau, mắt đỏ ngầu. Bóng người lại nhô trên sườn đồi bên kia suối, nhỏ tí. Lương bấm cò phát thứ hai trong khi tay còn run. Một chấm bụi tóe trên mặt đường. Trước cổng đồn, mấy tên lính địch chạy nhốn nháo. Khiêm chống các bin xướng dõng dạc như đang quan sát bắn bia:
- Chỉnh đi anh. Cự ly ba trăm, vặn lại thước ngắm cho đúng. Đường ngắm cho lên hai thước, sang phải nửa thước là vừa.
Các bin bắn xa không bảo đảm, nên Khiêm không bắn. Cái giọng tỉnh khô của Khiêm và hai phát súng vừa nổ giúp cho Lương bình tĩnh hẳn. Anh giống như người tân binh đánh trận đầu, phải nghe giọng chỉ huy và lẩy vài phát đạn mới hết hồi hộp. Chiến đấu đã trên năm mươi trận, Lương không còn cái cảm giác bụng thót lại và lạnh lưng nóng đầu trước kẻ thù. Nhưng anh đang bắn theo Chánh, cố giết một người mới ban nãy còn rót bát nước nóng đưa cho anh... Lương kê bắp tay trái lên thân cây. Chấm đen đang chạy lom khom lại từ từ chạm đầu ruồi. Khẩu súng đã chắc tay, gắn vào người anh, biến thành xương thịt của anh. Viên đạn sắp vọt ra, chính là ngón tay sắt của anh xỉa vào lưng thằng phản bội. Lương nín thở. Tất cả tan biến chung quanh Lương, chỉ còn một lỗ ngắm tròn, một đầu ruồi vuông, một hình người méo mó xộc xệch, cả ba nằm dọc theo một đường thẳng, chập vào nhau to tướng trong mắt Lương, choán hết trời đất. Anh bóp cò.
Như con đỉa đang trườn bỗng co tròn lại, cái bóng bên kia lăn lông lốc theo sườn đồi một quãng. Rồi hai tay, hai chân duỗi ra, ngó ngoáy. Hắn cố bò lên đồn. Hai viên đạn nữa xuyên qua bụng, qua sọ. Cái xác nằm vắt ngang đường. Con đỉa bị đóng đinh căng giữa sân.
Súng trên đồn nổ ran. Mấy loạt súng máy chém cây rần rật trên đầu Lương. Đạn đại bác 75 ly hú dài. Lương đi lảo đảo, vác khẩu súng trường rỗng trên vai, không nghe gì thấy gì. Từng đường gân thớ thịt đau buốt. Chưa bao giờ anh thấm mệt như lúc này.
Đội xuyên sâu vào rừng tránh địch. Dưới đường, ô tô và xe bọc sắt đổ ra sục sạo. Bóng đêm đã tỏa lên trùm các ngọn cây. Các bụi rậm vươn móng nhọn quều quào móc áo người, níu lại. Đèn bấm trong tay Văn Thon quét ánh xanh, soi con dao phát đường. Đến gần nửa đêm, đội mới dừng bên một vũng nước.
Lương ngồi gác cho đội ngủ.
Anh nghe tiếng ngáy phì phò cạnh mình, lại nhớ những đêm đắp chung chăn rủ rỉ với Chánh, những lúc Chánh tập cho anh đi quyền. Trong tổ Đảng, Lương được giao giúp đỡ Chánh. Rồi đến nay chính tay Lương bắn chết Chánh mà không biết vì sao hắn đào ngũ. Thương xót, hối hận, tủi nhục cùng một lúc đè lên ngực Lương. Anh giật tung cổ áo, vẫn thấy khó thở.
- Anh để tôi gác thay. Gớm, càng đói càng buồn ngủ tợn.
Khiêm dụi mắt; ngáp dài. Lương vẫn ngồi im như anh không biết Khiêm đến. Khiêm lay vai anh: “Vào chợp một lúc đi anh”. Lương từ từ ngẩng mật. Con mắt phải sáng lóng lánh, hơi ướt. Anh nói chậm, nói một mình:
- Đúng, phải bắn chết nó. Mình tồi thật. Nó mất tinh thần mà không biết. Để cái nhọt sưng tấy lên rồi mới khoét thịt…
Khiêm lại ngáp. Nghĩ một lúc, Khiêm bàn góp:
- Tồi gì. Nó chịu khổ không nổi, nó cút. Chỉnh huấn mười ngày rồi, bạn thù bè bè ra đấy, nó chạy theo địch tức như nó là địch anh ạ.
- Không, mình chỉ nói về phần mình...
- Hừ, cán bộ chứ có phải vú em?
Lương sực nhớ đến vẻ hốt hoảng của Sử ban chiều: “Coi chừng... Chánh đào ngũ...”. Ừ lạ, sao Sử biết trước mà không nói? Lương dò dẫm đến chỗ cậu hiệu thính viên ngủ. Anh đặt tay lên vai Sử định lay, lại rụt về. Thôi để lúc khác.
Lương nằm xuống ổ lá của Khiêm, nhắm mắt, ngáy một lúc để buộc mình ngủ. Rồi anh lật nghiêng người, thì thầm như có Chánh nằm bên mình:
- Chánh ơi, sao mày ngu thế? Mày còn khỏe gấp mấy tao, sao mày trốn? Giá tao chặt một cánh tay cho mày sống, tao cũng chặt ngay. Sao mày ngu thế Chánh ơi?
Một giờ sau, Lương gác thay cho Khiêm đến sáng, không gọi người khác. Lương có một gói thuốc lá thơm định mang về cho bạn. Từ ngày vào trinh sát anh đã cai thuốc lá, sợ có mùi lạ khó vào đồn. Suốt đêm ấy, một đốm lửa cháy lập lòe chỗ Lương ngồi. Sáng hôm sau, mắt Lương thâm và trũng hẳn đi, mấy đầu ngón tay anh sém vàng khói thuốc.