Chương 13

    
uổi sáng hôm đó sẽ diễn ra lễ truy điệu chính thức cho những người xấu số. Web dậy sớm, tắm rửa, cạo râu, và diện bộ complet đẹp nhất của mình. Đây là lúc để bày tỏ lòng thương tiếc và kính trọng đối với những người bạn của anh, vậy mà tất cả những gì Web muốn làm là bỏ chạy như một thằng điên.
Web vẫn chưa nói gì với Bates về điều anh đã khám phá ra từ Romano và Cortez, cũng như việc anh tìm đến nhà Kevin. Web cũng không biết chắc tại sao anh lại không làm như vậy, chỉ có điều anh không cảm thấy tin cậy bất kỳ ai, và bởi vì chắc chắn Bates sẽ xạc cho anh một trận vì dám can thiệp vào cuộc điều tra của anh ta. Web biết Bates đã xác định thằng bé đó là Kevin Westbrook, có nghĩa là thằng nhóc đó đã khai với anh ta như vậy, hoặc Bates biết điều này qua Romano và Cortez nếu như thằng bé đã biến mất trước khi Bates đến hiện trường. Web sẽ phải xác định xem chuyện cụ thể là thế nào. Nếu Bates đã nhìn thấy thằng bé kia, thì khi anh ta nhận bức ảnh từ tay bà già chắc chắn anh ta sẽ phải nhận thấy là trong vụ này có đến hai thằng bé.
Vậy là Web đã đưa cho thằng bé có một vết sẹo trên má một mảnh giấy để nó mang đến cho những đồng đội HRT của mình, thằng bé nói với Web tên nó là Kevin. Tờ giấy đã được chuyển đi, nhưng rõ ràng là người chuyển không còn là thằng bé mà Web đã đưa tờ giấy lúc đầu. Điều đó có nghĩa là giữa lúc anh đưa cho thằng bé tự xưng là Kevin mảnh giấy và lúc mảnh giấy được chuyển đến tay người nhận đã có sự đánh tráo thằng bé này với thằng bé khác. Điều này chỉ có thể xảy ra trong con hẻm giữa nơi Web đứng và vị trí của đơn vị HRT đang tiến vào. Khoảng cách không quá xa, nhưng cũng đủ để tiến hành đánh tráo, vậy là đã có người khác trốn ở đâu đó trong con hẻm, chờ đợi chuyện này xảy ra. Và có lẽ còn chờ đợi rất nhiều chuyện khác xảy ra nữa kia.
Liệu việc Kevin đi xuống con hẻm đó có được lên kế hoạch từ trước không? Liệu có phải nó đang làm việc cho anh trai mình Big F? Phải chăng nhiệm vụ của nó là ra kiểm tra xem có ai còn sống không? Và nó đã chắc mẩm là sẽ không còn ai? Và khi nó phát hiện thấy Web còn sống, điều đó đã làm đảo lộn kế hoạch của một kẻ nào đó? Nhưng cái kế hoạch đó là thế quái nào mới được chứ? Và tại sao lại phải tráo thằng bé này bằng một thằng bé khác? Tại sao thằng Kevin giả lại nói dối và khẳng định rằng Web là kẻ hèn nhát? Và ai là người mặc complet tự xưng là đặc vụ đã đưa thằng bé thay thế đi? Bates đã rất kín tiếng về việc để mất dấu thằng bé. Liệu tay mặc complet mà Romano nói chuyện có đúng là đặc vụ FBI không? Nếu không, tại sao một kẻ mạo danh có thể xuất hiện với đầy đủ phù hiệu, và sự bạo dạn quá ấn tượng nên có thể dễ dàng đánh lừa Romano và Cortez để rồi mất hút cùng thằng bé cũng là đồ mạo danh nốt? Tất cả thật là điên đầu, và trong lòng Web lúc nào chỉ toàn là những mối hoài nghi, do đó việc quay sang Bates để tìm câu trả lời và chia sẻ thông tin hoàn toàn không có vị trí ưu tiên trong danh sách hành động của anh.
Anh đỗ chiếc Mach One gần sát nhà thờ, ít nhất thì cũng ở mức độ gần nhất có thể. Đã có rất nhiều xe đậu sẵn xung quanh trong khi bãi đỗ xe cũng khá hạn chế. Nhà thờ là một công trình bằng đá nguyên khối trông u ám, được xây dựng từ cuối thế kỷ mười chín, vào thời kỳ mà những điều răn trong kiến trúc nhà thờ là “Ngôi nhà thờ của các ngươi phải có nhiều tháp nhỏ, hàng lan can, những cây cột Ionia ([35]), những trán tường đứt gãy, mái vòm, đầu hồi, cửa chính, cửa sổ, và vòng xoắn trang trí nhiều hơn nhà người hàng xóm.” Chính tại ngôi nhà thờ thiêng liêng này, các đời Tổng thống các Chánh án Tòa án tối cao, nghị sĩ, đại sứ và nhiều nhân vật danh giá khác đủ mọi cấp độ đã cầu nguyện, hát thánh ca, và thỉnh thoảng còn xưng tội.
Các chính trị gia thường thích được chụp ảnh hoặc quay phim trong tư thế đang lên xuống những bậc thềm này, cuốn Kinh Thánh trên tay với vẻ mặt của một người biết kính sợ Chúa trời. Mặc dù có sự tách biệt rõ ràng giữa nhà thờ và chính trị tại Mỹ, Web vẫn luôn tin rằng các cử tri thích nhìn thấy những chính trị gia mà họ bầu lên thể hiện lòng mộ đạo. Chưa đội viên HRT nào từng đi lễ ở nhà thờ này, nhưng giới con buôn chính trị vẫn phải dựng lên một sân khấu hoành tráng để bày tỏ lời chia buồn của mình. Trong khi ngôi nhà nguyện nhỏ trong rừng gần Quantico, nơi một vài thành viên trong đội Charlie trước kia thường tới cầu nguyện thì lại phải đóng cửa im ỉm.
Bầu trời trong xanh không một gợn mây, mặt trời tỏa ánh nắng ấm áp. Thi thoảng lại có một làn gió nhẹ thổi đến thật thư thái và dễ chịu. Web có cảm giác đó là một buổi chiều quá đẹp trời cho một nghi lễ nặng nề như buổi truy điệu hôm nay. Nhưng anh vẫn lặng lẽ bước lên những bậc thềm nhà thờ, mỗi tiếng lộp cộp mà đôi giày đen bóng của anh nện trên mặt đá lại nghe giống như tiếng xoay nòng của khẩu súng máy, một ổ đạn, một viên đạn, một mạng sống bị tước đoạt. Web tự nhủ có lẽ chỉ có những người suốt đời chung sống với bạo lực như anh mới có kiểu liên hệ và so sánh kỳ cục như thế. Ở đâu người khác nhìn thấy hy vọng, anh lại chỉ chứng kiến những vết lở loét đầy máu mủ của nhân loại đang thối tha băng hoại dần. Lạy Chúa, với thái độ yếm thế như thế này, chẳng trách anh không bao giờ được mời đi dự tiệc.
Các nhân viên Mật vụ có mặt khắp mọi nơi, bao súng đeo dưới nách, nét mặt lạnh như tiền, trên tai gắn những thiết bị liên lạc xoăn tít. Web phải đi qua một cổng kiểm tra kim loại trước khi vào trong nhà thờ. Anh giơ súng và phù hiệu FBI của mình ra cho bên Mật vụ biết rằng cách duy nhất để chia lìa anh và khẩu súng của mình là phải bước qua xác anh.
Vừa mở cửa, Web đã gần như lọt thỏm vào giữa một đám đông hỗn loạn đang đứng đông chật cứng trong nhà thờ. Anh đành phải dùng đến chiến thuật bất đắc dĩ là giơ cao tấm phù hiệu FBI của mình và xô đẩy để tiến lên, đám đông rẽ sang hai bên nhường đường cho anh đi qua. Ở một góc nhà thờ là một đội phóng viên quay phim đã lắp đặt xong thiết bị và đang truyền hình trực tiếp toàn bộ buổi lễ. Thằng điên nào cho phép làm việc này? Web tự hỏi. Và chính ra thì thằng điên nào nảy ra ý tưởng mời cả cái lũ lau nhau chết tiệt này đến tham dự một buổi lễ lẽ ra cần được tổ chức thật đơn giản và trang trọng? Vậy ra đây là cách những người còn sống tưởng nhớ những người đã khuất, trong một rạp xiếc tạp nham.
Với sự giúp đỡ của một số đồng nghiệp, Web chen mãi mới vào được một hàng ghế dài và đứng đó quan sát xung quanh. Các gia đình của những người đã khuất được bố trí ngồi trên hai hàng ghế đầu. Web cúi đầu cầu nguyện lần lượt cho từng đồng đội của mình, nhưng lâu nhất vẫn là những lời cầu nguyện dành cho Teddy Riner, người thầy của Web, một đặc vụ lão luyện, một người cha tuyệt vời, và một con người chân chính.
Web không kìm nổi những giọt nước mắt khi anh nhận ra rằng anh đã mất mát quá nhiều chỉ trong vài giây địa ngục đó. Nhưng khi ngẩng đầu lên và nhìn gia đình của những người đã khuất đang ngồi trước mặt mình, anh biết rằng những mất mát của anh vẫn không thấm vào đâu so với những con người này.
Sự thật phũ phàng đó được thể hiện trước hết qua những đứa trẻ. Web có thể nghe thấy những tiếng khóc xé lòng dành cho người cha đã ra đi vĩnh viễn. Cùng với đó là tiếng nức nở và gào khóc đến khản tiếng kéo dài suốt giữa những bài phát hiểu lê thê, từ những lời sáo rỗng và giả dối của các chính trị và và linh mục, những kẻ chưa bao giờ gặp những con người mà họ đang ca tụng.
Họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, Web muốn đứng dậy và nói thật khẽ khàng. Họ đã chết để bảo vệ tất cả chúng ta. Đừng bao giờ lãng quên họ, vì bản thân họ cũng đã trở thành những biểu tượng không thể nào quên. Hết màn tưởng niệm, Amen. Đi nhậu thôi nào!
Cuối cùng thì buổi lễ tưởng niệm cũng xong, toàn bộ cử tọa đều đồng thanh thở phào nhẹ nhõm. Trên đường ra ngoài, Web nói chuyện với Debbie Riner, và nói vài lời an ủi với Cynde Plummer, Carol Garcia. Trao và nhận những cái ôm chia sẻ, những cái vỗ vai đầy thông cảm với vài người khác. Anh ngồi thụp xuống nói chuyện với những đứa bé mất cha, ôm chặt những sinh linh bé bỏng đang run rẩy đó trong lòng mình mà không muốn rời chúng ra. Sự gần gũi thể chất đó làm Web chỉ muốn khóc òa lên. Xưa nay anh đâu phải là người mau nước mắt, vậy mà chỉ trong vòng một tuần vừa rồi anh khóc nhiều hơn cả quãng đời trước đây dồn lại. Nhìn những đứa trẻ bất hạnh này anh chỉ muốn chết đi cho nhẹ lòng.
Ai đó vỗ lên vai anh. Web đứng dậy và quay người lại, anh cứ đinh ninh anh sẽ an ủi và động viên một người đang đau đớn vì mất người thân. Tuy nhiên, người phụ nữ đang chằm chằm ném vào anh cái nhìn nảy lửa, trông cô ta không hề có vẻ gì là cần đến sự cảm thông của Web.
Julie Patterson, người vợ góa của Lou Patterson. Cô ta đã có bốn đứa con và đang mang thai đứa thứ năm nhưng đã bị sảy thai chỉ sau ba tiếng đồng hồ cô biết tin mình đã trở thành góa bụa và một mình nuôi con. Chì cần nhìn vào đôi mắt đờ đẫn là Web đã nhận ra người phụ nữ này đang chịu ảnh hưởng của một loại thuốc an thần nào đó, cầu trời đó là thuốc do bác sĩ kê đơn. Và Web cũng ngửi thấy cả mùi rượu nồng nặc. Rượu và thuốc an thần có vẻ không phải là món kết hợp lý tưởng cho một ngày quan trọng như hôm nay. Trong số tất cả những người vợ của đồng đội mình, Web ít gần gũi nhất với Julie, vì chồng cô ta là Lou Patterson vẫn yêu quý Web như một người anh trai và Web có thể dễ dàng nhận ra là Julie ghen với mối quan hệ đặc biệt đó.
“Anh thực sự nghĩ là anh nên có mặt ở đây sao Web?” Julia nói. Cô ta  đang lảo đảo không vững trên đôi guốc cao gót màu đen ánh mắt đờ đẫn không thể tập trung vào người đối diện, giọng nói lè nhè, méo mó, lưới như ríu lại, chưa nói xong từ này đã chuẩn bị nói từ khác. Mặt cô sưng húp, làn da xám xịt nhưng lỗ chỗ những vết đỏ bầm. Cái thai vừa bị sảy vẫn còn rất nhỏ nên bụng cô còn chưa phồng hẳn lên. Mất mát này càng làm khoét sâu thêm vào nỗi đau của người phụ nữ bất hạnh. Lẽ ra giờ này cô phải nằm nghỉ trong thương và Web tự hỏi tại sao cô lại cố đến đây làm gì. “Julie, chúng ta ra ngoài kia nhé, cô sẽ thấy dễ chịu hơn. Đi nào, để tôi giúp cô.”
“Tránh xa tôi ra, đồ khốn kiếp!” Julie hét toáng lên the thé khiến tất cả những người đi cách họ hơn chục mét cũng nghe thấy, họ đứng khựng lại và tò mò nhìn. Cả nhóm truyền hình cũng nhìn thấy cảnh này, và cả tay camera lẫn tay phóng viên đều thấy đây là một mỏ vàng cần khai thác.
Ống kính máy quay vội lia về phía Web, còn tay phóng viên hộc tốc chạy lại gần.
“Julie, chúng ta hãy ra ngoài kia đã.” Web khẽ nói. Anh nhẹ nhàng đặt tay lên vai cô.
“Tôi không đi đâu với anh hết, đồ khốn nạn?” Cô giằng tay anh ra. Và anh phải kêu lên vì đau, rụt bàn tay bị thương lại sát người. Những ngón tay nhọn hoắt của Julie đã bập sâu vào vết thương, làm tung cả chỉ khâu, tóe máu.
“Đúng là gai mồng tơi đâm, tay mày bị thương nặng thế cơ à, đồ chó đẻ vô lương tâm kia? Đồ quái thai với khuôn mặt Frankenstein? Tại sao mẹ mày có thể chịu nổi khi nhìn mày cơ chứ? Đồ quái vật, chính mày đấy!”
Cynde và Debbie cố dỗ dành, an ủi cô ta, nhưng Julie vẫn xô họ ra và nhảy chồm chồm trước mặt Web. “Mày đã run sợ trước khi súng nổ. Chỉ có mày mới không biết tại sao phải không? Rồi mày ngã xuống à? Mày nghĩ chúng tao sẽ tin chuyện vớ vẩn đó hay sao!”
Hơi thở của cô nồng nặc mùi rượu khiến Web phải nhắm nghiền mắt chịu trận, anh cảm thấy lảo đảo và choáng váng như sắp ngã đến nơi.
“Đồ hèn nhát. Mày đã để mặc cho họ chết! Mày nhận được bao nhiêu? Chúng trả mày bao nhiêu tiền cho máu của Lou, đồ khốn kiếp?”
“Cô Patterson.”
Đó là tiếng Percy Bates, anh đã đến sát chỗ hai người. “Julie,” anh nhẹ nhàng nói, “Chúng ta hãy ra xe thôi trước khi đường tắc. Tôi đã tập trung bọn trẻ ở đây rồi.”
Môi Julie run run khi nghe nhắc đến những đứa con.
“Bao nhiêu tất cả?”
Bates nghe mà bối rối không hiểu.
“Có bao nhiêu đứa trẻ tất cả'?” Julia hỏi lại, cô vẫn đứng yên, một tay lần xuống chiếc bụng rỗng không của mình, nước mắt nhỏ xuống thấm ướt cả vạt váy đen trước ngực.
Julia lại nhìn Web, môi mím lại, đanh ác. “Lẽ ra tao có năm đứa con tất cả. Tao đã có năm đứa con và một người chồng. Giờ thì chỉ còn bốn đứa, và không còn Lou nữa. Lou của tao đã mất rồi. Con tao cũng mất rồi, quỷ bắt mày đi! Tao nguyền rủa mày.”
Giọng cô ta lại lạc đi, the thé đến chói tai. Bàn tay điên cuồng xoa trên bụng: như thể cố xoa một cây đèn thần, với hy vọng vị thần đèn sẽ đưa chồng và con cô quay lại.
Ống kính máy quay đã ghi lại toàn bộ cảnh đó. Tay phóng viên đang ghi chép lia lịa.
 “Tôi rất tiếc, Julie. Tôi đã làm tất cả những gì có thể”. Web cay đắng nói.
Julie chợt ngừng xoa bụng và ngẩng lên nhổ toẹt vào mặt anh. “Đó là cho Lou.” Cô ta lại nhổ thêm lần nữa. “Đó là cho con tao. Cút xuống địa ngục đi! Quỷ tha ma bắt mày đi, Web London.” Cô ta tát vào mặt anh, đúng vào bên má bị thương. Tát xong cô ta cũng lảo đảo suýt ngã. “Còn đó là cho tao, đồ chó chết! Mày... mày là đồ quái vật. Julie như kiệt sức sau cơn điên khùng. Bates phải nhanh tay đỡ lấy trước khi cô ta ngã lăn ra sàn nhà. Họ đưa cô ra ngoài. Đám đông bắt đầu tản ra thành những nhóm nhỏ và thì thào bàn tán. Nhiều người còn công khai ném cho Web những cái nhìn giận dữ.
Web vẫn đứng yên bất động. Anh thậm chí còn không buồn lau hết nước bọt của Julie trên mặt mình. Vết tay của cô ta còn đỏ bầm trên má anh. Web đã bị gọi là đồ quái vật hèn nhát, một kẻ phản bội. Nếu có thể chắc Julie Patterson cũng không ngần ngại gì mà không cắt đầu anh mang đi rồi. Web sẵn sàng giết chết bất kỳ người đàn ông nào dám nói những điều đó trước mặt anh. Nhưng Julie là một người phụ nữ mất chồng, một người mẹ bất hạnh, cơn giận dữ của cô ta là hoàn toàn dễ hiểu. Nếu có giết ai thì lúc này anh chỉ muốn giết chính mình để giải thoát khỏi nỗi nhục nhã này. Tất cả những gì cô ta vừa nói đều không phải là sự thật. Nhưng Web cũng còn biết nói gì để thanh minh cho mình nữa?
“Thưa ông, ông có phải là Web, Web London không ạ?”
Người phóng viên đã đến bên cạnh anh. “Mong ông hiểu cho, tôi biết đây là thời điểm không thích hợp, nhưng tin tức thì không thể chờ đợi được; ông có vui lòng trả lời phỏng vấn của chúng tôi được không?” Web lặng thinh không đáp.
“Thôi nào,” người phóng viên nài nỉ, “Chỉ mất một phút thôi, chúng tôi có vài câu hỏi.”
“Không,” Web lạnh lùng đáp rồi dợm bước bỏ đi. Đến lúc đó anh vẫn không chắc chắn là anh có còn cử động được không nữa.
“Nghe này, chúng tôi cũng sẽ phỏng vấn cả người phụ nữ đó nữa. Và ông không muốn công chúng chỉ nghe câu chuyện từ phía bà ấy thôi đúng không? Tôi đang tạo cho ông cơ hội để giãi bày câu chuyện của mình. Thế mới công bằng.”
Web quay phắt lại và chộp lấy cánh tay người phóng viên. “Sẽ không có 'phía' nào hết. Và anh hãy để cho người phụ nữ đó được yên. Cô ấy đã phải chịu đựng quá đủ rồi. Anh hãy để cho cô ấy yên. Tránh xa cô ấy ra! Anh hiểu tôi chứ?”
“Chỉ làm công việc của mình thôi mà.” Người phóng viên nhẹ nhàng gỡ tay Web ra khỏi người mình. Anh ta quay sang nhìn người quay phim. Tuyệt cú mèo, đó là ý nghĩ hiện lên trong đầu cả hai.
Web bước ra khỏi cửa và nhanh chóng bỏ lại phía sau ngôi nhà thờ của những người nổi tiếng và giàu có. Anh trèo lên chiếc Mach One, nổ máy và bỏ đi. Anh vừa lái xe vừa giật tung chiếc cà vạt trên cổ, kiểm tra trong ví xem còn chút tiền nào không, sau đó anh dừng xe trước một cửa hàng rượu, mua hai chai vang Chianti rẻ tiền và một hộp sáu chai bia Negra Modelo.
Web lái thẳng xe về nhà, khóa chặt tất cả cửa rả, kéo toàn bộ rèm cứa sổ xuống kín mít. Anh vào nhà tắm, bật điện lên và chăm chú nhìn mặt mình trong gương. Da trên phần mặt bên phải của anh hơi rám nắng, khá nhẵn nhụi, một vài sợi râu mà lưỡi dao cạo của anh còn để sót lại sáng nay. Một bên da rất ổn, không tệ chút nào. “Bên da.” Đó là cách gọi của anh cho từng bên mặt của mình. Đã lâu lắm rồi và không ai còn nhớ đến khuôn mặt rất đẹp trai và đàn ông của anh ngày nào. Julie Patterson động đến khuôn mặt nhăn nhúm trong hiện tại của anh thì cũng được thôi. Nhưng Frankenstein ư? So sánh mới mẻ đây, Julie. Bây giờ nghĩ lại. anh không còn cảm thấy thông cảm cho cô ta nữa. Lẽ ra cô đã mất Lou từ lâu rồi nếu cái thằng Frankenstein này không làm cái việc khiến nó mất bay nửa mặt. Cô đã quên rồi sao? Tôi thì không. Julie ạ. Ngày nào tôi cũng nhìn thấy nó.
Anh từ từ quay nghiêng qua một bên để nhìn trọn vẹn phần mặt bên trái của mình. Bên này chẳng có sợi râu nào hết, và phần da cũng không bao giờ thực sự rám nắng. Các bác sĩ đã nói điều có thể sẽ xảy ra. Nhưng cuối cùng vẫn không ăn thua gì cả. Nhiều lúc, mỗi khi anh muốn cười phá lên hoặc mỉm cười thật tự nhiên, nhưng cũng không được vì phần mặt bên này của anh nhất định không chịu hợp tác, cứ như thể nó muốn bảo anh thôi đi, đồ điên ạ, hãy xem anh làm gì với tôi đây này? Và vết thương khủng khiếp đó còn ăn lên cả rìa mắt khiến cả hốc mắt bị kéo lên gần thái dương hơn bình thường. Trước khi phẫu thuật, trông gương mặt anh méo xệch, thảm hại. Bây giờ đã khá hơn nhiều nhưng hai bên khuôn mặt anh không bao giờ còn vẻ cân đối, hài hòa như trước kia nữa.
Bên dưới lớp da ghép là những khung đỡ bằng nhựa và kim loại  thay thế cho phần xương đã nát vụn. Lần nào những miếng than trong mặt cũng khiến anh bị ách lại mỗi khi đi qua máy dò kim loại ở sân bay. Đừng lo, chả là khẩu AK-47 tôi nhét dưới mông ấy mà.
Web đã phải trải qua không biết bao nhiêu ca phẫu thuật mới có được khuôn mặt coi tạm tạm như thế này. Các bác sĩ đã làm rất tốt. Mặc dù từ giờ đến hết đời người ta vẫn nhận ra khuôn mặt méo mó của anh. Cuối cùng thì các bác sĩ phẫu thuật cũng phải tuyên bố rằng họ đã dùng hết võ và chúc anh mạnh khỏe. Mọi chuyện hóa ra khó khăn hơn anh tưởng rất nhiều, và đến tận lúc này anh vẫn chưa thể nói rằng mình đã chấp nhận hoàn toàn khuôn mặt mới. Đó không phải là điều con người ta có thể quên được, vì hàng ngày mỗi lần nhìn vào gương anh lại nhận ra sự thật phũ phàng trên khuôn mặt mình.  Anh rướn cổ lên một chút, kéo trật cổ áo sơ mi xuống và vết thương cũ trên cổ lộ hẳn ra. Viên đạn đã bắn đúng phía trên mép áo giáp. Cho đến bây giờ anh vẫn không hiểu phép màu nào đã khiến nó không xuyên trúng các động mạch và xương sống của mình. Vết thương trông như một vết bỏng xì gà, một vết bỏng xì gà to tổ chảng trên da; anh đã nói đùa như vậy khi nằm trên giường bệnh viện, với một bên mặt đã bay mất và hai lỗ thủng toang hoác trên người. Và tất cả những đồng đội đến thăm đã cười cùng anh, nhưng anh có thể cảm thấy sự lo lắng trong những tiếng cười  gượng gạo đó. Tất cả đều tin chắc là anh sẽ qua được, chính anh cũng tin như vậy. Nhưng không ai trong số đó hình dung được những cơn ác mộng thể xác và tinh thần nào nằm dưới lớp băng đẫm máu này. Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ đã đề nghị xóa đi những vết đạn. Nhưng Web nói không. Anh đã chịu đựng quá đủ việc các bác sĩ lấy phần da chỗ này của anh để đắp điếm cho chỗ khác. Cứ để nguyên như thế này cho đến già cũng chẳng sao.
Anh lần tay xuống ngực, nơi “vết bỏng xì gà” thứ hai vẫn còn nguyên vẹn, như mới vừa liền miệng. Viên đạn đã xuyên từ đằng trước qua đằng sau vai, xuyên qua cả hai lớp áo giáp Kevlar. và vẫn còn đủ sức công phá để làm vỡ sọ một tên đứng sau anh đang vung dao rựa lên bửa xuống đầu anh. Và ai dám bảo là anh không may mắn chứ? Web mỉm cười với mình trong gương. “May mắn đến thế là cùng,” anh giễu cợt bóng mình trong gương.
HRT vẫn luôn tuyên dương Web với những lời lẽ tốt đẹp nhất vì sự anh hùng mà anh đã thể hiện đêm hôm đó. Đó là vụ giải cứu con tin trong trường học ở Richmond, do bọn Hội Tự Do gây nên. Web vừa được chuyển sang lực lượng đột kích từ đội xạ thủ bắn tỉa nên đang rất hăng hái, muốn được chứng tỏ lòng can đảm của mình trên tuyến đầu. Vụ nổ đã xảy ra từ quả bom xăng tự chế mà một trong những tên trong Hội Tự Do đã ném. Chắc chắn Lou Patterson đã lĩnh trọn nếu Web không nhảy lên và xô anh ta ngã lăn qua một bên. Quả bom xăng đã lao thẳng vào bên mặt trái của Web, xô anh ngã ra sàn và làm chảy cả lớp mặt nạ bảo vệ ăn thẳng lên da. Anh đã giật tung lớp mặt nạ bảo vệ cùng với cả một mảng mặt và tiếp tục chiến đấu, sự say máu khi giao tranh là điều duy nhất khiến anh chịu đựng được cơn đau khủng khiếp đến phát ngất.
Bọn Hội Tự Do đã nổ súng và Web lĩnh trọn một viên đạn xuyên qua người, viên thứ hai ghim vào cổ anh. Nhiều người vô tội nữa sẽ chết nếu không nhờ những gì Web làm sau khi dính đạn. Thay vì hạ gục anh, những phát đạn đó lại như tiếp cho Web thêm sức mạnh để anh tiếp tục chiến đấu như một con hổ bị thương, giết gần hết những kẻ tìm cách giết anh và đồng đội! Anh đã kêu những đồng đội bị thương đến nơi an toàn, kể cả anh chàng Lon Patterson bị một phát đạn xuyên qua cánh tay ngay sau khi Web cứu anh ta khỏi chai bom xăng. Những hành động mà Web thể hiện đêm đó đã vượt xa những gì anh làm trong mảnh sân đó; vì lần đó anh đã bị thương nặng, chứ không chỉ là vết xước dùng băng dính như lần này. Cả ma cũ và lính mới ở HRT đều coi Web như một huyền thoại. Và ở một tổ chức gồm toàn những người đàn ông tinh túy và thiện chiến nhất như HRT, không còn cách nào khác để nâng tầm bản thân lên hàng bề trên tốt hơn là thể hiện sự quả cảm và khả năng của mình giữa chốn giao tranh ác liệt nhất. Trong khi tất cả những gì anh phải trả giá chỉ là vài vết sẹo xoàng và phần lớn lượng máu trong người.
Web thậm chí còn không nhớ cảm giác đau đớn lúc đó. Nhưng khi bắn xong viên đạn cuối cùng, và hạ xong đối thủ cuối cùng, anh cũng đổ gục xuống sàn nhà. Anh đã chạm vào vết thương toang hoác trên mặt và cảm nhận được máu đang mang theo sự sống chảy tràn ra khỏi người anh từ hai vết thương khác, và Web biết cuối cùng thì cũng đến lượt anh chết.
Trên xe cấp cứu, Web đã chìm vào tình trạng hôn mê sâu. Đến khi được chuyển đến cho các bác sĩ của Đại học Y Virginia, Web đã bắt đầu chết lâm sàng. Không ai biết tại sao đêm đó anh lại tỉnh lại, tất nhiên Web lại càng không biết. Có điều là mặc dù chưa bao giờ là người ngoan đạo nhưng trước đó Web đã bắt đầu mơ màng nghĩ đến những điều như Chúa trời và phép lạ.
Quá trình hồi phục là điều đau đớn nhất mà Web từng phải trải qua trong đời. Dù có là một anh hùng, cũng chẳng có gì bảo đảm rằng anh còn khả năng để quay lại HRT. Nếu như anh không thể tt rằng giờ này ông đang vào nhà rồi. Thế thì là điện thoại của văn phòng. Và nếu là điện thoại của văn phòng thì nhất định phải là chuyện quan trọng, sẽ khiến ông mất cả buổi tối, hoặc thậm chí là quay xe lại thành phố cũng nên.
Ông rút điện thoại ra và nhận thấy là trên màn hình không hiện số người gọi, ông đã nghĩ đến chuyện thôi không nghe máy nữa. Nhưng Fred Watkins không phải người như vậy. Biết đâu có chuyện quan trọng thì sao, nhưng cũng có thể ai đó gọi nhầm số. Thôi được rồi, coi như là không có bữa thịt nướng tối nay nữa, ông vừa nghĩ vừa bấm phím nghe máy, sẵn sàng chấp nhận tất cả những tin xấu nhất.

°
Người ta tìm thấy phần còn lại của Fred Watkins trong bụi cây nhà người hàng xóm bên kia đường, sau khi vụ nổ làm nhà ông nát vụn và bắn xác ông qua đó. Đúng lúc ông nhấn nút trả lời thì một tia lửa điện li ti trong điện thoại của ông đã làm nổ bùng khí gas đã đặc quánh trong nhà ông. Rất khó để Watkins có thể phát hiện ra mùi gas vì mùi thịt nướng của nhà hàng xóm bên cạnh đang bốc lên thơm nức. Không hiểu sao chiếc cặp tài liệu vẫn không bị hư hỏng, vẫn còn được nắm chặt trong một bàn tay giờ thực ra chỉ còn toàn xương. Những tài liệu quý giá vẫn còn nguyên vẹn và sẽ sớm được bàn giao cho một công tố viên khác thay thế người luật sư xấu số. Người ta cũng tìm thấy thi thể của vợ và hai con ông trong đống đổ nát. Kết quả giám định pháp y cho thấy cả ba người đã chết từ trước đó vì bị ngạt thở. Phải mất bốn giờ mới dập được hoàn toàn đám cháy, hai ngôi nhà bên cạnh cũng bị bén lửa. Cũng may là không có người nào khác bị thương nặng. Chỉ có cả gia đình Watkins xấu số là không còn ai sống sót. Câu hỏi về việc ông và vợ mình sẽ tận hưởng những năm tháng nghỉ hưu như thế nào sau cả một đời làm việc vất vả cũng sẽ yên nghỉ mãi mãi cùng với họ. Người ta không gặp khó khăn nào trong việc tìm điện thoại của Watkins, vì nó đã chảy ra, dính chặt trên tay ông.
Vào thời điểm cuộc sống của Fred Watkins đang dần chấm dứt; cách đó chín mươi dặm về phía nam ở Richmond, thẩm phán Louis Leadbetter đang ngồi vào băng ghế sau của một chiếc xe công dưới sự canh gác cẩn mật của một cảnh sát tư pháp Hoa Kỳ. Leadbetter là một thẩm phán liên bang, một cương vị mà ông đảm nhiệm từ hai năm nay sau khi giữ chức vụ Chánh án tòa án lưu động Richmond. Với tuổi đời còn rất trẻ - ông mới chỉ 46 tuổi - cùng năng lực nổi bật của ông, rất nhiều nhân vật trong các vị trí quyền lực nhất đã để ý đến Leadbetter như một ứng cử viên sáng giá cho chức Chánh án Tòa án Phúc thẩm Lưu động thứ tư, và có lẽ một ngày nào đó chiếc ghế trong Tòa án Tối cao của nước Mỹ cũng sẽ thuộc về ông. Với tư cách là một vị thẩm phán trong cuộc chiến pháp lý, Leadbetter đã làm chủ tọa trong không biết bao nhiêu phiên tòa cực kỳ phức tạp, với đủ mọi cung bậc hỉ, nộ, ái ố. Nhiều kẻ bị ông tống vào tù căm hận thề có ngày lấy mạng ông. Thậm chí đã có lần ông suýt là nạn nhân của một vụ tấn công bằng bom thư, mà thủ phạm là một tổ chức kỳ thị chủng tộc cực kỳ căm ghét Leadbetter vì quan điểm sắt đá của ông rằng tất cả mọi người, bất chấp tín ngưỡng, màu da và sắc tộc đều bình đẳng trước Chúa và luật pháp. Những mối đe dọa thường trực đó đủ là lý do để người ta phải lo đến chuyện tăng cường an ninh cho Leadbetter. Và nhất là lại vừa có một động thái mới làm tăng thêm sự quan ngại về việc bảo đảm an toàn cho ông.
Vừa xảy ra một vụ vượt ngục cực kỳ táo bạo - thủ phạm là một kẻ đã từng thề sẽ trả thù Leadbetter. Nhà tù nơi giam giữ tên này cách đây rất xa và lời đe dọa cũng đã được đưa ra từ nhiều năm trước, nhưng các cơ quan chức năng vẫn không thể mạo hiểm với tính mạng của vị chánh án trẻ tuổi. Về phần mình, Leadbetter chỉ muốn cuộc sống bình thường của mình như từ trước đến nay, và việc tăng cường các biện pháp an ninh không làm ông thấy thích thú cho lắm. Tuy nhiên, sau khi chết hụt một lần, ông cũng đủ thực tế để nhận ra rằng mối đe dọa đó là hoàn toàn có thật; và ông không hề muốn chết vì tay của một kẻ rác rưởi nào đó lẽ ra đang phải thối rữa trong xà lim; thẩm phán Leadbetter sẽ không đời nào để hắn được toại nguyện.
“Có tin gì về Free không?” Ông hỏi người cảnh sát.
Đó là tên của kẻ vừa vượt ngục. Free vẫn luôn làm Leadbetter ăn không ngon ngủ không yên. Ernest B. Free. Phần họ và tên đệm viết tắt ở giữa của hắn tất nhiên không phải là tên thật. Hắn đã nộp đơn yêu cầu thay đổi họ của mình một cách hợp pháp sau khi hắn tham gia một nhóm tân bảo thủ bán vũ trang, trong đó tên của các thành viên đều được coi là biểu tượng cho cuộc đấu tranh giành tự do ([33]). Và tên gọi của nhóm cực đoan này là Hội Tự Do, điều lố bịch là ở chỗ chúng hành xử cực kỳ bạo lực và không dung thứ cho bất kỳ ai trông không giống chúng hoặc bất đồng với những tư tưởng bạo lực của hội. Rõ ràng đây là một loại tổ chức chẳng lợi lộc gì cho nước Mỹ, nhưng chúng cũng là một ví dụ nổi bật cho những loại tổ chức và nhóm hội đủ loại mà Tu chính án thứ nhất ([34]) của Hiến pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được viết ra để bảo vệ chúng. Nhưng tất nhiên là không phải khi chúng giết người. Không, không bao giờ pháp luật dung thứ cho chúng giết người. Không mảnh giấy nào, cho dù là mảnh giấy được ngưỡng vọng nhất có thể bảo vệ những kẻ reo rắc bạo lực và chết chóc.
Free và những thành viên khác của nhóm này đã đột nhập vào một trường học, bắn chết hai giáo viên và bắt giữ nhiều học sinh và cả giáo viên làm con tin. Cảnh sát địa phương đã phong tỏa ngôi trường. Một đội SWAT được huy động, nhưng Free và đồng bọn được trang bị đến tận răng bằng vũ khí tự động và cả áo giáp chống đạn. Do đó về sau người ta phải huy động cả lực lượng giải cứu con tin chuyên nghiệp của FBI từ Quantico đến. Ban đầu mọi việc diễn biến tốt đẹp, tưởng chừng như tất cả sẽ kết thúc trong hòa bình, nhưng tiếng súng đã nổ ra từ bên trong trường học và Đội Giải cứu con tin HRT đã phải vào trong. Một cuộc giao tranh dữ dội đã diễn ra. Leadbetter vẫn còn hình dung rõ mồn một hình ảnh thương tâm của một cậu bé nằm chết trên hè, cạnh xác hai giáo viên.
Tên Ernest B. Free bị thương nặng và đã phải đầu hàng sau khi đồng bọn của hắn đã bị bắn hạ.
Đã có những tranh cãi xung quanh việc tên Free sẽ được đưa ra xét xử ở tòa án của bang hay liên bang. Người ta cho rằng ngôi trường nói trên trở thành mục tiêu tấn công vì nó là hình mẫu thành công của sự hòa hợp và tăng cường quan hệ sắc tộc, trong khi quan điểm kỳ thị sắc tộc của Free đã quá rõ ràng, tuy nhiên Leadbetter đã nhận thấy là cũng khó chứng minh được lập luận này. Thứ nhất, cả ba người bị giết - hai giáo viên và một học sinh - đều là người da trắng, do đó truy tố Free theo điều luật của liên bang về tội phân biệt chủng tộc thì sẽ không đủ yếu tố vững chắc để buộc tội hắn. Và thứ hai nữa là, mặc dù về mặt danh nghĩa hoàn toàn có thể truy tố hắn vì tội tấn công người thi hành công vụ, nhưng có lẽ tốt nhất vẫn là đơn giản hóa mọi chuyện bằng cách xét xử hắn tại tòa án của bang và đề nghị án tử hình cho hắn vì tội sát hạt nhiều người. Kết quả là nằm ngoài dự kiến của tất cả mọi người.
“Không, thưa thẩm phán,” người cảnh sát trả lời làm Leadbetter giật mình thoát khỏi dòng suy tưởng. Viên cảnh sát tư pháp này đã bảo vệ Leadbetter một thời gian và hai người đã nhanh chóng xây dựng một mối quan hệ khá gần gũi. “Nếu ông đã hỏi, thì có vẻ kế hoạch của hắn là trốn xuống Mexico, rồi từ đó đi tiếp xuống Nam Mỹ. Hắn đang muốn tìm đến những phần tử Quốc xã, cùng loại người như hắn.”
“Hừ, tôi hy vọng người ta sẽ bắt được hắn và tống hắn trở lại nơi hắn phải đến.”
“Ồ, vâng, nhất định rồi. Lực lượng liên bang đang truy lùng hắn và chắc chắn họ đã lần ra manh mối.”
 “Tôi đã muốn tên khốn kiếp đó phải lĩnh án tử hình. Tội của hắn thì đáng phải nhận hình phạt đó.”
Đó là một trong những điều nuối tiếc hiếm hoi của Leadbetter trên cương vị một chánh án tòa án lưu động. Nhưng tất nhiên là luật sư bào chữa của Free đã viện lý do hắn bị tâm thần, và thậm chí còn tìm cách thuyết phục bồi thẳm đoàn rằng thân chủ của ông đã bị tẩy não khi tham gia vào “giáo phái”, ông ta gọi tổ chức của Free như thế.
Tất nhiên là tay luật sư chỉ làm công việc của mình. Và ngần ấy là đủ để làm lung lay ý chí của bên công tố. Họ không còn dám chắc là hắn sẽ nhận được một bản án xứng đáng, và thế là bên công tố đã có thỏa thuận với luật sư bào chữa của Free ngay trước khi bồi thẩm đoàn nhóm họp xong.
Thay vì án tử hình, Free chỉ phải nhận 20 năm tù cùng hy vọng là một ngày nào đó hắn sẽ được ân xá trước thời hạn. Leadbetter không đồng với thỏa thuận dàn xếp này, nhưng ông thực sự không có lựa chọn nào khác là ký vào bản án. Sau đó giới truyền thông đã tiến hành một cuộc điều tra không chính thức với bồi thẩm đoàn. Hóa ra Free thực sự là kẻ đắc lợi. Tất cả các thành viên đoàn bồi thẩm đều đã bỏ phiếu kết tội hắn và đều sẵn sàng đề nghị mức án tử hình. Báo chí đã làm um lên với kết quả đó Tất cả mọi người đều chưng hửng. Vì nhiều lý do. Free đã được chuyển đến một nhà tù được canh gác cực kỳ nghiêm ngặt ở Trung Tây.
Đó chính là nơi mà hắn vừa đào thoát.
Leadbetter xem qua lại cặp tài liệu. Xếp ngay ngắn bên trong là một tờ New York Times mà ông rất thích đọc. Leadbetter đã sinh ra và đi học ở thành phố New York trước khi chuyển xuống miền Nam và ở hẳn lại Richmond. Tay Yankee tha hương cũng rất yêu quê hương mới của mình, nhưng mỗi tối về đến nhà ông lại dành đúng một tiếng để đọc tờ Times. Đó đã là thói quen của ông suốt bao năm làm thẩm phán và bao giờ tờ báo của ông cũng được chuyển đến tòa án trước khi ông rời nhiệm sở mỗi ngày. Đó là một trong những nguồn giải trí hiếm hoi mà người đàn ông đáng kính này còn được hưởng trên đời.
Khi người cảnh sát đang lái xe ra khỏi gara của tòa án, điện thoại của anh ta chợt rung lên, anh ta nghe máy. “Có chuyện gì ạ? Vâng thưa thẩm phán. Vâng, thưa ông, tôi sẽ nói với ông ấy.” Anh ta đặt máy xuống và nói, “Thẩm phán Mackey vừa gọi, ông ấy bảo ông xem phần cuối của trang đầu tiên của tờ Times, có thông tin gì đó thú vị lắm thì phải.”
“Ông ấy có nói cụ thể là gì không?”
“Không, thưa ông, chỉ bảo ông xem đi rồi gọi lại cho ông ấy ngay.”
Leadbetter liếc nhìn tờ báo, mỗi lúc một tò mò. Mackey là một người bạn tốt và có nhiều quan điểm tương đồng với Leadbetter. Nếu Mackey đã cho điều gì đó là thú vị thì chắc chắn là Leadbetter cũng thấy vậy. Lúc này xe đang dừng lại trước đèn đỏ. Thật là thuận tiện vì Leadbetter không thể đọc trong lúc xe đang chạy, ông chỉ chực buồn nôn. Ông lấy hẳn tờ báo ra, nhưng trong xe quá tối. Ông với tay bật chiếc đèn đọc sách trong xe và mở tờ báo.
Viên cảnh sát cau mặt quay lại và nói, “Thẩm phán, tôi đã bảo ông bao nhiêu lần là đúng có bật cái đèn đó lên. Nó khiến ông trở thành một cái bia khốn kiếp cho…”
Tiếng kính vỡ loảng xoảng làm người cảnh sát chết lặng, không nói hết câu, trước mặt anh ta là cảnh Thẩm phán Louis Leadbetter đổ úp mặt lên tờ báo New York Times quý giá của mình, những trang báo loang máu đỏ lòm.
-------------
[32] John Edgar Hoover (1895-1972): Giám đốc FBI trong 48 năm liên tiếp.
[33] Free trong tiếng Anh có nghĩa là “Tự do.
[34] Tu chính án thứ nhất (First Amendment) là một phần của bản Tuyên ngôn Nhân quyền ( Bill of Rights) được nước Mỹ thông qua ngày 15  tháng 12  năm 1791 trong đó tuyên bố bảo vệ những quyền cơ bản của con người như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do hội họp một cách hòa bình, tự do báo chí, tự do bày tỏ quan điểm…