Chương 10
Tường Thành

    
ào một chiều nhiều mây, khi tôi đến túp lều của ông gác cổng thì bóng tôi đang mải giúp ông sửa chiếc xe cút kít. Họ đẩy nó ra bãi trống, tách những tấm ván cũ ở đáy và bên thành ra để thay mới. Ông gác cổng thành thạo bào ván trong khi bóng lấy búa đóng đinh. Có lẽ thể trạng của nó không thay đổi mấy từ khi chúng tôi tách khỏi nhau. Ít nhất là về cơ bắp thì không, nhưng các cử động của nó có vẻ hơi gượng, và quanh mắt xuất hiện những nếp nhăn phiền não.  
Khi tôi lại gần, cả hai dừng tay ngẩng lên.  
“Có chuyện gì?”, ông gác cổng hỏi.  
“Tôi muốn nói chuyện một phút với ông”, tôi nói.  
“Tôi sắp xong rồi, cứ vào nhà đi, tôi vào ngay”, ông gác cổng nói, mắt vẫn nhìn xuống tấm ván đang bào. Bóng nhìn thoáng về phía tôi rồi lập tức quay lại làm việc. Hình như nó giận tôi lắm.  
Tôi đi vào nhà, ngồi ở bàn đợi ông gác cổng. Mặt bàn bừa bộn như mọi khi. Ông gác cổng chỉ dọn dẹp khi sắp mài dao. Chén đĩa bẩn, tẩu thuốc, bột cà phê và vỏ bào – mọi thứ ngổn ngang bừa bãi. Chỉ có những con dao trên giá là thành hàng thành lối.  
Mãi vẫn không thấy ông gác cổng vào. Tôi tì cùi tay vào lưng ghế và ngán ngẩm ngó lên trần. Ở thành phố này người ta luôn có quá nhiều thì giờ. Nhiều phát điên lên được. Và người ta tự động nghĩ ra nhiều cách đặc biệt để giết thời gian.  
Bên ngoài vẫn vang tiếng bào và đóng đinh.  
Rồi thì cửa cũng mở ra – nhưng người đi vào không phải là ông gác cổng, mà là bóng tôi.  
“Tôi không có nhiều thì giờ”, bóng nói khi đi ngang mặt tôi, “tôi chỉ vào kho lấy đinh.”  
Bóng biến sau cánh cửa cuối phòng, lấy hộp đinh ra.  
“Nghe này”, bóng nói trong khi kiểm tra độ dài của đinh trong hộp. “Thứ nhất: cậu vẽ bản đồ thành phố, nhưng không theo các dữ kiện người khác đưa cho, mà cậu phải tự đi khắp nơi và vẽ những gì mắt cậu nhìn thấy lên giấy. Tất cả. Không bỏ bất cứ chi tiết nhỏ nhất nào.”  
“Thế thì lâu lắm”, tôi nói.  
“Cho cậu thời gian đến hết mùa thu. Rồi cậu đem đến đây cho tôi”, bóng hấp tấp nói. “Thứ hai: tôi cần chú thích đi kèm. Cậu phải ghi chép thật chính xác vị trí của tường thành, Rừng Đông, điểm chảy vào và chảy ra của sông. Xong, rõ chưa?”  
Nói xong bóng đã lại biến qua cửa, không nhìn tôi lấy một lần. Khi bóng ra khỏi, tôi nhẩm lại những gì bóng nói: vị trí tường thành, Rừng Đông, điểm sông chảy vào và chảy ra. Vẽ bản đồ là một sáng kiến khá hay. Tôi sẽ làm quen cả thành phố và dùng thời gian một cách có ý nghĩa. Nhưng thích nhất là tôi vẫn được bóng tin tưởng.  
Một lúc sau ông gác cổng vào. Ông lấy khăn lau mồ hôi và tay bẩn rồi ngồi phịch xuống ghế đối diện.  
“Nào, có chuyện gì?”  
“Tôi muốn đến thăm bóng.”  
Ông gác cổng gật gù vài lần, nhồi tẩu thuốc và đánh diêm châm.  
“Bây giờ thì chưa được”, ông nói. “Rất tiếc vì còn sớm quá. Cậu phải đợi tới khi ngày ngắn đi. Lúc ấy thì không sao.” Trong khi nói chuyện, ông bẻ gập que diêm tàn và ném nó vào cái đĩa trên bàn. “Cũng tốt hơn cho cậu, cứ tin tôi. Cứ thân thiện với bóng nhiều quá chỉ tổ đẻ ra lắm vấn đề. Tôi đã chứng kiến khối chuyện rồi. Tôi nói vậy là muốn tốt cho cậu thôi, hãy kiên nhẫn một ít lâu nữa.”  
Tôi chỉ im lặng gật đầu. Đằng nào ông cũng chẳng chiều tôi, và tôi thì cũng chớp nhoáng bắt liên lạc được với bóng. Giờ thì tôi có thể yên tâm đợi ông gác cổng cho mình một cơ hội mới.  
Ông nhỏm dậy đi ra bồn rửa mặt và uống liền mấy cốc sứ to đầy nước.  
“Công việc vẫn ổn chứ?”  
“Cũng tạm. Tôi đang làm quen dần.”  
“Thấy chưa”, ông gác cổng nói. “Cái chính là phải làm việc cho tử tế. Nhàn cư vi bất thiện.”  
Tôi nghe tiếng bóng đóng đinh bên ngoài.  
“Ta đi dạo một lát nào”, ông gác cổng nói. “Tôi chỉ cho cậu xem cái này.”  
Tôi theo ông ra ngoài. Bóng của tôi ngồi trên xe và đóng đinh mấy tấm ván cuối cùng lên thành xe. Từ trục xe và bánh, cái xe bây giờ mới tinh.  
Ông gác cổng đi chéo qua quảng trường, đưa tôi đến dưới một tháp canh cạnh tường thành. Trời chiều ngột ngạt, mây đen từ phía tây kéo đến. Áo ông gác cổng dính bết mồ hôi trên cơ thể hộ pháp của ông và bốc mùi chua lòm.  
“Thế này mới gọi là tường thành chứ”, ông gác cổng đập tay mấy lần lên tường như âu yếm vỗ một con ngựa. “Cao bảy thước và bao quanh toàn thành phố. Chỉ có chim chóc mới vượt qua nổi. Không có lối nào ra vào trừ cổng thành kia. Ngày xưa còn có Cửa Đông, bây giờ xây bít lại rồi. Tường xây bằng gạch sành, nhưng không phải gạch thường, nhìn đây này! Không ai có thể phá hỏng hay chỉ cào xước được nó. Kể cả thần công, động đất hay cuồng phong!”  
Ông vừa nói vừa nhặt một thanh gỗ dưới đất và rút dao ra đẽo. Dao ăn vào gỗ như cắt giấy, chẳng mấy chốc đã hiện hình một cái chêm.  
“Cậu xem đây”, ông gác cổng nói. “Không có mạch vữa giữa các viên gạch – loại gạch này không cần thứ đó, người ta đặt khít nhau đến mức không còn chỗ cho một sợi tóc.” Ông lấy đầu nhọn của chêm gỗ quét dọc mạch nối, nhưng không ấn vào được lấy một li. Ông vứt nó đi, cạo mũi dao lên gạch. Không để lại một vết xước nào, chỉ có tiếng kin kít chói tai. Ông ngắm mũi dao và đút trở lại vào vỏ.  
“Không người nào và không thứ gì có thể để lại một vết xước trên tường thành. Cũng không ai trèo lên nổi. Vì sao? Vì đây là một tường thành hoàn hảo. Cậu hãy ghi nhớ. Không ai ra được khỏi đây. Có ý nghĩ ngu xuẩn nào trong đầu thì quẳng nó đi.”  
Ông đặt bàn tay hộ pháp lên vai tôi.  
“Tôi cũng biết là không đơn giản cho cậu, nhưng nói cho cùng thì ai ai cũng phải trải qua một lần. Cậu cũng thế. Nhưng sau đó đến sự siêu thoát, Không còn trăn trở, không ngờ vực, không đau khổ - tất cả biến mất trong nháy mắt và trở nên vô nghĩa. Đây là chốn tận cùng thế giới. Thế giới chấm dứt ở đây, không còn đường nào đi tiếp nữa. Cả cậu cũng không đi đâu được nữa”, ông vỗ vai tôi lần nữa.  
Trên đường về, khoảng đến giữa Cầu Cũ, tôi tựa lên thành cầu và ngắm dòng nước, ngẫm nghĩ lời ông gác cổng.  
Tận cùng thế giới.  
Nhưng tại sao tôi đã quay lưng lại với quá khứ và đến chốn tận cùng thế giới này? Tôi cố hết sức mà không nhớ lại được các tình huống, ý nghĩa và mục đích. Một cái gì đó, một thế lực nào đó đã đưa tôi tới chốn này. Một thế lực vô nghĩa và hùng mạnh nào đó. Vì nó mà tôi mất bóng mình và trí nhớ của mình, và đang sắp mất cả tâm hồn.  
Dưới chân tôi nước chảy róc rách. Cây liễu trên bãi cát bồi rủ cành chấm xuống nước và thanh thản đung đưa trong dòng chảy. Nước sạch và trong vắt. Ở một quãng lặng dưới chân vách đá có thể thấy cá. Nhờ ngắm sông trôi mà tôi lấy lại được sự yên tĩnh nội tâm. Một sự cứu rỗi luôn kiến hiệu.  
Có một cầu thang từ cầu xuống bãi bồi. Dưới bóng liễu là một chiếc ghế băng, cạnh đó thường có vài con vật uể oải nằm nghỉ. Tôi hay trèo xuống đó và đem cho chúng mấy mẩu bánh mì nhét trong túi quần. Thoạt tiên chúng nhát, nhưng rồi chúng lại vươn cổ ra và ăn bánh mì trên tay tôi. Cũng chỉ những con thật già và thật nhỏ mới ăn trên tay tôi.  
Mùa thu càng dài, một nỗi buồn nào đó càng ngập đầy mắt chúng, những đôi mắt trông như hồ thẳm. Tán lá đổi màu và cây cỏ héo khô báo cho những con vật sắp bắt đầu một thời kỳ đói nghiệt ngã lê thê. Và như ông già tiên đoán, cả tôi cũng đứng trước một thời kỳ nghiệt ngã lê thê.