Chương 32
Khi Bóng Hấp Hối

    
ôi đẩy cửa vào trạm canh và thấy ông gác cổng đang bổ củi ở phía sau.
“Sắp có nhiều tuyết lắm, tôi ngửi là biết”, ông nói, tay cầm rìu. “Sáng sớm hôm nay lại bốn con chết. Mai còn nhiều nữa. Năm nay có một mùa đông thực sự khắc nghiệt.”
Tôi bỏ găng tay, ra đứng trước lò sưởi và hơ tay lên. Ông gác cổng buộc các thanh củi tách mỏng lại thành bó, chất củi gộc dưới mái và treo lại rìu lên tường. Rồi ông cũng ra đứng cạnh tôi để sưởi tay.
“Từ giờ trở đi có lẽ tôi phải đốt xác súc vật một mình. Bóng cậu đã giúp tôi rất đắc lực, thực thế, nhưng cái gì cũng có lúc đến hồi kết. Mà thực ra đó là công việc của tôi.”
“Bóng tôi ốm lắm à?”
“Khỏe thì không phải”, ông gác cổng nói và lúc lắc đầu. “Không, không khỏe. Nó nằm liệt giường ba hôm rồi. Cứ có dịp là tôi luôn đến thăm nó, nhưng tôi không chặn được cái chết khi nó phải chết. Sức người có hạn.”
“Cho tôi gặp nó được chứ?”
“Tất nhiên, tôi cho cậu nửa tiếng. Sau đó tôi phải đi đốt xác thú.”
Tôi gật đầu.
Ông gác cổng gỡ chùm chìa khóa trên tường và mở cửa sắt của trại giam bóng. Ông đi trước tôi, rảo chân qua bãi trống đến mở cửa túp lều để tôi vào. Trong lều trống trơn, không có bàn ghế nào cả. Nền nhà lát gạch mộc lạnh ngắt. Gió buốt giá thổi ào ào qua cửa sổ, không khí như có thể đóng thành băng bất cứ lúc nào. Như một tủ đá vậy!
“Không phải lỗi tôi”, ông gác cổng thanh minh. “Tôi không tống bóng của cậu vào đây cho vui đâu. Theo quy định, bóng phải sống trong túp lều này, tôi là người thừa lệnh. Vả lại bóng cậu còn gặp may! Những lúc khó khăn tôi phải nhét hai, ba đứa vào đây một lúc.”
Tôi còn biết nói sao? Nói cũng chẳng ích gì nữa, vì vậy tôi giữ miệng và chỉ biết gật đầu. Tuy nhiên, nếu có thể thì tôi đã không bao giờ để bóng tôi lại chốn này.
“Bóng của cậu ở bên dưới”, ông ta nói. “Dưới ấy ấm hơn một chút. Nhưng hơi hôi. Xuống đây!”
Ông gác cổng đi tới góc phòng và kéo một tấm ván đen sạm vì ẩm thấp trên nền nhà. Dưới đó không có bậc đi xuống, chỉ thấy một cái thang thô sơ. Ông trèo xuống vài nấc và vẫy tôi xuống theo. Tôi đập tuyết trên măng tô rơi xuống và theo chân ông.
Lập tức hơi thối nồng nặc của cứt đái xông vào mũi tôi. Dưới hầm không có cửa sổ, không khí hôi hám không thể thoát đi đâu được. Cả hầm chỉ rộng như một phòng kho con con, riêng cái giường đã chiếm một phần ba diện tích. Bóng tôi gày đét nằm nghiêng trên giường, mặt quay về tấm ván. Dưới gầm giường có một cái bô sứ. Ngoài ra còn một chiếc bàn cũ nát, trên đó leo lét một ngọn nến cháy – tôi không còn thấy gì khả dĩ tỏa ra hơi ấm hay ánh sáng. Nền nhà là đất nện. Cái lạnh ẩm ướt dưới này ngấm đến tận tủy. Bóng tôi nằm im thin thít dưới lớp mền kéo cao tận mũi, nó nhìn tôi với ánh mắt vô hồn. Ông già nói đúng – nó không còn nhiều thời gian trên cõi đời này nữa.
“Tôi ra ngoài một chút”, ông gác cổng nói. Rõ ràng ông không chịu nổi mùi hôi thối. “Các cậu trò chuyện với nhau đi, muốn chuyện gì cũng được, tôi không phản đối. Bóng cậu cũng không còn đủ sức để nhập vào cậu nữa.”
Khi ông ta đi khỏi, bóng đợi một lúc để cân nhắc tình hình rồi sau đó vẫy tôi lại gần giường.
“Cậu lên xem lão gác cổng có nghe lỏm không!”, bóng thì thào.
Tôi gật đầu và rón rén lên thang, khẽ nâng tấm ván và nhòm qua. Không có ai. Tôi lại trèo xuống.
“Ông ấy đi rồi”, tôi nói.
“Tôi có chuyện cần bàn với cậu”, bóng cho biết. “Tôi không đến nỗi ốm đau như bên ngoài nhìn vào. Tôi chỉ bày trò để gạt lão gác cổng thôi. Tôi khá yếu, đúng thế, nhưng chuyện nôn mửa và nằm liệt giường là đóng kịch. Đừng lo, tôi còn đủ sức đứng dậy và chạy nhảy.”
“Để trốn khỏi đây?”
“Tất nhiên. Nếu không thì việc gì tôi phải diễn vở này. Nhờ vậy tôi đã có thêm được ba ngày. Nhưng hơn nữa thì chắc không được, vì sau đó tôi sợ không dậy được nữa – không khí dưới này sẽ giết tôi, cậu thấy đấy, và cái lạnh thấu xương nữa. Thời tiết bên ngoài ra sao?”
“Đang có tuyết”, tôi nói, tay vẫn thủ trong túi măng tô. “Nghe nói tối nay còn có nhiều tuyết hơn, và rất lạnh.”
“Trời tuyết thì sẽ nhiều thú chết”, bóng nói. “Nhiều thú chết thì lão gác cổng sẽ có lắm việc. Mình có thể dễ dàng trốn khỏi đây trong khi lão ấy đốt xác thú ngoài rừng táo. Cậu lấy chùm chìa khóa trên tường để mở cũi, và ta trốn.”
“Qua cổng?”
“Không, nguy hiểm lắm. Cổng khóa bên ngoài, và ngay cả khi mình đi qua được thì cũng sẽ bị lão gác cổng nhanh chóng tóm lại. Qua tường cũng không thể, chỉ có chim mới vượt qua được thôi.”
“Thế thì ra đường nào?”
“Chuyện đó tôi lo. Tôi đã có một kế hoạch chính xác đến từng chi tiết. Tôi đã thu thập được rất nhiều thông tin về thành phố này, và giở xem bản đồ của cậu vẽ đến rách nát thì thôi. Tôi cũng moi được khối chuyện từ lão gác cổng. Từ khi tin rằng tôi không đủ sức trốn nữa, lão mau mồm mau miệng hẳn và kể mọi chuyện tôi cần biết về thành phố. Có vẻ như cậu đã ru ngủ lão rất xuất sắc – lão già mất hết cảnh giác. Kể cũng tốn nhiều thời gian hơn tôi tưởng, nhưng kế hoạch bây giờ xong rồi. Lão gác cổng có lý khi cho rằng tôi không còn đủ sức để hòa nhập vào cậu, nhưng khi mình ra được bên ngoài thì tôi sẽ hồi sức và chúng mình sẽ lại là một. Tôi không phải chết ở đây, cậu sẽ có lại trí nhớ của cậu và trở lại là chính cậu như ngày xưa.”
Tôi không nói gì, chỉ nhìn chòng chọc vào ngọn nến cháy.
“Cậu có vấn đề gì vậy?”, bóng hỏi.
“Tôi ngày xưa ra sao? Tôi – là ai?”
“Ơ kìa! Cậu đừng nói là cậu đang hoài nghi đấy nhé!”, bóng nói.
“Có đấy. Tôi thực sự không biết nên làm gì”, tôi nói. “Tôi có nhớ gì về tôi ngày xưa đâu! Có bõ công quay về thế giới bên ngoài nữa không? Con người mà tôi đã từng là ngày xưa có xứng đáng để mình quay lại không?”
Bóng toan cất tiếng nhưng tôi giơ tay chặn lại và cướp lời: “Đợi cho tôi nói hết. Tuy tôi đã quên ngày xưa mình là ai, nhưng con người tôi của hôm nay bắt đầu cảm thấy một cái gì đó như sự thân thiện với thành phố này. Tôi thấy mình cảm tình với cô thủ thư, và ông đại tá cũng là người tốt. Tôi thích ngắm những con thú. Mùa đông ở đây khắc nghiệt, nhưng bù lại thì các mùa khác cực đẹp. Ở đây không ai xúc phạm đến ai, không ai chống lại ai. Cuộc sống đơn sơ, nhưng dồi dào theo cách riêng của nó, và mọi người bình đẳng. Không ai nói xấu người khác, không ai lấy gì của người khác. Người ta làm việc, nhưng tất cả đều vui vẻ trong công việc. Đó là công việc vì chính công việc, không gợn ẩn ý nào khác. Không ai bị ép làm việc, và người ta không làm việc một cách miễn cưỡng. Người ta không tị hiềm với nhau, không ai than phiền, không ai đau khổ.
“Cậu còn quên là ở đây không có tiền, không có sở hữu, không có đẳng cấp và chức vị. Không có tòa án và cũng không có bệnh viện”, bóng hùa vào. “Quan trọng hơn nữa, người ta không già đi, không chết, và không biết sợ chết. Đúng thế không?”
Tôi gật đầu. “Bây giờ cậu cho tôi biết một lý do, vì sao tôi lại phải rời bỏ thành phố này!”
“Những gì cậu nói đều đúng cả”, bóng nói và rút tay khỏi chăn vuốt lên đôi môi khô nẻ của mình, “nếu mới thoạt nghe. Thế giới như cậu miêu tả quả thật là chốn thiên đường ở hạ giới, và lẽ ra tôi không thể phản đối – nếu nó thực sự tồn tại! Lúc đó thì tùy cậu muốn làm gì thì làm, tôi sẵn sàng phục thiện và chết ở đây. Song cậu đã bỏ sót mất vài điểm. Mà lại là những điểm vô cùng quan trọng.”
Bóng bị một cơn ho rũ rượi. Tôi đợi đến lúc nó nói tiếp được.
“Khi cậu ở đây lần cuối, tôi nói với cậu là thành phố này có gì đó không ổn và bất thường. Và tôi nói rằng nó hoàn hảo trong sự trái khoáy và bất thường của nó. Nghe đây, thứ nhất và quan trọng nhất, là luận cứ chính của tôi: không có sự hoàn hảo trên thế giới này. Tôi nhắc lại chính mình: giống như về nguyên tắc không thể có động cơ vĩnh cửu. Cậu có lý, mọi người ở đây – trừ lão gác cổng – không xâm hại đến nhau, không thù hằn, không tham lam; tất cả đều sống một cuộc sống dồi dào và yên bình. Nhưng tại sao? Vì họ không có tâm hồn nữa chứ sao!”
“Điều đó tôi biết quá rõ!”, tôi nói.
“Người dân ở thành phố này đã trả giá cho sự hoàn hảo đó bằng tâm hồn mình. Và khi đã mất tâm hồn rồi, họ ở trong một tuyến thời gian được nối dài vô tận. Vì thế mà không ai già đi, vì thế mà không ai chết.
Đầu tiên người ta dứt bóng khỏi người, vì bóng là đất nuôi dưỡng bản thể, và đợi cho bóng chết đi. Bóng chết rồi, những gì còn lại hầu như tự diễn ra. Người ta chỉ cần đợi đến khi tâm hồn mòn mỏi dần, đợi đến khi những giọt li ti là nó tiết ra hằng ngày bị hớt đi hết như lớp bọt trên mặt nước.”
“Hớt đi?”
“Ta sẽ nói chuyện ấy sau. Quay lại với vấn đề tâm hồn đã. Cậu vừa nói là thành phố không biết tranh đấu, căm ghét và thèm muốn. Tuyệt vời quá nhỉ! Nhưng không có tranh đấu, căm ghét và thèm muốn thì cũng không có đối trọng của chúng – nghĩa là không có niềm vui, không có hạnh phúc, không có tình yêu. Chính vì có thất vọng, phiền muộn và buồn thảm mà sinh ra niềm vui. Không có thất vọng thì cũng không có hạnh phúc.
Và, tất nhiên, còn phải nói đến tình yêu nữa chứ. Rõ ràng có sự khác biệt với cô gái của cậu ở thư viện mà cậu vừa nói đến. Có thể cậu yêu cô ta, yêu thực sự. Nhưng tình cảm của cậu sẽ chẳng dẫn đến đâu cả đâu. Vì sao? Vì cô ta không có tâm hồn. Thiếu tâm hồn thì con người không khác gì con búp bê biết đi hay bóng ma. Yêu một người như thế phỏng có ý nghĩa gì? Cậu tìm cuộc sống vĩnh cửu hả? Cậu cũng muốn thành một bóng ma như thế sao? Hãy tỉnh ngộ đi: nếu tôi chết, cậu sẽ không bao giờ ra khỏi đây được nữa, cậu sẽ thành một người của thành phố này, vĩnh viễn!”
Sự im lặng nặng nề, lạnh lẽo bao trùm tầng hầm. Bóng lại ho.
“Nhưng tôi không thể để cô ấy lại đây! Không cần biết cô ấy là gì và như thế nào – tôi yêu cô ấy, và tôi cần cô ấy! Nếu bây giờ tôi trốn đi, sau này tôi sẽ hối hận, và một khi đã ra ngoài thì tôi sẽ không bao giờ quay lại được nữa.”
“Trời đất ơi”, bóng tôi ngồi dậy và tựa vào tường. “Có lẽ tôi sẽ mất nhiều sức lực để thuyết phục cậu đây. Tôi biết cậu khá lâu rồi và hiểu rõ cậu là một người cứng đầu cứng cổ, nhưng có nhất thiết đến phút cuối cùng cậu phải bập vào vấn đề phức tạp nhất không? Cậu muốn gì nào? Hoàn toàn không thể ba người cùng trốn – cậu, tôi và cô gái của cậu. Một người không tâm hồn không thể sống ở thế giới ngoài kia được.”
“Tôi cũng biết”, tôi nói. “Tôi chỉ ngạc nhiên tại sao cậu không thử trốn một mình. Tôi sẽ giúp cậu.”
“Cậu vẫn chẳng hiểu gì cả, đúng không?”, bóng nói, đầu tựa vào tường. “Nếu tôi đi mất và cậu ở lại một mình thì tình cảnh cậu sẽ trở nên vô vọng. Lão gác cổng đã nói cho tôi biết rất rõ. Tất cả các bóng đều phải chết ở đây; cả những bóng được thả ra ngoài, trước khi chết đều quay lại để chết ở đây. Bóng nào không quay về, nghĩa là không chết ở đây, sẽ chết không toàn vẹn. Hậu quả đối với cậu là cậu phải sống vĩnh viễn với tâm hồn cậu. Sống trong rừng. Tất cả những ai có bóng chết không toàn vẹn đều sống ở đó. Cậu sẽ bị thành phố này đày vào rừng và lang thang mãi mãi trong đó với các ý nghĩ của cậu. Cậu biết rừng rồi chứ?”
Tôi gật đầu.
“Nhưng cậu đừng tưởng là sẽ đem được cô gái ấy cùng đi vào rừng”, bóng nói tiếp. “Không được đâu. Tại sao? Vì cô ta hoàn hảo – đồng nghĩa với không có tâm hồn. Người hoàn hảo sống trong thành, họ không sống được trong rừng. Nghĩa là cậu sẽ một mình, tôi bảo đảm với cậu như thế. Lúc đó thì việc cậu ở lại đây nào còn ý nghĩa gì nữa?”
“Tâm hồn của con người biến đi đâu?”
“Trời ạ, cậu là người đọc mơ cơ mà?”, bóng vặn lại. “Tôi không hiểu vì sao cậu không biết điều đó?”
“Xin lỗi, tôi không biết thật”, tôi nói.
“Vậy thì nghe đây. Tâm hồn được đưa ra ngoài tường thành bởi những con thú. Đó là việc mà lúc nãy tôi gọi là hớt. Những con thú ấy dồn những giọt tâm hồn hay hút chúng vào, sau đó đưa ra thế giới ngoài kia. Và khi mùa đông đến thì chúng chết – cùng với mọi bản thể mà chúng đã thu thập trong người. Chúng không chết vì lạnh hay thiếu thức ăn, mà vì sức nặng của những bản thể do thành phố chất lên chúng. Chúng chết vì thế. Mùa xuân là lúc những con thú con chào đời, số lượng nhiều như số bị chết trong mùa đông. Khi những con này lớn lên, người ta lại chất lên chúng những bản thể bị vứt bỏ của con người – cho đến khi chúng chịu số phận như bố mẹ chúng và chết. Đó là cái giá phải trả cho sự hoàn hảo. Sự hoàn hảo đó phỏng có ý nghĩa gì, khi người ta chỉ giữ được nó bằng cách bắt những tạo vật yếu nhược phải trả giá?”
Tôi không nói gì, chỉ gục đầu nhìn xuống mũi giày.
Bóng nói tiếp: “Mỗi khi thú chết, lão gác cổng cắt đầu chúng. Trong đầu lâu, các bản thể được khắc thành hàng lối ngay ngắn. Đầu lâu được làm sạch cẩn thận và chôn xuống đất một năm để các lực trong đó bớt mạnh, sau đó đưa vào thư viện cho người đọc mơ giải phóng những bản thể đó ra ngoài bầu khí quyển. Nhiệm vụ đọc mơ luôn được trao cho một người vừa đặt chân đến thành phố và bóng của người đó chưa chết. Những bản thế mà người ấy đọc ra được bầu khí quyển hút vào và biến mất. Bây giờ cậu biết cái gì vẫn được gọi là ‘giấc mơ xưa’ rồi chứ? Cậu là cột thu lôi, và nhiệm vụ của cậu là truyền điện xuống đất. Cậu hiểu chứ?”
“Tôi hiểu.”
“Sau khi bóng anh ta chết, người đọc mơ thuộc về thành phố và ngừng làm việc. Vòng quay của thành phố cứ thế tiếp tục mãi mãi, một vòng tròn hoàn hảo. Thành phố này bắt những tạo vật không hoàn hảo trả giá cho sự không hoàn hảo của chúng, còn chính mình thì hớt những tinh hoa và sống bằng kiểu ấy. Chẳng lẽ cậu tán đồng việc đó? Chẳng lẽ cậu tán đồng một thế giới như thế? Cậu hãy nhìn nó bằng cặp mắt của kẻ yếu và không hoàn hảo, đó là những con thú, là những bóng đen, và là những người trong rừng!”
Tôi chăm chú nhìn vào nến cháy cho đến lúc nhức cả mắt. Tôi bỏ kính và lấy mu bàn tay chùi những giọt nước mắt ứa ra.
“Ba giờ ngày mai tôi quay lại”, tôi nói. “Cậu nói đúng. Thành phố này không phải chỗ cho tôi.”