Chương 6
Bóng

    
úc cô thủ thư đặt những giấc mơ xưa lên bàn trước mặt tôi, thoạt tiên tôi không hiểu những giấc mơ đó nằm đâu. Sau khi chằm chằm ngó một hồi lâu, tôi ngẩng lên nhìn cô ta đang đứng bên cạnh. Cô không nói gì, chỉ tiếp tục nhìn xuống những “giấc mơ xưa”. Nhưng trong mắt tôi, thứ đồ vật trên bàn kia chẳng tương thích chút nào với cái tên “giấc mơ xưa”. Tưởng tượng theo tên gọi, tôi đợi nhìn thấy những bút tích cổ xưa hay ít nhất là thứ gì có hình thù mù mờ vô định.  
“Giấc mơ xưa đấy”, cô nói.  
Giọng cô xa xăm và bâng quơ – có vẻ như không phải định giải thích cho tôi mà tự khẳng định với chính mình. “Nói đúng ra thì chúng nằm trong đó.”  
Tôi ngơ ngác gật đầu.  
“Anh cầm lên tay đi”, cô nói.  
Tôi khẽ nâng nó lên và hết sức đưa mắt dõi tìm những gì có thể gọi là dấu tích của những giấc mơ xưa. Nhưng có nhìn chăm chú đến đâu thì tôi cũng không nhận ra một căn cứ gì. Nó vẫn là đầu lâu của một con thú. Không lớn lắm. Trông như bị phơi nắng lâu ngày, vì mặt ngoài xương đã mất màu sắc ban đầu, khô khốc và bạc thếch. Hàm răng nhô hẳn ra hơi hé mở, tựa như bị hóa đá đúng lúc định mở miệng kể chuyện. Hai hố mắt nhỏ đã rỗng ruột từ lâu và hướng vào một khoảng hư vô sâu thẳm.  
Chiếc đầu lâu nhẹ bỗng một cách thiếu tự nhiên; dường như nó đã mất hết sự tồn tại vật chất. Tôi không mường tượng được nó đã từng chứa một sự sống kiểu gì. Tất cả những gì thuộc về nhục thể, toàn bộ ký ức, mọi cảm giác ấm nóng đã tan biến. Chính giữa trán có một vết lõm nhỏ, sờ thấy ram ráp. Tôi lấy ngón tay kiểm tra nó một hồi lâu và đi đến kết luận, có thể đó là dấu tích của một chiếc sừng bị gãy rời.  
“Đây là đầu lâu một trong những con thú một sừng của thành phố, đúng không?”, tôi nhìn cô thủ thư.  
Cô gật đầu. “Những giấc mơ xưa được cho vào đầu lâu và trám kín lại”, cô khẽ nói.  
“Và anh sẽ đọc chúng ra?”  
“Đó là việc của người đọc mơ”, cô nói.  
“Và anh sẽ làm gì với những giấc mơ xưa ấy?”  
“Chẳng làm gì cả. Anh chỉ phải đọc chúng ra thôi.”  
“Thế thì anh chịu”, tôi nói. “Đọc các giấc mơ xưa, chuyện ấy thì anh rõ rồi. Nhưng sau đó chẳng làm gì với chúng cả thì anh không hiểu nổi. Vì điều đó chứng tỏ công việc này vô nghĩa. Làm việc thì phải có mục đích nào đó chứ! Ví dụ, lưu lại các giấc mơ xưa bằng cách nào đó, hay sắp xếp theo một trật tự nhất định, hoặc phân loại…”  
Cô lắc đầu. “Ý nghĩa gì thì em cũng không giải thích cho anh được. Có thể trong lúc làm việc anh sẽ tự ngộ ra. Nhưng điều đó không quan trọng, và ý nghĩa ấy không hề liên quan đến thực chất công việc của anh.”  
Tôi đặt chiếc đầu lâu trở lại bàn và ngắm nghía nó từ xa. Sự tĩnh lặng sâu thẳm bao quanh nó dày đặc khiến người ta bất giác nghĩ đến hư vô. Không, ngược lại – sự tĩnh lặng ấy không đến từ ngoại cảnh, có vẻ như nó tỏa từ bên trong đầu lâu ra như sương khói. Dù thế nào chăng nữa – đó là một sự tĩnh lặng bất thường. Tôi tin là vì thế mà chiếc đầu lâu gắn chặt với tâm điểm của địa cầu. Nó câm lặng đăm đắm hướng ánh mắt rỗng tuếch tới một điểm trong hư vô.  
Tôi càng nhìn lâu thì càng khó tưởng tượng ra nó có chuyện gì đáng đem ra kể. Cũng có vẻ như nó nằm trong một bầu không khí buồn thảm nào đó, nhưng ngay cả tôi cũng không gọi nổi tên của nỗi buồn đó ra được. Tôi không tìm ra chữ thích hợp.  
“Thôi được, anh sẽ đọc”, tôi vừa nói vừa cầm đầu lâu lên và thử đoán trọng lượng. “Chắc cũng chẳng có lựa chọn nào khác.”  
Với một nụ cười như gió thoảng, cô đỡ cái đầu lâu khỏi tay tôi, cẩn thận lau lớp bụi lưu cữu bằng hai chiếc khăn và đặt lại xuống bàn, bây giờ trông nó còn nhợt nhạt hơn cả nhợt nhạt.  
“Vâng, giờ thì em muốn giải thích cho anh cách đọc các giấc mơ”, cô nói. “Tất nhiên là em chỉ nói thôi, vì em không thực sự có khả năng đọc. Chỉ mình anh đọc được thôi. Anh chú ý này. Trước tiên anh quay đầu lâu ra phía trước, thế này này, rồi đặt nhẹ hai tay vào gần chỗ thái dương.”  
Cô thủ thư áp tay vào hai bên đầu lâu và nhìn tôi vẻ dò xét.  
“Sau đó anh nhìn thẳng vào trán. Không nhìn chăm chú, mà chỉ nhẹ nhàng hướng ánh mắt êm dịu đến đó thôi. Nhưng không bao giờ được ngoảnh mặt đi. Ngay cả khi rất chói mắt thì anh cũng không được phép ngoảnh đi.”  
“Chói mắt?”  
“Vâng. Anh nhìn vào đầu lâu một lúc thì nó bắt đầu nóng bỏng lên và phát tia bức xạ. Anh chỉ cần nhẹ nhàng dò ngón tay theo tia sáng này là nhất định sẽ đọc được các giấc mơ.”  
Tôi cố gắng ghi lại trong đầu các bước làm việc theo đúng thứ tự như cô thủ thư vừa giải thích. Tất nhiên tôi không thể tưởng tượng ra những tia sáng mà cô nhắc đến như thế nào, và cảm giác động chạm vào chúng sẽ ra sao, nhưng trước tiên thì cứ ghi nhớ các bước tiến hành đã. Trong lúc ngắm những ngón tay thanh mảnh của cô đặt trên chiếc đầu lâu, bất chợt một ảo giác tái ngộ chế ngự tâm trí tôi. Tôi đã nhìn thấy cái đầu lâu này ở đâu rồi thì phải? Với màu mốc thếch như bị hầm kỹ, với vết lõm trên trán – hình ảnh này làm tôi rung động hệt như lúc thấy mặt cô thủ thư lần đầu. Song tôi không rõ có phải đó là những mảnh vỡ của ký ức thật, hay chỉ là sự đánh lừa giác quan bởi những cảm thụ về địa điểm và thời gian bị nhiễu loạn đột ngột.  
“Anh làm sao thế?”, cô hỏi.  
Tôi lắc đầu. “Không có gì. Anh chỉ đang mải suy nghĩ một lát. Anh nghĩ là đã nắm được cách làm việc rồi. Chỉ còn phải làm thử nữa thôi.”  
“Chúng ta ăn tối trước đã”, cô nói. “Em nghĩ, nếu anh bắt tay vào làm là không còn thì giờ ăn nữa đâu.”  
Cô bưng một nồi thức ăn từ góc bếp ở phòng trong ra và đặt nó lên lò sưởi cho nóng. Xúp rau với hành và khoai tây. Khi xúp bắt đầu lục bục sôi, cô múc ra hai đĩa và bưng ra bàn cùng bánh mì hạt dẻ.  
Chúng tôi ngồi đối diện nhau và im lặng xúc ăn. Một bữa ăn đạm bạc, với những gia vị tôi chưa thấy bao giờ, nhưng không đến nỗi dở. Ăn xong người tôi ấm lên dễ chịu. Sau bữa ăn có trà. Một loại trà xanh pha loãng, ngăm ngăm vị đắng của thảo dược.  
Đọc mơ mệt hơn những gì tôi tưởng tượng sau khi nghe những chỉ dẫn của cô thủ thư. Những tia sáng mỏng tang, và tôi tập trung tinh thần vào đầu ngón tay đến mấy cũng rất khó lần theo được ma trận rối rắm. Tuy vậy giờ đây tôi đã nhận rõ ở đầu ngón tay sự hiện diện của những giấc mơ xưa. Nó như một cơn sóng trào, như một cơn lũ hình ảnh không dứt. Tuy nhiên tôi chưa lọc ra được những thông tin mạch lạc. Tôi chỉ có thể cầm chắc là những giấc mơ đang tồn tại ở đây.  
Rốt cuộc sau khi đã đọc xong hai giấc mơ thì đã quá mười giờ. Tôi trả lại đầu lâu đã nhẹ đi mất hai giấc mơ, bỏ kính xuống và chậm chạp dụi cặp mắt cay sè.  
“Mệt quá phải không?”, cô thủ thư hỏi tôi.  
“Ừ, hơi mệt”, tôi đáp. “Mắt anh không chịu nghe lời gì cả. Nếu anh nhìn lâu lâu thì mắt anh bắt được tia sáng của giấc mơ, nhưng anh lại thấy đau phía sau đầu. Không ghê gớm lắm, nhưng tầm nhìn bị nhòa đi và anh không thể cố định ánh mắt vào một điểm nữa.”  
“Ban đầu thì ai cũng thế”, cô nói. “Thoạt tiên mắt không chịu nghe lời, và đọc rất khó nhọc. Nhưng anh đừng lo, dần dần mắt sẽ quen đi. Ta nên bắt đầu từ từ thôi.”  
“Thế thì lý tưởng”, tôi nói.  
Cô đem các giấc mơ xưa trả lại kho lưu trữ và chuẩn bị ra về. Cô mở cửa lò, lấy một cái xẻng con xúc than hồng đổ vào một xô cát.  
“Đừng để cái mệt nhọc xâm chiếm tâm hồn”, cô nói. “Mẹ em hay nói câu ấy. Người ta có thể tự hành hạ thể xác, nhưng phải giữ cho tâm hồn vẹn toàn.”  
“Một lời khuyên tốt”, tôi nói.  
“Nhưng thú thực là em hoàn toàn không biết nó thực sự là gì, tâm hồn ấy mà, nó có ý nghĩa chính xác là gì, người ta sử dụng nó ra sao và nhằm mục đích gì. Đối với em đó chỉ là một tên gọi.”  
“Người ta không sử dụng tâm hồn”, tôi nói. “Nó cứ thế tồn tại thôi. Như gió trời. Em chỉ việc cảm nhận được nó.”  
Cô đóng cửa lò, đem cái ấm tráng men và cốc chén vào phòng trong để rửa. Rồi cô choàng lên người chiếc áo khoác vải thô màu xanh. Màu xanh xỉn, như xé ra đã lâu từ một mảnh trời, song không còn gợi nhớ chút nào đến xuất xứ nữa. Nhưng cô vẫn đứng mãi trước lò than đã tắt, đắm chìm trong suy nghĩ.  
Chợt như vừa sực nhớ ra điều gì định hỏi tôi, cô nói: “Anh từ nơi khác đến đây à?”  
“Ừ”, tôi đáp.  
“Từ nơi nào đến?”  
“Anh không nhớ được gì hết”, tôi nói. “Thực sự không nhớ gì, xin lỗi. Khi người ta lấy cái bóng của anh đi, chắc là anh cũng mất nốt ký ức về thế giới cũ ấy. Chỉ biết là nơi ấy xa lắm, rất xa.”  
“Nhưng anh biết tâm hồn là gì phải không?” “Em nghĩ là anh biết”, cô nói. “Mẹ em cũng có tâm hồn. Mẹ biến mất khi em lên bảy. Nhất định là mẹ cũng có tâm hồn giống như anh.”  
“Mẹ em biến mất?”  
“Vâng, mẹ biến mất. Nhưng ta chấm dứt nhé. Ở đây nói về những người biến mất là gặp điềm rủi đấy. Anh kể về thành phố ngày xưa của anh thì hơn. Nhất định anh còn nhớ vài chuyện gì đó chứ?”  
“Có hai chuyện”, tôi nói. “Thứ nhất là, thành phố ngày xưa anh ở không có tường thành vây quanh, và thứ hai, tất cả mọi người đều có bóng.”  
Đúng, tất cả chúng tôi đều có bóng. Khi tới thành phố này, tôi phải nộp nó cho ông gác cổng.  
“Cậu không được đem nó vào thành phố”, ông gác cổng nói. “Hoặc cậu từ bỏ nó, hoặc cậu quay trở lại, chọn một trong hai.”  
Tôi từ bỏ bóng của mình.  
Ông gác cổng bảo tôi đứng ra một chỗ trống, cạnh cổng. Mặt trời lúc ba giờ vẽ bóng tôi sắc cạnh trên nền đất.  
“Đứng yên”, ông gác cổng nói. Ông rút dao trong túi ra, đâm sâu mũi dao sắc lẹm vào đường biên giữa bóng đen và đất rồi rạch đi rạch lại để chinh phục bóng đen được tách ra dễ dàng khỏi nền đất.  
Bóng đen run rẩy một chút như định kháng cự. Nhưng bị bóc khỏi nền đất rồi thì cuối cùng nó kiệt sức ngã xoài ra ghế băng. Hình bóng tách khỏi cơ thể trông thảm hại và yếu ớt hơn nhiều so với tưởng tượng của tôi.  
Ông gác cổng đút dao vào vỏ, và hai chúng tôi ngắm bóng đen một chốc nữa.  
“Xét cho cùng cũng chỉ là một vật kỳ dị, đúng không?”, ông gác cổng nói. “Hoàn toàn vô dụng, cái bóng này, chỉ tổ vướng cẳng.”  
Tôi nói với bóng: “Xin lỗi, nhưng đúng là tôi phải bỏ cậu lại một thời gian. Tuy không muốn nhưng trong tình cảnh này thì tôi không có lựa chọn nào khác. Cậu chịu cô đơn vài bữa được chứ?”  
“Vài bữa – nghĩa là sao, bao lâu nữa?”, bóng đen hỏi.  
Tôi thú thực là không biết.  
“Liệu cậu sau này có hối hận không?”, bóng đen khẽ nói. “Tuy tôi không rõ hoàn cảnh này lắm, nhưng tách bóng khỏi người liệu có điên rồ không? Rất sai lầm. Cả chốn này là một sai lầm – đó là ý tôi. Con người không thể sống thiếu bóng của mình, và thiếu con người thì bóng cũng không tồn tại. Mặc dù vậy, bây giờ chúng ta đã tách nhau, cậu sống, còn tôi đang ở đây. Có gì đó không ổn! Cậu có nghĩ thế không?” Bóng đen lắc đầu. “Tôi không thích không khí ở đây, nó khác hẳn những nơi khác. Nó không có ích lợi gì đến cậu và cả đến tôi. Vì sao cậu bỏ rơi tôi?”  
Nhưng đã muộn, nói nữa phỏng có ích gì. Bóng đã bị tách khỏi thân thể tôi rồi.  
“Chắc chỉ tạm thời ít lâu thôi, không kéo dài mãi đâu. Mình sẽ đoàn tụ trở lại thôi”, tôi nói.  
Bóng đen khe khẽ thở dài và nhìn tôi với cặp mắt đẫm lệ. Mặt trời ba giờ chiều thiêu đốt cả hai chúng tôi. Tôi không có bóng, bóng không có người.  
“Nếu mà được như thế…”, bóng nói. “Tôi có cảm giác không lành. Chúng mình hãy chuồn đi vào dịp sớm nhất và quay về nơi xuất phát nhé? Chỉ hai chúng mình thôi.”  
“Chúng mình không quay về được. Giá mà tôi biết được cách nào. Mà cậu cũng không biết, đúng không nào?”  
“Hiện tại thì không. Nhưng tôi sẽ tìm được cách, có chết cũng cam. Tôi muốn hai chúng mình thỉnh thoảng gặp nhau để bàn chuyện. Cậu sẽ về thăm tôi chứ?”  
Tôi gật đầu, đặt tay lên vai bóng một thoáng rồi quay về chỗ ông gác cổng. Trong lúc tôi trò chuyện với cái bóng, ông thu dọn những hòn đá vương vãi trên quảng trường và ném trở lại những chỗ không vướng chân ai. Lúc tôi tới gần, ông chùi bụi trắng bám ở bàn tay lên tay áo và khoác cánh tay hộ pháp lên vai tôi. Tôi không chắc đó có phải là một cử chỉ thân thiện hay ông chỉ muốn cho tôi thấy sức lực phi thường của mình.  
“Tôi sẽ chăm sóc bóng của cậu”, ông nói. “Mỗi ngày cho ăn ba bữa và cho ra ngoài dạo chơi một lần. Cậu không có lý do gì để phải lo lắng cả.”  
“Tôi có thỉnh thoảng được về thăm nó không?”  
“Hừm, để xem đã”, ông gác cổng nói. “Nếu thời gian và hoàn cảnh thuận tiện, và tôi đồng ý thì cậu được thăm nó.”  
“Còn nếu tôi muốn có lại bóng của mình thì phải làm gì?”  
“Thì ra cậu chưa hiểu rõ các quy định ở đây”, ông gác cổng nói, tay vẫn khoác trên vai tôi. “Ở thành phố này không ai được phép có bóng, và ai đã ở đây thì không bao giờ được đi khỏi nữa. Cũng có nghĩa là câu hỏi của cậu hoàn toàn vô nghĩa.”  
Thế là tôi mất bóng mình.  
Lúc rời khỏi thư viện tôi xin phép được đưa cô thủ thư về nhà.  
“Ồ, không cần thiết đâu”, cô nói. “Em không sợ trời tối, với lại anh cũng sống ở khu khác.”  
“Nhưng anh muốn tiễn em về”, tôi khăng khăng. “Anh thấy chộn rộn thế nào ấy, về nhà thì anh cũng chẳng ngủ được ngay.”  
Chúng tôi qua Cầu Cũ đi về phía nam. Trời vừa chớm xuân, và làn gió còn khá lạnh quét qua thảm cỏ trên bãi cát bồi giữa sông. Ánh trăng trần trụi khiến đá trải đường sáng lấp loáng. Hơi ẩm màu đục đè nặng trên mặt đất. Cô thủ thư tháo dải buộc tóc, túm mớ tóc xõa ra bằng một tay, kéo ra phía trước và nhét xuống dưới ve áo măng tô.  
“Tóc em đẹp lắm”, tôi nói.  
“Cảm ơn anh”, cô nói.  
“Đã có ai khen em như thế chưa?”  
“Không. Chưa bao giờ. Anh là người đầu tiên đấy.”  
“Em cảm thấy thế nào khi được khen?”  
“Em không biết”, cô nói và nhìn vào mắt tôi, tay đút trong túi măng tô. “Tuy em nghe anh khen tóc em, nhưng thực ra đó không phải là ý chính, đúng không? Tóc em đã gợi lên trong anh một ý khác, và anh đang muốn nói ý ấy ra.”  
“Không, không. Anh chỉ nói về tóc em.”  
Cô nhìn lên trời như tìm gì đó bị rơi mất và mỉm cười. “Xin lỗi anh. Em chỉ không hiểu cách anh nói chuyện thôi.”  
“Không sao, rồi em sẽ quen dần”, tôi nói.  
Cô thủ thư sống ở khu công nhân, một khu nhà tàn tạ phía tây nam khuôn viên nhà máy. Toàn bộ khuôn viên nhà máy là một khu đất cô quạnh, gần như chết rồi. Cả con kênh lớn ngày xưa ăm ắp nước trong vắt để chờ tàu hàng và sàn lan đi lại, bây giờ cũng đóng hết các cửa lạch. Vài đoạn cạn kiệt nhìn thấy cả đáy. Lớp bùn khô trắng hiện ra như xác chết nhăn nheo của những con vật khổng lồ thời đồ đá. Bên bờ có những bậc thang đá rộng để bốc dỡ hàng, nhưng bây giờ chúng không được sử dụng nữa, cỏ lác đác hàng thước cắm rễ xuyên vào những kẽ nứt. Chai lọ và các bộ phận máy hoen gỉ chòi ra trên mặt bùn, cạnh đấy là một chiếc thuyền gỗ nông choèn đang mục rữa dần.  
Các xưởng máy bỏ hoang kéo dài dọc kênh và những lạch ngang. Cổng khóa, kính cửa sổ tan hoang, tường đầy cây leo, tay vịn cầu thang cứu hỏa hoen gỉ, khắp nơi đầy cỏ dại.  
Sau những dãy nhà xưởng là khu công nhân. Toàn những dãy nhà năm tầng tàn tạ. Ngày xưa đó là các căn hộ chung cư lịch sự cho người lắm tiền, cô thủ thư kể, nhưng thời thế đổi thay, dần dần người ta ngăn thành các căn hộ nhỏ và cực nhỏ cho công nhân nghèo kiết xác. Bây giờ họ cũng chẳng còn là công nhân nữa, vì nhà máy đã đóng cửa gần hết. Người ta không cần tay nghề của công nhân nữa, chỉ đôi khi có nhu cầu thì họ nhận được vài việc lẻ tẻ của thành phố. Cha cô cũng là một trong những công nhân ấy.  
Chúng tôi đi qua một cầu đá ngắn, không tay vịn, vắt ngang con lạch cuối cùng; thẳng phía trước là tòa nhà nơi cô thủ thư ở. Các tòa nhà nối nhau bằng những khoang thang, trông như thang mây dùng trong lúc công thành thời Trung Cổ.  
Đã gần nửa đêm. Hầu hết các cửa sổ tối đèn. Cô nắm tay dắt tôi đi nhanh qua các ngõ nhỏ rối rắm, tựa như kéo tôi trốn khỏi tầm mắt của một con ác điểu khổng lồ ăn thịt người. Rốt cuộc cô dừng chân trước một tòa nhà và chúc tôi ngủ ngon.  
“Tạm biệt”, tôi nói.  
Tôi ngược lên sườn Đồi Tây đi về hướng nhà mình.