Chương 11

    
ẵng một dạo, cánh rừng trước cửa hang Dơi đột nhiên im ắng. Không còn những đoàn quân lớn di chuyển trên con đường chiến dịch. Xe cơ giới hầu như tiệt hẳn. Thi thoảng mới có một vài tốp quân nhỏ lẻ tẻ đi về. Họ có vẻ không vội vã. Phần nhiều, đó là đám lính thu dung đang tìm về đơn vị. Cũng có hôm, thấy cả bọn tàn quân, nhớn nhác chạy ngược trở lại. Nom nhếch nhác lắm. Đủ mọi sắc phục lính, đứa nào cũng tơi tả, không còn vũ khí, trần sì mỗi đứa một bộ quần áo trên người. Có thằng lanh lẹ, đã thuổng đâu được bộ đồ dân, vận vào để thay lốt. Rồi đến cả những đám lính ấy cũng không còn. Cánh rừng nằm im như ngủ. Thức bao nhiêu lâu rồi, giờ ngủ tràn cũng chẳng sao. Chim chóc trước giạt ở đâu, lúc cúc lần về từng đàn. Có cả những con thú thập thò từ bên kia núi mọ mẫm thăm dò. Hoà bình rồi chăng?
Các thành viên hang Dơi không còn ngụ yên trên chỗ của mình nữa. Tất cả đều mò ra cửa hang ngong ngóng. Mỗi người đeo đuổi một niềm riêng, trước sự im ắng bất thường này. Ông già chín năm bảo:
- Đây thuộc rẻo rừng cực Đông. Vùng này xưa hoang vắng, heo hút. Nhờ có chiến tranh nó mới tấp nập, náo động. Chim thú mò về là rừng im rồi. Các con này, cuộc chiến tranh đã đi ra khỏi rừng. Tất cả sắp kết thúc.
Có vẻ như thế thật. Thằng ngụy quỳ ngay trước cửa hang cầu nguyện. Chúa của nó thật may phúc có được những con chiên ngoan lành. Cô gái mừng vui ra mặt. Cô không ngồi yên được lâu một chỗ. Chốc chốc cô lại rủ:
- Ta ra chỗ cây săng lẻ chơi đi anh.
Sau hôm ấy, cây săng lẻ là cái đích đến của các cuộc dạo chơi. Nó là cây tình yêu của tôi và cô gái. Thường, cô vẫn hay tha thẩn một mình. Dù rất thương cô, tôi vẫn không thể nào quen được những cuộc đi ấy. Tính tôi thế. Từ nhỏ tôi đã thích nhốt mình trong căn gác riêng. Có khi cũng chẳng để làm gì. Tôi chúa sợ ồn ào. Càng ghét lang thang. Hãn hữu lắm mới nhập vào cuộc chơi của chúng bạn. Những năm cấp ba, thì giờ rảnh rỗi tôi thường đóng chặt cửa ngồi đọc sách. Em gái tôi hay giễu:
- Anh hệt như công chúa cấm cung. Có điều, anh là công chúa chắc chẳng ai dại gì làm phò mã.
Có lần nó dẫn bạn bè của nó đập cửa thình thình, tràn vào. Chúng tàn phá tơi bời căn phòng tội nghiệp của tôi. Đứa nhăn mũi:
- Hôi quá!
Đứa cầm chổi:
- Làm cách mạng đi.
Sau những cuộc cách mạng ấy, quả tình căn phòng có thoáng đãng hơn thật. Nhưng chỉ sau vài ngày, lại đâu vào đấy. Tôi tiếp tục bám trụ như một ẩn sĩ đắc đạo. Lúc đã vào bộ đội, cuộc sống tập thể ào ạt cuốn đi mọi nếp sinh họat riêng lẻ, song tôi vẫn giữ được phần nào thói quen cũ. Ít khi tôi đi đâu, nếu không phải nhiệm vụ và không thật cần thiết. Bây giờ có cô gái, không như trước được nữa nhưng cũng chỉ thỉnh thoảng tôi mới đi dạo cùng cô. Cô bảo:
- Anh buồn cười thật đấy. May không phải ở làng em. Người như anh, lì xì thế chỉ có ôm đầu gối suốt đời.
Đấy là cô muốn nói tôi sẽ ế vợ. Ế cũng được. Cả A trinh sát, chả đứa nào tính khí như tôi. Bọn nó lúc nào cũng ộn ạo như phát cuồng. Ngọc khợp, một bữa ăn nhấp nhổm đứng lên, ngồi xuống không dưới chục lần. Cường choắt tợn hơn. Đóng quân ở đâu, chỉ vài ngày sau, nó đã thành thổ địa. Sục không bỏ sót một xó xỉnh nào. Mỗi thằng một tính, chẳng thằng nào giống nhau. Nhưng chúng nó chung ở một điểm: cuồng nhiệt với cuộc sống. Nói thế, không có nghĩa là tôi thiếu cuồng nhiệt. Sự hăm hở của tôi ở trạng thái tĩnh. Thắng vịt từng có lần phán về tôi:
- Thằng Phương ấy mà. Cốt cách của nó là cốt cách thành hoàng. Nó sẽ làm thành hoàng!
Không đứa nào dám gọi tôi bằng cái tên kèm ấy. Nghĩa văn tự của biệt danh “thành hoàng” làm chúng nó hốt. Bởi vậy, tên tôi trần trụi đúng như cha mẹ sinh ra, đặt cho. Ngẫm, thấy Thắng vịt có lí. Bây giờ, tôi chả là thành hoàng của hang Dơi là gì. Có lần, hồi kí hiệp định, Bình ních rủ tôi đi chợ cửa khẩu. Chợ búa là món xưa nay tôi chúa ngại. Thấy tôi từ chối, Bình ních cáu. Nó nhìn tôi từ chân lên đầu và ngược lại. Giọng rất đểu:
- Ngữ mày, may mà có chiến tranh, nên còn tiêu thụ được. Bằng không, chả được cái tích sự gì.
Tôi không nói lại, vì biết nói cũng bằng thừa. Chẳng có ai sinh ra dành cho chiến tranh đâu Bình ạ. Nhưng thôi, nói chuyện ấy làm gì. Bất luận thế nào, mỗi người cũng phải làm tròn bổn phận của mình. Trước ngày về ngụ hang Dơi, bổn phận của tôi chẳng có gì đáng để người khác phàn nàn.
Những lần dạo chơi cùng cô gái, chúng tôi có rất nhiều chuyện để nói với nhau. Cũng vì hiện tại chẳng có gì, nên quá khứ bội phần sinh động. Sự im ắng của rừng có chi phối phần nào, song không vì thế tâm tình của chúng tôi bị cắt đoạn. Cô gái đặt tay lên thân cây săng lẻ, mắt nhắm nghiền:
- Ở vườn nhà, bố em trồng một cây bạch đàn. Thân cũng thẳng tắp và trắng ngà thế này. Tất nhiên, nó nhỏ gấp nhiều lần. Hồi chưa đi, em cũng hay đặt tay lên thân cây. Hệt như bây giờ. Giá biết trước sẽ được gặp anh, hẳn lúc ấy em đã ước. Đừng cười nhé, con gái nhà quê có gì, nói thế. Sau này, nếu anh không chê em, chúng mình sẽ cùng nhau đứng dưới gốc bạch đàn và…
- Đừng lo, anh sẽ đánh cây săng lẻ này về trồng ở vườn nhà em.
- Bịa!
- Không bịa đâu. Vì em, ấy chết, quên, có em, anh sẽ làm được tất cả.
- Ứ tin. Trai thành phố xạo lắm!
- Em đã biết thành phố vuông tròn thế nào mà quả quyết như đóng đinh vậy.
- Ừ nhỉ. Nhưng em đã ra thị xã rồi. Thị xã chắc chỉ thua thành phố chút ít. Chả cứ con trai, con gái cũng thế. Họ sống thế nào ấy. Đừng ngắt lời, để em kể cho mà nghe. Kề sát nhà em có một cặp. Tay chồng từng công tác ở nước ngoài. Không hiểu đầu, cuối thế nào, cưới một bà vợ thị xã. Chuyện chồng vợ chẳng có gì đáng phàn nàn. Hiềm một nỗi, chị vợ không thể xuôi chèo, mát mái được với gia đình chồng. Chị ta, người cũng trơn tru, ăn nói nhỏ nhẹ, nom mũm mĩm, ai nhìn cũng ưng. Vậy mà, chỉ đâu được dăm tháng, rồi thì vợ chồng phải dắt díu đi. Cũng chả có cái gì lớn. Chị ta chỉ hay kêu ca, thêm cái tật hay nói “nhà quê”. Bà mẹ chồng, nhịn như nhịn cơm sống, cuối cùng vẫn phải lên tiếng:
-Ừ, chúng tôi nhà quê đấy. Có con nhà quê này mới có cái mặt chồng chị. Tôi bảo cho nhà chị biết…
Đấy, mới thị xã đã thế, thành phố còn đến đâu, ai mà biết được. Cứ cảnh giác là hơn.
Cô cười giòn tan. Cô có vẻ quá thích thú về kết luận của mình. Tôi đùa:
- Cũng may, bọn mình không thể cưới nhau được. Nên em chẳng có gì phải nghi ngại bọn trai thành phố.
Cô gái sững người. Mắt chớp chớp. Cô vòng tay cố bám vào thân cây săng lẻ. Thấy bờ vai cô rung bần bật, tôi luống cuống không hiểu. Vai cô rung mạnh hơn. Cô khóc. Mãi sau tôi mới hiểu. Sao mình vô tâm đến thế. Tôi đã vô tình khơi vào nỗi đau của cô. Đó cũng chính là nỗi đau của tôi. Nỗi đau mang từ nhân gian. Nỗi đau tưởng dứt cõi sống trần thế sẽ trút bỏ được. Nhưng không, cuộc đời vong hồn vẫn ôm giữ trọn vẹn những khao khát cháy bỏng. Bởi vậy, nỗi đau kia mãi còn – Nỗi đau của những chiếc lá rụng lúc còn xanh. Cố gắng hết mức tôi cũng không cất nổi một lời an ủi cô gái. Cứ thế cả hai cùng im lặng. Rất lâu sau, cô buông khỏi thân cây săng lẻ. Cô nhìn rất sâu vào mắt tôi. Và cô nói rành rọt:
- Hoà bình, em sẽ về thăm thành phố của anh!
Nhất định thế! Tôi sẽ đưa em về thành phố yêu dấu của tôi. Từ căn gác nhỏ nơi tôi đã sống, tầm mắt em sẽ ngút vào sắc xanh của sóng nước Hồ Gươm. Em sẽ thấy Tháp Rùa rêu phong cổ kính. Tôi dẫn em đi một vòng Bờ Hồ. Này, cây lộc vừng thân ngả. Ngày nhỏ tôi hay chuồi xuống sát mặt nước, trên chiếc cành ngang la đà. Hẳn em sẽ thích những dây hoa lộc vừng giăng giăng rất đẹp. Đây cầu Thê Húc cong cong. Em nhìn xuống mặt nước. Sao nó xanh thế nhỉ. Cảm giác, có thể cắt lát mặt hồ xanh thầm thẫm ra được. Nhìn lâu, thấy xanh rờn cả mắt. Em  gái tôi ngày trước cũng thế. Nó tưởng tượng mặt hồ là đĩa thạch khổng lồ. Ôi, trí tưởng tượng trẻ thơ… Còn đây là Tháp Bút, Đài Nghiên. Văn hiến đấy, bốn ngàn năm đất nước mình viết bằng ngọn bút này, bầu mực này. Ngọn bút mang hồn thiêng của mũi tên thần An Dương Vương, mang tinh khí của thanh gươm Lê Thái Tổ hoàn trả Rùa thần. Và mực chính là máu. Máu của từng thế hệ kế tiếp nhau. Trong đó có phần máu ít ỏi của tôi và em.
Tôi đưa em lên tầng chót của nhà Thuỷ Tạ. Gió lồng lộng thổi. Đây là gió của sông Hồng mặn mòi phù sa. Em xoà tóc. Mái tóc sốt rừng của em, dẫu thưa thớt vẫn mượt bay, óng lên trong ánh đèn đêm. Em biết không, ngày tôi đi đang mùa đông. Đêm cuối cùng, hai anh em tôi dẫn nhau lên căn gác thượng này. Rét lùa như kim châm tí tách vào da thịt. Đã thế, tôi còn ôm lên cả một bọc tướng kem que, Hà Nội mùa rét vẫn có kem. Lạnh đến mức từng que kem khô róc không chảy được. Tôi ăn chậm rãi. Lạnh tê cứng hàm răng. Em gái tôi bảo:
- Anh hâm à. Rét mướt thế này.
Có gì đâu, tôi muốn mang theo một ấn tượng đặc biệt về cái lạnh quê hương. Lúc ấy tôi nói với em gái:
- Để không bao giờ anh quên được Hà Nội.
Làm sao tôi có thể quên được. Chuông tàu điện leng keng. Cũng chỉ Hà Nội mới có tàu điện. Sáng nào tầm bốn rưỡi, bố tôi cũng thức dậy pha trà. Đã thành quen, chuyến xe điện đầu tiên leng keng đi qua, thành cữ báo thức. Tôi nằm im nghe rõ tiếng rít của bánh xe xiết vào đường ray. Âm thanh ấy, bây giờ vẫn vẹn nguyên trong tôi.
Tôi cùng em đi lang thang khắp thành phố. Cái gì em cũng lạ lẫm:
- Nhiều cây to như ở trong rừng ấy nhỉ?
Tôi thèm thuồng nhìn những trái bàng mỡ rụng đầy gốc. Trẻ con đâu hết nhỉ? Ngày xưa, chúng tôi cấm để thoát một chú nào. Bàng mỡ ruột vàng. Bàng đào hồng rực. Ăn hết cùi đập hột, lấy nhân. Chả bõ bèn gì nhưng tranh nhau phải biết. Hay là bây giờ hoà bình rồi, bọn trẻ con không thèm thứ quả phập phèo này nữa. Buồn cười, chúng tôi lấy lá bàng làm mũ vua, mũ quan rất ngộ. Lại phân tước vị từng đứa, theo kiểu truyện Tam Quốc. Đứa làm vua, mặt mày hớn hở. Gắp thăm phải vai gian thần phản nước, buồn đến hết buổi.
Tôi giảng giải rất lâu cho em hiểu về cụm từ “dân trèo me, trèo sấu” mà cánh lính thường gọi những thằng trai Hà Nội. Gốc sấu già này có từ hồi nảo, hồi nào. Nó là chứng nhân tuổi thơ của tôi. Chắc em không hình dung ra nổi. Có một trận mưa rào. Thằng bé con mười tuổi bươn bả chạy. Cả một bụng áo may ô phồng đầy sấu chín. Mưa quất ràn rạt. Thằng bé vẫn chạy. Bỗng nó vấp ngã sõng sượt. Bụng sấu ào ra. Những quả sấu chín, vàng xuộm, tung toé lăn dài giữa đám bong bóng nước phập phồng. Thằng bé vùng dậy, cuống quýt nhặt. Lại ngã. Những quả sấu tròn lại ào ra, lăn đi, lăn nhanh. Thằng bé ấy là tôi. Em không hiểu thật, cứ ngơ ngác, ngơ ngác mãi.
Tôi tiếp tục dẫn em đi vào miền riêng của tôi. Những kí ức đằm sâu, thân thương. Sao lại gọi là Quán Gió? Tôi cũng chịu không biết vì sao. Thành thử phải toét miệng cười trừ. Công viên Thống Nhất. Thống nhất rồi còn gì? Ừ thì thống nhất, vẫn tên gọi ấy để nhớ ước mong một thời. Hồ Tây bát ngát. Sao lại gọi là Hồ Tây? Lại cười trừ.
- Đằng ấy nhiều thứ không biết thế?
Hẳn mặt tôi phải đỏ lắm. Ngượng thật. Nhưng làm sao biết hết được mọi thứ hả em. Ngày đi, tôi mới là thằng trai mười bẩy tuổi, đầy bỡ ngỡ và vụng dại, đã kịp biết nhiều đâu về thành phố của mình.
Đường Thanh Niên lồng lộng. Công nhận Hà Nội nhiều gió thật. Em khẽ thở dài khi gặp một tốp thiếu nữ quần trắng, áo dài đủ mầu. Gió phần phật vẫy phấp phới những tà áo. Hoà bình rồi mà em. Con gái cần phải làm đẹp. Bao nhiêu năm chắt chiu. Không, em có ghen tị gì đâu. Em đang chia sẻ niềm vui đấy chứ. Mắt em thả vào mặt hồ. Nước Hồ Tây xanh trong, in bóng những đám mây lững lờ đủ màu. Những con chim đậu rất tài tình trên mặt sóng. Đấy là chim sâm cầm. Những con chim dập dình trên mặt sóng tự do, yên bình quá. Chợt em ngoảnh mặt. Những chiếc thuyền pê-rít-xoa quấn quýt. Những chiếc thuyền đôi từng rẽ sóng lướt vào thi ca. Ai trong những cặp tình nhân kia vừa đi ra khỏi cuộc chiến. Họ xứng đáng được hưởng hạnh phúc này. Còn chúng mình thì sao? Chúng mình cũng hạnh phúc đấy chứ. Anh đang chẳng cạnh em đây là gì. Dù vẫn biết rằng, đó không phải là thứ hạnh phúc trần gian. Có sao đâu, hạnh phúc nào chẳng là hạnh phúc. Chúng mình được bên nhau là đủ.
Cứ thế hai chúng tôi miên mải khắp thành phố kỉ niệm. Đường phố còn đầy vết tích chiến tranh. Em lặng cúi đầu trước bia căm thù phố Khâm Thiên. Em đòi bằng được, đi trên cầu Long Biên. Em dừng rất lâu trước cửa Bắc thành. Cổng đá uy nghiêm. Rêu phong bờm phủ. Chuyện Hoàng Diệu tuẫn tiết, em đã được học. Thành Hà Nội hay thành Hoàng Diệu là một. Em chỉ vào những vết hoắm trên mặt cổng thành:
- Những vết gì đây?
- Đây là vết đạn đại bác của quân Pháp bắn vào.
- Bắn từ thời cụ Hoàng Diệu hay trong kháng chiến?
Lần này tôi không cười trừ. Không phải tôi không biết, thời nào cũng thế thôi em ạ. Những phát đạn ngoại xâm bắn thời nào cũng thế, đều là nỗi đau dân tộc.
- Anh trả lời đi. Bắn từ thời nào?
Tôi không trả lời. Chúng tôi lặng lẽ đi dưới tán cây rậm roà đường Phan Đình Phùng. Hãn hữu, nắng mới đọt xuống được dưới gốc. Chợt em dừng lại, mắt ngước lên vòm lá. Hình như em vẫn chưa thôi ám ảnh về những vệt hoắm trên cổng thành đá. Tiếng em buột ra:
- Sao dân mình nhiều đời đánh nhau thế nhỉ?
Em không hỏi tôi. Em tự nói với mình. Tiếng của em bồng bềnh, loang dần dần. Những giọt âm thanh đậu lại trên chiếc lá con mỏng tang. Mắt em lọt vào một ô trống. Em vẫy tôi rối rít. Khoảng trống đỏ hồng. Nắng rờ rỡ. Trong ô nắng ấy in hình lá quốc kì đang bay. Màu đỏ loang loang trong nắng gió. Em thốt lên:
- Cờ đỏ.
Đấy là lá quốc kì trên đỉnh Cột Cờ. Tôi thấy người em run lên. Mắt em ngân ngấn. Em đang xúc động mạnh. Bất chợt tôi thấy người em hồng rực. Toàn thân em như đang choàng lá cờ của Tổ quốc. Bây giờ, chắc em đã tự trả lời được điều em buột ra ban nãy. Cần phải thế em ạ, những cuộc chiến tranh, để lá cờ được tung bay giữa mênh mang bầu trời.
Có mùi hương thơm ngái lan toả. Em thích thú hít căng lồng ngực. Tôi thầm thì vào tai em:
- Đấy là hương hoa sữa.
°
°
Thằng lính ngụy, hoá ra cũng nôn nóng hoà bình không kém. Suốt ngày nó cầu nguyện không biết mỏi.
- A men, lạy đức chúa Jê su xin hãy đến!
Tội nghiệp, chúa đã bỏ sót nó. Nếu không, dù không được rước lên thiên đàng, nó cũng ít nhất thoát khỏi nơi này. Nơi, chắc chắn nó chẳng dễ chịu gì. Nhưng thôi, đánh đồng với hoà bình, chúa của nó chắc cũng chả bị thiệt. Thành thử, niềm tin của nó rất có cơ sở. Hoà bình nhất định sẽ đến. Ông già chín năm bảo nó:
- Ta lạ là con mong mỏi hoà bình dữ vậy.
Nó vẫn nguyên trong tư thế cầu nguyện, đáp:
- Sao lại không. Con mong mỏi về nhà lắm lắm!
Nó đã nhiều lần chạy được giấy hoãn quân dịch, cuối cùng vẫn phải chịu chết. Dạo này, ông già chín năm đã đổi cách xưng hô. Ông gọi nó là con, ngang bằng tôi. Ông bảo:
- Mọi hận thù phải xoá bỏ hết. Cần phải xoá bỏ. Có thế, vết thương mới mau lành. Nay mai, đến cả cõi dương cũng vậy. Rồi các con xem…
Nay mai thì tôi không biết. Nhưng bây giờ, tôi có thể chấp nhận được. Từ lâu, tôi đã coi nó bình đẳng với tôi. Thâm tâm, tôi chỉ căm ghét bộ lính dù nó vận trên người. Còn bản thân nó, loại đi những ý nghĩ về sự đối nghịch hàng ngũ, nó cũng là một con người bình thường. Thậm chí, có lúc mải mê đàm đạo, tôi quên béng mất mình và nó từng cầm súng bắn vào nhau. Chỉ duy nhất cô gái không chấp nhận thằng lính. Nỗi đau riêng của cô quá lớn. Trái tim đau kia không còn chỗ cho sự bao dung. Cô bảo:
- Dương sao, âm vậy. Nếu cần thiết phải có một cuộc chiến đấu, em sẽ không từ chối.
Thằng lính biết rất rõ điều này. Nó ý thức được lòng căm thù của cô gái. Nó hạn chế tối đa chạm mặt với cô. Thường, nó lùi tít vào ngách hang của nó.
Lại nói chuyện thằng ngụy. Hoá ra nó là người bồn chồn nhất. Từ đây, đường chim bay về đến nhà nó chỉ chưa đầy trăm kilômet. Má nó đã phải vất vả nhiều song không cứu được nó. Chạy quân dịch tốn kém lắm. Khổ, nhà có khá giả gì cho cam. Bì sao được với con nhà thần thế. Đã tiền lại có quyền. Ra, thời nào cũng vậy, chỉ anh nghèo là khốn nạn. Thằng ngụy kể, nhà nó đông người. Ba má đều dân lao động. Anh, chị em mỗi người mỗi nghề, mình nó được học hành tử tế. Cả nhà trông vào nó sẽ thành này, thành nọ. Niềm mong ước ấy đã tan thành mây khói. Má nó chắc buồn lắm. Ngày nó bị bắt lính, má nó khóc, bảo:
- Con ráng giữ mình. Có bề nào, chắc má chết luôn.
Bây giờ, bặt tin con, người đàn bà ấy chắc đêm ngày mong mỏi. Người mẹ Việt nào không thế. Tôi cố hình dung ra khuôn mặt mẹ thằng lính. Chắc cũng là khuôn mặt dầu dãi. Và những giọt nước mắt lăn trên gò má nhăn nheo. Tôi tin vào những giọt nước mắt của bà.
Tự nhiên tôi nghĩ đến mẹ của tôi. Bà cũng đang mong tin con. Mong lắm. Dẫu rằng, những giọt nước mắt của bà mẹ thằng ngụy cũng được chắt từ tình thương yêu mẫu tử, những giọt nước mắt ấy, ai dám bảo không chân thành, tôi vẫn quả quyết rằng, nước mắt của mẹ tôi khác. Không cần giải thích nhiều về sự khác biệt. Chỉ điều này thôi. Mà cũng chẳng cần phải dông dài.
Hồi tôi làm đơn tình nguyện, chưa kịp báo thì mẹ đã biết. Mẹ bảo tôi:
- Chuyện hệ trọng sao không nói với mẹ trước?
Tôi lúng túng chưa kịp trả lời, mẹ đã lại nói:
- Trai thời loạn, con nghĩ thế, mẹ mừng cho con. Có điều đi đánh giặc, gian khổ, con gắng chịu đựng. Làm điều gì không phải là có tội con ạ.
Mẹ tôi chắc sẽ không chịu đựng nổi nếu tôi chui nhủi, trốn tránh nghĩa vụ của mình. B52 đánh Hà Nội, bố tôi viết thư vào, kể: “Phương ơi, trong tiếng bom B52 con có biết mẹ con nghĩ gì không? Tuyệt nhiên bà không hề nghĩ đến nguy hiểm trên đầu. Lúc ấy bà nghĩ đến con: “Thằng Phương nhà mình yếu lắm. Gió mùa đông bắc thế này không biết nó có chịu quàng khăn không? Chắc là nó rét lắm, thằng Phương…”.
Đấy, thực lòng tôi không muốn so sánh. Thằng ngụy có vẻ ngẫm nghĩ rất lung. Sau cùng nó bảo:
- Tôi hiểu.
Ông già chín năm, mặt vời vợi ưu tư. Ông cũng có một bà mẹ mong đợi. Ông quay sang thằng ngụy:
- Nếu cầu nguyện, con hãy cầu nguyện cho nước mắt của tất cả các bà mẹ. Con hãy bảo với Chúa Trời rằng, đủ rồi, nước mắt thế đủ rồi, nếu có phép mầu, Chúa hãy làm cho nước mắt của các bà mẹ ngừng chảy.
°
°
Hôm ấy là một ngày khác thường. Buổi sáng trời quang, mây tạnh. Quãng trưa, trời vẫn xanh nhưng toàn bộ các cánh rừng, mây đùn cuồn cuộn, kết thành những đám lớn đủ mầu. Cô gái kêu lên:
- Mây đẹp quá.
Những đụn mây là là quấn quýt bên nhau. Có đụn trắng xốp như bông. Có đụn xanh, tròn như một chiếc lá sen. Có đụn vàng óng như một nấm rơm mới. Có đụn nâu sậm lù lù. Lại có đụn đỏ rực. Có cả bè mây đen lừ lừ giạt phía cuối rừng. Nhiều nhất là những đám mây kết mầu. Trời vẫn xanh. Gió u u thổi. Cô gái không ngớt miệng trầm trồ. Thằng ngụy lồi mắt ngơ ngác không hiểu. Tôi cũng thế, người cứ nhấp nha nhấp nhổm. Chỉ có ông già chín năm là yên vị. Ông xếp bằng ngồi ở phiến đá cửa hang. Ông nhìn trời, nhìn mây, nhìn đất, lại quay nhìn vào hang. Miệng ông cứ tủm ta, tủm tỉm. Ông vuốt râu cười ngắc ngư. Râu, đấy là ông vuốt tưởng tượng. Mái tóc của ông trắng không còn một sợi đen nào từ sau cái đêm dạo nọ, xập xoà bay trước gió. Mắt của ông rực sáng. Lạ thật, ông cứ tủm tỉm cười mãi.
Mây tiếp tục kéo lên ùn ụn. Trời vẫn bát ngát xanh. Âm thanh không biết từ đâu vẳng đến, rộn rã. Chịu, không phân biệt được tiếng gì. Chim nhiều lắm, vỗ cánh lẫn vào mây. Cả dơi trong hang cũng túa ra, chấp chới đảo những vòng bay kì dị. Bất chợt, ông già chín năm đứng dậy. Thấy tay ông dang ra. Tiếng ông cất lên trầm vang:
- Hoà bình rồi! Các con ơi, hoà bình rồi!
Cô gái reo lên. Tiếng reo háo hức như đứa trẻ đang mong chợt thấy mẹ đi chợ về:
- A, hoà bình. Hoà bình!
Thằng ngụy lập cập quỳ xuống. Nó làm dấu thánh giá và miệng lầm rầm khấn. Cuối cùng chúa của nó cũng đã đến. Đức tin của nó được dịp thốt thành lời:
- A men…
Cô gái quá sung sướng đã chạy vút vào rừng. Hình hài cô thấp thoáng trong mây. Người cô óng ánh đủ màu sắc. Tôi thấy ngực mình nghèn nghẹn. Cảm giác nghèn nghẹn mãi dâng. Cả lồng ngực trĩu nặng. Chẳng nhẽ cảm giác đầu tiên của hoà bình lại thế này. Tôi hỏi ông già chín năm:
- Hoà bình thật rồi ư?
- Thật rồi con ạ!
- Nhưng tại sao ông biết?
Ông già chín năm vuốt râu, tủm tỉm cười:
- Ta đã ở đây hai cuộc kháng chiến. Ta biết! Con hãy nhìn kĩ những đám mây. Đấy là linh hồn của những người chết trận đang trở về quê hương, bản quán.
Ngực tôi nặng thêm. Hệt như có đá tảng chất chồng trên đấy. Những linh hồn… tôi cố hất tảng đá xuống khỏi lồng ngực. Thằng ngụy đã thôi cầu nguyện. Chắc nó đã gặp được chúa. Không biết chúa của nó có quở trách gì không mà mặt nó buồn đến thế. Buồn nẫu. Nó vẫn quỳ. Lần đầu tiên tôi thấy nó ở trong tư thế ấy nhưng không cầu kinh. Tiếng của nó rành rọt:
- Má ơi!
Đá vẫn đè nặng trĩu. Tôi vừa nhìn thấy những người lính đi trong rừng. Mang theo cả sức nặng của đá, tôi băng xuống. Những người lính thấp thoáng. Tôi cất tiếng gọi khản đặc: – Đợi tôi với, các bạn ơi. Đợi tôi với… các anh ơi…
Mọ mẫm mãi, tôi cũng xuống được vạt rừng. Mặc tiếng gọi của tôi, cả đoàn quân vẫn hăm hở bước. Mặt ai cũng hớn hở. Phải đến một tiểu đoàn. Nhìn cũng biết đủ mọi binh chủng. Không có ai trả lời tôi. Họ cười nói ồn ĩ vui vẻ lắm, hoà bình rồi mà. Thoáng chốc, cả tiểu đoàn âm binh đã diễu qua. Ban nãy, mây còn ngùn ngụt giờ đã tạnh vắng. Rừng lại trở về quang quẻ. Tôi ngồi bệt xuống đất. Mắt đăm đắm nhìn vào vệt đường. Những dấu chân còn tươi nguyên. Đầu óc mông lung, tôi cố nghĩ một điều gì đó để khoả tan nỗi tủi quạnh lúc này. Không nghĩ nổi một điều gì cả. Giấc mơ về Hà Nội cũng không đến. Không biết thời gian đã trôi bao lâu.
Ông già chín năm đứng ở cửa hang, tay hươu hươu kêu gì đó. Không rõ tiếng, thấy ngân dài như hú. Có lẽ ông gọi chúng tôi về. Đúng lúc chân tôi đã dợn bước, chợt thấy vạt đất ven đường đụng cựa. Rung rinh cả mặt đường. Chẳng nhẽ động đất. Hồi 73 tôi đã được chứng kiến động đất. Ban đầu cũng rung rinh như thế. Một lát, bất thần cả một sườn đồi nứt ra, ụp xuống. Kinh lắm, nổ rền rền cả chuỗi dài, không một thứ bom đạn nào do con người chế ra sánh được. Hôm ấy cả A trinh sát hút chết. Cả bọn cứ ngây ra, chân líu ríu như bị trói, không một đứa nào kịp chạy. May thế, chỗ đồi sụt, cả bọn vừa đi qua xong. Cú đó khiếp đến nỗi, sau đấy, không một thằng nào dám ho he bình phẩm. Đến Thắng vịt, chuyên khua mép phão chuyện âm dương cũng ngậm hột thị.
Đất rung gằn cả chân. Tôi thấy lại cảm giác ơn ớn dạo nào. Sực nhớ đến tình cảnh mình. Việc quái gì phải sợ. Sụt thế, chứ sụt cả khu rừng này cũng làm cóc gì được tôi. Thấy “cách” một cái, đất nứt ra thật. Thành một vệt dài ngoằn, mầu đất sậm nâu như mầu máu đông. Nói cứng, nhưng tôi vẫn thấy ngột tim. Tôi nhắm mắt chờ tiếng nổ của đất sụt. Ắng như tờ. Thoảng thoảng mùi thơm hăng hắc của dầu diệp, bèn mở mắt, thấy trồi lên từ kẽ nứt, chiếc mũ tai bèo có đính lốm đốm những mẩu dù hoa bé xíu rất ngộ. Hiện dần dần khuôn mặt, rồi cả người một gã lính rất kẻng. Gã vận bộ Tô Châu xanh bóng còn nguyên nếp gấp. Cả đôi dép rọ trắng cũng mới khựng. Chà, thằng cha nom thật hách, cứ như đi duyệt binh vậy. Quá bất ngờ, tôi trân mắt ngắm. Gã nhún nhẩy co chân, duỗi tay. Lại múa may hết lượt mấy chục động tác võ thể dục. Nhìn mặt, biết đang phởn, cứ hơn hớn như đào xuân hé nụ. Đoạn, gã cúi xuống kẽ nứt lôi lôi, kéo kéo. Mồm giục giã liên hồi:
- Dậy, dậy. Dậy đi mày. Ngủ gì mà kĩ thế.
Lát sau, gã lôi lên mặt đất một bọc tướng, dài khượt. Tôi dụi mắt cố nhìn. Hoá ra đấy là một cái xác được gói bọc rất kĩ. Phía ngoài trùm tăng có quấn dây dù cẩn thận. Những cái xác thế này, tôi gặp đã nhiều. Dạo đánh núi Quýt, không quân ngụy giã xuống toàn bom tấn. Bom quật thế nào văng lên một bọc hệt bây giờ. Rơi bịch ngay cửa hầm chốt. Dứt bom chạy ra, thấy sức ép đã thổi tướp lớp võng, tăng bọc ngoài. Riêng thi thể còn nguyên vẹn. Thịt da cứ tươi roi rói. Đấy là xác liệt sĩ hồi Mậu Thân. Dạo đó điều kiện chiến trường còn khắc nghiệt, lại hi sinh nhiều, hậu cần không lo kịp quan tài, đành gói vào tăng võng chôn tạm. Hôm ấy chốt có tôi và Thắng vịt. Hai thằng đang chưa biết tính bề nào, chợt thấy thi thể người lính rùng rùng. Đánh nhoàng một cái thịt da, đầu tóc, quần áo tan ra như có phép thần, hoá thành một cột khói mỏng tang, bốc thẳng đứng. Có cảm giác cột khói bốc đến tận đỉnh trời. Chớp mắt, đã thấy thi thể tan hết, còn lại độc xương cốt. Sạch sẽ hệt như xương bốc mộ được tẩm rửa cẩn thận. Thắng vịt hốt quá nhắm tịt mắt, khấn lầm rầm. Sau đó mang chôn lại, đắp như mả thường, có mộ chí hẳn hoi. Xong xuôi việc, Thắng vịt mới bảo:
- Thiêng lắm. Người hoá thế, lên giời ít cũng phải làm vua một xứ.
Chuyện ấy thì tôi chịu. Có đánh đu với con nhà giời cũng không thể biết. Kể lại, không một đứa nào tin mới ức.
Gã kia mồm vẫn giục giục:
- Nào, chui ra đi mày, gan thế?
Cuối cùng, người trong gói tăng chui ra, dụi dụi mắt.
- Khiếp, làm một giấc ngon quá. Ngủ đã đời.
Người lính này cũng ăn diện không kém. Chừng như anh ta còn tiếc giấc ngủ dài, làu bàu:
- Gì mà mày ầm ĩ thế. Chả ngủ còn biết làm gì.
Gã kia cười toáng lên:
- Hoà bình rồi bố ạ. Thiên hạ người ta rầm rầm đi về, bố còn tiếc giấc ngủ xó rừng này. Đấy, thích thì ngủ nữa đi.
- Hoà bình thật à?
- Chứ lại không!
- Thằng Cương đâu?
- Ừ nhỉ. Nó biến đâu mất dạng. Gọi to xem nào.
Tiếng gọi cất lên rền vang. Hoá ra mấy ông tướng này nằm đây đã lâu. Có mộ phần, được nhận hương khói, thảo nào các bố im tiếng thế. Người lính tên Cương đi đâu, tất tả chạy về:
- Đéo gì mà ồn ã như có loạn ấy. Bảo mãi rồi cứ vác tên cúng cơm người ta ra réo. Để vợ tao giật mình, chúng mày liệu liệu cái thần hồn.
- Bố nằm mục xương ở đây, vợ bố lại chả kịp lấy đến hai đời chồng nữa rồi. Đâu đến phần bố mà giật mình. Rõ tinh tướng.
- Thế nãy giờ mày đi đâu?
- Ngó nghiêng xem binh tình thế nào. Đằng kia đông lắm chúng mày ạ. Lập thành trạm hẳn hoi. Có cả xe ca chở quân, không phải đi bộ như lúc vào đâu, tươm lắm.
- Đi, bọn mình đi đi, kẻo ở nhà mong.
Bóng những người lính khuất dần. Tôi nghẹn ngào nhìn theo. Họ đang đi về nhà của họ. Chao ôi, niềm vui ấy mới lớn lao làm sao. Họ không hề nhìn thấy tôi, dù tôi đứng sát cạnh. Phận vong hồn là thế. Nhìn thông bốn cõi nhưng chẳng cõi nào biết đến mình. Ví thử, họ biết tôi, đồng đội của họ đang đứng đấy, thèm khát có được niềm vui kia, hẳn những người lính sẽ không làm ồn ĩ. Nếu không chia sẻ được, họ biết phải làm gì. Mà thôi, xin chúc mừng các anh. Xin chúc mừng cuộc diễu binh âm thầm của những linh hồn liệt sĩ.
Tôi miên man đến bên cây săng lẻ tự bao giờ. Cô gái cũng thế. Cô đặt tay lên thân cây trắng ngà. Có vẻ như cô đã đợi tôi từ lâu lắm. Niềm vui hòa bình đã lắng xuống. Chắc cô đã chứng kiến cảnh những người lính rời bỏ khu rừng. Và cô đã hiểu ra tình cảnh mình.
Hai chúng tôi đứng bên nhau. Cây săng lẻ hôm ấy như to hơn, cao hơn. Trời vẫn xanh. Xanh như không thể xanh hơn được nữa. Nắng sóng sánh vàng. Mây đã cuộn cả về phía cuối trời. Phía ấy, mẹ tôi, em tôi, những người thân của tôi đang mong đợi tôi trở về. Con chưa thể về ngay được mẹ ạ. Hẫy tha lỗi cho con. Em gái của tôi. Em hãy giữ cho riêng mình tiếng hót của con chim liếu điếu. Đó là tiếng hát của cõi hồn anh. Rồi đây, những thằng lính của A trinh sát sẽ lần lượt trở về. Cả những thằng sống và thằng chết. Chúng mày hãy đến đấy. Ngôi nhà nhỏ ven hồ Hoàn Kiếm. Chúng mày hãy bảo với mẹ tao, gia đình tao, rằng: “Tất cả hãy yên lòng. Thằng Phương chưa về ngay đâu. Nó còn bận. Hãy yên lòng. Nó đã làm xong phận sự của nó. Thằng Phương sẽ về. Nhất định nó sẽ về!”.
- Kìa, sao anh lại khóc?
- Không, anh có khóc đâu. Anh mừng quá đấy mà. Từ nay không còn chiến tranh nữa…
- Nhưng…
Cô gái không nói được hết câu. Những giọt nước mắt của cô tròn, to, lóng lánh lăn xuống má, loang vào lớp vỏ cây trắng ngà. Cây săng lẻ chao nghiêng. Những dấu khắc, những kí hiệu, vết chặt chém trên thân cây, từ nay vĩnh viễn thành dấu vết một thời. Những giọt nước mắt nóng bỏng này là thứ sau cùng, cây săng lẻ nhận của chiến tranh. Tất cả đã kết thúc. Giọt nước mắt của cô gái đã trả cây về với rừng thẳm.
Đột nhiên tôi thấy bừng trong mình hi vọng mãnh liệt. Đừng khóc nữa em. Chúng tôi lặng nhìn vào mắt nhau. Hai đứa trao gửi, đón nhận từ nhau niềm hi vọng kia. Nhất định thế. Chúng tôi sẽ trở về. Sẽ trở về!