Chương 5

    
hực ra gọi thế cho phải phép, chứ hình hài ông già, rất trẻ. Ông chỉ cứng hơn tôi chút ít. Nếu thọ, tuổi ông tính đến bây giờ phải trên thất thập. Ông mất hồi đầu kháng chiến chín năm. Lúc đó ông mới hai nhăm tuổi. Mấy chục năm qua hồn phách giữ nguyên nên hình hài ông y vậy. Ở dưới âm thì khác. Thấy bảo trần sao, âm vậy, con người ta đều quy theo tuổi. Thế lại hay.
Ông vào vệ quốc rất sớm, ngay từ ngày đầu. Trước đó ông họat động tuyên truyền. Hai nhăm tuổi, tính đến lúc mất, ông đã có chục năm thâm niên cách mạng. Ông mất trong khi vận chuyển vũ khí bằng đường giao liên bí mật vào Sài Gòn. Trong hang dơi này còn cất giữ nhiều súng ống, đạn dược của đơn vị. Ông vẫn là người coi kho từ ngày ấy. Quê ông cách đây cũng không xa, ở miệt đầu đồng bằng miền Tây. Ông chết vì một trận sốt ác tính.
Những người như tôi và ông kẹt giữa trần thế và âm cung. Những kẻ chết không mồ, không mả, không tên, không tuổi, không hương khói, hồn cứ dật dờ không bay đi được. Kiếp trần không với được đã đành nhưng cõi âm trước mặt mà không tới được, thật hết chỗ nói. Phận vong hồn buồn vui không thấu, mặc mọi sự lặng lẽ trôi qua. Có hôm, thấy rõ cả tiểu đoàn âm binh hành quân qua. Nhìn, biết đủ mặt các đơn vị. Ai cũng tươi tắn, hơn hớn, quân phục chỉnh tề. Lại nghe thấy rõ ràng:
- Hoà bình rồi, ta trở về nhà thôi.
- Khiếp thật. Không tin được, dạo mình chết, tình hình còn mù mịt lắm. Mới mấy năm đã xoay chuyển.
- Rảo rảo lên. Ra khỏi rừng về quốc lộ, muốn đi tàu hoả, hay ô tô cũng được.
- Thế thì vào bố Sài Gòn chơi một phen cho đã. Mấy đợt tổng tấn công, nào được nghỉ lấy một ngày.
- Về quách cho xong. Làng tớ điểm quân chắc phải đại đội cứng. Hồi 74 chưa đến mình, đã ngót nghét năm chục thằng.
- Bao nhiêu cũng đáng. Thống nhất phải bỡn đâu.
- Ơ, thằng này lớ ngớ thế, đi đứng ra làm sao vậy. à lính tăng, không quen đi bộ hả? Nào tớ dìu. Ngày xưa các tướng coi bộ binh chúng tớ ra đéo gì. Nào…
Ồn ã cả một khúc rừng. À, thế là hoà bình rồi đấy. Mong thì mong thật nhưng hoà bình chúng nó về nhà hết cả, khúc rừng này quạnh lắm. Ông già chín năm (tôi vẫn gọi thế) nhìn đoàn âm binh diễu qua, vuốt tưởng tượng bộ râu của mình, tủm tỉm cười. Ông hay cười lắm. Tính lại hiền và tốt bụng. Người như thế ở đời, thời nào cũng hiếm, chết thật phí.
Hôm đầu tiên gặp ông, chính vào ngày thứ ba, kể từ lúc thằng Vịnh bỏ đi. Ông đứng giữa màn sương khói. Vô số những con dơi chập choạng đảo cánh. Ông nhìn tôi không chớp mắt. Mặt căng thẳng chờ đợi một điều gì đó. Lâu lắm. Tôi thấy người bồn chồn, khắc khoải. Đau đớn của vết thương, của đói khát hành hạ không còn nữa. Người cứ nặng trĩu, nặng trĩu. Sàn hang bằng đá như tụt dần xuống. Ông vẫn đăm đắm nhìn tôi. Cho đến lúc thấy người nhẹ bẫng thì ông bước đến. Ông như muốn đỡ tay tôi, mỉm cười:
- Xong rồi, chàng trai ạ.
- Xong cái gì? – Tôi ngơ ngác không hiểu.
- Xong một kiếp người. Linh hồn con vừa trút khỏi thể xác. Từ nay con ở với ta.
- Nhưng ông là ai? Trẻ thế, sao dám gọi tôi bằng con.
- Ta không trẻ đâu. Đấy là so với con. Lại đây đã, rồi khắc biết.
Xong một kiếp người. Ra mọi chuyện chóng vánh và giản đơn đến vậy. Cái chết chẳng có gì đáng sợ lắm. Tôi dò dẫm bước lại phía ông. Ông tọa trên một phiến đá ngất ngư. Ông bảo:
- Rồi con sẽ quen. ở đây cái gì cũng động, chúng ta bị vòng trầm luân lãng quên. Nhưng không sao.
Không tài nào chạm vào được người ông. Ông bảo, đấy là cái phải gánh chịu của vong hồn. Ông kể cho tôi nghe về cuộc đời ông. Tôi lắng nghe với tất cả sự lạ lẫm, tò mò. Thời của ông khác nhiều thời tôi. Ông lại bảo:
- Lâu rồi, ta không còn tên. Cứ gọi ta là ông già chín năm. Để ta nhớ lại một thời trai. Không khác nhiều đâu con ạ. Ta và con, hồn đều lẩn khuất nhưng tâm chúng ta thanh sạch. Chúng ta chết vì dân, vì nước. Lọ phải sợ kiếp vong hồn.
Tôi hay ra cửa hang dơi nhìn xuống vạt rừng phía trước. Mồn một mọi thứ rõ ràng. Cánh rừng này, tôi không quen lắm. Chẳng hiểu tại sao thằng Vịnh lại cáng tôi vào đây. À nhớ ra rồi, lúc đó có một chốt dù chặn mất đường về đơn vị. Hoá ra mắt vong hồn cũng chẳng khác mắt người trần là mấy. Cũng có hôm, tôi liều mạng đi xa một chút. Xông thẳng vào vạt rừng. Thì ra, từ đây về đơn vị cũng chẳng bao lâu. Tôi dệu dạo chán chê. Lạ thế, chỉ quanh quẩn ở gần hang. Đi vượt ra ngoài, người nặng trĩu, buốt nhói không thể chịu được. Hỏi lại điều này, ông già chín năm giải thích:
- Có gì lạ đâu con. Phàm kiếp người đến số, xác tiêu tán thì hồn thanh thoát. Chúng ta vô danh, hồn không thể siêu thoát được. Đất này mãi mãi là chốn hồn ta.
Tôi không khỏi chạnh lòng. Có hôm, mười mươi nhìn rõ đại đội trợ chiến hành quân qua, tôi sấp ngửa chạy theo. C trưởng An đi đầu đang giận dữ điều gì, đù đẹc liên tục. Cứ chạy, mặc cào xé đau đớn. Đúng lúc tiểu đội trinh sát hiện ngay trước mặt thì tôi bị quật quỵ xuống. Tôi đếm từng thằng một, gọi từng thằng một. Bình – Long – Thắng – Cường – Ngọc – Biên. Sao chỉ còn lại có sáu? Thằng Vịnh đâu? Tôi gào đến rách cả họng:
- Chúng mày ơi. Dừng lại đi. Tao đây. Phương đây. Cho tao đi với.
Không đứa nào nghe thấy tiếng của tôi. Mặt đứa nào cũng lầm lũi, căng thẳng. Tôi cố lăn đến. Người như bị giằng xé. Không một cực hình trần gian nào có thể sánh nổi. Tôi lăn xả vào giữa hàng quân. Người sắp sửa tan ra thì tôi víu được vào chân thằng Bình. Không thấy nó một mảy may phản ứng. Tôi liều mạng cắn chặt răng vào quai dép đúc, để giữ nó. Tịnh không một tác dụng nhỏ nhoi. Nghe thấy rõ tiếng thằng Bình ca cẩm:
- Thánh họ thằng Ngọc khợp. Chuyên đi nhầm dép. Đôi này chật, vướng víu quá.
Tôi cố cắn mạnh hơn. Nó vẫn đi phăm phăm. Chân chỉ hơi dợn dợn. Đoàn quân đi qua đã lâu, tôi vẫn lăn lộn trên mặt đất. Những chiếc lá khô mục, giờ đây sắc cạnh như gài kim buốt nhói. Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy những người bạn thân yêu nhất của mình. Giá không có ông già chín năm, chắc hôm ấy tôi không về được hang dơi. Dù sao, có một chỗ trú ngụ chắc chắn vẫn tốt chán. Còn khối kẻ dật dờ, không có cả một nơi gửi thân như tôi. Không đâu xa, phía ngoài vạt rừng, có vô khối hồn ma không nhà. Lang thang tụm thành từng đám, không rõ mặt mày, hình hài, nỉ non kêu khóc. Đám ấy, ông già chín năm cũng chỉ biết phong phanh. Nghe đâu như B52 dập trúng nơi gom xác của một tiểu đoàn không vận ngụy hồi Mậu Thân.
Lại nói về chỗ trú ngụ. Vài hôm sau khi Vịnh đi rồi, lúc đã quen chuyện ông già chín năm, tôi chợt bắt gặp một người quen. Thọat đầu, tôi không nhận ra hắn. Đó chính là thằng tù binh ngụy đã cáng tôi ròng rã suốt tuần lễ. Tôi gặp hắn ngay trước cửa hang. Nhác thấy thân hình đẫy đà của hắn, tôi chỉ hơi ngờ ngợ. Lúc biết hắn, tôi đã bị thương, không còn tâm trí nào để ý. Hắn vặn vẹo đến trước mặt tôi:
- Chào ông.
- Mày là ai? – Sắc phục dù của thằng ngụy dẫu đã tơi tả, mướp mơi vẫn không giảm được sự thiếu thiện cảm nơi tôi.
- Ông không nhận ra tôi thật ư?
- Mày là ai? – Tôi vẫn sẵng giọng.
- Tôi chính là thằng tù binh các ông bắt được. Suốt một tuần lễ, tôi phải chịu khốn khổ với cuộc hành trình của ông. Cuộc hành trình kết thúc ở cái hang này.
Nó lắm lời quá. Dù sao tôi cũng đã nhận ra nó. Một thằng lính phía bên kia. Nhưng nó đến đây làm gì nhỉ. Tôi hỏi, giọng vẫn chẳng mấy mặn mà.
- Mày cần gì?
- Còn cần gì nữa hả ông. Bạn ông đã thả tôi. Vâng, đúng vào lúc ông hấp hối. Ông ấy thả tôi trong sự điên khùng của tuyệt vọng. Tôi thoát khỏi họng súng của bạn ông nhưng lại không thoát khỏi những viên đạn của đồng đội tôi.
Thằng ngụy gào lên nỗi uất ức của nó. Hoá ra, nó bị đồng bọn bắn chết. Chính cái chốt dù chặn đường buộc chúng tôi phải rẽ vào hang. Tiếng súng vang động của Vịnh đánh thức cái chốt dù đang ngủ. Thằng ngụy bớ rớ chạy vào bị chộp gọn. Có lẽ thân hình rệu rã và sự hoảng loạn cùng cực của nó đã khiến bọn kia quyết định. Những phát đạn găm từ phía sau, đẩy thằng ngụy rơi xuống vực phía trái hang dơi, thành hồn ma lang bạt.
- Thì đằng nào chả chết, mày còn kêu ca nỗi gì.
- Khác chứ. Chết vì các ông đã đành một nhẽ. Chiến tranh mà. Nhưng chết như tôi thì thảm khốc quá.
Đoạn thằng lính bưng mặt khóc rất não nề. Phải cắt ngang nó.
- Thôi im mồm. Về chỗ đi. Đừng quấy nhiễu sự tĩnh lặng của tao.
Bất ngờ thằng ngụy tròn mắt:
- Chỗ nào?
Mưa xối xả trút xuống. Cơn mưa mùa không báo trước ào ào đổ như thác. Cả khoảng trời phía trước hang vẫn xanh ngắt. Có mỗi một đám mây mọng đang từ từ nở ra. Chốc lát, tràn ngập cả thinh không một màu chì xám ngắt. Nhanh hơn cả dầu loang trên cát. Mưa vẫn ào ào. Không thấy rõ thằng ngụy nữa, nó lập tức bị lút vào màn mưa ngày một dày thêm. Nhưng vẫn thấy tiếng của nó lóp ngóp:
- Làm gì có chỗ nào cho tôi. Thân xác bị vực thẳm nuốt gọn. Tôi bây giờ không nhà, không cửa, không hang, không hốc. – Bất đồ, nó tru lên, hơn cả chó sói bị mất con. – Xin ông cho tôi vào hang. Xin ông?
Giọng nó bị ngắt ra, nấc lên. Hình hài nó lại trồi ra sũng mưa, bềnh bệch.
- Nhưng tao không có quyền!
Tiếng của ông già chín năm vọng từ phiến đá u u:
- Gì đấy con?
- Có một thằng lính bên kia xin được vào hang.
Tôi lật bật vào, kể tường tận. Ông già cười, bảo:
- Cho nó vào con ạ. Chết rồi, còn ta, địch gì nữa. Tội nó, nó gánh. Phúc mình, mình làm. Cho nó vào.
Từ hôm ấy, thằng lính được trú cùng trong hang. Sau này, xương cốt của nó được một nhóm hám tiền chuyên xăn lùng xác Mỹ lượm lên từ đáy vực, đóng gói chở về thành phố. Không biết nó có tìm được về nhà không? Đấy là việc của nó.
°
°
Thằng ngụy trạc tuổi tôi. Quê chính gốc Sài Gòn. Nhà nghèo nên là sinh viên vẫn bị bắt quân dịch. Nó giải thích:
- Số tôi xui quá. Lẽ ra đã vô Thủ Đức. Nhưng mần mè gì suất sĩ quan. Tưởng thoát nào ngờ. Tựu trung cũng tại tiền cả. Đủ tiền nạp, sức mấy đến lượt tôi đi quân dịch.
Nó đang học năm thứ hai y khoa thì bị bắt, xui thật. Còn bốn năm nữa chứ mấy thì thành doctor. Chiến tranh có những lí riêng của nó. Tôi cũng thế, nếu không vào đây chắc cũng hết năm thứ ba rồi. Thằng ngụy hỏi:
- Tôi đã đành. Còn ông? Ông tận Hà Nội, vô làm gì cho cực xác?
Giá không phải là vong hồn khất khưởng, hẳn tôi đã cho nó lĩnh đủ. Vào làm gì ư? Ngày tôi về đại đội trợ chiến, em gái tôi viết thư vào. Nó viết: “Anh Phương ơi, bom đánh trúng khu phố mình. Căn gác nhỏ của anh sập rồi. Con liếu điếu, ngày đi anh thả, nhưng nó vẫn bay về quanh quẩn. Sáng sáng vẫn vang vang tiếng hót của nó. Lúc moi tìm đồ đạc của anh, tay em gặp nó. Con chim vẫn mượt nguyên, óng ả. Và kì lạ, em nghe thấy tiếng hót của nó. Lúc ấy người em run lên. Anh Phương. Anh phải không? Anh về trong tiếng hót để an ủi em…”.
Thằng ngụy thần người khi tôi đọc cho nó nguyên đoạn thư em gái tôi viết. Đoạn thư tôi đã thuộc lầu lầu. Dạo đó, thằng Ngọc lén xem thư, phán:
- Nàng thật tuyệt vời. Mày viết thư bảo. Không phải anh đâu. Bạn anh đấy. Anh Ngọc khợp đấy. Tao sẵn sàng trong lốt một con chim chết, để ngon lành đậu giữa tay nàng.
Tôi không muốn giải thích gì thêm, nếu thằng lính kia không hiểu. Nhưng nhìn vào mặt nó, tôi biết. Mỗi người có riêng cho mình một cuộc chiến tranh. Cả nguyên cớ cũng vậy. Hãy gạt đi những ngôn từ to tát, những lí tưởng cao vời, chiến tranh của em gái tôi, rất có thể bắt đầu từ tiếng hót của con chim liếu điếu đã chết. Và tôi, một thằng trai mười bảy tuổi, đặt bút kí vào đơn tình nguyện giữa hai tiết học, lòng không một mảy may bận tâm, có chăng chỉ là những canh cánh về một học kì cuối cùng của năm cuối cùng phổ thông. Tuyệt nhiên, thằng trai mười bảy tuổi ấy không hề nghĩ ngợi đến cái chết của chính nó, ba năm sau đó. Dù rằng, lúc ấy – lúc đặt chữ kí – thì tất cả mọi điều có thể đã được bầy ra. Chiến tranh của tôi, nói một cách dông dài, ngợp trong xúc cảm khó thể cắt nghĩa. Nó cụ thể – cụ thể đến mức không nắm bắt được, tỉ như mùi hương hoa sữa thoảng ra từ những vòm lá âm u. Lại mỏng manh mơ hồ – mơ hồ đầy ấn tượng, khiến con tim run lên khi chợt gặp một con thuyền đôi nhỏ nhoi, chở cặp tình nhân trên hồ Tây chiều đông đầy sương khói. Còn nhiều nữa, tất cả trộn quyện vào nhau. Đấy, chiến tranh của tôi bắt đầu từ đấy. Vả chăng, khi mang cuộc chiến tranh của riêng mình nhập vào cuộc chiến tranh lớn, tự thân sự nhập cuộc ấy là nguyên cớ – cái nguyên cớ chắc chắn để mỗi một bản thể người tìm ra điểm đặt số phận mình.
Tôi nhìn vào hình hài thằng ngụy. Chỉ mươi ngày trước, nó và tôi sẵn sàng nổ súng vào nhau. Chiến tranh là thế. Cần phải loại bớt sinh mạng. Song le, từ hai phía, mỗi người, nó và tôi đeo đuổi cuộc chiến tranh của riêng mình. Nếu có một trục thẳng, nó và tôi sẽ ở hai đầu mút đối lập. Cả hai cùng bị hút vào tâm điểm. Lõi của tâm điểm ấy chính là bản chất cuộc chiến. Kẻ thắng – được khẳng định – phải là kẻ ý thức được bản chất cuộc chiến tranh của mình.
Nhưng bây giờ tôi và nó, mọi điều, thảy đều vô nghĩa. Cả hai đã bị loại ngoài cuộc chơi. Mặt thằng ngụy lộ vẻ xúc động chân thành. Nó nói:
- Một đoạn thư của em gái ông là tôi hiểu. Tôi cũng có gia đình. Thực lòng, tôi không muốn dính vào chuyện chính trị. Nhưng xin được thành thực. Liệu bao giờ cuộc chiến này kết thúc? Và ai thắng? Ai sẽ thắng?
Tôi không nhớ mình đã nói những gì với nó. Mọi ý kiến lúc ấy chỉ là những niềm tin áp đặt. Chừng dăm tháng sau, có một chuyện xảy ra ngay trong hang dơi làm chấn động thằng ngụy. Chuyện thế này:
Hôm ấy trời hanh hao. Rừng miền Đông cuối năm, lá trút ào ào. Đêm lạnh buốt nhưng ngày, nắng vẫn đổ lửa. Vạt rừng phía trước trơ trụi. Từ đỉnh hang dơi, bằng mắt thường, nhìn thấy rõ núi Bà Rá và cả tiểu khu Phước Long. Chiến sự đang căng thẳng. Đang có một chiến dịch vây ép lớn. Các đơn vị chủ lực miền tập trung tiêu diệt sinh lực địch. Giải phóng tiểu khu Phước Long. Những chuyện này, sau tôi mới được biết. Mấy ngày liền, thấy những đoàn quân chuyển dịch liên tục. Đủ cả tăng, pháo. Nhiều nhất là bộ binh, nườm nượp hết đoàn này, đoàn khác. Ông già chín năm, thường chỉ tọa trong phiến đá, ít khi ra ngoài, cũng phá bỏ thông lệ. Ông bảo:
- Kết cục tới rồi. Nhìn quân đi thế kia ta biết.
Thằng ngụy nhún vai, tay làm dấu thánh giá. Miệng lầm rầm cầu kinh.
- … Amen.
Còn tôi? Một sinh linh yếu đuối vẫn tự biết phận mình song không thể kìm nén nổi những ham muốn đang ngờm ngợp dâng lên. Chao ôi, nào có cao sang gì đâu, chỉ một ước muốn nhỏ nhoi thôi cũng được. Phải, cái ước muốn mà trước đây ít ngày còn là nghĩa vụ. Hoàn toàn không dối lừa, nếu phải chết lần nữa, để được chấp nhận thành một người lính trong hàng quân kia, tôi cũng cam lòng. Từng khuôn mặt người lính lầm lụi diễu qua mắt tôi. Khuôn mặt nào cũng dầu dầu dãi. Lính già có, lính trẻ càng nhiều. Họ giống nhau đến kì lạ. Tuyệt nhiên trên khuôn mặt họ, ngoài những dầu dãi trận mạc, không thể bắt gặp một chút gì đó của những điều sắp xảy đến. Không phải sự bình thản lì lợm. Càng không phải sự hăm hở chém giết. Đến cả một chút sợ hãi cũng không có. Họ mang nét đúc của tạo hoá, tự nhiên đến chân thành. Đó là dáng vẻ của người nông dân đến với thửa ruộng cày. Người thợ đến với xưởng máy. Viên chức đến với công sở. Vân vân và vân vân.
Ông già chín năm thốt lên:
- Các con nhìn kìa. Đó là dấu hiệu của chiến thắng. Hoà bình lại đến rồi.
Thằng ngụy không hiểu. Cặp mắt cận của nó lồi ra. Có vẻ nó đang cố ngẫm nghĩ. Miệng nó lắp bắp:
- Hoà bình thật ư. Nhưng ai thắng?
Không phải chờ đợi nhiều. Ngay ngày hôm đó tự nó tìm ra chân lí.
Vào lúc chạng vạng. Sương đã bắt đầu sa xuống lộp bộp. Khoảnh khắc ngắn ngủi giữa trời đỏ và đêm đen, không gian đột ngột trắng bạc ra. Đá bàng bạc. Rừng bàng bạc. Trời bàng bạc. Tất cả một màu bàng bạc. Chính lúc ấy, một tốp biệt kích áo đen không biết đến từ đâu, men theo vách dựng của núi đá, đột ngột xuất hiện ở cửa hang dơi. Bọn biệt kích mò mẫm, rình rập là những điều quá thường. Nghề của chúng vốn thế. Hồi còn sống, tôi đụng bọn này như cơm bữa. Đánh đấm với chúng khó chịu lắm. Có khoảng dăm đứa. Nom cả bọn đều tơi tả. Có vẻ như chúng vừa qua một cuộc đụng độ ở đâu đó. Chắc chắn không phải con đường dưới kia rồi. Quân đi như suối thế, bố bảo bọn này dám chàng màng. Chợt tôi thót người. Lẫn trong sắc phục đen có mầu lam lục của quân phục. Một cô gái. Trời ơi, một chiến sĩ gái rất trẻ. Màu kia của trang phục chứng tỏ cô gái đã chiến đấu ở vùng này, ít cũng vài năm. Cô gái bị trói giật cánh khuỷu. Chúng lôi cô vào hang, thô bạo đẩy ngã sấp vào góc. Đoạn, cả bọn lục cục móc đồ ăn. Không đứa nào nói một tiếng. Chúng ăn chậm rãi đáng ngạc nhiên. Có cả rượu. Loại mạnh, chai bẩy Johnnie Walker chuyền tay nhau, chúng hớp từng ngụm nhỏ nhẩn nha. Bữa ăn dềnh dàng đến cả tiếng đồng hồ. Thằng uống ngụm rượu sau cùng, đập mạnh chai rượu xuống nền hang. Tiếng thuỷ tinh va vào đá rít chói tai. Chính thằng đó lôi cô gái ra chỗ đập chai. Tiếng nó êm đáng ngờ:
- Quỳ xuống đi cưng.
Không quỳ. Cô gái đứng bất động.
- Quỳ xuống!
Bất đồ, thằng biệt kích dằn mạnh. Giọng nó vón cục chan chát.
Không quỳ. Cô gái vẫn đứng.
Hốc miệng ngòm ngòm của thằng biệt kích buông ra một tràng cười sằng sặc. Âm thanh vống lên trần hang, lõm tõm rớt xuống. Lại cười, cười như điên, như dại. Tiếng cười của nó xoáy vào đá. Đá run rẩy từng đợt. Nãy giờ, ông già chín năm nhấp nhổm trên phiến đá của ông. Làm sao có thể tọa yên được. Không lường đến tình huống này, chân tay ông luống cuống nom rất tội nghiệp. Phải trước kia xem, cứ nhìn bộ dạng kia đủ biết, chắn chắn ông đã nhào dô ăn thua đủ. Tôi và thằng lính ngụy cũng luýnh quýnh không kém. Nhưng không ai biết phải làm gì. Mà còn làm gì được nữa. Đêm đã đông sệt lại nhưng trong hang hôm ấy, không biết vì lẽ gì vẫn hưng hửng sáng. Dẫu nhạt nhưng còn trông rõ mặt người. Thấy môi cô gái mím lại. Mặt ngùn ngụt dương khí. Dơi chấp chới vờn vào người cô. Đến hàng ngàn con vỗ cánh cùng lúc. Động hang rồi, ắt có sự chẳng lành.
Có một quãng im lặng kéo dài sau tràng cười ghê rợn. Thằng ngụy đứng cạnh tôi đã bắt đầu run lẩy bẩy. Nó sợ. Sự im lặng chết người kia, ai không sợ. Giá có một phép mầu nhiệm nào đó, giải thoát được cô gái, dầu rằng phải đổi lấy ngàn năm cõi âm, tôi cũng quyết làm.
- Quỳ xuống!
Vẫn là thằng biệt kích đập chai. Dường như nó đã hết cả kiên nhẫn. Đúng hơn, nó không chịu đựng nổi nữa. Có vẻ, nó là chỉ huy của cả bọn.
Sau tiếng quát của thằng biệt kích, cô gái vẫn không hề thay đổi tư thế. Thằng chỉ huy đi vòng một lượt quanh tù binh của mình. Gót giầy của nó di vào thuỷ tinh, vỡ lạo xạo rít tai. Bất ngờ, nó giáng một cái tát cực mạnh vào mặt cô gái. Máu rỉ từ mép thành dòng đỏ tươi. Cô gái ngã xuống nhưng loạng chọang đứng lên. Cô gắng sức chống đỡ.
- Cởi trói cho nó!
Thằng chỉ huy ra lệnh. Hai, ba thằng áo đen nhảy vào dùng dao găm cắt đứt dây trói.
- Lột quần áo nó ra!
Ngón đòn này tác dụng tức thì. Cô gái quýnh quáng dùng tay che đậy chỗ kín trên người. Thằng chỉ huy lại cười, vẫn tràng cười ma quái lúc trước. Nhưng không, nó không kéo dài được nữa, tràng cười bị cắt đứt giữa chừng:
- Quỳ xuống đi. Tao hứa sẽ bảo toàn mạng sống.
Như chỉ đợi có thế. Cô gái phắt lên. Lần đầu tiên từ lúc vào hang cô nói. Rành rọt từng tiếng khô sắc:
- Không đời nào. Đồ chó! Giết tao đi!
Thằng biệt kích chồm đến quật ngã cô gái. Nó gầm gừ:
- Được! Nhưng mày sẽ phải chết một cái chết khác đồng đội của mày. Ngay bây giờ đây, tao sẽ rửa hận cho chiến hữu của tao.
Sau này tôi được biết, trung đội biệt kích định đánh tạt sườn một đơn vị vận tải. Chúng bị diệt gần hết. Trên đường rút chạy, chúng lại gặp một tốp tải thương của ta. Cuộc đụng độ này khiến nhóm tàn quân chỉ còn năm thằng. Không may cô gái giao liên dẫn đường cho tốp tải thương bị chúng bắt được…
Nó đè ngửa cô gái trên nền thuỷ tinh vỡ. Bốn thằng còn lại kéo căng chân tay cô gái. Không thể chống cự được bọn hung thú đang điên mồi. Cô gái hét lên, ngất lịm.
Hang dơi muốn vỡ tung ra từng mảnh. Tiếng hét không giản đơn là tiếng kêu đau đớn của một con người. Đó là tiếng kêu tích tụ của nỗi đau nhân gian, kéo suốt từ thuở hồng hoang đến ngày tận diệt. Đức chúa trời. Nếu có thật một đức chúa thì đó là sai lầm lớn nhất của Người. Đức chúa sinh ra con người, đồng thời sinh thành những mầm mống tội ác. Hẳn để răn mình nên buộc Jêsu bị câu rút đóng đinh trên thập ác. Nhưng nỗi đau thánh linh kia, nào có thấm tháp gì với nỗi đau trần thế. Thân hình cô gái, phút chốc bị thuỷ tinh cứa nát bấy. Dòng máu đỏ âm thầm thấm đẫm cơ thể.
Năm đứa hình nhân lần lượt hành xác. Không biết đã bao lâu. Thời gian phỏng còn nghĩa lí gì. Ông già chín năm nhảy chồm chồm trên phiến đá. Ông đã mất đi vẻ trầm tĩnh vốn có. Thằng ngụy bưng mặt không dám nhìn. Tôi cũng thế, chạy ra cửa hang. Than ôi, âm dương cách biệt, không thể có cách gì giúp được cô gái.
Lúc năm thằng biệt kích rời hang đã quá nửa đêm, hang dơi tịch lặng như tờ. Dơi treo mình thành móc, chả buồn đập cánh. Đêm quánh lại phủ kín thi thể cô gái. Sự bao bọc này, liệu có làm dịu đi nỗi đau kia. Nỗi đau quằn vào từ thân thể bị cứa nát, bầm giập. Nỗi đau xoắn vặn trong sinh linh thương tổn. Và máu. Máu khuất trong đêm đen vẫn không ngừng chảy. Sinh thể cô gái đang lịm đi, tắt dần.
Lần đầu tiên tôi thấy ông già chín năm khóc. Khóc ròng ròng, vật vã. Tiếng ông thẳm sâu. Đó là tiếng của thời gian tích tụ:
- Ta đã sống ở đây gần trọn hai cuộc chiến tranh. Mắt của ta nhìn thấu mọi điều. Nhưng chưa bao giờ phải chứng kiến điều thảm khốc đến thế. Các con, hãy lại bên ta, xòe hồn mình đỡ lấy linh hồn tội nghiệp này.
Tôi làm theo lời ông già. Cả thằng ngụy nữa. Nhưng tay nó vẫn bưng mặt. Nó không dám nhìn. Giọng nó vụn vỡ:
- Các ông là người chiến thắng!