---~~~mucluc~~~---


VINH NHỤC CỦA MỤ MỐI

Vinh ít nhục nhiều, cái nghề mối lái, ông ơi, bạc lắm! − Đó là lời của bà ký Tám Mái đã nói với chúng tôi, trong một câu chuyện về những cái vinh cái nhục của nghề làm mối vợ mối chồng ở nước ta.
 
gười đàn bà ấy không còn trẻ nữa. Ở một mình với một đứa con nuôi học một trường tư thục lớn ở đây, bà nguyên là một người hàng xách đi khắp Hà Nội để bán buôn đủ hết các mặt hàng. Nhưng về sau, nghề đó không lấy gì làm lợi lắm, bà xoay ra làm mối nhà mối cửa ăn hoa hồng và từ nghề mối nhà mối cửa, bà đã bước sang nghề làm mối vợ mối chồng cho người ta.
− À, à, này chớ có cười nhau. Bà Nguyệt Lão ở trên trần đấy, chớ đừng có tưởng chơi đâu. Một câu nói của tôi, nhiều lúc có giá trị ngang một câu nói của ông Tổng thống. Tôi ưng một tiếng thì thành vợ thành chồng mà nếu ức tôi cái gì thì phải biết! mất vợ mất chồng đấy nhé. Có người đã nói cái mồm tôi là mồm mẹ mẻ. Nhưng biết làm sao được? Trời sinh ra mình bắt mình phải bán nói mà sống thì không làm, sao được? Có mà rã họng ra! Vả lại nói mà giúp ích được cho người ta, tôi tưởng cũng chẳng có hại gì. Người ta sẽ cám ơn mình mãi mãi, đại khái như trong câu chuyện cổ nọ, một người gù lưng xấu xí, không nhờ nghề bán nói của chúng tôi, thì làm sao mà lấy được vợ một cách dễ dàng, mà chị chàng sứt môi kia, nếu không có chúng tôi tài nói, thì có mà đến già mới có kẻ rước đi… Để tôi kể cho ông nghe câu chuyện ấy: Ngày xưa, có một cậu trai muốn lấy vợ và một cô gái muốn lấy chồng. Cô thì muốn một gã trai giòn; còn anh, anh thì tất nhiên là mơ ước một chị chàng thực đẹp. Bởi vì cái tâm lý của người đời nó thế, ai không vậy, thưa ông?
  Cơm trắng ăn với chả chim

Chồng đẹp vợ đẹp những nhìn mà no!
  Cơm hẩm ăn với cá kho,
  Chồng xấu vợ xấu những lo mà gầy!
Phải lắm. Chỉ chết một nỗi là hai anh chị lại cùng có mỗi người một tật nên chi cái hoài bão “đẹp đôi vừa lứa, phải vợ phải chồng, tốt đôi loan phụng” của hai anh chị khó mà thành được. Bởi vậy, phải đi tìm mụ mối.
Đã đành, sau khi nhận được ít tiền, mụ mối nhận lời ngay. Mụ chạy sang nhà trai bảo: “Thôi, hai cụ ạ, được chỗ này thì chẳng có đâu hơn nữa, hai cụ cũng được vui tuổi già. Không cần nói đến chuyện môn đăng hộ đối nó đã rõ rệt ra rồi, chỉ nói riêng về cô ấy thôi, cháu tưởng giá có phải chồng bạc lên cao bằng người để mua được cô ấy cũng không nên tiếc của. Rõ thực là được cả người cả nết, chỉ phải có một nỗi là “ít mồm ít miệng” mà thôi!”. Thế thì còn gì bằng nữa! Đàn bà, người ta chỉ sợ đa ngôn; nay nếu lại được có nàng dâu “ít mồm ít miệng” về thì xin ký cả mười ngón tay tức khắc.
Mụ mối lại chạy sang nhà gái mà rằng: “Này này, cô tốt số không thể nào nói được. Sắp sẵn mà đi làm bà huyện đi thôi, bởi vì, quý hoá quá, cậu ấy đã được người lại được cả nết, duy chỉ có cái lưng cái lối thì hơi kém người một chút!” Bà mối khéo nói nhún thì thôi! Ở cái thời đại cổ, mà bọn học trò vẫn mang tiếng là “dài lưng tốn vải ăn no lại nằm” mà lại được một người “kém lưng kém lối” thì còn gì bằng nữa? Xin thuận ạ. Thế là cuộc hôn nhân nọ thành! Mụ mối làm tiền mấy chuyến nữa. Sau, đến ngày cưới, cô dâu che quạt và giấu miệng. Chú rể thì cứ lù lù nằm ở trên cái võng vào nhà. Người ta lấy làm lạ, thì thầm bàn tán; thì ra sau mãi đến lúc động phòng hai anh chị mới hiểu biết rõ nhau: anh phải nằm võng là vì gù lưng, còn chị, chị sở dĩ cứ lấy quạt che miệng chỉ là vì chị sứt môi. Thế nhưng ván đã đóng thuyền rồi, biết làm sao? Hai họ thông gia đều phải ngậm miệng vì mụ mối chẳng đã nói rõ lúc ban đầu là gì? Chị kém mồm kém miệng thực, mà anh thì kém lưng kém lối đứt ra rồi, không nói vào đâu nữa nhé!
Bà ký Tám Mái nói đến đó, đứng dậy lấy cơi trầu vừa xếp lại vừa nói tiếp:
− Đó là một câu chuyện cổ nhưng tả hết được cái tài khéo nói của những người mối vợ mối chồng, dù ngày trước hay ngày nay cũng vậy. Sự thực, chẳng dám giấu gì ông chứ ngày nay, theo ý tôi, thì cái nghề làm mối lại còn khó khăn hơn trước nhiều. Bởi vì người thì khôn của thì khó, thưa ông, nhất là bây giờ vì các báo bàn luận về việc lấy vợ lấy chồng nhiều quá, nên trai gái họ kén nhau cẩn thận vô cùng ông ạ. Những vụ đào mỏ không được rồi bỏ nhau, những vụ nhị hỉ mà nhà trai cắt tai lợn để đem cho nhà gái rất nhiều, thành thử nếu khi trai gái họ lấy nhau, họ thuê mật thám đi dò, và vì thế, nghề mối thành ra khó khăn quá, nói cho xuôi được một lứa, già đi hơn mười tuổi!
Nói thế, ông đừng tưởng tôi khoe mình. Sự thực là thế, mỗi khi có người nào đến nhờ tôi “giúp hộ” thì đã đành là cũng vui vui vì sắp có tiền tiêu, nhưng cứ từ lúc họ bước chân khỏi bực cửa nhà mình thì mình bắt đầu mất ăn mất ngủ vì phải nghĩ mưu kế để làm thế nào cho hai họ xuôi tai… Nói ông tha lỗi, mình phải xẵng cũng có, ngọt cũng có, trăm thức bà dằn. Nói tóm lại, mình phải thạo khoa tâm lý, mình phải đi guốc vào óc từng người một. Nhà lão Hàn K. kia thích có con rể cử nhân tuy lão mấy đời nay chỉ bán bánh giò ư? Thì nếu ví dụ mình làm mối con gái lão cho một cậu trai nào chẳng có đỗ bằng gì, mình phải nói phóng đại lên, nhưng nói thế nào cho khéo, tỏ ra rằng cái bằng cấp không “giết ai” đâu: “Ở đời, bẩm hai cụ, chứ cô dâu chú rể mà ăn ở với nhau hoà thuận là quý nhất”. Nhưng đến cụ Thương X. ở nhà Diêm có con trai làm tri huyện chỉ thích cho con trai lấy vợ giàu thì lại phải liệu làm sao? Thì ta cứ nói bừa là nếu cậu ta lấy được cô ấy cô nọ thì tha hồ mà ngã lên trên đống vàng, “cái của ấy gọi là cứ đến đời con đời cháu tiêu cũng không hết”!
Tôi đã biết, thưa ông. Tôi đã biết rằng phàm người nào có con trai con gái sắp lấy vợ lấy chồng thì ai cũng để ý xét những lời mụ mối nói. Hơn hai mươi năm lăn lộn ở trong nghề, tôi rút được một cái triết lý này: bà mối nên nói rất nhiều, nhưng nếu thấy ở nhà người ta một vẻ gì “khang khác”, thấy người ta ít nói, chỉ nghe mình, thì nên nói ít đi. Điều kinh nghiệm đó, mới đầu tưởng không là gì cả, nhưng mà là “nhiều lắm”. Có thế người ta mới tin mình. Mà từ sự tin nhau đến sự nhận lời chẳng cách nhau bao nhiêu đâu. Cho nên bạc đầu làm mối ra rồi, tôi ít bị có đám chối từ, trừ phi cái đám khốn nạn ở Hàng Bè, có một người đồng nghiệp với tôi nó hất cẳng tôi đem một đám khác đến, thành thử ra tôi thiệt chuyến ấy hơn hai trăm bạc.
Người làm mối, nói ông tha lỗi, lắm lúc phải biết săn đón, hứng đỡ như một bà phù thuỷ. Lắm khi, phải bầy mưu lập kế cả cho chú rể nữa. Chắc ông còn nhớ câu chuyện năm nọ có một anh chàng phơ phất mà lấy được con gái một vị đại thương gia ở Hàng Đào đấy chứ? Đó cũng là tại mối. Nhưng tôi xin nói ngay rằng người mối đó không phải là tôi; nhưng mà là con mẹ Ba ở Cổng Đục. Cũng như con mẹ này, mẹ ký H., mẹ huyện V. không biết đã làm hại biết bao nhiêu con trai con gái. Đây này câu chuyện mối lái làm hại cô dâu ở Hàng Bè: chú rể ở H. K. thì xấu mà lại “mít”, thế mà cứ nhất định phải lấy cho được cô dâu ở H.Đ., mà nhà cô dâu thì chỉ thích con rể học ở trường Cao đẳng.
Ông có biết mụ mối, con mẹ Ba Cổng Đục, nó làm thế nào không? Nó dò biết nhà cô dâu hay đọc báo X., nó bèn đến nhà chú rể bày mưu mượn người viết cho mươi cái truyện và mấy bài thơ khổ và ký tên chú rể vào, ở dưới không quên chua một chữ “Sinh viên trường Cao đẳng”.(1) Báo đăng rồi, nó nghễu nghện đến nhà gái ướm nhời: làm gì mà chẳng nhận? Thưa ông, chú rể ấy kỳ thực chỉ làm ở nhà đo… đo giường!
Cũng như thế, còn bao nhiêu đám nữa: trai thì bắt rệp mà mối đến nhà gái dám nói xưng xưng lên là đỗ cử nhân và nay mai sắp thi… tú tài tây; gái thì hai con đẻ ở tỉnh xa mà vẫn già mồm ca tụng là tường cao cổng kín. Chao ôi, nhiều chuyện lắm, nói làm sao hết. Kiếm ăn thì kiếm ăn được thực đấy, nhưng mà ác lắm, thưa ông: mình phúc đức được là bao mà làm những chuyện nghịch địa oán thiên như thế?... Tôi, tôi không làm thế!
Câu chuyện “bổ nhân nghĩa” nói đến đấy, tôi nghe không thể nhịn cười được; bà ký Tám Mái, lúc ấy vừa nhai trầu bỏm bẻm, vừa lấy nét mặt nghiêm nghị, “làm y như là thực” vậy. Khôn lắm, bà ký đỡ lời ngay:
− Nói thế mà thôi ông ạ, chứ “ở với bụt thì mặc áo cà sa, mà ở với ma thì mặc áo giấy”, ở cái đời này cứ nhân đức mãi có khi thì chết đói. Vậy nói nhỏ với ông, ông đừng có hại tôi mà đăng toẹt cả lên trên báo nhé. Tôi, tôi cũng vài phen phải làm “khổ nhục kế” như thế, nhưng không tệ quá đến nỗi làm hại cả một đời ai bao giờ…
Đám cưới do tôi làm mối mà tôi hối hận đến tận bây giờ là đám cậu S. ở H. X. lấy cô gái thứ nhì bà ấm T. ở H. T. Nói của đáng tội, tôi biết rõ hai nhà lắm lắm rồi: cậu thì nghèo rớt mùng tơi mà cô thì hay khoe của, thích đi Gô-đa “sắm sửa những đồ gì thực đắt vào” và có độ một chục bạc trong người thì “trưng tướng” là có hàng nghìn hàng vạn. Cậu S… đến lạy lục tôi giúp hộ. Tôi phải giở tài ra, và sau ba tháng trời đi lại, cô thì thuê mật thám đi dò mà cậu thì đem hết sức ra bưng bít, cô cậu mê nhau và chính tôi, tôi bầy kế cho chị mắc vào trong lưới tình. Còn ba hôm nữa thì cưới. Chị ngã ngửa ra vì biết là cậu nghèo rớt mùng tơi, nhưng biết làm sao? Con chim khôn đã mắc phải lưới hồng… Chị đành nuốt bồ hòn làm ngọt và tòi tiền ra để sắm tất cả… giường nệm, chăn màn, tủ áo, sà lù, − à quên sà-lông, − cho anh chàng…
Những cuộc phối hợp như thế, có sự lừa lọc, bịp bợm nhau tự buổi sơ đầu, cố nhiên không bền chặt. Chú rể về khảo của vợ không được nhất định không ra Đốc lý làm phép cưới. Và sau những trận đánh nhau chửi nhau đến mấy đời, hai anh chị bỏ nhau và… chửi tôi − tôi, mụ mối − không biết bao nhiêu mà kể và còn doạ đánh là khác nữa! Ấy là tôi nghe đồn thế, chứ chửi thế, doạ nữa tôi cũng chẳng cần. Tôi như một nhà triết học, thưa ông ạ, bởi vì đi làm mối mình phải can đảm hứng lấy tất cả sự vinh và sự nhục như các nghề khác vậy.
Tôi hỏi:
− Bà nói phải. Nghề nào cũng có nhục thì mới có được vinh. Thế nhưng mà nghề làm mối thì tôi chắc có nhiều vinh lắm? − Sợ nói thế làm cho bà ký Tám Mái hiểu lầm chăng, tôi phải nói thêm rằng: − Phải, những lúc thành vợ thành chồng, người ta kính phục bà mối lắm. Một lời bà mối nói, có thể làm gió làm mưa được!
Bà ký Tám Mái cười gằn:
− Nói thế cũng không phải là nói ngoa đâu, ông ạ. Vinh cũng có chứ chẳng phải không. Riêng tôi thì cái đoạn đời làm mối đáng kể nhất của tôi, vinh nhất của tôi, có lẽ là hồi tôi làm mối cho hai con ma lấy nhau ở Hải Phòng. Trước khi kể lại chuyện này, tôi xin nói để ông biết tôi không phải là người đàn bà An Nam hoàn toàn. Tôi là Khách Minh hương đấy. Vì vậy nên tôi vẫn đi lại ở nhà ông C. và ông bang H. Hai ông này vẫn chơi bời buôn bán với nhau, xảy đầu năm kia thì con trai ông C. chết và con gái ông H. cũng chết, hai cô cậu chết cách nhau vài tháng.
Theo phong tục nước Tàu thì hai người chết vẫn có thể lấy nhau như thường; tôi bèn ngỏ ý cho hai con ma ấy lấy nhau, và hai họ đều ưng thuận. Hai họ ăn uống linh đình và cũng nhận đồ mừng y như một đám cưới người sống vậy. Duy có lúc đón dâu, thì nhà trai rước một cái… bài vị của cô dâu về nhà. Thú lắm. Êm lắm. Tôi được một số tiền khá to và cũng thú, cũng êm như thế, không còn sợ lôi thôi gì cả. Vì hai con ma ấy lấy nhau dù “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” hay dù cậu không đào mỏ được cô mà tống cổ cô về, hai con ma ấy cũng không bật nắp áo quan dậy để mà đòi tiền lại hay là chửi rủa tôi kia mà! Chết thay, những vụ cưới êm đềm như thế, một đời người mới thấy có độ một lần, còn cái “sự” mè nheo, chửi bới thì nhiều lắm, điếc cả tai hàng xóm. Nhưng mà cần gì? Tôi cứ đầy đủ với nghề thì thôi. Họ bạc thế chứ bạc nữa tôi cần gì? Ông tính, vợ chồng mà hoà thuận, sinh con đẻ cái đầy đàn thì hỏi họ có nhớ tôi không? Không, không, họ không nhớ mụ mối lấy một phút đâu, ông! Lắm khi đánh chắn đánh cạ thua, có lại xin họ vài đồng thì chồng đưa mắt cho vợ, vợ đưa mắt cho chồng và từ chối, đến hay! Cái đời này nó bạc lắm, ông ạ. Mà nghề, thì tôi tưởng cũng chẳng có nghề gì bạc bẽo đến thế. Thực là giời hại! Ngay như tôi đây, gần trải một đời người đi làm mối vợ mối chồng rồi, mà nói ông đừng cười tôi, tôi vẫn… phòng không lạnh lẽo!
Bà ký Tám Mái nói đến đấy rồi gục đầu xuống ngực như một cây cổ thụ gặp cơn… giông tố. Đôi mắt bồ câu hơi… toét của bà xoắn đuôi lại như con tôm, một ít nước mũi thò lò ra, bà méo cái miệng lại cười nhạt mà tưởng như là… mếu.
Tôi an ủi:
− Chao ôi, đời nó thế, cũng là số kiếp cả, thưa bà…
Bà ký Tám Mái trả lời:
− Ấy, nói thế, ông đừng tưởng không có ai hỏi tôi đâu. Nói để ông mừng cho, chứ em ông trông cũng “đường được” đấy chứ, có bao nhiêu ông tham ông phán hỏi rồi đấy, nhưng “em ông” vẫn chưa bằng lòng… Nếu không thế thì “em ông” đã chết từ đời “tám hoánh” nào rồi (?) ông ạ. Em ông chỉ nghĩ một điều là: thôi, cứ để mặc cho “người ta cưới đông cưới tây” đi, em ông cứ ở nhà nuôi mẹ già và phụng dưỡng mẹ lúc mặt trời bóng xế thì đi lấy chồng cũng chẳng lấy gì làm muộn… Chỉ trừ khi nào có người nào coi mẹ em cũng như mẹ người ta, và cho em nửa tháng độ một trăm bạc để nuôi mẹ thì hoạ em mới bằng lòng thôi…
Nhời nói nghe mà cảm phục! Nhưng chết một cái là bà ký Tám Mái lại nổi tiếng là một người đàn bà coi mẹ hơn vú già…
 Bà ký Tám Mái nói thế xong thở hắt ra như nhẹ được một phần người, nhưng chỉ một lát thì bà lại sầu rũ ra và chép miệng luôn luôn than thở cho cái nghề bạc bẽo:
− Tôi cứ thấy người ta than thở cái nghề làm báo bạc bẽo nhất đời. Chẳng hiểu làm sao chứ cái nghề làm mối của tôi thì thực bạc bẽo không bút nào tả nổi. Tôi thường nghe thấy mấy ông ở gần nhà tôi vẫn nói chuyện rằng bên Nhật, cái nghề tôi không đến nỗi bị coi thường quá. Trái lại, người mối vợ mối chồng (2) ở Nhật lại được đặt lên một địa vị rất cao, như một vị quan xử án giữa hai bên chồng vợ.
Người ta kể chuyện rằng khi có nhà nào muốn cưới con, thì việc đầu tiên ở Nhật là phải đi tìm người mối, thường phải là một đôi vợ chồng. Đôi vợ chồng người mối sẽ là hai người chứng: người mối không thể là một người goá hay chưa chồng, chưa vợ. Họ phải là những người đứng đắn và phải thu xếp tất cả công chuyện, hỏi dò tin tức và an bài cho ổn thoả của hồi môn. Họ đưa cô dâu, chú rể về nhà cưới và khi nào họ vào phòng tân hôn, thì chính tay người mối dắt họ vào.
Đừng tưởng thế là xong: đôi vợ chồng ấy không phải là không còn bao giờ không gặp người mối nữa. Trong tất cả thời kỳ hôn phối mà họ đã giúp tay, họ đứng ra khuôn xử tất cả những cuộc cãi lộn có thể xảy ra ở giữa cô dâu chú rể. Nếu đôi vợ chồng ấy ly dị, ít khi họ phải nhờ pháp luật đem ra phân xử. Sau khi cưới xin xong, cô dâu chú rể phải đem quà cáp và đồ vật để kính biếu người mối, những đồ biếu ấy thường là bông và gai tức là biểu hiệu của thọ phúc an toàn vậy. Đôi khi là gấm, vóc, quý giá và có thể là tiền bạc. Nghĩ đến người mà thèm ông ạ! [3]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 36 (10/11/1940)

(1) Cái lối chua chức nghiệp ở trên báo bây giờ đã bỏ rồi. Ngày trước thịnh hành lắm. (nguyên chú)
(2) Ở bên Nhật, người làm mối gọi là Nakodo (V. B.)
[3] Bản gốc TBCN đăng bài này với 1 minh họa của Mạnh Quỳnh và 2 ảnh của Võ An Ninh, có ghi chú mô tả: Ảnh 1: Một đám cưới nhà quê. Cạnh những đụn rơm cao nhớn, ông chủ hôn mặc áo thụng xanh tay cầm một bó hương to đang cháy đi dẫn đầu đám cưới cho cô dâu về nhà chồng. Ảnh 2: Đám cưới nhà quê. Dưới luỹ tre xanh êm mát, từng đôi một, nào cô dâu, nào chú rể, nào họ nhà giai, nào họ nhà gái, đang thong thả bước đi trên con đường đất gồ ghề…