---~~~mucluc~~~---


GIÓ MÙA THU, LÁ VÀNG RỤNG BAY…

    
ấy hôm nay, mây kéo đầy trời. Gió vàng bắt đầu thổi ban đêm, giờ lại thổi cả ban ngày; sự giá rét như đã chờ ngoài ngưỡng cửa; người đàn bà yêu chồng thương con đã sửa soạn những áo rét để cho chồng con mặc trong vụ đông sắp tới.
Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước
Thành Bạch gần xa bóng ác tà
Câu thơ của nhà thi sĩ Tàu buồn thu thực đã khéo vẽ cái thời kỳ túc sái của một năm. Chẳng cứ ở Bắc hay Nam, chính ở Đông và ở Tây cũng vậy, mùa thu bao giờ cũng mang cho lòng người ta nhiều sự buồn não hơn vui vẻ, nhiều sự nhớ tiếc triền miên hơn sự tận hưởng cuộc đời vật chất. Người Âu có tiếng là hiếu động là bồng bột, vậy mà đến mùa thu cũng thấy rầu rĩ cõi lòng. Không nói đến bài “Les sanglots longs des violons” của Verlaine mà mọi người đọc văn Pháp đã biết rồi, trong rừng thơ văn của Pháp còn biết bao nhiêu bài réo rắt ví mùa thu với những kẻ sắp chết, với những tiếng thở dài, với sự kết liễu đen tối của một cuộc đời tuyệt vọng.
… Un soupir vient des bois qui s’effeuillent, un glas
Pleure au loin sa douleur pleuse et monotone.
Et le jour va s’éteindre au pàle ciel d’automne
Qu’à l’horizon le soleil mort teinte en lilas.
C’est l’heure où les appels chantent dans l’ombre amie
Et les vierges, rêvant de tendresse et d’espoir
Ouvrent leur âme heureuse aux caresses du soir.
En sa quinzième année, elle s’est endormle…

ANDRÉ RIVOIRE
Dịch:
Phập phào thở nấc giờ lâu,
Lệ tuôn tầm tã, tấm sầu chứa chan,
Trời thu ngày vắn hầu tàn,
Chênh chênh ác giãi bóng vàng nhuộm xanh
Tiếng ai lanh lảnh đêm thanh
Ấy người tiết nữ tưởng vành ái ân
Hồn bay phảng phất xa gần
Mười lăm năm ngắn có ngần ấy thôi.

NGUYỄN VĂN AN
Không cứ người phương Đông mới buồn trông lá rụng. Millevoye thấy lá rụng cũng xúc động tâm can mà thốt nên những vần tuyệt tác:
De la dépouille de nos bois
L’automne avait jonché la terre;
Le bocage était sans mystère,
Le rossignol sans voix
Triste et mourant à son aurore,
Un jeune malade à pas lents,
Parcourait une fois encore
Le bois cher à ses premiers ans;
“Bois que j’aime! adieu… je succombe;
Votre deuil me prédit mon sort,
Et dans chaque feuille qui tombe,
Je vois un présage de mort.
Fatal oracle d’Épidaure,
Tu m’as dit: Les feuilles des bois
A tes yeux jauniront encore,
Mais c’est pour la dernière fois,
L’éternel cyprès t’environne,
Plus pâle que la pâle automne
Tu t’inclines vers le tombeau;
Ta jeunesse sera flétrie
Avant l’ herbe de la prairie,
Avant le pampre du coteau…,
Et je meurs!... De leur froide haleine,
M’ont touché les sombres antans
Et j’ai vu comme une ombre vaine,
S’évanouir mon beau printemps.
Tombe, tombe, feuille éphémère;
Voile aux yeux ce triste chemin
Cache au déscspoir de ma mère
La place où je serai demain…

MILLEVOYE
Dịch:
Trời thu hiu hắt gió lay,
Rừng thưa lá rụng cành gầy lơ thơ;
Lâm tuyền cảnh đã trơ trơ,
Hoạ mi tiếng hót bây giờ là đâu?
Chiếc thân hấp hối thảm sầu,
Vầng đông chửa rụng đã hầu tàn canh!
Lần cùng nhớ thuở đầu xanh,
Rừng kia luyến ái với mình xiết bao!
“Rừng ơi, ta mến mến yêu,
Từ đây từ biệt ta theo lìa trần.
Ta, người số mệnh có ngần,
Một cơn lá rụng quyên trần là đây.
Điềm kia bảo trước thân này
Lá vàng trông thấy lần này nữa thôi!
Gốc thông làm bạn đời đời,
Càng trông càng xám hơn mười màu thu.
Hàn gia theo bước bước đi,
Ngày xanh đoạn tuyệt còn gì mà mong.
Tấm thân nát trước cỏ đồng,
Trước chòm nho nhỏ vun trồng đồi cao,
Thôi thôi ta chết chết rồi,
Gió nam lạnh ngắt lướt vào ta chơi.
Xuân ta xinh đẹp tuyệt vời,
Kìa đang tiêu tán tơi bời như không.
Phù du lá rụng đi xong,
Che đường lối ấy, lấp vòng ai bi.
Mẹ ta tuyệt vọng còn gì
Lá ơi, lấp chốn ta đi sau này…

VŨ ĐÌNH TUYẾT
 
Cảnh mưa thu, thi sĩ Pháp cũng ca tụng như văn sĩ Tàu và ta:
O doux bruit de la pluie,
Par terre et sur les toits;
Pour un coeur qui s’ennuie,
Oh! Le chant de la pluie
Il pleure sans raison
Dans ce coeur qui s’écoeure
Quoi? Nulle trahison
Ce deuil est sans raison.
Dịch:
Mưa thu thánh thót sầu đong
Càng mưa lác đác nỗi lòng càng đau,
Dạ buồn gặp cảnh mưa thâu
Nhìn thôi lại nghĩ, nghĩ lâu càng sầu.
Sầu này duyên cớ vì đâu,
Vì đâu gặp nỗi xót đau thế mà.
Hay chăng gặp kẻ phụ ta,
Nỗi thương tâm ngẫm khó mà biết căn.
(theo Đ. Q. Giao)
Rừng thu đối với thi sĩ lại gợi nên những cảm tưởng mung lung lắm: Lá vàng rụng, buổi chiều héo úa, tiếng chim chóc đìu hiu. Ta nghe những câu thơ não nuột này của Lamartine:
Oui, dans ces jours d’automne où la nature expire,
A ses regards voilés, je trouve plus d’attraits;
C’est l’adieu d’un ami, C’est le dernier sourire
Des lèvres que la mort va ferme pour jamais
Ainsi prêt à quitter l’horizon de la vie,
Pleurant de mes longs jours l’espoir évanoui,
Je me retourne encore et d’un regard d’envie,
Jecontemple ces biens dont je n’ai pas joui.
Terre, soleil, vallons bell et douce nature
Je vous dois une larme aux bords de mon tombeau.
L’air est si parfumé! la lumière est si pure!
Aux regards d’un mourant le soleil est si beau!
LAMARTINE
Dịch:
Ngày thu cảnh tượng tiêu sơ,
Càng xem ủ dột, càng ưa dịu dàng;
Khác chi bạn giã lên đàng.
Hay người gần xuống suối vàng nuối ai
Như ta đành phải xa đời,
Lòng sầu mệnh bạc; luỵ rơi cõi già.
Trạnh tình ngảnh lại ngó qua,
Của chưa hưởng trước, quỷ đã theo sau.
Trời thanh đất lịch một bầu
Mồ hoang hầu gởi, giọt sầu xin dâng!
Gió thơm ngát! Bóng trăng ngần!
Kẻ gần thác, ngắm dương trần tốt thay!
NGUYỄN NGỌC ẨN
Những văn thơ thu của Pháp, nếu trích ra mãi không bao giờ hết, nhưng đơn cử mấy bài trên làm thí dụ tinh thần thi ca của Pháp chứa đựng trong mùa thu, các bạn tất cũng thấy tạm đủ rồi.
Dưới đây các bạn còn sẽ thấy quan niệm của thi sĩ Đông phương về mùa thu và cũng sẽ thấy đan cử nhiều thí dụ như thế nữa.
Các bạn đọc sẽ thấy rằng, phương Đông hay phương Tây cũng vậy, mùa thu là bắt đầu một thời kỳ chết chóc, một thời kỳ tàn tạ, túc sái làm rầu rĩ lòng người ta.
Những cái hay cái đẹp, cái não nùng, chứa đựng trong những lời châu ngọc ấy, không cần bình phẩm, các bạn đọc nhân một ngày thu ảm đạm đem ra ngâm cũng đã thấy tuyệt tác như thế nào, lựa là phải bình phẩm làm gì. Duy ta nghiệm thấy rằng, ở vào thế kỷ trước, và bao giờ cũng vậy, những bài thơ ấy chỉ là những cánh hoa tô điểm cho một khoảnh vườn mà thôi chứ không ích lợi cho ai hết.
Ít lâu nay, ở xã hội ta những văn như thế còn nhiều, cái thứ văn rầu rĩ làm nát lòng người ta, làm cho người ta mất cả tinh thần phấn đấu, xét ra thực có hại mà hại nhất là những chuyện ấy lại được nhiều người ham thích, thành ra cái tinh thần người mình dù làm thế nào cũng vẫn bạc nhược, sự tuyệt vọng, sự sa ngã, sự chiến bại lúc nào cũng bàng bạc trong không khí xã hội quốc dân.
Chúng tôi không phải không nhận rằng một số lớn những sách, truyện ấy không phải không có nghệ thuật. Không, chúng tôi nhận rằng đôi khi họ viết có tài lắm nhưng thuần tả những việc rất phù phiếm như bướm trắng hay vườn thu, con gái ho lao, cậu thanh niên ném sỏi vào cửa sổ để báo hiệu cho cô gái ra nhận thư tình ướp hoa nhài, thành ra cái hại của họ gieo rắc trong dân gian thực gớm ghê, họ vứt sự lạnh lùng vào tâm hồn những người đàn bà goá trẻ, họ tả những cảnh rầu rĩ nên thơ quá nên người ta buồn rũ đi không thiết làm gì cả. Họ thực là những người đắc tội vì tâm hồn của họ, vì dâm thư của họ viết ra, nhưng chắc nếu đọc những dòng này, họ sẽ bảo rằng:
“Thế anh không thấy đó hay sao? Văn sĩ Pháp, văn sĩ Anh hay văn sĩ nước nào cũng vậy, đều viết những sách, truyện héo hắt buồn như thế mà nước họ có làm sao đâu? Chứng cớ là những bài thơ đan cử ở đầu bài này vẫn được thiên hạ hoan nghênh lắm”.
Những người nói như thế là nói lếu. Văn chương rầu rĩ làm nát ruột người ta, gieo sự thất vọng, gieo cái tinh thần chiến bại vào trí óc người ta lúc nào cũng cần phải bài trừ. Đừng tưởng rằng văn sĩ Pháp viết thế là phải: họ sầu thu, họ gieo những vần chết lòng người như thế, họ cũng đáng trách; ta chỉ nên biết mà không nên nhớ, ta chỉ nên đọc mà chớ nên cho những quan niệm của họ về mùa thu là chân chính vậy.
Cái gì mà mỗi câu lại nói đến sự chết chóc? Cái gì mà mỗi câu lại nói đến cái mồ phủ lá vàng? Ôi! Những thứ văn ấy ngày nay không thể để cho sống nữa! Sống cuộc đời mới này người ta hoạt động thì mới tiến, chứ không phải ho khan mà được bằng người vậy.
Mới đây, ở Nhật chính phủ Đông Kinh có ra lệnh tịch thu những sách của văn sĩ Guy de Maupassant. Văn chương Maupassant hay vào bực nhất, ai cũng nhận thấy thế rồi; nhưng vì muốn duy trì nền đạo đức, văn chương phải chịu thiệt đi một chút để nghĩ đến sự ích lợi lớn lao hơn, rộng rãi hơn.
Về những văn chương thu hiện nay cũng vậy, chúng ta thấy rằng đã đến lúc phải hy sinh một chút sự rầu rĩ, sự nát lòng rất thơ mộng, rất được người ta mến thích đi. Gió mùa thu lá vàng rụng bay, ở cuộc đời mới này không thể đem sự bạc nhược, sự hèn yếu đến cho tinh thần ta nữa.
Nhà thi sĩ Tản Đà nhìn lá rụng, trước đây đã có những ý tưởng rất đôn hậu: Đại ý gió mùa thu lá vàng rụng bay, ấy là rét sắp tới, mẹ ngồi trong cửa sổ lo cho con áo, mong cho con học mỗi ngày mỗi hay. Gió mùa thu lá vàng rụng bay, con cắp sách đi học thấy hiu hiu gió phải nên nghĩ cách thế nào học hành cho khỏi phụ công áo mẹ may.
Ước ao rằng từ giờ, ngọn gió mùa thu sẽ đem đến cho người đàn bà những tư tưởng tốt đẹp như thế, nhân đạo như thế; gió mùa thu sẽ không còn làm cho người ta muốn chết, muốn ho lao và xui những cậu bé bỏ nhà bỏ cửa đi tìm những thú vui láo lếu.
Gió thu! Gió thu phải trong sạch! Gió thu phải thanh cao! Gió hè mang bụi cát, mang hơi người, mang những cái tanh tưởi, cái vật dục ở các nơi về làm bẩn tư tưởng của người ta đã nhiều lắm lắm rồi, ước ao rằng gió thu từ giờ đừng hại người ta nữa, nhưng sẽ mang cho người ta một sức mạnh để người ta tiềm tàng ở trong lòng, trong những ngày giá rét, − một sức mạnh không đem ra phí phạm vô ích nhưng phải như cái mồi lửa, người ta mỗi ngày nhóm thêm một tí để cho mai mốt sẽ chiếu sáng ngời được quả Tâm.
Sức mạnh tinh thần là kết quả của sự mài luyện ý chí, của sự tập trung tư tưởng, điều đó đã đành rồi; nhưng không thể bảo đó không phải là do sức mạnh về vật chất đem lại cho chúng ta vậy.
Bởi thế mùa thu của chúng ta từ bây giờ trở đi không thể là mùa cho chúng ta “xin chết” như Lamartine đã muốn, nhưng là mùa chúng ta “đòi sống”. Mùa thể thao bắt đầu tự vào thu: người ta thấy lạnh, người ta hoạt động, người ta sẽ không còn thấy rét cóng, chán đời, khốn nạn đến sinh buồn muốn chết. Cho nên chúng tôi cho rằng mùa thu là mùa của thanh niên, chính là mùa thích hợp với sự luyện tập thân thể, luyện tập ý chí tinh thần vậy. Thân thể mà khoẻ thì tinh thần phải tốt mà tư tưởng phải đẹp. Người ta sẽ ít nghĩ đến chuyện chết chóc, đến sự thù hằn ti tiện, người ta sẽ thấy có lòng nhân đạo hơn và yêu đời hơn bây giờ.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến chuyện “Gió mùa” (1) của đại gia văn sĩ Bromfield, lấy một ngọn gió làm chủ đề cho một thiên tiểu thuyết vĩ đại, nay nhân nói đến gió thu thiết tưởng có nhắc lại câu chuyện gió mùa ấy cũng không phải là vô ích:
“Truyện tả một xứ nhỏ ở Ấn Độ thuộc quyền Anh cai trị, xứ Ranchipur. Vua Ranchipur giao quyền cho Hoàng hậu. Hoàng hậu và vua yêu mến một chàng là Ransoure. Ransoure là một gã chán đời đến tìm sự quên lãng ở nơi đất trời xa lạ. Ở đó, dân Anh cũng mến chàng. Anh và Ấn Độ tuy cùng sống cạnh nhau mà cách biệt vô cùng. Bên Anh, ta thấy vài ông thiếu uý trẻ khinh người, coi dân Ấn như những vật chỉ biết nai lưng ra đóng thuế; những đàn bà Anh mặt bự phần chỉ ròng nghĩ đến chuyện ngoại tình. Còn bên Ấn thì ta thấy vua và Hoàng hậu Ranchipur, thiếu tá Safti và một ông quản gia rất cổ.
Bấy giờ trời nóng, rất hanh. Người ta thấy không khí bao phủ người Anh và người Ấn rất là khó thở. Người Ấn lặng lẽ ngồi chờ. Người Anh cũng uống rượu ngồi chờ. Trời đất và không khí khó chịu như thế, thế nào cũng có cái gì sắp xảy ra đây. Họ chờ mãi bởi vì họ nghĩ chờ mãi thì cái gì mà chẳng đến? Cái việc phải xảy đến quả đã xảy đến thực: gió mùa nổi lên, thổi tự ngoài bể khơi vào. Mưa, gió, gió mưa rồi tiếp đến, một trận động đất kinh thiên động địa, người chết trôi như củi, trâu bò không còn lấy một con; ở trên những mái nhà, người ta trông thấy những người đàn bà Ấn nhai trầu đốt xác chồng bình tĩnh hơn cả người Anh-cát-lợi. Lúc đó người ta mới biết thương nhau. Ông cố người Mỹ tận tâm cứu những người xấu số. Vua Ranchipur bị nước cuốn đi. Hoàng hậu một mình đứng lên gánh vác giang sơn được người Anh giúp đỡ. Thiếu tá Safti đứng lên trông nom một nhà thương. Ransoure quên cả chán đời lăn lưng vào coi sóc những người bệnh trọng nằm ở trong nhà thương ấy. Estetb phu nhân bỏ cả son phấn đi cứu người. Anh và Ấn thương nhau, xót xa nhau. Trời lại quang, mây lại tạnh. Một làn không khí nhân đạo bao phủ Ranchipur. Ransoure ngồi hút thuốc lá ngoài vườn thấy Hoàng hậu đi trên một cái xe có hai con trâu kéo, chung quanh có người Anh, người Mỹ và bình dân. Ransoure mỉm cười, khoái cảm: “Đây là bà Hoàng hậu cuối cùng đi chơi với những người bình dân cuối cùng của nhân loại”.
Chao ôi, nhân đạo thay là câu chuyện. Sự thù hằn oán giận đến có thể giết nhau, mà chỉ có một ngọn gió mùa giải quyết xong, đem sự “ái nhân như kỷ” đến cho nhau, chúng ta cũng nên ước rằng ngọn gió thu cũng đem đến chúng ta những tư tưởng bác ái, cao thượng và đáng tôn sùng như vậy!

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 81 (5/10/1941)
(1) La Mousson (The rain comes) của Louis Bromfield (nguyên chú của Vũ Bằng)