---~~~mucluc~~~---


HỘI CHỢ NỮU-ƯỚC NĂM 1939

Nói đến Hội chợ, người ta phải kể đến Hội chợ này trước nhất: một hội chợ khổng lồ, có tượng hình thế giới tương lai, khắp hoàn cầu đến dự. Phí tổn hết 155 triệu đô-la Mỹ, vị chi 6 ức quan.[1]
 
 
 
 
ố báo này ra trước hôm khánh thành Hội chợ mấy ngày. Chúng tôi không phải chỉ ra một số trong dịp Hội chợ này mà thôi. Số này chỉ mới là số đầu trong một tập số đặc biệt về Hội chợ. Những số sau chúng tôi sẽ nói hết về Hội chợ, chúng tôi sẽ có đặc phái viên làm những phóng sự rất tỉ mỉ về các gian hàng, về sự tiến hoá của công nghệ mỹ nghệ Việt Nam. Một bạn nhà văn có tiếng sẽ ghi chép hết những điều tai nghe mắt thấy. Các bạn yên tâm. Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ ghi được một phần rất quan trọng của Hội chợ trên tờ báo thân yêu này. Hôm nay, với số này, chúng tôi chỉ muốn nói về những điều “trước Hội chợ”.
Hội chợ năm nay to đến thế nào, ai cũng đã biết đại khái thế nào rồi. Những bài tường thuật ở trong những số sắp tới sẽ đem lại cho các bạn đọc một quan niệm chắc chắn về sự to tát ấy như thế nào. Hôm nay chúng tôi hãy nói riêng về ý nghĩa của Hội chợ và mục đích của Hội chợ. Các bạn sẽ thấy tất cả lợi ích của Hội chợ ở đây, nhưng trước khi biết đến lợi ích ấy, chúng tôi nghĩ rằng ta nên kể một cái Hội chợ vĩ đại nhất từ xưa đến nay ra cho các bạn đọc xem đã, nhiên hậu đọc đến những bài sau, các bạn mới lại càng thấy rõ ràng và cảm biết tất cả ý nghĩa của hai chữ này: hội chợ.
 
World’s Fair New York 1939
Vậy thì cái hội chợ vĩ đại nhất từ xưa đến nay trong thế giới là hội chợ nào? đó là hội chợ quốc tế, hội đấu xảo quốc tế mở vào tháng Juin năm 1939 ở Nữu Ước, có Anh hoàng và Anh hậu sang khánh thành. Chúng tôi không nói dài về cái kinh thành ma quái của tân thế giới này làm gì, bởi vì các bạn đều đã biết. Nữu Ước, kinh đô của những mốt lạ, kỷ lục siêu phàm; Nữu Ước, cái tỉnh mặc sơ mi một bận thì vứt đi, có người nhặt sơ mi cũ đem là lại để bán mà thành triệu phú; Nữu Ước, một mảnh đất có phép tiên, một phần tư thế kỷ trước đây còn hủ lậu chưa có nhà chiếu bóng và xe ngựa mà bây giờ có tiếng là sang nhất hoàn cầu. Đó, cái Nữu Ước đó đã mở một hội chợ mà khắp thế giới đều kính phục và đến dự, trừ có nước Đức không muốn đến và nước Tchécoslovaquie (luc ấy vừa bị nạn xâm lăng) không buồn đến. Nói cho đúng thì Tchéco. cũng có đến dự nhưng công việc làm các gian mới được nửa chừng thì trong nước gặp hồi biến thiên thành bao nhiêu công việc đành bỏ dở.
Tính ra thì trong hội chợ quốc tế này có 58 cường quốc, 33 liên bang và 1.500 bọn người các nước chung sức lại giúp công. Phí tổn là 155 triệu đô-la Mỹ (6 ức quan). Phải gọi là đấu xảo mới đúng, nhưng vì người Mỹ muốn gọi nó là hội chợ nên thành tên là “World’s Fair” − Hội chợ quốc tế, và còn tên là Hội chợ của “thế giới ngày mai” nữa.
Còn nhớ hồi ấy, thế giới đương mải bàn luận với nhau về hội chợ này thì Đức chiếm Tchécoslovaquie. Bây giờ việc Đức chiếm một nước, người ta coi là thường bởi vì nó như là chuyện cơm bữa rồi, người ta quen đã lắm. Chứ như hồi ấy thì phải biết đó là một chuyện đổ trời lệch đất. Ấy vậy mà không ngày nào không báo nào quên dành những trang tốt nhất để nói về hội chợ Nữu Ước; những nhà báo lớn trên thế giới đều cử đặc phái viên đi làm bài tường thuật và chụp ảnh gửi về báo đăng hàng tháng trời không hết.
 
6 ức quan tiền tây vứt ở trên đống rác
Trên kia đã nói Nữu Ước có phép màu. Thực thế, cái phép của Nữu Ước kỳ lạ thật nhưng không thoát khỏi tiền. Vâng, Nữu Ước đã vứt 155 triệu đô-la vị chi là sáu ức quan lên trên một đống rác và phép màu là ở chỗ đã làm cho đống rác biến thành một cảnh thần tiên, thiết tưởng Giao Trì, Lãng Uyển của người Tàu vẫn tả cũng tân kỳ diễm ảo đến thế là cùng vậy.
Nguyên là ở ngoài châu thành Nữu Ước có một miếng đất mông mênh ở đầu đảo Brooklyn xưa nay vẫn bỏ không, bùn lầy đến cổ chân, suốt ngày không có một người đi lại, duy có buổi sáng thì một vài chục tên phu hót rác của thành phố ra đấy để đổ rác và những cặn bã của thành phố vậy. Cái khoảng đất ấy, người Mỹ coi như là một cái no man’s land, một đất không sinh vật, một khoảng đất bị bỏ quên mà hầu hết các thành phố lớn đều không lấy làm hãnh diện; người ta gọi nó là là một cái flusing, một chỗ bùn lầy nước đọng. Muốn được tiếng là một thành phố mỹ lệ nhất thế giới, Mỹ quốc há lại chịu để cái sọt rác ấy lù lù ở trước mắt mọi người ru? Nhà chức trách vò đầu nghĩ ngợi và sau người ta quyết định phải lấp nó san nó cho bằng, tẩy uế nó. Đó là một công cuộc khổng lồ, một công việc vĩ đại, phải áp dụng hàng mấy mươi ngàn nhân công và máy móc. Đó, ở chỗ, đấy ấy, người ta đã xây nên hội chợ quốc tế làm cho cả thế giới phải đổ dồn con mắt về và coi như là một công cuộc của thần minh vậy. Bây giờ xong hội chợ rồi, các gian nhà đã phá đi, nhưng thành phố Nữu Ước vẫn được lợi cái là có một bãi đất mênh mông để làm bãi chơi đùa tập thể thao, một khoảng đất tạo sức khoẻ và tương lai cho nước Mỹ. Một phần khoảng đất ấy dùng để làm chỗ đậu tàu bay. Người ta đã tạo ra thế giới tương lai ở trên khoảng đất thanh tân ấy. Thanh niên nam nữ chạy nhảy và cất cánh bay hàng vạn triệu dặm. Ý nghĩa của hội chợ quốc tế ở Nữu Ước năm 1939 là cuộc đời tương lai, là thế giới ngày mai vậy.
 
Quả bóng và cái tam giác trụ
Thoạt vào hội chợ, khách sẽ thấy lù lù trước mắt một cái quả tròn trắng to như một trái núi. Bên cạnh cái tròn ấy là một trụ tam giác rất cao. Cái quả bóng và trụ tam giác ấy họp nhau lại thành một cặp bạn bí hiểm, một câu đố bất khả, một cái dấu lạ lùng làm cho ai cũng phải nghĩ ngợi rất lâu. Hình tròn là cái gì? Mà trụ tam giác là cái gì?
Về kỷ hà học, có hai cái hình ấy người ta có thể làm thành được tất cả các hình khác. Về vật lý học, cái hình tròn kia làm cho ta nghĩ đến quả trứng của Christophe Colomb: cái gì đã làm cho nó đứng? nó đứng ra làm sao? Đó là điều làm cho ta nghĩ ngợi. Khách vừa đi vừa nghĩ ngợi thì có một cái loa thét mạnh vào tai khách rằng: ai muốn vào cái quả bóng kia chơi thì trả 50 xu Mỹ hay là 19 quan. Trong ấy có cái gì? Có cái Democratopolis. Democratopolis là cái gì? Các bạn đọc xuống quá dưới này sẽ rõ. Ai trả tiền thì sẽ trèo lên cái trụ tam giác kia, đi qua một cái cầu nhìn xuống nước. Cái trụ tam giác ấy là cái Trylone, tượng trưng của thể chất và tinh thần mà văn minh là sự kết hợp (synthèse) vậy.
 
Những gian của thế giới trong hội chợ
Muốn vào xem hội chợ ngườita phải trả tiền vào cửa 75 xu Mỹ (28f 50). Nhưng mà được xem mấy trăm triệu bạc vàng ở trong đó. Nước nào cũng có mặt và nước nào cũng khoe khôn khoe khéo, bởi vì hộ chợ chính là một dịp để cho các cường quốc quảng cáo nước mình với mọi người.
Hội chợ có một phần chính để điểm binh, rước đèn, tên gọi là bãi hoà bình. Cái bãi ấy ăn thông sang một cái bể cả ngày đêm nước réo lên ầm ầm, đó là hồ Vạn quốc. Những gian nhà của các cường quốc trên thế giới, các lâu đài xứ sở đều xây đắp cực công phu mỹ lệ ở chung quanh cái hồ ấy: Pháp, Anh, Nhật, Hà Lan, Ba Lan, Nga,… Nhất nhất không thiếu mặt một nước nào, trừ Đức. Cái hội mà nhiều người nói đến không thể nhịn cười được là hội Quốc liên cũng góp mặt vào đấy cho vui luôn thể. Phàm cái gì là cái quý giá nhất của một nước, người ta đem ra trưng bày ở đấy để khoe mẽ với hoàn cầu: nước Pháp thì lấy văn chương ra làm người ta khiếp phục và người ta khiếp phục cả về mấy hàng cao lâu ở đó. Nước Anh thì trưng những hợp ước này hợp ước nọ, những sách về nhân quyền, những thánh thư về chế độ dân chủ ra để cho người ta coi.
 
Ông có muốn nhìn một tí cái thế giới năm 1960 không?
Không ngại, ông chỉ phải trả ít tiền thì cái gì muốn xem cũng có. Ở trong hội chợ quốc tế Nữu Ước, người ta đã nghĩ đến những người hiếu kỳ rồi nên ban tổ chức đã đặt ra cái Democratopolis ở trong quả bóng tròn mà chúng tôi đã nói trên kia. Trả 50 xu Mỹ, người nào vào trong quả bóng tròn sẽ thấy một sự kỳ lạ nhất từ xưa đến giờ. Ông bà nào đã đọc truyện Trạng Quỳnh xin chớ vội tưởng sự kỳ lạ đó là một dòng chữ tục tằn mà không ai dám nhắc lại cho ai. Không, đây là một sự kỳ lạ về khoa học, ai bỏ tiền ra thì sẽ được chui vào quả bóng tròn. Bạn đi qua một cái cầu và sẽ thấy có hàng trăm người đứng đấy đợi sẵn. Đủ số người rồi, ai ngồi xuống ghế của người ấy và quả bóng tròn sẽ quay đi chung quanh một cái địa đồ châu Mỹ. Cái thế giới năm 2000, cái Futurama có 500. 000 nhà cửa lâu đài, một triệu cây cối và 50. 000 xe cộ sẽ hiện ra trước mắt bạn: sự đi lại ồ ạt như nước, nhà chọc trời cái nào cái nấy cao 100 tầng, cửa hàng và hè đường cho khách bộ hành đi alji đểơ tầng thứ hai. Có bạn tất sẽ hỏi rằng: Bấy nhiêu nhà cửa xe cộ mà nhét vào trong một khu hội chợ, làm thế nào cho xuể được? Bạn chớ ngại, ban tổ chức đã lo xa nên cái Futurama, cái thế giới năm 2000 đây họ thu nhỏ lại nghìn vạn lần, những cây cối nhà cửa chỉ bé có 80 phân tây mà nhà chọc trời chỉ cao ngất nghểu độ…một thước. Trong 20 phút đồng hồ ngồi trên ghế bạn thấy hàng nghìn hàng triệu phong cảnh khác nhau, tất cả những cái kỳ quan của thế giới ngày mai, những đồng ruộng khổng lồ, những hoa màu tươi tốt, sông Misisipi, sông Gang, sa mạc châu Phi, những dải núi Pyrénés và Rocheuses, những cầu cống xếp đặt không thứ tự trong như những nhánh nhỏ của một con sông khổng lồ. Xe cộ đi lại như trong một giấc mơ quái dị, bao nhiêu xe cộ đi lại dập dìu như những hồng huyết cầu trong một thân thể khổng lồ.
 
Văn minh thế giới cho vào trong hộp cả
Đáng chú ý nhất trong hội chợ quốc tế còn là cái hội “ống thời gian” (la capsule du temps) nữa. chính vào giữa hôm khánh thành hội chợ, M. Whalen đứng đầu ban tổ chức dự một cái lễ cực kỳ lạ mà từ thượng cổ có lẽ chưa ai nghĩ tới. Đó là việc chôn ở chính giữa hội chợ quốc tế 1939 một cái ống hình thoi trong đựng tất cả cái toát yếu của nền văn minh hoàn cầu hiện nay do mấy vị bác học ghi lại, trong số đó có Einstein, Thomas Mann và giáo sư Milikom. Cái ống thời gian này ban tổ chức hội chợ quốc tế làm bằng kính pyre không vỡ được, để mấy mươi đời cũng không giập nát, dài 2 thước 30, rộng 20 phân, cân nặng 363 cân; cái ống này đựng giấy má gồm tất cả 10.000.000 chữ; hội chợ quốc tế có ý muốn để lại cho con cháu về sau, dặn rằng chỉ đến năm 6938 người ta mới có quyền lấy lên mà xem thôi. Những người xem những di chú trong cái ốnh này sẽ biết tất cả cái tinh hoa, cái văn minh của thế giới từ năm 4000 trước Thiên Chúa giáng sinh đến bây giờ có những gì. Ngoài ra ống thời gian đó lại còn ghi lại những phát minh sáng kiến hiện kim: ban tổ chức không quên nhét vào đó một cuốn phim chiếu bóng dài 325 thước có giá trị ngang 100 cuốn sách. Thêm vào đó lại có những hạt thóc hạt lúa để làm mẫu nghề nông bây giờ, một cái mũ đàn bà kiểu mới. Nếu nói dại mà chiến tranh thế giới nay mai đây sẽ tàn phá hết thì cháu chắt chúng ta cũng không sợ không còn một chút gì di tích của chúng ta để lại, chúng cũng không sợ không biết một chút gì về cái văn minh vật chất và tinh thần của chúng ta. Cái ống thời gian sẽ làm sống lại hết cả những thời đại văn minh hiện nay. Người ta đã làm đủ cách để cho bọn người mai sau đó sẽ hiểu nghĩa những chữ ghi trong cái ống thời gian đó. Cái gì trong đó cũng nhất tề thu nhỏ lại, duy có một cuốn Kinh Thánh và một cuốn dạy tháo từng ngăn cái ống ấy là bình thường mà thôi. Hiện nay trong nhiều thư viện có tiếng nhất hoàn cầu đều có cuốn sách thứ hai kia vì lúc in ban tổ chức hội chợ quốc tế in những 3350 quyển.
 
Cha ông Sấm, mẹ bà Thiên Lôi
Từ trước đến nay, người mình phàm muốn tỏ cái gì kỳ lạ thường nói “Thật là phép tiên”, mà ông nào hay bà nào muốn nạt người ta thường nói: “Ta con ông Sấm cháu bà Thiên Lôi”. Người ta tưởng con ông Sấm và cháu bà Thiên Lôi là to lắm rồi, nào ai ngờ đâu ở trong hội chợ quốc tế đây, người ta đã không muốn là con cháu mà người ta cũng không muốn là chính ông Sấm hay bà Thiên Lôi nữa. Không, người ta muốn là cha ông Sấm mẹ bà Thiên Lôi kia, cho nên họ mới khinh thường, họ làm ra sấm sét, và trong hội chọ quốc tế có một gian suốt ngày đêm có sấm chớp nhân tạo nổi lên ầm ầm không dứt. Nói cho thực ra, trong hội chợ quốc tế người ta đã sai khiến điện một cách cực kỳ quái lạ, điện thực là một tên đầy tớ trung thành giúp ích người ta vô kể. Nhất loạt cái gì cũng cử động bằng điện hết, thậm chí đến trâu bò ở thế giới tương lai đây cũng ăn uống một cách điện cả. Nghĩa là trâu bò cứ ở trong chuồng, đến giờ ăn thì máy điện sẽ đem đồ ăn đến tận mồm cho chúng nó xơi. Không những sung sướng thế mà thôi, chúng không cần lội xuống sông xuống ao để làm gì cho nhọc. Máy điện sẽ tắm cho chúng, mà đến việc vắt sữa chúng cũng lại do điện nữa thì mới là hoàn toàn chứ!
 
Đấu xảo…sắc đẹp
Phô trương những cái đẹp khoa học trong hội chợ quốc tế, ban tổ chức xét ra chưa đủ cho nên họ lại nghĩ cần phải phô trương cái đẹp xác thịt cho hoàn toàn nữa. Bởi vậy tại hội chợ quốc tế lại còn có một cái bể bơi tên là Aquacade mỗi ngày có 40.000 người tới coi và thu được đổ đồng mỗi hôm 1.200.000 quan. Cái bể bơi này là nơi tạp trung các sắc đẹp của hoàn cầu và được coi là một tác phẩm vĩ đại về sự mát mẻ và cái đẹp. Nước ở đây là mmọt phần tử chính, nước rất xanh rất mát rất trong. Các tay danh kỹ danh hoa đều đến đó dấn mình ngà ngọc vào trong nước để phô trương da thịt của mình và nhân thể cũng để trình bày cái tài lội khéo bơi giỏi nữa. Được chú ý nhất trong bọn đó là đào Eléanor Holm được bầu là hoa khôi của bể bơi (aquabelle №1) và chồng là Billy Rose. Sau đến ngôi sao đã thủ vai Tarzan là John Weissmuller mà ai ai cũng đã biết tài bơi lội trong phim chàng đã đóng với con khỉ độc; Oct. Desjardins, Gertrude Ederlé, Jain Patterson, v.v…Tính ra thì tất cả bể bơi trong hội chợ quốc tế lúc nào cũng có sẵn 300 cô tuyệt sứac giúp vui cho thị giác người xem, 300 cô này đều là tay bơi thạo cả, cô nào cũng có vài ngón tuyệt vời, nhưng về mặt plongeon thì ai nấy đều phải nhường cho Ray Twardy giữ chức quán quân plongeon[2] ở Aquacade. Trên bờ Aquacade, những đàn bà rất tự do (về đủ các phương diện) đấu gươm đỡ mộc và đánh nhau lạo xạ làm sống lại cả một thời thượng cổ. Chung quanh, hàng trăm cô mỹ miều mặc những áo “đú đớ” đi dẫn diệu, làm cho những ông đạo mạo hết lời công kích và họ suýt xướng lên việc tẩy chay hội chợ.
Những cô này làm cho người xem chú ý bằng cách nào? Bằng cách ăn mặc đã đành. Bằng cả những dáng điệu. Nhưng thứ nhất là họ làm cho người xem chú ý đến mình bằng chim.
Nguyên các cô này có nuôi được những con chim lạ lắm. Người ta kể chuyện rằng ở Nữu Ước và Anh người ta thường luyện được một giống vẹt rất khôn để làm quảng cáo. Nhà bán rượu wisky V. chẳng hạn nuôi độ 50 con vẹt dạy cho nói sõi mấy câu cần. Vẹt thành thuộc rồi, họ nhốt mỗi con vào một cái lồng rồi đem gửi ở các nhà đại lý bán rượu wisky V.. Thế là từ hôm đó trở đi, ai đi qua những nhà đại lý ấy đều sẽ nghe thấy con vẹt nói sa sả cả ngày “Tôi chỉ uống rượu wisky V.! Tôi chỉ uống rượu wisky V.!”
Đó, chim vẹt mà dạy làm quảng cáo đến thế tưởng đã là khôn tuyệt trần rồi; vậy mà ở hội chợ, cô Yvette Dare lại còn dạy được một con vẹt khôn hơn: con vẹt này mỗi ngày ra trò cho trăm vạn người xem và các ngài có biết nó làm gì không? Nó cởi quần áo cho cô chủ! Rosita Royce, một đào nhảy có nhan sắc tuyệt trần, lại có một nửa tá chim bồ câu làm trò trong hội chợ cũng được người ta chú ý. Sáu con chim đó đậu chằng chịt lấy người cô và mổ phó-mát, bơ và hoa quả đến mớm cho cô. Cô quý báu những con chim đó lắm nên tự tay tăm rửa cho chúng và tự tay tìm đồ ăn cho chúng. Chúng sẽ đáp ơn cô, nghĩa là mỗi khi chúng thấy cô không có quần áo che mình thì chúng bay vào phòng lấy quần áo ra mặc và lấy mũ đội và không quên cả vòng cổ vòng tay và hoa tai cùng giày dép. Đó, cái trò đó hàng vạn người đứng hàng mấy tiếng đồng hồ để đợi xem hằng ngày. Đã đành rằng ý nghĩa hội chợ không phải duy ở chỗ đó mà ra, nhưng tất ai cũng nhận rằng những trò chơi đó đã làm cho hội chợ thu tiền vô kể vậy.
Không biết đến bao giờ thế giới lại có một hội chợ thứ hai như thế.

VŨ BẰNG

Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 89 (30/11/1941)

[1] đơn vị gọi bằng “quan” nói ở đây có lẽ là đồng franc, tiền Pháp; “ức” là đơn vị đếm: 1 ức = 10 vạn; 1 vạn = 10 ngàn; 1 ức = 100.000.
[2] plongeon: môn thể thao nhào lặn.