---~~~mucluc~~~---


MỰC

Một người bán bánh tây, chả trâu sống ở bên cạnh học trò đã ngoại ba mươi năm kể cho tôi nghe những cảm tưởng của anh ta trong những dịp khai trường và nói rõ những vụ khai trường ngày trước khác những vụ khai trường ngày nay ra thế nào?
 
hế nào, độ này buôn bán có phát tài không bác?
Người bán bánh đương “mổ bụng” một cái bánh tây ra để cho chả vào trong, thấy tôi đi qua hỏi thế bèn toét ngay miệng ra cười:
− “Te” lắm ông ạ, chán như cơm nếp nát.
Tôi chắc là người vừa trả lời tôi câu đó không nhớ tôi là ai cả. Nhưng, tự nhiên, như có linh tính bảo, anh ta biết ngay tôi là một người học trò cũ trường Hàng Vôi nên nét mặt hửng lên như một người bạn đã hai mươi mấy năm trời nay không gặp mặt.
Mà tôi, tôi được gặp mặt người ấy, tôi cũng lấy làm thú lắm.
Nói riêng với các bạn đọc đây, các ngài đừng thuật lại với những ông giáo đã dạy tôi làm gì cho mất lòng, chứ thực lắm khi nghĩ lại đến hồi hãy còn đi học “trường nhà nước”, người mà tôi nhớ nhất, có lẽ không phải là thày học cũ mà cũng không phải là bạn cũ, nhưng chính là Mực, người bán bánh tây chả mà tôi vừa tươi cười hỏi ở trên kia.
Anh ta nay đã già. Mái tóc đã bạc rồi, gân guốc đã suy rồi, nhưng nét mặt sạm đen và đầy một vẻ “sửng kền” của anh ta vẫn vui tươi như hai mươi bốn năm qua, không lấy gì làm thay đổi. Duy có đôi mắt thì kèm nhèm đi chút ít mà ở trên mặt thì có một cái gì như là sự chán nản, sự buồn rầu vậy.
Anh ta thở dài:
− Cái thời kiếm ăn kha khá này đã qua rồi, ông ạ. Bây giờ buôn bán chỉ là để trợ thời thôi, chứ tôi tưởng đến chết cũng không còn hồi nào làm ăn vui vẻ như hồi tôi bán ở trường Hàng Vôi nữa. Hồi ấy, ông tính, tôi mỗi ngày kiếm được đến dăm sáu đồng bạc một ngày. Ấy là chưa kể nhà tôi lại còn bán bánh tôm để thêm vào, hai vợ chồng hơn kém cũng “xơi” được bẩy tám đồng là ít. Giá phải một người cần cù chịu khó thì có phải cũng đủ ăn tiêu và lại có tiền dành dụm cho con cái rồi không? Chết một cái tính tôi lại hay buồn, nên sẵn tiền đấy, đêm nào cũng đi đánh bạc thành thử cũng chẳng còn gì sót cả. Chỉ có được cái nhà. Vả lại, ông đã rõ, người ta giầu có là có số cả đấy chứ trời không cho mình nhàn thì cựa lắm chỉ tổ sẩy vẩy ra chứ lợi gì…
Nói đến đấy, Mực ngừng lại bán một cái bánh khách và hai xu thuốc lá lẻ cho một người qua đường rồi lại nói với tôi:
− Bây giờ thì thôi, hết, ông ạ, tôi không đánh bạc nữa mà cũng không “ăn” ai cả. Mỗi ngày kiếm ăn già lắm chỉ được dăm bảy hào một đồng là may. Ấy chưa nói bây giờ học trò nghỉ hè, tôi chỉ bán quanh quẩn ở phố Bờ Sông, phố Phúc Châu này và khi nào có đá bóng ở dưới bãi thì lại dò xuống “làm một mẻ xoàng xoàng” chơi.
Nay mai đã khai trường rồi. Tôi cũng mong trời thương thánh độ cho năm học này được khá hơn năm trước, nhưng đó cũng chỉ là hy vọng, chứ tôi chắc cũng không ăn thua gì.
Ngày xưa, vào thời kỳ các ông khai trường tôi thấy lắm khi bán hàng tối tăm cả mày mặt lại, có khi vì chậm bán làm cho có ông đứng đợi lâu quá tức chửi rầm cả lên mà tôi cũng như thường, mà lại vui vẻ là khác nữa. Đằng này, bây giờ thì buôn bán con ruồi bậu mép cũng không thèm xua đi. Cái gì cũng đắt cả, bán một cái bánh tây chả, không có lợi. Ấy là nói về bọn các cậu học ở những lớp dưới đấy, chứ các cậu “cua Suýp” bây giờ thì lại ít ăn lắm, bởi vì họ nhớn, họ ăn quà ngay ở nhà. Vả lại đồng tiền khó kiếm nữa, các ông bà sinh ra các cậu ấy lại thi hành lối “kinh tế tiết kiệm” bắt con ăn cơm rang ngay ở nhà rồi đi học chứ không cho tiền ăn “quà nhảm” như trước nữa.
Tôi hỏi đùa:
− Thế bây giờ có còn bán chịu nữa không?
Mực giơ tay lên vái tôi một cái mà kêu lên:
− Lạy bố nhé! Kiếm đã chẳng đủ mà lại còn “chi” rộng cứ cho chịu bứa bừa như trước thì… phá sản ngay. Ấy nói thế mà chơi, chứ không cho chịu cũng không được, tôi hay nể lắm, vả lại ngày nào cũng gặp nhau tự nhiên là anh em phải có thân tình, tôi với các cậu ấy cũng như em trong nhà vậy, nên đôi khi vẫn phải bán chịu và bán chịu vẫn bị mất như ngày trước. Ngày trước, có năm tôi tính mất đến hơn trăm bạc nợ. Giời ơi, tôi tức nhé, tôi đến mách nhà nhé, tôi bắt sách nhé, nhưng nói mách quẻ và doạ dẫm nhau chơi đó mà thôi chứ ông bảo mình thấy người ta van lạy, kêu xin, thì ai lại nỡ vì có mấy hào hay vài đồng mà xử nhọ thế nó vô tình lắm ạ. Hiện giờ tôi có bán chịu cho ai thì chỉ bán đến một đồng mà thôi. Ấy, cái trò thế, không bán chịu cho nhau một cái là họ “tẩy chay” mình ngay. Một phần sự ế hàng cũng do đó mà ra vậy.
Hàng ế, không ăn thua gì, tôi thành ra chán không muốn buôn gì cả. Còn vài hôm nữa thì khai trường mà cũng chửa có tiền để buôn lấy dăm đồng bánh khách đây. Hàng lơ chơ lỏng chỏng, chán bỏ bu… con chuột bạch. Những vụ khai trường ngày trước, ông phải biết, tôi bỏ hàng tuần ra để sơn xe cũng như những nhà buôn mới khai trương quét vôi và sơn tường cho choáng. Con tôi này, vợ tôi này, phải chát mát-tít vào mặt kính và lau chùi sạch sẽ; những cái ngăn hàng phải đem cọ rửa nhẵn như cừ. Tôi coi sóc cẩn thận lắm bởi vì mỗi vụ khai trường tôi có cảm giác như là mùng một tết, phải “tống cựu nghinh tân” để lấy may, ngay như khi ra ngõ cũng phải xem giờ và nếu gặp gái thì lại lấy củi cháy đem ra mà… đốt vía. Bây giờ thì thôi rồi ông ạ. Văng mạng cả. Đến tận hôm nay, tôi cũng chưa nghĩ đến khai trường, tôi mặc, muốn ra thế nào thì ra…
Tưởng lại những ngày qua rồi mà tiếc. Còn bao giờ các ông với tôi lại còn được họp nhau ở chung quanh cái xe bánh sơn vàng, có một cái chuông treo ở càng, khi nào tôi đến lắc cái chuông ấy kêu vang lên thì các ông lại vui vẻ mà hò reo lên rằng: “À! đến đây rồi. Xe bánh tây kia rồi!” Thực là muốn bây giờ cũng không làm thế nào được nữa. Một góc người đời đã chết rồi. Hạnh phúc không còn nữa. Bây giờ, mỗi khi lại được gặp các ông, nhớ lại quãng đời đã qua, thì lại thấy buồn buồn, song cứ kể cũng thú, vì bây giờ các ông đã đi làm đi ăn cả. À, ông có biết ông T… không nhỉ? Này, ông ấy làm quan rồi đấy. Hôm nọ, về chơi, gặp tôi ở Phúc Châu gọi mãi tôi và mua bao thuốc lá giấy xanh. Ông K, ông S, ông H, đều làm tham biện ở Thống sứ cả, danh giá ra phết, thế mà gặp “anh em” đâu, vẫn chào hỏi tử tế quá và có khi vẫn dừng lại mua bánh tây chả ăn như trước. Các ông ấy bảo tôi rằng: “Nhớ trường thì ít, mà nhớ bánh tây chả của anh Mực thì nhiều”. Tôi có thể khóc được. Các ông tốt quá.
 − Không, họ nói thực chứ không phải đùa đâu. Bánh tây của bác thì nhất, không có thể ai đọ kịp. Người ta ăn bánh tây bây giờ thường thường vẫn nghĩ thầm: “Ôi! bánh tây của Mực nó khác thế này lắm, nó còn ngon hơn nhiều”. Bác có biết bánh của bác ngon tại vì đâu không?
− Ngon bởi tại các ông yêu tôi chứ gì!
− Cái đó đã hẳn rồi. Nhưng nói về tinh thần chơi với nhau một chút xíu đó thôi, chứ bánh của bác ngon về dấm. Dấm của bác pha tài, ăn không bao giờ chán. Mà cái chả ngâm dấm của bác mới lại quý hơn. Tôi còn nhớ cầm cái bánh tây nóng có chả, ngâm vào trong liễn dấm vùi nó xuống một lát rồi cầm lên mà ăn từng tí một thì có thể quên chết đấy nhé! Nào nhân tiện, bán cho tôi hai xu bánh và ba xu chả nào.
Mực cắt bánh tây cho tôi rồi nói:
− Bây giờ thì chẳng còn thể nào có dấm như trước nữa. Đắt lắm ạ. Một chai dấm bẩy hào, nếu cứ pha ra liễn để người ăn bánh chấm bánh như trước thì chỉ bẩy ngày “con” vỡ nợ!
Mực nói thế đoạn nhíu mắt lại nhìn tôi một cách ranh mãnh:
− Vì không những giá dấm đắt mà thôi, tôi còn thiệt là khác nữa. Chả của tôi ngâm dấm, ông có biết không, có nhiều ông, ngày trước chỉ mua một xu bánh tây không mà khi chấm dấm… cập ríp lên đến ba miếng chả trong khi tôi bận bán hàng cho ông khác!
Mực nói chuyện rất vui.
Tôi ăn bánh xong tự lúc nào không biết.
− Hết rồi à? Ngon quá, bánh tây ngon quá.
Hồi tôi còn đi học, chính tôi, tôi là một anh nghiện, nghiện bánh tây của Mực. Hôm nào không được ăn, tôi thấy ngứa ngáy cả người. Tôi nhạt mồm nhạt miệng và tôi không buồn nói năng gì cả.
Bây giờ, lâu lắm mới lại được nếm lại cái phong vị bánh tây chả của Mực, tôi thấy ở trong người như được nở nang ra, tôi thích quá bèn bảo gói luôn năm cái bánh tây chả vào trong một cái giấy nhật trình cũ đem về.
Để ăn dần.
Và cũng để, trong khi nhai bánh thì nghĩ lại những ngày cắp sách khai trường, tôi không nghĩ gì đến việc lên lớp mà chỉ xán vào cái xe sơn đỏ để mua bánh tây chả và chấm… oằng vào liễn dấm.[1]
VŨ BẰNG
Trung Bắc chủ nhật, Hà Nội, s. 27 (1/9/1940)

[1] In kèm phóng sự này trên TBCN còn có 2 ảnh nhân vật được nói tới trong bài  do Nguyễn Duy Kiên chụp với chú thích mô tả:
Ảnh 1: Mực.  Đã hơn năm mươi tuổi chất nặng trên đầu, Mực, anh chàng bán bánh tây hơn 30 năm trời nay ở trường Hàng Vôi vẻ mặt tuy có già đi và buồn đi chút ít nhưng cách ăn mặc và cử chỉ vẫn còn “du” như thời kỳ oanh liệt xưa như thường. Ảnh 2: Mực với xe bánh tây. Một cái xe bánh tây đã gợi lại bao nhiêu kỷ niệm êm đềm cho các học sinh cũ của trường Hàng Vôi thủa trước.