Chương 7

    
ại dinh Lý Thường Kiệt, trong một phòng khách riêng biệt, thiếu sư Lý Hoài Tổ kể lại những cảm giác còn tươi rói về chuyến đi sứ vừa qua ở Biện Kinh. Quan Đô Tri Lưu Khánh Đàm vừa nghe chuyện vừa thích thú nhấm nháp loại trà thơm hảo hạng của Trung Nguyên do Thiếu Sư mới mang về. Còn Thái Úy đang chăm chú theo dõi từng tiểu tiết trong thái độ đối xử của vua Tống.
- Thưa Thái Úy, vua Tống Thần Tông ân cần phủ dụ rồi gọi viên quan Cung Phụng bảo phải lo nơi ăn chốn ở của sứ bộ ta cho thật chu đáog. Còn Tể tướng Vương An Thạch thì lánh mặt.
- Thế họ sắp Thiếu Sư ở điện nào? Điện Tây Vu hay điện Đông Hóa?
- Dạ nơi ngủ và đãi yến thì ở điện Đông Hóa. Còn gặp ngày sóc thì vào điện Văn Đức, ngày vọng thì điện Thúy Củng. Nghe đâu Vương An Thạch sắp sứ bộ ta vào điện Tử Thần nhưng Tống Thần Tông không nghe.
Quan Đô Tri chợt hỏi xen vào: - Hệ trọng lắm chứ. Bên trọng bên khinh. Điện Tây Vu và điện Tử Thần là dành cho những sứ bộ ít được trọng vọng. Xem ra Tống Thần Tông còn có bụng kiêng nể ta phần nào.
Nhưng điều ấy hiện đang rất trái ngược với những việc làm của quan kinh lược Thẩm Khởi ở biên thùy. Có tin vua Tống đã bí mật truyền cho Khởi sửa soạn binh nhung. Khởi đã bí mật liên lạc với Lưu Kỷ, viên tướng Man dân theo ta trấn ở Quảng Nguyên và phái thuyết khách đi chiêu dụ các tù trưởng khê động. Hiện Vũ Anh Thư còn phải nán lại ở trên ấy để tập hợp các luồng tin. Thái Úy đã điều thổ binh ở các lộ Thượng Du áp sát biên giới. Mới đêm qua, Thái Úy còn đọc lá thư của Từ Bá Tường trong có đoạn viết: “- Bá Tường này nghe rằng hiện nay Trung Quốc muốn cử binh đi diệt Giao Chỉ. Theo binh pháp dạy: “Trước khi người có bụng cướp mình thì chi bằng mình đánh trước”. Lúc nào quân Đại Vương vào đánh, Bá Tường này xin làm nội ứng”. Những loại giấy tờ này mọi khi thường xem xong là đốt đi ngay. Không hiểu sao, lần này Thái Úy để lại và lưu ở bên mình.
Bây giờ nghe qua cung cách đối xử của vua Tống với sứ đoàn ta, Thái Úy thấy rõ sự không ăn khớp giữa vua tôi họ. Phải chăng mùi thất bại của quân Tống ở Bạch Đằng, Chi Lăng, Tây Kết cách đây hàng trăm năm còn phảng phất trong lỗ mũi Tống Thần Tông?
Câu chuyện của Thiếu Sư Lý Hoài Tổ đang đi đến đoạn hào hứng nhất. Đây là lúc sứ đoàn ta đến dự tiệc ở nhà quan đại thần Ngô Sung. Như người đầu bếp giỏi thường cho khách thưởng thức mùi thơm của các món ăn trước lúc dọn ra mâm, Thiếu Sư giáo đầu bằng cách hết lời tán tụng tài ba của Tướng quân họ Vũ. Ông bảo: - Ôi! Thật Thái Úy có con mắt tinh đời khéo tìm ra được một con người tài nghệ hoàn hảo đến thế. Hôm ấy Vũ Anh Thư đóng vai viên quan quân tùy của chánh sứ. Trong phủ đệ của Ngô Sung đèn thắp giăng giăng như đám hội. Trong bữa tiệc, Ngô Sung có mời một số quan khách triều đình, toàn các vị lão thần râu dài đến rốn. Sau tuần rượu thứ ba, câu chuyện bắt đầu nở như ngô rang. Không biết người nào dẫn dắt mà câu chuyện lại được lái sang miếng đất phương Nam, cùng xứ Giao Chỉ đầy dẫy ma thiêng khí độc. Ngô Sung hỏi Lý Hoài Tổ: - Nghe đồn bên quí quốc có nhiều cái lạ, vật thì quái, ma thì thiêng, chẳng hay điều ấy có thật không?
- Dạ, bản quan nói ra sợ e tướng công khó tin. Nhân đây, bản quan có vị tướng trẻ tùy tùng, xin tướng công cho phép anh ta được hầu chuyện để mua vui – Chánh sứ chỉ vào Vũ Anh Thư – tướng quân này là người có linh khiếu thông huyền, giao cảm được thần tiên trên thượng giới.
Ngô Sung tò mò nhìn Vũ Anh Thư: - Ra tướng quân đã có lần gặp thần linh hiển hiện đấy ư?
Lý Hoài Tổ lại đỡ lời: - Tướng quân có môn đồ của thần Tản Viên, vị thần linh thiêng nhất của nước Việt chúng tôi.
Lần này Ngô Sung quay sang hỏi thẳng Vũ Anh Thư: Tướng quân đã là môn đồ của thần, ắt thần có truyền cho tướng quân nhiều phép lạ chứ?
Lúc này Vũ Anh Thư mới đứng dậy vòng tay từ tốn đáp: - Dạ, bẩm tướng công, thần núi Tản đã truyền cho vãn sinh phép múa côn và thuật nhẩm độn, tướng số.
Bây giờ mọi người trong bàn tiệc đều dồn mắt vào Vũ Anh Thư và cùng thốt lên một tiếng “ồ”! sửng sốt. Nhưng Ngô Sung đã hỏi dồn: - Thần truyền thụ cho tướng quân bằng cách nào?
- Dạ, bằng cách đến canh ba thì thần báo mộng.
Lý Hoài Tổ cũng đã đứng lên bảo Vũ Anh Thư: - Tướng quân hãy diễn vài đường côn thần trước để chúc mừng tướng công cùng các vị quan khách, sau để giúp vui thêm cho bữa tiệc.
Tiếng tán thưởng thích thú trong đám quan khách nổi lên náo nhiệt. Không đợi phải giục, Vũ Anh Thư thắt áo bước ra. Ngoài sân rộng, dãy đèn treo vẫn thắp sáng như ban ngày. Vũ Anh Thư vọng về phương Nam bái thần rồi ngọn côn trong tay chàng bắt đầu vung lên. Đường côn đi có lúc linh hoạt lạ thường, có lúc lại rời rạc, ngô nghê đến chướng mắt.
Sau vài lời cổ vũ chiếu lệ, Ngô Sung quay lại bảo chánh sứ:
- Bản chức cũng có một tên gia tướng có học qua phép múa gươm, xin để hắn ra múa may vài đường gọi là đáp lễ quan chánh sứ.
Tên gia tướng ấy, khổ người cao lớn vạm vỡ, hùng hổ bước ra múa một thanh kiếm dài sáng loáng. Vũ Anh Thư đứng lui về một góc sân, chăm chú theo dõi. Chàng nhận thấy phép đánh kiếm của gã tuy có nặng và chắc nhưng thiên nhiều về khoa trương. Vòng kiếm sáng của gã, lúc mở rộng tròn xoe như tán bạc, lúc thu hẹp nhỏ như cơi trầu, trông thật đẹp mắt. Múa xong gã thu kiếm chắp tay nói: Thưa tướng quân, nếu tướng quân không chê kẻ hèn mọn này mà cho bái lĩnh một vài đường côn thần của tướng quân thì thật là vạn hạnh!
Ngô Sung vuốt chòm râu dài cười to: - Chỉ được phép đấu chơi vài hiệp, cấm làm thương tổn đến hòa khí của nhau đấy!
Vũ Anh Thư chưa kịp nói đôi ba lời từ tạ khiêm tốn thì gã gia tướng nhà họ Ngô đã vung tít thanh kiếm dài loang loáng. Gã đâm đông chém tây, ào ạt tấn công, vòng kiếm đi rộng, uy mãnh bao trùm. Vũ Anh Thư nhẹ nhàng né phái tránh trái nhảy nhót như vượn chuyền cành, mũi côn uyển chuyển xuyên qua làn kiếm bạc, đâm trên phạt dưới. Thế kiếm của địch thủ càng cường mãnh thì đường côn của chàng càng mềm mại, phất phơ như bông ngô mới trổ, đong đưa theo gió. Nhưng thế côn của chàng bỗng dưng yếu hẳn, đường côn chậm lại. Chàng nhảy ra khỏi vòng chiến, vòng tay bảo: - Xin ông bạn hãy đợi một chút!
Một gã trong sứ đoàn lập tức bê ra một linh vị đặt trên chiếc bàn con, Vũ Anh Thư thắp nhang rót rượu, lầm rầm khấn vái. Chàng cầm nén hương khoa thành những đường nét vòng vèo trên chén rượu. Đột nhiên chàng ngẩng cổ hú to ba tiếng ngân nga lảnh lót. Tất cả các quan khách đều nín hơi hồi hộp nhìn chàng. Chàng vẫn thản nhiên trịnh trọng nâng chén rượu tưới trên đầu côn, rồi cầm côn vuốt nhẹ. Kỳ lạ thay, dưới cái vuốt tay của chàng, mọi người cảm thấy ngọn côn cứng rắn bỗng hóa thành mềm nhẽo như chiếc roi ngựa.
Chàng cầm côn mắt ngó thẳng, từ từ bước vào vòng đấu. Bây giờ đường côn của chàng đi nhanh, vun vút biến ảo lạ thường, tạo nên một vầng khói đen quyện lấy ánh kiếm của đối phương rồi dần dần đè bẹp xuống. Gã gia tướng, mồ hôi tướp mặt bị dồn về phía góc sân. Bỗng gã thấy địch thủ của mình hình như mải ham tấn công để hở phía vai trái. Dùng một thế kiếm hiểm độc, gã phóng kiếm chém sả xuống. Vũ Anh Thư không né tránh, rún người xuống. Ngọn côn đang đi nửa đường vụt quay ngoắt vào trung lộ, nhanh như thuồng luồng rẽ sóng, chọc thẳng vào giữa yết hầu đối phương. Trong đám quan khách, có nhiều tiếng la hoảng. Có kẻ nhắm mắt không dám nhìn. Họ như trông thấy trước quang cảnh khủng khiếp sẽ xảy ra: - một đằng bị ngọn côn đâm thủng cổ xuyên sau gáy, một đằng bị chém sạt bả vai.
Không ai hiểu Vũ Anh Thư thu côn tự lúc nào, nhảy vụt ra xa quì xuống: - Bằng hữu kiếm pháp như thần, tiểu sinh không sao sánh nổi.
Gã gia tướng mắt thấy hơi lạnh cái chết đưa vào tận cổ còn đang bàng hoàng đứng ngẩn hồi lâu, bỗng như chợt hiểu ra, vội vàng chạy đến nâng Vũ Anh Thư lên rồi quì thụp xuống.
Sau lúc khách khứa ra về, Ngô Sung còn lưu Vũ Anh Thư lại: - Tướng quân quả là người của thần nhân. Lão phu muốn hỏi tướng quân một đôi điều về hậu vận.
Vũ Anh Thư nghiêm trang đáp: - Thưa tướng công, hình chữ vương trên trán và nốt ruồi son ở sau lưng cũng đủ nói lên thân danh của tướng công phải vào hàng tướng quốc. Việc đó đến sớm hay muộn còn tùy ở tâm lực của tướng công. Nói xong Vũ Anh Thư từ tạ ra về.
Chỉ mấy ngày sau, tiếng đồn dậy khắp Biện Kinh. Họ kháo nhau nào thần Giao Chỉ thiêng hơn thần Nam Nhạc, nào tại Giao Chỉ, quỉ ma kêu khóc đầy rừng. Có người còn nói cặn kẽ hơn rằng đất Giao Chỉ voi đi qua là cỏ mọc lấp đường, con suối lội qua là rụng sạch lông chân, rằng khí độc bốc lên là chim bay trên trời phải sã cánh. Thiếu Sư nói xong, quay lại phía quan Đô Tri: - Cho đến giờ, đệ vẫn chưa hiểu một nhát kiếm mạnh như thế mà tại sao chỉ để lại trên áo của tướng quân họ Vũ một vệt rách nhỏ.
Quan Đô Tri cũng ngẫm nghĩ: - Đệ còn chưa hiểu họ Vũ làm cách nào để biết rõ có nốt ruồi son đằng sau lưng Ngô Sung nhỉ?
Thái Úy tủm tỉm cười hỏi sang chuyện khác: - Thế Ngô Sung không nhắc gì tới Vương Tể Tướng à?
- Dạ, thưa Thái Úy, Ngô Sung không hề đả động đến Vương An Thạch nhưng Vương Thiều lại nói bô bô.
- Vương Thiều nói thế nào?
- Vương Thiều nói toạc móng heo chả kiêng dè gì cả. Ông bảo cả vùng Lĩnh Nam mất mùa, dân đói mà họ Vương kia không nghĩ đến việc nuôi dân lực, cứ muốn gây chuyện binh đao để kiếm công trạng. Thật là bất nhân. Ông ta còn phỏng đoán ngôi Tể tướng của họ Vương sẽ chẳng được lâu bền vì các bậc lão thần ghét Thạch mà đến các danh nhân trong nước như Tư Mã Quang, Trinh Hạo… cũng không ưa.
- Đến Vương Thiều mà cũng nói thế kia ư? Trước đây, Vương Thiều là người dâng kế với Vương An Thạch đưa quân đánh chiếm đất Hi Hà để chặt tay nước Hạ. Hai người rất tương đắc kia mà!
- Dạ Vương Thiều cho biết không chỉ một mình ông mà còn nhiều vị khác trong triều cũng đâm ra bất bình với Vương An Thạch. Họ bảo Vương An Thạch tự ý chuyên quyền, việc gì cũng đi thẳng lên vua Tống không thèm bàn qua nửa lời với ty trung thư và ty khu mật. Vì vậy, Thạch càng bị cô lập và nhiều người gièm pha. Bây giờ Thạch như hòn đảo nhỏ đứng trơ trọi giữa sóng gió trùng dương. Ông ta cho sở dĩ Thạch lâm vào tình trạng ấy là do thói quen kiêu căng của kẻ tuổi còn trẻ mà quyền sớm thịnh.
- Vương An Thạch không chỉ có tuổi trẻ mà tuổi trẻ lại thêm tài cao nên quyền sớm thịnh - Thái Úy như muốn kể lại cho cân bằng sự đánh giá Vương An Thạch, người mà Thái Úy muốn đưa bàn chân ra ngáng cho ngã ngựa nhưng trong thâm tâm lại phục và trọng.
Khi câu chuyện đã vơi theo những chén trà Ô Long thơm phức và hai quan cũng sắp cáo từ Thái Úy ra về thì tiếng nói oang oang của lão tướng Trần Nậm đã dội thẳng từ cổng dinh vào đến khách sảnh.
Vừa thấy mặt Thái Úy, Trần Nậm đã làm một thôi một hồi, giọng cứ ồm ồm chẳng ai nghe rõ. Thái Úy phải lắng tai mãi mới nghe được câu cuối: “Nếu việc công có trễ nải thì Trần Nậm này không chịu đưa cổ cho Thái Úy chém đâu!
Thái Úy ôn tồn khuyên nhủ gần như dỗ dành người tướng già bẳn tính và hay nóng nảy. Hỏi ra thì đầu đuôi câu chuyện như sau: Năm nay lụt chậm, nếu không đủ nhân lực thưng phên đóng cọc phòng ngừa thì nước lũ bất thần đổ về có thể cuốn sập một góc đê mới đắp.
- Thế người đi đâu hết?
- Ôi, cái bọn phu phen mới đến đã đòi về không chịu làm. Lác đác có đứa đã bỏ trốn.
- Phần việc này thuộc về Thái Bảo. Ông ta ở đấy làm gì mà không giúp tướng quân?
- Dạ, quan Thái Bảo Nguyễn Châu còn ngồi trên trấn sở lộ Gia Lâm chưa thấy đến.
Không hỏi thêm nửa câu, Thái Úy gọi đoàn tùy tùng sửa soạn và ngay sáng hôm ấy, tức tốc lên đường đi Như Nguyệt.