Chương 14

T ôi nói với thằng Luyện chừng vài bữa nữa tôi sẽ đi "học thêm". Nhưng chương trình khổ luyện nhằm lấy lại những gì đã mất kéo dài cả tháng trời đằng đẵng.
Trong thời gian đó, Cẩm Phô không thèm nhìn mặt tôi. Nó chỉ sai thằng Luyện đến gặp.
Luyện đến mang theo một lô câu hỏi:
- Bộ anh giận chị Cẩm Phô hả?
- Đâu có!
- Vậy sao anh không ghé nhà chị Cẩm Phiêu?
- Tao đã nói rồi. Tao bận.
- Chừng nào anh mới hết bận?
Tôi gãi cằm:
- Tao cũng không biết nữa.
Lần nào, Luyện cũng hỏi tôi những câu hỏi đó. Và tôi cũng chỉ biết trả lời mơ hồ như vậy. Sau vài lần Cẩm Phô đâm chán, không thèm sai Luyện đi "nắm tình hình" nữa.
Cẩm Phô đâu có biết tôi nhớ nó còn hơn nó nhớ tôi nhiều. Tôi nóng lòng được gặp lại nó biết bao. Nếu không bị thôi thúc bởi ước muốn sớm được gặp lại nó, tôi đã chẳng vùi đầu học hùng hục như một tên tù khổ sai như thế.
Tôi vốn không phải là đứa thông minh sáng láng. Chơi bời tôi chẳng bằng Cường. Học hành tôi thua Phú ghẻ. Ở nhà ai cũng bảo tôi lù đù, chậm chạp. Ba tôi ưa so sánh, gọi tôi là "thằng đầu bò". Mấy con bò nhà ngoại tôi mà nghe thấy, chắc chúng buồn lắm. Giữa tôi và chúng, chưa biết ai ngu hơn ai! Nói chung, tôi chỉ vĩ đại dưới mắt mỗi một người. Đó là nhỏ Thảo hàng xóm. Với nó, tôi luôn luôn là số một.
Tôi là một đứa đần độn như vậy, nếu không vì Cẩm Phô, chẳng việc gì tôi phải tự hành hạ mình cho chết xác. Chính vì nó, chính vì cái chức "chị hai nhỏ Châu" mà tôi dự định phong cho nó, tôi đành phải "lấy cần cù, bù khuyết điểm". Tôi học ngày học đêm. Tôi học đến toát mồ hôi trán, váng mồ hôi đầu. Ròng rã cả tháng trời như vậy.
Nói cho chính xác, từ hôm đầu tiên Luyện hỏi thăm sức khỏe tôi ở nhà Phú ghẻ cho đến buổi chiều tôi có thể đàng hoàng gấp tập lại và bước ra khỏi phòng với tư thế đĩnh đạc của một thằng Chuẩn vừa "đại tu" lại đầu óc, trái đất đã quay chung quanh nó cả thảy là hai mươi sáu vòng.
Tới ngày thứ hăm bảy, tôi đi lùng thằng Luyện. Tôi mò xuống tận bờ sông, nơi nó và thằng Cường cùng một lô một lốc những đứa Huỳnh Thúc Kháng khác đang thi nhau lặn hụp.
Thấy tôi thình lình xuất hiện, Cường mừng rơn. Nó toét miệng cười vồn vã:
- Mày kiếm tao hả?
Tôi bĩu môi:
- Kiếm mày làm cái mốc gì! Tao đi kiếm thằng Luyện!
Nghe thấy tôi đi kiếm nó, Luyện quày quả lội vào bờ.
- Mày nói với Cẩm Phô là tao ghép hoa xong rồi. Ngày mai tao sẽ ghé nhà chị Cẩm Phiêu.
Luyện vuốt mái tóc ướt:
- Mấy giờ?
- Hai giờ. Mày nói Cẩm Phô tới trước đợi tao. Tới đó một mình tao sợ lắm.
Luyện "ừ". Rồi nó rủ:
- Anh xuống tắm không?
Tôi từ chối:
- Để bữa khác! Chiều nay tao bận lắm!
Tôi không dám nói với Luyện là tôi đang thèm nhảy xuống nước muốn chết, nhưng tôi phải về coi lại bài vở để chuẩn bị cho cuộc chạm trán ngày mai. Đây là kỳ thi cực kỳ đặc biệt trong cuộc đời học trò của tôi. Tôi có thể thi rớt ở bất cứ kỳ thi nào nhưng với kỳ thi này tôi bắt buộc phải đậu. Nếu không chỉ có nước treo cổ.
Khi tôi quay xe về, Cường la toáng lên từ dưới mặt sông:
- Để chiếc huy chương vàng lại đó! Lấy xe tao mà về!
Nhưng mặc cho nó la làng, tôi phóng xe chạy tuốt.
Trưa hôm sau ăn cơm xong, tôi cứ bồn chồn đi tới đi lui trong nhà. Chốc chốc tôi lại liếc đồng hồ, rồi lại... đi lui đi tới. Tôi không dám ghé nhà chị Cẩm Phiêu sớm. Tới sớm nhỡ Cẩm Phô chưa tới, tôi không biết phải đối đáp như thế nào với chị nó.
Nhỏ Châu ngó tôi:
- Anh bị muỗi đốt hả?
- Không.
- Hay là anh bị kiến cắn?
- Kiến đâu mà cắn!
Nhỏ Châu chớp mắt:
- Chứ sao anh không ngồi một chỗ mà đi loanh quanh hoài vậy?
Nhỏ Châu làm tôi bực mình quá xá.
- Kệ tao! - Tôi gắt - Chân tao, tao đi, mắc mớ gì đến mày!
Thấy tôi sửng cồ, nhỏ Châu không hỏi nữa. Nhưng làm thinh được một lát, nó lại ngứa miệng:
- Chị Cẩm Phô nghỉ chơi anh ra rồi hả?
Tôi giật mình:
- Ai bảo mày vậy?
- Đâu có ai bảo! - Nhỏ Châu vừa đáp vừa nhìn tôi bằng ánh mắt thăm dò - Tại em thấy anh dạo này không đi gặp chị nữa!
Tôi hừ mũi:
- Mày ngu quá! Bây giờ tao đi gặp nó đây nè!
- Gặp ở đâu? - Cặp mắt nhỏ Châu mở lớn, lộ vẻ tò mò.
- Ở nhà chị nó. Chị Cẩm Phiêu ấy!
Miệng nhỏ Châu há hốc:
- Thật không? Sao anh gan quá vậy?
Tôi nhún vai:
- Tao đến đó để học chứ đâu phải để chơi! Tao dạy cho chị hai mày học!
- Xạo đi!
Tôi nhếch mép:
- Tao xạo mày làm chi! Trình độ tao bây giờ dạy cho Phú ghẻ cũng còn được nữa là Cẩm Phô!
Nói xong tôi giật mình ngó ra sân, xem Phú ghẻ có lảng vảng đâu đây không.
Tôi thở phào khi thấy ngoài sân vắng ngắt. Ban trưa trời nắng, thiên hạ ở cả trong nhà. Phú ghẻ chắc lại càng ngủ kỹ.
Tôi liếc nhỏ Châu, thấy nó đang nhíu mày bặm miệng, có vẻ đang suy nghĩ lung lắm. Con nhỏ này, ngoài mặt thì nó kêu tôi xạo nhưng trong bụng chắc nó đã tin tôi đến chín chục phần trăm!
Trong vòng một tháng trở lại đây, thấy tôi cắm đầu học lấy học để sách không rời tay, dám nó tưởng tôi đã thành "nhà bác học" rồi không chừng! Nhất là nó thấy tôi cứ liên tục vỗ ngực xưng tên, nào là "có ý thức" nào là "có trình độ", những từ ngữ mà trước đây anh hai nó chưa bao giờ dám nghĩ tới chứ đừng nói là huênh hoang khoe mẽ!
Nhưng nó nghĩ gì mặc nó, tôi liếc xuống đồng hồ nơi tay và vội vã phóng xe ra khỏi nhà.
Cẩm Phô đứng chờ tôi ngay trước cửa nhà chị nó. Vừa trông thấy tôi nó cụp mắt xuống giọng hờn dỗi:
- Tưởng anh quên luôn Cẩm Phô rồi chứ!
Tôi quệt mồ hôi trán, cười cười:
- Quên sao được mà quên!
- Không quên sao bữa nay mới tới?
Tôi lại nhe răng khỉ:
- Mấy bữa nay tôi bận ghép hoa!
Không biết Cẩm Phô có tin tôi không mà nó quay phắt lại, ngúng nguẩy đi vào.
Tôi dắt xe lên hiên, dựng sát vách tường rồi lật đật đi theo.
Cẩm Phô dẫn tôi đi xuyên qua hành lang tới một căn phòng rộng có dăm chậu hồng kê sát cữa sổ. Tôi ngắm mất chậu hồng bằng nửa con mắt: Xấu hoắc! Không bằng một góc mấy chậu hồng của mình!
Nhưng những chậu hồng còm cõi kia không làm tôi ngạc nhiên bằng sự vắng lặng của ngôi nhà. Không biết anh chị của Cẩm Phô đi đâu mà để tôi với nó một mình một cõi. Hệt như hai đứa tôi đang ngồi với nhau trong quán bà Thường.
Nghĩ tới đó, tôi ngẩn người ra nhìn "chị hai nhỏ Châu". Phải chăng Cẩm Phô cố tình bày ra như vậy. Nó tìm cách đuổi khéo anh chị nó đi để tôi và nó được tự do "tình tự". Phú ghẻ nói y như thánh. Con gái mà đã chọn "điểm hẹn" thì bao giờ cũng hết ý! Cẩm Phô đã tốn bao nhiêu công sức mới sắp đặt được một chỗ "học chung" tịch mịch như thế, vậy mà tôi cứ nấn ná chần chờ. Hèn gì nó trách tôi quên nó! Tội nghiệp nó ghê!
Tôi đặt tập vở lên bàn, hai tay xoa xao vào nhau, cố tìm một từ ngữ tương xứng để khen tặng Cẩm Phô. Nhưng tôi chưa kịp mở miệng đã có người mở miệng trước:
- Em là Chuẩn phải không?
Tiếng nói phát ra ngay sau lưng khiến tôi giật mình quay lại. Đứng ngay ngưỡng cửa là một người phụ nữ hao hao giống Cẩm Phô. Dù chưa gặp mặt lần nào, tôi biết ngay đó là chị Cẩm Phiêu.
Chị Cẩm Phiêu hai tay cầm hai ly nước rau má, mắt nhìn tôi vẻ thân thiện.
- Dạ... dạ...
Tôi đáp, giọng không giấu vẻ bối rối mặc dù chị Cẩm Phiêu trông chẳng giống chút nào với các "vị thần giữ cửa" đằng tiệm thuốc Hồng phát.
Tôi "dạ, dạ" được mấy tiếng rồi đứng im, chẳng dám nói gì, cũng chẳng dám ngồi xuống. Cẩm Phô đứng bên cạch che miệng cười hích hích càng khiến tôi thêm lúng túng.
Cũng may chị Cẩm Phiêu là một ngườì tử tế. Thấy tôi không được tự nhiên, chị bước lại đặt hai ly nước lên bàn, giọng dịu dàng:
- Thôi, các em ngồi học bài đi! Chị để nước đây, khi nào khát thì uống!
Nói xong, chị nhẹ gót quay ra.
Cẩm Phô ngó tôi:
- Chị Cẩm Phiêu hiền không?
-Hiền.
- Chị hiền nhất thế giới! - Cẩm Phô tán dương chị.
Tôi định nói "Chỉ không hiền nhất thế giới đâu! Nếu hiền nhất thế giới, bữa nay chỉ đã... di vắng chứ đâu có ở nhà!". Nhưng cuối cùng tôi đã tỉnh táo tốp lại kịp. Tôi mà bộp chộp nói ra "ý nghĩ đen tối" đó, Cẩm Phô sẽ cho tôi là một kẻ chẳng ra gì, học không lo học, chỉ nghĩ toàn chuyện bậy bạ. Tính lợi tính hại một hồi, tôi giở giọng a dua, hùa theo Cẩm Phô:
- Ừ, chỉ hiền nhất thế giới! - Rồi tôi chép miệng nói thêm - Không những hiền nhất thế giới mà còn hiền nhất vũ trụ nữa!
Cẩm Phô nguýt tôi:
- Lại dóc đi!
Tuy nói vậy nhưng đôi mắt Cẩm Phô vẫn ánh lên vẻ thích thú.
Chỉ tiếc là sự thích thú của nó không kéo dài. Khi nỗi hân hoan về một bà chị hiền nhất vũ trụ lắng xuống, Cẩm Phô sực nhớ ra mục đích của cuộc gặp gỡ hôm nay.
- Bữa nay mình ôn môn gì hén?
Mặc dù đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng, nhưng mỗi lần nghe nhắc đến chuyện học, tôi vẫn nghe sống lưng đột ngột ớn lạnh - hệt như đó là một "phản xạ bẩm sinh". Nhưng chính chữ "mình" trong câu hỏi của Cẩm Phô đã cổ vũ tôi. Cái tiếng thân thương đó đã giúp tôi đứng vững trước nỗi sợ hãi. Và tôi ưỡn ngực dõng dạc:
- Tùy Cẩm Phô! Tôi thì... ôn môn gì cũng được!
Cẩm Phô dòm vô thời khóa biểu:
- Ngày mai có hai tiết toán. Vậy bữa nay ôn lại hình học đi!
Trong các môn, tôi khá nhất là môn toán. Vì vậy tôi gật đầu ngay, sợ để lâu Cẩm Phô đổi ý:
- Vậy mình ôn môn hình!
Tôi vừa nói vừa lật tập sột soạt, vẻ hăng hái như sắp sửa đi thi học sinh giỏi toán toàn quốc đến nơi.
Thật ra trình độ của tôi hiện nay chưa chắc đã giỏi hơn ai, nhưng so với Cẩm Phô thì rõ ràng tôi đáng... làm thầy nó.
Đúng như Phú ghẻ nói, tôi đã dốt, Cẩm Phô còn dốt hơn tôi nhiều.
Học chung với nó một lát, tự nhiên tôi cảm thấy tôi vĩ đại quá chừng. Tôi giảng thao thao bất tuyệt, còn nó chỉ biết ngóc cổ ngồi nghe, chốc chốc lại gật đầu phụ họa.
Lúc cao hứng tôi cũng lên giọng quát tháo om sòm, quên bẵng người ngồi trước mặt là "chị hai nhỏ Châu" tương lai. Nói chung mấy hôm trước Phú ghẻ nạt nộ tôi thế nào, bữa nay tôi nạt nộ lại Cẩm Phô y như vậy, thậm chí còn hơn nữa!
Nhưng mặc tôi hung hăng giương nanh múa vuốt, Cẩm Phô trước sau tịnh không trách móc hoặc giận hờn. Chắc nó cũng quên bẵng tôi là thằng Chuẩn quần thừa áo vá. Nó đinh ninh tôi là thầy giáo mới đổi về dạy ở trường. Thật khác xa với những lúc nó bắt chước miệng lưỡi con Liên móm để "quay" tôi như quay dế trong quán bà Thường! Sự hứng khởi trong lòng tôi dâng lên cao đến mức đôi khi tôi có cảm tưởng được làm thầy Cẩm Phô khoái hơn làm người yêu nó nhiều!
Mà làm sư phụ một đứa như Cẩm Phô thì đúng là hách xì xằng thật. Căn bản môn hình học dường như nó cất đâu trong các ngăn kéo ở ngoài tiệm thuốc tây. Bài "Các phép biến hình" dễ ơi là dễ, vậy mà tôi giảng hoài nó vẫn ngơ ngơ ngác ngác.
Tôi bảo nó phân biệt phép biến hình đồng nhất với phép quay tâm O, nó cạy cục vẽ tới vẽ lui cả buổi vẫn chưa xong.
Tôi bảo nó chứng minh tích của hai phép dời hình là một phép dời hình, nó lại chứng minh là nó không hề biết gì về những chuyện như vậy.
Thế là tôi lại được dịp "lên lớp". Nào là muốn học giỏi ngồi trong lớp phải tập trung nghe thầy giảng ra sao, lúc về nhà phải chịu khó làm bài tập như thế nào...
Cẩm Phô không biết tôi lặp lại vanh vách những điều Phú ghẻ vừa "lên lớp" tôi nên nó cứ giương mắt dòm tôi đầy thán phục.
Buổi "xuất quân"đầu tiên của tôi lẽ ra còn thành công rực rỡ và trọn vẹn hơn nữa, nếu như trong bài "các phép biến hình" không có phần về tam giác đồng dạng.
Thông thường, hai tam giác đồng dạng là hai tam giác có các cạnh tương ứng tỉ lệ với nhau. Nhưng riêng với tam giác vuông, chỉ cần biết cạnh huyền và một cạnh góc vuông có tỉ lệ tương ứng bằng nhau cũng có thể suy ra trường hợp đồng dạng.
Những định lý này ngay từ hồi cấp hai chúng tôi cũng đã từng được nghe giảng sơ qua. Vậy mà khi tôi vẽ hai tam giác vuông với hai cạnh có tỉ lệ tương ứng, rồi hỏi:
- Hai tam giác này có đồng dạng không?
Cẩm Phô cứ cắn viết suy nghĩ cả buổi. Chắc có lẽ nó thấy thiếu một cặp cạnh tương ứng tỉ lệ.
Sốt ruột, tôi "gà":
- Cẩm Phô thấy hai tam giác này có gì dặc biệt không?
Lúc bình thường, có lẽ Cẩm Phô đáp ngay không cần nghĩ ngợi. Nhưng nãy giờ bị tôi quát tháo ghê quá, nó mất bình tĩnh đến mức hầu như chẳng hiểu tôi hỏi gì.
Thấy nó một mực làm thinh, tôi đâm quạu:
- Tam giác này là tam giác gì?
Tôi hỏi giọng gắt gọng. Cẩm Phô dường như cũng hết mức chịu đựng. Thấy tôi quạu, nó quạu theo:
- Tam giác Béc-mu-da!
Đòn phản công bất thần của Cẩm Phô làm tôi choáng váng mặt mày, hệt như vừa ăn một cú đấm của Mohamet Ali vào quai hàm. Trong một thoáng, tôi cảm thấy căn phòng như nghiêng hẳn đi. Và trong cái thế giới vẫn còn đang đảo lộn ghê gớm đó, tôi chếch choáng đứng dậy và ôm tập đi thẳng ra cửa không một lời từ giã...