CHƯƠNG 14

    
ừ một nơi hẹn dồn quân trong đồng khởi, nhà má Bảy bỗng dưng biến thành một cái trạm dọc con đường giao liên từ căn cứ vùng núi xuống Kỳ Hải còn bị chiếm, trạm quan trọng vì đặt tại cửa khẩu của vùng giải phóng và ngay trên chỗ gút của đường sông, đường bộ.
Đêm đêm nhà má đầy chật những võng buộc ngang dọc, có khi đan nhau đến ba tầng người nằm, cái võng nào vải mới dây chắc được treo trên cùng. Má Bảy dậy lúc hai giờ sáng, cầm đèn lên nhà trên đếm số võng để nấu cơm. Anh chị em cần ăn thật sớm để phòng địch càn. Ban đầu cán bộ, bộ đội trút gạo ra trả, má nhất định không lấy. Về sau họ dọa sẽ không trở lại với má nữa, và gạo nhà cũng hết, má buộc lòng phải nhận của người đi trước để nấu cho người đến sau. Trước khi ra đồng má xếp thạp gạo, hũ mắm, liễn muối, đống củi ngay bên bếp, để ai vào thì có sẵn các thứ làm cơm. Cửa khép ngăn gà chứ không khóa. Xong buổi làm, Út Sâm chạy trên bãi trên gò kiếm củi rác quẩy về, vài hôm lại đi chặt củi một chuyến trong gò Chà L. Bao nhiêu cũng không đủ đun nấu. Sâm buộc sẵn trên mái nhà hàng chục khúc dây điện thoại có móc tre lủng lẳng để đến tối các anh chị treo ba lô và bao gạo phòng chuột cắn. Lại một tội ác nữa của Mỹ - Diệm: chúng phun thuốc diệt muỗi thế nào mà đi khắp tỉnh không gặp một con mèo sống sót, chuột sinh lu bù, rệp cũng nở ra hàng đàn bò trên vách như kiến dời tổ.
Anh trinh sát về vùng địch gửi má Bảy một gói áo quần tài liệu. Em giao liên đưa một xấp thư dặn trao cho chú này bác kia. Tiểu đội công binh đánh xe trên đường Một giao một quả mìn và mấy khoanh dây điện. Bác cán bộ nhờ mua pin nghe đài hay thuốc tây. Các cô "mậu dịch công doanh" chèo thuyền chở quế, chè, trầu xuống bán, chở muối, vải và dao rựa về tiếp tế vùng trên, có hôm chất hàng chật nhà má. Cả các anh bộ đội về phép muốn nhắn vợ từ thị xã ra gặp, các chị ở "khu trù mậu" lên vùng giải phóng tìm chồng, đều đến tỉ tê nhờ má tìm giúp, hỏi giúp.
Ai cần việc gì má làm việc ấy, và làm đến nơi đến chốn. Anh Dõng đùa, phong cho má cái chức "trưởng trạm liên lạc" hóa ra đúng y. Bây giờ má không xấu hổ vì ngôi nhà "nhịn ăn mà ở" như trước nữa. Má thích nó rộng, không dột, anh chị em ngủ được đông và trọn giấc. Ngôi nhà cũng có nhiều bộ mặt khác nhau. Về chiều, khi cán bộ bộ đội kéo đến ồn ã, nó quả là cái trạm. Tối đến, khi đài Hà Nội hát vang vang, đèn vịt và đèn ve rượu bạc hà thắp sáng, nó thành cái câu lạc bộ. Giữa đêm, khi đầy những người ngủ la liệt chen với bao hàng, nó giống cái ga xép đông hành khách đợi tàu. Và khi thuyền mậu dịch cắm sào dưới bến, mang bó quế và gánh chè xếp đống trong nhà ngoài sân, nó lại là một trong những cái chợ con con mà ta có thể gặp ở bất cứ nơi nào trong vùng giải phóng miền Nam.
Má Bảy bận công tác trong Hội mẹ, Sâm bận vô số công tác "mỗi cái rờ vô một chút", và cả hai má con đều bận thêm việc nhà. Chỉ có Tư Sỏi được miễn: Sỏi ăn, ở, đánh giặc và làm ruộng luôn với đội du kích xã, không mấy khi ngủ nhà. Nhưng má và Sâm đều mong nhà mình đông thêm mãi, vui thêm mãi, để bù lại những năm phải thu hình trong vỏ ốc, không có ai để cởi mở chuyện trò.
Anh chị em thích đến nhà má vì nhiều lẽ. Nhà má ở gần đường cái, bến sông, nhưng cách một quãng vừa đủ tránh pháo dập ban đêm. Đến nhà má có thể biết tin sốt dẻo về trận đánh xe Kỳ Minh và cuộc càn Kỳ Lâm, giá gạo chợ quận và nguồn mua võng nilông đầu đúng màu xanh lá cây, sức lớn của khu gang thép Thái Nguyên và những mẩu chuyện về cách mạng Cuba. Cũng có thể nhiều đồng chí trẻ muốn gặp lại đôi mắt linh lợi và nụ cười đỏ tươi của Út Sâm, biết đâu đấy... Nhưng đêm đến, khi má Bảy ngồi vá áo cho bộ đội, rủ rỉ hỏi thăm sức khỏe và dặn dò từng người: "Phải liều liệu mà giữ đừng đau ốm, đánh Mỹ còn dài đó con", bấy nhiêu đứa con của Cách mạng tình cờ họp tại đây đều cảm thấy họ đến nhà má để thương yêu và được thương yêu chứ không vì lẽ gì khác. Họ ghé vào cái trạm này, nhận phần thương yêu của má để thêm sức đi chặng đường ngày mai. Tình thương của má được chia rất đều, như gió mát trưa hè và hơi ấm trong căn buồng mùa đông. Tình thương ấy không hình không nét, không nói ra lời nhưng không thể thiếu đối với em giao liên lần đầu xa nhà cũng như các anh các chị thoát ly từ tóc đen đến tóc hoa râm.
Chiều hôm ấy má Bảy đi chợ quận về. Đến ngõ, má thấy bốn năm người đứng giữa sân đang chỉ trỏ ra chung quanh. Má bật reo:
- Trời đất, tưởng ai... Anh Chín, anh Dõng, thằng Bê, đủ hết! Bộ nhà dột sao mà đứng giữa sân?
Anh Chín Chuyền cười khà:
- Chà, chị Bảy trẻ lại dữ ta? Muốn đi bước nữa
- Cũng bắt chước anh, rán sống coi chút thống nhứt chớ. Bọn quận rao dưới chợ bắn chết anh rồi. Nó giết anh được lần này nữa vị chi đủ chục lần đó.
- Cất gánh đã chị. Tôi học phép Phạm Nhan, chặt đầu này mọc ra đầu khác liền. Có điều tóc bạc cứ bạc, ưng mọc ra tóc đen cũng chịu.
Anh Chín ghé thăm má Bảy được nửa giờ sau chuyến đi họp ở Kỳ Minh. Má khóc thút thít, hốt sạch đậu xanh, gạo nếp, trứng gà trong nhà, túm một túm đưa cho cậu bảo vệ, còn thấp thỏm lo anh Chín từ chối. Nhưng anh cảm ơn và nhận. Sau má mới biết anh gửi hết về cho thương binh, nói rõ là má Bảy Son ở Đồng Dừa biếu. Riêng tại Kỳ Bường, các gia đình quen đã tặng anh Chín hai cái máy thu thanh Philíp và Xô-ni mới tinh, vô số quần áo. Hôm nay anh trở lại nhà má vẫn mặc bộ bà ba đen vá vai, đeo cái máy thủ thanh nhỏ mòn trắng vỏ da. Trên lưng anh sù sụ cái bao bột mì nhuộm ruột pin vá ba bốn lỗ chuột khoét. Tất cả đều y như cũ.
- Đến đây thì ở lại đây, ở cho bén rễ xanh cây mới về. Anh bỏ đi bây giờ tôi đánh mõ báo động!
- Nghe nói chị giàu, tôi về kiếm cơm tối cơm sáng rồi đi đâu mới đi.
- Có vậy chớ! Tư ơi, thắp đèn pha nước con!
Má gạt những bó rau trong đôi bầu gánh hàng, lấy ra một gói vuông khá nặng. Cả nhà ghé lại xem. Má vẫy Bê đến gần:
- Con sáng mắt, coi giùm có bị móp méo gì không. Khi nãy thằng công an quận nó đá trúng y cái máy. Nhờ chị em trong tổ xúm làm dữ, nó không kịp soát. Củathợ ủng hộ đó.
Bê mở gói, lấy ra một cái máy chữ cỡ nhỏ. Trong khi Bê lót giấy đánh thử, Dõng bắt đầu năn nỉ anh Chín:
- Cả huyện có một cái máy cọc cạch, anh nghĩ thử coi...
- Đừng tham! Các cậu có một máy Hécmét mới, một máy Ôốimpia còn tất giao cho cánh Bắc, đang gửi sửa dưới thị xã, một máy nữa lấy của hội đồng Kỳ Lâm. Cái này phải gửi lên khu, mình cũng thèm mà chịu.
Dõng rụt đầu lại, kín đáo thè lưỡi. Má Bảy nhắc Bê:
- Con thạo máy móc, tháo ra coi thử, hễ trục trặc thì sửa luôn cho anh em kẻo đưa lên núi không ai sửa.
Má tin rằng Bê biết hết mọi nghề. Biết làm cách mạng đã đành, đến khó như máy bơm máy nổ mà Bê còn tháo ra sửa được thì có thứ gì không biết! Bê vừa sửa xong cái máy bơm tịch thu của thằng Phổ, đã cho bơm nước vào ruộng ở Đồng Trầu.
- Không hư gì hết, má à..
- Hú vía! Hôm kia tao đem về ba cái đài Nhựt Bổn thiệt xinh, nghe nói anh em khuân vác gửi. Còn nhiều thứ lắm, tổ tao nhận chưa hết. Riêng số thuốc tây của học sinh ủng hộ cũng đầy hai gánh...
Trong khi Tư Sỏi đem máy xuống hầm giấu, má Bảy thổi lửa bắc nước sôi. Lần này má phải bắt anh Chín ăn gà bằng được. Anh trông thấy má đặt cái trã rộng miệng lên bếp, hiểu ngay, vội kêu:Chị Bảy ơi, làm cá đây nè. Tụi tôi đánh được mấy mẻ lưới bảnh hết sức.
Trên con sẻ đầu cột treo lủng lẳng bốn xâu cá lưới hai, mỗi xâu nặng chừng cân rưỡi. Thì ra mấy anh em đi thuyền đã dừng lại kiếm cá ăn. Dõng tấm tắc khen anh Chín lặn giỏi. Má nghĩ đến nước sông lạnh mà rùng mình. Tư Sỏi mổ cá với má cũng lắc đầu:
- Kể về cần kiệm liêm chính thì ông Chín này đầu sổ!
Anh Chín thấy cái sàng đắn dở gác trên giàn bếp, rút xuống, đeo kính trắng đan tiếp. Anh hỏi ra chỗ vại nước:
- Con Út đâu chị?
- Đang cày đất đỗ ngoài kia. Nó nhắc anh cả ngày. Nó nói bác Chín ăn cơm cúng nhà mình miết, chưa ăn cơm thiệt bữa nào.
- Hèn gì tôi nhảy mũi 1 hoài. Nó tập cày lâu chưa?
Má đợi anh hỏi để khoe con một tí:
- Mới mấy hôm. Nhà được cấp thêm năm sào ruộng, ba sào thổ với nửa con trâu, nó mừng hết lớn. Có điều thằng Tư vắng luôn, mượn người cày cũng khó, nó với con Ngọ ngoéo tay thi đua tập cày. Ông Nhâm đẽo cho chị em nó cái cày vừa tay, khéo lắm. Nó cày sao mà gãy náng đứt nài lu bù, đường cày lỏi đầu lỏi đuôi, ví thá 2 hết hơi rồi đứng khóc ngon lành, còn con trâu quất đuôi bùn lên mặt nó cả mớ, lại nhăn răng ra cười với ông Thần Nông. Bữa nay đỡ đỡ rồi, nó cày mấy đám thổ coi cũng sạch mắt... À quên, Bê nè, mày còn miếng rự túc, nó tính mai nó cày đó.
Bê nói với vào:
- Để đó con cuốc cũng được má ơi. Còn nửa ang giống thôi mà.
- Cuốc nặng công, cứ để nó tập cày ruộng nước luôn thể. Ruộng nhà cày hết rồi, đi cày cho bà con thì nó chưa dám. Nó nói cày ruộng anh Bê có lỏi ảnh cũng không cười.
Dõng và Bê đang giăng lưới phơi ngoài sân. Dõng huých cùi tay vào Bê, gật gật, "e hèm". Bê cứ cúi gằm mặt. Trong nhà, anh Chín cười tủm tỉm:
- Có chút gái út tính gả đâu chưa chị?
- Ối chào, để bom nổ chậm trong nhà làm gì. Đứa nào chịu xỏ mũi dắt đi tôi cho trớt. Giao anh đó, gả đâu thì gả.
Dõng kêu rất khẽ bằng cái giọng ngân nga như trẻ em dọa nhau mách mẹ:
- Má để dành đất cho thằng Bê nó trồng một cây si trước nhà, nghe má... Hự!
Anh bị một quả đấm khá đau vào hông.
Má bưng trã cá vào, đặt lên bếp:
- Hai anh em nó nói một sách như nhau, tới thống nhứt mới lo chuyện vợ chồng, bây giờ lo chống Mỹ, cứu nước đã. Tôi mặc kệ tụi nó, ế thì chịu...
Từ xa dội đến một tiếng "ùng". Tiếp tiếng huýt dài, tiếng rèn rẹt nhi xé ngược một tàu lá chuối. Quả đạn đại bác bay chếch bên phải nhà má Bảy vạch một lằn chớp đỏ bầm, nổ sau vườn. Mái nhà bị rung mạnh kêu răng rắc, đổ mồ hóng và bụi mọt mù mịt. Má Bảy kêu: "Ớ ông trùm ông xã!". Má chụp ngay cái vung úp lên trã cá, giục Sỏi:
- Đưa anh Chín ra hầm, mau con!
Nhà có một hầm nhỏ sau vườn, chỉ đủ ba người ngồi. Nhường nhau mãi cuối cùng một mình má xuống hầm. Sau nửa phút im lặng để chỉnh súng, hai cây 105 của đồn quận bắt đầu bắn gấp. Rồi thêm hai cây nữa đặt ở đường Một bắn chéo sang. Đạn rít soàn soạt như vò giấy trên cao, rơi dồn vào chỗ trường tiểu học Kỳ Lâm, nơi tối qua có mít tinh và chiếu phim. Dõng giẫm chân:
- Lại gián điệp! Lần dây moi củ hoài mà vẫn sót!
Tối nay đội chiếu phim của khu cùng đi với anh Chín về chiếu tại Kỳ Bường, nhân dịp tổng kết đợt tạm chia ruộng công và tạm cấp ruộng ác ôn. Tin đồn về đội chiếu phim này lan khắp huyện trong mười ngày qua. Bà con các vùng còn bị kẹp rủ nhau lên xem rất đông. Địch cũng cho máy bay và gián điệp đi lùng, nghi chiếu ở đâu là chúng bắn túi bụi vào đấy.
Dưới cái nơm đan bằng những đường đạn pháo, anh Chín hỏi những việc má Bảy và các con đã làm trong đồng khởi, để đoán xem gia đình má sẽ nghĩ gì làm gì trong cơn thử lửa rất ác liệt sắp diễn ra trên đất Kỳ Bường, phá tung cái cảnh sống yên vui mà anh được thấy chiều nay.

*

Máy nổ lại kêu rì rì ngoài xa. Ngọn đèn điện bật sáng, kéo theo tiếng "à" khoan khoái của mấy ngàn đồng bào ngồi chật sân đá bóng, lan cả ra những đám đất mạ mới nhổ.
Anh thuyết minh gõ cốc cốc rồi nói trong máy phóng thanh:
- Xin lỗi bà con, máy của tụi tôi phải khiêng vác nhiều thành thử hay bị trục trặc... Trước hết đội chiếu phim chúng tôi xin nhiệt liệt chúc mừng đồng bào Kỳ Bường đã giành được chánh quyền và bước đầu giành được ruộng đất.
Đợi bà con ngớt vỗ tay, anh tiếp:
- Chúng tôi xin giới thiệu bộ phim thời sự thứ nhứt "Vì miền Nam ruột thịt". Đây là phim của miền Bắc sản xuất năm 1960, gửi tặng bà con miền Nam mình.
Trong tiếng hoan hô kéo dài, anh trả lời một người nào bên buồng chiếu, và mấy đoạn lọt qua trong máy:
- Dạ phải... có hình ảnh Hồ Chủ tịch... dạ, đúng bộ này.
Đồng bào đăm đăm nhìn tấm vải trắng viền đen có những ngấn nước mưa loang vàng, lại ngó hai anh chiếu phim loay hoay dưới cái lều lợp vội bằng tấm nhựa. Bà con vừa được nghe Bác nói trên đài hôm Tết dương lịch, ngay sau đồng khởi. Ông Nhâm phàn nàn: "Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình" 3. Bây giờ Bác sắp đến thăm. Phút chờ đợi bỗng trở nên trang nghiêm, đầy hồi hộp. Buổi chiếu phim biến thành cuộc tiếp r
Một bà ngồi cạnh rỉ tai má Bảy, vẻ thành thạo:
- Lạy trời đừng tắt máy, đừng đứt phin.
Má gật gật, tuy không hiểu thế nào là đứt phin. Đây là lần đầu má xem chiếu bóng. Nghe nói sẽ có bộ đội đánh giặc và đồng bào biểu tình trên tấm vải kia, má nghĩ lạ lắm. Sỏi nói ta chiếu phim cũng giống xilama của Mỹ hay về chiếu lấy tiền ở quận, má "hứ" một tiếng chê con nói nhảm. Má biết tuồng xilama là đĩ với bợm ôm nhau, không bao giờ má thèm đi coi thứ đó nên không biết nó ra sao, nhưng chắc chắn nó là của Mỹ thì ắt nó xấu Chó chỉ ỉa ra cứt chó, vậy thôi.
- Chạy rồi, hú vía!
Máy chiếu bắt đầu lách tách. Đèn tắt, chữ hiện trên màn vải. Má Bảy vừa đánh vần được vài tiếng thì câu cũ biến mất, câu mới nhảy ra. Cái vốn học bình dân của má hồi kháng chiến đã han gỉ gần hết. Lại sắp phải mua kính đi học đêm đây... Một tiếng còi "toe" rất dài nổi lên. Cái còi của Bê được dùng để báo động cho khỏi lẫn lộn. Đèn tắt phụt. Tiếng rì rì của máy nổ vẫn còn... Không phải. Trên nền trời sao, một chấm đỏ trườn chậm, nháy nháy dòm xuống. Thằng địch đang rình. Nó không thấy gì, đi thẳng giữa tiếng chửi tục ném theo.
Đây rồi sông núi miền Bắc, nhà cửa miền Bắc. Đây đồng bào miền Bắc. Những con người mặt sáng như gương, cười nói vẫy vùng giữa nhà máy lớn của mình, cánh đồng cày máy của mình, bầy con cháu của mình mặc áo hoa múa hát trên sân trường. Nhưng... sao mà chiếu nhanh quá vậy! Má muốn kêu các anh giữ máy hãy chậm lại một chút, dừng lại một chút để má xem trong dãy bộ đội vỗ tay kia có thằng Tùy con nuôi má không, có những bà con cùng xã đi tập kết không.
- Cụ Hồ!
- Bác ra kìa!
- Đó, Bác đi giữa đó! Hoan hôôô!
Tiếng reo bật lên từ đám thiếu nhi ngồi trước, lan rộng.
Bác Hồ đi sải những bước dài. Bác ôm hôn đại biểu miền Nam, đứng lặng một giây, và một tia chớp nào đó bật chói trên mái tóc trắng như cước. Bác nói trước máy, chòm râu bạc rung đều đều. Bác đang nói với bà con Kỳ Bường. Bác dắt tay hai cháu miền Nam tập kết. Các em ngồi trước bật xuýt xoa, thèm thuồng.
Má Bảy quên cả thở. Má ngắm Bác không chớp mắt, kẻo Bác biến đi mà má không kịp nhớ mặt.
Hồi đánh Tây, những tranh vẽ Bác và những mẩu chuyện về Bác dần dần đúc lại ở má thành hình ảnh của một người cha rất gần gũi mà chưa hề gặp. Má không biết hình ảnh ấy có giống Bác thật không, vì trên tờ bạc tín phiếu 4, trên báo hay trên tường trụ sở ủy ban xã, má thấy các chân dung Bác vẽ và in rất khác nhau. Nhìn Bác hôm nay, má thấy Bác rất giống với Cụ Hồ của má, nhưng râu tóc đã bạc chứ không đen như má tưởng. Má rưng rưng sung sướng khi nhớ rằng trong những trận đòn tố cộng tàn khốc nhất má chưa hề thốt ra một lời xúc phạm đến Bác, nên lúc này má có thể ngẩng cao đầu ngắm Bác mà không phải sượng sùng.
"Ùng... hú-u-u, oàng!"
Mặt người lóe trắng. Màn ảnh bị xô lệch. Mảnh đạn bay rít a đầu, một mảnh xoáy mãi vào không khí kêu vo vo rất lâu. Quả đạn 105 vừa đâm bổ xuống sau màn ảnh, cách chừng trăm thước.
- Nằm xuống!
- Bắn nữa đó. Đề ba 5 rồi kìa!
Quả thứ hai nổ xa hơn một chút. Giữa tiếng lao xao bật lên giọng bực tức của Sỏi:
- Kệ cha nó, yêu cầu cứ chiếu!
Nhiều người hét tiếp:
- Nó còn bắn cả đêm. Đừng chịu thua!
- Hễ trúng người, cả xã thắp đuốc kéo lên quận lập tức!
Hai anh du kích chồm tới dựng lại khung tre. Quả thứ ba lùi xa nữa. Địch chỉ bắn hú họa.
Trước ba ngàn đồng bào say mê, miền Bắc vẫn reo cười, nức nở, vung những rừng nắm tay thề sống chết với miền Nam. Màn ảnh rung phần phật từng hồi theo hơi đạn thổi. Một mảnh thép xé một lỗ ở góc vải trắng. Chỗ thủng hiện thành một con mắt từ dưới dòm lên, hằn học và thất thế, cố rình những bước chân nẩy lửa của những anh hùng chống Mỹ đang đạp lên nó để đến với miền Nam.
Một bộ phim khác. Rồi một bộ khác nữa.
Đèn lại bật sáng. Anh thuyết minh nói những lời chúc cuối cùng. Má Bảy vẫn ngồi im, mắt không rời tấm vải loang nước mưa đã mang những cảnh kỳ diệu, thấy dội lên một nỗi thèm tiếc xót xa. Má chỉ muốn giữ Bác, giữ bà con miền Bắc lại với má một lát nữa thôi mà không được.

*

Ba má con về đến nhà lúc nửa đêm.
Soát cổng chuồng trâu xong, má hỏi:
- Mai đi sớm hả Tư?
- Gà gáy đầu má kêu con dậy.
- Còn lá thơ gửi lên Trung ương?
- À... để đó con Út viết. Chưa gấp gì.
Sỏi nhắm mắt một phút rồi nhỏm dậy, mở bao lấy giấy bút, kê cạnh phản cái thùng đạn đại liên Mỹ có nắp khóa, mới kiếm về để chôn tài liệu. Má Bảy lặng lẽ châm hai cây nến trên bàn thờ, thắp ba nén hương. Sâm rửa chân xong vào ngồi ghé góc phản. Cả nhà đều thấy cần viết lá thư ấy trong đêm nay.
Má nói trịnh trọng:
- Con đề tên má là Nguyễn Thị Lượm, tuổi Thân, vị chi năm mươi lăm tuổi. Tên hai đứa bay. Cái tên Sâm là thằng Tùy nó sửa kêu cho hay, chớ ba nó đặt là con Út Sạn. Ông là ông Sành, đặt tên con là Son, SắSỏi, Sạn, tên xấu xấu dễ nuôi... Tên nào cũng được hả? Ừ rán viết sao cho thấu hiểu thì viết. Ngôn từ chữ nghĩa phải đàng hoàng.
Sỏi bóp trán:
- Đề trên đầu thơ sao hè? "Việt Nam dân chủ cộng hòa, độc lập tự do hạnh phúc", được không?
Ba má con ngẩn ra. Sâm chạy lại bàn thờ lấy mấy tờ báo Giải phóng của tỉnh đã cũ. Không thấy đề gì cả. Sâm bàn:
- Hay là đề "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, năm thứ...", thứ mấy hè?
- Hồi chiều hỏi anh Dõng có phải chắc không. "Đả đảo Mỹ - Diệm" nghe gọn hơn.
Má và Sâm gạt ngay. Không được để thằng giặc lên trên. Cuối cùng, hẵng tạm đề câu khẩu hiệu quen nhất: "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam muôn năm!".
Sỏi nắn nót từng chữ, cố gò lời như thế nào cho giống các tài liệu phát động đã học, mà Sỏi thấy là những bài văn hay nhất. Sâm quì gối chống tay xem anh viết, bàn thêm cái này bớt cái nọ, lắm ý kiến đến nỗi Sỏi phát gắt.
Má can Sâm:
- Đừng viết dông dài. Bay cứ viết là Mặt trận biểu gì má con mình làm nấy, vậy đủ rồi.
Sâm quên rằng mình thường nói câu ấy, cãi ngay:
- Kìa má, sao đợi "biểu" mới làm? Hóa ra hô đi hét đứng à?
- Ừ, lựa lời sao cho đúng.
Đợi Sỏi viết một đoạn, Sâm nhắc khẽ:
- "Tôi xin tình nguyện cho hai đứa con tôi đi bộ đội hay là vô du kích hết". Anh viết đi.
- Hừ, má nói vậy bao giờ?
- Má nói rồi. Không tin anh hỏi thử coi.
Sỏi ngửng lên, thấy má đang quay mặt vào phía bàn thờ, lơ đãng nhìn hai ngọn nến. Mắt má sáng, nước đọng đầy mí.
Sỏi nghĩ bùi ngùi: "Má lại nhớ rồi". Mỗi dịp gia đình họp lại đông vui, má hay có một cơn nhớ như vậy. Má chống đũa, nghĩ đến những người đã khuất hay đi xa mà chảy nước mắt lặng lẽ. Hai anh em không dám hỏi. Sâm vẫn thì thào đòi anh viết cái câu há miệng mắc quai đối với Sỏi. Sỏi đành phải viết theo ý em gái.
Má ngồi im. Đêm nay má nhớ xa hơn mọi lần.
Má đang nghe tiếng thì thầm của tổ tiên từ bóng tối ngàn xưa vọng về, kín đáo như nước suối chảy trong đêm. Dò theo những câu chuyện má nghe kể từ tuổi để chỏm - những câu chuyện soi ánh chớp xanh huyền ảo trên quá khứ như đom đóm bay trên mặt nước - má đang ngược thời gian tìm trở về nguồn, và thấy nhấp nhô đến ngút tầm nhớ những cuộc đời dân cày thoắt hiện thoắt biến, những bọt nước không tên đã họp lại làm nên con sông dời núi lấp biển của dân tộ
Má đang nhớ lại dòng họ nghèo khổ của má, của chồng má. Bởi đã sống nửa đời trong bùn lầy như bị vùi đến nửa thân, má hiểu lắm cái phận tá điền sinh ra để cày ruộng người, đổ máu để giữ ruộng người, chết đi để bón ruộng người, kiếp trước truyền cho kiếp sau chỉ một túp lều rách với những nấm mồ. Người xưa đã dẹp hết các thứ giặc từ ngoài đến mà không trị nổi bọn giặc trong làng. Con trâu đủ sức giết cọp mà không tự gỡ được con đỉa hút máu ở cổ, đành chịu vậy đến khi ngã quỵ.
Sợi dây xích của ngàn năm khốn cùng nối dài đến giữa đời má bỗng bị chặt đứt. Vì đâu riêng má may mắn được thấy và được làm nên cuộc đổi đời hôm nay? Vì đâu hai con má lớn lên giữa lúc đêm chuyển thành ngày?
Vẫn nhìn lên bàn thờ, má gọi khẽ:
- Sỏi nè?
- Dạ.
- Nhớ viết rõ chỗ công ơn Đảng nghe con.
- Đảng và Mặt trận.
- Ừ, rán viết sao cho phải.
Má không nói được những điều má nghĩ về Đảng, hay đúng hơn là những rung cảm trong mười mấy năm biết Đảng. Má yêu Đảng theo kiểu riêng của má, của người đàn bà luôn luôn sống với gia đình, vì gia đình. Hễ nhớ đến Bác Hồ, má thấy Đảng là ông cha hiền lo dạy con cháu nên khôn. Qua lớp cán bộ đứng tuổi như anh Chín Chuyền, anh Dõng, Đảng là người anh ch chắn từng trải, quyết định được mọi việc trong nhà. Nhưng má gần gũi nhất với lớp đảng viên trẻ như Tùy hay Bê, thường họp chi bộ và ăn ngủ nhà má. Nhìn chúng nó, má lại thấy Đảng là bầy con cưng của má, hiếu thảo mọi bề. Rèn luyện cho chúng nó là việc của cấp trên, còn má chỉ mong được lãnh mãi cái phần thương yêu săn sóc bầy con ấy, trong đó đã có thằng Son má đẻ ra, và chắc sau này sẽ thêm thằng Sỏi, con Sâm. Cái gia đình nho nhỏ của má hòa trong cái gia đình lớn đủ già trẻ gái trai của Đảng. Còn má, tuy không phải đảng viên, má vẫn tự xem mình là người vợ hay người mẹ tảo tần thu vén để cho cả nhà rảnh tay lo việc nước. Bởi vậy, khi nghe bà con ca ngợi Đảng, má hớn hở như tất cả những người đàn bà đảm đang được nghe thiên hạ khen chồng con mình.
Nông hội đã gặp một việc khó xử. Thấy bộ đội, du kích và cán bộ mỗi năm phải tự làm ra từ ba đến chín tháng ăn, bà con định trích một phần ruộng công để anh chị em làm quỹ tự túc. Cấp trên dứt khoát không cho. Mấy trăm mẫu ruộng đất được chia và cấp hết cho nông dân thiếu ruộng. Anh chị em thoát ly kéo nhau đi cuốc những mảnh ruộng đầu trâu trán khỉ mà đồng bào chê nặng công không cấy, vỡ đồi hoang trồng khoai sắn. Có một cái gì quá trọn vẹn, quá chu đáo trong sự chăm lo của Đảng đối với dân khiến má nghẹn ngào. Má nuôi con không phải để chờ con trả mình một chén cơm. Nhưng khi con nhịn ăn nhường má chén cơm giáp hạt thì tình yêu của má bừng cháy mạnh gấp trăm, hạnh phúc của má từ nay là được hy sinh vì con.
Niềm vui được ruộng là một sự khám phá không ngừng, giống như hồi má nuôi đứa con đầu lòng. Nó ngấm về lâu về dài, hiện mỗi ngày thêm vài nét, đẹp dần lên. Qua nhà chủ nợ cũ, má chợt nhận ra rằng từ nay má được ngửng đầu giữa làng nước, dám ăn nói bằng vai ngang vế cùng mọi người, bởi không sợ có lúc phải ngồi xó cửa van nài vay ăn. Rồi lúc khác, nhân có ai nhắc đến một gia đình ly tán, má nghĩ đến các con và mừng rộn rực: chúng sẽ không vì túng quẫn mà bỏ má đi kiếăn xứ người, gia đình má có đất mọc rễ rồi...
Sâm nói văng vẳng đâu đó:
- Má ngủ để mai đi cấy, má.
- Ờ, má đi ngủ.
Mai má cấy thêm mấy đám ruộng mới nhận. Mới trông chẳng có gì khác xưa. Vẫn cái áo bạc cúi trên mảnh ruộng đã quen từng bụi cỏ. Vẫn tay chân sơn bùn, mồ hôi từng giọt đều đặn rời quai nón. Nhưng tất cả đã thay đổi. Biến đi rồi bà lão tá điền sấp mặt làm giàu cho địa chủ ác ôn, sống gượng từng ngày với con đeo bên mình, nợ réo đầu ngõ, quanh năm xót ngứa như nước mắm đổ trên lưng. Còn đây má Bảy nâng niu gửi xuống thửa ruộng của mình, những mùa lúa nuôi nhà, nuôi Cách mạng.
- Nói gì trong thơ nữa không má?
Má nín lặng không trả lời Sỏi. Má muốn nói rất nhiều mà không biết nói thế nào. Chỉ có những nếp nhăn trên mặt má khẽ rung, như nhiều cặp môi mấp máy đang nói hộ những xúc động cứ cồn lên mãi trong tim má.

*

Trong khi gia đình má Bảy viết thư, hơn hai chục cán bộ thuộc cánh Nam của huyện về họp tại nhà chị Năm.
Anh Chín trải tấm bản đồ bồi vải gần nát, chi chít những chữ và số ghi bằng bút chì bi đỏ. Anh nói độp luôn:
- Chúng ta sắp làm hai nhiệm vụ. Vùng giải phóng trên đường Một phải đánh thắng trận càn lớn. Vùng bị kẹp dưới đường Một phải đồng khởi ngay trong càn. Vừa giữ vững mặt sau, vừa mở rộng mặt trước, vậy đó.
Những bộ mặt chung quanh sắt lại. Tiếng muỗi vo ve chợt nổi rõ. Các đồng chí bí thư và phó bí thư có mặt đã đoán trước những công việc này, nhưng chưa thấy rõ chúng ra sao. Hàng tháng, hàng tuần, có khi hàng ngày, họ chuyển lên trên những mẩu vụn tình hình và những ý nhỏ rải rác, giống như những túm đậu, nếp, lạc mà ngày xưa họ mang về trên núi để dành dụm ăn Tết, theo cái lệ "đi không về có". Hôm nay mâm cỗ được lật lồng bàn: hai cái bánh to tướng. Dạ dày họ kham nổi không?
-...Địch định càn độ một tháng. Trong sáu xã thuộc diện càn, địch sẽ huy động từ mười hai đến mười bốn tiểu đoàn. Riêng tại Kỳ Bường, trọng điểm càn, địch sẽ dùng khoảng ba hoặc bốn tiểu đoàn, chừng mười cây pháo, máy bay chưa rõ. Chúng quyết lấn lại ba xã phía đông sông Nhỡn. Nếu bị đánh đau, chúng cũng cố chiếm cho được Kỳ Bường bằng bất cứ giá nào...
Bê cảm thấy mặt mình thoáng lạnh rồi bốc nóng bừng bừng.
-...Tỉnh ủy hạ quyết tâm: chẳng những phải giữ vững vùng giải phóng không cho địch líp 6 lại, mà còn phải tranh thủ thời cơ địch sơ hở vùng dưới, mở một đợt đồng khởi mới tại các xã ven biển, chung quanh các thị trấn...
Giọng anh Chín đều đều, không góc cạnh, như đang đọc một bài báo cũ. Anh có vẻ muốnắc rằng địch càn lớn là điều ắt xảy ra, khởi nghĩa là việc ắt làm tiếp, chẳng có gì mà phải cuống hay mừng cho nó mệt, chỉ cần dốc sức vào nhiệm vụ thôi các cậu ạ.
Các đồng chí ngồi vây quanh thấy lời anh hiện trước mắt thành những cảnh chớp chớp lật trang giữa tiếng reo tiếng nổ. Những người nằm vùng sắp đồng khởi tươi mặt, tủm tỉm nháy nhau, gãi mũi để che nụ cười, rướn cổ nhìn vào bản đồ xem cấp trên cắm những lá cờ đỏ nhỏ xíu đến tận đâu.
Còn số cán bộ sắp lãnh đạo chống càn đăm đăm nhìn anh Chín, nuốt từng con số về địch và ta. Dưới làn da mặt mới rám nắng lại, từng thớ thịt rùng chạy nhè nhẹ, như khi họ thấy thằng giặc to dần lên trong lỗ ngắm súng trường.
Anh bộ đội hành quân trên núi rừng thường nhìn xuống con đường nhựa mà thèm, xuống đấy đi thử vài ngày mới thấy ê ẩm cả người. Các đồng chí mới giữ chính quyền chưa bao lâu mà đã sút cân trông thấy. Đang nắm trong tay mấy chục cơ sở và lo riêng một việc nổi dậy, đùng một cái họ phải ôm cả một xã mấy ngàn dân, vun quén từ cái làng chiến đấu năm bảy lớp công sự đến hòn phân bón ruộng, cái ngòi bút cho trẻ em, trong khi địch càn quét bắn phá không kịp thở. Biến thành chị chủ tịch hay anh xã đội trưởng, họ phải lăn lộn gấp bốn năm lần hồi còn là anh chị cán bộ võ trang công tác. Cái thời đêm công tác ngày ngủ hầm sao mà ung dung đến thế. Nhưng nghĩa Đảng tình dân đã thắng tất cả. Họ căng sức ra vật lộn với những khó khăn mới, rướn người lên để lớn theo kịp nhiệm vụ, học góp mỗi nơi một chút, và làm được những việc mà trước đây họ không tin mình gánh nổi.
Bê liếc chị Năm, thấy chị cũng đang nhìn mình. Hai người nghĩ cùng một lần: "Hai người dân chống một lính địch, gay đây".
Anh Chín nói ngắn. Họp với cán bộ huyện xã, anh thường gợi nhiều, nói ít. Dõng thay mặt huyện ủy báo cáo tiếp. Anh ném cái đầu bàn chải ra phía trước, sôi nổi:
- Đó, lâu nay hăm hở giết giặc lập công, bây giờ giặc nó kéo đến cho mình đánh mặc sức. Cú này làm ăn to đây bà con. Đặt mức diệt bao nhiêu địch, nói thử coi?
Bê mỉm cười, hơi ngượng. "Tại sao mình chỉ thấy mặt ác liệt của trận đánh sắp tới? Sẽ có đổ máu, có mất mát, nhưng chi bộ và đồng bào xã mình sẽ đánh thắng và lớn vọt lên...". Bê lại gặp luồng mắt chị Năm, lần này tươi cười.
Cuộc họp kéo dài đến sáng. Bộ máy kế hoạch được ráp dần, mỗi người thêm một đinh ốc, sửa một bánh xe. Kỳ Bường ]à cái trục chính. Bê và chị Năm đều thấy cái trục ấy rất chắc bởi nó quay trong lòng bộ máy lớn, dưới những bàn tay điều khiển vững và khéo.
Đến khi Dõng sắp thốt ra cái câu quen miệng "Cứ vậy mà làm" để chấm dứt các cuộc họp, anh Chín vỗ trán, quay nhìn chị Năm:
- Khi nãy nói tới du kích bí mật, tôi quên không báo tin: Kỳ Bường đã lập đội du kích bí mật đầu tiên trong huyện. Ngon chưa? Các xã chịu thua chưa? Lo về xây dựng mau mau để kịp đánh. Chuyện phụ nữ, chắc là sáng kiến của chị Năm phải không?
Chị Năm cười lúng túng, đưa tay che hàm răng đen nhức:
- Dạ không. Chị em trẻ họ họp với nhau, tự tổ chức lấy.
- Con gái Đồng Dừa hồi trước đánh Tây bảnh lắm. Chị Năm đây là tiểu đội trưởng phải không ông Dõng? Trung đội phó à? Vậy chị có vốn quân sự rồi, lo bày lại cho em út với. Có điều bây giờ phải vừa đánh vừa đấu, vừa bắn vừa "hỡi", đừng theo nếp cũ nữa... Các đồng chí Kỳ Bường nhắm chừng có phải lùi bước nào không?
Chị Năm mở to đôi mắt có hàng mi dài nặng, ngạc nhiên và không bằng lòng:
- Lên ngựa phải ra roi, lên voi phải cầm vố, lùi sao được anh?
Chung quanh cười ồ. Anh Chín gật gù:
- Đúng cái chí khí của Bà Trưng, Bà Triệu... Ừ mà đúng cả lối nói nữa.

1

2

3

4

5

6
Hắt hơi.
Tiếng gọi trâu (vắt, riệt).
Nghe tiếng mà không thấy hình.
Giấy bạc do Ủy ban Kháng chiến hành chính Liên khu Năm phát hành.
Tiếng nổ đầu nòng.
Lấn chiếm.