CHƯƠNG 20-22
Lễ tế thần Mặt Trời

    
hoạt đầu, Tácdăng nghĩ rằng mình đã được cứu sống. Nhưng khi thấy người đàn bà xua đuổi đám đàn ông hung tợn kia quá dễ dàng, chàng lại sinh nghi. Quả nhiên, người đàn bà quay ra nói gì đó với đám đàn ông rồi tất cả lại chuyển sang một vũ điệu mới. Thấy thế, Tácdăng biết rằng, việc người đàn bà vung chiếc dùi cui vàng đuổi đàn ông chỉ là một tiểu mục qui ước trong hình thức nghi lễ mà người đàn bà đóng vai trò đạo diễn.
Tácdăng quan sát một cách tò mò. Hóa ra đó là một cô gái khá xinh đẹp. Bỗng cô gái rút từ bên hông ra một con dao, xông thẳng tới Tácdăng. Cô cắt đứt phăng vòng dây ở chân chàng. Những người đàn ông kết thúc điệu nhảy, tiến lại gần. Cô gái ra lệnh cho họ lôi Tácdăng đứng dậy. Cô dùng sợi dây vừa đứt ở chân Tácdăng thắt một vòng quanh cổ chàng rồi dẫn chàng đi xuyên qua sân đền. Đám đàn ông liền xếp thành hàng đôi, bước theo nữ chủ và tù binh, đoàn người rảo bước qua những hành lang vòng vèo, tiến tới một vùng đất rộng cách xa ngôi đền. Cuối cùng, cả đoàn dừng lại ở một căn phòng lớn. Giữa phòng có một điện thờ.
Tácdăng đã hiểu ra ý nghĩa của nghi lễ được tiến hành trước đó. Thì ra chàng đã rơi vào tay những người có tín ngưỡng thờ cúng thần Mặt Trời. Việc chàng được cắt dây trói khi nãy chỉ là một hình thức tượng trưng nhưng bắt buộc phải có trong lễ tế Mặt Trời. Còn cô gái chỉ là một đạo sĩ hoặc phù thủy của bộ lạc này. Khi mặt trời xuyên nắng qua trần nhà, báo hiệu quyền thống trị tuyệt đối của nó trên đỉnh trời, cô gái đang nắm quyền chủ tế đã bước ra khỏi cửa, giả vờ giành giật đồ hiến tế từ bàn tay lông lá của những tín đồ để dâng nó cho Mặt Trời tối thượng.
Tácdăng đã phán đoán khá chính xác. Chỉ cần nhìn lên chiếc điện thờ bằng đá trước mặt và bốn phía xung quanh chỗ chàng đứng đã đủ để khẳng định điều đó. Xung quanh chàng đầy những vệt máu khô. Ở góc bàn thờ là một đống đầu lâu cả cũ lẫn mới. Có chiếc đầu chưa rữa hết lớp da mặt.
Nữ chủ tế dẫn nạn nhân tới chỗ bậc thang của điện thờ. Các hành lang và ban công bốn xung quanh lại xuất hiện những người đàn ông lông lá. Một lát sau, không biết từ đâu đỏ ra một đám đàn bà. Họ tràn vào đầy phòng, im lặng chờ đợi một cách kiên nhẫn, chẳng khác gì những khán giả chờ xem buổi biểu diễn trong rạp hát. Đám phụ nữ này ăn mặc cũng không khác cánh đàn ông bên cạnh. Họ cũng chỉ có một tấm da thú quấn quanh bụng. Có khác chăng chỉ là ở các thứ đồ trang sức. Mái tóc của họ được xoắn thành từng vòng và được áp sát da đầu bởi những chiếc vòng vàng. Khuôn mặt những người đàn bà có vẻ nhẹ nhõm, khôn ngoan hơn nhiều so với đám đàn ông. Tuy vậy, mỗi người đàn bà đều cầm trong tay hai chiếc cốc bằng vàng. Họ lặng lẽ tiến lại gần điện thờ. Trong khi đó, đám đàn ông xếp thành một hàng dài, hướng mặt nhìn đám phụ nữ.
Tiếng hát bắt đầu vang lên và từ một hành lang tăm tối bước ra một người đàn bà có dáng người cao ráo. "Có lẽ đây là người chủ tế, điều khiển phần quan trọng nhất của buổi lễ" - Tácdăng thầm nghĩ. Đó là một cô gái còn rất trẻ, có khuôn mặt khá sáng sủa, thông minh. Mới nhìn qua, cô gái này ăn mặc không có gì khác so với những người đồng giới của mình. Có điều là các thứ đồ trang sức của cô có vẻ đẹp hơn, quý hơn. Hai cánh tay và các cống chân trần của cô phủ đầy những chiếc vòng vàng khá to. Bên hông cô, mảnh da báo được vén lên để lộ một xâu vàng lá, pha lẫn với những hạt kim cương và những viên đá quý đủ màu sặc sỡ. Phía hông bên trái, cô còn đeo thêm một con dao khá dài và nhọn. Một người nào đó đưa cho cô một chiếc gậy vàng có gắn nhiều kim cương ở hai đầu. Có thể là vương trượng, tượng trưng cho quyền hạn tối cao của cô trong bộ lạc này. Cầm quyền trượng trong tay, cô gái tiến ra đứng đối diện với bàn thờ. Tiếng hát tự nhiên im bặt. Tất cả mọi người trong phòng quỳ xuống. Cô gái cất tiếng nói rất trang trọng, có vẻ như một lời khấn. Tuy vậy giọng con gái làm cho lời khấn rất du dương, quyến rũ. Tácdăng không thể hình dung một cô gái như vậy có thể trở thành một kẻ hành hình mình rồi nếm ngay thứ máu tươi của nạn nhân bằng chiếc cốc đặt bên cạnh bàn thờ.
Khấn vái xong xuôi, cô gái quay ra nhìn Tácdăng. Đôi mắt cô có vẻ hơi ngạc nhiên. Cô nhìn chàng trai từ chân tới đầu rồi hé môi nói với chàng một vài câu. Hình như cô chờ chàng trả lời.
- Tôi chẳng hiểu cô nói gì hết - Tácdăng trả lời - Hay chúng ta thử nói bằng thứ tiếng khác xem.
Cô gái không hiểu Tácdăng lấy một từ, mặc dù chàng lần lượt nói bằng tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Ảrập, tiếng của bộ lạc Oadiri và một vài thứ ngôn ngữa của vùng duyên hải Tây Phi.
Cô gái lắc đầu, thầm thì điều gì đó. Giọng cô có vẻ như nuối tiếc. Cô giơ tay ra lệnh tiếp tục nghi lễ. Đàn ông lại cầm dùi cui, câu liêm nhảy múa và chỉ dừng lại khi có lệnh của cô gái. Một lát sau, theo bàn tay vẫy của cô, đám đàn ông xông tới khênh Tácdăng đặt lên bệ dưới của bàn thờ. Xong việc, họ cùng đám đàn bà lùi lại xếp thành hàng đôi, trong tay vẫn không quên chiếc cốc của mình. Ngay lúc đó lại xảy ra một vụ cãi lộn rất gay gắt. Có hai người đàn ông đều nhận là mình xếp ở vị trí đầu hàng, gần bàn thờ nhất. Một gã béo tròn, mặt sần sùi cố lấy sức đẩy gã gầy gò bật ra khỏi hàng để chiếm chỗ. Cô gái bước tới, nghe hai gã phân trần rồi quyết định đuổi gã to béo xuống tận cuối hàng. Gã định lùi vào giữa hàng, nhưng trông thấy khuôn mặt nghiêm khắc của nữ chủ tế, gã lại lủi thủi bước xuống cuối hàng, vừa đi vừa lẩm bẩm chửi rủa.
Cô gái dẹp xong trật tự liền bước đến cạnh Tácdăng, đọc mấy câu gì đó rồi thong thả rút con dao dài khỏi hông. Lúc này Tácdăng cảm thấy thời gian như vô tận. Vì đã bị trói hai vòng vào bệ bàn thờ, chàng cảm thấy bất lực. Chàng chỉ biết nhắm mắt, chờ mũi dao trong tay cô gái lao phập xuống ngực mình. Vừa lúc đó, cuối hàng người chờ lấy máu vang lên lời chửi rủa. Gã đàn ông béo cuối hàng đang nhảy chồm chồm trong tay mấy người cản giữ gã. Gã hướng về bàn thờ chửi cô gái chủ tế bất công đã làm nhục gã. Cô gái đang vung hai cánh tay, nắm chặt cán dao để đâm xuống ngực Tácdăng. Nghe tiếng nguyền rủa, cô quay mặt, trừng mắt nhìn gã đàn ông nổi khùng. Gã đàn ông vẫn không hề sợ hãi, tiếp tục chửi rủa.
Thế rồi cái điều không ai ngờ tới trong lễ hiến tế đã xảy ra. Tácdăng quay đầu nhìn về phía cuối hàng người. Chàng nhìn thấy gã đàn ông nhảy bổ vào một người đàn bà đứng gần nhất. Gã vung chiếc dùi cui nặng, quật mấy nhát vào người đàn bà vô tội nọ. Tácdăng cảm thấy chuyện này rất giống chuyện đã xảy ra khi xưa trong bộ lạc vượn của mình. Gã đàn ông này chẳng khác gì những con vượn đực, như Kétchác, Tulát, Tơcốt. Điều mà Tácdăng ngạc nhiên là, trong số đàn ông ở đây, không có một ai nhảy ra bảo vệ người đàn bà nạn nhân, ngăn chặn bàn tay ác thú. Chính vì vậy, gã đàn ông nọ mỗi lúc một khùng. Gã lấy dao nhọn, câu liêm đâm chém tứ tung. Người chết, người bị thương, nền nhà máu chảy lênh láng.
Cô gái chủ tế lúc này đứng bên Tácdăng, trong tay vẫn nắm chặt cán dao. Cô lặng lẽ theo dõi gã đàn ông đang gieo rắc cái chết tứ phía.
Sân điện náo loạn một lúc rồi trống trơn, chỉ còn lại mấy người hoặc đang dẫy dụa, hoặc đang cố lết ra ngoài. Gã đàn ông nhìn quanh. Mắt gã dừng lại ở cô gái chủ tế. Vừa trông thấy cô gái đứng một mình bên bàn thờ, cặp mắt gã lại lóe lên một cái nhìn thù địch. Gã thong thả tiến lại gần cô gái và nói với cô điều gì đó. Tácdăng lắng nghe. Chàng có cảm giác rằng chàng đã hiểu hắn nói gì. Chưa bao giờ chàng nghĩ rằng mình sẽ gặp lại thứ tiếng nói quen thuộc mà mình dùng suốt một thời niên thiếu. Rõ ràng là gã đàn ông và cô gái đang nói với nhau bằng thứ ngôn ngữ của bộ lạc vượn mà chàng từng sống. Gã đàn ông đe dọa, còn cô gái cố gắng thuyết phục, an ủi gã. Nhưng mọi cố gắng của cô đã trở nên thừa thãi. Gã đàn ông mỗi lúc một tiến lại gần, vươn đôi cánh tay loài vượn qua bàn thờ để túm lấy cô gái.
Tácdăng dồn hết sức bình sinh, quặn mình như một con trăn. Mấy vòng dây buộc trên người chàng đứt bung ra. Cô gái hoàn toàn không biết điều đó. Vì đang bị con quỷ lông xồm nọ đe dọa, cô đã quên mất buổi lễ tế thần. Tácdăng tụt xuống sàn đá, đứng thẳng dậy. Xiết mười ngón tay vào nhau thật chặt, chàng mím môi, dồn hết sức dãn hai cánh tay. Những vòng dây ở hai cô tay bị nới lỏng rồi rơi tụt xuống sàn đá. Chỉ trong phút chốc chàng khổng lồ tóc vàng đã vươn vai đứng thẳng trên đôi chân của mình. Chàng nhìn quanh và nhận ra xung quanh bàn thờ chẳng còn một ai. Cô gái và gã đàn ông hung dữ đa biến đi đâu không rõ. Vừa lúc đó, từ sau điện thờ vang lên tiếng kêu tắc nghẹn. Không hề nghĩ tới cơ hội chạy trốn để bảo toàn tính mạng, Tácdăng lao về phía tiếng kêu để cứu cô gái. Thoắt một cái, chàng đã đứng bên cửa lên xuống của các phòng tầng hầm. Các cầu thang bằng đá nối tiếp nhau dẫn chàng qua những phòng ốc kỳ quặc, xa lạ. Dưới ánh sáng lờ mờ từ trên cao dải xuống, chàng trông thấy một ngôi mộ ghép bằng đá, thấp lè tè. Từ ngôi mộ đá, ba bốn lối mòn tỏa ra các hướng khác nhau. Nhưng Tácdăng không thể đoán được lối mòn sẽ đi tới đâu. Bởi vì cả bốn phía đều tối - một thứ bóng tối đặc quánh, tưởng chừng không gì có thể lọt qua. Đang còn băn khoăn trước cái mê cung rùng rợn ấy, Tácdăng đã trông thấy cái mà mình cần tìm. Trước mặt chàng, chỉ cách vài bước, gã đàn ông lông xồm đang túm chặt tóc cô gái, nâng đầu cô lên cao để quật xuống nền đá.
Khi thấy bả vai mình bị giữ chặt bởi hai bàn tay cứng như thép, gã đàn ông vội buông cô gái, lao mình vào ngực kẻ can thiệp. Gã nhe răng nhọn, sùi bọt mép, vung tay tấn công. Trong chốc lát cả hai đối thủ đã quấn chặt lấy nhau, lăn lộn trong tầng hầm như hai con bò tót. Cả hai đều quên hẳn mục đích ban đầu. Trong khi đó, cô gái chỉ biêt đứng im, dán chặt lưng vào tường, giương mắt nhìn hai người đàn ông đang quần nhau dưới chân mình.
Chỉ một lúc sau, Tácdăng đã túm được cổ họng đối thủ rồi vung tay bồi vào sọ đối thủ hàng chục quả đấm. Khi đối thủ đã mềm nhũn, đổ vật xuống nền đá, Tácdăng mới buông lỏng tay, đứng dậy lắc mình như một con sư tử. Chàng đặt chân lên ngực đối thủ, ngẩng cao đầu...
Trông thấy trần nhà thấp sát đầu, Tácdăng chợt nhớ ra tình thế của mình. Chàng quyết định không cất tiếng thét như mọi lần. Lúc này, tốt nhất là im lặng, không để xung quanh biết chuyện.
Sau mấy phút hoảng hốt, cô gái lấy lại được bình tĩnh, cô đã thoát khỏi bàn tay tên quỷ lông xồm nhưng lại rơi vào tay kẻ mà khi nãy cô phải giết để dâng hiến cho Mặt Trời. Chỉ còn một cách duy nhất là chạy trốn. Những ngách hầm chỉ cách chân cô chục bước chân. Cô vội lao mình vào bóng tối. Nhưng Tácdăng đã biết trước ý định của cô gái. Chỉ bằng một cú nhảy, chàng đã đứng bên cô gái, đưa tay đặt lên vai cô.
- Khoan đã! - Tácdăng nói bằng ngôn ngữ của bộ lạc Kétchác. Cô gái ngẩng đầu nhìn Tácdăng một cách kinh ngạc.
- Anh là ai? - Cô gái hỏi thầm thì - Sao anh lại nói bằng ngôn ngữ của những Người Khởi thủy?
- Tôi là Tácdăng, con trai của loài vượn - Tácdăng trả lời theo đúng lối nói của bộ lạc cũ.
- Bây giờ anh muốn gì ở tôi? - Cô gái tiếp tục hỏi - Vì sao anh lại giải thoát tôi khỏi tay Tha?
- Tôi không thích người ta giết một người phụ nữ.
- Thế anh cần gì tôi nữa? - Cô gái hỏi.
- Chẳng cần gì! - Chàng trai trả lời - Nhưng nếu cô không ngại thì giúp tôi một tí. Hãy giúp tôi thoát khỏi nơi này.
Tácdăng nói, nhưng trong bụng vẫn không tin là cô gái nhận lời. Chàng nghĩ rằng cô gái có thể buộc chàng trở lại bàn thờ để tiếp tục nghi lễ. Tất nhiên, một khi chàng đã phá được dây trói, lại có con dao trong tay, chàng không chịu làm một nạn nhân đáng thương trong vòng vây quỷ sứ này. Cô gái vẫn đứng im, chăm chú quan sát khuôn mặt Tácdăng.
- Anh là một người đàn ông hấp dẫn! - Cô gái nói - Người như anh, tôi đã từng gặp trong những giấc mơ thời thiếu nữ của mình. Anh rất giống những người thuộc thế hệ tổ tiên của dân tộc chúng tôi. Tổ tiên chúng tôi đã xây dựng nên thành phố tráng lệ này giữa rừng xanh hoang dã. Họ đã khai thác được từ lòng đất này không biết bao nhiêu vàng bạc và đá quí. Chính vì kho báu của vùng đất này mà họ đã từ bỏ quê hương xa xôi của mình đến đây canh giữ. Nhưng đó là chuyện của chúng tôi. Còn anh? Vì sao anh lại cứu tôi mà không trả thù tôi vì chuyện tôi đã định giết anh?
- Tôi nghĩ rằng, - Tácdăng trả lời - Cô chỉ hành động theo tiếng gọi của lòng tin, chỉ làm theo tín ngưỡng. Vậy cô là ai, tên là gì? Đám người dự lễ là thế nào?
- Tôi là La, đạo sĩ cai quản Đền Mặt Trời của thành phố Opa. Dân tộc tôi đã đến vùng đất dữ này tìm vàng. Khi xưa đất nước của dân tộc tôi nằm trên mặt biển, nơi sớm sớm mặt trời ló mặt và chiều chiều lại sà xuống những vầng trán nóng đỏ của mình. Thật là một dân tộc giàu có và hùng mạnh! Trong những lâu đài nguy nga, lóng lánh kim cương này, một năm dân tộc tôi chỉ sống một vài tháng thôi, còn thì phần lớn là sống ở tổ quốc mình, ở phương bắc xa xôi. Thuyền của chúng tôi cứ phải xuyên biển, đi đi về về giữa hai vương quốc. Vào mùa mưa, ở đây chỉ có một đám cư dân, bao goòm những người cai quản nông nô, những người trông coi kho thực phẩm và binh lính gác thành. Nhưng rồi một tai họa lớn đã xảy ra: Đã đến ngày mãn hạn trở về mà binh lính và nô lệ trong thành phố phải chờ không biết bao nhiêu ngày. Nóng ruột quá, họ đã đóng thuyền vượt biển, trở về xem ở nhà có chuyện gì xảy ra. Con thuyền Galera đó rất lớn, có tớihai trăm nô lệ da đen cầm chèo. Nhưng bơi suốt mấy tháng liền xuyên biển mà những người hồi hương của chúng tôi vẫn không trông thấy một vết tích nào của hải đảo quê hương. Hóa ra tổ quốc của chúng tôi đã biến mất trong sóng đại dương.
Từ năm ấy, dân tộc tôi bắt đầu tiêu vong. Những người còn lại trong dân tộc tôi dần dần biến thành nạn nhân của các bộ lạc da đen. Từ cả phương bắc lẫn phương nam, người da đen thỉnh thoảng lại kéo đến. Thành phố này mỗi năm một hoang tàn, đổ nát. Nó trở thành một con mồi lạ miệng của những thổ dân châu Phi. Qua bao nhiêu thế kỷ, chúng tôi phải rút lui vào cố thủ trong ngôi đền này, bỏ mặc vùng thành ngoài cho thổ dân tàn phá. Chúng tôi mất hết quyền sống, đánh mất những di sản của tổ tiên, lãng quên toàn bộ nền văn hóa của dân tộc và cuối cùng trở thành một đám người man rợ, một bầy vượn biết đi hai chân và biết mặc quần. Điều này không phải là chuyện ngẫu nhiên đâu, anh ạ! Bởi vì rất nhiều đàn vượn đã đến đây chiếm thành và ăn ở cùng chúng tôi. Chúng tôi sống với vượn đã lâu lắm rồi. Chúng tôi gọi chúng là những Người Khởi thủy. Chúng tôi dần dần biết nói thứ tiếng của loài vượn, nói thành thạo, chẳng khác gì tiếng mẹ đẻ của mình. Chỉ trong các dịp lễ, chúng tôi mới cố gắng dùng tiếng dân tộc mình. Nhiều người đàn ông chúng tôi đã lấy vượn làm vợ và ngược lại, nhiều phụ nữ chúng tôi cũng phải chấp nhận lấy vượn làm chồng. Chúng tôi bị vượn đồng hóa. Có thể một thời gian nữa, ngôn ngữ của dân tộc tôi sẽ bị lãng quên, trở thành tử ngữ. Ông đã nhìn thấy đấy, ở đây không hề có một người đàn ông ra dáng đàn ông. Có lẽ chúng tôi sẽ thoái hóa, lùi trở lại làm người nguyên thủy.
- Tại sao phụ nữ ở đây có hình dáng giống người hơn đàn ông? - Tácdăng hỏi.
Vì phụ nữ chúng tôi không tha hóa nhanh như đàn ông. Vào thời kỳ hải đảo tổ quốc tôi bị cơn đại hồng thủy nhấn chìm, ở thành phố này chỉ có những người đàn ông đần độn, vô học. Trong khi đó thì phụ nữ chúng tôi phần lớn là những người học hành tử tế và thuộc tầng lớp thượng lưu. Riêng tôi, tôi là người đàn bà thuộc dòng dõi quý phái. Suốt mấy thế kỷ liền, đàn bà thuộc dòng họ tôi đều là những đạo sĩ thông minh, cao quý nhất trong dân tộc. Chức quyền đạo sĩ được kế thừa theo dòng họ mẹ, tức là từ các bà mẹ sang các cô con gái. Tất nhiên các ông chồng trong dòng họ chúng tôi phải là người đàn ông cừ khôi, được tuyển lựa từ những giã đình thượng lưu. Để cưới được một đạo sĩ làm vợ, đàn ông phải thực sự hoàn hảo về cả trí tuệ lẫn sức khỏe.
- Thế còn những người đàn ông mà tôi đã thấy ở đây thì sao? - Tácdăng mỉm cười, nói thêm - Khó mà kén được ai trong số đó, đúng không?
- Không được xúc phạm họ! - Cô gái nghiêm mặt, nhắc Tácdăng - Những người đàn ông anh thấy đều là những tín đồ đáng kính trọng cả đấy.
- Thế thì chắc ở đây còn có những người đàn ông mặt mũi dễ chịu hơn, phải không?
- Không có. Những người anh thấy là khá hơn tất cả.
Tự nhiên Tácdăng thấy thương cô gái vô cùng. Trong bóng tôi mờ ảo của tầng hầm, chàng thấy cô thật kiều diễm.
- Thế cô tính sao? - Tácdăng hỏi - Đưa tôi ra ngoài đi!
- Thần lửa ban phước cho anh! - Cô gái chắp tay lên ngực, nói bằng giọng thành kính - Ngay cả tôi cũng không được phép giải thoát cho anh. Người ta sẽ tìm thấy anh bất cứ chỗ nào. Nhưng thực lòng, tôi không muốn để cho người ta tìm thấy anh! Anh đã liều mạng cứu sống tôi. Cho nên tôi cũng liều mạng cứu anh. Điều này rất khó. Phải mất nhiều ngày. Có thể tôi sẽ dẫn anh ra khỏi đây. Nào! Đi đi! Họ sẽ tìm thấy anh. Còn nếu như họ thấy anh và tôi đang đi với nhau thì cả hai sẽ chết, họ sẽ giết cả tôi. Bởi vì họ nghĩ rằng tôi đã xúc phạm thánh thần.
- Thế thì không cần cô liều mạng nữa - Tácdăng nói - Tôi sẽ trở lại ngôi đền và liều thân chiến đấu, tự dành lấy tự do.
Cô gái lắc đầu phẩn đối và thuyết phục để Tácdăng đi theo cô. Hai người đi rất lâu qua những đường hầm ngoằn nghèo, ngang dọc.
- Tôi sẽ giấu anh ở đây rồi quay về một mình - Cô gái nói - Tôi sẽ nói với mọi người là, vừa trông thấy anh giết chết Tha, tôi đã ngất đi. Vì vậy tôi không biết anh trốn đi đâu.
Cô gái dẫn Tácdăng qua một hành lang uốn khúc quanh co và cuối cùng dừng lại ở một căn phòng nhỏ. Từ trần nhà lộ ra một quầng sáng yếu ớt.
- Đây là đền thờ Thần Chết - Cô gái nói - Không ai nghĩ tới chuyện anh trốn ở đây. Chính tôi cũng không đủ can đảm một mình bước vào chốn này. Chịu khó chờ đến tối, tôi sẽ quay lại. Từ giờ đến tối, tôi sẽ nghĩ ra cách giải thoát cho anh.
Cô gái nói rồi vội vã bước đi, bỏ lại một mình Tácdăng trong đền thờ Thần Chết. Thế là Tácdăng đã đứng dưới lòng sâu của thành phố mang tên Opa - Một thành phố chết.

Những kẻ sống sót
Clâytơn mơ thấy đang được uống một thùng nước mát. Anh uống ừng ực từng hơi, nước tràn ra cổ áo, ướt cả ngực mà vẫn không hết khát. Tỉnh giấc, anh mới biết mình đang nằm dưới trận mưa rào của miền nhiệt đới. Anh ngửa thẳng mặt, cố há mồm thật rộng để uống. Một lúc sau, anh cảm thấy khỏe hơn, có thể cử động được chân tay. Trước mặt anh, Tơran vẫn đang nằm. Cách Tơran vài bước, Gian Potơrôva nằm bất động như một xác chết. Clâytơn cố hết sức lết lại gần cô gái. Anh đinh ninh là cô đã chết. Nhưng khi nâng đầu cô dậy khỏi tấm ván thuyền đẫm nước, anh mới biết rằng cơ thể cô vẫn đang còn âm ẩm. Thật tội nghiệp cho Gian! Từ khuôn mặt trũng sâu và lồng ngực khô khỏng, da dính sát xương sườn của cô gái, Clâytơn cảm thấy cơ thể bé bỏng này chỉ còn lại là một đốm lửa le lói của sự sống. Nhưng dù sao đi nữa anh vẫn còn hy vọng.
Chộp lấy cái khay tràn trề nước mưa, Clâytơn dốc nước vào đôi môi khô nẻ của Gian Potơrôva. Chao ôi! Đôi môi mơ ước của anh! Chỉ mươi hôm trước thôi, từ đôi môi này chốc chốc lại bừng lên nụ cười mê hồn của tuổi trẻ và cái đẹp! Clâytơn chờ mãi vẫn không thấy một dấu hiệu nào của sự sống trên mặt cô gái. Nhưng cuối cùng thì cô cũng rùng mình và từ từ mở mắt. Clâytơn xoa xoa bàn tay gầy guộc của cô. Mở to mắt, cô nhìn Clâytơn đăm đăm rồi như choàng tỉnh giấc. Cô đã nhận ra mình đang ở đâu.
- Nước? - Potơrôva thều thào hỏi - Chúng ta được cứu sống rồi phải không?
- Mưa đấy - Clâytơn giải thích - Cuối cùng thì chúng ta cũng được sống. Trời đã cứu hai ta.
- Còn ông Tơran đâu rồi? - Potơrôva hỏi - Chết rồi à?
- Tôi không biết nữa - Clâytơn thật thà thú nhận - Nếu như ông ta chưa chêt thì nước mưa cũng làm cho ông ta tỉnh dậy...
Clâytơn trả lời nhưng trong lòng hơi tự ái. Vì sao Potơrôva lại nhắc ngay tới Tơran? Anh định kể lại cho cô biết chuyện cuộc rút thăm lần thứ hai giữa anh và Tơran. Nhưng anh nghĩ rằng, đưa câu chuyện tàn nhẫn đó ra lúc này là hoàn toàn không hợp.
- Ông Tơran đâu? - Potơrôva lại hỏi.
Clâytơn quay đầu về phía Tơran đang nằm. Im lặng một lát, anh mới nói:
- Thôi thì... anh tìm cách làm cho Tơran tỉnh dậy.
- Không! - Potơrôva thều thào kêu lên rồi túm chặt Clâytơn - Đừng làm việc đó! Ông ấy sẽ giết chết anh nếu như ông ta khỏe lại. Nếu ông ta đang chết, cứ để cho chết. Tôi không muốn ở bên cạnh loài thú.
Clâytơn do dự. Nhưng một vài giấy sau anh cảm thấy vô cùng bứt rứt. Rất có thể là anh sẽ chẳng giúp được gì cho Tơran sống lại. Nhưng nếu anh cứ bỏ mặc cho người đồng hành nằm đấy, anh cảm thấy mình cũng độc ác chẳng khác gì hắn. Nếu cứ nằm yên, anh sẽ làm đẹp lòng Potơrôva... Trong lòng Clâytơn diễn ra một cuộc đấu tranh căng thẳng, một cuộc xung đột gay gắt giữa lương tâm và lòng vị kỷ. Anh cố đấu tranh với chính bản thân mình. Vật vã một lúc, anh nghiêng đầu nhìn qua mạn thuyền, ánh mắt anh chợt vấp phải một vật gì đó trên mặt biển. Niềm vui bất ngờ làm cho đôi chân anh nẩy tung lên khỏi sàn thuyền. Một tiếng thét bật ra khỏi đôi môi nứt nẻ của Clâytơn.
- Đất liền! Gian! Đất liền! Lạy Chúa, đất rồi!
Gian Potơrôva nhìn theo hướng tay Clâytơn. Đúng là đất liền! Chỉ cách con thuyền chừng vai trăm mét, trước mắt Potơrôva là một dải rừng già.
- Bây giờ thì anh có thể đánh thức ông ta dậy - Cô gái nói. Cuối cùng thì cô cũng thấy lương tâm cắn rứt.
Chỉ một lát sau, Tơran đã tỉnh lại. Hắn mở to mắt nghe hai người thông báo cho biết chuyện gì mới xảy ra. Hắn chưa hết ngạc nhiên, con thuyền đã đứng lại. Hắn nghe rõ tiếng đáy thuyền chạm cát.
Trận mưa rào và niềm vui gặp được đất liền đã làm Clâytơn khỏe hẳn lên. Anh nhảy xuống nước, trong lòng lâng lâng khi thấy mình đứng thẳng bằng hai chân trên nền cát biển. Anh vừa lội, vừa kéo con thuyền sát vào bờ rồi cột chặt vào một lùm cây. Anh làm mọi việc thật khẩn trương, vì lúc này thủy triều đang rút xuống. Biết đâu rồi trời ngừng gió, thủy triều lại giật con thuyền trở lại biển khơi.
Xong việc, Clâytơn quay lại đón Potơrôva. Lúc này anh lại cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Lê từng bước trong rừng, anh chợt nhớ tới Tácdăng. Anh hái một ôm hoa quả rồi tiến thẳng ra bờ cát.
Mưa đã tạnh từ lâu. Mặt trời như đổ lửa thiêu đốt vạn vật. Không thể chịu đựng được thứ ánh nắng tàn nhẫn của vùng nhiệt đới, Potơrôva cùng Tơran và Clâytơn chạy vội vào rừng. Sau khi đã nhồi đầy bụng đống trái cây mà Clâytơn mang về, cả ba người ngồi tránh nắng dưới gốc cây buộc thuyền. Chỉ một vài phút sau, ba kẻ sống sót của con thuyền Alice đã xõng xoài dưới bóng cây, ngủ mê mệt cho tới tận chiều tối.

*

Suốt một tháng sau đó, ba người sống rất bình an ven bờ biển. Clâytơn và Tơran dựng trên lùm cây cao một chiếc chòi khá rộng để phòng thú dữ. Ban ngày, hai người đàn ông tranh thủ đi đào củ mài và hái trái cây. Ban đêm, trên chiếc tổ chon von, cả ba không dám thò chân ra ngoài. Họ dùng cỏ khô chống khí lạnh ban đêm. Tấm chăn duy nhất cho Potơrôva là chiếc áo khoác cũ của Clâytơn. Đó là chiếc áo mà Clâytơn đã mặc từ cái ngày đáng nhớ ở Uytcơnxin.
Chàng Clâytơn tội nghiệp đã phải ngăn chiếc chòi làm hai phần. Một phần cho mình và Tơran, một phần dành riêng cho cô gái.
Ngay từ những ngày đầu tiên dẫm chân lên đất liền, Tơran đã bộc lộ rõ tính cách thật của mình. Dường như người ta có bao nhiêu tật xấu ở đời, Tơran đều có cả. Hắn ích kỷ, tàn nhẫn, hợm mình và vô cùng hèn nhát. Đã hai ba lần, xuýt nữa thì xảy ra cuộc đấm đá giữa hai người đàn ông, chỉ vì thái độ của Tơran với Potơrôva. Chính vì vậy, Clâytơn không dám để cô gái một mình với Tơran. Cuộc sống của hai kẻ hứa hôn đã trở thành một cuộc thử thách căng thẳng của lòng dũng cảm và đức kiên nhẫn. Cả hai đều cố gắng giữ gìn và hy vọng rằng, tới một ngày nào đó sẽ có người đến cứu.
Potơrôva thỉnh thoảng lại nhớ tới cuộc phiêu lưu khủng khiếp và lãng mạn của mình trong rừng già năm trước. Cô ước ao lại gặp được Thần Rừng. Nếu có vị thần dũng mãnh và trai trẻ ấy bên mình, cô sẽ chẳng sợ gì hổ báo, chẳng sợ gì kẻ đồng hành tàn nhẫn kia. Tất cả sự nhiệt tình, cố gắng của Clâytơn dành cho cô làm sao sánh được với Tácdăng.
Một lần, nhân lúc Clâytơn đi lấy nước, Potơrôva nói thẳng với Tơran:
- Ông đã gặp may đấy, ông Tơran ạ! May mà chàng Tácdăng tội nghiệp của tôi không có ở đây. Trên đường hộ tống tiểu thư Stroong đến Kapexity, Tácdăng đã bị chết đuối. Ông còn nhớ người đồng hành ấy chứ?
- Cô mà cũng biết cái thằng giẻ rách ấy à? - Tơran bĩu môi hỏi lại.
- Tôi biết người đó - Potơrôva trả lời rất nghiêm trang - Đó là một người đàn ông thực thụ, một người duy nhất thực sự là đàn ông mà tôi gặp được trên đời.
Nghe qua giọng cô gái, Tơran nghĩ rằng trong quan hệ giữa cô gái và Tácdăng hình như còn có một tình cảm gì đó vượt ra ngoài tình bạn thông thường. Hắn quyết định tiếp tục trả thù Tácdăng và chọc tức cô gái bằng những từ ngữ lăng nhục tên tuổi chàng trai. Trong thâm tâm hắn vẫn nghĩ rằng Tácdăng đã chết từ lâu. Nhưng dẫu Tácdăng đã làm mồi cho cá rồi thì hắn vẫn chưa hả giận.
- Gã đàn ông của cô còn vô dụng hơn cả đống giẻ rách - Tơran lắc đầu ra vẻ kinh tởm - Hắn ta vừa yếu vừa hèn. Hắn ta giở trò bẩn thỉu với một người đàn bà. Chuyện vỡ lở, tới khi người chồng nổi giận định trừng trị thì hắn lại đổ tội lỗi cho người đàn bà. Để tránh cuộc đấu súng danh dự, hắn ta tìm đường chuồn khỏi nước Pháp. Thế là vô tình, hắn đã bước xuống con thuyền mà tôi và tiểu thư Stroong đang đi tới Kapexity. Tôi biết hết mọi chuyện, vì người đàn bà tội nghiệp nọ là chị gái của bạn tôi. Còn một chuyện này nữa, chuyện này tôi chưa hé lộ cho ai biết. Chàng Tácdăng dũng cảm của cô vì sợ tôi nên đã nhảy xuống biển. Bởi vì khi đó tôi đã nhận ra hắn và gọi hắn vào phòng thách đấu.
Gian Potơrôva bật cười.
- Chả lẽ ông nghĩ rằng một người rất hiểu Tácdăng như tôi lại có thể dễ dàng tin theo những lời bịa đặt nhảm nhí?
- Thế tôi hỏi cô, vì sao ở trên tàu hắn lại dùng tên giả?
Potơrôva nín lặng hồi lâu rồi lắc đầu quầy quậy:
- Gì thì gì, tôi cũng không tin ông! - Cô gái kêu lên bực tức. Mặc dù vậy, trong lòng cô cũng gợi lên một chút băn khoăn. Rõ ràng là Stroong không biết một cái tên nào khác ngoài cái tên Giôn Canđuen.

*

Trong lúc Tơran và cô gái đang cãi nhau thì cách đó không đầy năm dặm, Tácdăng đang đứng rình mồi. Và cũng chỉ cách đó không đầy sáu dặm về phương bắc, mười tám người còn lại của con thuyền tiểu thư Alice đang sống cụm với nhau dưới những mái lều che tạm. Họ đã chèo chống suốt ba ngày trên sóng biển. May mà biển không giận dữ nên sau ba ngày, họ đã thở phào nhẹ nhõm rồi bước lên đất liền. Họ vẫn không quên tai họa và cái chết của thuyền buồm Tiểu thư Alice. Ấn tượng về tấm thảm kịch của con thuyền càng tăng lên khi họ nhớ tới chiếc thuyền con của Potơrôva mất tích. Nhưng dù sao chăng nữa, họ vẫn cảm thấy mình là những người may mắn và cuộc sống của mình chưa đến nỗi tuyệt vọng. Họ hy vọng rằng chiếc thuyền của Potơrôva chưa bị đắm và một ngày nào đó họ sẽ tìm ra.
Phần lớn vũ khí đều đặt trong chiếc thuyền của Teningtơn. Vì vậy nhóm 18 người của Teningtơn có đủ súng ống để tự vệ trước thú dữ. Cuộc sống sinh hoạt của họ xét ra cũng không đáng phàn nàn. Chuyện làm mọi người rầu lòng và bực bội, có chăng chỉ là chuyện của giáo sư Acsimet Q.Potơ. Chẳng hiểu sao ông già cứ dứt khoát tin rằng cô con gái rượu của ông đã được một chiếc tàu nào đó cứu sống. Hoàn toàn yên tâm về con gái, ông lại bắt tay vào những tìm kiếm khoa học. Tất cả mọi chuyện khác ông đều coi là chuyện vặt, "không đáng quan tâm".
"Chưa bao giờ tôi lại khổ sở vì giáo sư Potơ đến thế!" - Viên trợ lý Philanđơ thở dài mệt mỏi trong khi dốc bầu tâm sự với Teningtơn - Anh thấy đấy, cứ rời mắt khỏi ông ta một lúc là có chuyện rắc rối. Như buổi sáng hôm nay, tôi vừa bỏ đi một lúc, tới lúc quay về, ông ta đã biến mất. Anh đoán thử xem, tôi tìm thấy ông ta ở đâu? Một mình ngoài biển! Ông ta lấy một chiếc thuyền rồi tự chèo ra khơi mà không cần biết chèo đi hướng nào. Có trời biết vì sao ông ta lại chèo được ra xa đến thế. Bởi vì thuyền ấy chỉ có một mái chèo. Khi ông ta chèo, thuyền cứ chạy vòng tròn. Thế mà ông ta ra được tới hơn một dặm. Khi tôi cùng một thủy thủ lấy thuyền bơi ra tìm, ông ta vẫn khăng khăng không chịu quay vào. Anh có biết ông ấy mắng tôi thế nào không? Ông ấy bảo: "Này ông Philanđơ! Tôi ngạc nhiên quá đỗi. Tại sao một trí thức già, uyên bác như ông mà lại cản trở sự phát triển của khoa học. Sống qua mấy đêm ở vùng nhiệt đới này tôi đã quan sát các hiện tượng thiên văn và rút ra một kết luận mới về tinh vân. Có thể đó chỉ là giảthiết khoa học nhưng nó cũng đủ làm tất cả các nhà thiên văn toàn thế giới sửng sốt. Tôi muốn phản bác lại lý thuyết Laplaxơ - một công trình thiên văn học, mà nếu nhớ không nhầm, thì cho tới nay vẫn còn đang nằm trong một thư viện tư nhân ở New York. Sự can thiệp của ông thật quá thô bạo, ông Philanđơ ạ! Đó là một sai lầm không thể tha thứ được. Tôi đang định ra khơi quan sát và lấy số liệu. Thế mà vừa khởi hành thì ông đã mò ra chặn đường..." Anh thấy đấy, ông ta cứ vừa mắng tôi, vừa nhảy chồm chồm trong lòng thuyền. Rất khó thuyết phục để ông ta quay lại bờ". - Philanđơ thở dài kết thúc câu chuyện.
Mặc dù các loài thú dữ rình mò tấn công liên tục, nhưng hai người phụ nữ trong nhóm là Stroong và bà mẹ của cô lại tỏ ra hết sức bình tĩnh. Hai người rất lo lắng cho số phận của ba người vắng mặt. Khác với tất cả mọi người, hai người không tin rằng Gian Potơ rôva, Clâytơn và Tơran đã thoát nạn. Exm êranda thì suốt ngày suốt đêm than thân trách phận. Cô nghĩ rằng số cô thật quá hẩm hiu. Cô đã vĩnh viễn mất đi cô chủ đáng kính của mình. Hầu tước Teningtơn trong những ngày tháng nặng nề vừa qua thực sự là một nguời đàn ông tốt bụng. Anh vẫn là một ông chủ lạc quan vui tính. Anh chăm lo cho mọi người thật chu đáo và biết cách là mọi người khuây khỏa. Mặc dù là một người chỉ huy nghiêm khắc, nhưng anh đã xử sự với các thủy thủ rất công bằng, thấu tình đạt lý. Chính vì vậy mà ngay ở chốn rừng sâu này, kỷ luật trật tự vẫn được duy trì chẳng khác gì như mọi người đang sống trên thuyền Alice.
Nếu như nhóm người này quá chân đi bộ khoảng vài dặm đường về phương nam, ắt hẳn họ sẽ gặp nhóm ba người - những người mà mới tuần trước đã cùng họ vui vẻ sống chung dưới một cánh buồm.
Lúc này Clâytơn và "ngài Tơran" đã mất sạch quần áo. Complê của họ đã bị nước nặm làm mủn từ trước. Sau những ngày chui rúc đi tìm thức ăn, gai nhọn và nhựa cây trong rừng lại phá nát tới mảnh lót cuối cùng. Tiểu thư Potơrôva cũng không thoát khỏi tình trạng ấy. Mặc dù cô có cẩn thận gìn giữ đến mấy thì áo váy của cô cũng đến lúc tự rụng khỏi người.
Clâytơn đã tận dụng từng mảnh da thú mà anh săn được. Anh căng từng mảnh trên cành cây, thận trọng tẩy rửa lớp bì. Sau khi gom góp được một đống da thú, anh dùng gai nhọn làm dùi, dùng những sợi cỏ khô làm chỉ, khâu một bộ quần áo. Cặm cụi mấy ngày liền, cuối cùng thì bộ quần áo cũng thành hình. Điều đáng phàn nàn là áo không có ống tay còn quần thì chỉ dài chưa tới đầu gối. Đã thế, bộ quần áo lửng đó lại bốc mùi da thối. Khi anh mặc vào người rồi bước ra trình diện với Potơrôva, cô gái vừa bịt mũi bỏ chạy, vừa cười sặc sụa. Noi theo gương lao động của Clâytơn, Tơran cũng phải khâu bộ cánh da thú cho mình. Bộ cánh của Tơran trông thật khủng khiếp vì nó được chằng đụp bởi hàng chục màu lông thú khác nhau. Vì vậy, khi Tơran đứng bên cạnh Clâytơn với cặp chân trần và bộ râu dài lởm chởm, hai người đàn ông này trông chẳng khác gì những người thợ săn mamút thờ cổ đại. Hai tháng đã trôi qua tính từ ngày ba người đặt chân lên mép rừng. Một hôm, Tơran lên cơn sốt rét vì bệnh ngã nước. Tơran nằm co quắp trong chiếc chòi cao. Clâytơn vào rừng kiếm đồ ăn. Tới khi anh trở về, đã thấy Potơrôva chạy ra xa đón mình. Clâytơn vui vẻ ngắm Potơrôva nên không biết rằng sau lưng mình đã vang lên tiếng bước chân rón rén của một con sư tử già. Đã mấy ngày nay, con sư tử già sục sạo mọi nơi mà không kiếm được miếng thịt nào lót dạ. Càng bị chiếc dạ dày co thắt hành hạ, con sư tử càng mở rộng bán kính lùng sục. Cuối cùng thì nó đã tìm được Clâytơn - một thứ mồi yếu đuối, tay không vũ khí, thịt rất dễ nhai.
Clâytơn không hề biết cái chết đang bám theo sát gót. Từ rừng sâu, anh bước ra, tươi cười nhìn cô gái. Khi Clâytơn bước lại gần, Potơrôva giật mình, kinh hãi tới mức không đủ sức kêu lên một tiếng. Cô đã trông thấy sau lưng Clâytơn cái đầu nửa vàng nửa đỏ của con sư tử.
Không cần quay đầu nhìn lại, mới nhìn vào mặt cô gái, Clâytơn đã biết rằng cả hai đang bị cái chết đe dọa. Tai họa đã ập đến sau lưng rồi! Clâytơn chỉ có trong tay một khúc cây. Khúc cây khá to và chắc. Nhưng để đối mặt với sư tử thì khúc gậy ấy chẳng khác gì một thứ vũ khí bằng nhựa dành cho tuổi nhi đồng. Dạ dày con sư tử đã sôi lên vì cơn đói. Nước miếng của nó đã tứa ra đầy ngập chân răng. Tuy vậy nó vẫn không cần vội vã. Nó biết rằng cuộc săn lùng của mình đã không uổng phí. Đằng nào thì con mồi cũng không chạy được mấy bước.
- Chạy đi, Gian! - Clâytơn thét lên - Chạy nhanh về chòi!
Cơ thể cô gái lúc này tự nhiên nhũn ra. Chỉ có hai bàn chân cô là cứng đờ, khiến cô cứ đứng im như mọc rễ, dương mắt nhìn trân trân vào bộ râu mép của thần chết.
Nghe tiếng thét đầu tiên của con sư tử, Tơran bừng tỉnh khỏi cơn sốt. Mồ hôi hắn bắt đầu vã ra. Khi trông thấy hai người và con sư tử dưới chân mình, hắn lao vào trong chòi, cuống cuồng kêu cứu:
- Chạy về đây, chạy về đây! Đừng để tôi một mình thế này!
Tiếng kêu của Tơran đứt đoạn vì tiếng khóc nức nở.
Nghe thấy tiếng kêu khóc của Tơran, con sư tử dừng bước, ngước mắt nhìn lên cây. Clâytơn lúc này đã không chịu đựng nổi sự căng thẳng thần kinh. Anh quay lưng lại phía con sư tử, úp mặt vào hai lòng bàn tay, chờ cú vồ của con thú.
Cô gái ngạc nhiên nhìn Clâytơn. Tại sao Clâytơn không hành động gì? Nếu như đằng nào cũng chết, sao anh không chết như một người đàn ông trong một cuộc chiến đấu, dù là một cuộc chiến vô vọng? Nếu như Tácdăng rơi vào tình huống này, chắc chắn chàng sẽ đối mặt với kẻ thù và chiến đấu tới giọt máu cuối cùng.
Con sư tử đã nhún hai chân sau. Cuộc săn mồi của nó đã đến lúc kết thúc. Gian Potơrôva quỳ sụp suống cầu Chúa cứu rỗi linh hồn. Trên chòi cao, Tơran ngất xỉu vì kiệt sức. Những giây phút cuối cùng này như dãn ra, dài như hàng thế kỷ. Nhưng con sư tử vẫn chưa vồ. Clâytơn vẫn nhắm mắt chờ chết. Đầu gối anh run lẩy bẩy. Chỉ trong chớp mắt nữa thôi, cơ thể anh sẽ bị xé nát. Gian Potơrôva không chịu đựng nổi sự căng thẳng kéo dài. Cô quyết định ngẩng đầu nhìn lên. Phải chăng cô đang đứng trong một giấc mơ.
- Uyliam! - Cô gái thì thào kêu lên - Xem kìa!
Clâytơn cố gắng ngẩng đầu, quay lại nhìn về phía sư tử. Đôi môi cứng đờ của anh bật lên tiếng kêu kinh ngạc. Con sư tử đã nằm vật ra đất. dãy dụa. Trên lưng nó, cắm sâu một mũi lao rất nặng, mũi lao mà các chiến binh thổ dân thường sử dụng. Potơrôva đứng dậy, nhưng khi Clâytơn bước đến bên cô đã loạng choạng vì kiệt sức. Clâytơn vội vã đỡ hai tay để cô khỏi ngã. Anh kéo cô vào lòng rồi cúi xuống hôn vào má cô một cái hôn nhẹ nhàng giống như một cử chỉ ơn Chúa vì thoát nạn.
- Đừng làm thế! Uyliam! - Cô gái thều thào - Dường như tôi vừa sống qua một thế kỷ. Tới khi đối mặt với cái chết, tôi mới hiểu ý nghĩa cuộc sống. - Potơrôva im lặng một lát rồi nhìn Clâytơn bằng cái nhìn như van lơn - Tôi không muốn làm anh đau khổ. Nhưng tôi không thể sống với ý nghĩ rằng mình đã nhận lời cầu hôn của anh. Chính những giây phút vừa qua tôi đã hiểu rằng tôi không thể tự lừa dối mình và lừa dối cả anh nữa. Như thế là không ngay thẳng chút nào. Clâytơn! Tôi không bao giờ thành vợ anh được. Ngay cả khi chúng ta thoát nạn trở về, tôi cũng không bao giờ...
- Tại sao, Gian? - Clâytơn kêu lên - Sao cô lại nghĩ thế? Tôi không hiểu nổi tình cảm của cô. Cô mất bình tĩnh rồi. Ngày mai cô sẽ sống một mình như một người cô đơn.
- Ngay lúc này, tôi đã cảm thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Mối hiểm họa vừa qua khiến tôi nhớ tới một người đàn ông khác. Đó là một người đàn ông dũng cảm. Người ấy yêu tôi, nhưng vì tình yêu mà anh ấy cố gắng tránh tôi. Tôi đã không ý thức được điều ấy nên đã từ chối anh ấy. Bây giờ anh ấy chết rồi. Nhưng tôi sẽ không bao giờ lấy chồng. Bởi vì tôi không thể sống với một người đàn ông không dũng cảm như anh ấy. Nếu lấy chồng, có lẽ suốt đời tôi sẽ so sánh chồng tôi với anh ấy. Anh thông cảm cho tôi!
- Tôi hiểu rồi - Clâytơn cúi đầu, buồn bã trả lời. Khuôn mặt anh đỏ lên vì ngượng ngập. Anh cảm thấy chính lúc này mới là lúc mình gặp phải nỗi bất hạnh khủng khiếp nhất.

Kho vàng thành phố Opa
Chờ cho trời tối hẳn, nữ đạo sĩ La mới quay lại đền thờ Thần Chết để đem thức ăn cho Tácdăng. Không dám đốt đuốc nên cô phải đưa tay sờ soạng lần theo mép tường đá và các bậc cầu thang để bước xuống tầng hầm. Những lỗ thủng trên những bức tường cổ long lở dọi xuống phía dưới ánh trăng già vàng vọt. Vừa nghe thấy tiếng bước chân người đi xuống, Tácdăng đã nhô ra khỏi góc phòng, bước tới đón nữ thần hộ mệnh của mình.
- Họ đang nổi điên lên - cô gái lên tiếng nói trước - Từ xưa tới nay, chưa có ai thoát khỏi chốn này. Có lẽ phải đến năm chục người đang sục sạo tìm dấu vết của anh. Họ lần tìm mọi ngóc ngách, trừ phòng này.
- Vì sao họ không dám xuống đây? - Tácdăng hỏi.
- Đây là phòng dành cho người chết. Anh có thấy chiếc bàn thờ kia không? Ở đó các linh hồn rất thèm sự sống. Hồn ma sẽ ăn thịt người sống nếu như kiếm được. Vì vậy người của chúng tôi rất sợ căn hầm này. Ai cũng nghĩ rằng nếu mình bước xuống đây sẽ lập tức bị giết và biến thành ma đói.
- Thế còn cô?
- Tôi là đạo sĩ trưởng. Vì vậy tất cả mọi linh hồn đều vị nể, không dám đụng tới tôi. Chính tôi là người có quyền lựa chọn và đưa các hồn ma từ điện thờ Thần Chết này lên sống ở trời cao. Vì vậy, tôi có thể xuống đây mà không gặp hồn ma nào đe dọa.
- Tôi thực sự tò mò. Chả lẽ không có hồn ma nào ngỗ ngược chộp lấy vai cô? - Tácdăng vừa hỏi vừa mỉm cười nhìn nữ đạo sĩ.
- Nhiệm vụ của đạo sĩ là truyền bá những điều mà cha ông chúng tôi đã sáng tạo nên. Trong những giáo lý thông thái của chúng tôi đã có một câu truyền rằng: Không được thắc mắc mà phải tin mọi lời phán truyền. Tất cả mọi điều đã được Thần Mặt Trời soi sáng. Ai càng biết nhiều, suy ngẫm nhiều về tôn giáo của mình thì càng ít lòng tin. Chẳng có ai trong dân tộc tôi biết về tôn giáo dân tộc hơn tôi đâu.
- Tức là cô chỉ lo những người đang sống trông thấy cô cứu tôi và cô chẳng tin gì cả?
- Đúng thế! Người đã chết thì chẳng còn gì nữa. Đã chết thì chẳng làm phiền ai cũng chẳng giúp được ai. Cho nên chúng ta phải trông cậy vào chính bản thân mình... Đánh lừa bọn lính gác không phải là chuyện dễ. Tôi mang thức ăn xuống cho anh đây. Tôi không thể nuôi anh dưới này mãi được. Hãy đi theo tôi! Thử xem xem con đường thoát khỏi ngôi đền dài bao nhiêu. Tôi phải quay về sớm để khỏi bị nghi ngờ.
Tácdăng vừa ăn vừa đi theo cô gái. Hai người quay lên bàn thờ hiến tế rồi vòng sang một hành lang tối om. Tácdăng không thể nhận ra lối đi vòng trong bóng tối, mò mẫm một lúc, cuối cùng hai người đã chạm tay được vào hai tấm cánh cửa. Tiếng chìa khóa vang lên lách cách trong tay cô gái.
- Anh có thể ở đây an toàn cho tới đêm mai. Đây là nơi có đường thoát dễ hơn cả - Cô gái nói rồi vội vã giật lùi ra cửa. Cô khép cửa rồi cài then rất chặt.
Tácdăng như bị chìm trong bóng tối. Đôi mắt của chàng tuy đã quen với bóng tối rừng sâu nhưng vẫn không đủ thị lực để phá vỡ bóng tối chốn này. Chàng đành phải dò dẫm từng bước để tìm hiểu căn phòng. Nền phòng lạnh giá, tất cả các bức tường đều được ốp bằng đá hoa cương. Dường như căn phòng chỉ có một lối vào và không có cửa sổ. Chàng lần mò khắp bốn bức tường rồi lúc tiến lúc lùi, dùng mũi để kiểm tra từng góc. Có một mảng tường khiến chàng cảm thấy băn khoăn. Chàng đã không nhầm. Rõ ràng ở đó chàng đã ngửi thấy mùi gió tươi từ bên ngoài lọt vào. Chàng sờ từng phiến đá ốp tường và lay thử. Một lát sau chàng đã phát hiện được một phiến đá lạnh hơn tất cả các phiến đá khác. Nó chỉ rộng chừng mười đốt ngón tay. Chính nó có một lỗ thủng lờ mờ. Chàng dùng sức kéo bật nó ra rồi luồn tay giật bung những phiến đá xung quanh. Hóa ra bức tường được kết bằng những viên đá hình khối hộp. Một lúc sau, chàng đã moi được một đống đá. Khoảng trống mỗi lúc một rộng. Chui qua bức tường, chàng đã thấy có ánh sáng yếu ớt phía trước. Chàng quỳ xuống, thận trọng nhích dần từng tí một. Nền phòng này đột nhiên kết thúc. Chàng sờ chỗ nào cũng thấy mép vực. Thật hú hồn! Chàng ngẩng đầu nhìn lên và phát hiện một lỗ thủng nhỏ phía trên. Qua lỗ thủng, chàng trông thấy một mảng da trời phơn phớt ánh sao. Vừa bò, vừa sờ vách đá, lát sau chàng đã xác định được rằng mình đang ở trên miệng giếng.
Tại sao người ta lại xây dựng một công trình kỳ quặc thế này? Tácdăng băn khoăn tự hỏi rồi nhìn lên cao. Lỗ thủng trên đầu đột nhiên ló ra một vành trăng bạc.
Hóa ra bầu trời đang có những vệt mây di động, ánh trăng giúp chàng nhìn sâu xuống lòng giếng. Đúng là một chiếc giếng cổ. Đáy giếng ánh lên ánh sáng phản chiếu của mặt nước phẳng lặng. Vậy thì chiếc giếng này và căn phòng mà chàng vừa thoát ra có liên hệ gì với nhau? Người ta xây chúng nhằm mục đích gì? Chàng băn khoăn suy nghĩ.
Mảnh trăng đã trôi vào chính giữa lỗ hổng trên đầu, soi sáng khoảng không trước mặt Tácdăng. Bức tường phía trước lộ ra một lối thoát. Cần phải tiếp cận lối thoát đó! Tácdăng quyết định hành động ngay tức khắc. Chàng lùi trở lại bức tường mà mình vừa đục thủng để lấy đà nhảy. Những lớp bụi đất bám quanh tường chứng tỏ rằng nếu như cư dân đang sống trong thành này có biết tầng hầm cũng chẳng bao giờ đặt chân xuống đây. Tácdăng phán đoán và bê từng viên đá lấp kín lỗ hổng mà mình vừa phá. Miệng giếng rộng chừng dăm mét. Việc nhảy qua đó đối với chàng chỉ là chuyện vặt. Vì vậy chỉ trong chớp mắt chàng đãvọt qua miệng giếng. Chàng chui vào lỗ hổng dưới chân tường và thận trọng dò dẫm phía trước. Biết đâu chàng có thể rơi tõm xuống những chiếc giếng khác nữa.
Tiến thêm được một vài mét, chàng gặp một cầu thang dẫn sau xuống lòng đất tối om. Cầu thang kết thúc trên nền đá lát lạnh lẽo. Chỉ lát sau chàng đã sờ tay được vào tấm cửa gỗ có thanh xà chặn ngang. Bây giờ thì chàng đã khẳng định được rằng, con đường này chính là con đường nối ngôi đền thờ Mặt Trời với thế giới bên ngoài. Nếu như khu vực này là nhà tù, cửa ra vào phải đặt ở hướng đối diện. Hơn nữa, cửa ra vào bám đầy bụi bặm, chứng tỏ từ lâu nó không được bàn tay nào đụng tới. Tácdăng tìm cách mở cửa. Cả căn hầm tối vang lên tiếng động ầm ĩ, phá vỡ bầu không khí yên tĩnh, thiêng liêng của khu đền.Tiếng động làm chàng cảm thấy rờn rợn. Chàng dừng tay nghe ngóng xem xung quanh có phản ứng gì không. Không có tiếng động nào đáp lại. Chàng yên tâm bước qua cửa. Trước mặt chàng lại là một căn phòng rộng rãi. Chàng biết điều đó bằng sự nhạy cảm và kinh nghiệm khứu giác. Bởi vì bốn phía vẫn đen đặc bóng tối. Lần tay theo mép tường và dùng chân để kiểm tra, chàng phát hiện ra trong phòng có rất nhiều thứ đồ làm bằng kim khí. Phải chăng đó là vàng? Chàng tự hỏi rồi bật cười vì phán đoán ngây thơ của mình. Những thứ vật dụng kỳ quặc đó, thứ nào cũng nặng đến ngàn cân. Đã là vàng thì không ai đúc nặng đến thế.
Đi đến cuối phòng, chàng lại gặp một lối vào tương tự như cánh cửa phía trong. Biết đâu đây chính là ngưỡng cửa cuối cùng cho chàng trở về lại với núi rừng tự do? Rõ ràng là lối đi đã hướng lên cao. Nhưng rồi hy vọng của chàng vụt tắt. Hóa ra chàng đang ở trong một chiếc động lớn.
Mò mẫm một lúc chàng phát hiện ra một khe đá nằm giữa hai lối mòn. Trên đầu chàng đã nhấp nháy những ngôi sao muộn và một vách đá cao dựng đứng. Chàng vọt lên lối mòn và vượt qua một tảng đá khổng lồ. Chàng cảm thấy vô cùng sảng khoái vì không khí trong lành thoáng đãng của trời đất. Nhô đầu lên khỏi mặt đất, chàng nhìn được toàn cảnh thành phố Opa. Những tháp nhọn, đền đài của thành phố cổ tích này đang thiu thiu ngủ dưới ánh trăng mờ của vùng nhiệt đới.
Tácdăng quyết định quay trởi lại căn phòng bí ẩn dưới hầm sâu. Sục sạo trong bóng tối một lúc, chàng đã tìm được cái cần tìm. Chàng tung từng mẩu kim loại nằng nặng đó trong lòng bàn tay. Chàng không còn nghi ngờ gì nữa. Đó chính là vàng. Chàng ngẩng đầu nhìn lên và giật mình. Mắt chàng như bị hút về những cột trụ màu vàng.
"Ôi Opa! - Chàng thầm kêu lên - cái thành phố của một thời vang bóng, cái thành phố của những con quỷ lông xồm cùng những người đàn bà kiều diễm, cái thành phố của đe dọa chết chóc gắn cùng hàng trăm huyền thoại".
Opa chính là thành phố được xây cất bằng vàng. Cuối cùng Tácdăng đã đặt được chân lên mặt đất mát lạnh của rừng già. Chàng mải miết bước không hề nhìn lại thành phố bí ẩn sau lưng. Con đường mòn dẫn chàng về với những dải rừng ngạt ngào mùi hoa dại.
Khi chàng bước lên ngọn núi phía tây thung lũng, mặt trời đã mọc. Chàng nhìn xuống phía dưới và trông thấy một luồng khói đang bốc lên từ một tán cây.
"Có người! - Tácdăng thầm nghĩ - Năm chục người đang lùngbắt mình chăng?" Chàng vội vàng bám theo vách đá rồi bò lên cây để luồn vào rừng rậm. Chàng tiến về hướng có luồng khói. Một lúc sau chàng đã tới đống lửa dưới gốc cây. Những người đốt lửa chẳng phải ai khác mà chính là các chiến binh Oadiri.
- Hỡi chiến sĩ! Hãy đứng dậy mà chào thủ lĩnh! - Tácdăng kêu lên bằng tiếng của bộ lạc Oadiri.
Nghe thấy tiếng người quát trên cao, các chiến binh của Tácdăng nhảy chồm lên mà không biết mình có cần phải bỏ chạy hay không. Từ ngọn cây, Tácdăng nhảy vụt xuống cạnh đống lửa, mỉm cười. Trông thấy thủ lĩnh của mình rõ ràng là bằng xương, bằng thịt, chứ không phải hồn ma, các chiến binh Oadiri vui mừng khôn xiết.
- Chúng tôi hèn nhát quá, thủ lĩnh ơi! - Busuli nói đầy vẻ ân hận - Chúng tôi đã bỏ chạy, bỏ mặc thủ lĩnh cho số phận định đoạt. Tới khi hoàn hồn, chúng tôi đã quyết định quay lại tìm thủ lĩnh hoặc sẽ báo thù cho thủ lĩnh. Vừa rồi chúng tôi đã đồng thanh cất lời thề độc và đang chuẩn bị vượt thung lũng, tiến vào cái thành phố quỷ quái đó để trả thù.
- Các người có thấy khoảng năm chục gã đàn ông lông lá leo qua vách núi tiến vào rừng không?
- Đúng thế! Chúng tôi đã trông thấy rõ - Busuli trả lời - Hôm qua, vào lúc xế chiều, chúng đi qua chỗ chúng tôi khi chúng tôi đang sửa soạn lên đường. Chúng nói chuyện rất to nên chúng tôi biết chúng đến từ xa. Vì chúng tôi chỉ muốn tìm thủ lĩnh nên đã kéo nhau vào rừng, để mặc cho chúng đi qua. Thật là một đội quân âm phủ! Chân của chúng rất ngắn, bước đi vòng kiềng. Có một số đứa lại đi bằngbốn chân, trông như con đười ươi Bongan. Đúng là vào khoảng dăm chục người thuộc dạng ăn lông ở lỗ, thưa thủ lĩnh!
Tácdăng ngồi kể lại cuộc phiêu lưu nguy hiểm của mình. Khi chàng nói tới các thứ đồ châu báu, tất cả các chiến binh của chàng đều hào hứng. Ai cũng muốn đột nhập lần nữa vào Opa để kiếm các đồ trang sức.
Chờ đến lúc tối nhọ mặt người, Tácdăng dẫn đạo quân của mình quay lại cửa hang. Tất nhiên vượt qua vách đá dựng đứng để trở lại Opa không phải là chuyện dễ. Tácdăng không thể cõng từng người leo qua vách núi. Chàng nghĩ mãi và cuối cùng nảy ra sáng kiến thật đơn giản mà hữu hiệu. Theo lệnh chàng, mọi người buộc các ngọn giáo vào làm thành một thứ dây xíc. Chàng buộc một đầu vào hông, leo lên trước rồi kéo từng người lên cao.
Trong bóng tối của căn phòng, mỗi người đều chọn được cho mình khoảng bốn chục cân vàng. Chính vì không quen vác nặng, con đường trở về của đạo quân Tácdăng trở nên vất vả. Mọi người còng lưng vượt rừng mà không hề phàn nàn một câu. Không đầy một tháng sau, đoàn người đã đến vùng biên giới của quê hương. Nhưng đến đây, lẽ ra đoàn người tiếp tục con đường về làng thì Tácdăng lại dẫn họ đi về phía tây. Đi được hơn chục ngày, Tácdăng kêu gọi mọi người hãy để bớt vàng lại rồi quay về làng trước.
- Thế còn thủ lĩnh thì sao? - Các chiến binh hỏi Tácdăng.
- Tôi sẽ ở đây vài ngày - Tácdăng trả lời - Còn các người thì nhanh nhanh về với vợ con.
Những người Oadiri vừa đi khỏi, Tácdăng lấy hai tấm vàng, nhảy lên cây. Chàng hướng về phía khu rừng đốn. Ở đó, ngay giữa khu rừng đốn có một bãi đất cao nhô lên. Chàng đã đến đó hàng trăm lần nên rất thông thuộc đường đi lối lại. Tất nhiên, đây là khu rừng vừa rậm rạp vừa hiểm trở, gần như không một loài thú nào, kể cả con báo Sêta lẫn con voi Tantơ cũng không dám chui qua. Khu rừng đó chẳng phải là nơi xa lạ. Nó chính là chỗ mà khi xưa Tácdăng chôn dấu chiếc hòm tiền vàng của giáo sư Potơ.
Tácdăng chuyển tất cả số vàng lấy đựơc ở Opa dồn thành một đống. Chàng tìm lại chiếc xẻng cũ, đào một chiếc hố vừa sâu vừa dài rồi chôn lấp toàn bộ số vàng.
Chàng ngủ lại một đêm ở đó. Sáng hôm sau chàng tranh thủ về thăm căn nhà gỗ, trước khi trở lại với người làng Oadiri.
Căn nhà gỗ của chàng vẫn gần như nguyên vẹn. Chàng yên tâm rẽ vào rừng săn một con dê, đem về nhà ngồi xé thịt ăn. Đồ đạc và các thứ đồ dùng trong căn nhà khiến chàng bồi hồi. Chúng gợi lại trong lòng chàng biết bao kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Còn đâu nữa tuổi thơ êm ái của chàng? Còn đâu nữa hình bóng người con gái mảnh mai ngồi viết thư bên cửa sổ? Gian Potơ rôva! Bây giờ em ở đâu?
Ngồi trong nhà, Tácdăng cảm thấy trong lòng nặng trĩu. Chàng ra rừng lang thang mấy dặm về phương nam. Chẳng mấy chốc, chàng thấy trước mặt mình cửa sông ăn thông ra biển. Đột nhiên chàng ngửi thấy trong gió có một thứ mùi vừa quen vừa laj. Không một loài thú nào của rừng già châu Phi này có mùi như thế. Băn khoăn giây lát, chàng bật cười vui vẻ. Đó chính là mùi người. Gió đang từ biển thổi vào. Điều đó có nghĩa là có người xuất hiện ở đâu đó ở hướng tây. Liền ngay sau đó, chàng lại phát hiện ra còn đó một thứ mùi gì đó phảng phất, lẫn với mùi người. Chẳng còn nghi ngờ gì nữa. Đó là mùi mồ hôi của sư tử.
"Cần phải nhanh chân!" - Tácdăng tự nhủ. Bởi vì chàng biết rằng hai thứ mùi đó nặng nhẹ, cách xa nhau. Có thể là sư tử đang truy đuổi mồi người.
Lao nhanh như một bóng ma trên những ngọn cây, lát sau Tácdăng đã tới bìa rừng. Chàng nhìn thấy một người đàn bà rách rưới đang quỳ bên gốc cây. Cạnh đó, một người đàn ông ăn mặc trông rất man rợ đang úp mặt vào hai lòng bàn tay. Phía sau hai người, con sư tử đực già đang bước lại gần họ. Hai nạn nhân của sư tử, kẻ thì quay lưng về phía Tácdăng, kẻ thì cúi mặt cầu nguyện, vì vậy chàng không biết đó là ai.
Không còn thời gian nghĩ ngợi, Tácdăng cũng không kịp rút cung tên. Khoảng cách giữa chàng và con sư tử khá xa. Chàng không thể lao vào sư tử với con dao trong tay. Lối tấn công cuối cùng còn lại là phóng lao. Chàng nhổm người, lấy đà... Mũi lao xuyên qua lớp lá rừng dày đặc, cắm phập vào lưng con sư tử. Mũi lao ngập tới tận tim con thú, khiến nó ngã vật ra chết, không đủ sức kêu một tiếng.
Người đàn ông và người đàn bà nhìn con sư tử. Hai người đứng ngây ra như hai hình nộm nhân. Người đàn bà kêu lên ngạc nhiên. Nhìn rõ khuôn mặt người đàn bà, Tácdăng giật mình thảng thốt. Chàng có nhìn rõ không? Chẳng lẽ đó là Potơrôva - người con gái mà chàng yêu dấu? Nhưng rõ ràng là Potơrôva chứ còn ai khác nữa.
Nhưng kia, Potơrôva đứng dậy và người đàn ông ôm hôn cô! Tácdăng cảm thấy ngực mình đau thắt. Vết sẹo trên trán chàng đỏ lựng lên cùng ánh mắt lóe sáng như tia chớp. Chàng sờ tay vào ống tên. Nhưng rồi tất cả các mũi tên dường như đã dính chặt vào nhau trong ống. Chàng buông tay. Cánh cung lạnh lẽo trong tay chàng rã xuống. Vết sẹo từ từ giãn ra, ngả lại màu nâu cũ.
Một cơn gió nổi lên, nghe như tiếng thở dài của biển cả. Tácdăng lắc mạnh mái tóc rồi buồn bã leo vào rừng sâu. Chàng trở về với những thổ dân của làng Oadiri.