CHƯƠNG 3
RA SÔNG

    
t Teng đang ngồi giừa tổ đặc công, đủ mặt cả, chỉ thiếu riêng chị Ba Liễu. Anh Thậm vừa ở trên căn cứ xuống tối hôm qua. Anh truyền đạt lại mệnh lệnh chiến đấu của tiểu đoàn. Đại để như sau: kẻ địch ngày càng tác yêu, tác quái. Không thể để chúng biến khu vực chợ ven sông thành một vành đai trắng. Vì vậy, trong tuần trăng lặn này, tổ trinh sát bằng mọi giá phải nghiên cứu được mục tiêu để tiểu đoàn đưa lực lượng xuống san phẳng cái chi khu và các đồn tua lân cận. Anh nói thêm: trên có dặn hết sức cố gắng quan hệ chặt chẽ với cơ sở địa phương để tăng thêm sự giúp đỡ không thể thiếu được trong khi làm nhiệm vụ.
Teng ngồi nghe anh Thậm nói mà rạo rực cả người. Lực lượng sắp xuống cái vùng sông heo hút này rồi! Trời ơi! Chắc phải đông lắm, anh nào chắc cũng to con, ngon lành như mấy anh ngồi đây cả. Và nhiều súng nữa, khẩu nào ra khẩu ấy phun lửa, phun khói ầm ầm, san bằng kia mà. Em cứ ngồi nhấp nha nhấp nhổm mà thầm tiếc cho trận đánh hiệp đồng với thằng Đảm vừa rồi không kịp có một trái da láng, một cây súng cụt nào cả. Giá sáng nay mà có thì chắc cũng diệt được vài thằng trong cái đám lúc nhúc đuổi theo. Câu nói của anh Thậm phần nào làm cho nó đỡ nóng ruột khi nghĩ đến số phận thằng Đảm không biết ra sao? Rồi tiếng nổ trái mìn ấy nữa, liệu có diệt được thằng nào? Nghe mấy anh đặc công xuýt xoa khen trận đánh sáng nay tuy không trọn vẹn nhưng thế là giỏi, giỏi lắm mà Teng phát ngượng. Các anh là đặc công, đánh đấm thế không bõ các anh cười cho. Em vừa miễn cưỡng kể lại từng chi tiết trong chuyện vừa sốt ruột sốt gan nhìn ra sông coi chị Ba về chưa. Theo kế hoạch thì chiều tối nay chị Ba đã có mặt ở đây để làm việc với anh Thậm. Hóa ra chị vào trong ấp chém vè (ẩn náu) đã hai bữa nay theo chỉ thị của ông Tư già để hỗ trợ cho trận đánh của hai đứa mà Teng không hề hay biết. Từ chỗ rời xe hon-đa nhảy xuống, Teng chỉ cắt rừng mất có một tiếng là chạm sông. Bơi dọc theo sông nửa tiếng nữa là em bắt gặp ngay anh Thành đang lui hui bắt cá trong hố bom. Thế là gọn. Còn chị Ba, không rõ chiều nay chị về sông bằng đường nào? Rồi chiếc xe nữa, gửi ai hay là quẳng đi?
- Này út! Thành đấm khẽ vào vai Teng, miệng cười hết cỡ. – Cái đoạn chú mày húc đầu vào bụng thằng lính được đấy. Chắc cu cậu phải thối gan, vỡ ruột chớ không đùa.
- Cái con chó béc giê ấy độc hại thật – Đoan cũng mỉm cười chen vào. - kỳ này bò rào, gặp loại này là mệt đấy.
Riêng Thậm không nói năng gì. Anh nhìn Teng hết sức trìu mến. Trong cái nhìn ấy, Teng tìm thấy bóng dáng của thằng Đảm. Cũng như mình, chắc anh đang hết sức lo cho số phận của nó. Không còn lòng dạ nào mà chuyện trò nữa, Teng xin anh Thậm cho bơi ngược sông đi đón chị Ba. Thậm chưa kịp đồng ý hay không thì có tiếng tróc lưỡi nho nhỏ ở ngay sau lưng, phía trên bờ.
Thậm đứng dậy:
- Cô Ba đấy!
Và anh tróc lưỡi trả lại ba tiếng thật giòn. Teng chưng hửng: thế mà nó cứ ngóng ra sông hoài. Lát sau Ba Liễu vén lá bước vào. Bộ quần áo diêm dúa hồi sáng không còn nữa, thay vào là một chiếc áo bà ba trắng và cái quần sa tanh nhóng nhánh y hệt các cô gái trong ấp chiến lược đi ra làm bưng. Đầu chị đội nón lá và trên tay cầm một cái cuốc còn dính đất. Mặt chị đỏ hồng, lấm tấm mồ hôi. Chắc chị phải đi cật lực mới ra nổi tới đây. Vừa trông thấy Teng, chị đã xô lại ôm ghì lấy nó.
- Út về tới đây rồi hả? Chị báo tin sốt dẻo nghen! Trái mìn trong công sở nổ đúng vào lúc chúng nó đứng dậy đi ra nên không chết đứa nào cả.
 Teng tiu nghỉu nhìn xuống, môi trề ra như chực khóc.
- Nhưng cũng làm cho ba tên bị thương.
- Tên nào hả chị? – Teng ngước lên.
-Toàn cỡ bự thôi. Thằng đại úy chi khu nè! Thằng xã trưởng nè! Và thằng ấp trưởng nè! Được chưa? Hài lòng chưa? Bị thương nhẹ thôi, chảy tí máu nhưng tất cả chúng nó đều kinh hồn. Nhiều đứa hoang mang ra mặt. Còn bà con ấy à? Vui nổ trời. Đến chỗ nào cũng thấy thán phục Việt Cộng. Đó! Thắng lợi lớn nhất là ở chỗ đó kia.
- Còn thằng Đảm, chị?
- An toàn. Rất an toàn - chị quay sang anh Hai Thậm – Có cái lạ là không một thằng nào nghi cos tay trong đặt mìn cả. Chúng đổ tất cả tội lên đầu cậu bé bán lươn. Ông Tư tính toán giỏi thật anh Hai à - ngừng một tí, chị hạ giọng.  – Tôi đã gặp chú Tư già. Chú nói tình hình như vậy là thuận lợi. Từ nay chúng sẽ hoảng loạn mà hướng sự chú ý vào bên trong, bên ngoài thoáng hơn, ta có thể tiến hành đột vô chi khu được.
Thậm gật đầu, nắm chặt lấy bàn tay Teng:
- Và chú bé bán lươn này cũng từ nay ở lại sông luôn với chúng ta chớ.
- Đó! Chút nữa quên! - Chị Ba nói tiếp – Chú Tư nói thằng Út lộ rồi, ở ngoài này luôn và lãnh trách nhiệm dẫn mùi luồn sâu. Út - chị dịu dàng – chú dặn riêng em đừng lo cho má. Chú sẽ có bổn phận nói chuyện kỹ với má. Nếu chúng nó có định tới làm rầy má thì đã có bà Năm và bà con đùm bọc chở che, đừng ngại, cứ yên tâm ở ngoài này. Chú khen em lắm đó.
Teng lặng người đi. Trong đầu từ sáng tới giờ mải nghĩ nhiều việc nên em quên béng mất vị trí mới mẻ của mình. Thế là từ nay xa má! Đêm nay má ngủ một mình… Ra đây mình chưa kịp nói với má một lời. Má ơi! Sáng nay mắt má nhìn con lạ quá! Phải chăng má biết trước má con mình phải xa nhau? Liệu ngày mai, ngày mốt, thù con, chúng nó có làm gì má không? Má vẫn còn đang bệnh, má đã khỏi đâu. Con chưa kịp mang thuốc nam về sắc cho má uống. Má ơi! Má thương con, má tha lỗi cho con.
Không cầm nổi nước mắt, Teng gục mặt vào vai chị Ba. Ngày đầu tiên thoát li ra cứ, Teng đã thả nổi lòng mình như thế.
Chiều nay tất cả ăn cơm sớm hơn thường lệ. Chiều nay Teng nhận nhiệm vụ dẫn tổ trinh sát đột vào khu vực chi khu. Chiều nay, lần đầu tiên từ một “tự vệ mật”, em bỗng trở thành một chiến sĩ trinh sát, người chiến sĩ trinh sát tuổi đời, tuổi quân nhỏ nhất trong tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ. Chiều nay… Bao nhiêu thứ của một buổi chiều nay ào vào, khuấy động lòng dạ Teng. Cậu bé thoắt trở nên trầm ngâm. Em không quá lo vì nhiệm vụ, mặc dù công việc ấy hết sức nặng nề. Là một cậu bé linh lợi, tháo vát và hiếu động, mọi đường ngang lối dọc trong ấp chiến lược, em thuộc như lòng bàn tay. Để đến được mục tiêu, trong chốc lát em có thể phác họa ra hàng chục con đường trong óc, con đường nào cũng kín đáo bất ngờ cả. Em trầm ngâm để che giấu sự xúc động đó thôi. Từ chiều nay, Teng đã thực sự đứng trong hàng ngũ chiến sĩ cách mạng. Teng đã trở thành đồng đội, đồng chí của ba, của mấy chú, mấy anh vô cùng thân yêu. Từ chiều nay, cách mạng đã chính thức nhận em vào lòng, yêu thương em, tin cậy em, đã trao cho em một cây súng tiểu liên báng xếp mà bao lâu nay em hằng ao ước. Mân mê cây súng thơm nồng mùi gỗ trên tay, Teng cứ xốn xang suy nghĩ  bao nhiêu điều.
Bữa cơm chiều nay không có gì ngoài mấy lát khô sặt và rau móp luộc nhừ nhưng Teng ăn ngon quá! Ngon như chưa bao giờ được ăn như thế cả. Đấy là bữa cơm chiến sĩ đầu tiên của Teng. Có mấy anh ở bên, lại có cả cây súng xả cả ba mươi mốt viên đạn một hơi này, Teng không còn thấy sợ gì nữa. Em sẽ đứng thẳng người, đánh vỡ mặt chúng nó tới viên đạn cuối cùng. Em muốn ăn thật no, ăn thật nhiều để mau cao, mau lớn như mấy anh. Teng thấy có một sự chuyển động âm thầm và kỳ lạ trong từng mạch máu của cơ thể mình. Chính khi ấy, em nghĩ đến thằng Đảm… Đảm ơi! Giá chiều nay có cả mày ở đây nữa thì vui biết bao. Tao với mày sẽ thành chiến sĩ giải phóng. Chiều nay tao đi trước, mày đi sau dẫn mấy anh vào hang ổ của chúng nó. Hay mày đi trước, tao đi sau cũng được. Mày xứng đáng hơn tao ở vị trí này. Mấy trận đánh vừa rồi đều là công của mày cả chứ tao đã có gì đâu. Thế mà mày… Teng tự dưng thấy như có lỗi với thằng bạn âm thầm mà tốt bụng.
Dòng sông chiều nay cũng có vẻ trang nghiêm hơn mọi chiều. Những đám bèo lục bình giống như một đoàn quân xanh màu ngụy trang đang hành quân ra biển. Lâu sậy cây nọ kế tiếp cây kia, vạt này kế tiếp vạt khác tạo ra cái thế bạt ngàn đang xôn xao trong gió. Luồng gió chiều nay thổi từ đâu đến mà trong sạch mát lành? Bầu trời thật cao xanh, những đám mây mỏng tang in bóng xuống dòng sông. Mây, nước và lục bình đều trôi xuôi về hướng xóm ấp. Nơi ấy có má, có thằng Đảm, có bà con, có nấm mồ ba mà thỉnh thoảng về đêm, Teng vẫn lén ra đốt trộm vài nén nhang. Nơi ấy cũng có cả thằng trưởng ấp, thằng đại úy ác ôn và nhung nhúc kẻ thù… Nơi ấy, dồn tụ bao kỷ niệm, bao đau thương, chiều nay Teng sẽ luồn về nơi ấy với khẩu súng ba mươi mốt viên đạn trên tay… Lòng em dạt dào như tất cả nắng, cả gió đều gom vào.
- Nào, tới giờ rồi! xin mời đồng chí Teng xuất phát!
Câu nói của anh Thậm làm Teng bừng tỉnh. Cả dòng sông đã bàng bạc màu xám. Khóm cây ở xa đã phác vào chân trời một nét lòa nhòa. Em đeo thêm dây tạc đạn vào người. Cái dây lưng của người lớn rộng quá, Teng phải thít đến nấc cuối cùng mà vẫn sệ xuống tận hông. Những trái tạc đạn tròn trịa ấn hẳn vào lưng vào bụng tạo cho Teng một cảm giác tự tin khác thường. Cây AK so với khổ người em chưa thật cân xứng mà sao đặt nó lên vai thấy đằm, thấy ấm đến thế! Em lội xuống sình.
Lợi dụng nước sông đang ròng sát đáy để lộ ra một lớp bùn non nâu quánh, mọi người lội theo bờ một đoạn dài để tránh dấu vết rồi mới bước lên trảng. Đứng từ đây có thể nhìn thấy mờ mờ cái vệt đen của ấp chiến lược. Xuyên qua ấp là tới chợ. Giữa chợ là cái chi khu. Trảng trải ra bát ngát đến tận lộ 13. Trời tối, đứng trước cái trảng lộng gió có cảm tưởng đang đứng trước một màu lẫn lộn. Để lại dòng sông muôn thuở rì rầm, mọi người nhấc cao chân bước êm. Teng đi đầu. Sau là Thậm, Thành rồi Đoan. Đi sau cùng là chị Ba. Gió mạnh tóc chị bay tung, áo quần chị bay bay trông thật là đẹp. Vầng trăng hạ tuần hiện lên mỏng manh ở phía tây không đủ soi sáng được cảnh vật và một chút nữa nó sẽ lặn hẳn vào biển đêm mênh mông. Teng đi, căng mắt nhìn xuyên  đêm tối về phía trước. Em nghe rõ tiếng thở của anh Thậm phát ra nhẹ nhàng phía sau. Anh chỉ dặn Teng một lần cách thức đi đứng ở dưới sông rồi không nói thêm gì nữa. Anh muốn để Teng hoàn toàn tự tin và chủ động. Bằng bước chân nhẹ như chân mèo và bằng hơi thở sát sau gáy, Teng nhận thấy anh đang hà hơi, đang nâng đỡ cho mình. Đoạn này chưa có gì, trảng rộng mênh mông, thằng lính biết chỗ nào mà phục kích, Teng có thể đi thẳng người, thậm chí có thể ngửa đầu ho gió vờn vào tóc mát lộng. Đôi lúc, gặp một vật gì đó mờ mờ trước mặt, em lại ngồi thụp xuống như đêm nào đi trong lô cao su với thằng Đảm để xác định đó là gốc cây, ụ mối hay lùm bụi  rồi mới tiếp tục đi nữa. Những người lính từng trải phía sau ngoan ngoãn làm theo em. Đối với họ lúc này, em là linh hồn, là vị thần dẫn đường đáng tin tưởng. Họ tôn trọng tài trí của em, tin ở em và sẵn sàng phó thác sinh mạng cho em. Tất cả trận đánh đều trông vào lần đột ấp thứ ba này, trông vào khả năng dẫn đường của Teng. Ý thức được điều đó càng đến gần bờ đê ấp chiến lược, bước chân em càng đi chậm lại. Em dồn tất cả sinh lực lên bàn chân để giẫm an toàn trên đất đai quen thuộc, dồn tất cả lên mắt, lên tai để phân biệt được mọi hình thù trong đêm tối, mọi tiếng động khác lạ cần giữ gìn trong muôn ngàn âm thanh lao xao. Toàn thân em căng ra, hòa tan vào đêm đen dày đặc. Em là người của trời đêm.
Bờ đê đây rồi! Em nằm xoài ra, chênh chếch trên thảm cỏ ướt sưowng. Sau em, mọi người cũng nằm xuống. Đợi chờ. Đây là trạng thái tạm dừng để bắt đầu dấn thân vào chặng đường nguy hiểm nhất. Anh Thành cũng trườn lên nằm ngang với em. Hai anh em hơi nghển đầu nhìn đăm đăm vào khoảng tối ngay trước mặt. Đấy là ấp chiến lược. Cây cối che lấp mái nhà. Bóng đêm che lấp cây cối. Tất cả đều đen thui, rờn rợn. Đó đây, những ngọn đèn dầu cháy leo lét trong những cánh cửa đóng kín hắt vào không gian cái ánh ma chơi, chập chờn. Teng lạnh người! Thôn ấp quen thuộc là thế, mới xa có mấy ngày mà đã trở thành xa lạ bí hiểm đến thế này hay sao? Trong cái khối đen đậm kia Teng mường tượng thấy nơi nào cũng đầy cạm bẫy chết người rình rập cả. Chỗ này mấy quả mìn mo hắt chiều cong vào giữa mặt, chỗ kia một đám mũ sắt im lìm, hình như kia là một họng súng đại liên, có lẽ chỗ đó đang ngồi chồm hỗm một con béc giê dữ tợn. Trong một thoáng Teng tối tăm mặt mày. Những hình quỷ, hình ma giăng hàng nhảy múa xông tới Teng. Đầu chúng quấn chằng chịt những giây mìn lạnh buốt. Em bất giác hơi lùi xuống. Lúc ấy, kề bên em, khuôn mặt nhìn nghiêng rất đẹp của anh Thậm vẫn bình thản như không. Anh nhìn sâu vào chết chóc mà lại mang nét mặt của người đi ngắm cảnh. Teng đâm ngượng. Teng nằm im… Em trườn lên và lia mắt quét một lượt về phía trước. Em nói anh Thậm nằm im đó rồi em luồn sâu vào chút nữa, tận chân đê bên kia. Teng bò rất êm, người như dán khít xuống đất, thoáng cái đã mất dạng. Ngoài này, Thành bấm vào bụng chân Đoan, tỉm tủm gật đầu ra ý nói: “Thằng nhỏ bò ngon lành quá! Như là dân đặc công thứ thiệt”. Đoan cũng gật đầu. Riêng Đoan anh đặc biệt yêu thích cậu bé này. Cậu bé thông minh và có cá tính quá! Mới ngần ấy tuổi đầu mà làm cái gì cũng suy tính như người lớn. Anh thầm nhận xét: thằng Út này hình như sinh ra để làm chiến sĩ đặc công thì phải. Được học hành cẩn thận, rồi nó còn tiến xa đây. Một lý do nữa để Đoan mê Teng có lẽ là vì hai anh em tuổi tác không chênh lệch nhau lắm nên cách nói năng, cách suy nghĩ dễ hòa hợp. Teng cũng vậy. Ngay từ đêm đầu nằm chung võng với Đoan, em đã cảm thấy mình quen anh ấy từ lâu lắm rồi. Thêm vào đó, tính Đoan lại đằm thắm dịu dàng mà trẻ em dù tính nết khác thường thế nào cũng hay thích ngọt. Giữa hai người hình thành một tình anh em pha lẫn tình bạn thoạt đầu đã gắn bó. Lúc này thấy Teng một mình bò vào, hơi lo. Đoan cũng bò theo.
Lát sau hai người trườn trở lại. Trở lại đột ngột như từ lòng đất chui lên.
- Em đi đâu thế? – Thậm hỏi thào thào.
- Coi tín hiệu đèn nhà bà Năm cơ sở. Chỗ này khuất, không thấy – Teng cũng đáp lại thào thào. Và từ bây giờ họ chỉ có thể trao đổi với nhau bằng những tiếng gió thào thào qua vành tai như thế.
- Có không? – Thậm hỏi tiếp.
- Có!
Thậm thở phào. Thế là bước đầu chót lọt. Bà Năm là cơ sở cũ của ấp, sau một thời gian nằm im vì chúng kìm kẹp dữ quá, nay ông Tư già móc ráp trở lại. Được thông báo tối nay lực lượng sẽ vào, bà treo cây đèn bão ngay ở cửa. Đèn tắt là chỗ định đột có lính nằm. Đèn sáng là an toàn, cứ tiếp cận.
- Nhà em chỗ nào? - Thậm lại hỏi.
- Đằng sau nhà bà Năm nhưng nằm sâu lút vào trong. Nhà bị tình nghi nó không cho nằm ngoài bìa ấp, sợ liên lạc với bên ngoài.
Giọng Thậm bỗng trở nên xa xăm:
- Thế nhà anh nằm ở đâu?
Teng chỉ vào một điểm mông lung:
- Sâu nữa, phía gần chợ. - Em quay sang Thậm - lúc trở về, anh có định ghé nhà bác Năm không?
Thậm im lặng lắc đầu. Em cũng thế, muốn lắm nhưng không thể ghé thăm má được. Teng nghĩ.
Lia mắt kỹ một vòng nữa, Teng chống tay ngồi dậy. Từ đoạn này, không thể đi khom được nữa, Teng và mọi người phải tiến theo kiểu ngồi xổm. Tức là cái kiểu cả hai chân tay đều dính xuống đất mà Teng mới được anh Đoan huấn luyện sơ sơ hôm qua. Động tác bò này không khó, hình như Teng ngày trước, trong khi chơi trốn tìm với đám bạn tí nhau đã làm rồi mà không để ý nên Đoan vừa nói một cái, Teng bắt trước đúng phóc. Cả bốn người hạ thấp độ cao dùng tay búng lá khô dọn chỗ bàn chân đặt lên, bò êm đến dãy chuồng bò hôi hám trước mặt. Đã hôi hám thì chúng nó chả dại gì nằm cả đêm mà ngửi hít bao giờ và chúng cũng không nghĩ rằng đối phương lại thích thú cái mùi vị ấy. Bằng phán đoán dựa trên sự quan sát tận amứt trước kia, Teng quả quyết như thế. Đúng như vậy. Chuồng bò dài hàng chục mét không có bóng một thằng lính, một trái mìn dăng sẵn nào. Em tiến tiếp, cảchân cả tay ngập trong phân bò nhão nhoét. Phân bò lâu ngày ủ mục, nay có tay người thọc xuống, hơi nóng bốc lên cay cả mũi. Một chút nữa thì Teng bật ra tiếng hắt hơi, may mà em kịp há rộng miệng ra. Kinh nghiệm này mấy anh hướng dẫn, bây giờ thử làm, Teng thấy hay quá. Cơn hắt hơi hình như theo miệng mà bay ra, tan biến. Đầu bên kia chuồng bò là cái rãnh thoát nước chạy thẳng ra đường cống ngầm ở cổng chợ. Cái rãnh sâu đến đầu gối lâu ngày không ai khai thông dọn dẹp nên đầy ngập những phân bò, phân heo, nước tiểu và lá mục. Hai bên rãnh, bắt gặp chỗ đất tốt, các loại cây gai, cây hoang dại thi nhau mọc lên, cành lá giao nhau có đoạn che kín cả rãnh. Đấy là con đường Teng phải dẫn các anh vượt qua, và chỉ có đi theo con đường rãnh ấy mới mong lọt qua sự phòng thủ dày đặc của chúng nó. Teng không tin thần phật nhưng lần này tự nhiên, như một sự xui khiến từ nơi tâm linh sâu thẳm, Teng cũng bắt chước má thầm cầu nguyện cho đừng có thằng lính nào ngồi phục ở trên miệng con rãnh này, đừng cho một ai vướng mìn vướng trái, làm sao cho tất cả đến được mục tiêu và trở về an toàn. Lạy phật.
Em gượng nhẹ bước chân xuống. Mùi mùn thối xông lên nồng nặc, rồi cả bắp chân tướp táp vì gai cào. Teng buốt xói tới tận óc. Teng ngừng thở. Em quay lại đằng sau: Mọi người cũng lần lượt nhúng chân xuống. Riêng chị Ba thì có vẻ lúng túng. Cái quần chị dài thượt, đã xắn lên rồi mà thỉnh thoảng vẫn tuột xuống. Nỗi lo cho mọi người khiến em quên cái cực nhọc của chính mình. Anh Thành đã lên, đi kế sau em. Tức cười! anh ấy to lớn là thế mà từ đầu đến giờ, mọi động tác cứ nhẹ nhõm như không, thậm chí lúc bò xổm, dòm còn thấp, còn gọn hơn cả mình. Anh ghé vào tai Teng:
- Đường khó đi, đưa súng đây anh mang.
Teng lắc đầu:
- Anh mang cho chị Ba ấy. Quen rồi. Bỏ súng bây giờ té mất
Một hơi cười nghịt trong mũi Thành. Teng ngoái nhìn xuống chân anh. Trời đất! Anh lội giỏi quá! Bùn đặc sệt đến tận đầu gối mà anh bước không có một tiếng động. Đôi chân anh giơ lên hạ xuống mềm mại như chân con cò. Teng cũng bắt chước và lập tức em thấy rõ tiếng ộp ạp dưới chân mình giảm đi rất nhiều. Xuỵt! Tiếng anh Thậm ra hiệu cho Teng chờ một chút. Anh quay lại thì thầm cái gì đó vào tai chị Ba. Chị Ba vội cúi xuống vốc bùn thoa lên đôi bắp chân sáng trắng của mình. Hồi chiều, thấy chị không được khỏe, anh Thậm có nói chị ở nhà song chị không nghe. Theo chị ngoài nhiệm vụ với tổ đặc công, chị còn có nhiệm vụ riêng về công tác tuyên truyền võ trang của chị. Chị tâm sự với Teng: xa ấp xóm mấy năm nay rồi, nhớ quá! Muốn thăm lại mấy con nhỏ bạn cùng học ngày xưa xem ra sao. Giờ đây, dù hết sức nhọc nhằn nhưng chị vẫn bám sát đội hình.
Ấp xóm im ắng quá! Im ắng tới nỗi họ như đang bước trên một khu đất hoang. Thế mới sợ. Thà chúng bắn đì đùng, la hét om sòm lại dễ chịu hơn, ít nhất là biết chúng có ở đây để đề phòng. Đằng này, tất cả như thực mà lại như hư. Cảm giác vũng tối nào cũng đều có chúng nó cả. Con rãnh càng đi càng sâu, mùi hôi thối càng phả vào mặt nhiều hơn. Đi đầu, Teng đã phải kiễng chân để khỏi ướt gấu quần đùi. Em bắt đầu thấy mệt. Khẩu súng ban đầu êm đằm là thế mà lúc này nó cứ nghiến vào cổ như cái vai cày. Quái ác, trên đầu cây lá vẫn không ngừng thản nhiên lao xao. Đâu đây có cả mùi hương bông bưởi! Teng ngửa mặt hít lấy hít để  cho đỡ xa xẩm vì cái mùi phân bùn ẩm ướt. Bỗng em nín thở. Hình như trong hương bưởi có cả mùi thuốc Bát-tô ngầy ngậy? Em hít vào một hơi thật sâu. Đúng rồi! Đúng mùi thuốc lính. Chỉ có lính mới hút cái loại thuốc quân tiếp vụ nồng lợm này. Mùi thuốc rê quen thuộc của bà con ngửi khác kia, nó giống mùi cây cỏ, mùi đất đang ải. Em cúi thấp thêm người xuống. Mọi người cũng làm theo. Mũi miệng như áp hẳn vào phân mùn. Mùi thuốc ngày càng khét. Teng phẩy tay ra hiệu tất cả dừng lại rồi rón rén đi lên. Như lần trước Đoan cũng đi theo. Được một đoạn, Teng không đi nữa. Em áp ngực vào thành rãnh và hơi ngó đầu lên. Đoan ngó theo. Trước mặt họ, trong một lùm chuối cách đường rãnh không đầy mươi bước, họ thoáng thấy có đốm lửa lập lòe như đom đóm Con đom đóm không bay, con đom đóm đậu im? Đốm lửa nhỏ quá! Mờ quá! Nếu không tinh không nhận thấy được. chắc thằng nào đang bụm tay đốt thuốc? Nghe kỹ, hình như có cả tiếng đập muỗi thật nhẹ, tiếng vải bạt cọ vào cỏ sột soạt.
- Lính rồi! – Teng nói.
- Sao bây giờ?
- Cứ đi! Đi cách nhau thật thưa. Chúng nó chủ quan không biết đâu.
Đoan quay mặt lại giả làm tiếng dế kêu ri ri. Đội hình lại lặng lẽ bước, súng lăm lăm xỉa về hướng bọn mai phục đang rình mò.
Bóng tối phía trước hơi ửng rạng. Loáng thoáng đã nghe có tiếng nói, tiếng cười, tiếng tôn thiếc va nhau. Sắp đến chợ rồi. Teng mừng quá! Phút chốc, em cảm thấy mình đang sải bước trên đường bằng, chan hòa ánh điện. Bỗng choang một cái! Em hoảng hồn ngồi thụp xuống. Trước am mặt em một dãy ống bơ đang khua như sấm. “lùi lại!” Thậm hô khẽ. Tất cả vừa lùi lại được vài bước thì gần như cùng một lúc, hàng loạt đạn vang lên chát chúa. Nhưng viên đạn mang lửa găm chóp chóp xuống ngay chỗ dãy ống bơ. Phân bùn bắn lên tận mặt Teng. Em ra hiệu lùi nữa. Những quả tạc đạn nổ theo rất đanh. Sau đó là trái sáng. Trái sáng tỏa lửa rực rỡ như pháo bông. Cảnh vật bỗng sáng trắng như ban ngày. Cả khu ấp bừng tỉnh. Chó sủa tắc nghẽn xen vào những loạt nổ. Thậm hô mọi người chìm sâu người xuống bùn, chỉ để hở mũi và mồm. Tất cả khéo léo víu lá che kín đầu. Nằm im. Đạn nổ một loạt nữa rồi thôi. Trái sáng cũng lịm dần. Nhiều tiếng giày đinh chạy xô tới chỗ ống bơ. Những bóng đen chật chội in lên nền trời. Một vệt đèn pin lia dọc theo rãnh. Cây lá um tùm ngắt dòng sáng ấy ra nhiều mảnh để rồi đứt đuôi ở trước mặt Teng. Một tiếng chửi đổng:
- Có cái mẹ gì đâu.
- Tao nghe thấy tiếng ống lon khua mà.
- Tao cũng nghe thấy.
- Thấy! Sao chẳng thấy cái cứt chó gì.
- Chắc là con chuột cống nào đi ăn đêm máng dây thôi.
- Tắt đèn đi! Chỗ cứt thối này làm đ… gì có Việt cộng mà lão đồn trưởng phòng hão.
- Về! Muỗi cắn thấy đĩ mẹ!
Vệt đèn pin lia dọc rãnh một lần nữa rồi những bóng đen biến mất. Tiếng giày xa dần. Teng hú vía! May mà có cơn mưa rào hồi chiều làm cho rãnh bùn nước lõng bõng chứ lệt xệt như mọi ngày thì chúng tìm thấy dấu lộ rồi. Em từ từ đứng dậy và chợt thấy áo quần mình nặng chịch. Những giọt nước nhớp nhúa bò từ cổ xuống ngực, xuống bụng buồn buồn, nhột nhột như có trăm ngàn con đỉa đang bám vào. Teng rùng mình. Phía sau, mấy anh chắc cũng chung một cảm giác như thế. Teng ngoái lại: không đúng! Rõ ràng thấy cái miệng anh Đoan đang cười còn anh Thành vừa phun khe khẽ ở đầu môi vừa đưa tay vắt vạt áo cho bùn chảy ra. Riêng chị Ba… Toàn thân chị co rúm lại trong nỗi ghê tởm khác thường và dưới ánh hỏa châu lơ lửng tít trên cao, Teng nhìn trong mắt chị thấy có nước. Teng nhăn mặt. Tội nghiệp chi Ba quá! Đáng nhẽ chị nên ở nhà. Em tự trách mình đã không tìm được một con đường sạch sẽ, khô ráo hơn con đường mắc dịch này. Nhưng thôi, không còn sớm sủa gì nữa, công việc chính là đột rào kia, sống cả thế này là quá hên rồi, đi đã. Em tiếp tục đi về phía trước. Và thật kì lạ: trong em không còn lo nghĩ hay sợ sệt gì nữa, tất cả tan biến, trước mắt chỉ hiện ra dòng sông bao la, dòng sông dâng lên… Dâng lên…
Đây đã là đoạn ăn sâu trong ấp và theo chỗ em biết thì càng vào sâu, sự phòng thủ của địch càng lỏng ra, thậm chí không có địch nữa. Tất cả lực lượng chúng nó đều tập trung cả ở vòng ngoài. Thế là coi như ta đang ở trong ruột chúng nó, có thể tăng tốc độ được. Em nâng cao người và bước nhanh hơn. Tới cạnh một hố bom đầy nước mưa, Thậm tắc lưỡi cho Teng đứng lại. Anh quan sát bốn xung quanh: Đây là một khoảng đất trống, rải rác những ngôi mộ xây cao thấp, cái trắng cái đen. Anh dừng lại leo lên bờ.
Nghỉ xả hơi hả anh? – Teng hỏi.
- Chỗ này chúng nó thường phục kích không?
- Ít lắm. Bãi trống, nó nghĩ ta không dám đi qua nên bỏ không.
- Tốt! – Anh vẫy tất cả lại. – Bây giờ tắm cái đã các đồng chí! Cứ một người tắm, bốn người cảnh giới. Bắt đầu từ cô Ba. Thật lẹ và kín đáo, đừng để dấu vết.
- Anh Hai… Thôi đi! Em chịu được – Chị Ba ngập ngừng nói.
- Chịu được cũng tắm. Sắp vào việc chính, rủi có sao cũng phải cho sạch sẽ kẻo chúng nó khi mình. Bắt đầu!
Giọng anh dịu dàng mà nghe như có tiếng thép lạnh bên trong. Chị Ba đành bước xuống mí nước.
Sau mười lăm phút, tất cả đội hình lại sạch sẽ tinh tươm như thường. Chị Ba mặc bộ quần áo ướt đã rũ sạch bó sát vào người. Đám con trai gội cả đầu đàng hoàng. Anh Thành còn đưa tay lên tóc rẽ ngôi nữa. Xong! Mát mẻ, thơm tho đến nỗi ai cũng ước cứ thế này ngả lưng xuống cỏ ngủ một giấc đến sáng thì tuyệt biết bao!
Thân thể được thoáng đãng thì cặp mắt cũng theo đó mà tinh tường hơn. Teng đã nhìn thấy khu vực chi khu ở xa xa. Nó nằm cách chợ một đoạn nên tất cả cái căn cứ gây tội ác ấy cũng nằm chìm trong bóng tối. Teng nhận ra nó bởi cái cây gạo cao lồng lộng tạc vào nền trời xám nghoét. Dưới gốc gạo là hàng rào thứ nhất. Nó im lìm như một con cọp ngủ với một tiểu đoàn bảo an nằm xung quanh những căn hầm bê tông của bọn đầu sỏ ác ôn. Em ước lượng từ đây ra đó khoảng ba trăm mét. Ba trăm mét ban đêm trông như vô cùng, vô tận. bên trái, khu chợ đã vắng người. Chỉ đón khách ăn đêm. Trên đầu, thỉnh thoảng bầu trời lại bị xé rách ra bởi một đường đạn lẻ loi cầm canh.
Đi thêm được một đoạn, Thậm ngồi xuống. Năm mái đầu chụm lại. Tiếng anh hơi run, có lẽ do xúc động:
- Các đồng chí… Thế là ta đã đến đích. Thật không ngờ… Tôi quy định đây là vị trí nguỵ trang và tập kết. Hai đồng chí Thành, Đoan và tôi cứ theo phương án mà đột vào. Muộn nhất là hai giờ sáng phải quay ra. Riêng út Teng – anh trìu mến đặt tay lên vai em. - Nhiệm vụ của em tới đây là xong. Cám ơn út nhiều lắm! Nếu không có Út đêm này thì… Bây giờ em ngồi đây coi quần áo với cô Ba. Đừng ngủ, chia nhau mà quan sát. Bọn anh trở ra, cùng về.
Teng lắc đầu quầy quậy:
- Không! Em không ngồi đây coi quần áo với chị Ba đâu. Chị ấy coi một mình được rồi. Cho em đi theo các anh với.
- Theo làm gì. Em đã biết bò rào thế nào đâu. Nguy hiểm lắm.
- Chưa biết, nhìn hoài sẽ biết. Cứ cho em theo.
Thành trợn mắt dứ dứ nắm tay vào trước mũi Teng. Doạ đùa:
- Có thành tích rồi làm phách hả. Ngồi đây. Ngồi nguyên đây.
- Anh ngồi nguyên thì có ấy - giọng út Teng đã nghẹn nghẹn.
- Xuỵt! Đừng nói to Út! Lần này ráng ngồi lại, lần sau bọn anh cho theo.
- Không! Cho theo lần này cơ. Biết thế em chả…
Đoan lúc này mới lên tiếng:
- Anh Thậm! Cứ để út đi theo tôi. Út sẽ nằm ngoài rào canh chừng cũng được.
Ngẫm nghĩ một lát, Thậm lắc đầu có vẻ khổ tâm:
- Chết thật!... Thôi thì chiều nó một lần vậy. Nhưng phải hết sức cẩn thận đó.
Teng “dạ” nghe ngọt xớt, nhìn sang Đoan đầy vẻ biết ơn, cố dấu một cái cười ma mãnh. Theo mọi người, em cũng bỏ quần áo ra, chỉ mặc độc một cái xi-líp mang theo từ sáng. Xi-líp của anh Đoan còn dư cho mượn mặc rộng thùng thình. Lần đầu tiên mặc loại quần này nên em cứ thấy chống chếnh thật tức cười. Đoan lôi trong túi xi-líp ra một gói ni-lông nhỏ. Đó là ruột pin đèn giã nhuyễn với lá khoai lang, Teng biết thừa đi rồi. Tò mò nhìn sang, em thấy Đoan chụm ngón tay quẹt ngang, quẹt dọc chất bột ươn ướt ấy vào người. Quẹt đến đâu, thân hình Đoan đen nhoà đi đến đó. Thú quá! Em cũng miết tay bôi lấy bôi để. Đoan đến cạnh nói nhỏ:
- Nằm xuống cho đỡ lạnh. Chút nữa xong anh bôi cho.
Em ngoan ngoãn nằm xuống và cặp mắt thì hướng lên. Đến cái trò này thì Teng hoàn toàn chịu rồi, không dám nói mạnh nữa. Quay qua bên cạnh, em thấy cả anh Thậm và anh Thành cũng đang chìm dần người đi. Quay lại, Teng ngớ người: anh Đoan chẳng thấy đâu nữa. Trước mắt em là một hình thù gì không rõ lẩn vào màu đen cây cỏ. Cái hình thù ấy mỏng dẹt xuống đất. Chìm vào đất. Như đất. Từ cái mảng đất ấy bỗng sáng lên một miệng cười. (Ban đêm hàm răng sao trắng thế) Một miệng cười nho nhỏ. Anh Đoan rồi! Thích quá! Teng chạy à tới ôm chầm lấy Đoan:
- Anh làm thế nào mà tài thế?
Đoan đẩy Teng ra:
- Kìa! Hư hết nguỵ trang của anh bây giờ. Nằm xuống! Đến lượt Út.
Như được tầm quất, Teng nằm sấp rồi lại nằm ngửa khoan khoái để mặc cho anh Đoan mơn man những ngón tay đầy than đen vào khắp thân thể. mặt mũi mình. Trước mắt Teng lại hiện lên một hàm răng nữa nhưng lớn hơn. Anh Thành rồi! Hay quá! Đêm tối, toàn thân đen xịt, nếu như không có những miệng cười to nhỏ khác nhau thì chịu, chả biết anh nào vào anh nào!
- Xong! Anh Đoan vỗ nhẹ vào lưng Teng.
Teng ngoắt người ngồi dậy ngoẹo đầu, ngoẹo cổ dòm lom khom vào thân thể mình. Kỳ không! Ảnh đâu có trát kín vào da thịt mình như trát vữa mà bôi vằn vện từng đám loang lổ như da con hổ! Vậy mà sao giống mảng cỏ dữ hề. Em nằm xuống trườn mấy cái và nhe răng ra cười. Thế này thì ông cố nội nó cũng không nhìn thấy nữa là nó. Em trườn thêm mấy cái nữa và suýt chạm bàn chân chị Ba. Chị đang ngồi thu lu, mắt dõi ra xung quanh canh chừng cho mấy anh làm việc. Teng tinh nghịch kêu ri ri mấy tiếng thật khẽ rồi ngắt cọng cỏ gại gại vào bàn chân chị. Tưởng có con dế nào đó bò lên chân mình thật, chị đưa tay gãi gãi. Teng lại gại nữa. Lần này chị nhìn xuống và phát hiện ra cái miệng nhỏ xíu của Teng đang cười.
- Út đó em! Theo mấy anh ráng thận trọng. – Chị đưa những ngón tay mềm mại lạnh cóng vuốt vuốt lại mớ tóc cứng queo của Teng đang bị gió thổi rối tung. – Chuyện này không đùa giỡn được đâu.
Teng nghe thấy giọng chị buồn buồn. Mắt chị mở to đựng cả vầng sáng nhạt nhòa từ một điểm rất xa hắt lên trời. Teng biết nơi đó là Sài Gòn. Ánh điện Sài Gòn. Quầng sáng bên phải, mờ hơn một tí là Biên Hòa. Sài Gòn … Biên Hòa, cuộc sống nơi đó suốt đêm ngày sống động. Và ở đây, trên một khu gò mả hoang vắng có những con người nhỏ bé đang chìm mình vào trong lòng đất để chui sâu vào đồn giặc…
- Chị nghĩ ngợi gì vậy chị Ba?
- Không… Không có gì. Em ra với mấy anh đi! – Giọng chị nghe thảng thốt.
Chắc chị nhớ nhà, nhớ bạn bè, hay nhớ cái thời còn cắp sách đi học ở thị xã Bình Dương? Anh Đoan bảo ba má chị không còn ở trong ấp nữa mà dọn về thị xã để tránh bom đạn cả rồi.
Sau khi kiểm tra lại một lần cuối cùng mọi thứ, thu dọn dấu vết, quần áo linh tinh và súng dài gom vào chỗ chị Ba, anh Thậm ra lệnh bắt đầu tiền nhập. Mỗi anh bò về một hướng, thoáng cái đã mất tăm. Teng bám sát gót chân của anh Đoan.
Lúc này đồng hồ của anh Đoan chỉ mười giờ.
Anh Đoan bò thật nhẹ, thật êm giống như dáng bò của con thằn lằn. Cỏ non tỏa mùi thơm ngầy ngậy. Dưới cỏ là đất. Mảnh đất nồng nồng ngai ngái quen thuộc đã gắn bó với em suốt cả một thời đi trâu, đi học. Em áp sát mặt xuống nữa. Gót chân phía trước dừng lại đột ngột. Teng nhìn lên: hàng rào kẽm gai đã chắn ngay vào mắt. Cái hàng rào gai này đã quá lâu ngày nên cây cối chen nhau phủ kín. Trước kia, Teng biết, từ lớp rào bùng nhùng đầu tiên này vào đến sân đồn là còn năm hàng rào các loại nữa: loại mái nhà thấp lè tè để chắn xung phong, loại lưỡi lam sắc như nước để chống chui luồn, rồi loại đơn, loại kép vân vân… Nhưng dạo này, đánh hơi thấy có sự đe dọa, thằng Đảm báo ra chúng đã tăng lên chín hàng rào và tăng cường gài trái, đào hào dày đặc. Nằm ngoài hàng rào, nhìn sâu vào trong, Teng chỉ thấy những ụ súng, lô cốt, mái nhà mờ mờ như những con quái vật đang lè lưỡi liếm răng, riêng cây ăng ten ở hầm thằng chỉ huy thì cao vượt hẳn lên, chọc thẳng vào bầu trời. Mục tiêu đồ sộ, to lớn quá, Không hiểu mấy anh mần ăn thế nào đây? Điều này nằm ngoài trí tưởng tượng và hiểu biết của cậu bé mới trải qua hai lần bẫy chông và đặt mìn. Bất giác em cảm thấy mình hết sức nhỏ nhoi trước con ngoáo ộp khổng lồ này. Em chờ đợi ở anh Đoan với sự thụ động hoàn toàn.
Sau khi nghển cổ nhìn rất lâu, lâu lắm vào bên trong như để thăm dò động tĩnh, anh Đoan kéo tai Teng lại gần:
- Bây giờ em nằm ngoài này, anh vào. Nếu có động dạng gì trong ấy, cứ để mặc anh, em chạy ngay về chỗ chị Ba.
Không! Teng định cãi lại nhưng biết chỗ này gần địch  lắm nên im lặng nhưng bụng lại thầm nhủ sẽ làm theo cách của mình.
Anh Đoan áp mặt vào hàng rào. Lỗ rào chỉ to bằng bàn tay, anh làm sao mà chui lọt được nhỉ? Teng còn đang băn khoăn thì anh Đoan đã lấy ở túi sau xi-líp ra một đoạn móc sắt nhỏ xíu. Anh thận trọng căng hai đầu lỗ rào rộng ra… Rộng nữa… Và nhét đầu vào. Gọn quá! Teng trố mắt ra như người xem xiếc. Đầu vào hết, anh Đoan uốn lượn thân mình mấy cái như con rắn mối, thế là cả thân hình tuồn gọn qua lỗ rào không chạm một tí nào vào dây thép cả. Teng cắn môi làm theo. Thoạt đầu hơi lóng ngóng một tí, chân tay hơi run một tí nhưng rồi đầu và vai cũng lọt. Em tiếp tục trườn qua và chắc mẩm: mình bé nhỏ thế này, nhất định phải chui dễ hơn anh Đoan. Nhưng không phải như thế. Đưa được cái bụng qua, đến lượt, cái hông thì bị gai kẽm móc lại, buốt nhói lên tận óc. Em cắn răng để không kêu lên một tiếng và cố giữ cho đôi chân đừng run. Run bây giờ là cả hàng rào sẽ khua lên xủng xẻng ngay. Ưỡn lưng nhẹ một cái cho cái gai kẽm rời ra khỏi da thịt, em nhích lên được một chút. Đau quá… lát sau em đã nằm bẹp xuống bên cạnh anh Đoan, thở hổn hển. Đoan giật mình quay lại, nhận ra Teng anh chau mày tỏ vẻ rất không bằng lòng. Sợ sệt nhìn anh một lát, không thấy anh tỏ dấu hiệu gì, Teng mới dám phóng tầm mắt lên phía trước. Từ đây chỉ còn là rào và đất trống hơ trống hoác, không còn một bụi cây che khuất nào nữa. Nhìn xuyên qua nhứng lớp rào ma quái. Teng nhận ra thằng gác đang ngồi lù lù ở trên bờ thành. Nếu thỉnh thoảng nó không ngọ nguậy cái đầu thì chả ai biết đấy là người cả, cứ tưởng cái cọc, cái ụ nào. Bên cạnh nó, cách chừng mười thước, lại có một bóng đen nữa… Bóng nữa. Trời! Thì ra chúng nó ngồi giáp vòng sân đồn, đang chú mục nhìn ra hàng rào. Em thấy lạnh buốt ở lưng như ánh mắt của chúng đã chờn vờn đậu trên da thịt mình rồi. Bên cạnh, hơi thở của anh Đoan hình như dồn dập hơn. Teng biết, từ đây mới là đoạn đường gay go nhất. Choác! Một viên đạn từ trên bờ tường bắn xuống, cày đất lên ngay trước mặt em. Lộ rồi! Teng hoảng hốt và một chút nữa nhổm người chui ào ra nếu không có bàn tay anh Đoan gằm đầu xuống.
- Chúng bắn hù dọa.- anh Đoan thì thào. – Bò đúng đường anh bò. Lệch một chút là ăn trái đấy.
Teng gật đầu theo thói quen mà trong bụng run quá! Em không còn hiểu mình đang nằm ở đâu nữa. Cứ chơi va chơi vơi. Biết thế hồi nãy… Gằm mặt sát đất, chỉ giương hai con mắt lên chiếu thẳng vào thằng gác, anh Đoan trườn tiếp. Trườn sát bụng, trườn rất chậm như không trườn gì cả. Teng như cái máy làm theo nhưng em không dám nhìn lên. Nhìn lên lúc này nó sẽ thấy mắt mình mất. Em cũng trườn rất chậm, trườn như không trườn gì cả.
Đã đến hàng rào thứ hai. Bóng thằng gác to lớn. Cây ăng-ten ở hầm chỉ huy sở cao hơn. Và trong bụng Teng cũng yên tĩnh hơn. Hóa ra chúng nó mù. Bám dính theo anh Đoan, Teng phục quá! Từ chỗ phục Teng dần dần thấy hết sợ, thấy hết chống chếnh. Đến bây giờ thì Teng hoàn toàn yên tâm rồi. Em nhướng mắt lên, nhìn trừng trừng về phía trước. Mày ở trên cao nhìn xuống toàn tối thui, sức mấy mà thấy. Tao ở dưới thấp nhìn lên lại thấy mày rõ mồn một. Chính lúc này Teng chợt phát hiện ra cái bóng đen bên trái thằng gác không phải là người thật mà là hình nộm. Cái hình nộm cũng đội mũ sắt, cũng cầm cái gì dài dài như khẩu súng. Rõ ngớ ngẩn, người gì mà lại ngồi im như chết rồi lâu thế, ít nhất cũng phải giả vờ cụ kịa mấy cái gọi là, người ta mới tin chứ, Teng bĩu môi một cái.
Kìa! Phía trước, anh Đoan đang làm cái gì như múa? Bàn tay anh đưa lên đưa xuống, đưa qua đưa lại trước mặt như người mụ sờ soạng? Bàn tay ấy bỗng dừng lại nửa chừng rồi chụm lại vuốt theo một sợi dây vô hình gì đó. Vuốt chếch xuống… Chếch xuống nữa và nằm im. Teng hoảng hồn: dưới tay anh là một trái mìn mo xám xịt nằm ẩn trong cỏ như một con rắn độc. Trời! Thì ra anh đang rà mìn. Anh đang nhẹ nhàng rút cái kíp nổ ra, đặt êm xuống đất. Thế là trái mìn vô tác dụng. Ghê quá! Nếu tay anh không chạm được sợi dây dăng ngang ấy thì chốt sẽ tuột khỏi và trái mìn phát nổ. Nổ một tiếng thôi, cả hai anh em sẽ vắt người lên hàng rào mà chết. Ngày trước, chính mắt Teng đã trông thấy một con bò vướng mìn chết banh xác như thế rồi! Anh Đoan đã nhích thêm được một nấc nữa. Teng vẫn còn run. Không cái run nào giống cái run nào! Từ đây vào đến đấy, không hiểu còn phải run mấy lần nữa đây?  Nghe mấy anh kể còn phải đối phó với chó, với ngỗng, với hào nước có dòng dây điện cao thế, với đủ mọi thủ đoạn độc hại khác. Tuy thế, Teng vẫn không rời anh Đoan một li. Đôi gót chân anh luôn luôn ở trước mặt Teng. Đôi gót ấy dừng, Teng dừng. Đôi gót ấy động đậy, Teng trườn theo. Hai người liên lạc với nhau bằng sự động đậy của đôi gót chân đen kịt. Một lần nữa em lại tỏ ra hoang mang. Biết thế lúc nãy… Teng nằm cứng đơ. Em cho rằng lúc này chỉ cần ngọ ngoạy một chút là cái dây trái lạnh buốt sẽ ngoằng vào người như tấm mạng nhện này. Ấy vậy mà anh Đoan vẫn vươn tay lên như múa, lại như ông Ba chủ tiệm kim hoàn ngoài chợ suốt ngày vân vi bàn tay mềm như bún lên những đồ trang sức nhỏ xíu, óng ánh. Teng cảm giác trên mỗi ngón tay của anh Đoan đều có một con mắt soi tỏ đêm tối. Bàn tay của anh Thậm, anh Thành chắc cũng có mắt như vậy hết, cả ba anh cùng lúc này chắc cũng đang nhích dần từng nấc. Anh Thậm nói: “Muốn diệt được cái chi khu ác ôn này, người chiến sĩ trinh sát phải bò vào tận gan ruột chúng nó mà sờ nắn, mà đếm được từng hầm hố, từng ụ súng, từng lỗ châu mai mới ăn thua”. Sờ tận gan ruột! Teng khoái lắm, nhưng bao giờ mới sờ được vào ruột gan chúng nó? Teng sốt ruột quá! Phía trong ấp, gà đã gáy canh hai rồi! Còn ba lần gà gáy nữa là trời sáng, sao đây? Nhìn lên, Teng vẫn thấy gót chân anh Đoan nhích từng phân lên phía trước, thậm chí có lúc lâu không xuy xuyển gì như không cần biết thời gian đang trôi vù cù trên đỉnh đầu. Chết! Hay ảnh ngủ quên? Im ắng, gió mát rười rượi thế này là dễ ngủ quên lắm. Teng vừa định thò tay lên cấu vào gan bàn chân anh thì cả đôi bàn chân ấy lại tiếp tục nhúc nhích. Choác! Choác! Hai viên đạn xẹt lửa kéo một đường nóng rát gáy ngay trên lưng Teng.
Em giật nẩy người. Chính lúc ấy, đôi chân của anh Đoan chuyển động nhanh hẳn lên.A ra thế, Teng hiểu rồi! Khi nó bắn tầm bậy tức là chúng vẫn hoàn toàn mù, tranh thủ mà bò lên! Teng trở lại sự vững dạ ban đầu. Trời hơi se lạnh mà toàn thân Teng ướt đầm mồ hôi như tắm. Đầu óc Teng bỗng chùng xuống. Đêm nay gió nhiều và lạnh thế này chắc má lại ho. Má ơi! Nếu lúc này má biêt con má đang nằm ở đây, giữa bao nhiêu vòng rào mìn trái, rất gần má thế này? Nếu má biết rằng... Vừa lúc đó, bàn chân anh Đoan thúc khẽ vào đầu Teng. Đấy là dấu hiệu trườn trở lại. Teng thấy nhẹ cả người và em bắt đầu lết bụng ra theo đường cũ. Đến lúc này em mới hiểu khi ra cũng khó khăn chẳng kém đi vào. Vẫn nhích từng phân đất, mà lại phải nhích giật lùi, vẫn phải lần lượt chui qua từng lỗ rào, tránh né từng dây trái. Riêng anh Đoan lúc ra phải làm bao nhiêu là động tác. Dưới bàn tay tỉ mẩn của anh, đoạn rào vừa bò trở về dạng kín như cũ, ngày mai khi nắng lên, bọn lính có chúi mũi vào cũng không nhận ra một dấu vết gì khác lạ. Mỗi tối bò một chút, lớp rào này phải bò ít nhất là bốn đêm mới hết được. Leo ơi! Kỳ công quá! Phải như Teng, em chỉ bò một lần, được hay không được cũng nổ súng đánh thí đi. Bóng thằng gác dần dần nhỏ hơn, nhòa hơn. Cho đến khi em cảm thấy phía chân mình trống và có nhiều sương tẩm vào đùi lạnh buốt thì nửa người em đã lọt ra ngoài. Chỉ đến lúc đó em mới thở phào và chợt cảm thấy bụng và ngực mình rát bỏng. Em đưa tay rờ lên và bần thần: hầu như chỗ nào cũng sây sát rớm máu cả. Chắc anh Đoan và mấy anh cũng như thế? Một thoáng tự hào bâng quơ dội lên trong lòng em. Chắc anh Đoan không cười mình nhát gan đâu. Ảnh biết bụng mình nghĩ gì mà chê! Teng mỉm cười một mình.
Khi hai người ra khỏi vùng rào một đoạn, Đoan bỗng quay lại ôm chặt lấy Teng, xuýt xoa:
- Út giỏi lắm! Lần đầu mà như vậy là hiếm đấy. Có đái ra quần không? Anh lần đầu chui vào rào cứ mắc hoài.
Teng chột dạ và đỏ mặt chợt nhớ cái lúc ở lớp rào thứ hai, hình như em cũng có tè... thì phải. Út ngượng quá không dám nghĩ nữa.
Đến chỗ hẹn, Teng đã nhìn thấy anh Thậm và anh Thành ngồi thu lu ở đấy rồi. Vừa thấy Teng, anh Thậm đã vội chụp lấy vai em, hỏi:
- Sao, chú nhỏ? Mọi việc ổn cả chứ?
- Ổn! – Teng gật đầu trả lời tỉnh bơ như một người chui rào sành sỏi.
Đoan kéo tay Teng ngồi thấp xuống, vui ve thông báo:
- Bữa nay thằng út cừ khôi không ngờ đấy. Dám chui thoe tôi tới ba lớp rào kia.
Thành lừ lừ đi tới, đưa bàn tay to, rắn như gỗ lim siết lấy bàn tay bé mềm của Teng:
- Giỏi! Thằng này giỏi! Cho bắt tay cái nào đồng chí!
Teng cũng ưỡn ngực siết chặt lấy tay Thành với tất cả dáng vẻ bình đẳng và già dặn khiến Đoan phì cười. Chị Ba ở đâu đi tới phủ lên vai Teng tấm áo, thì thầm;
- Tội nghiệp Út! Lạnh run lên rồi đây nè! Ngậm miếng gừng cho ấm đi em.
Teng cầm lấy miếng gừng vừa mặn vừa cay đưa vào miệng nhưng áo thì lại cởi ra. Mấy anh cũng lạnh nhưng có cần khoác áo đâu. Chiến sĩ đặc công mà động một tí phải khoác áo là xoàng. Miếng gừng thấm đẫm ở đầu lưỡi rồi lan ra khắp cơ thể khiến Teng ngây ngất. Lúc này nhìn xuống mấy anh chị sao thấy thương ghê! Teng cứ muốn lăn vào lòng từng người mà líu lo kể lại câu chuyện bò rào toát mồ hôi vừa rồi.
- Chị Ba, em đói! – Teng nhõng nhẽo.
Mới nghe thế, chị Ba đã có vẻ cuống:
- Ấy chết! Đói hả? Ừa! Ăn từ lúc ba giờ chiều đến giờ rồi còn gì. Rồi! Chút xíu nữa vô ấp, chị Ba kiếm đồ ăn cho Út. Đi được chưa mấy anh?
- Được rồi! Bây giờ chúng tôi đi theo cô Ba và nghe cô Ba hết. Thậm nói và hối mọi người mặc quần áo vào.
Đêm càng về sáng càng vắng lặng khác thường. Giờ này là giờ giấc ngủ của bà con sau một ngày lao động cực nhọc đã đi vào độ sâu nhất, giờ này cũng là giờ bọn lính, bọn mật vụ sau những phút giây căng thẳng canh phòng cũng trùm đầu ngủ kỹ với suy nghĩ rằng, Việt cộng chập tối đã không vô thì thôi chứ bây giờ còn vô làm gì nữa. Thế là khu ấp trở về cái khoảnh khắc thanh bình của đêm. Cây cối dường như cũng thiu thiu ngủ, cái hương vị êm đềm, thơm thoảng tan hòa vào gió, vào mọi tiếng rì rầm. Lúc ấy, có lẽ chỉ còn những con đom đóm lập lòe xanh biếc là nhìn thấy những chiến sĩ thân yêu của thôn xóm đang đi dần vào ấp. Đom đóm nhìn thấy nhưng đom đóm vẫn chỉ lập lòe. Đom đóm bao giờ cũng là bạn bè của những người lính đi đêm. Đom đóm đang lấp lánh trước mắt Teng. Ánh đom đóm quen thuộc gợi nhớ những đêm hè  yên ả chỉ có tiếng trẻ con chơi chạy quanh làng, cái thời kỳ bà con chưa bị dồn vào vòng rào gai ấp chiến lược. Đom đóm… Bước chân Teng đi lâng lâng. Mỗi thước đất, mỗi vị trong đêm đều rất đỗi thân thuộc, gần gụi em. Giây phút ấy, em cứ muốn lướt chân theo ánh đom đóm bay để về nhà, sà vào lòng má. “Má ơi! Con đói. Con cơm nguội không, con miếng…”. Mải mơ tưởng, mũi em chút nữa đập vào tấm lưng to tướng của anh Thành. Tiếng anh truyền xuống:
- Tản ra cảnh giới để cô Ba vô nhà làm việc
- Làm việc gì hả anh?
- Xuỵt! Thành đưa một ngón tay lên miệng và chỉ về phía chị Ba đang từ từ bước đến cảnh cửa của ngôi nhà trước mặt.
Nghe lời anh Teng cũng chọn một gốc cây kín đáo ngoài sân và chĩa súng ra đường bò để đề phòng có lính đi tới. Tuy vậy, tai em vẫn giỏng về phía ngôi nhà. Có tiếng cọc cọc rất khẽ. Hình như chị Ba gõ cửa. Lại cọc cọc nữa. Rồi im lặng. Họ không mở à? Không kìm được, Teng ngoái lại. Chị Ba vẫn đứng im lìm trước cửa. Teng đứng hẳn lên. Lúc này thì em nhận ra đó là nhà của ông Bảy xe bò. Em biết ông Bảy quá mà. Tính ông hiền khô, cả ngày chả nói một câu nhưng lại hay cho quà bọn trẻ. Ông Bảy ở với bà Bảy, con cháu đi đâu hết, Teng không biết. Thỉnh thoảng Teng có chạy qua gánh nước, tưới rau cho ông để được ông kể cho nghe đủ thứ chuyện. Ông Bảy cưng Teng lắm, để Teng gọi cho. Nghĩ vậy, em buông xuôi cây súng đi tới chỗ chị Ba. Chị chưa kịp hiểu gì cả thì Teng đã ghé sát miệng vào khe cửa gọi nhỏ:
- Ông Bảy ơi ông Bảy? Cháu gọi cửa ông đây nè! Cháu là Teng nè.
Teng gọi vừa dứt thì trong nhà, tận phía giáp tường, bỗng vang khẽ tiếng giát giường cót két rồi tiếng dép lệt xệt đi ra. Một lát có tiểng hỏi thào thào qua khe cửa:
- Ai đó? Ai gọi cửa đêm hôm vậy đó?
- Cháu đây mà ông Bảy! Teng đây mà.
Tiếng lạch cạch rồi cánh cửa mở hé ra. Một khuôn mặt già nua, tóc bạc trắng xuất hiện. Đôi mắt đùng đục ấy chớp chớp:
- Trời! Thằng Teng thiệt sao? Mi còn sống hả? Sao bọn lính nó kêu bắt được mày, chôn sống ngoài bãi sông rồi. Tội nghiệp bà già mi, mấy bữa nay… Chợt nhìn thấy chị Ba, ông già hơi sửng lại – Lại còn ai đây nữa?
Chị Ba vẻ xúc động nhích lên một bước cho ông già nhìn rõ mặt rồi mới nói khẽ:
- Con đây mà chú Bảy. Chú không nhận ra con sao?
Ông già chớp chớp mắt mấy cái nữa rồi vầng trán nhăn nheo đột ngột sáng bừng lên:
- Ủa con Ba! Con Ba huyện đội đây mà. Bây đi đâu kể từ bấy đến giờ để bà con… Thôi! Vô nhà đi hẵng. Có đứa nào coi chừng ngoải (ngoài ấy) chưa?
- Rồi chú! Coi chừng giáp vòng, chú khỏi lo.
Cánh cửa đóng ập ngay lại. Ông Bảy khêu to ngọn đèn hoa kỳ và cứ ngó chị Ba đăm đăm:
- Tao nghe tiếng gõ cửa từ đầu nhưng đâu dám mở. Độ này chúng nó hay giả tảng người của ta đi gõ cửa ban đêm lắm. Không biết, mở ra là bị bắt liền. Mãi sau mới nghe tiếng thằng Teng tao mới dám cụ kịa đấy chớ.
Nói đến đó, bà Bảy từ trong buồng đi ra mang theo một xấp bánh ít đến cạnh Teng:
- Ăn đi con! Ăn cho thiệt no rồi gói lại mang cho mấy đứa ngoài kia. Tội nghiệp, đêm hôm khuya khoắt mà còn lặn lội – chợt nhìn thấy chân tay mặt mũi Teng đen nhẻm, bà tròn mắt – Người ngợm chui ở đâu ra mà kỳ vậy Teng?
Được hỏi, Teng định vanh vách tuôn ra hết mọi chuyện nhưng chị Ba vội át đi:
- Có chui chỗ nào ra đâu thím! Nó té xuống đống tro ủ nhà người ta đấy.
Teng cười! Tí nữa thì làm lộ bí mật hết trơn. Teng cứ tưởng đối với ông bà Bảy thì chẳng cần giấu gì. Thiệt là làm chiến sĩ đặc công không ngon tí nào. Trong khi bà Bảy vừa bóc bánh cho Teng ăn vừa xuýt xoa kể lại bọn lính tung tin nhảm về nó thế nào, kể về nó vật vã như điên như dại ra sao thì bên kia ông Bảy vẫn không thôi xếch đôi lông mày lên:
- Đêm nào cũng thức chờ tiếng gọi cửa của tụi bay mà không thấy. Rầu lắm Ba ơi!
- Từ nay tụi con lại trở về đây rồi, lại nhờ bà con giúp đỡ. Đã đến lúc không thể để cho chúng muốn làm gì thì làm được nữa.
- Hay lắm! Tuổi già như tao chỉ cần dòm thấy mặt tụi bay là vui bụng. Sao Ba? Kỳ này đánh lớn chớ! Đánh chết mẹ chúng nó đi. Sống hoài thế này chịu không có nổi. Lòng dạ ai cũng cùng ý nghĩ ấy nhưng không có người châm ngòi. Nay có tụi bay rồi. Nào! Tụi bay cần tao làm cái gì? Giúp cái gì nào?
Chị Ba nắm chặt lấy bàn tay xương xẩu của chú Bảy, không dấu được sự xúc động:
- Chú Bảy… Tụi con cứ tưởng chúng nó kìm kẹp dữ thế bà con ngán mà không dám nhìn nhận tụi con. Đêm nay… Dạ! Nhất định là phải đánh lớn chứ ạ nhưng trước hết phải có sự ủng hộ của bà con cô bác thì tụi con mới có sức làm ăn được. Thế này nghen chú Bảy: ngày mai chú tới gặp những gia đình cơ sở trước của ta bây giờ nằm im. Tùy theo thái độ từng người mà chú nói tụi con đã có mặt ở ấp xóm, cách mạng không bị tiêu diệt, cách mạng vẫn còn sống và ngày một hùng mạnh. Chú nói làm sao cho bà con phấn khởi tin tưởng để nếu có việc thì xáp vô một tay.
- Được! Cái đó bay tin tao. Tao biết ai nên nói, ai không nên nói. Gì nữa?
- Dạ! Thứ hai, chú tổ chức những người ấy trữ sẵn một ít gạo mắm trong buồng để tiện dịp chúng con sẽ vô lấy mang ra cứ.
- Được! bọn bay cần bao nhiêu chúng tao lo được hết. Gì nữa?
- Đồng thời qua những cơ sở nòng cốt, chú nắm tin tức mọi mặt cho con.
- Nắm tình hình chúng nó, nắm tình hình bà con phải không? Được.
- Và chú ý nắm sâu vào cái chi khu xem mỗi ngày chúng nó có thay đổi gì?
Mắt ông già sáng lên:
- Sao? Tụi bay tính mần thiệt cái chi khu ấy hả. Ngon! Ngon quá xá – ông phát nhẹ vào đùi với vẻ cực kì khoái trá – Được! Cái thằng này để chính tao nắm cho. Thế bao giờ đánh.
- Chưa đâu chú Bảy ạ! Là tụi con cứ thu thập cho hết rồi tính.
Mặt ông già bỗng ỉu xìu:
- Vậy mà tao tưởng mần ngay chớ.
Ngồi bên này, mặc dù ruột gan đang cồn cào nghĩ về má nhưng Teng cũng thấy sốt ruột. Lạ hè! Thì chị Ba cứ nói tuột ra có phải bà con mừng không. Cậu bé mấp máy môi định nói thay thì một lần nữa chị ý tứ đưa mắt cho nó rồi nhanh nhảu đứng dậy:
- Thế thôi chú Bảy nghe! Nếu không thay đổi. Đêm mai tụi con sẽ ghé vô nữa. Con đi đây.
- Khoan! – Ông Bảy ngăn lại, quay mặt qua bà Bảy nói: bà vào xúc mấy chục lon gạo ngon đưa cho tụi nó. Đưa luôn bình mắm nêm nữa. Đưa hết, không giữ lại cái gì cả. Còn mấy táp thuốc rê, dỡ xuống gói lại.
Trong khi chị Ba chưa kịp nói gì thì ông Bảy đã hỏi tiếp:
- Bây giờ đến tao hỏi mày. Một: thằng cha Tư Đờn vẫn là người của đằng mình đó chớ? Vẫn là người thay mặt Đảng cao nhất ở đây đó chớ?
- Dạ! Chú Tư vẫn vậy. Nhưng gần đây chú đang bị tụi nó nghi nên chú không thể dàn mặt đến từng nhà gặp bà con được. Vả lại, chú phải đảm nhiệm cả năm ấp nên càng cần phải giấu mặt.
- Được! thứ hai: Tao có nên đến gặp bà già thằng Teng để nói bả biết tin thằng Teng vẫn còn sống không?
- Dạ, cái đó chú khỏi lo. Chúng con đã có cách nói vào lúc thích hợp nhất. Còn gì nữa không chú?
- Thứ ba: - chú đập tay vào ngực mình – Riêng tao, tao đề nghị việc khó mấy cũng giao cho thằng già này, kể cả việc giao cho tao cây súng nhảy vào bắn bể sọ cái chi khu chúng nó.
Chị Ba cười gật đầu rồi hai chị em nhận từ tay bà Bảy một cái túi to tướng. Ra đến cửa, bà Bảy còn giúi vào tay Teng mấy gói thuốc lá thơm, dặn khẽ:
- Mang ra cho mấy đứa ngồi ngoài kia. Tội nghiệp đêm hôm…
Tiếng nói hiền dịu của bà Bảy theo Teng ra đến tận ngoài sân. Tiếng nói ấy lại nhắc nhở Teng nghĩ đến má. Ba mới chết, má còn chưa lại người, nay lại tưởng con chết nữa thì má sống làm sao! Lại còn bị hạch lên hạch xuống nữa. Gió đêm đưa mùi nhang khói nhà ai đậu vào mũi Teng. Trời! Biết đâu giờ này má cũng lại nhang khói khấn vái cho mình. Thương má không kìm được, Teng để mặc cho nước mắt chảy ra. Anh Thậm đến bên em, hỏi khẽ:
- Út! Làm sao em khóc?
Teng cắn môi lắc đầu. Một lát, em cầm tay chị Ba, giọng nghẹn lại:
- Chị ba! Nhà em ở gần đây, bên kia lô cao-su, chị cho em chạy về thăm má một chút rồi ra ngay. Được không?
Chị Ba im lặng, nhìn sang anh Thậm. Anh Thậm nhìn lảng đi.
- Không sao đâu mà. Em ra ngay. Hay… Chị cứ dẫn mẫy anh ra sông trước.
- Không được đâu Út à – tiếng nói chị Ba cũng rưng rưng – Chị hiểu em nhưng chưa được đâu. Chú Tư đã nói mấy bữa nay đêm nào chúng nó cũng phục kích quanh nhà em để đón lõng em về. Đi bây giờ nghuy hiểm lắm. Vả lại cũng muộn rồi, em cần phải ra sông ngay. Chuyện má để chị lo. Ngày mai, chính chú Tư Đờn sẽ tới gặp má nói chuyện. Để em gặp má không tiện đâu. Chúng ta đang cần hết sức giấu mình để làm việc chính. Em xem, anh Thậm xa nhà gần chục năm rồi, ảnh cũng muốn gặp ông già lắm nhưng ảnh có đòi đâu. Công việc trên hết Út ơi! Mần xong, chị để em tha hồ gặp má.
Nghe đã có vẻ xuôi xuôi nhưng Teng nhấm nhẳng một câu vuốt đuôi:
- Bí mật! Thế sao chị lại nói cả với ông Bảy?
- Chuyện đó khác em ạ! Không tin ở bà con, không có bà con đùm bọc, giúp đỡ không đánh được giặc đâu. Mà chị có nói hết trơn hết trọi với chú Bảy đâu. Chị vẫn giữ bí mật đấy chớ.
Không cãi được nữa, Teng đành ngoan ngoãn trở về vị trí đi đầu đội hình. Thậm bước xéo chân lên:
- Thôi, để anh dẫn mũi cho. Anh thuộc đường mà.
- Xạo! – Teng phụng phịu.
- Vậy mới là lính trinh sát chớ! Có đâu như Út thế kia, mới có thế đã khóc ti tỉ.
Vừa hơi chạm tự ái, vừa ngượng với chính mình, Teng gạt nước mắt, nhoẻn miệng cười.
Đêm hôm sau, Teng lại dẫn mấy anh bám trót lọt vào chi khu, có vẻ đã tin cậy qua thử thách đêm trước, anh trao hẳn nhiệm vụ cho Teng phải cùng bò vào với anh Đoan. Teng dạ liền.
Đêm nay em chui rào thật tự tin, không còn hoang mang như lần trước nữa. Thậm trí có đoạn Teng đề nghị anh Đoan cho bò trước xem sao. Anh Đoan ưng thuận nhưng chỉ cho Teng dẫn đầu ở những đoạn dễ, ít mìn trái, có vật che khuất. Sau ba tiếng căng thẳng tới vã mồ hôi, hai anh em đã nhích thêm được ba hàng rào. Chỉ còn hai lớp rào nữa là sẽ đụng bờ đê. Đây là đoạn khó nhất. Xuyên thủng được bờ đê với lính gác dày đặc là coi như sờ vào được gan ruột chúng nó, động tác nghiên cứu coi như xong.
Khi trở về, Teng lại cùng mấy anh ôm súng cảnh giới cho chị Ba vào làm việc với cơ sở. Đêm nay chị Ba ít nói, ít cười, nét mặt chị có vẻ trầm lắng hẳn đi. Ngồi trong lùm chuối với anh Đoan, Teng tò mò hỏi. Anh Đoan trả lời:
- Nghe nói hôm nay là ngày giỗ anh Ba, chồng chưa cưới của chị ấy.
- Sao anh biết?
- Anh Thậm nói. Anh Ba ngày trước cùng đi bộ đội với anh Thậm ở ngoài Bắc mà. Anh Ba vào đây trước, gặp chị Ba và hai người thương nhau. Sắp cưới thì anh Ba được điều vào hoạt động trong nội thành. Đợt Mậu Thân, anh ấy hy sinh.
- Bữa nay là ngày giỗ, chắc chị Ba nhớ ảnh – Teng gật đầu ra ý thông hiểu.
- Thôi, đừng nói nữa, đêm khuya, tiếng nói nghe vang xa lắm. Anh Đoan có vẻ bồn chồn – mà sao chị Ba vào trong ấy lâu thế nhỉ. Sắp sáng rồi.
- Để em vào xem. Nhà này là nhà chị Tám Hạnh, vợ anh Bảy xe đò chạy chợ thị xã đây mà.
Nói rồi, Teng ngoắt mình ra khỏi bụi chuối. Đến bên cánh cửa, em ghé mắt nhìn vào. Chà! Teng chớp mắt. Nhà chị Tám coi bộ sang dữ. Đèn măng sông sáng xanh để ở góc nhà. Bộ bàn ghế láng bóng phủ vải trắng lưng chừng kê ở chính giữa, trên đặt một bình hoa, thứ hoa trắng muốt thường bán ngoài chợ. Cạnh tường gỗ là cái giường khá rộng, một cánh màn tuyn xanh nhạt rủ xuống mềm mại. (cả đời má con Teng chưa lần nào được nằm trong cánh màn đẹp thế này) Teng đảo nhanh mắt: trong nhà chỉ có hai người. Anh Tám chắc đêm nay chạy xe không về? Chị Tám mặc bộ đồ hoa trắng đang thì thào nói gì với chị Ba. Chỉ thấy chị Ba bần thần, thỉnh thoảng gật đầu bâng quơ một cái. Chị Tám vẫn đang còn nói cái gì nữa có vẻ sốt sắng lắm, Teng nghe không rõ. Nghe má nói chị Tám ngày trước hình như cũng bỏ học ra rừng với chị Ba. Ít lâu sau lại thấy chị trở về và lấy chồng. Người chồng này tốt bụng, yêu vợ thương con, làm ra tiền nên dần dà ngôi nhà của chị Tám trở nên đẹp đẽ, khang trang nhất vùng, nhiều khi bọn tề ấp, bọn lính trên đồn cũng phải vì nể. Lúc này thấy chị Ba chưa có vẻ gì là sắp đứng lên, Teng khẽ gọi qua khe cửa:
- Chị Ba! Về thôi, muộn dữ rồi!
Chị Ba giật mình, vội vàng đứng dậy, xốc lại bao súng ngắn đeo ở hông. Chị Tám giúi vào tay chị Ba một bọc giấy kiếng nói nhỏ:
- Mang về để anh em xài.
Chị Ba không nói gì, cầm túi đồ lẳng lặng đi ra. Đến cửa, Teng thấy chị hơi chững, nhìn nhanh lại gian nhà đang tỏa ra cái mùi ấm cúng, yên ả ấy một lần nữa rồi bước ra sân. Bóng tối thăm thẳm nuốt ngay lấy thân hình mảnh mai của chị.
Dòng sông vẫn trôi qua êm ả trong giấc ngủ mê mệt của những người lính trinh sát vùng ven. Công việc đang tiến hành thuận lợi. Mũi của anh Đoan, anh Thậm đã tiến tới sát bờ đê, riêng mũi của anh Thành do chúng canh gác thoáng hơn nên đã chạm được vào lô cốt đầu tiên. Anh còn mang được cả một chai nước ngọt xá xị lấy được trong lô cốt về để chị Ba và Teng uống cho mát ruột nữa. Thế là nếu không gặp trắc trở gì đặc biệt, chỉ ba đêm nữa là có thể dẫn quân xuống nhổ băng cái chi khu này được rồi. Hai đêm đột ấp thắng lợi cũng là hai đêm chị Ba mang về cho căn cứ bên sông nhiều đồ ăn, thức uống hơn. Cơm đã có thịt hộp, có mắm nêm. Cơm xong, có thể ung dung truyền nhau nhấm nháp một bát trà thơm nồng (Ở ngoài sông thì làm gì có tách chén mà dùng) và người nào ghiền thuốc nặng như anh Thậm, anh Thành thì đã có thuốc Cô-táp, Bát-tô,… Rít mặc sức. Do vậy, dù đi suốt đêm, sức khỏe mọi người đều có vẻ lên.
Nhưng đúng lúc trận đánh đang diễn ra sôi động trong ước ao của mọi người thì một sự biến ghê gớm xảy ra.
Đêm thứ ba, Teng lại bám sát gót chân anh Đoan vào sâu hơn nữa. Sâu quá! Sâu đến nỗi Teng chỉ cần với tay ra là kéo tuột được chân thằng lính gác xuống đất. Sâu đến nỗi em ngửi thấy cả mùi hôi chua lòm trên quần áo nó. Nó đang ngồi trên mặt đê. Em nằm dưới chân nó. Thỉnh thoảng nó lại ngáp một cái rõ dài. Ngáp xong nó giơ tay đập muỗi. Rồi lại ngáp. Ở gần, nhìn nó vặn vẹo trông đến khổ. Nó bỗng gằm đầu chĩa súng bắn ra hàng rào một loạt. Anh lửa đạn tạm thời soi sáng khuôn mặt võ vàng còn khá trẻ của nó, trẻ chỉ bằng độ tuổi anh Thành thôi. Thằng bắn gì kỳ! Vừa bắn lại vừa lim dim mắt ngái ngủ như con nít nửa đêm bị má gọi dạy đi đái. Teng chợt rộn rạo cả người. Trời! Cái thằng gác này lại là thằng Đảm nhỉ. Mình sẽ ôm chặt lấy nó, lấy tay bịt mắt nó chặt cứng và… Sau đó hai thằng cứ ung dung dẫn anh Đoan vào sờ mó từng hầm… Nằm cạnh Teng (vào đến đây anh Đoan đã cho Teng nằm cạnh rồi chứ không bắt lủi thủi bám đằng sau nữa), anh Đoan ghé răng cắn nhẹ miếng vải dù che mặt đồng hồ, ra hiệu cho Teng lùi lại. Sao lại lùi? Nó đang thiu thiu ngủ, vào luôn cho xong, mai khỏi bò nữa. Teng vẫn nằm im không nhúc nhích. Như hiểu cái chau mày của Teng, anh Đoan đưa mắt về chỗ một bóng đen khác đang cóm róm đi lại. Chết cha! Nó đổi gác. Em vội trườn trở lại. Cũng như hai lần trước, anh Đoan ra sau và khéo léo xóa sạch mọi dấu vết. Thằng mới đến sau một giấc ngủ chưa đẫy, muốn tỏ ra hung hăng, cũng có thể để át nỗi sợ hãi, nó liền phóng xuống một loạt đạn. Đã quá quen với cái trò bắn hù dọa này nên Teng không thèm để ý, vẫn tập trung trườn ra cho chúng vết cũ. Nhưng quái ác làm sao, một trong những viên đạn ngái ngủ ấy đã bay chúng vào anh Đoan. Teng chỉ thấy anh khẽ rên lên một tiếng đau đớn, rồi im lặng. Hoảng hồn, Teng ngoái lại đã thấy anh nằm cứng đơ, đầu rụi xuống đất. Teng lết trở lại chỗ anh, chân tay luýnh quýnh không biết làm sao. Ba đêm nay, dù căng thẳng và rùng rợn thật nhưng nó vẫn ít nhiều giống giống cái trò chơi ú tim. Bây giờ bỗng ngửi thấy máu, Teng choáng đầu choáng óc. Vệt bò rất nhỏ, rào kẽm gai, mìn trái nhằng nhịt bốn xung quanh, làm thế nào để đưa được anh Đoan nặng gấp hai thân hình Teng ra đây? Kéo à? Lôi sền sệt như lôi khúc gỗ chăng? Hay là đặt lên lưng mà cõng trườn đi? Teng chưa biết xử trí theo kiểu nào thì cái đầu của anh Đoan đã từ từ ngóc dậy. Đôi mắt anh lờ đờ, mệt mỏi. Khuôn mặt sáng sủa của anh giờ đây nhăn nhúm lại trong một sự nén chịu đau đớn ghê ghớm.
- Anh Đoan…
Teng nấc khẽ. Khuôn mặt ấy khẽ lắc lắc như muốn nói Teng đừng làm thế, anh ra hiệu cho Teng cứ bò ra.
- Không! – Teng lắc đầu – Em ở lại với anh. Chết cùng chết….
Anh lại giụi đầu xuống, kiệt sức. Ngay sau đó anh ngẩng lên, nét mặt rắn đanh như dồn tụ hết mọi nghị lực cố gắng. Toàn thân anh rùng mạnh một cái rồi chuyển động. Chuyển động nhọc nhằn về phía cửa rào. Không làm gì giúp anh được. Teng chỉ còn biết trườn đi trước dẫn đường. Đoạn rào này ước chừng năm mét mà Teng cảm thấy dài thế? Thời gian như đông đặc lại, chảy nhuyễn ra theo từng hơi thở yếu ớt của anh. Có lúc anh không còn thở nữa mà chỉ rên. Teng biết! Anh đau lắm. Nhưng anh phải cắn răng chịu đựng để giữ bí mật cho hai người, cho toàn bộ trận đánh. Teng nhăn mặt như thấy chính chỗ vết thương nơi ngực của mình đang chà sát xuống cỏ gai, đang hoác miệng tứa máu. Em xây xẩm mặt mày. Hơi thở phía sau Teng nhỏ dần rồi lịm tắt. Teng ngoái lại. Mái tóc anh đang xõa trùng xuống cỏ. Sợ anh không sống nổi, Teng quyết định cứ xốc anh lên lưng rồi muốn ra sao thì ra. Chết là cùng chứ gì Thà chết cả còn hơn thấy anh bò khổ sở như thế. Teng cắn răng vừa định lết trở lại thì cả cái thân hình rũ rượi của anh lại rục rịch chuyển động. Tiếng nói anh lẫn vào cây cỏ:
- Ra đi… Ra nhanh đi Út…
- Dạ! Em ra đây… Ra ngay đây. Nhưng anh có…
Để trả lời, anh dướn mạnh một cái về phía Teng khiến Teng cũng phải trườn nhanh về phía trước. Cứ thế, bằng những cú dướn bất thường, chính anh đã đẩy Teng ra ngoài cửa rào.
Khi đã nằm trên cỏ rồi, Teng mới chợt nhớ đến cuộn băng cá nhân nhét sau túi quần cụt của mình, em loay hoay lấy ra.
- Em làm gì đó Út? – Anh Đoan nằm ngửa trên cỏ, mắt nhắm nghiền, hỏi qua hơi thở - không … không kịp rồi… Bây giờ Út quay lại đoạn vừa rồi…
- Để làm gì anh?
- Út.. Út hãy làm như anh làm… Xóa hết dấu vết… Gài lại kíp mìn… Vuốt lại…. – Tiếng nói của anh bay đi đâu, mỏng tang. – Ráng cẩn thận… Nếu mai mốt gặp má… cho anh gửi lời…
Miệng anh cứng lại, nói không ra hơi nữa. Teng xổm tới ôm chầm lấy anh. Anh lại ngúc ngoắc đầu, trán hơi nhăn lại:
- Vào đi… Vào đi… Sắp sáng rồi.
Teng cắn chặt môi bò vào. Em làm theo lời anh mà ruột gan nóng không yên. Gài xong lỗ rào cuối cùng, em vội vàng quay ra. Anh Đoan vẫn nằm nguyên đó, chân tay sải rộng như ngơi nghỉ, cặp mắt hiền lành của anh như đang mải ngắm những áng mây bay lang thang trên trời. Miệng anh vẫn hơi cười. Cái cười vừa đau đớn vừa kinh hoàng lại vừa lưu luyến một cái gì xa xôi lắm … Anh không còn thở nữa. Teng gục đầu xuống cổ anh, khóc nức nở, khóc không thành tiếng, khóc rất lâu như tưởng rằng tiếng khóc và những giọt nước mắt sóng hổi của mình sẽ đánh thức được anh dậy. Em sẽ còn gục đầu bên xác anh không biết đến bao giờ nếu đồng đội của anh không tìm đến. Teng ngước mắt lên: anh Thậm, anh Thành và chị Ba đã đứng đó im lìm.
Đồng đội chôn người con trai quê nơi bến bãi sông Cầu xa xôi ở bên sông, trên một rẻo đất có nhiều cây gai mọc dày. Teng trồng thêm vào nấm mồ anh một cành hoa bằng lăng nhỏ xíu. Nấm mồ đắp ngang bằng mặt đất và rải lên trên đó rất nhiều lá khô để kẻ địch có đi qua, đi lại cũng không thể biết. Thế là trong vòng chưa đầy nửa năm trời, cậu bé mười ba tuổi đã hai lần chịu sự mất mát của những người thân yêu, ruột thịt. Thân hình cậu đã khô lại càng khô quắt. Ánh mắt vui tươi mới có lại những ngày gần đây, nay như có đám mây xám nào trôi qua. Đầu óc cậu đông đặc ngầm chứa một điều gì đó sâu xa mà chính cậu cũng không hiểu nổi. Khúc sông buổi sáng hôm đó trầm lắng lạ thường. Người nào cũng nhìn ra sông hay một khoảng trống không hút tầm mắt nào đó theo đuổi những suy nghĩ riêng tư. Chị Ba lúi húi khâu vá những miếng rách trên áo quần mấy anh em mà sao mắt đỏ mọng, bàn tay đưa kim vụng về. Anh Thành xê đi dịch lại cái thân thể căng tròn sức sống như muốn đạp gãy hết cả cây cối nơi đây mà lững thững bước lên mặt lộ. Duy có anh Thậm còn cố tỏ ra bình thản. Nửa buổi, anh buông một câu hỏi khiến ai nấy đều sững sờ:
- Bây giờ mày tính sao Thành? Ba mũi bị tiêu một, làm sao để hoàn thành nốt công việc trinh sát? Chà! Tiếc quá! Chỉ còn một đêm nữa.
Anh Thành nói luôn, giọng khàn khàn khác lạ:
- Cứ mần chớ biết sao! Không được ba mũi thì hai mũi cũng đáng. Cùng lắm một mũi cũng mần. Không vô được nhiều người thì vô ít. Vô được một mình tôi, tôi cũng đánh. Đánh thấy mẹ chúng nó đi! Một trăm thằng chúng nó đổi lấy một thằng Đoan cũng chưa đủ.
- Đừng nghĩ quẩn, Thành – anh Thậm dịu dàng – Thằng Đoan nó chết đi có phải để cho mình thí thân chết uổng theo đâu. Bằng bất cứ cách nào cũng phải đánh cả ba hướng. Đây là cả một chi khu đồ sộ chớ đâu phải một đồn bảo an dăm chục thằng. Phải trung thành với nguyên tắc binh chủng Thành ạ!
Teng bật khóc nấc lên:
- Tại em,… Tại em đó. Nếu lúc nằm dưới chân thằng gác, anh Đoan kêu em ra, em không lừng chừng thì viên đạn ấy đâu có trúng vào ảnh. Tại em! Mấy ảnh kỷ luật em đi.
Anh Thậm búng búng vào tai Teng:
- Thằng nhỏ lại nghĩ tầm bậy rồi. Chả tại ai cả. Viên đạn đâu có mắt. Đánh nhau có nhiều cái may rủi, em đừng tự oán như thế, khô thân ra.
Teng vẫn giùi trán vào thân cây:
- Tại em… Tại em mà. Nếu em không bò theo ảnh… Nếu anh không vướng em thì…
Anh Thành quát khẽ:
- Thôi! Đừng lảm nhảm nữa. Chẳng tại thằng nào cả. Chỉ tại bọn chó đểu cả thôi. Bây giờ tôi mà vớ được thằng nào trong bọn chúng thì…
Teng ngẩng phắt đầu lên, đôi mắt trẻ thơ của em tỏa ra một ánh sáng kỳ lạ. Em nói nhỏ nhưng chắc nịch:
- Em không khóc, em không lảm nhảm nữa. Mấy anh hãy cho em được thay anh Đoan ở mũi ấy.  – Thấy mọi người sững lại, im lặng, em nói tiếp gần như khẩn khoản – Anh Thậm! Anh Thành! Chị Ba! Hãy tin em đi! Em thay được mà.. Em thương anh Đoan lắm! Để cho em trả thù.
Anh Thành vốc nước sông lau mặt cho Teng và kéo em sát vào người:
- Bọn anh tin Út! Có tin mới để Út bà theo anh Đoan. Nhưng bò theo là một chuyện, còn một mình bò một hướng… Việc ấy quá sức em, em không làm được đâu. Cứ yên đi, để bọn anh tính. Việc sắp xong, đời nào chịu chúng nó.
- Không! Em bò được mà. Cứ để em bò.
Anh Thành quay qua chị Ba:
- Chị Ba thấy thế nào? Xin cho biết ý kiến coi!
Chị Ba không trả lời, càng cúi thấp đầu xuống trên mụn và
Vừa lúc đó có tiếng quát trâu om sòm ở cánh ruộng gần bờ sông. Im ắng một chút, tiếng quát ví… thá (phải… trái) lại vang lên. Chị Ba chợt ngẩng đầu:
- Tiếng chú Bảy! Chắc ổng muốn gặp ta? Để tôi ra thử coi!
- Không được – anh Thậm ngăn lại – Để thằng Út lần ra. Nó nhỏ người, ít ai để ý. Nè Út!
- Dạ!
- Em bò sát ra đường bò, nếu đụng ông Bảy thì kêu khẽ ông vô đây. Nếu có người thì tạm thôi nghe!
- Dạ!
Út xách cây AK luồn qua khóm lá đi ngay…
… Lát sau ông Bảy rẽ lá bước vào, nét mặt tỏ ra quan trọng:
- Con Ba đừng trách tao xé rào vi phạm quy định ra đây. Tao ra đây là đã xin ý kiến ông Tư Đờn đàng hoàng. Có tin gấp cần báo cho tụi bây đây. Hổng hiểu đêm hồi hôm bọn bay vô ấp có để lại dấu tích gì không mà sáng nay thấy lính chúng nó bung ra dữ lắm! Chủ yếu là khu vực chi khu. Hình như chúng có làm thêm hàng rào và gài thêm trái. Sáng nay chúng  nó bu vào đó đông lắm! Dường như chúng phát hiện được điều gì. Khu vực chợ và ấp sớm nay chúng nó cũng lùng sục, tuần tra rất khác. Sốt ruột quá, tao ra đây hỏi thực hư ra sao? Đêm hồi hôm có đúng bọn bay bò rào chi khu không? Thằng nào trong bọn bay bị đó?
Tiếng ông Bảy lấp láp, dồn dập, con mắt đưa qua đưa lại nhìn hết người này đến người khác như dò hỏi. Teng thấy anh Thậm hơi tái mặt đi một chút rồi từ tốn nói:
- Chú Bảy! bây giờ con không giấu chú nữa. Đêm qua bọn con có bò vào đấy nhưng… anh nhìn sang chỗ khác, giọng nhỏ lại – Không ai bị sao cả.
Mặt ông Bảy nhẹ hẳn đi:
- Ừ! Thế thì tao cũng mừng. Tao chỉ sợ… Thôi! Tao đi đây, kẻo chúng nó sinh nghi. Dạo này thám báo biệt kích giả dạng dân thường lẻn ra bưng dữ lắm! Bọn bay ăn ở ráng cẩn thận.
Ông lần trong cạp quần ra hai gói Ru-bi đưa cho anh Thậm rồi gạt lá đi luôn. Chỉ thoáng chốc, tiếng họ trâu của ông lại vang lên, nhỏ dần.
Trong cứ, mọi người nhìn nhau. Không khí đã nặng nề lại nặng thêm. Tin chú Bảy vừa báo như gáo nước lạnh giội xuống đầu mọi người. Anh Thành, tính tình bộc trực, không thể giữ kín được điều gì lâu trong đầu, bật nói luôn:
- Thế là đi tong. Đang chưa biết tin ai bò cho đủ ba mũi thì lại bị chúng nó bố phòng chặt cứng như thế thì còn đánh đấm thế quái nào được nữa. Kéo quân về thôi!
- Thành! Sao cậu lúc nào cũng thở ra cái giọng tiêu cực như thế. – Anh Thậm suốt từ ngày xuống đây bây giờ mới thấy hơi nổi nóng – Đã đến nỗi nào đâu mà phải kéo quân về. Trong đánh giặc thế này là chuyện thường, phải bình tĩnh mà tính toán chớ.
Anh Thành im lặng. Anh bao giờ cũng vậy. Đánh giặc và nói năng đều văng mạng, không biết sợ hãi là gì. Nhưng được nhắc nhở chân tình là anh lại chịu liền, mặt thộn ra nom như mặt đứa con nít biết lỗi. Anh Thậm nói tiếp:
- Đúng ra, tình hình như thế là khó khăn. Thứ nhất: có thể chúng phát hiện ra dấu vết ta đột rào, nhưng cũng có thể mới chỉ ở mức độ phán đoán. Mà dù có phát hiện ra hay phán đoán, điều đó cũng không ngại. Ta có nhiều cách đột. Chỉ phải hơi chậm, mất thời gian. Thứ hai: việc thiếu mất một mũi cũng rất nan giải. Cho người về trên xin bổ xung thì không kịp. Mà tiến hành đánh hai mũi thì không chắc ăn. Chỉ còn một cách… Đó là một người…
Anh Thành nói luôn:
- Một người phải đột cả hai chớ gì? Tôi cho. Mũi của tôi sắp xong rồi. Để tôi đột tiếp mũi của thằng Đoan, chỉ cần Út Teng dẫn tôi đến cửa rào.
Anh Thậm nhìn anh Thành rất trìu mến. Cái nhìn ấy chứng tỏ hai người đã cũng đi với nhau nhiều trận và cũng rất hiểu về tính nết nhau. Anh Thậm quay sang Út:
- Vậy có được không, đồng chí chiến sĩ đặc công?
Út Teng từ lúc ông Bảy vào đến giờ toàn cúi gằm. Điều ông Bảy nói đánh mạnh vào tâm trí em. Em thấy khổ sở, day rứt quá! Có đợt sóng nào ngoài kia xô mạnh vào ngực em, Teng bật nói:
- Anh Thậm, anh Thành ơi! Đêm qua em đã không xóa hết dấu vết, em đã hoảng hốt không làm đúng lời anh Đoan dặn nên bây giờ lính chúng nó mới bung ra, chúng nó biết. Tại em, tại em tất cả. Em không xứng đáng ở đây với mấy anh nữa. Mấy nanh xử bắn em đi, Nhưng… - Teng đã rấn rấn nước mắt – Nhưng đừng gạt em ra khỏi trận này. Cho em đánh xong lần này thôi, em trả thù cho ba, cho thằng Đảm, cho anh Đoan… Nghe! Đừng đuổi em về.
Nghe hết lời của Teng anh Thậm mỉm cười rất hiền, giọng anh càng dịu ngọt:
- Tĩnh trí lại đi Út! Chuyện này em dù không nói, bọn anh cũng đoán biết. Đúng là em để lại dấu vết đêm qua. Sai lầm lớn đó, điều tối kỵ khi bò rào nhưng lúc ấy… Thôi, cái chính là em dũng cảm nhận lỗi. Có dũng cảm như vậy em mới đủ nghị lực quần nhau với thằng giặc. Bọn anh đánh giá hành động nhận lỗi này còn cao hơn hành động bò rào mấy đêm qua của em. Muốn trở thành người chiến sĩ, điều trước hết là phải trung thực. Điều ấy em đã có rồi. Bọn anh càng tin em hơn. Có thể sẽ để em bò thay anh Đoan đó. Được chưa?
Teng ngơ ngẩn cả người. Câu chuyện diễn biến ngoài sức tưởng tượng của em. Trời! Teng giụi đầu vào ngực anh Thậm, nói lí nhí:
- Vậy mà em cứ tưởng mấy anh đuổi em về. Tưởng anh Thành sẽ quẳng em xuống sông.
- Quẳng thật chứ sao lại không – anh Thành làm bộ trợn mắt đến khiếp rồi ôm Teng, cả hai cùng lăn ùm xuống dòng nước đang lớn, dâng ăm ắp tận mép võng.
Trước cảnh ấy, chị Ba chỉ khẽ ngước mắt lên rồi lại cúi xuống. Chị đang mải suy nghĩ điều gì mà mấy miếng vá trong tay chị cứ tháo ra rồi lại dính vào? Đêm hôm nay, do những lý do khác biệt, tổ trinh sát tạm thời nghỉ không đột ấp. Được nghỉ sau khi công việc đã xong thì con gì bằng. Tha hồ chờ nước xuống mà lội sông mò tôm, mò cá để rồi gần khuya ngồi xì xụp với nhau bên nồi cháo cá nghi ngút khói… Nhưng phải nghỉ trong khi công chuyện đang lỡ dở, ngày mai không biết phải làm gì thì thật là khổ tâm. Nghỉ không ra nghỉ, thà cứ lặn lội vào chỗ nguy hiểm lại hơn.