CHƯƠNG 4
RA SÔNG(tt)

    
ối nay mọi người đều lên võng sớm, như cùng chăm chú nghe tiếng dào dạt của dòng sông. Tiếng bìm bịp sũng nước xen vào giữa tiếng võng sột soạt. Nằm mà hầu như không ai ngủ cả. Hình như khó lắm, cũng có thể là do gió lùa vào cây, có tiếng thở dài của chị Ba. Võng bên này. Teng cũng nằm nửa thức nửa ngủ. Lòng dạ em cứ bồn chồn lạ lắm. Teng cảm thấy rằng nếu bây giờ mà ngủ thiếp đi thì cả khúc sông này sẽ trôi đi mất, chỉ còn Teng nằm lại trơ khấc với dòng bưng, cả anh Thậm, anh Thành, cả chị Ba sẽ không bao giờ trở lại nữa. Em úp mặt xuống võng nhưng mãi vẫn không ngủ được. Em như ngửi thấy mùi nước sông chảy qua ngay sát dưới tấm võng ni-lông và dường như nghe thấy có cả những chú tôm đang búng giò tanh tách trong lòng nước. Đầu óc em lan man như dòng sông đang chảy. Em nghĩ đến má, đến ba… Rồi lại nghĩ đến anh Đoan. Trong một đêm nằm chung võng, anh Đoan đã kể cho Teng nghe anh là con một, ba anh chết từ hồi đánh Pháp, má anh đã già vẫn ngày ngày ra đồng. Anh gọi quê anh bằng cái tên lạ hoắc: trung du. Trung du là cái gì nhỉ? Có giống khúc sông này không? Thế mà bây giờ anh không bao giờ dạy nữa, không bao giờ được gặp má nữa. Teng lại chạnh nhớ đến má mình. Sau trận này, nhất định phải đưa má ra sông. Để má một mình, tội quá! Sau trận này…  Không biết trận này có đánh được không…
Dưới kia, anh Thành đi trinh sát ven ấp cũng đã về đang cặp ghe vào ván, thở phù phù:
- Thế nào? – Anh Thậm vừa buộc hộ dây ghe vào gốc cây vừa hỏi.
- Đúng như ông già nói. Chúng rải uân khắp nơi. Đông như kiến
- Không sao! Tiếng anh Thậm nho nhỏ như không muốn để ai nghe thấy – Chúng sẽ không đủ sức rải ra mãi như thế được. Thôi, đi nghỉ đi. Mai tỉnh táo rồi ta tính.
Teng càng chìm sâu người trong võng. Trong giấc ngủ chập chờn em ước ao mình là một chú bé có cánh, mang trên lưng thật nhiều thuốc nổ, sẽ bay cao tít trên bầu trời và thả từng trái xuống từng hầm. Thả trúng như thả đáo, không sót hầm nào cả. Và cả cái chi khu sẽ bốc cháy rừng rực dưới đuôi cánh mềm mại của em. Hay là… Teng lại mơ mình nhỏ lại như chú chuột, chú chuột có đôi râu đánh hơi tinh, lọt qua tất cả chân những thằng gác, bò vào tận hầm thằng đại úy chỉ huy, thằng trưởng ấp có cái dáng học trò, cắn sâu vào cổ, cắn thật sâu… Nhưng dòng nước chảy dưới võng lại nhắc em vị trí và hoàn cảnh em đang sống. Đêm đã khuya lắm. Con bìm bịp mỏi miệng không còn kêu vang được nữa, cứ khàn khàn như ngái ngủ. Con bìm bịp ngủ trong lòng nước, thằng Út Teng thiu thiu trên võng. Chính lúc đó, em nghe thấy có tiếng sụt sịt khe khẽ ở dưới ghe. Ai đấy nhỉ? Hay là con chồn đi ăn đêm lạc vào ghe. Em cố giương mắt ra. Tiếng sụt sịt vẫn vang lên đứt quãng. Em thoáng nhìn thấy dưới lòng ghe, kín đáo khuất sau vòm lá, chị Ba đang ngồi. Hình như chị khóc? Sao thế nhỉ? Teng rón rén ngồi dậy. Đôi vai chị rũ xuống. Chị khóc lạ lắm! Khóc mà không phải là khóc, thoạt nghe như tiếng thở ngắn, thở mạnh. Chắc chị thương anh Đoan chết đó mà. Tội nghiệp anh Đoan, anh chết đi làm bao nhiêu người khóc. Giọt nước mắt hay lây, thấy chị Ba khóc tấm tức, tự nhiên nước mắt Teng cũng trào ra. Em muốn xuống võng, bước ra với chị rồi cả hai cùng khóc cho khuây.
Để chị khóc một mình thế kia tội lắm. Võng trong cùng, anh Thành có vẻ mệt nên đã gáy vo vo. Võng anh Thậm không thấy động dạng gì. Chắc ảnh cũng ngủ rồi. Chỉ còn võng của Teng mắc gần ngay đầu ghe là nghe thấy chị Ba khóc thôi. Chị phải xuống ghe khóc để mọi người không hay. Thương chị quá. Teng định thả chân xuống mũi ghe thì chợt thấy võng bên cạnh căng ra, cọt kẹt rồi anh Thậm lặng lẽ ngồi dậy. Anh bước nhẹ xuống ghe. Teng nhìn thấy anh ngồi xuống cạnh chị Ba. Một lúc lâu tiếng sụt sịt nhỏ dần. Sóng oàm oạp vỗ vào mạn ghe như một khúc ca ru lại làm mí mắt Teng díp lại… Bất chợt tiếng anh Thậm vang lên, nhỏ lắm, may ra có Teng mới nghe được lõm bõm.
- Cô Ba hai bữa nay không ăn không ngủ gì hết, bệnh sốt rét lại trở lại mất thôi.
Không có tiếng trả lời. Sóng gió nuốt mất tiếng nói của anh.
- Cô Ba nè! – Giọng anh vẫn hết sức dịu dàng. – Kẻ thù thì đông, càng ngày càng tàn bạo. Còn chúng ta chỉ có một dúm. Đoan lại vừ mới… Thế mà rời rạc mỗi người nằm một góc, không coi nhau như ruột thịt thì sống sao được. Cô Ba có tâm sự gì, có nỗi buồn gì cứ nói với chúng tôi. Nói xong nó vơi nhẹ đầu óc đi.
Vẫn chỉ có tiếng sóng đáp lại. Anh Thậm khẽ thở dài:
- Những lúc gian nan này, chỉ còn biết dựa vào nhau, tin ở nhau mà sống. Cô Ba không tin chúng tôi rồi. Chúng tôi buồn là không làm được gì để cô Ba tin. Đành vậy. Xin lỗi đã quấy rày…
Anh Thậm đứng lên. Lúc ấy Teng mới nghe thấy giọng chị Ba nói qua hàng nước mắt:
- Anh Hai… Không phải thế đâu. Anh ngồi lại… Em muốn…
Con bìm bịp bên kia sông dường như cũng biết ý, nó tạm dừng tiếng kêu khê đặc để cho tâm sự người con gái thả ra với sông với nước.
- Chắc mấy anh khinh em lắm phải không?.. Không? Em không hoang mang dao động trước tình hình căng thẳng đâu. Em quen rồi. Ngày trước còn đen tối hơn…
- Tôi biết…
- Tất nhiên còn là trách nhiệm dẫn mũi của em nhưng không hẳn như thế. Chúng nó bố phòng thế chứ, bố phòng nữa, em cũng có thể cùng Út Teng dẫn mấy anh qua lọt được. Em dù là đàn bà con gái nhưng khi cần thiết, em cũng có thể thay anh Đoan ở mũi thứ ba được. Ngày trước em cũng đã trải qua…
- Tôi biết…
- Và cũng không hoàn toàn em buồn vì hôm qua là ngày giỗ của…
- Tôi biết. Con người cô Ba tôi biết. Cô Ba cũng không khóc vì cái chết của cậu Đoan, những cái đó cô Ba sẽ kìm nén được. Người như cô Ba, nếu có đau khổ quá thì cũng hướng cho nước mắt chảy vào trong.
- Cảm ơn anh Hai!
- Thế thì vì cái gì? Cô Ba có thể nói ra được không?
- Vì thằng Út… Thằng Út Tteng anh ạ!
Nghe đến đây, Teng giật nẩy người. “Vì thằng Út” Tại sao lại vì mình? Teng nằm cứng người không dám động đậy.
- Ủa! Sao lại vì thằng Út? Nó đã làm gì cho cô Ba phiền lòng chăng?
“Ủa! Em đã làm gì cho chị Ba phải phiền lòng?” Teng thầm hỏi lại câu hỏi của anh.
- Cũng chẳng phải tại nó – Chị Ba nói – Chắc là tại em… Tại cái đời đàn bà con gái chúng em… Anh Hai, đáng lý ra điều này em không nên nói nhưng những câu nói của anh vừa đây làm em cảm động, anh lại là người cũng xã, em coi anh như anh Hai trong nhà.
Teng nghe thấy anh Thậm hắng giọng khan. Em biết mỗi khi anh Thậm làm vậy là anh đangche giấu đi sự xúc động trong lòng. Chị Ba nói tiếp:
- Như anh biết, một khi bước chân vô cách mạng là bọn con gái chúng em đã liệu trước. Gian khổ, đói khát không sợ; chẳng may có tù đầy, chết chóc tụi em cũng không ngán. Anh thấy đấy, ở những vùng đất khắc nghiệt nhất, nếu các anh xuống thì người đón tiếp, dẫn đường cho các anh hầu hết là con gái. Nhưng có một cái mà bọn em khó vượt qua được là…. – chị ngừng lại.
- Tôi nghe đây! – Tiếng anh Thậm khe khẽ.
- Là… Anh đừng cười em nghen! Là hạnh phúc riêng tư. Đàn bà con gái xuân sắc có thì, ở rừng hoài thế này, chiến tranh chưa biết bao giờ kết thúc hay chẳng khi nào kết thúc cả, rồi đường chồng con sẽ ra sao? Đàn ông mấy anh khác. Đàn ông có bao giờ sợ già, sợ khổ, sợ không lấy được vợ. Đó! Nhìn mấy chị ở trên huyện, trên tỉnh năm nay ngót ba, bốn mươi tuổi rồi mà vẫn côi cút một mình, em lại chạnh lòng.
- Tôi hiểu. Cô Ba nói tiếp đi!
- Vừa rồi vô ấp em gặp con bạn ngày trước cùng đi học rồi cùng thoát li. Sau sáu tám, nó bỏ về nhà. Bây giờ chồng con, gia cảnh ấm cúng, đàng hoàng. Còn em…
À ra thế. Hèn chi mấy bữa nay chị buồn. Teng chợt nghĩ đến cảnh chị Ba bần thần chia tay với cô bạn gái dưới ánh đèn măng-sông sáng xanh đêm hôm trước. Trời! Có thế mà cũng buồn, sao người lớn phức tạp quá! Teng không hiểu nối.
- Chiến tranh liệu còn kéo dài không anh Hai? Em thấy vô vọng quas! Chúng nó ngày một độc ác hơn, còn ta ngày một thiếu hụt, mất mát đi. Việc đánh cái chi khu này gặp chắc trở càng làm em thấy ngày thắng lợi còn đang ở tận đâu đâu.
- Tức là cô Ba đã có lúc tính chuyện trở lại làm người dân thường, ngày ngày lo thương chồng nuôi con?
Giọng anh Thậm lành lạnh. Chị Ba lại sụt sịt khóc.
- Dạ! Mấy bữa nay em cũng có lởn vởn nghĩ đến điều đó. Trước khi xuống đây, em có nhận được thư của má em.
- Thư viết gì?
- Viết nhiều lắm! Tóm lại là má em kêu em xin phép cách mạng cho em về. Về đi học tiếp hay về lấy chồng, đằng nào cũng được. Ba má em lo liệu hết mọi chuyện, khỏi lo. Ở trỏng cũng có một người làm nghề giáo có ý muốn…
Lắng đi một chút. Rồi tiếng anh Thậm cất lên vừa ái ngại, vừa buồn buồn:
- Rồi cô Ba định tính sao?
- Không tính được nên mới khổ. Khi đêm, sau khi anh Đoan chết, em càng thấy đen tối quá, đã định làm theo ý ba má nhưng chính thằng Út…
- Thằng Út nó khuyên nhủ chăng?
- Không! Chính tấm lòng và thái độ của nó đối với cách mạng, với kẻ thù đã níu chân em lại. Nó còn nhỏ, còn ngây thơ mà nó dám trụ lại tới cùng, lại còn dám xin thay anh Đoan dấn thân chỗ chết thì chả lẽ em… Thằng nhỏ thật thà, dễ thương quá, hai con mắt sáng trong của nó nhìn em làm em chịu không nổi, làm em không muốn lừa dối nó. Không muốn lừa dối mấy anh, lừa dối người đã chết!
- Cám ơn cô Ba đã tin cậy mà nói câu chuyện này. Đây là một chuyện hết sức tinh tế, biết khuyên bảo cô Ba thế nào?
Vẫn nằm im trên võng, Teng trề môi lẩm bẩm:
- Thế mà bảo là tại thằng Út. Tức cười! Người lớn lắm chuyện hè! Phải như tớ ấy à: tha hồ, một trăm năm nữa không lấy vợ cũng được.
Nó muốn nhảy xuống võng hét toáng lên: “Nè! Chị Ba ơi! Oánh xong trận này em sẽ cưới chồng cho chị. Cưới anh Thậm con ông Năm Hinh đó. Ngon hông?” Nhưng thấy dưới ghe anh Thậm đang rù rì nói điều gì mà chị Ba nghe có vẻ vào lắm nên chỉ lầm rầm tiếp một minh như mơ ngủ. Anh Thậm vẫn nói, tiếng được tiếng mất, Teng không nghe thấy gì nữa. Chỉ biết vào cái lúc nước bắt đầu ròng, con bìm bịp chắc đã đi ngủ và bầy tôm không còn búng giò tanh tách dưới võng, chị Ba gục đầu vào ngực anh Thậm và cả hai đều im lặng. Khi đó, tiếng ngáy của anh Thành mới thừa dịp vang lên. Teng  cũng đi ngủ đây. Nằm nghe lỏm chuyện xấu lắm! Và em thiếp đi thật. Cánh võng mắc giữa hai gốc chà là đung đưa… Đung đưa dìu cậu bé vào giấc mơ có cánh, trên lưng mang bao nhiêu là thuốc nổ… Mây bao bọc, mây che phủ lấy cậu, mây đưa cậu đến đúng nơi có những vòng rào chi khu…
Sáng hôm sau, một chuyện thật bất ngờ xảy ra: vào khoảng chín giờ, nắng vừa tráng kín mặt sông thì ông Năm Hinh tìm vào cứ. Teng là người nhìn thấy ông đầu tiên. Ngồi trên cây gác, Teng thấy một chiếc ghe đánh cá ló đầu ra ở khúc sông vòng. Trên ghe là một người đàn ông thân hình nở nang, đen bóng như tượng đồng hun. Cả cái xã vùng sông này chỉ có một mình ông Năm Hinh có cái vóc dáng đặc biệt đó nên em quên cả quy định bí mật, vội huơ huơ tay, tróc lưỡi gọi rối lên. Mũi ghe quay qua quay lại một chút rồi như nắm bắt được mục tiêu vèo vèo lao tới. Tuyệt quá! Cũng chỉ có ông Năm mới có cái động tác qua sông nghệ thế này. Em nói chõ xuống:
- Anh Thậm ơi! Ba anh tới kìa!
Anh Thậm mới nghe không hiểu, đến khi vạch lá nhìn ra sông thấy rõ ai đang băng tới thì mặt anh bỗng đỏ bừng lên, chân tay luống ca luống cuống như người phải bỏng.
Loáng một cái, mũi ghe nhọn hoắt đã đan vào khóm lá rậm rì trong cứ và khuôn mặt đỏ đắn, nở nang của ông Năm hiện ra. Cái búi tó đằng sau ót ông được buộc gọn, thoáng trông như người nghĩa quân nào đó của cụ Trương Định mà bà nội kể ngày xưa. Ông không chào hỏi ai như chuyện ông đến đây là một việc tất nhiên, chẳng có gì lạ. Cặp mắt xếch và đỏ như lúc nào cũng uống rượu của ông lia khắp cứ một vòng, rồi đĩnh đạc bước
lên:
- Hừ! Thì ra mấy người ăn ở như thế này đây. Đâu? thằng Hai đâu? Thằng Hai Thậm đâu?
Anh Thậm từ đầu trố mắt nhìn cha, đến khi nghe hỏi. Anh đứng dậy rụt rè, môi hơi tái đi:
- Dạ thưa ba, con đây!
Teng thấy ông Năm hơi lặng người một cái rồi chiếu thẳng mắt vào toàn thân đứa con, lạnh tanh. Cái nhìn sắc buốt ấy lướt xoáy từ đầu đến chân rồi lại từ chân lên đến đầu anh, khiến anh định lao vào với cha lại sựng lại.
Cái miệng ông Năm hơi nhếch lên, từ đó phát ra một tiếng nói đùng đục:
- Thằng Hai đây phải không? Nhớn nhao chững chạc thế này rồi kia đấy. Nào! Lại đây cho ba mày ngắm cái nào.
Anh Thậm ào tới và hai cha con ôm cứng lấy nhau. Hai khuôn mặt, hai thân hình thật giống nhau, chỉ khác là một mái đầu còn đen nhức, một mái đầu đã bạc. Đến lúc ấy Teng mới nhìn rõ hai hốc mắt ông già đánh cá có hai giọt nước tuôn ra. Ông khóc thật sự. Khóc rung người lên. Tiếng ông tắc lại:
- Trời ơi thằng Hai đây thiệt rồi! Thằng con trai tôi dứt ruột đẻ ra đây thiệt rồi… Thế mà tôi tưởng không bao giờ còn được nhìn thấy nó nữa… Hơn mười năm rồi… Con ơi! Mày về muộn quá! Má mày truớc khi chết chỉ dặn tao…
Nước mắt ông vẫn tuôn ra. Teng bỗng thấy cay cay sống mũi. Cạnh đó, chị Ba và anh Thành cũng gạt nước mắt quay đi. Thậm nghẹn ngào:
- Ba!... Con nhớ ba quá! Chuyện của má, con biết rồi. Ba tha lỗi cho con ngày đầu vô đây không tìm gặp ba ngay…
Ông Năm bỗng đẩy con ra, mắt lại ráo hoảnh như chưa hề có những giây phút xúc động vừa rồi. Tiếng ông trở lại oai vệ:
- Nào! Bây giờ mày nói cho cha mày nghe, mày về đây làm gì? Chắc không phải ôm lấy ba mày mà khóc chứ?
- Chúng con về đây đánh giặc ba ạ!
- Tốt! Nhưng bao giờ đánh? Đánh thế nào?
- Khoan hẵng ba – anh Thậm gượng cười – Ba vẫn hệt như ngày xưa: ồn ào và nóng nảy. Tại sao ba biết bọn con ở đây mà ra tìm? Ba không ngại chúng theo dõi à?
- Thằng cố nội nó cũng không theo nổi tao. Tại sao tao biết mà ra đây hả? Thằng cha Tư Đờn nó nói, Nó bảo tao ra.
- Chú Tư à? Chú có nhắn gì con không ba?
- Sao lại không! Nhưng hiện giờ lão bị chúng nó quản thúc rồi.
- Quản thúc? Làm sao ạ?
- Chúng nó nghi thằng cha từ lâu. Chả là lão hay ca, hay đờn những bài nhức óc tụi nó mà. Mấy bữa nay, chúng lại nghi lão có dính dáng đến vụ thằng ấp mập bị lụi giò và vụ nổ mìn trong nhà công sở nên bắt lão ngồi chỗ mà đờn, không được đi lại một bước, không được chuyện trò, gặp gỡ ai. Nhưng lão đâu có chịu. Chà! Một tay bản lãnh gầm trời. Ngồi một chỗ mà nắm trọi trơn mọi việc, nơi nào cũng có bàn tay điều khiển của lão.
Anh Thậm đưa mắt nhìn chị Ba.
- Còn thằng Đảm giờ ra sao hả ba?
- Khoan đã! Bây giờ nhậu chơi. Việc đâu rồi có đó.
Ông Năm lấy ở khoang thuyền ra can rượu và một gói khô mực đã nướng vàng bày ra ván, khoanh chân bằng tròn lại, dáng điệu thoắt trở nên ung dung:
- Nào! Mấy đứa bay cạn với tao mỗi đứa một li đi. Để ăn mừng tao gặp lại thằng con cống sản. Nào! Dô!
Ông rót rượu ra đầy các chén. Dù không còn bụng dạ nào rượu chè nhưng nể ông, mỗi người đành cầm li đưa lên miệng. Duy chỉ có Teng ngồi trên cây gác nên ông Năm chưa nhìn thấy.
Chẹp, khà… một cái cực kỳ khoan khoái, ông Năm nói:
- Thằng Đảm hả? Vẫn sống và ngon lành. Đây! Bản sơ đồ chi khu nó vẽ tỉ mỉ đưa cho lão Tư rồi lão Tư đưa tao mang cho bọn bay đây. Ngon hông! Phải nói vẽ ra vẽ nghen!
Anh Thậm vồ ngay lấy tấm sơ đồ. Anh Thành lẫn chị Ba vội dồn mắt vào đó. Thằng Teng trên chạc cây không chịu được nữa cũng nhảy xuống, bá chặt lấy cổ ông Năm:
- Thằng Đảm hở bác Năm! Thằng Đảm vẽ hả? Nó đâu? Nó có nhắc gì đến cháu không? Sao bác Năm không đưa nó ra đây luôn?
Ông Năm gỡ tay thằng Teng ra, trợn mắt lên nhìn nó:
- Á à! Thằng Teng! Mày cũng có mặt ở đây sao?
- Dạ! Con đây mà bác Năm.
- Giỏi cho mày đó con ạ! Nghe tao hỏi đây: có phải mày rủ thằng Đảm bẫy chông lụi giò thằng Mắt-kính-máu không?
- Dạ!...
- Và cũng lại mày rủ thằng Đảm nổ mìn vô công sở ấp và chiếc Zeeps của lão quận trưởng?
- Dạ!..
- Khá khen cho con dám lừa lão già này làm chuyện động trời.
Cặp mắt đỏ quạnh của ông càng xếch ngược lên, ông nắm chặt lấy cổ tay thằng Teng khiến nó kêu lên oai oái:
- Con xin lỗi bác… Bác tha cho con mà bác Năm!
Ông Năm buông tay thằng Teng ra, cười khà khà:
- Hai đứa bay giỏi thiệt. Nếu không có lão Tư Đờn cò nói thì  tao chịu. Sau vụ thằng Mắt-kính-máu bị lụi giò và mìn nổ tại nhà công sở, tao tính đi tìm xem kẻ táo gan làm việc đó là ai để đãi đầu heo, củ kiệu, nhậu thiệt tình một bữa đặng nhận tình huynh đệ nhưng không gặp. Ai dè lại chính là mày. Giỏi! Đúng là cha nào con ấy. Thằng cha mày hồi xưa cũng hệt như mày bây giờ vậy. Bé hạt tiêu!
- Bác Năm! Má cháu giờ ra sao bác Năm?
- Tao không qua gặp, sợ chúng nó nghi. Đêm đêm chúng vẫn rình mày về đó, mặc dù tung tin mày chết rấp ngoài sông rồi. Nhưng bà Năm có nói lão Tư Đờn đã gặp má mày, nói mày đang ở đây nên không thấy má mày khóc nữa. Nè cầm lấy!
Ông Năm rút trong túi áo ra một chiếc đồng hồ nhỏ xíu, còn đang nằm trong bọc giấy kiếng đưa cho Teng.
- Cái gì vậy ông Năm? Của ai đó ông Năm?
- Của thằng Đảm nó gửi cho mày đó. Cầm đi mà biết giờ biết giấc.
- Thằng Đảm làm gì có tiền bác Năm!
- Nó không có thì thằng cha nó có. Tao thưởng cho hai đứa bay nhỏ tuổi mà gan trời đó. Mày ở ngoài này cần hơn, dùng trước. Tao sẽ mua cho nó sau. Nó nói vầy nè: “Ba đưa cho thằng Út để mỗi lần coi giờ nó nhớ đến con”.
- Thế sao hồi nó được thả, bác cấm con chơi với nó? – Teng ranh mãnh hỏi lại.
- Mẹ cha mày!  - Ông già càng rung tít đùi – Lúc đó khác. Tao không cấm để mi rủ rê con tao vô chỗ chết nữa à. Lúc đó tao đâu có tin tụi bay làm nổi chuyện động trời. Thôi! Làm li nữa đi con. Bây giờ tao tạm tin rồi. Tin tao mới ra đây. Chả nhẽ thằng Năm Hinh này ngồi yên uống rượu được hoài sao?
Chị Ba từ nãy chú mục vào bản sơ đồ, bây giờ mới lên tiếng:
- Chú Năm! Chú mang cho tụi con một món quà quý giá quá! Cảm ơn chú, cảm ơn em Đảm nhiều lắm. Thú thực, tụi con đang rất rối chưa biết tính sao thì lại có cái này. Hên quá!
Anh Thậm cũng ngẩng lên, mặt mày rạng rỡ:
- Ngon quá xá rồi ba! Ba có biết ba vừa lập một chiến công lớn như thế nào không? Thôi, chuyện ba và con, chuyện gia đình làng xóm, con sẽ xin nghe ba nói sau. Bây giờ con nhờ ba điều này vì đối với ba con không muốn giấu làm gì.
- Vậy chớ! – Ông già gật gù – lão du kích này đã vô tác dụng đâu. Còn ngon lắm. Nói đi! Nhờ đi! Có hai thằng con đều là Việt cộng, chả nhẽ thằng cha lại lình xình đứng giữa coi chơi – Ông ngửa cổ cười khà khà.
- Ngày tới đây, chúng con sẽ san bằng cái chi khu.
- San bằng mẹ nó đi! Ông Năm nhổm người lên, lông mày chém xếch lên trông đến sợ - Tao hết chịu nổi rồi.
- Để việc san bằng cho tốt, ba và bà con sẽ có việc cụ thể mà chú Tư Đờn và cô Ba đây thay mặt quận sẽ nói kỹ sau. Con chỉ dặn ba một điều: tới đây, cùng với cái chi khu, cái nhà công sở ác ôn của ấp cũng dẹp luôn. Ba báo với chú Tư làm sao trưa mai kêu thằng Đảm ra chợ, chỗ đông nhất, tụi con sẽ cho người gặp để bàn cách làm nội ứng bên trong.
- Dẹp cả công sở hả? – Ông năm càng tròn mắt.
- Dạ!
- Hay lắm! Để tao làm nội ứng một phen.
- Ba làm sao mà làm được… - Anh Thậm cười xòa – Ba sẽ có việc, việc quan trọng đấy, đừng lo. Ba nhớ nói chú Tư nghe! Khoảng mười hai giờ, cái giờ bọn lính và cả bọn mật vụ chui vô nhà nhậu nhẹt hết đó.
- Rồi! Nhỡ kỹ rồi! Bay còn dặn gì nữa không? Không hả, thôi tao về. Nếu có đánh thì đánh nhanh lên nghe! Nỗi mong mỏi của tất cả bà con đó. Để lâu hơn, chúng nó làm tới, tinh thần của mọi người nhão ra mất.
Ông già đưa bàn tay thô rám của mình siết tay từng người. Đến lượt Teng, ông ôm ngang eo ếch nó nâng bổng lên rồi hạ xuống, cười.
- Có nhắn gì thằng “phòng vệ dân sự” không con?
- Dạ! Bác Năm nói con nhớ nó. Muốn gặp nó lắm. Thế thôi.
Ông Năm lại cười khà khà rồi quay lại vỗ vào vai anh Thậm mấy cái, không nói gì, bước xuống ghe đi luôn.
Nhìn hút theo bóng người cha, anh Thậm quay lại, mặt tươi hơn hớn:
- Như vậy là không cần phải bò rào nữa. Hầu hết các mũi đều tiếp cận đến bờ đê là đủ. Từ đê vào trong, bản sơ đồ này sẽ thay thế. Ta khỏi đột vào. Mà tình hình này có bò cũng chưa chắc đã lọt. Hay quá! Ngay tối nay, ta có thể cho người về trên thông qua phương án tác chiến và dẫn quân xuống được rồi. Chỉ có điều – Anh nhìn sâu vào mắt Teng – Nếu bộ đội xuống, em có thể dẫn mấy anh chui theo đường bữa trước em chui với anh Đoan không? Tới bờ đê thôi.
- Chui được! Dẫn được! – Teng trả lời ngay – Dẫn lút tới trong luôn.
Chị Ba nói thêm:
- Út Teng nó làm được đó anh Hai ạ! Nếu có gì em sẽ cùng hỗ trợ với nó.
Teng nhìn sang chị Ba thầm cám ơn! Chao! Sáng nay sao chị Ba nhìn trẻ hẳn lại, cái miệng lại hay nói hay cười nữa. Chị dễ thương quá.
- Chị Ba nè!  - Teng đột ngột nói.
- Sao Út?
- Đánh xong cái chi khu này em sẽ…
Nói đến đó nó ngưng bặt. Nó định nói em sẽ cưới chồng cho chị nhưng nghĩ thế nào nó lại thôi. Nhỡ không xong thì sao? Nó là thằng bẻm mép nói xạo à?
- Sẽ sao Út? – Chị Ba vô tình gặng hỏi.
- Sẽ về thăm má thật lâu. – nó nói lướt.
- Trời! Tưởng chuyện gì chớ chuyện đó mà cũng làm ra bộ quan trọng.
Nói vậy nhưng cặp má chị Ba cũng đỏ ửng lên. Đôi mắt lá răm của chị khẽ nhìn sang anh Thậm. Còn anh Thậm vẫn đang nhăn trán lại tính toán.
- Theo tôi, ta có thể tạm phân công thế này – anh nói – Đêm nay tôi và đồng chí Thành sẽ trở về căn cứ báo cáo tình hình. Khả năng tối mai nếu nhanh thì bộ đội sẽ xuống. Còn cô Ba, nếu không trở ngại gì thì trưa mai sẽ ăn mặc hợp pháp ra chợ móc ráp với thằng Đảm. Hiệp đồng thế nào, tôi sẽ nói kỹ sau. Nhân tiện cô Ba cũng gặp gỡ quần chúng luôn để kết hợp với chi bộ của chú Tư bên trong hỗ trợ trận đánh. Nhớ vấn đề ghe nghen!
Chị Ba gật đầu. Út Teng giãy nảy lên:
- Còn em thì làm gì?
- E hả? Tắm, ăn và ngủ thiệt ngon để tối mốt dẫn bộ đội đi ấp. Nhiệm vụ nặng nhất đó.
- Không! Dẫn đi ấp, dẫn chui rào là việc của tối mốt, em cần gì phải ngủ lấy sức. Cho em đi theo chị Ba, em muốn gặp thằng Đảm. Thằng Đảm có biết mặt chị Ba đâu và chị Ba cũng đâu có biết mặt thằng Đảm mà móc nối. Em móc nối cho, bảo vệ chị Ba luôn.
- Ờ nhỉ! – Anh Thậm ngơ ngác – chết thiệt! Có vậy mà không nghĩ ra. Nhưng làm sao em vô được chợ? Chúng nó biết mặt em hết rồi, thò đầu ra là bị tóm đấy. Em bây giờ là của quý.
- Em đã có cách.
- Cách gì?
- Bí mật!
Em nhìn chị Ba tủm tỉm cười.
Trưa hôm sau khoảng mặt trời sắp đứng bóng, cái thời gian mà không ai còn muốn rang nắng ở ngoài trời, tất cả đều chui vào nhà, vào lều và chỗ râm mát nghỉ trưa thì người ta thấy có hai chị em một cô gái lững thững đi vào chợ. Người chị chừng hơn hai mươi tuổi, đeo kính trắng, ăn mặc đẹp nhưng không diêm dúa, có một dáng sinh viên ở Sài Gòn về thăm nhà ngày thứ bảy. Có cô em nhỏ hơn vài tuổi, khuôn mặt hao hao chị nhưng gãy và đẹp hơn. Cô mặc một bộ quần áo nghịch ngợm nửa con trai nửa con gái, đầu đội mũ vải sáu múi như hầu hết các cô gái lứa tuổi choai choai ở thành về ưa đội. Dáng cô đi nhanh nhẩu khác thường, luôn luôn láo liêng cặp mắt ra khắp xung quanh như lần đầu tiên theo chị về quê. Người chị thỉnh thoảng phải nhắc em đi chậm một chút không lại lạc đường.
Tới gần chợ, một cái chắn đường sơn hai màu trắng đỏ chắn ngang trước mặt họ. Mấy người lính quân cảnh mặt đỏ gay, mũ sắt sáng loáng lên dưới ánh nắng đòi xét giấy. Người chị với vẻ mặt hơi phật lòng lôi trong cái túi giả da xinh xinh ra tấm căn cước màu xanh. Cau có nhìn tấm căn cước và nhìn vào chiếc túi sách lép kẹp một hồi, người lính trẻ tuổi hất hàm cho đi. Cô em còn nhỏ quá và dáng điệu thì không ngớt ngông nghênh nên tụi lính không thèm chú ý đến. Tụi lính chỉ dán một cách suồng sã vào tấm lưng thon thả đang dấp dính mồ hôi của người chị.
Cô chị là chị Ba. Còn cô em không ai khác ngoài Út Teng. Cả đêm hôm qua, theo sáng kiến của Teng, hai chị em hì hụi khâu vá, cắt xén lại một bộ quần áo cũ của chị Ba sao cho tạm vừa thân hình cứng queo của Teng. Mãi gần tới nửa đêm, công việc mới xong gọi là mặc thử bộ quần áo con gái vào. Teng cứ thấy buồn buồn, nhột nhột. vướng víu quá! Cái quần thì rộng thùng, cái áo lại quá chật, chỉ cần thở mạnh một cái có khi đứt hết cả khuy. Em làm bộ uốn éo đi lại mấy lượt khiến chị Ba lăn ra cười, đỏ cả mặt lên. Còn tóc thì không ngại. Chị Ba luôn có mấy bộ tóc giả dữ trữ ở trong bồng để dùng cho cho các tình huống công tác. Teng chụp lên đầu một bộ tóc ngắn nhất rồi chụp luôn cái mũ sáu múi lên nữa, thế là xong. Ấy vậy mà hồi nãy đi qua các trạm gác thấy mấy thằng lính dữ tướng quần áo khét mù, Teng cũng thấy trờn trợn. Em làm bộ ngó nghiêng vậy thôi chứ thực ra trong lòng run lắm. Run hơn cả bò rào. Đã có lúc em nghĩ rằng, nếu một trong mấy thằng lính kia kêu toáng lên một tiếng có thể em dám ù té chạy lắm. May nhờ có cái dáng điệu bình thản như không của chị Ba đi trước nên em vững tâm hơn. Teng phục chị Ba quá xá! Hàng ngày thấy chị hiền khô, lại hay khóc nữa vậy mà lúc vào trận, dòm chị lạ hẳn đi, như một chị Ba khác, một chị Ba tài năng xuất chúng, đã từng xuất quỷ nhập thần, đánh đông dẹp bắc trăm trận có dư. Khoái chí, khi bước vào cổng chợ, em tru miệng huýt gió nho nhỏ. Chị Ba quay lại, lừ mắt, Teng mới thôi. Chết Cha! Con gái ai lại huýt gió như con trai vậy.
Chợ buổi trưa càng đông khách. Họ ăn uống, họ nói chuyện, chửi tục, cãi nhau ồn ã cả chợ. Mùi xào nấu trộn hòa với nắng, với bụi, với mồ hôi người khét nồng. Tuy vậy, hai chị em cũng kiếm một hàng nem chả khuất nẻo nhất, ngồi đại xuống gọi: xin hai đĩa. Nem cuốn nhỏ, nhân thơm phức, vỏ dán vàng nhưng Teng ăn thấy đắng chát như khổ qua (Mướp đắng) sống. Miệng nhai miếng nem mà mắt em cứ dán vào bất cứ một ai dáng người nhỏ bé nào. Bên cạnh hai người, thiên hạ vẫn ăn uống ồn ào, gọi rượu, gọi thuốc om sòm. Giọng Việt, giọng Tàu, giọng nam, giọng bắc cứ đan vào nhau trong mùi mỡ mùi hành tỏi và mùi thuốc lá ngầy ngậy. Bằng linh cảm của trí óc trẻ thơ, em để ý thấy bàn bên kia có mấy người lạ mặt. Họ cũng ăn cũng uống đấy nhưng mắt lại nhìn lem lém ra xung quanh. Chắc mấy thằng mật vụ trà trộn vào chợ rồi. Em nghĩ thế và thôi không quan sát đó đây nữa. Rất may là mấy gã lạ mặt đó không chú ý đến chị em Teng. Đàn bà con gái qua lại ngược xuôi ai chả ghé vào ăn xài cái hàng chả nem nổi tiếng là rẻ và ngon này mà để ý.
Chợt Teng thấy ngay chỗ ghế trống bên phải mình có tiếng người ngồi thịch xuống rồi một tiếng nói quen thuộc quen cất lên:
- Cho một đĩa bà hàng. Cho li để uống trước.
Teng tò mò ngoái lại và chút nữa thì bật la lên: “Thằng Mắt-kính máu!” Người vừa ngồi xuống là tên trưởng ấp Mắt-kính-máu thật. Trời ơi! Teng không còn nhận ra hắn nữa. Mới có ít tháng mà trông hắn gầy và già đi đến kinh khủng. Tóc hắn bạc phếch, lam nham; mặt hắn vàng võ, hốc hác như người vừa ở tù ra. Đặc biệt đôi mắt hắn mới kỳ: sâu trũng xuống và ngơ ngác như kẻ điên. Râu hắn mọc đầy cằm, đầy má trông phát ớn. Teng nhìn xuống; chân phải hắn chỉ còn là một cái ống quần lòng thòng, cái ống quần ka ki cáu bẩn và nhem nhuốc. Hắn liếm mép, liếm môi nhìn vào chảo nem đang sôi xèo xèo. Bà chủ quán chau mày nói với hắn:
- Ăn rồi đi ngay nghe! Bữa nào cũng đến ám người ta, xúi thấy bà.
Hắn không trả lời, mặt lì ra, có vẻ như đã bị hắt hủi như thế này nhiều lần, đâm quen rồi. Đĩa chả bà chủ vừa đưa ra, hắn ăn vèo một cái đã hết, li rượu đầy tràn, hắn cũng tợp có một hụm là gọn. Ăn xong, hắn đứng dậy quệt miệng bằng tay áo rồi loay hoay vớ lấy cây nạng gỗ.
- Nè! Trả tiền đi cha nội! – bà chủ róng riết.
Hắn vẫn lầm lì, nói nuốt lưỡi:
- Cộng sổ đi! Cuối tháng trả hết lượt luôn.
- Lại cuối tháng! Cha này kỳ quá! Bữa sau tôi không có bán chịu vậy nữa đâu nghen! Quỵt hoài!
Hắn nhếch mép không ra cười không ra mếu. Kỳ lạ! Nhìn tên ác ôn không đội trời chung nay đã thành ra thân tàn ma dại, Teng bỗng thấy thương hại. Nếu hôm nay vô tình gặp lại mà hắn vẫn còn mập ú, vẫn hống hách, ác độc như xưa thì chắc Teng không kìm được mà tìm cách hạ thủ rồi. Nhưng đằng này: con người kia đang sống mà như chết. Vừa khinh vừa thương, Teng quay mặt đi.
Con mắt sâu hoắm của hắn bỗng lóa lên chiếu vào bà chủ quán:
- Ta không ăn quỵt nhà chị. Ta có tiền. Sẽ có nhiều tiền. Ta sẽ lại là ông Ba trưởng ấp như ngày xưa. Ngày ấy ta đi đâu cũng có kẻ hầu người hạ, ta vào chợ, các người cúi rạp xuống dâng ta ăn những món ngon nhất mà ta đâu có thèm đụng đũa – Giọng hắn rung lên, hổn hển, mặt mũi méo xệch đi – Ta sẽ có tiền. Sẽ có nhiều tiền. Ta sẽ lại có đầy quyền uy, ta sẽ tóm cổ được cái thằng đã hại cả đời ta, ta sẽ lột da hắn làm mặt trống, sẽ… Bỗng hắn khóc lên hưng hức rồi lạng quạng chống gậy đi ra. Nắng và bụi chồm lên cái dáng hình vẹo vọ ấy. Trong này bà chủ quán nói với chị Ba:
- Từ ngày bị cụt giò, thằng cha này đâm ra thế đó. Lúc nào cũng lải nhải sẽ có tiền, có tiền. Nghe đâu con vợ nó cũng bỏ rồi, anh con trai đóng thiếu úy lại mới tử nạn ở Lộc Ninh, một thân một mình không ai nuôi mới thành ra thế. Rồi có ngày sẽ ngửa tay ăn mày mới hết có tiền, có tiền…
Chị Ba đưa mắt nhìn sang Teng? Teng cúi đầu xuống. Trước kẻ thù biến dạng hôm nay, bỗng dưng em thấy không vui mà cũng không buồn. Biết làm sao được! Tại mày ác thì mày phải đền nợ, tao có muốn vậy đâu. Teng nghĩ thầm trong đầu như thế. Miếng nem càng trở nên đắng chát. Vừa lúc đó, như một linh tính, em hấp háy mắt nhìn lên. Trời ơi! Thằng Đảm! Thằng Đảm kia sao? Nó gầy quá! Đen quá! Dáng đi vẫn lù khù như xưa. Con mắt nó nữa kìa: vẫn hiền khô và dịu dàng. Đảm! Teng muốn thét lên và chạy lại ôm chậm lấy bạn nhưng chị Ba như đoán ra, vội ghì tay nó lại. Teng ngồi cứng người, mắt mở to, miệng lắp bắp, lắp bắp. Nó vội cắn mạnh vào môi để tĩnh trí lại. Thằng Đảm uể oải nhìn hết lượt các bàn, nhìn hết lượt mọi người, có lúc đã chạm mắt vào nó nhưng lại trượt đi ngay. Nó là con gái, thằng Đảm biết làm sao được. Nó cứ trân trân nhìn như mong bạn nhận ra con mắt quen thuộc của mình. Thằng Đảm thất thểu đi sâu vào cuối chợ.
Chị Ba hỏi rất nhỏ, mặt không ngẩng lên.
- Đó phải không em?
- Dạ!
- Em ngồi đây, cấm không được đi đâu nghe!
- Dạ!
Nó dạ mà tay cứ ngọ nguậy hoài. Khổ thiệt! Chị Ba đã nói nó chỉ có việc nhận ra thằng Đảm rồi chỉ cho chị, còn ngoài ra mọi việc đều không được dính vào. Chị nói: “Ở chợ nhiều chó săn lắm! Hai đứa gặp nhau nông nổi không giữ được là bể cả công chuyện”. Tiếng chị Ba nói với bà chủ:
- Con nhỏ em cháu ngồi lại đây, cháu ra chợ mua bán chút đỉnh rồi quay lại tính tiền nghe thím.
Bà quán hiền hậu gật đầu. Chị Ba từ tốn rút khăn tay lau miệng rồi xách túi chậm rãi đi về phía thằng Đảm vừa mất hút ở dãy tạp hóa. Đầu óc thằng Teng cũng hút về phía đó. Nơi ấy, một lát nữa thôi, chị Ba sẽ thay mặt tổ chức trao nhiệm vụ làm nội ứng cho Đảm để đánh sập luôn cái nhà công sở cùng một giờ với đáng sập cái chi khu…
Mãi tới chiều, hai chị em mới lần về tới cứ. Công việc trôi chảy trót lọt không ngờ. Mệt phờ, chẳng kịp cơm cháo gì, hai chị em lăn ra ngủ. Quá nửa đêm bỗng chị Ba bấm Teng dậy.
- Nè! Út! Em có nghe thấy tiếng gì lạ không?
- Không! – Buồn ngủ quá. Teng trả lời trơn lưỡi.
 Nhưng ngay sau đó, em ngóc đầu dậy khỏi mép võng. Có tiếng gì là lạ thật? Vẫn là tiếng nước chảy quẩn vào cây róc rách nhưng sao nghe  lại có vẻ to hơn. Tiếng động là lạ ấy mỗi lúc một rõ dần như có rất nhiều đàn cá to đang đua nhau lội đến, Teng và chị Ba khẽ vén lá nhìn ra mặt sông. Dưới ánh trăng mờ đục, một cảnh tượng kỳ lạ đang diễn ra: có rất nhiều đám lục bình đang nối đuôi nhau trôi ngược dòng. Những đám bèo ấy to hơn, rộng hơn những đám bèo bình thường, mỗi lúc một táp gần vào cứ. Đám bèo trôi đầu đã mắc lại ở ngay gốc chà là dưới võng Teng. Và từ trong những cánh bèo to bản, lòa xòa, khuôn mặt ướt lướt thướt của anh Thậm nhô lên. Nhìn thấy Teng, mặt mũi anh méo xệch đi một cách kỳ dị, cất giọng ồ ồ như ma quỷ:
- Ồ… Thằng Teng đâu? Ma Vương, Hà Bá lên bắt thằng Teng xuống cưới con gái Thủy Tề đây… ồ!
Teng toét miệng ra cười. Em khoái quá, tý nữa thì nhảy ùm xuống bá lấy cổ anh Thậm. Chị Ba ngồi lặng, nhìn đăm đăm vào mắt anh Thậm, không nói gì. Giây lâu chị mới thở ra:
- Anh …Anh đã về.
Anh Thậm cũng ngước nhìn chị Ba giây lâu, khẽ gật đầu. Nhìn nhau à? Mới có một ngày mà nhìn gì nhìn hoài? Teng ranh mãnh nghĩ vậy và vội tìm cây đèn chai nhỏ xíu bật quẹt đốt lên. Đằng sau anh Thậm, các đám lục bình khác cũng đã táp cả vào rặng cây bên bờ. Thoảng chốc dòng sông lại trở về hiền hòa trôi chảy. Khuôn mặt anh Thành nhô lên, miệng cười hết cỡ:
- Xin chào cả nhà. Bà con vẫn mạnh khỏe cả chứ?
Teng lấy tay ấn mạnh xuống vai anh khiến anh lại lút đầu xuống đám bèo, miệng nhả nước sùng sục. Lát sau, anh ngóc lên, giơ nắm tay to tướng dứ dứ vào mặt Teng rồi quay qua anh Thậm:
- Tôi đã cho anh em chú tạm trong các lùm cây. Một số đã mắc được võng, đang ăn lương khô.
- Tốt lắm! Có lẽ ông đi mời thủ trưởng tiểu đoàn và các mũi trưởng đến đây. Còn chỗ, nghỉ tạm cũng được.
- Rõ! – Anh Thành ngụp đầu xuống và trườn mình như cá bơi trở lại.
Chị Ba kín đáo đưa cho anh Thậm một gói thuốc lá thơm:
- Anh hút cho đỡ lạnh. Em đã chuẩn bị được hai cây, lát nữa anh chia đều cho tất cả anh em. Các anh xuống bao nhiêu mà dòm đông dữ vậy?
Anh Thậm rít sâu một hơi thuốc rồi nhả ra từ từ lên ngọn cây với vẻ cực kỳ khoái trá.
- Đâu có đông! Chừng dăm chục. Lính đặc công cần gì đông, em. Vậy mà cũng lóc lách mãi mới lọt xuống tới đây đó. Ba lần gặp tàu Mỹ, hai lần gặp trạm gác tưởng tiêu cả, may nhờ có kiểu hành quân ngụy trang của đồng chí tiểu đoàn trưởng nên trót lọt. Công việc của em với Út Teng thế nào rồi?
- Ngon rồi! – Teng trả lời bốp chốp.
- Vậy là xong. Bước đầu hiệp đồng thế là thuận lợi – anh lại ngửa cổ phun lên một cụm khói nữa.
Lát sau có bốn người cùng anh Thành rẽ nước leo lên ván. Người nào cũng ở trần, mặc quần cụt, thân thể vạm vỡ. Trong đó có một người trẻ nhất, chừng hơn hai mươi tuổi, ít tuổi hơn cả anh Thậm nhưng nom có vẻ nghiêm và hay nhíu mày. Anh Thành nói đó là tiểu đoàn trưởng Khương. Nghe kêu tên, chị Ba mới giật mình. Lát sau chị ghé vào tai Út nói nhỏ:
- Ông Tiểu đoàn này ghê lắm heng! Chúng nó treo giải thưởng mười ngàn đồng cho ai bắt hoặc giết được ổng đó.
Nghe vậy, Teng cứ dán mắt như bị thôi miên vào con người tài danh trẻ tuổi đó. Em thêu dệt qua khuôn mặt thư sinh, vóc người nhỏ thó kia bao nhiêu điều kỳ lạ. Mải nhìn, em không để ý đến ba người mũi trưởng ngồi trước mặt. Đến lúc anh Thậm nói: “Mũi của đồng chí sẽ do em Út Teng dẫn đầu. Đây là một tài năng bò rào cừ khôi mới phát hiện được” thì Teng mới giật mình nhìn lại. Người mũi trưởng được giới thiệu có khuôn mặt vuông, cằm rộng, trông hiền như dân đào đất đang nhìn em chằm chằm. Teng hiểu được cái nhìn ấy. Chắc ổng coi thường mình? Được rồi, vô cuộc sẽ biết tay nhau. Em vênh mặt lên, nhìn đi chỗ khác với vẻ đành hanh, bất cần. Cũng có vẻ hiểu được cái vênh mặt ấy, người này chìa bàn tay to bè bè về phía em, cởi mở:
- Tớ tên là Đình. Đặng Đoàn Đình, quê Hoàng Liên Sơn, xin bắt tay với người cộng tác tí hon.
Teng cũng chìa bàn tay nhỏ xíu ra:
- Tôi là Teng. Út Teng. Quê ở đây. Xin chào đồng chí mũi trưởng nhưng tôi không phải là người cộng tác tôi là chiến sĩ. Hỏi anh Hai Thậm coi!
Người này cười ồ. Cười khẽ mà rung cả ván:
- Xin lỗi. Vậy từ giờ phút này, đồng chí Teng sẽ là chiến sĩ trong đại đội thứ nhất của tiểu đoàn vùng ven. Được chưa?
Teng nở mặt nở mày, chỉ còn biết cười.
Lúc ấy, con bìm bịp bên kia sông báo trời sắp sáng.
Sấm động ì ầm từ trưa nhưng mãi đến tối trời mới đổ mưa. Bắt đầu là một trận mưa rào trắng sông, trắng rừng. Sau đó là những đợt mưa dầm rả rích cộng với gió lạnh tràn về.
Chính vào cái lúc mưa gió ấy, những người lính mình trần, chân đất đã ngồi trước hàng rào kẻ thù.
Trước khi chia về các mũi, anh Thậm và anh Thành bò đến nắm chặt tay Teng:
- Ráng lên em!
- Ráng lên Út Teng! Em sẽ góp phần quan trọng trong đêm nay,bĩnh tĩnh nghe em!
Teng im lặng, em nhìn sâu vào mắt các anh. Giờ phút quyết định này, con người em bỗng trở nên trang nghiêm khác thường. Toàn thân Teng rung lên trong một nỗi xúc động khó tả và sau đó là sự đằm xuống. Đặc cứng những quyết tâm cháy nóng. Anh Đình đưa cái cằm vuông chằn chặn đến sát mũi em, giọng nói vẫn đùa như lúc còn ở trong cứ:
- Thế nào ông bạn nhỏ? Sẵn sàng nhé! Sau đêm nay sáng mai về sông, anh em mình ních một bụng cá luộc thả ga chứ?
Teng mỉm cười gật đầu. Hơi thở ấm áp của anh làm em dịu người lại. Cái khu đồn xù xì trước mặt bỗng thấy thoáng đãng hơn. Đã đến giờ! Em hít một hơi thở thật sâu trong lồng ngực rồi toài người xuống, chìm sâu vào đất.
Em vượt qua hàng rào thứ nhất khá dễ dàng, thậm chí còn dễ dàng hơn cả khi bò nghiên cứu với anh Đoan. Tuy phía trước em không còn đôi gót chân bình thản của anh nhưng đằng sau em lại có khuôn mặt của anh Đình, có khuôn mặt của cả mũi năm người nằm nối vào nhau. Teng cảm thấy hơi thở của sáu chiến sĩ mà người cuổi cùng là tiểu đoàn trưởng khét tiếng anh hùng đang từng giây, từng phút truyền lên, dồn tụ vào em, động viên thúc đẩy em, đẩy lại đằng sau từng phân đất. Trong mỗi thước đất em vượt qua, Teng như thấy có hơi nóng của anh Đoan bồi hồi dưới bụng. Trong mỗi động tác tinh tế em phải làm, Teng như thấy đôi mắt hiền hiền của anh hiện lên dặn dò, chỉ bảo. Mưa vẫn rơi thon thót vào lưng. Mưa mặc mưa! Chỉ sợ mưa làm phai màu ngụy trang trên lưng chứ không sợ mưa làm hằn thêm dấu vết. Đêm nay không cần phải xóa sạch dấu vết gì nữa. Kíp mìn tháo ra cũng không cần phải gài lại. Đem nay phá cho tan tành luôn cơ mà. Cái đích của em vẫn là thằng gác lù lì đen thui mọi ngày. Nhìn bóng thằng gác, lòng Teng bỗng dưng se lại. Chính một phát súng vu vơ của chúng nó đã cướp đi anh Đoan của Teng… Teng càng tập trung toàn bộ sự nhạy cảm lên các đầu ngón tay để rà tìm những sợi dây mìn vô hình, lạnh buốt. Mưa vẫn không có dấu hiệu ngưng nghỉ. Càng tốt. Em biết sau anh Đình là hai chiến sĩ làm nhiệm vụ cắt rào. Tiếng mưa gõ ào ào lên cây cỏ, cát sỏi, lên những mái tôn trong chi khu sẽ che át đi tiếng lưỡi kìm bấm vào rào đứt tanh tanh.
Đã hết hàng rào thứ tư... Đến một đoạn có bụi mắc cỡ lúp xúp, Teng dừng lại. Anh Đoan bị trúng đạn ở đây đây... Teng bỗng chợt nghĩ: giá bây giờ cũng có một viên đạn vu vơ từ trên bờ đê bay xuống đậu vào người mình nhỉ? Một tiếng súng cầm canh vang lên lẻ loi rồi mất hút vào đêm tối của nhà công sở bên kia lộ. Giờ này chị Ba chắc đã dẫn mũi của anh tiểu đoàn phó nằm dài theo hàng rào ngoài cùng để chờ bên này nổ súng là cùng ùa vào. Thằng Đảm chắc đã lợi dụng phiên gác tối nay mà mở sẵn chốt các cự-mã (khu rào chắn xung phong) trên đường vào cổng chính. Teng chưa biết sau tiếng nổ ấy cái gì sẽ xảy ra nhưng chắc là ầm ào dữ dội lắm. Hàng trăm quả thủ pháo cùng nổ một lúc kia mà. Dưới những giọt mưa rơi, Teng vừa bò vừa mường tượng ra giây phút huy hoàng ấy. Chỉ cần nhìn thấy cái chi khu này rực lửa là Teng có chết cũng cười. Theo kế hoạch của chị Ba, khi trong chi khu và nhà công sở bị phá nát thì bà con sẽ theo ông Tư Đờn cò và ông Năm Hinh nhanh chóng ào vào nhổ sạch rào gai, thu hết vũ khí đạn dược, dẫn tù binh xuống năm cái ghe  to đã chực sẵn ở bến. Những chiếc ghe ấy sẽ đưa bộ đội rút lui theo dòng nước về căn cứ an toàn. Teng cũng sẽ có mặt trong đoàn quân chiến thắng trở về ấy. Không hiểu lúc đó có kịp gặp má không? Liệu má có mặt trong đoàn người ùa vào chi khu thu vũ khí không? Chắc khó lắm! Chúng nó đêm nào cũng phục quanh nhà, gài mìn ngoài sân, chắc gì má ra được…
Bỗng Teng bị bấm mạnh một cái vào chân. Em giật mình ngẩng lên: bóng thằng gác đang dựng sừng sững ở trước mặt. Hú vía, mải tập trung vào dưới đất, em đã dẫn đội hình tiếp cận bờ đê lúc nào không hay. Đây chính là chỗ cuối cùng Teng và anh Đoan còn nằm cạnh nhau. Từ đây trở đi, Teng không biết gì nữa ngoài cái sơ đồ của thằng Đảm. Tiếng cắt rào tanh tanh phía sau Teng cũng im bặt. Và thật quái ác, trận mưa chờ đúng đến đây cũng ráo hoảnh. Thằng gác gần thế này, mưa không còn rơi át tiếng nữa, mấy anh làm sao mà cắt rào nổi.
Trên đầu Teng, thằng gác chắc lạnh nên cứ so vai rụt cổ hít hà. Tấm phông-sơ Mỹ khoác trên mình nó đôi lúc cọ vào nhau sột soạt. Em còn đang phân vân không hiểu làm cách nào để trườn qua được ngay dưới chân  có thì cảm thấy bên phải mình, anh Đình đang êm nhẹ trườn lên. Em căng mắt nằm im. Chợt bàn tay phải  anh Đình cử động. Bàn tay ấy đã cầm sẵn một con dao găm. Cặp mắt anh như có lửa chiếu thẳng vào cái vùng mặt đen thui của tên  gác. Tim Teng đập mạnh như chính mình sắp xông lên vung dao vào ngực nó. Chát! Chíu!... Có vẻ như buồn chân, buồn tay, thằng gác nháy cò một loạt xuống chân những lớp rào. Đạn chạm đá tóe lửa, vang xa.
Có vẻ chờ cho âm thanh của loạt đạn ấy tan hẳn, anh Đình chống một tay bật người dậy. Chính vào lúc cái bóng bè bè của anh chồm lên người thằng gác thì Teng bỗng phát hiện ra một cái bóng khác từ đâu ló ra, lừ lừ đi đến. Vừa nhìn thấy thằng đồng bọn của có rên hức lên một tiếng rồi ngã vật xuống, nó vội hoảng hồn xỉa súng ra. Mũi súng rung rung trước mặt Teng và găm thẳng vào ngực anh Đình. Không kịp nghĩ ngợi gì thêm, Teng nhào lên ôm chặt lấy thằng lính. Nòng súng nó hếch lên trời lia một loạt dài. Một viên đạn đã xuyên vào người em. Teng bàng hoàng rời tay ra, khuỵu xuống và từ lúc đó em mê man không còn hay biết gì nữa…
Út Teng tỉnh dậy vào lúc trời sắp sáng, giữa mặt sông gớn óng, trên một chiếc ghe có nhiều tàu lá động đình che kín trên đầu. Em đang nằm trong đội hình thắng trận trở về. Cái đầu tiên em lòa nhòa nhìn thấy nghiêng xuống mặt em là khuôn mặt của Đảm. Hai mắt Đảm ướt đẫm nước. Cạnh khuôn mặt Đảm là khuôn mặt của chị Ba, của anh Thậm, anh Thành của … - Má ở! Đau quá, em lại thiếp đi. Nước sông mơn man vỗ vào hai bên thành ghe như đưa, như ru cậu bé vào giấc ngủ nhọc mệt.
Lần thứ hai tỉnh dậy, em thấy cái miệng của Đảm hơi cười. Cái miệng vừa cười vừa mếu. Em phều phào hỏi;
- Đây là đâu?
- Sông! Là sông Teng ạ! – Đảm trả lời vội vàng – chúng mình về đến sông rồi.
- Sông à? … Teng có dướn ngực lên – Thế còn … Chi khu?
- Thắng rồi! Cả nhà công sở nữa. Thắng hết rồi. Thằng đại úy và cả thằng trưởng ấp đều chết hết rồi! – Đảm cầm chặt lấy Tay Teng, giọng run run – Thế là Teng sống rồi, Teng không bỏ Đảm mà đi nữa rồi. Teng ơi….
Chị Ba vuốt ve tóc em, giọng thoáng nhẹ!
- Út đừng hỏi nữa, Út nằm nghỉ đi.
Ngoan ngoãn, em lại nhắm nghiền mắt. Bên cạnh em xôn xao tiếng chuyện trò nho nhỏ. Láng mạng giọng anh Thậm:
- Thằng nhỏ giỏi quá! Nếu nó không ôm chặt lấy thằng lính ấy thì trận đánh phải diễn ra sớm hơn rồi.
- Thế thì chết!  - có lẽ tiếng anh Thành – Mũi của tôi còn đang loay hoay ở hàng rào thứ năm.
- Mũi của mình đang ở hàng rào thứ sáu… Thằng lính ấy cũng bị ông Đình hạ luôn. Tưởng lộ nhưng trong chi khu vẫn im re. Chúng nó tưởng bon gác bắn chơi như mọi lần mà.
Anh Thành đặt tay lên trán Teng:
- Trán nó nóng quá! May mà không vào ruột. Sức vóc như tôi mà bị vậy chắc cũng phải la lên, đằng này nó cắn răng  không rên một tiếng. Nó sợ trận đánh bị lộ. Thằng nhỏ gan quá trời! Nếu đêm qua thiếu nó…
Teng mở mắt ra, hỏi yếu ớt;
- Anh Đình… anh Đình đâu rồi?
Chị Ba cúi mặt xuống, tiếng nói của chị như từ dòng nước vọng lên:
- Ảnh hy sinh rồi… Hy sinh ngay trong hầm chỉ huy. Trước khi chết, anh có nhắc đến em…
Teng nhắm mắt lại. Một giọt nước mắt chảy xuống gò má em. Cơn đau mới lại dìm em vào mê mệt.
Lần thứ ba em tỉnh dậy, trời đã tang tảng sáng. Chim hót ríu ran trên những vòm cây. Mọi người đã đi đâu cả? Chỉ có khuôn mặt của Đảm vẫn cúi thấp xuống:
- Teng ơi! Teng đi nghen! Teng đi viện ráng ăn ráng ngủ mau khỏi. Đảm ở lại đây làm thay việc của Teng. Mấy anh nói khi nào Teng khỏi sẽ đưa Teng ra ngoài bắc học tập… Khi ấy đừng quên Đảm nghen! Đảm sẽ thay Teng chăm sóc má, đừng buồn. Chú Tư Đờn nói tới đây sẽ đưa má ra chiến khu… Chú Tư gửi lời hỏi thăm Teng. Chú không ra được….
- Má ở!...
Út Teng mở bừng hai mắt, bàng hoàng nhìn ra xung quanh. Những chiếc ghe phủ đầy ngụy trang bắt đầu chuển động. Chiếc ghe của em cũng bắt đầu cạy mũi ra khỏi lùm cây thân thuộc. Khuôn mặt thương yêu của Đảm, của chị Ba xa dần… xa dần.