CHƯƠNG 14

    
ẽ ra tôi không nên quá ngạc nhiên khi tòa nhà đầu tiên đập vào mắt lúc chúng tôi rẽ vào đường Lemuria Drive là một nhà thờ. Nhà thờ thánh Romanus xứ Conrat là một khối kiến trúc đồ sộ cố ra vẻ đáng kính hơn thực tế. Trông nó không có vẻ bị bỏ bê, mà đúng hơn là dường như tiền đã cạn kiệt. Lớp sơn bong tróc, gạch đá sứt mẻ, và những vết nứt trên cửa sổ thì được dán lại bằng băng dính trong. Có một biển báo bên cạnh con đường bê tông hướng ra cửa chính, viết chữ đen trên nền bảng trắng rằng cha Shanahan mời tất cả mọi người đến dự lễ Mass vào ngày Chủ nhật. Phía sau nhà thờ Romanus là một khu nghĩa trang đổ nát với những phiến đá xám bạc màu nối đuôi nhau trồi lên khỏi mặt đất như những viên sủi giảm đau Alka-Seltzer rơi xuống rìa đất vậy. Cỏ héo vàng trông như mái tóc lởm chởm còn hoa tưởng niệm người quá cố thì thối rữa trên đất. Một vài tấm bia lớn hơn có tạc tượng các thiên thần đưa người đã khuất lên Thiên đường. Tôi hỏi Marianne Engel có tạc bức tượng nào ở đây không. Không, cô nói, cô không chế tác những công trình kiểu ấy.
Ngôi nhà của cô, ở lô đất tiếp theo nhìn từ phía nhà thờ thánh Romanus, thực sự trông giống một pháo đài hơn: một thành trì bằng đá vĩ đại khiến người ta không khỏi nghĩ nó có thể chống chọi cả một cuộc vây ráp của quân Hung Nô. Cô có thể thấy rõ mặt tôi thộn ra thế nào trước sự kiên cố đó, nên đã giải thích ngay rằng cô không thể tưởng tượng được việc phải sống trong một tòa nhà không thể đương đầu với dòng chảy thời gian.
Khi cô giúp tôi ra khỏi xe, tôi hỏi liệu cô có thấy sợ khi sống cạnh một nghĩa trang không. Cô chỉ nhún vai và nhắc tôi để ý những phiến đá lát đường vì vài viên đã long ra. Cô lầm bầm giải thích về cái cây vươn lên trên chiếc xe cút kít như một chậu cây cảnh, bánh trước gỉ sét của nó ngập trong đất mùn. Một hòm thư được cấu tạo sao cho thư được nhét vào cái miệng há hốc của một con rồng.
Ở hông nhà là hai cánh cửa gỗ sồi to tướng với bản lề bằng thép nặng trịch mở lối xuống xưởng chế tác dưới tầng hầm, được lắp đặt đặc biệt để những tảng đá tạc tượng có thể lọt qua. “Cải tiến được nhiều như thế này là nhờ vào việc giảm thuế. Nhân tiện, đó là những gì Jack nói với tôi.” NGƯƠI VẪN CHƯA QUÊN CHUYỆN CỦA JACK, ĐÚNG KHÔNG?
Một con chó màu nâu sữa chạy ra từ sân sau, con Bougatsa nổi tiếng đây mà. Marianne Engel cúi xuống xoa xoa cái đầu to bự ngu ngốc của nó, kéo tai nó ra sau. “Boogie!” Chỉ cần mất một giây là có thể xác định ngay con cẩu này đã củng cố tất cả những gì tôi ghét về loài chó. Nó trông đần độn theo đúng kiểu của chó, cái lưỡi lờ đờ liếm hết bên này đến bên khác, cái đầu lúc lắc xung quanh như một vũ nữ Hawaii bằng nhựa õng ẹo ngồi trên bảng điều khiển xe ô tô của một tay ma cô.
TA CƯỢC RẰNG JACK LÀ MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG BÌNH THƯỜNG. CÓ NHIỀU THỨ ĐẦY HỨA HẸN.
“Chúng ta hát cho chàng trai dễ thương này một bài nhé?” Marianne Engel rên lên như một dã nhân chân to rít thuốc hết điếu này đến điếu khác, và Bougatsa hùa vào, cố bắt chước. Tôi đã biết rõ là cô hát rất hay, thế nên rõ ràng cô chỉ hát kiểu này để chơi với con cún của mình thôi. Giờ đây tai tôi chỉ còn là mấy mẩu thịt be bé, từa tựa như quả mơ khô nhú ra từ cái đầu đặc kín bé tí thôi. Tai phải hầu như đã điếc hẳn nhưng tai trái vẫn còn đủ thính để nhận ra những âm thanh ấy khủng khiếp đến mức nào. Hai cái đầu nghiêng ngả khiến người ta nghĩ rằng hai kẻ chủ tớ đang tưởng tượng ra những nốt thăng lượn lờ trên đầu mình, chờ họ nhảy lên vồ lấy. Họ trượt. Chẳng có gì ngạc nhiên khi Marianne Engel lại sống cạnh một nghĩa trang: ngoài người chết ra còn ai có thể chịu nổi cô cơ chứ?
MỘT CÔNG VIỆC CHẲNG HẠN. Con rắn cái. HAY LÀ MỘT TƯƠNG LAI.
Trong khi chủ tớ bọn họ chơi trò chó sủa mèo kêu, tôi mải mê ngắm nhìn ngôi nhà kỳ dị của cô. Những bậu cửa sổ được làm bằng gỗ dày, còn cửa sổ gắn kính pha chì dày tới mức một quả bóng rổ đi lạc chỉ có nước bật ngược trở lại. Những phiến đá tảng trông như thể đã được đám đàn ông lông lá bụng bự lần lượt đặt vào vị trí rồi đập cho ngay hàng thẳng lối bằng những cái vồ nặng trình trịch. Dây trường xuân xanh mướt lan trên những bức tường hướng về phía điểm nổi bật nhất của toàn bộ chỗ này: những con quái vật chạm khắc dọc theo máng xối. Để kéo Marianne Engel khỏi trò chơi hò la, tôi nhận xét rằng bình thường chẳng thấy nhiều tượng gargoyle ở nhà riêng như thế này.
“Anh mà thấy thế thì tôi đã giàu lâu rồi. Chúng rất được ưa chuộng đấy, tôi còn được lên báo nữa cơ. Hơn nữa, tôi còn có nhiều cậu bé đến nỗi chưa biết làm gì với chúng đây.”
Lũ quỷ liếc nhìn xuống, đôi mắt lồi to đùng của chúng trân trối nhìn tôi dù tôi bước sang phải hay trái. Những cơ thể xoắn vặn của chúng mê hoặc tôi: phần thân trên của một người đàn ông nối với cái đuôi cá nhưng vẫn không biến ông ta thành một nam nhân ngư thực thụ được; cái thân khỉ lủng lẳng trên hông ngựa; cái đầu bò thò ra từ thân một con sư tử có cánh. Một con rắn mọc ra từ một con dơi. Một khuôn mặt phụ nữ giận dữ khạc ra đầy những cóc. Trên tất cả những thân thể được khắc chạm ở đây, những con quái vật tạp nham cùng tồn tại với nhau; thật khó có thể xác định chỗ kết thúc và điểm bắt đầu tiếp theo, và cũng không thể biết được rằng con dã thú nào - hay phần nào của con dã thú - là tốt hay xấu.
“Ta cần đặt chúng trên đó,” Marianne Engel nói.
“Để làm gì?”
“Để đuổi những linh hồn xấu xa đi.” Cô nắm tay tôi dẫn tôi qua cửa chính. Tôi hỏi sao cô không xây cầu kéo và đào hào nữa cho đủ bộ. Luật trong vùng, cô giải thích.
Tôi cứ nghĩ nội thất trong nhà sẽ toàn thảm và ngai vàng phủ nhung, nhưng tất cả chỉ là một khoảng không trống rỗng. Những cây cột gỗ vuông vắn chống đỡ mái nhà, còn sàn nhà thì lát ván cỡ đại. Cô treo áo khoác lên cái giá bằng sắt ngay phía sau cửa, thế rồi nhận thấy sự hứng thú của tôi với các đồ gỗ trong nhà, cô bèn nói “Xà nhà là gỗ tuyết tùng còn rui là gỗ linh sam.”
Cô bắt đầu dẫn tôi tham quan nhà cửa, bắt đầu từ phòng khách sơn đỏ. Có một chiếc lò sưởi khổng lồ với họa tiết hình thiên thần và ác quỷ đan xoắn vào nhau quanh cửa lò bằng đáù. Có hai cái ghế bành, với một tấm thảm lớn đặt ở giữa, như thể đang chờ các vị nhiếp chính quan ngồi vào bàn chuyện đại sự.
Phòng ăn treo rất nhiều tranh trên tường, hầu hết đều có những vệt sẫm màu quệt qua các hình ảnh bay lượn. Chúng trừu tượng hơn tôi nghĩ; và nếu phải đoán thì tôi sẽ cho rằng cô có những bức tranh vẽ đề tài tôn giáo. Nhưng không phải thế. Có một chiếc bàn gỗ sồi lớn với những họa tiết hoa màu tím tươi sáng ở chính giữa, và những cây nến đặt chỉn chu trong chân nến bằng thép ở hai bên bàn. “Francesco đã làm những thứ này đấy. Khi anh thấy những đồ kim loại trong ngôi nhà này, anh có thể biết đó là do anh ấy làm.” Tôi gật đầu: Chắc chắn rồi, sao lại không chứ? Nhà nào chẳng được vài con ma Ý trang bị đồ đạc?
Nhà bếp có một bếp lò tròn ủng màu bạc, một cái tủ lạnh kiểu cổ và hàng ấm đồng treo trên trần. Lọ thủy tinh đựng mì sợi và gia vị xếp dọc trên giá, lớp sơn màu hoa hướng dương làm căn phòng rạng rỡ khôn tả. Tất cả mọi thứ đều ở đúng vị trí, và dấu hiệu lộn xộn duy nhất là một cái gạt tàn đầy tràn. Ngôi nhà của cô một lần nữa lại làm tôi bất ngờ: không phải vì cái gạt tàn, mà là vì sự ngăn nắp của nó.
Phòng viết của cô bị chiếm hữu bởi một cái bàn gỗ to tướng mà theo lời cô thì từng là vật sở hữu của một ông vua Tây Ban Nha. Tôi cũng chỉ gật đầu thêm cái nữa: Chắc chắn rồi, sao lại không chứ? Mấy con ma Ý có phải cái gì cũng làm được đâu. Đằng sau bàn là một cái ghế cực kỳ chắc chắn, bên phải ghế là một chiếc đi văng bọc da trông như đang đợi một bệnh nhân của nhà tâm lý học Freud.
Giá sách, nặng trịch sách về các chủ đề nghiêm túc, chiếm trọn ba bức tường. Spenser, Milton, Donne, Blake và Đức ngài Bede đại diện dân Anh. Tác giả người Đức gồm có Hartman von Aue, Wolfram von Eschenbach, Ulrich von Turheim. Walther von der Vogelweide và Patrick Suskind. Tác phẩm văn học Nga gồm có Cuộc đời của đại tư tế Avvakum, Ác quỷ của Mikhail Lermontov và Những linh hồn chết của Nicolai Gogol. Tây Ban Nha cung cấp các kiệt tác của thánh Teresa xứ Avila: Lâu đài nội tâm và Đường đến hoàn thiện. Người Hy Lạp cũng không để bị lãng quên: Homer, Plato, Aristotle, Euripides và Sophocles chiếm hầu hết ngăn cuối cùng, như thể từ lâu chúng đã quyết định rằng giá sách sẽ không thể hoàn thiện nếu mọi cuốn khác không chịu đứng lên vai chúng vậy. Chiếm nửa bức tường là sách Latin, nhưng chỉ có độc hai cuốn thu hút tôi là Giấc mơ của Scipio của Cicero và Những biến thái của Ovid. Trông hơi lạc lõng, nhưng không hề muốn bị bỏ rơi khỏi trường quốc tế, là một lượng lớn sách đến từ châu Á. Tôi không thể phân biệt nổi chữ Trung Quốc với chữ Nhật Bản, và thậm chí cả những nhan đề được dịch sang tiếng Anh nhiều khi cũng chẳng giúp tôi đoán được nguồn gốc của cuốn sách. Cuối cùng là bản in của tất cả các tài liệu tôn giáo trọng yếu trên thế giới: Kinh Thánh Thiên Chúa, kinh Do Thái, kinh Koran, bốn bộ kinh Vệ Đà, vân vân.
Điểm nổi bật nhất của bộ sưu tập này là mỗi cuốn sách ngoại văn đều có hai bản, đứng cạnh nhau: bản gốc và bản dịch tiếng Anh. Rất tự nhiên, tôi hỏi Marianne Engel về điều này.
“Bản tiếng Anh là cho anh,” cô nói. “Như thế ta có thể cùng bàn luận về chúng.”
“Thế còn bản gốc?”
“Tôi đọc bản dịch làm gì?”
Marianne Engel lướt qua chồng sách và chọn ra hai cuốn trông có vẻ không phải được in bởi một nhà xuất bản chuyên nghiệp, mà được viết tay trên những tờ giấy dày đóng xộc xệch bằng chỉ thêu. Nét chữ là của cô và bản viết, may mắn làm sao, là tiếng Anh thay vì tiếng Đức. Khải huyền của Christina Ebner và Ân điển-cuộc đời của Friedrich Sunder.
“Tôi nghĩ anh có thể muốn đọc mấy cuốn này,” cô nói, “nên tôi dịch chúng.”
Có một vật thể khá thú vị nữa trên giá sách: một bức tượng thiên thần bằng đá nhỏ với đôi cánh dang rộng về phía Thiên đường. Tôi hỏi có phải cô tạc bức tượng này không nhưng câu hỏi ngây thơ của tôi có vẻ đã làm tổn thương cô. Cô chớp mắt vài lần, như thể cố kìm nước mắt, và mím chặt môi để làn môi dưới run bần bật của mình bình tĩnh lại. “Anh đã tạc cái đó cho tôi,” cô thổn thức nói. Đó là Morgengabe(25) của tôi.
Thế là kết thúc chuyến thăm tầng trệt của tòa nhà. Xưởng tạc tượng của cô nằm ở tầng hầm, nhưng chân tôi chẳng còn sức mà đi nữa. Ngày đầu rời bệnh viện đối với tôi thế là đã quá đủ rồi, và sự thật là, tôi thấy choáng ngợp trước cảm giác tự do. Tôi đã dần quen với việc thuộc từng phân ngoại cảnh và từng phút lịch trình, vậy mà giờ tôi đang phải đối mặt với những cảm giác mới lạ bất tận. Chúng tôi ngồi tại phòng khách chuyện trò trong thời gian còn lại của buổi chiều, nhưng cô vẫn không lấy lại được nụ cười đã tắt vì câu hỏi của tôi về bức tượng thiên thần.
CHUYỆN NÀY CHẲNG KÉO DÀI LÂU ĐÂU, NGƯƠI CŨNG BIẾT ĐẤY. Con rắn quấn đuôi quanh ruột tôi. NGƯƠI SẼ LÀM TỔN THƯƠNG CÔ TA BẰNG SỰ THIẾU NHẠY CẢM CỦA MÌNH CHO MÀ XEM.
Vào đầu buổi tối, tôi leo cầu thang lên tầng trên với sự hộ tống của Marianne Engel, phòng tôi bị trượt chân. Tôi khao khát một mũi morphine để bịt mồm con rắn cái khốn kiếp. Tôi được chọn hai phòng: một là phòng dành cho khách, đã dọn sẵn, một là cái góc nhỏ trông chẳng khác gì gác xép trông ra khu nghĩa trang đằng sau nhà thờ thánh Romanus. Marianne Engel khá lo lắng về cấu trúc kỳ dị của căn phòng, lép kẹp vào góc mái, có thể quá khó chịu cho tôi sau hàng tháng trời nằm viện, nhưng tôi ngay lập tức thấy thích nó. “Nó giống như một cái tháp chuông nhà thờ ấy. Rất tuyệt.”
Morphine cô tiêm cho tôi giờ ngọt ngào hơn cả cơn mưa đầu mùa trên sa mạc, và con rắn lặng lẽ trườn lại vào cái ổ của mụ. Tôi cứ nghĩ mình có thể ngủ một mạch đến tận sáng hôm sau, nhưng đời không đẹp như tôi tưởng. Đang là tháng Hai và ngoài trời vẫn chưa ấm lắm, nhưng vì một vài lý do nào đó trong nhà lại nóng một cách quái gở. Có lẽ một phần là do ảnh hưởng tâm lý, tôi có hơi căng thẳng vì lần đầu tiên ngủ ở một nơi xa lạ sau mười tháng trời.
Làn da chết của tôi nóng bừng lên trong cái đêm ngây ngấy sốt ấy và tôi đã mơ về những trại tập trung, về những lò thiêu người và những cơ thể gầy rộc. Cơn đói biến họ thành những sinh vật gầy guộc đến nỗi không còn ra hồn người. Mắt họ lồi ra buộc tội; họ săn đuổi tôi với ánh nhìn như ăn tươi nuốt sống. Ai đó nói bằng tiếng Đức, “Alles brennt, wenn die flamme nur heik genug ist. Die Welt ist nichts als ein Schmelztiegel.” Tất cả sẽ cháy nếu lửa đủ nóng. Thế giới chỉ là một lò lửa đang hừng hực cháy. Đó là câu tôi đã nghe thấy trong cơn ác mộng về chiếc giường xương bùng cháy giữa những tấm vải liệm khi còn nằm viện.
Tôi giật mình bật dậy dưới những tấm chăn mỏng, ước sao có thể đổ mồ hôi. Tôi nghe con rắn ngân nga từ DIỆT CHỦNG. DIỆT CHỦNG. DIỆT CHỦNG... “Holocaust” - từ này, tôi được dạy, nghĩa đen là “thiêu cháy tất cả mọi thứ”. Cái tháp chuông nhà thờ đang nướng tôi lên; bác sĩ Edwards nói đúng, chúng tôi cần phải lắp điều hòa nhiệt độ. TA ĐANG TỚI ĐÂY VÀ NGƯƠI CHẲNG THỂ CẢN ĐƯỢC ĐÂU... Không thể phủ nhận con rắn này đeo bám người dai như đỉa đói; cứ như là có một thành viên của tổ chức Nhân chứng của Chúa đang ký sinh trong xương sống tôi vậy. TA ĐANG TỚI ĐÂY VÀ NGƯƠI CHẲNG THỂ CẢN ĐƯỢC ĐÂU.
Tôi nhìn cuốn Gnaden-vita của Friedrich Sunder (nghĩa là Ân điển-cuộc đời) trên chiếc bàn đầu giường. Tôi quyết định mình chẳng có tâm trạng đâu mà đọc sách, nhất là những thứ khó đọc như vậy. Tôi cố ngồi dậy trên đôi chân bất hợp tác, và với một chút dỗ dành, cuối cùng nó cũng chịu xoay về hướng phòng ngủ của chủ nhà, nơi mà - khá bất ngờ - không hề có sự hiện diện của Marianne Engel. Tôi lắng nghe âm thanh của ngôi nhà. Từ phía dưới, tôi nghe văng vẳng tiếng nhạc cổ điển, tôi không nhận ra giai điệu nhưng không hiểu sao nó lại làm tôi nghĩ đến những người nông dân. Tôi vất vả đi xuống hai tầng cầu thang, từ tháp chuông nhà thờ xuống tầng trệt, rồi từ tầng trệt xuống xưởng tạc tượng dưới hầm.
Có hàng trăm ngọn nến, hàng trăm đốm lửa sáng bừng trong hầm. Tôi không thích chúng. Những dòng sáp đỏ chảy tràn xuống chân nến sắt; những tia lửa tí tách phản chiếu xuống nền nhà trông như vòm trời sao màu hồng ngọc bị lật úp. Tôi có thể nhìn thấy cái bóng khổng lồ của cánh cửa gỗ sồi ở một góc phòng và một băng ghế gỗ nặng trịch ở góc bên kia. Một hàng dụng cụ trên móc treo tường, có cả một cái máy pha cà phê ở trên giá cạnh chiếc đài đang phát nhạc. Một cái chổi rơm tựa vào bức tường gần đống đá vụn vun cẩu thả. Nhưng đây chỉ là những chi tiết vớ vẩn thôi.
Khắp nơi la liệt những con quái vật chưa thành hình. Hầu như những bộ phận chưa hoàn thành là phần dưới của những bức tượng grotesque, cứ như có một đám mafia yêu tinh đã cho chúng những đôi giày xi măng tượng trưng vậy. Một con quỷ biển bán thân đang dùng những ngón tay có màng cố thoát ra khỏi đại dương đá granite. Phần thân trên của khỉ đang hoảng sợ tột độ đâm ra từ mình một con sư tử chưa tạc xong đôi chân. Đầu chim đặt trên vai một con người, nhưng tất cả những gì bên dưới ngực chỉ là một khối cẩm thạch chưa hề được đụng đến. Ánh nến lung linh chỉ làm tăng thêm độ rùng rợn cho những đường nét vốn đã kinh dị của lũ quái vật.
Cả xưởng làm việc là một bản giao hưởng bất toàn, với những bức tượng grotesque nằm giữa lằn ranh tồn tại và không tồn tại. Khó mà nói chúng đang vui hay buồn, sợ hãi hay chẳng chút sợ sệt, đầy sức sống hay vô hồn; có lẽ ngay chính bản thân chúng cũng chưa biết được. Vẫn chưa đủ ánh sáng để đánh giá chúng đẹp đẽ hay kinh tởm. Và giữa cái đống tượng ngổn ngang này, Marianne Engel đang nằm ngủ trên một tảng đá lớn, chẳng mặc gì trừ cái vòng cổ với mặt mũi tên trên khe ngực, phập phồng theo nhịp thở của cô. Nhà cô là ở đây, bóng tối và ánh sáng nhảy nhót trên cơ thể trần truồng, mái tóc cô quấn quanh người như những đôi cánh dệt từ thừng bện màu đen. Cô bám lấy tảng đá như đám rêu chờ được tắm trong mưa, và tôi không thể rời mắt khỏi thân hình rực rỡ ấy. Tôi không muốn cứ chằm chằm nhìn thế; chỉ có điều tôi không đừng được.
Tôi biết mình đang xâm phạm một thứ gì đó rất đỗi riêng tư; có gì đó giữa quang cảnh ấy còn mong manh hơn trạng thái trần trụi của cô. Tôi có cảm giác mình đang xen vào một cuộc trò chuyện riêng tư, và tôi biết mình cần phải rời đi ngay lập tức.
Tôi trèo lên tầng trệt và quyết định sẽ ngủ lại trong phòng viết vì nó có vẻ mát hơn tháp chuông. Tôi đặt mấy tấm khăn lên ghế da vì tôi vẫn còn đang trong thời kỳ thay da, rồi nằm xuống. Tôi cho mình một liều morphine nữa, vì thuốc độc đối với người này lại là sữa ấm với người kia mà. Thế là đêm đó tôi chả mơ mộng gì về diệt chủng nữa.
Tôi tỉnh dậy thì thấy Marianne Engel, trong tấm áo chùng trắng, đang đứng trước mặt. Chúng tôi nói chuyện với nhau vài phút thì cô lôi tôi vào phòng tắm, bồn tắm đã được chuẩn bị sẵn sàng với các hóa chất cần thiết và có cả một chiếc cặp nhiệt độ treo phía trên thành bồn nữa. “Anh cởi quần áo ra đi.”
Tôi đã tránh được mấy bài tập tắm rửa với Marianne Engel hồi còn ở bệnh viện nhờ may mắn và lừa gạt, nhưng giờ thì vận may của tôi hết rồi. Nhà hảo tâm cưu mang tôi giờ đang đề nghị nhìn cái thân thể trần trụi của tôi, thế là tôi tung đại con bài cuối cùng ra: tôi bảo cô rằng tôi ngại phô thân thể mình ra trước mặt cô lắm, và hỏi liệu cô có hiểu cho không. Cô nói là có thể, nhưng điều đó cũng chẳng thay đổi được thực tế là tôi phải đi tắm đâu, tôi nói cô cần phải tôn trọng sự riêng tư của tôi. Cô cười phá lên và kể cho tôi nghe một giấc mơ cực kỳ sinh động về việc tôi đứng giữa xưởng tạc tượng, nhìn chằm chằm vào cơ thể trần trụi của cô.
Tôi chẳng đối đáp được câu nào. Điều khá khẩm nhất tôi có thể làm lúc này là mặc cả mặc lẽ: tôi đồng ý để cô tắm cho nếu cô chịu tăng liều lượng morphine lên cho tôi trước. Thỏa hiệp được ký kết. Rất nhanh chóng tôi đã đứng trần như nhộng giữa phòng, trông như được làm từ cao su chưa đổ vào khuôn, trong khi cô tìm khắp cái thân thể xấu xí của tôi một cái ven háu đói thích hợp để tiêm morphine vào.
Tay cô đặt trên hông tôi và cánh tay trái của tôi chìa ra nhận thuốc, nhưng cánh tay phải thì cứ đong đưa có mục đích trước vùng háng.
Cô chuẩn bị kim tiêm, hướng đầu nhọn về vị trí sắp đâm, và hỏi: “Chỗ này được chưa?” CÔ TA CÓ THỂ VÀO TRONG NGƯƠI… Tôi gật đầu. Mũi kim xuyên qua da nhưng tôi thậm chí còn chẳng buồn nghĩ về lượng morphine đang chảy vào cơ thể; tôi chỉ đang nghĩ… NHƯNG NGƯƠI KHÔNG THỂ VÀO TRONG CÔ TA rằng tôi phải chắc chắn không chuyển động cánh tay phải bằng mọi giá.
“Vào bồn nào,” cô nói. Nhưng tôi không thể trèo vào bồn mà không cử động cánh tay phải được. Thế là tôi cứ đứng đó, giấu giếm chỗ trống không giữa hai chân.
“Tôi sẽ giúp anh tắm rửa hằng ngày,” cô dịu dàng nói. “Khó mà che giấu mãi được.”
Tôi có che giấu gì đâu, tôi nghĩ.
“Tôi đã biết nó bị mất rồi.”
Tôi không nói gì hết.
“Anh nghĩ tôi sẽ mất hứng,” Marianne Engel tiếp tục nói, “hoặc là tình cảm của tôi dành cho anh sẽ thay đổi.”
Cuối cùng tôi cũng thốt ra. “Phải.”
“Anh sai rồi.”
Tôi thả tay xuống như thách thức cô, như mong đợi phản ứng trái ngược với những gì cô nói. Tôi muốn cô giật lùi kinh hãi trước vết sẹo, nhìn vào đó người ta có thể hình dung cơ thể tôi bị tách ra, dương vật thụt vào, rồi khe hở lại được khâu kín miệng. Tôi muốn cô giật lùi kinh hãi trước cái bìu đơn côi của tôi, trông giống hệt đám cỏ dại trên con phố bỏ hoang ở một thành phố ma.
Nhưng cô không nao núng chút nào; trái lại, cô còn quỳ xuống trước thân thể trần trụi của tôi, ngả người vào đó. Đầu cô đặt ngang tầm với háng của tôi, mắt cô nheo lại xem xét những đường khâu mờ nhạt đã kín miệng từ lâu, che khít nơi từng là dương vật của tôi. Cô giơ tay lên rồi lại rụt về, nhưng không phải vì ghê sợï: cô dường như hành động theo bản năng, rằng cơ thể tôi là của cô nên cô cứ tự nhiên đụng chạm trước khi nhận ra không phải thế, ít nhất cũng không phải trong thế kỷ này. Thế là cô ngước mắt lên xin phép tôi.
Tôi đằng hắng, một lần, hai lần, và rồi yếu ớt gật đầu.
Marianne Engel lại giơ tay ra lần nữa, những đầu ngón tay của cô lướt trên vùng hoang mạc nhăn nheo xơ xác của tôi. Tôi không hề cảm nhận được sự đụng chạm, vì mật độ sẹo quá dày đặc, quá kín kẽ; tôi chỉ biết những đầu ngón tay cô đang đặt trên người tôi vì tôi có thể nhìn thấy chúng ở đó.
“Dừng lại đi,” tôi nói.
“Anh đau à?”
“Không.” Đằng hắng lần thứ ba. “Cô nhìn đủ chưa?”
Cô rụt tay lại và đứng dậy. Cô nhìn thẳng vào mắt tôi, hôm nay mắt cô có màu xanh lục, và chúng lại khiến tôi cảm thấy bối rối như đôi khi vẫn thế. “Tôi không có ý làm anh thấy thiếu thoải mái.”
“Cô có đấy,” tôi nói. “Thỉnh thoảng.”
“Anh có thật sự tin,” cô hỏi, “rằng tôi từng yêu anh vì cơ thể của anh không?”
“Tôi không…” Lần thứ tư, lần thứ năm, cái cổ họng chết tiệt của tôi. “Tôi nghĩ là không.” Và để chứng tỏ mình thực sự nghĩ thế, tôi tự động trèo vào bồn tắm mà không tranh cãi thêm bất cứ câu nào nữa.
Bồn tắm trông thật hoành tráng với bốn chân hình móng sư tử và Marianne Engel nhanh chóng bắt tay vào cạo lớp da chết bên ngoài của tôi. Đó là một quá trình cực kỳ đau đớn, vì thế cô cố làm tôi phân tán tư tưởng - và chứng minh rằng cô luôn sẵn sàng tiếp chuyện với tôi - bằng việc hỏi tại sao tôi lại khó ngủ đến thế. Tôi giải thích rằng phòng hơi nóng nên tôi gặp ác mộng. Rồi tôi hỏi lý do gì mà cô lại nằm dài trên tảng đá. “Nhận chỉ dẫn hả?”
“Tôi nghĩ một con grotesque đã sẵn sàng,” cô thú nhận, “nhưng tôi đã nhầm.”
“Cô từng nói với tôi rằng cô luôn phải tạc càng nhanh càng tốt để giúp những con grotesque mau được thoát ra khỏi tảng đá, nhưng tầng hầm lại đầy những bức tượng dang dở.”
“Thỉnh thoảng tôi làm được nửa chừng rồi chúng mới nhận ra rằng mình chưa sẵn sàng. Vì thế chúng tôi dừng lại một thời gian.” Cô vốc một chút nước vào lòng bàn tay rồi đổ lên đầu tôi. “Khi tôi lại nghe thấy tiếng gọi, tôi sẽ hoàn thành chúng.”
“Thế nếu mà,” tôi hỏi, “cô bắt buộc phải từ chối khi chúng gọi?”
“Tôi không thể làm thế. Tôi chạm trổ để làm vui lòng Chúa.”
“Sao cô biết được?”
Cô chà miếng bọt biển lên vùng da thô nhám của tôi mạnh hơn nữa. “Vì Chúa cho tôi đôi tai có thể nghe được giọng nói cất lên từ trong đá.”
“Thế chính xác chuyện đó diễn ra như thế nào?”
Cô nói vấp váp, với tất cả năng lực ngôn ngữ có được cô vẫn không thể diễn tả chính xác mình muốn nói gì.
“Tôi chỉ thanh lọc bản thân. Tôi từng khao khát nhận được những chỉ dẫn từ Chúa đến nỗi không thể làm được điều này. Nhưng giờ tôi đã có thể làm bản thân thanh tịnh, và đó là lúc những con gargoyle có thể nói chuyện với tôi. Nếu tâm hồn không thanh tịnh, tôi sẽ luôn dựa vào những suy nghĩ của chính mình, mà suy nghĩ của tôi thì lúc nào cũng sai cả. Bọn quái vật làm việc này dễ dàng hơn, anh thấy đấy, vì chúng đã tự thanh lọc hàng triệu năm nay rồi. Chúa đã nhập vào những tảng đá và thông báo cho chúng những gì cần làm. Rồi chúng thông báo cho tôi những dự định của Chúa với chúng tôi. Tôi phải” - cô dừng đúng năm giây - “tôi phải thanh lọc bản thân tới mức có thể làm được những hành động thuần khiết nhất. Nhưng chỉ có Chúa mới làm chủ được những hành động thuần khiết.”
Tôi không định giả vờ rằng mình hoàn toàn hiểu chuyện này, nhưng đây là cách hiểu tốt nhất tôi có thể đưa ra: Chúa tác động đến “những gargoyle bị chôn vùi” (ám chỉ những gargoyle vẫn còn kẹt trong đá) bằng việc thông báo cho chúng hình dạng chúng cần phải có. Rồi những gargoyle bị chôn vùi sẽ tác động đến Marianne Engel, hướng dẫn cho cô cách tạo hình. Thế là Marianne Engel trở thành trung gian tác động, đẽo gọt tảng đá. Bằng cách này, cô để cho những gargoyle tự hình dung ra hình dạng Chúa đã định cho chúng. Những gargoyle thành hình (tác phẩm chạm trổ hoàn thiện) vì thế trở thành bằng chứng cho sự hiện thực hóa những chỉ dẫn của Chúa. Chúng không phải những sáng tạo của Marianne Engel, vì cô không phải người tạc; Chúa mới là người tạc. Cô chỉ là một công cụ trong tay Người.
Cô vẫn tiếp tục kỳ cọ khắp người tôi trong khi giải thích. Khi cuối cùng cô cũng xong, tôi có thể thấy rõ những vảy da của mình nổi lềnh phềnh trong nước bồn tắm.
Chẳng mấy chốc một đám thợ đã đến lắp điều hòa nhiệt độ và giờ tôi có thể thoái mái ngủ trong cái tháp chuông nhà thờ rồi. Tôi đã cho lắp vài cái giá trong phòng - một để sách, một để con grotesque nhỏ và bông loa kèn bằng thủy tinh tôi được tặng trong bệnh viện. Có một bàn làm việc trong góc phòng, được tôi trang bị hộp dụng cụ văn phòng phẩm Gregor đã tặng tôi. Ở góc phòng khác là một chiếc ti vi và một chiếc đầu video mà Marianne Engel đã mua cho tôi, dù bản thân cô luôn dị ứng với những món đồ quá hiện đại.
Ngay sau ngày hôm đó, cảnh tượng dưới tầng hầm không còn tái diễn nữa, và chúng tôi cũng nhanh chóng hình thành một thông lệ. Buổi sáng khi tôi thức dậy, cô sẽ tiêm cho tôi trước rồi mới tắm cho tôi. Tiếp theo đó là một loạt bài tập mà Sayuri đã đề ra. Đầu giờ chiều tôi sẽ ngủ một chút, và trong khi tôi ngủ, Marianne Engel sẽ đi mua sắm các dụng cụ hỗ trợ hồi phục sức khỏe cho tôi hoặc dẫn Bougatsa đi dạo. Sẩm tối khi tôi tỉnh lại thì chúng tôi sẽ chơi bài, hoặc uống cà phê và nói chuyện. Thỉnh thoảng, nếu cô có việc, tôi sẽ gọi cho Gregor và chúng tôi sẽ nói chuyện với nhau vài phút qua điện thoại. Tôi dần thấy mình nhớ những cuộc viếng thăm của ông ta bên giường bệnh và mỗi khi kết thúc cuộc nói chuyện, cả hai lại hứa với nhau sẽ mau chóng gặp lại. Tuy thế, chẳng dễ dàng gì vì lịch làm việc của ông ta rất bận rộn và dường như có chút thời gian rảnh nào là ông ta lại dành hết cho Sayuri.
Cuối mỗi buổi tối, Marianne Engel sẽ đi ngủ trước tôi, còn tôi sẽ thức đọc Friedrich Sunder hay xơ Christina.
Cuốn Ân điển-cuộc đời khá thú vị, mặc dù, vì vài lý do tôi không thể hiểu nổi, bản ghi chép thỉnh thoảng lại có vài bận người viết thay đổi giới tính. Sunder viết theo đúng phong cách nam giới và rồi - ô la la! - ông trở thành một phụ nữ. Những sai lệch này có thể bắt nguồn từ các biên tập viên nữ sau khi Friedrich qua đời, hoặc bởi vô số các nhà sao chép bản thảo nữ trong suốt bao năm qua, hoặc thậm chí bởi Marianne Engel khi cô dịch bản thảo này sang tiếng Anh. (Thử tưởng tượng ra sự rạo rực sung sướng trong mắt quỷ Titivillus xem!) Tuy nhiên, tôi khá nghi ngờ chuyện đó có thể xảy ra, vì những đoạn đầy nữ tính không chỉ được tìm thấy ở những lỗi viết sai đơn thuần, chúng còn dính cả vào nội dung nữa.
Một ví dụ nổi bật nằm ở đoạn Friedrich Sunder miêu tả đám cưới của ông với Chúa. Ý tưởng về một sự hòa hợp như thế có vẻ - đối với đầu óc hiện đại của tôi - khá kỳ cục, nhưng rõ ràng việc “kết hôn” với Chúa khá phổ biến trong giới đàn ông kiểu như Friedrich. Tuy thế, ngay cả khi chấp nhận vấn đề này, ta cũng không thể phủ nhận bản chất tình dục dữ dội của hình ảnh cô dâu chú rể. Cảnh động phòng diễn ra trên một chiếc giường lộng lẫy phủ đầy hoa, chính giữa cung điện, và được chứng kiến bởi rất nhiều nhân vật tầm cỡ đến từ Thiên đường, có cả Đức Mẹ Mary. Sunder viết rằng Chúa đã ôm hôn ông, và họ đã vui vẻ cùng nhau. (Bạn đọc không sai đâu.) Khi Chúa hành sự xong xuôi với Friedrich, Người lệnh cho các thiên thần nâng nhạc cụ tấu lên những khúc ca đầy hoan lạc như Người đã tấu cho người vợ đáng yêu của mình. Chúa thậm chí còn tuyên bố rằng đêm động phòng sẽ giải phóng hàng loạt linh hồn đang bị giam giữ dưới Luyện ngục, thực sự đã gợi ý rằng đây quả đúng là một đêm tân hôn.
Tôi thoáng nghĩ Marianne Engel trong quá trình dịch có lẽ đã thêm đoạn này vào chỉ để cười vào mặt tôi. Bởi vì - thôi nào! - cái chương này hiển nhiên không thể tồn tại trong bản thảo gốc của Sunder được, đúng không nào? Nhưng khi rỗi rãi tôi đã kiểm tra những nguồn khác và nhận thấy đó đúng là sự thật.
Một điểm hấp dẫn khác, đáng chú ý hơn, đó là việc cuốn Ân điển-cuộc đời chẳng có đoạn nào viết về một xơ Marianne bị bỏ rơi trước cổng Engelthal khi còn là một đứa bé sơ sinh cả. Khi tôi nói chuyện này, Marianne Engel đảm bảo với tôi rằng việc cô bị xóa khỏi cuốn sách của Sunder sẽ được giải thích sau khi cô kể xong về tiền kiếp của chúng tôi.
“Tôi biết anh không thích đến nơi công cộng,” cô nói, “thế giờ chúng ta đi nhé, trong bóng đêm bao phủ.”
Tôi kháng cự như lệ thường, nhưng lại tò mò muốn biết một buổi đi dạo lúc nửa đêm với Marianne Engel (và Bougatsa) sẽ dẫn đến đâu. Thế là chúng tôi nhanh chóng ngồi trong xe của cô, hướng ra bãi biển, một chuyến đi tôi chẳng muốn dừng lại chút nào. Tôi băn khoăn không biết liệu có ai ở đó không và cuối cùng đi đến kết luận là có lẽ không, ai lại ra biển vào một đêm giá rét cuối tháng Hai thế này chứ. Nhưng tôi đã nhầm. Bờ biển cát trắng bập bùng ánh lửa trại nơi đám thiếu niên ngồi lai rai uống rượu. Những đống lửa cách đều nhau trong bóng tối, khiến tất cả mọi người đều phần nào không rõ hình rõ dạng. Tôi thích thế.
Marianne Engel lôi một cái chăn mỏng ra. Tôi muốn cởi đôi giày dính đầy cát, nhưng ngay cả trong bóng tối tôi cũng cảm thấy rất xấu hổ về bàn chân mất ngón của mình. Cô mong tôi có thể đi bơi cùng cô, hay ít nhất cũng lội nước đến đầu gối, nhưng cô đâu biết nước biển mặn sẽ tác động ra sao lên da tôi. Tôi có cảm giác đó sẽ là tác động không dễ chịu gì. Cũng chẳng thành vấn đề, vì từ bé tôi cũng có biết bơi đâu. “Thật tệ,” cô nói. “Tôi rất yêu nước.”
Tôi gối đầu lên lòng cô và cô kể tôi nghe chuyện một con sói lớn tên là Skưll hằng ngày đuổi theo cố gắng ăn mặt trời. Người ta nói rằng tại Ragnarưk, trận chiến cuối cùng của thế giới, cuối cùng nó cũng sẽ nuốt chửng được mặt trời trong khi người em Hati của nó ăn mặt trăng, rồi những ngôi sao sẽ biến mất khỏi bầu trời. Cô kể tôi nghe về những trận động đất khủng khiếp có thể xé toạc trái đất khi Miðgarðsormur, con Mãng xà sống ở Cõi người, cuộn thân hình khổng lồ của nó dưới lòng đại dương và gây nên những cơn sóng thần. Tất cả thần thánh sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến đáng sợ, rồi những ngọn lửa man rợ sẽ lan ra khắp mọi nơi. Thế giới, Marianne Engel nói, sẽ cháy rụi trước khi những phần tro bụi sót lại chìm vào biển cả. “Ít nhất đó là những gì người bạn Sigurðr của tôi tin tưởng.”
Cô bật dậy khỏi chiếc chăn và bắt đầu cởi quần áo. “Tôi đi bơi đây.”
Dù thường quen chấp nhận thói leng keng của cô, tôi vẫn bị sốc bởi lời tuyên bố dõng dạc này. Rõ là nguy hiểm, và tôi bác rằng trời đang quá lạnh.
“Ổn mà,” cô khăng khăng. “Mọi người toàn làm thế, anh thấy còn gì, ở lễ hội nhảy xuống nước lạnh ấy.”
Tôi cũng đã nghe về mấy vụ đó rồi - người ta nhảy xuống biển lạnh giá trong vài phút, thường là để làm từ thiện - và cũng biết rằng đám người ấy được bao nhiêu tình nguyện viên, cả bác sĩ nữa, để ý từng li từng tí. Bất cứ ai trong đoàn người tham gia sự kiện ấy cũng đều có thể cứu một thành viên gặp nạn, nhưng ở đây, cô chỉ có một mình.
“Tôi rất thích khi anh quá lo lắng cho tôi,” cô nói, “nhưng tôi đã làm thế hàng bao nhiêu lần rồi.”
“Thế cơ à?” tôi vặn. “Ở đâu? Khi nào?”
“Ở Phần Lan. Rất thường xuyên.”
Phần Lan. “Cũng chẳng làm ý tưởng hôm nay khá khẩm hơn chút nào.” Chúng ta đâu có ở Phần Lan.
“Anh thật dễ thương. Tôi sẽ chỉ ở dưới nước vài phút thôi, và tôi sẽ không bơi sang vùng nước sâu quá tầm đứng đâu.” Quần áo cô giờ đã cởi hết ra rồi, xếp thành đống trên bãi biển, tôi lại đề nghị cô đừng đi. “Chỉ vài phút thôi. Không bơi chỗ nước sâu đâu.”
TA CHẮC CHẮN LÀ KHÔNG SAO ĐÂU.
“Tôi thực sự cảm động vì sự quan tâm của anh đấy,” cô nói thêm, “nhưng anh không cần phải lo đâu.”
Cô bình thản đi ra biển. Mặt trăng dịu dàng tỏa sáng lên những ngọn sóng. Cô không hề dừng lại, không hề run rẩy, không hề té nước, không hề hất nước lên bụng để cơ thể quen dần với cái lạnh. Không, cô cứ đi cho tới khi nước ngập đến ngực và rồi ngả người về phía trước để THẾ LÀ CÔ TA ĐÃ ĐI chìm vào làn nước.
Phía cuối bãi, tôi nghe giọng vài đứa nhãi con cười bảo sao lại có người ngu ngốc đến mức đi bơi vào cái lúc RÉT CĂM CĂM trong năm thế này. Tôi dõi theo những con sóng nhỏ gợn lên phía sau cô khi cô càng lúc càng rời xa tôi, nhưng vẫn song song với đường bờ biển. Ít nhất cô cũng giữ lời hứa không bơi quá xa vào vùng nước sâu. Tôi đi theo cô, tập tễnh dọc bờ biển để nắm được tình hình. Dù tôi chẳng biết mình có thể làm được gì nếu cô gặp rắc rối trong bất cứ trường hợp nào. NÓI “TẠM BIỆT” ĐI NÀO. Thét gọi lũ thanh thiếu niên, tôi nghĩ thế; vì vụ tai nạn đã tước hết mọi cơ hội chống chọi với nước biển lạnh giá của tôi.
Cô nhẹ nhàng rẽ sóng; hiển nhiên là cô rất giỏi việc này, và dù cô thường hút thuốc nhưng cơ thể cô cũng rất khỏe mạnh nhờ việc tạc tượng. Thỉnh thoảng cô cũng nhìn về phía bờ, về phía tôi. Tôi nghĩ mình nhìn thấy cô mỉm cười, nhưng cô đang ở xa đến nỗi tôi chẳng thể biết chắc được. Tôi hồi hộp bấu lấy đồng xu khắc hình thiên thần đeo trên cổ cho tới khi thấy cô quay người trở lại nơi cô bắt đầu xuống nước.
Khi cô trở vào bờ - chỉ vài phút sau khi rời đi, tôi nhẹ cả người - cô rời khỏi làn nước theo đúng cách cô bước vào. Cô không vội vã chạy ra, cô cũng không lắc người cho khô. Cô chỉ từ tốn hiện lên và đi về phía tôi, lúc này đang run rẩy vì hơi lạnh buổi tối, có điều đỡ lạnh hơn tôi đã tưởng tượng.
“Anh có biết phần tuyệt nhất của lần bơi vừa rồi là gì không?”
“Không.”
“Là biết rằng anh đang ở trên bờ đợi tôi.” Cô dùng một cái khăn tắm để vắt nước khỏi tóc - không hề đơn giản chút nào, xin các bạn biết thế - rồi mặc lại chỗ quần áo tôi rụt rè ném cho, châm thuốc, và nói rằng đã đến lúc kể thêm cho tôi về câu chuyện của hai người.
Mỗi lần cô dừng lại, có lẽ để thêm chút kịch tính cho câu chuyện, tôi đều lo rằng đó là dấu hiệu muộn của tình trạng nhiệt độ cơ thể giảm dưới mức bình thường.
Chú thích

(25) Món quà buổi sáng, do người chồng tặng vợ sau đêm tân hôn.