CHƯƠNG 9

    
ung bước vào căn chòi của Vũ, người đàn ông bất hạnh. Anh đang ngồi đánh máy chữ trước cửa sổ. chỉ thoáng nhìn bộ điệu với những ngón tay bay lên bay xuống đủ cả mười ngón với nhịp điệu như mưa rào, với đôi mắt chỉ đóng ghim về một nơi bản gốc, chị đã hiểu con người này đạt đến trình độ siêu hạng như thế nào và cái tiếng động kia cũng vô hồn vô cảm ra làm sao. Những giọt mưa chữ đổ xuống mặt giấy hối hả như thế mà sao nghe vẫn thấy khô, thấy buồn?
- Chào anh ạ! - Chị cất tiếng.
Tiếng mưa rào đổ xuống một chập nữa rồi mới tạnh hẳn. Người đàn ông nhìn lên… Và chị bất giác giật mình khi nhìn vào khuôn mặt ấy. Không hiểu trên đời này còn có thể có một khuôn mặt đàn ông nào buồn hơn thế nữa không? Một khuôn mặt không ra khóc không ra cười, nó như một khuôn mặt tượng nhoà chìm trong mưa dàm giá buốt, nó phẳng lặng trong sự ngẩn ngơ đến rùng mình, nó không nói điều gì cả mà lại nói lên tất cả, nó chứa trong nó một đôi mắt trống rỗng mờ mịt mà chỉ cần nhìn vào, người cứng rắn nhất cũng cảm thấy xé ruột xé gan. Khuôn mặt ấy nở một cái cười héo hắt và hơi nghiêng xuống:
- Rất hân hạnh được chị sang chơi.
Trời! Ngay giọng nói cũng không phải là giọng nói của người đang sống, nó âm thầm u uẩn như từ đâu đó vọng lên.
- Anh đánh thế này một giờ được mấy táp? - Chị hỏi to để xoá đi những ấn tượng ảm đạm đang choán ngợp ngay trong chính lòng mình.
- Đánh gì kia ạ?… À, tôi cũng không để ý nữa. Cứ đánh, đánh miết, khi nào hết thì thôi.
- Anh đánh cho anh hay đánh cho ai?
- Cho tôi! - Một tiếng cười buồn - Tôi thì còn cái gì nữa để mà đánh? Mới chị ngồi tạm xuống đây, tôi đi pha nước - Anh lấy cái phích con ở dưới gầm bàn ra - Tôi đanh thuê cho thiên hạ. Ai thuê gì tôi đánh nấy: Đơn xin đất, đơn xin nhà, xin kết hôn, xin li dị, đơn kiện tụng nhau rồi báo cáo, diễn văn, công văn… đủ hết. Thậm chí, anh cười nhẹ đánh máy luôn cả thư tình qua lại của những cô cậu mới lớn nữa. Chị uống nước đi! Trà không được ngon lắm.
- Cám ơn anh! Như vậy chỉ cần ngồi nhà, anh cũng có thể hiểu được toàn bộ các hoạt động lẫn vui buồn của thị trấn.
- Đánh thì đánh thôi, tôi có bao giờ để ý đến bên trong đó thiên hạ nói gì và cũng chẳng muốn hiểu làm chi. Tôi chỉ cần có nhiều bản gốc, càng nhiều càng tốt, đánh không công, đánh giùm cũng được, miễn là có việc để làm.
Chị im lặng nhưng đôi mắt nhìn thẳng vào anh ái ngại và thấu đáo đã nói hộ tất cả. Anh bỗng thấy mình có cái gì không ổn trong cái nhìn chua xót ấy.
- Các chị ở bên ấy tốt quá! Bấy lâu nay tôi đã quen sống một mình, đã quen không dính líu đến ai, sống qua quít thế nào xong thôi, mà thực ra tôi đâu có sống, tôi chỉ tồn tại cái phần xác, còn phần hồn… Vậy mà nể các chị, nhất là cái cô gì người Bắc mập mập ấy, tôi buộc phải ăn ngủ có điều độ, buộc phải nhìn đến mình hơn một chút.
- Nghe nói trước đó anh chỉ nấu một ngày một bữa, có khi không ăn gì, toàn ngồi uống trà khan rồi đi ngủ?
- Dạ… Cũng có lúc.
Dung thấy lòng mình se lại. Vẻ mặt người đàn ông thành thật đến thiểu não, đôi gò má cao bợt bạt đi, cái miệng thanh và nhỏ như miệng con gái chắc lâu lắm không nói không cười nên héo khô héo quắt, mỗi lần chuyển động nó nhích ra nhích vào đến gượng gạo, sống mũi thẳng, cánh nhỏ cũng giống của con gái nốt. Và đôi mắt chao ôi… Nó trống rỗng đến kinh người, nhìn vào đó người ta có cảm giác nhìn vào hoang mạc, trắng xạc, mọi chuyển động xôn xao của đ vãng dường như chết lặng, vĩnh viễn đóng váng lại ở đó. Chị nổi gai người. Ngồi trước mặt mình đây có đúng là một con người bằng xương bằng thịt hay chỉ là một cái bóng vật vờ nói năng dộng dạy theo lực truyền quan tính?
- Như đã có lần hẹn, hôm nay tôi đến rủ anh ra biển tắm - Chị nói.
- Đừng! - Cơ mặt người đàn ông bỗng nhăn nhúm lại - Đừng…
- Đừng bắt tôi ra biển… Tôi không thể ra biển… Tôi sợ! Chỉ cần chạm chân xuống nước là tôi chịu không nổi rồi.
- Thế tại sao anh vẫn cứ ngồi hàng giờ ngắm nhìn ra biển làm gì? - Giọng chị cao lên - Anh không dám xuống nước nhưng định đánh đắm linh hồn mình trong lòng nước ư?
- Tôi xin chị… Có thể tôi… Chị không thể hiểu được đâu!
- Tôi hiểu. Tôi còn hiểu hơn anh nữa kia. - Tiếng nói chị lạnh băng, rớt xuống từng tảng - Tôi khổ, anh khổ, mọi người đều khổ, mỗi người có mỗi cái khổ riêng, tại sao cứ cho rằng cái khổ của mình mới là bất hạnh nhất?
Người đàn ông bỗng đứng vụt dậy, giọng run lên không ngờ:
- Tôi không cho gì hết. Tôi làm gì kệ tôi. Chị về đi, hãy để cho tôi yên.
- Làm sao mà anh có thể yên được? Tôi không cho anh yên - Chị cũng đứng dậy, thẳng căng - Tôi không thể chịu được khi thấy một người đàn ông sức dài vai rộng thu mình lại, chiều chiều chỉ ngồi nhìn mặt trời lặn và sáng ra, mắt lại trống rỗng thêm một chút. Trông nó xúc phạm đến con người lắm!
- Im đi! Chị không được… Trời ơi!
Anh ôm đầu ngồi vật xuồng, hai tay bưng kín lây mặt, hai vai rung lên. Những tiếng nấc tắc nghẽn không kìm được từ đó vang ra.
Chị cũng run người lên, lập cập đi đến sát anh, định nói một câu gì đó định đặt tay lên vai anh nhưng rồi lại im lặng. Cố lấy một nét mặt bình thản, chị đến bên cửa sổ lặng lẽ châm thuốc hút. Những hơi thuốc thơm thoảng không được nuốt vào, chỉ một luồng nhả ra bị gió thổi ngược trở lại. Chính vẻ bình thản và dáng đứng quay nghiêng ấy đã làm anh tĩnh trí lại. Với vẻ chua chát và đôi chút ngượng ngập, anh gạt đi những vệt nước mắt, nói như nói với chính mình:
- Nếu chị cũng có một người chồng, cũng có một đứa con thì chị sẽ hiểu… Nó còn nhỏ lắm, chưa đầy ba tuổi, suốt ngày đêm nó bám lấy tôi không rời nửa bước. Đi vắng thì thôi, hễ cứ về đến nhà là nó đeo vai đeo cổ, ngọng líu gọi: "Ba ba… Ba có xương coong không?". Trời ơi, tôi thương nó biết bao! Có lẽ không có người bố nào lại thương con một cách bệnh hoạn như tôi. Mọi người và cả vợ tôi đều nói vậy. Vì nó, tôi có thể trở thành thánh nhân nhưng cũng có thể trở nên hết sức tồi tệ. Phải chăng cuộc đời tôi không mấy gặp may nên tôi dồn hết tình thương cho nó như muốn bù trừ phần nào cái thiệt thòi của mình. Tôi yêu cháu đến mụ mẫm, đến trở thành chuyện đàm tiếu của bà con lối xóm, đến nước nhà tôi phải phát ghen lên. Đi đâu tôi cũng cho nó đi, làm gì tôi cũng cho nó ở bên cạnh. Đêm đi ngủ, tôi phải được áp má tôi vào má nó, phải được cầm chặt lấy tay nó thì mới yên tâm. Tôi sợ đang đêm, mình ngủ say nó bỗng dưng bỏ đi mất. Nếu một lần chị được nhìn thấy nó ngủ? Đôi môi nhỏ xíu cong lên nũng nịu, hai con mắt nhắm hờ hờ nhìn thấy cả ton người chuyển qua chuyển lại, thỉnh thoảng nó lại phịu má nhai chóp chép… Muốn làm gì thì làm, dù cho công việc đến đâu, khi nó đã leo lên giường chìm vào giấc ngủ là đôi mắt tôi không thể nào thức được nữa. Đêm nào nó cũng kéo tôi vào giấc ngủ thiên thần hoi hoi mùi sữa của nó. Tôi say mê nó như say mê một cái gì đó còn cao hơn cả nghĩa cha con ruột rà. Mùa lạnh, nó ho một tiếng, phổi tôi đã đau rát. Mùa khô, mũi nó xổ, cả khoang mặt tôi ngấy sốt suốt ngày. Đưa cháu đi nha khoa, cái kìm chưa chạm vào răng, tôi đã muốn té xỉu đi rồi… Suốt ba năm trời, tôi chưa hề nói nặng với cháu nửa câu chứ đừng nói là mắng mỏ, đánh tát. Cháu cũng quấn tôi lắm, quấn hơn cả với má chảu. ấy vậy mà hôm ấy tôi đã tát nó, đến nửa ngày sau mấy ngón tay tôi còn hằn đỏ lên cái má non búng?… Cháu nhìn tôi ngơ ngác rồi nước mắt lã chã tuôn ra mà không khóc thành tiếng… Trời ơi! Tôi đâu có biết rằng đấy là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi xử nặng với cháu… Chỉ tại vì…
Anh ngừng lại, mắt đỏ hoe, lắc mạnh đầu xua đuổi đi một hình ảnh bám nhằng day dứt.
- Chỉ tại vợ chồng tôi ngu dại, từ bỏ tất cả để theo đám bạn bè ra đi. Không, không phải chúng tôi hám tiền hám của, cũng không phải tôi tham cái cuộc sống tự do xứ lạ quê người. Vợ chồng tôi chỉ muốn thoát khỏi sự mặc cảm mình là viên chức của chính quyền cũ còn lại. Tôi là bác sĩ quân y, vợ tôi là thư ký kiêm thông dịch viên của một tổ chức viện trợ kinh tế Mỹ, hàng ngày phải sống trong con mắt dòm ngó sít sao của mọi người, chúng tôi không chịu nổi. Nhưng cái cốt tử, điều này ngay vợ tôi cũng không thật hiểu, tôi lo cho tương lai của nó, thằng con thiên sứ của tôi. Đời bố có thể coi như bỏ, thế nào cũng được nhưng còn đời con… Thế là cuốn tém ra đi. Và cái buổi tối ngồi chờ thuyền đói khát, rét mướt ấy, nó đã khóc, dỗ thế nào cũng không được, thần kinh lại đang căng thẳng, hồi hộp lẫn nuối tiếc, không dằn lòng được, tôi đã vung tay lên…
- Anh hút thuốc đi - Chị đẩy nhẹ đến anh một ly trà và đưa vào tay anh một điếu thuốc đã được châm lửa sẵn - Thôi, anh đừng kể nữa? Tôi hiểu… Tôi rất hiểu.
Song, như một cái van gỉ nát đã lâu ngày, nay được cậy mở, anh vẫn lầm rầm nói, giọng chìm xuống tận đáy ngực.
- Đi được đến ngày thứ ba thì tàu bị đắm. Lúc ấy nhà tôi đang bế cháu, chỉ nghe rắc một cái là cả ba đều bị nhào xuống biển. Động tác đầu tiên của tôi là cố đỡ lấy cả hai mẹ con nhưng không tài nào đỡ nổi. Chỉ được vài giây, sóng lại trào qua nhận chìm tất cả xuống.
Khoảnh khắc ấy tôi chỉ kịp nhìn thấy khuôn mặt vợ tôi đổ chàm, tròng mắt bạc đi. Còn thằng bé… Miệng nó ngoác ra kêu thét, kêu đến đâu, nước trào vào đến đó, sặc sụa đôi tay ngắn cũn của nó vươn lên khua tứ tung. Buốt lạnh sống lưng, tôi lại cố đỡ vợ con lên một lần nữa. Vô ích! Sóng tiếp tục trào qua, đợt sau to hơn đợt trước, cả ba lại tiếp tục chìm xuống. Khuôn mặt nhợt nhạt của vợ tôi nhô lên cùng với một tiếng nói hào hển đẫm nước: "Anh… Cố cứu lấy con…" rồi cả người cô ấy biến mất dạng. Kinh hoàng đến tột độ, không kịp hiểu gì, nhận thấy gì sau cái biến mất khủng khiếp ấy, tôi vội vàng quơ tay ra và chộp được nó, thằng con tôi. "Bám… Bám vào cổ ba, con…". Tôi nói thế và cõng nó lên lưng. Nó quýnh quáng ôm lấy cổ tôi, miệng gào lớn: "Má! Má… Má đâu rồi…". Nước mắt tôi tràn ra, không dám nhìn về phía con sóng đục ngầu đã cuốn cô ấy đi nữa. "Ôm chặt nghe con…". Tôi nghẹn ngào hét lên và cố sải tay… Nhưng tất cả chỉ là vô vọng. Biển cả mênh mông, bốn phía chân trời chỉ những sóng là sóng, biết bơi ở đâu, đi đâu và làm sao có thể bơi nổi? Bơi một mình trong sóng dữ đã là điều không thể, huống hồ lại có thằng nhỏ trên vai? Tôi đã nhìn thấy cái chết khủng khiếp sắp úp chụp xuống đầu hai cha con mà không làm gì được. Nhưng tôi vẫn cắn răng lại mà bơi trong niềm hy vọng mơ hồ có một đấng thần anh nào đó sẽ động lòng với con trẻ… Những con sóng quái ác vẫn lừng lững đuổi đằng sau và sâu hoắm xuống ở đằng trước. Khi một con sóng ào đến, hai bố con đành để cho nó nhận chìm, cưỡi qua đầu. Con sóng qua, tôi cố ngóc lên và lại để nghe nó sặc sụa gào ngay bên tai. "Ba ơi!". Tiếng gào xé ruột… Cứ thế sức tôi đuối dần, mắt nổ đom đóm và tiếng thằng bé cũng khản đặc không còn nghe thấy gì nữa, hai cánh tay bíu cổ tôi lỏng dần, lỏng dần… Con ơi! Tôi gọi thầm nó trong đầu và biết như thế là hết, hết hẳn. Mắt tôi tối sầm lại. Con sóng cuối cùng đánh bật nó ra khỏi người tôi. Kinh hoàng, tôi quay mặt lại. Nước quật nhào tôi xuống. Khi tôi vật vã cố ngóc lên được thì thằng bé đã bị sóng đánh giạt ra xa!… Cái tôi nhìn thấy chót cùng là đôi mắt mở to thất thần nhìn thẳng vào tôi và một bàn tay nhỏ xíu như chiếc lá đang dần dần chìm xuống. Vâng! Đúng là nhỏ xíu như một chiếc lá, nó vẫy về phía tôi, vẫy mãi… Sẽ vẫy suốt đời. Nó muốn tôi cùng đi với nó…
Nói đến đây, người đàn ông ngừng hẳn. Tưởng người cha ấy sẽ lại gục mặt xuống bàn nhưng không, anh cười, cái cười được tạo bằng những giọt nước mắt đã đông quánh.
Dung đi nhanh ra ngoài hiên. Chị không muốn con người đã quá ư đau khổ kia lại phải chứng kiến thêm nỗi xúc động không giấu được của mình. Hồi lâu chị quay lại, nét mặt đã trở lại bình thường.
Chị dịu dàng nắm nhẹ lấy tay anh:
- Anh Vũ! Xin lỗi đã làm anh buồn vì phải nhớ lại chuyện cũ.
Nhưng tôi với anh cùng chung cảnh ngộ. Má tôi và con tôi cũng chết ngoài biển, chỉ khác anh, tôi không được chứng kiến. Tôi cũng đã có chồng. Nghe nói hình như anh ấy đã chết trong chiến tranh? Tôi rất hiểu anh và bằng cách nào đó, nếu san sẻ bớt được nỗi buồn này, tôi xin sẵn sàng.
Vũ nhìn lên. Đôi mắt không nói lên điều gì cả. Tuy vậy lần đầu tiên người ta thấy trong đôi mắt trống hoác của anh có le lói một chút sắc màu của sự sống.