CHƯƠNG 12

    
hi người khách dong dỏng cao, đeo kiếng cận, có vẻ mặt buồn buồn ấy ra về thì giám đốc Hoàng quyết định đầu hàng.
Anh lôi thếp giấy trắng ra, phủi cát, đặt ngay ngắn trước mặt rồi cầm lấy bút…
Kính gửi ban giám đốc sở… Đồng kính gửi ban thanh tra tỉnh…
Tôi tên là Lê Bá Hoàng, nguyên giám đốc liên hiệp các lâm trường… Xin thành khẩn viết bản tư kiểm này để thú nhận hết những sai lầm và tội lỗi nghiêm trọng như sau…
Ngòi bút đang lia rèn rẹt bỗng vấp ngửa và khựng lại… Anh không thể viết thêm được một dòng nào nữa! Cả một lịch sử lâm trường, một lịch sử cuộc đời ồ ạt hiện về chẹn cứng lấy ngòi bút của anh. Nói đúng hơn, câu chuyện vừa xảy ra với người phó đeo kiếng cận đã làm anh tê liệt mạch nghĩ.
- Em đã nghĩ kỹ rồi anh Hai - Người phó nói - Em sẽ đứng ra nhận tất cả về mình. Em sẽ nói rằng anh không muốn thế, anh chỉ nhất nhất lo làm sao thực hiện cho trúng nghị quyết và cơ chế chung nhưng chỉ tại em tác động vào, rằng anh lu bù công việc, sức khoẻ lại sa sút, rồi gia cảnh lộn xộn chẳng đâu vào đâu nên mọi việc thường cả tin phó mặc cho cấp dưới. Cấp dưới là em. Em nhận hết. Rằng đã cố tình đi sai nguyên tắc, cố tình vi phạm cơ chế kinh tế mà không thông qua anh…
- Nói bậy nào? - Hoàng ngắt lời.
- Anh Hai cho em nói nốt… Như vậy mọi tội lỗi sẽ được trút xuống đầu em. Em chịu được. Em chẳng có gì để mất. Còn anh, cùng lắm anh chỉ bị quy về trách nhiệm. Như vậy anh sẽ chỉ bị khiển trách nhẹ và vẫn có thể ở lại lâm trường. Hàng ngàn con người ở đó đang từng giờ mong anh, hàng chục vạn héc ta cà phê, điều, bạch đàn… sáp vào kỳ thu hoạch đang mong anh và biết bao các tổ hợp dịch vụ, các xí nghiệp nhà xưởng vừa đi vào nền nếp cần có anh.
- Thôi, tôi không nghe cậu nói nữa!
- Như thế, anh sẽ không phản bội lại bà con, phản bội lại đất đai, những thứ mà cả đời anh gắn bó, anh quý yêu hơn cả máu thịt của mình.
- Nhưng tôi lại phản bội cậu, phản bội một cách đê tiện nhất, cậu hiểu chưa?
- Em hiểu. Song phản bội một cá thể nhỏ nhoi để cứu một tập thể to lớn là điều nên làm lắm chứ! Vả lại… Giọng nói người phó chìm lặng - Em cũng sắp đi rồi.
- Đi đâu?
- Sang bên ấy, sang theo đường bảo lãnh. Bấy lâu nay em ở lại để chờ đợi, để đi dò tìm tin tức của má con cô ấy nhưng không ra. Em đoán cô ấy đi rồi, đi lâu rồi. Gần đây em có nhận thư của một người bạn từ Misigân viết về nói chưa gặp được người nhưng đã nhìn thấy những bức tranh của cô ấy có bán trong các cửa hàng ở đường phố trung tâm. Em không còn có cớ gì ở lại nữa mặc dù không muốn đi đâu hết. Đã quen người, quen việc rồi, cũng thấy yên ổn, ấm cúng nhưng vẫn không thể nào quên được đứa con. Còn mẹ nó? Cũng không còn gì để nói nữa. Hết rồi. Nhân chuyện này, em đứng ra gánh chịu để có dịp dứt áo mà đi. Hy vọng sang bên kia em sẽ…
- Nhưng không ai cho cậu đi cả - Lê Hoàng gằn giọng - Sau mọi chuyện nếu đúng như cậu nói, người ta sẽ tống cậu vào tù thay vì là tôi.
- Không đâu anh Hai - Người phó vẫn một giọng buồn buồn. - Trên họ chỉ muốn triệt hạ mình em thôi. Anh chỉ là cái cớ. Ai có thể chịu nổi hàng ngày phải chứng kiến, phải cùng ngồi làm việc với một phó giám đốc liên hiệp vốn là đại uý quân đội Sài Gòn cũ đi cải tạo về! Mà lại làm việc tốt hơn cả họ. Em nhận, tức là họ đã thoả mãn được mục tiêu, và anh sẽ trắng án. Thực chất họ chỉ biến tất cả những sự kiện vừa qua thành phương tiện để truất em thôi. Nếu truất được cả anh nữa thì càng tốt vì anh cũng là cái gai trước mắt họ nhưng họ không dám vì họ còn cần anh và nể anh. Bây giờ em tự truất phế, thế là ổn, không có tù đày, truy tố gì đâu.
- Mình biết việc đó - Lê Hoàng trầm ngâm - Rất biết nhưng thằng người chính trục trong mình không cho phép mình làm thế. Hơn chục năm chèo chống cam go từ chỗ không có gì đến có tất cả, mình không thể đối xử với cậu táng tận như thế được, hoạ có là đồ khuyển mã.
- Anh Hai - Người phó không cầm được nước mắt - Tấm lòng của anh Hai đối với em, em đã ghi lòng tạc dạ từ lâu. Từ ngay cái buổi ngơ ngác mới đi học tập cải tạo về. Trong tiệm cà phê hôm đó, cuộc đời em mới chính thức được cứu thoát. Vô tình biết em có bằng đại học canh nông, anh Hai không ngần ngại gì rủ về lâm rường ngay. Em nói không được đâu, tôi là một phần tử đang bị đào thải. Anh Hai bảo đào thải con mẹ gì, cái đứa đáng đào thải là cái đứa chỉ khư khư ôm lấy cái bằng quá khứ để đi loè thiên hạ kia. Em xúc động nghĩ rằng thế là mình đã gặp được minh chúa, và theo anh về. Biết ơn, em chỉ còn biết bộc lộ hết nhiệt tâm và năng lực của mình để khỏi phụ lòng anh. Ai dè anh đã tin cậy, từ một nhân viên kỹ thuật bình thường, anh đưa lên làm phó phòng, trưởng phòng rồi phó giám đốc. Thôi, anh Hai, đoạn đời ấy cũng là đẹp, là đáng sống, bây giờ anh cho em được một lần hy sinh mình vì những con người đáng kính trọng và những điều cao quý mà em đang theo đuổi. Em hoàn toàn thanh thản, không vướng bận điều gì. Anh cho phép em được xử theo luật chơi tình nghĩa.
Lê Hoàng cúi xuống… Anh đang nghĩ đến một điều khác ẩn đằng sau tất cả mọi điều số phận trớ trêu đã bất ngờ cho anh gặp lại người đại uý trong căn phòng có bức tượng Rô Đanh và thơm ngát mùi nước hoa ấy. Đúng là không ngờ, cũng như anh không bao giờ nghĩ rằng anh có thể sống sót trong vòng vây săn đuổi đen đặc đó để bây giờ lại cùng được ở với nhau một nơi. Khó có thể tìm ra một ai có sức làm việc và thái độ làm việc tận tuỵ như thế. Đúng là tất cả mọi sự đi trước, bung ra, mọi sự bắn phá không khoan nhượng vào cơ chế kinh tế cổ hủ là thành quả tư duy của cả hai người, anh và cậu ấy, nhưng cậu ấy mới chính là người đề xuất, còn anh, anh chỉ vung chuỳ thủ lĩnh. Khi mọi việc đang thăng hoa phát đạt, cậu ấy ẩn mình đi rụt rè đóng vai trò là chiếc bóng của thủ trưởng, nhưng khi cơ đồ lâm nguy, chính cậu ta lại đứng ra, cũng với vẻ rụt rè muôn thuở ấy, chịu đòn…
Sống mũi Lê Hoàng cay cay. Anh biết mình sắp khóc.
- Định kiến và hận thù - Anh nói - Biết đến bao giờ con người mới bước qua được những định kiến và hận thù ngớ ngẩn đã được chôn chặt vào tâm thức bằng cả ngàn năm trận mạc? Lạ thật! Những thằng lính ở chiến tuyến trực tiếp cầm súng bắn vào đầu nhau lại sẵn sàng bỏ qua hết thảy, trong khi nhiều người ngoài cuộc lại cứ khoái nuôi dưỡng mãi cái mầm mống này? Lạ thật!
- Thế anh nhé! - Người phó cầm lấy mũ đứng dậy - Bây giờ em vê.
- Khoan đã? - Lê Hoàng cũng đứng lên - Để cho minh nghĩ cái đã. Đừng dồn mình đến chân tường. Mình đã bị người ta dồn đến tơ tướp máu ra rồi. Trời ơi! Có ai phải chịu đựng hàng chục đoàn kiểm tra đằng đằng nộ khí xung thiên trong vòng có sáu tháng không?… Đừng đẩy mình từ cái vũng lầy phản bội này sang vũng lầy bội phản khác. Sự phản bội mang bộ cánh nào cũng vẫn giữ nguyên bản chất. Kẹt quá cậu ơi! Nếu nhận là sai mình sẽ phản bội lại tất cả, phản bội lại chính mình. Mình không nhận? Đâu có phải chỉ là mất hết, nếu thế mình đã chịu được, mà xét theo thực chất cũng vậy thôi. Khi không còn mình người ta sẽ đẩy lâm trường vào một lề lối làm ăn khác lề lối tối tăm ban đầu. Còn trút đổ cho cậu ư? Nghe chừng dễ dàng và hợp lý nhưng mình sẽ không còn là mình nữa, mình sẽ phản bội một cái gì còn sâu xa hơn, đó là nhân cách.
Người phó dăm chiêu nhìn ra ngoài cửa sổ một lúc rồi quay lại, giọng nói trở nên rắn rỏi không ngờ:
- Đấy là con đường độc đạo để cứu vãn tình thế. Không phải cứu anh hay cứu em. Có một cái gì còn lớn hơn giá trị cá thể từng con người, đó là đức tin và đó cũng là nhân cách. Em đã nghĩ kỹ rồi. Em biết anh sẽ từ chối như cái đêm đó, nhìn vào mắt anh, em biết anh nhất định sẽ xé băng lao ra ngoài không cần biết chết sống ra sao. Câu cuối cùng của em: Dù anh không đồng ý, dù anh cản phá, em cũng sẽ cứ làm. Người ta sẽ tin em hay cố tình tin… Mong anh hiểu cho, em không bao giờ thích làm hiệp sĩ hay phô phang sự cao thượng. Em chỉ muốn làm những việc có ích. Em chào anh, em đi!
Ra đến cửa, người phó còn dừng lại, tay bóp chặt cái mũ mềm:
- Còn điều này chắc anh không hiểu: Nếu em buộc phải hành động như thế cũng chưa hẳn là vì anh, vì cái chung. Trước hết là vì em, tức là vì cô ấy. Cả đời cô ấy coi thường em, nhìn nhận em là một thằng đàn ông bạc nhược, một thằng đàn ông nhợt nhạt, không bao giờ có chủ kiến, không bao giờ quyết đoán được một điều gì cho ra hồn. Ngay cả khi có con, đứa con được sinh ra bằng sự thương hại cha nó mà chấp nhận một lần ân ái cô ấy vẫn thoái thác kết hôn. Bây giờ cô ấy ở đâu, còn hay mất, em cũng muốn một lần tự vượt mình, tự làm khác đi. Như vậy em sẽ có lý do bình ổn để tồn tại trên đời chứ thực ra trong em, hình ảnh cô ấy hoàn toàn không còn gì nữa! Thú thực, những ngày trước tháng tư năm bảy lăm ấy, có lúc em đã ghen với anh. Ghen với một người lính đối phương mà bằng hành vi điên loạn, xin lỗi, lúc đó em vẫn cho cái chuyện anh tháo băng nhảy xuống vườn là một hành vi điên loạn, đã đánh mạnh vào trái tim kiêu hãnh của cô ấy. Cô ấy đã yêu anh hay một tình cảm gì gần như thế. Cô ấy đã ân hận đến tan nát và lập bàn thờ để thờ anh. Khi ấy cả cô ấy cả em đâu có nghĩ rằng anh vẫn sống! Anh hãy để cho em được một lần được ngang bằng với cô ấy. Mai mốt, sau mọi chuyện, có thể em sẽ ra đi nhưng cũng có thể em ở lại làm một người bình thường, ngày ngày chăm sóc mảnh vườn sầu riêng mà lâm trường cấp cho em. Chào anh!
Lê Hoàng chưa kịp nói gì thêm thì cái bóng gầy gầy của người phó đã khuất sau cánh cửa, biến mất vào con đường cát trắng dẫn ra bến xe thị trấn.
… Kính gửi ban kiểm tra Tỉnh uỷ…
… Tên tôi là Lê Bá Hoàng xin thành khẩn…
Không lê nổi ngòi bút nữa, anh đóng nắp lại, lia mạnh vào góc bàn rồi cứ ngồi nguyên như thế, trân trân nhìn ra ngoài cửa sổ. Ngoài đó biển vẫn xanh ngăn ngắt, xanh đến vô nghĩa, xa đến không còn là xanh nữa. Chao ôi! Thiên nhiên và vũ trụ lặng tờ hư vô. Dưới nó là cái gì? Là tầng đáy hư vô. Trên nó là cái gì? Là bầu trời hư vô. Bên kia, tận cùng cái màu xanh đó là đâu? Cũng hư vô nốt! Tất cả đều hư vô không có thật, tất cả đều bàng bạc gợi nhớ đến cái vô cùng của sự vô nghĩa mà sao con người, những sinh vật nhỏ mọn hư vô của hư vô lại vật vã trăn trở đến thế. Chả lẽ những trăn trở ấy cũng không có thật nữa chăng? Thế thì ở cõi đời này, cái gì là có thật? Trung thực à? Cái nào là thật, cái nào là giả?… Khoảnh khắc ấy và không biết bao khoảnh khắc tương tự khác, anh đã thèm muốn mình được tan ra, được biến mất vào lòng biển như sự biển đi của một mảnh vật chất, một mảnh linh hồn vô nghĩa lý… Mua hay thuê một chiếc thuyền nhỏ dong buồm lênh đênh ra biển, lênh đênh… cứ lênh đênh mãi… Và một ngày nào đó có ngọn sóng dữ ụp vào, thế là xong, thế là thoát? Những ngón tay thương tật của anh vô tình sờ vào khẩu súng nhét kín trong hộc bàn. Nước thép lạnh giá truyền vào đầu óc anh một luồng điện tê dại. Khẩu K54 mẻ báng này đã theo anh đi cùng các trận đánh, cùng các cánh rừng, đã chắn cho anh một viên bi khỏi xuyên vào thận, đã được anh nâng niu gìn giữ như một bảo vật, một kỷ niệm thiêng liêng của thời đáng sống nhất. Mấy ngón tay anh co quắp lấy cái báng súng… rút ra khỏi hộc vỏ sần sần của bàn… đưa lên… Đưa lên nữa… Nhưng rồi lại thả ra. Cục sắt nặng nề thả mình đánh kịch vào vị trí cũ. Anh gục đầu xuống, vầng trán đã sớm có nhiều nếp nhăn khắc khoải tì mạnh, vò nhàu tờ giấy trắng trên cùng…
Một ngọn gió lành lạnh thổi vào, lại thêm một cái gì đó cảm thấy vương vướng ở phía trước. Lê Hoàng ngẩng lên. Anh va ngay vào một đôi mắt đang nhìn mình xót xa vô hạn. Đôi mắt của Dung!
Vốn đã quen với sự sang chơi thường xuyên củn cô gái, vốn đã quen coi cô là đối tượng tâm sự tin cậy hàng ngày, anh không lấy gì làm ngạc nhiên, chỉ khẽ lấy tờ NHÂN DÂN kín đáo che đi hàng chữ đang viết dở rồi cố nặn một nụ cười:
- Dung sang chơi đấy à?… Chà bữa nay có gió chướng thổi về hay sao mà đầu óc thấy mệt mỏi dữ!
- Anh quyết định rồi sao? - Dung hỏi.
Cái vươn vai của anh khựng lại nửa chừng:
- Hả?… Quyết định gì?… Có quyết định gì đâu?
- Thôi, anh khỏi phải che đỡ nữa! Nếu đã nghĩ kỹ rồi thì anh cứ quyết định. Thà thế còn hơn anh cứ tự làm khổ mình, tự xe rách mình ra rồi cũng chả để làm gì.
Cô ấy đã nhìn thấy những dòng chữ của mình? Anh nghĩ và đột nhiên trở nên hết sức bối rối như bị can đứng trước quan toà:
- Không… Dung không hiểu… Không phải hoàn toàn như thế đâu. Cậu phó của tôi vừa ở đây ra về.
- Em biết? - Cô gái trả lời và quay mặt đi.
- Cậu ấy trước đây nguyên là…
- Em biết! - Cô gái vẫn không quay lại.
- Và trước nữa là kỹ sư canh nông.
- Em biết!
- Ủa! - Lê Hoàng tròn mắt - Sao cái gì em cũng biết cả thế? Chả lẽ ngày trước em có quen con người này?
- Đâu có - Dung quay lại, duyên dáng hất mái tóc dài qua vai - Thì chính anh đã có lần kể về anh ấy cho em nghe đó thôi.
- Ờ. Cậu ấy là một người có tài, rất có tư cách nhưng đời riêng cũng lắm nỗi éo le - Anh nói và nhìn sâu vào mắt cô gái với vẻ thăm dò.
- Em biết - Dung mỉm cười - Nhưng chắc anh ấy đến đây không phải để kể lể chuyện khúc nhôi chuyện đời?
- Cậu ấy muốn thay anh nhận tất cả trách nhiệm về mình. Cậu ấy sẽ ra đi theo tiếng gọi của tình cha con ruột thịt.
- Thôi, anh đừng nói nữa - Cô gái bỗng cắt ngang rồi liền sau đó lại mỉm cười, nụ cười buồn héo hắt - Rồi… Rồi anh ưng thuận à?
- Không!… Bắt đầu thì không nhưng cậu ấy ép, cậu ấy bảo rằng anh hãy vượt lên những mặc cảm vụn vặt để mưu việc lớn và dù anh có đồng ý hay không thì cậu ta vẫn tiến hành. Cậu ta đưa anh vào cái thế rất kẹt.
- Và thế là anh quyết định cầm lấy bút để viết lời buộc tội? Nói cách khác là mở cửa thành thạo chạy cho riêng anh?
Lê Hoàng không trả lời, loay hoay tìm một chấm nhỏ ở trước mặt để neo cái nhìn của mình vào đó. Gần đây anh bắt đầu ngại gặp Dung. Ở trước cô ấy anh cảm thấy mình đang đứng ở trước nắng, thân thể cứ trần thùi lụi ra. Đặc biệt là đôi mắt… Đôi mắt vừa xót xa và nghiêm khắc lại vừa đại lượng kiểu bà chị cả ấy nó không cho anh được yên nữa, anh bứt rứt, anh ngợp thở, anh muốn nói hết rồi lại không muốn nói gì cả. Song, anh lại cần, rất cần sự hiện diện của con người cũng như đôi mắt ấy. Sự có mặt của cô tạo cho anh một sự tĩnh lặng nhất định trong những khoảnh khắc chơi vơi không còn khả năng làm chủ được mình.
- Dung! - Vẻ mặt anh thật khổ sở - Thế theo Dung tôi phải hành động như thế nào bây giờ? Dung trong sáng, Dung có hiểu biết, Dung là đàn bà, Dung lại đứng ngoài những sự kiện và mòi vụ việc tầm thường Dung hãy mách giùm tôi một nước đi sao cho ổn thoả nhất đi?
- Chỉ một người có đủ quyền hạn mách nước, đó là anh.
- Nếu vậy thì coi như bằng không.
- Dung chỉ có thể gợi ý và hình như đã có một lần làm việc đó rồi.
- Mỗi ngày sự việc diễn biến mỗi khác.
- Anh nói người phó của anh giành cho mình cái. quyền quyết định toàn bộ?
- Quyết định toàn bộ.
- Chính ra cái quyền đó không ai khác mà phải là anh!
- Vẫn biết thế nhưng…
- Dung chỉ lưu ý anh, lưu ý thôi chứ không dám khuyên bảo, cái lẽ cốt tử của nghĩa tình ở đời. Cái này mới là dài lâu truyền kiếp, chỉ thế thôi anh xử sao cho phải.
- Tức là thế nào? - Lê Hoàng xếch mắt lên - Càng nói càng mù mờ. Nói rõ ra một chút coi!
- Lại nóng nảy rồi. Sao đàn ông mấy anh cứ động vào những chuyện mà đàn bà tụi em cho là rất đơn giản như thế này lại ưa mất bình tĩnh vậy? Ví dụ như thế này nhé! Anh đừng thú nhận là mình sai khi tự trong thâm tâm anh biết là mình đúng. Bất cứ cái gì làm vì con người đều đúng cả, khi má Dung cỏn sống, má Dung thường bảo thế, và không đúng lúc này thì nhất định sẽ đúng lúc khác.
- Kể cả khi chết nằm quay xuống đất rồi? - Lê Hoàng chêm vào.
- Dạ, kể cả khi chết. Anh đừng để cho người phó của anh gánh chịu tất cả. Thí một con người để vì nhiều con người không phải bao giờ cũng hay, có khi còn thất đức nữa.
- Được rồi, nói tiếp đi, tôi đang nghe đây - Lê Hoàng ngọ nguậy người liên tục trên ghế - Vâng, tôi chỉ còn cách giơ ngực ra để bảo vệ việc làm của mình như một hiệp sĩ thánh chiến cuồng tín?
- Dạ!
- Dạ là dạ thế nào? - Lê Hoàng đứng bật dậy - Dung có hiểu gì đâu mà "dạ" ngon lành thế? Đây là một cuộc thách thức hoàn toàn không cân sức. Chẳng bao giờ có thắng lợi hết mà chỉ có chiến bại thôi, chiến bại thảm hại, tất cả ôm nhau chết chùm. Tôi chết, cậu ấy chết, năm ngàn cư dân làng rùng chết, cả cung cách làm ăn mới cũng lăn ra chết theo. Tức là bao nhiêu mồ hôi nước mắt, kể cả máu nữa đều ra tro, đều quay về sự nghèo kiệt hoang hoá ban đầu. Thử hỏi được cái gì nào, cái gì nào, thưa cô gái?
- Có đúng như vậy không - Nét mặt cô vẫn dịu dàng - Hay chỉ do anh đau đầu mê hoảng quá mà nghĩ ra? Anh Hoàng này, tiếp xúc với anh lâu nay, dường như em thấy… Tha lỗi trước cho em nhé, anh chỉ lo cho riêng mình mà không tự biết. Vì thê mà anh bị rối. Những cái to tát như số phận cộng đồng dân cư, số phận đất dai hoang hoá… chỉ là cái cớ cao siêu vòng ngoài làm phận sự che phủ thôi phải không?
- Hả?… Cái gì? Đồng chí… Chị nói cái gì? - Mặt Lê Hoàng tái đi, giọng rung lên - Chị căn cứ vào đâu mà… mà…
- Kìa! Em xin lỗi nếu nói trật rồi kia mà! - Cô gái vẫn mỉm cười duyên dáng - Cho Dung nói nốt câu nữa rồi về, không dám quấy rầy thêm, nhé! Cái ý anh bảo, dù anh có chấp nhận mất hết để ra đi thì vẫn là phản bội, vì sau đó người ta lại đưa lâm trường vào sự tăm tối ban đầu, dường như em chưa thấy thoả đáng. Bởi lẽ những cái gì các anh để lại đã thức tỉnh mọi người, họ không dễ mỗi lúc mà chui trở lại kiếp lầm than. Họ sẽ phản kháng. Thiếu ngọn lao thủ lĩnh của anh, chưa hẳn cả bộ lạc ấy sẽ dắt díu nhau xuống vực. Đúng không?
- Cô nhìn cuộc đời hồng hào quá đấy cô gái tốt bụng và tàn nhẫn ạ!
- Và cớ sao anh nhìn cái gì cũng như có chít khăn xô như thế? - Cô nói lướt - So với riêng em thôi chứ chưa cần so với người khác, cuộc đời anh đâu đã đến nỗi. Nếu gọi đây là bất hạnh thì với anh, nó mới chỉ là bất hạnh đầu tiên. Còn em… Dù thế nào, em vẫn nhìn cuộc sống có nhiều điều thú vị lắm? Phải chăng do em giá lạnh, em không còn ham hố gì nữa nên đầu óc em trong suốt, nó chỉ toàn những nắng và gió?… Biết đâu trong lúc anh đang ôm đầu tuyệt vọng ở đây thì ở một nơi nào khác có những người hay chí ít cũng có một người đang tìm cách làm sáng rõ cho anh?
- Hoang tưởng - Hoàng phẩy tay - Tôi không tin.
- Dung lại tin.
- Vì Dung không ở trong cuộc.
- Vì Dung đang đứng ngoài cuộc.
- Hết biết nó thế nào nữa! - Hoàng so rút hai vai lại.
Dung cười khẽ một tiếng rồi xây lưng đi ra cửa:
- Bỏ qua mời điều vớ vẩn cho con đàn bà đa sự này nhé, anh Hoàng. Em về!
Lê Hoàng bất giác thoáng nhìn vào cái lưng ấy… Anh gọi khẽ:
- Khoan đã!
- Gì nữa, anh? Tiếp tục tranh cãi à?
- Không… Hồi chiến tranh Dung ở đâu nhỉ?
- Ở đây ở thành phố, ở khắp nơi… Tóm lại là ở trong vùng địch tạm chiếm. Có sao không anh?
Có khi nào Dung đã từng ở trong một ngôi nhà sát bờ sông Sài Gòn, phía nam cầu Bình Triệu không?
- Có! - Cô đáp gọn khô.
Lê Hoàng hơi nhổm người lên:
- Thế… Thế cái đêm trước ngày hoà bình, có một người lính giải phóng bị thương nào lạc vào nhà Dung không?
Người lính bị thương? Lính của đối phương? - Ánh mắt cô lấp loé một đốm sáng nhảy nhót.
- Đúng! Một người lính bị thương - Cổ họng Lê Hoàng tắc lại - Một người lính đối phương? Có không?
- Có. Nhưng chỉ có trong tiểu thuyết. Còn ngôi nhà của Dung, cho đến phút cuối cùng của chiến cuộc vẫn hoàn toàn yên lặng.
Lê Hoàng để rơi người xuống ghế, cố hỏi một câu nữa:
- Thế… Thế Dung có quen một người bạn trai nào, một người… thương nào tên là Duy, Nguyễn Đức Duy không?
- Duy nào? Có phải cái anh Duy phó giám đốc đang định bỏ lại tất cả để ra đi không? Nếu em là anh ấy em sẽ không đi đâu cả, không bao giờ đi, anh cứ nói hộ em với anh ấy như thế. Còn đứa con… Nếu nó còn sống, tự nó sẽ rường thành và nó sẽ biết tìm đường về với những người thân của nó.
- Con người ấy Dung có quen không? - Lê Hoàng hỏi lại với nét mặt căng thẳng.
- Không?
Tiếng "không" cuối cùng cô gái trả lời ra ngoài nắng và cũng nhẹ nhàng biến mất như một mảng nắng.