CHƯƠNG 13

    
ó hai bóng người một trai một gái đang đứng úp mặt vào nhau dưới gốc điều. Xung quanh là những gốc điều khác chạy dài đến sát mép sông. Điều vùng biển cát không cao nhưng tán rộng, lá to, trái mập. Đứng dưới tán điều có cảm nhận như đang đứng dưới mái nhà. Nắng không rọi qua được, mưa rơi xuống cũng lăn giạt ra xung quanh. Thảm cát dưới tán điều không mấy khi ướt. Ngày hay đêm, mùa nắng hay mùa mưa, nó đều giữ được cái độ mịn màng đến nao lòng, đến mời gọi những tấm lưng hãy ngả xuống. ăng lặng… Tiếng sóng biển càng làm cho cái ắng lặng ấy được bảo hiểm toàn phần. Bóng tối nhờ nhờ, trời nhờ nhờ, biển nhờ nhờ đất nhờ nhờ, chỉ có cát là không chịu mang cái màu nhá nhem ấy màn đêm càng tăm tối, nó càng xôn xao khoe cái sắc trắng trinh nguyên muôn thuở của mình. Xa lắm, vượt qua cả những căn chòi độc thân, cả trái đồi im lặng, có ngọn đèn thuyền đánh cá nhà ai nhấp nháy lúc ẩn lúc hiện… Cái ắng lặng được đẩy sâu thêm vào cái cô đơn hun hút.
Và trong khoảng không gian bao la lạnh chết chỉ có gió là ngớ ngẩn vẫy vùng ấy, có hai bóng người. Anh con trai cao lớn, toàn thân luôn chuyển động rùng rùng. Khảm nét vào da trời bàng bạc, cô con gái có đường ngực và đường hông cong vênh, uốn khúc dù thế nào cũng nhất định không chịu đứng sát vào bạn tình hơn nữa.
- Thôi mà anh! - Giọng cô gái ngột ngạt tràn trề chất nữ - Đêm đẹp như thế này mà…
- Em đẹp hơn… - Tiếng anh con trai thì thầm.
- Buồn cười nhỉ? Đào lộn hột của người ta mà lại cứ gọi là điều.
- Điều gì? Đê điều à? Ngọng?
- Ừ thì ngọng, nhưng… chịu khó đứng sát vào anh chút đi! Hôn anh đi! Không… Không phải hôn thế! Hôn thật tình kia… Cho cắn rách môi anh đó.
- Khiếp! Đàn ông ăn với nói… Này, em nghe nói điều xuất khẩu tốt lắm, hay là em cũng thử trồng vài chục gốc? Tính thử nhé! Trừ vốn trừ công đi, sau ba năm mỗi gốc điều sẽ cho em được năm đến bảy ký hột. Mỗi ký bỏ rê cũng được vài ngàn, một gốc năm ký là ngót nghét hai chục ngàn rồi. Nếu em có năm chục gốc… Eo ơi! Nhiều tiền lắm!
- Thôi, gốc với ghiếc mãi! Cho em cả trăm cả ngàn gốc, cho em cả cái bãi biển này để trồng đấy nhưng lúc này chỉ cần một gốc thôi, một gốc cũng đủ nào. Nào… Cho anh ngắm, ngắm chút xíu nữa thôi.
- Không… Em ngượng… Ngượng chết! Kìa! Nhột… Nhột em…
Một tiếng thở dài và sâu.
- Bây giờ anh có thể chết được rồi! Giá cứ được gục mãi vào em như thế…
- Anh có thương em thật lòng không?
- Thật! Còn hơn cả thật!
- Xạo! Người ta bảo anh đã trải qua bao nhiêu cô rồi!
- Ai nói với em thế?
- Chẳng cần ai nói? Cứ nhìn cũng biết.
- Biết gì? Em chả biết gì sốt. Chỉ có em thôi. Hình như lão trời già cố tình đẩy em ra đây để anh được gặp.
- Em không thích anh khéo mồm thế đâu. Khéo miệng là thường nhạt lòng.
- Không, lòng anh mặn ác.
- Nói đi, tại sao anh thương em?
- Nói rồi.
- Chưa thật.
- Nữa nhé! Vì em lành hiền, em chân thật, em mạnh mẽ và em tốt bụng. Em rất hợp với anh.
- Vẫn là ngoại hình.
- Vì anh và em cùng chung những kỷ niệm chiến tranh trong các cánh rừng ác nghiệp. Đủ chưa? Nội hình chưa?
- Chưa đủ.
- Thế thì - Anh con trai nổi cạu - Thế thì tại vì em khác những người con gái khác, chỉ biết nhõng nhẽo và tiêu xài thôi. Cái thứ này anh đã ngán lên đến cổ rồi.
- Thế có phải thật hơn không? Tạm đủ.
- Chưa hết! Anh đã đến lúc phải đứng số, đã đến lúc phải lấy vợ, Mà lấy những người như em làm vợ là chắc bền nhất. Nào, tin chưa? Quay mặt lại đây để anh… Em chưa biết hôn gì hết.
- Chán chưa? Đi kiếm cô khác mà hôn.
- Bậy nào! Chính thế mà anh càng trọng em. Em chưa thuộc về ai, chưa hôn một gã trai nào cả.
Một tiếng khóc khẽ vừa đủ để phân biệt với tiếng trái điều rơi xuống cát…
- Sao em khóc?
-!!!
- Em không yêu anh?… Em sợ anh.
- Anh không yêu em, anh chỉ… chỉ muốn em thôi!
- Ôi! Em tôi trong trắng quá! Em chẳng biết gì cả. Em như một cô bé mới lớn ấy.
- Anh chỉ thương hại em thôi. Đúng không? Anh nói di!
- Nói tầm bậy - Anh con trai lại nổi cạu - Anh có thể là thằng rất bố láo nhưng anh không thể là thằng đểu. Mà có đểu đi chăng nữa thì cũng không bao giờ đểu với em. Hiểu chưa?
- Em khổ lắm!
- Anh… Anh thương em thật lòng. Thôi nín đi! Anh bảo… Ôm anh chặt vào đi!
- Ờ! Anh làm gì thế? Em không thích. Em không…
- Thôi, thôi, anh xin lỗi! Tại em làm anh phát điên lên!
- Điên gì mà điên?
- Anh điên lên thật đây này? Anh vỡ tung đầu ra mất? Em ác lắm!
Bỗng ngọn đèn trong căn chòi của Dung đột nhiên bật sáng. Cái bóng đang đứng chợt buộc vội lại tóc:
- Thôi chết! Em phải về đây không chị ấy chờ.
- Em có một bà chị tốt thật? - Cái bóng nằm cũng đứng dậy - Nói rằng chủ tịch thị trấn rất quý chị ấy nhé! Quý thôi. Nhưng nói này!
- Gì cơ?
- Chuyện hôm rồi ấy mà. Anh biết rõ gã lạ mặt ấy có vào nhà em nhưng chị ấy không nhận thì thôi. Căn vặn một người đàn bà, nhất lại là một người đàn bà quá đẹp và quá bướng là anh không khoái rồi. Cả em nữa, em cũng giấu anh, ghê thật? Theo bộ luật hình sự, hai cô sẽ bị truy tố về tội đồng loã và chứa chấp tội phạm…
- Thì có ai biết hắn là tội phạm đâu. Hắn đến, quỳ dưới chân chị Hai một chặp, nói ào ào một chặp nữa rồi đi luôn.
- Không biết! Nhưng xét thấy sự ghé gẩm của hắn là vô hại và… cái này mới quan trọng, nhờ có gã tội đồ đó mà tôi may mắn gặp được em, quen em, cô gái sơn cước tuyệt vời hạ sơn ra biển nên tạm treo để đó, lần sau tái phạm sẽ không tha thứ. Nói thật tình nghe - Giọng anh nghiêm lại - Trong hai người, em vững vàng hơn, trải qua thử thách nhiều hơn, em phải hướng dạo chị ấy nhé! Không phải chỉ nội trong chuyện này mà còn tất cả những chuyện khác nữa. Vùng biển này nhiều cạm bẫy, không tỉnh táo không sống yên ổn được đâu. Về đi!
- Còn anh? Anh cũng về hay còn đi đâu? - Cô gái hỏi nhỏ để tự trấn an nỗi lo lắng mơ hồ vừa thấp thoáng nhen lên.
- Chủ tịch của em ghé qua anh Vũ một chút thể theo lời gợi ý rất có lý của bà chị em. Chúc em ngủ ngon! Hôn cái nữa nào?
- Thôi!
Cái bóng này đứng lại cười khà khà, cái bóng kia ngoắt người luồn qua rặng điều đi về nới có ngọn đèn sáng.
Sự xuất hiện của vị chủ tịch khiến cho tiếng máy chữ trong căn chòi của Vũ đột ngột dìm lại.
- Ông đánh máy gì mà nghe buồn như đánh đờn cò - Chủ tịch bỗ bã nói phủ đầu - Tôi nghiệm ra tính khí con người bộc lộ hết trơn qua việc làm của họ. Này heng! Đánh bóng bàn mà chắt chiu, cò cưa từng quả, đích thị là thằng cha này kỹ tính khó chơi, sống ở đâu làm khổ người ta ở đó. Chơi cờ tướng mà mặt tỉnh queo, nước đi ngoắt ngoéo, không cười, không la lối om xòm, dứt khoát là cái bụng dạ ác hiểm, có sống cạnh cũng phải đề phòng. Còn ông… Đánh máy chữ gì mà nhỏ từng giọt tìm giọt như khóc thế?
Trước tràng súng liên thanh nổ choang choạc của ông chủ tịch, Vũ không thể không mỉm cười một chút. Anh đứng dậy, động tác chân tay có chiều nhanh nhẹn hơn:
- Mời ông chủ tịch ngồi xơi nước. Trà không được ngon lắm, hay xin phép mời ông dùng tạm ly rượu nếp thang?
- Nếp thang à? Có ngay, nhưng tôi không quen uống ly nhỏ đâu đấy nhé! Mà không có ông iếc gì cả. Anh cứ gọi tôi là Lân, thằng cha Hai Lân cho ngon. Có khi anh lớn tuổi hơn tôi, anh cứ gọi là chú Hai, thằng Hai càng gọn.
- Ấy! Tôi đâu có dám, mời, mời anh hai?
- Thôi nhé, không có chè rượu gì hết ráo, để bữa khác. Tôi ghé chơi tán phét chút đỉnh rồi lại đi liền bây giờ. Làm cái anh chủ tịch có sướng gì đâu, suốt ngày suốt đêm chạy như ngựa vía. Xem nào - Anh cúi sát mắt xuống mặt máy chữ - Đang đánh gì thể? Đánh cho thằng nào vậy? À, thằng công ty du lịch chuyên múa lưỡi để hốt bạc hả? Mỗi táp nó trả cho anh được bao nhiêu?
- Dạ… Tôi cũng không để ý. Chừng… chừng một trăm gì đó.
- Sao lại một trăm? Vừa đánh vừa dịch ra tiếng Anh thế này, ít nhất cũng năm trăm một táp. Nó bóc lột ông rồi! Đ. mẹ! Càng giàu lại càng keo. Để tôi khôn cảnh cáo cho nó một cú.
- Không, không có sao đâu anh Hai. Đánh vậy được rồi. Chịu cực ngày đi được mươi mười lăm táp là cũng đủ tiên gạo mắm. Có một mình, tôi đâu có đòi hỏi chi nhiều. ấy, khi nào bộn việc mấy anh ở trên cũng…
- Thôi, tôi đến đây không phải để lòng vòng hỏi về ba cái chuyện một trăm, hai trăm ấy.
- Dạ… Tại anh nói…
- Tôi nói gì? Tôi nói anh vất mẹ nó cái nghề này đi?
- Nhưng…
- Không nhưng gì hết ráo. Làm thằng đàn ông có tài, có bằng cấp, được học hành đi đây đi đó như anh mà ngày ngày ngồi chống gốc như con chim gõ kiến nghe nát ruột lắm! Cái đó để cho mấy đứa con gái mới lớn nó làm. Anh nguyên là đốc tờ tốt nghiệp ở Pháp về phải không?
- Dạ, thưa… Ai nói thế ạ?
- Thì tôi hỏi có phải vậy không?
- Dạ thưa… Thưa đúng!
- Khà! - Anh cười, vỗ mạnh vào vai Vũ một cái - Thế chứ. Mẹ! Gọi là thị trấn duyên hải cho oai chứ ngó trước ngó sau chỉ có một dúm con người ta không đủ làm món nhậu, thằng chủ tịch không biết ai ở đâu, làm gì thì chỉ có mà đi hốt cứt Hì!… Xin lỗi nha! Tôi văn hoá thấp xịt, nói năng lạp xạp, bác sĩ bỏ quá cho nhen! Có thuốc hút không, cho xin điếu!
- Dạ… Vũ lúng túng, tay chân sờ mó lung tung - Tôi… Tôi chỉ có thuốc rê. Để tôi chạy đi kiếm gói…
- Thuốc rê hả? Cũng được. Đâu, đưa đây! Cái thứ này ngày trước hút hoài, đậm lắm, bây giờ mồm miệng sinh tật, chả biết còn ngon còn đậm nữa không? Nào, xem nào… ờ, cũng được đấy chứ! Kém gì Zet với Hero. Nói chuyện nghiêm túc nghe!
Cái lưng còng còng của Vũ tự nhiên hơi dựng thẳng, nét mặt tỏ rõ vẻ bồn chồn:
- Tôi… Tôi không được ở lại đây hả anh Hai?
- Bậy nào! Đất của ông bà, của trời biển, muốn ở đâu thì ở, muốn trụ đến bao giờ thì trụ, ai hơi sức đâu mà cấm.
- Vậy mà tôi tưởng… - Vũ nén một hơi thở phào.
- Nghe đây: Nhân danh chính quyền và cấp uỷ địa phương, nhân danh ba vạn bà con vùng tây nam duyên hải, nhân danh cả tôi nữa, thị trấn chính thức mới ông Lưu Thế Vũ ra làm việc.
- Tôi!
- Chả lẽ lại là thằng cha mắc dịch nào? Bệnh viện thị trấn đang xập xệ, hơn một trăm giường đang trong tình trạng ế ẩm, người tài không có, y sĩ thạo nghề cũng không.
- Tôi tưởng ở ngoài đó có ông đốc tờ…
- Đốc tờ Thanh hả? Đốc tờ gì cái thứ ấy. Việc thì lười như hủi, gái lại nhanh như chảo chớp… Gần đây chả lại sanh tật tham ô tham nhũng, ăn trên chặn dưới nữa. Tôi đuổi cổ chả về thành phố rồi. Sao, nhận chứ?
- Thưa anh…
- Thưa gửi gì nữa?… Nói chuyện với mấy ông trí thức mệt thấy mẹ. Không nói không, có nói có đại đi cho rồi, thưa gửi hoài thêm mất công. Nhắc lại này: Thị trấn mời anh ra làm bác sĩ trưởng tại bệnh viện thị trấn, nếu làm ngon lành, một thời gian sau sẽ đề bạt giám đốc luôn. Được chưa?
Vũ lặng đi một chút rồi lát sau, run run nói:
- Dạ! Thị trấn tin tôi, tốt với tôi quá nhưng… cho phép tôi được suy nghĩ ít ngày. Tôi có những lý do riêng chưa thề trả lời quý anh được.
- Ha ha! - Lân cười ầm ầm - Lại còn cái gì quý anh nữa? Hội nghị khoa học quốc tế khối ASEAN đang nhóm họp ở đây à? Này - Anh ngắt tiếng cười rất nhanh - Tôi biết tỏng bụng dạ anh đang nghĩ cái gì rồi! Mải đánh đấm hét lác, chữ nghĩa trong bụng cạn queo, tôi cứ cứ nói đại ra thế này có trúng không nhé! Anh đang… đang cái gì nhỉ? A, anh đang sám hối, anh đang ân hận, đang mặc cảm tội lỗi với vợ con đầy đầu chứ gì?… Không, ngẩng lên, nhìn thăng vào mắt nghe tôi nói nốt đây. Anh muốn sống ở đây, tại cái lều rách này hết đời, anh… gì nữa? Chà! Chữ nghĩa của cái bà này trúc trắc thấy mồ, nhập tâm miết mà không có vô. Tóm lại… Nhìn chung là anh muốn chết dần chết mòn, muốn chôn sống cuộc đời trong cái nhà mồ này chứ gì?
- Anh Hai… Tôi xin anh. Đây là chuyện riêng của tôi…
- Không có riêng chung gì hết ráo. Đó! Đó! Lại sắp khóc rồi đó. Nói trước, tôi không ưa nhìn thấy nước mắt đàn ông đâu nhen! Hồi trước, sau thời kỳ đánh Mỹ, má tôi nhận được cùng một lúc bốn cái giấy báo tử của bốn người anh tôi, tôi có khóc, khóc một lần đó sau thôi thôi đến tận bây giờ. Này, đàn bà khóc trông đẹp nhưng thằng đàn ông khóc trông như cái thằng cha tự ăn thịt mình. Đúng không ta?
Nhưng Vũ đâu có khóc. Từ lâu anh đã để cho nước mắt của mình chảy ngầm vào trong mà con người ồn ào mạnh mẽ kia đâu có hiểu nổi. Mặt khác, cái ồn ào chân thật hơi quá thái kia đã đục thủng cái màng bọc giữ kẽ bấy lâu, anh muốn được cởi mở, được thổ lộ lại nhưng những gì cần nói, anh đã nói cả với người đàn bà kia rồi, giờ đây anh ngồi im lặng.
- Bà hoạ sĩ Dung đã kể hết với tôi về anh, cho nên tôi hiểu anh. Nói thế thôi chứ tôi cũng không đến nỗi không hiểu gì cả về cái lẽ đời lắm chuyện. Do đó với tư cách đàn ông, tôi thực lòng muốn kéo tuột anh ra khỏi cái nấm mồ rách nát này, quăng anh vào xã hội. Xã hội ngoài kia đang ầm ào như súng trận, cái xấu cái tốt, cái cũ cái mới đang giao tranh nhau ác liệt, thiên hạ đua nhau làm ăn bung mở các thứ nọ kia đến chóng cả mặt. Người nào, đoàn thể nào cũng đang gồng mình vượt lên không thì nhăn răng chết đói. Cuộc đời đang lu xà bù kinh người, mọi cái riêng tư vớ vẩn dẹp đi hết, dẹp luôn cả cái nỗi đau… đau gì nhỉ? Cái bà này lắm chuyện quá? À, cái nỗi đau muôn thuở của kiếp người. Nói thế anh nghe có lọt tai không? Cuối cùng, tôi cứ nói huỵch toẹt ra, lôi anh ra khỏi đây không phải chỉ là vì anh đâu, tuy cũng rất chi là quan trọng, mà cái chính là vì phong trào chung, vì sức khoẻ và thể tạng của cái thị trấn ba vạn dân heo hút này nữa. Vậy, ổn không?
- Anh Hai… Anh hãy cứ để cho tôi suy nghĩ một thời gian - Vị chủ tịch càng nói, con người đau khổ này càng bẹp rúm lại - Tôi lúc này như người kiệt sức, như kẻ mộng du, tôi chỉ còn là chiếc bóng của tôi ngày trước, tôi đã không chữa được cho tôi thì còn dám chữa chạy cho ai. Tôi sợ sẽ làm hỏng việc của các anh.
- Hỏng đâu vá đấy lo gì, miễn là cái tâm, cái đầu nó không hỏng là ngon rồi.
- Tiện đây ông chủ tịch cho phép tôi cởi mở. Từ lâu, tôi tự coi mình như đã chết rồi. Vợ con tôi, những người mà tôi yêu thương nhất, tại tôi mà không còn nữa, đã chết vùi, chết dập dưới đáy đại dương, thử hỏi tôi sống mà làm gì? Nhưng tôi vẫn ráng sống, gượng sống bởi hy vọng rằng, biết đâu có một phép nhiệm màu nào đó đã cứu sống vợ con tôi, cũng như đã cứu chính tôi vậy. Vợ chồng tôi ăn ngay ở hiền, suốt đời không hại ai, chỉ làm điều phúc đức để cứu giúp chúng sinh, chả lẽ trời phật lại nỡ hại gia đình tôi thảm thương đến thế! Vì vậy tôi còn hy vọng, hy vọng mỏng manh vô cùng nhưng còn hơn là không có gì để hy vọng cả… Và, cho dù vợ con tôi đã chết thật cho dù trong cuộc đời này không thể có phép nhiệm màu thì tôi vẫn cố sống để sáng sáng lang thang ra biển để mong tìm được xác vợ con tôi giạt vào… Chỉ cần giạt vào thôi, không cần toàn thây cũng được ôi, con tôi! Thằng bé kháu khỉnh và bụ bẫm làm sao? Vậy mà tôi đã đánh nó, đánh vào cái má bụ bẫm của nó mấy vết ngón tay tôi còn hằn… Trời ơi?… Cái cuối cùng nó để lại cho tôi là đôi mắt mở to oán trách và bàn tay nhỏ như chiếc lá chìm dần chìm dần…
- Ông dở thấy mẹ! - Chủ tịch Lân gắt lên - Trời phật gì? Tại ông dại khờ, tại ông hay nghĩ ngợi sau trước rối tinh rối mù nên ông làm hại vợ con, làm hại cả ông nữa chứ có lão trời lão phật nào vào đấy? Lại còn cái chuyện hoang đường đón tìm xác giạt vào nữa? Vớ vẩn! Nửa năm trời, đến là sắt cũng tan rữa chứ đừng nói đến thân thể con người ta.
Tràng súng liên thanh này bắn rát quá khiến cho người đàn ông khốn khổ gục hẳn. Anh lẩy bẩy đứng lên rồi lại ngồi xuống, chân tay quờ tìm cái gì không rõ, cuối cùng đứng sững ở góc nhà, toàn thân vẫn run lên. Chủ tịch Lân cũng cảm thấy tưng túc trong lồng ngực. Anh rất biết những câu nói của mình vừa rồi là thô bạo, là tàn nhẫn nhưng không thể không nói. Anh thực lòng muốn bằng chính sự thật thô bạo đó phá toang đi trong đầu óc con người đang u mê này một khoảng tăm tối bịt bùng. Anh vội quay mặt đi… Khỉ? Đã bảo cả đời chỉ được khóc một lần mà chả lẽ bây giờ mới có thế đã chực vãi nước ra?
- Thôi, đi ngủ đi? - Anh hỉ mũi - Vắt tay lên trán suy nghĩ đi! Lúc nào thấy thuận thì trả lời, chúng tôi không ép.
Đi được một đoạn, anh còn quay lại nói thêm một câu nữa:
- Này, bãi biển này nhiều cạm bẫy lắm đấy, nhà anh lại sát mép nước, rất có thể bọn bạo loạn hay bọn vượt biên sẽ mò tới quấy rầy. Phải dè chừng nghe! Ngủ đi!
Kể ra lúc ấy đã đủ khuya để vị chủ tịch thị trấn đi thẳng về nhà, nhưng anh lại nảy ra cái ý nên đi vòng qua căn chòi của chị em người nữa hoạ sĩ một chút. Chặc? Cũng chả để làm gì. Chui vào giường như mấy cậu choai choai mới biết yêu ấy à? Hoạ có mà phát rồ. May ra tình tự thêm tí đỉnh nữa chăng? Bộ người ta cứ nhong nhóng thức để chờ mình máy ra chắc? Rồ nốt! Đi qua để… đi qua thế thôi. Đêm nay trái tim đa tình của vị chủ tịch thật là trong trẻo, chứa toàn gió là gió.
Anh vừa đi vừa huýt sáo miệng khe khẽ một điệu hành khúc xa lắc còn nhớ được. Lính mà em!… Vốn là lính chưa kịp lấy zợ mà em! Lãng mạn, mơ mộng chút đỉnh cho zui. Và thế là buộc anh phải đi qua căn chòi của Thi Hoài.
Căn chòi của nhà thơ còn sáng đèn và từ đó vang ra tiếng nói cười sôi nổi của nhiều loại giọng. Dưới sân, ngay cạnh gốc điều, lỉnh kỉnh mấy chiếc cúp, vài chiếc xe đạp được dựng quá ư là cẩu thả.
Nhà thơ đêm nay lại có khách thi nhân ở thành phố, ở ngoài thị trấn xuống chơi rồi. Sướng! Làm nghệ sĩ đi đâu cũng có bạn có bè, tới đâu cũng được dân tình mến yêu tin cậy, sướng thật! Chao? Giá mình cũng biết làm thơ nhỉ? Xin sẵn sàng vứt cái mớ công việc chán ngấy ấy đi ngay. Tất nhiên, trước tiên phải làm tặng em ngay một bài thơ rõ dài, cảm động phát khóc lên…
Vị chủ tịch mỉm cười bâng quơ tính bỏ đi nhưng tiếng ly tách va nhau chập choạng và một mùi vị quá ưa quen thuộc từ đó bay ra khiến anh ngần ngừ dừng lại… Bia lon rồi! Ngon quá! Giá lúc này được một lon uống bậy nhỉ? Uống một hơi… Cái cô bé trông xoàng xoàng thế mà hút kiệt nước trong mình lúc nào không biết? Cháy khô cả cổ. Mình vào bây giờ, dứt khoát họ sẽ mừng thôi. Chả gì cũng là một tư lệnh vùng biển tối cao nửa đêm đi vi hành mà các thần dân không mừng rỡ tiếp đãi được một vài lon bia à? Được quá đi chứ!
Hồ hởi, anh đặt chân lên cầu thang nhưng ngay liền đó lại dừng lại, bồi rối.
Tiếng Thi Hoài vọng ra rõ to, nhựa nhựa:
- … Thơ phú bây giờ bốc mùi tử khí nhợt nhạt đến không đọc được Vẫn những lão già lẩn thẩn không chịu nhường chỗ cho ai và vẫn cái bọn choai con ôm chân bợ đỡ kiếm cái danh nhớp nhầy, vẫn những thằng cha làm thơ thì ít, làm chính trị thì nhiều. Một bọn cơ hội, một lũ bất tài, một đám đánh quả không hơn không kém. Chính chúng nó phá thơ, chúng nó đầu độc quần chúng, chúng nó phải biết quần chúng hôm nay là thế nào chứ? Họ đã đủ trí lực và sự từng trải để tự lựa chọn những món ăn hợp khẩu vị rồi. Cứ để cho họ lựa. Tao, mày, thằng này, thằng này nữa và con Hoàng Như ở ngoài Hà Nội phải tạo thành một cỗ xe tứ mã, ngũ mã vực nền văn học này lên, đẩy nó ra khỏi miệng vực của thảm hoạ khô cứng, sơ đồ.
Một giọng khác cũng nhựa nhựa không kém:
- Thì đã đành nhưng khó lắm mày ơi! Tao thấy ngán quá xá.
- Thằng hèn! - Tiếng Thi Hoài - Thế mày tưởng tao được yên thân đấy hẳn, hay là suốt chục năm qua, tao luôn là cái bung xung để bọn cơ hội nó phang tơi bời, phang không thương tiếc, phang đến nỗi tao phải chạy giạt ra tận đây để làm một thứ tị nạn nội địa. Phang tao thì ít muốn biến tao thành cái cớ để bợ đỡ Đảng, để ôm chân mấy ông cốp ở tầng thượng thì nhiều. Lúc này kẻ sĩ gọi theo đúng nghĩa kẻ sĩ là không thể chỉ ngồi âm thầm trong sự khổ đau sáng tạo. Phá phách cách, phải tự bộc lộ mình, phải đi tìm giá trị một cái đẹp khác ngoài cái đẹp đã lỗi thời, phải cất tiếng nói nhân bản sâu xa dù mọi điều thất thiệt có thể bất kỳ lúc nào cũng sẽ ập đến. Đó là toàn bộ chủ thuyết luận lý, tư tưởng của nhà thơ… Hả? Ai vừa nói tôi là đảng viên đó? Đúng! Tôi là đảng viên thứ thiệt, loại đảng viên kết nạp trong lửa dạn, loại đảng viên sáng vào đảng thì tối có thể đã ngã xuống. Chính vì là một đảng viên như thế nên tôi thề đấm vỡ mặt bọn cơ hội, bọn công thần, bọn ôm rịt lấy truyền thống, lấy quá khứ để phá hoại đảng, để mưu cầu danh lợi. Tôi đã đi suốt dọc Trường Sơn, tôi đã đánh dư trăm trận trong một binh chủng mà chỉ nghe nói đến là bọn địch đã kinh hoàng, tôi không chịu được những kẻ chỉ ngồi ở hậu phương bám lấy váy vợ bây giờ nhảy ra rao giảng đạo lý và đè lên đầu lên cổ tôi.
- Bravô! - Cái tiếng nói tưng tửng lúc nãy - Đúng là hùng khí biên cương khúc độc hành? Cầu mong cái hùng khí chất ngất này không nửa đường chết yểu như cái bệnh non gan bạo mồm của ráo trọi các tầng lớp sĩ phu kim cổ. Nhưng đúng là bi kịch. Thứ bi kịch thời tiền sử. Tử vì đạo, cuồng tín lý tưởng đến chót cùng, tài năng thật là rạng rỡ như ông Hoài đây mà còn bị họ coi là chống cộng, là đồi truy, là quá khích thì thử hỏi còn ai là trung thành, là trong sáng? Còn ai?
… Im lặng một chút. Tiếng ly tách va nhau một chút. Một trăm phần trăm, năm mươi phần trăm được bắn ra bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, tiếng Nga rồi tiếng một cây dàn ghi ta khẽ bật rung… Họ ngâm, họ đọc, họ hét, thậm chí họ nấc lên những tiếng những câu, những chữ rối mù loạn xạ khiến ông chủ tịch trẻ tuổi nghe câu được cau mất chẳng hiểu mô tê gì hết! Nhưng anh cũng thấy nhẹ cả người. Vậy là họ đang trở lại là họ chứ cứ như lúc nãy thì quả tình căng quá! Anh thấy nhột nhạt, rôm sẩy nổi khắp người… Đấy! Họ lại đang khen nhau, chê nhau, đòi cáo chung nhau, bảo nhau tạnh đi, câm đi, bẻ bút đi…! Mèng đốc ơi! Ông cha bà mẹ ơi! Cái gì mà rặt những nở phồng, trắng nõn, phản biện vầng trăng, con tim hoạch định, biển trắng xương hông, em đi tôi đi, tất cả đi vào một giọt, đi ra từ một giọt… Rồi lại còn cái gì mà bầu trời kinh nguyệt, vũ trụ bào thai như ở nhà hộ sinh ấy? Họ đang làm thơ về sinh đẻ có kế hoạch chắc? Nghe tiếp coi: Nó đấy, con ma quá khứ hủ hoá với bầy quỷ tương lai… Con lạc đà hất bướu lưng xuống đít… Sa mạc… xa xa xa… Rắc! Bướu lưng.
Chủ tịch Lân phì cười, chút nữa nếu không kịp bụm tay vào miệng thì anh đã phá lên cười khùng khục rồi. Cái bướu lưng là cái bướu lưng, làm thế quái nào mà lại hất xuống đít được. Ba cái ông văn nghệ này túc cười quá! Thôi, thế còn hơn họ cử ra rả nói chính trị nghe ghê cả người? Cũng may là mình đã biết họ, kính trọng họ, hiểu họ là người nói to nhưng nhỏ bụng nên không có chuyện gì chứ phải tay khác thì mệt đấy. Khổ? Thì ra nhìn họ nhởn nhơ, tên tuổi ngời ngời vậy nhưng cũng khổ! Đọc thơ mà cũng khóc, đang ăn lại lăn ra cười, cãi nhau đấy, hôn nhau đấy… Thương lắm! Cứ như một bầy con nít vừa quậy phá, vừa nhõng nhẽo om xòm nhưng đám người lớn chả ai chịu đoái hoài tới!
- Em nói thật anh Hoài đừng giận nhá? - Giọng cô gái - Thơ anh lúc này nghe lỡ làng sao ấy.
- Nghệ thuật phải lỡ làng để cho người đọc còn suy tưởng tiếp nữa chứ, chả lẽ cứ tuồn tuột ra như vợ chồng già ấy à? - Thi Hoài cãi.
- Không? Em nói cái lỡ làng khác, cái lỡ làng về nghề kia. Thơ anh không còn cái sâu lắng ngày xưa mà cũng chưa tới được cái tiết tấu hiện đại bây giờ. Nó nằm tai tái ở khoảng giữa, giống như…
- Giống như - Cái giọng tưng tưng chém ngang - Giống như áo quần cái nào cái đó đã rơi tụt xuống tận đất rồi mà cái thằng chó ấy vẫn không chịu xông lên?
- Nói năng mất dạy? - Tiếng con gái ré lên nhưng rõ ràng nghe được cả sự khoái sướng phảng phất bên trong.
- Tao là một thằng khốn nạn! - Tiếng Thi Hoài nói rưng rức sau một hồi im lặng - Tao đang phải lòng gái!
- Hô hô há há! Thi Hoài mà cũng bị gái cho phải lòng ư? Nghe uy mua quá thể. Một tên hung thủ cả đời săn gái bây giờ lại nghe bị gái săn thì… Mác-két quá! Tớ đếch tin.
- Tiếc rằng đó lại là sự thật? - Tiếng nói của tên hung thủ nhão oải ra như sắp xuống xề - Thật như lon bia đang dốc thẳng vào cổ họng mày kia kìa… Nàng luôn luôn chấp chới như canh bướm ma bay ở phía trước, nàng không có thật mặc dù nàng đầy mình đàng điếm. Chính nàng đã ăn rỗng thơ tao. Trước nàng, trước con quỷ Mêphitsto ấy, tao thấy mọi thứ đều nhạt thếch. Thơ phú mẹ gì khi nàng luôn luôn ở cách tao một ngàn năm ánh sáng. Chao ôi! Giá các người được một lần nhìn thấy nàng trong nắng sớm mai chân trần chạy trên cát trắng, một lần được nhìn thấy nàng toàn thân trong suốt dưới làn nước xanh một lần thôi, thì các người mới hiểu được tôi, mới thấy thi phú văn chương và tất cả những tiều rối rắm nhức óc trong cõi đời chả là cái gì suất. Nàng là đa chiều, đa nghĩa và đa thanh. Nàng đồng nghĩa với cái ác và cái thiện, cái xấu xa và cái cao đẹp, cái…
- Cái đểu! - Giọng con gái hồi nãy - Khen một người đàn bà nút lưỡi trước một người đàn bà là đểu! Là không lịch lãm, là vô học.
- Nhưng cô có phải là đàn bà đâu - Giọng đàn ông khàn khàn.
- Mất dạy!
- Ruột gan bắt đầu rộn rạo lên rồi đấy. Làm sao cho tụi tao được giáp mặt thần tượng của mi một loáng? Chắc là phải trẻ đẹp mê hồn?
- Ba mươi lăm tuổi? - Câu nói dòng xuống như một tiếng chuông chiều.
Im lặng một lát rồi cái giọng khàn khàn lại phá ra:
- Thế thì không hiểu nổi thật. Thi Hoài ơi! Mới ra biển có ít lâu mà ông hoàn toàn hư đốn mất rồi. Bây giờ ở thành phố, bọn đàn ông năm, sáu mươi tuổi không thể nào yêu nổi những con đàn bà trên hai mươi nữa. Họ bảo nhau ngồi nói chuyện với loại tuổi này cứ thấy mình lấc cấc làm sao ấy, họ phải yêu các con bé dưới hai mươi thì chuyện trò mới hạp! Vậy mà ông… Ba mươi lăm! Tình sử trái mùa này đến phải được vào Ghi nét mất thôi.
- Có một cách - Giọng tưng hửng lên tiếng - Đó là cưỡng bức. Biết Mác-két đang viết một cuốn sách mang chủ đề gì không?… Đã lắm? Trong công viên thủ đô của nước ấy, có một cô gái bị một kẻ lạ mặt cưỡng hiếp tàn bạo, thế rồi cô ta không những không đau buồn, không đi tố cáo mà như một ám ảnh khôn nguôi, cứ suốt đời đi tìm kẻ làm nhục mình. Cô ta không thể yêu được ai khác, làm tình với một ai khác. Thế đấy.
- Phịa! Hoàn toàn phịa! Mác-két nào viết bậy bạ thế. Đi tìm kẻ cưỡng hiếp mình để yêu! Bố bậy! - Tiếng con gái phản đối quyết liệt.
- Đối với nàng, không một ai có thể thô bạo được - Tiếng Thi Hoài vẫn đều đều như tụng kinh - Nàng mỏng manh đến nỗi chỉ cần nói to một tiếng cũng có thể làm nàng tan biển đi. Chao ôi! Không có nàng trong tôi có cả một biển thơ vỗ sóng lấp lánh, chợt thấy nàng thôi là tan tành khô héo như bọt xà phòng…
- Ối giời ơi! Thằng này khùng! Nó nút lưỡi ca ngợi con đàn bà quá xề ấy một chập là chỉ để biện minh cho thứ thơ ba chỉ của nó thôi.
- Em vừa loé lên một nhận xét: Các bố đàn ông tắc tinh cũng giống như các bố đàn ông tắc viết, họ sẽ trở thành kinh dị không chịu nổi. Ông Thi Hoài nhà thơ vang bóng một thời của thế hệ trẻ, con người lý tưởng của đám choai choai nhẹ dạ và của mấy mẹ hồi xuân sồn sồn đã từng sáng tạo ra thuyết Hãy lôi người đàn bà qua con hào giới tính lúc này tắc cả tinh lẫn viết. Vì thế ông mới hăng máu rủa sả đến thế. Ông đang dồn toả cả hai năng lượng không được giải toả ấy vào chính trường.
- Bravô! Kim Tuyến thông minh quá! Cho hôn một cái nào!
- Bỏ ra! Mồm với miệng… Toàn mỡ!
- Tao nghiệm ra - Thi Hoài như sắp khóc - Gieo gì gặt ấy, luật bù trừ không của riêng ai. Phải chăng tao đã làm cho khá nhiều người đàn bà phải uất giận đau khổ để bây giờ, tao phải lãnh đủ tất cả những khổ đau uất giận ấy ngàn triệu lần do chính một người trong số họ gây ra.
- Tội nghiệp chưa? Nhưng chớ đâm đầu xuống biển nhé! Cá nó cũng không chịu rỉa cái xác tanh tưởi sặc mùi hôi nách và thuốc lào của mày đâu.
- Em ở đâu trong trập trùng sóng lạnh… Em là ai trong thập đau buồn… Một tiếng chuông gieo hồn tôi xuống vực…
Tiếng đọc thơ của Thi Hoài dầm dề nước mắt, thi thoảng lại tiếm nhịp bằng những cái nấc cụt phảng phất hương vị thực phẩm.
Trong bóng tồi, tò mò và thích chí như một đứa trẻ, chủ tịch thị trấn chốc chốc lại bật cười một mình. Độc thân, thời gian dài rộng, ai có khả năng thức đêm tuyệt vời, anh sẽ còn đứng đó mà nghe lỏm lữa nếu lúc đó không có một bóng người chệnh choạng lách cửa đi a rối dạng chân… làm một dòng xuống cát rồ rồ…
- Khỉ khô! Toàn mùi bia là bia! - Chủ tịch Lân kín đáo bỏ đi với một chút nuối tiếc trẻ thơ, cả một chút áy náy về những con người tài hoa đang bấn loạn tâm thần, đang lên cơn tự xé thịt mình chấm muối tiêu mà nhai. Khổ! Thì ra cái tay nhà thơ này thương bà Dung thật à? Khổ! Thương là khổ thấy bà chứ báu nõn gì. Nhưng có lẽ, khi nào có dịp cũng tìm cách nhắc khéo tay này một tí. Bãi biển này không an toàn lắm đâu, muốn làm gì thì làm, muốn đọc thơ, muốn nhậu nhẹt hay muốn yêu đương mèo chuột đến sáng đêm cũng được, tha hồ nhưng cái chuyện chính trị chính em, lật người này hất người nọ kia thì nói nhỏ thôi, đừng nói đến càng tốt… Anh chợt đưa lưỡi liếm môi… Ngọt quá! Cái vị hôn của cô ấy để lại trên miệng mình ngọt quá? Ngọt đến tận bây giờ. Và anh biết chắc rằng nó sẽ còn ngọt khá lâu cái vị ngọt mà lần đầu tiên anh được nếm sau khi đã hôn hàng mươi người con gái trước đó.
- Nghe nói ở thành phố họ đang xét giải thưởng thơ thời kỳ kháng chiến? Xét gì? Biết gì mà xét? Hay là lại thằng ngu xét thằng giỏi? Thằng nào khéo nịnh, khéo ăn cánh thì vào? Tớ là tớ tẩy chay, tớ phủ nhận. Điều này có giá trị ngay cả khi họ đưa tớ vào giải.
Cùng với tiếng hú vang lên bất thần trên đỉnh núi, giọng nói của Thi Hoài lần cuối cùng lọt vào tai ông chủ tịch trẻ tuổi.