CHƯƠNG 4

    
áng nay căn chòi của giám đốc Lê Hoàng có khách đi xe con từ thành phố xuống. Ông ta không mặc sắc phục nhưng chỉ cần tinh ý chút xíu cũng có thể đoán nhận được đó là một viên chức có hạng của ngành an ninh nội vụ: Mềm mỏng hơi thái quá, nghiêm trang hơi thái quá, cân nhắc từng cái bắt tay từng cái nhìn, lạnh khi người khác vui, vui khi người khác lạnh, hay cười nhưng cười không bao giờ hết cỡ miệng, dáng đi dáng đứng khoan thai thận trọng như mỗi phân đất đằng trước là có một cạm bẫy rập rình, tiếng nói không to không nhỏ, các âm tiết cứ vo tròn trong miệng một hồi rồi mới rơi ra ngoài, từng giọt từng giọt thỉnh thoảng lại vô cớ giật mình đảo mắt ra xung quanh rồi sau đó là chăm chú một cách bâng quơ hay bâng quơ một cách chăm chú… Thôi thì âu đó cũng là đặc tính của nghề nghiệp rất nên được tôn trọng, không đáng phải bàn sâu, chỉ biết rằng cánh cửa bằng cót ép của căn chòi ấy im ỉm đóng suốt bốn giờ đồng hồ liền. Và khi cũng chính cánh cửa ấy mở ra thì cô gái người Quảng Bình vô tình nhìn thấy cả hai đều mặt đỏ tía tai, mồ hôi mồ kê nhinh nháng. Họ căng thẳng chia tay nhau đến nỗi quên cả động tác bắt tay thông thường.
Khách đi rồi, giám đốc thở phù phù một chập rồi cứ để nguyên quần áo, chẳng cần cài cửa, bật người vào giường nằm, mắt nhìn trân trối lên đỉnh màn giống cái xác chết đã lâu ngày.
Dung khẽ khàng đi vào. Gần đây cô hay sang chuyện trò với anh, nói đúng hơn, cô sang chỉ để nghe anh nói. Bao giờ cô cũng giữ thái độ người nghe, hai tay thu vào đùi, mắt mở to hứng đón và thấu hiểu. Đôi lúc, điều này thường anh không chịu nổi, nếu cô có nói đi nữa thì lại toàn móc máy và đốp chát.
- Anh vừa bị tra tấn? - Cô hỏi và khép hờ cánh cửa lại.
Hoàng ngồi dậy, giọng nói và vầng trán vẫn còn căng thẳng:
- Còn hơn đánh đòn thù. Họ quyết tâm áp đặt, họ nhất định không chịu hiểu, chịu nghe gì hết. Mình càng phân trần họ càng bẻ quẹo mình càng bộc lộ ruột gan họ càng làm ra người vô tâm vô tính. Nhiều lúc cứ muốn thét tướng lên, cứ muốn nhảy xổ vào xé rách cái con mắt ráo hoảnh độc địa ấy ra nhưng…
- Lại hèn lại sợ?
- Hả?
- Sợ ảnh hưởng đến gia đình vợ con?
- Một phần.
- Sợ không cỏn được làm yếu nhân ở chỗ đông người?
- Cái gì?
- Sợ luôn cả chuyện mất sạch trơn quyền lực?
- Thôi, đừng nói nữa, để cho tôi yên! - Lê Hoàng rên lên.
- Quyền lực có sức hấp dẫn ghê gớm thật, thời nào cũng vậy. Quen mùi vị của nó rồi, chui vào bụng nó ngủ say sưa rồi, bỗng mất nó thì đúng là… mất cả vía hồn.
- Không phải! - Hoàng hét lên.
Thường là vào lúc ấy, cái lúc anh sắp nổi điên lên cô mới nói chùng giọng, cái nhìn trở nên dịu mềm thấu hiểu thực sự.
- Nào, anh Hoàng có gì nói cho em nghe đi, đừng gầm gào lên như thế. Anh cứ nói, có khi cũng vơi nhẹ đi được ít nhiều đấy.
Kỳ lạ! Cái chất giọng ấy bao giờ cũng khiến đầu óc anh cân bằng trở lại. Từ vùng ký ức mờ mịt xa xăm đã bị năm tháng táp túa đến héo mòn bỗng cựa quậy một cái gì đó hết sức nhỏ, hết sức mong manh về tiếng nói thanh thanh ấm áp đó.
- Tôi không có tội - Anh nhìn thẳng vào mắt cô như nhìn vào một biểu tượng pháp luật - Tôi không phản bội lại chủ nghĩa xã hội, tôi không làm bất cứ một điều gì phi pháp hết.
- Em tin là vậy - Cô cúi đầu đáp khẽ mà rõ ràng người ta cảm thấy cô không có ý nói về một cái gì cụ thể cả.
- Tôi phẫn uất. Tôi không thể chịu được những kẻ nhân danh chủ nghĩa xã hội để hãm hại, gạt bỏ những người tận lực cho sự mở mang giàu có của chủ nghĩa ấy.
- Em vẫn đang nghe anh nói - Giọng cô ngọt như rót mật.
- Cơ chế rũ rích, lề lối làm ăn rũ rích, lãi giả lỗ thật, lừa trên dối dưới, suốt đời ngoạm mồm vào cái bầu vú bao cấp lại được coi là những kẻ trung thành. Còn tôi, tôi có mười ngàn héc ta rừng, có năm ngàn con người lao khổ và cần cù, tôi không chịu, tôi tựa lưng vào rừng, vào đất đai, vào lòng người, bắn phá tan tành mọi quy tắc quy chế lạc hậu để nâng cao cuộc sống con người, vì con người lại bị coi là phản bội, là phá hoại thành quả của cách mạng ư? Chủ nghĩa Mác đúng cũng là vì con người chứ… Xin lỗi! Có thể cô chưa…
- Không, em hiểu. Em cũng đã từng có một thời cắp sách đến giảng đường thần học nên cũng có biết chút ít về những học thuyết rối rắm của các anh.
- Cô thử nghĩ coi: Vốn liếng ban đầu chỉ là mấy gian lán trơ trụi, mấy cái xe cút kít long bánh, người ngợm thì mới có vài chục, hầu hết đều xanh xao vàng bủng, muốn tồn tại, muốn không bán xới mà đi tôi phải bán gỗ chứ. Mà cũng chỉ là mấy cái thứ gỗ đã nghèo kiệt cần đánh tróc đi để trồng loại cây khác sức vóc hơn. Tại sao lại kết tội tôi phá rừng, phá luật pháp xã hội chủ nghĩa?
- Chuyện này em có được biết.
Được đôi mắt hun hút nhìn lên của cô khích lệ, anh không dừng lại được nữa.
- Nghề rừng đâu phải chỉ là trồng rừng. Nhận thức manh mún kiểu dựa dẫm này là đầu độc đất đai, đầu độc con người, suốt đời đẩy con người vào rừng sâu muỗi độc, cơm không no, áo không ấm, cuộc sống du mục qua ngày rồi chết đi trong tội tình tức tưởi. Tôi không muốn thế. Tôi xin tiền, vay tiền của nhà giàu, vay của tư nhân, vay của cả tư bản nước ngoài, miễn là làm sao có tiền. Tôi cho bung mở dịch vụ: Làm gạch, làm đường, làm mộc, chăn nuôi chế biến nọ kia, làm cả đánh bắt tôm cá, kết hợp dịch vụ du lịch nữa. Tóm lại nếu thấy chỗ nào có thể kiếm được tiền là tôi không tiếc sức đầu tư để nuôi sống được cái cây và qua cái cây, sẽ nuôi sống được con người. Ngược lại con người sống được đàng hoàng rồi sẽ tự nảy sinh cái tình yêu đối với rừng, với đất rồi yên tâm ăn đời ở kiếp gắn bó với nghề. Thử hỏi tôi phản lại cái gì? Làm rừng mà đói rã họng ra thì hô hào yêu rừng thế nào được. Đơn giản đến thế mà họ vẫn cứ không hiểu ra, vẫn cứ siêu hình mụ mẫm, lại còn dạm doạ nhau. Tôi không làm giàu cho tôi, tôi làm cho mọi người, cho cái bếp của mọi nhà lúc nào cũng có khói. Tôi muốn người dân của tôi phải no. Năm ngàn con người họ đồng lòng với tôi, biết ơn tôi. Vậy là tôi có tội ư? Hay là họ ghen ghét, họ không chịu được một cái gì sáng láng ở ngay bên cạnh mình? Chao! Cái thời buổi gì mà chỉ sống nghiêm ngắn không thôi cũng để đủ có kẻ thù?
- Xin lỗi - Cô gái chen vào - Em còn nghe nói giám đốc Hoàng tự cao tự đại, sử dụng người vô nguyên tắc. Cán bộ đảng viên thì coi nhẹ phần tử nguỵ quân nguỵ quyền lại trọng dụng, đúng không anh?
- Sao lại không đúng. Dốt, có là ông trời, huân chương chiến tích đầy mình, vâng, rất biết ơn, rắt kính trọng đấy nhưng cũng xin mời dẹp qua một bên. Giỏi, có tài, thì không được để uổng. Mỗi con người chỉ có thể hoàn tất được vai trò trong một giai đoạn lịch sử thôi chứ, làm gì có cái kiểu tham lam, thời kỳ nào cũng đòi làm bố thiên hạ. Độc ác!
- Thế sao anh không tìm cách thuyết minh cho cẩn thận. Phải chăng anh quá nóng, quá cực đoan và tự tin không chịu nhìn trước ngó sau gì cả? Ngày xưa em còn nhớ anh cũng…
Cô gái dừng lại đột ngột. Hoàng chăm chú nhìn thẳng vào cô gái:
- Hả?… Ngày xưa… Ngày xưa nào?
- Không - cô cười xoá - là em nói người ta bảo ngày xưa, hồi còn là lính ấy, anh cũng tự tin nóng nảy dễ sợ nên chiến tích thì nhiều nhưng đường binh nghiệp cũng nhọc nhằn.
- Tật rồi. Đã là tật thì không sửa được nữa.
- Tóm lại là sao anh? Họ muốn gì ở anh? Nói cho em nghe được không?
- Họ muốn tôi thú nhận tất cả, rằng tôi đã đi lầm đường, đã không nhận thức đầy đủ thế nào là bản chất và cơ chế kinh tế xã hội chủ nghĩa, rằng tôi đã xa rời các nguyên tắc tính đảng. Rằng tôi đã nôn nóng coi thường tổ chức và tệ hại hơn, họ muốn tôi phải thừa nhận trong tất cả các chuyện này, tôi đã lơ là để cho kẻ xấu xúi giục phá nát mọi nguyên tắc làm ăn chung. Nếu chấp nhận, trong trường hợp đó tôi có thể vẫn được trở về cương vị cũ, tất nhiên với cung cách làm ăn hoàn toàn khác. Còn ngược lại, tôi sẽ mất sạch trơn. Mất đảng, mất chức và cuốn đồ về hưu. Thậm chí làm găng, tôi có thể bị truy tố trước pháp luật.
- Thế… Thế ý anh thế nào? - Cô gái hỏi với sự lo lắng thật sự.
- Tôi đang nghĩ, tôi đang cân nhắc, tôi đang bửa đôi cái đầu. Đây - Anh đẩy tập giấy trắng đến trước mặt cô - Họ muốn tôi tự bắn mình trong cái bản án tử hình màu trắng này. Tôi chỉ còn động tác xiết cò nữa hay không. Nhưng rồi có lẽ…
- Có lẽ sao anh? - Cô hỏi với một nét mặt căng thẳng.
- Tôi sắp già rồi, mệt mỏi rồi, chiến tranh đã làm tôi tan tác, bây giờ lại là chuyện này… Có lẽ cũng đã đến lúc nghĩ đến bản thân mình một chút. Gồng lên ích gì. Một mình mình tính cầm nạng chống trời chả ai khen, có khi thiên hạ còn cười.
- Nhưng còn năm ngàn dân của anh?
- Họ cũng sẽ quên đi và họ cũng sẽ tự sống được.
- Anh nghĩ vậy?
- Cũng mới là nghĩ. Thời hạn cho tôi còn năm chục ngày dằng dặc nữa.
- Cho em nói một câu nhé? Anh cứ làm theo đúng lòng mình mà đừng phụ thuộc vào bất cứ một cái gì hết. Em không rõ trong chuyện này sai đúng thật giả nó ra làm sao, chỉ có điều em bỗng thấy thương cho năm ngàn con người đó. Họ không quên anh và họ cũng không thể một mình tự sống được đâu. Vì họ chỉ là người dân bé nhỏ, họ phụ thuộc hoàn toàn vào những người dẫn dắt họ như các anh.
- Cô cứ nói. Dù sao đó cũng là một câu khuyên chí tình.
- Em đâu dám khuyên anh. Nếu được nói, em chỉ xin nói với anh một điều nữa. Con người sinh ra đời có thể chịu ngàn điều bất hạnh và cũng mang sẵn trong mình hàng ngàn tật xấu nhưng có lẽ cái tật xấu nhất, cũng là cái bất hạnh nhất là sự giả trá và phản bội lại con người. Xin lỗi nếu em…
- Không! Dung cứ nói đi. Đầu óc tôi lâu nay mụ mị tan loãng như không còn là của tôi nữa. Tôi cần nghe những lời chân thật dù những lời ấy phũ phàng đến thế nào. Sao? Tôi đang có nguy cơ sẽ trở thành một kẻ phản bội đốn mạt nhất trong những kẻ phản bội phải không Dung?
- Bình tĩnh lại đi, anh Hoàng! - Bất giác cô gái đạt nhẹ bàn tay lên tay anh - Em rất hiểu hoàn cảnh và tâm trạng của anh lúc này nhưng có nhất thiết phải tự làm khổ mình đến nỗi ấy không? Các anh là đàn ông kia mà. Em tưởng chỉ có đàn bà con gái tụi em… Em bảo này? Anh đừng ngồi lì ở trong phòng nữa, nghe em, anh ra biển đi. Phơi nắng này, phơi sương phơi gió này, bơi thật xa đến khi nào không còn nhìn thấy bờ nữa này, chạy dọc bìa cát cho vã mồ hôi, cho nóng rực người lên này và sau đó anh biết không? Ngủ một giấc thật say, ngủ ngay trên cát cũng được, khi đó sóng sẽ trở thành những tiếng ru dìu dặt thích lắm cơ, thật đấy. Lúc tỉnh dậy anh nhìn thấy mọi việc rối rắm sẽ thơi thoáng nhẹ ra ngay thôi. Và vào giây phút ấy nếu anh có quyết định điều gì thì em tin rằng điều đó là chính xác đúng với lòng mình, ít khi nhầm lẫn. Nhé! Em bảo thật đấy.
Hoàng bất giác mỉm cười theo cái giọng nói tươi tắn hơi một chút nhõng nhẽo của cô gái nhưng ngay liền đó anh sững lại:
- Dung… Tóm lại em là ai? Em là thế nào? Có phải em ra đây cũng là vì những điều như trên em vừa nói? Tôi có cảm tưởng em đã hiểu tôi nhiều lắm. Nói đi! Tại sao em lại đến đây? Số phận nào đã run rủi em ra tận cái dẻo đất hoang này? Em là ai?
Cô gái khẽ rùng mình, cắn chặt môi quay mặt đi trước những âm tiết sôi nổi dồn dập ấy rồi từ từ rút tay ra khỏi bàn tay gân guốc đang ôm trùm của Hoàng. Khi cô quay lại, trên môi đã thoắt hiện một nụ cười ranh mãnh:
- Em là ai, cô hàng xóm với anh, thế thôi. Em về nhé! Anh nghỉ đi, sáng mai dậy cứ như lời em dặn.
- Không! - Hoàng bật đứng dậy theo, mọi động tác đều rối loạn, vươn tới như muốn nắm bắt - Không! Em đừng về. Tôi cần em… Lúc này tôi rất cần có em. Không, tôi không nói cái ý ấy đâu, tôi đang cần có một điểm tựa về mặt linh hồn. Em ở lại đi, em phải ở lại…
Cô né người tránh thoát được bàn tay của anh, đôi mắt trở lại vẻ lạnh lùng khinh bạc.
- Làm gì đấy đồng chí giám đốc? Đừng lộn sòng chuyện nọ vào chuyện kia chứ? Không nên mê hoảng quá như vậy nếu còn muốn người hàng xóm này thỉnh thoảng qua lại chuyện trò. Đóng cửa giúp em!
Nói xong, để mặc Hoàng đứng ngơ ngác không hiểu gì cả, cô bật cửa đi ra luôn.
Lúc ấy, lại vẫn cô gái đậm người nói giọng Quảng Bình là nhìn thấy Dung còn đứng đó, tựa lưng vào chân cầu thang một lúc lâu, hơi thở dồn dập, mắt nhắm nghiền, hai bàn tay đặt lên ngực…
… Chết vào giây phút cuối cùng của cuộc chiến tranh thế này thì tức tưởi quá mẹ ơi! Con không… Anh chỉ nghĩ được như thế rồi nằm vật xuống, nửa người chìm trong nước. Một viên đạn AR15 đã tìm trúng anh, xuyên thẳng vào phổi.
Nhưng rồi anh tỉnh dậy, không phải dưới cung vua thuỷ tề, cũng không phải trong âm u lòng đất mà trong một căn phòng bày biện khá sang trọng. Anh chỉ có một mình trên chiếc giường có trải đệm mút và cạnh bên, tấm rèm xanh treo ở cửa sổ đang thẫm màu dần báo hiệu trời sắp chuyển sang chiều. Tại, đó, anh rùng mình nhìn thấy bức tượng của Rô Đanh giống như hai con ma trắng trần truồng ôm cuộn lấy nhau, quặn quẹo cũng đang chuyển màu. Anh cố gượng dạy nhưng ngay liền đó lại ngất đi. Con đàn bà trong tượng ré lên một tràng cười quái rợ. Lần thứ hai tỉnh dậy, anh thấy trước mặt mình là một viên sĩ quan của quân đội Sài Gòn, một viên đại uý đeo ba bông mai bạc hẳn hoi. Anh chớp mắt ba bông mai ấy vẫn còn nguyên lồ lộ, sáng trắng như một chớp đạn phóng thẳng vào lồng ngực anh lần nữa. Anh tung chân đạp chăn vùng dậy. Người đại uý vội lạnh lùng ấn vai anh nằm xuống. Một vẻ mặt khôi ngô, một cái nhìn vô cảm và một bàn tay thon mảnh như tay phụ nữ đặt lên trán anh… Anh lại nhắm mắt lại. Khốn nạn thân đời rồi! Cả chục năm trận mạc không sao, sắp đến đích lại dính làm một thằng tù binh tàn phế.
Có tiếng dép đi rất nhẹ đến gần. Anh khẽ mở đôi mắt rát bỏng: Một cô gái toàn thân trắng toát đang nhìn anh mỉm cười. Cái cười đẹp quá! Bí hiểm quả! Tất cả ở cô đều toát lên một vẻ đẹp ma quái, không có thật. Mơ chăng? Con đàn bà quằn quẹo tách từ trong tượng ra hân hoan đón mình vào cõi chết giá lạnh chăng? Không… Anh hét lên và ngay liền đó thấy một búng nước tanh tanh mằn mặn trán lên cổ họng. Đổ hoa cà hoa cải trong mắt, anh lại nằm vật xuống.
- Nằm yên đi anh lính giải phóng. Mạng sống của anh đã được bảo toàn. Đừng vật vã như thế, khổ thân!
Cái tượng nói. Giọng nói khá dịu dàng nhưng lại hơi giễu cợt.
- Đây là đâu? Các người phải cho tôi biết thì mới có thể nằm yên được chứ.
- Cộng sản Bắc Kỳ bướng và ngộ quá ha? - Một tiếng cười khẽ. - Đây là nhà tôi, đúng hơn là phòng ngủ của tôi. Ông đại uý đây là bạn thân của tôi, chính là người đã chỉ huy lính bắn anh té úp mặt xuống nước. Vậy đủ chưa?
- Chưa! - Anh cáu kỉnh - tức là tôi đang bị cầm tù trong một quân y viện đối phương hay một cá; trá hình đại loại như thế.
- Hiểu như thế cũng được nhưng có vẻ hận thù quá! Thiên hạ bốn phương đâu có sống bằng hận thù hoài hả anh lính? Sắp hết chiến tranh rồi mà trong đầu mấy ông cộng sản như anh vẫn chưa nguôi ngọn lửa thù hận hay sao?
Viên sĩ quan đến gần cô gái nói nhỏ:
- Gần đến giờ thiết quân luật, anh phải đi đây. Còn người này…
- Tuỳ em. Nhưng em phải hết sức dè chừng, chuyện nhà binh lửa máu, em chẳng thể giỡn cợt bông đùa được đâu. Sáng mai anh quay lại.
- Anh khỏi quay lại cũng được - Giọng cô gái cong cớn - Nếu anh cảm thấy cái chức phận tử thủ vô nghĩa của anh nó thiêng liêng hơn căn phòng này.
- Khổ quá! Đây là công việc nhà binh - Viên sĩ quan nhăn nhó - Anh chỉ muốn nói…
- Không cần nói gì hết - Tiếng nói tỏ rõ sự trấn áp - Anh chỉ cần nhớ rằng phải im lặng. Thế thôi. Nếu anh cố tình tỏ ra quá trung thành với ông Thiệu cũng như các xếp của anh mà đưa lính tới đây thật coi như xong. Tôi không thích sự phản bội, dù nó ở khía cạnh nào.
- Em lạ thật. Em có thể nghĩ về anh tồi tệ như thế sao?
Người sĩ quan lầu bầu bỏ đi. Cái dáng đi của một kẻ nô lệ bạc nhược của ái tình.
Chỉ còn hai người, cô gái bật đèn lên, ngồi xuống ghế cạnh đầu giường anh, vẫn không tắt được nụ cười châm chọc, hơi kẻ cả:
- Sao, thế bây giờ anh đã tin được chút nào chưa anh giải phóng thích ở chiến tuyến trực diện với đối phương? Trước hết tôi thông báo bệnh lý của anh: Một viên đạn nhọn của - cô đổi giọng - đối phương đã bay trúng ngực anh. Tưởng là nát phổi nhưng do cơ thể tráng kiện, bộ ngực cha mẹ đẻ ra lại may mắn khá vạm vỡ nên chỉ xuyên qua phần mềm. Cầu Chúa che chở cho anh, nhưng ủa… anh có đi theo Chúa không nhỉ? Không sao? Cộng sản vô thần nhưng vẫn được thần che chở vì Chúa chẳng của riêng ai. Vậy đó, với thể tạng ngư dân sóng nước của anh, ở ngoài đó tôi đồ chừng anh làm nghề đi biển, khỏi cần thuốc thang gì, miễn là chịu nằm cho ngoan, đừng khùng điên, đừng bướng bỉnh cái gì cũng tranh cãi là chỉ cần vài bữa anh sẽ trở dậy lành lặn như thường. Rồi sau đó anh muốn đi đâu kệ anh. Chiên tuyến nào cũng được, lý tưởng nào tôi không cần biết.
- Khoan? Cho hỏi một câu. Tại sao tôi lại…
- Lại nóng nảy rồi? Dân Bắc mấy anh sao đầu óc cứng queo quá trời? Tại sao anh lại lọt vào làm khách vãng lai bất đắc dĩ của tôi chứ gì? Một thiên tiểu thuyết ba xu hẳn hoi đấy. Tính tôi ngạo ngược, thích ồn áo sôi động, chiều nay biết anh bạn tôi, cái anh bạn bảnh trai vừa rồi đó, dân quân đi tử thủ tại ngay cây cầu ở đầu phố, thế là tôi tìm cách đi theo. Tất nhiên là đi theo trong một trạm quân y dã chiến đóng ở phía sau một chút mà con nhỏ bạn tôi là y sĩ phụ mổ ở đó. Tôi đi theo để thử tìm xem trong trận mạc, cái con người tôi đang dự định sẽ lấy làm chồng kia có ra cái gì không? Hàng ngày hắn tỏ ra mềm mại yếu đuối quá, tôi không thích. Tôi muốn hắn không chỉ galăng đôi với phái yếu mà phải galăng ngay trong cuộc đời, trong xung đột bạo liệt. Lân này hắn cũng được, chạy nhảy hét lác hăng ra trò, mặc dù tôi biết hắn làm thế là chỉ cốt chứng tỏ với tôi. Và trận đánh tan nhanh. Hai bên thua thiệt ngang nhau. Để bù lại, tôi đã phát hiện ra anh qua ống nhòm. Anh nằm sấp mặt xuống cỏ lác, hiện thân của một chiến binh trong trận Oatéclô. Thế là tôi muốn thử thách gã chồng chưa cưới của tôi lần nữa bằng cách làm sao đó hắn kín đáo đưa được kẻ thù của hắn về đây cho tôi để xem ngoài bộ giáp phục, hắn có một trái tim con người đang đập thắc thỏm trong đó không? Trái tim ấy đã đập mặc dù tôi đau đớn nhận thấy rằng nó vẫn chưa đủ sức khiến cho trái tim quỷ quái của tôi đạp theo! Hết chuyện! Nghe lâm ly giẻ rách ba xu chưa? Thôi nhé? Không hiểu sao tối nay tôi lại sanh tật ba hoa quá nhiều với anh, một gã đàn ông xa lạ như thế? Nằm im đấy! Tôi đi gọi con nhỏ bạn y sĩ đến coi lại cho anh lần nữa.
- Không cần? - Anh buông một câu trống lổng.
- Cái gì vậy? - Cô gái tròn xoe mắt.
- Tôi không cần sự thương hại khoác cái áo Oatéclô lãng mạn vớ vẩn ấy.
- Ôi người hùng đang chạm nọc anh hùng!
- Cô đem tôi về đây cốt chỉ để thoả mãn tính hiếu kỳ xem một thằng cha Việt cộng đầu cuối nó ra sao đúng không?
- Khôi ngô, khoẻ mạnh, trông không đến nỗi tuy hơi có vẻ quê quê một chút… C…ô! - cô gái lại đai miệng - cô là cái gì? Ngoài ấy thường gọi một đứa con gái mình không quen biết là cô như vậy sao? Nghe thô và không lịch sự.
- Nếu vậy thì tôi xin lỗi. Nhưng cô… Nhưng chị vẫn chưa trả lời câu hỏi của tôi.
- Kỳ lạ thật! - Lần này thì cô gái cười khẩy - Một kẻ sắp chết được cứu sống, không hề tỏ dấu hiệu biết ơn hay xúc động gì cả mà lại đi vặn vẹo những điều quá sức lẩn thẩn như vậy.
- Không chết nhưng sống để làm trò tiêu khiển cho một bộ óc bệnh hoạn, làm phương tiện cho một dục vọng tai ác thì ích gì. Đúng không?
- Lại đúng không? Trả lời đây: Đúng mà cũng không đúng. Nhưng khá thông minh đấy. Tôi thích những thằng đàn ông dữ dằn và thông minh: Anh may mắn có cả hai, nhưng dữ dằn quá lại trở thành ngớ ngẩn, nếu không muốn nói là không biết điều.
- Thôi đủ rồi đấy!
Anh nói và gượng dậy. Không ngờ anh lại gượng dậy được. Phải chăng những tiếng nói móc da móc thịt và lối cười trịch thượng của cô gái đã hất được anh ra khỏi tấm ga giường trắng toát. Không chỉ là danh dự người lính bị xúc phạm mà cụ thể hơn, sân xa hơn, tư cách người, tư cách đàn ông của anh đang bị coi thường hết sức.
Cô gái hơi tái mặt đi, cô bối rối định chạy đến đỡ anh nhưng hai hốc mắt chứa lửa than của anh đã kìm cứng cô lại. Lúc ấy đáng lẽ nói một câu dịu dàng thì mọi việc sau đó sẽ không có gì xảy ra nhưng chẳng hiểu sao cô lại bật lên một tràng cười khanh khách, cười giòn tan như cô vẫn từng cười trong những trượng hợp đối diện với đàn ông tương tự.
- Thôi mà, nằm xuống đi ông Việt cộng? Làm người hùng ở trận tiền, khả dĩ còn dễ coi, đóng vai người hùng ở đây e không ổn, ngộ lắm. Tính tự vẫn chăng? Đẹp trai khoẻ mạnh thế kia, chết phí hoài quá? Máu lại tứa ra kia kìa.
Bị bất ngờ quất thêm một đòn nữa, lại say choáng vì nhìn thấy chính máu của mình đang chảy ra, anh nghiến răng rít giọng:
- Mở cửa ra!
- Cái gì kia?
- Mở cửa ra và làm ơn cho tôi xin lại cái áo.
- Hả?… Anh định… - Không cười nữa, cô ngó anh chăm chăm.
- Cám ơn về tất cả mọi chuyện. Cho gửi lời cám ơn cả người đàn ông hồi nãy. Nhắn lại hộ: Nếu còn sống tôi sẽ tìm gặp lại anh ta.
Cô gái đã chợt hiểu nhưng lần này nữa, cô vẫn tiếp tục mắc sai lầm:
- Anh chán đời rồi à? Hay anh phát rồ phát dại? Hoặc giả anh đã được chích thuốc kích thích như người ta nói? Xin mới, nếu anh căm ghét căn phòng này và căm ghét cả chính ngay mạng sống của anh.
Dây cung đã ở độ căng nhất, mũi tên rung lên chỉ chờ một cái búng nhẹ là bật ra khỏi nỏ. Trên ngực trắng xoá những vòng băng đẫm máu, phía dưới chỉ có một chiếc quần cụt cũng rách te tua, chân trần giẫm đất, vầng trán căng gồ lên lấm tấm mồ hôi, quai hàm bạnh ra nén chặt đau đớn, từng bước từng bước một, anh đi ra phía cánh cửa đóng kín. Cửa không mở. Anh bám tường đi chếch sang khuôn cửa sổ cũng đang khép chặt. Mặt nhợt dần đi, cô gái nín thở nhìn theo… Bàn tay anh quờ tìm nắm đấm cửa… Cô gái vẫn không nhúc nhích mặc dù đôi chân đã hơi run lên. Kẹt! Cánh cửa hé mở, để lộ một khe trời tối đen nhấp nháy ánh hoả châu và ngay phía dưới là những tán cây cua một mảnh vườn rậm rạp… Cô gái hơi nhao người ra một chút nhưng đôi môi vẫn mím chặt. Một vẻ bướng bỉnh hiện lên rõ rệt khiến khuôn mặt cô hơi méo đi. Anh nặng nhọc bước một chân lên ghế rồi vận toàn lực đưa người lên thành cửa sổ. Toàn thân anh chấp chới chuyển màu theo anh pháo sáng bắn lên mỗi lúc một nhiều. Chao đảo một chút, rung rinh một chút như đứng trên dây thép miệng vực rồi đôi chân cũng dừng lại được ở thế cân bằng. Tới lúc đó anh mới ngoảnh mặt lại, một khuôn mặt kiêu hãnh, bất cần, xanh mét và co giật từng chập. Anh nói.
- Vĩnh biệt!
Dù bướng bỉnh thế nào nhưng có lẽ trái tim đàn bà vẫn là trái tim đàn bà, nó không chịu nổi cái áp lực ghê gớm này. Vừa lúc anh lách được một nửa tấm lưng qua khe cửa chuẩn bị thả rơi người xuống, cô bật ré lên:
- Dừng lại! Anh không biết khắp nơi đều đen đặc bọn lính dù à? A, anh chỉ cần bước một bước thôi là… A!
Nhưng đã chậm. Cái thân hình nặng nề toàn băng trắng kia đã biến mất vào cái hố vuông đen thui, chỉ nghe rõ một tiếng rẹt và một tiếng rên thỏ đau đớn tiếp liền theo. Bịt chặt tay vào miệng cho khỏi kêu thét lên cô lao ra phía cửa sổ… Như có một sức mạnh siêu nhiên nâng đỡ, cái bóng trắng kia đã gượng dậy được và nghiêng lệch đi tắt qua bóng tối khu rờn ra ngoài mặt lộ. Hãi hùng hiện rõ trên đôi mắt, miệng cô chỉ há ra ngáp ngáp mà không kêu được một tiếng… Vài giây sau cô chợt rướn cong người lên bật ra một tiếng rú tan nát khi từ phía đó bỗng vang lên những tràng súng nanh nọc khoái trá. Bám lấy bức tượng của Gô-đanh cô lả người xuống mặt sàn, ngất đi…
Trong căn phòng nhỏ, Lê Hoàng vẫn gục đầu xuống mặt bàn, im lìm.
Đối với anh, một con người dồi dào về thể lực, mạnh mẽ trong nội tâm, ký ức bao giờ cũng chỉ là ký ức, cái gì đã qua là thuộc về cõi chết. Nhưng không hiểu sao đêm nay, mảng kỷ niệm xa ngái đã bị bụi thời gian phủ lên một lớp dày đã bị cuộc sống thường ngày nghiệt ngã và nghề nghiệp làm điều trắc trở đẩy sâu thêm vào góc quên lãng lại rì rầm thức dậy, nhen nhóm thành một chút ngậm ngùi xao xuyến đến nao người!