CHƯƠNG 7

    
au đó vài ngày, vào một buổi tối trời lắc rắc mưa, có một chiếc xe máy cỡ 135 phân khối chở hai người đàn ông thân mình lầm bụi đột ngột dừng lại ở thị trấn.
Người lớn tuổi hơn, khoảng trên dưới bốn mươi gì đó, vận bộ đồ thể thao du lịch đường dài để lộ những bắp thịt săn rắn, trắng trẻo, đặc biệt trên khuôn mặt xương xương lặng phắc, phảng phất một nét buồn lì lợm, quay lại dặn nhỏ một câu với người cùng đi rồi bật ga châm thuốc, lặng lẽ rời bỏ quầng sáng đèn đi sâu vào con đường cát mịn dẫn đến khu chòi nằm hẻo hút cách đó không xa.
Lúc ấy Dung và Hoà đang ngồi trò chuyện trong căn chòi nhỏ của mình. Đúng hơn, một người đang vẽ, một người ngồi đan.
- Chị vẽ gì - Hoà ngước lên nói - Em không hiểu gì cả? Chỉ thấy chỗ thì đỏ rực, chỗ lại xanh lét, biển với trời rối nhằng vào nhau trông sờ sợ là, cứ như tất cả đang sắp đến ngày tận thế. Lại còn người nữa: toàn thấy mắt, mắt trong vách đá, mắt trong lòng biển, mắt cả trong không trung, ghê khiếp!
- Thế đấy! - Dung cười nhẹ - Sống thêm vài tuổi nữa, trải thêm vài cảnh đời ngang trái nữa, lúc ấy Hoà sẽ hiểu, đừng nhìn vào tranh, hãy nhìn vào trong mình ấy.
- Thì cuộc đời em đâu đã có gì may mắn. Vừa lớn lên, chưa kịp yêu vụng nhớ thầm một anh trai làng nào thì đã gặp chiến tranh, thế là đua bạn đua bè vào Trường Sơn làm cô gái phá bom. Hết bom, tuổi lấy chồng đã quá, lại bệnh này tật nọ trăm thứ xập xệ trong người, nghĩ cũng chán. May mà gặp chị.
- Năm nay Hoà có tính đi thăm mộ anh ấy không?
- Có chị ạ! Có thể em sẽ xin các anh ở đó cho dời về đây luôn nếu như chị em mình tính vĩnh viễn sống ở chốn này.
- Không… Đừng vội! Có thể…
- Kìa sao mặt chị lại tái đi như thế? Em đóng cửa lại nhé!
- Đừng! Nhưng em cứ dời đi. Dù sao đấy cũng là một mối tình đẹp Có một người đàn ông để thương nhớ dù không còn nữa vẫn hơn người ấy đang sống nhưng chẳng còn gì hay có thể chẳng còn gì. Anh ấy chết trẻ nhỉ? Khi nhắm mắt, anh ấy vẫn biết rằng có một người đàn bà đang khắc khoải nhớ về mình, sẽ đi tìm mình, thế là thanh thản. Cứ dời đi em ạ! Chúng mình sẽ ở đây vĩnh viễn, phải, vĩnh viễn.
- Sao giọng chị buồn thế?
- Không…
- Còn chị? Chị đẹp, chị lắm tài thế, bao nhiêu kẻ phải lòng nhưng sao chị… ở với nhau gần trọn năm rồi, kể từ cái đận chị bắt gặp em đang rũ xuống trong cơn sốt rét tại sân ga rồi chị đưa về nhà ấy, nhưng mọi tâm sự riêng tư chị vẫn giấu, chị không cho em hay. Hình như chị đang có điều gì? Nhiều lúc nhìn chị thật trẻ, nhiều khi thấy chị lại rất già, rồi chị vui đấy, buồn đấy, có đêm em nghe tiếng chị khóc âm thầm nữa.
- Này Hoà! - Dung lảng chuyện - Buổi chiều nhìn ra biển, Hoà thấy biển màu gì nào? Những hôm trời thật ảm đạm ấy.
- Màu gì ư? Em chỉ thấy… thấy buồn thôi.
- Cố thử nhớ lại coi! Thử liên tưởng đến cả những buổi chiều trong rừng Trường Sơn nữa. Nào!
- Rừng ấy à? Buổi chiều… Hình như nó giống màu hoa mướp già.
- Hoa mướp già - Dung reo lên - Hoa mướp héo! Đúng quá! Tuyệt quá! Cám ơn em nhé! Nếu không phải là Hoà, là cô gái đã bỏ trọn cả tuổi trẻ, cả hạnh phúc trong những cánh rừng già thì làm sao nhận biết được cái sắc màu huyền bí ấy. Hoa mướp héo! Trong người em chứa đựng một tố chất nghệ sĩ bẩm sinh đấy. Thú thật, tôi ghen với em.
- Chị chỉ… - Cô thoắt đỏ bừng mặt - À, ba cái tranh lụa của chị, em đem ký gửi trên phố, hôm qua họ trả được sáu chục ngàn.
- Nhiều thế kia à? - Mắt vẫn nhìn vào giá vẽ, Dung thờ ơ hỏi.
- Để em mang ra đưa cho chị.
- Khỏi đi! Tôi đã nói rồi, tiền của tôi là tiền của em, em giữ để lo chi phí mọi khoản, tôi giữ làm gì. Nhân tiện tôi dặn này: Hoà không bao giờ được cầm tiền của ai gửi cho tôi, dù gửi với bất cứ động cơ thái độ nào, kể cả của anh ấy.
- Dạ… Nhưng chú Tư là người đàng hoàng, bụng dạ thật thà, em nghĩ…
- Người ta càng thật thà tốt bụng, mình càng phải đối xử trở lại cho đúng mức hơn. Vả lại, anh Tư trước đây cũng tốt với chị nhiều rồi.
- Dạ!
- Mấy thứ tôi dặn, Hoà đã mua chưa?
- Em đã mang lên cho anh Quang. Tội nghiệp! Con người hiền lành khoẻ mạnh vậy mà lại dở người! Nhưng cũng có lúc anh ấy nói khôn và tế nhị ra trò đấy. Khi em đưa, anh ấy đứng lặng phắc một hồi lâu rồi lí nhí cám ơn, có vẻ xúc động lắm. Tất nhiên theo lời chị dặn, em không nói những thứ đó là của ai.
- Còn sách báo?
- Dạ, em đặt mua đủ. Ông bưu điện cứ ớ ra hỏi em mua cho vị giáo sư nào mà nhiều thế, cả loại tiếng Anh và tiếng Pháp.
- Thỉnh thoảng nếu rảnh, Hoà sang chơi trò chuyện hoặc đỡ đần chút ít cho cái người đàn ông chết vợ chết con ở ngoài biển ấy nhé! Tình cảnh, vậy mà cô đơn hoài dễ thành tâm thần phân lập lắm!
- Em thấy chị lạ thật đấy. Na ná giống một bà xơ từ thiện ở khu vực này.
- Có thể thiên hạ sẽ cho là chị lập dị, chị rởm đời, thân mình không lo lại đi lo không đâu cho người đời. Biết làm sao được. Nơi đây chỉ có mỗi chị em mình là phụ nữ.
- Em hiểu. Chính thế mà em càng quý trọng chị hơn. Anh Hoàng giám đốc ở chòi bên cũng thường nói về chị như thế. Em thấy anh ấy cũng lạ. Đêm nào cũng ngồi trước bàn đến gần sáng để rồi sáng hôm sau gặp lại, tóc anh ấy lại bạc thêm một chút. Anh ấy có hỏi em nhiều về chị, nói rằng hình như đã gặp chị ở đâu đó một lần rồi, lâu lắm nhưng em lảng đi không trả lời.
Dung khẽ chau mày, ngọn bút lông trên tay đột nhiên sững lại rồi trượt mạnh một nét tạo thành một khoảng xám đậm trên bầu trời vần vụ.
Cùng lúc có tiếng gõ cửa. Tiếng gõ hai nhịp một thận trọng và tự tin. Cửa mở… Người đàn ông đi xe máy phân khối lớn hồi nãy bước vào, y đứng choáng gần hết chiều cao khung cửa, mắt nhìn đau đáu vào Dung rất lâu, rất chăm chú dường như không cần biết có ai ở quanh mình. Lát sau y mới cất tiếng nói, một thứ tiếng trầm khà nhưng sắc lạnh:
- Thời gian đối với em chả là cái gì hết. Em vẫn vậy, lại còn đẹp hơn.
Cô gái cũng nhìn chết sững vào người mới đến, cặp môi thoáng nhợt đi. Rõ ràng, tiếng nói của cô rung lên không bình thường:
- Anh đấy ư?… Rốt cuộc lại vẫn là anh!
- Bao giờ cũng vẫn là tôi, dù số phận có dội xuống đầu tôi nghiệt ngã đến thế nào.
Như lệ thường, Hoà kín đáo xin phép ra ngoài. Người đàn ông nhìn theo, cười khẩy:
- Người hầu à?
- Không, một người bạn.
- Dung mà cũng có bạn? Một sự kiện hoàn toàn mới mẻ. Không sao, miễn là trung thành. Cô ta có tin được không?
- Nói đi, anh tới đây có việc gì? - Dung sa sầm mặt.
- Vẫn như xưa: Nhớ! Thế thôi!
- Kỳ quặc thật! Sao anh biết được chỗ tôi ở?
Bằng mọi cách, kể cả đáo xới tung hê cả vỏ hành tinh này.
- Tôi không có ý muốn gặp anh.
- Em nói dối. Nhìn vào mắt em là biết em nói dối.
Dung cúi mặt xuống giây lâu rồi ngẩng lên:
- Giữa chúng ta đâu còn gì nữa. Nên tha cho tôi.
- Còn những kỷ niệm và con tim luôn luôn đau nhức của tôi. Nó chỉ hết khi tôi biến mất khỏi cuộc đời này hoặc ngược lại.
- Bao năm tháng đã trôi qua, cuộc sống không giúp anh khôn ngoan hơn chút nào sao?
- Khôn chứ, khôn tới đểu cáng và lưu manh nhưng đối với em tôi không cần khôn khéo. Riêng em, tôi sẵn sàng bao giờ cũng làm kẻ dối.
- Trời ơi! Tôi chán ngấy những lý lẽ như vậy rồi.
- Vì em có nhiều thằng đớn hèn rót vào tai cái lý lẽ ấy. Còn tôi, tôi chỉ có một mình em, lúc nào, ở đâu cũng chỉ nói một giọng.
Cô gái khẽ rùng mình một cái rồi để rơi người xuống ghế, mắt nhắm nghiền lại. Một đám mây đen bay qua vầng trán trắng xanh của y. Đôi mắt y thoắt trở nên dữ dội nhưng giọng nói lại mềm xuống đến thiểu não:
- Tôi vừa ra khỏi nhà tù, đúng hơn là trốn khỏi và ngôi nhà tôi tìm đến đầu tiên là em. Chắc em lấy làm lạ? Chính những bức tranh của em bày bán trong các cửa hàng mỹ nghệ ở thành phố đã làm cái công việc chỉ điểm cho tôi. Khi chợt nhìn thấy những gam màu và nét vẽ quen thuộc ấy, tôi đã thốt kêu lên và chút nữa thì bị bắt trở lại. Như vậy là em vẫn chưa ra khỏi biên giới, em vẫn ở lại và em vẫn vẽ. Em vẽ đẹp hơn, không đau buồn ảm đạm như ngày xưa. Em đang vui? Tôi nghĩ thế và thấy u uất ghê gớm. Chả lẽ cô ấy đã tìm được nguồn an ủi trong cuộc đời này, đã thu xếp được một chỗ đứng chân trong cái xã hội đầy thù hận và đáng nguyền rủa ngàn lần này! Tôi không tin và tôi đến đây… Tôi yêu em, vẫn yêu em và suốt đời chỉ có thể yêu một mình em thôi. Biết đâu em không đi, em ở lại và cũng vì tôi, chờ đợi tôi phải không? Nói đi em!… Năm năm tù ngục, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất là suy nghĩ về em và bằng mọi cách thoát ra khỏi để được gặp em, đâu là lần cuối.
- Thôi… Thôi đừng nói nữa! Tôi…
Cô gái co dúm người tạt, mặt nhăn quắt như đang lên cơn đau tim. Y đi đến bên cô, gần như quỳ xuống úp mặt vào bàn tay cô đang run rẩy đặt trên đùi.
- Ở trong tù nghe tin em không còn nữa, em đã chết bởi một căn bệnh hiểm ác, tôi đã định lừa giết tất cả bọn cán bộ trại rồi tự tử luôn. Không có em cuộc sống đối với tôi chẳng có ý nghĩa lý gì hết. Đúng không em? Căn bệnh ấy có thật không?
!!!!
- Cháy ruột cháy gan khi nghĩ rằng sẽ muộn mất sẽ không bao giờ còn gặp lại được em nữa. Không ngờ thật hoàn toàn không ngờ hôm nay gặp lại em vẫn là em như trước! Em qua khỏi cái căn bệnh quái ác ấy thật rồi ư?
- Bệnh gì? - Cô gái lạnh mặt hỏi.
- Chính tôi đang muốn hỏi em.
- Thế thì nó vẫn còn, còn nguyên vẹn.
- Phải chăng… Vì lẽ đó mà em từ bỏ đô thị ra đây để…
- Để chết. Anh đã đoán đúng.
- Tầm bậy! - Y đứng dậy và nếu cô gái không ngửa người ra sau một chút thì y đã ôm xiết cái khuôn mặt đang bợt bạt đó vào ngực mình. Đó là một suy nghĩ ngốc nghếch, em không được phép. Em phải đi khỏi nơi đây, đi khỏi cái bãi biển đầy mùi tử địa nghĩa trang chết chóc này, đi khỏi luôn cả cái quốc gia không thích hợp với em, với chúng ta. Tôi đến đây, tôi làm mọi việc cốt chỉ để đưa được em đi. Hãy chuẩn bị đi, muộn lắm là chừng nửa tháng sau, khi gió nồm nam bắt đầu thổi, ta sẽ lên đường, lên đường từ chính bãi biển này.
- Không…
- Em đừng ngại. Mọi việc tôi đã nung nấu và chuẩn bị rập rạp ngay từ trong nhà tù. Lúc này chỉ cần rà soát và móc nối lần cuối. Bạn bè chiến hữu có ở khắp nơi, tin chắc họ không quên lãng chúng ta. Em nên đi, phải đi! Sang bên đó em sẽ có điều kiện chữa trị được bất cứ thứ bệnh gì.
- Nếu tôi không có bệnh gì? Và nói chung tôi không có bệnh gì cả.
- Càng nên đi. Lúc ấy em sẽ chữa trị sinh mệnh cho tôi.
- Anh uống nước đi! - Dung buồn bã lắc đầu.
- Nếu có thể được, em rót tôi xin ly rượu. Hơi lạnh.
Rượu chảy chầm chậm vào cổ họng y… Y tự tay rót thêm ly nữa… Ly nữa. Tất cả đều một hơi cạn đáy. Mặt y hồng hào trở lại, con mắt trở nên ươn ướt.
- Bên đó bạn bè thân quyến tôi có nhiều. Để sống không khó mấy, thậm chí tôi có thể sống ngay ở đây cũng vẫn đàng hoàng nhưng để được sống trọn vẹn thì cần phải có em. Cứ sang đó, có thể em ghét bỏ tôi, có thể em không bao giờ hoàn toàn là của tôi như trong dĩ vãng, có thể em tồn tại độc lập hay tồn tại cùng với ai khác, không sao, tôi đều chấp nhận, miễn là có em bên cạnh trong cuộc hành trình dằng dặc đầy khó khăn nhưng cũng hết sức lãng mạn này.
Có một tiếng động nhẹ bên ngoài. Y dừng lại, đảo mắt loang loáng về phía đó. Tiếng động to hơn. Y đi đến mở hẳn cửa, quét mặt vào bóng tối hồi lâu. Im lặng… Y quay lại:
- Bọn công an có hay lảng vảng qua lại đây không?
-!!!
- Con bé hồi nãy có tin được không? Con mắt nó nhìn tôi đầy ác cảm, hệt con mắt của bọn cán bộ coi tù. Bụi đời à? Hay dân tứ chiếng ở ngoài kia vào làm ăn? Hay là cộng sản đấy?
- Anh cứ ngồi xuống đó đi! - Dung mệt mỏi nói.
Cùng lúc, ngay sau nhà, phía bên kia những rặng điều lúc líu quả, bất chợt vang lên một tiếng hú rợn người. Tiếng hú không to, không muốn át sóng át gió như trên độ cao thường ngày nhưng trong không gian tĩnh lặng, nó vuốt ra xa lăn dài và khoan xoáy đến não nuột. Người đàn ông rùng mình ập nhanh cửa lại.
- Ma quái! - Hắn nói! - Bốn căn chòi chứa bên trong bốn kẻ bất hạnh. Theo con mắt của dân ngoài thị trấn thì đây thực chất là một cái trại tâm thần, một thứ nhà tu kín. Vậy mà em có thể sống nổi ư?
Dung ngẩng lên, cái nhìn trống rỗng:
- Anh có thiếu tiền không?
- Hả, cái gì?
- Tôi hỏi anh có cần tiền không? Trong tình cảnh hiện nay, tôi biết chắc anh đang thiếu thốn. Tôi có để dành được chút ít.
- Cám ơn - Y cười chua chát - Em vẫn tốt bụng và hào phóng như xưa nhưng cái tối thiểu bây giờ không phải là tiền, mặc dầu bạn bè nó nuôi tôi từng bữa. Tôi chỉ thiếu em, chính em. Trả lời tôi đi, em có sẵn sàng rời bỏ tất cả quá khứ đau buồn để ra đi không?
- Quá khứ đau buồn ư? - Dung vén tóc ra sau, mỉm cười - Cái đó có thể có, bởi vì đã sinh ra đời, mấy ai chỉ toàn những ngày vui. Nhưng rời bỏ thì không phải là tất cả.
- Tức là…
- Anh để tôi nói nốt… Quá khứ hay hiện tại, niềm vui hay nỗi buồn, ra đi hay ở lại… Cái đó tuỳ thuộc vào từng người. Có nghĩa là nếu thấy cần phải đi thì anh cứ đi, tôi không có ý ngăn cản, cũng như việc anh còn ở tù hay trốn ra tù, theo cả ý nghĩa đạo đức lẫn pháp luật, tôi không để tâm. Cũng có thể, biết đâu ở xứ lạ anh sẽ tìm được sự yên tĩnh, sẽ trở thành một con người khác. Còn tôi, tôi thấy bắt đầu thích bãi biển này và thực lòng chưa thấy ghét những con người mang số phận hẩm hiu ở đây. Tôi còn dành dụm được chút ít đô-la, chừng vài chục ngàn gì đó, tôi có thể trợ giúp anh.
- Không cần - Mắt y xếch lên trông thật dữ tợn - Và không bao giờ tôi cần thứ tiền đẫm sự thương hại ấy. Em còn nhớ tính tôi chứ? Nếu muốn có tiền hay có một cái gì đó, tôi có thể giết người, cướp nhà băng và đốt cháy cả một quận.
- Vâng, nhớ! Chỉnh thế mà anh nên đi. Nên đi không phải vì cái này cái nọ cao siêu hay tầm thường nên đi chỉ vì cái tính cách quá ưa bạo của anh cần được giải phóng. Thế thôi. Còn tinh cách của tôi, nó không đến nỗi đối chọi với xứ sở này.
- Tôi không phải là loại người quá coi trọng đồng tiền. Tình yêu và sự khoáng đạt tột cùng - tôi chỉ tôn thờ hai thứ đó. Em còn nhớ chứ?
- Vâng, nhớ?
- Và để đạt được điều đó, tôi có thể làm đủ những trò rồ dại, kể cả coi rẻ sinh mạng của mình. Em nhớ chứ?
- Nhớ!
- Vậy thì em còn nghĩ ngợi gì nữa? Em là một nghệ sĩ có tài như giới sành điệu đánh giá, dù em không nghĩ đến cuộc sống của em, đến chính con người em thì cũng phải lưu tâm đến nghệ thuật của em chứ. Tôi hứa với em sẽ có những tháng ngày thanh thản, để em hết mình sáng tạo trong bất cứ quốc gia nào, ở bất cứ bãi bờ nào.
- Chỉ có một điều: Tôi đã trót gắn bó với bãi bờ này. Và nếu anh đã nói đến sáng tạo thì tôi cũng xin được nói, sáng tạo chỉ được tồn tại khi ta biết gắn bó với một cái gì đó.
- Trời ơi! Em vẫn bướng bỉnh khinh người! Chà! Giá có thể vò nát em ra, đốt cháy hay thu cho em nhỏ lại… Cái gì kia? - Y bất chợt đánh mắt sang khối trùm với trắng ở góc nhà - Tượng à?
- Vâng, tượng.
- Có thể cho coi một chút được không?
- Không!
- Thế đấy! - Y cười nhạt - Phải chăng cái cục đất đá vô nghĩa đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến em gắn bó với nơi này?
- Có lẽ đã khuya lắm rồi đó, anh?
Gã đàn ông không tỏ ra sốt ruột, không nhìn vào đồng hồ. Y nhìn hút vào mắt cô gái, chuyển giọng lạnh lẽo:
- Bãi bờ gắn bó? Nhảm nhí! Nói đi, nói thật một lần đi! Thằng đàn ông nào đủ sức mạnh và diễm phúc giữ được em, người đàn bà quái dị và ngang ngạnh, sự thách đố khó chịu với tất cả lũ đàn ông chôn chân được ở cái quốc gia này? Thằng nào? Để có em, tôi không khuất phục trước bất cứ thế lực nào trừ thế lực: Trái tim em đã chuyển hướng sang người khác. Người ấy là ai? Nếu có, tôi sẽ xin vĩnh viễn ra đi.
- Nếu có người đó, nếu trên hành tinh này còn có một người như thế!
- Vậy thì tại sao? - Hẳn găm mắt sang bức tranh sơn dầu đang vẽ dở - Chả lẽ lại do thằng người dở điên dở dại này. Chà! Một vầng mặt trời màu đồng thau… Không, màu một thứ lá gì tàn héo, một mặt biển toàn những con sóng tím bầm, day dứt như không biết trôi về đâu vỗ về đâu? Một con thuyền không ra thuyền, lùi lùi tả tơi và trên bờ một thằng người mang hình dáng quái nhân, ngơ ngác, đứng như gốc cây cụt ngọn, cười không ra cười, khóc không ra khóc, mắt mở to, thu hết cả biển cả trời vào cái nhìn trang trải. Chà? Chả lẽ vì cái con người nguyên thuỷ này ư?
- Nguyên thuỷ - Dung đứng dậy - Có lẽ đây là câu đầu tiên anh nói đúng. Tất cả chúng ta bây giờ đều quá thiếu thốn cái hoang sơ nguyên thuỷ ấy. Chúng ta lọc lõi quá, nhẫn tâm quá! Nếu tất cả mọi người, tất cả các quốc gia đều đưa được tâm hồn và tình cảm về dạng nguyên sơ ban đầu thì chắc rằng cuộc sống sẽ dễ chịu đi biết bao. Và anh cũng không đến nỗi phải ra đi, phải gồng mình lên gào thét thế này!
Gã đàn ông hơi lùi lại, gã đăm đăm nhìn vào cô gái như nhìn vào một vật thể hoàn toàn xa lạ:
- Thế đó? Chế độ mới đã sa mạc hoá, đã hoang dã hoá tâm hồn con người này đi mất rồi!
- Ơ, hay nhỉ? Chuyện này có dính dáng gì đến chế độ chính trị này hay chế độ chính trị khác. Nó hình thành ở tự bên trong con người kia mà, không hình thành lúc này thì ắt sẽ hình thành lúc khác, sớm muộn gì rồi nó cũng hình thành.
- Dung ơi, tĩnh trí lại đi em! Dung còn nhớ những ngày tháng trước kia, bao giờ và ở đâu em cũng rực cháy như một bó đuốc để lũ đàn ông ngu dại bọn anh dẫu biết tan xác vẫn mụ mị lao vào.
- Tại vì thế - Cô cười buồn - Bó đuốc ấy đã tự đốt cháy mình rồi.
- Tất cả chỉ do cái bệnh quái ác gì đó mà em không chịu nói ra ấy! Đi em! Sang đó nhất định sẽ chữa chạy được. Tôi sẽ đưa em đi khắp nơi, gặp tất cả mọi người, nếu cần kể cả quỳ xuống cầu cạnh, miễn là…
- Thôi đừng nói nữa anh - Một phút giây mềm yếu khiến cô gái quay mặt đi, giọng ngàn ngạt - Dung không có bệnh gì đâu, Dung hoàn toàn khoẻ mạnh.
Có tiếng gõ nhẹ rồi cánh cửa tự động mở ra. Hoà bước vào, trên tay cầm cái bát đựng một thứ nước nâu quánh đang nghi ngút khói.
- Xin lỗi, đến giờ uống thuốc rồi đó, chị Dung?
- Thuốc gì vậy? - Gã đàn ông ngó chăm chăm vào tô thuốc, hỏi.
- Thuốc bổ! - Dung trả lời - Bất cứ người đàn bà nào đến cái tuổi này đều phải dùng thuốc bổ, đơn giản vậy thôi.
- Xin lỗi! - Gã đàn ông quay sang phía Hoà, lì mặt - Chúng tôi đang có chuyện cần nói riêng, phiền cô ra ngoài với cái thứ nước vớ vẩn của cô một chút.
- Không - Dung nói - Hoà cứ ngồi lại. Chẳng có chuyện gì riêng tư cả đâu. Giới thiệu ông đây là người quen cũ, từ cái thời mới giải phóng. Còn đây là Hoà, bạn tôi, đã từng đi bộ suốt dọc Trường Sơn sáu tháng ròng.
Hoà ngồi xuống mép giường, tay đỡ lấy cuộn len.
- Vô duyên hết sức? - Gã đàn ông nói trống lổng.
- Ông nói gì cơ? - Hoà ngước mắt lên hỏi hiền lành.
- Tôi nói… Tôi muốn nói là cô không biết điều. Chả lẽ có một thời đi dọc Trường Sơn hay đi ngang Trường Sơn chỉ giúp cho các bà mỗi một kỳ tích là bất lịch sự?
Hoà nhìn nhanh sang Dung một cái rồi đặt cuộn len xuống, tiếng nói rắn rỏi bất ngờ:
- Ông là người thích nói thẳng, tôi cũng không quanh co: Biết điều nhất và lịch sự nhất ở một người đàn ông cho dù là loại người nào đi nữa thì tôn trọng bệnh tật và giờ giấc điều trị của một người đàn bà bao giờ cũng là cái tối thiểu. Hơn nữa, mỗi người có một cuộc sống riêng, một mảnh đời riêng, thiết nghĩ ông chẳng nên nói về những kỷ niệm của kẻ khác với cái giọng như thế.
Trước lý lẽ và thái độ lạnh lùng của cô gái mang dáng bộ lành hiền như hòn đất củ khoai ấy, gã đàn ông bị bất ngờ, tỏ ra thực sự lúng túng, cũng nhìn xéo qua Dung một cái rồi cười nhạt:
- Lý lẽ! Sao chỗ nào cũng lắm lý lẽ đến nhức đầu nhức óc thế này. Thôi, tạm biệt, tạm biệt!
Dung đứng lên ân cần:
- Khuya lắm rồi, ra đường bây giờ không tiện, anh có thể nghỉ lại đây, chị em tôi còn có chỗ khác.
- Cám ơn! Bọn này đi hai người và cũng có chỗ nghỉ rồi. Dung… Tôi sẽ quay lại. Từ nay đến đó Dung sẽ có đủ thời gian để suy nghĩ. Dù thế nào tôi cũng quay lại, không lâu lắm đâu. Hôm nay là 28 tháng 2, còn đúng mười chín ngày nữa là tới sinh nhật em phải không? - Quay sang Hoà, y nháy mắt một cái không rõ ngụ ý gì rồi buông gọn - Chào! Chào cô gái sơn cước đáo để.
Hắn đi ra, biến nhanh vào đêm tối, để lại trong căn phòng nhỏ một cái mùi đàn ông khen khét khác lạ, dể lại trong con mắt người đàn bà chủ nhà một vẻ u hoài day dứt sâu xa.
Hoà biết rằng trong những trường hợp như thế này, tốt nhất là không nên hỏi gì, nói gì, cô lẳng lặng đi thu dọn chỗ ngủ cho riêng mình tại cái mái phụ ở phía đằng sau. Bát thuốc bắc để trên đầu giường vẫn còn hơi vương vấn chút khói. Gió lùa qua khe cửa làm cho nó sóng sánh qua lại toả ra một thứ mùi thơm ngòn ngọt. Về đêm, căn chòi nhỏ chao đáo đung đưa giống như một con thuyền giữa bốn bề sóng bủa. Dung ngồi thần ra lúc lâu rồi thở dài một tiếng, nhẹ cầm lấy chiếc panhsô quệt màu. Bức tranh trước mặt nhoà dần đi. Cây panhsô lơ đãng huơ một đường bối rối trong không gian rồi dường như không đủ lực bám víu, nó nhào đầu thõng xuống. Cô gái thả tay, ngả mình xuống giường, nhắm mắt lại.
Hoà nhón chân đi tới, khẽ thả cánh màn xuống sau khi đã khéo léo xua bay hết mấy con muỗi đậu bên trong mặt vải.
- Em tắt đèn nhé! - Hoà nói.
- Ừ, tắt đi nhưng ở lại đây với tôi một chút.
Biết bạn muốn chuyện trò, điều mà không phải bao giờ cũng có, Hoà chui nhanh vào màn, nằm xuống.
- Tay chị lạnh quá!
- Chao?… Người em như có lửa. Giá chị cũng có được cái sức khoẻ cái vô tư và thân nhiệt rừng rực như em!
- Chị Dung! Hay là chị bị đau lại rồi?
- Không… Chị thấy bình thường.
- Chị đau cái gì thế? Sao chị không cho mọi người biết?
- Không… Chị không đau cái gì cả.- Dung xoay người ôm ngang lưng Hoà - Em thấy ngọn đèn bên kia đã tắt chưa?
- Bên nào ạ? Bên ông nhà thơ ấy ư?
- Ừ, ông nhà thơ, cả ông… giám đốc nữa.
- Tắt rồi. Tắt sớm lắm!
- Chắc anh ấy đã quyết định?
- Quyết định gì kia chị?
- A,… Không? Chị muốn nói… Hoà này, nếu bây giờ người ta cho em hai con đường buộc em phải lựa chọn, một là phản bội lại bạn bè thân quen, phản bội lại anh em ruột thịt, hai là có cuộc sống sang giàu, ổn định, em chọn đường nào?
- Nhất định là con đường thứ… Ơ, mà sao chị lại hỏi thế? Hai cái đó là một, có phản bội thì mới sang giàu được chứ?
- Ủa! Đầu óc tôi lú mất rồi! Chị muốn nói thanh bần nhưng yên tĩnh.
- Thế thì nhất định em chọn cái thứ hai rồi, có gì mà phải hỏi.
- Thôi, ngủ đi em - Dung ghì sát bạn vào mình hơn nữa - Nửa đêm rồi. Này, em vẫn thấy anh ấy viết đấy chứ?
- Ai? Anh Hoàng ấy à?… Vẫn viết, viết đều, gằm mặt trên trang giây cả ngày lẫn đêm. Lúc ấy trông mặt ông ấy sờ sợ là, như có hai thằng biệt kích đang đánh nhau ở trong đầu.
- Ví von giỏi thế? - Dung cười khẽ - Đúng là có hai thằng biệt kích đang quại nhau thật sự.
- Chắc ông ấy viết sách?
- Ừ viết sách, viết tự thuật cuộc đời.
- Té ra cũng là một nhà văn đấy. Ghê thật! Hoá ra ở đây lắm văn thơ nhỉ? Ông nhà văn thì ngồi đóng đinh vào ghế như bị tù đày, ông nhà thơ… Ông này trông mặt quen quá mà cố nhớ mãi em vẫn không nhớ ra?
- Nghệ sĩ ông nào chả giống ông nào, nhớ làm gì cho mệt.
- Vâng! Ông nhà thơ thì lang thang lảm nhảm suốt ngày, thỉnh thoảng lại ngước mắt lên gừ gừ trong cổ trông buồn cười lắm? Như phải gió ấy.
- Không buồn cười đâu. Ông nhà thơ cũng có hai thằng biệt kích đánh lộn nhau trong đầu, anh Vũ cũng vậy và cả chị em mình nữa, lúc nào cũng có hai thằng người đánh nhau trong đầu, khi thì âm thầm khi thì dữ dội? Có lẽ ở đây chỉ có một người là tránh được sự ẩu đả đó.
- Ai hả chị?
- Quang.
- Kẻ tâm thần?
- Phải, kẻ tâm thần, cứ tạm gọi như thế theo danh từ y học. Để ý mà xem, những lúc không lên cơn, Quang thực sự là một đứa trẻ. Đứa trẻ chạy nhảy tung tăng, bơi lội ào ào, thỉnh thoảng lại ngửa mặt hét lên khoái chí. Bên trong con người ấy là một vùng đất còn trinh nguyên cho hoa thơm cỏ lạ tha hồ nảy mọc. Em có để ý đến cái cười của Quang không? Chân thật hồn nhiên đến muốn rơi nước mắt. Cái cười không hận thù, không độc ác, không ham hố tị nạnh, không có gì cả, trắng tinh. Con người ấy hoà hợp với thiên nhiên, với biển cả, không còn phân biệt được nữa.
- Phải chăng vì thế mà từ ngày đến đây, chị chỉ chú mục vẽ anh ấy?
- Không phải vẽ về một con người. Chị đang chui sâu vào một biểu tượng mà Quang chỉ là một gợi ý, một dẫn dắt. Em hiểu không?
- Không! Em không hiểu được.
Im lặng…
Ngoài kia biển bắt đầu chuyển động mạnh. Nếu nín thở, chú tâm một chút, ta sẽ có cảm giác những ngọn sóng màu chì cao lừng lững kia đang cuộn về nhận chìm ta xuống và đến một lúc nào đó, trong cô tịch âm thầm, chính ta không phải đang nằm trên mặt đất mà đang ngập chìm thăm thẳm xuống tầng đáy đại dương…
- Em có nghe thấy gì không? - Dung co người lại - Liệu hắn có quay lại không?
- Người ấy là ai?
Dung lại ôm chặt lấy Hoàn không nói. Chinh lúc đó Hoà chợt hiểu mọi câu chuyện về Hoàng, về Quang, về mọi điều của cuộc sống vừa rồi chỉ là cái cớ để khoả lấp đi một cái gì đó do con người lạ mặt kia tạo ra.
- Hắn ta thương chị?
-!!!
- Còn chị?
- Có một thời nhưng bây giờ thì không. Hoàn toàn không.
- Trông mặt mày hắn bí hiểm, lạ lắm?
- Bao giờ hắn cũng vậy, ngay cả lần gặp chị đầu tiên… sau giải phóng. Ngày ấy, những người như chị hoàn toàn ngơ ngác ở ngã ba đường Má chị và con chị di tản sang Mỹ không thành. Cả hai… Rồi ba chị ra đi từ năm năm tư vẫn biệt vô âm tín. Hàng núi những hoài nghi và tuyệt vọng dồn về. Chị cũng đã định đi. Lúc ấy việc đi đối với chị không khó, chỉ cần gật đầu một cái là xong nhưng chị vẫn dùng dằng. Dùng dằng không phái vì những yếu tố gì sâu xa ghê gớm mà vì bị ràng buộc bởi một kỷ niệm, một kỷ niệm nếu nói ra ai cũng cười cho là ngớ ngẩn, nhưng riêng đối với chị lại là hết sức hệ trọng. Giống như là một sự sám hối hay là sự chuộc lỗi gì đó. Vả lại cũng muốn nấn ná chờ tin ông già xem sao. Thế rồi hắn xuất hiện.
Đẹp trai, phong độ và tính cách dị thường, mạnh mẽ hơn hết những người đàn ông chị gặp. Sự cô đơn và hãi sợ làm cho con người mềm yếu đi Ngay lần gặp thứ ba, mặc dù không muốn, mặc dù nằm trước cửa đồn công an quận, cái cửa sổ tầng năm phòng chị đã được hắn theo ống máng biến thành cửa ra vào. Đêm nào hắn cũng vào và… đúng là một dòng thác. Với con người dữ dội như thế, khó ai có thể trụ lại mà không bị cuốn đi. Chị bắt đầu yêu hắn. Sự có mặt của hắn đã cho chị một sự bình ổn tạm thời. Nhưng sau đó thì sợ. Có bao giờ em yêu phải một người mà người đó lúc nào cũng rừng rực, cũng muốn ăn tươi nuốt sống mình, chế ngự toàn bộ tinh thần, thể xác mình, không cho mình được thở, được cựa quậy, được sống cho riêng mình một chút? Hắn đấy. Bắt đầu thì thấy ham nhưng sau đó lại dường như không chịu nổi. Mình không còn là mình nữa, như một chiếc bóng, một cô nô tì run rẩy bên cạnh vị bạo chúa rất mực quyền uy. Chị lại khao khát tự do dù hoàn cảnh nào cũng cố chiếm cho được một khoảng không gian tối thiểu để thở hít khí trời. Thế là rạn nứt. Hắn tuyên bố bắt cóc, tuyên bố huỷ diệt chị nếu điều đó xảy ra. Sự căm ghét và ghê tởm xuất hiện. Căm ghét không thôi thì có thể qua được nhưng một khi đã ghê tởm thì có nghĩa là hết. Chị bỏ ra Hà Nội ở nhờ nhà một người… bà con. Một năm sau trở về, chị nghe tin hắn bị bắt, vì chị mà hắn bị bắt. Tất cả chỉ cỏ thế.
Hoà cúi xuống, giọng nói thoảng đi:
- Chị khe khắt quá?
- Có thể như vậy - Giá em cũng có một người đàn ông biết yêu em cuồng nộ như thế. Em sẽ thu nhỏ mình lại, nghe hết và chịu hết, miễn là người ta yêu em thật lòng, cho dù họ là ai, là thế nào.
- Trời… Tội nghiệt em tôi! Cầu mong em đừng sa vào những cảnh đời như chị. Đàn ông họ không yêu mình, đó thật là điều bất hạnh nhưng nếu họ yêu mình quá, điều đó còn bất hạnh hơn. Chị xưa nay có một cái tật hay một cái gì đó không biết nữa, là không chịu được sự phản trắc và hãnh tiến. Phải chăng vì thế mà chị hay tìm đến những số phận bất hạnh và phó mặc cho trái tim bị thương của mình rung lên với những số phận ấy.
- Nhưng người ấy cũng đang bất hạnh cơ mà chị?
- Ai? - Dung thoáng giật mình.
- Người đàn ông hồi nãy.
- Không? Dù không phản trắc nhưng đấy là một con người tàn bạo và hãnh tiến nếu không muốn nói là ích kỷ. Ngay trong cái bất hạnh của hắn cũng chứa đầy những mưu tính có lợi cho mình. Chị không thích. Mặc dù từ một góc sâu thẳm nào đó trong lòng, chị vẫn có đôi khi nghĩ về hắn như nghĩ về những tháng ngày tuyệt vọng nhất Hồi nãy hắn bước vào, một chút nữa chị đã không kịp lòng mà khóc nấc lên.
- Hắn bảo hắn sẽ quay lại?
- Không biết nữa?
- Con người này khi nhìn vào đôi mắt thấy hắn không biết nói đùa.
- Đúng thế. Hắn nói là làm, nhất là trong chuyện tình cảm.
- Vậy chị tính sao?
- Chả tính thế nào hết.
- Hay là em đi báo công an nhé! Sợ hắn làm dữ!
- Không được! - Dung gần như quát lên - Chị cấm đó. Dù sao cũng một ngày nên ngãi, vả lại suy đến cùng về phương diện đàn ông, hắn cũng là một người đàn ông chân chính. Chị không thể phản trắc. Phản trắc, ở nghĩa này hay nghĩa khác cũng đều tồi tệ cả.
Không khí căn chòi lắng xuống. Im lặng… Bỗng vang lên tiếng khóc rất nhỏ của Hoà.
- Anh ấy ngày xưa… Sao lại có thể có một con người nhút nhát đến thế. Đêm cuối cùng chỉ có hai đứa trong một cái lán bị bỏ quên ở giữa rừng, ngoài trời mưa to, áo quần cởi bỏ hết rồi nhưng anh ấy vẫn nằm thu mình lại, hai hàm răng nghiến chặt vào nhau. Em khóc, em muốn dâng hiến, em muốn cho đi tất cả bởi vì có thể chỉ lát nữa thôi, ngày mai hay ngày kia, một quả bom rơi xuống là không còn có gì để mà cho nữa, nhưng anh ấy bảo: Nhỡ mai anh chết, khổ em! Chị bảo thời đó làm gì đã có cách thức đề phòng. Thế là, chừng nửa tháng sau, em nhận được tin anh ấy chết! Em chỉ tiếc phải chi đêm đó mình mạnh bạo hơn, biết đâu em chả có một thằng bé, thế là đủ.
- Năm nay Hoà bao nhiêu tuổi?
- Đến tháng năm này, em vừa bước sang tuổi ba mươi hai.
Dung kề một bên má vào bộ ngực căng mẩy nóng ấm của Hoà:
- Hay là em… Em đừng ở đây nữa. Cứ để mặc chị, chị thích thế này, chị đã quá quen với cô đơn rồi. Còn em… Em về thành phố đi, hay về quê hoặc về bất cứ một nơi nào em thấy sống được. Chị sẽ lo cho em một lưng vốn để buôn bán, để mai mốt em lấy chồng. Còn chị… Chị thế nào cũng xong. Kể ra chị sống ở đời thế cũng là đủ rồi.
Hoà vội đưa tay lên bịt miệng bạn:
- Em cấm? Em cấm chị không được nói như thế. Chị ở đâu em ở đó, chị sống em sống, chị chết em chết. Số phận đã gắn bó em vào với chị, em không muốn tháo gỡ nó ra nữa. Chị còn trẻ, còn khoẻ lắm, đẹp lắm! Không ai đoán chị ngoài ba mươi tuổi cả đâu. Thoáng thấy con mắt bọn đàn ông, cả bọn trẻ con mới lớn nó ngắm nhìn chị là em vừa tủi, vừa ghen tị lại vừa tự hào. Kìa? Sao chị khóc?
- Nghĩ cũng buồn cười - Dung quay đi khẽ chấm nước mắt - Cuộc đời xô dảy thế nào mà hai đứa hai hoàn cảnh hoàn toàn trái ngược nhau lại gặp nhau. Một cô thanh niên xung phong cách mạng từ đầu đến chân, một ả trong thành chỉ lo ăn chơi dập phá, vậy mà lại hoà hợp, không mặc cảm, không định kiến, không cần phải giữ kẽ nhau điều gì.
- Em cũng không rõ tại sao nhưng có lẽ cả em và chị đều giống nhau một điểm là sự cô đơn và những điều trắc ẩn của một thân phận đàn bà.
- Rồi mọi thứ sẽ qua đi phải không em? Cả chiến tranh, cả những định kiến và hận thù… Ai đã nói như thế nhỉ? Khi đó chỉ còn tình cảm chân thật và hồn nhiên giữa con người và con người.
- Thôi ngủ đi chị? Hôm nay em thấy chị nói nhiều, mệt lắm?
- Ừ ngủ đi! Hoà nằm luôn lại đây với chị nhé! Đêm nay bỗng dưng chị sợ nằm một mình.
Đêm trên biển khó đoán được rằng đã khuya hay còn sơm. Chỉ biết những con sóng vón đuổi nhau đã bớt đi vẻ hối hả xô bồ. Những ngọn gió cũng ra chiều lơ đãng hơn, chỉ có những trái điều chín mọng là vẫn miệt mài gõ vào không gian cái tiếng động lìa cành âm thầm muôn thuở của nó.
Sáng hôm sau người ta không thấy Dung ra biển. Đấy là lần thứ nhất kể từ khi cô đến đây, bãi biển đìu hiu bỗng vắng thiếu cái dáng hình đã trở nên quen thuộc, đã thành một bộ phận khăng khít với cát ướt, với sương mù, với mặt biển căng nhứt sắp hoài thai và với cả vầng mặt trời chang chói sắp hiện lên… Xa lắm, người ta chỉ thấy kẻ tâm thần đang ngụp lặn một mình, thỉnh thoảng lại cất một tiếng hú phun theo vòi nước từ trong miệng bay lên. Tiếng hú như kêu, như gọi, nghe lẻ loi đến nao lòng.