Phần II
Những cơn lốc xoáy của cuộc đời ...

    
hật ra mà nói Má Tôi thừa khả năng để che chở bảo vệ đứa con gái từ bé được yêu thương nhất nhà này nhưng do chính Tôi đã không đồng ý nhận lấy sự trợ lực ấy của Má mình, Tôi không thể nào bắt Má tôi phải ngồi ngang hàng với một Người tuổi đời chỉ bằng đúng tuổi đứa con trai thứ ba của Má để mà phân trần phải quấy...Cho dù là sui gia với nhau nhưng đối với Má Tôi theo tôi hiểu, đó chính là sự xúc phạm không nên có. Tôi đã đủ dũng cảm để chịu đựng thì tôi cũng phải có đủ dũng cảm để vượt qua nó... Má tôi sau đó chỉ biết chép miệng thở dài mà mặc kệ Tôi cùng với ứng xử của riêng mình...
Tôi luôn thấm thía câu nói truyền miệng từ rất nhiều người: " Ông trời không đối xử bất công với bất kỳ một ai, nếu ông lấy đi một thứ gì đó thì ông cũng sẽ  trả lại một thứ khác giá trị tương đương nó..."
Sau ngày hôm đó, có lẽ nước mắt tôi đã cạn thật sự, bằng khuôn mặt lạnh như băng Tôi đã thẳng thắn và sẵn sàng đối mặt với những gì tồi tệ nhất có thể... Nếu cần thiết Tôi nghĩ tôi vẫn có thể đơn thân mà nuôi con . Tôi không bắt buộc anh phải chọn nhưng Tôi buộc lòng phải đưa ra quyết định cuối cùng là đơn phương  " đoạn tuyệt " với gia đình bên chồng để có thể bình yên mà tập trung tất cả sức lực còn lại đánh vật với sự đói nghèo của cuộc đời mà nuôi con khôn lớn.
Tôi nói với anh:
-  Em không bắt anh phải bỏ Má và các chị của anh, anh có thể về thăm Má bất cứ lúc nào anh muốn, có thể mang về cho má bất cứ món ngon nào nếu có , có thể về cùng tụ hợp với các chị em của anh trong bất cứ ngày giỗ lễ nào, còn riêng em thì " Không " bắt đầu từ hôm nay...
Sau những phút giây im lặng đến nghẹt thở, cuối cùng thì anh cũng đã gật đầu đồng ý ở lại cùng mẹ con tôi và tôn trọng quyết định của riêng Tôi...
Và cũng bắt đầu từ những ngày Ba và Má Tôi mất đi ấy... hơn 5 năm sau đó...Tôi đã không về bên nhà chồng đúng như lời Tôi hứa...Tôi  im lặng thật sự, không đôi co lấy một lời, chỉ âm thầm lo quà cáp trong những ngày lễ vía nhờ chồng Tôi mang về bên ấy cho đúng lễ đúng nghi dù tôi thừa biết nó chẳng là cái gì so với những thứ gia đình bên chồng Tôi có được, cũng có thể mọi người bên ấy chẳng thèm để mắt đến những món quà rẻ tiền của đứa con dâu nghèo kiết xác . Sao cũng được, lúc ấy tôi chỉ biết mình cần phải làm bổn phận của con dâu cho dù chỉ bằng hình thức bên ngoài thôi. Tim tôi dường như lạnh ngắt không chút cảm xúc.
Từ lúc bắt đầu bước chân vào đời tôi đã sớm hiểu chỉ vì chữ Nghèo mà con người bạc đãi nhau, nhưng Tôi đã không thể hiểu nổi vì sao trong mối thâm tình ruột thịt , chữ Nghèo lại đứng ở vị trí quan trọng đến như thế?( Tôi bằng đôi mắt nhạy bén của một người đàn bà đã từng không ít lần  nhìn thấy sự phân biệt đối xử của Má chồng tôi với đám cháu nội ( con Tôi ) và đám cháu ngoại ( con các chị chồng Tôi ). Những lúc ấy Tôi luôn phải cố gắng phớt lờ và tự an ủi: À! tại vì mình nghèo nên "chỉ được phép mang trở về những món  gì có  giá trị tương ứng với những thứ đã mang đi... "...Và cho dù trong lòng cảm thấy rất bất bình, Tôi vẫn một mực giữ im lặng không nói gì với ai về chuyện phân biệt đối xử kia, kể cả chồng mình )
Cuộc đời vốn quá nghiệt ngã và khắt khe đối với tổ ấm riêng của Tôi... chuyện kinh doanh của gia đình tôi hết lần này đến lượt khác đều đi vào ngõ cụt, thất bại đến thảm hại ... Tất cả vốn liếng tằn tiện suốt hơn 10 năm gian khổ được đổ hết vào cái dịch vụ internet đã không mang lại nhiều lợi nhuận,thu nhập không đủ bù đắp cho những chi tiêu hàng ngày, cho chi phí của hai đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi học...như thế nợ nần cứ mỗi ngày chồng chất cho đến lúc tận cùng của sự thâm hụt . Sau những dằn xé nội tâm vì suy nghĩ, Tôi đành gợi ý với chồngTôi : " Hay là đánh liều hỏi mượn chị ba anh một khoảng tiền để trang bị thêm máy móc mà tiếp tục duy trì phòng net còn hơn cả nhà ôm nhau mà chết vì vỡ nợ." ( Chị Ba của chồng Tôi vốn định cư ở Mỹ từ hơn 10 năm - tính đến thời điểm ấy )  từ trước đến giờ do mặc cảm và tự ái cộng thêm bên cạnh bản tính ương ngạnh cố hữu, Tôi đã không hề có ý định nhờ vả bất cứ chuyện gì từ chị, một phần cũng do những định kiến của Má chồng đã lan dần vào từng người một, vô hình tạo thành một định kiến chung phân biệt rạch ròi người thân và kẻ lạ của gia đình chồng khiến Tôi và các chị chồng đã có một khoảng cách rất lớn khó san bằng.
Anh bảo Tôi:
" Hay là em dẹp bỏ tự ái đi,  hạ mình một chút, vì gia đình mình một lần mà lên tiếng...chính chị ba bảo anh "nếu em lên tiếng có lẽ chị sẽ có câu trả lời...!?"( Đến bây giờ Tôi vẫn không hiểu nổi tại vì sao chồng Tôi lại không thể thay Tôi gánh vác nỗi khốn khó chung mà cứ phải là san hết gánh nặng này vào đôi vai Tôi để rồi Tôi lại phải thêm một lần nữa hứng về sự ê chề khác? ). Nhưng mà thôi, từ lúc bắt đầu lấy anh Tôi đã không ít lần nhìn thấy điểm yếu này của anh rồi. Khó lắm để tìm thấy sự che chở bao bọc từ phía anh - người đàn ông của đời Tôi  - Thôi thì dẹp hết tự ái - hạ mình để liều mình một phen vậy ( Đồng tiền quả thực là có một sức mạnh ma quái đáng căm ghét, với tôi việc phải hạ mình như thế là quá sức  mình, nhưng khi đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết Tôi bắt buộc phải như thế thôi )
Tôi biết chồng Tôi vốn là một người con có hiếu, có hiếu đến mức phục tùng vô đối, có hiếu đến mức chỉ có thể trơ mắt ra nhìn vợ mình bị dằn xé năm lần bảy lượt mà không hề tỏ thái độ bênh vực chở che hoặc bao bọc ... hoặc giả có muốn bao bọc chở che cũng không dám công khai mà chỉ len lén.... Anh sợ Má anh - sợ chị anh đến nỗi chỉ biết nín thinh  hoặc: Vâng..! Dạ...! Tôi không biết phải trách anh như thế nào vì bên cạnh sự hiếu để kia của anh lại là một tình yêu vô bờ bến anh dành cho Tôi và các con Tôi. Đó có lẽ chính là sự hạnh phúc và nỗi bất hạnh mà Tôi  phải song song chấp nhận khi về sống với anh  và cũng chính vì thế, cái bản năng của một người đàn ông đã vô hình bật dậy trong Tôi  - trong thân xác mảnh mai yếu đuối của một người đàn bà từ lúc nào không hay , duy nhất một điều là để " tự bảo vệ lấy mình "...
Sau những ngày căng thẳng thần kinh vì suy nghĩ, cuối cùng Tôi đành quyết định trân mình " làm một cuộc cách mạng..."...  là: " Gọi điện cho chị ba của anh để cầu cứu... "
- "Ê chề lắm Tôi ơi! nhục nhã lắm Anh ơi!... Thà trước đó anh đừng trao gánh nặng này cho em, thà hãy cùng nhau tìm lối thoát khác....còn hơn...."
-" Tôi mà giúp vợ chồng cô giống như mang muối bỏ biển "...
- " Từ đó đến giờ cô đã lo được gì cho gia đình chúng tôi mà bây giờ lại đi cầu cạnh giúp đỡ "....
- " Tôi không có tiền dư để làm những chuyện tầm phào "
................
Và thêm một vài câu mai mỉa cay độc khác mà tiếp theo sau đó Tôi lại phải thêm một lần nữa trao cái phone cho chồng tôi nhờ nghe giúp...sau những câu xin lỗi rời rạc và gượng gạo mà thực tình Tôi không hề muốn thốt lên chút nào...
)
Có lẽ suốt cuộc đời này Tôi không thể nào quên được nỗi ê chề nhục nhã ấy...Tâm trạng tôi lúc đó khó diễn tả lắm, người ở bên kia đầu dây chắc chắn một điều là không hề nhìn thấy  vẻ ngượng nghịu đến sững sờ của Tôi,  riêng tôi thì cảm thấy rỏ rệt các cơ trên khuôn mặt mình cùng các sợi dây thần kinh li ti dường như đang căng cứng ra, mặt đỏ lừ vì nhục nhã và xấu hỗ..."
Bỏ qua một bên chuyện tự mình bán rẻ mình.Tôi bây giờ đã không còn đủ sức để giận hờn, để cằn nhằn anh nữa, việc trước mắt là cứu cả gia đình đang đứng cheo leo trên bờ vực ... mọi buồn - vui - cay đắng thôi thì gạt hết sang một bên ( Ừ! nếu không thể là ruột rà máu mủ thì là người dưng cũng được, đâu có sao!)
Sau đó Tôi và anh đã thống nhất rao bán đi căn nhà được xây dựng bằng chính mồ hôi và sức lực của hai vợ chồng cùng với 10 năm vất vả "cày xới cật lực" đúng nghĩa của nó  trên mảnh đất thuộc khu vực thị trấn để ngắt lấy một nửa số  tiền trang trải nợ nần, phần còn lại chúng tôi mang ra ngoại thành mua một miếng đất khác và cất tạm một ngôi nhà tương đối để mà ổn định cuộc sống...
  ( Có một lần tình cờ xem tử vi online, tôi đọc thấy tuổi của chồng tôi trong cuộc đời bắt buộc phải bốn hoặc năm lần gì đó di chuyển chỗ ở mới có thể yên ổn, dù không muốn tin tôi vẫn phải tin vì đúng thật là như vậy )
Sau khi mua được miếng đất mới, xây dựng nhà cửa xong cả thì  cái giấy phép kinh doanh internet khi mang đi xin phép chuyển điểm đã không được chính quyền địa phương đồng ý phê duyệt với lý do:" khoảng cách từ nơi xây dựng phòng net đến một trường cấp 2 nằm trong phạm vi 200m bị cấm!? ( thật ra trước khi mua đất cất nhà chúng tôi đã khảo sát qua cái gọi là thông tư của bộ văn hóa về việc kinh doanh thứ dịch vụ lắm chuyện phức tạp này. 210 m nếu mang so ra đã đúng  yêu cầu của thông tư, nhưng theo ý kiến của các vị chức quyền là: " khoảng cách này tuy là hợp lý nhưng bởi vì nằm cùng một trục lộ nên không thể chấp nhận"  ) chạy vạy nhờ vả khắp nơi vẫn không có kết quả. Thế là chỉ sau hai tháng chuyển nhà, chiếc bảng " bán nhà " thứ hai lại được trưng lên, cả gia đình chúng tôi tạm thời chuyển về nương náo ngôi nhà chung của bên ngoại - nơi tôi đã được sinh ra và lớn lên  hiện chỉ còn hai vợ chồng đứa em út và một người anh trai độc thân đang sinh sống....
Sau này, trong những buổi họp mặt cùng đám bạn bè cơ quan cũ, Tôi hay được nghe các bạn nói đùa: " Số của hai vợ chồng mày rất có thời phất lên nếu kinh doanh ngành bất động sản ". Ừ! có lẽ thật như thế, ai ai mỗi khi gặp chúng tôi cũng đều duy nhất một thắc mắc:" sao bán nhà dễ ợt vây?" hơn nữa thường là dôi ra một ít chứ chưa lần nào bị lỗ...
Dở khóc dở cười...nhưng quả thật đúng là như thế, chỉ sau một tuần lễ treo bảng, căn nhà mới xây ấy đã được sang tay với trọn vẹn số tiền chúng tôi bỏ ra ban đầu cộng thêm một ít chênh lệch theo thời giá hiện tại nữa...
Và thế là chúng lại phải thêm một lần nữa dong ruổi  khắp nơi để tìm mảnh đất khác vừa túi tiền có thể kinh doanh vừa có thể ở...
..........................................
Trong vòng bốn năm , cứ hình dung giống như những cơn lốc xoáy cuộc đời, nó từng đợt...từng đợt  lạnh lùng hất lên rồi ném xuống... đến tơi tả... bầm dập tổ ấm riêng Tôi. Chúng tôi phải trải qua ba lần mua đất cất nhà dọn nhà rồi lại bán nhà , hai lần chuyển về nương nhờ bên Ngoại...( Không tính đến căn nhà đầu tiên được sống trọn vẹn 10 năm với nhiều kỷ niệm và gần 10 năm trước đó sống trong khu tập thể của cơ quan.)
Hôm nay, cuối cùng rồi cũng tạm gọi là yên ổn. Đúng là lực bất tòng tâm, sau mấy lần cực khổ dọn nhà chỉ vì muốn duy trì cái dịch vụ internet mà chúng tôi đã đổ vào hàng trăm triệu đồng trong đó có một nửa là tiền vay thế chấp từ ngân hàng , Tôi và chồng tôi đành ngậm ngùi quyết định thanh lý tất cả máy móc để giải nghệ. Anh sau đó may mắn xin vào một khu du lịch của tỉnh để làm công nhân trong vườn ươm cây cảnh, còn Tôi vốn có một chút tay nghề riêng nên  thôi thì bám lấy nó mà mưu sinh và chăm lo cho hai đứa trẻ hiện còn đang đi học xa nhà...