Phần II - Chương 10
THỐNG KHỔ NHẬP MÔN
(Đề Lao Gia Định)

    
huyến xe đời chập chùng hệ lụy đổ chúng tôi xuống một địa chỉ mới. Địa chỉ mới, với tôi. Với dân tộc tôi thì nó đã quen thuộc đến cũ mèm. Số 4 đường Phan Đăng Lưu, Quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, là địa chỉ mới ấy. Trước ngày 30 tháng 4 năm 1975, không ai cần biết số 4 đường Chi Lăng, tỉnh Gia Định. Những kẻ biết nó đều bất hạnh. Vì nó khoác cái nhãn hiệu hãi hùng: Đề lao Gia Định. Cũ hơn cả Nha Cảnh Sát Đô Thành, đề lao Gia Định do thực dân Pháp xây dựng. Nó nằm giữa Tòa án Gia Định và Tòa Tỉnh trưởng Gia Định. Nhà tù luôn luôn sát khít tòa án. Hình phạt và công lý gắn bó nhau. Ông Ngô Đình Diệm làm cách mạng nhân vị, ông ta chỉ xoá tên… phế đế Bảo Đại. Đề lao Gia Định vẫn còn nguyên. Và cách mang nhân vị của ông ta dùng đề lao Gia Định giam nhốt những người đối lập chế độ nhân vị. Cơ chừng nhân và vị đã nặng mùi, từ đó. Trong sự nghiệp khai phóng tự do, dân chủ của Hoa Kỳ, người Mỹ ít quan tâm tới đề lao Gia Định. Bằng tinh hoa kiến trúc Hiệp Chủng Quốc, họ đã tặng Việt Nam Cộng Hòa hai nhà tù thật hiện đại, thật tư bản. Để nhốt và khai thác Việt Nam cộng sản. Ở Tô Hiến Thành. Đôi mắt chú Sam đã nhắm tít khi ngang qua đề lao Gia Định. Do đó, đề lao không được hưởng văn minh và tự do Hoa Kỳ. Nó bệ rạc cả nội dung lẫn hình thức. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cách mạng vô sản tiếp quản đề lao. Rồi, vì Chi Lăng đổi tên Phan Đăng Lưu, dân chúng tự ý đổi tên đề lao Gia Định thành nhà tù Phan Đăng Lưu, mặc dù, nhà nước cộng sản ghi rõ trên văn thư là Trại T-20. Vị anh hùng giai cấp Phan Đăng Lưu đã được phục sinh như một cai ngục vĩ đại của một nhà tù mà cổng treo tấm bảng nền vàng chữ đỏ: Không có gì quý hơn độc lập tự do! Câu nói bất hủ của Hồ Chí Minh chỉ sáng nghĩa và sáng giá khi con người vào tù bởi độc lập, tự do. Và con người phải chui qua cái cổng, chui dưới tấm bảng nền vàng chữ đỏ “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Dân tộc Việt Nam đã loay hoay với độc lập, tự do ngót nửa thế kỷ. Chúng ta loay hoay giành độc lập, tự do giữa chúng ta. Rốt cuộc, mãi mãi, chúng ta ngậm ngùi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Người Việt Nam đã nhân danh cái của thiên hạ mà tàn sát nhau. Chưa ai chịu truy nã phận mình. Chúng ta điên rồ trong trò chơi của ý thức hệ. Và tàn cuộc, chúng ta hành hạ lẫn nhau. Chưa đủ, chúng ta thù hận nhau, chém giết nhau. Khi ấy, cánh đồng mầu mỡ quê hương, cỏ dại nhiều hơn lúa.
Bạn biết chợ Bà Chiểu chứ? Đằng sau Lăng Ông ấy mà! Bên đây đường, cổng đề lao. Bên kia, hông chợ. Biên giới của tự do và tù đầy ngắn ngủn. Chuyến xe đời chập chùng hệ lụy qua cổng chính. Cổng khép kín ngay. Xe ngừng lại. Tấm vải bố kéo lên. Chúng tôi, hai người chung một chiếc còng tay, nhảy xuống đất. Người ta mở cổng và lùa chúng tôi vào sân trong kín đáo. Buổi chiều hôm ấy không có nắng. Trời âm u. Chúng tôi ngồi trong sân thứ hai. Chúng tôi đi đứng tự do ở cái sân nhỏ, chung quanh tường cao giăng giây kẽm gai ngọn đỉnh. Một bạn tù vỗ vai tôi:
- Duyên Anh.
Tôi nhận không ra.
- Thế Viên đây mà.
Thế Viên, trời ơi, tác giả thi phẩm ướt tình Người yêu tôi khóc, giáo sư văn chương của trường Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho! Năm nào, anh đã giới thiệu tôi với cử tọa buổi diễn thuyết của tôi ở trường Gioan 23, Định Tường. Sau đó, chúng tôi sang Cồn Phụng, thăm ông Đạo Dừa. Thế Viên có mái tóc bồng bềnh, đôi mắt thật thi sĩ. Anh chưa từng chống cộng sản. Một nhà giáo tận tâm, một thi sĩ lãng mạn, suốt đời ca ngợi tình yêu, tại sao anh vào tù?
- Hệ lụy, anh Duyên Anh à!
Thế Viên đã về Nhà Trang, dạy ở đó cho đến đại nạn hồng kỳ. Là giáo chức, không một ngày quân trường, anh chỉ bị học tập tại nhiệm sở của anh vài tuần và tiếp tục nghề nghiệp theo giáo trình, giáo án của chế độ mới. Tháng 4-1976, anh vô Sàigòn thăm Doãn Quốc Sĩ, ăn cơm trưa với Sĩ. Đáng lẽ, Thế Viên về sớm là thoát nạn. Định mệnh của anh nằm trong sự quyến luyến của Doãn Quốc Sĩ. Sĩ đã lưu bạn hiền uống cà phê, kéo dài những phút hàn huyên. Tác giả Dòng sông định mệnh đâu biết người ta đã bủa lưới vây bắt anh. Công an ập vào căn nhà trong căn hẽm dài đuờng Thành Thái. Người ta còng tay Doãn Quốc Sĩ. Người ta đọc lệnh bắt anh. Tác giả Đoàn người hóa khỉ đã tận mắt nhìn người hóa khỉ. Thế Viên dính lưới một cách oan uổng. Không hề có lệnh bắt anh. Anh không được Trần Bạch Đằng chiếu cố. Trần Bạch Đằng vẫn chưa cho anh “một chỗ đất sống dưới ánh mắt trời”. Những tên công an nằm vùng, gã sinh viên đại học Vạn Hạnh, học trò cũ của Thế Viên, đã đích thân còng tay thầy của nó và đưa thầy nó vào cuộc phiêu lưu ê chề, nhục nhã. Nó gặp thầy, không nghiên mình như Carnot, mà bắt thầy nó đứng nghiêm. Và nó bảo thấy nó can tội thi sĩ phản động!
Tên sinh viên đại học nằm vùng này không phải là tên cộng sản mầm non học thói Đặng Trần Thường thứ nhất và duy nhất. Trước nó cả ba chục năm, nhà văn Lan Khai, tác giả Cái hột mận, Ai lên phố cát, đã bị học trò bỏ vào rọ tre, đeo đá nặng và thả xuống sống chết sặc sụa. Thế Viên may mắn hơn Lan Khai, Khái Hưng. Anh không bị đếm tung từng chết trầm. Anh chỉ bị học trò bắt đi… học tập. Người cộng sản sẽ trả lời thế nào về tình nghĩa, về đạo đức, về phẩm cách qua sự việc bắt nhốt Thế Viên? Bản chất của công sản là phản bội. Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã thủ tiêu bao nhiều bằng hữu, bao nhiêu đồng chí sáng giá hơn mình? Chúng ta chưa có bằng chứng cụ thể. Bằng chứng cụ thể là thi sĩ Thế Viên được học trò cộng sản đền ơn bằng còng, xích và ngục tù. Những anh cộng sản làm dáng ở Paris, ở Bonn, ở Amsterdam, ở Londres, ở Washington, có gợn chút ưu tư? Sự mỉa mai không dành cho những anh tập sự phản bội, tập sự dẫm nát tình nghĩa. Mà, hơi buồn, lại phải dành ưu tiên cho ông nhà văn Kẻ Tà Giáo. Ông nhà văn Kẻ Tà Giáo là con rể ông Trương Gia Kỳ Sanh, là em rể tên cộng sản khát máu Trần Bạch Đằng. Cả nước đều rõ. Trần Bạch Đằng tuyên bố: “Bọn văn nghệ Sàigòn không có đất sống dưới ánh mắt trời”. Cả nước đều rõ. Ông nhà văn Kẻ Tà Giáo tham dự phiên họp đầu tiên của Hội Văn Nghệ Giải Phóng. Cả nước đều rõ. Ông nhà văn Kẻ Tà Giáo được Trần Bạch Đằng cài đi nằm vùng ở Tin Sáng của bọn Ngô Công Đức, đi Bắc về Nam. Cả nước đều rõ. Ông nhà văn Kẻ Tà Giáo sang Mỹ dẫn lời Bertol Bretch: “Buồn cho thời đại, nói chuyện với cỏ cây cũng là một tội lỗi”. Nhiều người biết. Nhiều báo đăng. Chúng ta khó chịu cái thái độ bất lương trí thức của ông nhà văn với. Người nên nói lời của Bertol Bretch chỉ là Vũ Hoàng Chương, là Thế Viên. Những kẻ nhởn nhơ công tác theo chị thỉ của Trần Bạch Đằng, một giai đoạn nào đó, trong khi, các thi sĩ “nói chuyện với cỏ cây” chết rũ trong tù là những kẻ không được tha thứ. Song, người “quốc gia” vốn rộng lượng. Và những kẻ đã cộng tác với kẻ thù của họ, vẫn ngông nghênh, vẫn mục hạ vô nhân, tưởng thiên hạ mù và câm hết, ong óng một giọng bịp bợm rẻ tiền: “Tôi không nuôi một ảo tưởng nào. Và điều mong ước dĩ nhiên của tôi là tiếp tục dùng ngòi bút để phục vụ người Việt đang định cư ở hải ngoại”. Nuôi ảo tưởng nào cho một giai đoạn nào? Nước Mỹ không có Trần Bạch Đằng, sẽ có ai? Đó là ưu tư của người “quốc gia”, nếu họ còn chống cộng và còn tham vọng giải thoát quê hương. César nói: “Kẻ thù có thể tha thứ, kẻ phản bội phải ném vào chuồng cọp”. Những kẻ phản bội, những tên ở lại, đã xách súng lùa anh em đi họp chào mừng cộng sản, đã viết báo cộng sản, đã làm việc với công sản và đã vượt biên bằng thuyền và bằng máy bay sang Mỹ, sang Pháp. Bằng chứng rành rành, đọc tên đứa nào, đứa nấy cúi mặt câm nín. Thì vẫn công khai múa mép và múa bút. Thì vẫn được hoan nghênh như chiến sĩ đấu tranh cho tự do, dân chủ. Và nạn nhân của chúng nó thì bị vùi dập tơi bời, bị dồn vào cuối đường cô đơn, tuyệt vọng. Người “quốc gia” còn một hạng, mà dưới mắt và trong ý nghĩ đốn mạt của nó, ai cũng là cộng sản, nếu đã nằm tù cộng sản và nếu trốn khỏi đất nước muộn màng. Cái hạng chống cộng bằng sách vở này, chưa một phút nhìn giép râu dẫm trên đường phố Sàigòn, chưa một giây nếm nổi chua xót của tổ quốc, quá khích đến tội nghiệp. Có lẽ, sự cường điệu quốc gia chỉ nhằm khoả lấp một co cẳng chạy dài, vất lại một quá khứ bần tiện.
- Gia đình tôi chưa biết tôi ở tù. Thế Viên buồn bã nói.
- Họ đã cho viết thư mà. Tôi nói.
- Tôi đã viết hai lần. Không thấy gia đình trả lời, không có ai gửi quần áo, thuốc men, tiền bạc.
- Anh còn tiền không?
- Còn. Tôi đăng ký mấy chục.
Chúng tôi được lệnh xếp hàng và ngồi yên lặng. Tôi nhìn sang phía Thế Viên, thi sĩ của tình yêu. Người yêu của anh, những người yêu của anh còn khóc? Tại sao người ta không bắt chủ nhiệm nhật báo Xây dựng, nhật báo Tự Do chống cộng khét lẹt? Tại sao người ta không bắt Thanh Lãng? Câu trả lời có phần lợi cho sự “ân trả oán đền” của cộng sản. Linh muc Nguyễn Quang Lãm đã lôi Thái Bạch ra khỏi Tổng nha Cảnh Sát quốc gia và bảo đảm hành vi “nằm vùng “ của nó. Linh mục Thanh Lãng đã xin ông Nguyễn Văn Thiệu thả Vũ Hạnh và cho nó một chỗ ngồi ở Trung tâm Văn Bút Việt Nam. Ban chấp hành Văn Bút bình yên. Thế Viên không chống ai thì lận đận. Chắc chắn, anh đã không thích May cờ giống thi sĩ Tướng Lĩnh, không thích Ngày mai giống thi sĩ Hoàng Trúc Ly gửi đăng Sàigòn giải phóng vội vàng. Anh cũng không thích giống văn sĩ Lan Đình, tuyết hận Nguyễn Mạnh Côn chê Từ hôm khởi chiến của mình, bị loại ra giải văn học tổng thống bằng loạt bài Thâm cung bí sử trên Tin Sáng. Anh ngồi chồm hổm, thi sĩ của chúng ta. Nông dân Moritz của Giờ thứ hai mươi lăm chỉ vì trời mưa, chỉ vì vợ đẹp mà lưu lạc mấy chục nhà tù phát xít, đồng minh. Thi sĩ Thế Viên chỉ vì ly cà phê hàn huyên, chỉ vì Người yêu tôi khóc mà đã lưu lạc hai nhà tù cách mạng. Tôi đi tù không oan uổng. Sự hèn mọn của công sản ở đó, và từ đó, loài người có thể phán xét công lý cộng sản.
Chúng tôi bị phân thành ba nhóm. Ba tên công an chức sắc của đề lao Gia Định xuất hiện. Họ ngó chúng tôi như lái buôn nô lệ chọn người. Cười nói một lúc, họ thỏa thuận, mỗi tên nhận một nhóm. Nhóm của tôi vào sau cùng. Chúng tôi, Hồng Dương, Nguyễn Hữu Hiệu và tôi, được đưa vào khu C-1. Dương Nghiễm Mậu, Đặng Hải Sơn, Thế Viên đến khu khác. Đề lao Gia Định, thời Pháp đô hộ có mỗi khu A. Khu A cũ kỹ, ẩm thấp, nhưng đầy đủ “tiện nghi”. Người Pháp lập một thư viện nhỏ, tràn ngập tiểu thuyết trinh thám, gián điệp. Sang thời cách mạng nhân vị, ông Ngô Đình Diệm trùng tu khu A và cất thêm khu B mái phẳng xi-măng cốt sắt. Qua cách mạng vô sản thống nhất cả nước, Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc” hơn thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, xây liền một mạch hai khu C-1, C-2. C-1 và C-2 mỗi khu có 7 phòng và 12 cachots. Cachot hay biệt giam đối diện phòng giam tập thể. Biệt giam khu A có phòng nhốt bốn, năm tù nhân, còng tay, xích chân dính chùm 1. Trưởng khu C-1, bí danh Sáu Cầu, người Quảng Ngãi. Ông ta bảo chúng tôi đứng xếp hàng. Một công an quản giáo dở sổ ghi tên tù nhân mới nhập trại. Sau này, tôi biết tên hắn là Hùng, dân Củ Chi “thành đồng cách mạng”. Tù nhân tặng hắn biệt danh Hùng kẽm gai.
Hồng Dương rất thông minh. Anh ta kéo tôi đứng cuối cùng hàng. Để có thể biết anh em ai vào phòng nào. Nguyễn Hữu Hiệu vô phòng 3 C-1. Hồng Dương đã xong thủ tục. Tôi là kẻ cuối cùng. Khám xét hành lý của tôi hồi lâu, gã quản giáo cật vấn lý lịch:
- Họ và tên?
- Vũ Mộng Long.
- Bí danh?
- Không có.
- Nghề gì?
- Viết văn.
- Viết tiểu thuyết ba xu hả?
- Phải
- Bút hiệu?
- Duyên Anh.
- A, Duyên Anh viết Điệu ru nước mắt.
Sau khi ghi lý lịch của tôi vào sổ tù, sổ đoạn trường, gã quản giáo hỏi tôi:
- Tại sao anh viết Điệu ru nước mắt?
Tôi đáp:
- Tôi sẽ trả lời với cán bố chấp pháp.
Có nghĩa rằng, cai ngục, anh không có quyền thẩm vấn tôi. Gã quản giáo cay cú. Hắn cũng là tên nằm vùng. Tôi hiểu hắn đã đánh dấu tôi. Đó là điều dại dột, là sự lãng quên lời dặn “Chớ dại chết ở cái lỗ chân trâu”.
- Anh đã viết Kẻ bị xóa tên trong sổ bụi đời?
- Phải.
- Bao giờ anh viết Kẻ được xóa tên trong sổ tù?
Hắn không cho tôi trả lời, vẫy tay xua tôi ra chỗ Hồng Dương. Một tên cai ngục dẫn tôi đến phòng cuối dãy. Chúng tôi vào phòng 6 C-1. Ở đây, tôi gặp lại các anh em của tôi: Thanh Thương Hoàng, Chóe, Thân Trọng Kỳ, Cao Sơn.
Như tất cả các phòng giam tập thể của C-1 và C-2, 6 C-1 của tôi thấp lè tè, lợp tôn. Nó dài tám thước, rộng bốn thước. Hồ nước, cầu tiêu ở trong đó luôn. Người ta xây bục xi măng cao khỏi nền đất hai gang tay làm bục ngủ. Có một miếng trống, thấp gần cửa để chia cơm nước. Trần phòng là những thanh xà mười tròn, chồng lên nhau thành hình vuông, đầu người chui không lọt. Chẳng hề có cửa sổ, cửa gió. Chúng tôi tiếp dưỡng khí qua ô nhỏ vừa bằng cuốn sách bỏ túi trổ giữa cửa sắt. Trưởng phòng và Trật tự viên dùng dây đo lại toàn phòng để chia chỗ nằm đồng đều cho tù nhân. Khi phòng đã chật, thêm tù nhân mới là một sự vất vả. Chia chỗ thường dẫn đến gây gỗ, mỗi tù nhân bị bớt một chút xíu chiều rộng. Cuộc chia chỗ kéo dài nửa tiếng, tôi được đúng hai gang tay chiều rộng. Bằng hai gang đo này, tôi chỉ có thể nằm nghiêng hay nằm ngửa, đặt đôi tay lên bụng, không nhúc nhíc. Hành lý của tù nhân được treo lên những thanh sắt trần sát tường. Tù nhân có, ít nhất, một cái bị cói và một cái giỏ plastic. Bị đựng kẹo, bánh, đường, bột, mì vụn, thuốc lá, thuốc cảm sốt và quần áo. Giỏ đựng chén, muỗng, nước mắm, thức ăn mặn. Tất cả bằng nhựa. Mọi đồ kim khí bị nghiêm cấm. 6 C-1 thêm Hồng Dươngng và tôi, là 52 người. 52 người chiếm một diện tích 32 thước vuông tính cả cầu tiêu, hồ nước, sàn tắm, chỗ chia cơm nước.
Xong thủ tục nhập phòng và sau bữa cơm chiều vội vã, tôi có dịp tìm hiểu phòng 6 C-1. Trưởng phòng, thiếu tá cảnh sát đặc biệt Lâm Văn Thế, ngoài 50 tuổi, điềm đạm, nhẫn nhục. Ông Thế thuộc thế hệ kháng chiến Nam Bộ. Năm 1954, thay vì xuống Cà Mau ra Bắc tập kết, ông ta đã ngược lên Sa Huỳnh. Nửa đường, ông ta bỏ về. Rồi ông cộng tác với cảnh sát quốc gia, tự học thi đậu tú tài, tự học Anh ngữ. Trong tù, ông ta học chữ Nho bằng phấn viết trên bục xi măng với ông hiệu trưởng trường Tàu. Phấn bị cấm, ông nhúng ngón tay vào ca nước mà học. Ông Thế bị bắt ngay đêm 30-4-75 tại nhà. Trật tự viên, Dzũng quan tài, một du đãng trẻ, lừng danh sau vụ cướp súng của bộ đội, bắn nhau với công an, bị bắn què cẳng và bị đánh gãy răng. Thư ký phòng là nghị viên hàng tỉnh Nguyễn Tấn Lợi. Đó là ba chức sắc của phòng 6 C-1. Ngoài ra, phòng 6 tập hợp đủ thành phần: Tư sản mại bản Chợ Lớn, phản động trẻ tuổi, đầu trộm đuôi cướp, án phạt của chế độ cũ về những thành tích bất hảo. Và nhà văn, nhà báo, nhà vẽ, nhà đạo diễn! Cái xã hội tù ô hợp nầy chửi thề văng tục suốt ngày, kèn cựa nhau từng tí. Nó khác xa với sĩ quan trình diện học tập hay công chức cao cấp trình diện học tập. Trình độ văn hóa và tâm tính hoàn toàn chênh lệch nên đối nghịch nhau liên miên. Tôi được nhiều độc giả du đãng và phản động trẻ săn sóc. Và đó là những hệ lụy suốt thời gian tôi trọ ở khách sạn quốc doanh Đề Lao Gia Định.
Năm chúng tôi, Thanh Thương Hoàng, Chóe, Hồng Dương, Thân Trong Kỳ và tôi, xúm quanh nhau hút thuốc lá, chuyện trò.
- Chúng mày là chuyến xe vét đấy. Bên Sở chỉ còn một Nguyễn Sĩ Tế vẫn nằm cachot. Thanh Thương Hoàng nói.
Tác giả Cánh chim mỏi đưa tay gãi háng:
- Tao bị ghẻ nặng rồi.
Anh tiếp:
- Đêm sang đây thật hãi hùng. Chúng tao cứ tưởng nó đem đi thủ tiêu.
Làm sao tôi quên đêm ấy. Bản lề phòng giam kèn kẹt ghê rợn. Nó nhiễm đầy Đảng tính nên kỹ thuật dọa nạt của nó tuyệt vời. Một kẻ bất cần đời như Hoàng Anh Tuấn mà nghe đọc tên mình thì rối loạn, chụp vội mỗi cái điếu cày ra đi, quên cả hành lý. Con người rất con người là phải biết sợ bỏ rọ ngâm sông. Thiếu nỗi sợ đó, con người vô tri giác. Và phê bình nỗi sợ đó, phán xét nỗi sợ đó, dành cho các phán quan Nói Phét ở những nơi bày tỏ sư dũng cảm không bị đánh thuế. Tôi đã thấy các vị phán quan bệnh hoạn này trên đất nước của Lincoln. Hình như, tất cả đều ngậm miệng, đều khom lưng trước quyền uy ảo tưởng Hoàng Cơ Minh. Chủ nghĩa tôi mọi thường tỏ ra thiếu hào sảng với đồng nghiệp oan khiên và đồng bào oan khổ. Một giây Hoàng Anh Tuấn thôi, sẽ không còn nhớ chụp cái điều cày ra đi. Mà sẽ đứng nghệt mặt, xón đái ra quần. Vậy thì, chưa kinh quá khốn cùng, nên câm họng, chớ nên luận anh hùng hay chụp mũ bừa bãi. Không hề kiếm nổi một anh hùng tù ngục trong ngục tù cộng sản đâu. Chỉ có những kẻ bất trí, những kẻ thiếu chí lớn, ngông nghênh với đám cai tù chăn trâu cắt cỏ, tự hạ thấp mình cùng lũ công an nói ngọng. Để chết dại ở lỗ chân trâu. Thảng hoặc, những anh hùng tù ngục được vinh tôn bởi một tù nhân vô loại “xuống bếp ăn vụng thit, ăn cắp cơm cháy, ăn tránh phần cơm heo”, tưởng đã chẳng hiển hách, còn bị nhục thêm. Không có gì xấu hổ để bị bắt hay tình nguyện vẽ tranh Hồ Chí Minh trong tù cả. Biết nhẫn nhục “vẽ chân dung Hồ Chí Minh cũng như vác củi, cuốc đất”. Sự bảo trọng thân xác kiểu “cũng như” đã phô bày sự tồn tại lãng nhách trong một pho hồi ký thuật viết lách còn phải học tập lâu ngày. Lãnh tụ cộng sản không chấp nê những tiểu tiết trong nhà tù. Không có thằng lãnh tụ cộng sản nào làm anh hùng trong nhà tù cả. La fin justifie les moyens. Chúng nó hèn hạ để tồn tại, để trở thành "cha già dân tộc", để trở thành Tổng bí thư và Uỷ viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng. Trong Ngục trung nhật ký, Hồ Chí Minh không ngần ngại tự khai:
Ở đời trăm sự đều cay đắng
Cay đắng đâu bằng mất tự do
Mỗi lời mỗi việc không tự chủ
Để chúng dắt đi tựa trâu bò.
“Cha già dân tộc”, chủ tịch Hồ Chí Minh “vĩ đại sống mãi” đã mất thế tự chủ, đã biến thành trâu bò cho cai ngục dắt dẫn, sai bảo. Thế giới đã quên cái hèn của Hồ Chí Minh, chỉ còn nhớ cái vĩ đại của một người đọc Tuyên Ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đánh bại thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Chúng ta đã không khai thác cái khía cạnh ở tù hèn hạ của lãnh tụ cộng sản. Chúng ta chỉ khai thác cái khía cạnh ở tù hèn hạ của chúng ta. Không hiểu nổi tâm sự và chí lớn của đại bàng, bằng thù vặc cá nhân, bằng đố kỵ hẹp hòi, bằng kết tội và phán xét thiếu suy diễn và a dua, những con chim sẽ mãi mê lép nhép. Rốt cuộc, cái tư tưởng anh hùng tù ngục nằm gọn trong tiếng ăn: “Ăn vụng, ăn cắp, ăn tranh”. Và nó chỉ có thế. Nó không thoát nổi thứ địa ngục tồi tệ với mấy trăm trang sách vô tích sự, viết lấy được, mà kiên nhẫn doc, người ta dễ dãi cách mấy cũng khó tìm nỗi hạt bụi thông minh, vết chấm tài hoa.
- Nhưng mà hên. Chóe nói.
- Hên sao? Tôi hỏi.
- Vừa sang tới đây, nó lùa chúng tao vào hội trường. Anh em đủ mặt. Thiếu anh Tế và bọn mày. Đang đêm, Mai Chí Thọ đến.
Thanh Thương Hoàng ngừng lại, kéo một hơi thuốc lá. Chậm rãi, Chiểu 2 tiếp:
- Nó thăm hỏi chúng tao. Tình cảm ra phết. Bố Côn đứng phắt dậy, đại diện anh em xin xỏ. Anh em buồn quá. Bố ấy đói thuốc đâm ra ngớ ngẩn. Thằng Trịnh Viết Thành nổi đóa. Tao phải nói bố Côn không đại diện ai cả, bố ấy đại diện cho riêng bố ấy thôi.
- Rồi sao?
- Mai Chí Thọ cười.
- Rồi sao?
- Chúng tao yêu cầu gặp vợ con. Mai Chí Thọ ô-kê. Thằng nầy thủ đoạn vô song. Nó bảo anh em ghi địa chỉ để nó sai người đi báo gấp. Và sáng hôm sau, chúng tao gặp vợ con, tiếp tế ê hề … Chúng mày sẽ được gặp vợ con.
- Sang đây làm việc gì chưa?
- Chưa. Nó quên rồi.
Anh em đủ mặt. Thế là, ngoài nhà văn, nhà báo quân đội đi trình diện học tập theo diện sĩ quan, đám văn nghệ sĩ và ký giả bị bắt trong chiến dịch 2-4-76 đã bị lùa hết về đề lao Gia Định, trừ Nguyễn Sĩ Tế vẫn cô đơn ở cachot Sở Công An.
- Phòng 5C-1 có Doãn Quốc Sĩ, Sao Biển, Hoàng Vĩnh Lộc, Vương Hữu Đức, Minh Đăng Khánh. Anh em khác trụ trì khu A, khu B, Chiểu nói. Được gần gũi nhau cũng đỡ buồn.
Khi kẻng tù báo ngủ Chiểu nói riêng với tôi:
- Ngày về xa lắm đấy, Duyên Anh ạ! Chuyện buồn nhỏ nhặt liệu mà quên.
Tôi về chỗ của tôi. Không ai được phép giăng mùng. Dzũng quan tài muốn chia máu đồng đều cho muỗi. Vì 52 tù nhân nhồi nhét vào diện tích 32 thước vuông nên Trật tự viên Dzũng quan tài đặt lệ:
- Cấm nằm co kiểu xếp thìa.
- Cấm nắm kiểu chân nầy gác lên đầu gối chân kia.
- Sắp lớp kiểu cá mòi hộp, đầu anh này là chân anh kia nằm cạnh.
- Cấm tiểu tiện ban đêm.
Chúng tôi tuân lệnh. Anh mập nằm nghiêng, anh gầy nằm ngửa. Tất cả nằm thẳng không nhúc nhích. Tôi nằm cạnh Nguyễn Tấn Lợi và Chóe, hai tên cùng to xác. Tuy kẻng tù đã điểm nhưng ngọn đèn nê-ông không tắt. Nó sẽ sáng đến lúc điểm danh sớm hôm sau. Đêm đầu, lạ nhà tù, tôi khó nhắm mắt. Nhớ câu thơ của Sông Hồ “Chuyện buồn nhỏ nhặt liệu mà quên” mà Thanh Thương Hoàng vừa khuyên vừa khuyến cáo, tôi suy nghĩ mãi. Có lẽ, mọi chuyện buồn nhỏ nhặt hết, kể cả chuyện buồn ở tù. Những ngày còn nằm bên Sở Công An, tôi đã ao ước chuyển trại. Tôi muốn biết khoảng 20 nhà tù trong thời gian ba năm. Tôi thiếu cái thung dung của Dương Nghiễm Mậu. Mậu tính mười hai năm. Tôi chỉ dám tính một cái mốc. Cộng sản đặt mỗi mốc tù ba năm. Nếu tôi độc thân như Mai Thảo, Như Phong, mọi việc quá dễ dàng. Tôi có người vợ yếu đuối, đau ốm quanh năm và ba đứa con còn nhỏ dại. Nằm tù, mà cứ lo chuyện xảy ra ngoài đời thì mau héo hắt lắm. Tôi vào tù, chắc chắn, bằng hữu đã sợ vạ lây mà xa tránh. Nghĩ ngợi lung tung, rồi ý nghĩ lại trở về nồi cháo thịt chiều 8-4-76. Tôi thèm gặp vợ con tôi để hỏi nồi cháo thịt có bị cháy đen. Nồi cháo hay thân phận tôi? Chóe đang ngáy pho pho. Lợi đã co một chân và gác chân kia lên đầu gối chân co. Mồ hôi của hai tên phì lũ chảy sang chỗ tôi khiến lưng tôi nhơm nhớp. Tôi nhổm dậy, dựa lưng vào tường, kiếm thuốc lá hút và quan sát năm mươi mốt ổ bánh mì trong lò. Có mỗi ô cửa gió, dưỡng khí ít, thán khí nhiều, mà con người vẫn sống, vẫn ăn, vẫn ngủ. Tiếng ngáy, tiếng gải ghẻ soàn soạt, tiếng mớ tạo thành một hợp âm. Thỉnh thoảng, cái chân gác lên đầu gối của anh này rơi bịch xuống ngực anh kia, hay chân anh kia đạp trúng đầu anh nọ, thì những tràng chửi thề văng ra. Nhưng tù nhân cứ ngủ. Mùi vị đề lao mới ghê. Mồ hôi chua, hôi nách, mũ ghẻ và mùi cầu tiêu, quyện lấy mùi thuốc lá, thuốc lào, nước mắm, mắm ruốc … Cơ hồ, tôi thoáng thấy mùi đau khổ.
Thả hồn theo khói thuốc, tôi về gõ cổng nhà tôi. Im lặng. Bên ngoài cũng đã là một ngục tù. Và vợ con tôi đang thoi thóp trong ngục tù bao la đó…
Chú thích:
 Đọc Sỏi Đá Ngậm Ngùi, cùng một tác giả. Nam Á Paris xuất bản 1985.
 ên thật của Thanh Thương Hoàng là Nguyễn Thanh Chiểu.