Chương 25

    
hiến dịch đánh tư sản năm 1978 tàn bạo đến nỗi Chí Hòa leo thang tù nhân. Phòng của tôi chứa 90 người. 90 người thay phiên lên “sân khấu”, điều này thôi đã đủ nói lên sự bi đát của chế độ ngục tù cộng sản. 90 tù nhân một cái cầu tiêu hạn chế nước xối. Khó mà hiểu tại sao tôi còn sống sót. Khó mà hiểu tại sao chúng tôi còn sống sót. Khó mà hiểu tại sao con người có thể vượt qua những hình phạt của thù hận để tồn tại. Và, càng khó mà hiểu tại sao con người thích trừng trị con người nghiệt ngã thế. Tôi đối nghịch tư tưởng cộng sản, người cộng sản bắt tôi, giam nhốt tôi, hành hạ tôi là điều “công bình, hợp lý” nặng tính chất lê-nin-nít. Nhưng cơ man đàn bà buôn bán và con cái họ vì sự “hợp lý” nào mà phải vào tù, phải ngồi bó gối suốt đêm ở sân Chí Hòa, khóc lóc sầu thảm? Ánh sáng quang vinh của Đảng có vinh quang thêm? Marx không bần tiện thế. Engels không bần tiện thế. Chỉ có lãnh tụ cộng sản Việt Nam mới vô liêm sỉ bắt đàn bà, con nít lùa vào các nhà tù về tội buôn bán mà họ nâng quan điểm lên hàng tư sản. Suốt đời, tôi mãi mãi bị ám ảnh bởi tiếng khóc khô cổ nghẹn lời của những người vợ, chồng đã bị lưu đầy, vợ con còn bị tước đoạt chỗ dung thân, bị tống vào tù, bị phơi nắng, dầm sương hai ngày đêm mới “nghiên cứu” phòng nhốt dồn họ vào chen chúc nhau nằm, ngồi như súc vật. Tố Hữu ca ngợi Hồ Chí Minh: “Tự do cho mỗi đời nô lệ,” rồi chính Tố Hữu và đồng bọn biến đồng bào thành nô lệ, thứ nô lệ tồi tệ hơn cả nô lệ thời trung cổ. Bài học của cai ngục Quỳnh đánh thức tôi: “Chiến đấu từ đau khổ, cố mà học nếu muốn chiến đấu chống cộng sản.’’ Tôi đã nghiến răng nuốt đau khổ, từng phút, từng giây. Với tôi, đau khổ là thực phẩm nuôi dưỡng tôi khôn lớn. Văn chương một chút và lãng mạn một chút, tôi mơ ước khám phá ra niềm bí ẩn của đời sống trong cực kỳ thống khổ. Những trang sách của ngày mai sẽ đỡ tẻ nhạt hơn những trang sách ngày qua. Có lẽ không, chắc chắn, ước mơ đã cho tôi sự tồn tại.
Sau chiến dịch đánh tư sản, Chí Hòa mở cửa đón tiếp các giáo viên Việt gốc Hoa mà họ bảo là thân Trung Cộng và làm gián điệp cho Trung Cộng. Những người này, trước 1975, đã cộng tác mật thiết với Việt cộng, đã “nằm vùng” Chợ Lớn. Thêm nữa là những người khờ khạo, nghe lời Mai Chí Thọ, đăng ký về Tầu. Trung Cộng dựng vở “Hoa nạn” chơi Việt cộng phản bội đàn anh. Hai chiếc tầu của họ đã vào vùng biển Vũng Tầu. Trung Cộng gây áp lực thì chỉ khổ Tàu máu mặt ở Chợ Lớn. Chí Hòa đầy nghẹt tù… Tầu. Nền tù ngục sầm uất, phát đạt. Chiến tranh biên giới Miên – Việt càng ngày càng khốc liệt. Chúng tôi biết qua những mảnh giấy báo “ngụy trang” gói quà thăm nuôi. Ở Chí Hòa, tù nhân cách biệt hẳn với xã hội loài người. Không được nghe ra-đi-ô, không được đọc báo. Tù nhân mòn mỏi theo tiếng kẻng răn đe. Tôi đã ngỡ mình sẽ chết tại khu FG. Bất ngờ, tháng 7-1978, chúng tôi chuyển sang khu AH, cả phòng.
AH là thiên đường của Chí Hòa so với FG địa ngục. Không còn ED chế độ riêng lẻ và đặc biệt nữa. Nhà Nước xã hội chủ nghĩa đã thống nhất nhà tù Chí Hòa. Bốn khu đều thuộc quyền quản lý của Sở Công An thành phố Hồ Chí Minh, tiêu chuẩn ăn uống giống nhau nhưng cung cách quản chế khác nhau, tùy thuộc Trưởng khu. Trưởng khu AH tên là Vũ. Anh ta còn trẻ, trên 30 tuổi, tóc hơi loăn xoăn, bồng bềnh, khuôn mặt tươi tỉnh. Đợi chúng tôi chia chỗ nằm, sắp xếp hành lý xong, anh ta đến với hai cai ngục, trẻ như anh ta. Trưởng khu Vũ tự giới thiệu tên tuổi, chức vụ của mình, rồi “tâm sự”:
- Chúng tôi không phải là công an gốc. Đồng chí Thuận, đồng chí Phong đây và tôi đều từ quân đội điều sang ngành công an quản giáo can phạm. Chúng tôi đảm trách khu AH. Tất cả sẽ dễ dàng với anh em trong khả năng của chúng tôi, yêu cầu anh em đừng gây khó khăn cho chúng tôi. Ai làm Trưởng phòng bên FG?
Phạm Văn Diện đáp:
- Báo cáo cán bộ, tôi.
- Anh tiếp tục làm Trưởng phòng. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ quân số phòng các anh là 50, tối đa 60. Anh chuẩn bị cho anh em đi tắm.
Trưởng khu Vũ nói năng nhẹ nhàng. Rõ ràng, anh ta không phải là cai tù chuyên nghiệp như Hai Phận vĩ đại, cai tù nằm vùng như Tư Long anh hùng. Anh ta là lính.
Người lính chiến, dưới bất cứ chế độ nào, dưới bất cứ mầu cờ nào, đều hào sảng hơn công an, cảnh sát. Sự dễ dàng mở màn bằng cuộc tắm giặt “bao giờ xong thì tự giác xếp hàng.” Ông Phạm Quang Khai lại được gội râu. Chúng tôi tắm giặt cạn mấy hồ nước, nước chẩy vô không kịp. Mấy tháng tắm 8 phút không dám xát xà phòng, nay được kỳ cọ, xát xà phòng, cảm giác hạnh phúc tràn trề. Trưởng khu Vũ ngồi hút thuốc lá chờ chúng tôi tắm và dẫn chúng tôi về phòng. Chúng tôi phơi quần áo ở hành lang trước phòng mình. Anh ta nói:
- Vì thiếu cán bộ mà lại đông phòng, chúng tôi không thể cho các anh tắm mỗi ngày một lần. Vậy một tuần các anh tắm ba lần, mỗi lần nửa tiếng đồng hồ. Nước dùng trong phòng sẽ tăng lên.
Chúng tôi được cấp thêm một cái phuy. Mấy ngày đầu, xuống hồ xách nước, tự do xối nước. Rồi AH dùng máy bơm nước lên các lầu. Chúng tôi xách nước vào phòng đỡ vất vả. Trưởng khu Vũ cho chứa nước vào các xô, các bình cá nhân, ngoài hai phuy đầy tràn. Nước ê hề, nạn ăn cắp, sự gây gỗ chia nước chấm dứt. Trật tự khu AH hoàn toàn mới và không đến nỗi cô hồn. Một hôm, có thằng trật tự FG sang AH, chúng tôi xầm xì, lo ngại. Trưởng khu Vũ biết, anh ta trấn an ngay:
- AH là AH, FG là FG.Tất cả do cán bộ không do trật tự.
Nhưng Trưởng khu Vũ đuổi tên trật tự FG xuống lầu 2. Anh ta cho chúng tôi mượn tông-đơ, kéo, lưỡi lam. Chúng tôi cắt tóc cho nhau. Và tôi biến thành thợ hớt tóc “hạng nhất.” Những khách hàng đầu tiên bị tôi “thí nghiệm” đều có những mái tóc đặc biệt. Tôi đã chơi kiểu tóc Jules César cho văn hào Nguyễn Mạnh Côn, kiểu tóc Indonésie cho Đoàn Kế Tường, kiểu tóc Tintin cho Đằng Giao… Cuối cùng, tôi chỉ còn cắt kéo tỉa dao. Và thân chủ của tôi là Ngụy Nghiên Trinh, Dương Đức Dũng, Hoàng Mạnh Hùng. AH là thiên đường của Chí Hòa so với FG địa ngục là vậy. Tôi không hiểu sự dễ dãi có nằm trong chính sách của Đảng? Có một chiều, sau khi điểm danh, Trưởng khu Vũ ở lại xem chúng tôi sinh hoạt. Rồi anh ta hỏi:
- Anh nào là Nguyễn Mạnh Côn?
Anh Côn đứng dậy:
- Tôi đây.
- Anh ngồi yên đi, đừng đứng dậy. Anh nào là Đằng Giao?
- Tôi đây.
- Anh nào là Duyên Anh?
- Tôi đây.
- Anh nào là Đoàn Kế Tường?
- Tôi đây.
- Dương Đức Dũng?
- Tôi đây.
- Đặng Hải Sơn?
- Tôi đây.
- Mai Đức Khôi?
- Tôi đây.
- Các anh nhà văn, nhà báo, các anh có tội với Đảng chứ không có tội với ai hết. Các anh lao động đầu óc, khác mấy anh tư sản mại bản. Tôi kính trọng các anh với tư cách cá nhân. Tôi là bộ đội, đang là công an tạm thời, chờ chuyển ngành hoặc giải ngũ. Tôi đã lấy vợ. Vợ tôi người Thủ Đức.
Chúng tôi “hội thảo bỏ túi” và đồng ý với nhau nên thận trọng với những dễ dãi của AH. Trưởng khu Vũ thích nói chuyện vớí “các anh nhà văn nhà báo”. Anh ta mời chúng tôi hút thuốc lá và không ngần ngại đến xin thuốc lá chúng tôi khi hết. Trưởng khu Vũ dễ dãi với toàn khu AH. Đặc trách lầu 3 có cai ngục Thuận và Phong cũng dễ dãi. Đằng Giao được gọi ra ngoài trang trí phòng họp và vẽ Nội san Chí Hòa, tối tối đem về phòng một bình nước nóng hổi. Tôi có những đêm ngủ ngon lành. Hạnh phúc tới về đêm. Hạnh phúc trong ca nước ấm pha muối ngâm “cái sự thừa thãi” mà gây rắc rối ở tù. AH cho phép tù nhân ra hành lang phơi nắng tuần lẽ hai lần và tự do nói chuyên với phòng lân cận. AH và FG, là hai thái cực. Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là hai thái cực. Cộng sản đầy rẫy mâu thuẫn.
Ở AH, chúng tôi đã nhìn rõ Ngô Khắc Tỉnh, Hồ Văn Châm vì hồ tắm của AH sát khu BC. Chúng tôi còn thấy mấy người Đại Hàn trên phòng. Thời kỳ này, Nguyễn Đình Toàn đã từ đề lao Gia Định qua Chí Hòa và “trụ trì” khu FG. Đứng ở hành lang AH phơi nắng, tôi nhìn Nguyễn Đình Toàn gầy ốm tắm dưới hồ nước FG. DươngĐức Dũng đã sống chung với Nguyễn Đình Toàn tại 5C-2 đề lao Gia Định và được tác giả Tro than dạy truyền khẩu mấy ca khúc như Saigon, niềm nhớ không tên, Lưu đầy giữa quê nhà… Cũng vào thời kỳ này, tướng cướp lừng danh Điền Khắc Kim đã bị đem ra nhốt ở Thanh Hóa, bị dẫn về khu AH. Cả khu xôn xao vì súng lên đạn dẫn độ Điền Khắc Kim lên cachot. Sinh hoạt của chúng tôi lại đều đặn, bình thường, buồn bã. Nhiều người đã quên FG bốn ngày cúp nước hãi hùng. Tất cả đã quên bài giảng của cai ngục Quỳnh; “Chiến đấu từ đau khổ, cố mà học nếu muốn chống cộng sản.” Chúng ta có một đức tính khả ái. Là dễ quên đau khổ. Ngay ở trong tù. Một chút sướng nhỏ đã đủ quên khổ lớn. Và hễ được vuốt ve là quên tranh đấu. Người cộng sản ưa xử dụng hai danh từ bản chất và hiện tượng. Tôi cho rằng trưởng khu Vũ là hiện tượng chứ không phải là bản chất. Bởi vì, khi con người vụt thức tìm lại cái bản chất đích thực của nó, chủ nghĩa cộng sản sẽ nghiêm chỉnh phê bình nó mang hiện tượng xấu. Cái tốt đối với chúng ta là cái xấu đối với cộng sản. Nói rõ ràng hơn, cái thiện của con người, cộng sản gọi là hiện tượng. Cái ác của cộng sản, họ gọi là bản chất. Hiện tượng và bản chất lại còn được xử dụng lung tung. Đảng sai, Đảng đổ vạ cho cán bộ và bảo đó là hiện tượng. Đảng đúng, Đảng bảo đó là bản chất. Bản chất của Đảng, thực ra, chỉ là gian ác và gian ác. Vậy nên chấp nhận hiện tượng của Trưởng khu Vũ, thứ hiện tượng dễ chịu và đối nghịch bản chất Tư Long, bản chất Đảng.
Dần dà, chúng tôi nhận ra Trưởng khu Vũ không “đóng kịch.” Anh ta còn nhiều tính người. Anh ta còn là con người. Đừng hòng một chúa ngục tặng tù nhân thuốc lá và tỉnh bơ xin thuốc lá tù nhân. Tôi suy nghĩ mãi về sự gần gũi của con người và sự tìm đến nhau của con người. Và đó là cảm hứng Thơ tù của tôi, cũng là oan khiên của đời tôi. Một hôm, cai ngục Thuận gọi Nguyễn Mạnh Côn, Đoàn Kế Tường, Dương Đức Dũng và tôi ra “làm việc.” Ở bàn giấy đầu hành lang đã pha sẵn bình trà và những cái ly nhựa. Trưởng khu Vũ chờ chúng tôi. Anh ta rót trà:
- Làm việc gì đâu. Lấy cớ mời các anh ra uống trà chơi. Các anh chịu khó đứng nhé!
Xong tuần trà, anh ta nói:
- Các anh không ở đây lâu đâu. Tôi cũng không ở đây lâu đâu. Tôi không thích công tác quản giáo tù nhân. Tôi ít tuổi hơn các anh, xin các anh một điều: Đừng chống đối cán bộ quản giáo, bất cứ nơi nào. Họ không có quyền bắt các anh, không có quyền tha các anh nhưng có quyền hành hạ các anh, đầy đọa các anh vào chỗ chết thảm.
Thật khó hiểu Trưởng khu Vũ. Tác giả Cộng sản là gì? Nguyễn Mạnh Côn về phòng bình luận: “Thằng đó không phải là cộng sản.” Tôi bỗng nhớ câu thơ bất hủ của Hoàng Cầm: Cái còn vĩnh viễn là người Việt Nam. Trưởng khu Vũ cư xử tốt với mọi tù nhân, anh ta nặng cảm tình với nhà văn, nhà báo 1. Nhờ một tên trật tự hiền lành làm môi giới, chúng tôi “mua” cai ngục Thuận bằng quần tây, áo sơ-mi mang vào tù mà khó mặc về nhà. Cai ngục Thuận thèm ăn diện, mặc cả tiền luôn. Thế là, chúng tôi lần lượt gặp mặt vợ con. Chuyện này, trưởng khu Vũ không hề biết- Mà chúng tôi không ngu kể cho anh ta nghe.
Đầu tháng 8, Phạm Văn Diện đi lao động cải tạo. Nguyễn Sơn La và Nguyễn Kiến Thiết phòng cạnh, đổi sang phòng chúng tôi. Nguyễn Sơn La, đại úy quân đội nhân dân, dân Quỳnh Côi, Thái Bình, giải phóng miền Nam xong thì được chuyển sang ngành thương nghiệp, can tội mất phẩm chất cách mạng, vào tù. Anh ta làm Trưởng phòng. Nguyễn Sơn La vui nhộn, thật thà và không ngại ngần khoe sơ yếu lý lịch… bần cố nông. Anh ta bảo vì thèm ăn ngon, mặc đẹp mà xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa.
- Bố tôi đặt tên tôi là Sơn La vì tiên đoán sẽ mất tỉnh Sơn La.
Anh ta nói oang oang. Đã hai lần ra tòa, lần nào cũng đeo quân hàm và huân chương đầy ngực. Nguyễn Kiến Thiết, thiếu úy quân đội nhân dân, đệ tử của Nguyễn Sơn La, chung một tội thụ hưởng khẩn trương, quên Bác quên Đảng. Anh ta làm trật tự phòng. Cả hai phản động hơn phản động. Trưởng khu Vũ phá lệ Chí Hòa, không phát giấy làm biên bản họp cuối tuần, Nguyễn Sơn La dẹp bỏ họp cuối tuần luỏn. Sau hết, điểm danh buổi sáng cũng lơ là. Tháng 8 năm 1978, thằng con trai đầu lòng của tôi trốn khỏi Việt Nam. Tôi nhận thư nhà bảo tin: “Cu Tí về Long Xuyên, nhưng còn rong chơi dọc đường.” Tôi lo lắng vô cùng. Chỉ sợ Cu Tí bị bắt, bố tù, con tù thì rắc rối to. Hầu như, từ hôm con tôi xuống thuyền, ngày nào tôi cũng có thư. Đến hôm, thư nhà báo tin: “Cu Tí ghé cù lao ông Chưởng rồi mới về ở với cậu Tư.” Tôi thở phào sung sướng. Con tôi đã tới hòn đảo nào đó. Nghĩa là tôi không sợ nó vào nhà tù cộng sản. 19 tuổi, tôi làm cuộc phiêu lưu Hà Nội – Saigon, tưởng đã dài. 16 tuổi, Chương còm phiêu lưu vĩ đại hơn tôi, gian khổ hơn tôi. Con tôi đã vượt biển thành công, tôi nuôi hy vọng mới: Vợ tôi sẽ đưa một hai đứa con tôi ra đi thành công. Còn tôi, tôi bình thản sống đời tù, “sống bằng không mà chết cũng bằng không.” Tôi đã sống một thuở bơ vơ và sẽ sống tiếp thuở bơ vơ còn lại.
Ở AH, Bùi Kim Bảng và Ngụy Nghiên Trinh nhận lệnh tha. Bùi Kim Bảng, nhân vật thần sầu, kịch sĩ lên “sân khấu” đúng giờ giấc, cũng để lại một kỷ niệm… tư sản mại bản. Ông ta nằm cạnh tên tù hình sự Lê Anh Kiệt. Biết chắc mình được về, ông ta nhờ cai ngục đem lại tặng Lê Anh Kiệt cái bị cói có hai món đồ. Lê Anh Kiệt hí hửng dở ra. Một: Gói thuốc lá Saigon giải phóng đầu lọc còn đầy nhưng đã mốc thếch. Hai: Gói tôm khô đã mọc rêu xanh. Tên tù hình sự đành liệng vô thùng rác. Ông Bùi Kim Bảng không hút thuốc lá. Dịp Tết, gia đình ông gửi cho ông một gói mừng xuân, ông mời tôi một điếu, hút một điếu rồi để dành chờ được tha mới… tặng đệ tử. Ông Bảng về xum họp gia đình, cả phòng mừng rỡ. Chúng tôi có thể yên lòng ăn cơm trưa, ông Bảng về, ông Phạm Quang Khai mất trộm. Mấy thằng hình sự cấu kết “đi chợ” gần hết “kho” thực phẩm của ông. Ông la lối rùm beng, kê khai hàng chục thứ. Trưởng phòng Nguyễn Sơn La yêu cầu anh em cho ông Khai khám hành lý. ông thu hồi ít bánh, ít mì, sữa bột, đường, thịt chà bông của ông, chúng nó đã ăn bằng hết hồi đêm. Nguyễn Sơn La không báo cáo Trưởng khu và cai ngục. Ông Phạm Quang Khai mất trộm, ông "ướp muối” Nguyễn Công Kha giật mình, Ồng Kha nuôi thằng bộ đội đào ngũ tên Việt, ông gửi nó giữ hộ mấy kí-lô thịt chà bông. Nó treo gần cầu tiêu. Mỗi ngày, đi cầu, ông Kha đều kiểm soát. Ông phấn khởi vì cái bị cói lúc nào cũng nặng. Thấy bạn mất bò, ông lo, ông gở bị xuống, định đem về chỗ mình. Than ôi, chỉ có mấy cục gạch!
- Sao thế này, Việt?
- Cháu không biết.
- Tao nuôi ong tay áo à?
- Ai bảo ông nuôi ong?
Nhà tư sản giận tím mặt. Vô sản nhà tù đã vùng lên và đã thắng lợi tư sản mại bản. “Bạn tù, tình nhà thổ.” Một tên tù cảm khái nói. Ăn no nê thịt chà bông của ông Khai, và ông Kha xong, đám hình sự lên đường đi lao cải. Hai nhà tư sản tiếc rẻ. Giá chúng nó đi sớm vài ngày!
Phòng chúng tôi tiếp nhận một số tù nhân vượt biên và hai ông già Tàu, can tội đăng ký hồi hương Trung quốc. Một ông tên Dương Hải Làn, ông kia Hoàng Mậu Thìn. Ông Dương đỏ da, thắm thịt, khuôn mặt giống hệt Lê Nin. Ông Hoàng nhỏ thó, thấp bé. Hai ông nằm cạnh nhau, thân thiết nhau vô cùng. Tháng 9-1978, Chí Hòa có dịch… kiết lỵ. Tôi quên chưa kể, giữa tháng 7, tù nhân không còn được ăn bột luộc nữa. Mà ăn bo bo. Bo bo nhai mỏi răng, nuốt mỏi cổ. Thoạt mới ăn, bo bo nấu như nấu cơm, thấy là lạ. Bo bo tiêu hóa thật nhanh. Ăn chừng nửa tiếng đồng hồ sau là lên “sân khấu” ào ào. Rồi đói. Mới hay, bo bo chẳng béo bổ gì. Nhiều tù nhân ăn bo bo bị bệnh tiêu chảy. Tiêu chẩy biến sang kiết lỵ. Tưởng tượng một phòng giam có mười tù nhân kiết lỵ thường xuyên trên “sân khấu.” Tanh tưởi đến buồn mửa. Y tế ở Chí Hòa tồi tệ lắm, kém xa đề lao Gia Định. Thiếu thuốc riêng là khốn khổ khi bênh hoạn. Sợ kiết lỵ truyền nhiễm cả phòng, Trưởng khu Vũ dành riêng một phòng nhốt những tù nhân mắc bệnh. Đó chỉ là sáng kiến riêng của Trưởng khu Vũ, không phải chính sách y tế của các nhà tù xã hội chủ nghĩa.
Dịch… kiết lỵ coi như không đe dọa phòng của chúng tôi nữa. Thì bất đồ ông Dương Hải Làn ngã bệnh. Ông sốt có hai hôm mà hốc hác rõ rệt, da giẻ tái lại. Bác sĩ khu AH, một bà Nam bộ tập kết, đến khám bệnh cho ông Dương Hải Làn cười mỉa ông giả vờ ốm. Và không cho uống thuốc. Bác sĩ tù có nhiều vị vĩ đại hơn Bác Hồ. Tỷ dụ, bác sĩ Lý Sen. Nhà tư sản mại bản Chợ Lớn này thừa liêm sỉ đeo ống nghe rà tim phổi bệnh nhân tù. Hãy nghe những lời khuyến cáo của bác sĩ Lý Sen ở đề lao Gia Định:
- Gội đầu nhớ khom lưng mà xối nước. Đứng thẳng xối nước, con vi trùng gàu nó bám vào dái, nó kết tụ ở đấy là sinh ghẻ!
Tôi không hiểu ông Dương Hải Làn bệnh gì và biến chứng của nó, cũng không hiểu bệnh khởi sự từ lúc nào, nhưng cười mỉa ông ta ốm giả vờ thì bà bác sĩ Việt cộng (bác sĩ đàng hoàng) này bất hủ. Sang ngày thứ tư, ông Dương Hải Làn hôn mê, cứ ôm chặt ông Hoàng Mậu Thìn mà rên ư ử. Ông ta bỏ ăn uống, tiểu tiện ra chỗ nằm. Trưởng phòng Nguyễn Sơn La báo cáo. Bác sĩ Quang của đề lao Gia Định khám bệnh. Ông Dương Hải Làn được khiêng ra khỏi phòng. Và ông chết trên đường đến bệnh viện Chợ Rẫy. Chúng tôi được uống mỗi ngày bốn viên thuốc và cấm phòng đúng một tuần. Nghĩa là không được ra ngoài tắm và phơi nắng. Ông Dương Hải Làn chết vì bệnh đau màng óc. Ông ta chết rồi, nhà tù mới cho phòng tôi uống thuốc ngừa đau màng óc và lập “hàng rào” y tế. May sao, chúng tôi không có ai… chết theo ông Dương Hải Làn.
Sau khi lệnh cô lập phòng tôi bãi bỏ, Trưởng khu Vũ gọi tôi ra “làm việc.” Anh ta mời tôi uống trà Thái Nguyên, hút thuốc lá Sông Cầu.
- Hôm qua có mấy người ngoại quốc thăm Chí Hòa.
- Phái đoàn nào đó, cán bộ?
- Ân xá quốc tế!
- Họ đến làm gì?
- Thăm anh.
- Thăm tôi?
- Lãnh đạo chỉ cho họ gặp anh Cao Dao và khước từ không cho gặp anh. Anh có khả năng được tha sớm đấỵ.
Trưởng khu Vũ gọi tôi ra báo tin thế. Tôi biết vậy, ngậm miệng chẳng nói với ai. Tự đấy sự tuyệt vọng của tôi vừa le lói một ánh lửa hy vọng. Chắc chắn, Amnesty International đã can thiệp cho một số nhà văn, nhà báo mà tôi may mắn lọt vào danh sách ấy. Tôi biết tôi không thể bị thủ tiêu, bây giờ can đảm hơn mà chịu đựng chờ ngày về đời. Tôi cảm giác mạnh khỏe, bền bỉ. Tôi đã mơ hồ thấy niềm bí ẩn của đời sống. Hôm qua không giống hôm nay và ngày mai khác hẵn ngày mai kế tiếp. Bỗng nhiên, tôi trở thành người trầm lặng nhất trong phòng. Tôi không khó chịu chuyện “’tổng thống” Bùi Ngọc Phương “tuyển lựa” nhân viên cho Phủ tổng thống ở nhà tù nữa, dù ông ta vẫn tiếp tục ngớ ngẩn. Nếu có người lạc quan coi Bộ chính trị trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là con nít, người ấv chỉ là “tổng thống cầu cơ” Bùi Ngọc Phương. Ông ta bảo ông ta chơi thân với ông đại sứ Mỹ bên Thái Lan và ông yêu cầu Trưởng khu cho ông giấy ông viết thư nhờ bạn ông giàn xểp với Đặng Tiểu Bình đừng lộn xộn chuyện Việt Nam! Trưởng khu Vũ đùa bỡn:
- Anh có biết thư anh sẽ đến đâu không?
- Biết chứ.
- Đến đâu?
- Thái Lan.
- Đến cát-sô. Anh là tổng thống cát-sô. Thế mà cũng có người theo anh chống cộng sản!
Phó thủ tướng Đỗ Văn Lựu rầu rĩ tổng thống đến thối ruột. Tổng thống y hệt Lão Ngoan Đồng, chấp nhận cuộc phỏng vấn tranh cử của ký giả Dương Đức Dũng một cách thành khẩn. Và ngồi bói bài đoán vận nước! Nhưng mà tổng thống và phó tổng thống đã ra đi. Buổi chiều hôm ấy, cai ngục Thuận đến gọi:
- Anh Bùi Ngọc Phương.
- Có.
- Anh Đỗ Văn Lựu.
- Có.
- Hai anh chuẩn bị hành trang khẩn trương.
Cai ngục Thuận khuất bỏng. Tổng thống không thèm thu xếp hành lý tù. Người đứng giữa phòng, vỗ tay ba tiếng:
- Anh em thân mến!
Tổng thống ứng khẩu bài diễn văn hứa hẹn nẩy lửa:
- Giờ phút quan trọng của lịch sử đã điểm…
Mới đến đây thì cai ngục Thuận xuất hiện đột xuất. Tổng thống đang hùng dũng, trầm giọng:
- Những ngày sống với anh em, nếu tôi có gì sơ sót, anh em bỏ qua đi nhé! Cám ơn…
Và tổng thổng vội vàng gom đồ tù ra đi. Tổng thống ra đi, phòng giam buồn hẳn. Những bạn tù đề lao Gia Định của tôi lần lượt ra đi. Tôi sẽ nhớ suốt đời tán đường của cụ Đỗ Văn Lựu. Hôm đó, chúng tôi hết đường ăn bột luộc. Thấy tôi gặm bột suông, cụ Lựu đem cho một tán. Đằng Giao bẻ tư, chia phần cho Tường, Dũng và tôi. Cắn nhìn từng chút đường đã thấy ngọt lịm họng. Hạnh phúc nó vẫn đơn sơ và đến đúng lúc người ta cần định nghĩa nó. Từ khi tôi còn viết nhật báo Sống, tôi đã không ưa Đằng Giao. Anh ta cũng chẳng ưa gì tôi. Vào tù, chúng tôi trở thành thân thiết gần như sống chết có nhau. Vì chúng tôi đã hiểu nhau, thương nhau. Đằng Giao làm cho tôi tất cả những gì anh ta có thể làm ở khu AH Chí Hòa, kể luôn việc, trước khi về phòng, nhóm bếp, nấu nước sôi, đổ bình xách về để tôi ngâm ghẻ và pha bột Bích Chi, pha mì. Anh ta không mày tao, không ông tôi với tôi nữa. Mà gọi tôi là “ông thầy.”
- Được ra, ông thầy dọt không?
- Dọt chứ.
- Ông thầy vẫn viết à?
- Chứ biết làm nghề mẹ gì?
- Tư tưởng của ông thầy tôi sợ lại làm ông thầy khốn đốn. Tôi, xưa ghét ông thầy cay đắng, sống chung với ông thầy mới thấy chúng nó xét đoán sai lầm. Khó ai chứa nổi tâm hồn ông thầy.
- Có ông, thừa rồi.
Đằng Giao vào nghề báo rất ly kỳ. Anh ta tên thật là Trần Duy Cát, bạn thân của Đỗ Tiến Đức, cùng nhóm anh em di cư Nhà Hát Tây. Đỗ Tiến Đức, thuở mới viết lách ký bút hiệu Đằng Giao. Cậu Cát thất nghiệp dài, nhờ Đức xúi vào làm nhân viên dân sự Nha Chiến Tranh Tâm Lý, mỗi kỳ Chiến sĩ cộng hòa viết một bài do Đỗ Tiến Đức cung cấp, ký Đằng Giao. Cậu Cát, lúc rảnh rỗi, ngồi vẽ vớ vần giết thì giờ. Thư ký tòa soạn Chiến sĩ cộng hòa thấy cậu vẽ đẹp bèn sai cậu vẽ thay vì viết. Cậu Cát mừng húm. Cậu vẫn ký Đằng Giao. Bạn vàng Đỗ Tiến Đức tặng cậu bút hiệu đó luôn. Rồi Đằng Giao trở thành người trình bày tuần báo, tạp chí đẹp nhất Sàigòn, nhà “cách mạng” lối trình bày nhật báo không phi lê dọc. Dĩ nhiên, cậu bắt chước báo Tây. Sự lủng củng giữa Trọng Tấn và Hoàng Anh Tuấn đã biến Đằng Giao thành thư ký tòa soạn nhật báo Thân Dân, Tranh Đấu và Sống. Đằng Giao là một hiện tượng thư ký tòa soạn, một thư ký tòa soạn không biết viết bài, dù chỉ viết một cái tin.
- Ông thầy, ông thành thật nghĩ gì về người cộng sản?
- Nói theo kiểu Nhậm Ngã Hành nhé.
- Ừ.
- Tôi khen nó giỏi và tôi khinh nó hèn.
- Nó giỏi?
- Nó đã chiến thắng, nó đã bỏ tù chúng ta.
- Nó hèn?
- Nhà văn, nhà báo chuyên nghiệp như cầu thủ bóng đá nhà nghề, cấm viết như treo giò vĩnh viễn. Là đủ thỏa mãn thù hận rồi. Bắt nhốt chúng ta, hành hạ chúng ta mà chi.
- Ông thầy đúng.
- Đúng chứ. Như ông, tội tình chi mà chúng nó hầm lâu vậy? Chúng nó nhúm cả vợ ông, cả đứa con sơ sinh của ông vào tù. Cộng sản bần tiện, không tuyết hận nổi Chu Tử, chúng nó om ông.
Đằng Giao im lặng. Người họa sĩ này chỉ cằm cọ và chưa hề vẽ bức tranh chống Cộng nào. Biệt kích văn nghệ Dương Nghiễm Mậu, cộng sản tha sớm. Biệt kích văn nghệ Nhã Ca, cộng sản tha sớm. Có 9 tháng tù. Biệt kích văn nghệ Doãn Quốc Sĩ, 4 năm. Biệt kích văn nghệ Duyên Anh, 5 năm 5 tháng. Đằng Giao lâu hơn 2.
- Cộng sản còn ngu nữa.
- Ngu sao, ông thầy?
- Nó mang trọng tội với dân tộc, với tổ quốc. Nó đã làm hỏng cái cơ may nghìn năm một thuở mà nhân loại thèm muốn.
- Là sao?
- Là cơ may văn minh, văn hóa, khoa học, kỹ thuật Đông Tây tổng hợp trên quê hương Việt Nam. Đem những tinh hoa nó học ở Liên Xô, ở Đông Âu về, hòa với tinh hoa ta học ở Mỹ, ở Đức, ở Pháp, ở Nhật về sẽ thành cái của Việt Nam. Hai mươi năm Mỹ đào tạo cho miền Nam bao nhiêu chuyên viên, chưa kịp xử dụng, nó bỏ tù và bỏ… chợ trời. Đến nỗi, người ta phải chuồn khỏi xứ sở. Nó không ngu thì nó kiêu ngạo ngu xuẩn. Nó sẽ tiếc hộc máu mồm. Muộn rồi. Cái truyền thống trả thù vặt của dân tộc mình cứ thế tiếp nối, không ngóc đầu lên nổi. Triều đại nọ phá hủy mọi công trình của triều đại kia. Người nào hay hơn ta là y rằng ta không phục, không tranh đua mà chỉ tìm cách bôi bẩn.
- Thôi, ông thầy ạ! Tôi mong ông thầy ở lại với tôi khi được tha. Ông thày chả nên đi.
- Hiểu rồi, ông ơi! Tôi biết đi cũng dở, ở không xong. Số tôi nó vậy, trót vậy.
- Tôi không đi. Tôi thề tôi không đi.
Đó là lần Đằng Giao nói chuyện với tôi lâu nhất, từ dạo chúng tôi sống chung ở Chí Hòa. Tôi mơ hồ thấy tôi sắp chuyển trại. Tháng 9, ăn cơm với thịt heo mừng “ngày lễ lớn” xong, Chí Hòa đi lao động cải tạo sôi nổi. Liên tiếp một tháng, đêm nào cũng ồn ào tiễn đưa, dặn dò. Tù hình sự nói văng mạng. Chẳng ai thèm kiểm soát ngôn ngữ, tư tưởng lúc chuyển trại đêm khuya. Các anh trên lầu của các khu tha hồ nhận bừa các em dưới ô là người tình. Anh chị đối thoại nẩy lửa. Đoàn Kế Tường đã thức, đứng sát tường, ngó qua song sắt quan sát. Tường mơ ước dựng một bộ tiểu thuyết về nhà tù. Tôi thì lại mơ ước dựng một tiểu thuyết với nhan đề Ở một nơi không có nhà tù. Cuối cùng, tôi mơ ước viết truyện thần thoại. Nhưng mọi ước mơ sẽ chỉ nhằm mục đích trả lời cộng sản: “Thế giới đâu đã đọc sách của các anh.” Ước mơ đó, tưởng đã tàn lụi ở những ngày cuối đề lao Gia Định và ở những ngày đầu Chí Hòa, bây giờ lại hừng hực trong tâm hồn tôi. Có lẽ, tôi là tù nhân may mắn đã nhập tâm bài học đáng giá của cai ngục cộng sản: “Chiến đấu từ đau khổ, cố mà học nếu muốn chiến đấu chống cộng sản.” Tối cố học, tôi chăm học. Rốt cuộc, sự thống khổ đã trở thành không tưởng với những ai xa lạ nó. Giữa những người đó và tôi đã có một cuộc ly dị buồn bã. Và tôi là con gọng vó bơi ngược giòng. Bao nhiêu con gọng vó bơi ngược giòng trong thờỉ đại khốn kiếp của tôi. Tôi đã chê cộng sản ngu, đại ngu, chí ngu là làm mất cơ may nghìn năm một thuở. Hỏi một câu ngớ ngẩn chơi. Nếu Quốc Gia Bắc tiến chiếm Hà Nội, thì sự việc sẽ xảy ra như thế nào? Tôi e rằng cũng giống cộng sản chiếm Saigon, sợ còn tệ hơn. Bởi vì, cái truyền thống trả thù vặt của dân tộc ta nó án ngữ tầm nhìn xa của sự nghiệp kiến quốc. Cho nên, người Việt Nam cứu nước rất giỏi mà giữ nước thì rất dở, làm cho dân giầu nước mạnh càng quá dở. Vấn đề đặt ra cho những người muốn làm lại quê hương Việt Nam. Thù hận dân tộc đã không giải quyết được gì, sẽ không giải quyết được gì. Phải truy nã thân phận mình, phải ra công tìm lại bằng được nhân sinh quan Việt Nam nguyên thủy thì mới hy vọng có ngày mai đại phúc của giống nòi. Điều này, tôi muốn nói với cả người cộng sản lẫn người quốc gia. Tư tưởng chiến đấu của tôi thể hiện rõ rệt trong hai tác phẩm Sỏi đá ngậm ngùi và Một người Nga ở Saigon. Tôi là người Việt Nam. Tôi không chống đối dân tộc và tổ quốc tôi. Nhưng tôi chống đối bất cứ một chủ nghĩa, một chế độ nào không đem lại hạnh phúc cho dân tộc tôi, tước đoạt phẩm cách làm người, chà đạp tự do, dân chủ, tạo dựng thù hận, hình phạt, tù ngục, chiến tranh… Những chủ nghĩa, chế độ ấy mang bất cứ một nhãn hiệu nào, tư bản hay vô sản, cộng sản hay quốc gia, tôi đều chống đối. Và ngay cả một chế độ nào đạt nổi lý tưởng thanh bình, hạnh phúc, yêu thương, đoàn tụ cho dân tộc, nhà văn không được phép quên lãng bổn phận phản kháng. Để hạnh phúc thăng hoa. Thiên đường nối tiếp những thiên đường. Chúng ta đang sống trong bối cảnh lịch sử mà nhân loại và dân tộc cần thiết những tiếng thét phẫn nộ của tư tưởng đối nghịch mọi tư tưởng phi nhân. Nhưng, hình như, những tiếng thét đó chỉ đem lại bất hạnh cho nhà văn phản kháng. Y luôn luôn bị khu trừ ở những nơi y ngậm thống khổ nhả từng sợi giây máu thức tỉnh thù hận. Thù hận trút xuống y không thương xót.
Cho nên, tôi thường nuối tiếc ước mơ tôi đã mơ ước trong nhà tù. Giá tôi không được thả về, giá tôi không đánh đu với số phận vượt biên ra ngoại quốc, tôi, mãi mãi, hình tưởng bên ngoài như mơ ước trong tù của tôi. Tôi sẽ mang mơ ước xuống huyệt mộ. Cầu mơ của tôi, tiểu thuyết của tôi, tôi đã không cho nhân vật của tôi đến cầu mơ. Mà tôi, tôi ngu dại đến cầu mơ. Có gì bên kia dốc mơ? Bạn có thể trả lời giùm tôi. Và rồi, cho phép tôi trở lại Chí Hòa.
Chú thích:
 Đầu năm 1982, tôi gặp cai ngục Thuận. Anh ta bị sa thải khỏi ngành công an, lấy cô vợ miền Nam làm nghề uốn tóc. Trưởng khu Vũ cũng bị sa thải. Cai ngục Phong mê một em tù, giúp em này trốn trại. Anh chị rủ nhau vượt biên, bị bắt và nằm tù chưa ra. Thuận kể vậy: Anh ta xin tôi 100 bạc.
 Đằng Giao về sau tôi 9 tháng.

HẾT

Xem Tiếp: ----