Chương Mười Ba
Vũ Nam, Kẻ Lữ Hành Tìm Kỷ Niệm Trên Các Vùng Đất Lạ

Qua Tập Truyện “Một Đêm Ở Genève”

    
húng ta không khỏi ngạc nhiên khi bắt gặp một bút trình lột xác của Vũ Nam sau đọc xong tập truyện Một Đêm Ở Genève. Cũng vẫn là những truyện ngắn dựa trên tình yêu. Cũng vẫn là những truyện ngắn săn tìm kỷ niệm. Cũng vẫn là những truyện ngắn thấp thoáng bóng dáng hiện thực xã hội. Nhưng ở tập truyện này, văn phong và bút pháp anh biến dạng một cách đáng ngạc nhiên, đánh dấu một cuộc lột xác ngoạn mục. Đề tài của anh tươi mát, sự diễn tả của anh linh hoạt, khí hậu trong truyện không căng thẳng và gay cấn. Đây là một thứ văn chương tròn trịa, óng chuốt, không làm độc giả nhức đầu hay làm họ chán ngán ủ ê, thiếu điều ngáp dã dượi hay ngủ gục trên từng trang sách.

Ngòi bút Vũ Nam từ quyển Một Đêm Ở Genève cho đến khi anh cộng tác cho những tạp chí văn học hàng đầu Gió Văn qua các truyện ngắn đăng trên đó biểu dương một phong độ khởi sắc, dám thọc sâu vào những nhân sinh quan kỳ đặc. Đã vậy, Vũ Nam còn cho độc giả chúng ta thấy luôn cả sự tìm tòi tuyệt vời của anh đối với cái bí ẩn của con người.
Môi Ngữ có mùi mặn, dù không có gió biển nơi chàng vàThiên đang đi. Cũng không có nước mắt. Đâu ai dễ đổ nước mắt cho một chuyện tình đã qua mười tám năm? Cũng không ai tốn nước mắt cho chuyện văn nghệ văn gừng đã muời lăm năm chưa kết nụ. Môi Ngữ có mùi mặn có lẽ vì tính tình Thiên. Bây giờ nàng trở nên cứng cỏi quá! Đất Mỹ mười mấy năm đã làm nàng trở nên cứng cỏi, từng trải? Thiên đã không còn vẻ nồng nàn yếu mềm ngày xưa. Suy nghĩ lại, Ngữ thấy nhiều khi chính mình đã không thực tế, không nắm bắt những đổi thay. Nhắm mắt một giây, như nuốt vội những chuyện không vui ở trần thế, Ngữ muốn biến mình cho nhanh chóng trở thành một lâu đài nào đó đứng sừng sững trên đồi núi cao ở miền trung Âu Châu. Đứng sừng sững với những ngạo mạn riêng và những kỳ bí riêng cho một thời đã từng là thành quách của những vị chúa tể một vùng. Đầu ngất ngưởng đội trời cao, tay đưa lên bắt mây trắng bay qua, dưới chân đạp lên những tên du khách lục đục kéo lên đồi để chiêm ngưỡng mình. Lâu đài chắc chắn không có gì để sợ. Nhưng sau ý tưởng nhân cách hóa mơ hồ ấy, Ngữ lại sợ những khám phá bên trong lâu đài sẽ làm cho những người khách uất nghẹn vì những tầm thường đã chứa đựng bên trong. Có gì bên trong lâu dài hay chỉ còn lại là những thanh đao kiếm và áo giáp sắt của những thời đại cổ xa xưa. Có gì bên trong những nhà thơ, như ý tưởng đẹp bên trong Thiên đang có, hay như là những thanh kiếm và những chiếc áo giáp sắt loang lổ mà người trông nom phải lo chùi bóng mỗi ngày để làm vui lòng những du khách sắp bước chân vào lâu đài để thăm viếng?
Những mộng mơ bao giờ cũng đi xa và đi ra ngoài những cuộc đời chân thật và tầm thường. Rốt cuộc con ngưòi vẫn cố chạy theo những hư ảo ngoài tầm tay, mà quên đi những điều thiết thực cho cuộc sống. Tấm tranh đẹp và bài thơ hay sẽ không còn đẹp và hay khi chúng ta không cho nó một mái che nắng che mưa và những ngăn tủ kín đáo để bảo tồn, sau khi tác giả đã tung nó vào cho giới thưởng ngoạn, bao gồm kẻ thanh cao và người ô trọc. Đời sống của họa sĩ ở Paris trong quyển Of Human Bondage của Somerset Maugham lúc còn tại thế thì ngày nay người Việt mình không mấy còn ai dám sống như vậy nữa. Ngữ thấy mình đã hành động không theo suy nghĩ của mình. Chàng sống hiện tại theo cái cá tính mạnh mẽ của người đàn ông, nhưng lại có luồng gió từ đâu mang về trong lòng một nỗi niềm lo âu bất chợt... (các trang 49, 50, 51)
Những nhà văn gốc Nam Kỳ ở hải ngoại có khả năng đem nhân sinh quan vào văn chương không phải là hiếm hoi đâu. Kiệt Tấn, Ngô Nguyên Dũng, Anh Vân, Trần Long Hồ, Trần Nghi Hoàng... (nam), Phan thị Trọng Tuyến, Nguyễn thị Ngọc Nhung, Trần thị Kim Lan... (nữ). Và mãi tới Nơi Cuối Dòng Sông và vài truyện ngắn trong Một Đêm Ở Genève, Vũ Nam mới bắt đầu lên đường, đào sâu tác phẩm mình bằng những nhân sinh quan thật khởi hứng. 
Doãn Quốc Sĩ với bộ trường giang tiểu thuyết Khu Rừng Lau, Nguyễn Mộng Giác với bộ trường giang Mùa Biển Động có xen lác đác vài nhân sinh quan rất phổ thông, không đặc sắc lắm, thỉnh thoảng lại có chêm vô vài dòng tả cảnh lưa thưa. Cho nên chúng ta xót xa mà nghĩ rằng: tại sao cuộc tiêu khổ kháng chiến của dân Nga chống Hoàng Đế Nã-phá-luân Đệ Nhất trong War and Peace của Léon Tolstoi, chỉ hơn một năm với gươm súng tầm thường, thế mà sau khi đọc tác phẩm của nhà đại văn hào này, chúng ta hết muốn đọc tác phẩm của Doãn Quốc Sĩ và tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác nữa. Nên nhớ: cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Pháp và Việt Minh trong Khu Rừng Lau với vũ khí văn minh và kéo dài gần 10 năm, còn cuộc nội chiến Quốc Cộng trong Mùa Biển Động với vũ khí tối tân hơn nữa và kéo dài gần 15 năm. Như thế, họ Doãn và họ Nguyễn có nhiều chất liệu tuyệt vời cho tác phẩm hơn Léon Tolstoi chứ. Nhưng tác phẩm của họ vẫn không phải là loại kiệt tác. Tiểu thuyết trường giang của họ chỉ đọc được thôi và chỉ dành cho các phê bình gia có kiến thức bị giới hạn nếu không bảo là eo hẹp vì chưa quen hoặc chưa có khả năng đọc tác phẩm có tư tưởng (triết học, tâm linh) như hai phê bình gia Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Vy Khanh... Có phải bút giả HTA có căn tính nộ lệ, thấy cái gì của cường quốc cũng ưu việt hơn cây nhà lá vườn chăng? Có phải bút giả có tinh thần vọng ngoại hết thuốc chữa chăng? Không đâu. Chúng ta nhận thấy một điều không thể chối cãi rằng, đại văn hào Nga là một chiến sĩ, rành rẻ về trận mạc và về cuộc đời cầm vũ khí đánh giặc. Trong khi đó, họ Doãn chỉ là một cán bộ trong cuộc kháng chiến chống Pháp chứ không phải là một bộ đội khi tham dự các trận mạc chống với binh sĩ Liên Hiệp Pháp. Còn họ Nguyễn chỉ là nhà giáo, dân tháp ngà, nhìn bên ngoài qua khung cửa hẹp và chỉ biết cuộc chiến Quốc Cộng qua đống tài liệu trong sách vở báo chí. Hơn nữa, Léon Tolstoi chăm sóc từng chi tiết quyển truyện, ít khi để phần kể chuyện húng hiếp phần văn chương của tác phẩm. Nghệ thuật tả cảnh tỉ mẩn và chi ly của Léon Tolstoi đẹp mê hồn. Lại thêm, chẳng những ông cho mỗi nhân vật một nhân sinh quan cá biệt mà còn cho 3 nhân vật chánh là Bá Tước Bézoukhov, Hoàng Thân André Bolkonski, Quận Chúa Maria Bolkonski tư duy về tâm linh, tôn giáo và những vấn đề siêu hình. Đằng này, ông Doãn và anh Nguyễn diễn tả cẩu thả, và lười lĩnh trong việc phơi bày tâm trạng các nhân vật, huống chi dám động tới vấn đề tâm linh siêu hình vốn là hai lãnh vực mà họ mù tịt. Nên nhớ, khi viết bộ Khu Rừng Lau, Doãn Quốc Sĩ chưa tìm hiểu về Phật giáo, nhất là chưa nắm bắt được pháp môn Thiền học.
Chúng ta hãy nghe tiếp Vũ Nam trình bày nhân sinh quan của mình khi anh nhận định vè tâm trạng và hoàn cảnh một nữ nhân vật:
Cuộc sống nàng như thành phố Austin nằm dưới lớp sương mù trong sáng nay khi Ngữ đáp phi cơ để chuyển chuyến bay đi Cali. Nàng đâu có biết, chỉ chừng cao độ hai ngàn mét nàng đã thấy nắng ấm và vùng trời xanh dương lồng lộng phía trên. Hóa ra con người vẫn và lúc nào cũng có những điều ngoài tầm mắt, mà triết lý một chút người ta gọi đó là sự vô minh Nhưng đâu phải chỉ Thiên là như vậy mà Ngữ trách nàng. Còn chồng nàng và cả chàng không đang cùng một lúc đang quay tròn trong đám mây mù đang bay thật thấp đó sao?
(trang 51)
° ° °
Trong tác phẩm Một Đêm Ở Genève, Vũ Nam tuy không chăm chút ở nghệ thuật miêu tả (tả cảnh, tà người, tả vật, tả tâm trạng nhân vật), nhưng anh vẫn không bỏ sót vấn đề này. Có nhiều nhà văn mang tiếng nhà văn đã thành danh (như Nguyễn Xuân Hoàng) hay nhà văn lớn (như Nguyễn Mộng Giác) mà lại viết những truyện ngắn cóc cần miêu tả. Trong truyện ngắn Một Người Ngồi Trong Ghế Bành, anh Hoàng không dựng được khung cảnh xung quanh chiếc ghế bành. Trong truyện ngắn Giếng Ước, anh Giác kể chuyện tuồn tuột ở quán nước về đứa con gái của ông ta. Như thế, hai anh rơi vào cái lối làm văn chương bằng cách kể truyện mà Nguyễn Ngọc Ngạn, Võ Kỳ Điền đã từng làm. Chúng ta thử đọc các tác phẩm của Hermann Hesse (chẳng hạn cuốn Demian) hay các tác phẩm của Dostoievski (qua các cuốn L’Idiot, Les Possédés) thì phần tả cảnh hơi ít, nhưng không hề vắng bặt thiếu sót. Ông Hesse lẫn ông Gide phải bận bịu giải bày tư tưởng tâm linh hay những vấn đề khúc mắc uyển chuyển như thái độ sống, nhân sinh quan thấp thoáng tinh thần minh triết (giải phóng toàn diện con người, khuynh đão hoặc đặt lại vấn tín ngưỡng, tìm chân lý ở chính mình) nên họ không có thời giờ đặt cái quan sát ngoại giới các nhân vạt trong tác phẩm của họ. Họ chỉ thích đặt cái nhìn vào trong đáy vực thẳm thẳm của tâm khảm con người, vào cái bí nhiệm của đời sống. Như thế, họ có quyền lơ là ngoại cảnh và chỉ đem vài nét tiêu biểu của ngoại cảnh vào văn chương mà thôi. Đằng này hai anh Nguyễn chỉ viết truyện tâm lý hoặc truyện có hơi hướm truyện dị thường (conte extraordinaire) mà chỉ kể chuyện thao thao, không chịu tả cảnh, tả người. Như thế thì hai truyện ngắn thường thường bậc trung về giá trị văn chương nghệ thuật như Giếng Ước, Người Ngồi Trong Ghế Bành kia khó mà lọt vào lãnh vực văn chương, không tìm được chút gì gỡ gạc hay cứu vãn được chúng lên cung bậc cao hơn. Và chắc hẳn anh Hoàng chưa quên, dù viết truyện dị thường nhưng nhà văn Mỹ Edgar Allen Poe vẫn chăm chút tả cảnh.
Những nhà văn gốc Nam Kỳ ở hải ngoại đa số chưa nắm bắt nhận định minh bạch thế nào là viết văn, thế nào là thuyết thoại; cho nên họ lười biếng chểnh mảng việc mô tả. Nhưng bù lại, họ kể truyện rất duyên dáng mặn nồng như trường hợp Nguyễn Đức Lập, NguyễnVăn Ba, Phượng Khánh, Phương Hoài Nam, Tiểu Thu, chẳng hạn. Đó cũng là trường hợp của Lê Xuyên. Có nhiều khi khung cảnh hoặc tư liệu văn chương dù không được xuất hiện trên những dòng miêu tả, nhưng lại hiển hiện ở những câu đối thoại. Riêng Vũ Nam trong Một Đêm Ở Genève khung cảnh được mô tả trong phút hồi ức của nhân vật, chớ ít khi được mô tả ngay trước mặt nhân vật khi nhân vật đóng vai trò dự khán.
Ngày bước chân vào xứ Đức trong mùa hè, buổi chiều được vị giám mục đưa lên xe hơi, đi dạo cảnh. Trời mát và hơi lạnh, tôi thấy lòng mình rộn ràng với quang cảnh đồng quê vùng Trung Âu này. Những đám ruộng, đồng cỏ xanh rì, chạy lượn, uốn mình lên xuống, trong ánh nắng chiều vàng nhạt, cùng cơn gió heo may. Những con bò Hòa lan đứng nhơi cỏ. Những căn nhà có mái đỏ tươi như gạch cua chín... Hình ảnh mà hai mươi mấy năm ở quê nhà chỉ thấy qua sách báo và lịch treo tường. Phút chốc thấy được hình ảnh thật hỏi sao lòng không nao nao hạnh phúc? Khi mùa đông đến. Khi nhặt những bông tuyết rơi thật sự đầu tiên trong đời, cứ y như là được chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên thuở cái tuổi mười hai lí lắc, nhỏ dại. Nhưng dần dà khi mùa đông về, và mỗi năm đều phải bắt buộc nhìn lại bầu trời và quang cảnh mang màu chì và trắng như bông gòn, dù công nhận tuyết phủ tuyệt đẹp trên các cành cây và từng cánh hoa dồng cỏ nội, tôi cũng cảm thấy từ từ được sự giá băng nào đó trông đời sống ở đây rồi! Ngoại cảnh cùng ngay cả trong tâm hồn.
(trang 92)
Trong mấy tác phẩm trước như Nơi Cuối Dòng Sông, Bên Dòng Sông Donau.., Vũ Nam mô tả rất nhiều khung cảnh Quê Huơng Nước Ngọt, chốn sinh quán của anh. Nhưng trong tác phẩm Một Đêm Ở Genève, anh thích mô tả khung cảnh ở ngoại quốc, nơi anh định cư (miền Tây Nam nước Đức) hay những nơi anh đặt bước chân vãn cảnh. 
Xin đọc khung cảnh cổ thành trên đảo Rodos và khung cảnh trên dỉnh núi Folimot xứ Hy-lạp. Ở đây, nét tạo hình hiện trong nhãn quan người viếng cảnh chỉ được diễn tả bằng vài nét phát thảo sơ sài, nhưng những đường nét tạo hình ấy được xuất hiện trong các giai thoại, các câu chuyện truyền kỳ nhiều hơn. Tuy nhiên, dù gì thì dù, những khung cảnh dưới ngòi bút anh vẫn làm xao xuyến tâm tư người đọc.
... Cổ thành rất rộng ở bên trong. Xem chừng dân cả phường, cả xã có thể ở được. Các lối đi đều rải lót bằng những viên đá tròn trịa, nho nhỏ, màu thẫm đen. Trong cổ thành đầy những phòng lớn nhỏ. Chắc là ngày xưa, phòng vua chúa, quan quân và cung tần mỹ nữ đều được phòng thủ chặt trong này. Và hiện nay, hàng quán du lịch, cả những khu gái điếm, đèn đỏ đèn xanh, cũng nằm chật bên trong.
Lựa một ngày có nắng, trời mát dịu, bạn đưa tôi lên xem trên đỉnh núi Folimot. Đỉnh núi cao, có nhà thờ lớn và cây thánh giá thật to. Từ đây nhìn xuống sẽ thấy được một phần lớn quang cảnh, phố xá của đảo Rodos. Nghe nói, đôi tình nhân ngoại quốc nào du lịch đến đây, nếu sắp đến ngày làm lễ hỏi, sẵn dịp, họ đều lên trên ngôi thánh đường cao trên đỉnh núi này để cử hành cuộc lễ. Họ tin vào một phép mầu nào đó ở đây, cho cuộc tình họ được muôn đời bền chặt. Một niềm tin tốt đẹp!
Tôi còn nghe được bạn kể, ở Rodos vào tháng bảy, ngày hè, có những vùng rộng lớn toàn là bướm và bướm. Không biết tại sao, và từ đâu chúng sinh ra, đổ về đây với muôn màu và tung tăng bay lượn. Chắc là như những ngày hội hay ngày Tết xứ mình. Lễ Đền Hùng. Đi Chùa Hương. Tết Nguyên Đán. Cũng đông và mặc quần áo đẹp như vậy.
Ngoài ra tôi còn nghe kể về làng treo cổ Kemmati, về dấu tích của bức tuợng người đàn ông trần truồng, thật khổng lồ, nếu không bị động đất chôn vùi khoảng hai trăm năm trước Tây lịch, có lẽ nó được xếp vào một trong những kỳ quan của thế giới. Và nghe nói Rodos cũng đã từng bị động đất chôn vùi, và sau đó lại nổi lên.
Ngày cuối cùng trước khi lên phi cơ về lại Đức vào chín giờ đêm, tôi đi dạo phố một lần cuối. Nắng vàng rực rỡ trong ngày. Chóp ngôi thánh đường đạo Hồi ngất ngưỡng, nhưng cô đơn, trong xóm vắng người Thổ. Những hàng cá mực tươi rói được dựng lên dã chiến bên đường để bán cho khách vãng lai. Những chiếc xe lên xuống đồi phản chiếu đầy những ánh nắng như kim tuyến. Hôm ấy nắng thật đầy, khung cảnh thật ấm, nhưng vẫn gợi trong tôi nỗi ngậm ngùi, tự nhủ với lòng rằng nơi đây cũng là nắng ấm, nhưng ấm sao bằng nắng ấm Quê hương...
(các trang 97, 98)
 ° ° °
Một Đêm Ở Genève gồm 11 truyện ngắn gồm có dăm ba truyện tình, vài truyện hiện thực. Nhưng bài Đoản Văn Cho Quê Hương Và Cho Luyến cùng bài Nắng Nơi Đây Cũng Là Nắng Ấm không có cốt truyện dồi dào biến động như các truyện ngắn, nhưng với lối hành văn đẹp, gợi trong ấn tượng độc giả những hình ảnh buồn man mác, chúng có thể thăng hoa và hóa thân thành những bài thơ đẹp bằng văn xuôi.
° Nắng Đây Cũng Là Nắng Ấm nói lên chuyến du lịch của tác giả trên đảo Rodos của xứ Hy-lạp, một xứ có niều đảo nhất thế giới. Đây là một bài du ký nho nhỏ nói lên chí phấn đấu lập nghiệp của người bạn tác giả. Khi thoát ly khỏi bức màn tre của Cộng Sản, đương sự bắt buộc phải chọn Hy-lạp làm xứ sở định cư mà đương sự không hề biết tiếng bản xứ cùng phong tục, lối sống và trạng thái tinh thần của dân Hy-lạp. Vậy mà bây giờ đương sự đã là chủ nhân tiệm ăn, có thể nói trôi chảy tiếng Anh, tiếng Hy-lạp. Tuy nhiên tùy theo nhu cầu mùa du lịch, đương sự có thể theo bước chân du khách di chuyển từ đảo này sang đảo nọ trên vùng biển Địa Trung Hải để mở nhà hàng. 
Xứ Hy-lạp nổi danh từ thời Thượng Cổ có một nền văn minh rực rỡ. Trong lãnh vực văn chương, truyện Thần Thoại Hy-lạp (La Mythologie Grecque) với một ông Thượng đế giả tưởng Jupiter và các vị thần giả tưởng như Nữ thần Thiên hậu Junon, Nữ thần Nhục cảm Vệ Nữ, Nữ thần Hòa bình Hạnh phúc Minerve Nam thần Thái dương Apollon, Nữ thần Thái âm Diane, Nam thần Chiến tranh Mars, Nam thần Ngoai giao và Thương mãi Mercure, Tửu thần Baccus... Tất cả đều ở trên Thiên cung tọa lạc tận tuyệt đỉnh của núi Olympia. Dù là Thượng đế hay thần tiên giả tưởng như Bà Chúa Thượng Ngàn, Bà Chúa Đền Sòng, Cô Ba Thoải Phủ, ông Hoàng Bơ bên Việt Giáo ngoài đất Bắc xứ ta, nhưng trong thói mê tín của dân Hy-lạp thời Thượng Cổ, họ được sùng bái lập đền thờ. Bây giờ trên đất nước Hy-lạp hay trên các đảo nhỏ vẫn còn nhiều di tích đền thờ các vị thần trong thần thoại và truyền kỳ, tất cả đều đổ nát, chẳng hạn như đền thờ Athène (đền Nhã- diển) thờ nữ thần Minerve. 
Thần thoại cùng Thượng đế và chư thần giả tưởng dù là bịa đặt, dối láo nhưng tất cả kết hợp thành cái nôi vĩ đại và diễm kiều cho các nghệ sĩ đủ bộ môn nghệ thuật bên Âu Châu và tràn qua Mỹ Châu. Ngày nay dân Hy-lạp theo đạo Thiên Chúa Chính Thống (l’Orthodoxe). Cho nên về phương diện tín ngưỡng và tâm linh, họ không thích nhắc những bậc siêu phàm giả tưởng ấy nữa.
Theo bước nhàn du của Vũ Nam, độc giả chúng ta sẽ thấy xứ Hy-lạp nghèo nàn, sống bằng nghề đón tiếp khách vãn cảnh trong những chuyến du lịch mà thôi. Nhưng Rodos chỉ là một hải đảo trong vùng hải phận của hai xứ sở thù ngịch là Hy-lạp và Thổ-nhỉ-kỳ. Nhưng anh có thể viếng thăm cổ thành, có thể sưởi nắng ấm và hứng gió biển mát mẻ, có thể mường tượng tới bươm bướm từng đàn bay về theo lời người bạn của anh kể. 
° Đoản Văn Cho Quê Hương Và Cho Luyến’tuy là một đoản văn về phương diện hình thức, nhưng lại có tinh thần và phong thái của một bài thơ bằng văn xuôi. Các bạn nữ độc giả nào có tâm hồn được tuới tẩm bằng cơn mưa trữ tình, bằng hơi sương lãng mạn có thể xem đây là một truyện tình với một cuộc tình mới tượng hình mà chưa kịp thành hình để rồi tan biến trong thời cuộc nhiễu nhương.
Cốt truyện chẳng có gì hấp dẫn đâu. Tác giả không cho độc giả biết tình yêu của nhân vật xưng anh  (có thể là tác giả) với cô giáo tên Luyến xảy ra từ lúc nào. Nhưng khi từ Sài Gòn về Bà Rịa trên chuyến xe đò, nhân vật xưng anh đã gặp Luyến cưỡi xe đạp ngược gió về tỉnh. Hình ảnh đó ghi một ấn tượng sâu đậm vào ký ức đuơng sự. 
Xe chạy qua rồi anh còn cố gắng quay lại nhìn em. Và chắc một điều là em không bao giờ thấy anh. Xe chạy bằng máy nên nhanh quá, trong khi đó em phải dùng sức để lăn chuyển bánh xe của đời em thì làm sao nhanh được. khi em từng biết em là kẻ chân yếu tay mềm! Vì thế mà không bao lâu sau đó em đã bỏ đất nước này, bỏ thị xã nhỏ bé đó để lên đường ra biển. Ngay chiều hôm ấy anh muốn kêu người tài xế cho anh xuống để cùng đạp với em trên quãng đường còn lại, như anh đã từng ao ước được đạp cùng với em những chông gai cho cả cuộc đời của hai đứa mình, nhưng sao anh lại cứ ngập ngừng y như ngập ngừng không dám nói lời cầu hôn với em, và chiếc xe đạp cứ lao đi chứ có chờ đợi ai đâu! Phải chi anh xuống để đạp chở em đi một đoạn đường, chắc có lẽ anh đã biết ý định của em sẽ ra đi trong những ngày sau đó. Dù sao thì nếu biết trước anh vẫn thấy đỡ xót xa hơn, lòng đỡ quặn thắt hơn.
(các trang 68, 69)
Đó là buổi gặp gỡ sau cùng của cả hai. Nhưng Luyến không thấy đương sự trong xe. Rồi Luyến vượt biên. Sau đó đương sự cũng vượt biên. Luyến định cư trên đất nước Hợp Chúng Quốc, còn đương sự định cư trên nước Đức. Nhưng suốt 18 năm qua, mỗi lần viéng các tiểu bang đông đúc kiều bào, đương sự có thể gặp dân vùng ven biển Bà Rịa. Trong vùng đó có cái ấp sinh quán của anh là ấp Nước Ngọt mà anh thường gọi một cách âu yếm là Quê Hương Nước Ngọt Nhưng không bao giờ anh gặp lại Luyến. Nàng đâ trở thành bóng chim tăm cá trong cuộc đời anh mất rồi!
° Những Áng Mây Ngày Cũ không phải là một truyện ngắn mà là một đoạn hồi ký tuổi thơ và tuổi hoa niên của tác giả lồng trong cái bối cảnh vào thuở bình minh cuộc nội chiến Quốc Cộng. Ở giai đoạn đầu, gia đình tác giả ở ấp Nước Ngọt thuộc xâ Long Hải, một vùng bất an ninh mà có một dạo dân chúng Miền Nam Việt Nam gọi là vùng xôi đậu. Ông trưỏng ấp bị Việt Cộng buộc phải bỏ chức trưởng ấp. Nhưng ông ta không nghe lời bọn hắn nên bị bọn hắn chém đầu. Còn cha tác giả thì bị ở tù vì tội bán nhu yếu phẩm cho Việt Cộng. Vào lúc tác giả 7 tuổi, gia đình anh phải bỏ ấp sang định cư tại xã Long Hải, nơi đây thuộc vùng được phe Quốc Gia kiểm soát, nên tương đối an ninh hơn. Mẹ tác giả phải bương chải buôn gánh bán bưng để nuôi năm đứa con (bốn gái một trai).
Sau một năm ngồi khám, cha tác giả được trở về với gia đình, làm nghề đi biển. Khi có vốn khá, ông mới mở tiệm bán cà phê cho dân vùng biển. Và khi Phước Hải trở thành vùng xôi đậu thì bọn Việt Cộng đêm đêm về thu thuế cư dân, bắt họ đi dân công. Có người bị bắt đi luôn. Có kẻ được cho về nhà, trong số người được may mắn có một người chị của tác giả.
Dù sống trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng của một góc trời nhỏ bé tưởng chừng như bị thế nhân lãng quên ngờ đâu lại bị xáo trộn trong giai đoạn nhiễu nhương của lịch sử, vậy mà tác giả vẫn vui sống, hồn nhiên hưởng một thời thơ ấu thơ mộng bên bờ vùng biển mặn. Nhưng tai họa gia đình chưa chấm dứt đâu. Người chị thứ tư của anh, một cô nữ sinh lớp Đệ Lục chết vì chứng bịnh phong đòn gánh (người Bắc thì gọi là sài uốn ván). Rồi cuộc sống lại tiếp tục sau một thời gian tang tóc. Tác giả cùng trẻ nít xóm giềng bày nhiều trò chơi hấp dẫn, cùng dàn trận đánh lộn với lũ chăn trâu. Trong khi đó, chung quanh họ thời cuộc tiếp tục căng thẳng. Lại thêm một sự bất hạnh. Người chị trưởng trong gia đình sinh một lượt ba đứa bé gái, nhưng chúng chỉ là những hài nhi hữu sinh vô dưỡng. 
Thời hoa niên của tác giả chấm dứt khi anh học xong lớp Đệ Lục. Thế là anh phải lên tỉnh Bà Rịa tiếp tục học hành. Nhưng đất nước lại càng xảy ra nhiều cơn khủng hoảng khi chiến tranh toàn thể Miền Nam Việt Nam càng ngày càng gia trọng.
° ° °
Những truyện ngắn trong Một Đêm Ở Genève thường lấy đề tài những người đàn ông chạnh nhơ tình xưa, tìm về kỷ niệm bên cạnh người yêu đầu đời. Kỷ niệm được gói trong cuộc tình ít khi tạo cơ hội cho tác giả có cái nhìn rộng lớn phóng chiếu lên cuộc sống phồn tạp và đa dạng. Nhưng Vũ Nam vẫn làm cho chúng ta bàng hoàng trước lớp sóng phế hưng dâu bể kéo tràn lên lịch sử dân tộc ta để chúng ta hoài niệm đến bài Thăng Long Hoài Cổ của Bà Huyện Thanh Quan với hai câu thơ: Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt’/ Nước còn cau mặt với tang thương’’.
° Truyện ngắn cùng tựa với tập truyện Một Đêm Ở Genève nói về mối tình giữa nam nhân vật tên Thanh và nữ nhân vật tên Phương lớn hơn Thanh 4 tuổi Thưở ấy Thanh 15 tuổi nên Phương xem đương sự nhu một cậu em ngoan. Còn Thanh yêu nàng bằng mối tình đơn phương thầm kín. Trong cuộc cắm trại, Thanh được Phương cho ngủ chung, Nhung rồi:
Nửa đêm, không biết có phải từ giấc mơ, hay một hành động vô tình Thanh ôm ấp chị Phương trong người, bàn tay tìm kiếm... Khi chị Phương tỉnh giấc, cậu bé cũng chợt tỉnh từ cơn mơ. Từ đó, kể từ đêm đó chị Phương không bao giờ nói chuyện với Thanh nữa. Khi đi ngang qua nhà Thanh chị chỉ cúi đầu để đi.
(trang 16)
Rồi đó, cả hai cùng bước vào đời, dĩ nhiên chuyện cũ cũng đã bị mài dũa hết những sần sượng gai góc, những góc cạnh thô nhám và tác giả cho biết:...
Mỗi khi hai người gặp nhau, chị Phương làm như đã quên chuyện cũ, chuyện trò đằm thắm với Thanh như thuở nào. Còn Thanh, lần vuốt ve chị Phương trong đêm tối như một vết thẹo. Vết thẹo đầu đời, trần tục, đớn đau.
(trang 17)
Sau đó Thanh cưới vợ cùng trang lứa với chàng. Chị Phương kết hôn với một sĩ quan hải quân. Sau khi Mièn Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng quân miền Bắc, chồng chị Phương bị đi học tập cải tạo, chết trong tù. Thanh cùng vợ con vượt biển truớc, sang định cư bên Tây Đức. Còn chị Phương vượt biên sau, được người bạn chồng bảo lãnh nên chị định cư bên Thụy-sĩ. Chị kết hôn với đương sự. Chị viết văn, xắn từng mảnh đời khổ lụy của mình đưa vào tập truyện ngắn của mình. Hôm chị ra mắt sách có mời Thanh qua Thụy-sĩ tham dự.
Sau đó, Thanh được vợ chồng chị mời về nhà nghỉ ngơi. Tối hôm đó vào lễ Quốc Khánh của nước Thụy- sĩ, hai chị em cùng xem lễ đốt pháo bông. Chị Phương kể lể chuyện đất nước cùng chuyện gia đình của mình cho Thanh nghe. 
Hôm sau, Thanh về nhà vào lối 10 giờ tối, bắt gặp mọt cảnh tuợng kỳ thú:
... Cả nhà đã đi ngủ. Chỉ cậu con trai mười bốn tuổi còn thức, đang đứng bên cửa sổ nhà nhìn xuống đường xem hai cô gái Đức khoảng mười sáu tuổi đánh vũ cầu. Trời mười giờ, trong mùa hè chưa tối hẳn, nhưng đèn đường đã được bật lên, ánh sáng đèn đường vàng chiếu rọi xuống con suối bên cạnh nhà, phản chiếu lại làm khung cảnh chơi của hai cô gái đẹp lạ lùng. Cậu bé hơi ái ngại khi thấy ba mình bắt tại trận mình đang nhìn trộm hai cô gái. Thanh lại bắt gặp hình ảnh mình qua hình ảnh đứa con trai cách đây hai mươi lăm năm. Nhưng ở dưới kia không ai là chị Phương cả! Thanh mong sao con trai mình đừng có những mộng mị tầm thường như mình khi tuổi vừa mới lớn.
(trang 37)
Cái đề tài mối tình ngây thơ của cậu bé trai đang độ hoa niên yêu cô thiếu nữ lớn tuổi hơn mình đã có nhiều nhà văn khai thác rồi. Ở đây, tác giả Vũ Nam dàn dựng một chị Phương có thái độ úp mở cực kỳ quyến rũ. Chị có thực tình giận Thanh sau đêm ngủ chung không? Hay chỉ là phản ứng bề ngoài của cô thiếu nữ con nhà lễ giáo? Cớ sao chị lại quay mặt lạnh nhạt với Thanh lúc đầu để rồi sau đó ít lâu lại đối xử với Thanh thật hồn nhiên thân ái như thuở trước? Tác giả để độc giả tự phán đoán lấy. Mỗi người có một phán đoán riêng, một giải thích riêng. Do đó truyện ngắn có một chiều sâu hun hút và tâm hồn chị Phương có một chút bí mật kỳ diệu riêng. 
° Truyện ngắn Buổi Chiều Trên Thành Phố Lạ cũng vẫn là một chuyện tình xa xưa mà đôi tình nhân gặp lại nhau dưới bầu trời nắng ấm Nam Cali. Sau khi đất nước đổi cờ, cả hai cùng vượt biên. Ngữ, nam nhân vật định cư bên Thụy-sĩ, sính làm thơ, nhưng tác giả không khẳng định nghề tay mặt của chàng là nghề gì. Thiên, nữ nhân vật định cư ở Nam Cali. Nàng là vợ một doanh thương khá giả. Nàng phiền muộn vì ông chồng không bao giờ tìm hiểu nỗi niềm cô đơn của nàng. Cho nên nàng tìm sự an ủi ở mối tình xưa qua sự trao đổi thư từ với Ngữ. Tối hôm đó, nàng muốn chàng nghỉ đêm ở nhà vợ chồng nàng. Nhưng chồng Thiên có thể vì ghen một phần, nhưng cũng muốn cắt đứt những giây mơ rễ má đang vướng víu loạn xạ trong trái tim của Thiên nên bảo Ngữ:
-- Từ lâu tôi đã có đọc đưọc thư từ qua lại của anh và nhà tôi, dù nhà tôi cố  giấu. Lúc đầu thì tôi hơi ghen, nhưng thú thật với anh rồi từ từ tôi thấy không có gì để ghen tức nữa. Nhà tôi cứ sống trong mơ mộng. Gặp anh cũng là người mà theo tôi chỉ biết mộng mơ. Nhà tôi âm thầm chê tôi là người kém hiểu biết hơn nàng, thì ắt hẳn phải khen anh. Nhưng anh đến đây rồi anh mới thấy. Ở Mỹ không chỉ khư khư ôm chuyện mơ mộng, chuyện văn chương làm lẽ sống. Phải thực tế một chút chứ! Con cái đã lớn rồi. Nhưng cái tôi không ngờ là anh cũng cố gắng ghé thăm vợ tôi, trong khi đáng lẽ anh không nên ghé thăm. Có ích lợi gì? Đúng như trong thư anh hay viết hai chữ phù phiếm. Đúng, anh phù phiếm lắm! Hôm nay tôi về trước một giờ là để muốn cho anh một bài học. Có thể chuyện viết thư tôi dở hơn anh, nhưng chắc chắn là tôi không mơ mộng lẩm cẩm như anh đâu. Vợ của người khác mà các anh cũng đem lòng thương nhớ mới thật là kỳ. Những mối tình thời học sinh ai lại không có, bao giờ lại không đẹp. Nhưng đừng có lấy nó để làm tan hoang hạnh phúc hiện tại của kẻ khác...
(các trang 52, 53)
Cái tình ý ẩn giấu sau lưng mặt chữ của câu chuyện là cái mơ mộng phù ảo đẹp lộng lẫy chạm trán với cái thực tế cứng cỏi, thô tháp và phũ phàng. Cái bạc nhược làm sao chống chọi nổi với cái thô cứng? Cho nên Ngữ đành trở về khách sạn mà chàng đã thuê phòng trước khi tìm gặp Thiên. Chàng không hờn chồng Thiên, chỉ giữ lại trong ký ức mình giọt nước mắt của Thiên vào phút đầu tiên gặp chàng.
° Truyện ngắn Tìm Lại Hư Không là tryện tình thơ mộng ở 4/5 câu chuyện. Phần còn lại là câu chuyện có thể là quái dị mà cũng có thể là nói lên cái ám ảnh hay cái tự kỷ ám thị của nam nhân vật chính.
Truyện rằng từ Âu Châu (tác giả không nói rõ nước nào) Đạt qua Houston (tiểu bang Texas) rồi đến tiểu bang Florida để tìm Xuyén, người tình cũ của chàng khi cả hai còn ở Bà Rịa. Đây cũng là dịp chàng tìm một cuộc tình mà đoạn cuối lại có cảnh ly tan. Xuyến có chồng một sĩ quan Hải Quân, để rồi sau khi Cộng Sản cưỡng chiếm Miềm Nam Việt Nam, cả hai (Đạt và Xuyến) lạc loài nhau, mỗi người định cư trên một đất nước riêng trong bốn phương trời hải ngoại. Tìm người yêu cũ vẫn là vấn đề then chốt trong cuộc bút trình của Vũ Nam. Nhưng sau lưng những nhân vật thường có bối cảnh Bà Rịa lót nền và chung quanh họ nổi bật biết bao kỷ niệm của ngày xưa thân ái, của cuộc tình đầu đời thơ mộng trong vùng trời nước bao la:
Thị xã nhỏ bé Bà Rịa lại trở về với Đạt. Hình ảnh Xuyến lại trở về. Những con đường nhỏ có lá me bay. Với Phòng Thông Tin đầy én lượn. Thị xã tí hon nầy như một nhịp cầu cho khách nhàn du trong những ngày cuối tuần khi từ thành phố Sài Gòn muốn đi về tắm biển Vũng Tàu, Long Hải. Khách nhàn du qua rồi lại, đến rồi đi, chớ ít có ai để ý hay nhớ gì đến nó một khi đã đi qua. Và chỉ ai có lớn lên trong cái thị xã bé nhỏ này, khi xa nó mới nhớ đến nó. Cũng giống như ai đã từng lớn lên ở Vũng Tàu, Nha Trang thì khi xa lại nhớ về miền thùy dưong cát trắng, có sóng biển nhấp nhô, với Hòn Chồng, với Cầu Đá...; ai đã ở Đà Lạt mới nhớ đến những đồi thông, thác nước, bầu trời buổi sáng ẩm ướt mù sương... Còn Đạt và Xuyến chắc khi nhớ đến Bà Rịa duy chỉ còn nhớ đến những con đường nho nhỏ, những hàng quán im lìm, thơ mộng, thậm chí có một vài hàng quán trông tồi tàn với những ngọn đèn trong đêm hiu hắt: tiệm hủ tiếu, quán chè, quán cà phê, và những con đường, công sở, tàn cây, ngôi trường học..., đâu đâu trong thị xã vẫn nổi hằn nét nhỏ nhắn, bình dị, êm đềm.
(trang 151)
Tại một thành phố biển của tiểu bang Florida, Đạt và Xuyến vừa dạo chơi vừa ôn chuyện cũ. Nhưng khi tới chỗ người câu cá sát ven tưòng, Xuyến giục chàng rời khỏi ngay. Nàng kể luôn, cũng tại chỗ này, nàng đã xô chồng mình xuống biển lởm chởm đà để giết chết chồng. 
Thế rồi trong chuyến trở về nhà, Đạt chớt thấy một cảnh tượng quái dị:
Đạt đâm ra sợ như không còn muốn ngồi gần bên Xuyến nữa. Trong bóng đêm giờ Đạt tưởng tượng ra chắc gương mặt Xuyến bây giờ mang vẻ hung tợn lắm. Với giọng nói có âm hưởng cộc cằn, dữ tợn. Chàng vì uất ức, dù là sợ nhưng cố làm gan để hỏi Xuyến cho ra lẽ:
 -- Nhưng tại sao em lại giết Tường?
-- Tại ảnh đào hoa quá! Hết cô tình nhân này, đến cô tình nhân khác. Tại vì ảnh đã phụ bạc em. -- Té ra mọi chuyện cũng chỉ vì tình. Nhưng em có thể xin ly di kia mà.
-- Thôi bỏ chuyện cũ đi. Chuyện dông dài. Ly dị với không ly dị. Trời đã khuya rồi. Hay bây giờ anh muốn xuống lại biển?
-- Thôi cô! Tôi sợ biển rồi!
-- Ha...ha... ha.
Giọng cười Xuyến, Đạt nghe sao lảnh lót!
Chiếc xe bỏ cảnh biển ban đêm sau lưng. Đến một khúc quanh, đường không còn một ánh đèn, trong xe tối như đêm ba mươi, Đạt quay qua thấy người ngồi bên cạnh mình bây giờ không phải là Xuyến nữa, mà là Tường. Rõ ràng là Tường. Mặt đầy máu me. Đạt ú ớ la lên.
(các trang 164, 165) 
Đây là một truyện ngắn tuyệt vời trong những truyện ngắn hay nhất của Vũ Nam. Nhưng nó làm cho chúng ta bàng hoàng dao động tâm tư nếu không bảo là thảng thốt kinh dị ở đoạn cuối. Đứng chung với các truyện ngắn êm đềm, buồn bã và thơ mộng khác, nó có vẻ lạc loài thế nào ấy! Có lẽ anh nên xếp nó vào cuốn tập truyện khác gồm toàn những truyện dị thường (contes extraordinaires) hay truyện quái dị (contes fantastiques) thì đúng chỗ hơn.
° Truyện ngắn Những Vì Sao Lạc nói về cái đam mê của ông Tham đối với  một thiếu phụ trẻ đẹp người Đức tên Himmel. Số là Himmel, Tâm và ông Tham cùng làm việc trong hảng Hugo. Cả ba đều có gia đình. Nhưng Himmel có tánh đong đưa, bắt tình với Tâm cùng trang lứa với nàng. Tâm thạo khoa ăn nói, thạo viết thư tình rất mùi mẫn du dương. Còn ông thì nhút nhát. Himmel có một cuộc sống song đôi (double vie) rất kỳ lạ. Xin đọc: 
... Lúc ở nhà Himmel xứng đáng là một người vợ, người mẹ, ai cũng nói như vậy. Trong hảng nàng có tiếng là người nữ công nhân tốt, siêng năng và đầy trách nhiệm. Nhưng nếu là người tình trong đêm họp mặt cuối năm vui chơi trong hãng, hay những đêm về nơi quán vắng cùng những bạn đồng nghiệp, mà trong đó có hiện diện một bóng người tình thì sao? Mọi người đều cho rằng Himmel rất tuyệt vời trong tất cả các vai, và vì thế nếu nàng có bị chồng ghen thì ít hay nhiều cũng có cái lý do của nó!
Nàng yêu Tâm, Tâm yêu nàng, cả hai đều biết, ai ai trong hãng cũng đều biết, dù họ có lén yêu nhau. Nhưng nàng sẵn sàng lả lơi liếc mắt đưa tình ngay với một người đàn ông đồng nghiệp nào đó, nếu ông ta hoặc anh ta tỏ ra quá si mê nhan sắc nàng, ngay cả trước mặt Tâm hoặc các xếp lớn. Đến đỗi đôi khi Tâm còn phải tâm sự với ông Tham, nàng có quyền yêu bất cứ ai nếu nàng thích, mình có phải chồng nàng đâu mà ghen...
(các trang 136, 137)...
Nghe Tâm kể, lúc anh còn làm việc ở đây, đã có lần anh rủ Himmel đi Paris chơi trong hai ngày cuối tuần, nhưng nàng không bằng lòng. Nàng nói với Tâm: Tôi rấr sợ đi xa như vậy vì ông xã tôi ghen! Chúng mình chỉ yêu nhau trong giới hạn! Cũng như Tâm đã thất vọng khi hẹn sẽ gặp Himmel vào một ngày hè nào đó trên bờ biển ở đảo Kreta của Hy-lạp, vì theo Himmel đó là một sự phiêu lưu mạo hiểm cho Tâm, cả cho nàng. Tâm vội bỏ Đức Quốc, bỏ Himmel, mang vợ con đoàn tụ với cha mẹ ở Úc theo diện di dân như thể trốn chạy những lời trêu ghẹo có thể xảy ra của bạn đồng nghiệp trong hãng. Hoặc trước sau gì mọi việc rồi cũng đến tai người vợ đã cùng chung với mình vui buồn, chăn gối trong gần mười năm qua.
(các trang 138 ; 139)
Tâm bỏ đi, rồi Himmel cũng đổi chỗ làm vì tiếng đồn bất lợi lan rộng trong hãng. Ông Tham chuẩn bị ve vãn nàng, thường đến thăm nàng ở một siêu thị mà nàng làm việc với chức vụ bán hàng. Lần sau cùng, khi nàng tan việc trong ngày, ông rủ nàng đi uống cà phê thì nàng hẹn hôm khác. Nhưng... 
... Trước khi chia tay, như một sự lợi dụng mơ hồ, ông nắm vội bờ vai Himmel, để đôi má hơi nhăn nheo của mình lên đôi môi hồng hào son phấn của nàng. Nàng chấp nhận thật an nhiên với nụ cười thật tươi. Có thể nàng xem đó như một nụ hôn từ giã, hay một dấu hiệu mối tình vừa chớm nở. Nhưng cùng lúc ấy cặp đèn xe của người nào sáng hoắc rọi thẳng vào hai người đang đứng. Một người đàn ông Đức to lớn bước xuống xe và tiến lại phía hai người. Himmel nói nhỏ: mein Mann! Chồng tôi! Ông tham chỉ còn kịp nghe người này nói với ông một câu: Ông T..T..a..a..m, tôi nghe đến ông lâu rồi nay có dịp gặp! Chào! Hẹn tái ngộ! Sau đó chồng Himmel nắm tay Himmel dẫn nàng đi khuất vào bóng đêm. Ông Tham không nhận ra kịp chồng Himmel đã kêu tên ông hay tên Tâm. Trong đời, chưa bao giờ ông thấy đêm nào trời lạnh như đêm nay! Trên trời, mùa đông không có sao, nhưng ông thấy hình như có một vì sao vừa băng.
(trang 146)
Người Âu Châu hay Hoa Kỳ đều gọi tên Tâm và tên Tham bằng Tham như nhau. Ở đây, có lẽ Himmel thường hay nhắc nhở Tâm hoặc nhắc nhở ông Tham hay nhắc nhở cả hai trước mặt chồng mình, coi như nhắc nhở những người đồng nghiệp, thế thôi. Sau khi vợ chồng Himmel đi khuất, ông Tham có thể nghĩ rằng mình gỏ cửa gọi Tình Yêu không đúng chỗ vì mình tìm sai địa chỉ nên không tới gặp ngôi đền Tình Ái mà chỉ gặp nhà xác. Nhưng tác giả lại cho biết, sau khi đặt má mình kề đôi môi Himmel, ông Tham lẫn Himmel bàng hoàng. Độc giả cũng bàng hoàng theo họ. Ông Tham bàng hoàng vì say tình. Himmel bàng hoàng vì lẽ gì không ai hiểu rỗ. Con độc giả bàng hoàng vì băn khoăn tự hỏi, cử chỉ đột ngột của Ông Tham liệu có chinh phục trái tim Himmel không? Hay là nàng cảm ứng động tình trong giây phút ngắn ngủi để rồi sau đó nàng lấy lại sự thăng bằng cho chính mình. Himmel không phải là gái cao sang quyền quý hoặc có học vấn cao hay có trình độ kiến thức vượt bực hơn kiến thức các cô gái thuộc thành phần trung lưu cấp thấp. Nàng không nết na, khi ra khỏi nhà và khi tan sở là hiện nguyên hình một phụ nữ thác loạn về tình dục (la nymphomane). Nàng có thể nhận biết mối tình si của ông Tham mỗi lần ông đến thăm viếng nàng. Nhưng nàng không tỏ thái độ gì ngoài sự ân cần thân mật. Không ai có thể hiểu nàng cho nên không ai có thể đoán đưọc số phận cuộc giao du của cả hai sẽ có sắc thái gì khác hơn và sẽ kéo dài được bao lâu. Hay tới đây cái thọ mạng nó coi như chấm dứt? Đây là một kết cuộc lửng lơ con cá vàng rất thú vị.
° ° °
° Truyện ngắn Cuối Xuân là câu chuyện thời đại. Mừng và Hà gặp nhau ở  Tiệp-khắc. Cả hai cùng là lao nô, đồng hội đồng thuyền, đồng thanh tương ứng nên yêu nhau. Trong khi đó, Mới, hôn thê của Mừng ở quê nhà vẫn kiên trinh đợi ngày chàng về sẽ kết hôn với mình. Ở khách địa, Mừng bị tai nạn xe cộ, phải nằm nhà thương và khi xuất viẹn được Hà ân cần săn sóc. Sau đó cả hai từ Tiệp chạy sang Tây Đức khi bức tường Bá-linh sụp đổ. Nhưng chánh phủTây Đức phải trả chàng về Việt Nam, còn Hà được ở lại vì có người đàn ông Đức cưới nàng làm vợ. Mừng về quê, tưởng rằng Mới sẽ mừng ở cuộc tái ngộ trùng phùng. Nhưng Mới bảo:
Chị Hà nào đó có viềt thư cho tui! Tui có ý định gặp anh mới nói. Bây giờ tui rút lại lời hứa hẹn của tui lúc truớc ới anh, để anh yên tâm. Chị Hà nói chỉ lấy chồng Đức vì việc riêng của chỉ, nếu hợp chỉ ở, còn không chỉ sẽ xin ly dị. Khi đó chỉ sẽ bảo lãnh anh qua Đức đoàn tụ. Chỉ mong tui nhường anh lại cho chỉ hoặc chờ chỉ vì chỉ thật lòng thương anh, có nhiều kỷ niệm với anh từ lúc hai người còn ở Tiệp lận. Tui thấy giải quyết như vậy là tốt nhất. Đời sống của một người như anh, ở đây rất khổ. Anh biết ở đây, bây giờ mà! Ở Đức còn hơn. Tui quyết định là sẵn sàng hy sinh...
(trang 62)
Mừng có hai người tình tuyệt vời. Cuộc đời dưới mắt Vũ Nam dù có móng vuốt chông gai cũng được cái nhìn nhân hậu của anh chà láng. Truyện thì ngắn, phần kể ruyện hơi lấn lướt phần miêu tả, nhưng đọc đến đâu chúng ta đều ngậm ngùi đến đó. Nhưng trong nỗi dao động se sắt của tâm tư, lòng chúng ta dấy lên khúc hoan rộn ràng niềm tin yêu đối với thế nhân nói chung đói với dân tộc ta nói riêng. 
Những truyện ngắn ở phân đoạn trên lấy bối cảnh ở ngoại quốc. Truyện ngắn Một Đêm Ở Genève lấy bối cảnh ở Thụy-sĩ, còn những truyện ngắn kia lấy bối cảnh tren đất nước Hợp Chúng Quốc như Nam California, Texas, Florida...
Những truyện ngắn còn lại lấy bối cảnh trên đất nước Việt Nam. Nhưng truyện ngắn Cuối Xuân chỉ lồng bối cảnh Việt Nam ở phần cuối, còn các phần đầu lại lấy bối cảnh bên Tây Đức. Tuy nhiên, các bối cảnh nầy không hiện trước mắt độc giả bằng những nét tạo hình. Nó chỉ được nhắc nhở ở một vài câu sơ sài. Tác giả chỉ lo săn sóc cốt truyện tình sao cho ướt át tâm sự, sao cho tâm hồn nhân vật thêm cao thượng nên anh hơi rẻ rúng phần miêu tả. Khi Mừng hồi hương về nơi chôn nhau cắt rún, tác giả cũng không nói rõ ở địa danh nào. 
Xin cùng đọc đêm Mừng và Hà từ biệt nhau, cùng ngắm những nét tạo hình trên bức tranh vẽ bãi đất trống, nơi hẹn hò của cặp tình nhân ấy. Bức tranh được diễn tả bằng lối phác thảo nguệch ngoặc nhưng vẫn ghi sâu vào ấn tượng người đọc vì trong cảnh có tình, trong tình có lồng bối cảnh:
...Tuyết trắng xóa còn đọng cả khu vực. Xa xa đám trẻ nhỏ Đức đang ồn ào với trò chơi trượt tuyết. Nhưng nơi hai người đang đứng thật yên tĩnh và lạnh. Mừng nắm tay dẫn Hà vào nơi căn nhà gỗ nhỏ nơi để trẻ em trốn những cơn mưa bất thần. Lúc đầu anh chỉ nghĩ nơi này kín đáo, dễ dàng cho hai người tâm sự, nhưng khi vừa vào trong lều, như có sức mạnh vô hình nào thật mãnh liệt lôi kéo anh sa ngay vào thân thể Hà. Anh để nụ hôn dài trên môi cô. Anh hồ đồ ham muốn vì anh biết anh không còn dịp nào nữa để gặp Hà khi cảnh sát Đức đến trại chở anh đi ra phi trường trong ngày mai như họ đã gửi giấy hẹn. Hà đứng yên chấp nhận nụ hôn thật bình thản, y như chấp nhận cuộc hôn nhân mới trong nay mai khi Mừng rời khỏi đất nước đầy sương tuyết này để trở về vùng nắng ấm.
Rời căn nhà gỗ, đêm ấy hai người cứ đi lang thang ngoài đường dù trời đang lạnh cắt da. Đi để mà đi chớ không có mục tiêu. Gặp một chòi tranh trong vườn ai họ ngừng lại vào trong, rồi ôm nhau hôn hít, trò chuyện. Sau đó hai người lại tiếp tục đi trên những bờ ruộng. Càng xa đường xe chạy càng tốt. Gặp những cuộn rơm, mặc dù chung quanh đóng đầy tuyết, họ cũng ban sạch tuyết rồi ngồi xuống dựa vào, lại tiếp tục hôn hít, trò chuyện. Cảm giác họ như là trời không bao giờ sáng, mặt rời sẽ không lên, và đêm sẽ xuyên suốt. Trong đêm, những âm thanh từ xa thỉnh thoảng vọng về nhưng vẫn không kéo được hai người về thực tại phũ phàng của ngày mai đang chờ đón.
(các trang 60, 61) 
° Truyện ngắn Gánh Chè Ngày Cuối Năm nói lên tấm lòng lưu luyến của  người tình cũ. Thoa là cô gái thuộc giai cấp bình dân, tuy muốn thành đào hát cải lương, nhưng vì không có tiền trả học phí cho lớp đào tạo ca cổ nhạc nên chị đành dẹp mộng đẹp qua một bên, cam phận bán chè độ nhật. Thoa và Liêu yêu nhau. Trước ngày 30/4/1975 vài hôm, Liêu rủ Thoa vượt biên. Nhưng Thoa từ chối.
Liêu đã chạy đi Mỹ vào ngày hai mươi tám tháng tư năm bảy mươi lăm. Ngày đó anh có rủ chị nhưng chị nào có chịu đi. Đã cưới hỏi gì đâu mà theo trai nhu vậy, ông bà già la chết. Bác Sáu cũng biết việc của chị và con trai bác, nên sau ngày đó mỗi khi gặp mặt, chị và bác chào hỏi bình hường, nhưng đặc biệt chị chưa bao giờ hỏi tin túc gì về Liêu, con của bác. Chị coi đó là chuyện của quá khứ.
(các trang 79, 80)
Nhưng rồi sau 20 năm xa đất nước, Liêu về quê nhà thăm mẹ, đem cả vợ con theo để ăn một cái Tết đoàn viên. Thoa bán chè đi ngang qua nhà bác Sáu. Vợ chồng và con cái Liêu kêu mua chè. Thoa không nghĩ ngợi xa xôi gì hơn là bán chè, không buồn tiếc vì để lỡ cơ hội theo Liêu sang Mỹ và để được làm vợ Liêu. Nhưng Liêu lựa lúc vợ vắng mặt, tăng 100 Mỹ kim cho Thoa. 
Năm sau Liêu không về xóm cũ ăn Tết, nhưng anh không quên người tình đầu của mình. Cũng vào ngày cuối năm, Thoa gánh chè ngang qua nhà bác Sáu, vẫn không nghe có tiếng ai gọi mua.
Thế là cái hy vọng của chị đành tieu tan theo mây khói! Chị lại cảm thấy mắc cỡ. Nghèo mà ham! Chị tiếp tục gánh chè đi, đành bỏ nhà bác Sáu lại sau lưng. Thình lình bác Sáu từ trong nhà người hàng xóm kế bên nhào ra chận đường chị lại:
 -- Thoa! Chờ bác một chút! Có cái này cho cháu đây.
Chưa hết giây phút ngạc nhiên, bác Sáu vừa vô nhà lại ra ngay, trên tay có cầm cái bao thơ:
-- Đây, của thằng Liêu gởi cho cháu. Định nhờ người mang qua nhà cháu thì  cháu tới. Thiệp chúc Tết... lại có... Thôi, cháu mở ra rồi sẽ biết. Bác chúc cháu vui vẻ trong năm mới nha. Bác phải vô ngay để mấy bả khỏi chờ. Đánh tứ sắc cho vui trong ba ngày Tết mà cháu.
Gánh chè rời khỏi nhà bác Sáu, lựa một chỗ vắng rồi chị Thoa mới dám đứng lại để mở bao thơ ra coi. Chị hồi hộp quá chừng. Bỗng nhiên chị hoa mắt bởi tờ giấy bạc một trăm Đô mới tinh, được kẹp trong tấm thiệp xuân màu mè xanh đỏ. Bên cạnh một tờ giấy trắng nằm riêng, trong đó có tuồng chữ của Liêu: Trong năm nay anh phải về quê vợ để ăn Tết, ở Sa Đéc lận! Anh có nghe ba má kể về hoàn cảnh của em từ năm ngoái. Vì tình cũ nghĩa xưa, năm nay anh lại gửi tặng em một trăm Đô để ăn Tết. Chúc em năm mới nhiều vui vẻ với chồng con. Anh Liêu. Người tình cũ.
(các trang 83, 84)
Trong truyện Gánh Chè Ngày Cuối Năm, chúng ta cũng không biết nơi ăn chốn ở của cô Thoa tại đâu. Có lẽ đó là chốn thị thành sầm uất kẻ bán người buôn, như thủ đô Sài Gòn hay như tỉnh lỵ nào hoặc như quận lỵ nào đó. 
Chuyện nghĩa cũ tình xưa thường làm cho độc giả ngậm ngùi, man mác, nhất là phải đẹp phải thủ sẵn khăn mù-soa để lau nước mắt. Nhưng nếu tác giả gán cho Thoa cái tâm trạng lưu luyến tình xưa thì câu chuyện rập khuôn với mọi tác phẩm văn chương theo ý tình hai câu ca dao: Tóc mai sợi ngắn sợi dài / Lấy nhau chẳng đặng thương hoài ngàn năm. Đằng này, chị ta chỉ nghĩ tới bán hết nồi chè và được tặng tiền. Cuộc sống thiếu thốn vật chất biến đổi con người có tâm tình gọn gàng đơn giản như thế sao?
Nhân vật Thoa không làm cho độc giả phải tốn công xót xa ai hoài lâu lắc đậm đà. Nhưng chúng ta vẫn buồn bã vì lý do: chế độ xô đẩy dân tộc nghèo đói, nên mài dũa khá nhiều nhân phẩm con người hà huống chi tâm sự, tình cảm của thời yêu đương hoa mộng cũ. Nhân vật Liêu xuất hiện trước gánh chè chỉ nói chuyện với vợ và nháy mắt với Thoa. Nhưng trong khi ăn chè, anh buồn bã xót xa. Thái độ đó cùng bức thư kèm theo tờ giấy 100 Mỹ kim và tấm thiệp xuân cũng đủ giúp độc giả vui vẻ ăn Tết nếu truyện Cuối Xuân này được đăng trên bất cứ tờ đặc san Xuân nào. Qua truyện ấy, Liêu chiếu sáng trong tâm tư độcgiả một người tình tuyệt vời. Nhân vật này xuất hiện thì ít, chỉ được nhắc nhở loáng thoáng đôi ba dòng trong câu chuyện kể, nhưng anh làm cho toàn thể truyện ngắn có không khí nồng nàn ấm cúng như nhang khói đêm giao thừa.
°Truyện ngắn Những Cánh Chim Di lại là câu chuyện tình buồn.Tác giả lấy bối cảnh quận Cai Lậy (thuộc tỉnh Mỹ Tho). Không hiểu có phải là vào năm nào mà nơi đây bắt đầu lột xác, cảnh đồng không mông quạnh đổi thành nơi thị tứ mới.
Xe lại qua những con đường cũ mà ngày xưa vận đã có lần đi qua. Bây giờ đã đuợc sửa sang, rộng hơn và đổi khác. Những ngày xưa, trên con đường này là đồng ruộng và gió chiều man mát, bây giờ đầy ngập cửa nhà, có cả những nhà máy to lớn, chạy ầm ĩ. Đất nước vươn mình và dân số cũng tăng theo dữ dội! Ở cuối đường khác, ngày xưa là những vườn chuối thỉnh thoảng xen lẫn với những cánh rừng chồi, cỏ cây hoang dại, nay cũng đầy những mái nhà. Buổi trưa hè nơi đây vẫn oi nồng, lòng đường vẫn đầy bụi khi có một chiếc xe hơi chạy qua.
(các trang 125, 126)
Tại Cai Lậy này, sau khi đất nước Miền Nam Việt Nam bị bọn giặc cờ đỏ miền Bắc bạo chiếm, Vận theo vợ người Việt gốc Hoa về đây làm vườn. Nhưng vợ anh lại bỏ chồng và hai con (một trai một gái) đi vượt biên theo diện bán chính thức. Anh vẫn an phận gà trống nuôi con, không hề phiền trách vợ. Nhưng rồi, anh lại tự mình đưa mình vào một ngả rẽ mới:
Vận đã ghé thămTính khi nghe tin chuyện chồng vợ nàng gãy đổ. Ban đầu, anh không có ý định hàn gắn một cuộc tình đã qua đi hơn hai mươi năm. Anh chỉ ghé thăm vì nghĩ rằng dẫu thế nào thì Tính cũng là cô gái đã bước vào đời anh với những đêm thao thức vì những giấc chiêm bao đầy hình ảnh của nàng. Lần đến thăm này trong đầu Vận mang ý nghĩ để cám ơn cô gái đã cho anh những giấc ngủ đầy mộng mị nhưng êm đềm của thời mới lớn. Bạn bè nói không sai. Chồng Tính đã đi Mỹ từ tháng tư bảy mươi lăm, để lại cho nàng một đứa con. Mãi đến giờ vẫn không bảo lãnh Tính đoàn tụ, vì thế mà nàng vẫn còn ở một mình nuôi con gái đang học trung học. 
(trang122)
Vậy là bắt đầu một cuộc tình muộn màng giữa hai kẻ cô đơn và bất hạnh trong tình yêu lẫn trong hôn nhân. Tuy nhiên, Vận lại được tin vợ của anh ở nước Pháp muốn bảo lãnh hai con qua Pháp đoàn tụ với nàng. Anh không biết tính sao cho phải. Anh cũng toan hỏi Tính làm vợ, nhưng sau đó thì cuộc diện lại xoay chiều, hoàn cảnh lại lượn qua một khúc quanh khác:
Một tuần sau Vận gọi điện thoại lại nhà Tính. Không gặp Tính, chỉ gặp má nàng. Không biết là ý nghĩ của ai, chỉ biết rằng Vận đã nghe rõ ràng giọng nói từ má Tính:
-- Con Tính nhờ tôi nói với cậu là đừng tìm nó nữa! Nó vừa nhận được tin là  chồng nó sẽ về Việt Nam trong mùa hè tới để bảo lãnh hai mẹ con nó đi Mỹ.Thôi, chào cậu!
Nghe xong Vạn thấy tim mình như ngừng đập, lòng bồi hồi. Nhưng sau ít phút, bình tĩnh lại chàng thấy vậy mà hay. Chàng không từng ao ước cho cuộc đời Tính được tốt đẹp hay sao. Giờ nàng sắp được những điều tốt đẹp tại sao Vận lại không mừng cho nàng. Cuối cùng rồi Vận cũng thấy như đã từng thấy trong bao năm nay, cứ ai sắp có tin được phép rời khỏi đất nước này để ra đi ở luôn ở ngoại quốc thì đó là niềm vui vô cùng vô tận cho họ. Họ sẵn sàng bỏ tất cả những gì còn ở lại nơi đây để chỉ ra đi, huống hồ gì những chuyện tình cảm lăng nhăng nhỏ mọn. Bây giờ thì chính chàng cũng bắt được chiếc chìa khóa để giải quyết vấn đề mình. Chàng sẽ để hai con ra đi đoàn tụ với mẹ chúng, để hai con được hòa mình vào dòng sống bao la đầy niềm vui của nhân loại. Riêng chàng, chàng sẽ sống suốt cuộc đời còn lại của mình trên đất nước này và cố sống vui, vì chàng nghĩ đó chẳng qua là sốphận đã an bài.
(các trang 130, 131)
Nếu chúng ta bắt gặp một anh chàng Vận ích kỷ, nhẹ dạ, dở chịu dựng thì chúng ta không thể an tâm khi đọc xong truyện ngắn này vì chúng ta sẽ lo sợ anh tự tử vì khó kham nhẫn trước số phận bị bỏ rơi của mình. Anh chàng Vận ở đây được lý trí và lòng vị tha soi sáng nên anh sống an phận một cách hồn nhiên, không cố gắng. Độc giả cảm phục anh dù anh có kéo cờ trắng đầu hàng số mệnh khốc liệt trái ngang của anh; nhưng cuộc đầu hàng ở đây không bị người đời cho là yếu hèn nhục nhã mà là một thái độ quên mình để chia sẻ niềm vui của tha nhân.
Cuộc sống gay go bất trắc thường bộc lộ bản năng của hai hạng người. Hạng đầu thì oán trời, trách đất, thù hằn người đời và đôi khi nhúng tay vào tội ác để báo phục cái thua thiệt của mình. Còn hạng sau thì biết tự chế để tìm lối thoát trong hoàn cảnh bế tắc. Và hơn nữa họ đem cái Thiện trị cái Ác ; họ biết vui với cái may mắn của tha nhân. Trong pháp môn Tứ Vô Lượng Tâm của Phật giáo là Từ, Bi, Hỷ, Xả thì họ đạt được cá tâm thứ ba tức là Tâm Hỷ. Họ tìm ra cái hạnh phúc của chính mình trong cái hạnh phúc của kẻ khác để soi sáng lý tưởng của mình. Vận đạt được cái Tâm Hỷ ấy dù tác giả không nói anh có tu theo pháp môn Tứ Vô LượngTâm hay không..
° Truyện ngắn Tình Già nói lên cái đam mê ám ảnh của một nhân vật tên Lân, 55 tuổi, quê làng Nhơn Trạch thuộc thị xã Vinh, hiện đang định cư trên đất nước Hợp Chúng Quốc, và được thành công về phương diện sinh cơ lập nghiệp. Vào thời trẻ trung, khi đi đại tiện ngoài đồng, đuơng sự thường bắt gặp cô thiếu nữ tên Hoàng ngồi phóng uế, quần cô trật ra, phơi bày cái mông trắng nõn. Do đó mà hình ảnh cái mông đẹp kia chiếm một khoảng quá rộng trong tâm tư, trong nội giới ông ta suốt gần nửa chặng đời.
... Năm mươi lăm tuổi qua nhanh như giấc mộng. Lại hơn nửa đời người mà ông Lân vẫn chưa có người hôn phối, quả là việc làm ông càng lo lắng hơn. Mộng không thành ở lứa tuổi thanh xuân đã gậm nhấm những ước mơ để tạo cho mình một đời sống ngừng lại và ổn định. Cộng mối tình thời mới vừa lớn lại dở dang làm ông điêu đứng mấy chục năm.
Ước gì bây giờ xem lại được mông của con Hoàng! Ông nói như rít một mình. Xem mông của con Hoàng thì không có gì thích bằng. Tổ cha chỉ ghét mấy thằng phu đi nhặt cứt làm sao mà sớm thế! Phải ôm đít mà chạy cả lũ. Nhiều buổi sáng chưa được xem gì cả!. Những ngày ỉa đồng xa xưa, và cái mông trắng toát ngày ấy ông Lân lấy làm tiếc còn hơn công danh ông không đạt được trong tuổi đời. Và chắc chắn cái mông cô Hoàng ngày nào bây giờ sẽ không bằng cái mo cau khô của một bà già đang giữ cháu cho đứa con gái đi làm ở làng Nhơn Trạch, Nghệ Tĩnh xa xưa. Ở Mỹ mấy năm mà khi nghĩ về tình yêu thời niên thiếu ông Lân đã không nghĩ gì khác hơn được ngoài những ngày đi ỉa đồng để xem đít con Hoàng’’.
(các trang 167, 168)
Vậy là ông Lân tìm về thăm làng Nhân Trạch. Cảnh vật đổi thay, khác với tình yêu do niềm si mê hóa thân của ông. Ôngchẳng tìm về kỷ niệm nào khác hơn cái mông trắng toát của cô Hoàng. Nó trở thành một hình ảnh da diết thân thương trong tâm tưổng ông; ngoại cảnh của địa danh Nhơn Trạch không dội vào tâm thức ông những dao động gì nhiều. 
Con đường làng ngày xưa rộng thênh thang giờ còn chỉ đủ cho hai người đi song song. Tượng Đức Mẹ ngày đó được cất thành kính trang nghiêm trên vuông đất rộng rãi, giờ mái bếp của nhà ai đã tiếp sát vào lưng người. Chính bức tượng cùng chung gánh vác những biển dâu thay đổi của trần thế! Ngôi trường ngày xưa ông học giờ vẫn còn y nguyên. Vẫn cũ kỹ và không lớn hơn một chút nào, nhưng sao trẻ con đâu mà đông thế? Ngày xưa làng đã không đủ lớp cho bọn học trò như ông để học. Giờ con nít chạy đầy như ong vỡ tổ thì lấy gì mà đàn đúm chữ nghĩa cho nhau đây?...
(trang 170)
Ông Lân gặp lại một bà Hoàng ốm yếu, tay bồng đứa cháu ngoại. Ngoài ra còn một lũ cháu khác, thấy khách túa ra xem. Sau đây là câu chuyện giữa hai người: 
-- Cám ơn Hoàng tôi vẫn mạnh. Trở về lại đây chỉ vì tôi muốn thăm lại  Hoàng! Gần bốn mươi năm còn gì!
Bà Hoàng khóc. Mấy đứa nhỏ đã ra sân giờ nhìn bà ngoại khóc lại tò mò đứng ngay cửa ra vào để nhìn vô hai người. Đứa cháu trên tay thấy bà ngoại khóc nó lấy tay vuốt nước mắt cho bà.
-- Anh được mấy mụn con rồi? Chị nhà đang ở Mỹ? -- Anh vẫn chưa có vợ thì nói gì đến chuyện có con.
--!?
-- Hoàng, tôi muốn hỏi thật Hoàng một câu. Và Hoàng phải trả lời thật với tôi. Đồng ý chứ?
-- Đồng ý.
 -- Ngày xưa tôi yêu Hoàng chắc Hoàng đã biết. Còn Hoàng có yêu tôi không?
-- Có.
-- Thôi như vậy là đủ rồi. Tôi sẽ trở về Mỹ và sẽ... cưới vợ.
-- Tôi cầu chúc cho anh. Cưới xong có dịp anh lại dẫn chị về đây để giới thiệu với tôi và bà con ở trong làng.
(trang 172) 
Nhưng ông Lân về Mỹ lo thủ tục giấy tờ để cưới bà Hoàng, để đem bà qua Mỹ. Câu chuyện cũng khá ly kỳ. Bà Hoàng về làm vợ ông Lân chắc gì đem cái mông trắng phau phau của mình làm của hồi môn. Nhưng ông Lân vẫn yêu bà, vẫn ghi khắc hình ảnh cái mông đẹp năm xưa của bà vào tận chỗ sâu kín của tâm tư mình. Và suốt đời, ông chỉ thờ phụng cái hình ảnh ấy. 
Ngày xưa Lan Khai có viết một truyện ngắn đại khái là anh chàng nọ say mê một cô gái. Nhưng khi thấy cô gái tốc váy tênh hênh để tiểu tiện thì cái hình ảnh toàn diện của cô ta bị cử chỉ phàm tục kia bôi rửa cậu thả khỏi ấn tượng của y ta. Hình ảnh đẹp đẽ của cô ta trở nên nham nhở, lem luốc. Trái lại, trong truyện ngắn Tàn Cơn Mộng Ảo, đại thi hào Rabindranath Tagore viết về một nàng công chúa của vương quốc Hồi Giáo bên xứ Ấn Độ đã chứng kiến một vi sa-môn thuộc Bà-la-môn giáo mỗi sáng đọc kinh và trầm tư bên bờ sông Hằng rồi tắm trong nước con sông thiêng kia. Nàng si mê chàng, đeo đuổi theo chàng trong cuộc chiến giữa hai đạo Bà-la-môn và Hồi Giáo cho tới khi nàng già nua phai úa dung nhan, còn chàng thì nghèo nàn yếu đuối già khụ và đã có cháu nội rồi. Vậy thì một hình ảnh nào đó tuy tầm thường hoặc thô tục mà vẫn có thể khuấy động một cái mãnh liệt sâu xa trong nội giới của người ngắm hay ngưòi bất chợt thấy được. Riêng ở truyện Tình Già, nhà văn Vũ Nam kết luận:
Hóa ra đôi khi những kỷ niệm thật nhỏ nhặt vẫn có thể làm cho một người nào đó nhớ hoài đến gần như đổi cả một đời người chỉ đổi lấy những điều nhỏ nhặt như thế. Nhưng hề gì. Chẳng ai là không thương cảm cho tấm lòng thủy chung như nhất.
(trang 173) 
° ° °