Lời bạt

    
rong tất cả các sách lịch sử, giáo khoa giảng dạy về Lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945 của Việt Nam đều đã có viết về cuộc đảo chính ngày 9-3-1945 của phát xít Nhật lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương nhằm tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược Đại Đông Á của chúng. Tuy nhiên, có thể nói, do khuôn khổ của sách ấy, sự kiện này viết còn khái quát chưa được cụ thể lắm.
Bác sĩ Ngô văn Quỹ nghề nghiệp chủ yếu là “cứu nhân độ thế” được nhiều người biết tiếng, lại rất say sưa về khoa học lịch sử, đã để nhiều thời gian, đọc hàng chục nghìn trang sách báo của trong nước, ngoài nước, nhất là các sách, báo của các tác giả người Pháp, để dựng lại “bức tranh lịch sử” của những ngày trước, trong và sau sự kiện này một cách khá chi tiết, sinh động, thật là bổ ích đối với nhiều bạn đọc, nhất là cho các bạn trẻ đang tìm hiểu các sự kiện cần biết của lịch sử cách mạng nước ta. Có thể nói, ở nước ta đây là công trình đầu tiên trình bày rõ ràng, tương đối đầy đủ về sự kiện này. Tôi là người được bác sĩ Ngô văn Quỹ cho xem trước, tôi rất hứng thú khi đọc, tôi xin trân trọng giới thiệu với các bạn đọc của Nhà xuất bản Trẻ.
Những năm 1960-1970, tôi được Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng trực thuộc Ban chấp hành Trung ương giao cho viết cuốn Lịch sử Cách mạng tháng Tám (1945) do đồng chí Trường Chinh làm Trưởng ban, trực tiếp chỉ đạo biên soạn. Do đó, tôi đã được trực tiếp nghe đồng chí Trường Chinh, thời kỳ đó làm Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương, kể về sự kiện này như sau:
Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào chiếm đóng Đông Dương, Nhật chưa lật đổ ngay chính quyền cai trị của Pháp ở Đông Dương, mà thông qua Pháp bóc lột nhân dân ta. Nhân dân ta sống dưới ách một cổ hai tròng, rất cực khổ. Đồng thời, mâu thuẫn giữa hai tên cùng thống trị Đông Dương ngày càng diễn ra gay gắt. Trung ương Đảng thường xuyên theo dõi mối quan hệ giữa hai tên phát xít Nhật và thực dân Pháp, dự đoán trước Nhật, Pháp thế nào cũng sẽ bắn nhau. Trên báo của Đảng đã có nhiều bài báo viết về dự đoán này. Đặc biệt trên báo Cờ Giải Phóng số 7, ra ngày 27 tháng 9 năm 1944 (tức là trước sự kiện đảo chính của Nhật khoảng nửa năm) trong bài Cái nhọt bọc sẽ phải vỡ mủ, Trung ương Đảng nhận định rằng, nếu Nhật và Pháp tạm hòa hoãn với nhau, thì “sự hòa hoãn này có khác chi một cái nhọt bọc, chứa chất bên trong bao nhiêu vi trùng và máu mủ, chỉ chờ dịp chín mõm là vỡ tung ra... Cả hai quân thù Nhật và Pháp đều đang sửa soạn tiến tới chỗ tao sống mày chết, quyết liệt cùng nhau”.
Đầu tháng 3-1945, tại cơ quan đóng ở thôn Phú Gia (gần Chèm bây giờ thuộc Hà Nội) Ban Thường vụ Trung ương liên tiếp nhận được mấy tin từ nội thành báo ra.
Tin thứ nhất cho biết binh lính Nhật được phát mỗi tên mười ngày lương khô. Chúng bị giữ luôn trong trại, không cho ra phố, để chuẩn bị chiến đấu.
Tin thứ hai qua lời của một công chức người Việt làm cho Pháp, kể lại cho cán bộ của ta, Trung ương Đảng được biết “tên Toàn quyền Đông Dương Decoux bị tên Cao ủy Nhật gọi vào Sài Gòn đưa ra một số điều kiện rất ngặt nghèo bắt Pháp phải theo. Decoux tỏ thái độ chần chừ, yêu cầu tên Cao ủy Nhật chờ nó xin chỉ thị của chính phủ Pháp ở Paris. Tên Cao ủy Nhật không nghe, hiện tình Decoux đang bị Nhật khống chế”.
Khớp các nguồn tin lại và dựa trên cơ sở phân tích tình hình mâu thuẫn Nhật, Pháp từ trước, nhất là gần đây, Nhật đang liên tiếp bị thua trên các mặt trận ở Thái Bình Dương, Mỹ đang ráo riết chuẩn bị cho quân đổ bộ lên đất Nhật, nước Pháp đã được giải phóng khỏi phát xít Đức, đang có những hoạt động muốn dựa vào Đồng Minh Mỹ, Anh, tổ chức lực lượng chống Nhật, đồng chí Trường Chinh nhận định: Nhật sắp lật Pháp đến nơi và ngày 8-3 lập tức cho giao thông chạy “hỏa tốc” triệu tập hội nghị Ban Thường vụ Trung ương mở rộng vào ngay tối 9 tháng 3 năm 1945 ở Đồng Kỵ, thuộc phủ Từ Sơn, Bắc Ninh.
Lúc đó, tình hình rất khẩn trương, Bác Hồ đang còn ở Trung Quốc, đồng chí Hoàng Quốc Việt, ủy viên Ban Thường vụ Trung ương, với danh nghĩa đại biểu Tổng bộ Việt Minh theo lời mời của Tưởng Giới Thạch, cũng đang ở Quảng Tây họp với đại biểu Quốc Dân Đảng Trung Quốc để bàn việc cách mạng Việt Nam giúp đỡ quân Trung Quốc vào Việt Nam đánh Nhật. Các đồng chí Trung ương phần lớn đang công tác ở biên giới Việt­Trung. Do đó, không thể họp toàn Ban chấp hành Trung ương mà chỉ họp được Ban Thường vụ Trung ương mở rộng.
Nơi được chọn làm địa điểm họp là chùa Đồng Kỵ, cách ga Từ Sơn khoảng 2 kilômét. Sư cụ chùa này là Đại đức Phạm Thông Hòa, trông coi cả chùa Lã, chùa Dận (nơi Lý Công Uẩn làm tiểu ở lúc còn bé). Sư cụ được đồng chí Trường Chinh trực tiếp giác ngộ từ năm 1940, chùa trở thành cơ sở để thỉnh thoảng Thường vụ Trung ương gặp nhau họp bàn.
Chập tối, mọi nhà vừa lên đèn, thì các đồng chí vào ngôi nhà ngang, cạnh nhà Tổ, chuẩn bị họp. Cuộc họp bắt đầu, đồng chí Tổng Bí thư tuyên bố lý do:
- Thường vụ Trung ương đã nhận được tin giặc Nhật - Pháp sắp bắn nhau, cho nên triệu tập các đồng chí về đây họp.
Vừa mới nói được như thế, bỗng có tiếng chó sủa ran, tiếp đó tiếng gõ cửa dồn dập. Sư cụ cho chú tiểu ra mở cổng, thì thấy có hai bóng người, tay chiếu đèn pin, bước vào. Sư cụ vội chạy ra cất to tiếng chào thầy Phó, thầy Trương để báo động. Các đồng chí biết ngay có Phó lý, Trương tuần đến lục soát. Theo kế hoạch đã định trước, tất cả thu xếp giày, dép, khăn, áo... rồi vội vượt qua hàng rào cây sau chùa, chiếu theo hướng Nam, đi sang phía làng Đình Bảng là địa điểm họp dự bị, cách chùa Đồng Kỵ khoảng hơn ba kilômét.
Sau này, Sư cụ kể lại cho đồng chí Trường Chinh nghe chuyện hôm đó như sau: Khi tôi thấy tiếng gõ cửa, tôi sai chú tiểu ra mở, nhưng tôi bước theo luôn. Vừa trông thấy Phó lý và Trương tuần tôi vội lên tiếng báo động:
- Chào thầy Phó, thầy Trương, mời hai thầy vào chơi. Các thầy có việc gì ra chùa đấy?
Phó lý hỏi:
- Nhà chùa hôm nay có việc gì mà đông khách thế?
Tôi trả lời:
- Có gì đâu, mấy ông thợ sơn đến tô tượng cho nhà chùa. Hôm nay các ông ấy đến tính tiền đấy.
- Thế bây giờ các ông ấy đâu rồi? - Tên Phó lý hỏi ngay.
Tôi chậm rãi trả lời:
- Các ông ấy ăn cơm xông và đi rồi.
Trả lời chúng nó thế nhưng tôi rất hồi họp. Tôi biết thế nào các ông cũng bỏ đi rồi, tôi biết các ông lắm, biết từ lâu rồi.
Hai tên hỏi xông đi ngay vào nhà ngang. Tôi vẫn lo, không biết các ông có bỏ quên cái gì chăng. Tên Phó lý bấm đèn pin soi khắp nhà, chẳng thấy gì. Tôi mừng quá...
Khi các đồng chí ra tới cánh đồng làng rừng Sặt, đối mặt bên kia là địa phận làng Đình Bảng, thì nghe thấy tiếng súng nổ ở phía Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh liền nói một cách khẳng định:
- Nhật - Pháp bắn nhau rồi anh em ơi!
Thế là đúng vào lúc Nhật nổ súng lật Pháp ở Hà Nội và trên toàn Đông Dương thì cũng chính là lúc cuộc Hội nghị Ban thường vụ Trung ương Đảng bắt đầu. Hội nghị đã họp trong ba ngày, từ ngày 9 đến ngày 12-3-1945. Ngay sau đó đã ban hành bản chỉ thị nổi tiếng Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, mà bác sĩ Ngô văn Quỹ đã trích dẫn trong cuốn sách đang có trong tay các bạn.
Hội nghị đã phân tích những nguyên nhân của cuộc đảo chính, thấy trước Pháp sẽ nhất định thất bại. Sau cuộc đảo chính, Nhật là kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể của trước mắt, duy nhất của nhân dân ta. Phát xít Nhật nắm quyền cai trị nước ta, nhưng chúng đang đứng trước tình hình khủng hoảng chính trị sấu sắc, không rảnh tay đối phó với cách mạng; nạn đói ghê gớm đang diễn ra, quần chúng oán ghét bọn cướp nước và chiến tranh đã đến giai đoạn quyết liệt. Đó là những cơ hội rất tốt giúp cho cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta đi tới chín muồi nhanh chóng.
Hội nghị nêu ra những tình huống ta có thể phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân, trong đó nói rõ nếu Nhật bại trận, quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần thì khi ấy dù quân Đồng Minh chưa đổ bộ vào Đông Dương, cuộc Tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi.
Những tư tưởng chỉ đạo của hội nghị Ban Thường vụ Trung ương đã góp phần quyết định thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám ở thủ đô Hà Nội ngày 19-8-1945 và nhiều nơi, góp phần thúc đẩy cuộc Tổng khởi nghĩa ở cả nước đi đến thắng lợi hoàn toàn, tạo ra cuộc đổi đời vĩ đại cho toàn dân ta, mở ra trang sử mới của đất nước ta.
Tôi xin nói thêm vì sự kiện này, góp phần với sách của bác sĩ Ngô văn Quỹ.

Trần Giang

Nguyên giám đốc cơ quan thường trực các tỉnh phía Nam
Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
Chủ nhiệm công trình khoa học cấp Nhà nước
Lịch sử khởi nghĩa Nam Kỳ

HẾT

Xem Tiếp: ----