- 4 -

    
. Công và tội
Jean Decoux, viên thái thú Pháp cuối cùng của cuộc đô hộ Đông Dương, sinh ở Bordeaux năm 1884, chết ở Paris năm 1963.
Bị Nhật bắt sống trong đêm 9 tháng 3 năm 1945 ở Sài Gòn, quản thúc trong hai tháng ở Dinh Thống soái Nam Kỳ, rồi được chuyển lên trại tập trung ở Lộc Ninh.
Ngày 1 tháng 10 năm 1945, quân Nhật đưa ông lên một chiếc xe tải bít bùng kín mít, lén lút chạy ngang qua Sài Gòn ra sân bay Tân Sơn Nhất, để đi nhờ một chiếc máy bay Anh về nước.
Tới Calcutta, ông ta xin gặp viên cao ủy Thierry d’Argenlieu, nhưng viên này không tiếp và ra lệnh tịch thu tất cả những tài liệu mà ông mang theo, rồi đưa đi quản thúc trong một khách sạn cấm không cho đi ra ngoài, cấm không được tiếp xúc với bất cứ ai.
Về đến Pháp vào ngày 7 tháng 10, vừa trên máy bay bước xuống đất, ông ta bị bắt giam ngay ở sở An ninh quốc gia (Sureté Nationale). Năm lần bảy lượt ông ta năn nỉ xin được gặp tướng Charles de Gaulle, nhưng ông này không trả lời. Mãi đến ngày 14 tháng 10, ông ta mới được De Gaulle bất đắc dĩ lắm phải tiếp tại nhà riêng, vào một ngày chủ nhật, khi đang mệt mỏi sau một chuyến đi rất vất vả từ Bruxelles trở về.
Decoux đã hết sức cay đắng thuật lại cuộc tiếp xúc này. Một cuộc tiếp xúc hết sức lạnh lẽo “một cuộc tiếp xúc băng giá”, như phải thế, giữa một vị “Đứng đầu kháng chiến của nước Pháp” (Le “Premier Résistant de France”), tiếp một viên Toàn quyền tầm thường của cái chế độ đáng khinh ghét Vichy.
Decoux thì vốn người hơi thấp bé, còn De Gaulle thì lại cao lớn quá khổ, đứng sừng sững trấn áp trước mặt - Decoux viết mỉa mai:
“Vâng, ông ta cao lớn, vóc dáng rất cao lớn thật, nhưng để rồi một ngày nào đó, lịch sử sẽ nói ông ta có phải là một người lớn không”.
De Gaulle không bắt tay và để Decoux đứng mãi mới mời ngồi.
“Tôi nghe ông nói đây”.
Thế là Decoux bắt đầu trình bày từ lúc nhận được tin đình chiến ở chính quốc, trình bày về các hành động của Catroux, về những thỏa ước ký với Nhật, về ủy nhiệm của chính phủ Vichy cho ông những đặc quyền, về việc tổ chức cuộc kháng cự ở Đông Dương... vân vân và vân vân. Cuối cùng Decoux thuật lại cuộc chính biến đêm 9 tháng 3, những gì xảy ra trong đêm đó, sau đêm đó... cho đến khi ông ta về nước.
Cuộc trình bày gần như một bản độc thoại. Trong suốt hơn ba tiếng đồng hồ, De Gaulle không nhếch mép, chỉ thỉnh thoảng mới ra hiệu ngắt lời để chỉnh lại một danh từ, một cách nói của Decoux, có đụng chạm đến ông ta.
Lúc đó đã 14 giờ 15. Decoux đã trình bày xong, ngồi đợi. Một lát sau De Gaulle mới nói một cách nghiêm nghị đại ý:
“Ông Đô đốc, tôi đã nghe kỹ những lời tường trình của ông. Ông sẽ phải ra báo cáo trước một tòa án, và ở đó, ông sẽ bảo vệ những lý lẽ của ông. Còn riêng ý kiến cá nhân tôi, thì ông đã phạm phải nhiều sai lầm, mà tôi muốn chỉ ra cho ông thấy”.
Deeoux gồng mình lên, chú ý lắng nghe.
“Một, là việc đình chiến... Phản xạ đầu tiên của ông là đúng, nhưng sau đó, lẽ ra ông phải từ nhiệm, không được nhận trách nhiệm làm Toàn quyền ở Đông Dương nữa mới phải”.
Decoux cãi lại:
“Đang thời chiến, tôi không thể nghĩ đến việc tự làm mất danh dự của mình bằng cách từ bỏ một nhiệm vụ khó khăn và nguy hiểm đã được giao phó. Làm thế sẽ mất ngay thuộc địa của chúng ta, không thể vãn hồi được nữa”.
De Gaulle không có phản ứng gì trước câu trả lời này, vì theo Decoux, quan điểm của ông ta là: “Chỉ những người bỏ nhiệm vụ của mình để đi theo ông ta mới là những người thực sự yêu nước”.
Sang sai lầm thứ hai, De Gaulle nói.
“Lẽ ra, ông không được đợi đến khi giải phóng nước Pháp rồi mới đi theo tôi mà phải đến với tôi ngay từ 1941 kia. Lúc đó đã rõ là ông Thống chế Pétain không thể làm gì được chống quân Đức, vì thế cũng không thể làm gì được chống quân Nhật... Lúc đó chỉ có một mình tôi có thể làm được một việc gì... Lẽ ra ông phải hiểu điều đó chứ. Vì ông không đến với tôi, nên tôi phải kêu gọi những người khác”.
Decoux lại cãi lại:
“Thưa tướng quân, những người phái viên của tướng quân sang Đông Dương, chỉ dám đứng ở vùng biên giới Hoa - Việt, làm mọi cách để lôi kéo các sĩ quan binh lính của tôi đào ngũ, và làm hư những người Pháp dân sự ở Đông Dương, những hoạt động đó có thể gây ra một “trận dịch đi trốn” (une épidémie d’évasions). Thế mà người Nhật thì chỉ chờ có thế để vào thay chúng ta...”.
Decoux nhận xét: “Tướng De Gaulle không nói gì. Tôi có cảm tưởng là đã thắng được một điểm”.
Sang đến sai lầm thứ ba, De Gaulle nói.
“Tại sao ông lại cứ cần luôn luôn, như ông đã làm, ca hát lên những lời tán tụng ông Thống chế, và lúc nào cũng gào lên “Thống chế muôn năm”.”
Decoux kể lại: “Lúc đó đã trưa lắm rồi, tôi cũng không nghĩ rằng phải đáp lại lời chê trách này, vì rõ ràng nó xuất phát từ những mối tư thù có tính cách cá nhân...”
Thế là xong. Decoux lên xe hơi cùng với hai người lính gác, trở về bệnh viện quân y Val de Grâce là nơi ông bị quản thúc trong hơn hai năm.
Năm 1949, Jean Decoux viết lại một ý nghĩ của ông, có thể coi như một nhận định tiên tri khá chính xác:
“Nếu nước Pháp từ bỏ nhiệm vụ của mình ở Đông Dương thì Pháp sẽ vĩnh viễn bị quét khỏi Châu Á, và do đó ra khỏi cả Thái Bình Dương, và có nguy cơ sẽ mất tất cả các vị trí chủ yếu ở Phi Châu. Như thế nước ta sẽ phản bội sứ mệnh của mình, và làm trái với lịch sử của mình. Nước Pháp sẽ không còn là một cường quốc lớn nữa, và đáng bị sa sút như vậy...”.
Bị truy tố với tội danh “âm mưu chống lại sự an ninh của quốc gia” (complot contre la sureté de l’Etat), ông bị đưa ra xét xử tại tòa Thượng thẩm ở Paris.
Tại đây ông đã trình bày chính sách đối ngoại của ông ở Đông Dương, nghĩa là chính sách đối ngoại của Vichy mà ông là đại diện được ủy quyền trong suốt những năm bị Nhật chiếm đóng.
Theo ông thì, đại thể, từ 1940 đến 1944, trong nội địa xứ Đông Dương, chủ quyền của Pháp vẫn nguyên vẹn, không có sự ngăn cản nào. Tất cả những dịch vụ lớn như bưu điện, hải quan, công chính, khai mỏ, giáo dục đều không bị Nhật kiểm soát, vì thế Pháp vẫn bảo tồn được sự chung thủy, sự tin tưởng và sự gắn bó của dân chúng bản xứ, kể cả tầng lớp các trí thức. Sự tuyên truyền của Nhật chống Pháp không có ảnh hưởng gì nhiều.
Về kinh tế thì không được thuận lợi lắm. Vì bắt buộc phải thỏa mãn, không thể từ chối được, những yêu sách của quân đội Nhật, nên trong xứ bị khan hiếm những sản phẩm kim khí và nông nghiệp, gây nên tình trạng giá cả tăng vọt, đời sống của dân bản xứ khó khăn. Thêm nữa sự chi phối của kinh tế Nhật ngày càng gia tăng, những thương nhân Nhật đến ngày càng nhiều, mà nhiều cơ sở kinh doanh buôn bán với nhiều đặc quyền đặc lợi... Điều này chắc chắn sẽ là một nguy cơ chính trị cho tương lai Đông Dương sau này...
Việc quan hệ với Thái Lan, tương đối ổn định. Chỉ có đối với Trung Hoa thì đáng lo hơn, đặc biệt là ở các vùng biên giới... Vì thế, mặc dù Trung Hoa đã cắt quan hệ ngoại giao với Pháp, nhưng Đông Dương vẫn phải giữ những quan hệ tốt với Trung Hoa, và ở trong tư thế sẵn sàng để bảo đảm được vị trí của mình khi chiến tranh kết thúc.
Decoux đặc biệt nêu lên một bức thông điệp, sau này được gọi là “thông điệp của bộ ba” (Message à trois) do ba người ký tên là Decoux, Toàn quyền Đông Dương, Margerie, tham tán sự vụ của Pháp ở Trung Hoa, Cosme, đại sứ Pháp ở Tokyo, và do Cosme bí mật gửi bằng đường qua nước trung lập cho tướng De Gaulle, ngày 31 tháng 8 năm 1944 ở Alger. Hôm đó lại cũng chính là ngày chính phủ lâm thời của De Gaulle từ Alger trở về Pháp, nên bức điện lại được chuyển tới Paris.
Trong nội dung của bức thông điệp, sau khi phác họa lại tình hình chính trị, kinh tế của Đông Dương tương tự như đã nêu ở trên, có trình bày những gợi ý về chính sách đối ngoại nên thực hiện ở xứ này. Đại để có những điểm đáng lưu ý sau đây:
“...Theo ý kiến chúng tôi, sẽ trái với những quyền lợi của Pháp, nếu Pháp có một lập trường không hữu nghị, thậm chí gây chiến tranh đối với Nhật Bản. Ngược lại Pháp và Đông Dương cần phải giữ một lập trường trung lập, nhờ thế chúng ta có thể hy vọng đi tới được ngày kết thúc cuộc xung đột mà không bị thiệt hại gì nhiều lắm...”
“... Cũng trong luồng ý kiến này, sẽ cực kỳ quan trọng là chính phủ mới của Pháp phải ý thức được tất cả sự nguy hiểm của bất cứ một cuộc tấn công nào vào Đông Dương, cuộc tấn công này sẽ lập tức làm nổi lên nguyên tắc của một sự phòng thủ chung, mà chính phủ của Thống chế đã công nhận ngay từ tháng Bảy năm 1941, để đổi lấy sự giữ vùng chủ quyền của Pháp và bảo vệ sự tồn tại của những lực lượng vũ trang của chúng ta ở Đông Dương”.
“... Chúng tôi cho rằng tình hình ở thuộc địa của chúng ta, tự nó sẽ sáng sủa lên sau khi kết thúc cuộc chiến tranh ở Châu Âu, và Nhật Bản sẽ phải tìm cách thương lượng...
Tổng tư lệnh quân đội Ayné cũng đồng ý với những gợi ý này của chúng tôi...”
“... Tóm lại, điều kiện cần và đủ cho chủ quyền Pháp ở Đông Dương và những quyền lợi của Pháp ở Viễn Đông được bảo tồn nguyên vẹn khi kết thúc cuộc xung đột, là chính phủ mới của Pháp phải khuyến cáo các đồng minh đừng có thực hiện bất cứ một cuộc tấn công nào vào Đông Dương, và chính phủ Pháp cũng đừng có một khởi xướng nào về ngoại giao hay quân sự có thể làm cho Nhật nghi ngờ đối với Pháp...”
Kết cục vào năm 1949, tòa Thượng thẩm Paris, ra bản án cho Decoux được hưởng sự miễn tố (non-lieu), có nghĩa là công nhận chính sách đối ngoại trên của Pháp ở Đông Dương và Viễn Đông là không sai lầm.
Nhưng chính sách hòa hoãn này, hay gọi đúng tên của nó là chính sách đầu hàng, trong cái lôgic khắc nghiệt của chiến tranh chống quân phát xít, cũng đâu có ngăn cản được cuộc chính biến 9 tháng 3, đâu có cứu vãn được chủ quyền của Pháp ở Đông Dương, đâu có bảo vệ được những quyền lợi của Pháp ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Lời nhận định của Decoux, viên thái thú cuối cùng của nền đô hộ Pháp, xét ra không phải là không có căn cứ.
(Thời Decoux làm Toàn quyền ở Đông Dương có xảy ra một chuyện đau thương cho gia đình ông là: hồi đó Bảo Đại và Nam Phương đang ở Đà Lạt, vì ghen tuông, Nam Phương đã cầm súng rượt theo Bảo Đại để bắn, hình như bị thương ở chân. Decoux phải cử vợ lên để giàn xếp chuyện, lúc trở về ban đêm thì xe hơi bị tai nạn, và vợ Decoux bị chết. Câu chuyện được ém nhẹm rất kỹ, không lọt ra ngoài...)
9. Những địa ngục trần gian
Tính cho cùng, những thiệt hại về nhân mạng của quân đội Pháp ở Đông Dương trong cuộc chính biến 9 tháng 3 cũng không phải là lớn lắm. Nếu chỉ tính riêng lính da trắng thì chỉ mất 4,5% tổng quân số và 17,6% tổng số quân lính người Âu. Sau đêm 9 tháng 3, tất cả những người còn lại, nếu không thoát được ra ngoài đi theo các toán quân sang đất Trung Hoa, bị Nhật bắt trong nội địa đều là những tù binh, bị dồn đến giam giữ và làm khổ sai trong các trại tập trung. Những người trước đó có hoạt động trong các mạng lưới kháng cự, hoặc bị nghi, bị tố cáo như thế, đều bị tách riêng ra, đưa về giam ở các trại hiến binh Kampêtai của Nhật để khai thác thông tin.
Sở hiến binh là cùng một loại với sở mật thám của Pháp, sở Gestapo của Đức. Nó có nhiệm vụ chính thức là tra hỏi, và một nhiệm vụ không chính thức nhưng lại rất quan trọng là trừng phạt và khủng bố để gây sợ hãi trong dân chúng và cho kẻ thù. Nếu như tra hỏi là cốt để moi cho ra những mạng lưới tổ chức bí mật, tìm hiểu cho được những kháng cự của kẻ địch có thể phương hại đến an ninh của quân đội Nhật, thì còn có thể hiểu được lý do của sự tàn nhẫn mất hết tính người của những cực hình khủng khiếp chúng đã dùng để tra tấn những người chẳng may đã sa vào tay chúng.
Nhưng đây là một sự trỗi dậy của thú tính, lấy việc làm đau đớn xác thịt của người khác làm một thú vui, một sự thỏa mãn những bản năng thấp hèn nhất. Ở đây cũng còn là một ý đồ muốn chà đạp nhân phẩm của con người, muốn trả thù cho những mặc cảm, những căm hờn bị đè nén đã bao đời đối với giống nòi da trắng. Vì thế, có những cuộc tra tấn, những cách hành hạ, những sự tàn ác hoàn toàn vô ích, cốt chỉ để hạ nhục, để báo thù.
Những người đã sống sót trở về từ địa ngục trần gian đó đã kể lại: 17 tiếng đồng hồ liền quỳ trên những phiến gỗ xù xì, trên những đầu gối đã rách nát lở loét, không được động đậy, không được dựa vào nhau, không được nói, không được ngủ, không được cả nhắm mắt... Mỗi ngày ba nắm cơm gạo hẩm, bốn hớp nước, hàng chục người chen chúc như xếp cá ngủ ngay trên đất ẩm ướt, trong những đám mây ruồi muỗi, nồng nặc mùi phân, mùi nước tiểu, dưới những ngọn đèn 500 nến nóng cháy da, cháy thịt thắp suốt ngày đêm... Không lúc nào ngớt tiếng kêu thét của những người bị tra tấn bằng điện, bằng nước, treo ngược hai chân, đánh bằng roi gân bò... Cứ như thế ngày này qua ngày khác, tuần lễ này qua tuần lễ khác, rồi tháng này qua tháng khác, trong một niềm tuyệt vọng thê thảm, chỉ mong được sớm chết... Cho đến cái ngày tháng Tám ấy, tiếng trái bom nguyên tử ở Hiroshima vọng về đến tận đây... Kể cả đối với những người tuy còn sống sót sau ngày ra khỏi trại những cũng sẽ chết sau đó ít lâu, ai cũng chỉ có một ý nghĩ an ủi: ác giả ác báo...
Còn những trại tập trung ở Hòa Bình và ở nhiều nơi khác nữa, thì khỏi cần phải mô tả, chỉ nghe tên của nó được mệnh danh là những “trại chết từ từ” (Les camps de la mort lente) thì cũng đã hiểu sự sống ở đây như thế nào rồi. Cũng lại là một thứ địa ngục trần gian nữa, giữa những núi rừng nguyên thủy bạt ngàn, hàng ngày làm việc khổ sai đến kiệt sức, ăn ba nắm cơm với muối, uống vài hớp nước, quần áo rách tả tơi, hôi thối, muỗi mòng, đĩa vắt, sốt rét, ỉa chảy, kiết lỵ, cả người là những vết thương mưng mủ, nhức buốt... Thế mà chỉ mấy ngày trước, mấy tuần lễ trước đó thôi, họ còn là những người ăn trên ngồi tróc, có người hầu người hạ, bàn ăn trải khăn trắng tinh, thịt cá ê hề, rượu vang, rượu mạnh, nệm êm, chăn ấm, ngày tắm hai lượt, ra đường một bước đã có xe kéo chạy bằng “ngựa - người”... Vì thế, từ cuộc sống đó bỗng rơi xuống cái địa ngục này, đối với họ sẽ khổ hơn gấp năm lần, gấp mười lần, gấp cả trăm lần cũng nên.
Nhưng giữa rừng núi như thế sao không tìm cách trốn đi? Đi trốn ư? Trốn đi đâu? Mà trốn như thế nào? Lính Nhật đông nhung nhúc, canh gác 24 trên 24, ở lán trại, lùng sục trong rừng nơi làm việc chặt cây phá rừng. Lúc nào cũng lăm lăm cây súng cầm lưỡi lê, đạn lên nòng, chỉ có bất kỳ một động tác nào khả nghi là có thể bị bắn chết, đâm chết ngay... Cũng có mấy người đi trốn đó. Nhưng đi được mấy hôm thì bị những người dân Thái bắt đem nộp, để tránh cho chính họ cũng sẽ bị quân Nhật trừng phạt nếu để tù nhân trốn thoát. Số phận của những người bị bắt về được quyết định ngay tức khắc: họ đều bị chém đầu, trước đám tù nhân được tập họp vội vã về để chứng kiến cảnh hành hình này. Có một người trong số đi trốn, tỏ ý kháng cự. Anh ta chưa được chết ngay để còn được “săn sóc” đặc biệt. Đầu tiên là một trận đòn túi bụi bằng những cây gậy cứng. Rồi khi khắp người đã đầy máu me, thì bị trói vào một thân cây, với một mối dây lòng thòng ở cổ, để nếu ngả đầu xuống thì sẽ thít chẹt lại nghẹt thở ngay. Khi anh ta đã gần bất tỉnh nhân sự, chúng đặt anh nằm trên một phiến gỗ ngoài nắng. Anh ta rên xiết cho đến chiều tối, chúng mới đưa ra hành hình. Nhát kiếm đầu tiên chém xả một bên vai, nhất thứ hai xẻ dọc một đường trên lưng, sau đó mới chặt đầu. Tên sĩ quan chỉ huy trại và bọn lính, như điên dại, còn đâm lê, chém nhiều nhát trên xác cho đến nát bấy ra. Những người ở cùng lán với anh, bị phạt vì đã không tố cáo người đi trốn, phải ra đứng nghiêm ngoài nắng từ sáng để chứng kiến đầy đủ cảnh hành hình này...
Đại tá quân nhu Jean J. Bernardini, sống sót từ Hòa Bình trở về đã viết một bài tường thuật dài kể lại tỉ mỉ cuộc sống trong những “trại chết từ từ” và những cuộc hành hình mà ông đã chứng kiến. Sau nhiều năm rồi mà ngòi bút của ông vẫn còn như rung lên vì xúc động và bị ám ảnh bởi những gì đã được tai nghe mắt thấy.
Nhưng qua Bernardini, có một điều mà có lẽ còn ít người biết đến, còn ít sách vở nói đến, còn ít sử gia bình luận đến, kể cả những người dân Pháp, những sách vở Pháp, những nhà sử học Pháp: đó là sự lãnh đạm, hất hủi của nước mẹ Pháp, đối với những người con Pháp đã hy sinh, ngã xuống, đã bị tra tấn cực hình để rồi bệnh hoạn, tàn phế suốt đời, chỉ vì muốn cố níu lại cho chính quốc cái thuộc địa vẫn được coi là hòn ngọc đẹp nhất, quý nhất trong cái chuỗi những sở hữu của đế quốc Pháp. Vì sao vậy? Bernardini cay đắng viết:
“Là nạn nhân thê thảm của những sự điên cuồng giết chóc của những samurai hiện đại, của sự ngu dại của con người, xa làng quê, xa gia đình, họ không hiểu tại sao họ chết và chết cho ai? Họ không biết rằng có một sự nghi ngờ khủng khiếp và vô lý của chính quốc đang đè nặng lên họ. Đối với những đồng bào của họ bị nhiễm phải huyền thoại De Gaulle, thì họ là những người đã cộng tác với Nhật, và mỉa mai cay đắng, họ là những người cộng tác với chính những đao phủ của họ.
Là “những người Pháp 1945” (Les Francais 1945) - và đây mãi mãi là những kỷ niệm đau buồn nhất của chúng tôi - chúng tôi đụng đầu vào một sự không thông cảm hoàn toàn, một sự bất công khó tin nhất, một thái độ thiếu hẳn sự tưởng tượng và hiểu biết. Sau cả một phần tư thế kỷ, cũng không thể hiểu nổi sự đối xử của những người mới đến, đối với những người cũ ở Đông Dương, quân sự hay dân sự. Một số ông sếp, một số người mới được trao cho những quyền hành phù du, những người vừa được “thả dù xuống”, tới Đông Dương với những cảm nghĩ phức tạp, trong đó lẫn lộn ý thức phục thù, sự ác ý, sự hung hăng gay gổ, và cả sự thèm khát địa vị, sự ngứa ngáy muốn được thăng chức.
Ngay hiện nay, khi tôi gợi lại những giờ bi thảm của thời thanh niên trước những người bạn đồng tù cũ, nay đã lên tướng hoặc đã đi làm đại sứ, họ không thể giấu được sự khó chịu bực bội: tại sao lại cứ khuấy mãi lên cái quá khứ đã đi qua rồi ấy.
Như thế là họ đã bán rẻ ký ức về những người mà ta đã để nằm lại đó, trong những rừng rậm Hòa Bình, ở những nghĩa địa mà những “tên thực dân” khốn khổ yên nghỉ, quá xấu xa đến nỗi những ngôi mộ của họ cũng đáng bị cào phẳng đi bởi những sự căm thù mù quáng của những kẻ bè phái, những kẻ ngu dốt, tự trang điểm cho mình bằng những chủ nghĩa, và viện dẫn ra sự giải phóng các dân tộc.
Những nạn nhân khốn khổ của những trại tập trung quốc xã đã từng phải chịu đựng trong một thời gian dài những đau khổ cực kỳ trong phẩm cách làm người của họ, cũng ghê tởm không muốn gợi lại cuộc sống trong các trại đó. Những người sống sót trong các trại tập trung Nhật Bản cũng có một thái độ như vậy. Nhưng cái khác nhau duy nhất là ở chỗ: những người trên thì được tôn vinh với sự thành kính và biết ơn, còn những người dưới thì không được một ai biết đến.
Chúng tôi không tự an ủi mình bằng những ảo tưởng, nhưng chúng tôi chỉ muốn làm cái nhiệm vụ đau buồn là gợi lại sự hy sinh ầm thầm của những người đã ngã xuống lúc ấy ở Đông Dương. Bởi vì đối với những nạn nhân hầu như vô danh đó, không ai nhắc đến họ bao giờ. Họ đã chiến đấu dưới một ngọn cờ Pháp thiếu chữ thập Lorraine (Croix de Lorraine - biểu tượng cờ của De Gaulle). Đó là tội ác của họ”.
“Những người chết “xấu xa” đó, vì họ thuộc về kỷ nguyên thuộc địa, đã phải chịu những đau khổ kéo dài của những trại tập trung và đã ngã xuống chẳng có vinh quang gì. Họ đã phạm một sai lầm không thể tha thứ được là đã không biết đứng vào trong “luồng gió của lịch sử”.”
“Những đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống ở Lạng Sơn, ở Hòa Bình, ở Huế, ở Hà Nội dưới viên đạn, lưỡi kiếm của quân Nhật hay suy kiệt vì bệnh sốt rét, bệnh kiết lỵ, không được ai nói đến, bị mọi người dửng dưng thờ ơ. Họ đã chết quá sớm hay quá muộn. Trong cái sự không thông cảm mênh mông và não lòng này, chỉ còn những người vợ góa, những đứa con côi, và một vài người bạn cùng chiến đấu, cùng bất hạnh nhớ tới họ thôi”.
“Chúng tôi không muốn tự thương xót mình vì những con đường đau khổ chúng tôi đã đi qua, nhưng chúng tôi cũng không mong muốn gì là sự hy sinh vô ích bị vĩnh viễn biến khỏi ký ức của những người ở nước này”.
“Những người bị tù đày ở Hòa Bình cũng không bao giờ được hưởng danh nghĩa chính thức “tù giam và lưu đày”. Người ta nói rằng có những lý lẽ về pháp lý chống lại sự công nhận đó. Hình như thế là không có một mối liên hệ nào giữa sự kháng cự chống kẻ thù và sự giam giữ ở “trại tử thần”.”
Những điều đại tá Bernardini nêu lên trên đây cũng thật dễ hiểu, đâu có ra ngoài cái tâm lý thông thường của một thời hậu chiến. Trong suốt những năm tháng nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, trong khi người dân Pháp ở chính quốc phải sống trong một hoàn cảnh cực kỳ gian khổ, bi thảm thì ở Đông Dương, những người Pháp, vì đi theo chính phủ Vichy, vì đầu hàng Nhật Bản vẫn có một cuộc sống hòa bình, sung túc, tuy là tương đối, nhưng dù sao cũng hơn hẳn chính quốc. Nếu không có cuộc chính biến đêm 9 tháng 3 năm 1945, nếu Nhật Bản thất trận sớm hơn 5, 7 tháng thì chắc chắn những người Pháp ở Đông Dương, đã có thể trải qua cuộc thế chiến thứ hai một cách an toàn, không mất mát, thiệt hại gì. Như vậy làm sao ở chính quốc, người ta có thể thông cảm được, không đánh giá, không so sánh, không coi những con người ở cái thuộc địa xa xôi này là những kẻ trốn trách nhiệm, không dám đấu tranh, chỉ nghĩ đến sự an toàn cho bản thân mình, nên đã cộng tác với kẻ thù, cúc cung phục vụ chúng - dù là bị ép buộc đi nữa bán rẻ cả uy tín và danh dự của Tổ quốc.
Ngay ở Pháp, trong những ngày hậu chiến, người ta đã lập những phiên tòa để xử những người đã cộng tác với quân Đức, mà đứng đầu là Thống chế Pétain của chính phủ Vichy. Dân chúng phẫn nộ đã cạo đầu, gọt tóc của những phụ nữ từng chung chạ với quân Đức, rồi dẫn đi làm nhục trên các đường phố Paris. Chính viên Toàn quyền Decoux và nhiều quan chức cao cấp Pháp khác cũng đã phải ra trước vành móng ngựa của chính quyền và của dư luận quần chúng - để được xét xử về những hành động của mình ở Đông Dương.
Trong cuộc chiến đấu tuyệt vọng ở thuộc địa, không phải lẻ tẻ không có những trường hợp chiến đấu, hy sinh anh dũng, nhưng đâu có đủ để xóa nhòa được cảm tưởng chung của mọi chính sách đầu hàng nhục nhã để được yên thân trước quân thù.
Người dân Pháp ở chính quốc hất hủi, lãnh đạm, thậm chí khinh ghét những “Người Pháp 1945” ở Đông Dương, chính là vì đã lên án chính sách đầu hàng đó.