Phụ lục - 1 -
Vài nét về việc phòng thủ Đông Dương của quân lực Pháp

    
ể từ nửa sau thế kỷ XIX trở đi, sau khi đã thôn tính được ba nước Việt, Miên, Lào, cho đến thế chiến thứ nhất, Pháp tự coi là đã đứng chân được trên bán đảo Đông Dương và chỉ lo giữ vững, củng cố địa vị của mình ở Viễn Đông. Sau thế chiến thứ nhất, Pháp lại ở trong phe thắng trận, nên chủ quyền của Pháp ở Đông Dương lại càng vững vàng, không lo bị một cường quốc nào khác đến giành giật cướp mất thuộc địa của mình.
Vì vậy, với quan điểm đó, việc phòng thủ Đông Dương đối với Pháp chủ yếu chỉ là phòng thủ trong nội địa, chống lại những cuộc khởi nghĩa nổi dậy của nhân dân ba nước vùng lên giành lại độc lập tự do.
Nói chung, so với các cường quốc khác trên thế giới, thì quân đội Pháp được tổ chức, huấn luyện và trang bị theo những quan điểm rất lạc hậu về chiến tranh, của những trường phái cũ, với những điểm phòng thủ cố định, những phòng tuyến vững chắc không thay đổi mà điển hình là phòng tuyến Maginot [1]. Quan điểm này hoàn toàn không đáp ứng được với cuộc chiến tranh hiện đại nên trong thế chiến thứ hai, Pháp đã nhanh chóng gục ngã. Ở chính quốc đã như vậy thì ở Đông Dương, quân đội Pháp lại càng lạc hậu và yếu kém hơn nữa. Nó chỉ có tính cách của một đội quân chiếm đóng, không thể nào đủ sức chống lại một cuộc tấn công từ bên ngoài vào, nhưng lại được bố trí và trang bị cốt chỉ để đàn áp những dân tộc nghèo, yếu của ba nước Đông Dương, bị tước hết võ khí, dồn vào một thế bất lực, không thể nào chống trả được.
Trước một bối cảnh diễn biến phức tạp ở Châu Âu và Viễn Đông, ngày 24 tháng 5 năm 1938, chính phủ Pháp ra sắc lệnh tổ chức một cuộc công trái 40 triệu đồng bạc để lấy tiền dùng vào việc phòng thủ Đông Dương. Vào cuối năm 1939, chính phủ thuộc địa ở Đông Dương cũng cho thành lập một quỹ riêng, gọi là “quỹ vũ trang” bằng cách tăng một số thuế gián thu mỗi năm thu được vào khoảng 10 đến 15 triệu đồng bạc.
Vào tháng 7 năm 1939, kế hoạch phòng thủ Đông Dương được triển khai: tiền công trái dùng để xây dựng mấy sân bay và các doanh trại quân đội. Vịnh Cam Ranh được sửa sang lại, một căn cứ cho tàu ngầm được xây dựng ở Sài Gòn, Vũng Tàu được củng cố, một nhà máy làm đạn được khởi công, một đường bộ song song với đường tàu hỏa đi Vân Nam được bắt đầu xây dựng...
Vấn đề cán bộ là gay go nhất. Vào tháng 9 năm 1939, tất cả các quan chức về nghỉ ở Pháp phải trở lại Đông Dương ngay để giữ các chức vụ sĩ quan và hạ sĩ quan trong đội quân bản xứ sẽ được tuyển mộ và thành lập...
Nhưng vào lúc đó, chương trình này là rất chậm đối với các yêu cầu đã trở nên cấp bách. Vả lại nó cũng không đáp ứng được với những phương tiện tấn công của chiến tranh hiện đại đòi hỏi muốn phòng thủ được Đông Dương là một địa bàn rộng lớn, có một bờ bể dài đến 2.500 cây số, một biên giới dài hàng mấy chục ngàn cây số, thì phải có một lực lượng hải quân và không quân rất mạnh mới đương đầu nổi.
Thế mà vào những năm 40 này, thì thực lực của quân đội Pháp ở Đông Dương có thể tóm tắt được như sau:
Về hải quân chỉ vỏn vẹn có một chiếc tuần dương hạm Lamotte - Picquet, và 4 chiếc tàu hộ tống. Chiếc tuần dương hạm thì được đưa vào hoạt động từ năm 1926, có tốc độ khá, được trang bị 8 khẩu đại bác 155 li nhưng hoàn toàn thiếu sự bảo vệ và dễ bị tấn công. Ngày 12 tháng Giêng năm 1945, nó đã bị một máy bay Mỹ từ một tàu sân bay ở ngoài khơi vào, bổ nhào xuống đánh bom và chìm ngay trên sông Sài Gòn. Hai chiếc tàu hộ tống La Marue và Le Talure là những chiếc tàu chiến nhỏ 575 và 660 tấn, hạ thủy từ năm 1916 và 1919. Chỉ có hai chiếc Dumont d’Urville và Amiral Chamer, 2.000 tấn mỗi chiếc, đóng riêng cho vùng bể nhiệt đới, thì có mới hơn, được hạ thủy vào những năm 1932 và 1933. Toàn bộ hạm đội này tổng cộng chỉ có 12.480 tấn với một thủy thủ đoàn 950 người, 16 khẩu pháo cỡ nòng to hơn 120 li, 10 khẩu nòng bé hơn và 12 quả ngư lôi.
Lực lượng không quân có thể coi gần như một con số không. Tất cả vỏn vẹn có được 4 chiếc phi cơ chiến đấu Morane 406, sau tăng lên được đến 20 chiếc, tốc độ cao nhất chỉ có 450 cây số giờ, đủ xăng bay được 3 giờ, trang bị có 3 súng liên thanh 20 li. Còn thì là những chiếc máy bay đã quá cũ kỹ: 6 chiếc Potez 543, tốc độ 200 cây số giờ dùng để đi thám thính, 4 chiếc Farman 221, bay 200 cây số giờ, mang được 800 ký bom, 40 chiếc Potez 25T02 quá già nua, bay chậm như rùa bò, 100 cây số giờ, làm mồi cho những chiếc máy bay Xiêm tập bắn. Cho đủ bộ, cũng có cả 10 chiếc thủy phi cơ Loire 30 và 6 chiếc máy bay y tế P29.
Còn súng phòng không thì chỉ có ba đội: hai đội liên thanh Oerlikon 20 li và một đội đại bác Nga 76,2 li. Khi máy bay Xiêm đến ném bom, bắn phá giữa ban ngày cũng chịu, không chống trả được, súng phòng không thì quá thiếu, máy bay chiến đấu có bay lên thì cũng bị bắn rụng ngay.
Trên mặt đất, lực lượng lục quân cũng quá yếu: tổng số quân là hơn 90.000 người, trong số đó chỉ có 18.000 người là lính Âu, phải đóng rải ra trên một địa bàn rộng hàng vạn cây số vuông. Trang bị vũ khí thì vừa thiếu, vừa rất lạc hậu. Đạn dược cũng hết sức thiếu, mỗi khẩu đại bác 75 chỉ có 80 viên đạn, đã để lâu ngày không được thay thế. Trọng pháo hoàn toàn không có. Những súng tự động rất thiếu, mẫu mã cũng rất cũ, không thể đối phó được với những súng của Thái Lan, vừa nhiều vừa hiện đại, phát huy được hết hiệu lực trong những rừng rậm ở Cao Miên và Lào. Về xe cơ giới thì không có xe tăng, chỉ có vài xe xích nhỏ (chenillettes) đã quá già nua, không có phụ tùng thay thế.
Địa hình của ba nước Đông Dương lại rất phức tạp, nếu xảy ra chiến tranh thì các chiến trường sẽ ở cách nhau rất xa, trong khi đường sá giao thông và các phương tiện thông tin liên lạc lại rất thiếu sót.
Bao trùm lên tất cả là “một sức ỳ của ban chỉ huy tối cao” (une inertie du Haut - Commandement) bị xơ cứng trong những kinh nghiệm và sự tự mãn chiến thắng dễ dàng chống nhân dân ba nước Đông Dương, chống lại cả những học thuyết mới về chiến tranh. Theo một nhà quân sự Pháp thì “khách quan mà đánh giá, trong giả thuyết ở Đông Dương, nếu bị một sức ép phối họp của Nhật và Xiêm, thì sẽ là một cuộc chiến đấu tuyệt vọng, chắc chắn dẫn đến một thất bại nhanh chóng và nặng nề”.
Chú thích:
[1] Phòng tuyến Moginot là một hệ thống phòng thủ ở Đông bắc nước Pháp, được xây dựng rất tốn công tốn của trong chín năm, từ 1927 đến 1936 mới xong, mang tên của vị Bộ trưởng chiến tranh lúc đó André Maginot là người đã khởi xưởng ra phòng tuyến này. Phòng tuyến đã để hở sườn không bảo vệ biên giới với Bỉ, nên trong cuộc thế chiến thứ hai, nó hoàn toàn vô ích, không có một tác dụng gì đối với đội quân cơ giới hiện đại của Đức quốc xã.